Thứ Tư, 27 tháng 5, 2020

Tuấn, chàng trai nước Việt 4

Tuấn, chàng trai nước Việt 4
CHƯƠNG 31
1926
- Lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh do học sinh tổ chức lén trên núi.
- Các giáo sư diễn tuồng cải lương mừng lễ “Hưng Quốc Khánh niệm“ của Gia Long
- Truyền đơn của “Dân Việt Cách Mạng Ðảng“
- Ðấu khẩu giữa một nhóm Nam Nữ học sinh chống Pháp và một ông Lý trưởng nịnh Pháp.
Mấy tháng sau, tháng 3 năm 1926 tin cụ Phan Chu Trinh tạ thế ở Saigon bay ra khắp nước, mãnh liệt như một làn thuốc súng. Ðám táng của cụ ở Saigon thành ra một đám tang chung cho toàn quốc. Một số học trò Trường Trung học Quy Nhơn nghe tin ấy một buổi tối thứ sáu, do một người từ Saigon đem về. Tức thì đêm ấy một nhóm độ 10 trò rủ nhau đến nhà thầy Ðổng sĩ Bình để hỏi xem tin kia có đúng không, và phải làm thế nào?
Thầy Bình đang gục đầu khóc nức nở trước một hương án, trên đó thầy đã treo một bức ảnh của cụ Phan Chu Trinh đặt một lư trầm khói bay nghi ngút, một bình hương, một cặp đèn nến cháy đỏ bừng, với một bình hoa phượng. Tụi trò Tuấn bỏ cả quốc ngoài hè, đứng vòng tay lễ phép một bên. Nhìn lên ảnh cụ Phan, trò nào cũng rưng rưng nước mắt. Bổng dưng không ai bảo ai, các trò đến qùy sụp xuống hết trước bàn thờ, sau lưng thầy Ðổng sĩ Bình, và khóc cả lên một lượt, ầm ĩ cả nhà.
Sau đó, thầy Bình cho mấy cậu học trò biết rằng chính thầy cũng mới nhận được giây thép báo tin buổi chiều trong lúc thầy đang làm việc trong Toà Sứ. Ðợi mãn giờ làm việc, thầy vội vàng đạp xe máy về nhà thiết hương án để vọng bái cụ .
Hôm ấy là 26 tháng 3, Cụ Phan Chu Trinh tạ thế tại Saigon lúc 9 giờ rưỡi đêm 24.
Gần 2 giờ khuya các trò ra về, mang nặng trong lòng một mối tang chung, và thầm thì với nhau sắp đặt lễ truy điệu cho toàn thể nhà trường.
Lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh do một nhóm học trò trường trung học Quy Nhơn tổ chức lén lút trong đêm thứ Bảy 27-3 và sáng Chủ Nhật 28-3-1926 có thể coi mhư là một chứng dẫn cảm động nhất của lòng yêu nước nhiệt thành của thế hệ thanh niên Việt Nam thời bấy giờ.
Tôi nói : Nhiệt thành, vì lòng sùng bái đối với cụ Phan Chu Trinh xui họ tự động tổ chức lấy, do một nhóm 10 cậu học trò hăng hái vận động từ hai hôm trước và đa số tán thành. Nhưng họ không dám tổ chức công khai trong thành phố.
Nhóm 10 cậu cầm đầu có 5 cậu ở lớp Ðệ Tam niên và năm cậu ở lớp Ðệ Nhị niên, trong đó có các trò Quỳnh, Tố, Thu, Hảo, Tuấn. Trong số 5 anh lớn ở Ðệ Tam niên có anh Trọng, người đeo kính cận thị, cao lớn nhất và học lười nhất, chỉ thích vô Saigon mở tòa báo để mời ông Hồng Tiêu làm chủ bút.
Sau một buổi nhóm âm thầm bí mật ở nhà trọ anh Trọng hồi 7 giờ tối thứ Bảy, mỗi trò phải lập tức chạy đi từng nhà trọ rủ anh em góp tiền và hẹn sáng sớm hôm sau là Chủ Nhật phải đi lên núi Xuân Quang làm lễ. Căn dặn với nhau đi bằng xe máy hay đi bộ như đi chơi thường đừng để người ta chú ý, và không được đi chung đông người. Tiền góp mỗi trò 5 xu, để mua nhang đèn và nếu có thể được thì mỗi trò sẽ đem theo một miếng vải đen để tang .
Ở trong buổi nhóm ra, Tuấn chạy đến nhà trọ của hai cô bạn gái lớp Nhất, Trâm và Anh. Hai cô rất sốt sắng tán thành ngay. Vì giờ đó không thể mua vải ở đâu được. Anh vội vàng đi lấy chiếc áo dài đen còn mới của cô bằng vải trăng đầm và không do dự lấy kéo cắt phăng một cánh tay áo, làm được ba cái băng tang, cho Tuấn một, Trâm một và Anh một. Trâm thì lấy tiền riêng chạy ra phố mua ba thẻ nhang và sáu cây đèn bạch lạp. Trâm và Anh lại bảo nhau sáng sớm trước khi đi bẻ mấy cành hoa phượng để đem cắm trên bàn thờ cụ. Hai cô dặn Tuấn đến đi với hai cô, và đi bộ, đi thật sớm, lúc hừng đông, trước khi mặt trời mọc. Lúc bấy giờ hầu hết phụ nữ ở Trung kỳ và Bắc kỳ đều chưa biết đi xe đạp. Ở Saigon và lục tỉnh cũng chỉ có một số rất ít chị em mới tập đi xe máy đầm. Học trò gái đi học toàn đi bộ, mặc dù nhà trọ ở xa trường.
Tuấn còn chạy đi rủ các bạn khác. Giữa đường gặp Quỳnh, Quỳnh hỏi thật khẻ:
- Mầy rủ được mấy đứa rôì?
Tuấn cũng trả lời rất khẻ:
- Ðược 20 đứa… Còn mầy?
- Tao rủ được 35 thằng lớp Ðệ Nhất niên. Mày có cho bọn học trò con gái biết không?
- Có. Trâm và Anh. Anh xé cánh tay áo dài đen làm cho tao cái băng tang.
- Mày sướng quá vậy . Tao chưa có băng tang. Mày trở lại con Anh, biểu nó làm cho tao một cái được không?
Tuấn gãi đầu:
- Ðược. Ðể tao bảo nó cái băng của tao ra làm đôi, mỗi đứa một nửa.
Theo “chương trình“ - tạm gọi là chương trình, vì sự thực không có chương trình, và chính “ban tổ chức“ cũng không có. Chỉ có anh Trọng và 9 đứa với nhau sơ sài rôì mạnh ai nấy đi cổ động riêng. Theo sự dặn dò với nhau thì lễ truy điệu phải làm ngay lúc mặt trời mới mọc.
Bảo nhau rằng làm lễ truy điệu trên núi Xuân Quang nhưng sự thật Tuấn không biết làm chỗ nào, vì núi Xuân Quang ở phía Bắc trường học Qui-nhơn là một dẫy núi dài. Các trò chỉ biết là đi dọc theo con đường lớn lên miệt nhà quê, rôì đến đấy gặp nhau sẽ liệu.
Tuấn đi với Trâm và Anh, từ lúc gà mới gáy vào khoảng 5 giờ. Thành phố hãy còn ngủ thim thíp. Các anh cu ly kéo xe cũng còn ở nhà ngủ, chưa có một bóng anh nào lảng vảng ở ngoài đường. Trâm và Anh hơi sợ, vì sắp sửa dự vào một việc nguy hiểm. Hai cô học trò lớp Nhất mơí 15 tuổi đã biết gì đâu, tuy là hăng hái, do trò Tuấn xúi giục rủ reng. Hai cô tóc kẹp, đội nón Huế, chân mang quốc, vẫn chưa biết là lén lút như thế này đến dự lễ truy điệu cụ Phan chu Trinh ở một nơi kín đáo trên núi sẽ có hậu quả như thế nào ? Nhưng Trâm và Anh đều hoàn toàn tin tưởng nơi Tuấn, cho nên Tuấn đi giữa, hai cô đi hai bên, kề sát vào nhau như người anh cả 16 tuổi đi với hai cô em gái 15 tuổi, vừa đi vừ thầm thì trò chuyện.
- Anh Tuấn ơi, tụi mình làm lễ đề tang cho cụ Phan chu Trinh, lỡ ông Ðìa-réc-tơ biết, ổng có đuổi không anh?
- Không lẽ đuổi cả trường à?
- Nhưng chắc gì bữa nay có cả trường đi lễ?
- Không có cả trường thì cũng có một nửa. Nội đêm hồi hôm, một mình tôi đi rủ được 30 đứa. Không lẽ còn mấy anh kia không rủ được ba trăm đứa sao?
- Các ông giáo có dự không anh?
- Ai mà dám cho ổng biết
- Lỡ thứ Hai vô học các ông biết thì sao?
- Nếu có chuyện gì, thì tôi với mấy anh kia chịu.
- Không, nói thế chứ các anh bị cái gì, thì tụi em cũng bênh các anh.
Câu chuyện thầm thì đến đậy, xem chừng như nghẹn nơi cổ rôì. Tuấn và Trâm, Anh, đều làm thinh, không ai nói gì nữa.
Ðến đầu làng Xuân Quang đã thấy anh Trọng, Quỳnh, Tố, và 5, 6 trò khác tụ họp nơi chân núi đá. Mấy người này đi xe máy đã đến trước. Anh Trọng và hai trò đi vào một nhà tranh gần núi. Không biết họ nói cách nào mà họ mượn được một cái bàn cũ kỹ, khiêng ra đặt ngay trên bãi cỏ xanh. Mặt trời đã rạng đông, và lần lượt học trò kéo tới, hầu hết là đi xe máy, chở nhau mỗi xe hai ba trò. Cũng có nhiều trò đi bộ . Tuấn lăng xăng với Quỳnh, Hảo và anh Trọng, sắp đặt cho anh em dựng xe máy vào các tảng đá, và kê dọn bàn thờ. Ðầu tiên, trò Quỳnh lấy tấm ảnh cụ Phan Chu Trinh, cắt trong quyển sách "Quân trị chủ nghĩa và Dân trị chủ nghĩa“ của cụ Phan, do một người ở Saigon đem ra bán mấy hôm trước. Tấm ảnh đẹp, gương mặt cụ Phan thật là oai nghiêm. Anh Trọng trở vào túp lều tranh ban nãy, mượn được chiếc bài vị cúng thần thổ địa. Anh em mừng qúa, cười rộ lên. Tuấn và Quỳnh xúm lại lấy cơm nguội trét dán ảnh cụ Phan Chu Trinh lên trên bài vị. Bắt đầu có ảnh cụ Phan đặt trên bàn thờ anh em đã thấy rạo rực trong lòng, và nét mặt người nào người nấy tự nhiên buồn rầu, cảm động. Không ai dám cười giỡn.
Trâm và Anh đưa ra bó hoa phượng. Tuấn chạy vào nhà anh dân quê kia mượn được chiếc bình mẻ đem ra, để cắm hoa. Các bạn khác cũng vào núi bẻ rât nhiều hoa rừng đặt phủ kín bàn thờ.
Nến và hương thắp thật nhiều, chung quanh ảnh cụ Phan khói bay nghi ngút. Anh Trọng lớn hơn hết, có vẻ ngưòi anh cả thật sự, bảo anh em đứng sắp hàng cho có trật tự. Tuấn và Quỳnh đi sắp đặt chỗ, để Trâm và Anh đứng gần bàn thờ, còn học trò trai, cả thảy gần một trăm người mặc toàn áo trắng dài, đứng sắp hàng hai bên.
Mặt trời vừa mọc, chói rực trên mặt biển Quy Nhơn, chiếu những tia vàng trên sườn núi. Gió thổi hiu hiu mát rượi. Cảnh vật chung quanh hoàn toàn yên tỉnh. Chẳng có một người dự vào, trừ hai vợ chồng dân quê và mấy đứa con tò mò đứng ngó nơi sân nhà. Anh Trọng đứng trước bàn thờ, Tuấn một bên, Quỳnh một bên. Thấy anh Trọng qùi xuống. Tuấn và Quỳnh cũng bắt chước quỳ. Anh Trọng móc trong túi ra một tờ giấy để đọc. Ðó là bài văn tế cụ Phan Chu Trinh mà anh soạn lúc nào không ai biết, Tuấn cũng không biết. Giọng anh run run với những câu như:
“… Thưa cụ, chúng con là học trò khờ dại, nhưng nghe tin cụ mất ở Nam kỳ, chúng con cũng đau đớn vô cùng. Chúng con thương khóc cái chết một bậc anh hùng của quốc dân An nam, một bậc đại chí sĩ đã nêu gương ái quốc cho thanh niên chúng con. Trong lúc đồng bào khắp nơi đều khóc cụ, chúng con tụ hợp nơi đây với chút lòng thành, một nén hương, một ngọn nến, chúng con xin vong linh cụ chứng giám cho…”
Anh Trọng đọc chưa hết đã gục đầu xuống khóc. Tuấn và Quỳnh cũng khóc. Rồi tất cả học trò đều khóc.
Lần lượt anh em đến trước bàn thờ cụ, cung kính quỳ xuống lạy. Trâm và Anh khóc nhiều hơn cả. Xong rôì anh Trọng nói:
- Tôi có đem theo đây một vuông vải trăng-đầm đen và cái kéo. Cô Trâm và cô Anh cắt giùm ra làm băng tang cho anh em đeo. Ai có rồi thì lấy ra đeo, để tang cho cụ.
Buổi lễ truy điệu cụ Phan chu Trinh rất giản dị và trọng thể, đã cử hành được hoàn toàn mỹ mãn. Xong kẻ rũ nhau đi chơi núi, một tốp đi về đường Lò Bò, một tốp đi băng đồng cát, còn vài chục trò đi theo đường quan lộ. Trâm và Anh rủ Tuấn cùng về, đi bộ. Nhưng gần đến phố, sợ thiên hạ thấy trai gái đi chung với nhau, Tuấn từ biệt Trâm và Anh, và băng qua động cát, phía sau trường.
Sáng hôm sau, thứ Hai, vào trường học, một số độ chừng sáu bảy chục trò còn đeo băng đen trên cánh tay. Mấy trò khác cất băng ở nhà không dám đeo đến trường.
9 giờ, học trò lớp Tuấn đang ngồi nghe Ông giáo sư An nam giảng Vật lý học, thì anh cai trường xuống, cầm một tấm giấy nhỏ đưa ông giáo sư. Ông trố nhìn giấy, nét mặt nghiêm khắc, gọi:
- Tuấn!. Quỳnh!, Thu!, Hảo! A la Direction!
Bốn trò tái mặt, đứng dậy ra đi. Cả lớp đều tỏ vẻ lo sợ.
Ðến văn phòng, ông Tổng Giám thị đưa bốn người vào gặp ông Ðìa-réc-tơ.
Tụi này cúi đầu chào. Ông Daydier, với nét mặt hầm hầm hỏi Tuấn:
- Mày để tang cho ai đấy?
Trò Tuấn ấp úng trả lời:
- Dạ… thưa… tôi để tang cho Ông nội tôi.
Ông Daydier trợn mắt:
- Ông nội mầy đã chết hai chục năm rôì, bây giờ mầy mới để tang hả?
Tức thì ông Daydier đánh vào má Tuấn một tát tay. Tuấn nghe một tiếng “Pâng !“ kinh khủng ! Tuấn xiểng liểng, muốn té xỉu luôn.
Rồi ông quay lại trò Quỳnh:
- Còn mầy?
Quỳnh chưa trả lời, cũng bị ông tát một tát kinh hồn. Hảo, Thu đều bị như thế. Xong, ông đuổi bốn đứa về lớp, không nói thêm một câu.
Bốn đứa lặng lẽ đi về lớp thì giữa hành lang gặp người cai trường và ba anh nữa ở lớp Ðệ Tam niên xuống văn phòng. Tuấn chỉ cho anh Trọng cái vết tát tay còn đỏ bừng trên má trò, và khẻ bảo:
- 36 ngón nến!
Trông nét mặt anh Trọng y người tù sắp sửa lên máy chém.
Học trò xầm xì hỏi nhau:
- Không biết đứa nào mét với ông Ðốc? Nếu không có thằng chó nào làm “ráp bo“ cho ổng, thì làm sao ổng gọi đúng tên tất cả mấy đứa bày đầu.
Người tức giận nhất là anh Trọng. Anh này từ trước đến giờ vẫn hiu hiu tự đắc là người có cái xác cao lớn nhất trong trường, học Ðệ Tam niên cũng lại là lớp cao nhất, với đôi kính cận thị ra vẻ đạo mạo tiên sinh, thế mà bây giờ bị ông Ðìa đánh ba bạt tay nổ đom đóm, làm anh mất hết thể diện với lũ học trò em út. Ðâý là anh nghĩ thế, nhưng sự thật thì học trò cả trường đều thương anh, chớ có đứa nào khinh khi hay chế nhạo anh đâu.
Nói cho đúng, tất cả mấy trò bị ông Ðốc Daydier đánh tát tay đều không có oán giận ông Ðốc, vì học trò thời bấy giờ vẫn còn theo lễ giáo ngày xưa, kính trọng thầy, và sợ thầy, không dám hỗn xược, không dám phản đối…
Mình sùng bái cụ Phan Chu Trinh, thì lòng mình cứ sùng bái cụ, nhưng không phải vì thế mà mình oán thù ông Ðốc trường, mặc dầu bị ông đánh chảy máu răng. Anh Trọng lý luận rằng mình làm lễ truy điệu và để tang nhà cách mạng Phan Chu Trinh là một việc hãy còn làm lén lút riêng trong đám học trò, chứ đồng bào trong thành phố có ai dám đề xướng ra lễ truy điệu đâu? Ðến cả thầy Ðổng sĩ Bình cũng chỉ lập bàn thờ riêng trong nhà để thờ cụ và khóc lạy cụ một mình.
Nhưng anh Trọng cũng như mấy trò kia tức giận là tức giận cái thằng bạn chó má nào đã đi mét với ông Ðốc vụ lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh? Anh Trọng, trò Quỳnh, trò Tuấn, trò Hảo, trò Thu đều nghi cho trò Thức và trò Trâm. Nghi cho trò Thức ở Ðệ Tam niên vì thường nhật trò này được ông Ðìa thương nhất. Nghi trò Trâm vì trò này giỏi toán nhất lớp Ðệ Nhị niên, thường được ông giáo sư toán là Gabriel cưng nhất, Gabriel là ông giáo đã chửi Tuấn một câu: ”An-na-mít là giống người bẩn thỉu, giống mọi rợ".
Hôm lễ truy điệu, Thức và Trâm đều không có đi dự lễ. Ðấy chỉ là điều nghi ngờ, có thể là nghi oan cho hai người bạn vô tội, nhưng từ hôm đó cả trường đều ghét Thức và Trâm.
Cho đến các em lớp nhỏ ở lớp Tư lớp Năm, cũng chỉ trỏ hai người kai mà nói xầm xì với nhau: ”Hai cái anh lớn đó vậy mà làm điềm chỉ cho ông Ðốc, mầy ơi“.
Buổi sáng, mấy trò đeo băng đen trên mũ và nơi cánh tay đã bị Ông đìa tát tay cho trò nào trò nấy xiểng liểng, thì buổi chiều không còn trò nào dám đeo băng đen nữa. Tội nghiệp cho trò Lý ở lớp Ðệ Nhất niên để tang thật sự cho mẹ đã hơn một năm, từ hôm đó đi học cũng không dám đeo băng tang cho mẹ nữa.
Thái độ mấy ông giáo sư An nam, đối với cái tang cụ Phan Chu Trinh, thì hoàn toàn lãnh đạm, cũng như hầu hết các thầy thông, thầy phán làm việc ở các tòa và các sở nhà nước . Ðại đa số dân chúng trong thành phố đều sung bái cụ Phan Chu Trinh và cụ Phan Bội Châu, nhưng họ sợ tù tội, không dám thổ lộ công khai. Sau khi nghe vụ học trò làm lễ truy điệu cụ Phan Tây Hồ ở trên núi Xuân Quang, nhiều người chủ tiệm buôn trách móc: "Sao mấy trò không cho tui biết với, để tui gởi nhang đèn bánh trái lên cúng Cụ?". Ðaị khái dư luận dân chúng trong thành phố đều hoan nghênh vụ học trò làm lễ truy điệu cụ Phan, mặc dầu sự hoan nghênh ấy đã muộn.
Trò Tuấn cất cái băng tang trong va li để làm kỷ niệm, mãí 10 năm sau vẫn còn.
Trong lúc ở Qui-nhơn, học trò tự động làm lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh lén lút ở trên núi, thì ở nhiều nơi khác lễ truy điệu được tổ chức công khai, như ở Saigon, Ðà Nẵng, Hà Nội. Ðặc biệt ở Saigon là nơi cụ Phan Chu Trinh chết, đám tang của cụ đã thành ra Quốc Táng của người An nam, trước cặp mắt thù ghét của người Pháp.
Cụ Phan mệnh chung tại một căn nhà đường Lagrandière (đường Gia Long bây giờ) và đám tang của cụ do một Ủy ban tổ chức gồm những nhân vật trí thức có tên tuổi, được dân chúng tín nhiệm. Hầu hết những nhân vật ấy, Trạng sư, Kỹ sư, Giáo sư, Ký giả, lúc bình nhật đều có thành tích hoạt động chính trị công khai, vì Saigon là nhượng địa của Pháp theo chế độ tự do của Pháp. Tuy thế, thanh niên và nam sinh và nữ sinh các học đường, chỉ tham gia một phần nào thôi, dưới sự dẩn dắt của người lớn. Ở đây, mọi việc đều có các giới trí thức lo liệu, thanh niên không có tự động tổ chức như ở các tỉnh Trung kỳ và ở Bắc kỳ.
Lớp trẻ hăng hái hoạt động cách mạng ở Saigon trong lúc này như Nguyễn An Ninh, Trương Cao Ðộng, Phan Văn Hùm, Diệp Văn Kỳ, v.v… và vài năm sau có Vũ Đình Duy, Cao văn Chánh… Tuy nói là thanh niên nhưng đã đều xấp xỉ hoặc trên 30 tuổi, và hầu hết là những trí thức đã thi đỗ Tú tài, Cử nhân ở các đại học Pháp. Các lớp trẻ gọi là học trò từ Trung học trở xuống hãy còn là những con chiên hiền lành, ngoan ngoãn, chưa có ý thức rõ rệt về cách mạng, hay là theo đúng danh từ thông dụng lúc bấy giờ, là “quốc sự". Năm 1925-26, hai chữ “cách mạng " chưa được phổ biến trong đại chúng.
Ở Trung kỳ, lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh được tổ chức công khai ở Tourane, nay gọi là Ðà Nẵng. Thành phố này cũng là nhượng địa của Pháp, theo chế độ đặc biệt của Pháp, được phần tự do hơn. Ủy ban tổ chức ở đây do một nhóm nhân sĩ Nho học và Tây học, phần nhiều là bạn đồng chí của Cụ Phan tây Hồ, quê quán ở Quảng Nam.
Nam nữ học sinh đại diện hai trường Quốc học và Ðồng Khánh ở tận Huế đi xe lửa vào Tourane để dự lễ, vì chính ở Huế, kinh đô của nhà Vua, lễ truy điệu bị cấm.
Ai cũng biết rằng cụ Phan Chu Trinh là kẻ thù số 1 của Vua Khải Ðịnh, hay là nói ngược lại, vua Khải Ðịnh là kẻ thù số 1 của nhà cách mạng Phan Chu Trinh. Khải Ðịnh đã chết (tháng 11-1925), trước cụ Phan mấy tháng (tháng3-1926), nhưng cái chết của Khải Ðịnh, ngoài đám tang theo nghi lễ rầm rộ của triều đình Huế, không được dân chúng, và thanh niên thương tiếc và chú ý đến.
Cụ Sào Nam Phan Bội Châu đã được về an-trí ở Huế nhưng cụ chỉ đánh giây thép và gửi câu đối vào Saigon để phúng điếu cụ Phan Tây Hồ, chứ cụ không được tòa Khâm sứ Huế cho phép vào Saigon đưa đám cụ. Cụ Phan Bội Châu cũng không được vào Tourane để chủ lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh, tuy nhượng địa Pháp chỉ cách kinh đô Huế 100 cây số.
Ban tổ chức truy điệu cụ Phan Tây Hồ ở Tourane lại còn quyên được một số tiền của các đồng chí địa phương để xây cất một nhà thờ cụ Phan ở đường Verdun.
Ở Hà nội, lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh được tổ chức tại Ðền Hai Bà Trưng, ở ngoại ô thành phố khoảng cuối đường Armand Rousseau, thuộc làng Ðồng Nhân. Ủy ban tổ chức Hà nội cũng gồm các nhân sĩ cách mạng, đồng chí của cụ Tây Hồ như cụ Nghè Ngô Đức Kế, cụ Cử Dương Bá Trạc. Một số sinh viên Ðại học ở trường Cao Ðẳng Ðông Dương (Université Indochinoise) và Học sinh trường Lycée du Protectorat (trường Bưởi - Trường Bưởi, trung học Pháp việt tự động đến tham gia buổi lễ.
Ban tổ chức lễ Truy điệu cụ Phan Chu Trinh tại đền Hai Bà Trưng lúc đầu hơi thắc mắc vì không biết nên đặt bàn thờ cụ Phan ở chỗ nào. Bàn thờ giữa đền thì đã có hai pho tượng cao lớn của Hai Bà, tượng gỗ, nhưng chạm trỗ thật đẹp, bà chị mặc áo vàng chít khăn vàng, bà em mặc áo đỏ chít khăn đỏ, rất là oai vệ. Chẳng lẽ đặt bàn thờ cụ Phan Chu Trinh trước pho tượng Hai Bà?
Sát bên hông Ðền, có chùa thờ Phật. Chẳng lẽ đặt bàn thờ cụ Phan trong điện thờ Phật? Sau cùng do đề nghị của đám sinh viên Cao đẳng và Học sinh trường Bưởi, bàn thờ cụ Phan được đặt vào vách tường phía bên trái bàn thờ Hai Bà. Thành ra hôm lễ Truy điệu cụ Phan Chu Trinh, ban tổ chức Hà nội phải làm lễ tế luôn Hai chị em Bà Trưng.
Sau lễ truy điệu, bàn thờ cụ Phan được để luôn đấy. Nhưng vài năm sau, mỗi năm đến ngày lễ tế Hai Bà, mấy Hương chức làng Ðồng Nhân sợ ở tù, chỉ cúng lạy Hai Bà mà không dám cúng lạy cụ Phan. Bàn thờ cụ Phan ở bên cạnh không được chút nhang khói. Hai pho tượng hai vị Nữ Anh Hùng, cầm kiếm đứng oai nghiêm trên bàn htờ, chứng giám bọn con dân cung kính quỳ lại Hai Bà, còn cụ Phan Tây Hồ trong chiếc ảnh lồng kiếng, với mái tóc chải bồng, hai chùm râu mép giống như Napoléon III, với cái nơ đen xinh đẹp thắt nơi cổ áo sơ mi, ngồi trố mắt nhìn im lặng… Một tấm vải đỏ phủ lên trên khung ảnh, đã bị bụi dính mốc meo, không ai lau chùi.
Nhưng đến ngày giỗ Cụ, có một số người trai trẻ đến cho ông Từ vài ba đồng bạc, để nhờ ông mở cửa Ðền (cửa hông) cho họ vào cúng nhà chí sĩ Việt Nam mà đồng bào hầu như đã quên lãng. Mấy người này lặng lẽ thắp một nén hương, đốt vài ngọn nến, rồi thay phiên nhau quỳ xụp xuống lạy. Mười lăm phút sau, họ ra về lặng lẽ như khi họ đến. Họ là những người trẻ tuổi vô danh, không đại diện cho ai cả. Nhưng họ là những chàng trai của đất Việt, không bao giờ quên ơn bậc chí sĩ bất khuất đã đạo tạo tinh thần bất khuất cho họ. Họ là những người con, cụ là người cha của thế hệ.
Vào khoảng nửa tháng sau lễ Truy điệu cụ Phan Chu Trinh, ở Qui Nhơn học trò bàn tán xôn xao về việc mấy ông Giáo sư An Nam bỗng dưng hăng hái tập ca cải lương. Thật là một điều mới lạ. Mấy ông Ðốc (Ðốc học, lúc bấy giờ chưa gọi là Giáo sư) thuộc vào giới thượng lưu trí thức trong thành phố, từ trước đến giờ vẫn có một nếp sống trưởng giả, đêm nào cũng tụ họp nhau lại để cờ bạc, xổ tam hường hoặc đánh tổ tôm, tài bàn, sao bây giờ các ông lại tự nhiên rủ nhau đi học ca cải lương? Mỗi đêm bắt đầu vào khoảng 7 giờ người ta thấy quý ông Ðốc tụ họp tại nhà một Thầy Trợ Giáo (nay gọi là giáo viên) để học đờn và học ca những bản Hành vân, Lưu thủy, Tứ đại oán, Nam ai, Nam bình v.v… của một tuồng cải lương tựa là "Gia Long phục quốc". Hăng hái nhất trong việc này lại chính là ông Ðốc Tr. giáo sư Lý Hóa, một ông giáo nghiêm khắc nhất và được học trò sợ nhất. Thật không có gì buồn cười bằng một ông Ðốc dữ tợn khét tiếng ở trường, lại tập đóng vai đứa ở trong tuồng cải lương, nhưng vẫn mặc đồ Tây sang trọng, đeo cà vạt, tay cầm cái chổi cau mà hát theo điệu "Khổng Minh tọa lầu“.
Sáng dậy sớm quét nhà
Quét nhà gánh nước nấu cơm
Ra cái thân ở mướn
Phải cái nghe lời thầy
Miễn cho người yêu chuộng thì thôi
Miễn cho người yêu chuộng thì thôi...
Mấy tối liên tiếp, Tuấn cứ đến nhà thầy trợ Liễn, đứng thập thò ngòai cửa để xem ông Ðốc Tr. tập đóng vai đứa ở và ca bài cải lương trên kia. Trò không nhịn cười được liền cười rồ lên và bị ông Ðốc Tr. chộ mặt. Sáng hôm sau vào lớp, đến giờ Vật Lý học. Trả lời vấp một chữ là Tuấn bị ông Tr. cho "zéro "liền và đuổi xuống chỗ .
Dần dần một tháng sau học trò cả trường mới biết rằng theo lệnh Triều đình và tòa Khâm Sứ Huế, lễ Tết mồng Năm tháng 5 âm lịch năm ấy sẽ bị bãi bỏ và thay thế bằng Lễ Quốc Khánh ngày 2 tháng 5 An Nam là ngày vua Gia Long đã tòan thắng Tây Sơn, lên ngôi Hòang Ðế và sáng lập triều Nguyễn. Ðó là Lễ Quốc Khánh đầu tiên của nước An nam và được cử hành rất long trọng ở hai xứ Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Xin nhớ rằng lễ Quốc Khánh chính thức ở tòan cõi Ðông Dương dưới quyền đô hộ của Pháp là "Lễ Chánh Trung" 14 tháng 7 dương lịch mà thường dân vẫn gọi là Lễ "Cách tót ruy dê".
Lần đầu tiên nước An Nam được phép tổ chức ngày lễ Quốc Khánh mồng 2 tháng 5 Âm lịch cũng gọi là ngày lễ "Gia Long Phục quốc". Nghe đồn rằng Quan Công Sứ của Pháp đã giao phó công việc tổ chức cho các ông Ðốc An nam ở trường, cho nên mấy ông này sốt sắng lo ngày đêm làm sao cho ngày lễ được long trọng để được Quan Sứ khen. Theo chương trình thì có hai cuộc vui lớn nhất trong đêm mồng 1 tháng 5; học trò rước đèn, và các ông Ðốc (giáo sư) cùng các thầy trợ giáo ca cải lương. Tuồng cải lương do một anh soạn tuồng chuyên môn tên là anh Tám, vừa dàn cảnh vừa điều khiển các diễn viên tòan là mấy ông Ðốc và mấy Thầy.
Ðúng 7 giờ tối, tòan thể học trò trường Nhà Nước, đều phải tụ họp đông đủ tại sân Công quán (nhà Hội của các quan An nam) và được giao cho mỗi trò một cây đèn bánh ú. Tất cả đều sắp hàng tư trước cổng ngó ra đại lộ. Ðúng 8 giờ, đám rước đèn bắt đầu khởi hành . Hai người Lính Tập (Lính khố xanh) thổi kèn, đi trước một toán lính tập 12 người sắp hàng hai, mặc lễ phục trắng, vai mang súng cầm lưỡi lê. Rồi đến học trò cầm đèn. Toàn thể học trò được lệnh của ông Ðìa-réc-tơ phải tham dự đông đảo cuộc rước đèn. Trò Tuấn và một nhóm độ vài ba chục học trò đã định với nhau là lẻn ở ngoài để coi, nhất định trốn việc cầm đèn . Không dè số đèn thì dư mà số học trò thì thiếu. Thấy thế ông Ðốc T. chạy đi kiếm lũ học trò lười biếng, lén lút lẫn trong đám đông dân chúng đi coi. Trò Tuấn núp sau lưng một người đàn ông, bị ông Ðốc Tr. trông thấy, đánh một tát tay, rôì ông bắt cầm một cây đèn bánh ú đứng sắp hàng vào đám rước. Tất cả các trò lười biếng trốn tránh đều lần lượt bị chộ mặt hết và cũng bị đánh bạt tay như Tuấn.
Ði tiền phong đám rước đèn của học trò, trước cả lính kèn, là một trò cầm cây cờ Pháp, lá cờ thật lớn, mới tinh, ba màu xanh trắng đỏ nổi bật lên rực rỡ dưới ánh đèn và ánh đuốc của mấy người lính cận vệ đi hai bên.
Tuy là ngày "lễ Quốc Khánh An nam "nhưng không có chưng cờ An nam (nền vàng với một rẻo xanh trắng đỏ ở góc phía trái), mà chỉ có mỗi một lá cờ Pháp rộng lớn bay phất phới trên hàng đầu đám rước. Dĩ nhiên hai bên hàng phố của người An nam và người Tàu đều treo cờ Pháp. Ðám rước đèn đi từ Công quán ngang qua đường phố chính, thẳng xuống Tòa Sứ, cách xa gần hai cây số. Có thể đoán chừng rằng 4000 dân chúng trong thành phố đều có mặt ở đấy. Họ đứng chen chúc hai bên lề đường để xem đám rước đèn và trầm trồ khen ngơị. Tất cả đều nô nức, hân hoan, cả học trò, giáo sư trợ giáo, thầy thông, thầy phán, binh lính, cai đội, và dân chúng, đàn bà, đàn ông, con trai, con gái.
Chỉ có hai người không đi dự cuộc vui công cộng ấy . Thầy Ðổng sĩ Bình, Thông phán tòa Sứ, người Huế và ông Ðốc Bính, giáo sư Quốc văn, người Bắc. Họ không thèm đi.
Nhà ông Ðốc Bính ở ngay trước Công quán, nơi khởi điểm của tất cả các cuộc vui chơi náo nhiệt.
Tất cả các nhà cùng dãy, đến vài chục căn, đều mở cửa, treo cờ tam tài, người đứng đông đảo hân hoan, xem quan cảnh tưng bừng của dạ hội "Quốc Khánh“, Tuấn để ý thấy duy có mỗi căn nhà của ông Ðốc Bính là đóng cửa kín mít mà không treo cờ.
Thầy phán Ðỗng sĩ Bình thì đem ấy nằm nhà làm thơ "cách mạng "và thắp đèn hương trên bàn thờ cụ Phan chu Trinh. Ngay chiều hôm ấy, ba bốn đứa học trò rủ Tuấn đến thăm thầy. Thầy bảo, với nét mặt hầm hầm, giận dữ:
- Vua Gia Long là một kẻ bán nước. Hắn đem Tây về lấy nước An nam. Hắn rước voi về dày mồ. Tây họ khôn, họ thấy cụ Phan Bội Châu và cụ Phan Chu Trinh về tuyên truyền cách mạng, họ sợ quýnh cho nên họ bày đặt ra cái lễ Quốc Khánh An nam để vỗ về dân An nam, để lừa gạt dân An nam, và để tăng uy tín cho giòng Vua Triều Nguyễn. Các anh em học trò có hiểu không?
Sự thật thì học trò đâu có hiểu sâu xa như vậy. Tuấn cũng như tất cả thanh niên đồng lứa, hãy còn khờ dại, tuy đầu óc đã được tiêm nhiễm tư tưởng cách mạng của hai cụ Phan, nhưng đâu có sáng suốt nghĩ ra những chuyện quốc sự thâm thúy như thế .Nghe thầy Ðổng sĩ Bình giảng giải, một số bạn bè của Tuấn và Tuấn mới hiểu rõ ý nghĩa mĩa mai chua chát của lễ Quốc Khánh An nam. Nhưng hiểu là một việc, mà cầm đèn bánh ú đi trong đám rước là một việc khác. Chưa chi mấy trò trốn tránh đã bị mỗi trò một tát tai rồi đó, thấy không?
Bị bắt buộc đi rước đèn và bị lôi cuốn trong đám đông người liên hoan nồng nhiệt, mấy đứa bạn của Tuấn và Tuấn không thể tách ra ngoài được và cũng phải chường mặt ra như muôn người.
Ðám rước đến trước cổng tòa Sứ thì Tuấn thấy trong Tòa đèn sáng trưng hơn mọi đêm, và tất cả các quan Tây đều có mặt chung quanh quan Công Sứ. Có cả ông Ðia-réc-tơ và các giáo sư người Pháp, với những nét mặt hân hoan và nụ cười hãnh diện. Học trò cầm đèn, sắp ngay hàng thẳng lối tiến vào Tòa Sứ, cờ Pháp rộng lớn bay phất phơ trên hàng đầu. Rôì theo lệnh của ông Ðốc Tr. hướng dẫn và đã tập dượt mấy đêm trước, đám học trò cầm đèm bánh ú chia ra hàng ngũ dứng sắp thành hai chữ Q.K. Cũng theo huấn lệnh đã dặn trước, ông Ðốc Tr. thổi một tiếng còi síp lê, thì toàn thể học trò hô lên mấy tiếng Tây:
- Vive la France! Vive L’Annam! (Pháp quốc vạn tuế! An Nam vạn tuế!).
Vài chục ông Tây bà Ðầm đứng chểm chệ trên bao lơn tòa Sứ nhìn xuống vỗ tay. Ba ông quan An nam, quan Tổng Ðốc, quan Bố chính, quan Lĩnh binh, đeo thẻ ngà tòn-ten trước ngực, đứng né một bên quan Tây, cũng gật đầu cười, vỗ tay. Nét mặt ông nào cũng tươi vui hoan hỉ.
Xong rồi, theo tiếng síp lê của ông Ðốc Tr. đám rước đèn sắp hàng ngũ lại như cũ, kéo ra về, đi vòng ra dọc theo bờ biển, dưới rặng thùy dương, đến xóm Lò bò, quẹo vô thành phố, đi thẳng lên trường, và giải tán ngay trước cổng trường, cách Công quán chừng hai trăm thước.
Ðến đây, không còn ai bắt buộc nữa, tha hồ tụi học trò cầm đèn múa nhảy lung tung, cười ầm ĩ như quỷ phá nhà chay. Mấy đứa bạn của Tuấn và Tuấn hè nhau đập phá nát tan mấy cái đèn bánh ú có sơn hai chữ Quốc Khánh trên mỗi cây đèn. Bọn này còn chạy đi dựt những cây đèn trong tay các trò khác để đập nát và đốt cháy hết trên mấy nấm mả đá trước cổng trường. Trò Quỳnh hăng hái nhất, la lớn lên: “Ðốt cháy hết đi, tụi bây! “ Trò Tuấn cũng la lên: ”Rước voi dày mồ! Rước voi dày mồ! Ðốt! Ðốt! "Trò Trân là người được ông Ðốc Tr. lựa chọn vầm cờ tam tài của Pháp đi tiền phong, sợ cháy cờ, lật đật vác cờ chạy một mạch về công quán.
Tất cả cũng kéo về công quán để còn xem hát cải lương.
Rạp hát cải lương được dựng ngay trước công quán, để cho dân chúng được đến coi đông đảo và không trả tiền.
Giẫy ghế danh dự của khan đài để dành cho quan Sứ và bà Ðầm, quan Phó Sứ, bà đầm phó Sứ, ông Ðìa-réc-tơ (góa vợ và sói đầu) N. Có cả ông Cố đạo nhà thờ Thiên chúa, quan Giám binh, một vài ông Tây bự khác và Quan Tổng Ðốc Bình định.
Hàng ghế thứ hai để cho các quan Tây và các bà đầm khác. Tội nghiệp cho hai ông quan An nam là quan Bố chính và quan Lãnh binh, oai vệ với chiếc thẻ ngà tòn ten trước ngực lại bị sắp ngồi nơi hàng ghế thứ ba, chung với ông quan Một, Tấy Xếp Ngục (nhà lao), mấy ông Tây nhỏ, sau lưng cả mấy ông giáo sư Pháp…
Trò Tuấn quen tánh tò mò con nít, tuy không có phận sự gì trong rạp hát cải lương, nhưng cũng len lỏi cho được vào hậu trường sân khấu để coi… Trò thấy ông Ðốc Tr. cùng mấy ông khác, mấy thầy Thông, thầy Phán, và vài anh học trò lớn ở lớp Ðệ Tam niên sửa soạn y phục cải lương và phấn son, áo mão hia, không kém gì các đào kép thật của một gánh hát cải lương. Không có cô nào bà nào chịu đóng tuồng, nên trò Hòang ở Ðệ Nhị niên phải cải trang giả làm con gái để đóng vai Công chúa .Theo chương trình viết bằng đũ thứ mực màu, trên một tờ giấy croquis lớn, một nửa Pháp ngữ, một nửa Quốc ngữ, dán trước cổng Công quán, thì tuồng cải lương bắt đầu mở màn lúc 9 giờ. Ðáng lẽ phải hát sớm hơn, nhưng theo lời ông Ðốc Tr. nói thì phải đợi các quan Tây ăn bữa tối thường lệ lúc 8 giờ, đến 9 giờ các quan mới đi coi hát được.
Khán đài đã chật ních công chúng An Nam từ lúc 8 giờ ngay sau khi coi rước đèn về. Công chúng được hân hạnh ngồi khán đài toàn là các Thầy. Dân thành phố và học trò thì đứng chung quanh, vì sân Công quán thật rộng chứa vài ngàn người.
Ðám đông người chật ép ấy đang nô nức đợi chờ, nói cười ầm ĩ, thì có ba tiếng chuông dóng lên, báo tin quan Sứ và bà Ðầm đến. Ông Ðốc Tr. khăn đen áo dài, trịnh trọng chạy ra đón rước, mời quan Tây và bà Ðầm vào ngồi hai ghế danh dự. Toàn thể khan giả đều đứng dậy chào.
Các quan kế tiếp đến đông đủ. Trên sân khấu cải lương màn chưa mở. Hai giòng chữ lớn cắt trên giấy kim nhũ rực rỡ màu vàng và dán trên tấm màn đỏ, nổi bật lên như sau đây:
Tuồng cải lương Gia Long Phục Quốc mừng lễ Quốc - Khánh An nam
Khi các quan Tây an tọa, một hồi chuông vang dậy rồi tấm màn từ từ được ven ra. Trên sân khấu, toàn thể quý ông quý thầy, y phục như đào kép cải lương, và độ hai chục đứa học trò đứng sắp hàng hai bên, đồng thanh ca lên bài hát sau đây:
- Âu –Á xum vầy
Mừng nay Âu – Á xum vầy:
Pháp Nam liền lạc một dây vững bền
Sực nhớ truyền Sử Ký
Trước trăm năm từng bị gian nan
Vua, tôi, lao khổ muôn vàn
Nhân dân đồ thán giang san tiêu điều .
Ðức Thế tổ (vua Gia Long) trăm chiều chóng chỏi,
Giốc một lòng đánh đuổi cường hung
Xiết bao kể nổi khốn cùng
Thế nguy tận lực hãi hùng lắm phen
Lòng trời khéo xui nên gặp gỡ:
Bạn Lang sa (Pháp) giúp đỡ mọi đàng
Một tay khôi phục Nam bang:
Tam kỳ thống nhất rõ ràng anh quân
Trên Mẫu quốc trăm phần mến phục
Ngoài lân bang cùng nức tiếng khen
Cơ đồ gầy dựng đã nên
Bình thành công đức lưu truyền muôn năm
Thầy Ðại Pháp nhất tâm khai hóa
Ðạo làm dân tiến bước theo sau,
Non nước một bâù
Mừng nay non nước một bầu,
Mùng 2 tháng Ngọ (tháng Năm) cùng nhau nhớ ngày.
(Theo tài liệu của một bạn độc giả, Phạm văn Vinh, có nhã ý gửi cho chúng tôi, thì năm 1925, lúc ông học lớp Nhất ở trường Tiểu Học Sơn Tây, Bắc kỳ, học trò cũng bị bắt buộc học thuộc lòng bài hát trên đây để hát trong ngày lễ Quốc Khánh mồng 2 tháng 5 Ất Sửu (1925). Bài hát này được gởi đi các trường Trung kỳ và Bắc kỳ, trong dịp lễ Quốc Khánh lần đầu tiên)
Sau bài hát là đến tuồng cải lương. Trò Tuấn không thích coi tuồng, chỉ quanh quẩn nơi hậu trường để xem mấy ông, mấy thầy thay đổi áo quần đào kép và vẽ mặt vẽ mày như hát bội.
Tuấn không dám chơi lâu, vào khoảng 11 giờ đã vội vàng chạy về vì nhà trọ của cậu ở hơi xa, phải đi ngang qua cây vông Ma Ðầm, nơi đây có một con ma Ðầm mà ai cũng sợ. Lại có một con ma nhỏ ở ngọn cây đa gốc vườn tòa Sứ, gần đây Con Ma Ðầm thì Tuấn chưa gặp lần nào, nhưng theo lời tất cả học trò và dân chúng trong xóm thì nó ghê lắm. Nhiều người quả quyết đã gặp nó và đã bị nó chụp, sợ chạy hết hơi !
Cây vông đứng ngay trên lề đường. Tục truyền rằng hôì xưa có một cô Ðầm chết chìm trên sông gần đó. Cô biến ra ma, cứ đêm tối trời, hễ có ai đi ngang qua đấy thì cô hiện ra y hệt như một cô Ðầm thật trẻ, đẹp lắm và đưa tay ra chào:
- Bonjour!
Ðặng văn Chí, một học trò lớp Ðệ Tam Niên, quả quyết rằng có lần anh đã gặp con ma Ðầm bắt tay anh và “Bonjour“, đến khi anh ngó lại kỹ thì cái mặt trắng phết, mà không có mắt. Con ma Ðầm níu anh, anh hoảng hốt chạy té đái trong quần.
Con ma chó thì ở trên ngọn cây đa gốc thành Toà Sứ. Bên cây đa có cái miếu thờ một viên Tướng quân Tây Sơn hồi trước. Vị tướng Tây-Sơn bị quân Nguyễn Ánh giết tại đây trong một trận đánh xáp lá cà giữa hai quân đội Chúa Nguyễn và Tây-Sơn. Không hiểu sao có nhiều xác chết mà chỉ xác vị Tướng này là linh thiêng, và hóa ra ma. Lại là ma chó. Những đêm tối trời, người yếu bóng vía đi ngang qua đây thường thấy một cái đầu chó từ trên ngọn cây đa rớt xuống đất, rồi lần lượt một khúc mình, hai cẳng trước, hai cẳng sau và sau cùng là cái đuôi. Những mãnh rời ấy tự nhiên chấp lại thành ra con chó đen, đứng sủa vang lên và vồ lấy người ta. Ai bị nó “cắn“ là chết ngay.
Trò Tuấn chưa chính mắt trông thấy con ma Chó và con ma Ðầm lần nào. Nhưng mỗi khi đi qua hai nơi ấy, là trò nhắm mắt cắm đầu cắm cổ chạy một mạch, chạy khỏi vài trăm thước mới dám đứng lại, quay lại ngó lại đằng sau xem có Ma đuổi theo không.
Tuấn nghĩ rằng, nếu gặp phải Ma, thì trò thích gặp con ma Ðầm trẻ đẹp hơn là con ma Chó.
Một đêm, vào khoảng tám giờ, Tuấn đi chơi lang thang một mình dọc đường bờ sông thật vắng vẻ. Bổng Tuấn trông thấy nơi góc cột đèn hơi đá (đèn thắp đá carbure) một tấm giấy nằm trên cỏ, với một cục đá nhỏ đè lên. Nghĩ chắc tấm giấy này không phải là ma, Tuấn tò mò lượm lên xem. Tờ giấy lớn bằng một trang vở học trò, in đông sương (thạch) mấy câu viết tay bằng mực tím như sau:
Hỡi Ðồng Bào,
Bọn đế quốc Pháp đem xiềng xích nô lệ tròng lên đầu dân An nam, để dể bóc lột. Chúng thu thuế thân của người An nam để đem tiền về Pháp, trong khi quốc dân đồng bào không đủ áo mặc cơm ăn. Chúng ta phải tranh đấu đừng nộp thuế và cương quyết dành cho được cơm áo, tự do . Ðả đảo đế quốc Pháp bốc lột!
Tân Việt Cách Mạng Ðảng.
Tuấn chưa hiểu gì hết, nhưng lo sợ. Không phải lo sợ vì truyền đơn chống Pháp, mà lo sợ vì đang đứng trước một bí mật ghê gớm. Tuấn suy nghĩ: Ai để truyền đơn nguy hiểm này ở chỗ nầy? Có ai đang rình Tuấn trong bóng tôí chung quanh không? Nếu mình lượm, có sao không? Mình bỏ trong túi đem về nhà có được không? Có ai trông thấy không? Có ai bắt mình không?
Tuấn thắc mắc, do dự một lúc, nhình quanh quẩn không thấy bóng người, rồi cúi xuống đặt tờ truyền đơn vào chỗ cũ, lấy hòn đá đè lên y như lúc nãy. Xong Tuấn vội vàng đi nhanh. Nhưng Tuấn không an tâm, đầu óc cứ lẩn vẩn những câu hỏi: Ai để tờ truyền đơn ở gốc đèn? Họ để đấy từ hồi nào mà lại đè hòn đá lên cẩn thận như thế? Mình lượm coi như thế có sao không? Có ai theo dõi mình không?
Tuấn liếc mắt nhìn kỹ lại một lần nữa trong các bóng tối chung quanh, không thấy một bóng người. Tuấn có cảm giác như đang đi trong một thế giới bí mật rùng rợn. Tuấn ráng đọc lại trong trí nhớ mấy câu trên tờ truyền đơn, nhưng vì lúc xem vội vàng nên Tuấn quên mất một vài đoạn. Tuấn cố nhớ lại mà vẫn không nhớ hết được. Tức mình, Tuấn quay trở lại để xem tờ truyền đơn. Nhìn cột đèn bằng sắt sơn đen đứng sừng sững bên lề đường, trên ngọn cột có một cái đèn đá lồng kính, tỏa xuống đường một vùng ánh sáng lờ mờ nhợt nhạt, giữa cảnh đêm hôm hoang vắng. Tuấn còn trông thấy tờ truyền đơn phất phơ trong gió. Tuấn mang quốc, nhưng bước rất khẽ, đến gần cúi xuống lấy nhanh tờ giấy in mực tím lờ mờ, đưa ra ánh đèn xem lại thật kỹ một lần để nhớ cho hết từng chữ. Xong, Tuấn để tấm giấy lại chỗ cũ, đè cục đá lên rồi đi thẳng.
Dọc đường, Tuấn đọc thầm lại, và lần nầy Tuấn không quên một chữ, nhớ không sót một dấu phết. Tuấn định đến nhà Anh và Trâm cho hai cô bạn gái này biết. Hai cô đang học bài, ngồi thên ghế tràng kỹ. Giữa bàn chong một cây đèn “măng xông“ lớn, ánh sáng xanh dịu.
Thấy Tuấn vào, Anh nở nụ cười duyên, Trâm đang tra tự điển cũng ngước mắt lên ngó Tuấn với lời chào thân ái. Trông thấy nét mặt của Tuấn hơi khác, Anh hỏi:
- Hôm nay anh Tuấn sao buồn vậy, anh Tuấn?
Trâm và Anh chờ Tuấn trả lời. Nhưng Tuấn trông thấy một ông “Nhà quê“ ngồi đối diện với hai cô bạn, đang xem hai cô học. Tuấn không biết ai, cũng lễ phép cúi đầu:
- Chào bác.
Anh cười bảo:
- Chú của em đấy.
Tuấn vô tình chào lại:
- Chào chú.
Sự ngớ ngẩn của Tuấn khiến cho Anh và Trâm, cả ông “Nhà quê“ cười xòa. Anh giới thiệu tiếp:
- Chú của em làm lý trưởng ở làng, hôm nay ra Kho Bạc để nộp thuế.
Tuấn sực nhớ mấy lời trong tờ truyền đơn, liền hỏi ông lý trưởng:
- Thưa chú, chú đi nộp thuế thân, phải không?
Ông lý-trưởng cười:
- Thuế thân, chớ còn thuế gì nữa.
- Thưa chú, hôm nay làng nào cũng phải ra Kho Bạc nộp thuế thân sao?
- Ừ, đến mùa thuế các làng phải thâu thuế đem ra nộp cho sở Kho Bạc Nhà nước .
Anh giới thiệu với ông lý-trưởng :
- Thưa chú, đây là anh Tuấn, học lớp Ðệ Nhị Niên đó . Ảnh thường tơí đây chơi để chỉ tụi con làm bài luận Quốc văn và Pháp văn. Ảnh làm thơ hay lắm, chú à.
Ông lý-trưởng gật đầu cười:
- Cậu làm thơ hay thì làm thử một bài đọc nghe chơi .
Tuấn tủm tỉm cười, bảo Anh đưa mượn cây bút chì và xin một tờ giấy trắng.
Tuấn lui cui viết, một tay làm bộ che lại không cho Anh và Trâm xem. Viết xong, bỏ bút chì xuống. Tuấn còn hơi do dự chưa muốn đưa tờ giấy ra. Anh cười:
- Anh làm bài thơ gì mà mau thế? Cho em xem!
Tuấn vẫn cứ do dự nắm tờ giấy trong tay.
Trâm cười:
- Anh không cho thì tuị em giựt lấy xem đại.
Mọi khi ngồi chơi với Anh và Trâm, Tuấn vui vẻ và tự nhiên lắm, sao hôm nay Tuấn có nét mặt sượng sùng, coi bộ sợ sệt… Nhưng rồi Tuấn cười đưa tấm giấy vừa chép xong cho Anh. Anh và Trâm xúm nhau xem:
Hỡi đồng bào
Bọn đế quốc Pháp đem xiềng xích nô lệ tròng lên đầu dân An nam, để bốc lột. Chúng thu thuế thân của người dân An nam, để đem tiền về Pháp, trong khi Quốc Dân đồng bào không đủ áo mặc cơm ăn. Chúng ta phải tranh đấu đừng nộp thuế cho Ðế Quốc và cương quyết dành cho được cơm áo, tự do. Ðả đảo Ðế Quốc Pháp bốc lột.
Tân Việt Cách Mạng Ðảng.
Anh và Trâm hoảng hốt, cứng họng nói không ra lời. Ông lý-trưởng cười bảo:
- Bài thơ ra sao, đưa chú coi thử, con!
Anh ngó Tuấn, không dám đưa, Tuấn bảo:
- Nếu Anh và Trâm thấy bài Thơ coi được, thì đưa chú Xã coi chơi . Nếu thấy dở, thì xé đi.
Anh hiểu ý, liền đưa “bài thơ“ cho chú Xã. Ông Xã mới đọc mấy câu đầu đã chố mắt ngó Anh . Anh cười:
- Thì Chú Xã cứ coi hết đi. Hay lắm mà!
Ông Xã bây giờ không yên lòng, tay cầm tờ giấy mà cứ run lên, ông vừa trố mắt xem, vừa lắc đầu lia liạ. Ông mới đọc được nửa tờ đã hoảng hồn bỏ giấy xuống, miệng lẩm bẩm:
- Các trò nói bá láp …bá xàm … Nhà nước bỏ tù chết cha!
Anh vẫn cười:
- Chú đọc hết đi!
- Thôi mầy! Tao không dám đọc hết đâu. Nhà nước bắt được thì ở nhà lao, chết ông cố nội! Tao hổng dám đọc nữa đâu.
Sự thật thì Trâm và Anh cũng lạnh cả xương sống, nhưng vì tình bạn thân yêu nhau từ lâu, mỗi hành động hay ngôn ngữ gì của trò Tuấn đều được hai cô bạn tán thành và nghe theo triệt để, dù biết là nguy hiểm, nhưng Tuấn điềm tỉnh nói:
- Không phải tôi đặt ra “Bài Thơ“ ấy đâu 
Trâm cười:
- Chứ anh học ở đâu mà viết như thuộc lòng vậy?
- Ở ngoaì cột đèn bờ sông. Không biết bàn tay bí mật nào đã viết bài đó bằng mực tím, in đông sương trên một tờ giấy, rôì để tờ giấy ở gốc cột đèn, lấy cục đá đè lên cho khỏi bị gió lùa. Lúc nãy tôi đi hóng mát trên bờ sông trông thấy và lấy xem.
Ai nấy đều im lặng, sợ sệt. Tuấn đã vô tình tạo ra một không khí bí mật ghê gớm bao trùm cả gian nhà vắng lặng. Bốn người đều nín thinh. Nhưng Tuấn buồn bã nói tiếp:
- Tây qua đây đè đầu đè cổ dân An nam. Cho nên cụ Phan Chu Trinh và cụ Phan Bội Châu mới làm cách mạng. Cụ Phan Tây Hồ đã qua đời thì còn cụ Phan Sào Nam. Tuị mình là thanh niên, con trai con gái đều là thanh niên, con của Tổ Quốc, cũng phải làm sao chứ? Dân An Nam bị xiềng xích gông cùm, bị Tây hiếp đáp cho đến đổi mình để tang cho cụ Tây Hồ mà cũng bị đánh đập tàn nhẫn. Mỗi năm dân mình còn phải nộp thuế thân cho họ nữa là nghĩa lý gì?
Tuấn rưng rưng nước mắt, nói tiếp:
- Trâm và Anh có thấy không? Ông Gabriel, Giáo sư Toán của tôi, chửi dân An Nam là mọi rợ, là giống dân bẩn thỉu, sao ông dám chửi dân An nam mình là mọi rợ, bẩn thỉu?
Tuấn khóc thực sự, đưa tay áo lên chùi nước mắt. Anh vội vàng lấy khăn mu soa đưa Tuấn. Anh và Trâm cũng bị rung cảm bỡi những lời của Tuấn, ngôì cúi mặt xuống bàn, buồn bã.
Ông Xã quấn điếu thuốc quẹt lửa châm hút rồi bảo:
- Nhà nước Ðại Pháp văn minh, dạy bảo ta, ta phải tôn kính. Trò có học mà trò nói như vậy, nghe sao được?
Anh bèn ngước mắt lên ngó Ông Xã, với vẻ mặt giận dỗi:
- Xí! Chú sợ Tây, chớ tụi này không sợ đâu.
Tuấn tiếp lời:
- Nếu chú Xã nộp thuế không đủ, thiếu vài chục bạc xem ông Sứ có bỏ tù chú không?
Ông Xã cười:
- Nộp thuế thì phải nộp đủ chứ! Tôi làm lý-trưởng ba năm nay, năm nào tới mùa thuế cũng nộp đủ, không thiếu một xu. Các quan Tây chưa quở tôi lần nào.
Tuấn hỏi:
- Dân trong làng chú, những người nghèo, làm không đủ ăn lấy tiền đâu nộp thuế?
- Ðứa nào không có tiền nộp thuế thì phải bán nhà bán cửa mà nộp . Bổn phận làm dân thì phải…
Anh ngắt lời:
- Hèn chi hồi chiều chú nói trong làng mình có anh Thập Ba không có tiền nộp thuế, chú hăm trình quan Huyện bỏ tù, anh Thập Ba sợ quýnh, phải bán miếng đất hương hỏa cho chú. Chú làm như thế là ác đức.
Ông Xã cười:
- Mày là con gái, biết gì. Tao làm Xã, lịnh quan trên đưa xuống sao thì tao làm như thế. Dân nó nghèo thì kệ cha nó, mình làm việc cho quan. Trên dân có quan, trên quan có Vua. Các trò đi học sao không biết câu của Ðức Thánh ngài dạy là Quân-Sư-Phụ. Có vua rồi mới có thầy rồi mới đến cha. Nước ta có Thầy Ðại Pháp, còn vua là Ðức Hoàng Thượng. Còn dân đen là đồ tôi tớ, kể chi.
Trò Tuấn cãi lại:
- Chú Xã có coi quyển sách đăng bài diễn thuyết của cụ Phan Chu Trinh ở Saigon không? Cụ Phan nói: Thầy Mạnh Tử dạy rằng dân vi qúy, xã tắc thứ chi, quân vi khinh. Dân là qúy, rôì mới đến nước nhà, còn Vua thì đáng khinh.
Ông Xã lắc đầu:
- Phan Chu Trinh là kẻ loạn thần nói tầm bậy mà ai nghe?
Trâm từ nãy giờ làm thinh, bây giờ cất tiếng thỏ thẻ:
- Tuị con tôn cụ Phan Chu Trinh là bậc anh hùng ái quốc. Cụ nói cái gì là tụi con nghe hết.
Anh tiếp lời Trâm:
- Cụ là một bậc đại Chí Sĩ, Cụ chết cả nước để tang, chú thấy không?
Ông Xã trợn mắt hỏi Anh.
- Mày cũng để tang cho hắn à?
- Ba đứa con đều để tang cho cụ.
- Mày muốn ở tù hả?
- Ở tù thì sợ gì.
Ông Xã quay lại ngó Tuấn:
- Trò này xúi con Anh để tang cho Phan Chu Trinh phải không?
Anh vội trả lời:
- Không phải anh Tuấn xúi. Tụi con ba đứa đồng lòng để tang cho cụ đấy.
Ông Xã tức giận chửi Anh:
- Mẹ …Cha …mầy, đồ con gái bất hiếu! Phan Chu Trinh là ông nội mầy hay sao mà mày để tang cho hắn?
Anh và Trâm nét mặt hầm hầm ngó ông Xã. Anh chống trả lại:
- Sao chú dám gọi cụ Phan bằng hắn? Chú nịnh bọn Quan lại quen rồi, Chú dám mở miệng kích bác nhà Chí Sĩ An Nam phải không?
Anh tức quá nói không được nữa, gục đầu xuống bàn khóc. Trâm cũng khóc nức nở, Tuấn tức lắm. Nhưng không biết làm sao, vì Ông Xã là chú ruột của Anh, Tuấn không dám nói câu gì xúc phạm, đành làm thinh. Tuấn nhét vào tay Anh chiếc khăn mù soa của Anh trao Tuấn lúc nãy để lau nước mắt, rồi bảo:
- Anh, Trâm, tụi mình ra ngoài hè ngồi chơi cho mát chút đi. Ở trong nhà nực quá.
Tuấn đi ra. Anh và Trâm đứng dậy đi theo. Ðứng ngoài sân, Tuấn khẽ bảo:
- Thôi, Anh và Trâm đừng cãi với ổng nữa, rồi sinh chuyện.
Anh cũng nói khẽ:
- Em ghét ổng quá.
Anh sực nhớ tờ giấy do Tuấn viết lúc nãy, khẽ bảo:
- Chết cha! Tờ giấy anh viết lúc nãy còn để trong bàn
Anh chạy vào nhà, lấy tờ giấy. Ông Xã chụp lại và hăm doạ:
- Ðưa tờ giấy đó cho tao. Ngày mai tao đem lên trình Quan Sứ.
Ông Xã giành giựt với Anh, Anh la lên:
- Anh Tuấn ơi! anh Tuấn!
Tuấn chạy vào, liền nhảy lại cắn tay ông Xã, ông Xã đau quá phải buông tay Anh ra lập tức. Trâm cũng chạy vào một lượt với Tuấn, liền chụp tờ giấy bỏ vào miệng nhai và nuốt luôn. Tuấn sợ ông Xã đánh Anh, liền nắm tay Anh và tay Trâm chạy ra sân.
Nhưng ông Xã ngồi bóp cái tay đau lẩm bẩm một mình:
- Mấy đứa học trò nầy dữ quá!
Ðường phố khuya vắng teo, không một bóng người. Tuấn rũ Anh và Trâm đi dạo mát ngoài bờ sông. Hai cô học trò lớp Nhất vui vẻ nhận lời đi chơi với người bạn trai của họ.
CHƯƠNG 32
1926
- Ðồng sĩ Bình bị bắt,đày đi Ban mê Thuột
- Thanh niên các mạng chống Pháp đều bị bắt
- Phong trào cách mạng tràn lan khắp các học đường
Một buổi tối trò Tuấn đang ngồi làm bài ở nhà thì trò Quỳnh đến, mặt tái mét, bảo thầm Tuấn:
- Mầy có nghe tin thầy Ðổng sĩ Bình bị bắt không?
Tuấn ngơ ngác lắc đầu:
- Tao không nghe gì hết. Thầy bị bắt hồi nào? Thật không?
- Ba ngày nay rôì. Nghe nói thầy đã bị giải đi ở tù nhà lao Ban mê Thuột.
- Ai nói với mầy thế?
- Một thầy làm sở Mật Thám, ở trọ nhà thằng Quý trên Lò Vôi. Thầy nói với thằng Quý nói lại với tao, mới lúc nãy đây. Tao đến cho mầy mày biết tin. Mày coi có những bài thơ và tờ báo nào của Thầy Ðồng sĩ Bình cho mày thì phải đốt đi, nghe không?
- Tao có mấy tờ báo “Tiếng Dân“ ở Huế, mấy tờ L’ Écho Annamite ở Saigon và 1 tờ L’ Argus Indochinois ở Hanoi.
- Mầy cất ở đâu, lấy đốt đi ! Hay gởi nơi khác cho chắc chắn .
- Tao dấu dưới chiếc chiếu chỗ giường tao nằm. Rệp nó làm ổ đầy ở trong, tao không dám lấy ra.
Trò Quỳnh ngó trước ngó sau, trong nhà không có ai lẩn quẩn ở đấy, liền chỉ cái bếp đang cháy, (bà chủ nhà đang nấu cháo đậu xanh) và bảo thầm Tuấn:
- Mau mau lấy mấy tờ báo đó bỏ vô bếp đốt liền đi bây giờ, nếu mày không muốn đi ở tù Ban mê Thuột.
- Mà tại sao thầy Bình bị bắt đi ở tù?
- Nghe nói mật thám khám nhà thầy, bắt được truyền đơn của “Tân Việt Cách Mạng Ðảng“ in bằng đông sương với mấy bài thơ cách mạng.
Nói xong Quỳnh lật đật đi ra ngay.
Tuấn ngồi im lặng một phút cũng sợ… sợ, lo… lo…, liền đứng dậy đi cuốn chiếc chiếu trên giường nằm, lấy ra tất cả chín mười tờ báo đem bỏ vô bếp. Cả đống báo vừa cháy thiêu hết ra tro thì O Vui, em gái của thầy Bửu Vinh chủ nhà, từ trên nhà mang quốc lẹp kẹp đi xuống bếp để xem chừng nồi cháo đậu xanh. O Vui, một thiếu nữ Huế trẻ đẹp độ 20 tuổi, ngôì chỗ bếp lửa quay lại hỏi trò Tuấn:
- Cậu Tuấn có đốt cái chi trong ni mà có mùi rệp khét dữ rứa ?
Tuấn làm bộ ngạc nhiên, bắt chước giọng Huế của O Vui, trả lời:
- Tôi có đốt chi mô.
O Vui cứ hỏi mãi:
- Chớ răng có mùi rệp khét dữ ri?
- Mô?
O Vui cười ngất vì giọng khôi hài của Tuấn, nhưng lúc lên nhà trên, cô ả bép xép học lại với chị dâu là cô Thông Vinh. Cô này lại mét với chồng là thầy Bửu Vinh đang đánh tổ tôm trên gác với mấy thầy nào đó. Trò Tuấn lắng nghe được, sợ quá vội vàng xếp sách vở, tắt đèn, lẻn đi ra đường không dám ở nhà.
Sực nhớ vụ thầy Ðồng sĩ Bình bị bắt, Tuấn chạy đến nhà trọ của Trâm và Anh.
Tuấn bảo thầm hai cô bạn lớp Nhất:
- Mấy bài thơ cách mạng Trâm và Anh chép từ trước đến giờ để đâu?
Anh hỏi:
- Chi vậy anh?
- Ðốt hết đi.
Trâm hỏi:
- Sao phải đốt hả anh?
- Thầy Ðổng sĩ Bình bị bắt ba bốn hôm rồi, đã bị đưa đi ở tù trên Ban Mê Thuột. Họ có khám nhà thầy, tìm được một đống báo và mấy bài thơ cách mạng. Có cả truyền đơn củaTân Việt Cách Mạng Ðảng. Chỉ có thế mà thầy bị bắt. Tụi mình dạo nọ có để tang cho cụ Phan chu Trinh chắc mật thám cũng để ý. Sợ họ đến khám nhà bất tử thì nguy. Ðốt hết các bài thơ cách mạng đi thì hơn.
Anh khẽ cười:
- Ðốt thì đốt, tụi mình thuộc lòng hết mấy bài thơ đó rồi cóc cần gì anh hí?
- Ừ, Anh và Trâm còn cất tờ báo cách mạng nào ở trong rương không?
- Có mấy tờ Việt Nam Hồn và tờ báo Tiếng Dân tụi em coi xong đã trả lại anh lâu rồi. Ở đây tụi em không còn giữ lại tờ nào. Anh đốt hết chưa?
- Rôì.
- Tội nghiệp thầy Ðổng sĩ Bình! Ở tù, chắc chết quá…
Anh, Trâm và Tuấn ngồi cúi đầu làm thinh. Một lúc lâu. Tuấn đưa ngón tay chỉ cây bút vaò quyển vở của Anh và lấy bàn tay làm dâú hiệu muốn viết… Anh lặng lẽ đưa bút chì và vở cho Tuấn. Tuấn nghĩ một lúc nữa rôì viết:
XUÂN MỘNG
Dẫu ta là gái hay là trai
Ái quốc lòng ta quyết chẳng phai
Nô lệ lẽ nào nô lệ mãi?
Sơn Hà chung gánh nhẹ hai vai.
T.A.T
Tuấn trao bài thơ ấy cho Anh và Trâm coi. Trâm coi xong lấy bút chì gạch hai cái ngang và một dấu hỏi sau chữ T.A.T và ngó Tuấn. Tuấn cười làm thinh, đứng dậy nói:
- Thôi mình về học bài… Bonne nuit, mes amies!
Tuấn đã biến ra ngoài đường. Còn lại nơi bàn Trâm và Anh nhìn nhau mĩm cười . Trâm khẽ hỏi:
- Ảnh ký T.A.T  là gì nhỉ?
Anh tủm tỉm cười, bẻn lẽn, lấy bút chì viết:
- T = Tuấn, A = Anh, T = Trâm.
Hai cô gái mắc cỡ cười khúc khích với nhau và đọc lại bài thơ để cho nhớ, rôì Anh xé tờ giấy chép thơ trong quyển tập. Trâm mở bóng đèn manchon để Anh đốt bài thơ, không dám giữ bút tích lại.
Một tháng sau, bà mẹ già và đứa em trai nhỏ của thầy Ðổng sĩ Bình là Ðổng sĩ Hứa vào Qui-nhơn định đi Ban Mê Thuột để thăm thầy. Ðược tin ấy một nhóm học trò các lớp lớn, từ Ðệ Tam đến Ðệ Nhất niên, do anh Trọng đề xướng, bảo lén với nhau hùn được một số bạc khá nhiều để gởi giúp thầy ở nơi lao tù. Riêng Tuấn và Trâm, Anh, chung tiền để may gởi cho thầy 2 áo cụt và 1 chiếc quần bằng vải ta. Tuấn chép bài thơ "Mộng Xuân“ trên kia bằng mực tím, và cũng ký tên T.A.T trên một mảnh giấy trắng, bảo Anh xếp lại thật nhỏ nhét trong áo ở vạt trước rồi khâu lại, để lỡ lính gác lao có xét cũng không thấy được. Tuấn bảo:
- Mình muốn gởi lén bài thơ đó cho thầy Bình bằng cách bí mật này, mà không biết thầy sẽ thấy bài đó không? Chỉ sợ thầy không để ý chỗ lai áo này.
Trâm bảo:
- Chừng nào thầy giặt áo, thì mực tím nhòe ra, thầy sẽ biết chứ.
Anh bảo:
- Nhưng sợ thầy nhúng nước rồi vò áo, vô tình vò nát luôn cả bài thơ, thầy chỉ thấy dấu vết mực tím thôi.
Ba người học trò ngồi suy nghĩ một lúc. Rồi Trâm bảo Tuấn:
- Nè anh à, hay là mình chép lại bài thơ trên mảnh giấy dày hơn, thứ giấy carreaux? Thầy Bình mặc áo sẽ thấy riêng chỗ đó cộm lên và sẽ biết ngay.
Anh cũng bảo:
- Ừ phải đấy. Nếu thí dụ thầy không để ý đi nữa, thì đến khi thầy giặt áo, sẽ thấy vết mực tím ở chỗ lai áo, thầy sẽ hiểu. Thầy sẽ tháo chỗ đó ra, và sẽ còn đọc được bài thơ vì giấy dầy không bị vò nát vụn như giấy mỏng. Phải không anh?
- Ừ, đúng đấy… Hay là riêng chỗ đó mình may bằng chỉ đen vậy, để cho thầy chú ý?
- Nhưng nếu may bằng chỉ đen thì sợ lúc bà già đưa áo quần vào, lính gác nhà Lao xét kỹ sẽ để ý và sẽ khám phá ra mưu mô của mình, phải không anh?
- Cũng có lý… Thôi theo cái ý cũa Trâm, viết trên giấy carreaux là được.
Trâm, Anh và Tuấn tủm tỉm cười. Nụ cười bí mật lý thú chỉ riêng có ba người này hiểu thôi, khi họ trao bộ áo quần bằng vải ra cho mẹ thầy Ðổng sĩ Bình để nhờ bà già đưa lại cho thầy ở Lao Ban Mê Thuột.
Hai tháng sau, trò Tuấn được bức thư đóng dấu nhà giây thép Ban Mê Thuột cũng viết bằng mực tím, gởi ngay đến địa chỉ nhà trường. Tuấn hồi hộp mở thư ra xem. Thư như sau đây:
XUÂN MỘNG
Hai cô bạn gái một chàng trai
Nét đậm ân tình mực khó phai
Khát Nước cổ khô thèm thấy Nước
Mong người chung sức đỡ đôi vai.
ÐỒ SĨ
Tuấn mừng quýnh, tối chạy đến đưa cho Trâm và Anh xem bài thơ. Thoạt tiên hai cô học trò không hiểu. Trò Tuấn bảo:
- Bài thơ này họa lại đúng ba vần của bài thơ tụi mình đã nhét trong lai aó cho thầy Ðổng sĩ Bình và mượn cả đề thơ giấc mộng mùa Xuân…
- Sao thầy hiểu được là “hai cô bạn gái một chàng trai“?
- Lúc thầy còn ở đây, tôi thường nói chuyện Trâm và Anh cho thầy nghe, thầy biết ba đứa mình là bạn thân với nhau. Bây giờ xem chữ T.A.T  chắc thầy đã đoán ra được. Tôi đố Trâm và Anh taị sao thầy ký Ðồ Sĩ?
- Em chịu thua.
- Em cũng chịu thua.
- Nghĩ một chút xíu thì thấy liền.
- Ðồ Sĩ là Ðổng sĩ Bình, phải không anh?
- Trâm đoán giỏi qúa.
- Em cũng hiểu rôì. Ðồ là viết tắt chữ Ðồng, Sĩ là Sĩ.
- Ừ có gì khó đâu.
- Thế là thầy đã lấy được bài thơ của tụi mình nhét trong lai áo! Ồ thích quá, anh hỉ! Thích quá hỉ!
- Tuị em không ngờ bài thơ đó lọt được tới tay thầy! Vui ghê!
- Bài thơ thầy trả lời vừa để cảm ơn tụi mình, vừa nói thầy đau khổ vì Khát Nước… nghĩa là Mất Nước… và mong cho tụi mình ngày sao lớn lên phải chung sức nhau mà gánh nước… nghĩa là phải lo gánh việc Nước đó!
Trâm và Anh không biết tỏ nổi mừng hào hứng và nồng nhiệt bằng cách nào hơn là lấy 5 xu chạy đi mua kẹo thèo lèo và chè hột sen về ăn khao với Tuấn.
Ðêm ấy, Anh và Trâm bắt Tuấn ở lại suốt đêm để chỉ cho hai cô cách làm thơ Ðường Luật bát cú và tứ tuyệt theo những bài Tuấn đã học trong quyển “Quốc văn trích điểm“ sách giáo khoa dạy Quốc văn ở các lớp trên.
Cùng một lúc thầy Ðồng sĩ Bình bị bắt ở Qui-nhơn và bị đày đi Ban Mê THuột thì một số đông trí thức cách mạng khắp ba kỳ Trung-Nam-Bắc, hầu hết là lớp thanh niên đàn anh cùng lưa với thầy Bình, cũng bị bắt và lưu đày đi khắp nơi: Côn Lôn (Nam Kỳ), Lao Bảo, Ban Mê Thuột (Trung Kỳ), Sơn La (Bắc Kỳ). Ba lao xá sau đây đều ở nơi rừng thiêng nước độc, với đảo Côn Lôn là bốn địa ngục trần gian ghê gớm nhất, đặc biệt để giam tù chính trị, mà lúc bấy giờ gọi là “Tù Quốc Sự“. Ngay tiếng Pháp cũng chỉ riêng bốn nơi ấy là Bagnes không gọi là Prisons, và những người bị tù ở đây là bagnards, một danh từ ghê tởm, bỉ ổi, đúng lý ra là để cho bọn du côn cướp của giết người.
Giòng họ nhà vua ở Huế cũng có một người theo phong trào cách mạng. Chàng vào Saigon viết báo đả kích chế độ quân chủ, về Trung Kỳ thì đi tuyên truyền tư tưởng dân chủ. Tên chàng là Bửu Ðình. Bị bắt một lượt với Ðổng sĩ Bình, bị người Pháp trao trả cho Hoàng phái (giòng họ Vua), Bửu Ðình không những bị Nam triều kết án lưu đồ, mà còn bị Tôn nhân phủ (Hội đồng Hoàng gia  truất quyền mang họ Vua (họ Bửu), bắt phải tay thế bằng họ Tạ: Tạ Ðình, theo tên họ của Tạ ôn Ðình. Anh ruột của Tuấn ở tỉnh nhà là Trần Anh Tuấn, Phán Sự Toà Sứ cũng bị bắt đày đi Ban Mê Thuột, vì bí mật liên kết với các thanh niên hoạt động chống Pháp.
Ðược tin, trò Tuấn khóc nức nở, bỏ ăn, bỏ học cả tuần lễ, căm hờn người Pháp hơn bao giờ hết. Vụ nắt bớ này xảy ra khắp nước nhằm mục đích bỏ tù hết những phần tử trí thức chống Pháp, tưởng như thế là không còn ai chống Pháp nữa. Nhưng hậu quả trái ngược lại không ngờ: nó càng làm sôi nổi lòng công phẩn của đám nam nữ thanh niên học sinh mà đại đa số đều cảm phục và trìu mến các bậc trí thức đàn anh do ảnh hưởng còn sâu đậm của hai nhà chí sĩ Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh. Hai cụ là hai bậc Thuỷ Tổ Cách Mạng của thế hệ 1925.
Những người làm “quốc sự“ chống Pháp và chống Vua An nam đều bị đày đi đến nơi ngục thất nguy hiểm đã kể trên hoặc bị gông cùm tại các lao tỉnh, bị tra tấn đánh đập tàn nhẫn do lũ “Thanh Tra Mật Thám“ An Nam. Hâù hết là những trí thức trung lưu, tuổi từ 20 đến 30, họ thuộc về các thành phần dưới đây:
Một số là Thông Phán các Toà Sứ và các sở Nhà Nước Bảo Hộ. Họ là những công chức giúp việc cho Hành Chánh Pháp đắc lực nhất.
Ðồng sĩ Bình ờ Trung kỳ, Ký Con ở Bắc Kỳ, là những nhân vật điển hình cho lớp người này.
Các thầy Trợ giáo (nay là giáo sư Trung học) đã đỗ Diplôme d’ Etudes Primaires Supérieures Franco Indigènes (Cao đẵng Tiểu học Pháp Việt), hoặc học lực tương đương. Số này rất đông, và là những phần tử ưu tú nhất trong giáo giới An nam lúc bấy giờ. Một vài nhân vật điển hình như: Ðào Duy Anh, Tôn Quang Phiệt (Trung Kỳ), nhà văn Lan Khai, Nhượng Tống (Bắc Kỳ), Lê Văn Huấn (Nam Kỳ) v..v…
Một thiểu số, tối thiểu sinh viên Trường Cao Ðẳng Ðại Học Ðông Dương, Hà Nội, là nơi đào tạo các lớp gọi là Thượng lưu trí thức: y sĩ, đốc học, cử nhân Luật, cao đẳng Thương Mãi, v.v…, như: Nguyễn Thái Học, Hồ Văn Mịch, Ðặng Thái Mai, v.v…
Những thanh niên trí thức làm những nghề nghiệp tự do, phần nhiều là giáo sư tư thục, viết báo, viết văn, như Vũ Đình Duy (Hà Nội), Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Trần Văn Thạch, Phan Văn Hùm (Saigon), Bửu Ðình  Huế).
Sau cùng hết là nam nữ học sinh các trường Collèges (Trung Học Pháp Việt) ở Hà nội, Nam Ðịnh, Vinh, Huế, Quy Nhơn, Saigon, Cần Thơ.
Các thành phần học sinh ưu tú từ 16 đến 20 đều tập trung ở trường Trung Học Hà Nội, gọi là Trường Bưởi; - (ở làng Bưởi) - danh từ chính thức là Collège du Protectorat (Trường Trung Học bảo hộ), và hai trường Trung Học Nam Định, Hải Phòng. Hầu hết những thanh niên cách mạng Bắc Kỳ sẽ hoạt động hăng hái nhất sau này đều ở ba học đường ấy mà ra.
Ở Trung Kỳ, Trường Collège de Vinh, là nơi tập trung các thanh niên học sinh ưu tú nhất của ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Ðây là một ở cách mạng theo truyền thống của Phan Bội Châu và Nguyễn Ái Quốc mà lúc bấy giờ chưa ai biết là cộng sản.
Trường Collège Quốc Học Huế, và đứng cặp kè ngay một bên, nhưng yêu kiều duyên dáng hơn, là Trường Nữ Trung học Collège Ðồng Khánh, là hai lò hun đúc các lớp thanh niên nam nữ học sinh hăng hái nhất ở Trung Kỳ - có thể nói là ở khắp ba kỳ. Học sinh ở đó hầu hết là quê quán ở Thanh, Nghệ, Tĩnh, và Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Ở trường Collège de Quy Nhon, thì 80% học sinh quê quán ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh.
Ở Trung Kỳ có một cầu truyền khẩu rất thông thường gồm 4 “Nam Nghĩa Nghệ Tĩnh“ chữ, không biết do ai đặt ra từ hồi nào, nhưng thường xuyên được nhắc nhở trong các câu chuyện thời sự cách mạng, để chứng minh rằng bốn tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Nghệ An, Hà Tĩnh, là bốn nơi mà dân chúng có tinh thần cách mạng cao nhất, mạnh nhất, mà chánh quyền Bảo Hộ Pháp cũng như Triều Ðình Huế lo ngại nhất.
Thanh niên học sinh, cả nam lẫn nữ, ở bốn tỉnh ấy cũng là kỳ khôi và “ba gai“ không đâu bằng. Các biến cố gọi là “quốc sự“ ở Trung Kỳ trong thời gian 1925 - 1932 đều được học sinh ba trường Collèges Huế, Vinh, Quy Nhơn, nhiệt liệt ủng hộ, và chính họ cũng tự động gây ra những phong trào bãi khóa vô cùng sôi nổi mà mà tôi sẽ thuật trong các chương sau.
Học sinh Saigon thì chịu ảnh hưởng trực tiếp của các nhóm cách mạng Nguyễn An Ninh và Tạ thu Thâu. Nhưng họ hoạt động yếu ớt, rụt rè với sự hướng dẫn bí mật của các đảng viên cách mạng, rất tiếc là rời rạc và thiếu tổ chức.
Các nhóm chính trị “cấp tiến“ ở Saigon chú trọng về tổ chức lao động nhiều hơn, trong lúc vài đảng phái trưởng giả hay tiểu tư sản lại thiên hẵn về các giới trí thức trung lưu, và thượng lưu. Thanh niên học sinh không phải bị bỏ rơi, nhưng không được lãnh đạo thường xuyên và thiếu tổ chức chặt chẽ. Họ không có các động cơ thúc đẩy hăng hái như học sinh ở các Collèges Bắc Kỳ và Trung Kỳ.
Phong trào bắt bớ và lưu đày các nhà cách mạng đàn anh xẩy ra khắp ba kỳ Trung, Nam, Bắc, đã gây ra môt lòng căm phẩn ngấm ngầm trong giới học sinh Trung học của Niên Khóa 1926-27. Sự bảo nhau góp tiền may quần áo, mua các đồ vật dụng để gởi lén lút giúp các thanh niên đàn anh bị xiềng xích gông cùm trong các lao xá, chính là sự biểu lộ kín đáo lòng công phẩn của học sinh toàn quốc.
Học trò làm gì có dư tiền, thế mà ai nấy cũng tự ý sốt sắng nhịn quà bánh, hà tiện từng cắc, từng xu, để góp vào cuộc lạc quyên được số tiền khá lớn. Ở Quy Nhơn, học trò góp được 100 đồng (năm 1926) trao cho mẹ của thầy Ðổng sĩ Bình ở Huế vào ghé Quy Nhơn để đi Ban mê Thuột thăm con. Tuấn, Trâm, Anh có dự cuộc “hội họp“ của một nhóm đại diện học sinh với mẹ thầy Bình tại nhà anh Phạm Ðào Nguyên, thư ký kế toán hang Descours et Cabaud của Pháp, ở ngay Công quán Quy Nhơn. Anh này, người Bình Ðịnh, có thể là tiêu biểu cho hạng thanh niên tư chức, giúp việc cho Pháp, có lương tháng khá giả để sống cuộc đời đầy đủ và an nhàn, nhưng cũng có “đầu óc“.
Các tư tưởng ái quốc nồng nhiệt của anh và cảm tình đặc biệt của anh đôi với cách mạng, thường được thổ lộ ra nhiều lần trong nhiều trường hợp nguy hiểm.
Nhờ sự giúp việc tận tụy của anh với người chủ Pháp, nhờ sự giao thiệp rộng rãi của anh về nghề nghiệp với rất nhiêu người Pháp khác ở thành phố, và cũng nhờ tính điềm đạm, bình tỉnh khôn ngoan của anh mà các cuộc hộp họp bí mật ở ngay trong nhà anh, không hề bị Mật Thám Tây để ý dò xét. Muốn được kín đáo hơn, hai cô nữ sinh Trâm và Anh được chỉ định ngồi trước hè nhà ngoài với cô em gái của anh Nguyên. Ba cô gái vừa ăn bắp vừa nói chuyện cười ầm ĩ, rất là vui vẻ ngây thơ, trong lúc có họp kín ở nhà sau.
Hơn 11 giờ đêm bọn Tuấn mới lần lượt ra về trong lúc thành phố đã ngủ hết. Hai trò con gái mắc cở không dám về (thời bấy giờ con gái đứng đắn đâu có dám đi chơi khuya như thế) phần thì sợ ma, vì thành phố chưa có đèn điện, lại có nhiều chỗ vắng vẻ tối tăm và nhiều khoảng đất trống đầy những mả mồ.
Tuấn cũng không thể đưa hai cô bạn thân về nhà, sợ rằng lỡ có ai gặp, họ sẽ nghi ngờ và đồn bậy bạ. Hai cô sẽ mang tiếng thì sao? Cả thành phố ai còn lạ gì mặt mũi cái cậu học trò nổi tiếng là nghịch ngợm kia và không ai là không biết hai trò con gái thùy mị ở lớp Nhất. Vả lại ban ngày, trai và gái không dám đi chung với nhau nữa là ban đêm.
Sau cùng, tụi bạn phải nhờ mẹ thầy Bình và cô em gái của anh Nguyên đưa Trâm và Anh về ở xóm Bờ Sông. Tuấn mang đôi guốc cùn lẽo-đẽo theo sau, làm “gạc đờ co“.
Khi bà cụ và cô em gái của anh Nguyên đưa Trâm và Anh về đến nhà rồi, thì cả bà già lẫn cô gái đều sợ ma không dám trở về Công quán. Trò Tuấn phải đi hộ tống hai người trở lại nhà.
Anh Nguyên bảo Tuấn ở lại ngủ với anh. Anh pha cà phê của Tây cho uống. Nhưng trò Tuấn mới nằm xuống giường chưa nóng lưng đã lóp ngóp bò dậy, bảo anh Nguyên mở cửa để cho trò đi về:
- 12 giờ khuya còn đi về à?
- Ði về! Tuấn chỉ bảo thế.
Ra đường, Tuấn lê đôi guốc cùn đến xóm Bờ Sông đi ngang qua trước cổng nhà trọ của Trâm và Anh. Hai cô nữ sinh còn thức, ngôì trên sân dưới ánh trăng sáng dịu, ngó ra ngoài cổng. Trông thấy Tuấn đi ngang qua, Trâm và Anh chạy ra,khẽ gọi:
- Anh Tuấn!
Tuấn quay lại, Trâm bảo:
- Tụi em thức đợi anh, biết thế nào anh cũng trở lại.
Anh bảo:
- Ði vào sân ngồi dưới ánh trăng nói chuyện chơi anh Tuấn.
- Trâm và Anh chưa đi ngủ à?
- Sao đêm nay tụi em không buồn ngủ. Anh buồn ngủ chưa?
- Chưa.
- Ði vô sân nói chuyện chơi, anh.
Tuấn khẻ bảo:
- Tụi mình đi vô nhà, đóng kín cửa lại.
Trâm và Anh cười hồn nhiên, lật đật chạy vào nhà với Tuấn. Ánh trăng rọi xuyên qua các song cửa, như lọc những tia sáng lờ mờ xanh dịu. Trâm đóng cửa giữa. Tuấn bảo Anh đóng luôn cả hai bên. Trong nhà tối đen, không có gì nữa cả. Giả sử lúc bấy giờ có ai đứng bên ngoài rình xem, họ cũng khó được biết cậu học trò con trai và hai cô bạn gái nói chuyện gì trong căn nhà tôí đen ấy?
Tuấn nói rất khẽ:
- Anh thắp đèn dầu hỏa lên. Ðừng thắp đèn măng-sông (manchon) sáng lắm.
Anh và Trâm di sờ soạng tìm hộp quẹt “Bến Thủy“. Ðó là loại hộp quẹt duy nhất của một hãng Tây chế tạo ở Bến Thuỷ, gần thành phố Vinh, được thông dụng khắp xứ Trung Kỳ lúc bấy giờ. Hai phút sau, một ngọn lửa vàng khè cháy trên đỉnh một chiếc đèn gọi là đèn Huê Kỳ.
Trâm và Anh cứ tủm tỉm cười, không nói gì cả. Hai cô chưa biết Tuấn định làm gì.
Tuấn khẽ kép ghế ngồi ngay trước ngọn đèn, thò tay dưới lớp áo dài trắng của Tuấn đang mặc, rút trong lưng quần ra: hai tờ báo. Anh và Trâm thoạt tiên rất kinh ngạc và sợ hãi nhưng rôì trở lại vui mừng, kéo ghế ngôì hai bên Tuấn, sát ngay vào cạnh Tuấn. Ba cái đầu xanh ngây thơ âu yếm kề vào nhau dưới ánh đèn, trố mắt xem chung tờ báo:
Việt Nam Hồn
Cơ quan của Ðảng Việt Nam Ðộc Lập ở Paris
Chủ Nhiệm: Nguyễn thế Truyền
Và tờ báo Tây:
L’ Argus Indochinois
Organe de combat l’injustice et l’oppression .
(Cơ quan chiến đấu chống bất công và áp chế
Directeur-gérant: Amédée Clémenti (Chủ nhiệm, Quản lý: Amédée Clémenti)
14 Bd Doudart-de-Lagré Hanoi
và giòng chữ lớn đăng hết cả bề ngang trên trang nhất:
Le Parti de L’ Indépendance Annamite (Ðảng An nam Ðộc Lập)
Anh nét mặt hớn hở, hỏi thăm Tuấn:
- Anh được hai tờ này hồi nào vậy, anh?
- Lúc nãy. Sau khi nhóm ở nhà anh Phạm Ðào Nguyên. Chính anh Nguyên trao tôi hai tờ báo này. Tôi cũng chưa xem.
Trâm mừng rỡ lấy tay chỉ một câu in nét đậm ba cột trên tờ Việt Nam Hồn và reo thầm lên:
- Bài này hay quá, anh ơi… Ồ thích quá, anh!
Tuấn gấp tờ L’ Argus Indochinois lại để xem tờ Việt Nam Hồn trước.
Vai sát vai, ba đầu xanh kề nhau trìu mến, cúi xuống tờ báo in toàn chữ đỏ trên giấy trắng. Hai cặp mắt huyền lónh lánh, mê nhìn theo ngón tay của Tuấn chỉ từng giòng từng chữ bài thơ sau đây trong lúc miệng của Tuấn đọc rất khẽ, chỉ đủ cho ba người nghe với nhau:
Cảnh Tỉnh
Hãy thức dậy, hởi người say ngủ,
Chuông Tự Do rền ngũ đại châu
Xôn xao khắp cả hoàn cầu
Sao ta cứ chịu vùi đầu giấc mê?
Chân ta cứ kéo lê xiềng xích?
Cổ ta mang nặng chịch gông cùm?
Nào ta trổi dậy vẫy vùng,
Sao cho xứng đáng con Rồng cháu Tiên...
Ðọc hết tờ báo Việt Nam Hồn, Tuấn và Trâm, Anh, đều rạo rực vui sướng vì những bài kịch liệt chửi Tây, hô hào cách mạng, đả đảo chế độ thuộc địa, đòi Ðộc Lập Tự Do. Trời ơi! Sao ở bên Tây, người An nam mình viết báo chửi Tây sướng quá vậy hỉ! Tuấn nhảy nhổm lên. Tuấn reo cười thoải mái. Tuấn đi qua đi lại. Tuấn đứng một chỗ không yên. Tuấn ngồi xuống.
Tuấn điên mất rồi! Hai trang báo in toàn chữ đỏ như làm phừng lên những ngọn lửa huyền diệu trong lòng cậu học trò 16 tuổi, mà trái tim bổng dưng sùng sục sôi lên.
Trâm và Anh thì ngồi yên lặng dưới ánh đèn, cúi đầu xuống chép trong quyển vở những đoạn văn và những bài thơ mà hai cô nữ sinh 14 và 15 tuổi đang say sưa trích trong "Việt Nam Hồn“ Tên tờ báo đúng làm sao! Ðêm nay thật như có Hồn Thiêng của Nước Mẹ Việt Nam nhập vào ba linh hồn ngây thơ của ba đứa trẻ, khiến chúng rạo rực lên, say mê lên, hăng hái lên, cười lên, reo lên!…
Trâm và Anh ngồi chép mấy bài thơ trong Việt Nam Hồn, và những giọt nước mắt êm đềm lặng lẽ từ trên hai cặp mắt huyền mơ diễm lệ rơi từ từ xuống hai trang giấy, đọng trên những vần thơ, nhòa ra nét mực. Thơ của Việt Nam Hồn có thần lực gì mà một đứa con trai khờ khạo, và hai cô gái mảnh khảnh nhu mì, đang bị rung cảm mảnh liệt đến trào ra những ngấn lệ? Họ khẽ hỏi nhau: ông Nguyễn Thế Truyền là ai vậy? Các nhà ái quốc cách mạng khác làm thơ và viết trong tờ Việt Nam Hồn là ai? Ba trò còn nhỏ tuổi qúa, làm sao biết được! Nhưng Tuấn nghĩ rằng các ông có ngờ đâu những tư tưởng cách mạng Tự Do, Ðộc Lập in trên hai trang báo nhàu nát của các ông từ bên Tây gởi lén về, đã lọt vào ba mái tóc xanh khắn khít bên ngọn đèn leo lét, trong một thành phố nhỏ ở Trung Kỳ. Ðối với Tuấn cũng như với Trâm, Anh, tên Nguyễn Thế Truyền là một thần tượng, như Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu vậy.
Ðến khi đọc qua tờ báo tây L’ Argus Indochinois, Tuấn kinh ngạc vô cùng. Ðây cũng là tờ báo cách mạng nhưng viết bằng chữ Tây, xuất bản tại Hà nội, mà chủ nhiệm kiêm chủ bút là người Tây, ông Amédée Clémenti. Trâm hỏi Tuấn:
- Tây mà sao cũng viết báo chửi Tây, hả anh?
Tuấn không trả lời được. Tuấn đã biết gì đâu việc làm báo và làm “quốc sự“. Thấy thế chỉ biết thế thôi, L’ Argus Indochinois in trên giấy xanh, bốn trang rộng lớn đăng toàn những bài đả kích kịch liệt chế độ thuộc địa (le régime colonial) - danh từ thường dùng nhất trong tờ báo này và rất hăng hái bênh vực người An nam được tự do, nước An nam được độc lập. Trên đầu tờ báo này bên cạnh tên báo, có vẻ một con chim Minh Trĩ (L’ Argus) với hai chữ la-tinh: unguibus et rostro (dùng mỏ và móng).
Ý hẳn ông Amédée Clémenti mượn con Minh Trĩ làm tượng trưng cho cuộc tranh đấu cách mạng của ông để binh vực quyền lợi của dân tộc An nam và nước An nam. Cuộc tranh đấu dai dẳng dùng mỏ để cắn, dùng móng chân để đá, nghĩa là quyết liệt, không bao giờ nhượng bộ.
Có điều Tuấn và hai cô bạn học trò lớp Nhất cứ thắc mắc mãi là sao lại có một ông Tây ở Hà nội viết báo chửi Tây còn hơn An nam nữa?
Những bài báo L’ Argus Indochinois ở Hà nội và các bài trong Việt Nam Hồn ở Paris đã gieo thẳng vào óc của Tuấn cũng như Trâm, Anh, một tinh thần cách mạng mãnh liệt hơn bao giờ hết.
Sau khi họ xem xong hai tờ báo không sót một câu một chữ, và chép hết những bài văn bài thơ cảm động nhất thì trời đã sáng. Hai cô học trò vội vàng tìm chỗ kín đáo để dấu cất những giai phẩm văn chương cách mạng ấy.
CHƯƠNG 33
1926
- Nghĩ Hè, học sinh góp tiền, nhờ giáo sư đem ra Huế tặng cụ Phan bội Châu.
- Một bà vợ Thành Thái bị Vua chém sứt mất vú.
Với mặt trời đã mọc lên cao trên mặt biển, chiếu ánh sáng ấm áp trên thành phố, đời sống rộn rịp lại tiếp tục như mọi ngày, không có gì thay đổi.
Ông Cò Tây với bộ râu cá trê, và một người lính “phú lít“ An nam cỡi xe máy đi chầm chậm trên con đường lớn, mắt tròn xoe ngó hai bên hàng phố. Nhiều người đi đường cất nón hoặc dở mũ chào. Sáng nay là Chủ Nhật, trò Tuấn đi về nhà, lê đôi guốc cùn kêu lẹp kẹp…lẹp kẹp…, vừa đi vừa huýt gió. Trò dâú hai tờ báo trong lưng quần, dưới lớp áo trắng dài quá đầu gối độ 10 phân. Ông Cò râu cá trê xoe tròn hai con mắt nhình trò. Trò làm bộ cười và chào bằng tiếng Tây:
- Bonjour Monsieur le Commissaire de police! (Chào ông Cò)
Ông Tây gật đầu cười:
- Bonjour, jeune home! (chào cậu bé!)
Tuấn mang lén hai tờ báo về nhà trọ, định xem lại một lần nữa rôì đem đến cho trò Quỳnhm trò Tố xem.
Muà hè 1925, học trò trường Quy Nhơn xôn xao vì một cái tin đã gây ra nhiều tai tiếng cho một ông Ðốc (Giáo sư An nam) chung quanh một số tiền đóng góp gởi ra tặng cụ Phan Bội Châu ở Huế. Vụ góp tiền không hiểu do ai đề xướng ra, nhưng một tháng trước ngày nghỉ Hè, học trò các lớp lớn, nghĩa là Ðệ Nhất, Ðệ Nhị, Ðệ Tam niên, bảo nhau đem tiền đến góp tại nhà ông đốc Bính, người Bắc Kỳ.
Ông này, như đã có nhắc đến nhiêù lần ở mấy chương trước, vì có đầu óc cách mạng và đã nhiều lần tuyên truyền tư tưởng ái quốc trong đám học trò, nên rất được học trò tín cẩn và kính phục hơn hết các ông đốc khác. Học trò các lớp lớn cho rằng sự đóng góp tiền để giúp thầy Ðổng sĩ Bình bị tù ở ngục thất Ban Mê Thuột và để gởi tặng cụ Phan Bội Châu ở Bến Ngự, Huế, đều là một bổn phận mà học trò phải hăng hái làm tròn.
Ai cũng biết rằng cụ Phan Bội Châu ở Bến Ngự là do tiền của đồng bào nuôi, tiền của những người ở khắp các tầng lớp xã hội, từ Bắc chí Nam, ai có tính yêu nước và có lòng sùng bái bậc anh hùng chí sĩ đều tự động gởi đến tặng cụ. Việc ấy dĩ nhiên, vì cụ Phan Bội Châu làm cách mạng ở hải ngoại về, làm gì có tiền.
Tuấn có nói việc ấy cho Trâm và Anh nghe, hai cô bạn lớp Nhất cũng tán thành: ”Phải chớ! Cụ làm cách mạng cho ai! Cho Quốc Dân đồng bào, (những danh từ này thường đúng nhất lúc bấy giờ). Cụ là bậc cha già của Quốc Dân phải có bổn phận phụng dưỡng cụ“.
Nghe nói đồng bào ở tỉnh nào cũng có gởi tiền về tặng cụ. Thành phố Quy Nhơn cũng đã có nhiều người góp tiền đem ra Huế tặng tận tay cụ, vì không dám gởi măng đa, sợ các quan Tây hay được sẽ bỏ tù.
Về phần trường Quy Nhơn thì học trò biết rằng đến kỳ nghỉ hè có ông Ðốc Bính về thăm quê nhà ở Bắc kỳ, sẽ Huế thăm cụ Phan. Ðó là cơ hội rất tốt để học trò góp tiền nhờ ông Ðốc trao tận tay cụ. Bọn học trò con nhà giàu thì sẵn tiền, còn tụi nhà nghèo lo nghĩ ngày đêm không biết làm cách nào có tiền để tặng cụ Phan? Tuy là người nào tuỳ tiện góp riêng người đó, chứ không phải góp chung và không ai bắt buộc ai cả, nhưng trò nào không có tiền thật là đau khổ, lương tâm cắn rứt, tự coi như là chính mình trốn tránh bổn phận đối với “Quốc Dân Ðồng Bào“!
Còn 7 ngày nữa, thì đến nghỉ Hè, mà trò Tuấn không có một xu trong túi, măng đa ở nhà cha mẹ gửi cho trước đó nửa tháng, trò đã lấy trả tiền cơm, và các món nợ vặt vãnh còn dư được một vài đồng trò mua kẹo thèo lèo đãi Trâm và Anh, hai cô bạn lớp Nhất cuối niên khóa đã thi đỗ “ri-me“. Chợt đến vụ góp tiền tặng cụ Phan Bội Châu, Tuấn không còn một đồng xu. Tuấn nằm khóc thút thít một mình.
Bảy ngày liên tiếp, Tuấn tự lấy làm hổ thẹn, biệt có dám bước chân đến nhà hai cô bạn Trâm, Anh. Chờ mãi Tuấn không được, hai cô đến nhà trọ tìm Tuấn, nhưng Tuấn lánh mặt.
Ðến ngày phát phần thưởng cuối niên khóa, trò Tuấn vui mừng được lãnh thưởng 3 quyển sách mới thật đẹp. Tan buổi, Tuấn ôm sách đi gạ bán cho mấy thằng bạn nhà giàu. Trong số đó có thằng Nguyễn văn X., con nhà bá hộ nhưng học kém, không được phần thưởng, Tuấn đến gạ nó:
- Tao bán cho mầy ba quyển sách này có đóng dấu của ông Ðìa-réc-tơ tặng thưởng. Mầy đem về khoe với cha mẹ mầy là chính sách phần thưởng của mầy, chắc ởng bả mừng lắm và cưng mầy lắm.
Con nhà bá hộ nghe bùi tai, bằng lòng lập tức. Tuấn theo giá sách đòi 10 đồng bạc, thằng bạn lấy trao Tuấn đủ số, không mặc cả. Tuấn mừng quýnh, chạy đến nhà ông Ðốc Bính, góp 9 đồng vào số tiền tặng cụ Phan Bôị Châu. Còn dư 1 đồng, Tuấn mua kẹo thèo lèo đãi Trâm và Anh. Hai cô cũng đã góp mỗi cô 4 đồng nhờ Tuấn trao lại ông Ðốc Bính.
Sau kỳ nghỉ Hè, xảy ra chuyện tai tiếng rùm beng cả thành phố. Thầy trợ giáo lớp Ba cũng có đi Huế thăm cụ Phan. Khi trở về Quy Nhơn, thầy mét với học trò rằng ra Huế ông Ðốc Bính đã ăn xén bớt một nửa số tiền của học trò đóng góp, chỉ trao tặng cụ Phan một nửa số thôi. Mặc dầu Tuấn và đa số học trò không tin hành động bất lương ấy của ông Ðốc Bính, nhưng một số khác vẫn tin và nhất là mấy ông Ðốc và mấy thầy Trợ giáo không có cảm tình với ông Ðốc Bính.
Việc thứ hai là một thằng bạn xỏ-lá ở cùng làng với con nhà bá hộ, và cũng không được phần thưởng, đã mét với ông bá hộ là thằng con ông đã mua lại sách thưởng của thằng Tuấn. Ông bá hộ nghe lời trò kia, liền đè con xuống đánh một trận nên thân. Gần ngày tựu trường, trò Nguyễn văn X. trả ba quyển sách lại cho Tuấn và đòi lại số tiền 10 đồng… Tuấn phải bán sách cho đứa khác mới có tiền trả lại cho nó.
1924-1927, ba năm… Biết bao nhiêu là thay đổi trong đầu óc người thanh niên Việt Nam! Cũng như đại đa số, có thể nói là hầu hết thanh niên học sinh Trung kỳ, Bắc kỳ và Nam kỳ, Tuấn năm 1927 đã khác hẳn Tuấn 1924.
Chàng trai nước Việt 1927 không còn vô tư, ngớ ngẩn, khờ khạo, như chàng trai 1924. Hắn không còn say mê điệu quốc ca La Marseillaise của Pháp nữa. Hắn đã ghét lá cờ tam tài xanh trắng đỏ. Hắn đã hết sợ ông Tây bà Ðầm, và đã tức giận Tây là kẻ lấy quyền thế, ỷ văn minh, ỷ mạnh, dày xéo trên đất nước An nam, bốc lột dân An nam, khinh khi nòi giống An nam.
Tuy vậy, tâm hồn các bạn trẻ này hãy còn chất phác, ngây thơ chưa hiểu biết gì nhiều về chính trị trong nước cũng như chưa có ý thức rõ rệt về vai trò của thanh niên đối với chế độ thuộc địa. Ðại khái là thù Tây, ghét Tây! Nhưng vẫn thích học và thích nói tiếng Tây, viết chữ Tây. Ghét chế độ quân chủ, nhưng lại vẫn tôn sùng các ông Vua ghét Tây và đã chống lại Tây. Những vị Hoàng đế như Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân đều được bọn học trò và toàn thể thanh niên chiêm ngưỡng. Những chuyện gì dính líu đến các vì Vua ấy đều được kể cho nhau nghe, và ai nấy đều tin, nhất là những chuyện hoang đường để chứng minh rằng các vua ấy là minh quân, quả có cái mạng “Ðế vương của Trời ban cho để cứu nước An nam“.
Một ông tú tài Nho học kể cho Tuấn nghe rằng vua Tự Ðức đi tiêu, ể ra cục c... vuông, chứ không phải cục tròn như người phàm tục. Tuấn tin ngay và vội vàng đi kể lại cho nhiều người nghe. Học trò đứa nào cũng tin. Nhiều thầy Trợ giáo cũng tin. Dân chúng thành phố thì ai cũng tin cả. Tất cả đều tin. Chẳng ai cần biết rằng lính vua Tự Ðức đánh Tây ở cửa Hàng, ở Hà Nội, ở Lục Tỉnh trận nào trận nấy đều thua liểng xiểng, rốt cuộc để Tây lấy mất cả nước An nam. Nhưng điều đó không quan hệ. Chỉ một việc đánh Tây, cũng đã là một hành động minh quân rồi, có mạng Ðế vương, đáng “ vì thiên tử“.
Tuấn khoái đem câu chuyện cục c… vuông của vua Tự Ðức đi nói cùng cả cho mọi người nghe. Ai cũng cười xòa lên cho đến anh “cu li“ xe kéo và chú thợ nề cũng biết và trầm trồ kính phục vua Tự Ðức.
Một hôm, ở trường, trong giờ ra chơi, ông giáo sư Pháp văn, tên là Arago, tính ưa khôi hài và thích chọc trò Tuấn, vừa cười vừa hỏi Tuấn:
- Có phải ông Vua An nam ể cục c... vuông không Tuấn?
Tuấn hết sức ngạc nhiên, không dè các ông giáo sư Pháp cũng nghe chuyện đó, và Tuấn tự thấy hơi lố bịch đối với người Pháp, nên Tuấn trả lời:
- Ai bảo với ông thế? Những ông vua nước Pháp hồi trước như Louis XIV, có ể cục c... vuông không?
Ông giáo sư cười hà hà, cú nhẹ trên đầu Tuấn một cái.
Ðaị khái có một chuyện lạ nữa mà ai cũng tin, là chuyện Vua Thành Thái ra thăm núi Ngũ Hành Sơn ở Ðà Nẵng. Nơi đây, trong một động núi có hai cái vú đá thiên nhiên rất đẹp, giống hệt như đôi vú vun vén đầy đặn của đàn bà. Nguồn nước trong veo từ đôi vú ấy chảy ra thường xuyên từng giọt, nhỏ xuống hai chậu đá cũng thiên nhiên đặt ngay dưới vú. Các vị tu sĩ ở Ngũ Hành Sơn thay phiên nhau ra múc nước thiêng âý đem vào cúng Phật. Bỗng một hôm đức Vua Thành Thái ngự du ra xem thắng cảnh, trông thấy đôi “vú thần“ đẹp quá. Ngài tinh nghịch đưa tay ra bóp một cái, tự nhiên vú tịt ngòi không chảy nữa. Mãi cho đến sau này, cái vú ấy vẫn cứ câm luôn . Chỉ còn một cái tiếp tục thường xuyên chảy nước là cái vú vô duyên không có vinh hạnh được bàn tay đế vương rờ bóp. Lúc mới nghe, Tuấn cho câu chuyện ấy là hoang đường, phi lý, nhưng mấy cậu học trò quê ở Quảng Nam, đều quả quyết là chuyện thật 100 phần 100. Hâù hết, những bạn này đều nói có đi xem núi Ngũ Hành Sơn và xác nhận sự kiện lịch sử ấy. Việc Vua Thành Thái bóp vú đá ở Ngũ Hành Sơn cũng được truyền tụng khắp cả thành phố, và cũng do đám học sinh Ðệ Nhất, Ðệ Nhị, và Ðệ Tam niên loan ra.
Một hôm anh Phạm Ðào Nguyên, thư ký hãng Descours et Cabaud, mét riêng cho trò Tuấn biết rằng người vợ An nam hiện tại của ông Tây Delorme, ở cạnh nhà thờ Thiên chúa, trước kia chính là một trong những bà vợ của Vua Thành Thái, và bà này hiện chỉ có một cái vú độc nhất ở bên trái, vì cái vú bên phải đã bị Vua Thành Thái cầm gươm chém đứt, Phạm Đào Nguyên nói và cười, nhưng quả quyết là đúng sự thật. Thấy Tuấn lắc đầu không tin, thầy thư ký hãng Descours et Cabaud bảo Tuấn:
- Nếu anh không tin, cứ việc đến hỏi thẳng bà Delorme, Bả sẽ nói chuyện cho nghe.
Tuấn cho là một chuyện khôi hài, nhưng nó vẫn bị ám ảnh kinh khủng bở cái vú “lịch sử“ của bà vợ Tây mà Phạm Đào Nguyên qủa quyết bảo trước kia là vợ của Vua Thành Thái. Óc tưởng tượng của tuổi thanh niên, và thêm vào đấy cái tính tò mò học hỏi sẵn có của Tuấn, bị căng thẳng đến tột độ, khiến Tuấn cả đêm không sao ngủ được. Ðến khi ngủ mê, Tuấn chiêm bao thấy cái vú của bà vợ Tây bị Vua Thành Thái cầm gươm chém một nhát phun cả máu ra. Tuấn ú ớ hét lên một tiếng kinh khủng rồi giật mình thức giấc. Cả nhà trọ đều hoảng hốt thức dậy hết. Họ thắp đèn lên và hỏi Tuấn. Cậu học trò ướt đẩm mồ hôi điềm nhiên kể lại:
- Tui thấy bà Delorme có hai cái vú thiệt đẹp, bị vua Thành Thái cầm gươm chém một cái đứt ra chảy đẩm cả máu me. Tui sợ quá hồn vía bay đâu mất!
Cả nhà đều cười xòa mà chế nhạo trò Tuấn là mê đôi vú của bà me Tây. Mắc cỡ, nhưng muốn biết rỏ sự thật, sáng Chủ Nhật, mặc áo dài trắng của học trò, đội mũ trắng, lê đôi guốc cùn đến nhà bà Dolerme. Ông Tây chồng bà đi Saigon, bà đang dạo vườn bắt sâu cho mấy khóm hoa. Cái cổng bằng gỗ mở một cánh. Tuấn đi qua đi lại hai ba vòng, mắt cứ lấm lét ngó vào vườn hoa nhưng không dám vào. May thay bà vợ Tây dừng lại nhìn trò Tuấn rồi mĩm cười nói bằng tiếng Huế:
- Câu kia đi mô rứa? Ngó chi rứa? Muốn xin bông hỉ?
Tuấn cười :
- Dạ, bông gì đẹp quá, bà cho tui một cành được không ?
- Ðược, vô trong ni tui cho.
Thế là Tuấn vào. Ðôi mắt tò mò của Tuấn cứ ngó ngay lên bộ ngực bà, vun vèn đầy đặn cả đôi dưới lờp sơ mi mỏng bằng hàng ngoại quốc. Bà trạc độ 40 tuổi, rất đẹp. Tuấn hồi đó 16 tuổi thôi. Bà cười rất tự nhiên hỏi:
- Răng cậu cứ nhìn cái ngực của tui dữ rứa?
Tuấn bẽn lẽn hỏi:
- Thưa bà,phải hồi trước bà là vợ vua Thành Thái không?
- Phải, trước tê tui là cung phi của đức ngài Thành Thái.
- Tui nghe họ đồn là nhà Vua chặt mất một cái vú của Bà, có đúng không Bà?
- Ðúng như, như rứa đó.
Xong, bà vui vẻ cởi nút áo ra,phanh một nửa chiếc áo sơ mi để hở một nửa ngực cho Tuấn xem. Bà chỉ cái chỗ vú bên phải:
- Cái ni này.
Tuấn thấy không có cái vú ở chỗ đó nữa, da ngực bằng phẳng chỉ còn một vết thẹo lớn mà thôi. Vú bên trái còn nguyên vẹn thì bà vẫn cầm nữa áo che kín, không cho Tuấn xem. Vã lại, trò Tuấn đâu có đòi xem cái vú còn nguyên vẹn. Xong, bà cựu Cung Phi cài khuy áo lại. Tuấn hỏi:
- Sao Vua Thành Thái lại chém cái vú của bà chi rứa?
- Tại ri nè. Ngài lo việc đánh Tây. Cho nên sáng mô Ngài cũng bắt Cung Phi Cung Nữ ra vườn tập trận. Ngài ra lịnh trồng chuối chung quanh vườn, cứ cách một khoảng trồng một cây chuối. Ngài truyền Cung phi cưỡi ngựa, cầm gươm, rôì phi ngựa chạy ngang qua giây chuối. Ngài Ngự ngồi ghế truyền lịnh chém cây mô thì phải chém cây nớ. Taị con ngựa của tui nó sợ quá, đến gần chỗ Ngài ngôì là nó nhảy vồ lên, làm tui cũng thiếu điều bổ xuống đất, tui đưa gươm ra chém cây chuối mà không trúng. Ngài Ngự nổi giận liền chạy tới đưa gươm chém vô người tui một phát lại trúng cái ngực, đứt cái vú. Tui bổ xuống đất, máu chảy ra lai láng mà tui không dám kêu. Rồi tui chết giấc luôn. Sau đó nhờ dán thuốc dán lâu ngày cũng khỏi, bây giờ thành thẹo như rứa đó.
Tuấn đứng nghe choáng váng cả mặt mày, muốn té xỉu luôn bên bồn hoa của bà Cựu Cung phi… Bà bẻ cho Tuấn một cành hoa, bảo Tuấn vô nhà chơi, bà cho coi nhiều đồ Tây đẹp lắm. Nhưng Tuấn mắc cỡ, cất mũ chào bà rôì chạy biến ra đường.
CHƯƠNG 34
1926
- Phong trào học trò mặc Âu Phục bằng vải nội hóa.
- Phản ứng của các giáo sư Pháp.
- Phản ứng của giới thủ-cựu An-nam.
Một buổi sáng thứ Hai, trống đánh tựu trường được một lúc, thì ông “Ðìa“ (học trò gọi tắt ông Ðìa-réc-tơ Deydier) và các giáo sư Pháp, Nam đều hết sức ngạc nhiên thấy đa số học rò các lớp lớn từ Ðệ Nhất niên lên Ðệ Tứ niên, đi học đều mặc âu phục. Ông Ðìa và các giáo sư đều gọi đó là “một cuộc cách mạng“! Vì lần đâù tiên học sinh Qui-nhơn, và cùng một lúc cả học sinh toàn quốc, đi học mặc đồ Tây!
Trước đó, từ Bắc chí Nam, học trò chỉ mặc áo dài An nam, và mang guốc, hoặc đi chưn không . Học trò Bắc kỳ mặc áo the thâm hoặc áo vải quyến trắng. Học trò Trung kỳ mặc áo trăng đầm đen, và quần vải quyến trắng. Học trò Nam kỳ mặc đồ bà ba trắng, chỉ có con nhà giàu sang mới mặc đồ Tây, mang giày tây. Ở Trung kỳ và Bắc kỳ, học trò mặc đồ Tây là việc hy hữu, dù là con nhà giàu hay con nhà quan.
Bỗng dưng, sau vụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh 1925-1926, học sinh Trung học cả ba Kỳ đều bảo nhau mặc đồ Tây hết, và đồ Tây may bằng vải nội hóa.
Khởi điểm phong trào đi học mặc đồ Tây là học sinh Quốc Học Huế. Còn cuộc vận động may đồ Tây bằng vải nôị hóa lại là do học sinh trường Qui-nhơn. Nói cho đúng với sự kiện lịch sử và xã hội, thì hai phong trào kia đều do ảnh hưởng đời sống “Âu hóa“ đã bắt đầu phát triển mạnh mẽ ở Saigon trước tiên, từ ngày cụ Phan Chu Trinh bị Tây bắt ở Thượng Hải đưa về Hà nội. Do cuộc tuyên truyền miệng, vì hầu hết những phong trào toàn quốc lúc bấy giờ đều do khẩu truyền mà ra, chứ không phải do nơi cổ động trên báo chí An nam. Suốt cả thời kỳ cách mạng tiền chiến, báo chí đều chỉ đóng vai trò thụ động. Hoặc họ phê bình đả phá các phong trào ái quốc theo mệnh lệnh của Tây. Chưa bao giờ trong thời kỳ sôi nổi 1925-1927, báo chí An nam đóng vai tiền phong hay chủ động, dẫn dắt quần chúng. La Cloche Félée của Nguyễn An Ninh, và La Jeune Indochine của Vũ Đình Duy ở Saigon, Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng ở Huế, L’Argus Indochinois của Amédée Clémenti ở Hà nội, là những cơ quan tranh đấu độc lập, của những nhà trí thức cách mạng An nam và Tây.
Phong trào học trò đi học mặc đồ Tây bằng vải nội hóa, năm 1927, cũng không phải do báo chí cách mạng phát động. Trái lại, có nhiều tờ báo lại còn làm thơ con cóc và đem những triết lý đạo đức vụn ra mà chế nhạo nữa là khác. Mặc kệ, bọn học trò bảo nhau: Tây họ thấy tụi mình mặc áo quần An nam, họ khinh mình là nhà quê, họ chửi mình là “sale race“ (nòi giống nhơ bẩn), thì từ nay tụi mình mặc đồ Tây đi học để có ý như khiêu khích.
Hôm ấy, trò Quỳnh, trò Hảo, trò Thu, trò Tuấn, trò Ứng, ngôì bàn chuyện tại nhà thầy Phạm đào Nguyên về vấn đề mặc đồ Tây, do mấy anh Quốc Học ở Huế vô đề xướng hôm trước. Lần đầu, trò Hảo còn e ngại:
- Tuị mình mặc đồ Tây, sợ ông Ðìa với các ông giáo sư cho tụi mình là vô lễ, hay làm phách thì sao?
Trò Thu chuyên môn giọng cười hài hước:
- Mõa mặc đồ Tây mà mõa cứ học thuộc bài, khỏi ăn hột vịt là mõa “măng phú“ . Mấy ông giáo sư mặc đồ Tây có làm phách và vô lễ với ông Ðìa không?
Quỳnh:
- Tao chỉ sợ xin tiền may đồ Tây, cha tao hổng cho.
Tuấn:
- Tao thì tao năn nỉ anh thợ may cho tao may chịu, rôì nghỉ hè vô sẽ trả tiền.
Hảo cười hì hì:
- Nghỉ hè vô, mày bán bộ đồ Tây đó để trả tiền cho thợ may hả?
- Nghỉ hè về quê, tao diện đồ Tây, đeo cờ-ra-oách cho oai thì cha mẹ tao khóai mắt, nhứt định là cho tao tiền.
Hảo:
- Ông già bà già tao thì dễ lắm. Ổng mặc đồ Tây, thì ổng cũng thích tao mặc đồ Tây cho giống ổng. Nhưng tao sợ tụi mình mặc đồ Tây đi học thì ông Ðìa cấm, không cho mặc.
Nghĩ đến trường hợp có thể ông Ðìa cấm học trò đi học mặc đồ Tây, trò nào cũng ái ngại. Nhưng Tuấn bảo:
- Tao thì tao hổng sợ ông Ðìa cấm. Cấm là vô lý. Tao chỉ sợ lão Gabriel càng ghét tao và suốt năm cứ cho tao ăn trứng vịt. Nhưng tao đếch cần!
- Mầy có lão Arago với lão Antomachi thương mày. Hễ giờ Toán, Gabriel cho mày zéro thì qua giờ Luận Pháp văn ông Antomachi cho mầy 9 sur 10. Ông Arago cho mầy Lecture cũng 9 sur 10. Cái này bù qua cái kia.
- Ừ, vậy cho nên tao đâu có sợ lão Gabriel!
Rốt cuộc rồi ai cũng tán thành mặc đồ Tây đi học. Nếu xẩy ra chuyện gì, sẽ liệu sau. Nhưng Tuấn đề nghị may bằng vải nội hóa, đừng thèm may vải tây. Cãi nhau một hồi lâu rồi tất cả chịu may bằng vải nội hóa Quảng Nam. Vải dệt ở Qui-nhơn và Quảng Ngãi không đẹp bằng dệt ở Quảng Nam, mấy anh thợ may bảo thế.
Phong trào vận động may đồ Tây được tuyên truyền miệng khắp giới học sinh các lớp Trung học. Học sinh Tiểu học còn nhỏ tuổi, hầu hết các bậc phụ huynh các em không cho mặc đồ Tây. Thế là nửa tháng sau, hai phần ba số học trò lớn đều có mỗi trò một bộ đồ Âu phục bằng vải nội hóa. Họ gọi là là “Nhứt bộ“ vì trò nào cũng chỉ kiếm tiền may được một bộ mà thôi. Còn một phần ba, tụi nhát gan nhất, sợ mặc đồ Tây sẽ bị ông Ðìa phạt và giáo sư ghét, thì nhất định tiếp tục áo dài đen, quần trắng, mang guốc.
Sáng thứ Hai ấy, Tuấn dậy thật sớm, tắm rửa sạch sẽ để làm lễ khánh thành bộ đồ tây đầu tiên của trò. Sau khi chãi tóc rẽ trois quarts thật bảnh bao, Tuấn trịnh trọng mặc sơ mi trắng tinh, chiếc sơ mi mới may duy nhất và cẩn thận cài từng nút xa cừ. Thắt cà-ra-óach, thì đã nhờ anh thợ may bày cho, và Tuấn đã tập mãi ngày Chủ Nhật để thắt cho đẹp và cho ngay thẳng giữa cổ .
Xong, không mặc quần đùi vì Tuấn ghét mặc quần đùi, cứ ở truồng như thế Tuấn lấy nhè nhẹ cái quần tây, xỏ nhè nhẹ vào hai ống chân, sợ nó mất plis. Hai tay cầm hai bên lưng quần. Tuấn cúi xuống ngó từ dưới ngó lên xem có ngay thẳng không, rồi mới cài nút. Thắt dây lưng vải, vì hồi đó chưa có tiệm nào bán thắt lưng da (Anh thợ may dùm cái thắt lưng vải, Tuấn phải trả thêm hai đồng bạc). Tuấn tròng vô nhè nhẹ cái áo veste… Theo thời trang đời bấy giờ mặc đồ Tây phải mặc complet đủ bộ quần và áo, chứ không ai mặc sơ mi trần. Học trò cũng mặc “đồ lớ“ như người lớn vậy. Ðến việc mang giầy, mà không có vớ. Vì mua vớ tốn tiền thêm, và chủ tiệm không bán chịu. Chỉ có anh thợ may là bằng lòng may chịu mà thôi. Dĩ nhiên là trò Tuấn may chịu cả cái cà-la-oách gía tiền thêm hai đồng nữa, vì chưa có tiệm nào bán cà-la-oách cả.
Xong đâu vào đấy trò Tuấn ngắm nghía trong tủ kiếng của ông chủ nhà, tự thấy ngượng ngùng mắc cỡ, muốn cởi ra xếp cất trở vào va li. Người đầu tiên trông thấy Tuấn mặc đồ Tây là cô con gái ông chủ nhà, 14 tuổi, học lớp Nhì. Cô Công Tôn Nữ Thị Linh khen: ”Anh Tuấn mặc đồ tây đẹp quá!“ và cứ đứng đó trầm trồ khen mãi. Cô còn chạy xuống bếp gọi: ”Mạ ơi, lên coi anh Tuấn mặc đồ tây đẹp quá, nè Mạ!“ Tuấn mắc cỡ, hoảng hồn, chạy vô buồng trốn mất, không dám thò đầu ra…
Thấy Tuấn lần đầu tiên mặc đồ Tây bẽn lẽn, bà chủ nhà và cô con gái cười rồ lên rồi đi tránh xuống bếp. Ðợi một lúc lâu, trong nhà lặng lẽ, Tuấn mơí khẽ cửa buồng và chạy phóng ra ngoài đường. Tuấn rất khổ sở, còn phải ráng chịu ái cực hình bị hai bên hàng phố dòm ngó cậu. Phần nhiều dân thành phố tủm tỉm cười và trầm trồ khen ngợi thấy các cậu mặc bộ quần áo tây đi học, như hầu hết học trò lớn trường Qui-nhơn sáng hôm ấy.
Các ông giáo sư Pháp nhìn sự thay đổi đồng phục đột ngột ấy với cặp mắt tò mò đầy cảm tình. Nhưng đa số các ông Ðốc, và giáo sư An nam, thì, trái lại, hình như không tán thành. Vài ông, như ông đốc Th. dạy môn Luân Lý, ông đốc V. dạy Quốc văn, còn có vẻ ác cảm rõ rệt. Ngay trong giờ Luân Lý buổi chiều ở lớp Ðệ Tam niên, ông Th. giảng về “Le respect de so“ (sự tự trọng) đã nói bằng giọng mĩa mai: ”Thí dụ như người học trò còn đi học mà bắt chước mặc y phục như người lớn, cũng mang giày tây, mặc quần áo tây, chỉ tỏ ra thiếu sự tự trọng, và chỉ đáng khinh khi“.
Toàn thể học trò trong lớp đều hiểu rằng ông giáo sư mượn bài học luân lý để công kích những trò mặc đồ Tây, mang giầy Tây -- nghĩa là gần hết cả lớp, trừ năm ba đứa mà thôi, những đứa nhút nhát còn mang guốc, mặc áo dài đen.
Ông đốc Tr., giáo sư Lý hoá, không nói gì, nhưng hôm ấy ông cho điểm gắt gao hơn thường lệ. Trò Tuấn được gọi lên bảng trả bài. Trò thuộc bài vanh vách, trả lời không vấp một câu một chữ, đáng lẽ như mọi khi trò được 9 điểm, hôm ấy chỉ được ông cho 6 điểm mà thôi. Tuấn đoán chừng tại vì ông ghét bộ đồ tây của Tuấn nên ông trừ mất 3 điểm. Tất cả các trò mặc đồ tây được gọi lên trả bài đều bị sụt điểm như thế.
Trái lại, trò Trân, lên bảng trả lời ấp úng, lại được ông giáo sư cho 8 điểm - chắc chắn tại vì trò vẫn bảo thủ cái áo dài “trăng đầm“ đen, và đi chân không.
Ðại khái phản ứng của một số giáo sư An nam là thế trong lúc chính họ vẫn mặc âu phục, may bằng vải serge bleu marine, hoặc bằng các tissus khác, toàn vải của Tây.
Giáo sư Pháp có những nhận xét công bằng và hợp lý hơn. Chính ông Gabriel, giáo sư Kỷ hà học, là người khó chịu nhất, hay quạu nhất, thực dân hạng nặng, mà vẫn tỏ ý tán thành học trò mặc đồ Tây.
Ông ghét trò Tuấn hơn ai hết, lúc nào cũng gườm gườm gọi Tuấn lên bảng để hỏi những câu bắt bí về Géometrie plane, để rồi thưởng cho trò những con zéro liên tiếp trong các giờ toán. Thế mà hôm đầu tiên Tuấn mặc đồ Tây đi học, ông khen Tuấn một câu: "Hôm nay mầy mặc đồ âu phục, coi cái mặt mày dễ thương hơn“. Ông chỉ hỏi Tuấn sơ sài về một định lý, rồi cho Tuấn 8 điểm .
Nhưng quan trọng hơn cả là những nhận xét của ông Ðìa-réc-tơ Henri Deydier. Ông không phản đối sự học trò mặc âu phục đi học, nhưng theo một thông cáo bí mật của Toà Khâm Sứ Huế gửi cho ông Công Sứ Quy Nhơn và chuyển đạt qua ông Ðìa thì sự học trò mặc Âu phục đồng loạt như thế là một cuộc biều tình có tính cách chính trị. Ông Ðià đưa ra những lý do sau đây:
- Không phải riêng học trò Qui Nhơn mà đây là một phong trào chung ở tất cả các Trung học Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ.
- Cuộc “biểu tình bằng Âu phục“ này xẩy ra ngay sau những cuộc xin ân xá Phan Bội Châu và truy điệu Phan Chu Trinh.
- Học trò mặc Âu phục toàn bằng vải nội hóa.
Tuy nhiên những nhận xét của Chính Quyền Thuộc Ðịa Ðông Dương về cuộc “cách mạng quần áo“, danh từ chính thức thông dụng là “revolution vestimentaire“ của học trò Trung học toàn quốc, không có hậu quả gì về thực tế. Ông Ðià có cho gọi mấy trò ở các lớp lớn Ðệ Tứ và Ðệ Tam niên hỏi: ”Taị sao tự nhiên cả trường rũ nhau mặc đồ Tây? “tất cả đều trả lời: ”taị vì mặc Âu phục rất tiện lợi “ngoài ra không có mục đích gì về quốc sự cả“. Ông Ðìa có hỏi trò Tuấn:
- Tại sao mầy không may đồ Tây bằng vải Tây mà lại may bằng vải An nam?
Tuấn trả lời:
- Thưa ông Ðốc, tại vì vải An nam rẻ tiền hơn. Tuị tui nghèo, đâu có tiền may vải tây.
Mặc dầu ông Ðià tỏ vẻ hoài nghi nhưng không rầy la, không hăm doạ, không cấm, như nhiều trò đã lo sợ lúc đầu. Rồi từ đấy, các trò mặc Âu phục tiếp tục mặc âu phục mãi, còn các trò nhút nhát dần dần cũng bắt chước theo. Qua năm 1927. sau kỳ nghỉ Hè, toàn thể học trò Trung học trong nước đều mặc Âu phục, trong lúc đi học cũng như đi chơi.
Ở thành phố, các giới đồng bào phản ứng khác nhau.
Ða số tán thành, nhất là giới nhà buôn, công chức và phụ nữ, các cô gái, đều nhiệt liệt hoan nghênh, khen “mấy anh học trò mặc đồ tây coi đẹp quá“.
Trò Tuấn mấy ngày đầu còn hơi mắc cỡ, nhưng sau đó trò thích chí cứ mặc đồ Tây suốt ngày. Cho đến lúc đi ngủ mới cởi thay. Chủ nhật và chiều thứ Năm được nghỉ. Tuấn với vài ba thằng bạn diện đồ Tây nội hóa, nhất bộ, đi chơi rong khắp phố. Ðược mấy cô gái đứng trong cửa sổ nhìn ra, các trò khoái lắm. Hai cô bạn Trâm và Anh vừa thi đậu “xẹc-ti-phi-ca“ có làm một bài thơ bát cú tặng Tuấn như sau đây:
Anh mặc đồ tây, coi bảnh trai
Cổ đeo cà-vạt, chân mang giầy,
Văn minh thế giới đều khai hóa
Học thức An Nam cũng hữu tài
Kinh sử văn chương không kém bạn
Tinh thần vật chất có thua ai?
Mong anh giữ trọn tình yêu Nước,
Hồ thỉ tang bồng thõa chí trai .
Phạm thị Trâm - Nguyễn thị Ngọc-Anh
(Lớp Nhất, Collège Qui-Nhơn - 12-6-1926)
Trò Tuấn xem thơ, cảm động, có họa lại như sau:
Nhìn gương hổ thẹn kẻ làm trai,
Đầu đội mũ tây, gót nện giày
Ðèn sách mỗi ngày lo luyện chí
Văn minh bốn bể ráng đua tài
Gái trai Hồng Lạc cùng chung sức
Con cháu Tiên Rồng há kém ai
Quần áo đổi thay, lòng chẳng đổi
Bao giờ quên được phận làm trai!
Trần Tuấn
(Ðệ Nhị Niên, Collège Qui-Nhơn - 13-6-1926)
Hai bài thơ học trò còn vụng về nhưng có một số người truyền nhau chép và đọc đang lúc phong trào mặc đồ Tây thịnh hành.
Nhân kỳ thi “xéc-ti-phi-ca” qui tụ tại Qui-nhơn tất cả học sinh tiểu học toàn tỉnh (Phù Cát, Phù Mỹ, Bình Ðịnh, Bồng Sơn) có rất đông các nhà Nho, các ông Tú, ông Cử, đem con đi thi, thành phố Qui-Nhơn rộn rịp lạ thường. Hai bài thơ trên kia cũng đến tai các phụ huynh học sinh Tiểu học. Một ông Tú, tên là Tú Tuyển, ở Gò-Bồi, có họa lại như sau đây:
Ðã được danh gì, các cậu trai?
Cũng chưng Tây phục, cũng mang giầy?
Văn minh Ðại Pháp cao vô lượng,
Y phục An Nam khéo đọ tài!
Cà vạt mũ tây coi có vẻ
Xôi kinh nếp sử chửa bằng ai,
Ðua nhau ăn diện làm chi rứa?
Chỉ khéo trò cười, các cậu trai!
Tú Tài Trần Tuyển.
Bài thơ này khiến cho một số đông học trò dĩ nhiên phẫn uất. Trò Quỳnh chạy đến nhà trò Tuấn, đọc cho Tuấn nghe, rôì đọc luôn cả bài của Quỳnh đáp lại (Phan Quỳnh và Trần Tuấn là hai trò có tiếng giỏi Quốc Văn trong lớp). Quỳnh đã thức nửa đêm bỏ bài học Sử Ký, để họa bài thơ của Ông Tú Tuyển:
Ðến trường mang guốc thẹn chân trai
Theo bước văn minh nện gót giầy
Hán tự cùn mòn, quăng vứt xó
Pháp văn mới mẻ chạy đua tài.
Quỳnh cười đắc chí, ngó Tuấn:
- Mày coi tao ngạo ông Tú nhà Nho đó như chiếc guốc cùn!
Xong Quỳnh đọc tiếp:
Há giòng giống mọi, không hơn nó?
Phải áo quần tây chẳng kém ai!
Nô lệ cựu trào sao giữ mãi?
Tương lai hoài bão mấy thằng trai!
Phan Quỳnh
(Ðệ Nhị Niên, Collège Qui-Nhơn)
Phan Quỳnh tính rất nóng nảy. Ðọc xong bài của mình, Quỳnh hỏi Tuấn :
- Ðược không, mày?
- Hay lắm rồi mầy ơi! Nhưng liệu mày ngạo ổng rồi mày có dám đến đọc cho ổng nghe không?
- Tao sợ gì! Nhưng mày cũng phải làm một bài trả lời ổng, rôì hai đứa mình đến đọc cho ổng nghe.
- Tao đã làm rồi. Chính là bài của tao đầu tiên họa lại bài của Trâm và Anh, rồi ông Tú họa theo đó chứ.
Phan Quỳnh nổi quạu liền:
- Mâỳ họa bài của con Trâm con Anh tụi nó vuốt ve mầy thì được, còn ông Tú Tuyển họa lại mắng vào mặt mày, mầy làm thinh không trả lời, ốt dột quá!
- Thì đã có bài của mầy trả lời cho ổng rồi, không đủ sao?
- Nhưng tao muốn có thêm một bài của mầy nữa. Mày làm liền đây cho tao coi. Rồi tụi mình đem ngay sáng nay lên cho ông Tú, chứ tao nghe nói trưa nay ổng về Gò Bồi đấy. Không trả lời được ổng, tao tức lắm. Phải có hai đứa mình trả lời cho ổng cứng họng.
Trò Tuấn băn khoăn hết sức… Phần thì O-Vui em gái ông chủ nhà, đang nấu chè hột sen ở bếp, mùi thơm bay lên ngào ngạt, Tuấn chỉ ngửi mùi thơm ấy mà không muốn làm thơ… Nhưng Quỳnh cứ giục mãi, Tuấn bảo:
- Thôi mày đi ra bờ biển chơi một lát, rôì trở lại đây .
- Tao trở lại, mày phải làm xong bài thơ hỉ?
- Mầy phải đi lâu lâu mới được. Bây giờ là 8 giờ, 12 giờ mày hãy trở lại.
- Ừ, 11 giờ tao trở lại.
Phan Quỳnh đi xong, Tuấn leo lên cái gác xếp, không ai ở, nằm sấp xuống chiếu để viết. 11 giờ, Quỳnh trở lại Tuấn mới được 6 câu, đọc cho Quỳnh nghe:
Há phải danh gì, một lũ trai,
Vì mang âu phục, phải mang giầy,
Văn minh rực rỡ ông thầy Pháp,
Hủ lậu co ro bác Tú Tài,
Nhục trước ông cha thua kém họ
Mong sau con cháu kịp bằng ai.
- Ðược đấy, còn hai câu nữa, làm luôn đi.
- Mày đi ra chơi ngoài chợ một lát, để một mình tao mới làm được.
Nhưng Quỳnh ra cửa còn đứng đấy, thì Tuấn gọi:
- Rồi rồi, Quỳnh ơi, vô đây!
Tuấn đọc nốt hai câu chót:
Nước nhà nô lệ không mong tiến
Mai mỉa làm chi mấy đứa trai?
12 giờ trưa, Quỳnh và Tuấn đến nhà thầy Phạm Đào Nguyên, nơi trọ của ông tú tài Trần Tuyển: Ông đang ngồi ghế tràng kỷ, rung đùi ngâm bài thơ của ông ra vẻ khoái trá lắm. Quỳnh tiến tới, lễ phép chào rồi trao tận tay ông hai bài thơ họa của hai đứa học trò… Tuấn sợ ông Tú, đứng ở ngoài không dám vào, ông Tú đọc xong, chỉ đưa tay vuốt râu cười.
CHƯƠNG 35
1927
Phong trào Học sinh toàn quốc bãi khóa chống Tâ .
Lễ Pâques (Phục Sinh) năm 1927 đánh dấu môt giai đoạn quyết liệt nhất trong đời sống của toàn thể sinh viên học sinh An Nam từ Bắc chí Nam. Lần đầu tiên, một phong trào vận động bãi khóa khởi xướng từ Trường Cao Ðẳng Hà Nội và Trường Trung Học Bảo Hộ (trường Bưởi) đã lan tràn khắp cả các Trường Trung Học trong nước: Hải Phòng, Nam Ðịnh, Vinh, Huế, Qui Nhơn, Saigon, Mỹ Tho, Cần Thơ.
Tôi nói: Vận Ðộng Bãi Khóa, vì học sinh lợi dụng 7 ngày nghỉ lễ Pâques để vận động ráo riết trong các giới học sinh, đưa các nghuyện vọng lên Nha Học Chính để rồi nếu nguyện vọng không được thỏa mãn, sẽ không đi học sau khi hết lễ Pâques.
Và cuộc bãi khóa toàn quốc đã bắt đầu thật sự, như đã dự định, gây ra lần đâù tiên từ khi người Pháp đô hộ, một phong trào học sinh bãi khóa sôi nổi lớn lao từ Bắc chí Nam.
Tuy cuộc bãi khóa không có mục đích chính trị, nhưng thực ra là do phong trào chính trị mà thành, để tỏ cho nước Pháp và cả thế giới biết rằng toàn thể sinh viên và học sinh An Nam chống lại chánh sách giáo dục của chính phủ thuộc địa, và chống lại một nhóm giáo sư Pháp đã miệt thị người An Nam .
Sau buổi học chiều Thứ Bảy 16-7-1927 (Hồi đó chưa có lệ nghỉ chiều Thứ Bảy theo "semaine anglaise“), và bắt đầu nghỉ lễ Pâques 7 ngày, trò Tuấn cắp sách vở ra về như những ngày thường. Xong bữa cơm tối, trò sửa soạn ra bờ biển bắt còng chơi với mấy đứa bạn cùng ở nhà trọ, bỗng có trò Quỳnh đến bảo thầm:
- Có mấy anh ở trường Quốc Học Huế, vào kiếm tụi mình.
Tuấn ngạc nhiên hỏi:
- Có chuyện chi vậy, hỉ?
- Mầy đi với tao lên nhà thầy Phạm Đào Nguyên, sẽ biết.
Tôi đã nói nhà Phạm Đào Nguyên, thư ký hãng buôn Pháp Descours et Cabaud, một bạn trẻ, là nơi tụ họp bí mật của bọn học trò làm "quốc sự "ở Qui-nhơn. Nơi đây có 4 điều rất tiện lợi:
1. nhà thầy Nguyên có một căn nhà sau thật kín đáo, nhóm họp ở đây không ai biết.
2. thầy có nâú cơm tháng cho mấy đưá học trò, cho nên học trò thường ra vào luôn, không ai để ý.
3. thầy không làm cách mạng, nhưng lại thích những chuyện cách mạng và rất vui lòng để cho tụi học trò làm cách mạng ở nhà thầy.
4. thầy được chủ Tây trong thành phố tin cậy hoàn toàn, cho là một người An-nam-mít đứng đắn, ngoan ngoãn, dễ thương.
Tuấn đi theo Quỳnh đến nhà thầy Phạm Đào Nguyên vào lúc 7 giờ tối. Thầy đang nằm trên ghế xích đu ngoài hè. Tuấn và Quỳnh chào, thầy gật đầu cười làm dấu hiệu bảo đi vào nhà trong.
Ba anh học trò lạ, ở trường Quốc Học Huế, mới vào hồi chiều, đã ngồi nơi bàn với mấy cậu học trò Qui-nhơn: Hảo (lớp Ðệ Tam niên), Tố (Ðệ Tam niên) và 3 anh (Ðệ Tứ niên), vời Quỳnh, Tuấn (Ðệ Tam niên) là tất cả 10 người . Ba cậu Quốc Học (cũng Ðệ Tứ và Ðệ Tam niên), thay phiên nhau nói cho 7 cậu Qui-nhơn nghe vì sao học trò toàn quốc phải bãi khóa để chứng tỏ rằng thanh niên An Nam năm 1927, đã giác ngộ rồi, đã biết nêu cao tinh thần ái quốc, không chịu để cho Tây hà hiếp, khinh miệt dưới chế độ thuộc địa, và nhất là để thắt chặt tinh thần đoàn kết của thanh niên nam nữ học sinh cả ba kỳ Trung, Nam, Bắc, trong cuộc Tổng Bãi Khóa nhân dịp lễ Pâques 1927.
Cuộc trao đổi ý kiến giữa ba phái viên Quốc Học Huế và 7 đại diện học sinh Qui-nhơn, rất nồng nhiệt và thân ái. Tất cả đều đồng tâm nhất trí, cương quyết thắt chặt tình đoàn kết của học sinh toàn quốc.
Quỳnh, một đại diện hăng hái nhất của Collège Qui Nhơn, với nét mặt gân guốc, giọng nói cứng rắn và mạnh dạn, bảo:
- Các anh cứ tin nơi tụi tui. Ở Huế, các anh các chị được gần gũi cụ Phan Bội Châu, được nhờ sự hướng dẫn của Cụ, còn tụi tui ở đây vì xa xôi, đơn độc càng thấy đau khổ hơn, càng bị áp chế hơn. Một viên giáo sư Pháp là Gabriel, dậy Toán, cứ chửi "nòi giống An nam là mọi rợ, nước An nam là dã man" Tụi tui tức lắm, nhưng cứ ngậm câm mà nuốt hận, chưa biết làm cách nào để trả thù. Lần này thì tuị tui phải quyết liệt hưởng ứng phong trào bãi khóa ở đây cho đến thắng lợi mới thôi.
Quỳnh quay sang hỏi Tuấn:
- Mày nghĩ sao, Tuấn? Mầy có ý kiến gì, nói đi.
Tuấn cưiời:
- Tao cũng nghĩ như mầy. Tao còn muốn chờ đến khuya, rình lão Gabriel đi đánh bạc ở cercle về, mình nấp ở gốc cây phi-lao và ném đá granit vào đầu lão cho bể đầu lão, thì tao mới khoái . Còn bây giờ tính làm grève, thì làm! Sợ cóc gì!
Hảo, Tố, và ba anh Ðệ Tứ niên đều hoàn toàn tán thành tham gia cuộc bãi khóa toàn quốc và còn muốn làm hăng hái hơn ở Saigon và Hà nội nữa. Ba anh Quốc Học Huế cười:
- Dân Trung kỳ tụi mình không bao giờ chịu kém Bắc kỳ và Nam kỳ. Lần này mấy anh ở Cao đẳng Hà Nội khởi xướng ra trước, thì tụi mình nhất định hưởng ứng theo và cương quyết không bỏ rơi nửa chừng. Làm thì phải làm cho đến nơi đến chốn. Bị tù cũng không cần.
Toàn thể đều hăng hái reo lên:
- Tù thì tù chứ, sợ gì!
Một anh Ðệ Tứ niên Qui-nhơn bảo:
- Tụi mình đâu phải đồ vá áo túi cơm. Tụi mình đi học đâu phải để sau ra làm quan cho Tây. Học là để giúp dân giúp nước chớ. Học để đem tài năng ra phụng sự Ðồng Bào Tổ Quốc, cho xứng đáng là thanh niên nước Việt chứ. Bây giờ anh chị em ở Hà nội, Huế, Saigon, các nơi đều làm grève, hổng lẽ tụi Qui Nhơn cứ cắp sách đi học sao? Nhất định làm "reo"! Hoan nghênh làm "reo"!
Cuộc hội họp bí mật rất là ồn ào trong căn phòng kín bên cạnh nhà bếp của thầy Phạm Đào Nguyên. Mãi đến 1 giờ sáng cuộc hội họp bí mật mới xong, bảy học sinh Qui-nhơn đều tiễn ba phái viên học sinh Quốc học ra bến xe đò để ba anh này còn đi Saigon, cổ động các trường trong Nam.
5giờ sáng ba anh lên xe đò "Bạch Hổ" đi rồi, tụi Quy Nhơn kéo nhau ra bãi biển ngồi hóng gió, và thầm thì bàn luận về cách tổ chức cuộc Bãi Khóa, bắt đầu ngay từ ngày hôm ấy.
Tất cả đều đồng ý theo kế hoạch sau đây:
Ba anh Ðệ Tứ Niên: thảo bản yêu sách bằng Pháp văn để gửi lên ông Ðìa-réc-tơ.
Tối họp tại nhà trò Hảo để coi lại bản yêu-sách, thêm bớt.
Bản yêu sách đòi bốn điều :
- Thêm trong chương trình Trung học mỗi tuần một giờ Sử Ký An Nam (trước, Sử Việt chỉ có một giờ, Sử Pháp hai giờ. Nay xin hai giờ Sử Việt, một giờ Sử Pháp).
- Ðuổi ông giáo sư Gabriel, thay thế giáo sư khác biết kính trọng Dân Tộc An Nam.
- Mở thêm các lớp Trung học
- Cho phép một phái đoàn học sinh Qui-Nhơn ra Huế thăm Cụ Phan Bội Châu.
Tuấn không chịu để điều bốn:
- Trong tụi mình những đứa nào xin được tiền cha mẹ thì cứ đi. Hoặc kêu anh em góp tiền lại cho năm, sáu đứa đại diện rồi sẵn dịp nghỉ hè sắp tới đây, cứ việc mua giấy xe đò đi Huế thăm cụ chớ cần gì phải xin phép ông Ðìa-réc-tơ?
Ðiều khoản bốn này được bàn cãi rất gắt gao và rất lâu. Rốt cuộc được bỏ, và giữ nguyên vẹn ba điều khoản trên.
Bản yêu sách bằng Pháp văn của học trò trường Qui Nhơn, sau khi cùng nhau sửa chữa thêm bớt, còn lại đúng nguyên văn như sau:
A Monsieur le Chef du service de l Enseignement en Annam, Huế,
Sous couvert de Monsieur le Directeur de collège de Qui Nhơn.
Nous, soussignés, Elèves de Collège Primaire Supérieur de Qui Nhơn, avons l’honneur de vous addresser respectueusement la présente requête, tendant à obtenir les faveurs suivantes:
- Augmenter une heure d’Histoire d’Annam par semaine, et supprimer une heure d’ Histoire de France, dans les programmes des cours primaries supérieurs.
- Remplacer immédiatement M. Gabriel, Professeur de Mathématiques par un autre professeur qui n’insulte pas le peuple d’ Annam .
- Ouvrir de nouvelles classes Primaires-Supérieures au Collège de Qui Nhơn.
Nous espérons que notre requête sera prise en considération pendant les vacances de Pâques. Dans le cas contraire, nous regrettons de vous informer que nous serions obligés de nous mettre en grève afin d’obtenir satisfaction.
Veuillez agréer, Monsieur le Chef de service de l’Enseignement, l’expression de notre humble reconnaissance.
Les élèves de Collège Primaire Supérieur de Qui Nhơn.
Cái đơn viết hăng như thế, nhưng không trò nào ký tên cả. Toàn thể đồng ý ký chung là "Học sinh trường Cao đẳng Tiểu Học Quy Nhơn"
Thế là bắt đầu ngày lễ Pâques, nhóm Ðệ Tam Niên Quỳnh, Tuấn, Hảo, Tố, được giao phó cho công việc đi tuyên truyền bãi khóa trong giờ học sinh, còn nhóm Ðệ Tứ Niên thì họp tại nhà thầy Phạm Đào Nguyên là nơi tập trung tin tức và liên lạc với các Trường Phủ-Huyện. Học sinh ở rải rác các nhà trong thành phố và các xóm ngoại ô. Hảo và Tố đi từng nhà, rủ từng người đến họp một nơi vắng vẻ nào đó, hoặc là nhà một phụ huynh học sinh có thiện cảm với phong trào bãi khóa hoặc ra bãi biển, hoặc lên sườn núi. Ðến đây đã có Quỳnh và Tuấn, được trao phó trách nhiệm diễn thuyết hô hào bãi khóa.
Một buổi chiều Tuấn phải đi cổ động một nhóm học trò Ðệ Nhất Niên gần năm mươi người họp trên một gò đất trống ở bìa núi Xuân Quang. Tuị này nhát lắm, đa số sợ ở tù. Tuấn phải cổ động cho họ hưởng ứng phong trào bãi khóa, cho họ phấn khởi, hăng hái đừng rụt rè do dự nữa.
Trời nắng chang chang như lửa đốt. Trên gò chỉ có và cây cao, bóng mát không đủ che cho một số đông gần 50 thiếu niên. Tuấn không đội mũ, cứ để đầu trần như thế mà ngồi "diễn thuyết" trong đám học trò mồ hôi ướt nhẹp cả áo. Tuấn bị nhiều câu hỏi rắc rối mà Tuấn tìm cách trả lời cho xuôi tai, nhưng đến khi có một câu hỏi: "Bãi khóa, lỡ bị bắt bỏ tù thì sao, anh?" Tuấn phải trả lời: "Học sinh toàn nước An nam bãi khóa, chớ không riêng gì ở trường mình. Toàn thể học sinh trường Qui Nhơn Bãi khóa, chứ không riêng gì một hai lớp. Không lẽ cả nước ở tù sao? "Sau cùng, hầu hết học trò đồng thanh bãi khóa, trừ một cậu: "Tui thì tui cứ đi học như thường. Tui ở nhà thì cha tui đánh tui chết". Tức thì có mấy người bạn của cậu xừng xộ :"Mày đi học thì tụi tao đánh mầy chết!". Cậu kia ngồi im.
Công cuộc vận động bãi khóa hồi 1927 kể ra thật là gay go. Vì là lần đầu tiên trong Lịch sử, học sinh An nam bãi khóa chống lại Chính phủ thuộc địa Pháp. Tuy nói là phong trào toàn quốc, nhưng chỉ có một thiểu số bảy tám học trò ở lớp Ðệ Tam, Ðệ Tứ niên biết mà thôi. Ðó là các trò lớn được liên lạc với phong trào ở Huế, còn toàn thể học sinh các lớp Tiểu học và Ðệ Nhất Ðệ Nhị Trung học thì có biết rõ gì đâu. Do đó, cuộc vận động bãi khóa thường gặp nhiều trở lực, nhất là trong đám phụ huynh học sinh ở ngay thành phố.
Buổi chiều, Tuấn bị giải nắng trên gò núi, lúc về bị cơn mưa to. Tuấn nóng lạnh nằm trùm mền. Ðồng hồ điểm 8 giờ, Quỳnh đội nón, mang tơi (loại áo mưa chằm bằng lá tơi) đến. Thấy trong nhà có đông người, Quỳnh đứng ngoài hè không dám vào. Tuấn tung chăn chạy ra. Quỳnh bảo: ”Có một đám học trò Phù Cát, Phù Mỹ gần 100 đứa ở nhà thằng Thọ trên Lò Vôi. Chúng nó vô đây để thi primaire, hai đứa mình phải tới đó để diễn thuyết cổ động“ Tuấn hỏi: ”Có phụ huynh không?“ Có, Tuấn ngán có phụ huynh, vì thế nào cũng bị mấy ông bắt bẻ chuyện này,chuyện nọ.
Nhưng Quỳnh bảo: "Tụi mình diễn thuyết luôn cả cho mấy ông phụ huynh nghe, chứ sợ gì? "Tuấn ngại, phần thì trời mưa dầm dề, mỗi lúc mỗi to, nhưng Quỳnh cứ giục Tuấn đi . Tuấn mượn chiếc áo tơi và cái nón của chị ở nhà trọ, rồi ra đi với Quỳnh. Trong đêm mưa tầm tã, giữa một thành phố vắng tanh vắng teo, hai cậu học trò vừa bước đi vội vàng, vừa thầm thì với nhau. Quỳnh căn dặn Tuấn:
- Vô đó mầy đừng sợ, nghe không! Mầy nói trước, tao nói sau.
- Mày biểu tao nói gì bây giờ trước 100 thằng học trò lạ, với cha mẹ của tụi nó? Nhứt là nếu gặp mấy ông Tú nhà nho, họ xổ Khổng Tử, Mạnh Tử ra, thì tụi mình cứng họng.
- Lo gì, mầy! Họ xổ ông Khổng ông Mạnh, thì mình cũng xổ ra J.J Rousseau, Voltaire, xem họ có ngán không?
- Thôi, mày nói trước tao nói sau, tao mới chịu. Chứ cái tánh tao sợ, tao hay nói cà lăm.
- Thì mày đừng sợ. Việc gì mà sợ?
- Tao nói cho mày biết trước, hễ tao cà lăm nói không xuôi thì tao bỏ chạy hỉ? Mầy ở lại làm sao thì làm, hỉ?
Hai đứa nói chuyện vừa đi trong cái ngõ hẻm quanh co, hai bên hàng xóm chó sủa vang lên. Qua hai cái lò vôi, mùi vôi khét nghẹt. Tuấn bị nghẹt mũi.
Tuấn bảo Quỳnh:
- Chết cha rồi mày ơi, tao bị nghẹt mũi, chút nữa làm sao tao nói?
Quỳnh cười hăng hắc:
- Mày nói bằng miệng, chứ nói bằng mũi sao mầy?
Quẹo mấy đường hẻm nữa thì đến căn nhà của tụi học trò Phù Mỹ, Phù Cát. Tuấn đứng lại, vạch hàng rào dòm vô thấy đông nghẹt những người và tiếng ồn ào. Giữa nhà treo ngọn đèn "măng sông" sáng rực. Tuấn do dự chưa dám vào nhưng Quỳnh nắm tay lôi đi. Vì đã được báo trước, nên tụi học trò đang chờ đợi và xôn xao. Quỳnh và Tuấn bẽn lẽn bước vô. Ði ngoài đường, Quỳnh nói bạo dạn bao nhiêu thì tới đây Quỳnh lại sợ bấy nhiêu. Trên hai chiếc ghế tràng kỹ kê hai bên một cái bàn, có năm sáu ông cụ Nho đang ngồi ăn trầu, hút thuốc. Quỳnh và Tuấn bỏ nón và áo tơi ngoài hè, đủng đỉnh bước tới và lễ phép cúi đầu chào. Một ông cụ thung dung bảo:
- Mời hai cậu ngồi chơi.
Trên một trăm học trò ngồi chật hai căn nhà lớn, ngong ngóng chờ xem hai anh Ðệ Tam Niên sắp sửa nói gì.
Trong mấy ngày lễ Pâques vận động bãi khóa, các giới học sinh đã đồn với nhau về "tài diễn thuyết" của hai anh Ðệ Tam Niên, nên lần này đám học trò Phù Mỹ, Phù Cát tiếp đón hai cậu với những cảm tình đặc biệt đã sẵn có. Nhưng mấy ông phụ huynh nhà Nho coi bộ không bằng lòng, cho rằng: Bãi khóa là muốn làm loạn chống lại Nhà Nước. Tuấn ngôì làm thinh, vì Tuấn có thói quen mỗi khi ai cãi với Tuấn, Tuấn để cho họ nói hết, dù họ công kích kịch liệt đến đâu Tuấn cũng bình tỉnh và im lặng ngồi nghe. Xong rôì Tuấn mới trả lời một lần, đả phá hết những lập luận của đối thủ. Quỳnh thì trái lại, rất nóng nẩy, và cãi một lúc thì thế nào cũng đổ quạu.
Mở đầu, Quỳnh kể những lý do tại sao có cuộc vận động bãi khóa toàn quốc. Quỳnh công kích người Pháp, theo những lý luận của những tờ báo cách mạng đã đọc được lén lút từ khi có phong trào ái quốc nổi dậy trong nước. Sau vụ án Phan Bội Châu và bài diễn thuyết của cụ Phan Chu Trinh. Ðể chận các ông phụ huynh nhà Nho bắt bẻ, Quỳnh khôn khéo đưa ra những danh ngôn của các triết học Pháp thế kỷ XVIII, chủ trương Nhân Quyền, Dân Quyền như Diderot, JJ. Rousseau, Voltaire, và các nhà văn cách mạng Pháp thế kỷ XIX . Cậu học trò Ðệ Tam Niên đã loè được các cụ nhà Nho bằng những câu tiếng Pháp mà các cụ nghe choáng váng, không hiểu gì cả và không dám cãi. Các cậu học trò primaire thì phục Quỳnh như một nhà hùng biện thông thái nhất trên đời
Nhưng Phan Quỳnh nói xong, không ngờ bị ông Xã mặt rỗ, có bộ râu cá trê và có một cái thẹo lớn trên trán, hỏi:
- Các cậu xúi học trò bãi khóa, vậy tui xin hỏi tại sao các cậu không lên thẳng cụ Sứ, biểu Cụ đóng luôn cửa trường có hơn không? Cần chi bãi khóa để ở tù, hỉ?
Rồi ông Xã vuốt râu cười đắc chí. Mấy ông phụ huynh cũng cười và một học sinh cười theo. Quỳnh nói nhỏ với Tuấn: "Trả lời đi mày".
Tuấn đã chờ đợi những phút gay cấn ấy, biết trước thế nào cũng có, và cũng đã sẵn sàng câu trả lời, rút kinh nghiệm trong lúc đi vận động mấy ngày trước, đã bị nhiều người hỏi câu đó.
Tuấn vẫn ngồi nơi bộ ván kê ngoài hè, trước mặt cử tọa đông đủ. Tuấn nhoẻn một nụ cười điềm nhiên, và chậm rãi nói:
- Dạ thưa Bác, nếu ở tù thì anh em chúng tôi xin tình nguyện ở tù thay cho 600 học trò trường Qui Nhơn và 2000 học trò Phủ Huyện. Chúng tôi, 8 đứa, đã sẵn sàng chịu tất cả trách nhiệm. Vả lại, không có lý toàn thể học trò đều bị bắt ở tù hay sao? Nhà tù đâu cho đủ để chứa ba ngàn học trò trai và gái? Mấy vạn sĩ tử ở khắp xứ Annam, ở khắp các trường Bắc kỳ, Trung, Nam kỳ, đồng bãi khóa một lượt, không có lý riêng học trò tỉnh Bình Ðịnh và Qui nhơn lại lui cui đi học? Bình Ðịnh là một tỉnh lớn, học trò Bình Ðịnh đâu có hèn như vậy? Toàn thể học trò Bình Ðịnh và Qui Nhơn bãi khóa, không có lý riêng học trò hai huyện Phù Mỹ, Phù Cát là không tham gia bãi khóa? Học trò Phù Mỹ, Phù Cát đâu có hèn như vậy?
Nhưng tại sao bãi khóa? Dạ thưa vì có một ông giáo Tây cứ chửi nòi giống ông cha mình là mọi rợ, là bẩn thỉu, là ngu ngốc. Thí dụ có một người nào chửi ông bà cha mẹ ta là mọi rợ là ngu ngốc, thử hỏi các Bác các Chú có chịu được không? Huống hồ chúng tôi là đám con cháu! Bị chửi như thế chúng tôi tức lắm, nếu cúi đầu làm thinh để nghe chửi mãi thì chúng tôi là lũ con bất hiếu, cho nên học trò bãi khóa là để xin nhà nước Ðại pháp đuổi ông Tây đó đi. Có vậy thôi, thì không lý nhà nước Ðại Pháp bỏ tù bọn học trò An Nam có hiếu với ông bà cha mẹ hay sao?
Các cụ nhà nho nghe đến việc hiếu nghĩa thì đồng lòng hơn là việc chính trị, cho nên sau khi Tuấn nói một hồi lâu, các cụ cũng đồng ý về nguyên tắc bãi khóa “để xin Nhà Nước Ðại Pháp đổi người thầy giáo Tây thường chữi ông cha người An Nam là mọi rợ, ngu ngốc”.
Sự thật, như các bạn đã biết, cuộc bãi khóa năm 1927 của học sinh toàn quốc, là có mục đích chính trị hơn là luân lý. Ðề tài luân lý chỉ dùng để thuyết phục các nhà Nho, và các phụ huynh học sinh mà thôi.
Quỳnh và Tuấn ra về giữa lúc trời còn đổ mưa như nước lũ. Hai đứa mang áo tơi đội nón đi đủng đỉnh nói chuyện và cười, phê bình mấy ông “Khổng Tử viết…”.
Ði khỏi lò vôi, Quỳnh và Tuấn nghe có tiếng ai chạy thùi thụi phía sau, rồi kế tiếp một bóng trắng xô mạnh Quỳnh và Tuấn ra hai bên để nó vượt tới, và biến mất, Quỳnh và Tuấn sợ điếng người, khẻ bảo nhau: “Ma! Ma!” Hai đứa cắm đầu chạy một mạch ra đưòng cái quan rồi mạnh đứa nào đứa nấy chạy tuốt về nhà.
Hôm sau, cuộc vận động cho phong trào bãi khóa tiếp tục.
Sau mấy ngày đêm liên tiếp đi từng nhóm, từng nhà học sinh, để cổ động lén lút cho cuộc bãi khóa thực hiện ngay sau ngày lễ Pâques, Quỳnh, Hảo, Tố, Tuấn hết sức kinh ngạc gặp mặt bốn vị Ðốc học (giáo sư) An Nam tại nhà thầy Phạm Đào Nguyên một buổi sáng, vào lúc 9 giờ.
Bọn học trò đánh bao nhiêu dấu hỏi về sự hiện diện bật ngờ của ông Ðốc Th., ông đốc Tr. và ông đốc Bính. Bốn ông cùng đến đây một lúc vớI mục đích gì? Các trò đoán ngay là vụ vận động bãi khóa đã bị tố giác lên ông Ðìa-réc-tơ Henry Deydier và có lẽ ông sai bốn ông giáo sư Annam đi ngăn cản cuộc bãi khóa.
Ðúng thế. Nhưng ai tố giác?
Ban vận động bãi khóa nhất định nghi cho trò Th. (Ðệ tứ niên) và trò Tr. (Ðệ tam niên). Hai con chiên ghẻ của nhà trường. Nhưng chuyện ấy được gát một bên, vì các trò cương quyết đeo đuổi cuộc hoạt động bãi khóa cho đến cùng. Một là vì đã cam kết với anh em Quốc học Huế, hưởng ứng cuộc bãi khóa Toàn quốc, hai là vì cuộc vận động ở Qui-nhơn cũng đã có hiệu quả: toàn thể các lớp đều nhất luật nghe theo lời hiệu triệu bí mật của “mấy anh lớn“. Bây giờ phải làm cách nào để đối phó với bốn ông Ðốc An nam đã tuân mệnh lệnh của ông Ðìa để đi phá hoại cuộc bãi khóa?
Bốn ông ngồi đạo mạo nơi bàn khách giữa nhà. Học trò lễ phép pha trà mời các ông và nghe các ông khuyến dụ. Dĩ nhiên, luận điệu của các ông rất là yếu ớt, không đứng vững, bởi không ngoài những lời dọa dẫm bị bắt, bị đuổi, bị ghi tên vào sổ đen, bị tù tội, nhất là bị gán cho một danh từ bằng Pháp ngữ rất nguy hiểm ở thời bấy giờ “mauvais esprit“ (đầu óc xấu xa). Trò nào bị hai chữ “mauvais esprit“ ghi vào học bạ, thì chắc chắn là sẽ bị Mật Thám chú ý và theo dõi.
Bốn ông Ðốc dùng bốn luận điệu khác nhau. Ông Ðốc Th. Giáo sư Luân lý, khuyên học trò chăm học để vui lòng mẹ cha, đừng làm tầm bậy mà gây họa cho cả Phụ Huynh và Gia Ðình. Ông bảo: ”Con dại cái mang, lời tục ngữ đã nói thế. Các trò làm việc phi pháp thì cha mẹ sẽ bị tù tội.”
Ông Ðốc Tr. giáo sư Lý hóa, bảo các trò đến lớp Ðệ Tam, Ðệ Tứ Niên, chỉ còn vài tháng nữa, hoặc một năm nữa là đi thi, đỗ bằng diplôme rồi ra đi làm việc Nhà Nuớc. Bây giờ bãi khóa, có phải uổng cái công đèn sách mấy năm không?
Ông Ðốc Bính “nhà ái quốc“, thì khuyên: ”Các anh nên ôn hòa, đừng nóng nẩy làm bậy mà sau ăn năn không kịp“.
Còn ông Ðốc V., giáo sư Quốc văn, thì trổ hết tài hùng biện để đe dọa học trò “Các câụ còn nhỏ tuổi, đầu óc chưa suy nghĩ cao xa, cho nên hay bồng bột, nghe lời xúi dại, làm việc ngu xuẩn, để rồi mang họa vào thân. Các cậu hãy liệu hồn, nếu không nghe lời chúng tôi, mà gây ra cuộc bãi khóa, thì Quan Sứ sẽ bỏ tù hết, và đóng cửa trường“.
Bốn ông Ðốc An nam khủng bố tinh thần học sinh cả một buổi sáng, đến 11 giờ các ông ra về. Sự can thiệp của các ông đã gây hoang mang lo sợ trong đầu óc của đa số học sinh. Ban vận động bãi khóa phải tăng gia việc tuyên truyền chống lại, để cuộc Bãi khóa nhất định phải được thực hiện theo trào lưu Quốc gia, vì dù muốn dù không nó cũng đã có một mục tiêu chính trị Toàn Quốc mà lớp học sinh lớn đã có ý thức rõ rệt.
Còn hai ngày nữa, ngày thứ Bảy và Chủ Nhật, thì hết nghỉ lễ Pâques. Ban Vận Ðộng phải hoạt động ráo riết để làm sao ngày thứ Hai là ngày tựu trường, đừng có một học sinh nào đi học.
Sáng Thứ Bảy có yết thị dán ở cổng trường, do ông Ðìa-réc-tơ ký tên và đóng dấu đỏ. Yết thị bằng tiếng Pháp đánh máy trên một tờ giấy pelure mỏng đại ý nói:
“Ông Hiệu trưởng thông cáo cho toàn thể học sinh nhớ rằng ngày tựu trường sau lễ Pâques là thứ Hai 11-4-1927, đúng 8 giờ sáng như thường lệ. Trò nào không đi học sẽ bị đuổi.”
Ban vận động hồi hộp lo ngại nếu sáng thứ Hai đa số học sinh đi học thì… cuộc Bãi khóa sẽ coi như bị thất bại thê thảm. Vì thế, ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật, Ban Vận động phải tức tốc tăng cường: thay vì 8 người lúc đầu, thêm hai người ở hai lớp Ðệ Tam và Ðệ Tứ Niên. Cuộc vận động đã đến lúc sôi nổi nhất, tuy vẫn giữ được âm thầm, lén lút, không có lúc nào công khai. Trời lại cứ mưa gió liên miên, các cậu học trò phải mang áo tơi và đội nón lá suốt ngày chia nhau chạy các xóm và các nhà có học sinh cư ngụ, để hô hào căn dặn giữ vững lập trường. Ðây là cả một âm mưu khá… nguy hiểm vì trong việc hô hào khuyến khích các anh em đã tán thành, còn có những lời hăm dọa các phần tử nhu nhược, lừng khừng.
Mấy ngày mấy đêm ấy, Tuấn chỉ về thoáng qua nhà trọ 5, 10 phút để ăn cơm, rồi chạy đến các nhà bạn bè để bàn tán công chuyện.
Thế rồi ngày “đại sự“ đã đến…
Theo thường lệ. 7 giờ rưỡi sáng, trống trường đánh ba hồi ba tiếng. Riêng sáng này, tiếng trống thật to, đánh thật chậm vang khắp cả thành phố.
Quỳnh, Tố, Hảo, Tuấn v.v… rủ nhau đến các ngã ba, ngã tư, gần trường để xem xét tình hình. Mọi khi đến giờ này, học trò đã rải rác đi học, từ các ngã đường kéo đến từng đàn, từng lũ, trò chuyện vui đùa, nói la ầm ĩ. Hôm nay, trời lại hết mưa, sáng chói, nắng chói trên động đá chung quanh, Quỳnh và Tuấn đến ngấ sau cái miếu cây đa, gần nhà ông Ðốc Deydier. Tố, Hảo đứng thập thò nơi góc tường bếp sau nhà buôn Huê kiều Hiệp-Lợi, ngó thẳng đến cổng trường. Các trò khác đứng nơi ngã đường lên Xuân Quang.
Trống đánh đã được 15 phút mà chỉ có vài bọn học trò con nít lớp Năm, lớp Tư, đi học. Nhưng các em vẫn rụt rè sợ sệt, đến gần trường thấy vắng qúa, không dám đi nữa, Chúng bảo nhau ngồi bên lề đường, và bên các ngôi mả đá có ý chờ đợi. Rải rác đó đây có độ bốn năm học trò khác cũng toàn các lớp Tiểu học từ 7 đến 10 tuổi. Học trò lờp Nhì Nhất và các lớp lớn đều không đến.
Cuộc Bãi khóa đã thành công.
Cổng trường mở rộng, nhưng sân trường vắng tanh không có bóng học trò. Trước hè Văn phòng Hiệu trưởng, tề tựu đông đủ các giáo sư Pháp và An nam. Hảo và Tố đứng sau nhà Hiệp Lợi, trông thấy rõ bộ mặt các ông lộ vẻ băn khoăn lo ngại. Mấy ông giáo sư Pháp đứng trò chuyện với vài giáo sư An nam rất là xôn xao.
Ðúng 8 giờ, như thường lệ, ba tiếng trống đánh vào lớp, nhưng hôm nay không có học trò…
Cuộc Bãi khóa đã thực hiện được 100%. Mấy cậu cầm đầu khoái lắm. Về nhà các cậu reo mừng nhảy múa, tha hồ cười to nói lớn, được bạn bè mến phục. Nhưng sự thật trong lòng cậu nào cũng áy náy lo ngại không biết rồi đây tình hình sẽ biến chuyển như thế nào. Ðây là cuộc Bãi khóa lần đầu tiên, có tính cách bồng bột, hơi liều lĩnh, vì ngoại trừ sự liên lạc quá xa xôi với hai trường Quốc Học và Ðồng Khánh ở Huế, tại thành phố địa phương không có một hậu thuẫn nào hay một sự giúp đỡ của ai cả.
Dư luận thành phố rất phân vân, vì đây là lần đầu tiên học trò công khai chống đối lại Nhà Nước. Trong dân chúng một số ít người tán thành cuộc bãi khóa, nhưng chỉ tán thành suông, không triệt để ủng hộ. Còn đại đa số đều cho rằng tụi học trò làm chuyện bậy bạ, và họ chờ xem Nhà Nước sẽ trừng phạt cách nào.
Học trò cũng xôn xao đợi chờ.
8 giờ, trống đánh vào lớp trong phong cảnh học đường vắng teo, thì 8 giờ 30, bốn ông Ðốc An nam cùng đi một lượt đến nhà thầy Phạm Đào Nguyên. Ông đốc Th. Và ông Ðổ V. giáo sư Luân lý và Quốc Văn, ngồi chểm chệ trong hai chiếc xe kéo. Ông đốc Tr. giáo sư Lý Hoá thì cỡi chiếc xe máy thường nhật của ông. Ông đốc B. vẫn đủng đỉnh, đi bộ như thói quen hàng ngày.
Học trò biết ngay đấy là bốn sứ giả của Ông Ðìa-réc-tơ.
Tại nhà thầy Phạm Đào Nguyên có học trò ra vào thường xuyên, nhưng mấy cậu cầm đầu cuộc bãi khóa thì sáng nay không có. Họ đi tản mạn các nơi để xem xét tình hình và nhất là để phòng hờ ngăn cản những học trò đi học. Bốn ông Ðốc đều có vẻ mặt hơi ngượng ngùng và tức giận. Ngồi một lúc, thấy xung quanh mình chỉ có mấy đứa học trò con nít, ông đốc Th. hỏi:
- Tụi Quỳnh, Tuấn, Tố ở đâu?
Mấy trò lễ phép trả lời:
- Dạ, thưa ông, mấy anh đó không có đến đây.
Ông đốc V. bảo:
- Ði gọi tụi nó tới ngay. Nói có các ông Ðốc ngồi chờ ở đây.
Mấy em học trò sợ sệt, tuân lệnh chạy đi kiếm tụi Quỳnh, Hảo, Tuấn …Tố nơi mấy nhà quen .
Ðược tin bọn này kéo nhau đến nhà thầy Nguyên, với ý định tuỳ cơ ứng biến. Bốn ông Ðốc An nam thay phiên nhau mà thuyết phục các trò, lấy tình thầy trò mà khuyên bảo. Các ông rầy la giận dữ, nhưng vẫn dỗ dành ngon ngọt, mục đích cuối cùng là khuyên học trò chấm dứt cuộc bãi khóa, và chiều nay nên đi học đông đủ. Các điều học trò yêu cầu, thì ông Sứ và ông Ðìa-réc-tơ sẽ cứu xét sau.
Các ông Ðốc đảm bảo với học trò rằng nếu chiều nay toàn thể học sinh đi học lại, thì sẽ không có sự trừng phạt nào cả. Ông Deydier sẽ khoan dung tha thứ hết.
Trong số 12 trò tham gia chỉ huy cuộc bãi khóa, 8 trò trốn tránh không dám đến nhà thầy Nguyên khi nghe tin các ông Ðốc An nam đến đấy. Chỉ có Quỳnh, Tuấn, Hảo và một anh Ðệ Tứ Niên là nhất định đi thử xem ra sao. Thấy thái độ của bốn ông Ðốc đều hòa nhã, và lời lẽ dịu ngọt, cả bốn cậu đại diện đều có vẻ sẵn sàng nghe lời thầy, tuy vẫn hăng hái giữ lập trường ái-quốc theo luận điệu của anh chị em học sinh Quốc học và Ðồng khánh ở Huế.
Bốn ông Ðốc cố gắng thuyết phục bốn cậu học trò cầm đầu cuộc bãi khóa của toàn thể học sinh cả một buổi sáng. Riêng ông Ðốc Bính đã được sự tín nhiệm và mến phục nhiều nhứt của học trò, gọi riêng Quỳnh và Tuấn ra hè, bảo với giọng thân mật nhỏ nhẹ, bằng tiếng Pháp, đại khái: ”Các anh bãi khóa một buổi thế cũng là đủ rôì. Ðối với nhà cai trị Pháp và giáo sư Pháp, thế cũng đã cho họ thấy rằng học sinh An nam đã tỉnh ngộ nhiều rồi… Chiều nay các anh nên bảo nhau đi đến trường, tiếp tục học như không có xảy ra việc gì cả. Nếu có điều chi nguy hại đến các anh, thì tôi sẽ can thiệp cho, tôi sẽ bảo đảm cho…”
Cuộc điều đình giữa bốn giáo sư đặc phái viên của ông Ðốc học Deydier, và bốn cậu học trò đại diên cho học sinh bãi khóa, kéo dài cho đến 11 giờ trưa, suốt 3 tiếng đồng hồ. Rốt cuộc học trò phải nhượng bộ, vì dù sao, học trò không có hậu thuẫn trong các giới, và sĩ số không đông đảo như hai trường Quốc Học và Ðồng Khánh, Huế.
Những nguời ở Huế về cho biết phong trào bãi khóa ở Huế mạnh lắm vì anh chị em ở Ðế-Ðô dựa vào uy tín của cụ Phan Bội Châu, và của một số giáo sư An nam triệt để ủng hộ Phong trào. Cuộc bãi khóa ở Huế rất sôi nổi, ồn ào, làm náo động cả Kinh đô, chứ không phải lặng lẽ đơn độc như ở Quy nhơn.
Phong trào bãi khóa ở Vinh, tỉnh lỵ Nghệ An, cũng sôi nổi lắm. Nghe nói ở đây đa số phụ huynh học sinh khuyến khích cuộc bãi khóa.
Ở Hà nội, phong trào bãi khóa ở trường Bưởi và trường Cao Ðẳng Ðại Học cũng làm xôn xao dư luận không ít, nhờ có các nhà cách mạng, lớp lão thành như cụ Nghè Ngô Ðức Kế, cụ Cử Dương Bá Trạc, lớp thanh niên như Nhượng Tống, Hồ văn Mịch đều cổ võ triệt để ủng hộ học sinh bãi khóa.
Trái lại, ở Saigon và Cần Thơ, số học sinh đông hơn ở Huế và Hà nội, nhưng một vài trường đề xướng bãi khóa không được đa số hưởng ứng và phong trào không có tiếng vang.
Phải nhìn nhận rằng cuộc vận động bãi khóa ở Huế là mạnh hơn cả, và có kết qủa nhiều hơn. Chính trong những dịp bãi khóa này mà học sinh các nơi đầu tiên nghe tên thầy Trợ giáo Ðào Duy Anh và cô Như Mân. Ðôi bạn trẻ này rất hăng hái và Như Mân cầm đầu cuộc bãi khóa ở trường nữ học Ðồng Khánh đã khiến cho giới An nam và cả Bảo Hộ đều thán phục. Do cuộc bãi khóa, hai người bạn trẻ quen biết nhau rồi yêu nhau. Ðào Duy Anh đã từ bỏ nghề gõ đầu trẻ để nghiên cứu các sách về Sử Học, và viết bài trong báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng mới mở. Sau đó ít lâu, Ðào duy Anh và Như Mân thành hôn, và loại sách “Quan Hải Tùng Thư“ ra đời, được dân chúng, và nhất là trí thức, học sinh, nhiệt liệt hoan nghênh.
Cuộc bãi khóa trường Qui nhơn chỉ thành công được một nửa, nhưng ảnh hưởng của nó rất sâu rộng, và không ai chối cãi rằng phong trào ái quốc và cách mạng ở thành phố lớn này chính là do bọn học sinh ở đấy gây ra đầu tiên, từ vụ vận động ân xá cụ Phan Bội Châu, vụ để tang cụ Phan Chu Trinh cho đến vụ bãi khóa 1927.
Cuộc bãi khóa chấm dứt ngay buổi trưa ngày thứ Hai 11-4 và mấy trò cầm đầu Quỳnh. Tuấn, Hảo, Tố v.v… lại phải chạy đi từng nhà, từng xóm, để kêu gọi học trò buổi chiều đi học.
2 giờ chiều, ba hồi trống đánh tựu trường như thường lệ. Cả thành phố đều vui vẻ thất từng đàn học sinh lũ lượt kéo nhau đi học như mỗi ngày, không có triệu chứng gì khác cả. Một anh thợ cúp tóc, vắng khách, ngôì trong tiệm ngó ra cười và hỏi to mấy cậu đi ngang qua trước tiệm anh:
- Sao, hết bãi khóa rồi hỉ?
Bọn học trò gật đầu cười:
- Ông Ðốc năn nỉ hết hơi, tụi tui mới chịu đi học chớ dễ gì!
Ðó chỉ là một câu nói dốc cho vui, chứ sự thật cậu nào cũng lo ngại, đợi đến trường mới biết được thái độ của ông Deydier…
Vào cổng trường, Tuấn thấy ông Ðìa-réc-tơ và đông đủ các ông giáo sư Tây và An nam, cả ông Tổng giám thị (surveillant général), ông Ðốc Gi, đứng trước hè văn phòng hiệu trưởng, lặng lẽ dòm ngó học trò lần lượt đến trường. Tuấn hơi bẽn lẽn, rụt rè, dở mũ chào các ông trong lúc đi ngang qua, và liếc thấy ông Deydier gật đầu chào lại. Vài ông giáo sư Pháp mĩm cười hóm hỉnh, ông giáo sư Toán Gabriel ngó trân trân với nét mặt giận dữ. Mấy ông giáo sư khác làm nghiêm.
Câu chuyện xôn xao khi học trò đến đã đông đủ ở préau (gian nhà trống để học trò chơi trong giờ nghỉ học), không phải là sợ sẽ có sự trừng phạt, mà là bàn tán về hai tên “điềm chỉ “đã tố cáo bí mật với ông directeur về cuộc vận động bãi khóa. Hai trò ấy chiều nay lại không đi học: Th. ở lớp Ðệ Tứ Niên và Tr. ở lớp Ðệ Tam Niên, hai trò giỏi toán nhất ở hai lớp.
Hai giờ rưỡi, ba tiếng trống đánh vô lớp. Ai nấy đều hồi hộp… chờ đợi trận tấn công chửi mắng của Ông Deydier và các giáo sư.
Nhưng lạ thay, chẳng có chuyện gì xẩy ra cả. Giáo sư dạy học như thường lệ. Ở lớp Ðệ Tam Niên của Tuấn, giờ đầu là môn Hóa-Học của ông Ðốc Trừng, một ông giáo sư nghiêm khắc nhất. Ông Trừng vào lớp, đến bàn ngồi, dở sổ điểm ra, điềm nhiên gọi:
- Ðinh tấn Hường!
Ðây là một cậu nghịch ngợm nhất, chuyên môn đập vỡ những chai acide và những ống thủy tinh của phòng thí nghiệm Lý Hóa. Hường đứng dậy, lên bảng đen trả bài. Hường thuộc bài làu làu, chiều ấy hãnh diện được ông Ðốc cho 8 điểm  trên 10). Hường tủm tỉm cười xuống bàn. Kế đến một trò khác được gọi lên… rồi vài trò nữa, rồi ông đốc dạy bài mới.
Hết giờ, một tiếng trống đánh, đổi thầy. Ông Gabriel giáo sư Kỷ hà học bước vào. Mặt ông đỏ hơn mọi khi. Nhưng ông cũng chẳng làm gì khác hơn là gọi vài trò lên bảng đen trả bài, như thường lệ. Chính ông là một cái đích của cuộc bãi khóa. Học trò bãi khóa tố cáo ông chửi người An nam là mọi rợ, “An-na-mít“ là giống dân “bẩn thỉu“ và yêu cầu Nhà Nước đổi ông giáo sư khác. Nhưng Nhà Nước không đổi ông, học trò bãi khóa đã đi học, ông vẫn đi dạy, như không có chuyện gì xẩy ra. Riêng Tuấn đã bị ông ghét nhất từ trước (vì dở Toán nhất), lần này Tuấn tin chắc sẽ bị ông trả thù. Nhưng ông vẫn thản nhiên. Có lẽ ông khinh Tuấn, cho là trẻ con, không làm gì được ông! Cũng có lẽ ông xấu hổ, làm ngơ chuyện bãi khóa, cho êm. Hoặc giả ông gượng làm lành để gây cảm tình với học trò An-na-mít, và không muốn gây sự với chúng nó. Nhiều trò đoán chừng rằng ông Gabriel bị ông Ðốc trường Henri Deydier rầy la, nên ông không dám trả thù, và cũng không dám chửi mắng người An-na-mít như trước nữa.
Tình hình nhà trường yên ổn, trái hẳn với những lo ngại và dự đoán của học sinh.
Nhưng nửa tháng sau, Tuấn nhận được thư của cha (lúc bấy giờ ông phán Tuấn, anh ruột của Tuấn em, đã bị tù vì hoạt động chống Pháp, như thầy Ðổng Sĩ Bình). Thư của ông thân sinh viết cho Tuấn như sau đây.
Con,
Sao con nghe lời người ta xúi giục bãi khóa chi vậy? Quan Ðốc Học viết thư về trách cha mẹ không dạy bảo con…
Quan Ðốc học biểu cha phải đánh con 100 roi khi con về nghỉ Hè, để từ nay con đừng làm chuyện bậy bạ nữa. Cha mẹ lo cho con ăn học, mong sau này con thi đỗ, đề công thành danh toại thì cha mẹ vui mừng. Sao con không biết thương cha mẹ, vô trong trường làm việc phi pháp, nếu như Nhà Nước bắt bỏ tù con thì khổ cho cha mẹ biết bao. Mẹ con nghe cha đọc bức thư của Quan Ðốc học, thì mẹ con khóc lóc và giục cha phải vô Qui Nhơn mau mau đi xin Quan đốc tha tội cho con. Chắc là tháng sau cha phải vô, cha sẽ đem một quả đường bông, một quả gạo nếp, hai chai mật ong và hai miếng quế Thanh quí giá, để kỉnh Quan đốc học, và xin cho con khỏi bị đuổi.
Mẹ on lo lắm vì mẹ con đi chợ nghe bá Phán Ðông cho biết là Quan đốc học Quy Nhơn có viết thư cho quan Sứ ở đây nói về mấy đứa học trò quê tỉnh mình xúi học trò Qui Nhơn bãi khóa, sẽ bị đuổi hết. Mẹ con buồn lắm, ngày đêm cứ thúc giục cha phải đem lễ lộc vô lo lót quan Ðốc. Vậy chắc là tháng sau, cha khỏe mạnh sẽ vô Quy Nhơn, chớ tháng này bị đau yếu, chưa đi được đâu.
Cha gởi lởi thăm con, cha khuyên răn con cố lo học hành, đừng làm chuyện chi sái phép, thì cha buồn rầu.
Thơ bất tận ngôn
Ký Tên.
Tuấn xem thư cha, lòng cảm xúc, đau khổ. Trưa, cậu học trò ở trường về không ăn cơm, thui thủi đi ra bãi biển một mình, ngồi khóc nức nở.
Ðã qua, sự hăng hái bồng bột của một cậu học trò! Bây giờ là sự hối hận đau khổ của một đứa con bị cha mẹ rầy la, thấy cha mẹ buồn rầu lo nghĩ. Nhưng biết làm sao được? Cùng một lúc, Quỳnh và Tố, người đồng tỉnh với Tuấn, cũng cho biết là có nhận thơ của cha mẹ la mắng về vụ bãi khóa… Ông Ðốc học cũng có viết thư về cho cha mẹ Quỳnh và Tố, bảo phải đánh đòn khi hai trò về quê nghỉ hè.
Thì ra, hầu hết phụ huynh học sinh bốn lớp lớn đều được thư báo cáo và khiển trách của ông Ðìa-réc-tơ. Mấy kẻ khởi xướng phong trào đều nhận tội với cha mẹ, điều đó đã đành. Chỉ oan ức cho đa số nghe theo lời bạn bè mà bãi khóa, bây giờ cũng chịu hậu qủa chua cay. Có điều đáng khen là các cậu này bị mắng oan, nhưng không hề thù hận tụi khởi xướng, và gặp nhau, trao đổi cho nhau xem thư của cha mẹ, chỉ cười khúc khích với nhau, như đã cùng nhau thông cảm trong cơn nguy biến.
Tuy nhiên, ngoài mặt các trò cố giữ vẻ điềm tỉnh, không sợ sệt, Ông Ðốc và các giáo sư Pháp Nam cũng không tỏ ra triệu chứng gì khác thường, không khí học đường hai tháng sau buổi bãi khóa vẫn yên tỉnh, không chút xao động. Nhưng trong lòng các học sinh - nhất là mấy cậu thủ phạm cuộc bãi khóa - đều áy náy không yên.
Ngày cuối niên khóa 30-6-1927 bỗng dưng có một chuyện xôn xao kinh hãi: 12 cậu khởi xướng hăng hái nhất cuộc bãi khóa, bị gọi từng người lên văn phòng ông Ðốc học. Quỳnh và Tuấn bị gọi lên trước tiên. Ông Tổng giám thị đưa cho coi biên bản của Conseil de Discipline (Hội Ðồng Kỷ Luật) quyết định đuổi các trò. Tuấn được hai ông giáo sư Pháp và một giáo sư An nam bênh vực xin cho ở lại, nhưng những ông khác nhất thiết đòi đuổi ra khỏi trường. Mặc dù kỳ thi lục cá nguyệt, Tuấn được điểm tốt và được sắp hạng 6 trên 40 học trò, Quỳnh được sắp hạng 5, Tố thứ 12, nhưng cả ba đều bị ghi vào học bạ: ”Mauvais esprit. Renvoyé de l’ école par le Conseil de Discipline, pour avoir formenté la grève scolaire en Avril 1924) (Ðầu óc xấu. Bị đuổi khỏi học đường do quyết định của Hội Ðồng Kỷ Luật, vì đã khởi xướng cuộc bãi khóa tháng tư năm 1927).
Chữ ký của ông Ðốc học Henri Deydier bên cạnh con dấu xanh tròn to tướng nằm dưới trang chót quyển học bạ không khác nào vòng xích sắt trói chặt tương lai của đời học sinh, khó vẫy vùng ra được .
Ðêm ấy, Tuấn về nhà bỏ ăn, đi lang thang ra bãi bể, chàng ngồi dưới gốc cây phi lao, nghe gió rì rào trên cành cây và sóng biển ào ạt vào bờ, như vang dội triền miên của tiếng lòng nức nở…
CHƯƠNG 36 
1927
- Thanh niên học sinh bãi khóa bị đuổi khỏi các trường nhà nước phải phiêu lưu đi kiếm việc làm tạm.
- Làm đâu rồi cũng bị chủ Tây đuổi vì "đầu óc xấu"
- Con gái Bình Ðịnh dạy võ.
Tuấn nằm trên bãi cát đến nửa đêm, không muốn về nhà trọ . Ngó lên vòm trời dầy đặc những ngôi sao. Tuấn mơ màng suy nghĩ đến ngày mai, không tìm được lối thoát cho tuổi thơ còn ngu dại. Chưa nghĩ đến tương lai xa vời, chỉ lo đến niên khóa sắp tới, Tuấn sẽ học đâu được nữa vì còn một năm Ðệ Tứ niên mới hết khóa Trung học? Lẽ nào một chàng trai 17 tuổi đành phải từ biệt mái trường, vơí chút học thức dở dang, đi phiêu lưu vô định?
Cha của Tuấn có vào trước đó nửa tháng, đem theo nhiều lễ vật để kỉnh quan Ðốc học, lo lót cho con, Tuấn đã xin cha đừng đến ông Ðốc, vì Tuấn đã biết trước ông Ðốc không ăn hối lộ và Tuấn quả quyết với cha rằng Tuấn sẽ không bị đuổi. Tuấn nói thật với cha tin tưởng rằng Tuấn học khá, sẽ được lên lớp. Cha Tuấn tin con, vui vẻ trở về tỉnh nhà. Không ngờ sự thể hôm nay đã ra như thế!
Tuấn buồn quá, đi trên bãi bể, dưới ánh trăng mờ, mãi đến Gành Ráng, nơi đây Tuấn tìm nột tảng đá bằng phẳng, Tuấn nằm xuống ngủ quên lúc nào không biết.
Tuấn sực tỉnh dậy vừa lúc mặt trời đang ló lên ngoài khơi, một mảnh tròn to lớn, đỏ tươi, long lanh trên mặt bể. Chung quanh, những tia nắng tỏa ra thành hình rẽ quạt, chiếu khắp bốn phương. Tuấn ngồi dậy, ngắm say mê cảnh vũ trụ huy hoàng, quên rằng mình là đứa học trò đã bị đuổi khỏi trường, vì cuộc bãi khóa.
Chiều trở về thành phố, Tuấn đến thẳng nhà Quỳnh, mới biết hầu hết bạn bè ở các tỉnh xa đã mua vé xe về quê từ lúc sáng sớm. Tuấn do dự không muốn về, sợ cha mẹ buồn.
Cậu học trò bị đuổi không dám đi chơi ngoài phố, Cậu muốn đến nhà trọ hai cô bạn Trâm và Anh nhưng mắc cỡ không dám đến. Cậu lại vừa bị bà chủ nhà cũng rầy la về vụ bãi khóa. Ồ, sốt cả ruột… Bãi khóa… Bãi khóa… ai cũng mắng nhiếc cậu về vụ bãi khóa…!
Nhưng ai đó biết đâu rằng cậu làm, cậu chịu, nào có ăn thua gì đến ai, mà ai cũng hành hạ cái tinh thần cậu vì hai chữ bãi khóa …đã cũ rích từ hai tháng qua!
Tuấn nằm co trên ván, ngoài chái sau, trùm chiếc chiếu để đừng ai thấy cậu khóc. Tuấn tức mà khóc, giận mà khóc, buồn cho thân phận mà khóc, chứ thực ra không phải khóc vì bị đuổi sau vụ bãi khóa.
Thình lình có tiếng O-Vui, em gái ông chủ nhà, đến khẽ đập bàn tay trên chiếu, gọi:
- Cậu Tuấn, có cô Trâm, cô Anh tới kiếm cậu kìa.
Tuấn lau khô nước mắt, hất chiếu ra, ngồi dậy. Trâm và Anh bẽn lẽn đứng ngoài hè, không dám vô nhà.
Tuấn vui mừng được gặp hai người bạn gái, nhưng nét mặt hôm nay sượng sùng, mất cả tự nhiên. Tuấn hỏi:
- Trâm và Anh chưa về Phù Cát sao?
- Tụi em tính sáng mai mới về. Tưởng anh đã về Quảng Ngãi rồi chứ.
Tuấn ngượng nghịu lắc đầu:
- Không muốn về đâu hết.
- Sao vậy anh?
- Bị đuổi. Về tỉnh, họ cười chết. Cha mẹ rầy la làm sao?
- Cần gì, anh! Ðuổi trường này thì anh đi Huế học trường Pellerin của các ông Cố đạo cũng được vậ .
- Trâm và Anh vừa thi đỗ, Nghĩ Hè xong có tính ra Huế thi vào Ðồng Khánh không?
Anh lắc đầu, buồn:
- Em muốn đi Huế nhưng mà nhà em nghèo, cha mẹ em chỉ cho đi học đỗ Primaire rồi xin làm Trợ giáo đi dạy học ở trong tỉnh, cho gần nhà.
- Còn Trâm?
- Em cũng vậy
Tuấn càng thêm buồn, lắc đầu khẽ bảo:
- Tôi cũng… lo kiếm việc làm đỡ đâu đó một thời gian, không thèm đi Huế.
- Anh là con trai, cứ đi học nữa đi! Còn lo cho tương lai, và thực hiện lý tưởng chứ.
- Nếu Trâm và Anh đi ra học Ðồng Khánh, thì tui cũng ráng xin cha mẹ tôi cho đi Huế, học Pellerin… Trâm và Anh không đi tôi cũng không muốn đi. Ra ngoài ấy xa lắc, nhớ nhà nhớ bạn, học gì nổi.
Ba người bạn trẻ làm thinh, cúi mặt xuống đất, suy nghĩ. Bàn tay của Anh mân mê chiếc nón lá. Trâm bảo:
- Chiều anh lại nhà tụi em được không?
Tuấn gật đầu:
- Ừ, chiều tôi đến
Tuấn nở nụ cười gượng:
- Bữa nay khỏi làm rédaction…
Anh cũng mĩm cười rất dễ thương:
- Làm thơ chơi hỉ!
Chiều Tuấn đến nhà trọ hai cô bạn. Anh và Trâm đang chờ, tóc bỏ xõa hai bên vai. Hình như Trâm và Anh vừa mới tắm, hay gội đầu. Cả hai đều mặc áo cụt trắng quần đen (nữ sinh đứng đắn thời bấy giờ không bao giờ mặc quần trắng ban ngày). Hai cô bạn mời Tuấn ăn bánh tráng nướng với đường phổi, rồi Anh đưa Tuấn xem một bài thơ:
- Tụi em dạo này rảnh, tập làm thơ nhiều hơn trước nhưng đọc lên thấy kỳ cục qúa, không hay ho gì hết, anh Tuấn sửa dùm tụi em đi.
Bài thơ : Khuyên bạn
Khen ai khó nhọc đã thành công
Dẫu bị chi chi cũng vững lòng
Ðể lại học đường gương tuấn tú
Rồi đây xa cách, kẻ chờ mong…
Trâm cười:
- Anh coi, hai đứa làm cả buổi mới được bốn câu đó
Anh tiếp lời:
- Dở ẹc, anh sửa lại cho hay đi.
Tuấn:
- Ðể vậy tự nhiên hơn. Sửa chi nữa. Tôi họa lại chơi, hỉ?
Trâm:
- Dạ, anh họa đi.
Tuấn loay hoay một lúc lâu mới được bốn câu họa vần, trao cho Anh . Trâm và Anh chụm đầu lại đọc:
Bãi khóa hô hào đã mất công
Qui Nhơn cách biệt thật đau lòng
Trường xưa, bạn cũ tìm đâu nữa,
Một bóng từ nay… hai nhớ mong.
Trâm và Anh cười rũ rượi rồi lấy bút chép lại cả hai bài thơ, mỗi người trên mỗi quyển tập riêng, trong đó chép lại nhiều thơ hay trong quyển Quốc văn trích điểm.
Trâm bảo:
- Anh làm một bài nữa đi, bài bát cú, rồi tối nay tụi em thức họa lại.
Tuấn lắc đầu:
- Lo buồn đủ thứ làm không ra thơ đâu.
Anh:
- Kệ mà, cứ làm đi, anh đừng buồn.
Tuấn chán ngán lắm, nhưng muốn làm vui lòng Trâm và Anh. Tuấn bảo hai cô bạn đi ra sân chơi, để Tuấn ở một mình trong nhà, ráng sức làm thử xem, có được không.
Tuấn ngồi viết, sửa, bỏ, viết lại, xóa bỏ, rồi lại viết. Mãi thật lâu, hơn một tiếng đồng hồ, mới nguệch ngoạc xong 8 câu, đem ra sân trao cho Trâm và Anh. Hai cô nữ sinh đang tưới nước cho mấy cây cau, và mấy bụi hồng, vôi vàng bỏ đôi thùng nước, ngồi trên đòn gánh đọc :
Từ nay cách biệt mái trường ơi!
Ta sẽ phiêu lưu một góc trời
Nước mất, thương nòi, lòng uất ức
Tình xa, nhớ bạn, giọt châu rơi
Vắng đôi hình bóng trong non nước
Ngại chiếc buồm đơn giữa biển khơi
Chép mấy vần thơ làm kỷ niệm
Trăm năm còn nhớ chuyện xa xôi!
Tuấn làm xong xem đi xem lại, muốn đổi vài chữ, sửa một vài câu, nhưng rồi rút cuộc, cứ để vậy trao cho Trâm và Anh.
Hai cô bạn, thoạt tiên mừng rỡ đọc to lên, nhưng đến câu thứ ba và câu thứ tư, Trâm tự nhiên ứa nước mắt rồi cả hai không đọc nữa. Hai người vừa xem nốt những câu sau vừa cắn một chéo áo vào môi, nín khóc. Tuấn chàng trai thơ mộng lúc nào hăng hái kêu gọi bãi khóa, bây giờ ngồi gục xuống bàn, khóc thút thít một mình.
Trâm và Anh đứng dậy đi ra giếng, ngồi bên gốc cây khế sùm sề lí ti những chùm hoa nửa tím nửa trắng, rụng lấm tấm trên sân. Hai cô khóc ấm ức. Anh gát cằm trên đầu gối cúi mặt xuống, Trâm dựa vào gốc khế, cầm chéo áo đưa lên cắn trên miệng, một cánh tay chùi nước mắt.
Tuấn ra về, ghé lại gần hai người:
- Thôi, ngày mai Trâm và Anh nên ra về sớm, tôi chúc Trâm và Anh lên đường bình yên, về Phù Cát vui vẻ, hỉ.
Anh ngước mắt nhìn lâu vào Tuấn, không nói được, cả hai cùng ngượng . Anh khẽ bảo:
- Sáng sớm mai, 5 giờ, anh ra bến đưa tụi em lên xe?
Tuấn gật đầu:
- Vâng, 5 giờ hỉ?
- Dạ, 5 giờ xe chạy.
Tuấn gật đầu một lần nữa, rồi bước nhanh ra đường.
Tuấn ở lại thành phố, không dám về nghĩ hè ở quê nhà, cậu sợ bị cha mẹ đánh đòn. Vì cậu đã bị đuổi sau cuộc chủ trương bãi khóa . Lần đầu tiên chàng thiếu niên nước Việt biết tình cảnh nước nhà bị một cường quốc Tây phương đô hộ.
Tuấn là một thiếu niên đa cảm, cũng như đa số thiếu niên Việt Nam thời bấy giờ, đã chịu những ảnh hưởng trái ngược, một phần thì được thấm nhuần khá sâu đậm Văn Chương Học Thuật Pháp, nhưng phần khác lại được sách báo cách mạng lén lút của các bậc chí sĩ Việt Nam nung đúc tinh thần ái quốc, cách mạng chống Pháp, khiến cho tư tưởng thanh thiếu niên của thế hệ 1925 luôn luôn bị dày vò xâu xé bởi hai ảnh hưởng chống chỏi ấy.
Ai đời một học sinh trung học, ở các lớp Ðệ Tam, Ðệ Tứ Niên, đọc say mê các kịch bằng thơ Alexandrius của Corneille, Racine, lại bắt chước làm thơ Pháp theo kiểu đó để hô hào các lớp học sinh bãi khóa, hoặc để ủng hộ cuộc bãi khóa của các trường khác . Thí dụ như dưới đây là mấy câu thơ Alexandrius Pháp của trò Tuấn, cổ võ anh em học sinh trường Quốc học Huế:
En avant mes amis! Bravo les plus hauts coeurs!
Aimez sans faiblesse nos communes douleurs!
Sachons nous conduire en héros, en fils de braves!
Soyons des enfants fiers, mais pas de vils esclaves!...
Ðó là những câu thơ tập tểnh của một "thi sĩ cỏ" áp dụng những niêm luât Alexanderius mà cậu vừa học trong trường, và bây giờ mò mẫm cách diễn tả những ý nghĩ say sưa nhiệt cuồng của tuổi trẻ .
Tưởng ghét người Pháp thì ghét cả tiếng Pháp mới hợp lý: hoặc là yêu văn chương học thuật Pháp thì thân thiết với người Pháp, nhưng thực tế không phải vậy. Trừ những kẻ có sẵn óc nô lệ quen nịnh hót Tây, cho đến cái gì của Tây họ cũng khen ngợi cả, tôn thờ Tây như bậc thầy, bậc thánh, ngoài ra, đại đa số thanh htiếu niên lãng mạn 1925, đa sầu đa cảm, đều chịu sự trái ngược lạ lùng của hai phong độ trí thức chống chọi nhau: thích học chữ Tây, thích nói tiếng Tây, mà lại ghét Tây, thù oán Tây đã đem ách nô lệ tròng vào đầu cổ dân An nam.
Ðó là tâm lý chung của thế hệ thanh niên tây học của Nguyễn Thái Học, Ðặng Thái Mai, Phan Thanh, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu…
Trò Tuấn 16 tuổi, học sinh Trung học, cũng bị hai ảnh hưởng trái ngược chi phối các hoạt động văn hóa và chính trị mà Tuấn chỉ là một thiếu niên tập sự, vụng về nhưng hăng hái.
Trong hai tháng đầu của mùa nghỉ hè (nghỉ hè 3 tháng) Tuấn không ôn lại bài vở như các trò không bị đuổi. Tuấn thường ra bãi biển ngồi ôn lại những tư tưởng cách mạng: Việt Nam vong quốc, dân nô lệ, người dân mất nước như đứa con mất mẹ, xiềng xích áp bức ngục tù…
Tuấn tự cho mình là một người dân mất nước, và ngồi khóc sụt sùi thê thảm như một người con mất mẹ.
Năm 1925-1927 những danh từ, thành ngữ cách mạng trên kia hãy còn qúa mới mẻ, còn chứa đựng men nồng của nhiệt huyết, có đũ mãnh lực để làm say sưa xúc động những tâm hồn trai trẻ còn đang trong trắng. Dù bị học đường đuổi vì tội chủ trương bãi khóa hay còn được tiếp tục học, thanh thiếu niên học sinh 1925-1927 đều phần đông có tâm hồn vừa lãng mạn theo kiểu Alfred de Musset, Lamartine (O Temps, suspend son vol!…) vừa cách mạng theo truyền thống Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu .
Những trò bị đuổi sau cuộc bãi khóa, như Quỳnh, Tố v.v… đều tiếp tục đi học “trường Thầy Dòng Pellerin” ở Huế, để thi diplôme. Riêng Tuấn còn do dự, không dám về nhà thăm cha mẹ, và để xin tiền đi học ở Huế, vì sự thật nhà Tuấn nghèo từ khi anh Tuấn làm thông phán Tòa Sứ đã bị bắt ở tù ở Ban Mê Thuột. Ngẫu nhiên Tuấn đến thăm ông chủ nhà trọ của vài người bạn đồng lớp, ông này cho biết hãng nấu rượu ở An Thái, Bình Ðịnh, cần dùng một thư ký, học lực Ðệ Nhị hoặc Ðệ Tam Niên. Thầy hỏi Tuấn muốn đi làm không? Sẵn trong lúc buồn vì bị nhà trường đuổi, chưa biết làm gì, vì lần đầu tiên thấy có một chỗ làm có lương tháng 100 đồng,Tuấn nhận lời ngay. Chiều hôm đó, thầy Dậu dẫn Tuấn vào giới thiệu với ông Bouillon, người Pháp, giám đốc hãng Société des Distilleries de l’Indochine (Công ty nấu rượu Ðông Dương).
Thầy Dậu, không dám nói với ông Bouillon là Tuấn vừa bị đuổi vì tội bãi khóa, thấy chỉ nói qua loa rằng Tuấn nhà nghèo không thích tiếp tục đi học nữa nên xin đi làm.
Hôm sau Tuấn được ông Rocca, phó giám đốc cùng thầy Dậu đưa Tuấn đi xe hơi của hãng lên An Thái, một chi nhánh của hãng, do một người Hoa kiều làm quản lý, Tuấn thỏa mãn được giúp việc thư ký cho "chú" quản lý Huê kiều tại một nơi hương thôn có con sông lớn .
Tuấn mới có 17 tuổi.
Chiều hôm ấy, chú quản lý Diệp Thành đưa Tuấn sang chào ông Tây Thương Chánh tên là Rossignol. Tuấn rất bỡ ngỡ khi ông Tây và bà Ðầm tiếp Tuấn và chú Diệp Thành tại phòng khách. Ðứa con trai duy nhất của gia đình người Pháp này tên là Louis, 4 tuổi, được giới thiệu với Tuấn. Nó đưa bàn tay nhỏ bé ra bắt tay Tuấn với một câu tiếng Pháp:
- Bonjour monsieur le cratère (chào ông miệng núi lửa).
Chữ secrétaire (thư ký) bị cậu bé Pháp mới tập nói bập bẹ thành ra cratère, ai cũng phì cười, nhưng Tuấn không cười.
Từ hôm ấy, Trần Tuấn, cậu học trò Ðệ Tam Niên bị đuổi vì cầm đầu cuộc bãi khóa, đành bỏ học đi làm cậu thư ký quèn cho một chi nhành hãng rượu của Pháp ở thôn quê, dưới quyền quản lý người Tàu, với lương tháng 100 đồng, ăn và ở ngay trong hãng.
Ðêm ấy, Tuấn nằm trên chiếc giường kê ngoài hè nhà quản lý, Tuấn thao thức suốt đêm, nghĩ ngợi và khóc liên miên.
Lần đầu tiên chàng trai tuấn tú của nước Việt, 17 tuổi, đã phải thôi học để đi làm thư ký, kiếm tiền nuôi thân. Nhưng Tuấn cho rằng đây chỉ là một giai đoạn tạm thời, Tuấn nuôi hoài vọng dành dụm tiền bạc để một vài năm sau sẽ ra Hà nội hoặc vào Saigon, tiếp tục học.
Chú quản lý Diệp Thành là người Tàu Hải Nam, còn trẻ độ 30 tuổi, không thạo tiếng Pháp, mà chú nói được bập bẹ năm ba câu theo kiểu tiếng bồi. Vì vậy chú rất mến Tuấn, và mỗi khi có việc phải qua tiếp xúc với ông Tây Thương Chánh, Tuấn đi theo để làm thông ngôn.
Công việc của Tuấn là mỗi buổi sáng ngồi bàn giấy bán rượu, thu tiền và viết biên lai trao cho người mua.
Có những buổi sáng, giao việc bán rượu cho một người khác, Tuấn ra ngồi sau chiếc cân lớn để mua gạo. Từng đoàn người thôn quê, đàn ông, đàn bà, thiếu niên, thiếu nữ, ở trong làng và các làng kế cận, gánh gạo đến hãng để bán . Người bán đặt bao gạo lên bàn cân, Tuấn ghi số cân trên một mãnh giấy trao cho người bán cầm giấy ấy vào trong phòng kế cận để lấy tiền.
Buổi chiều, Tuấn làm sổ sách. Tối Tuấn dạy chữ Pháp cho chú quản lý huê kiều.
Tuấn sống cuộc đời khắc khổ, noi theo gương các bậc hiền triết mà Tuấn đã đọc tiểu sử và nghiên cứu sự nghiệp trong các sách Pháp. Tự nguyện rằng cuộc đời mình còn phải làm một công việc gì cho xứng đáng với thân nam nhi, không được hoang phí tuổi trẻ trong cuộc chơi bời phù phiếm, Tuấn quyết tâm dùng thì giờ ở hãng rượu An Thái (người Pháp viết là An tay), để tu tâm dưỡng tính, cố giữ được tư cách một thanh niên học thức, đứng đắn.
Một hôm Tuấn mướn người thợ hớt tóc cạo trọc đầu Tuấn, như một ông thầy chùa. Việc ấy làm xôn xao dư luận An Thái.
Chú Hoa Kiều quản lý, và ông Tây Thương Chánh Rossignol ngạc nhiên hỏi Tuấn nguyên nhân gì khiến Tuấn cạo trọc đầu. Tuấn chỉ tủm tỉm cười đáp: “cạo cho mát“.
Và từ đấy, dân làng An Thái cũng như nhân viên và lao động hãng Rượu gọi Tuấn là "Thầy Ký Trọc".
Trong khi Tuấn làm "Thầy Ký" ở hãng rượu An Thái, Tuấn được chút ít tiền lương, món tiền đầu tiên do tự sức chàng làm ra. Chàng nghĩ rằng tuy là món tiền nhỏ mọn, nhưng nó rất quý báu đối với chàng, chàng phải xài nó vào một việc gì xứng đáng với giá đồng lương. Chàng liền xin phép xuống Bưu Ðiện Bình Ðịnh, mua ba bưu phiếu gởi mua:
- Một năm báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng ở Huế .
- Một năm báo La Jeune Indochine của ông Vũ Đình Duy ở Saigon.
- Một năm báo L’ Argus Indochinois, của ông Amédée Clémenti ở Hà nội.
Cả ba tờ báo đều là báo cách mạng. Có điều rất tiện cho Tuấn, là cậu ăn ở luôn trong nhà người Khách trú quản lý hãng rượu, và tối nào cũng dạy Pháp văn cho người chủ ấy. Vì thế, người chủ không tính tiền cơm, và mọi sự chi phí linh tinh đều do chủ cung cấp cho cả. Trung thành với lý tưởng của đời sống mà chàng thư sinh đã tự vạch ra lúc còn đi học ở Quy Nhơn, tiêm nhiễm tư tưởng ái quốc, chàng may hai bộ quần áo bằng vải nội hóa. Sự chàng cạo trọc, mặc kệ người chung quanh gọi chàng là "thầy ký trọc", tỏ rằng chàng không thiết gì đến sự phục sức bên ngoài, mặc dầu chàng mới 17, 18 tuổi.
Ngoài những công việc của hãng rượu, chàng đọc say mê các tờ báo cách mạng mà lần đầu tiên chàng mua dài hạn với số tiền do tự chàng làm ra .
Người chung quanh lại cho chàng biết rằng làng An Thái ở gần làng Kiên Mỹ là quê hương của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Một chút hoài niệm lịch sử ấy càng nung đúc chí hướng của chàng trai nước Việt sinh trưởng 150 năm sau nhà anh hùng Tây Sơn.
Chiều chiều Tuấn ra ngồi bên bờ sông An Thái, phóng tầm mắt về dãy núi An Khê, rồi quay vào hướng Nam, quay ra hướng Bắc. Tâm hồn ngây thơ khờ dại của chàng thanh niên bị đuổi khỏi học đường vì vụ bãi khóa chống Tây, rung động xiết bao cảm xúc.
Một buổi tối nóng nực, Tuấn tắm bên giếng như thường lệ. Nhưng lần này Tuấn nghe bên nhà ông Tây Thương chánh tiếng nói nheo nhéo của bà bếp chửi đổng qua:
- Cái dân dơ bẩn như chó!
Tuấn hết sức ngạc nhiên. Bà bếp của ông tây Rossignol chửi ai thế? Không lẽ chửi Tuấn là dơ bẩn trong lúc Tuấn đang tắm? Tuấn lặng lẽ chờ bà bếp nói gì nữa, Tuấn thả gàu xuống múc nước lên tắm . Vừa dội xong gàu nước, lại nghe tiếng bà bếp:
- Ai tắm đó?
- Tôi
- Chứ không biết Quan cấm tắm ở chổ giếng đó?
- Không… Tại sao cấm?
Quả thật Tuấn không hề có nghe lịnh cấm tắm ở nơi giếng này. Vả lại ông tây thương chánh lấy quyền gì cấm?
Tuấn đang thắc mắc về câu chuyện khó hiểu, bổng có tiếng của ông Rossignol nói lớn:
- Tôi cấm đấy. Vì giếng này dùng để lấy nước uống. Tắm ở đây là đổ biết bao vi trùng và bẩn thỉu xuống nước giếng.
Tuấn thấy câu chuyện vô lý và Tuấn thật không ngờ. Từ trước đến giờ người ta vẫn tắm ở đây có sao đâu. Ðây là cái giếng duy nhất của hãng rượu, và Tuấn đứng tắm ở ngoài xa theo đúng phép vệ sinh.
Nhưng Tuấn không trả lời ông Rossignol, và không hiểu tại sao dạo này ông Tây thương chính thường kiếm chuyện “cà khịa“ với mình?
Sáng hôm sau, trong lúc Tuấn đang ngồi làm việc trong phòng giấy, ông Rossignol bước vào với nét mặt hầm hầm, ông gây chuyện với Tuấn:
- Tôi cho anh biết rằng anh là một thằng An-na-mít bẩn thỉu và vô lễ. Tôí hôm qua anh cãi với tôi ở nơi giếng nước hả? Tôi đã cấm anh tắm nơi đấy, anh biết chưa?
Tuấn lễ phép hỏi lại:
- Thưa ông, tại sao ông cấm như thế?
- Taị sao hả? Tại vì cái giếng đó sản xuất ra nước uống chứ không phải nước tắm. Tôi không cho phép anh tắm nơi đó, và cấm cả những người An-na-mít bẩn thỉu của anh.
Tuấn nổi giận:
- Người An-na-mít không bẩn thỉu như ông nói. Ông không có quyền chửi người An-na-mít.
Ông Tây thương chính liền xổ một thôi hồi lâu:
- À, tôi biết mà ! anh là một thằng đầu óc xấu xa. Anh đọc những tờ báo bẩn thỉu như L’Argus Indochinois, mà chủ nhiệm là một người dân Pháp ghiền thuốc phiện, tôi biết nó lắm, là một thằng khốn nạn bị con vợ Annamít bỏ bùa mê. Tờ báo Tiếng Dân, tôi cũng biết, chủ nhiệm nó là một lão nhà quê dốt nát và tướng cướp, bị xử án đày ra Côn lôn. Còn thằng Vũ Đình Duy, chủ tờ báo La Jeune Indochine, là một thằng An na mít là những kẻ vong ân bội nghĩa. Học chữ Tây, học văn minh của Tây, rồi chửi lại Tây… Qủa thật là một giống người hèn hạ!
Tuấn không thể nhịn được nữa:
- Tôi xin lổi ông, nhưng ông chính là một người hèn hạ! Khốn nạn!
Ông Rossignol đang cầm cây can trong tay, liền đưa can lên toan đập vào đầu Tuấn. Tuấn né đầu qua một bên, rồi chụp luôn cái can của ông Tây. Hai người dằn co nhau làm đỗ cả lọ mực trên bàn.
Ông Tây giựt lại được cây can rồi hục hặc bỏ ra về.
Ba ngày sau, hai ông giám đốc và phó giám đốc Công ty rượu ở Quy Nhơn, Bouillon và Rocca, lên thăm hãng An Thái . Tuấn đoán biết có chuyện không lành. Quả nhiên Bouillon gọi Tuấn vào phòng giấy quản lý, bảo:
- Tôi trả lương cho anh và anh đi ra khỏi chỗ này tức khắc.
Tuấn do dự một chút rồi hỏi lại:
- Thưa ông, tại sao vậy?
- Không tại sao cả. Tôi đuổi anh ra khỏi hãng của tôi.
- Nhưng ít nhất ông cũng cho tôi biết lý do chứ.
- Lý do: anh là một thằng An-na-mít bẩn thỉu.
Tuấn liền trả đũa lại:
- Chính ông mới là một người Tây bẩn thỉu.
Ông Bouillon đánh Tuấn một tát tay, Tuấn nhỏ người nhưng cũng mạnh, thoi vào ngực ông một thoi rồi bỏ đi ra ngoài. Chàng từ giã luôn hãng rượu An Thái.
Trưa hôm ấy, cả làng An Thái và nhân viên lao công trong hãng đều xôn xao thì thầm với nhau: “Chu choa! Thầy Ký Trọc oánh lộn với ông Tây chủ công xi, thầy bị đuổi rồi".
Tuấn đi đò qua sông An Thái để sang phố Chợ. Ðò mới qua được nửa con sông thì có tiếng gọi vọng lại trên bến cũ. Tuấn quay lại thấy An, một thiếu nữ xinh đẹp mà chàng quen biết chưa được hai tháng. An là một bạn đồng chí do Tuấn huấn luyện về văn thơ và tư tưởng cách mạng. An khóc nức nở, tay cầm chiếc khăn vẫy Tuấn lia lịa:
- Anh Tuấn! Qua bên đó chờ em!
Tuấn cũng định chờ. Nhưng chỉ có một con đò. An phải đợi đò trở lại bến mới sang sông được, trong khi ấy người tài xế chiếc xe cam nhông của hãng rượu đã được lịnh chở Tuấn đi ngay về Quy Nhơn, đừng để ở lại An Thái một phút nào.
Ngồi trên chiếc xe gập gềnh chạy kẽo cà kẽo kẹt trên con đường gồ ghề chật hẹp, Tuấn tức giận ông tây thương chính Henri Rossignol và ông tây chủ hãng rượu André Bouillon. Phải công bằng nhình nhận rằng ông phó giám đốc Rocca dễ thương hơn.
Trước khi Tuấn vĩnh biệt hãng rượu, ông Rocca lấy trong túi ra cho Tuấn 50 đồng và bảo: ”Anh thông minh, nên tiếp tục đi học nữa, đừng đi làm thư ký quèn, uổng thì giờ. Tôi biếu anh tiền lộ phí!“ Tuấn ứa nước mắt cảm ơn ông tây Rocca.
Tuấn lại băn khoăn nhớ An. Trần thị An, người đẹp An Thái võ nghệ giỏi. Chính nàng đã dạy cho Tuấn học những bài võ Bình Ðịnh đầu tiên. Tuấn nhớ lại những đêm sáng trăng, trước sân nàng, trong lúc mọi người hàng xóm đã đóng cửa ngủ, An mặc áo cụt, quần đen, tóc bới, dạy cho Tuấn những ngón võ lợi hại của xứ An Thái. Làng này trai gái đều giỏi võ. Có lần nàng kể chuyện một cô em bạn dì vì giỏi võ mà bị tù.
Lộc mới có 18 tuổi, nhưng xác cao lớn, đẫy đà. Thân sinh Lộc là một Võ sư danh tiếng cả Bình Ðịnh. Môn đệ của ông nhiều lắm, từ các làng xa đến học. Nhưng biết Lộc có tính nóng và hung hăng. Ông cụ không bao giờ dạy võ cho con gái của ông, và những đêm ông dạy cho môn đệ, ông cấm Lộc không được xem. Ông nhốt cô con gái nghịch ngợm trong nhà. Nhưng đứng sau song cửa sổ gian nhà tối om, Lộc chăm chú ngó bọn con trai học võ ngoài sân. Ðêm nào cô cũng lén cha, đứng sau song cửa sổ, học võ nghệ bằng mắt và bằng trí nhớ. Ông cụ không hay biết gì cả. Một đêm ông cụ có khách, một ông Chánh tổng cởi ngựa đến chơi, đàm đạo uống rượu rồi ở lại nghỉ. Con ngựa ô của ông đẹp lắm, nhốt trong chuồng ngựa sau nhà.
Nửa đêm, hai ông gìa ngủ say, cô Lộc lén ra chuồng ngựa, cô mở cửa chuồng, dắt ngựa ra rồi nhẩy lên lưng ngựa, quất ngựa phi ra cổng. Cổng đã cài then, cô không cần mỡ, cứ ngồi trên lưng ngựa và bay vượt qua cổng. Cô cưỡi ngựa chạy chơi tận làng xa, mãi sáng mới về. Cổng vẫn còn cài then. Cô và ngựa bay qua.
Cha cô và ông khách dậy sớm, ngồi uống trà trên ghế tràng kỷ, đều kinh ngạc chứng kiến kỳ công võ nghệ của cô. Ðem ngựa vào chuồng xong, cô trở ra lạy cha và khách 3 lạy để xin lổi rồi ung dung xuống bếp.
Một đêm, có chàng võ sĩ ở phương xa đến xem môn đệ của Thầy dượt võ. Hắn phách lối, thách hết 5 cậu học trò của ông ra thử tài với hắn. Lần lượt cả năm cậu đều bị đánh liểng xiểng. Ông thầy tức mình, mắc cỡ, chỉ ngồi uống rượu. Nhất định cứu danh dự của cha và của cả trường, cô Lộc từ trong bếp ra, bảo gả kia:
- Chú lại đây thử với tôi.
Hắn cười ngạo mạn:
- Tôi không nỡ chạm ngọc thể của Nữ nhi.
Lộc tiến tới cho vào mặt gã đàn ông vô giáo dục khinh nàng là nữ nhi. Gã kia trả miếng. Thế là hai người hăng máu trổ hết tài nghệ giữa Vũ trường, dưới ánh trăng sáng tỏ. Một lát sau gã kia bị “nhi nữ“ đá cho lăn nhào. Nàng đã trả được cái hận cho cha và cho cả năm môn đệ .
Tiếng cô Lộc từ đấy vang khắp cả cứ Bình Ðịnh . Một hôm, vào buổi trưa mùa hè, cha cô đi vắng . Gió mát, Lộc lim dim trong chiếc võng treo ngoài vườn giữa hai cây mít. Một người lính tập (lính khố xanh) từ ngoài cổng bước vào. Cô trông thấy lên tiếng hỏi:
- Chú là ai, đi đâu đó?
Người lính lạ, cười:
- Cô không biết tui sao, cô Hai? Tui là lính Tập của Nhà Nước, được phép về thăm nhà hai bửa, sẵn đi ngang qua đây ghé thăm cô Hai đó mà!
- Xin lổi chú lính Tập, cha tui đi vắng, chỉ có một mình tui ở nhà, không có ai tiếp chú.
- Thì cô tiếp tui không được sao?
- Tui là con gái không được phép tiếp người lạ.
Chú lính tập tiến đến gần võng, cười chớt nhã chọc htiếu nữ:
- Nghe thiên hạ đồn cô Hai võ giỏi lắm, đến coi cô giỏi cách nào! Tui xin phép cô Hai cho tui bóp vú cô một cái, hỉ?
Vừa nói chú lính vừa dùng võ thuật chụp vào ngực Lộc. liền bị Lộc đá một đá té nhào xuống đất. Hắn nằm trợn mắt dẫy dụa mấy cái rồi chết nghẻo luôn.
Cô Lộc bị tù, vì một ngón võ sái nhơn.
Tuấn ngôì trong xe bị dằn lên dằn xuống nhớ lại câu chuyện của Lộc do cô An kể lại cho chàng nghe một đêm trời không trăng Tuấn vừa học xong một ngón bí hiểm. Trong xe cũng có một thiếu nữ buôn bán ở chợ An Thái xin quá giang xuống Quy Nhơn mua hàng. Cô ngồi đối diện với Tuấn, Tuấn nghĩ thầm:
- Biết đâu cô gái đẹp này cũng là môn đệ của cô Lộc?
Chàng tủm tỉm cười một mình, nhớ chuyện người lính tập gặp giờ xui xẻo đã làm hỗn vơí bộ ngực hấp dẫn của nàng.
Cô gái đẹp hỏi Tuấn:
- Sao thầy ký cười em?
Tuấn sờ tay lên cằm…, nhoẻn một nụ cười hiền lành:
- Tôi cười người lính tập chứ không phải cười cô.
Cô gái dịu dàng đáp:
- Em không phải là chị Lộc.
Câu trả lời bí hiểm đó đủ cho Tuấn biết giai nhân không thẹn với uy danh gái An Thái .
Về Quy Nhơn, Tuấn vào trọ tạm nhà thầy Phạm Đào Nguyên. Kể chuyện bị sa thải cho Nguyên nghe, thầy ký hãng Descours et Cabaud cười:
- Ði học bị nhà trường đuổi, đi làm bị hãng đuổi. Tôi ráng sống lâu để coi đời anh ra sao!
Tuấn nằm suy nghĩ suốt đêm. Chàng muốn đi Hà nội, tiếp tục học thi Tú tài, nhưng không có tiền. Muốn vô Saigon để nhập vào đảng Nguyễn An Ninh, nhưng tiền cũng không có. Chàng thấy con đường tiến thủ bị nghẽn, mà máu nóng cứ sùng sục trong tim, chỉ muốn lồng lên như con ngựa hăng máu.
Ba hôm nằm nhà thầy Phạm Đào Nguyên đã không làm gì, lại buổi tối nghe Phạm Đào Nguyên nói nhỏ cho nghe: Ngoài Hà nội có một đảng tên là “Việt Nam Quốc Dân Ðảng“ đang hoạt động mạnh. Anh nên đi Hà nội.
Cũng đêm ấy, đi lang thang ngoài bờ sông, Tuấn gặp một thầy trợ giáo quen thân, tên là Phạm Cự Hải, người Quảng Nam.
Thầy Hải nhét vào Tuấn một tờ truyền đơn in bằng đông sương, ký tên “Ðông Dương Cộng Sản Ðảng“. Thầy hỏi Tuấn:
- Tuấn học lớp Nhì hay lớp Nhất ?
Tuấn không hiểu, ngơ ngác hỏi thầy Hải:
- Tôi sắp học thi tú tài, sao thầy hỏi lạ vậy?
Thầy Hải cười:
- Lớp Nhì là Cours Moyen. Lớp Nhất là cours superieur. Anh hiểu không?
- Không hiểu thầy muốn nói bóng cái gì?
- Cours Moyen viết tắt là C.M. là cách mạng. Cours Supérieur, viết tắt là C.S. là cộng sản.
Tuấn cười:
- Tôi là C.M.
Thầy trợ giáo Phạm Cự Hải cười :
- Anh học giỏi, anh thông minh, anh phải lên Cours Supérieur (C.S) chứ ! Một thanh niên như anh lẽ nào còn trình độ C.M.?
Tuấn ngây thơ đáp:
- Cộng sản hay Cách mạng cũng đều lo cho quốc gia độc lập và dân tộc tự do. Tôi không hiểu sao lại chia ra Cộng sản, Cách mạng Quốc gia, làm chi vậy?
Thâỳ trợ giáo Hải kéo Tuấn ra bãi biển ngồi. Thầy thuyết một hồi lâu về chủ nghĩa Cộng sản. Tuấn thấy rõ ý định của thầy muốn kéo Tuấn vào tỉnh bộ Cộng sản mà thầy đang muốn thành lập ở Quy Nhơn. Nhưng Tuấn lắc đầu:
- Tôi thích Cách mạng quốc gia hơn là cộng sản…
Tuy nhiên thầy trợ giáo Phạm Cự Hải và Tuấn từ giã nhau lúc 9 giờ tối trước nhà Dây thép Qui-nhơn với lời hứa hẹn sẽ gặp nhau nữa.
Mãi đến năm 1945 (18 năm sau), Tuấn mới gặp lại thầy trợ Hải. Trên đường vào Saigon ghé lại Nha Trang, cuối tháng 8/1945, giữa một thành phố rực rỡ cờ đỏ sao vàng. Tuấn được một người bạn cho biết danh sách Ủy ban Kháng Chiến Khánh Hòa mới thành lập ở Nha Trang. Chủ tịch Ủy Ban là Phạm Cự Hải.
Trụ sở Ủy ban đặt nơi tòa Công Sứ cũ của Tây. Tuấn đến xin gặp chủ tịch.
Phạm cự Hải rất niềm nỡ bắt tay Tuấn.
Sau vài ba câu chuyện hàn huyên, Phạm Cự Hải nhắc lại câu chuyện gặp gỡ trên bãi biển Quy Nhơn năm 1924 và cười hỏi:
- Nay chắc anh đã lên C.S.?
Tuấn điềm nhiên cười đáp:
- Không. Tôi vẫn trung thành với C.M.
Sau cuộc nói chuyện với thầy trợ Hải trên bãi biển Quy Nhơn, Tuấn tự cảm thấy rõ rệt không khí cách mạng đang bao trùm trí óc non nớt của Tuấn.
Ðêm ấy, Tuấn hỏi Phạm Đào Nguyên:
- Tôi muốn đi Huế, để yết kiến cụ Phan Bội Châu. Ðược không anh?
Nguyên sốt sắng trả lời:
- Ừ, đi thì đi… Nhưng rồi phải làm gì chớ đi chơi không vậy sao? Và nhớ: đi thăm cụ Phan coi chừng Mật Thám nhé!
- Ra Huế rồi sẽ liệu.
- Anh phải tiếp tục học nữa mới được. Hay là ra Huế xin vào trường Thầy Dòng?
- Trường Thầy Dòng là trường gì? Dạy đi thi gì?
- Trường Thầy Dòng ở Huế tức là trường Pellerin của một ông Cố đạo. Họ dạy thi Diplôme.
- À, phải rồi. Tụi thằng Quỳnh, thằng Tố, cũng bị đuổi ở Quy Nhơn, đều ra học ở Pellerin, Huế. Tôi muốn ra Huế theo tụi nó.
Nguyên cười hỏi:
- Tiền?
- Ra Huế, tôi sẽ viết thư về nhà xin tiền cha mẹ tôi.
- Thế sao không về thẳng tỉnh nhà, thăm hai bác rồi xin tiền luôn thể?
- Tôi sợ cha mẹ tôi đánh. Còn một năm nữa thi Diplôme mà bãi khóa bị đuổi, cha mẹ tôi tức giận lắm. Tôi đi làm thư ký hãng rượu An Thái, đã bị cha tôi viết thư vô rầy dữ. Mẹ tôi buồn rầu khóc lu bù.
- Thôi thì tôi giúp anh 200 đồng để anh đi Huế. Mà ra Huế phải đi học, chớ không được đi chơi nghe không? Chơi hết tiền, tôi không gởi mandat nữa đâu đấy, nghe không?
- Ừ.
Sáng hôm sau, Phạm Đào Nguyên dậy thật sớm, lúc 5 giờ, một mình đun nước pha hai ly cà phê sữa và nướng một chiếc bánh mì. Xong thầy gọi Tuấn dậy, ăn điểm tâm với Tuấn và lo sửa soạn đầy đủ cho Tuấn ra đi. Trong lúc Tuấn rửa mặt, nghe tiếng gà hàng xóm gáy giữa im lặng của thành phố còn say ngủ, Tuấn lo ngại cuộc hành trình sắp khởi diễn, không biết số kiếp mình sẽ phiêu bạt đến đây? Tiếng gà gáy như tiếng kèn của định mệnh, chàng ra đi tranh đấu với đời, đơn độc, bơ vơ, sức trai trẻ còn non yếu, chàng sẽ thắng những thử thách nguy nan, hay sẽ qụy giữa đường?
Tiếng Phạm Đào Nguyên gọi :
- Mau lên, anh Tuấn, sắp tới giờ xe chạy rôì .
Tuấn vẫn để đầu trọc mặc lẹ bộ đồ Tây nội hóa, xỏ đôi giày Tây rẻ tiền, rồi xách chiếc va li đan bằng tre chỉ cài với một then ngang, không có ổ khóa.
Phạm Đào Nguyên đứng nhìn bộ tịch nửa quê nửa thành thị của Tuấn, và nhoẻn một nụ cười:
- Xong chưa? Ði!… Cả tương lai của anh bắt đầu từ giờ phút này… Sáng nay tôi tiễn anh ra bến xe mà không biết anh sẽ đi về đâu? Nhưng tôi tin anh là người có chí, tôi chúc anh kiên nhẫn, còn thành bại sau này là chuyện của trời!
Tuấn làm thinh vì không biết nói gì. Tim chàng đập mạnh khi đến bến xe. Trước khi bước lên xe, chàng bịn rịn xiết chặt tay bạn và lẩm bẩm một câu mà chắc Nguyên không nghe rõ:
- Cảm ơn anh Phạm Ðào Nguyên… Cảm ơn anh nhiều lắm.
Xe rồ máy đã lâu bắt đầu chạy chậm chậm để quẹo ra đường lớn. Thầy Phạm Đào Nguyên còn đứng nhìn theo, vẫy tay từ biệt, Tuấn gục đầu xuống thành xe, lặng lẽ khóc.
Xe ra khỏi thành phố, Tuấn lại nghe tiếng gà gáy trổi dậy sau dãy nhà tranh lụp xụp bên chân núi.
Từ Qui Nhơn ra Tourane (Ðà Nẵng) đường thuộc địa số 1 (Route Coloniale No. 1) hãy còn gồ ghề, chưa tráng nhựa, phải xuống xe ba lần để qua đò: bến Bồng Sơn tại Phủ Bồng Sơn, Bình Ðịnh, bến Trà Khúc, cách tỉnh lỵ Quảng Nam 1 cây số, và Bến Ván, phủ Tam Kỳ, Quảng Nam.
Vì chiếc xà lan (chaland) nhỏ và hẹp, nên phải để cho xe qua trước, hành khách chờ đi chuyến sau. Cũng may là thời bấy giờ ít có xe chạy, nên hành khách khỏi phải đợi lâu. Nhưng đứng trên bờ nhìn chiếc xe nặng trĩu đậu trong chiếc xà lan nghiêng qua nghiêng lại trên dòng sông rộng, hành khách cứ lo ngại… Nó chồng chềnh quá, lỡ nó đổ hoặc chìmxuống sông thì mất hết cả hành lý của mình chất trên mui xe.
Hành khách sang bên kia sông lên bờ gặp một bác Lính Khố Xanh tay cầm cây roi mây, đứng chận lại hỏi: ”thẻ thuế thân“. Mỗi người đàn ông An nam thời bấy giờ 18 tuổi trở lên đều phải có luôn luôn trong mình hai cái bùa hộ mệnh: thẻ căn cước và thẻ thuế thân. Thẻ sau này là một biên lai bằng bìa màu ghi số tiền mình phải nộp “thuế bổn thân“ trong năm. Mỗi năm có một thẻ thuế thân, thay cho thẻ năm trước, có đóng con triện bằng mực đen và chữ ký của Lý trưởng trong làng. Ða số những ông xã chưa học quốc ngữ, đều ký tên bằng chữ Hán, Tuấn mơí có 17 tuổi, chưa có thẻ thuế thân nhưng căn cước phải có.
Tuấn thấy có một ông hành khách đang năn nỉ bác Lính Tập một cách khúm núm rất lễ phép. Tò mò, Tuấn đến gần xem, ông hành khách đã rủi ro bỏ mất thẻ thuế thân, nên bị bác Lính Tập đòi bắt giam trong đồn. Nhưng ông hành khách móc túi lấy một đồng bạc cầm hai tay khúm núm “kỉnh“ bác Lính, để xin bác rộng lượng tha tội cho. Bác Lính Tập bỏ đồng bạc trong túi áo, rồi đòi thêm một đồng nữa. Người hành khách cũng phải chịu thì bác Lính Tập mới tha cho đi.
Từ Quy Nhơn ra Tourane phải đi xe hơi mất 2 ngày. Ngủ lại ở Quảng Ngãi một đêm. Lần đầu tiên chàng trai 17 tuổi được đi xa 2 ngày đêm liên tiếp như thế. Tuấn cố thu vào trong con người tất cả những phong cảnh, nhân vật, mà chàng trông thấy dọc đường. Nhưng đêm ở Quảng Ngãi, Tuấn không dám đi dạo phố, sợ gặp những người quen, và nhất là sợ gặp Ông Thân Sinh của chàng. Tuấn có mặc cảm của một đứa học trò bị đuổi, mắc cỡ không dám gặp lại những bạn bè cũ hoặc những người quen thuộc ở tỉnh. Tuấn có cảm tưởng chuyến đi Huế lần đầu tiên này là một cuộc lẫn trốn lén lút như người mạo hiểm trong một cuộc hành trình bí mật.
Ðêm ấy, nằm trong phòng ngủ của khách sạn Công ty do hãng xe đò dành riêng cho hành khách đi xe của hãng, Tuấn lắng tai nghe trong phòng kế cận tiếng khóc ấm ức rất là thê thảm của một người đàn ông. Tuấn nôn nao cảm động, muốn biết người hành khách đó là ai vậy, và tại sao họ khóc liên miên như vậy, không lúc nào ngớt? Tuấn lóp ngóp bò dậy, khẽ bước chân không ra đứng nơi cửa buồng của chàng. Tuấn lắng tai nhưng không nghe được gì cả, ngoài tiếng khóc thút thít, lúc nức nở, lúc rên rỉ, như kẻ đau khổ đang bị một tai nạn gì bi ai thảm thiết lắm. Một lúc lâu Tuấn thấy cửa phòng mở, và một người đàn ông chạc 35, 40 tuổi từ trong bước ra. Tuấn để ý đến đôi mắt của ông tràn đầy những ngấn lệ.
Ông mặc đồ Tây, không biết từ đâu đến, nhưng có lẽ xuống xe lúc 6 giờ chiều. Bây giờ đã 10 giờ khuya ông vẫn chưa thay đồ ngủ. Ông đi ra sân sau một lúc trở vào, Tuấn đánh bạo hỏi:
- Thưa ông, sao ông khóc dữ vậy? Ông có điều chi đau khổ lắm phải không?
Người hành khách lạ lại òa lên khóc, vừa ấm ức trả lời:
- Tôi làm instituteur (Trợ Giáo Trung Tiểu Học) ở Tourane, hôm qua được dây thép của Mẫu thân tôi ở Nha Trang… báo tin… ông Thân tôi chết tại quê nhà… Tôi buồn lắm cậu à… Tôi thương Song Thân tôi lắm… Tôi mất ông Thân tôi… tức là tôi mất tất cả… (ông lại khóc lớn).
- Thưa thầy, Bác năm nay bao nhiêu tuổi?
- Ông thân tôi... thọ 78 tuổi…
- Thưa thầy, Bác đau bệnh gì?
- Thân phụ tôi… khỏe mạnh, ổng chết vì bịnh già…
Bây giờ tôi về… để tang… và lo an táng… Thân phụ tôi.
Thâý Tuấn cũng rưng rưng nước mắt, và gương mặt ngây thơ, ông hỏi:
- Cậu ở đâu?
- Thưa thầy, tôi là cựu học sinh Collège Quy Nhơn.
- Cậu đi đâu đây?
- Tôi đi Huế, tiếp tục học thi Diplôme.
- Cậu tên gì?
- Dạ, Tuấn.
- Cậu còn song thân không?
- Dạ, thưa thầy còn.
- Cậu có phước quá cậu phải thương yêu song thân như trong sách luân lý đã dạy… Mình là con trai được cha mẹ sinh ra nuôi dưỡng cho khôn lớn, phải có hiếu với cha mẹ, phải kính cha mẹ, thương cha mẹ… cha mẹ mình mất tức là mình mất tất cả…
Vừa nói vừa khóc… thầy trợ giáo lại khóc òa lên khiến Tuấn bùi ngùi không cầm được giọt lệ.
Có lẽ tại vì biết Tuấn là học trò collège (trung học), nên tự nhiên thày trợ giáo sẵn dịp thuyết cho Tuấn một bài học luân lý gia đình bằng tiếng Pháp:
- Souvenez-vous que vous avez rencontré un soir un instituteur qui pleurait la mort de son père… Vous voyez. Je ne suis plus jeune comme vous, mais devant le deuil cruel qui me frappe, je pleure comme un enfant…Parce que je suis toujours l’enfant de mon père…un père que j’aime, que j’adore, que je chéris le plus au monde…
(Cậu nên nhớ rằng một đêm cậu có gặp một thầy trợ giáo đang khóc vì cha chết. Cậu thấy không, tôi đâu còn trẻ như cậu, nhưng trước cái tang tàn bạo đang dày vò tôi, tôi vẫn là đứa con của thân phụ tôi, một đấng từ phụ mà tôi yêu tôi cưng, mà tôi qúi hơn hết trên đời).
Nói xong thầy trợ giáo đủng đỉnh bước vào phòng của thầy. Tuấn nhìn theo cái băng tang bằng crêpe đen, dày và to mà thầy đeo trên cánh tay phải…
Là một thanh niên của thế hệ 1927 sống trong một xã hội còn thấm nhuần đạo Khổng, Tuấn rất khâm phục thầy giáo, tự nguyện rằng mình sẽ là một đứa con có hiếu như thầy và sẽ nhớ mãi những lời thầy khuyên bảo về đạo làm con. Cả đêm Tuấn không ngủ được cứ nghe tiếng thầy trợ giáo ở phòng kế cận thút thít khóc cha và Tuấn cứ lập đi lập lại nhiều lần mấy câu tiếng Pháp của thầy: ”Souvenez-vous que vous avez rencontré un soir un instituteur qui pleurait la mort de son père…”
Tuấn nhớ lại có lần Tuấn trông thấy dán trên vách tường nhà một người bạn có theo đạo Thiên Chúa một bức ảnh màu của bà Maria ngước lên Trơì đôi mắt đẩm lệ, và ở dưới bức ảnh có chứa một câu in nét đậm: ”Souviens-toi que ta Mère a pleuré“ (con hãy nhớ rằng Mẹ con đã khóc)
Nào là của đạo Khổng, nào là của đạo Phật, đạo Thiên Chúa, những câu danh ngôn về đạo đức, luân lý, đầy những nước mắt đã thâm nhập vào tâm hồn còn ngây thơ của Tuấn, ngay lúc Tuấn đang còn chập chững phiêu lưu vào trường đời.
Sau này, cuộc đời của Tuấn sẽ thay đổi rất nhiều, xã hội Việt Nam cũng không còn phong độ thanh cao khương kiện nữa, nhưng Tuấn vẫn không quên câu chuyện của thầy trợ giáo khóc cha, và mấy lời thầy chỉ bảo cho chàng bằng tiếng Pháp ở một quán trọ trên bước đường phiêu lãng.
CHƯƠNG 37
1927
- Nhà tranh ba gian của cụ Phan Bội Châu ở Huế.
- Cụ Huỳnh Thúc Kháng và Báo Tiếng Dân.
- Phong trào "Nam Nữ bình quyền" của Bà Ðạm Phương ở Huế, và Nữ Sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa ở Tourane.
Lần đầu tiên đến Tourane, Tuấn trông thấy một nhà ga và một đoàn xe lửa. Trước mặt cậu học sinh 17 tuổi, thật là một vật đồ sộ và phi thường. Ðứng ngoài một hàng rào xi măng ngăn cách đưòng phố với đường rầy xe lửa. Tuấn nhìn trân trân những chiếc va-gông nối dài gần một trăm thước, đậu trên đường rầy với chiếc đầu máy ghê gớm với hai con mắt lớn bằng kiếng, vàng khè, và một ống khói đen ngòm, to và thấp, đang phùn phụt nhả khói.
Tuấn sung sướng nghĩ rằng sáng sớm ngày mai, Tuấn sẽ được đi trên đoàn xe lửa này, ra đến Huế. Cũng như đếm trước, đêm nay Tuấn không ngủ được, chỉ mơ tưởng đến chuyến tàu hỏa đi Huế, hoặc nhớ lại câu tiếng Pháp của thầy Trợ giáo khóc cha.
Sáng sớm hôm sau, mua vé tàu hỏa xong. Tuấn bắt chước mấy người hành khách cất kỹ tấm vé trong túi áo Tây và lấy một cái kim băng ghim túi áo lại, sợ lỡ rớt tấm vé đến khi ông Tây soát vé không có, sẽ bị ở tù.
Tuấn theo sau mấy ông hành khách, xách chiếc va li tre ra bến xe lửa. Nhưng Tuấn chưa muốn bước lên toa tàu trước khi đứng ngoài xem cho tường tận các chiếc va-gông. Tuấn đang đứng ngó đầu máy, thì một bác lính khố xanh bước đến bảo Tuấn:
- Trò đứng gần, điện nó hút cậu vô máy, chết cha!
Tuấn vội vàng đứng ra xa. Sự thực, lần đầu tiên trông thấy tàu lửa, Tuấn cũng hơi sờ sợ. Tuy ở trường đã học về Vật Lý, và đã hiểu qua loa về nguyên tắc máy chuyển động nhờ hơi nước, nhưng Khoa học là một chuyện, còn tâm lý của trẻ con sợ sệt trước một vật to tướng phi thường, máy móc chằng chịt, gớm ghê, lại là một chuyện khác .
Ðứng bên đoàn tàu dài 200 thước, với đầu máy kếch xù đang phun khói, Tuấn cảm thấy mình bé quá, thấp quá, tầm thường quá. Ði dọc theo đoàn tàu để xem qua một lượt, Tuấn để ý trên toa hạng nhất và hạng nhì chỉ toàn là ông Tây bà Ðầm, và cả trẻ con Tây . Không có một người An nam mít nào ở hai toa này. Toa hạng ba, cũng có vài ông Tây và các ông An nam sang trọng giàu có .Tuấn đứng xem có ông Tây Thương Chính ôm cặp bước vào hạng ba. Một ông quan An nam đeo bài ngà “Tri Huyện“ tòn ten trước ngực, đang ngồi chễm chệ trên chiếc ghế dài bọc da, vội vàng đứng dậy chấp hai tay:
- Chào Quan Lớn.
Ông Tây Thương Chính gật đầu rôì đi thẳng qua toa hạng nhì. Người lính hầu của Quan Huyện đang đứng chực ở cửa toa thứ tư. Quan Huyện khệ nệ bước ra, hỏi bằng giọng Huế:
- Thằng Ba mô rồi?
Người lính kính cẩn đáp:
- Dạ, bẩm quan lớn…
- Ðem bình điếu thuốc trà cho tao hút, mi!
- Dạ.
Người lính lệ (lính hầu các quan), rất lanh lẹ bưng bình điếu sang toa hạng ba, cúi xuống nhét cục thuốc lào vào miệng điếu rồi đánh một que diêm châm lửa cho quan huyện hút. Xong người lính lệ lại bưng cái điếu xuống đứng chỗ cửa hạng tư.
Tuấn xách va-li tre bước lên toa hạng tư. Vì cửa chật và đồ hành lý của hành khách chồng chất ngay đấy Tuấn phải nhảy qua đống hành lý, vô tình để chiếc va li đụng phải chưn chú lính lệ.
Chú này trợn mắt mắng Tuấn:
- Trò này không coi trước coi sau gì hết.
- Tại chỗ cửa chật quá, chớ phải tại tôi đâu.
- Chật cậu cũng phải tránh tôi chứ.
- Thôi mà lỡ một chút, cứ kiếm chuyện hoài.
Người lính tập nổi giận quát Tuấn:
- Mày không biết tao là ai à?
Tuấn không cãi lẫy lôi thôi, làm thinh bước qua đống hành lý để kiếm chỗ ngồi.
Ðối với chàng trai Việt Nam năm 1927, Huế là một thần tượng bao trùm bao nhiêu huyền bí, thiêng liêng… Những danh từ “Ðất Thần Kinh“, “Ðế Ðô“, “Kinh Ðô“, v.v… có một sức hấp dẫn phi thường làm xúc động mãnh liệt trí tưởng tượng của những kẻ ở tỉnh và ở thôn quê.
Ai được đi Huế một lần, được dịp viếng đất Thần Kinh, được trông thấy Ðế Ðô, là một hãnh diện lớn lao vô cùng. Những kẻ chưa được thấy Huế, hằng mơ tưởng đấy là kinh thành, là nơi Vua ở, những cung điện nguy nga, những lâu đài tráng lệ, những nàng Công Chúa đẹp như tiên đi thướt tha trong vườn Thượng Uyển… Xem trong sách diễn tả, hoặc nghe người ta nói rất nhiều về những thắng cảnh của Ðế Ðô: cầu Trường Tiền, cầu Bạch Hổ, cửa Thượng Tứ, chợ Ðông Ba, hồ Tỉnh Tâm, cửa Gia Hội, dòng Hương giang, núi Ngự Bình… Ồ, toàn là những phong cảnh trí thơ mộng làm sao! Lại thêm vào đấy những tên lâu đài rất… lịch sự: Ðiện Cần Chánh, điện Văn Minh, Tam Toà, Lục Bộ... tòa Khâm Sứ, đồn Mang Cá, đền Nam Giao, chùa Thiên Mụ, chùa Diệu Ðế, và lăng tẩm các Vua… cung điện của ông Hoàng bà Chúa.
Tóm lại, Huế, nơi Ðế Ðô, thiêng liêng, oai vệ, không giống một nơi nào phàm tục trong xứ, và cuộc sống của người Huế, những người ưu tiên được ở đất Thần Kinh không giống như các tỉnh Trung Nam, Bắc, Saigon, Hà nội có rộng lớn, xinh đẹp bao nhiêu đi nữa cũng chỉ là những đô thị thường dân, duy chỉ có Huế là Kinh Ðô của các vị Hoàng đế.
Nhưng chàng trai 17 tuổi lần đầu tiên được đi hỏa xa sung sướng được sắp sửa đặt chân lên đất Ðế Ðô, và tha hồ được ngắm những cảnh thần tiên thơ mộng của núi Ngự sông Hương.
Ngồi trên xe lửa Tuấn tưởng tượng đến Huế ẽ được xem sông Hương nên thơ như thế nào, núi Ngự oai linh như thế nào và cả đất thần kinh của Vua Chúa có sắc thái đặc biệt như thế nào.
Và nhất là Huế lại có túp nhà tranh của cụ Phan Bội Châu ở Bến Ngự.
Nghĩ đến tất cả những kỳ thú trên Tuấn thấy rạo rực trong lòng. Trái tim của Tuấn đập rộn rịp như tiếng xe lửa chạy rầm rộ trên đường rầy. Tuấn nóng lòng chờ đến Huế, mà xem chừng như chuyến xe lửa cũng cố chạy vùn vụt cho mau đến Huế.
Ðoàn xe đến ga lúc 8 giờ tối. Chữ Huế nét đậm và to lớn, ghi bằng mực đen trên mặt tiền nhà ga.
Tuấn xách chiếc va li tre của chàng theo sau những hành khách xuống Huế. Chàng để ý thấy hầu hết những hành khách đều có người nhà hoặc bạn hữu chờ nơi sân ga và rộn rịp vui mừng, kẻ đón người đưa. Tuấn đi thui thủi một mình tìm nhà trọ của một người bạn ở xóm ga, theo địa chỉ đã có.
Tuấn để ý thấy trên đường Jules Ferry từ trước sân ga đa số người đàn ông ớn tuổi đều mặc đồ An nam aó dài đen quần trắng, đầu bit khăn hay đội mũ, chân mang giày Hạ, hay đi guốc. Phần đông bạn trẻ mặc đồ Tây. Tuấn cũng mặc âu phục may bằng vải nội hóa Quảng Nam, nhưng hình như không mấy ai để ý. Hơn nữa, Tuấn vui mừng nhận thấy những chàng thanh niên Huế trông dáng điệu có vẻ học sinh như Tuấn, cũng mặc đồ Tây bằng vải nội hóa. Tuấn vừa đi vừa nghĩ rằng: thì ra phong trào mặc âu phục bằng vải nội hóa quả thật đã lan tràn khắp cả học đường, ở Huế cũng như ở Qui Nhơn . Ðó là một nhận xét đầu tiên lúc Tuấn bước chân trên đường phố kinh đô.
Tuấn ở trọ nhà Quỳnh bạn học cũ ở Quy Nhơn, người cùng Tuấn đã gây ra cuộc bãi khóa ở Quy Nhơn một năm trước, và cũng bị đuổi như Tuấn. Quỳnh bây giờ học lớp Ðệ Tứ Niên tư thục Pellerin của các vị Cố Ðạo Huế. Quỳnh vẫn mặc bộ đồ tây may ở Quy Nhơn.
Bây giờ sáng hôm sau, nhân ngày chủ nhật, Tuấn nhờ Quỳnh đưa Tuấn đến thăm cụ Phan Bội Châu, Quỳnh bảo:
- Nhà cụ Phan ở Bến Ngự gần đây. Hai đứa mình đến thăm cụ thế nào cũng có mật thám theo dõi, rình mò. Mầy dám đến không?
Tuấn hỏi:
- Vậy chớ tụi mầy ở Huế thường ngày không đến thăm cụ sao?
- Thỉnh thoảng mới đến mà tụi tao phải rủ nhau đi một lượt bốn năm đứa để cho lính mã tà và bọn điềm chỉ ít nghi ngờ. Mầy muốn tao rủ thêm vài ba thằng bạn nữa đi với tụi mình cho vui không?
- Thôi không cần, hai đứa mình đi đến thăm cụ, chớ có làm gì mà sợ.
Ði một đoạn đường ngắn lên một dốc khá cao, đường đất đỏ nhiều bụi chưa tráng nhựa - Quỳnh chỉ một nép nhà ở ngay cuối đường :
- Nhà cụ Phan đấy.
Tuấn trông thấy trước hết một chiếc cổng sơ sài bằng hai trụ gỗ, trên đóng ngang một tấm bảng để một dòng chữ đen:
Nhà đọc sách Phan Bội Châu.
Chiếc cổng dựng ngay giữa một hàng rào cây, và luôn luôn mở rộng. Không do dự, Quỳnh và Tuấn bước vào, đi rón rén, giữ lễ phép, qua một sân hẹp rồi bước lên thềm nhà tô xi măng. Nhà có ba gian rộng rãi, để trống. Tuấn hồi hộp tưởng sắp sửa được trông thấy cụ Phan. Nhưng cảnh nhà thanh vắng, không một tiếng động. Tuấn và Quỳnh đứng yên trên thềm, đợi xem có ai ra thì xin yết kiến Cụ.
Một lát, một em bé học trò độ 7 tuổi, đầu cạo trọc chừa một chỏm tóc ở giữa, từ ngoài chạy vào, nét mặt ngây thơ, nói với hai cậu học trò, bằng giọng Nghệ An:
- Cụ bán gạo ở ngoài nớ.
Bé chỉ một gian hàng gạo rất sơ sài ở góc sân, một cái chòi thì đúng hơn, lợp bằng tranh. Một cụ già mặc áo dài màu nâu, đang đứng bán vài lon gạo cho các chị nhà nghèo. Em bé chạy ra thưa với cụ một vài lời gì đó. Cụ cười giao thúng cho bé trông nom, và chống ba toong đi thủng thỉnh vào nhà. Tim Tuấn đập mạnh. Tuấn được chiêm ngưỡng lần đầu tiên nhà Chí sĩ Phan Bội Châu, với một chòm râu phong phú, mắt đeo kính trắng, vòm trán cao vút tận đỉnh đầu. Cụ bước đi thư thả, tay mặt chóng ba toon - cây ba toong của toàn quyền Varenne tặng cụ - tay trái hơi cong, bàn tay lấp dưới tà áo nâu dài.
Cụ mặc quần trắng bằng vải nội hóa, mang đôi dép da. Trông cụ không khác nào một vị Tiên lão da mặt hồng hào, đang bước thung dung ở dưới bóng cây. Cụ bước lên thềm ngó hai cậu học trò. Tuấn và Quỳnh chấp hai tay trước ngực, cúi đầu chào cung kính. Cụ cười rất tự nhiên, rất hiền lành, đưa tay chỉ gian nhà giữa:
- Mời hai cậu vào.
Tuấn và Quỳnh đợi cụ Phan vào trước, và theo sau cụ. Sau khi mời ngồi, cụ hỏi:
- Hai cậu học ở trường Quốc Học?
Tuấn đáp:
- Dạ thưa Cụ, con ở xa mới tới Huế lần đầu tiên, đến hầu thăm Cụ. Thấy Cụ được khỏe mạnh con rất mừng.
Cụ hỏi Quỳnh:
- Còn cậu nì?
- Thưa cụ, con học trường Pellerin.
Cụ còn hỏi han nhiều câu về việc học và gia đình của hai cậu học trò, rồi cụ nghiêm trang dạy bảo nhiều lời giáo huấn, về lòng yêu nước yêu dân. Cụ gọi người nhà lấy ra hai quyển sách mỏng do cụ soạn, nhan đề Nam Quốc Dân tu tri và Nữ Quốc Dân tu tri. Cụ trao cho hai đứa hai quyển và bảo:
- Các anh chị Nam Nữ Quốc Dân nên xem hai quyển sách nhỏ này để trở thành người Quốc Gia.
Sau một lúc nói chuyện lâu trên một tiếng đồng hồ, cụ thấy ngoài chòi gạo của cụ có đông đồng bào lao động đến mua gạo, cụ xin lỗi đứng dậy:
- Hai cậu ở đây chơi, một lát tôi vào. Tôi ra bán gạo, kẻo bà con cô bác chờ lâu .
Cụ Phan Bội Châu chống ba toong đi ra sân, Tuấn và Quỳnh thừa dịp, đi xem qua ba gian nhà của cụ. Một em bé hướng dẫn, bảo:
- Ba gian nhà là tượng trưng Nam Trung Bắc, cùng nhau như anh em một nhà .
Gian bên trái là phòng tắm của cụ, gian bên phải gọi là “phòng đọc sách“, Tuấn để ý rất kỹ hai bức tranh bằng mực đen do một bạn Nam học sinh trường Quốc học vẽ một chậu nước trong đó có bơi vài con cá. Dưới tranh, đề “Cá chậu“. Một bức tranh khác do một chị nữ sinh Ðồng Khánh vẽ, đề là “Chim lồng“.
Ra ngoài sân, nơi góc bên phải, Tuấn thấy một ngôi miếu nho nhỏ, thờ một Nữ đồng chí của cụ.
Kinh thành Huế chia ra ba khu nhà rõ rệt. Bên tả ngạn sông Hương là Thành Nội, với các Cung Ðiện nhà Vua, với Tam Tòa, Lục Bộ, tất cả ở phía trong mấy lớp thành cao. Ngoài thành là các phố buôn bán và chợ Ðông Ba. Bên kia cầu Gia Hội phần nhiều là dinh thự và nhà cửa của các quan.
Bên hữu ngạn sông Hương, nối bằng một chiếc cầu sắt khá rông tên là cầu Trường Tiền là khu Bảo Hộ Pháp với tòa Khâm Sứ và các cơ quan hành chánh của Pháp.
Ngôi nhà tranh của cụ Phan Bội Châu, ở xóm Bến Ngự, ngoài châu thành, nơi đây phần đông các nhà đều vào hạng trung lưu và bình dân. Nhà cụ Phan Bội Châu có thể gọi là tượng trưng cho tinh thần anh dũng của dân tộc, cho truyền thống bất khuất của nhân dân Việt Nam, mặc dù bị kềm hãm trong hoàn cảnh “cá chậu, chim lồng“.
Nhà cụ lợp bằng tranh, ở giữa một xóm nhà tranh, và cao ráo khoáng đãng, tiền của đồng bào toàn quốc khắp ba kỳ, tự động đóng góp, chứng tỏ lòng nhiệt thành chiêm ngưỡng của đồng bào sùng bái cụ.
Có điều rất lạ, là không có một tờ báo nào ở Hà Nội, Huế, Saigon hô hào lạc quyên công khai, mà chỉ có truyền miệng với nhau người này bảo người kia, thế mà mọi người đều tự thấy có bổn phận gần như thiêng liêng, phải đóng góp một chút tiền với đồng bào, để gửi đi Huế tặng nhà Chiến sĩ cách mạng đã hy sinh tất cả vì Dân vì Nước.
Các nhà ái quốc ở Huế thu góp các số tiền ấy, để cất lên cho Cụ một ngôi nhà ba gian, sắm cho Cụ một chiếc thuyền nan để cụ có nơi nghỉ mát trên sông Hương và một số vốn, để cụ uống rượu, ngâm thơ, vừa cùng một chú tiểu đồng đi Thuận An buôn gạo về bán.
Cụ sống cuộc đời thanh bạch và nhàn hạ, chỉ giao du với các bạn đồng chí già, và cũng rất mến bạn trẻ, lao động, trí thức, sinh viên, học sinh ở Huế và khắp Bắc Trung Nam. Mọi người đều tôn sùng Cụ như một thần tượng chói lọi uy danh. Ba tiếng “Phan Bội Châu“ và cả ba tiếng biệt hiệu Phan Sào Nam, gợi lên trong trí óc thanh niên hình dáng rất đáng tôn kính của một cụ già có vòm trán cao, đôi mắt sáng ngời, chòm râu tiên lão, gần như một vị thần sống của Lịch Sử Việt Nam ở đương kim thời đại.
Thế hệ thanh niên của Tuấn rất hãnh diện được một vị thần sống như thế để sùng bái, để thờ. Cho nên những bạn bè của Tuấn và Tuấn đều triệt để tuân theo những lời giáo huấn của cụ, say mê đọc các thi văn của cụ, coi những bài những sách của cụ viết ra như những lời châu ngọc .
Ðến Huế ngày đầu tiên, Tuấn đến thăm cụ Phan Bội Châu, và sau khi đã được chiêm ngưỡng dung nhan của cụ, được vinh dự hầu chuyện trên ba tiếng đồng hồ với cụ, được cụ hỏi han khuyên bảo, Tuấn được hoàn toàn thỏa mãn .
Suốt mấy ngày đi thăm các thắng cảnh ở Huế, Tuấn vẫn không rời khỏi hình ảnh cao siêu lẫm liệt của cụ Phan Bội Châu . Sông Hương núi Ngự, cầu Bạch Hổ hồ Tỉnh Tâm, điện Hòn Chén, các lăng tẩm của các vị Hoàng đế quá cố đều chỉ là những cảnh đẹp nên thơ, tuy là hùng tráng, vĩ đại như không thể nào thanh cao tráng lệ bằng túp lều ba gian của cụ Phan ở Bến Ngự .
Tuấn muốn trở lại nhiều lần để được hầu chuyện cụ Phan, nhưng Quỳnh và Tố bảo:
- Mầy đến đây thường sẽ bị bọn Mật thám và lính mã tà để ý theo dõi có ngày ở tù đấy.
Tuấn ngại không dám đến nữa, nhưng mỗi buổi chiều mát thường rủ vài ba đứa lên Bến Ngự, đi ngang qua trước cổng nhà cụ để nhìn vào.
Nhớ hôm đầu tiên đến viếng cụ, cụ bảo:
- Người Tây không mở nhiều trường để dạy dỗ con dân nước Nam cho nên quốc dân còn thất học nhiều quá. Như thế bảo nước ta tiến bộ văn minh sao cho kịp với các quốc gia trên thế giới?
Do ý kiến ấy, về nhà trọ, tối Tuấn thử viết một bài luận thuyết nha đề là: ”Ở Trung Kỳ, nên cưỡng bách giáo dục“. Trong bài Tuấn đòi hỏi người Pháp bảo hộ phải mở rộng nền giáo dục cho toàn thể quốc dân, cho tất cả mọi người An nam đều phải được đi học . Tuấn đổi một chữ trong câu của chính trị gia Pháp: "Après le pain, l’instruction est le premier besoin de people“ mà viết lại: ”Sau cơm áo, giáo dục là nhu cầu thứ nhất của dân“. Viết rồi sửa đi sửa lại bốn tiếng đồng hồ mới xong. Tuấn đưa cho mấy đứa bạn ở cùng nhà trọ xem. Ðứa nào cũng khuyến khích Tuấn, và bảo Tuấn chép lại sạch sẽ để sáng hôm sau đem đến toà báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng, thử coi có được đăng không.
Sáng hôm sau, Tuấn đi với bốn thằng bạn đến toà báo Tiếng Dân, ở đường Ðông Ba. Trước khi đến đây, Tuấn tưởng tượng tòa báo đồ sộ, oai nghiêm, có lính gác, có kẻ chầu người chực, cũng như Toà Sứ, Tòa Án vậy.
Nhưng khi đến nơi, Tuấn ngạc nhiên, vì là lần đầu tiên Tuấn mới thấy một “Tòa Báo“.
Tòa báo Tiếng Dân là một căn phố chật giống như các căn phố cùng một giãy ở trên lề đường Ðông Ba, ngó xuống sông Ðông Ba, một con sông đào, chi nhánh của sông Hương.
Ðây là một căn phố hai từng trên gác có một cửa sổ mở rộng, từng dưới có một cửa lớn, chật hẹp, phía trên có treo một tấm bảng kẽ chữ in:
TIẾNG DÂN
Hai bên có hai chữ nho: Dân Thanh (nghĩa là TIẾNG DÂN)
Và một dòng ở trên “Huỳnh Thúc Kháng Công Ty“
Tuấn sợ, không dám vào. Nhưng mấy đứa bạn cũng chẳng đứa nào dám vào. Năm đứa đi lại trước cửa Toà báo vài ba lần, thằng này xúi thằng kia, rồi cùng cả năm đứa đều vào. Tưởng là gặp ngay cụ Huỳnh Thúc Kháng, chủ nhiệm kiêm chủ bút, nhưng năm cậu học trò thấy một ông mặc y phục An nam, áo dài đen, còn trẻ. Trên tường có tấm bảng đề: Ty Quản Lý. Năm trò không hiểu ty Quản Lý là gì, nhưng Quỳnh cầm bài của Tuấn, đưa bản thảo cho ông ngồi ở đấy. Ông kia lấy xem qua rồi hỏi:
- Bài của cậu muốn gởi đăng báo phải không à?
Quỳnh chỉ vào mặt Tuấn:
- Dạ, thưa ông, bài của anh này viết, chớ không phải của tôi .
Ông quản lý gật đầu:
- Ðược, để tôi đưa lên gác cho cụ Huỳnh coi, nếu cụ bảo đăng được thì mới đăng, còn không thì bỏ. Các cậu không được đòi lại bản thảo nghe.
- Dạ.
Quỳnh lanh lợi nhất trong đám, chấp hai tay chào:
- Xin chào ông.
Mấy đứa khác cũng bắt chước chào ông “quản lý“ như thế rồi kéo nhau ra. Tuấn chào cuối cùng và lo chạy ra trước.
Ði đường năm cậu học trò bàn tán, không biết cụ Huỳnh Thúc Kháng sẽ cho đăng bài đó hay là cụ bỏ vào sọt rác? Tuấn hồi hộp suốt ngày đó, ăn không được, và cũng không làm được gì cả. Ði đâu, ngồi đâu, nằm đâu, Tuấn cũng suy nghĩ vẩn vơ, nửa lo sợ, nửa hy vọng. Lo sợ là nếu bài đó sẽ bị cụ Huỳnh bỏ vào sọt rác, thì Tuấn sẽ mắc cỡ với mấy đứa bạn, hai là nếu đăng được thì sợ mật thám tây sẽ theo dõi.
Tuấn viết hơi hăng, công kích người Pháp ở Annam bắt dân nộp thuế mà không chịu mở nhiều trường học để mở mang giáo dục cho dân. Nhưng hy vọng rằng cụ Huỳnh coi bài đó, nếu có câu nào viết hăng quá, cụ sẽ bỏ đi… Ồ, nếu bài của Tuấn được đăng nhỉ! Ðó sẽ là bài đầu tiên của Tuấn được hân hạnh đăng trên mặt báo mà lại là báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng. Có lẻ hay lắm thì được đăng trong mục “Ðộc Giả Diễn Ðàn“ là cùng. Tuấn tưởng tượng nếu được đăng thì người bạn đã giúp Tuấn ở Quy Nhơn, là anh Phạm Đào Nguyên sẽ được đọc và sẽ viết thư khen Tuấn. Và mấy người ở tỉnh nhà cũng sẽ đọc bài đó, thật là một vinh dự lớn lao vô cùng đối với cậu học sinh 17 tuổi lần đầu tiên tập viết báo.
Mấy đêm liên tiếp hồi hộp không ngủ.
Nhất là đêm thứ năm sau đấy, Quỳnh bảo Tuấn:
- Chiều mai thứ sáu, là ngày Tiếng Dân phát hành. Nếu bài của mầy được đăng thì may ra được đăng trong mục “độc giả diễn đàn“ trong số đó. Nếu không thì nó cũng sẽ hân hạnh được cụ Huỳnh xé chùi đít!
Các bạn của Tuấn nửa đùa nửa thật, nhưng chính Tuấn cũng áy náy lo bài của mình không được cụ Huỳnh chấp nhận.
Bốn giờ chiều thứ sáu, Tuấn đi ra phố một mình đón mua tờ Tiếng Dân. Ðây là tờ báo duy nhất ở Huế thời bấy giờ, mỗi tuần xuất bản hai lần. Uy tín của nó rất lớn, do uy tín cá nhân của cụ Huỳnh Thúc Kháng, một đại Nho, một chí sĩ cách mạng đã bị đày đi Côn Lôn cùng một lượt với cụ Tây Hồ Phan Chu Trinh, và đã hồi hương sau khi mãn hạn tù.
Uy tín của tờ Tiếng Dân không những riêng ở Ðế Ðô Huế, mà vang lừng khắp trong nước, và là tờ báo đầu tiên được phổ biến sâu rộng từ thành thị đến thôn quê. Riêng ở Trung Kỳ, mỗi làng có vài nhà Nho gọi là “Tân Nho“ - danh từ dùng để phân biệt với những “Hủ Nho“ - Tân Nho là những ông Tú, ông Cử, hoặc các thanh niên Nho học có óc “mới“, khuynh hướng về văn minh tiến bộ. Họ đều là những người có đóng cổ phần trong Công Ty Huỳnh Thúc Kháng và được biếu Báo Tiếng Dân, hoặc có đóng tiền mua năm Báo Tiếng Dân.
Tuy hầu hết các giớ trí thức “có đầu óc quốc gia“ ở khắp nước và riêng ở Huế đều mua báo Tiếng Dân, nơi đây họ thích đọc nhất những bài xã thuyết của cụ Minh Viên Huỳnh Thúc Kháng, và những bài của cụ Sào Nam Phan Bội Châu, nhưng hình như cũng có một số đông người không chịu bỏ tiền ra mua (giá mỗi số 5 xu) và chỉ mướn đọc. Có lẽ để tránh cái nạn mướn báo về xem báo cọp, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã dùng một biện pháp đặc biệt. Những số báo phát hành ở ngay thành phố Huế, giao cho vài chú em ôm báo đi bán dạo, đều được gấp 6 theo chiều ngang rồi gấp đôi theo chiều dọc, và dán một giấy trắng bịt hai đầu, có dấu xanh của Tòa Báo đóng một nửa trên rẻo giấy, một nửa trên mặt báo.
Như thế, tờ báo bị dán lại, chỉ những người nào trả tiền mua báo, mới xé rẻo giấy kia ra và mở tờ báo ra xem. Biện pháp này tránh được những độc giả xem báo cọp vì mọi khi rẻo giấy bị xé ra rồi, người lãnh báo bán dạo trả lại nhà báo không nhận.
Tuấn trao 5 đồng xu cho đứa bé bán báo dạo và lấy một tờ. Ðó là tờ Tiếng Dân số 100. Hồi hộp vội vàng, Tuấn xé rẻo giấy có con dâú của ty quản lý tờ báo, và mở ra xem. Tuấn rất đỗi ngạc nhiên và mừng thấy ngay nơi mục xã thuyết ở trang nhất, bài của Tuấn với cái đầu đề in chữ đậm sắp đầy hai cột: ”Ở Trung Kỳ nên cưỡng bách giáo dục“, Tuấn ngó liên xuống cuối bài, thấy rõ ràng tên của mình, và một bên có giòng chữ “còn nữa“ .Tuấn mừng rỡ, không kịp đọc, lật đật cầm tờ báo chạy về nhà. Tụi bạn đi học trường Pellerin chưa về. Tuấn nằm dài xuống bộ ván ngực trãi nguyên tờ báo ra trước mặt và xem bài của mình. Tuấn vô cùng thích thú đọc lại những câu văn chính mình đã viết, nhà báo không thêm bớt một chữ. Những câu văn mình đã nguệch ngoạc bằng mực tím trên trang giấy học trò, bây giờ thành chữ in, đậm đà và sắc sảo trên trang giấy báo Tiếng Dân! Tuấn vô cùng sung sướng cảm động vì đây là bài báo đầu tiên của mình.
Cũng y nguyên những câu văn đó, mà lúc còn viết tay trước khi đem đến toà báo, không thấy hay, không thấy đẹp, không thấy thâm thúy bằng khi đã in trong mục xã thuyết hai cột báo Tiếng Dân.
Tuấn đọc đi đọc lại từng đoạn, cả bài, xem lại đầu đề in hai giòng chữ đậm, rồi ngó lại cái tên ký của mình cũng in bằng chữ lớn. Tuấn mĩm cười thỏa mãn, nằm ngữa trên bộ ván bóng mướt, mát lạnh, để tờ báo Tiếng Dân trên ngực, nhắm mắt tưởng tượng tất cả sự sung sướng lần đầu tiên có một bài của mình được đặng trên mặt báo, lại là tờ báo có uy tín nhất của Trung Kỳ, của cả xứ An nam tờ báo của cụ Huỳnh Thúc Kháng.
Bài của Tuấn được đăng trong mục xã thuyết, là nơi dành riêng cho cụ Huỳnh Thúc Kháng mà thôi . Tuấn không ngờ bài của Tuấn được đăng thành hai kỳ, kỳ này trong tờ báo số 100, kỳ sau trong số 101. Tuấn lại tưởng tượng vài hôm nữa số báo Tiếng Dân nầy sẽ được gửi đi khắp nơi trong nước và tất cả những người quen Tuấn ở Quy Nhơn Quảng Ngãi v.v… sẽ đọc bài của Tuấn. Phạm Đào Nguyên sẽ đọc bài ngay sau khi cầm tờ báo ở sở về.
Và cha của Tuấn, mẹ của Tuấn ở Quảng Ngãi, các thầy giáo của Tuấn, sẽ ngạc nhiên thấy nới mục xã thuyết của tờ báo cụ Huỳnh một bài của Tuấn ký tên Tuấn.
Tuấn đang thưởng thức một mình sự khoái chí mênh mông không kể xiết, thì các đứa bạn đi học đã về, Quỳnh thấy tờ báo Tiếng Dân nằm trên ngực Tuấn, cất tiếng hỏi Tuấn:
- Báo mới đó phải không Tuấn?
- Ừ.
- Có đăng bài của mầy không?
- Có.
- Ðâu?
Quỳnh vội lấy tớ báo tìm mục “Ðọc giả Diễn đàn“ nhưng Tuấn hãnh diện bảo:
- Ngay ở mục xã thuyết.
Quỳnh ngồi xuống ván gỗ, đọc một mạch hết bài báo, trong lúc ba đứa bạn khác đều chụm đầu vào xem bài báo của Tuấn. Ðọc xong, Quỳnh cười vui vẻ:
- Sướng quá hỉ! Tuấn mầy viết báo được rồi đấy. Ðược đăng trên Tiếng Dân, lại đăng ngay nơi mục xã thuyết của cụ Huỳnh, vinh dự nào bằng.
Xong rồi mấy đứa bạn xúi Tuấn đến toà báo “xin tiền nhuận bút“.
Tuấn không muốn đi:
- Tao không dám đến cụ Huỳnh để xin tiền nhuận bút. Miễn cụ đăng cho được là khoái rồi.
Quỳnh bảo:
- Cụ đăng là một chuyện, mà mình lấy tiền nhuận bút là một chuyện chớ.
- Nhưng bài đăng đã hết đâu. “Còn nữa“ mà!
- Vậy đợi xem kỳ số 101 đăng hết bài của mầy, thì đến xin cụ trả tiền nhuận bút. Lấy tiền về ăn chè hột sen, mầy phải đãi mỗi đứa tao một chén, chớ tội gì không lấy, mày!
Số 101 ra, Tuấn cũng vội vàng mua một số xem. Bài của Tuấn vẩn giữ y nguyên đầu đề, với hai chữ “tiếp theo“ và kỳ này đăng hết, dài hai cột xã thuyết và cũng ký tên của Tuấn.
Gặp lúc túng tiền, chưa có trò nào nhận “mandat” của gia đình gởi cho, bốn đứa bạn nhất định xúi Tuấn đến toà báo Tiếng Dân. Tuấn cùng đi, nhưng đến toà báo Tuấn đứng lấp ló ở ngoài, không dám vào. Quỳnh và ba đứa bạn đánh liều bước vào toà báo.
Tuấn đứng ngoài cửa ngó vào thấy bốn đứa bạn nói gì với ông quản lý tên là Trần đình Phiên.
Một lúc khá lâu, hình như ông Phiên đi lên gác thưa với cụ Huỳnh Thúc Kháng, rồi trở xuống một cầu thang chật hẹp, kế phòng quản lý, ông hỏi:
- Tuấn là ai?
Quỳnh vội chạy ra cửa gọi Tuấn vào. Nhưng Tuấn mắc cỡ và nhút nhát, khẽ bảo Quỳnh:
- Mày cứ lấy tiền đi. Tao không vào đâu.
Một lát sau, bốn đứa bạn đi ra. Quỳnh cười bảo:
- Tao phải ký cái biên lai nhận dùm mầy đó.
- Cũng được chứ sao.
Quỳnh đếm bạc trao lại cho Tuấn 4 đồng, và bảo:
- Ông Trần Đình Phiên nói cụ Huỳnh Thúc Kháng khen bài mầy viết hay và biểu trả tiền nhuận bút bấy nhiêu đó.
Tuấn vui mừng quá chừng, nở mũi cười hí hởn, 4 đồng bạc! Ồ chu choa! Sao nhiều quá vậy? Tuấn ước độ 4, 5 giác thôi {1 giác (tiếng Trung), một cắc (tiếng Nam), một hào (tiếng bắc)} chớ, ngờ đâu được 4 đồng, món tiền to như thế! Sẵn dịp đi ngang qua phố Ðông Ba, Quỳnh mượn hai xu để mua một quyển vở, ba đứa bạn kia cũng mượn tiền mua viết chì, mực v.v… Tuấn còn 3 đồng 4 giác.
Tối hôm đó cơm xong, nghe thấy cô hàng bán chè hột sen rao trước cổng, mấy đứa bạn chạy ra gọi. Tuấn vui vẻ đãi mỗi đứa hai chén chè hột sen, mỗi chén một xu.
Nghe nhiều đứa bạn bảo cho biết ở Hà nội, thanh niên sinh viên tham gia các cuộc hoạt động “Hội Kín” rất đông. Tuấn muốn đi Hà nội. Chàng viết thư ra hỏi ý kiến một người bạn học cũ ở Quy Nhơn bây giờ học trường Thăng Long, Hà Nội, và ở trọ nhà một công chức ở đường Général Bichot.
Trong khi chờ thư trả lời, Tuấn đi thăm các thắng cảnh Ðế Ðô, và xem tình hình sinh hoạt ở đây, với mấy đứa bạn học trường Pellerin. Nhóm học sinh này đưa Tuấn đến thăm Nữ công học hội do bà Ðạm Phương điều khiển.
Ðạm Phương nữ sử là một vị phụ nữ quí phái tiếng tăm lừng lẫy ở Huế. Bà rất thông giỏi chữ Hán và thường viết bài bằng Quốc Ngữ, và Hán Ngữ đăng trong Nam Phong Tạp Chí của Phạm Quỳnh ở Hà nội. Bà là vợ góa của một vị cựu thượng thư Triều đình Huế, giòng họ thế phiệt Nguyễn Khoa. Bà là mẹ của nhà văn trẻ tuổi Hải Triều, cậu con trai quý tộc này lại chịu ảnh hưởng học thuyết mác-xít, và có khuynh hướng đệ tứ quốc tế. Bà, thì trái lại, vẫn là một môn đồ trung thành của Khổng giáo, nhưng vẫn theo trào lưu mới  Bà rất tôn sùng cụ Phan Bội CHâu, và tiêm nhiễm tư tưởng ái quốc của cụ. Bà rất được giới nữ trợ giáo và nữ sinh trường Trung học Ðồng Khánh khâm phục lắm. Biệt thự cổ kính của bà là nơi gặp gỡ của các giới nữ lưu “tân tiến“ cả nam giới trí thức của đất thần kinh.
Do theo lời hô hào trong quyển “Nữ quốc dân tu tri“ của cụ Phan Bội Châu, bà có đứng ra lập “Nữ công học hội“ để dậy các thiêú nữ ở Ðế Ðô về các môn nữ công, và dạy cả khoa luân lý “tứ đức tam tòng“ của Khổng giáo. Bà có mời cụ Phan Bội Châu đến khánh thành Hội trong một buổi lễ rất giản dị nhưng rất long trọng với sự hiện diện của hầu hết các giới thượng lưu trí thức và nữ sinh Huế.
Tuấn thắc mắc mãi về hai chữ “nữ sử“ kèm theo tên Ðạm Phương của bà, Tuấn hỏi một vị giáo sư giỏi chữ Hán, vị ấy giảng nghĩa “nữ sử“ là chức vị của một quan phụ nữ trong Triều đình, chuyên lo về các nghi lễ của Hoàng Hậu.
Bà cũng viết trong Phụ Nữ Tân Văn tuần báo nổi tiếng ở Saigon và đôi khi trong báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh. Ðạm Phương nữ sử có viết một cuốn sách về giáo dục phụ nữ, được các giới nữ lưu Huế hoan nghênh lắm.
Nhân tiện nói về báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng, là tờ báo ”cách mạng“
(nhưng chủ trương rất ôn hòa) của các giới Lão Nho và thanh niên cách mạng ở Trung Kỳ, ở Huế lúc bấy giờ còn có hai tờ báo khác: tờ Thần Kinh tạp chí, của giới quan lại, và tờ Phụ Nữ tân tiến của bà Lê Thanh Tường, vợ ông bí thư của quan Khâm Sứ Trung Kỳ, Yves Châtel. Tờ phụ nữ tân tiến trình bày và khuôn khổ cũng na ná như tờ Phụ nữ Tân Văn ở Saigon, nhưng bán không chạy. Ngay ở Huế cũng chỉ các bà mệnh phụ và một số phụ nữ trí thức mua mà thôi.
Bà Lê Thanh Tường, người Nam Kỳ, cũng là một nữ sĩ hay làm thơ Ðường Luật có danh tiếng ở Huế thời bấy giờ. Sẵn nói đến nữ giới ở Trung Kỳ, Tuấn còn nghe phương danh một nữ sĩ rất có danh tiếng ở Tourane. Tên bà là bà Vương Khả Lãm, tác giả một bộ tiểu thuyết khá hấp dẫn, nhan đề là “Tây Phương Mỹ Nhân“ thuật chuyện có thật của một cô Ðầm ở Pháp theo chồng An nam về sống cuộc đời thôn quê trong một làng tỉnh Quảng Nam. Người đàn bà đẹp Tây phương ấy rất sung sướng với người chồng An nam quê mùa, nghèo khổ, mặc dầu bà bị các quan Tây ở Tourane hăm dọa và xúi dục bà bỏ thằng chồng An-na-mít vì danh dự và lòng kiêu căng của người Pháp.
Theo gương Ðạm Phương nữ sử, bà Vương Khả Lãm cũng có mở một hội nữ công tại thành phố Tourane, và cũng có mời cụ Phan Bội Châu ở Huế vào khánh thành. Lễ khánh thành này vì sự có mặt của nhà chí sĩ Bến Ngự và do sự tuyên truyền rầm rộ của bà hội truởng và các hội viên toàn là các cô gái tân thời, là một biến cố rất long trọng và xôn xao náo nhiệt.
Bà Vương Khả Lãm là người tân tiến nhất ở Tourane thời bâý giờ. Bà rất hăng hái chủ trương “Nam nữ bình quyền“ do cụ Phan Bội Châu đề xướng theo phong trào Âu Mỹ. Bà là người phụ nữ An nam đầu tiên ở Tourane đi xe máy đầm. Bị dư luận dân chúng xầm xì bàn tán quá bà phải để chiếc xe máy đầm của bà cho ông chồng ngày hai buổi cỡi đi đến sở, và cỡi về. Phu quân là ông Vương Khả Lãm làm tham tá nhà Douane (thương chánh) Tourane. Sau này, vì quá tân tiến, giao du rộng, bà hút thuốc phiện và trở thành người ghiền.
Những buổi tối nóng bức, người ta thấy bà nằm bên bàn đèn tự tiêm thuốc phiện lấy và quan tham, chồng bà, cầm chiếc quạt ngồi cạnh quạt cho bà mát. Bà ghiền nặng lắm, có khi nằm hút đến 12 giờ khuya, và ông chồng cũng còn ngôì quạt hầu bà cho đến khi bà dẹp bàn đèn đi ngủ. Bà sẵn sàng tuyên bố với mọi người rằng bà cụ thể hoá học thuyết “nam nữ bình quyền”.
Về nữ giới, phái trẻ tuổi nhất lúc bấy giờ, có hai cô trợ giáo mới tốt nghiệp bằng Thành Chung (diplôme d’Études primaires-supérieures franco-indigène) cựu nữ sinh trường Trung học Ðồng Khánh: cô Trần thị Như-Mân và cô Nguyễn thị Du. Hai cô này đều có công lớn trong vụ bãi khóa năm 1927 ở Huế. Sau đỗ tốt nghiệp xong, cô trợ giáo Như-Mân kết hôn với thầy trợ giáo Ðào Duy Anh, ông này đã xin nghỉ dạy để làm trợ bút (nay gọi là ký giả) báo Tiếng Dân. Ông Ðào Duy Anh và cô Như Mân, họp tác dịch các sách về chính trị, kinh tế và tự xuất bản, thành lập “Quan Hải Tùng Thư”. Các sách của Quan Haỉ tùng thư hồi đó được các giới trí thức và thanh niên học sinh rất hoan nghênh, và bán rất chạy.
CHƯƠNG 38
1927
- Hà Nội "Kinh đô trí thức" của Ðông Dương.
- Phong trào đi du học Hà Nội.
- Hai bài thơ cam kết của đôi bạn trẻ cùng chí hướng.
- Một Quan Huyện làm thơ ca ngợi chiếc xe lửa trên đường Hỏa xa tốc hành Saigon - Hà Nội.
- Lần đầu tiên đến Hà Nội.
- Xe kéo Hà Nội
Hà Nội! Thăng Long!
Ðối với Tuấn, chàng thư sinh 17 tuổi, quê quán ở một làng hẻo lánh, nhỏ bé, ở miền núi Trung Kỳ, đi Hà Nội là một việc trước kia không bao giờ chàng dám nghĩ đến.
Dù sao Huế cũng còn gần gũi hơn, Huế mới chỉ là Ðế Ðô của nhà Nguyễn, Huế hãy còn là một thủ đô của xứ Trung Kỳ mà thôi. Chứ Hà Nội! Ồ! Hà Nội, tên cũ là Thăng Long, đó là cái gì khác xa Huế, lớn hơn Huế, xưa hơn Huế, đồ sộ hơn Huế. Ðó là kinh đô của Lịch sử! Ði Hà Nội, tức là đi về cái nguồn gốc của Lịch sử!
Cố cựu hơn Huế, mà tân tiến hơn Huế. Huế chỉ có ông Khâm Sứ, ông vua An Nam, Hà Nội có ông Toàn Quyền, có thành cũ Thăng Long, có trường Cao Ðẳng Ðông Dương, có cầu Doumer, có Hồ Hoàn Kiếm, có đền Bà Trưng, có tượng Paul Bert! Tất cả bốn nghìn năm lịch sử “An-nam-quốc“ đều có mặt ở Hànội, Thăng Long.
Tuấn, chàng trai nước Việt ở thế hệ giao thừa, mới 17 tuổi đã bị đuổi khỏi học đường quá sớm, đã phải tạm biệt thôn quê và tỉnh nhà để đi tìm hoài bão tương lai. Chàng trố mắt nhìn xã hội An-nam với tất cả tâm hồn ngây thơ mơ mộng, lại ngơ ngác trước những cái mới mẻ lạ kỳ, tò mò tìm hiểu bao nhiêu điều cần học hỏi. Tuấn đã thấy thật nhiều ở Huế, nhưng Huế chật hẹp quá, Tuấn mới ở đây một tuần lễ đã cảm nghĩ rằng mình đã biết gần hết Huế rồi.
Bây giờ lên đường đi Hànội, lòng Tuấn hồi hộp vô cùng. Tuấn rất buồn vì mình không phải con nhà giàu. Sinh trưởng trong một gia đình lao động, cha làm thợ mộc, mẹ không có buôn bán gì, được người anh học giỏi làm việc cho Tây - Trần Anh Tuấn, Phán Sự Tòa Sứ, thì lại bị bắt bỏ tù! Anh bị bắt cùng một lúc với thầy Ðổng sĩ Bình, phán sự tòa sứ Qui Nhơn về tội “tạo yêu thơ yêu ngôn“. Theo bản án của triều đình Huế, tội tạo yêu thơ yêu ngôn nghĩa là sáng tạo ra văn chương và ngôn ngữ phi pháp, chống chính phủ .
Hôm ông Phán Tuấn bị bắt và đưa đi Ban mê thuột thì Tuấn không hay biết gì cả vì Tuấn đang học ở Quy Nhơn. Kỳ nghỉ hè về nhà, Tuấn nghe cha mẹ và hàng xóm kể lại, mới biết rằng ông Phán Tuấn có chân trong một hội kín gọi là “Thanh niên cách mạng đảng“ và có góp tiền “mua súng để đánh Tây“. Tuy bề ngoài làm việc ở Tòa Sứ rất chăm chỉ, đối với người Pháp ông rất lịch sự, nhã nhặn, nhưng không ai ngờ ông Phán Tuấn lại là một đồng chí hăng hái nhất của một đảng cách mạng. Ông hoạt động bí mật trong tỉnh nhà đã hai ba năm rồi mà không ai biết cả, trừ những đảng viên.
Nghe các thầy thông thầy ký thuật lại, hôm có lính Tập vây nhà và bắt thầy phán Tuấn, rồi dẫn đến quan Công Sứ Pháp, ông này hết sức ngạc nhiên hỏi Tuấn là người cộng sự đắc lực nhất và quí nhất của ông:
- Taị sao anh vào đảng chống Pháp?
Thầy Phán Tuấn đáp:
- Thưa ông Sứ, tôi chỉ làm bổn phận của một người dân vong quốc .
- Nhưng anh biết rằng người Pháp đem văn minh qua cho người An nam?
- Người Pháp làm bổn phận của họ. Chúng tôi làm bổn phận của chúng tôi.
- Anh nghĩ sao khi chính tôi đây đã đối xử rất tốt đối với anh và đồng bào của anh?
- Vâng, ông nói đúng và tôi xin cảm ơn ông. Nhưng tôi làm cách mạng không phải chống cá nhân của ông, mà chống nước Pháp, chống chế độ thực dân của Pháp.
Ông Sứ làm thinh. Một lúc, ông bắt tay phán Tuấn trước khi truyền lịnh đem giam Tuấn vào lao:
- Dù sao, anh cũng là một người có chí khí (Quand même, vous êtes un brave!)
Khi các quan An nam đem phán Tuấn ra xử theo luật Gia Long, tội của Tuấn là “tạo yêu thơ yêu ngôn“ (tạo ra thơ văn và lời nói phi pháp) và kết án khổ sai chung thân. Ông Công sứ Pháp phản đối, đề nghị giảm xuống còn 9 năm tù, đày lên Ban-mê-thuột.
Lúc xét nhà phán Tuấn, lính có bắt được một tập thơ do ông phán Tuấn làm, nhan đề là “Vần thơ nước mắt“, trong đó có nhiều bài đả kích các quan và vua An Nam. Tập thơ này, chính Tuấn-anh cũng có đưa cho Tuấn-em xem. và Tuấn-em có chép riêng trong một quyển sổ con mấy bài như sau đây:
Quan đi lọng
Khéo trò võng lọng, khéo trò quan!
Chẳng biết hổ ngươi, chẳng ngỡ ngàng!
Mất nước muôn dân còn oán hận,
Làm thân tôi mọi cũng nghêng ngang!
Làm vua thua bù nhìn
Biết nhục không, vua? Vua hỡi vua!
Bù nhìn còn biết giữ bờ dưa
Ngai vàng chẳng hổ thân nô lệ,
“Hoàng đế An nam“ khéo vẽ bùa!
Khuyên cậu học trò
Trò ơi ! ôm sách đi đâu?
Học bài toán đố, học câu vẹc-bờ
Ngày nay tuổi cậu còn khờ,
Miếng cơm manh áo còn nhờ mẹ cha,
Mai sau khôn lớn, đẩy đà
Làm trai phải nhớ Nước Nhà, mang ơn.
Hai vai gánh vác giang sơn
Bẻ dây xiềng xích, thoát cơn tôi đòi.
Khí thiêng nung đúc giống nòi
Rồng Thiêng muôn thuở muôn đời tự do!
14-7 (cách-tót-duy-tê)
Cách-tót-duy-dê, đã tới đây
Là ngày Quốc Khánh của ông Tây
Tỉnh thành loe loét cờ ba sắc
Áo mão vêng vang khỉ một bầy
Ðại Pháp câu mồi, vui thích hỉ!
An nam liếm chảo, tức cười thay!
Làng quê kẻ chợ đi xem hội, Cờ bạc, rượu chè, lắm kẻ say!
Khóc cụ Phan Chu Trinh
Ôi cụ Tây Hồ, ới cụ ơi!
Nước nhà đau đớn, cụ buông xuôi!
Gông cùm nô lệ, dân còn oán
Quân chủ chuyên quyền, hận chửa nguôi!
Ðất nổi phong ba, trời thảm lụy
Dân không cha mẹ, Nước mồ côi!
Hương lòng một nén, thơ năm vận,
Khóc cụ Tây Hồ, ngấn lệ rơi!
Gởi Tuấn-em
Nhắn nhủ em trai, óc dại non
Ðôi lời mực thước, nhớ châm ngôn
Học làm nô lệ, thà đừng học
Khôn việc Nước Nhà, ấy mới khôn
Cam khổ không sờn, noi lý tưởng
Thanh bần cố giữ, vẹn tâm hồn
Công danh sự nghiệp do mình tạo
Khí khái anh hùng, để tiếng thơm.
TRẦN ANH TUẤN
(Vần thơ nước mắt)
1924-1926
Nhất là bài thơ sau đây, như bản chúc thư của người anh ruột yêu qúi, mỗi lần nhớ đến là Tuấn buồn và lo.
Buồn, vì Tuấn đã không làm được việc gì cho có tiền để phụng dưỡng mẹ cha, mà lại còn muốn trốn gia đình để đi Huế, đi Hà Nội thì thật là một đứa con bất hiếu, một đứa em không nhớ lời khuyên dạy của anh. Tuấn biết vậy, nhưng làm sao được khi tính phiêu lưu mạo hiểm, chí khao khát học hỏi, và lý tưởng cách mạng đã được nung đúc từ ba năm qua, như đa số học sinh thời bấy giờ, tất cả những yếu tố ấy mạnh hơn Tuấn, thúc đẩy Tuấn đi tìm một lẽ sống thích hợp cho tâm hồn của chàng trai đang say sưa với thời buổi mới.
Tuấn lại lo vì Tuấn không biết rồi đây tương lai của Tuấn sẽ như thế nào? Có thể giữ được không những ý nguyện thầm kín của Tuấn, theo lời dạy bảo của anh? Làm sao cho trở thành một Ðất Nước, với Giống Nòi? Làm sao cho tâm hồn giữ được thanh cao, cho đạt được lý tưởng của đời sống khí khái anh hùng mặc dầu sẽ chịu nhiều cam khổ?
Tuấn cảm thấy mình hãy còn bé quá, khờ dại quá. Anh cả của Tuấn, cột trụ của gia đình, bây giờ đã đi ở tù tại nhà lao Ban-mê-thuột chính vì lý tưởng cách mạng. Tuấn là con trai duy nhất còn lại với cha mẹ, thì đã bị nhà trường đuổi vì quá hăng say trong cuộc bãi khóa vừa rồi, từ nay làm sao tiếp tục học được nữa? Ðành rằng anh cả nhắn nhủ: ”Học làm nô lệ thà đừng học“, Tuấn cũng quyết định sẽ không bao giờ làm nô lệ, nhưng Tuấn cần phải học giỏi để có căn bản văn hóa vững chắc mới thực hiện được lý tưởng của đời Tuấn, mới đạt được sự nghiệp tương lai.
Tuấn trằn trọc suốt đêm trước giờ ra ga xe lửa để đi Hà Nội, cứ nhớ lại mấy bài thơ của anh cả, từng chữ như những lời khuyên răn, mà cũng là những lời tâm huyết, vừa cảnh cáo, vừa khuyến khích… vừa đề phòng… Tâm sự của Tuấn đêm nay là tâm sự của một chàng trai của Ðất Nước, đang bơ vơ, ái ngại, lo sợ trên đường đời vô định.
Hầu hết những chàng trai nước Việt, cùng lứa tuổi của Tuấn, trong thời gian 1926-1927 cho đến 1931-1932, tuy hoàn toàn mỗi người mỗi khác, nhưng tâm sự lo lắng cho tương lai, cho đất nước, đều như thế cả.
Bởi đó là thế hệ trai trẻ đang chịu ảnh hưởng sâu đậm của trào lưu cách mạng do hai nhà chí sĩ họ Phan đã gây ra, và do lớp trí thức đàn anh noi theo gương hai cụ, tiếp tục đề cao tinh thần cách mạng trong các giới sĩ phu…
Tuấn chỉ đủ tiền mua vé xe lửa từ Huế ra Hà Nội còn dư trong túi được vài chục tờ giấy bạc 1 đồng, do vài đứa bạn gom góp cho thêm, mỗi đứa cho mười giác, hoặc hơn nữa.
Chiếc xe lửa cũ kỹ, dơ bẩn từ ngoài đến trong, kéo gần hai chục cái toa, cái gòn (wagon), thành một đoàn dài đậu sừng sững từ đầu đến cuối sân ga, cao như một bức thành mầu nâu, bẩn thỉu.
Lần đầu tiên được đi Hà Nội mà đi trên chiếc tàu hỏa ghê tởm như thế kia, Tuấn không được vui lắm, Tuấn mua vé hạng tư, ngồi trong một toa đầy nghẹt hàng hoá, hành khách chen lấn nhau, đủ hạng người. Tuấn chỉ có một chiếc va li nhỏ bằng mây rất đơn giản, trong đó sắp xếp mấy bộ quần áo tây và An nam, toàn đồ cũ và năm bảy quyển sách Pháp, Tuấn đút va li dưới gầm ghế ngay chổ Tuấn ngồi để dể canh chừng, sợ thất lạc. Mấy đứa bạn của Tuấn có mua cho Tuấn để ăn dọc đường: một trái bưởi Huế, một khúc bánh mì và một gói kẹo thèo lèo để ăn tạm với bánh mì.
Nên nhớ rằng ở Huế và cả miền Trung vào khoảng đó (1926-1927) bánh mì vẫn chưa được thông dụng trong dân chúng An nam. Nó thuộc về các món ăn của Tây, và phần nhiều những người ở giới thân cận với Tây mới thỉnh thoảng dùng đến. Còn quần chúng An nam chỉ thích ăn các món bánh truyền thống như bánh bèo và bánh hỏi . Bánh mì là một thứ bánh lạ, người An nam ăn một vài lần cho biết thế thôi, chớ không ham chuộng lắm, cho nên nó không được bình dân, và các tiệm ăn An nam ít có bán. Mấy đứa bạn của Tuấn muốn cho Tuấn được món ăn đặc biệt trên xe lửa đi Hà Nội, đã phải đến nói riêng với anh bồi của nhà hàng Morin là nhà hàng độc nhất của Pháp ở Huế để nhờ anh mua dùm một khúc bánh mì chánh hiệu của Tây. Vì hình như bánh mì bán ra cho người An nam thì có pha bột khoai mì.
Anh bồi của nhà hàng Morin có lòng tốt, nhờ quen với một cậu học trò, bán cho mấy đứa bạn của Tuấn một chiếc bánh mì lớn bằng trái bắp với giá tiền 5 xu (bằng 50 đồng bạc ngày nay). Quỳnh hãnh diện trao chiếc “bánh mì Morin“ cho Tuấn với mấy lời trịnh trọng sau đây:
- Nè, chiếc bánh mì Morin, mầy cất kỹ trong vali để dành ăn trên tàu hỏa. Trên tàu có bánh mì để bán cho Tây chớ không có đủ để bán cho An nam đâu.
Tuấn nghe lời, cất kỹ khúc bánh mì bằng trái bắp trong va li quần áo . Bánh mì để ăn với… kẹo thèo lèo cũng do mấy đứa bạn mua cho.
Một việc không ngờ cho Tuấn là lúc tàu huýt còi sắp sửa chạy, Tuấn đứng thò đầu ra cửa ngoắc tay từ giã tụi bạn thì Quỳnh chồm lên nhét vào tay Tuấn một miếng giấy, với nụ cười cảm động:
- Ðể tàu chạy rồi hãy coi!
Tàu chạy xong ra khỏi ga Huế. Tuấn mở giấy ra xem, thì là một bài thơ của Quỳnh:
Tiễn Bạn Trần Tuấn
Tiển bạn ra đi, dạ thẫn thờ
Chút tình ghi lại mấy vần thơ
Học đường, nhắc bạn đừng xao lãng,
Chí khí làm trai chớ bỏ ngơ
Tổ quốc đang mong bầy tuổi trẻ
Thân tằm phải nhả những dây tơ
Mấy lời tâm nguyện tôi cùng bạn
Non nước ngày mai… há hững hờ?
Tuấn xem lại bài thơ của Quỳnh hai ba lần và đã thuộc lòng .Từ đó, trên ghế dài của toa xe lửa phần thì bị lắc qua lắc lại với tiếng động rầm rầm của những bánh xe lăn trên đường sắt, phần bị ép chặt cứng giữa một bà lão ngồi ngủ gục luôn chạm mạnh đầu bà vào đầu chàng, và một ông cụ nhà nho miệng nhai trầu và hút thuốc không ngớt, chốc chốc rung đùi như cảm hứng một mình, Tuấn cũng nghĩ ra được một bài thơ để họa lại bài tiễn bạn của Quỳnh.
Mãi khi tàu hỏa ra khỏi Quảng Trị, khỏi ga Ðồng Hới, Tuấn mới nghiền ngẫm xong bài thơ họa, nhưng vẫn âm thầm trong trí óc, không chép ra được vì không có giấy, không có bút, trong lúc xe lửa chạy vùn vụt, rầm rầm, nhức đầu, ù tai, mũi Tuấn hít đầy than và khói.
Thơ của Tuấn họa như sau đây:
Gởi bạn Phan Quỳnh
Xa quê, lạ cảnh, óc bơ thờ
Thăm thẳm đường đời, ngại tuổi thơ
Văn học trau dồi tuy cố gắng
Non sông tủi nhục khó làm ngơ
Gọi hồn, chiếc hạc bay tung cánh,
Vương kiếp con tằm nhả phím tơ.
Ðất rộng trời cao duyên cát bụi.
Biết đâu thân thế chỉ mong hờ!
Lúc ra Hà Nội, chép lại bài thơ gửi vào Huế cho Phan Quỳnh, Tuấn chứa ở dười bài thơ:
Câu đầu làm lúc tàu băng qua cầu Bạch Hổ, Huế. Câu cuối làm xong sau khi tàu ra khỏi ga Ðồng Hới.
Tuấn, 28 Septembre 1928
Chàng thiếu niên tự cho là thích thú, đọc thầm lại bài thơ của Quỳnh và bài họa của chàng. Ngâm mãi trong miệng một lát, chàng tủm tỉm cười một mình và quên những người ngồi chung quanh, chàng ngâm lớn lên hai câu mà chàng khoái nhất:
Gọi hồn, chiếc hạc bay tung cánh
Vương kiếp con tằm nhả phím tơ.
Ông cụ nhà nho ngồi sát cạnh, ngó chàng:
- Cậu ngâm thơ của ai đấy?
Tuấn giựt mình, như sực tỉnh giấc mộng, lễ phép đáp:
- Dạ, thưa cụ, con ngâm hai câu thơ của thầy con dạy ở trường.
- À, tôi cũng làm thơ. Buồn ngủ quá. Làm thơ để khỏi ngủ gà ngủ gật như người ta. Thơ tôi là thơ Ðường luật, bát cú, cậu có nghe không? Thơ tôi thì xuất sắc lắm. Tôi đọc cậu nghe nhé!
- Dạ.
Ông cụ nói tiếng Quảng Bình, hơi khó nghe một tí đối với Tuấn chưa quen nghe. Nhờ được cái là ông cụ khoái chí, rung đùi, ngâm đi ngâm lại hai ba lần nên Tuấn nghe rõ và nhớ được hết. Ðây là bài thơ cuả cụ:
Chiếc Tàu Hỏa
Khen thầy Ðại Pháp thật văn minh
Tàu hỏa bầy ra, ai cũng kinh
Sức mạnh ầm ầm ghê máy móc
Chạy nhanh vùn vụt, tựa cung tên!
Ăn mây, nuốt gió, tung trời đất,
Trèo núi, băng sông, vượt thác ghềnh.
Huýt tiếng còi vang, rung vũ trụ,
Ðến ga, kẻ xuống có người lên!
Rất tiếc là ông cụ không cho biết tôn danh, và Tuấn không dám hỏi . Nhờ nói chuyện một lúc, cụ mới cho cậu thiếu niên biết cụ làm Tri-huyện ở Do Linh. Tuấn không thuộc địa dư, không nhớ Huyện Do Linh ở tỉnh nào, nhưng Tuấn không dám hỏi nhiều, chỉ thích ngồi nghe. Cụ nói chuyện vui vui. Cụ giảng nghĩa bài thơ của Cụ, từng câu từng chữ cho cậu thiếu niên nghe, để cậu thưởng thức thi vị của bài thơ mà cụ cho là xuất sắc, là kiệt tác trong loại thơ Đường luật bát cú.
Tuấn hơi ngạc nhiên là ông cụ nhà nho làm đến chức quan Tri huyện thì đáng lẽ cụ mua vé hạng ba, hoặc hạng nhì, sao cụ lại mua vé hạng tư! Có lẽ quan Huyện muốn tiết kiệm tiền, vì thời bấy giờ lương quan Huyện An nam không hơn lương một ông quan Phán đầu tòa.
Quan Huyện là nhà nho học, nhưng cũng biết tiếng Tây, nói được tiếng Tây tuy không đúng văn phạm lắm. Quan hỏi chàng thiếu niên một câu tiếng Tây:
- Vous savez pourquoi je parle le Francais comme les Francais, mais je chique toujours du bétel aussi?
Tuấn thấy câu tiếng Pháp của quan không được Tây lắm, nhưng miễn chàng hiểu nghĩa: ”Anh biết tại sao tôi nói tiếng Pháp như người Pháp, nhưng tôi vẫn ăn trầu?”.
Tuấn cũng trả lời bằng tiếng Pháp:
- Non
- Parce que le bétel c’est le quốc hồn quốc túy des Annamites.
Tuấn không nhịn cười được nữa, vì cụ nói  trầu là quốc hồn quốc túy của người An nam“. Có lẽ vì cụ không biết dịch bốn chữ “quốc hồn quốc túy“ ra tiếng Pháp như thế nào, nên cụ để nguyên tiếng Việt trong câu tiếng Pháp của cụ. Cụ còn nói thêm, vẫn nói tiếng Pháp, đại ý: người An nam phải giữ quốc hồn quốc túy của mình, không nên bắt chước người Tây hết, như mặc áo dài, bịt khăn đóng, ăn trầu v.v… là những cái hay cái đẹp mà không nên bỏ…
Nhờ câu chuyện vui vui với quan Huyện Do Linh mà Tuấn không buồn ngủ và quên nỗi mệt nhọc trên tàu. Hình như quan cũng thấy Tuấn ngoan ngoãn, nên quan ưa nói chuyện. Ngồi một mình trên tàu không ai nói chuyện với ai, buồn chịu sao nỗi? Nhưng nói mãi cũng chán, và Quan Huyện nói nhiều lắm, chắc cũng thấm mệt. Quan thiu thiu ngủ, gục đầu vào thành xe…
Tuấn ra hành lang đứng xem phong cảnh…
Tuấn hồi hộp vô cùng. Trái tim của Tuấn rung động mạnh, giống như chuyến tàu chuyển đi vùn vụt trong đêm khuya. Tuấn lo nghĩ lan man về cuộc viễn du cũng như cuộc đời vô mục đích mà không biết ngày mai sẽ ra thế nào? Tuấn còn nhỏ, đường còn xa, năm tháng còn dài thăm thẳm, rồi đây Tuấn ra Hà Nội sẽ làm được gì? Sẽ đạt được gì?
Lơ lửng giữa một xã hội nửa cựu, nửa tân, tuổi của Tuấn chưa un đúc được cái cũ, chưa thấm nhuần được cái mới, Tuấn tự cảm thấy bơ vơ lạc lỏng không ai chỉ dẩn. Hầu hết những chàng trai đất Việt đồng lứa với Tuấn, của thế hệ 1925-1932, đều phân vân nơỉ ngã ba đường của Lịch sử. Ghét Tây mà sợ Tây, mà phải học chữ Tây, đọc sách Tây. Một số thi đậu ra làm việc cho Tây để kiếm tiền nuôi mình, nuôi vợ con, giúp cha mẹ để đền ơn sanh thành, báo đáp công ơn dưỡng dục, ôm chữ hiếu để thờ mẹ kính cha, lấy chữ an thường thủ phận để bảo vệ đời mình.
Còn một số khác vẫn âm thầm óan hận, kết bạn kết bè, lê la những bước sống phiêu lưu ở ngoài rìa xã hội. Họ là thanh niên trí thức, học rộng biết nhiều. Ngoài những sách vở của nhà trường, họ còn tìm hiểu thêm trong các ngưỡng cửa của trí óc, mở rộng nhãn tuyến của học vấn vô biên, của tư tưởng bao la, của kiến văn vô tận. Tuấn thèm thuồng đời sống tự do bay nhảy của hạng trẻ tài hoa tuấn tú ấy. Nhưng làm sao đây? Tuấn sợ rằng mình bé nhỏ quá. Mình vô tài? Mình bất lực? Mình không có khả năng gì quán xuyến hơn người? Nên rời ghế học đường, Tuấn đi phiêu lưu nơi “nghìn năm văn vật” mà lòng ái ngại, trí lan man, chưa có gì ổn định cả.
Tàu hỏa đã qua nhiều ga, đã ghé nhiều tỉnh, nhiều thành phố mà Tuấn đã học thuộc lòng trong sách địa dư của nhà trường: Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Vinh, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Ðịnh…
Người ta cho biết 6 giờ chiều tàu sẽ đến Hà Nội. Khỏi ga Văn Ðiển là ga gần Hà Nội, Tuấn đã thấy những trụ “giây thép gió“ cao ngòng lố nhố tận nơi xa. “Hà Nội đấy! Giây thép gió Bạch Mai đấy!“. Một ông cụ người Bắc trả lời cho Tuấn, khi Tuấn hỏi cụ.
Trên tầu, hành khách nhộn nhịp, sửa soạn hành lý, khỏi phải dọn dẹp gì cả, nhưng chàng cũng lo sợ, lỡ trong lúc lộn xộn xuống tầu, ai xách chiếc va li của chàng thì nguy… Chàng xách va li đứng nơi cửa sổ, nhìn phong cảnh đất Bắc, gần đến ngoại ô Thăng Long.
Tầu vùn vụt chạy ngang qua một cánh đồng, rồi bắt đầu chầm chậm, rú lên một hồi còi thánh thót… Một ao sen trắng… một ao sen hồng… rồi một dãy phố… một dãy phố… Tàu chầm chậm… chầm chậm… nhả khói… phịch… phịch… phịch… như một người thở hổn hển sau khi đã chạy hết một đường trường xa lắc xa lơ, hết hơi, mệt đứ đừ, vừa đến đích.
Ðối với Tuấn, thiếu niên 17 tuổi, quê ở một tỉnh nhỏ miền Trung, ga Hà Nội to lớn “ghê hồn“, kiến trúc đồ sộ hơn ga Huế, mặt văn minh hùng vĩ hơn. Ga Hà Nội làm cho Tuấn sợ, Tuấn thấy mình bé bỏng quá.
Chàng xách va li đứng yên trên bến tàu một lát để ghi vào trí nhớ những giây phút đầu tiên chàng để chân trên đất Thăng Long.
Rồi chàng len lỏi theo sóng người hành khách tay xách, tay cầm, chảy ào ạt ra cửa "sortie”.
Ồ Hà Nội! Hà Nội! Giấc mộng say mê của chàng trai phiêu lãng đã hiện ra trong thực tế rồi đây! Hà Nội rồi đây!
Tuấn đủng đỉnh bước xuống mấy bực thềm xi-măng của nền hè ga cao rộng. Xuống đến sân, chàng gọi chiếc xe kéo, hỏi người phu xe một câu ngớ ngẩn:
- Bác ơi bác, bác biết đường Général Bichot không?
Người phu xe nhanh miệng đáp:
- Phố nào lại chả biết. Mời cậu lên xe, tôi đưa cậu đến nơi ngay.
Tuấn mừng quá, xách va li lên ngồi trên chiếc xe kéo không khác gì xe kéo ở Huế hay ở Quảng Ngãi, Quy nhơn. Nhưng bác “cu li“ Bắc kỳ lanh lợi hơn và có vẻ sốt sắng hơn. Xe chạy qua mấy đường phố rộng thênh thang, và chạy mãi… Tuấn hỏi:
- Bác ơi, đường Général Bichot tới chưa?
- Ðường gì cơ?
- Général Bichot.
- Ở đây có phố Ni-Sô, tiếng An nam tức nà phố Quán Sứ ấy, chứ nàm gì có phố Bi-Sô.
Tuấn rất ngạc nhiên. Ðúng theo địa chỉ trong thư người bạn, thì anh ấy ở Général Bichot, mà sao bác phu xe bảo không có. Bác ấy kéo đến đường Richaud (phố Quán Sứ) hỏi số nhà 27 thì không đúng. Tuấn bắt đầu phân vân lo sợ. Nhưng bác phu xe vẫn bình tỉnh, điềm nhiên bảo cậu khách trẻ tuổi ở quê xa:
- Cậu đừng có no… Tôi đưa cậu đến phố gì Sô ấy, chả việc gì mà no!
Tuấn cố hiểu lời nói của bác phu xe mà lần đầu tiên chàng nghe nói tiếng “L” thành ra “N”. Ngồi trên xe, Tuấn vẫn không yên lòng. Chàng suy nghĩ mãi làm sao cái bác “cu li xe kéo“ này không biết đường Général Bichot ở đâu mà cứ bảo chàng đừng lo, thế nào bác ấy cũng đưa chàng đến nơi đến chốn?
Bác “cu li xe“ chạy ba hồi bảy chập, loanh quanh các đường trong thành phố, rồi rốt cuộc, đến một ngã tư đại lộ, bác đặt gọng xe xuống lề đường, để Tuấn ngồi đấy. Bác chạy đến chỗ có hai ông “đội xếp “đứng gác đường, nói gì với họ. Một ông đội xếp tiến đến gần Tuấn:
- Cậu tìm phố nào?
- Dạ thưa ông, đường Général Bichot.
Ông đội xếp trố mắt nạt bác cu li:
- Bichot, tức là phố Cửa Ðông, không biết à?
Bác cu li khúm núm trả lời:
- Vâng, thưa thầy con biết ạ.
- Biết sao còn hỏi vớ vẩn?
Ông đội xếp bỏ đi. Bác cu li kéo Tuấn đến một đại lộ ngắn nhưng rộng lớn. Tuấn ngó lên tấm bảng xanh đề chữ trắng tên đường đóng trên lưng chừng một cột đèn điện nơi góc phố: “Avenue Général Bichot“. Tuấn mừng quýnh, tìm số nhà 27. Ðúng là nhà trọ của anh bạn của Tuấn. Tuấn hỏi phải trả bao nhiêu tiền xe, người bạn nói ngay:
- Từ ga xe hỏa về đây đúng tariff 3 xu.
Bác cu li không bằng lòng:
- Sao nại 3 xu? Tôi đưa cậu ấy đi chơi mát xuống tận mãi dưới Chợ Hôm, nên đến Yên Phụ rồi về đây, mà 3 xu nà thế nào?
Bạn Tuấn cãi nhau với bác ấy một lúc khá lâu, dĩ nhiên là bác cu li cãi bướng và dùng rất nhiều lời thô tục. Trẻ con hàng xóm, cả người lớn nữa, bu đến thật đông để nghe câu chuyện. Rốt cuộc bạn của Tuấn lấy trả cho bác ấy năm hào. Bác vứt tiền xuống đất quát lên:
- Chạy khắp 36 phố Hànội mà bố thí cho người ta dăm hào?
Tuấn sực nhớ có đọc trong tác phẩm của một văn hào Pháp chuyện một người Ba Tư tới Paris. Tuấn, cậu học trò ở tỉnh, lần đầu tiên đến Hà Nội, tay xách chiếc va li mây của nhà quê, đứng ngơ ngác trước đám đông người, y như chàng Ba Tư đến kinh đô Paris vậy…
Sau cùng người bạn phải trả cho bác cu li xe một đồng bạc y như lời bác ấy đòi.
CHƯƠNG 39
Hà Nội - 1927
- Lỗ đạn đại bác "Souvenir de 1882" trên thành Cửa Bắc.
- Các thắng cảnh. Hà-Nội so sánh tổng quát với Saigon
- Nhà cụ Ngô Ðức Kế ở Bạch Mai. Ðám táng cụ Ngô Ðức Kế.
- Sinh viên, học sinh. Báo chí.
- Toà soạn báo L Argus Indochinois, báo cách mạng của người Pháp chống thực dân Pháp, hô hào An Nam độc lập.
- Đảng Ðộc Lập An Nam
Tuấn quyết định để một tuần lễ, hoặc mười ngày, đi xem cho hết tất cả Hà Nội về tất cả mọi mặt, nhất là về phương diện lịch sử, phong tục, xã hội, văn hóa.
Tuấn nhờ một người bạn đồng hương, ở Hà Nội đã lâu học trường Cao đẳng Sư phạm, hướng dẫn Tuấn đi chơi khắp các phố phường nơi “nghìn năm văn vật“. Tuấn tự hứa sẽ tiếp tục lo học sau khi biết qua bộ mặt của kinh đô Thăng Long.
Một di tích làm cho Tuấn chú ý hơn cả ở đại lộ Carnot dọc theo bức thành Hà Nội cũ, kế cận Cửa Bắc đã bị bịt kín lại, có một lỗ thủng khá sâu và trên độ 5 tấc đường kính, ở phía trên có một tấm biển đồng đóng vào thành, chạm mấy chữ Pháp:
Souvenir de 1882
Vết lủng lớn bên trái cửa thành là do đạn đại bác của Pháp từ chiếc thuyền đậu trên sông Nhị Hà bắn vào thành lúc 5 giờ sáng ngày 8-3-1882, trước khi đổ bộ chiếm thành. Vua Tự Ðức phải ký hòa ước chịu để cho Pháp đô hộ toàn lãnh thổ “An Nam“ sau khi thất thủ Hà Nội, Tổng Ðốc Hoàng Diệu thắt cổ tự tử trong thành ngay sáng hôm đó.
Người Pháp giữ y nguyên Cửa Bắc và vết đại bác trên thành để làm kỷ niệm cuộc chiến thắng và đô hộ của họ. Phía dưới lỗ đại bác có gắn tấm đồng: SOUVENIR DE 1882
Tuấn hỏi người bạn:
- Nếu tôi nhớ không lầm thì năm 1882, hải quân Pháp của đại tá Henri Rivière đậu ngoài sông Hồng Hà bắn đại bác vào thành Cửa Bắc trong lúc quân Pháp đổ bộ lên chiếm Hà Nội. Tổng đốc Hoàng Diệu thấy thành Hà Nội bị thất thủ liền treo cổ tự tử, có lẽ người Pháp đóng tấm biểng đồng nơi đây là để kỷ niệm một viên đạn của Pháp đã làm thủng thành Cửa Bắc, và do đó mà thành Hà Nội bị thất thủ, và vua Tự Ðức phải ký hiệp ước nhìn nhận nước Pháp bảo hộ xứ Bắc kỳ. Tấm biểng bằng đồng đó, theo cảm nghĩ của Tuấn, là một cái nhục lớn cho nước Việt Nam và cho dân Việt Nam. Tuấn không hiểu sao cho đến năm 1927 người Pháp vẫn còn để y nguyên kỷ niệm ấy trên thành Cửa Bắc? Tại sao các báo và các nhà trí thức An nam ở Hà Nội không có lên tiếng yêu cầu viên Toàn Quyền Pháp cho gỡ tấm biểng ấy đi?
Có lẽ người Hà Nội thường qua lại trên đại lộ Carnot (tục gọi là phố Cửa Bắc) trông thấy tấm biểng đồng kia đã quen mắt rồi nên không còn cảm thấy chút sỉ nhục nào nữa chăng?
Tuấn ngắm tượng Paul Bert ở vườn hoa ở cạnh tòa Ðốc lý, tên Bờ Hồ, tượng “Bà Ðầm Xòe“ ở vườn hoa Cửa Nam, cũng như đài kỷ niệm trận vong chiến sĩ Pháp ở vườn hoa Puginier, chỉ thấy có mỹ thuật mà không thấy có gì là khêu gợi Quốc hận và Quốc sỉ như hai giòng chữ vắn tắt khắc trên tấm biểng đồng Cửa Bắc.
Phong cảnh thiên nhiên ở Hà Nội theo người bạn cho Tuấn biết thì nghìn năm không thay đổi. Chung quanh Bờ Hồ có vài chục cây dương liễu, từ trước đến giờ vẫn buông rủ những “màn tơ“ thơ mộng. Tháp Bút, cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn, vẫn là nơi gặp gỡ của những khách thừa lương, mà phần đông dĩ nhiên là những bạn trẻ.
Buổi chiều, từ khoảng 5-6 giờ, trên một khoảng đất trống trên Bờ Hồ sau ga “tàu điện“ (tramway), và đầu phố Cầu Gỗ, người ta bày la liệt những bàn vuông nho nhỏ để bán kem và kẹo dừa cho khách nhàn du. Bọn trẻ con chơi trên các bãi cỏ gần đấy thường hát một bài hát khôi hài, theo điệu một bài hát Tây rất được phổ biến trong dân gian hồi đó:
Mình ơi có đi Bờ Hồ
Cùng nhau chén kẹo kem dừa
Xin mình (là mình) đừng từ chối
Túi ta có mười đồng xanh
Cứ đi là đi mình nhé!
Nếu cô mình muốn sắm cái chi
Áo vàng, ô tây, bít tất phín, giầy cườm, ô đầm!
Tuy là bài hát của học sinh và trẻ em nhưng Tuấn vẫn thường nghe sinh viên vui mồm hát chơi luôn và cả người lớn nữa.
Cũng trên đường Francis Garnier dọc theo Bờ Hồ, gần hiệu sách Nam Kỳ, có một tiệm kem, rất đông khách, nơi hẹn hò của những đôi trai gái có chút ít tiền xốc-xếch trong túi. Ðây là hiệu kem đầu tiên bài trí “vui vẻ trẻ trung“ và cũng là tiệm kem độc nhất của cả thành phố Hà Nội.
Khác hơn Sàigon, Hà Nội có vẻ một thành phố văn hóa nhiều hơn, và không có những tiệm ăn ở khắp các ngã tư đường như ở Saigon. Cả Hà Nội chỉ có vài tiệm ăn sang trọng của Hoa Kiều ở phố Hàng Buồm, phố Hàng Long, bán toàn các món ăn Tàu. Tuấn chưa có lần nào bước chân vào đây vì lẽ không có tiền. Rải rác có những hàng phở ở các phố gần chợ, như phố Chợ Hôm, Ô Chợ Dừa v.v…
Ở Ô Chợ Dừa, có một tiệm con con chuyên bán thịt chó. Ở phố Hàng Cân có vài tiệm bán chả cá. Phố Hàng Nén có một tiệm phở đông khách nhất, là tiệm Nghi Xuân, đặc biệt có phở tái sách.
Sở dĩ Hà Nội có rất ít tiệm ăn vì người Hà Nội ít thích đi ăn tiệm. Cơm khách, tiệc tùng, đều đãi ở gia đình. Các món qùa vặt, ngoài các bữa ăn, đều mua của các gánh hàng rong, nhiều nhất là phở, mỗi tô 3 xu.
Sau khi Tuấn đến Hà Nội một vài hôm, Tuấn bảo một người bạn:
- Tôi muốn đi thăm cụ Ngô Ðức Kế. Anh biết địa chỉ của cụ không?
Bạn Tuấn biết, nhưng chưa đến thăm cụ lần nào, chỉ nghe danh cụ là bạn thân của cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng. Cụ có ở tù ở Côn Lôn với cụ Huỳnh, và sau khi được phóng thích về Hà Nội cụ mở tờ tạp chí Hữu Thanh.
Bạn Tuấn dắt Tuấn đi ngã tư Bạch Mai. Lên tàu điện từ đầu Bờ Hồ, mua mỗi vé 1 xu, Tuấn được bạn chỉ cho dọc đường đại lộ Francis-Garnier, Ðồng Khánh, Dốc Hàng Gà, Route de Huế (chợ Hôm) Ô-cầu đền rồi thẳng xuống ngã tư Trung Hiền, Bạch Mai, nơi cuối đường tàu điện. Nơi đây có nhà cụ Nghè Ngô Ðức Kế. Hai cậu học trò quê mùa thấy nhà Cụ đóng kín, đứng mãi một lúc ngoài hè, không dám gọi cửa.
Một lúc, một thiếu nữ đi chợ về, hỏi:
- Hai cậu tìm ai?
Tuấn đáp:
- Thưa cô, chúng tôi từ Trung kỳ ra Hà Nội học, muốn đến viếng cụ Nghè Ngô.
Thiếu nữ mặc y phục Bắc, đầu quấn vành khăn nhung đen, bỏ thòng xuống một đuôi tóc ngắn sau ót, áo cổ thấp, vạc dài đến quá đầu gối. Dĩ nhiên hai cậu học trò cũng mặc quần áo “An nam“ như hầu hết học sinh lúc bấy giờ. Thiếu nữ mở cửa:
- Mời hai cậu vào.
Nhà dưới trống trơn, không có người. Ði thẳng ra sau, cô đưa hai cậu học trò bước cầu thang lên gác. Vào cửa, cô bảo hai cậu ngồi ghế. Ðây là một chiếc bàn khách với bốn chiếc ghế. Trên tường treo bốn bức ảnh lồng kính : hai cụ Phan, cụ Huỳnh và cụ Ngô.
Hai cậu học trò nghe tiếng một ông già ho sù sụ ở phía sau bức bình phong. Cô thiếu nữ vào đấy một lát rồi trở ra khẽ bảo:
- Cụ tôi mệt, phải nằm nghỉ trên ghế xích đu, phía sau bình phong, mời hai cậu vào.
Tuấn và bạn Tuấn đi guốc nhè nhẹ, rón rén vào. Trông thấy một cụ già ốm yếu ngồi trên ghế xích đu bằng mây và đang ho, hai cậu cúi đầu chào:
- Lạy cụ ạ.
Cụ Ngô Đức Kế nói tiếng Nghệ An, rất yếu ớt:
- Mời hai cậu ngồi.
Có sẵn hai chiếc ghế kê sát tường.
Tuấn lễ phép:
- Thưa cụ, trước khi ra Hà Nội con có đến tòa báo Tiếng Dân thăm cụ Huỳnh Thúc Kháng. Cụ Huỳnh có trao con một bức thư để đưa lại cụ.
Tuấn lâý trong túi áo ra một phong thư có tên và địa chỉ báo Tiếng Dân in nơi góc trên, trao cụ Ngô. Cụ mở ra xem rồi nói:
- Cụ Huỳnh nhờ tôi viết bài cho báo Tiếng Dân, nhưng cụ không biết là dạo này tôi yếu lắm, viết lách gì được đâu.
Xong cụ Ngô hỏi han việc học hành của hai cậu khách trẻ tuổi, và có đôi lời khuyên bảo:
- Các cậu học theo tây học, nhưng nên nhớ rằng ta chỉ học theo cái hay của họ, mà đừng học theo cái dở. Học mà không trọng đạo đức và tinh thần ái quốc, như cái bọn Phạm Quỳnh, thì thà đừng học…
Nói bấy nhiêu đó, xem chừng cụ đã mệt, nên cụ không nói nữa. Cụ cúi đầu xuống ho một hồi lâu, trông rất đáng thương.
Hai cậu học trò kính cẩn cáo biệt, sau khi để lại địa chỉ cho cụ theo lời cụ bảo. Không ngờ hai hôm sau, cô thiếu nữ là cháu gọi cụ bằng bác, đến nhà hai cậu để tin cho biết cụ Ngô Đức Kế vừa từ trần. Ðám táng sẽ cử hành ngay chiều hôm đó theo lịnh của Sở Mật Thám bắt buộc.
Tuấn và bạn Tuấn vô cùng xúc động, liền nhờ bà chủ nhà trọ đi mua gấp dùm cho mấy thước vải trắng, hai cậu lấy một que tre lớn chấm vô bình mực viết trên vải mấy chữ:
” Khóc cụ Ngô Tập Xuyên“. Tập Xuyên là bút hiệu của cụ.
Phơi nắng vài giờ đã khô, hai cậu học trò cuốn tấm vải rôì đi Bạch Mai để kịp phúng điếu và đưa đám cụ. Theo cô cháu cụ cho biết thì sở Mật thám Pháp bắt buộc đám táng cụ phải cử hành lúc 5 giờ chiều hôm đó (cụ chết lúc 5 giờ sáng) nhưng lúc 3 giờ chiều hai cậu học trò đến nhà cụ thì được biết là đám táng đã đi lúc 2 giờ. Vì Mật thám đã trở lại lúc 12 giờ trưa, bắt buộc phải đổi thời khắc biểu, không cho phép cử hành lúc 5 giờ, sợ dân chúng đi đưa cụ đông đảo. Nghe bà u gìa nói lại thì đám táng của cụ Ngô chỉ có nhân viên mật thám đi đưa mà thôi, còn tất cả bạn bè thân thuộc đều không được phép đi theo quan tài cụ. Ba vòng hoa cườm được đem theo. Còn tất cả các vòng hoa tươi, và đôi liễn, trướng, đều phải để lại nhà.
Hai cậu học trò thất vọng và tức tối, chỉ được vào lạy bốn lạy trước bàn thờ của cụ rồi ra về.
Tuấn nghe các cụ đi phúng điếu nói với nhau rằng Mật Thám Pháp bắt buộc gia đình cụ Ngô Đức Kế phải tống táng cụ vội vàng, lúc 2 giờ thay vì 5 giờ như đã báo trước, là vì họ rút kinh nghiệm ở đám táng của cụ Lương Ngọc Can, cũng là một bậc lão Nho cách mạng trứ danh ở Bắc Hà, cùng một lớp với các cụ Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền, Ngô Đức Kế.
Một nhà lãnh đạo của Ðông Kinh Nghĩa Thục, bị kết án lập “hội kín“ mục đích phá rối cuộc trị an của nhà nước bảo hộ, cụ cử Lương Ngọc Can cũng bị tù đày, và mãn hạn tù về ở căn phố của cụ, bán tơ lụa phố Hàng Ðào (rue de la Soie). Vì cụ là một bậc bô lão cách mạng đã nổi tiếng, lại là một nhà nho uyên bác, một danh nhân có cốt cách quân tử, rất được dân chúng Hà thành kính phục, cho nên hôm cụ mệnh chung, cả thành phố Hà Nội đều xôn xao xúc động. Trong không khí cách mạng còn đang sôi nổi lúc bấy giờ, đám táng của cụ Lương Ngọc Can tự nhiên thành ra một đám táng lớn nhất nước, có cả hàng vạn người tham dự, nhất là sinh viên trường Cao đẳng Ðông Dương (Ðại học Hà Nội) và học sinh trường Trung Học Bảo Hộ, tục gọi là trường Bưởi (collège du Protectorat), trường Trung học Pháp Việt duy nhất của Hà Nội thời bấy giờ.
Tuy không được vĩ đại như đám táng của cụ Phan Chu Trinh ở Saigon mấy năm về trước, nhưng cụ Lương Ngọc Can cũng được đám táng cực kỳ long trọng, mà ý nghĩa chính trị và cách mạng là một thách đố đối với chính quyền Pháp, nhất là sở Mật thám Bắc kỳ.
Ai cũng biết rằng đám táng Lương Ngọc Can là một tượng trưng đúng hơn là một sự kiện lịch sử: ban tổ chức gồm những nhà cách mạng lão thành và những sinh viên ái quốc hăng hái nhất của trường Cao đẳng, muốn tỏ cho người Pháp thấy rằng mặc dầu ở dưới quyền cai trị của Bảo hộ Pháp, dân chúng Việt Nam vẫn sùng bái những nhà chí sĩ của họ, những bậc lão nho cách mạng đã bị Pháp kết án tù đày. Dĩ nhiên là người Pháp căm giận lắm và sở Mật thám Bắc kỳ tìm cách hăm dọa ban tổ chức sau khi đám táng đã xong.
Rút bài học kinh nghiệm đó, họ đã ngăn cản đám táng cụ Nghè Ngô Đức Kế không cho cử hành long trọng. Hơn nữa, họ túc trực ngay tại nhà cụ Ngô và làm xáo trộn hết chương trình các lễ nghi, không kịp để thì giờ cho những người đến phúng điếu. Họ truyền lịnh đem chôn cụ vội vàng, tức tốc, sau khi lịm xong, vào quan tài, và buộc con cháu cụ làm lễ phục tang nội buổi sáng ấy.
Cho nên lúc 3 giờ chiều, Tuấn đi với ba bạn học sinh quê quán miền Trung đến phúng điếu cụ, thì các cậu ngơ ngác bị một người lính mã tà ngồi gác cửa nhà cụ Nghè Ngô, cho biết đám táng đã đi từ lâu. Ba đứa bạn ở lại đây, còn Tuấn hỏi thăm, người ta chỉ đường, lật đật chạy đến mộ cụ. Tuấn tới trong lúc đã chôn xong. Ði đưa đám, trừ con cháu của cụ độ năm ba người chit khăn trắng và khóc nức nở, chỉ còn toàn là nhân viên sở Mật thám Bắc kỳ, người An nam, mặt mũi người nào cũng dữ tợn, đôi mắt như cú vọ đăm đăm ngó Tuấn. Nhưng Tuấn lì lợm, tự xét rằng mình đi đưa đám ma một ông cụ già, chớ không làm điều gì nên tội, nên cóc sợ.
Thanh niên học sinh thởi bấy giờ hiền lành lắm. Chỉ có đám sinh viên Cao đẳng là hăng hái mà thôi. Cả thành phố Hà Nội chỉ có một trường Trung học Bảo Hộ của Nhà Nước và trường Nữ Trung học đường Ðồng Khánh. Không kể trường Trung Học Pháp Lycée Albert Sarraut mà đại đa số là học sinh Pháp, còn học sinh An nam toàn là con nhà giàu và con các quan. Ngoài ra chỉ có hai Trung học tư thục An nam: “Thăng Long, Gia Long, và một trường Trung học tư thục Pháp, Lycée Hồng Bàng".
Còn thì toàn là các trường Tiểu học cả. Phải nói ngay rằng toàn thể các học đường ở Hà Nội cũng như ở các thành phố khác, đều có một kỷ luật rất nghiêm khắc.
Các trường tư cũng thế. Tất cả học trò đều lo chăm chỉ học hành, và luôn luôn giữ gìn hạnh kiểm rất đứng đắn . Phong trào “cao bồi“, “lưu manh“ chưa có. Ða số học sinh hãy còn mặc quốc phục: quần trắng, áo dài đen, mang guốc. Số học sinh mặc âu phục cũng bắt đầu khá đông, nhưng hầu hết là mặc nguyên bộ costume, áo veste, đeo cravate, chớ không bao giờ mặc áo sơ mi trần. Lý do là theo phong tục người Bắc, ra đường phải y phục chỉnh tề. không thể cẩu thả được. Cũng vì lý do ấy, các trẻ em thiếu niên 9, 10 tuổi ra phố cũng mặc áo dài. Thiếu nữ không bao giờ được mặc áo cánh, áo cụt, áo “bà ba“ kiểu Saigon, dù là con nhà lao động nghèo khó.
Trò Tuấn mặc âu phục loại vải rẻ tiền, và tiếp tục học thi tú tài Pháp (Baccalauréat metropolitain. Gọi tắc là: Bac Métro). Trò học thêm Anh ngữ trong quyển sách Anh ngữ tự học dạy bằng tiếng Pháp "L’ Anglais Sans Maitre“ hơn 30 bài, của giáo sư Xavier de Bouge. Học trong 6 tháng, chuyên cần mỗi ngày 2 tiếng đồng hồ là có thể viết được thông thạo, đọc được, nói được tiếng Anh.
Ngoài ra, Tuấn được giới thiệu với hiệu sách Nam Ðồng thư xã, ở góc phố Hàng Bồ (rue des Paniers) kế rạp chớp bóng Ciné Moderne. Hiệu sách này là một căn phố hẹp chuyên bán sách Quốc ngữ về các loại Lịch sử và Chính trị. Sách mỏng, bìa mỏng đủ các màu và bán rất chạy.
Tuấn mua nơi đây những cuốn sách được dân chúng nhất là những thanh niên học sinh và sinh viên hoan nghênh nhất thời bấy giờ. Sách của Nam Ðồng thư xã được phổ biến sâu rộng về các nhân vật của Lịch sử Cách mạng Trung Hoa Quốc Dân Ðảng, dịch trong các sách Tầu xuất bản ở Thượng Hải như : Hồng Tú Toàn, Tam Dân chủ nghĩa, Tôn Trung Sơn, Trình Dục Tú, Hồng Hiên đế chế, Ẩm băng của Lương Khải Siêu, Mã Chiếm Sơn; Tưởng Giới THạch, Lịch sử Hoàng Hoa Cương v.v…
Nhiều câu thơ Tàu, dịch ra thơ Việt. Có tính chất cách mạng, được thanh niên An nam học thuộc lòng, như bốn câu thơ in trên bìa Trịnh Dục Tú:
Chàng như mây mùa Thu,
Thiếp như khói trong lò
Cao thấp tuy có khác,
Một thả cùng tuyệt vời.
Có thể nói rằng thanh niên của thế hệ 1927 rất ham đọc những sách của nhà xuất bản Nam đồng thư xã, và hầu hết đều tiêm nhiễm tư tưởng chính trị và cách mạng của Trung Hoa Quốc Dân Ðảng.
Song song với việc học tiếp tục chương trình “tú tài Tây“, Tuấn tìm đọc vồn vập lấy, như khao khát thèm thuồng, các sách của Nam Ðồng thư xã, Hà Nội, chuyên về chính trị và cách mạng do lớp trí thức đàn anh viết, hoặc dịch ra. Ðồng thời, các sách của Quan Hải Tùng Thư ở Huế, và của Nữ Lưu thư quán ở Gò Công (Nam kỳ), đều được các thanh niên học sinh, như Tuấn, dùng lam sách để đầu giường.
Ba loại sách khác hẳn nhau về nội dung cũng như hình thức, nhưng tựu trung vẫn đào tạo cho thanh niên một tinh thần cách mạng, và bồi dưỡng lòng ái quốc hăng say.
Loại sách Nam Đồng Thư xã của Nhượng Tống phần nhiều là dịch thuật theo các sách cách mạng của Trung hoa dân quốc. Sách Quan Hải tùng thư của Ðào Duy Anh và Trần thị Như Mân chuyễn dịch, hoặc biên soạn sơ lược, về đại cương các vấn đề phổ thông, về chính trị kinh tế, lịch sử, theo các tác giả Tây phương.
Loại sách này, có lợi ích cho sự giáo hóa chánh trị, được các học sinh Trung Kỳ và Bắc Kỳ hoan nghênh nhiều hơn. Trái lại, sách của Nữ Lưu thư quán ở Gò Công mỗi tháng xuất bản hai quyển, bìa vàng in chữ đỏ, do cô Phan thị Bạch Vân và một nhóm chủ trương, được bán ở Nam Kỳ chạy hơn ở Trung và Bắc. Ðây là loại sách mỏng khuôn khổ một tờ giấy báo gấp thành 32 trang, và hoàn toàn sáng tác về những đề taì chính trị và cách mạng. Ngoài ba loại sách kể trên, thanh niên học sinh còn ham đọc các báo chính trị như:
- L’Argus Indochinois (Pháp văn) do ông Amédée Clémenti xuất bản ở Hànội.
- Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng ở Huế.
- La Cloche Fêlée (Pháp văn) của Nguyễn An Ninh ở Saigon.
Ðó là ba tờ báo nổi danh nhất và được giới thanh niên học sinh “có đầu óc“ và một số sinh viên trường Cao đẳng Hà Nội ham thích nhất.
Nhưng lần đầu tiên, Tuấn bị một thất vọng chua-chát trong lúc tuổi trẻ còn những nhận xét trong trắng, ngây thơ. Vốn là độc giả trung thành từ lâu của tờ báo L’ Argus Indochinois, từ lúc còn là một cậu học trò lớp Ðệ Tam Niên ở “Collège de Quy Nhơn“ Tuấn bây giờ học ở Hà Nội, tìm đến toà báo L’Argus Indochinois ở số nhà 12 đường Doudart-de-Lagrée, người Việt gọi là phố Hàm Long. Chàng đến đây có hai mục đích: để trả tiền mua tiếp tục 1 năm báo, và để được “yết kiến“ ông chủ nhiệm Amédée Clementi mà chàng vẫn tôn kính và khâm phục những bài báo hăng hái đòi độc lập cho nước An nam, và kịch liệt công kích chính sách thuộc địa Pháp ở Ðông Dương.
Sở Mật Thám Pháp ở Hà Nội ghét ông ấy lắm . Ðáng phục hơn nữa vì ông là người Pháp, mà ông viết bài chửi Pháp và bênh vực ngươì An nam còn mạnh hơn người An nam nữa.
Tuấn đến nơi cổng số 12 đường Doudard de Lagrée thấy cổng cài then, đóng chặt. Nếu không có tấm bảng bắt ngang qua hai trụ ngõ, thì Tuấn không thể biết đó là toà báo. Trên bảng được ghi bằng những nét đậm mấy giòng chữ sau đây:
L’Argus Indochinois
Journal de combat contre l’injustice et l’oppression.
Directeur: AmédéeClémenti.
(Minh Trĩ Ðông Dương, tờ báo chống bất công và áp bức)
Trên trụ cổng bên phải, lại còn có đóng chặt một tấm bảng quảng cáo như sau đây:
L’argus Indochinois est un journal d’opposition, car il crie: Vive l’ Indochine!
(Minh Trĩ Ðông Dương là một tờ báo đối lập, vì nó kêu lên: Ðông Dương vạn tuế!)
Tuấn bấm chuông điện. Một lúc lâu, một u già đủng đỉnh ra mở cổng. Tuấn vào sân. U già bảo: “Muốn gặp ông chủ thì cậu cứ đi lên gác. Ði vòng ngã sau có cầu thang“.
Tuấn hơi lo lo… Ai mà chả lo khi tìm đến “yết kiến“ ông chủ nhiệm một tờ báo lớn, lại là tờ báo cách mạng, của một ông Tây mà trí thức toàn quốc ai cũng kính phục?
Tuấn rón rén bước lên cầu thang, mong đừng có ai nghe tiếng bước của chàng. Chàng gõ cửa phòng đang được khép kín. Có tiếng đàn bà từ trong nói vọng ra:
- Entrez! (mời vào)
Tuấn khẽ mở cánh cửa ra, thấy một ông Tây đang nằm hút thuốc phiện và một người đàn bà An nam trẻ đẹp ngồi bên cạnh. Tuấn hết sức ngạc nhiên, và bỡ ngỡ chưa biết là ai, nhưng cũng lễ phép cúi đầu chào. Người đàn bà An nam nhã nhặn đáp lễ rồi hỏi bằng tiếng Pháp - một tiếng Pháp rất lưu loát, giọng nói rất hay, tuy là giọng Bắc:
- Anh đến có mục đích gì?
Tuấn cũng trả lời bằng tiếng Pháp. Và từ đây câu chuyện toàn bằng tiếng Pháp giữa ông Tây, người đàn bà An nam kia và Tuấn:
- Thưa bà, tôi đến mua tiếp một năm báo (Tuấn móc túi lấy tiền đưa cho bà)
- À ra thế?
Bà nhận tiền và nói tiếp:
- Ðể tôi sẽ viết biên lai ngay bây giờ cho anh. Anh chờ một phút.
Ông Tây nằm cạnh bàn đèn thuốc phiện, ngó Tuấn:
- Ðộc giả trung thành mua báo L’Argus Indochinois và trả tiền song phẳng như anh, thật là hiếm lắm. Có khi chúng tôi gửi liên tiếp ba lá thư nhắc nhở, họ mới chịu mua bưu phiếu gửi cho chúng tôi.
Người đàn bà An nam tiếp lời :
- Vì thế nên chồng tôi chán lắm, nhiều khi muốn giải nghệ. Làm báo ở Ðông Dương là một nghề rất bạc bẽo. Cũng may là có tôi ở đây để lên giây tinh thần cho nhà tôi (Ðúng câu của bà: Heureusement que je suis là pour remonter le moral de mon mari).
Trong lúc ông chồng Pháp tiếp tục hút thuốc phiện, bà vợ An nam trẻ đẹp đứng dậy, lại bàn ngồi viết. Xong bà trao cho Tuấn một tấm biên lai nhận tiền mua báo 12 tháng, với tên ký rất đẹp: ”Mme Amédée Clémenti“.
Bấy giờ Tuấn mới biết chắc rằng ông Tây nghiền á-phiện đích là Amédée Clémenti, và người đàn bà An nam nói tiếng Tây giỏi kia là vợ chính thức của ông.
Tuấn rất phục bà vợ, nhưng rất thất vọng về ông chồng. Một nhà báo Pháp cự phách, thần tượng cả một thế hệ thanh niên cách mạng An nam, lại là một dân nghiện thuốc phiện đáng khinh.
Từ thuở bé, Tuấn đã ghê tởm những người nghiện thuốc phiện. Nguyên nhân là ở ngay trong làng của Tuấn có một người chú họ làm nghề buôn quế, thường đi tỉnh này tỉnh nọ, mà Tuấn rất ghét và luôn luôn xa lánh vì người ấy nghiện thuốc phiện lại còn đau bịnh “tim la“. Mỗi lần về quê nghỉ hè. Tuấn đi dạo chơi trong xóm, hễ trông thấy “ông nghiền “ấy chỗ nào là Tuấn tránh đi chỗ khác. Cho nên Tuấn có thành kiến thực là ngây thơ rằng chỉ hạng người bần tiện, những kẻ ăn chơi, đĩ điếm, bọn thất học mới ghiền thuốc phiện.
Không ngờ ông chủ nhiệm L’Argus Indochinois, một nhà cách mạng Pháp, tranh đấu không ngừng cho nền độc lập của Việt Nam, một người mà Tuấn rất kính phục, tôn sùng mỗi khi đọc những bài xã luận đanh thép trên tờ báo Pháp văn của ông, người ấy, hôm nay chính mắt Tuấn trông thấy, lại là một tên nghiền thuốc phiện như người chú đau tim la ở nhà quê.
Ôi, Tuấn thất vọng xiết bao!
Dĩ nhiên là cảm tình của Tuấn đối với ông Amédée Clémenti bị sút đi nhiều, và Tuấn cứ thắc mắc về cá nhân của nhà báo cách mạng ấy. Trẻ tuổi và ngây thơ, Tuấn cứ tưởng rằng một người làm cách mạng, có những tư tưởng siêu việt tất nhiên là một người hoàn toàn đáng kính đáng quý, một vĩ nhân siêu quần bạt chúng.
Tuy nhiên Tuấn vãn tiếp tục đọc tờ báo L’ Argus Indochinois. Nhờ đó mà Tuấn hấp thụ được rất nhiều tư tưởng mạnh mẽ, trong sạch, cao siêu, về chính trị, về cuộc tranh đấu chống bất công và áp bức, chống chủ nghĩa thực dân. Tuấn quí tờ báo đó cho đến nổi mỗi tuần nhận được nó, vào lúc 8 giờ sáng mỗi ngày thứ tư, do người phát thư Chà Và của nhà Bưu điện đưa đến tận nhà là Tuấn bỏ buổi học, nằm nhà đọc nghiền ngẫm cho hết bốn trang báo lớn. Cái đặc điểm của báo L’ Argus Indochinois là in trên giấy satiné xanh, trong lúc tất cả các tờ báo khác đều in trên giấy trắng.
Mỗi năm xuất bản một lần, và số nào cũng đăng toàn những bài cách mạng chửi Tây kịch liệt, công kích chính sách thực dân Pháp thậm tệ, và luôn luôn hăng hái hô hào cho An nam độc lập. Có một số báo đăng kín cả 8 cột trang nhất một bài dài của ông Amédée Clémenti, nhan đề là “Le Parti de l’Indépendance Annamite” (đảng Ðộc Lập An nam). Trong bài ấy, ông chủ nhiệm kiêm chủ bút người Pháp đưa ra đề nghị thành lập một chính phủ Ðộc Lập An nam với những nhân vật sau đây:
- Tổng Thống: Phan Bội Châu
- Thủ tướng: Huỳnh Thúc Kháng
- Và các bộ trưởng: Dương Bá Trạc, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh, Phan Văn Trường v.v…
Toàn là những nhà cách mạng Việt Nam, danh tiếng nhất lúc bấy giờ.
Bài báo đó, làm xôn xao dư luận các giới trí thức và sinh viên cả Tây lẫn Nam, không những ở Hà Nội, mà cả ở Huế và Saigon. Sau đó, xẩy ra hai vụ khíến báo L’ Argus Indochinois càng quyết liệt đã kích phủ Toàn Quyền, phủ Thống Sứ và ty Mật Thám Bắc Kỳ.
Vụ thứ nhất là đêm thứ bảy tuần đó có người lẻn đến dán trên cổng tòa báo một tờ “cảnh cáo“ của một bọn người vô danh tự xưng là “nhóm người ái quốc“ hăm giết Amédée Clémenti.
Ông chủ nhiệm báo L’ Argus Indochinois, làm bản kẽm tờ “cảnh cáo ấy“ đăng lên báo, và nhất quyết rằng tác giả mạo danh “một nhóm người ái quốc“ không ai khác hơn là viên Chánh Mật Thám Bắc Kỳ với sự đồng lõa của Phủ Toàn Quyền và Phủ Thống Sứ.
Vụ thứ hai, là một buổi sáng thứ bảy, ông Amédée Clémenti được tin đêm hôm trước người chef typo (cai ê-kíp thợ sắp chữ) của báo L’Argus Indochonois bị mẹ mìn dụ dỗ đem đi mất tích. Ông Clémenti loan tin ấy trên báo của ông, và cũng quả quyết rằng “tên mẹ mìn“ ấy không ai xa lạ hơn là Chánh Mật Thám Bắc kỳ.
Nên nói thêm rằng lúc bấy giờ Hà Nội đang xôn xao về phong trào “mẹ mìn”. Mẹ mìn là những con mẹ đàn bà bình dân, đi lang thang các phố và dùng một thứ bùa ngải bí mật gì đó làm mê những người đi đường, khiến những ngươì này đi theo họ. Ðó là một hình thức bắt cóc bằng bùa ngải. Thường thường mẹ mìn hay bắt người lao động đem bán cho các “Hội Ðồn Ðiền Cao Su và Hầm Mỏ“ Pháp để các Hội này chở họ qua Tân Thế Giới dùng làm nhân công rẻ tiền.
Nguyên nhân phong trào mẹ mìn, theo dư luận các giới cách mạng An nam là người Pháp mộ phu đồn điền khó khăn lắm, vì bị đi làm phu đồn điền (các đồn điền cao su của Pháp ở Nam Kỳ), không khác nào bị đi đày khổ sai chung thân vậy. Ðó chỉ là một luồng dư luận ở Bắc Kỳ. Thỉnh thoảng mẹ mìn cũng bắt trẻ con đem đi bán ở nơi xa. Nhưng chưa ai nghe mẹ mìn bắt đàn bà con gái.
Phong trào mẹ mìn chỉ sôi nổi một dạo, rồi dần dần biến biến mất vì một số “mẹ mìn“ đã bị “lính mã tà“, tức là lính mật thám theo rõi, bắt được quả tang, và bị tù.
Ðặc biệt về vụ anh cai thợ sắp chữ của báo L’ Argus Indochinois, thì dư luận cho rằng anh ta bị lính mật thám bắt, rồi phao tin là bị mẹ mìn. Có lẽ anh bị mật thám bắc cóc để điều tra về tờ báo L’ Argus Indochinois và ông Amédée Clementi.
Nhưng tờ báo này vẫn tiếp tục ra đều đều mỗi tuần, không bị lôi thôi hay thiệt hại gì cả.
Tuấn để dành báo L’ Argus Indochinois trọn bộ, không mất một tờ. Vẫn để các bạn bè truyền tay nhau xem, nhưng rồi Tuấn cũng cố đòi lại cho kỳ được, để giử đủ số. Nghỉ hè, Tuấn dồn hết mấy chồng báo ấy vào va li đem về quê, giấu kín trong cái rương lớn của gia đình, rương này mẹ của Tuấn dùng để cất những vật được coi như quí giá: tiền bạc, đồ đồng, đồ vàng, quần áo đắt tiền v.v…
Tuấn yên chí rằng cất mấy chồng báo L’ Argus Indochinois cũ trong cái rương rộng lớn và đóng kín này, thì chắc chắn không bao giờ mất được, để ngày sau, khi Tuấn lớn lên, sẽ coi lại và sẽ dùng làm tài liệu lịch sử.
Ba năm sau, Tuấn đang học ở Hà Nội, được giây thép trong nhà gởỉ ra báo tin cha của chàng qua đời. Tuấn vội vàng về quê. Ðến nhà thì gặp ngay lúc người ta đang liệm xác cha. Mẹ chàng vô tình đã lấy tất cả chồng báo L’Argus trong rương, trên 200 tờ, đưa hết cho mấy người dân làng dùng lót trong quan tài và đệm hai bên để cha chàng được nằm “chặc chẽ ấm cúng“ trong hòm.
Trông thấy thế, Tuấn không dám phản đối. Nhưng, trong lúc chàng đau đớn khóc cha, gục đầu trên nắp quan tài, chàng khóc luôn cả 200 tờ báo quý của chàng sẽ bị chôn vùi với cha và sẽ mục nát thành ra đất bụi.
CHƯƠNG 40 -
1927 - 1930
- Thế hệ Nguyễn Thái Học.
- Sách báo cách mạng của Việt Nam Quốc Dân Ðảng.
- 9-2-1929, chiều 30 Tết, tiếng súng lục nổ ở đường Chợ Hôm, giết chết Tây René Bazin
- Léon-Sanh ở tòa báo L Ami du Peuple Indochinois.
- V.N.Q.D.Ð. khởi nghĩa.
Thế hệ sinh viên và học sinh Việt-Nam từ ngày cụ Phan Bội Châu về nước, năm 1925, đến ngày khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Ðảng, năm 1930, có thể gọi là thế hệ Nguyễn Thái Học. Mặc dù Tuấn hãy còn là một cậu học sinh quê mùa ngây ngô, nhưng chàng đã bắt đầu lớn lên trong thế hệ đó nên đã chịu rất nhiều ảnh hưởng của các trào lưu ái quốc đang ngấm ngầm xáo trộn các từng lớp tuổi trẻ, hoặc đã vùng dậy, đã bùng lên, trong các lớp đàn anh.
Tuy đa số học sinh, sinh viên chăm lo học hành, chỉ cốt thi đậu ra “làm việc Nhà Nước“, lánh xa các phong trào cách mạng, hầu hết là bí mật, nhưng những phần tử thanh niên được tiêm nhiễm tư tưởng ái quốc đã biết kết hợp lại với nhau mặc dù không tổ chức và thiếu người dẫn dắt. Mạnh nhất và sâu đậm nhất là ảnh hưởng của văn hóa và lịch sử. Hầu hết lớp thanh niên Trung Học ấy đều nghiền ngẫm say sưa các triết học Pháp của thế kỷ XVIII, J.J Rousseau, Montesquieu, Voltaire mà các nhà cách mạng lão thành Việt Nam thường nhắc đi nhắc lại hằng trăm nghìn lần bằng những danh từ phiên âm theo Hán Tự: Lư Thoa, Mạnh Ðức Tư Cưu.
Thanh niên học sinh cũng ưa học lịch sử cách mạng Pháp từ 1789 đến triều đại Napoléon, mà họ say mê những giai thoại hấp dẫn nhất: cuộc đánh ngục Bastille, các cuộc biểu tình của dân chúng Paris, xử tử vua Louis XVI và hoàng hậu Marie Antoinette, các trận chiến thắng vẻ vang của Bonaparte, v.v…
Thanh niên học sinh của thế hệ Nguyễn Thái Học còn ham đọc lịch sử cuộc chiến đấu dành độc lập của nhân dân Hoa Kỳ. cũng như tiểu sử của George Washington, lịch sử cuộc cách mạng Trung Hoa 1911 do Tôn Dật Tiên cầm đầu, các tác phẩm của nhà học giả cách mạng Lương Khải Siêu, nhất là quyển: “Ẩm băng “lịch sử nước Nhật từ đời vua Minh Trị đến chiến tranh Nhật Nga 1904-1905, và cuộc chiến thắng vẻ vang của Nhật tại eo biển Tsushima.
Ngoài ra, các loại sách mỏng, bán với giá bình dân, bằng quốc ngữ, của Nam Ðồng Thư Xã, Hà Nội, của Nữ Lưu thư quán, Gò Công, của Quan Hải Tùng Thư, Huế, các báo cách mạng tích cực bằng Pháp văn ở Saigon, do những thanh niên trí thức cách mạng chủ trương, lừng lẫy tiếng tăm, như La Jeune Indochine, của Vũ Đình Duy, La Cloche Fêlée của Nguyễn An Ninh, L’ Echo Annamite của Nguyễn Phan Long, La Lutte của Tạ Thu Thâu, cả tờ La Tribune Indochinoise của Bùi Quang Chiêu, chủ tịch “đảng Lập Hiến Ðông Dương“., và sau nữa là tờ L’ Argus Indochinois của Amédée Clémenti, ở Hà Nội, đã tạo ra một không khí sôi nổi trong các giới trí thức thượng lưu và trung lưu, nhất là giới thanh niên trí thức cách mạng ở hai đô thị lớn ở Hà Nội và Saigon, hai thủ đô hành chánh và chánh trị của Ðông Dương.
Bỗng nhiên, giữa không khí náo nhiệt ấy, nổ lên một tiếng súng lục càng làm cho tình hình xao động thêm lẹn. Tiếng súng nổ chiều ngày 30 Tết, tức là ngày 9-2-1929, tại Route de Huế, (phố chợ Hôm) ở ngoại ô Hà Nội, cùng một lúc với vài tràng pháo tất niên lẻ tẻ trong thành phố.
Ngay tối hôm đó, trong đêm Giao thừa Xuân Kỷ Tị, Tuấn nghe vài bạn thầm thì cho biết dư luận đồn rằng hình như kẻ bắn mấy phát súng lục hồi 5 giờ 30 chiều ở phố chợ Hôm là một chàng thanh niên độ 18, 19 tuổi, khá đẹp trai, và nạn nhân đã chết tại chỗ là một người Pháp tên là René Bazin, có người vợ An nam đẹp lắm. Dư luận cho rằng đây chỉ là “cuộc án mạng vì tình“ và có lẽ vì dành nhau cô “me tây“ kia mà chàng thanh niên An nam bắn chết ông Tây Bazin. Chàng thanh niên có lẽ con nhà giàu và “vào dân Tây“ cho nên mới có súng lục.
Nhưng Tết xong, một tháng sau, lại có dư luận trong giới sinh viên, học sinh đồn rằng, thủ phạm đã bị Mật thám bắt, là một học sinh An nam của trường Trung Học Pháp (Lycée Albert Sarraut) đã đỗ tú tài 1, tên là Léon Sanh. Nạn nhân, René Bazin, là chủ sở mộ phu đồn điền, nhà ở phố chợ Hôm, ngay nơi xảy ra án mạng bằng súng lục.
Hắn là một tên thực dân Pháp bị nhiều người An nam thù ghét vì hắn chuyên môn bốc lột những dân nghèo ở thôn quê Bắc kỳ, lừa gạt bắt họ ký giao kèo đi làm các đồn điền tư-bản ở “Tân thế giới “bằng một gía tiền rẻ mạt. Sự thực, không phải đi Tân Thế Giới, mà là Tân Ðảo, Nouvelle Calédonie một đảo lớn của Úc châu, và thuộc địa Pháp.
Sau đó vài tháng, Tuấn được biết rõ hơn một tin rất quan trọng: Léon Sanh là con trai cụ Cả Mộc, một bậc nữ lưu trí thức có danh tiếng ở Hà thành, hội trưởng một hội Dưỡng nhi ở phố Sinh Từ, và vụ ám sát René Bazin có dính líu với Việt Nam Quốc Dân Ðảng, của anh Nguyễn Thái Học.
Lúc bấy giờ giới học sinh Hà Nội “có đầu óc cách mạng“ thường gọi Nguyễn Thái Học bằng anh, vì anh là sinh viên Cao đẳng Thương Mại. Anh đã 27 tuổi, Việt Nam Quốc Dân Ðảng hãy còn là một đảng bí mật.
Léon Sanh bị giam mấy tháng rồi được trả tự do vì không có một bằng chứng cụ thể nào tỏ rằng anh là thủ phạm. Sau đó anh ta vào làm ký giả ở một nhật báo Pháp, L’Ami du Peuple Indochinois của ông Tây Michel.
Mặc dầu Léon Sanh được sở Mật thám trả tự do, vụ Léon Sanh vẫn tiếp tục gây xúc động mãnh liệt trong giời sinh viên học sinh.
Tuấn có đến tòa báo L’ Ami du Peuple Indochinois để hỏi thăm Léon Sanh. Tuấn muốn biết mặt người bạn thanh niên ấy và hỏi về các chi tiết tong vụ anh ta bị bắt, bị giam như thế nào. Nhưng Tuấn không gặp anh ta.
Không khí Hà Nội sau vụ ám sát Bazin, rất là nghẹt thở. Bộ mặt của thành phố ban ngày vẫn hoạt động như thường lệ, nhưng ban đêm có vẻ lặng lẽ bí mật.
Suốt cả năm 1929, dân Hà Nội đã có cảm giác rằng có một biến cố gì trầm trọng sắp sửa xảy ra.
Ðồng thời, Chánh phủ thuộc địa Ðông Dương (gồm 5 xứ: Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ, Ai lao, Cao miên), bị các báo Pháp ngữ của các thanh niên cách mạng Saigon tấn công và đả kích hăng hơn lúc nào hết.
Hà Nội thì lặng lẽ. Báo chí An nam ở Hà Nội không sôi động như Saigon, nhưng có những hăm dọa ngấm ngầm và trầm trọng, nguy hiểm hơn đối với chính quyền thuộc địa.
Cái Tết năm Canh Ngọ (1930) vẫn tưng bừng vui vẻ trên khắp lãnh thổ Việt Nam như mọi năm. Phong trào cách mạng sôi nổi do vụ án cụ Phan Bội Châu, tại Hà Nội, các cuộc diễn thuyết của cụ Phan Chu Trinh ở Saigon, và sau đó, cái chết và đám tang của cụ, chỉ còn lại một dư luận yếu ớt trong lòng người dân nước Việt. Tuy vài ba tờ báo cách mạng ở Saigon vẫn tiếp tục tung ra những luận điệu hăng say, gây hấn đối với chánh quyền Pháp ở Ðông Dương, nhưng thật ra chỉ có ảnh hưởng phần nào trong một vài giới trí thức trung lưu và vài giới học sinh Trung học mà thôi. Còn đại đa số đồng bào từ Bắc chí Nam, đều thờ ơ, hưởng thụ cảnh thanh bình mà bề ngoài vẫn có vẻ “quốc thái dân an“. Không khí chánh trị đã trở lại hầu như êm dịu.
Ngay ở Hà Nội, dân chúng “ăn Tết “năm Canh Ngọ với đủ những nghi lễ và tập tục cổ truyền hân hoan, ấm cúng, hỷ lạc trong những tràng pháo rộn rã khắp mấy ngày xuân.
Phần đông, có thể nói là gần hết, học sinh ở các tỉnh Bắc kỳ, cũng như ở Trung kỳ và Nam kỳ ra trọ học ở Hà Nội, đều theo thường lệ trở về ăn Tết ở quê nhà. Ðáng lẽ Tuấn cũng đã về miền Trung, nhưng đặc biệt năm nay Tuấn và một ít bạn sinh viên đồng chí ở lại ăn Tết ở Hà thành. Nhóm học sinh này không phải cố tình ở lại để hưởng cái hương vị mấy ngày xuân của đất Bắc, nhưng vì họ đã biết tin bí mật sắp có “đại sự“ ở toàn lãnh thổ Bắc kỳ trong dịp Tết Canh Ngọ.
Cho nên lòng Tuấn nôn nao, cùng với các bạn chờ đón những tin ghê gớm trong mấy ngày tân niên ở Hà Nội. Ðã có liên lạc với anh Hồ Văn Mịch, sinh viên Cao đẳng Thương Mại, bạn thân của anh Nguyễn Thái Học, và cũng là đảng viên Việt Nam Quốc Dân Ðảng, phụ trách về tuyên truyền và thanh niên học sinh, nhóm “Học sinh cách mạng“ của Tuấn thưởng Xuân trong một không khí hồi hợp chờ đợi.
Tuấn năm ấy mới 18 tuổi và các đứa bạn “bí mật “của Tuấn cũng chưa ai quá 20. Lần đầu tiên tham gia vào vài ba việc mạo hiểm ghê sợ, tuy không quan trọng, nhóm học sinh này, nói đúng ra, chỉ có hăng say với lý tưởng cách mạng mà thôi, chứ chưa có một chút kinh nghiệm nào cả, và cũng chưa được huấn luyện đầy đủ trong vai trò đảng viên “hội kín“.
Phần nhiều những gì Tuấn biết với nhóm bạn ấy đều là những tin không chắc chắn, và sự kiện xẩy ra sau đó thường không đúng với sự chờ mong trong hồi hộp lo âu.
Chiều 30 tháng Chạp, có tin đúng ngày Mồng Một Tết sẽ có cuộc khởi nghĩa ngay ở thành phố Hà Nội, nhưng rốt cuộc không có gì cả. Có điều Tuấn và mấy người bạn ở trên căn gác nhà trọ đường Général Bichot, để ý thấy lần đầu tiên vài tốp lính Tây cưỡi ngựa đi tuần phòng các phố Cửa Ðông, Bichot Henri d’Orléans, hàng Da, hàng Cót, v.v… Nhưng đêm Giao Thừa chỉ có tiếng pháo nổ khắp nơi… Tuấn lạnh người, tưởng như tiếng súng.
Sáng Mồng Một thành phố vắng cho đến 9 giờ mới thấy lác đác những nhóm người y phục ngày Tết, nét mặt tười cười, hoặc trịnh trọng đi “chúc mừng năm mới“ các nhà thân thuộc Tuấn không thấy lính Tây cưỡi ngựa đi tuần phòng các phố nữa.
Thế rôì 3 ngày Tết trôi qua… chỉ còn lại những xác pháo ngập vỉa hè.
Bỗng đùng một cái, như tiếng sét đánh, sáng ngày 11 tháng Giêng, tin truyền khắp Hà Nội rằng lúc khuya (đêm 9-2-1930) quân của Việt Nam Quốc Dân Ðảng đã đánh Yên Bái, Phú Thọ, Lâm Thao, cũng khời nghĩa đêm ấy. Người chỉ huy là anh Nguyễn Khắc Nhu. Lại có tin là anh Phó Đức Chính. Tuấn chạy đến người bạn học Cao đẳng Y Khoa, ở căn lầu 77C đường Maréchal Pétain, gần bờ sông. Anh này mĩm cười kéo Tuấn nằm xuống chiếc chiếu trên sàn gác. Ðôi bạn trẻ đồng chí nói thì thầm cả buổi sáng.
Thành phố Hà Nội hình như vẫn rộn rịp theo nhịp sống hàng ngày, tổng quát không có gì thay đổi, nhưng lính Tây và lính tập đi tuần phòng đông hơn mọi khi. Từ ngày ấy, bộ mặt Hànội đã khác thường, đâu đâu dân chúng cũng xầm xì bàn tán về vụ khởỉ nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Ðảng. Quân của VNQDÐ tiếp tục đánh nhiều nơi, cuộc Tổng Khởi Nghĩa đã nổ bùng ở từng khu.
Nguyễn khắc Nhu đánh Yên Báy, Lâm Thao, Nguyễn Thái Học đánh Bắc Ninh, Ðập Cầu, Hải Dương. Vũ Văn Giản (tức Vũ Hồng Khanh) đánh Kiến An. Nhiều nơi khác như Hưng Hóa, Sơn Tây, cũng đã nổ súng.
Dân chúng lúc bấy giờ không dám gọi công khai là “khởi nghĩa“ mà gọi là “nổi loạn“. Tuy cuộc dấy binh của Việt Nam Quốc Dân Ðảng đã nổ bùng ra khắp Bắc Kỳ, các báo Hà Nôị vẫn đăng tin sơ sài của Phủ Toàn Quyền Pháp gọi là “đảng kín nổi loạn một vài nơi“. Dân chúng đọc báo bàn tán thì thầm, không dám có một phản ứng công khai nào cả.
Trong các gia đình, câu chuyện “Việt Nam Quốc Dân Ðảng“ nổi loạn, và các tin đồn phần nhiều là bất lợi cho cách mạng, đều được “bảo khẽ” lẩn nhau, và chỉ trong vòng thân mật mà thôi. Những biện pháp đề phòng của quân Pháp bắt đầu thật là ráo riết. Dân chúng bàng hoàng kinh hãi.
Sau đó, có nhiều tin truyền khẩu rằng cuộc khỏi nghĩa thất bại vì một đảng viên, là đội Dương, Phạm Thành Dương phản bội, đã tố cáo cho sở Mật thám Pháp biết trước tất cả chương trình khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Ðảng.
Dân chúng lại nghe đồn rằng sở dĩ có cuộc thất bại là vì lệnh ở trung ương đảng bộ truyền ra không được tuân theo nhất trí về ngày giờ. Chỗ thì muốn đánh trước, chỗ thì đánh sau. Quyết định lần đầu tiên là khởi binh ngày Mồng Một Tết An nam (30.2.1930) và do Vũ Văn Giản gọi là giáo Giản tức Vũ Hồng Khanh, phát động ở Kiến An nhưng bị Mật thám biết, nên đảng dời ngày 12 tháng Giêng (10-2-1930). Nhưng Nguyễn Khắc Nhu không chịu ngày ấy và đã tự động khởi nghĩa trước một ngày, tức là ngày 9.2.1930. Anh hạ lệnh giết hết các sĩ quan Pháp hồi 1 giờ đêm hôm ấy. Nhưng rồi anh bị đạn và chết vài giờ sau.
Hà Nội khởi cuộc tấn công sau Yên Bái và Lâm Thao, nhưng đã làm cho nhiều đảng viên thất vọng. Vì thực ra, cuộc khởỉ nghĩa ở Hà Nội không được chuẩn bị sẳn sàng. Thành phố vẫn hoạt động yên tỉnh như không có gì. Có thễ nói là cuộc cách mạng đã bị chết ngay trong trứng, tại thủ đô Bắc Kỳ. Trái lại, ở huyện Vĩnh Bảo nghĩa quân của VNQDРđã dánh lớn và gây được tiếng rộng cũng như ở Yên Bái, tuy rằng cuộc khởi nghĩa trễ hơn 5 hôm sau Yên Bái (14.2.1930).
Bấy giờ dân Hà Nội mới thật là xôn xao. Cái tên của Nguyễn Thái Học mới bắt đầu được nói đến ở khắp nơi, khắp các từng lớp đồng bào, với một lòng chiêm ngưỡng sâu xa, như một vị anh hùng của lịch sử. Nhưng 8 giờ sáng ngày 20.2.1930 có tin đồn Nguyễn Thái Học và ông Sư Trạch, một đồng chí, vừa bị bắt ở trên đường Cổ Vịt, gần đồn Chi Ngãi, tỉnh Hải dương.
Nghe tin ấy, Tuấn và nhóm sinh viên học sinh ”Hội Kín“ nhao nhao lo sợ, và đau khổ vô cùng. Gỉả vờ nóng lạnh, Tuấn nằm trên lầu đường Général Bichot, trùm chăn kín mít, âm thầm khóc một mình. Tuấn thấy cả một sự đỗ vỡ kinh hoàng, với cảm giác gần như Lịch sử Việt Nam bị đứt đoạn nơi đây, không còn kế tiếp nữa.
Trưa, một đứa bạn đồng chí của Tuấn hớt hơ hớt hãi đến đến hỏi thầm Tuấn:
- Anh ốm hả?
- Ừ.
- Tụi mình nên đi ẩn núp một dạo ở nhà chị Hồng trên Bưởi.
- Anh đi trước đi. Chiều tôi mới đi được.
Trưa, Tuấn chỉ giả vờ nóng lạnh, không ngờ đến chiều sau khi người bạn đi rồi, Tuấn bị nóng lạnh thiệt. Cơn sốt rét hành hạ cậu học sinh 18 tuổi lên gần 40 độ, Tuấn nằm run cầm cập, mê man bất tỉnh. Một người bạn cùng ở gác trọ nghe Tuấn trong cơn mê hoảng nói lảm nhảm những câu “dể sợ“: ”Anh Học bị bắt rồi… ai cũng bị bắt hết …Hết rồi… chắc Tây nó giết …”
8 giờ tối, có người bạn đến lôi cổ Tuấn ra ngồi xe cyclo đạp, lên đường Quan Thánh để đón tàu điện đi Bưởi. Nhưng Tuấn muốn đi một vòng trong thành phố để xem tình hình, mặc dầu còn nóng liên miên và chỉ xức dầu khuynh diệp. Ðường phố vắng teo, tuy không có giới nghiêm, không có lính canh gác. Hình như thiên hạ bảo thầm nhau ở nhà, ít ai dám ra đường. Duy có các phố Hàng Ðào, Hàng Gai, Hàng Bông và quanh bờ hồ phía cầu Gỗ và đền Ngọc Sơn là có người, qua lại, dạo mát hoặc mua bán, nhưng khộng rộn rịp như thường lệ, trái lại có vẻ trầm lặng, bí mật, nặng nề, như có một hiểm họa gì bay lượn trong không khí.
Ðồng bào trong thành phố đều có bộ mặt sợ sệt. Nhưng có điều thật lạ, là chỉ có “lính mã tà“, “lính kín“ của sở mật thám là đi rảo khắp nơi đông đảo, và lẩn lộn tong đám quần chúng, chứ tuyệt nhiên không thấy có biện pháp quân sự nào cả. Nghe nói tòan thể binh sĩ bị cấm trại, thế thôi!
Khuya và khoảng 1 giờ, có một chiếc xe tank cũ kỹ, kiểu 1918, đi rầm rầm chầm chậm qua các đường phố Cửa Ðông, Bichot, hàng Cót, nhà Hỏa, Boulevard Carnot, rồi trở về thành Cửa Bắc. Ngoài ra, khắp nơi đều yên tỉnh. Ở phố Huế, chợ Hôm cũng vắng người.
Tuấn đi thui thủi một mình khắp các phố phường Hà Nội, tuy trong người chàng hãy còn sốt. Chàng dòm ngó chung quanh, dưới ánh các trụ đèn điện chỉ có bóng cây, bóng lá rung rinh trong gió buốt. Trời đầu xuân, nhưng còn bao phủ mây đen, sương mù buông rủ trên thành phố một màn tang tẽ lạnh.
Rét thấu xương, nhưng may lạ, Tuấn không bị thương hàn. Chàng chỉ nghe mạch máu chảy phừng phừng hai bên màng tang, tai kêu ù ù, môi khô, tay chân bủn rủn. Chàng vừa bước thong thả trở về gác trọ, vừa khóc âm thầm. Nước mắt chảt ròng ròng trên đôi má lạnh…
Chàng nhớ lại hình dáng gầy còm của anh Hồ Văn Mịch bị bắt trong lúc mang bịnh ho lao, nằm nhà thương Phủ Doãn, đã chết trong một đêm rét mướt. Chàng nhớ đến cái tin sét đánh về anh Nguyễn Thái Học đã bị bắt ở Hải Dương và anh Viên bị bắt trên gác trọ Gia Lâm…
Tuấn gần như tuyệt vọng.
Tuấn nghe được nhiều chuyện đồn đãi về đời sống của cặp tình nhân Nguyễn Thái Học và Nguyễn Thị Giang. Có một câu chuyện mà Tuấn nghe vài đồng chí trong “Hội Kín“ kể lại, muốn biết chắc là đúng với sự thật hay không, thì chỉ có hỏi anh Nguyễn Thái Học, hoặc chị Giang, nhưng không làm sao gặp được hai người ấy. Dù sao, giai đoạn sau đây, cũng là truyền khẩu rất rộng rãi trong đám thanh niên sinh viên Hànội, vào khoảng 1930-32.
Cô Nguyễn thị Giang - nữ sinh - mới 18 tuổi lúc bắt đầu quen biết Nguyễn Thái Học, sinh viên trường Cao Ðẳng Thương Mại, và đã là Ðảng Trưởng Việt Nam Quốc Dân Ðảng còn ở tong thời kỳ bí mật tổ chức và tuyên truyền. Giang yêu Học, mặc dầu chàng đã có vợ để ở quê nhà. Giang yêu Học, chính vì lý tưởng cách mạng, cho nên sau khi được chàng chấp thuận vào đảng. Giang quyết chí hy sinh đởi nàng cho hai mối tình thiêng liêng: Tổ Quốc và Người Yêu. Một hôm, hai người họp kín, chàng bảo nàng: ”Ðảng chúng ta cần có sự tham gia của binh lính để sau này tính việc khởi nghĩa mới thành công. Nếu anh truyền lệnh cho em phải làm thế nào để quyến rũ được một viên Quản, hoặc một viên Ðội Nhất, Ðội Nhì, có nhiều uy tín nhất trong đám Lính Khố Xanh Yên Bái, để họ gia nhập vào đảng ta, và họ sẽ lôi kép toàn thể hoặc đại đội số binh sĩ gia nhập vào Ðảng, thì em sẽ thi hành được nhiệm vụ ấy không?“
Nguyễn Thị Giang không do dự, trả lời: ”Anh là Ðảng trưởng. Anh ra lệnh là em xin tuân theo ngay. Nguyễn Thái Học nghiêm nghị nét mặt bảo: ”Thế thì anh lấy tư cách đảng trưởng, giao phó cho em công tác sau đây, bất cứ bằng cách nào, dù phải hy sinh cả tính mệnh, cả thể xác, để quyến rũ được đồn lính Khố Xanh Yên Bái, gia nhập vào đảng ta. Anh kỳ hẹn cho em là một thời gian 3 tháng để thành công nhiệm vụ quan trọng ấy. Suốt thời gian công tác, em không được liên lạc với anh, bất cứ ở nơi nào“.
Cô nữ sinh Nguyễn thị Giang mỉm cười, nhưng cương quyết: ”Em xin tuân lịnh“.
Bấy giờ là mùa đông. Ở Yên Bái cũng như ở Hà Nội và các tỉnh ở miền Bắc, mùa Ðông trời rét lắm và ban đêm thường có các chị hàng rong bán mía lùi, một loại mía được chặt ra từng khúc dài độ hai gang tay, và lùi trong than lửa. Hoặc cũng có kẻ bán mía luộc. Hai món quà mía ấy ăn vừa ngọt vừa ấm miệng, cho nên người lớn trẻ con, đều thích. Mỗi khúc mía luộc hay mía lùi chỉ bán 1 xu.
Cô nữ sinh Nguyễn thị Giang bắt đầu bỏ học để làm nghề bán rong ban đêm với một gánh hàng đặc biệt. Một bên là một thùng thiết đựng đầy mía luộc đặt trên một chiếc lò thay cháy ầm ĩ vừa đủ giữ nhiệt độ cho nước nấu mía đừng sôi quá. Một bên là một nồi than đỏ hực để cô hàng lùi những khúc mía tươi. Mỗi khi có người mua, cô lùi khúc mía vào than hồng, trở qua trở lại khúc mía độ năm lần là “mía chín“. Cô trao mía cho khách hàng, và lấy 1 xu bỏ vào môt hộp “bích quy “cũ, két tiền của cô.
Cô Giang chuyên môn ngồi bán hàng, nơi một gốc cây cao, cách cổng đồn lính Khố Xanh vài ba chục thước. Cứ 7 giờ tối là đã có cô ngồi đấy, với “gánh mía“ đặc biệt của cô. Hình như cô có bỏ một nắm hoa bưởi trong thùng nước mía, cho nên mía luộc của cô vừa ngọt vừa nóng, lại vừa thơm.
Toàn thể sĩ quan, hạ sĩ quan, và binh sĩ đồn lính Khố Xanh Yên Bái đều ăn mía và mía luộc của cô Giang.
Nhiều người đã nghiện, trong số đó có một thầy Ðội Nhất đã hoàn toàn say mê hương vị của cô Giang và chắc chắn đã say mê cả cô Giang, vì nhan sắc của cô hàng mía, hơn cả các thiếu nữ ở tỉnh này không ai so sánh kịp.
Dần dà những lóng mía thơm, những lóng mía ngọt, cho đến hết thảy mọi người với một nụ cười duyên dáng, với một ánh mắt ấm áp vương vấn sầu mơ. Cô bắt đầu tuyên truyền khéo léo, kín đáo những tư tưởng cách mạng cho mọi người. Ðặc biệt là thầy Ðội Nhất được cô huấn luyện ráo riết hơn cả, và không quá một tháng, thầy Ðội đã trở thành một đồng chí hăng say nhất của cô, trong số các binh sĩ Khố Xanh.
Dần dần cô hàng mía đã lôi kéo được toàn thể đồn lính vào Việt Nam Quốc Dân Ðảng.
Ba tháng sau, đúng kỳ hạn đã chỉ định của Ðảng trưởng Nguyễn Thái Học, và là người yêu của cô, nữ sinh Nguyển thị Giang giới thiệu với thành viên Ðội Nhất: “Thưa Anh, đây là một đồng chí mới của chúng ta đại diện một số lớn đồng chí gồm 350 người của đồn lính Khố Xanh Yên Bái“.
Nguyễn Vỹ 
Theo https://isach.info/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Lá bồ đề – Truyện ngắn của Lại Văn Long 2 Tháng Ba, 2023 Tháng 5 – 2012, sau 22 năm thụ án chung thân về tội giết người, hắn được đặc...