Thứ Ba, 29 tháng 6, 2021

Ca khúc "Cô hàng cà phê" của nhạc sĩ Canh Thân

Ca khúc "Cô hàng cà phê"
của nhạc sĩ Canh Thân

Ở thời kỳ bình minh của tân nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Canh Thân là một trong những người tiên phong, từng tham gia trong nhóm Đồng Vọng của nhạc sĩ Hoàng Quý thành lập từ năm 1939, tuy nhiên, những thông tin về cá nhân ông lại rất ít ỏi. Những sáng tác của Canh Thân được công chúng biết đến không nhiều, ngoài Túi Đàn, Xuân Nghèo, Đi Với Tôi, Vỹ Dạ Đò Trăng, và nổi tiếng nhất là Cô Hàng Cà Phê.
Click để nghe Sĩ Phú hát 
Cô Hàng Cà Phê trước 1975

Nhạc sĩ Canh Thân sinh năm 1920, quê gốc là Hải Phòng. Ông mất vào khoảng năm 1970 tại Sài Gòn trong hoàn cảnh khá bi đát. Thời trẻ, dù thường cho ra mắt những sáng tác trẻ trung, vui tươi và có phần trào phùng, Canh Thân lại được biết đến như một người khép kín, ít nói, ít cười. Sau khi di cư từ Bắc vào Nam, Canh Thân trở thành hạ sĩ quan, làm việc trong Đài phát thanh quân đội Sài Gòn. Cuộc sống gia đình ông thường xuyên túng thiếu vì đông con, còn bản thân ông lại sa lầy trong con đường nghiện ngập.
Về âm nhạc, Canh Thân sáng tác khoảng vài chục bài, trong đó nổi tiếng và được biết đến nhiều nhất là nhạc phẩm Cô Hàng Cà Phê được giới thiệu vào khoảng năm 1954. Đây là một nhạc phẩm dí dỏm, vui tươi và có phần tân thời, lạ lẫm (so với các ca khúc khác cùng thời điểm), được rất nhiều người yêu thích ngay từ khi mới ra mắt. Hoàn cảnh ra đời của nhạc phẩm này được nhiều người nói là có liên quan tới những nhân vật tên tuổi của nền tân nhạc: danh ca Thái Hằng.
Đó là vào khoảng những năm cuối thập niên 1940, Canh Thân theo đoàn tản cư đến vùng chợ Đại, Cống Thần, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Như rất nhiều văn nghệ sĩ khác, ông thường “ngồi đồng” ở quán Thăng Long của gia đình ông bà Phạm Đình Phụng (thân sinh của Thái Hằng, Thái Thanh, Phạm Đình Chương) vừa mở ở vùng chợ Đại. Ở đây không chỉ có phở, có trà, có văn nghệ mà còn bán cả cà phê, thứ thức uống mới mẻ, rất “Tây” vừa du nhập đến vùng quê này chưa bao lâu.
Ở chợ Dầu có hàng cà phê
Có một cô nàng be bé xinh xinh
Cô hay cười hồn xuân phơi phới
Cứ xem dáng người mới chừng đôi mươi
Làn thu ba cô liếc nghiêng thành
Mùi hương lan thơm ngát vương bên mình
Làm say mê bao gã thiếu niên đa tình
Mấy anh nho nhỏ thường hay đến ngồi cười với cô
Và cô hàng cà phê “be bé xinh xinh”, “mới chừng đôi mươi”, “làm say mê bao gã thiếu niên đa tình” không ai khác chính là cô con gái lớn Phạm Thị Quang Thái (tức danh ca Thái Hằng) của gia đình chủ quán. Nhạc sĩ Phạm Duy sau này đã kể về “cô hàng cà phê” Thái Hằng thời điểm đó như sau: “Nàng có một vẻ đẹp rất buồn, lại là người ít nói, lúc nào cũng như đang mơ màng nghĩ tới một chuyện gì xa xưa. Văn nghệ sĩ nào khi tới gần nàng thì cũng đều bị ngay “một cú sét đánh”. Canh Thân chính là một trong những văn nghệ sĩ khi đó thường tới lui và để ý cô chủ quán, đó có cả nhiều tên tuổi huyền thoại khác nữa, theo Phạm Duy kể lại:
“Thi sĩ Huyền Kiêu luôn luôn thích làm người tao nhã (galant) và có nhiều lúc, trịnh trọng cầm hoa tới tặng nàng. Thi sĩ Đinh Hùng, rụt rè hơn, nhờ người chị ruột của tôi - đang tản cư ở Chợ Đại - làm mối. Còn anh họa sĩ hiền lành như bụt và có đôi mắt rất xanh là Bùi Xuân Phái thì ngày ngày tới Quán Thăng Long, ngồi đó rất lâu, im lặng… Ngồi, nhìn, chứ không vẽ. Ngọc Bích cũng soạn một bài hát tỏ tình…”
Nhưng cuối cùng thì chính Phạm Duy với vẻ ngoài điển trai, hào hoa và khéo ăn khéo nói đã nhanh nhẹn “rước” mất nàng thơ của bao văn nghệ sĩ. Dẫu vậy, những ấn tượng ngọt ngào và lãng mạn về cô hàng cà phê trong Canh Thân vẫn kịp để ông cho đời một nhạc phẩm rất dễ thương với những câu hát nhấn nhá, ý nhị, phảng phất giọng điệu của những khúc dân ca, ca dao.
Lơ thơ tơ liễu buông mành
Cho hay cái sắc khuynh thành
Làm cho nhiều chàng chết mê mệt
Đi đâu cũng ghé qua hàng
Mong trông thấy bóng cô nàng
Thì trong lòng chàng mới yên
Chẳng cần dò hỏi, võ đoán, chỉ nhìn nụ cười, vóc dáng là nhạc sĩ đã biết ngay cô nàng “mới chừng đôi mươi”. Không chỉ khen ngợi nhan sắc xinh đẹp của cô gái, ông còn để ý “chọc ghẹo” đôi mắt “chết mê” của những “gã thiếu niên đa tình”, của “mấy anh nho nhỏ”. Sự dí dỏm thể hiện rõ nét qua cách người nhạc sĩ lựa chọn từ ngữ để miêu tả những gã trai vây quanh cô gái. Nào là “nho nhỏ”, nào là “thiếu niên”, rồi lại “thường hay đến ngồi cười với cô” và “đi đâu cũng ghé qua hàng, mong trông thấy bóng cô nàng thì trong lòng chàng mới yên” một cách “trồng cây si” rất ngớ ngẩn và đáng yêu của những anh chàng mới lớn. Tuy nhiên, điều hài hước hơn cả là chính “kẻ” đã buông lời “chọc ghẹo”, trêu đùa những “gã thiếu niên” si tình cũng lại kín đáo mơ tưởng đến cô hàng cà phê khi ở một mình:
Hôm nao dưới bóng trăng mờ
Tôi mơ ngắm cánh tay ngà
Nhẹ nâng ly trà ướp sen ngạt ngào
Trông cô rón rén ra vào
Đôi môi thắm cánh hoa đào
Lòng tôi rạt rào muốn xiêu
Đến đoạn hát cuối cùng này, có một sự thật sáng tỏ rằng anh chàng nhạc sĩ kia thực chất cũng chẳng mê gì món cà phê tân thời. Việc lui tới hàng cà phê cũng chỉ là một cái cớ để ngắm nhìn người đẹp. Ban ngày khi đến hàng cà phê, chàng tỏ ra thờ ơ với cô chủ quán, cười cợt những kẻ săn đón vây quanh cô. Nhưng tới khi đêm về, “dưới ánh trăng mờ”, anh chàng lại một mình thưởng thức thứ thức uống yêu thích là “trà ướp sen” và len lén mơ tưởng tới “cánh tay ngà” của người đẹp. Hai chữ “trăng mờ” ở đây cũng thật hợp với cái động cơ “mờ ám” của anh. Bởi khác với những chàng thiếu niên đa tình công khai săn đón cô gái, anh chàng nhạc sĩ chỉ bí mật ngắm nhìn, tơ tưởng đến cô từ xa dù lòng đã “rạt rào muốn xiêu”.
Nhưng cũng nhờ sự dõi theo, tơ tưởng kín đáo đó mà anh chàng phát hiện ra một câu chuyện tình khá xúc động:
Một chàng trai dáng người hiên ngang
Đến từ phương nào trong gió đông sang
Khách bên đường vì cô lưu luyến
Đã bao tháng trường ước được nên duyên
Chàng yêu cô vô bến vô bờ
Mà sao cô, cô vẫn cứ hững hờ
Buồn cho anh yêu quá hóa như điên rồ
Chiếc thân bơ phờ dường như muốn chờ một kiếp ma
Từ đoạn hát này, lời ca và cả giai điệu đột ngột đổi từ giọng điệu trào phúng, đưa đẩy sang giọng điệu trữ tình, chầm chậm, suy tư. Nếu trước đó, chàng trai chỉ nhìn mấy anh nho nhỏ, mấy cậu thiếu niên vây quanh mỹ nhân bằng nửa con mắt và có phần giễu cợt thì với vị “khách” mới tới lại là một thái độ nể trọng và ngưỡng mộ hoàn toàn khác biệt, không chỉ vì ngoại hình, vóc dáng, phong thái của chàng ta mà còn bởi tình yêu của chàng ta dành cho cô hàng cà phê. Đó là thứ tình yêu sâu sắc, yêu vô bờ bến, yêu đến bơ phờ, điên dại, kiên trì và thủy chung dù cô gái cứ mãi “hững hờ”.

Vô duyên cái túi không tiền
Anh mua chuốc lấy ưu phiền
Rồi đến một ngày ốm la liệt
Không sao lê bước đến hàng
Anh mong bóng dáng cô nàng
Hiện đến dịu dàng với anh
Thương thay lữ khách bên đường
Cô mang thuốc đến cho chàng
Ngờ đâu con người trước bao hiên ngang
Lim dim khóe mắt hoe vàng
Anh đi sắp đến thiên đàng
Vừa lúc cô hàng biết yêu…
Rất may, câu chuyện tình yêu của họ đã có kết thúc có hậu. Cô hàng cà phê cuối cùng cũng xiêu lòng trước tấm chân tình của chàng lữ khách và kịp mang thuốc đến cứu chàng ta khỏi cơn bạo bệnh vì tương tư, thất tình. Và nếu chiếu theo câu chuyện có thực đã xảy ra, rất có thể anh chàng “dáng người hiên ngang” này chính là nhạc sĩ Phạm Duy, người sau đó đã kết hôn với “cô hàng cà phê” Thái Hằng.
Giờ đây đã mấy năm qua
Có lúc mơ về đường xa
Tôi nhớ những đêm trăng tà
Cô hàng với bàn tay ngà
Ca khúc nhẹ nhàng khép lại trong niềm hoài nhớ của chàng trai kể chuyện và niềm mơ ước sâu kín được trở thành chàng lữ khách ôm ấp đôi tay ngà của cô hàng cà phê.
Nghe qua toàn bộ ca khúc, có thể thấy Cô Hàng Cà Phê là một nhạc phẩm trữ tình và trào phúng vô cùng dễ thương, duyên dáng và đặc sắc của làng tân nhạc thời kỳ đầu. Nhạc sĩ Canh Thân kéo người nghe đi qua những khúc quanh vừa dí dỏm vừa thi vị, vừa bình dị vừa tân thời của thời kỳ văn hóa mới khi những yếu tố Tây Phương tân thời bắt đầu xâm nhập mạnh vào đời sống hàng ngày và cả đời sống nghệ thuật của người Việt.
Click để nghe Elvis Phương 
hát Cô Hàng Cà Phê
Cô hàng cà phê là ai?
Có khá nhiều bài viết khẳng định cô hàng cà phê của Canh Thân chính là Thái Hằng, như là đã nói đến ở đoạn đầu bài viết. Thông tin này có lẽ dựa vào sự thực là nhạc sĩ Canh Thân cũng đã có mặt ở vùng Chợ Đại, nơi có quán phở (và quán nước) của gia đình Thái Hằng vào thập niên 1940. Tuy nhiên đó cũng chỉ là suy đoán chứ không có bằng chứng vững chắc. Một người trong cuộc là nhạc sĩ Phạm Duy, trong hồi ký của mình, nói đến những người đã từng “trồng cây si” trước quán Thăng Long, nhưng chỉ nhắc tới họa sĩ Bùi Xuân Phái, thi sĩ Đinh Hùng, Huyền Kiêu, nhạc sĩ Ngọc Bích, chứ không hề nhắc tới nhạc sĩ Canh Thân.

Một điều đặc biệt, chợ trong bài hát được nhắc đến là Chợ Dầu, chứ không phải Chợ Đại. Chợ Dầu là một cái tên hoàn toàn có thực, chứ không phải là cái tên giả tưởng trong âm nhạc. Ngay trong bản phát hành tờ nhạc của nhà xuất bản An Phú năm 1955, tác giả đã cẩn thận chú thích rằng Chợ Dầu ở huyện Kim Bảng, huyện Hà Nam. Như vậy rất có thể có một cô hàng cà phê khác ở Hà Nam, chứ không phải là Thái Hằng ở Chợ Đại - Hà Đông như người ta lầm tưởng.
14/6/2021
Niệm Quân
Theo https://nhacxua.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chùm thơ của Lưu Lãng Khách

Chùm thơ của Lưu Lãng Khách Ngoài kia xuân đang qua rồi sao!/ Thềm hoa hanh hao - trên trời cao/ Chim non ca vang như ngày nào/ Bên em anh...