Thứ Tư, 30 tháng 6, 2021

Ý thức mới trong văn nghệ và triết học 4

Ý thức mới trong văn nghệ và triết học 4

Chương hai

Ý thức tuyệt vọng - Triết lý bi đát của Clément Rosset trong tác phẩm của Ernest Hemingway.
Không… không còn gì để nói
Hemingway (trang cuối của A Farewell to Arms)
1.
Clément Rosset là triết gia Pháp thuộc thế hệ “đợt sóng mới”; lúc cho xuất bản quyển cảo luận về triết lý Bi đát (Philosophie tragique), Clément Rosset mới hai mươi tuổi.
Hemingway đã viết những tác phẩm quan trọng của ông trước khi Clément Rosset ra đời; nhưng toàn thể tác phẩm Hemingway đều chứa đựng ý thức bi đát mãnh liệt hơn cả triết lý bi đát của Clément Rosset. Ý thức bi đát được thể hiện mãnh liệt nhứt trong quyển The sun also rises, truyện “The snows of Kilimandjaro”, những truyện In our time và quyển For whom the bell tolls, nhưng đến quyển The old man and the sea thì ý thức bi đát hoàn toàn trở thành bi tráng.
Trong chương này, tôi sẽ dùng triết lý bi đát của Clément Rosset để soi rọi vài khía cạnh của quyển A Farewell to Arms (Adieu aux armes), quyển tiểu thuyết tượng trưng nhứt và đặc sắc nhứt của Hemingway.
Chương này đã đăng trên tạp chí Mai số 47 vào năm 1962.
(Có một vài độc giả viết thư cho tôi, tỏ vẻ thắc mắc về vài ba trang trong quyển tiểu thuyết Yêu của ông Chu Tử; ông ấy có cho nhân vật bàn về triết lý bi đát của Clément Rosset và quyển A Farewell to Arms của Hemingway; vị độc giả trên tỏ vẻ thắc mắc tại sao trong quyển Yêu (khi bàn về triết lý bi đát của Clément Rosset và Hemingway) thì ông Chu Tử đã viết giống hệt như tôi viết trong tạp chí Mai vào năm 1962. Xin trả lời vắn tắt: ông Chu Tử đã chép lại bài tôi viết trong Mai, và vì lý do nào đó mà ông không ghi xuất xứ. Sở dĩ ông Chu Tử không ghi xuất xứ là vì điều đó có lẽ không cần thiết đối với loại văn tiểu thuyết chăng?) (xin đọc Yêu của ông Chu Tử, trang 197-199, nhà x.b. Đường Sáng, 1963).
2.
Xin dịch chữ “tragique” (trong Philosophie tragique của Clément Rosset) là “bi đát” vì chữ “đát” có mang ý nghĩa về kinh ngạc, ăn khớp với định nghĩa của Clément Rosset: “Le surprenant par essence”. Còn chữ “tragique” trong tư tưởng Nietzsche thì phải dịch là “bi tráng”. Chữ “bi tráng” này cũng dùng để dịch chữ “tragique” trong tư tưởng bi tráng kịch của cổ Hy Lạp như kịch của Eschyle, Sophocle, vân vân. Có người hiểu sai chữ “tragique” (như một bài của ông Trần hương Tử trong tạp chí Bách Khoa).
“Tragique” không có nghĩa là “kinh khủng” (terrible) và “thê thảm” (triste), mà “tragique” lại có nghĩa là cái gì chống lại sự kinh khủng và thê thảm; “tragique” là ngây ngất say sưa chinh phục và vượt lên trên tất cả những điều kinh khủng và thê thảm ở đời. “Tragique” là nghịch nghĩa của chữ “triste” và “terrible”. Nếu không hiểu được như thế thì chẳng nắm được căn bản suy tư và chẳng bao giờ bước vào được ngưỡng cửa tư tưởng Nietzsche, Eschyle, Sophocle và nhất là ngưỡng cửa triết lý của Clément Rosset.
3.
Cuối hè năm ấy, chúng tôi sống ở một căn nhà trong một thôn làng, nằm hướng về rặng núi, ngang qua dòng sông và bình nguyên [1].
Quyển A Farewell to Arms của Hemingway mở đầu bằng những giòng chữ lặng lẽ như trên. Cuối hè năm ấy… In the late summer of that year… Vâng, cuối hè năm ấy… cuối đông năm ấy. Cuối thu năm ấy. Cuối xuân năm ấy… Tất cả câu chuyện đời đều mở đầu bằng giọng điệu như vậy. Qua lời mở đầu lặng lẽ trên, ta có thể đoán mơ hồ rằng có cái gì khủng khiếp mù mờ đang nằm ẩn sau bầu không khí tĩnh mịch kia: phải chăng một tấn bi kịch chua xót sắp dàn bày trước đôi mắt hồn nhiên của ta.
Rặng núi. Giòng sông và bình nguyên. Khói và bụi vây phủ núi và đồng. Vài ba xác người lững lờ trôi theo dòng nước.
Đầu mùa đông, một cơn mưa liên miên trở về [2]. Núi, đồng và sông. Rồi mưa. A Farewell to Arms mở đầu với một cơn mưa tầm tã. Và cơn mưa tầm tã ấy chấm dứt quyển A Farewell to Arms. Suốt quyển tiểu thuyết này, ta nghe mưa rơi liên miên… Đầu mùa đông, một cơn mưa thường xuyên trở về (trang 8). Ngoài kia sương mù biến thành mưa và trong chốc lát, mưa rơi dầm dề và ta nghe mưa rơi thánh thót trên mái nhà (trang 99). Nhưng ngoài kia mưa vẫn rơi (trang 100). Đêm ấy, trời trở lạnh và ngày hôm sau, mưa rơi…mưa rơi tầm tã (trang 112). Sương biến thành mưa… Trời đã mưa và tôi có thể ngửi đường phố ướt át (trang 119). Mưa rơi trong suốt qua làn ánh sáng của nhà ga (trang 129). Chúng tôi chia tay giã từ, chúng tôi bắt tay nhau và họ rời đi. Cả hai đều cảm thấy đau buồn. Khi xe lửa lên đường, chúng tôi đều đứng ở hành lang xe lửa. Tôi nhìn ánh sáng của nhà ga và sân ga khi tàu chạy. Trời vẫn còn mưa và chẳng bao lâu cửa sổ ướt hết cả, chúng tôi chẳng thấy được gì nữa (trang 126). Mưa đã rơi trên rặng núi (trang 127). Bão suốt ngày. Gió kéo mưa và mọi nơi đều là vũng nước và bùn (trang 144). Mưa rơi không ngừng (trang 146). Mưa lại bắt đầu rơi (trang 147). Mưa đang rơi ngoài kia (trang 149). Ngoài kia, mưa rơi tầm tã (trang 150). Chúng tôi lê bước qua thành phố hoang trống dưới cơn mưa (trang 151). Mưa vẫn còn rơi (trang 152). Mưa rơi suốt đêm (trang 152). Trời lại phủ mây và một cơn mưa nhẹ bắt đầu rơi (trang 163). Mưa lạnh (trang 178). Trời mưa, tôi đứng dưới mái ga cho đến lúc tàu hoả khởi hành (trang 188). Ngoài khung cửa sổ, mưa đang rơi (trang 192). Đêm ấy, một cơn bão nổi dậy, tôi thức giấc nghe mưa đập vào kính cửa (trang 294). Tôi không thể nhìn mặt hồ, chỉ đen tối và trời mưa nhưng mà gió nhẹ thổi hơn (trang 206). Trời đã sáng hẳn và một cơn mưa bụi rơi (trang 214). Mưa bắt đầu rơi ban đêm… Mưa rơi suốt buổi sáng… Mưa rơi trên những đỉnh núi… Ngoài kia, chúng ta có thể nghe mưa rơi (trang 234-235).
Mưa tiếp tục rơi trên trang 236, trang 249, trang 251, trang 252, trang 253… Và quyển truyện chấm dứt với những dòng này:
Sau đó, tôi đi ra ngoài và rời bệnh viện, rồi trở về lữ quán dưới cơn mưa [3].
Mưa rơi ướt hết mấy trăm trang giấy A Farewell to Arms. Tay ta cầm dở từng trang giấy cũng thấm nước mưa. Mắt ta cũng thấm nước mưa. Và mưa cũng rơi vào cõi lòng khô hạn của ta.
Những giọt mưa này không phải là những giọt mưa dịu hiền, thi vị, thướt tha và xinh đẹp; những giọt mưa của A Farewell to Arms không là những giọt mưa nên thơ của Karel Capek (trong The Gardener’s Year) của Edna St. Vincent Millay (trong Renescence, dòng thơ 119), của Walt Whitman (trong The voice of the Rain), của Frances Shaw (trong Who loves the Rain), Dora Sigerson (trong April, stanza 1), Coates Kinney (trong Rain on the Root, stanza 1)… Những giọt mưa trong A Farewell to Arms là những giọt mưa ờ Pago - Pago trong truyện “Rain” của S. Maugham hay là những giọt mưa của thi hào Edith Sitwell trong “Still talls the Rain” (The Raids, 1940, Night and Dawn).
Mưa vẫn còn rơi
Tối như nhân gian, đen như sự ly tán của chúng ta
Mù như một nghìn chín trăm bốn mươi cây đinh
Đóng vào thập tự giá [4]
Cơn mưa tầm tã ở Pago - Pago đã rơi xuống xác chết của mục sư Davidson. Cơn mưa của Edith Sitwell rơi xuống một thế giới điêu tàn khói lửa. Và cơn mưa liên miên trong A Farewell to Arms đã rơi xuống lúc Frederic Henry rời người yêu để ra trận tuyến, lúc đoàn quân chiến bại của Ý đang triệt thoái, lúc Frederic Henry bị bắt, lúc Catherine từ giã cõi đời…
Ở đây, mưa là hình ảnh của Ly Tán, của Đổ vỡ, của Phân ly, của Phũ phàng, của Cay đắng, của Bi thống, của sự Chết…
“Tại sao em lại sợ mưa?”
“Em không biết”
“Hãy nói cho anh nghe”
“Thôi đừng anh ạ”
“Kể cho anh nghe đi”
“Không”
“Nói đi em”
“Thôi được. Em sợ mưa vì đôi khi em thấy em chết dưới cơn mưa, anh ạ.” [5]
Mưa còn là hình ảnh của Thời gian - bước đi khốc liệt của thời gian.
Một lúc sau, cả hai đứa tôi hoàn toàn im lặng và chúng tôi có thể nghe mưa rơi.
Dưới đường, một chiếc xe bóp còi.
“Sau lưng, ta luôn luôn nghe
Xe thời gian đã đến vội vàng” [6]
Trong A Farewell to Arms, Mưa tượng trưng sự hiện diện của cái gì thảm khốc nhứt, mãnh liệt nhất, bi đát nhất, tuyệt đối nhất mà chúng ta không thể định nghĩa được: thảm khốc, mãnh liệt, bi đát, tuyệt đối chỉ là những tĩnh từ…
“Nhân vật” chính trong A Farewell to Arms là cơn mưa liên miên từ trang đầu tới trang cuối (truyện Rain của Somerset Maugham cũng thế).
Dưới cơn mưa tầm tã này, một số nhân vật phụ thoáng hiện; ta thấy chàng Frederic Henry và nàng Catherine Barkley, Rinaldi, bá tước Greffi và một số người khác. Tất cả những nhân vật này đều đi lê thê dưới cơn mưa giá buốt. Họ tự nhủ với nhau rằng phải tìm một nơi chốn nào đó để mà về… [7] Họ bơ vơ dưới mưa lạnh. Họ tha thiết muốn tìm về một mái nhà nào đó… Nhưng về đâu?
Tất cả bi kịch thê thảm nhất đời này là con người không biết mình sẽ đi về đâu. Mái nhà tranh vách đất và lũy tre xanh ở phương hướng nào? Chiều mưa… đi về đâu? Không thể đứng ngóng mãi ở Giang đầu vì rừng chiều âm u rét mướt.
A Farewell to Arms dựng lên một bi kịch tượng trưng cho cuộc đời: dưới con mưa phũ phàng, Frederic Henry và Catherine Barkley ôm choàng nhau âu yếm đi tìm một mái nhà nào đó… Nhưng rồi nàng bỗng nhiên chết dưới mưa, bỏ lại một mình chàng bơ vơ đau đớn trong giá buốt; một bóng bên trời, chàng bơ phờ lê bước và không biết đi về đâu… Và mưa vẫn rơi thản nhiên…
Đại ý của A Farewell to Arms là thế… trọn quyển A Farewell to Arms, Hemingway dựng lên hình ảnh của Mưa … và dưới cơn mưa ấy, Hemingway dựng thêm hình ảnh của con người: con người đi dưới mưa.
Giữa lúc khói lửa tơi bời, chàng và nàng gặp nhau: Frederic Henry và Catherine Barkley gặp nhau tại mặt trận 1917-1918 ở Ý đại Lợi. Frederic Henry là một chàng thanh niên Mỹ, làm trung úy trong quân đội Ý; chàng làm việc tại bệnh viện chiến địa. Catherine Barkley là một thiếu nữ người Anh, làm nữ cứu thương. Mái tóc nàng vàng hoe, da nàng hung đôi mắt nàng xám và nàng đẹp tuyệt trần (trang 18). Nàng đã từng yêu tha thiết một chàng trai, hai người sắp cưới nhau nhưng rồi chàng ấy chết tại mặt trận Somme và tự độ ấy, nàng sống cô đơn trong bốn vách tường vôi trắng của bệnh viện. Rồi một hôm, có chàng trai trẻ đến nơi này: chàng này không phải người xưa mà là chàng trai khác, tên là Frederic Henry. Frederic và Catherine gặp nhau. Frederic thấy gái đẹp thì vội tán tỉnh ngay. Chàng chỉ muốn đùa cợt. Còn nàng thì không bao giờ nghĩ thế. Nàng yêu chàng với lòng chân thành của một thiếu nữ cô đơn và đau khổ. Lúc tôi ôm nàng bỗng nhiên nàng run lên. Tôi ôm chặt nàng vào tôi và nghe tim nàng máy động. Môi nàng mở ra và đầu nàng xoay trở lại gục vào vai tôi mà khóc. (trang 25). Tôi biết tôi không hề yêu Catherine Barkley và cũng không hề nghĩ đến việc yêu nàng (trang 28). Thế rồi Frederic bị thương ở chiến trận, được đưa về bệnh viện ở Milan, rồi chàng gặp lại Catherine. Lần gặp gỡ này, bỗng nhiên chàng lại cảm thấy nàng đẹp nhất đời và không hiểu sao, vừa mới gặp nàng chàng yêu nàng ngay. Mọi sự bắt đầu đảo lộn bên trong lòng chàng (trang 74). Chàng đã không muốn yêu nàng, nhưng bây giờ chàng đã yêu nàng say đắm, mọi sự đảo lộn trong đầu óc chàng và chàng cảm thấy tuyệt diệu lạ lùng (trang 75). Từ đây, một thiên tình sử thơ mộng bắt đầu… chàng và nàng yêu nhau đắm đuối, chàng và nàng ôm nhau, hôn nhau nồng nàn giữa đường phố, dù là dưới cơn mưa phũ phàng, dù là khói lửa chiến tranh hừng hực vây phủ mười phương. Dù sống giữa điêu tàn tang tóc, dù sống giữa cơn mưa giá buốt của thời đại, họ cũng thấy cuộc đời tươi đẹp và có ý nghĩa. Chúng mình vẫn luôn luôn cảm thấy vui sướng khi chúng mình ở chung nhau (trang 118). Nhưng họ không thể ở chung nhau mãi, vì chàng đã hết bịnh và phải trở ra mặt trận. Trước ngày trở lại trận tuyến, chàng có hỏi rằng nàng định sẽ sanh con ở nơi nào. Nàng khuyên chàng không nên bận tâm. Rồi chàng cũng tạm bỏ qua để mà lên đường. Chiến tranh đã đến giai đoạn quyết liệt và tất cả đều trở nên hỗn độn, đoàn quân Ý ở vùng Udine và Gorizia đang triệt thoái; Frederic Henry có mặt trong đoàn thoái quân. Chàng bị bắt vì tội tháo lui bỏ trốn nhiệm vụ và bị tình nghi gián điệp. Họ vừa sắp đem chàng xử bắn thì chàng tung chạy nhảy xuống sông mà trốn thoát. Từ đây chàng không muốn dính líu gì với chiến tranh nữa. Chàng tìm gặp lại Catherine. Đêm ấy, chàng và nàng trốn bỏ nước Ý mà chèo thuyền qua Thụy Sĩ để không ai có thể tập nã chàng. Họ từ bỏ chiến tranh và đi tìm thanh bình riêng rẽ cho lứa đôi (Separate Peace). Từ đây, ở Thụy Sĩ, miền tuyết trắng chập chùng, chàng sẽ cố gắng quên chiến tranh để sống cùng Catherine trong thiên đàng của Ân ái. Ôi, hạnh phúc triền miên… Hai đứa tôi sống một cuộc đời tuyệt diệu. Tháng giêng và tháng hai trôi qua nhẹ nhàng và mùa đông đẹp lắm; chúng tôi hạnh phúc vô cùng (trang 234). Đầu mùa xuân năm ấy, một buổi sáng, Frederic thức dậy vào khoảng ba giờ, chàng nghe Catherine vặn mình trên giường, chàng đưa nàng vào nhà thương vì ngày sanh hạ của nàng đã đến rồi. Mưa rơi lả tả… vì sanh hạ quá khó khăn, nàng kiệt lực và tắt thở vào tối hôm ấy. Catherine chết. Đứa nhỏ cũng chết. Chàng không thể hiểu được gì cả. Tần ngần và bơ thờ, chàng lê bước trong đêm tối giá lạnh. Mưa vẫn thản nhiên rơi lả tả. Một bóng bên trời…

4.
Clément Rosset là một triết gia rất trẻ (hai mươi tuổi) thuộc thế hệ mới ở Pháp. Có người gọi ông là triết gia của đợt sống mới. Ông đưa ra một thái độ mới trước cuộc đời. Ông đặt tên triết lý của ông là triết lý bi đát (Philosophie tragique), ông mặc một màu sắc mới, một định nghĩa mới cho chữ Tragique. Theo ông, Tragique chỉ là một tiếng để gọi một cái gì mà ta không thể giải thích được, nous pourrions donner comme première définition du Tragique la révélation d’un soudain refus radical de toute idée d’interprétation (La Philosophie tragique, trang 7); Tragique là một huyền nhiệm, nous considérons le tragique comme un mystère que l’on ne peut constater (op. cit. trang 19).
Tragique là cái bất chợt#, bỡ ngỡ tự bản chất (le surprenant par essence, cf. trang 18-20). Con người bi đát (l’homme tragique) luôn luôn cảm thấy bỡ ngỡ, ngạc nhiên như một đứa trẻ, khi nào họ không bỡ ngỡ, ngơ ngác, ngạc nhiên, họ không còn là con người bi đát nữa. L’homme tragique se découvre soudain sans amour, sans grandeur et sans vie: et voilà la situation dont il ne pourra jamais donner d’interprétation, devant laquelle il aura perpétuellement l’étonnement, la surprise de l’enfant à qui, pour la première fois, on a refusé un jouet. Si sa stupéfaction cesse, il n’est plus tragique (trang 20).
Con người bỗng nhiên bỡ ngỡ không hiểu gì cả. Hai người bạn cùng đang đi chơi chung với nhau, bỗng nhiên một người bị xe đụng chết. Người còn sống bỡ ngỡ, kinh ngạc. L’homme tragique s’étonne au plus haut degré, et ne peut jamais cesser de s’étonner (trang 21). Hôm qua, đang thấy cô còn ngồi học trong lớp, bỗng nhiên hôm nay, đến lớp dạy thì nghe cô đã tự tử. Tôi ngạc nhiên vô cùng. Le tragique est sera toujours le surprenant par essence (trang 18).
Tôi đã từng tin tưởng vào Tự do, Dân chủ, Bình đẳng, Lẽ phải v.v..: Bỗng một hôm, tôi thấy những danh từ thiêng liêng này hoàn toàn trống rỗng, vô nghĩa và không hơn gì một đống phân.
Ta ngạc nhiên vô cùng. Cái buổi ban đầu xa xưa ấy, ta đã dâng trọn vẹn tâm hồn mình cho ai, ta đứng bao nhiêu giờ để được thoáng nhìn ai đi học về; bao nhiêu đêm, ta nhìn trăng không ngủ và nằm trăn trở thao thức suốt đêm. Thế rồi một hôm ta lặng lờ nghẹn thở và ngạc nhiên sửng sốt vì gió đã ngừng thổi trong lòng. L’homme tragique se découvre soudain sans amour, sans valeur et sans vie: voilà le bilan tragique, et voilà notre surprise éternelle (trang 22).
Trước sự bi đát (Le tragique hay le surprenant par essence), trước sự mặc khải bi đát ấy (révélation tragique), ta ăn nói làm sao để đáp trả? Ba ý niệm cụ thể hoá sự phản ứng tất nhiên của con người trước sự mặc khải bi đát (révélation tragique hay surprise éternelle).
Ba ý niệm ấy là: “không thể hoà giải được” (l’irréconciliable) “không trách nhiệm” (l‘irresponsable) và “cần thiết” (l‘indispensable). Ý niệm “ngạc nhiên bỡ ngỡ” chứa đựng ý niệm “không thể hoà giải được”, bởi vì nếu ta hòa giải được với sự kinh ngạc thì nó không còn kinh ngạc nữa. Ý niệm “không thể hoà giải được” hàm chứa ý niệm “không trách nhiệm” bởi vì nếu có một sự trách nhiệm thì chính sự trách nhiệm giải thích điều ngạc nhiên mà điều ngạc nhiên có thể giải thích được thì nó không còn là ngạc nhiên nữa (trang 37) và chính sự ngạc nhiên đó rất cần thiết cho ta, nó tạo ra cho ta một niềm vui trọn vẹn và đời trở nên đáng sống. Je n’ai jamais été si grand, si digne, si confiant en moi même, si heureux de vivre (trang 63-64).
Từ những nhận định trên, Rosset làm một sự tẩy uế triết học (purification philosophie); ông từ khước tất cả những triết thuyết từ trước đến bây giờ, từ Socrate đến Sartre, Camus; ông chỉ trích ý niệm Hạnh phúc (Bonheur), Vô phúc (Malheur); ông chỉ trích Luân lý (Morale). Ý niệm Bonheur khước từ ý niệm irréconciliable và irresponsable; ý niệm Malheur chỉ là biến thể của ý niệm Bonheur. Morale khước từ Tragique.
Pour nous, tous ceux qui considèrent que l’homme est inconnu au tragique, tous ceux qui ont le sentiment d‘inconnu face au tragique, tous ceux – là sont réputés moralistes (trang 151).
Con người muốn sống cho ra hồn, muốn cho cuộc đời mình có ý nghĩa thì phải nhìn thẳng vào Tragique. Si nous voulons retrouver la joie, il faut commencer par retrouver le tragique (trang 164).
Trốn bỏ, khước từ, phủ nhận Tragique là trốn bỏ ý nghĩa thực sự của cuộc đời.
5.
Trong A Farewell to Arms, Mưa biểu hiệu “sự có mặt” của Bi đát (la “présence” tragique). Mưa không phải là Bi đát mà chỉ dùng để biểu hiện sự có mặt của Bi đát. Nếu nhìn theo thị quan của Clément Rosset, ta sẽ thấy trong A Farewell to Arms tiềm tàng “triết lý bi đát” (“la philosophie tragique”).
Theo Clément Rosset Tragique là gì? Không thể giải thích, định nghĩa được. Tự tra hỏi về tragique là phủ nhận tragique.
Je ne peux mieux exprimer ma conception qu’en disant que s’interroger sur le tragique, c’est nier le tragique, qui est ce sur quoi on ne peut s’interroger, la seule question qu’il soit impossible à l’homme de poser (La Philosophie tragique, trang 19).
Tragique mà được biện minh, tragique mà được giải thích thì không còn là tragique nữa.
Tragique justifié, tragique interprété, ne voiton pas que ce n’est plus le tragique? (trang 19).
Tragique là gì? Qu’est – ce que le tragique? Tragique là cái gì mà chúng ta không thể giải thích được và định nghĩa được. D’abord donc, se garder d’interpréter (trang 7).
Bởi ta không thể định nghĩa Tragique, bởi Tragique không thể nào định nghĩa được, nên ta có thể gọi Tragique là sự khải thị về một sự từ khước triệt để và đột nhiên trước tất cả ý niệm giải thích (la révélation d’un soudain refus radical de toute idée d’interprétation).
Ta nhớ đến Frederic Henry. Trong gian phòng lạnh lẽo, ngồi chờ đợi bàng hoàng, Frederic Henry đã nghĩ gì?
Ta chết. Ta chẳng hiểu được gì cả. Ta chẳng có giờ để biết, để học. Họ ném ta vào đó và bảo cho ta biết kỷ luật, luật lệ và vừa thoạt sơ suất, họ đã giết ta. Hay là họ giết ta không lý do như Aymo hay là làm cho ta bị bệnh giang mai như Rinaldi. Dù sao, sau cùng, họ cũng giết ta. Không thể ngờ gì nữa. Hãy chờ và sẽ đến lượt ta [8] .
Ta chẳng hiểu gì cả. You did not know what it was about. On ne comprend rien. Đó là tragique. Ta không thể giải thích và định nghĩa Tragique, nhưng ta có thể diễn tả (faire une décription) bằng cách phân tích tâm lý như sau: không có situations tragique mà chỉ có mécanisme tragique, nghĩa là ý niệm tragique nằm gọn trong tương quan giữa hai thế (dans un rapport entre deux situations), nghĩa là ý niệm tragique là sự diễn bày về sau của sự lướt qua từ một trạng thái này đến một trạng thái khác (la représentation ultérieure du passage d’un état à un autre). Xin dở lại trang đầu của chương nhứt trong quyển Philosophie tragique của Clément Rosset (Presses universitaire, 1960): il faut bien préciser que le tragique n’apparait que lorsque nous nous représentons – après coup - le mécanisme tragique, et non pas lorsque nous le vivons (trang 7-8).
Chẳng hạn như lúc Frederic Henry bị bắt và nhìn thấy những sĩ quan đào ngũ bị xử tử hình. Chúng tôi đứng dưới mưa và bị đem ra cật vấn từng người một, rồi bị bắn (trang 175).
Trong trường hợp trên, Frederic Henry là một người lãnh hội được cái “bi đát” của sự chết (le tragique de la mort), không phải bởi vì chàng đã thấy xác chết, mà bởi vì chàng đã thấy những người mà chỉ trong một thoáng giây họ đã sống, rồi thì chết, bởi vì sự bi đát (le tragique) đã dàn bày trước mắt chàng như là mécanisme chứ không phải là situation - Bi đát không phải là những xác chết của những người sĩ quan đào ngũ, bi đát là đống thịt đầy máu kia cũng chính là đồng thịt của những người sĩ quan bị xử tử khi còn sống; nghĩa là ý niệm của sự lướt qua từ trạng thái sống cho đến trạng thái chết mà sau đó chàng đã gợi tưởng lại rằng họ đã chết: “sự diễn bày về sau của sự lướt qua từ một trạng thái này đến trạng thái khác” (la représentation ultérieur du passage d’un état à un auire ). Đó là mécanisme tragique.
Frederic Henry đã nhìn thấy cái bi đát của sự chết một cách thuần túy và trọn vẹn nhất, bởi vì chàng không quen biết những người sĩ quan đào ngũ này, bởi vì chàng chỉ biết họ trong lúc họ chết. Ta thấy rằng cái mécanisme tragique trên chỉ làm ta rùng mình bởi vì ta hình dung nó như một thực thể đông lại (une entité figée) ở ngoài thời gian. Nous découvrons que la vision du mécanisme tragique ne nous fait horreur que parce que nous nous le représentons comme une entité figée, en dehors du temps (trang 11).
Từ những phân tích trên, ta có thể kết luận rằng Bi đát là một cái gì không thể giải thích được. Bi đát là “cái bắt chợt tự bản chất” (le surprenant par essence). Đứng trước le surprenant par essence, tất cả những giá trị đều bị phá hủy. Sau khi khám phá ra bi đát, tất cả những giá trị đều bị xét lại. Après la découverte du tragique, toutes les valeurs sont à reconsidérer (trang 20). Cuối quyển A Farewell to Arms, ta thấy Frederic Henry đi dưới mưa lạnh: chàng cảm nghĩ những gì? Không, tình người không còn, sự vĩ đại của con người không còn, cuộc đời không còn. Tất cả đều không còn nữa. Non, l’amour humain n’ est pas, la grandeur humaine n’est pas, la vie - entendons la vie telle que nous ne pouvons manquer de l’imaginer lorsque nous sommes joyeux, la vie toujour existante et toujours jeune - la vie n’est pas (La Philosophie tragique, trang 20).
Frederic Henry kinh ngạc vô cùng. Chàng mở đôi mắt bỡ ngỡ, bỡ ngỡ… Aymo chết. Rinaldi bị bệnh giang mai. Catherine chết. Rồi mình sẽ chết. Chàng kinh ngạc vô cùng. Chàng không biết gì cả. You did not know what it was about.
Chàng không kịp biết. You never had time to learn (A Farewell to Arms, trang 252). On
n’apprend pas le tragique (Philosophie tragique, trang 21-22) có ai học được chữ ngờ? You never had time to learn. On n’apprend pas le tragique…
6.
Con người bi đát (L’homme tragique) bỗng nhiên cảm thấy sững sờ kinh ngạc. Trước cuộc đời, từ đây Frederic Henry mở đôi mắt bỡ ngỡ, ngơ ngác, sửng sốt, kinh ngạc… Surprise éternelle (Clément Rosset, trang 22). Chàng ăn nói làm sao đây trong niềm kinh ngạc vô biên kia? Phản ứng của chàng? Từ đây, lòng chàng đã xao xuyến, chàng biết chắc không bao giờ quên được bao nhiêu hình ảnh chua xót kia. Từ đây, trước cuộc đời miên man kia, lòng chàng không còn được gió thổi vi vu như dạo nào. Chàng không thể giải hoà với cuộc đời này nữa. Irréconciliable… Ý niệm Irréconciliable là đặc tính siêu hình đầu tiên của Bi đát. Thế nào là Irréconciliable?
Ba giai đoạn dẫn đến ý niệm Irréconciliable. Đầu tiên, ta thấy tính chất “không vượt nổi” (insurmontable), nghĩa là đứng trước nghịch cảnh, lần đầu tiên, ta tự cảm thấy không thể nào giải quyết được, không thể nào thắng được nghịch cảnh sừng sửng ấy, lần đầu tiên, ta phải dừng chân lại, không thể nào bước đi nữa, lần đầu tiên, ta phải nhìn lại, xét lại quãng đường. Mộng tưởng mênh mang của tuổi trẻ, hoài vọng hiên ngang của hoa niên đã dừng sững lại trước thực tại bi đát kia. Nous nous révélons pour la première fois absolument incapables de trouver une solution, de vaincre l‘obstacle qui s’ est dressé devant nous. Pour la première fois, nous sommes arrêtés, nous ne pouvons parvenir à continuer dans la voie sur laquelle nous étions engagés, pour la première fois nous sommes amenés à reconsidérer notre route. Tel est le premier degré du tragique, et l ‘on voit, je pense, toute sa gravité: il s‘agit de la remise en question de toute une croyance, la croyance à la victoire, l’espoir que toujours, dans la voie royale de la jeunesse que nous nous étions tracée, nous surmonterions les traitres obstacles qu’on placerait sur notre chemin; la découverte première de l’échec: ici, on ne passe pas (Clément Rosset, La Philosophie tragique, trang 25).
Từ tính chất “không thể vượt nổi” (insurmontable), ta đi đến tính chất “không chữa được” (irrémédiable). Ta đã sa bẫy, chẳng những ta không thể vượt nổi nghịch cảnh, ta lại còn thấy không còn đường lối nào để đi nữa. Ta bó tay bó gối vì không thể động đậy gì được cả. Ta đã bị hãm vào đường cụt một chiều duy nhất. Lúc trước, đứng trước nghịch cảnh không thể vượt nổi, ta tưởng là rồi đây sẽ còn có lối khác, nào ngờ bây giờ hết phương rồi, parce qu’il nexiste pas de remède à ce que nous prenions tout d ‘abord pour une insuffisance passagère (trang 25-26).
Giai đoạn thứ ba và cuối cùng là sự khám phá ra ý niệm “irréconciliable” (không thể hòa được). Sau lần thất bại, ta đã biết rằng không thể vượt nổi (insurmontable), và không thể chữa nổi (irrémédiable) nhưng bây giờ ta lại rõ thêm rằng sự thất bại “không thể vượt nổi” và “không thể chữa nổi” kia lại cũng là sự thất bại phổ quát và toàn bộ (cet échec insurmontable et irrémédiable signifie pour nous l’ échec universel et total), Một lần bại, một lần lỡ bước sa chân, thì về sau, dù thế nào đi nữa, ta cũng không thể mỉm cười trọn vẹn như xưa. Trót vì tay đã nhuốm chàm… Cet échec-là nous a marqués d ‘une façon indélébile: telle la clef de Barbe-Bleue, il résistera à toutes les tentatives auxquelles nous le soumettrons pour tenter d‘effacer enfin la trace de mort qu‘il a imprimée dans notre âme (Philosophie tragique, trang 26-27).
Bây giờ xin trở lại A Farewell to Arms, ta thấy Frederic Henry đã đi qua ba chặng liên tiếp: “không thể vượt” (l’insurmontable), “không thể chữa” (l’irrémédiable) và “không thể hoà” (l‘irréconciliable).
Đứng trước cái chết của Aymo, của những người sĩ quan đào ngũ, cũng như của bao nhiêu người lính khác, tóm lại là đứng trước chiến tranh tàn khốc, Frederic Henry cảm thấy tần ngần, ngơ ngác trước bao nhiêu tang tóc bất ngờ, chàng nhìn thấy người chết; chàng sững người ra vì chàng biết rằng kẻ ấy mới sống đây mà bây giờ bỗng nhiên phải chết, không còn sống nữa; đứng trước cảnh chết ấy, chàng đã cảm thấy đó là một cái gì mà “không thể vượt được” (insurmontable). Chàng chưa hiểu cái chết (la mort) là gì; nhưng bỗng nhiên chàng đứng trước một người chết (un mort). Cái chết, đối với chàng, chỉ mới là thảm hoạ đối với cá nhân, chứ chưa là thảm hoạ chung. Nous nous représentons la mort comme une catastrophe pour l’individu, non encore comme la catastrophe (Philosophie tragique, trang 27).
Đứng trước một nghịch cảnh, mặc dù không thể nào vượt được, nhưng chàng chưa thấy đó là một sự thất bại đối với riêng chàng. Nous découvrons un obstacle, insurmontable certes, mais non encore un échec (op. cit. trang 27).
Nhìn thấy những người sĩ quan kia bị xử bắn, chàng chỉ mới sửng người và thấy cái chết là điều “không thể vượt được”, nhưng đến lúc họ sắp đem xử bắn chàng, chàng mới vùng vẫy bỏ chạy và nhảy xuống sông mà trốn thoát. Chàng trốn thoát được và trở về với Catherine Barkley. Từ đây, chàng và Catherine Barkley từ bỏ chiến tranh, trốn chiến tranh. Đối với chàng nàng, mặc dù chiến tranh là một mối chướng ngại không thể nào vượt qua được, nhưng cũng chưa hẳn là không phương cứu chữa, un obstacle, insurmontable certes, mais non encore un échec, cf. trang 27). Bởi vì từ nay chàng và nàng sẽ trốn sang Thụy Sĩ, quê hương của rừng núi chập chùng; chàng và nàng sẽ gây dựng Thanh bình riêng biệt (Separate Peace) của hai đứa đầu xanh ở riêng một cõi trời phiêu bạt.
Chàng và nàng cảm thấy hạnh phúc muôn vàn. Đã xa rồi bao nhiêu thảm khốc của chiến tranh, đã xa rồi bao nhiêu bi thương của thời đại. Lúc nhảy xuống sông để trốn thoát, Frederic Henry đã được giòng sông lạnh kia gột rửa bao oán hờn và lúc đi trốn thoát trên xe lửa, chàng đã nghĩ rằng giờ đây chàng hết trách nhiệm. Tôi đã tự do. Tôi xin chúc họ được tất cả may mắn. Họ xứng đáng lắm, họ là những kẻ tốt, những kẻ anh hùng, những kẻ bình tĩnh và những kẻ tế nhị thông minh [9]. Tôi không phải sinh ra để nghĩ ngợi, để suy nghĩ. Tôi sanh ra để ăn. Trời, vâng. Ăn, uống và ngủ với Catherine. Có lẽ đêm nay. Không, không thể đâu. Nhưng tối mai… và một bữa cơm ngon và những tấm trải giường… và không bao giờ phải lên đường nữa… chỉ trừ hai đứa chung nhau [10].
Dù ở trong trường hợp nào, Frederic Henry cũng cố gắng quên chiến tranh. Chiến tranh đã xa rồi. Có lẽ không có chiến tranh. Không có chiến tranh ở đây. Tôi biết rằng chiến tranh đã xong rồi đối với tôi. Nhưng tôi không có cảm giác rằng nó đã hoàn toàn xong. Tôi có cảm giác của một đứa con trai trốn học đang nghĩ đến những gì đang xảy ra vào một giờ nào đó ở trường [11].
Anh không muốn nghĩ đến chiến tranh nữa. Nó đã xong rồi đối với anh (trang 223).
Dù chàng hết sức cố gắng quên chiến tranh, dù chàng có quên đi nữa, trận mưa phũ phàng kia vẫn liên miên theo đuổi hình bóng chàng.
Hai đứa tôi đã sống một đời tuyệt diệu. Chúng tôi sống bên nhau trọn tháng giêng và tháng hai. Mùa đông tuyệt vời quá và chúng tôi hạnh phúc vô cùng… Một đêm trời bỗng bắt đầu mưa. Trời mưa suốt buổi sáng và làm tuyết thành bùn và triền núi trở nên thê lương buồn thảm. Mây bay lênh đênh trên hồ và trên thung lũng. Mưa rơi bên đỉnh núi. Hai đứa tôi có thể nghe mưa rơi ngoài kia… [12]
Hai đứa tôi sống một cuộc đời tuyệt diệu… Một đêm, trời bỗng bắt đầu mưa… Thế rồi bỗng mưa… Nàng đau. Chàng đưa nàng đi nhà thương để sanh hạ đứa con đầu lòng. Thế rồi nàng chết vì sanh đẻ quá khó khăn. Thế rồi nàng chết. Trời mưa. Nàng chết. Chàng bỡ ngỡ ngơ ngác không hiểu gì cả. Nàng chết. Chàng đứng lặng người. Nàng chết. Chàng nói giã từ với một bức tượng. Rồi chàng bước trở về lữ quán dưới cơn mưa [13].
Một hôm nào thoát chết, trên đường đi đến Stresa để tìm gặp em Catherine Barkley, chàng đã nghĩ rằng chàng sẽ quên chiến tranh. Chàng đã làm Thanh bình riêng biệt. I had made a separate peace (trang 88). Chàng đã gặp nàng, chàng và nàng cùng nhau chạy trốn sang Thụy Sĩ để tận hưởng Thanh bình riêng biệt. Hai đứa yêu nhau say đắm. Từ đây, khói lửa có mù trời, chiến tranh có mù đất, cũng không hề gì bởi vì hai đứa mình đã yêu nhau, bởi vì anh cùng em đã làm Thanh bình riêng biệt (Separate Peace). Thế rồi nàng chết. Chàng đã lầm. Hết thanh bình riêng biệt. Hết phương cứu chữa. (Irrémédiable). Trốn chướng ngại này để rồi gặp chướng ngại khác. Trốn chiến tranh, nhưng rồi lại gặp sự ly tán của mối tình kia. Nàng chết. Thế là hết. Cuộc đời là thế.
Đời chàng từ đây trở đi không còn được trọn vẹn như xưa. Nụ cười chàng sẽ mang chua xót, đôi mắt chàng từ đây sẽ vĩnh viễn đọng lại buồn đau vô hạn… Trước cuộc đời, từ nay, không thể nào làm hòa lại được (irréconciliable). Maintenant nous n’en sommes plus à nous demander si l’obstacle que nous avons rencontré est irrémédiable et définitif, mais nous nous apercevons qu’il signifie la perte dans tous les domaines de la vie humaine: que toutes les tentatives que feront les diverses joies pour nous réconcilier à la joie sont condamnées d’avance à l’échec (Philosophie tragique, trang 28-29). Quyển A Farewell to Arms chấm dứt lúc Catherine Barkley chết và chàng bơ phờ trở về lữ quán dưới cơn mưa.
Thử nhìn theo thị quan của Clément Rosset, ta sẽ thấy những nhân vật trong tác phẩm chính của Hemingway mang những thái độ trước Bi đát như sau: không thể hoà (irréconciliable) trong A Farewell to Arms; không trách nhiệm (irresponsable) trong The Sun Also Rises; cần thiết (indispensable) trong The Old Man and the Sea.
Tôi đã mượn vài khía cạnh của Triết lý Bi đát Clément Rosset để phân tích tác phẩm A Farewell to Arms. Đây chỉ là một cách trong muôn ngàn cách để nhìn một tác phẩm… A Farewell to Arms là một văn phẩm vĩ đại. Muốn nhìn trọn tầm vóc của A Farewell to Arms, tôi phải nhìn bằng muôn ngàn cách hợp lại, chứ không chỉ có một cách như trên. Có tham vọng thu gọn tầm vóc của A Farewell to Arms trong một cách nhìn như tôi đã làm ở trên thì thực là điều vô lý. Đem một hệ thống triết lý để nhìn vào một văn phẩm vĩ đại là nhốt tù văn phẩm ấy và là một công việc hoàn toàn vô giá trị.
Chú thích:

[1] In the late summer of that year we lived in a house in a village that looked across the river and the plain to the moutains (E. Hemingway, A Farewell to Arms, chương 1, trang 7).
[2] At the start of the winter came the permanent rain (A Farewell to Arms, chương 1 trang 8).
[3] After a while I went out and left the hospital and walked back to the hotel in the rain (A Farewell to Arms, chương 41, trang 256, Penguin Books, 1935).
[4] Edith Sitwell: Still falls the Rain.
Dark as the World of man, black as our loss.
Blind as the nineteen hundred and forty nails.
Upon the cross
[5] “Why are you afraid of it?”
“I don’t know”
“Tell me”
“Don’t make me”.
“Tell me”,
“No”.
“Tell me”.
“All right. I’m afraid of the rain because sometimes I see me dead in it”.
(A Farewell to Arms, trang 100)
[6] After a while we were very still and we could hear the rain. Down below on the street a motor car honked.
“And always at my back I hear.
Time’s winged chariot hurrying near.”
(A Farewell to Arms, chương 23, trang 122)
[7] Everybody ought to have some place to go (trang 116)
Let’s go some place (trang 118).
[8] You died. You did not know what it was about.You never had time to learn. They threw you in and told you the rules and the first time they caught you off base they killed you. Or they killed gratuitously like Aymo. Or gave you the syphilis like Rinaldi. But they killed you in the end. You could count on that, stay around and they would kill you.(A Farewell to Arms, trang 252)
[9] Anger was washed away in the river along with any obligation (…). I was through. I wished them all the luck. They were the good ones, and the brave ones and the calm ones and the sensible ones and they deserved it (A Farewell to Arms, trang 181)
[10] I was not made to think. I was made to eat. My God, yes. Eat and drink and sleep with Catherine tonight maybe. No that was impossible, But tomorrow night and a good meal and sheets and never going away again except together. (A Farewell to Arms, trang 181 - 182)
[11] The war was a long way. Maybe there wasn’t any war. There was no war here, Then I realized it was over for me. But I did not have the feeling that it was really over. I had the feeling of a boy who thinks of what is happening at a certain hour at the school house from which he has played truant (trang 189 – 190).
[12] We had a fine life. We lived through the months of January and February and the Winter was very fine and we were happy (…) In the night it started raining. It rains on all morning and turned the snows to slush and made the mountain side dismal. There were clouds over the lake and over the valley. It was raining high up the mountain (…) outside we could heard the rain.(A Farewell to Arms, trang 234-235)
[13] It was like saying goodbye to a statue. After a while I went out and left the hospital and walked back to the hotel in the rain (trang 256).

1.

Một thi sĩ đọc tác phẩm của Kafka sẽ hiểu gấp ngàn lần hơn một triết gia, học giả hay nhà phê bình.
Tại sao Kafka khó hiểu?
Bởi vì chúng ta cố gắng tìm hiểu Kafka.
“Gõ cửa đi, cửa sẽ mở.”
Xin đừng gõ cửa, vì cửa không bao giờ mở. Chúng ta đã đi lầm nhà, vì nhà của Kafka không có cửa.
Đi đến Kafka, xin đừng chuẩn bị. Hầu hết những nhà phê bình Âu Mỹ đã viết cả một thư viện vô ích khi họ cố gắng giải thích Kafka. Giải thích Kafka sẽ thất bại như giải thích Hư vô. Trong những nhà phê bình Âu Mỹ, chỉ có Alfred Kazin và Paul – Louis Landsberg là hiểu rõ thái độ của người đọc trước tác phẩm Kafka. Những nhà phê bình khác đã cố gắng trình bày Kafka như là một bài toán khó hiểu, rồi họ cố gắng tìm đáp số. Họ không thể nào tìm đáp số được; vì tác phẩm của Kafka không phải là một bài toán.
Tại sao Kafka viết văn? Kafka không viết. Nỗi cô đơn của Kafka đã viết. Ta không thể nào hiểu được nỗi cô đơn của Kafka, vì mỗi người có một nỗi cô đơn riêng; mỗi người cảm riêng nỗi cô đơn của mình. Không có siêu hình học Kafka; chỉ có nỗi cô đơn Kafka. Không có vấn đề Kafka mà chỉ có kinh nghiệm Kafka; không có “problème” mà chỉ có “expérience” hoặc “sensibilité” hoặc “mystère” (theo nghĩa triết lý của Gabriel Marcel).
2.
Tác phẩm Kafka là kinh nghiệm đau thương của những đêm ngày thao thức bên hố thẳm Hư vô, Hư vô kinh khiếp đã biến đổi Kafka thành một kẻ xa lạ, một người bị lưu đày, một kẻ mất gốc, một người phạm tội và một con vật.
KẺ XA LẠ
Kẻ xa lạ là một người cô đơn tuyệt đối, sống giữa những người thân thuộc như sống giữa những sỏi đá, nhìn mười phương trời chỉ toàn là cỏ khô cháy nắng, đi giữa đời như đi vào một nghĩa địa hoang vu:
Tôi là một người lầm lì, ít nói, trốn vào bản ngã, không thích giao thiệp với đời và bất mãn… Tôi sống trong gia đình, giữa những người thân yêu nhất, thế mà tôi vẫn cảm thấy còn xa lạ hơn là một kẻ xa lạ. Đối với mẹ tôi, trong những năm gần đây, tôi không nói trên hai mươi tiếng mỗi ngày; với cha tôi, tôi chỉ chào hỏi đôi lời thôi. Đối với mấy đứa em tôi, tôi không hề nói chuyện với chúng. Lý do rất giản dị: tôi chẳng có gì để nói (Kafka).
Cha mẹ tôi chơi đánh bài: tôi cảm thấy cô đơn ở bên song thân và cảm thấy xa lạ tuyệt đối… Cha tôi bảo hãy vào bàn mà chơi cho vui… tôi từ chối.
(Nhật ký Kafka, ngày 15 tháng 8)
Vạn vật trơ trơ, thế giới dày đặc, hòn đá lạnh lẽo xa lạ, cảnh sắc muôn màu phủ nhận tôi, bầu trời xanh lơ, đồi kia và cây lá kia xa xôi quá, xa xôi như một thiên đàng đã mất. Kẻ xa lạ là một người bị lưu đày khỏi thiên đàng mến yêu.
KẺ BỊ LƯU ĐÀY
Kẻ lưu đày là một người cô đơn tuyệt đối. Xác ở đây mà hồn ở phương nào. Ở bên kia đám mây hay ở bên kia chân trời, đôi mắt mình vẫn mỏi mòn trông tìm quê hương. Lưu đày bao giờ chấm dứt để mình trở về vương quốc?
Ôi lưu đày và vương quốc! L’Exil et le Royaume… Nhìn về sa mạc mông lung, mình buồn đau hiu quạnh. Cát phẳng lì và không gian hiu quạnh hứa hẹn những gì? Hai dòng nước mắt chảy vào đêm lạnh thiên thu. Lưu đày là lưu đày tâm hồn.
Vô cảm giác. Tôi bị xa lìa mọi vật bằng một khoảng cách mênh mông vô tận.
Tất cả chỉ là tưởng tượng, gia đình, bàn giấy, bạn bè, con đường, tất cả chỉ là tưởng tượng và xa hơn hay gần hơn, người đàn bà. Nhưng sự thực gần gũi nhất là tôi áp đầu tôi vào bức tường của phòng giam nhỏ bé không có cửa sổ mà cũng không có cửa ra vào (Kafka).
Kafka đau đớn và lạnh run. Trong đêm tối vĩnh viễn, Kafka bị ném vào giữa những bức tường phi lý. Kafka ngơ ngác khóc thầm. Ngày xưa khi còn bé thơ… Người cha hung dữ đã hành hạ Kafka; thuở thơ ấu, Kafka đã muốn chết. Tuổi xanh non dại như thế, hư vô đã nỡ nào đuổi theo? Một lần khóc đêm, cậu Kafka bị cha đem ra bỏ ngoài balcon, đứng trước cánh cửa đóng kín, lòng cậu bé ngây thơ đau đớn tủi hận. Suốt mấy đường đời, nẻo nào, phố nào, Kafka vẫn không bao giờ quên được cảnh tượng đau buồn trên. Nét mặt hầm hầm thịnh nộ của người cha vẫn đè nặng hơi thở của Kafka suốt đời. Kafka vẫn nhớ mình đã bị quăng ném ra ngoài và đứng cô đơn trước cánh cửa lạnh lùng kia. Cảm giác đau đớn vẫn theo đuổi Kafka đến chết. Kafka không thể nào quên được. Kafka luôn cảm thấy bơ vơ lạc loài và nghĩ rằng mình là kẻ bị lưu đày khốn khổ tuyệt vọng.
Người Do Thái lang thang ấy không bao giờ được trở về đất hứa:
Chanaan là giải đất hy vọng duy nhất, không có giải đất thứ ba cho con người (Nhật ký Kafka ngày 28 tháng giêng năm 1922).
Bốn mươi năm trời lầm lũi, Kafka không biết bám vào đâu để tìm ra ánh lửa hy vọng giữa nẻo đời. Bám vào đâu? Sông đã chảy xa nguồn; chim trời đã bay xa tổ ấm; con tàu đã vượt trùng dương heo hút, bỏ lại đằng sau một bến hoang sơ mỏi mòn; cây đã ngã và gốc rễ chằng chịt đã xa lìa lòng đất tương tư…
KẺ MẤT GỐC
Kẻ mất gốc là một người cô đơn tuyệt đối; những chiều mưa u ám, mình bâng quơ đứng nhìn dòng sông xa xôi và bỗng nhiên hoảng hốt, ý thức rằng mình đã bị dòng đời cuốn trôi phũ phàng xa khỏi nguồn đến ngàn vạn dặm.
Kafka là người Do thái, sinh trưởng ở Tiệp khắc. Không có mẫu ngữ, không có quê hương, nói viết bằng ngôn ngữ Đức, sống giữa người Tiệp dưới thời chiếm đóng của Áo Hung, Kafka đã bị mất gốc bên ngoài xã hội và cả bên trong tâm hồn:
Không tổ tiên, không gia đình, không giòng giống, với lòng thèm khát mãnh liệt muốn có tổ tiên, gia đình, giòng giống (Nhật ký Kafka).
Bi kịch Kafka cũng là bi kịch ngàn năm của Van Gogh: Kafka muốn sống tầm thường như mọi người, nhưng không thể nào được, Kafka đã mất gốc ngay từ trong lòng mẹ. Kafka bị trốc rễ và đung đưa chết đắm giữa biển đời. Hai tay chới với kêu gọi cầu cứu:
Hãy để tôi xa nơi đây! Hãy để tôi xa nơi đây!... Bàn tay người đâu?... Ước gì tôi có thể cầm lấy bàn tay người, tôi tin người sẽ không còn quăng ném tôi nữa. Người có nghe tôi không? Có phải người đang ở trong phòng tôi không? Có lẽ người không có ở đây (Kafka, "Hochzeitsvorbereitungen auf dem Lande", trang 272).
Tiếng than của Kafka có vọng đến lưng trời?
Lại bị đày, lại bị đày rất xa, đày rất xa. Núi, sa mạc, những xứ mênh mông… ("Hochzeitsvorbereitungen…" trang 273).
Kafka tuyệt vọng, mọi sự đều thất bại, đời sống gia đình thất bại, tình bạn thất bại, hôn nhân thất bại, nghề nghiệp thất bại, văn chương thất bại. Vì sao?
Vì thiếu đất, thiếu không khí, thiếu lề luật (Nhật ký Kafka, ngày 23-2-1910).
Nhân vật chính trong quyển Das Schloss (Le Château) của Kafka cũng “thiếu đất, thiếu không khí, thiếu lề luật”. Hắn đến một làng để đi tới lâu đài kế cận, nhưng hắn không thể nào đến được lâu đài ấy, Das Schloss là bi kịch của một người đi tìm gốc rễ, sự mạo hiểm riêng lẻ của một tâm hồn đi tìm thánh sủng, của một con người đòi hỏi sự huyền bí tối thượng của những sự vật trần gian này (Albert Camus, Mythe de Sisyphe, tr. 173).
Tại sao Kafka lại cảm thấy mình là kẻ xa lạ, kẻ bị đày, kẻ mất gốc? Kafka không thể hiểu được, Kafka đã làm gì mà phải ra nông nỗi như thế?
KẺ PHẠM TỘI
Ngay từ lúc nhỏ, khi cha bị hành hạ đau đớn, Kafka đã mang mặc cảm tội lỗi. Lớn lên, đi vào cuộc đời, Kafka lại nghĩ rằng mình là một kẻ phạm tội. Tại sao tôi lại bị đày, bị mất nguồn, mất gốc? Tôi không biết. Chắc tôi đã phạm một tội lỗi nào đây. Người khác sung sướng, thảnh thơi, bình thường, hạnh phúc yên vui, thoải mái, bình lặng. Còn tại sao tôi lại đau đớn, khó chịu, khó thở, ngột ngạt, cảm thấy xa lạ mất gốc rễ. Có lẽ Trời đã đày tôi như thế. Có lẽ Trời đã hành phạt tôi như cha tôi đã hành phạt tôi khi tôi còn bé. Hành phạt một cách vô cớ (hay là có cớ mà tôi không biết?). Tôi là một kẻ phạm tội mà không biết phạm tội gì:
Hãy thương hại tôi… Đừng ném quăng tôi vào giữa những kẻ bị xử phạt (Kafka).
Lời van xin của Kafka thống thiết vô cùng, thế mà trời xanh vẫn thản nhiên im lặng;
Con đã bị ném quăng, bị phán xử và bị hành phạt, chà đạp. Chỉ có ý nghĩ trốn thoát bất cứ nơi nào cũng đã an ủi con nhiều. (Kafka, "Thư gửi cho cha")
Nhân vật chính trong quyển Der Prozess (Le Procès) của Kafka bị buộc tội là phạm nhân mà hắn cũng chẳng biết phạm tội gì. Hắn chỉ biết có điều là hắn vô tội.
Quyển Der Prozess mở đầu: “Có lẽ là một người nào đó đã vu cáo Joseph K. bởi vì chẳng làm gì quấy cả mà hắn đã bị bắt vào một buổi sáng tươi đẹp”.
Sống và không biết mình sống làm gì. Đi và không biết mình sẽ đi đâu. Chết và không biết tại sao mình chết. Bị buộc là kẻ phạm tội và không biết mình đã phạm tội gì. Đó là tất cả ý nghĩa của Phi lý.
MỘT CON VẬT
Thế giới này là thế giới của những con người lành mạnh, trí óc quân bình, có tổ tiên, có truyền thống, có nguồn gốc, sống thoải mái trong vòng xã hội tôn ti trật tự.
Kẻ xa lạ là kẻ bị đày hay kẻ mất gốc hay kẻ phạm tội vốn là một đứa bé rụt rè nhút nhát - “ein ängstliches Kind”; tính từ ängstlich có nghĩa là “lo âu, cảm thấy khó chịu, đau đớn, bực bội, sợ sệt dè dặt, rụt rè, nhút nhát…” Tuổi thơ đã quyết định cuộc đời sau này; vì khi lớn lên vào đời, kẻ xa lạ ấy (hay kẻ bị đày hay kẻ mất gốc hay kẻ phạm tội” có cảm tưởng mình là một con vật, một con sâu bọ phá hoại (das Ungeziefer) hay một con thú rừng (Waldtier) giữa xã hội loài người.
Truyện “Die Verwandlung” (“La Métamorphose”) của Kafka mở đầu như vầy: “Một buổi sáng sau một cơn mộng mị, Gregor Samsa thức giấc và thấy mình biến thành con sâu bọ kinh khủng” [1].
Hằng ngày Gregor Samsa đã cực khổ hết sức để giúp đỡ gia đình; mỗi ngày, hắn phải thức dậy sớm để đi làm việc kiếm tiền về nuôi cha mẹ và em gái, hắn chịu mọi nhọc nhằn để cho gia đình được sống ấm cúng đầy đủ. Bỗng nhiên, một hôm giựt mình thức giấc, hắn thấy mình không còn là người nữa và đã hoá thân thành một con vật. Thể xác là vật nhưng tinh thần của Gregor Samsa vẫn còn là người; đó mới là bi kịch thảm khốc của hắn. Gia đình hắn kinh tởm hắn. Ông cha ném một trái pomme vào mình hắn. Hắn bệnh, rồi chẳng bao lâu hắn chết. Cả gia đình hớn hở. Người đọc cảm thấy lạnh xương khi đi vào gian phòng lạnh lẽo của Gregor Samsa; Kafka không có ý dàn bày để người đọc phải hoảng hốt; Kafka chỉ viết với giọng điệu lạnh nhạt dễ dãi; đọc truyện Kafka, ta không thể đọc theo lối truyện thông thường. Tôi không nghĩ cần phải đọc lại Kafka nhiều lần mới hiểu được Kafka.
Đọc Kafka (cũng như đọc Rimbaud hay những thiên tài phi lý khác), nếu ta hiểu được là hiểu ngay lập tức, còn nếu ta không hiểu được thì dù có công phu khó nhọc đọc đi đọc lại đến mười lần cũng không thể nào hiểu được. Kafka (hay (Faulkner) viết văn không phải cố ý làm cho khó hiểu kỳ hoặc. Nếu Kafka (hay Faulkner) có khó hiểu chăng; đó là chính ta đã làm ra khó hiểu, vì trước khi đọc, ta cố ý đi tìm xem Kafka (hay Faulkner) muốn nói những gì; đừng nên tìm kiếm gì cả, cứ đến tác phẩm Kafka (hay Faulkner) như đến một nghĩa địa vào buổi hoàng hôn. Và ta sẽ hưởng được nhiều cảm giác mông lung lạnh lẽo. Nếu đem cái óc lý luận phê bình của ta mà đọc Kafka, ta sẽ thấy vô lý và chán nản ngay bởi vì giọng văn của Kafka lơ thơ lạnh lùng như mấy cơn gió hiu hắt ở bãi tha ma và phản luận lý học như những nấm mồ xơ xác…
Một buổi sáng, sau một cơn mộng mị, Gregor Samsa thức giấc và cảm thấy mình biến thành một con sâu bọ khủng khiếp. Als Gregor Samsa eines Morgens…
Đọc xong đoạn văn trên rồi ta cứ tiếp tục đọc tới, đừng phân vân thắc mắc lý luận.
Tất nhiên ta sẽ ngạc nhiên, với lời mở đầu lạ lùng trên nhưng đừng ngừng lại tra hỏi làm gì, cứ đọc tới, sự ngạc nhiên ấy sẽ dồn dập biến thành bao nhiêu cảm giác. Gregor Samsa (hay Kafka hay chúng ta) một buổi sáng thức dậy thấy mình không còn mang xác người nữa; cả gia đình xôn xao và sợ hãi nhưng Gregor Samsa lại bình thường như chẳng có việc gì xảy ra, vẫn lo lắng sợ trễ giờ đi làm việc, vẫn những cử chỉ, những thói quen như hàng ngày; hắn ngạc nhiên thấy người nhà hắn khiếp sợ hắn.
Nếu Gregor Samsa hoàn toàn là một con vật thì truyện “Die Venwandlung” (“Métamorphose”) chẳng có ma lực gì để có thể đưa ta vào thế giới bi đát ấy. Bi đát không phải Gregor Samsa là một con vật; bi đát là Gregor Samsa không phải hoàn toàn là con vật mà cũng không phải hoàn toàn là con người; Samsa ở chính giữa nửa người nửa vật và không biết mình thuộc về đâu; loài người không nhận Gregor Samsa mà loài vật cũng không nhận hắn. Trời không nhận mà đất không nhận. Khi Gregor Samsa chết, người đầy tớ đem quét bỏ và thùng rác. Gregor Samsa của Kafka nhắc ta nhớ đến nhân vật Yank của Engene O’Neill trong vở kịch The Hairy Ape (Con khỉ có lông); Yank cũng chết vì loài vật không nhận Yank vào loài chúng mà loài người cũng chẳng nhận Yank vào loài họ. Yank không biết mình thuộc về loài gì? Mọi nơi đều phủ nhận hắn. Cộng sản cũng như tư bản, loài người cũng như loài vật đều khước từ hắn.
Trước khi chết Gregor Samsa “nghĩ đến gia đình hắn với lòng dịu dàng yêu thương”.
Đọc xong truyện “Métamorphose”, mình cảm thấy cô đơn lạ lùng. Tác phẩm “Métamorphose” đã chung đúc cô đọng lại tất cả bi kịch chua xót của Kafka và quyển Château hay Procès chỉ lập lại một vài khía cạnh của “Métamorphose”.
Những nhà phê bình hay đặt tầm quan trọng vào quyển Procès và Château: dường như họ bỏ quên “Métamorphose” hoặc chỉ để ý sơ sài thôi (trừ ra Paul-Louis Landsberg, triết gia hiện sinh Đức, đã lưu ý đến tầm quan trọng của tác phẩm “Métamorphose”; ông đã viết riêng một bài về tác phẩm trong tạp chí Esprit, Sept. 1938-cf. Landsberg, “Problèmes du Personnalisme”, tr. 83-98).
Kafka xa lạ, Kafka bị đày. Kafka mất gốc, Kafka phạm tội: tất cả Kafka xa lạ bị đày mất gốc phạm tội đều nằm trong “Métamorphose”.
Kafka (cũng như Leopardi, thi sĩ thiên tài bi đát của Ý ở thế kỷ XIX) đều là kẻ cô đơn tuyệt đối: Kafka (hay Leopardi) đều muốn sống tầm thường như mọi người nhưng rút cục rồi họ đều thất bại chua xót: cả hai đều chết khoảng bốn mươi tuổi, chết vì bệnh: nguyên nhân gây bệnh là không thể sống nổi trên đời này: Kafka coi bệnh lao của ông như là sự tràn trề thái quá của cơn bệnh tâm linh. Lúc biến thành con vật và nằm trong nỗi cô đơn khốc liệt, Gregor Samsa nghe em gái đàn vĩ cầm, Gregor Samsa cảm xúc vô cùng và bò ra khỏi phòng đi đến em gái để tỏ lòng mến thương của hắn, nhưng hắn đã thất bại, vì khi hắn bước ra phòng khách, mấy người đứng nghe nhạc sửng sốt và cô gái ngưng đàn. Hắn thất vọng: hắn có biết đâu hắn là con quái vật đã phá hoại cuộc vui: hắn không còn là một người anh hay là một người con trong gia đình, hắn chỉ là một kẻ xa lạ, một kẻ bị đày, kẻ mất gốc, kẻ phạm tội hay gọn hơn là một con vật ở giữa phòng khách lịch sự của loài người. Đó là những lý do sau này khiến hắn hết lặng lẽ trong phòng.
Kafka cũng thế. Nẳm trong nỗi cô đơn khốc liệt, Kafka đã nghe được tiếng vĩ cầm du dương của thiên hạ, cũng như Gregor Samsa, Kafka cảm xúc vô hạn và nhận ngay rằng tiếng nhạc thướt tha ấy là “con đường mở ra đưa đến lương thực xa lạ” mà Kafka đã thèm muốn suốt đời.
Cũng như Gregor Samsa, Kafka bước ra khỏi phòng và vừa mới bước ra đã bị xua đuổi…Mấy lần định lập gia đình để sống cuộc đời tầm thường như bao kẻ khác, để tìm “lương thực xa lạ” cho tâm hồn cô đơn mãnh liệt của mình,thế mà Kafka đã bị thất bại. Cũng như bao đêm ngày thao thức, tâm hồn cô đơn của Kafka đã đi tìm “lương thực xa lạ” nơi Văn chương; đối với Kafka, viết văn là “đọc kinh”. Kafka cũng thất bại luôn. Trước khi chết, Kafka đã dặn một người bạn đốt hết mấy tác phẩm của ông.
Hư vô đã tàn phá Kafka, ăn mòn ruỗng Kafka từng giờ từng phút. Kafka đã chạy trốn Hư vô. Nơi nào? Que faire? Fuir? Mais òu? Et à quoi bon? (Milosz). Chạy trốn ở đâu? Kafka chạy trốn tìm giải thoát ở Tình yêu, nào là em Felice B., em Milena Jesenska, em Dora Dymant vân vân, nhưng rồi các em cũng chỉ là những người đàn bà như nhiều người đàn bà khác và linh hồn tôi suốt đời vẫn buốt giá cô đơn? Cần gì tình yêu? À quoi bon? Phải không người con trai già không vợ tên là Nietzche, tên là Schopenhauer?
Không thể giải thoát bằng Tình yêu được. Das ist unmöglich. Kafka chết.
Tôi phải trở về bóng tối, tôi không thể chịu đựng nổi mặt trời, tôi đã đi lạc đường lạc lối không khác gì một con vật mất hướng. (Kafka)
Tình yêu, Văn chương. Tất cả đều thất bại. Kafka đã trốn Hư vô, nhưng làm gì trốn được, bởi vì Hư vô ở ngay trong người Kafka; trốn Hư vô là trốn minh, giết Hư vô là giết mình; bởi vì Kafka và Hư vô. Bởi thế khi Kafka vừa diệt được Hư vô thì vừa lúc ấy, bóng tối kêu gọi Kafka trở về…
Tôi phải trở về bóng tối…
Vâng, Kafka hay tất cả mọi người ai cũng thế sớm hay muộn gì cũng phải trở về bóng tối, dù muốn hay không; nhưng trước khi trở về bóng tối, chúng ta hãy cất tiếng lên ca tụng ánh sáng mặt trời.
Không. Không. Không. Nein. Nein. Riêng tôi, tôi không thể nào hát nổi; vì mặt trời đã thiêu đốt buồng phổi tôi. Có lẽ Kafka sẽ trả lời như thế?
3.
Trời càng về khuya càng trở lạnh, mưa vừa dứt, nhưng gió vẫn thổi ào ào ngoài bãi đất hoang; hắn nhìn về hướng rừng núi. Trời tối đen, hắn chỉ nghe tiếng chim rừng vọng lại xa xôi. Hắn ngồi lừ đừ trước hai cây đèn cầy. Hắn cô đơn. Mấy năm nay, cuộc đời hắn lênh bênh như mấy đám lục bình trôi sông. Sau mấy ngày bơ phờ vất vưởng trên những hè phố Sài gòn bây giờ hắn trở về đây để sống đỡ cho qua ngày tháng. Phi Nôm là một làng bé nhỏ, núi đồi vây phủ chung quanh, chim về rất nhiều bởi vì làng nằm ngay bên rừng; thỉnh thoảng nai và heo rừng về kiếm ăn; nhất là chim, giàn đậu năm nay thất mùa, chim chim. Đêm nay, hắn ngồi trước hai cây đèn cầy và hắn cười. Cuộc đời là danh từ trừu tượng, hắn cười ra nước mắt. Hắn nhìn bức ảnh Kafka để ngay nơi bàn viết. Hắn nhìn đôi mắt Kafka, Ngọn đèn cầy leo lét. Ôi quê hương, ôi miền hoa thơm cỏ biếc… Kennst du das Land, wo die Zitronen blühn? Im dunklen Laub die gold Orangen glühn, ein sanfter Wind vom blauen Himmel weht, die Myrte still und hoch der Lorbeer steht (Goethe). Hỡi Kafka, người có biết dải đất mà nơi đó những cây chanh trổ hoa, những quả cam vàng lóng lánh trong những lá đen, một ngọn gió dịu dàng tự trời xanh tha thướt thổi về, cây sim dại lặng lờ và cây nguyệt quế cao chênh vênh. Người có biết giải đất ấy chăng? có biết chăng? Hỡi Kafka, hỡi Kafka, người có biết miền hoa thơm cỏ biếc ấy chăng?

Đôi mắt Kafka khắc khoải trả lời yếu đuối: Không phải vì cuộc đời Moise quá ngắn, nên Moise không đến được Chanaan, mà bởi vì đó là cuộc đời của con người. Đôi mắt Kafka vương cả nỗi buồn quê hương. Làm sao trở về Chanaan? Làm sao trở về đất hứa? Đứng trên ngọn núi Nébo, Kafka đau đớn rưng rưng nhìn về Chanaan hai dòng lệ chảy dài chua xót: “ôi quê hương thân yêu… Quê hương, Quê hương… Dunkel ist das Leben und der Tod. Cuộc đời đen tối và đen tối cõi chết…” Kafka không bao giờ được trở về quê hương, bởi vì Kafka chỉ là một con người.
Connais - tu le pays òu les citrons fleurissent? Kennst du das Land, wo die Zitronen glühn?…
Người có biết giải đất mà những cây chanh đang trổ hoa? Những quả cam vàng lóng lánh… Hắn không hỏi nữa, vì hắn chợt thấy đôi mắt Kafka rưng rưng và hai giọt lệ chảy dài đau đớn. Hắn cảm thấy xót xa vô hạn bởi vì hắn cũng là một kẻ nhớ quê hương da diết như Kafka. Có những chiều tê tái, mưa đổ bâng quơ, hắn nhớ quê hương quá đến nỗi hắn run rẩy bò lên triền núi chênh vênh để mà ngóng tìm mơ hồ…
Nẻo nào trở về Tipasa? hắn nhắm mắt nghẹn ngào bởi vì hắn chỉ nhìn thấy mặt biển hư vô đen tối, hắn rùng mình ớn lạnh và thỉnh thoảng hắn muốn nhảy xuống để thoát lìa ngục tù thân thể… Ôi cô đơn. Ôi, cô đơn khốc liệt!
Cô đơn, cô đơn hoàn toàn cô đơn,
Cô đơn trên mặt biển bao la!
Không có một thần thánh nào thương xót
Linh hồn quằn quại của ta.
(Coleridge)
Những đêm thao thức, hắn đã bàng hoàng nghĩ ngợi? Tại sao từ lúc nhỏ đến lớn, không lúc nào hắn lại cảm thấy hạnh phúc? Tại sao tất cả những mộng đời huy hoàng đều biến thành số không? Tai sao dâng trọn cả tấm lòng chân thành cho đời mà vẫn bị đời hành hạ? Tại sao hắn đã già trước tuổi, đã nỡ để thanh xuân phôi pha úa tàn theo dòng man dại đắng cay?
Hỡi ôi! Tôi không bao giờ được trẻ; khi hãy còn thanh xuân, tôi đã già một ngàn tuổi hơn một cụ già. (Kierkegaard)
Nửa đêm chợt thức, hắn lại giựt mình tự hỏi tại sao mình nằm ở đây? Rồi mai mình chết ư? Chết. Chết. Tôi là ai sống để làm gì? để làm gì? Không có được không? Chết. Hắn sợ loạn óc, nên không dám tự hỏi vớ vẩn nữa, hắn bịt mắt lại, cố gắng nằm nghĩ chuyện khác. Mỗi ngày, hắn chỉ sống bơ phờ chán nản, hắn nghĩ rằng ngày mai sẽ khá hơn, sẽ đỡ hơn, sẽ tươi tốt hơn, nhưng nào ngờ càng ngày hắn càng chìm xuống, chìm xuống một cách đau thương không lối thoát. Tiếng chim quốc vọng lại sau núi.
Hắn nhớ lại ngày cuối cùng trước khi giã biệt Đà Lạt, bà chủ cho thuê phòng có buồn rầu nói với hắn; “ngày đầu tiên ông mới đến đây, ông đã nói rằng đây là thiên đàng của ông, ông sẽ ở đây sau này và sẽ chết luôn tại đây, vậy sao nay ông lại bỏ đi? Ôi cuộc đời thực là buồn nhỉ? Ông đi rồi còn có nhớ thành phố này không?”
Câu nói ấy ngày nay vẫn văng vẳng bên tai hắn. Ừ, hắn đã bỏ Đà Lạt mà đi. Ngày trước, hắn đã chửi bỏ nơi sinh đẻ hắn mà bỏ đi biệt luôn; hắn thù ghét nơi hắn đã sinh trưởng và bỏ đi không bao giờ trở lại; trên nẻo đường xuôi ngược một hôm tình cờ hắn đến Đà lạt, hắn sung sướng tự nhủ: “Nơi đây, nơi đây chắc mình tìm được thanh bình”.
Hắn tươi cười dừng chân lại và ở luôn tại Đà Lạt. Hắn đã hạnh phúc. Những đêm trăng lang thang trên đường phố đầy sương, những chiều mưa lạnh ngồi trong quán cà phê lặng lẽ nghe nhạc, những buổi chiều nắng vàng nhuộm cả đồi thông. Ừ, hắn đã hạnh phúc. Hắn ở Đà Lạt gần hai năm, thế rồi bỗng nhiên một hôm đang đi lang thang giữa đường phố, bỗng nhiên hắn chợt thấy rằng hắn đã mất mát và hắn cảm thấy nhơ nhớ…
Hắn cũng chẳng biết nhớ gì, hắn chỉ thấy có gì chán chán… Ừ, Đà Lạt vẫn đẹp, nhưng bỗng nhiên hắn thấy vẻ đẹp ấy lạnh lùng quá, thờ ơ quá; vẻ đẹp ấy không còn nồng nàn đón tiếp hắn như những ngày đầu tiên… Thế rồi một sáng kia hắn cuốn cả hành lý bỏ Đà Lạt và định sẽ không bao giờ trở lại nữa. Ngày lên đường hắn chẳng lấy gì hối tiếc. Hắn về ở Sài Gòn, nơi mà trước kia hắn thù ghét vô cùng. Mấy tuần lễ, hắn sống vui sướng ở thủ đô.
Rồi bỗng nhiên, một chiều kia, cũng đang lang thang trên mấy đường phố đông người giữa Sài Gòn, hắn bỗng cảm thấy mất mát và cảm thấy nhơ nhớ. Hắn nhớ Đà Lạt mà hắn vừa mới bỏ đi. Hắn muốn trở về lại, nhưng… và bây giờ hắn ngôi đây trước hai cây đèn cầy trong một gian nhà lạnh lẽo ở một vùng rừng núi. Cô đơn. Nơi đây chỉ cách Đà Lạt có hai mươi cây số, nhưng hắn sẽ không trở về Đà Lạt nữa.
Hắn nhớ Đà Lạt lắm, nhưng không về. Hắn muốn làm một Tantale. Tâm trạng hắn kỳ quái.
Ở thiên đàng thì hắn lại chán và muốn đi xuống hỏa ngục và khi đã xuống hỏa ngục thì hắn lại muốn trở về thiên đàng, rồi khi được về thiên đàng thì ở một thời gian rồi hắn bỗng chán và muốn trở về hỏa ngục. Phải chăng đó là ý nghĩa cuộc đời? Con người chỉ hạnh phúc khi chưa đạt được và lúc đã được rồi thì lại bỗng chán. Hắn than rằng hắn cô đơn, nhưng khi hắn không còn cô đơn nữa thì lúc bấy giờ hắn lại thèm muốn cô đơn. Như vậy nghĩa là gì? Hắn có hiểu Kafka chưa? [2] Ngoài kia mưa lại bắt đầu rơi. Tiếng dế vang rền ngoài bụi hoa. Hắn muốn được Tự do; hắn lại van xin muốn được Nô Lệ. Con người là thế?
Thần thoại Hy Lạp trở về lảng vảng bên tai. Tantale đói khát kinh khủng và trái ngon đung đưa ngang miệng, thế mà khi Tantale hả miệng muốn ăn thì thần thánh lại không cho ăn. Tantale bị hình phạt bi đát thế, nhưng ta phải nghĩ rằng Tantale hạnh phúc. Il faut imaginer Tantale heureux (Mythe de Tantale…).
Gió ào ào qua mái nhà. Hắn cười sung sướng khi nghĩ đến việc đổi tên Sisyphe lại là Tantale, ừ, thay vì Mythe de Sisyphe phải đổi lại là Mythe de Tantale. Gió thổi ào ào quá mạnh, mái nhà lay chuyển dữ dội; hắn rùng mình, hai ngọn đèn leo lét. Hắn ngồi dở lại từng trang Tân Ước Kinh và nói thầm bâng quơ: “bởi vì tôi đã là cô đơn ngay từ lúc chào đời và rồi đây tôi cũng sẽ chết cô đơn; tôi chỉ là con người và tôi chỉ muốn làm người ở trần gian hiu quạnh này; thiên đàng tươi đẹp, trần gian xấu xa đen tối, nhưng bởi vì tôi đã là người, tôi xin làm người đến trọn đời và tôi sẽ luôn luôn thuộc về trần gian này, tất nhiên tôi sẽ khổ nhưng tôi vẫn khước từ hạnh phúc. Nơi nào có Tình yêu, nơi đó sẽ hết cô đơn… Tôi xin khước từ Tình yêu. Nơi nào có Tình yêu nơi đó sẽ hết hư vô… Tôi xin khước từ Tình yêu và tôi xin chấp nhận hư vô, chấp nhận cô đơn”.
Hắn sung sướng nhìn bức ảnh Kafka, Hỡi Kafka, tại sao người không chấp nhận cô đơn? Tại sao người cứ mãi trốn cô đơn? Người có trốn được không? Hỡi cô đơn, người em gái thân yêu của tôi! Hỡi Kafka, tôi là, và tôi vẫn muốn luôn luôn tôi là, tôi không muốn trở nên, tôi chỉ muốn là: trở nên thì lừa dối lường gạt; là không lừa dối: trở nên thì hạnh phúc; là thì đau khổ; hạnh phúc chỉ lường gạt; đau khổ là tôi, là con người, là trần gian này; tôi rờ mó nhìn thấy được Đau khổ.
“Là” có nghĩa “là tôi”; “là tôi” có nghĩa là “Hư vô” mà “hư vô” là “không”; bởi thế “Là” cũng có nghĩa “không là”. “Trở nên” ở chính giữa, nửa “Oui” “Ja”, nửa “Non” “Nein”.
Tôi là chết, là hư vô, là cô đơn; tôi chấp nhận là thế và tôi không muốn trở nên cái khác. Trước cái chết, tôi nói oui, yes, ja; sự chất dính liền với cuộc đời, bởi thế khi tôi nói oui với sự chết thì có nghĩa tôi nói oui với cuộc đời, Hỡi Kafka, người đã lưỡng lự, người nửa muốn nói oui, ja, nửa muốn nói non, nein; đó là bi kịch khốc liệt của người. Hỡi Kafka, đêm nay, tôi cô đơn, cô đơn vô hạn, nhưng tôi không muốn trốn cô đơn nữa, từ đây cô đơn là tình nhân của tôi. Hỡi cô đơn, người em gái thân yêu của tôi!
Giữa đêm khuya, bên hai ngọn đèn ma quái, hắn đã nói những gì với Kafka? Hắn đã tâm sự những gì? Mưa bắt đầu rơi lại; giọt mưa gõ tiếng lào rào trên mái nhà. Hắn gọi hồn Kafka về để hắn được chia sớt đôi chút tâm tình chua xót đau thương. Một cơn gió lạnh nổi lên ào ào. Đầu tóc rối xỏa, Kafka bỗng hiện hồn về trừng mắt đau đớn nhìn hắn. Ánh đèn cầy chập chờn muốn tắt.
Chú thích:

[1] Nguyên văn: Als Gregor Samsa eines Morgens aus unruhigen Träumen erwachte, fand er sich in seinem Bett zu einem ungeheuren Ungeziefer verwandelt (“Die Verwandlung”, cf. Franz Kafka, Die Erzählungen) S. Fisher Verlag, Berlin 1961, trang 39.
[2] Ý nghĩa tác phẩm Kafka rất phong phú và phức tạp, có lẽ phức tạp nhất trong văn học hiện đại. Những nhà phê bình đều có những nhận định hoàn toàn phản nghịch nhau. Theo nhà văn Anh J. B. Priestley thì tất cả những nhà phê bình đều không lãnh hội được ý nghĩa tác phẩm Kafka, vì những nhà phê bình ấy đã không đi vào được niềm bí ẩn của nghệ thuật Kafka, khi họ đồng hoá lầm lẫn nghệ thuật tượng trưng (symbolism) với lối sử dụng ngụ ngôn (allegory). Đối với J. B. Priestley, sở dĩ Kafka lôi cuốn hấp dẫn được đủ mọi hạng người trí thức là vì Kafka đã viết văn theo lối tượng trưng một cách chân thành và sâu thẳm nhứt (xin đọc J.B. Priestley, Literature and Western Man, tr. 410-420). Lời nhận định của J.B. Priestley có giúp gì thêm cho niềm suy tư của ta không?
Chương tư
Ý thức khắc khoải - Tưởng niệm Jean - René Huguenin hay là niềm bơ vơ của thanh niên thời đại

Một con ong chết…
(J.R. Huguenin, La Côte Sauvage, trang 67)
Một con ong chết.
Nắng xế qua triền cửa sổ.
Mùa hè đổi hướng.
Cummings chết: tôi không buồn. Hemingway, Blaise Cendrars, Hermann Hesse, Faulkner chết, tôi không buồn. Một con ong chết: tôi buồn lắm.
Jean-René Huguenin vừa mới chết: tôi buồn lắm. Anh mới hai mươi sáu tuổi và chỉ xuất bản một tác phẩm; quyển La Côte Sauvage là quyển tiểu thuyết duy nhất của anh. Anh viết tiểu thuyết quá buồn. Nắng chiều. Đêm. Đêm tối. Raymond Radiguet. Chatterton. Anne Frank, Lenau, James Dean.
M. Monroe vừa mới chết.
Jean-René Huguenin vừa mới chết.
“Tôi không biết. Anh đã tìm thấy gì?”
“Một con ong chết”.
“Je ne sais pas. Qu‘est-ce que vous avez trouvé?”
“Une abeille morte.”
Jean-René Huguenin đã viết hai câu trên trong quyển La Côte Sauvage (trang 67).
Pierre, nhân vật trong quyển ấy, là một chàng trai trẻ rất buồn, một người cô độc, một kẻ ích kỷ không tự thương mình L‘égoiste qui ne s‘aime pas (tr. 70). Pierre yêu người em gái của một người bạn thân chàng…
Một hôm. Pierre bỗng tìm thấy một con ong chết trên triền cửa sổ. Et ce fut l’autre versant de l’été, le jour où Pierre découvrit, sur le rebord de sa fenêtre, une abeille morte (tr. 65). Lòng người luân lưu thay đổi như những cây dương xỉ vàng xẫm, như hoa bát tiên chóng tàn, như những ngày xế bóng hoa đưa, như những con ong khô chết: Alors l‘évidence éclatait; les fougères brunissaient, les hortensias se fanaient, les jours déclinaient plus vite, les abeilles mouraient- c’était l’autre versant de l‘été (tr. 65).
Ừ, hỏi làm gì? Đời là ngộ nhận triền miên. Người làm gì biết được. Mỗi người là một vạn lý trường thành, chắn lại hết giao thông. Người làm gì hiểu được ta. Ngộ nhận là chân lý: chắc người không hiểu tôi đã tìm thấy gì trên triền cửa sổ vào buổi sáng ngay?
Vous ne savez pas ce que j‘ai trouvé ce matin sur le rebord de ma fenêtre? (tr. 66)
Báo Pháp đăng tin rằng Jean-René Huguenin đụng xe chết. James Dean, Albert Camus.
Tôi giở lại quyển La Côte Sauvage và tình cờ gặp lại một đoạn văn như sau:
On ne meurt pas d‘ennui
Non, pas d’ennui. De rien… Je mourrais comme ça, de rien (tr. 86).
Jean-René Huguenin sinh ngày 1 tháng 3 năm 1936 tại Paris, bắt đầu viết văn hồi còn rất nhỏ, viết báo vào năm 18 tuổi, xuất bản quyển La Côte Sauvage vào năm 1960.
Nhân vật chính của La Côte Sauvage là Olivier. Chàng đi quân dịch vài năm rồi được giải ngũ trở về sống lại với gia đình.
Gia đình chàng chỉ gồm có mẹ, chị và em gái. Quê hương chàng buồn lắm. Biển, Gió, Đá cuội. Sương mù. Olivier rất yêu em gái, nhưng không thích chị. Sau hai năm nhập ngũ, lúc trở về lại đời sống bình thường, Olivier thay đổi. Chàng cảm thấy cô đơn dị thường (tr. 29, 43, 57 v. v…) Đứa em gái chàng tên là Anne, chàng thương Anne ngay từ thuở bé thơ. Bây giờ chàng được tin em sắp lấy chồng; chồng Anne là bạn thân của chàng tên là Pierre. Pierre và Anne đầm ấm xoắn xít nhau. Olivier cô đơn. Olivier định ngăn cản đám cưới. Những thoáng nhìn, những câu hỏi xa xôi, những cử chỉ thông thường của Olivier đã khiến Pierre buồn nhiều. Pierre chán nản. Một dạo, Olivier cũng khiến Anne chán Pierre. Olivier vẫn muốn Anne sống mãi bên cạnh chàng. Tại sao thế? Thực khó trả lời. Sau cùng, Pierre và Anne vẫn lấy nhau. Họ dẫn nhau đi Paris và Tây Ban Nha. Chỉ còn Olivier ở lại sống cô đơn.
Quyển La Côte Sauvage đưa tôi vào nỗi cô đơn mênh mông của Olivier, của Pierre.
Lối văn của Huguenin rất ngắn và giản dị. Tôi đã đọc quyển La Côte Sauvage đến hai lần. Thế mà tôi không thể viết nhiều về quyển này vì La Côte Sauvage là một quyển để đọc và cảm và im lặng. Chúng ta đã tìm được sao mai rồi?
Chương năm
Ý thức hư vô - Ernest Hemingway và độc thoại nội tâm: Từ chết sang sống

Tặng Hoàng Vĩnh Lộc
Hemingway qua đời. Phạm Công Thiện muốn trình bày với bạn đọc cuộc đời kỳ dị của nhà văn hào Mỹ chiếm giải Nobel năm 1954. Thấm nhuần tư tưởng của Hemingway được như Phạm Công Thiện kể đã là hiếm có. Tìm được cách biểu diễn tư tưởng và thân thế của nhà văn hào trong mấy trang giấy như Phạm Công Thiện kể là có một. Dưới hình thức độc thoại nội tâm, Phạm Công Thiện đã thu tóm cả cuộc đời nhà văn hào trong một đêm thao thức, không ngủ, từ canh khuya cho tới bừng sáng,sau tiếng súng nổ ở Ketchum. Người thanh niên Việt bồng bột và ham sống ấy đã nói lên gần hết cái tâm trạng nung nấu của Hemingway bị đặt trước Hư Vô. Hư Vô thật kinh khủng từ thuở còn măng non cho đến tuổi 63, Hư Vô đuổi Hemingway như bóng theo hình, không để cho Hemingway được một phút an nghỉ. Hư vô đục khoét Hemingway như một ung thư ăn mòn, ăn ruỗng tâm hồn của mình cho đến lúc chết. Phải chăng Hemingway, một kẻ có khí thế cao ngạo, không che giấu nổi nông nỗi lo âu ray rứt khôn tả, đã tự kết liễu cuộc đời để chứng tỏ mình có thể bị “diệt” chứ không “chịu thua”? - Chúng tôi khôngtin như vậy. Thiên tài nào trong thế gian mà không bị một ám ảnh theo rõi mình cho đến khi tắt thở? Chính ám ảnh ấy đã tạo nên thiên tài. Cái bi kịch của Hemingway là cái bi kịch lạ lùng của một thiên tài, của một thiên thần bị trích giáng mất quê hương mà xao xuyến muốn về với quê hương. Và dường như hoá công chỉ dành cho một số rất ít có đủ năng lực mà chịu đựng treo gương muôn thuở. Cái ám ảnh Hư Vô khốc liệt có phần nào giống với cái ám ảnh Hư Vô siêu tuyệt của Chúa Ki Tô trong vườn Gethsémani khi Ngài toát mồ hôi máu mà xua tay trước chén đắng Đức Chúa Cha trao cho và bảo phải uống cho tới hết cặn. Và khi bị chết treo trên cây thánh giá, Hư Vô vẫn theo đuổi Ngài. Ngài là đấng bằng hữu trong Đức Chúa Cha, đời đời đối diện cùng Đức Chúa Cha mà phải thốt lên lời này trong cơn hấp hối: Eli, Eli, lamma sabacthani. Lạy Cha, Lạy Cha, sao Cha nỡ bỏ con một mình? Ôi Hư Vô ghê rợn chừng nào, thử thách căm go biết bao!
Nhưng, sau thử thách là chiến thắng, sau thất bại là khải hoàn, sau tối tăm là ánh sáng, sau tranh đấu là nghỉ ngơi, sau cực hình là an hưởng.

Khổ nạn của Hemingway có phản ảnh phần nào khổ nạn của Đấng Cứu Thế chăng?
Hoàng Minh Tuynh (Trích từ tạp chí Mai, số 28. 1961)
RƯỢU. Mấy con sư tử ở bãi biển. Sylvia Beach. Tại sao lại trước Shakespeare and Company. Boulevard des Capucines, boulevard Raspail. La rue de l’Odéon. You are all a lost generation… Papa, Sun Valley. Tutti Mi Chiamano Bionda. Em có một quà tặng cho anh. Mary hát hay quá.Tutti Mi Chiamano Bionda.Tutti…Tutti... Mary Welsh. London. Pauline Pfeiffer. Hadley Richardson. Thôi. Hãy nhắm hai con mắt lại. Ngủ, ngủ… Hadley Richardson. Oak Park, Chicago, Nick Adams và Ernest Hemingway. Hai và một. Một và hai. Thôi. Lộn xộn, Lôi thôi. Khuya rồi. Hai giờ? Khuya. Ngủ, ngủ, ngủ… 19 ngày nữa là sinh nhật. Sinh nhật lần thứ sáu mươi ba. 63. 64. 65. 66. 70. 71. 80. 89. 90… Sinh nhật lần thứ sáu mươi ba. Nhắm mắt đi, rồi ngủ, rồi ngủ, Mister Papa. Ừ, ba lúc chết mấy tuổi? Tại sao lại chết? Chết có khó không, hở ba? - Không, cũng hơi dễ, còn tùy (“Indian Camp”). Phải rồi, hồi ở Michigan, ba có dẫn mình đi đến một làng mọi da đỏ. Ba đỡ đẻ cho một người đàn bà da đỏ. Mụ này đẻ khó quá. Mụ hét như con heo bị thọc tiết. Chồng của mụ nằm trên giường trên, chịu không nổi, lấy dao cạo râu tự cắt cổ. Ba rất tiếc đã lỡ đem con đến đây… Ba đã vô tình đem con đến chỗ nhơ nhuốc. Ba buồn rầu nói thế với mình. Có phải mấy người đàn bà luôn luôn phải đẻ khó khăn như thế này không ba? Không, đôi khi thôi. Vậy chứ tại sao chồng của mụ lại tự tử, hở ba? Tao không biết, mầy ạ, mầy hỏi lẩn thẩn rắc rối, có lẽ chồng của mụ chịu không nổi. Có nhiều người tự tử không hả ba? (Indian Camp). Mình không hiểu tại sao hồi đó mình còn nhỏ như thế mà hỏi ba lung tung vậy?
Tại sao hồi đó ba trả lời lôi thôi vậy? Sau này, mình đã viết một truyện ngắn tên là “Indian Camp” (Làng Mọi) in trong quyển In Our Time. Ừ, trong quyển In Our Time (Thời đại chúng ta) có truyện Indian Camp. Ừ, trong quyển Indian Camp có cái gì mà ít đứa phê bình nào hiểu nổi. Toàn bọn ba hoa rườm rà… Tại sao? Tại sao hình ảnh của người chồng cắt cổ kia lại ám ảnh tuổi thơ mình? Hình ảnh bi đát kia có ảnh hưởng gì đến tâm tưởng của mình? Sau này đôi mắt mình có bơ phờ trước cuộc đời phải chăng hình ảnh kia có đôi phần trách nhiệm? Ừ, In Our Time. Xin Thượng đế ban thanh bình cho thời đại chúng con. Give peace in our time, O Lord … Thượng đế? Có một Thượng đế? You do not love Him at all? I’m afraid of him in the night sometimes. Đôi khi ban đêm mình sợ Thượng đế (A Farewell to Arms, trang 54). Thượng đế? Thôi khuya lắm. Đừng nghĩ nữa. Ngủ. Ngủ đi. Ngủ. Ngủ…. Tại sao lại ngủ không được? Peace. Serenity. Peace. Separate peace. Thanh bình riêng biệt… Big Two-Hearted River. Con sông hai lòng… Mình cảm thấy hạnh phúc. Mình cảm thấy rằng mình đã bỏ tất cả ở đằng sau, không cần suy nghĩ mông lung, không cần viết và không cần gì cả. Tất cả đều xa xôi, đã xa xôi rồi… (“Big Two - Hearted River”). Xa xôi hay gần gũi? Hạnh phúc hay không hạnh phúc? Nguỵ biện? Liệu mình có trốn thoát được hay không? Có thoát được chăng? Thanh bình riêng biệt? Không được. Đi nơi nào hay chốn nào, dù suối, dù núi hay dù con sông ba lòng hay bốn lòng, mình cũng khó lòng không cảm thấy có bóng hình của một cái gì bi đát đang ẩn hiện đâu đây? cái đó là cái gì? Nada. Nada y pues nada y nada y pues nada… (“A clean, well-lighted place”) Tất cả con sông đều chảy về biển… All the rivers run into the sea; Yet the sea is not full; and the place from whence the rivers come, thither they return again (“Ecclesiastes”). Các anh đều thuộc thế hệ mất gốc. You are all a lost generation (Gertrude Stein) Mặt trời vẫn mọc, mặt trời lặn… The sun also ariseth, and the sun goeth down…
Chiến tranh bùng nổ, gây bao nhiêu điêu đứng tang thương và Thượng đế không còn sống trong lòng mình. Không cần lý luận lôi thôi, mình hiểu ngay rằng bóng hình Thượng đế đã mất rồi. Và Nada và Nothingness và Néant đang ám đầy mặt mình. Tất cả những điều mình muốn biết là biết sống thế nào (The sun also rises) Sống thế nào mà có thể quên Néant đi? Mình theo Lady Brett Ashley, Mike Campbell, Cohn, Jake Barnes, Romero để lê thê nghiêng ngửa từ những hè phố Montparnasse đến Pamplona, mình cùng chung rượu trà be bét, ăn chơi đàng điếm ngày này đến ngày nọ, rồi đi xem đấu bò, rồi đánh lộn và đi câu cá. Mình làm những hành động này để trừ con tà Néant, song rồi cũng chẳng đi đến đâu. Trừ nó được ít lâu thì nó lại trở về như cũ và có phần mãnh liệt hơn. Bởi thế mình mới vội vã chạy theo Frederic Henry và Catherine Barkley để tìm sự giải thoát cá nhân hay tìm an bình riêng biệt. Nghĩa là anh em yêu nhau tha thiết giữa bờ tuyết trắng thơ mộng của đất Thụy sĩ hiền lành. Song Néant vẫn chạy theo, và em Catherine Barkley yêu dấu đã chết dưới con mưa tầm tã. Néant đã lừa đôi ta và đã phỉnh gạt đôi ta một cách dơ nhớt. It’s just a dirty trick (A Farewell to Arms, trang 248). Đi tìm giải thoát cá nhân không được, ừ, thì mình đi tìm giải thoát tập thể, mình trở lại với xã hội loài người, tìm một lẽ phải để bênh vực và bảo vệ, phát huy tự do của con người, hòa mình sống theo nhân phẩm con người, You believe in Liberty, Equality and Fraternity. You believe in Life, Liberty and the Purssuit of Happiness. Anh tin tưởng vào Tự do, Bình đẳng và Bác ái. Anh tin tưởng vào cuộc đời, Tự do, và sự theo đuổi hạnh phúc (For whom the Bell tolls, trang 305). Mình và Robert Jordan tìm cường độ mãnh liệt trong giây phút, trong tình yêu. Mình và Robert Jordan trốn Néant trong Hiện tại, Maintenant, Ahora, Now, Heute… Hiện tại thực là mãnh liệt vô cùng. Mình và Robert Jordan tìm Thiên Thu trong giây phút, tìm sự Sống trong sự chết, tìm Thành công trong thất bại... Any mans death diminishes me, because I am involved in Mankinde; and therefore never send to know for whom the belt tolls; it tolls for thee (John Donne), sự chết của bất cứ người nào đều giảm bớt tôi đi; bởi vì tôi là một phần của nhân loại; Đừng hỏi rằng chuông đó báo ai chết, chuông ấy báo anh chết.
Gà rừng gáy… có lẽ ba giờ khuya. Duổi mình ra, thôi ngủ nhé… Đồng hồ nhịp tí tắc. Mắt tôi vẫn mở thao láo. Trần nhà đen tối. Mary đang ngủ mê và mớ ấm ức.
Lạy Hư vô, chúng tôi ở trên hư vô, chúng tôi nguyện danh hư vô vang dậy; nước hư vô trị tôi xin vâng ý hư vô dưới hư vô bằng trên hư vô vậy. Xin hư vô cho chúng tôi rày hằng ngày dùng hư vô đủ và hư vô chúng tôi như chúng đã hư vô kẻ có hư vô với chúng tôi. Lại chớ để hư vô chúng tôi sa chước hư vô và chữa chúng tôi cho khỏi hư vô; Pues Nada.
Our nada who art in nada, nada be thy name thy kingdom nada thy will be nada as it is in nada. Give us this nada our daily nada and nada us our nada as we nada our nadas and nada us not into nada but deliver us from nada; pues nada (“A clean, well-lighted place”).
Néant lủa bủa chập chùng tứ phía. Cộng đồng nhân loại, Bình đẳng, Tự do, Dân chủ, vân vân, để mà làm chi? Tất cả rồi sẽ chẳng đi về đâu cả, mình muốn tạo niềm tin nào đó trong bao niềm tin đã mất. Có niềm tin mãnh liệt nào có lý do tồn tại khi đứng trước hư vô thăm thẳm? Và mỗi khi Néant thoáng hiện chập chờn, chỉ có một mình ta, một thân ta là đương đầu với nó; lúc bấy giờ không ai còn có thể giúp mình được. Những danh từ rỗng kia (Tự do, Danh dự, Xã hội, vân vân) không còn nghĩa lý gì nữa. Con người hoàn toàn cô độc.
Chính mình giúp mình, Không người hay không Thượng đế nào giúp mình cả. He looked across the sea and knew how alone he was now. Mình nhìn qua biển và biết rằng mình hiện cô độc biết bao (The old Man and the sea, trang 58). Mình tin rằng đời là một tấn bi kịch và mình biết rằng rồi đây cuộc đời cũng chỉ chấm dứt có một lối mà thôi. Từ trước tới bây giờ mình chỉ đi tìm đủ lối để chạy trốn hư vô, tuy nhiên chạy trốn chừng nào hư vô lại đeo miết chừng ấy, Từ Big Two Hearted River đến The Sun also rises đến A Farewell to Arms, Death in the Afternoon, To have and have not và For whom The Bell tolls, tất cả mọi đường lối rút cục chỉ đưa cho mình trốn được hư vô một thời gian ngắn nào đó mà thôi. Rồi thì những con đường ấy lại đưa mình trở về hư vô mờ tối. Kính Mừng hư vô đầy hư vô, đức hư vô ở cùng ngườ. Hail nothing full of nothing, nothing is with thee (“A clean, well-lighted place”).
Không còn cách nào, ngỏ nào để trốn hư vô, mình đánh trở lại mình, lấy sự cô độc chính mình để đương đầu với hư vô. Mình không tìm cách lãng quên hay bỏ chạy như trước; mình chiến đấu lại với hư vô. Chính sự nỗ lực của mình đương đầu cầm cự với nada. BIẾT chỉ là tự HIỂU mình bị tiêu diệt cuộc đời chỉ là một bãi chiến trường mà chúng ta luôn luôn bị chiến bại. Đương đầu với hư vô, mình sẽ bị thua cuộc. Mình chắc chắn như thế mình tự ý thức mình rằng không bao giờ chinh phục được Nada. Nhưng không hề gì? Mình cứ chiến đấu hùng dũng. Hiển nhiên là mình thua, nhưng việc đáng kể là mình tự mình cư xử thế nào cho ra hồn trong khi mình sẽ bị tiêu diệt. Nghĩa là khi bị tiêu diệt mà đôi mắt mình vẫn trừng, đầu mình vẫn nhìn thẳng và ôm bầu nhiệt huyết nồng nàn trong trái tim hừng hực? Mình và Santiago phải hết sức cầm cự với những con cá mập (hình ảnh của Hư vô), rút cục mình chỉ giữ được bộ xương của con kiếm ngư khi mình trở về bến cũ. Mình đã hành động nên người. Và khi về nhà, nằm dài xuống ngủ, mình nằm ngáy khì khò thoải mái và mộng thấy một bầy sư tử hiên ngang. The old man was dreaming about the lions (The old man and the sea, trang 127). Thế là mình đã thắng trong sự thua. Con người không nên bao giờ chịu thua. Một người có thể bị tiêu diệt nhưng không bao giờ chịu thua. But man is not made for defeat. A man can be destroyed but not defeated (The old man and the sea, trang 103). Mấy giờ rồi? Mary Welsh còn ngủ say quá. Tutti Mi Chiamano Bionda. Everybody Tells me I’m Blonde… Mười chín ngày nữa là mình được sáu mươi ba tuổi. Trẻ. Già. Rồi chết. Chết là gì? Sống? Từ Oak Park đến Idaho. Rồi chết. Mấy con sư tử ở bãi biển Phi Châu. Một trăm con sư tử. Một nghìn con sư tử. Hai nghìn con sư tử. Một triệu con sư tử. Hai triệu con sư tử. Một con sư tử. Một con sư tử già rồi sẽ chết. Tại sao hồi chiều lên giường, mình không ngủ luôn tới sáng. Tại sao nửa đêm lại thức dậy như thế này? Để cho đêm tối bên kia bờ lảng vảng nơi đây? Mình là ngọn đèn bé nhỏ nằm ẩn trong bốn bức tường yếu đuối để trốn giông bão của phân tán và điên cuồng, mình leo lét và đôi khi gần như sắp tắt. Phải không Erich Maria Remarque? Phải không một bầy sư tử lố nhố đằng kia? We are little flames poorly sheltered by frail walls against the storm of dissolution and madness, in which we flicker and sometimes almost go out (All quiet on the western Front, trang 164).
Mấy con chim nào luýt chuýt ngoài kia. Ngày xưa còn nhỏ mình chọc nhái tiếng chim kêu trên vòm cây. Ngày xưa, Ngày xưa. Ngày nay. Maintenant. Ahora. Now. Heute. Rút cục mình (hay Santiago) đã già rồi mà cũng không hơn mình thuở còn con nít (hay Manolin). Không chừng con thua nhiều; ừ con chim gì luýt chuýt ngoài kia? Thôi, nhắm lại đừng nghĩ lôi thôi. Có gì là không lôi thôi? Néant không lôi thôi. Néant lôi thôi? Mình không biết. Mình không biết tại sao mình không vui. Làm thằng ngu, biết hà tiện, biết mê tiền, mê danh vọng, mê hào nhoáng, chấp nhận những cái tầm thường nhất của cuộc đời. Như thế chắc mình sung sướng? Mình không biết ý thức thì mình sung sướng. Làm thằng ngu là sung sướng, Ừ, mà sung sướng đấy. Hoan hô những thằng ngu, hoan hô những thằng mê tiền, những thằng mê làm quan, những thằng mê công thức, những thằng trí thức năm xu. Con xin hoan hô các ngài. Con muốn làm thằng ngu như các ngài. Chúng con không mỉa mai đâu, không phải bác Henry Miller? I told them that i was an ignoramus (The colossus of Maroussi, trang 135). Ernest Hemingway là thằng ngu.
Đừng biết gì hết có được không. Mấy mươi năm trời, mình đã đi tìm vô hạn trong hữu hạn, hy vọng trong thất vọng, thứ tự trong hỗn độn, chiến thắng trong thất bại, lẽ sống trong sự chết, đơn giản trong phức tạp, tài hoa trong vụng về, rõ ràng trong mập mờ… Và mình đã đi tìm hữu hạn trong vô hạn, thất vọng trong hy vọng, hỗn độn trong thứ tự, thất bại trong chiến thắng, sự chết trong lặng lẽ, phức tạp trong đơn giản, vụng về trong tài hoa, mập mờ trong rõ ràng… Để rồi giờ đây, nằm dài trong phòng ngủ của gian nhà này (ở Ketchum Idaho), nằm dài trên giường, đôi mắt mình mở rộng trừng trừng nhìn trần nhà, trừng trừng nhìn vào đêm tối và mình thấy rằng mình đã tìm được hết, nhưng thực ra mình không tìm được gì cả. Con người không nên bao giờ chịu thua. Một người có thể bị tiêu diệt nhưng không bao giờ chịu thua. But man is not made for defeat. A man can be destroyed but not defeat. Mais l’homme ne doit jamais s‘avouer vaincu. L’homme n’est pas fait pour la défaite. Un homme, ça peut être détruit, mais pas vaincu.
Ừ, thắng, không chịu thua. Thắng trong khi thua. Chiến thắng trong thất bại. Ừ, có thể bị diệt chứ không bị thua. Nghĩa là thắng. Nghĩa là mình là một kẻ thắng. Ừ, mà thắng để làm gì. Để được gì?
Không được gì cả. Winner take nothing Ừ, mà chàng Graham Greene muốn nói gì đây mà là Loser takes all? Tất cả đây là không gì cả. All có nghĩa là Nothing. Không. Nothing có nghĩa là all. Không. Không có nghĩa gì cả. Không gì cả. Winner take nothing. Không gì cả. Không gì cả. Nothing - Nichts - Rien - Nada. Lạy Nada chúng tôi ở trên Nada, chúng tôi nguyện danh Nada vang dậy, nước Nada trị tới, vâng ý Nada dưới Nada bằng Nada vậy… Kính mừng Nada đầy Nada, đức Nada ở cùng người… Some lived in it and never felt in but he knew it all was nada y pues nada y nada y pues nada. Our Nada who is in nada, nada be thy name thy kingdom nada thy will be nada in nada as it is in nada…
Gà rừng gáy. Vài ba con chim non luýt chuýt, luýt chuýt trên cây.
Phải chăng mình chỉ là kẻ bị đày. Trần gian này là chốn tù đày. Mình biết mang máng mình là kẻ bị đầy. Và ta là kẻ bị đầy mang bệnh mất trí nhớ. Bởi thế, mình không biết vì sao mình bị đày và mình không nhớ quê hương mình ở phương nào? Có những lúc nhớ quê hương quá, mình muốn trốn bỏ nơi chốn tù đày này mà đi trở về. Nhưng trở về đâu? Khi mình không còn trí nhớ thì biết phương nào mà về?
Hết hạn tù đày thì mình đi về đâu? Ôi quê hương thân yêu. Con người là con người ý thức được rằng mình mất quê hương. Mình đã tìm nguôi khuây trong men rượu nồng nhất, trong trụy lạc điên cuồng nhất, trong tình yêu, trong tất cả mọi lạc thú mạnh nhất của đời. Mình đã tìm nguôi khuây trong tất cả mọi sự trên đời này. Mình đã làm thánh, mình đã làm quỉ, mình đã làm kẻ thông thái, mình đã làm kẻ ngu đần. Thế mà không có gì làm mình quên được rằng mình là kẻ mất quê hương. Ngày mãn hạn tù đày là ngày vui nhất đời mình. Ừ, mà cũng là ngày buồn nhất và chua xót nhất đời mình; bởi vì mình không còn trí nhớ? Về đâu? Về đâu? Mình đã yêu nồng nàn, mình đã chơi hả dạ, mình đã lên xe xuống ngựa, mình đã ăn khô lân chả phụng, mình đã được sống chung những kinh nghiệm hãi hùng nhất, mình đã viết cả chục quyển sách vĩ đại, mỗi trang giấy của mình bán được vô số đô la, danh tiếng mình vang dậy cả hoàn cầu, mình đã được giải Nobel, mình đã được nhắc nhở khắp hoàn cầu. Danh vọng của mình còn hơn mấy chục ngàn vua chúa. Như thế để làm gì? Để rồi đi về đâu? Biết có quê hương nhưng không biết quê hương ở đâu mà về. Còn gì chua xót hơn?
Chiều chiều trông nước Lai giang chảy
Thấp thoáng buồm treo mộng cố hương
(Quách Tấn)
You are all a lost generation (Gertrude Stein). Các anh là thế hệ mất gốc. Génération perdue. mình đã tìm nguôi ngoai trong men rượu, men tình, bê tha, trác táng, đấu bò, câu cá (The Sun also rises); mình đã tìm nguôi khuây trong tình yêu, trong thanh bình riêng lẻ của hai đứa một trời (A Farewell to Arms). Mình đã tìm nguôi khuây trong săn bắn trong rừng già heo hút (Green Hills of Africa); mình đã tìm nguôi khuây trong phiêu lưu, trong nguy hiểm, trong phũ phàng, trong lý tưởng, trong tình huynh đệ giữa loài người, trong giây phút thiên thu, trong hiện tại vĩnh cửu (For whom the Bell tolls); mình đã tìm nguôi khuây trong chiến đấu riêng lẻ; trong kiêu hãnh, trong sự vĩ đại của thằng ta bé nhỏ, trong sự thắng lợi cuối cùng của thân phận con người (The old Man and the Sea).
Thế mà niềm nguôi khuây ấy không bao giờ được trọn. Và mình vẫn buồn, vẫn băn khoăn và xao xuyến. Niềm xao xuyến sâu đậm và mơ hồ của một kẻ mất quê hương. Muốn tìm trở về quê hương nhưng không biết đâu mà tìm. Quê hương chỉ là một danh từ. Tất cả chỉ là những danh từ. Và những danh từ chỉ là những danh từ mà thôi.
Rắc rối. Nhắm mắt ngủ đi. Ủa, trời gần sáng rồi. Tất cả hãy còn tối đen. Hãy ngồi dậy đi ra ngoài rừng chơi. Nằm đây nghĩ vớ vẩn hoài; mấy con châu chấu ngoài rừng không nghĩ lẩn thẩn như mình. Tinh sương. Hừ, gió thổi lạnh gớm. Sương ở đâu mà ra chập chùng ở đồi thông bên kia. Đi chân không, mình bước nhẹ trên đường cỏ quanh đồi. Cỏ ướt và đất lạnh. Cảm giác là lạ. Gió vi vu. Dế cơm, dế nhủi, dế mèn cũng vi vu. Mình tắm bơi trong bầu trời trong veo. Trên đường đi, cành cây, cái lá, đống đất và tảng đá đều trở nên mặn mà quen thuộc dễ thương. Mình cởi trần truồng ra và chạy tung tăng như con bò con trên nội cỏ. Mình nằm lăn tròn trên cỏ; hừ, sương mai sao mà lạnh quá. Ngày đầu tiên của buổi khai thiên lập địa. Hình như mình đang bay lênh đênh trong mây, trong gió, trong không khí, trong làn khói. Hình như mình đang chảy rì rào trong giông nước dưới cống, dưới rãnh, dưới cầu… Hốt nhiên mình nghe tiếng cười giòn của mình. Rồi bất giác thân thể của mình bỗng nhẹ nhàng, nhẹ nhàng và thanh thoát… Mình không còn là mình nữa. Hemingway là mình. Hemingway là ai? Tại sao mình là Hemingway? Mình là ai? Hemingway? Không? Là mình? cũng không. Mình không là gì cả. Không gì cả. Không gì hết. Nada. Nada là gì? Không là gì cả. Không là Nada. Không là không là không là không…
Ernest Hemingway? Là mình? Mình? mình? Tại sao có lỗ mũi này? Hai con mắt này? Mình không là mình? Mình là mình, là không là mình? Không là không là không là không là không…
Kết luận
Trời hửng sáng. Tất cả đều im lặng mênh mông tĩnh mịch và bát ngát. Bỗng nhiên người ta nghe tiếng súng nổ từ trong nhà Hemingway ở Ketchum (Idaho). Ngày hôm đó và vài ngày sau báo chí ở Mỹ và ở khắp hoàn cầu đều đăng tin đại khái như sau: Nhà văn hào Ernest Hemingway đã thiệt mạng vì đã “sơ ý lỡ tay trong khi lau súng”
Khi nghe tin buồn trên, người ta bàng hoàng chợt nhớ đến nhân vật George trong truyện The Alien Corn của Somerset Maugham. Hemingway cũng chết vào trường hợp giống như George.
(Trong những tờ nhật báo, người ta thường đọc nhiều bài tường thuật những “tai nạn” tương tự như
vậy…)
Chương sáu
Ý thức khước từ - Con người chạy trốn và phân tâm học nhân bản của Erich Fromm

1.
Trong chương này, tôi sẽ trình bày tư tưởng của Erich Fromm viết dựa theo sát một chương trong quyển Escape from Freedom của Erich Fromm.
Sự thành công lớn của Freud là đã khám phá những khía cạnh sinh lý của bản chất con người; nhưng sự thành công ấy cũng là sự thất bại của Freud: vì Freud quá nhấn mạnh những khía cạnh sinh lý ấy và bỏ quên những khía cạnh cốt yếu khác.
Fromm đi ngược lại Freud; đối với Fromm, vấn đề cốt yếu của tâm lý học là mối liên hệ đặc biệt của cá nhân đối với thế gian bên ngoài, chứ không phải là sự thoả mãn hoặc sự dồn ép nhu cầu bản năng nào đó; chẳng những thế, Fromm quả quyết rằng mối tương quan giữa con người và xã hội là một tương quan sống động; chứ không phải tĩnh chết bất động. Sống động ở đây có nghĩa là trao đổi qua lại, lưu thông giữa hai chiều uyển chuyển. Mối tương quan giữa con người và xã hội không phải tĩnh lặng bất động, không phải là hai ý niệm trừu tượng khô cứng đứng đối diện với nhau: một bên là cá nhân với những khuynh hướng bản tính nào đó và một bên là xã hội, hai bên đứng lìa ra như hai thực thể riêng lẻ; mà cá nhân giữ vai trò thụ động còn xã hội giữ thế chủ động, như chủ với đầy tớ, nghĩa là xã hội có thể làm thoả mãn những khuynh hướng bẩm sinh của cá nhân hoặc có thể chà đạp dồn ép những khuynh hướng ấy, tuỳ theo từng hoàn cảnh đặc biệt.
Quan niệm như thế thì ta vẫn còn đi bên ngoài vấn đề, chứ chưa đi vào được bên trong, ta đã bất động hoá một vấn đề linh động, vì ta đã xem xã hội như là một sự vật đứng bên ngoài ta, cách biệt hẳn ta.
Sự thực thì xã hội không ở ngoài cá nhân và cũng không phải một cái gì đứng tách biệt hẳn cá nhân. Xã hội là cá nhân, nhưng cá nhân cũng là xã hội; nói thế có nghĩa là xã hội và cá nhân nằm trên tương quan qua lại. Mọi người đều có những nhu cầu căn bản giống nhau, như ăn, uống, giải quyết sinh lý dục tình; nhưng những tính tình của con người khác nhau là do tình yêu thương,sự hờn ghét, lòng tham quyền cố vị, sự đầu hàng quai phục, sự hưởng thú nhục lạc, mối sợ hãi nhục dục v.v…; tất cả những tính tình xã hội. Những khuynh hướng cao đẹp nhất, cũng như những khuynh hướng xấu xa nhất của con người không hẳn xuất phát từ bản chất sinh lý cố định của con người; những khuynh hướng ấy là kết quả của tiến trình xã hội; tiến trình xã hội đã tạo tác con người .
Chúng ta để ý rằng khi lập luận đại khái như trên, Erich Fromm đã dùng từ ngữ “tiến trình xã hội”(the social process).
Tiến trình (process) là dùng để chỉ một cái gì đang diễn tiến, thay đổi, bất định, triển khai, di động, sống động. Chúng ta cũng nên nhớ rằng nguyên tắc căn bản mà Fromm đặt ra để chống lại Freud là nguyên tắc: tương quan giữa con người và xã hội không phải là tương quan tĩnh chết và bất động (Fromm: “the relationship between man and society is not a static one”).
Xã hội chẳng những đè nén, chà đạp, mà lại còn giữ vai trò sáng tạo (creative function).
Bản tính con người, những khát vọng, tính tình và những nỗi lo sợ hãi hùng của con người đều là sản phẩm văn hóa; nói như thế, chính nỗ lực của con người đã và đang sáng tạo ra con người; chính con người là sáng tạo và sự thành tựu quan trọng nhất do nỗ lực liên tục của con người.
2.
Có thể định nghĩa một cách giản dị rằng lịch sử là sự ghi chép những nỗ lực không ngừng của con người.
Tìm hiểu tiến trình sáng tạo con người trong lịch sử chính là đối tượng của khoa tâm lý xã hội. Mỗi giai đoạn lịch sử mang một sắc thái đặc biệt; tính tình con người không phải nhất định: bản tính con người uyển chuyển thay đổi không ngừng. Hiển nhiên, ai cũng nhận rằng tính tình con người thay đổi từ giai đoạn lịch sử này đến giai đoạn lịch sử khác. Tâm trí con người thời lãng mạn khác thời cổ điển, thời Đường khác thời Minh, thời Văn nghệ Phục hưng ở Âu châu khác thời Trung cổ. Cơ cấu tính tình con người ở thời Tư bản độc tôn khác hồi thế kỷ XIV.
Khoa tâm lý học xã hội phải cắt nghĩa lý do tại sao những khả năng mới và những đam mê mới, tốt hoặc xấu, đã xuất hiện trong một giai đoạn nào đó, Fromm cho ví dụ rằng từ thời Phục hưng văn nghệ ở Âu châu cho đến nay, con người thường nung nấu say đuổi danh vọng; ngày nay việc chạy đuổi theo danh vọng rất là thường tình, nhưng ở xã hội thời Trung cổ, con người ít có tham vọng như vậy. Cũng vào thời đó, con người Âu châu phát triển cảm giác thưởng ngoạn vẻ đẹp thiên nhiên mà trước kia, họ chưa phát triển cảm giác ấy. Ở những nước Bắc Âu, từ thế kỷ XVI trở đi, con người đã phát triển khuynh hướng lao công; ở vào những thế kỷ trước, con người chưa phát triển khuynh hướng ấy.
Lịch sử làm ra con người; nhưng tương quan giữa con người và lịch sử không phải chỉ một chiều như vậy; vì đồng thời con người cũng làm ra lịch sử.
3.
Con người thực hiện nỗ lực và nỗ lực thực hiện con người; nói một cách khác, con người tạo ra nỗ lực và nỗ lực tạo ra con người. Tiến trình sự sáng tạo con người trong lịch sử đi như sau; con người tạo ra lịch sử và rồi lại nô lệ vào lịch sử; sau đó, con người cố gắng tự giải thoát khỏi lịch sử, rồi lại sáng tạo ra lịch sử, sau cùng lại cũng nô lệ vào lịch sử. Cứ thế, lịch sử đi vòng tròn; cũng như con người đi vòng tròn theo như lịch sử.
Hiện nay, tiến trình con người và lịch sử đang nằm vào thế thắng của lịch sử. Thế kỷ XX là thế kỷ con người trở thành nô lệ của lịch sử nghĩa là lịch sử sáng tạo ra người. Thoạt nhiên, con người sáng tạo ra máy móc, rồi hiện nay bị nô lệ máy móc và trở thành máy móc.
Nhưng con người không phải chỉ bị lịch sử sáng tạo; mà lịch sử cũng bị con người sáng tạo (Fromm: But man is not only made by history - history is made by man).
Erich Fromm cho rằng sự giải quyết mối mâu thuẫn này là phạm vi của tâm lý học xã hội; nhưng tôi nghĩ rằng tâm lý học xã hội sẽ bất lực và chỉ có thể đi chung quanh vấn đề thôi, nghĩa là chỉ giải thích đại khái, chứ không thể giải quyết được. Sự giải quyết mâu thuẫn giữa lịch sử và con người nằm trong phạm vi bản thể luận, siêu hình học, tôn giáo, v.v…
Tâm lý học xã hội chỉ có thể trình bày tiến trình biến đổi của những đam mê, thèm khát và lo âu sợ hãi như là kết quả của tiến trình xã hội; và trình bày ngược lại rằng những năng lực của con người được kết thành những hình thể đặc biệt để trở thành những lực lượng sáng tạo dùng để un đúc uốn nắn ra tiến trình xã hội.
Chẳng hạn như, theo Fromm, lòng tham danh vọng, tham thành công và khuynh hướng lao động của con người là những động lực quyết định mà nếu không có những động lực này thì tất nhiên chế độ tư bản hiện đại không thể nào phát triển được.
4.
Trong quyển Van Gogh, le suicidé de la société, thi sĩ Antonin Artaud đã lấy hết tâm lực thiết tha mà bệnh vực rằng Van Gogh không phải là một người điên (Antonin Artaud: “Non, Van Gogh n’etait pas fou, mais…”); sở dĩ Antonin Artaud nói như vậy là vì ông muốn đẩy lui sự bất công tàn nhẫn của những con người tầm thường đối với thiên tài phi thường của Van Gogh; nói khác đi, Antonin Artaud muốn đặt lại một bảng giá trị mới cho con người nhất là đặt lại hai ý niệm về tầm thường và điên loạn.
Xã hội gồm có hai hạng người chính: hạng người có đầu óc bình thường (normal) và hạng người có đầu óc thác loạn, điên loạn, bất quân bình (neurotic).
Trong một cuộc chạm mặt giữa hai hạng người trên, thường thường người bình thường hay có thái độ chiếu cố từ trên nhìn xuống hoặc tỏ lòng thương hại hoặc tỏ lòng khinh bỉ: “anh chỉ là thằng điên”. Tất nhiên dù thương hại hay khinh bỉ, người có trí óc bình thường đều tỏ thái độ rõ rệt rằng người bình thường cao hơn người điên, giá trị hơn người điên.
Đó là một sự lầm lẫn lớn lao mà hầu hết mọi người đều không ý thức. Chúng ta không được quyền thương hại hoặc khinh bỉ người điên, trái lại, chúng ta bị bắt buộc phải kính trọng người điên vì người điên cao hơn người bình thường trong bảng giá trị nhân bản. Hầu hết những nhà y sĩ thần kinh hay những nhà phân tâm học đều không nghĩ như trên. Chỉ trừ Erich Fromm là đã nhận thấy bảng giá trị nhân bản thực sự và địa vị của người điên trong bảng giá trị ấy.
Hầu hết những y sĩ thần kinh hay những nhà phân tâm học hay nhiều người đều bênh vực cơ cấu xã hội và cho rằng bất cứ người nào không thể thích nghi, thích ứng với xã hội thì không đáng sống ở đời, tức là không còn giữ được giá trị con người nữa. Con người bình thường là con người có thể thích nghi, thích ứng với xã hội; còn con người điên loạn không thể nào sống thích nghi thích ứng với xã hội được.
Sự thực không giản dị như thế. Chính Fromm đã nhận thấy rằng con người bình thường (theo nghĩa thích nghi được với hoàn cảnh xã hội) thường khi không được lành mạnh như con người điên ở trong bảng giá trị nhân bản (Fromm: “the person who is normal in terms of being well adapted is often less healthy than the neurotic person in terms of human values”).
Xét cho tận cùng, ta thấy con người thích ứng chỉ có thể thích ứng được là vì họ đã chối bỏ bản ngã, họ đã hy sinh bán mất tâm hồn họ để đổi lấy sự thích ứng trên; vì vậy, cái tính chất thực thụ và lòng hồn nhiên tự nhiên của họ đã bị đánh mất.
Họ không còn là họ; họ mang mặt nạ. Họ đầu hàng trước những công thức; vì thế họ không còn hồn nhiên bỡ ngỡ trước cuộc đời; họ không khác gì một lưỡi dao cùn; họ có những phản ứng giả tạo hoặc máy móc; họ dễ bị lôi đi; họ không còn tinh thần sáng tạo; chính những người như họ đã đưa nhân loại đến những thảm trạng hãi hùng nhất hiện nay.
Trái lại, người điên loạn là con người không chịu đầu hàng; họ điên là vì họ không chịu chấp nhận công thức xã hội; họ muốn cứu giữ bản ngã nhưng họ thất bại; và họ tìm giải thoát trong điên loạn, rút lui vào một thế giới ảo hoặc kỳ lạ. Vì thế đứng trên quan điểm giá trị nhân bản, người điên ít bại hoại hơn là hạng người đánh mất trọn cả tính tình.
Hiển nhiên, ngoài hạng người (điên loạn và bình thường), cũng có một hạng người khác rất ít thấy, đó là hạng người không điên loạn mà vẫn có thể giữ được cá tính mình trong khi thích ứng thích nghi với những đòi hỏi của xã hội.
Đứng trên quan điểm theo những giá trị nhân bản, xã hội điên loạn là xã hội mà con người đã đánh mất cá tính nhân phẩm của mình (như những người thích nghi với xã hội bằng cách đánh chìm tâm hồn mình); nhưng có bao giờ xã hội tự nhận là điên loạn? Chỉ có những người điên là chịu đựng bao nỗi bất công tủi nhục.
5.
Lúc con người cô độc cảm thấy sống trong tình trạng bất an, lúc ấy hắn chỉ nghĩ đến những đường chạy trốn.
Khi còn bé nhỏ, hắn được sống trong một trạng thái tâm hồn tương đối thanh bình hơn; nhưng khi lớn lên, lúc bước vào cuộc sống và đi làm nuôi thân, lúc đã ý thức rằng mình là người, hắn phải đối mặt với đời và cảm thấy bơ vơ, hắn cảm thấy cuộc đời đứng bên ngoài hắn, một thực thể hoàn toàn biệt lập. Hắn cảm thấy cô đơn và hoàn toàn bất lực; hắn không thể chịu đựng được nữa; thế là hắn chạy trốn.
Đường chạy trốn mở ra nhiều lối nhưng tựu trung, ta thấy có hai đường chính; một đường đưa đến sự sống và một đường đưa đến sự chết (chết trong tâm hồn hoặc thể xác).
Nếu may mắn hắn đi vào con đường đi đến sự sống thì hắn sẽ tìm đến chân trời tự do thực sự; hắn tự nối liền hắn với cuộc đời trong tình yêu, tình thương, trong việc làm, trong những khả năng trí thức sáng tạo, trong sự bày tỏ chân thành, thể hiện đời sống nội tâm. Sự nối liền của hắn với cuộc đời được xây dựng trên tính chất hồn nhiên tự nhiên chứ không máy móc hay có sự tính toán của lý trí. Như thế, hắn trở thành một với người đời, thiên nhiên và với cả chính hắn; hắn sống điều hoà thanh bình với tâm hồn hắn và tâm hồn rộng lớn của vũ trụ; hắn cảm thấy sống với mọi người mà vẫn giữ được sự độc lập và sự nguyên vẹn của cá tính bản ngã.
Nếu chẳng may hắn đi vào con đường đưa đến sự chết thì hắn sẽ rơi thụt lùi lại đằng sau, hắn phải đánh mất sự tự do của hắn và để khỏi đau khổ cô đơn, hắn cố gắng bôi mất tâm hồn bằng cách thụ động đua chen vào cuộc đời; con đường thứ hai này không thể nào đưa hắn đến tự do và cũng không thể nào nối liền tâm hồn hắn với tâm hồn rộng lớn của đời sống; trong một lúc sợ hãi; trong một tình cảnh đầy đe doạ hãi hùng, hắn không thể chịu đựng nổi và hắn liền chạy trốn; bất cứ sự chạy trốn nào cũng đều mang tính chất bắt buộc và tính chất rõ ràng nhất của sự chạy trốn là sự đầu hàng của cá tính và sự đánh mất trạng thái nguyên vẹn của tâm hồn. Con đường thứ hai nhất định không thể nào đưa hắn đến thanh bình tâm hồn, hạnh phúc nội tâm và tự chân thực, tích cực; theo nguyên tắc, con đường thứ hai này luôn luôn đưa đến tất cả những hiện tượng thần kinh suy nhược, thác loạn, điên loạn, mất thăng bằng trí não. Đi vào cuộc sống, hắn có những cử chỉ hành động như một cái xác không hồn và những phản ứng thái độ của hắn luôn chỉ là những phản ứng máy móc, tự động, bắt buộc. Hắn trở thành tổng số của những thói quen; tinh thần sáng tạo bị bóp chết trong trứng.
6.
Tính chất nổi bật nhất trong sự chạy trốn là chạy trốn chính bản thân mình; vì chạy trốn bản thân mình, nên hắn ném mất sự độc lập của bản thân và tâm hồn hắn, và hắn tìm hết cách đánh chìm bản ngã vào một người khác hoặc một cái gì khác ở bên ngoài hắn để tìm thấy một sức mạnh bên ngoài mà hắn cảm thấy thiếu thốn. Ý thức cắt đứt giây liên lạc nguyên thủy của con người với thế giới bên ngoài, bây giờ ý thức đau đớn và chạy đi tìm một thứ giây liên lạc khác; nhưng ý thức lại đánh lừa ý thức.
Con người tự đồng hoá vào một cái gì quan trọng và con người chạy trốn bằng cách bám vào sự quan trọng ấy; hay ngược lại con người tự đồng hoá với sự yếu đuối, sự nhún nhường, sự nhỏ bé thấp mọn để chạy trốn vào sự vuốt ve, lòng thương hại của kẻ khác.
Hai hình thức chạy trốn dễ thấy là; tranh đấu cho sự đầu hàng và tranh đấu cho được sự thống trị. Khuynh hướng thứ nhất, trong danh từ tâm lý học mang tên là “masochistic”, nghĩa là tự mình gây khổ cho mình, thích gây khổ cho chính mình; khuynh hướng thứ hai, gọi là “sadistic”, nghĩa là gây khổ cho người khác.
Cả hai khuynh hướng này đều xuất phát từ nỗi cô độc cùng cực, sự bơ vơ ngạt thở của con người.
7.
Những hình thức thông thường của khuynh hướng đầu hàng hay khuynh hướng tự do đau khổ (masochistic) là những cảm giác tự ty, cảm giác bất lực, cảm giác bản thân thấp hèn. Nếu ta phân tích những người bị ám ảnh bởi cảm giác này, ta nhận thấy rằng mặc dù ý thức họ phàn nàn than thở về những cảm giác này và tỏ vẻ muốn dứt bỏ hết những cảm giác tự ty ấy; song, trong thâm tâm họ, trong tiềm thức họ thì có một sức lực vô hình bên trong thúc đẩy họ vuốt ve mơn trớn những cảm giác bé nhỏ hèn mọn này.
Hạng người này thích hành hạ bản thân, thích xem nhỏ con người mình, tỏ vẻ yếu đuối và không thể làm chủ sự vật được; họ thường phóng đại nỗi đau khổ và sự bất lực yếu đuối của họ; sự thực thì những cảm giác của họ xuất phát do tưởng tượng, chứ thực ra thì sự nhược điểm, khuyết điểm, tính yếu đuối của họ không phải như họ tưởng. Hiển nhiên, hạng người này thường hay nương tựa vào những sức lực bên ngoài họ, nương tựa vào những kẻ khác hay tạo vật. Họ thường nhu nhược, không hiên ngang, họ không thể làm những điều họ muốn làm, họ thường để bị lôi đi và buông mình theo những mệnh lệnh của những sức lực bên ngoài họ. Thường khi, họ không thể nào thể hiện được câu “tôi muốn” hay “tôi là”. Chưa đánh giặc, họ đã xin đầu hàng vô điều kiện. Đối với họ, cuộc đời và thế gian bên ngoài là một sức lực hùng mạnh hoàn toàn lấn át họ, họ không thể nào tự làm chủ và tự chiến thắng sự yếu đuối của họ.
Trong những trường hợp cực đoan, ta thấy có những người thuộc hạng này thường bán mất tâm hồn họ cho những sức lực bên ngoài, họ thường có khuynh hướng hành hạ dày vò ray rứt đay nghiến mình, tự mình gây đau khổ cho mình.
Khuynh hướng này còn mang nhiều hình thức khác. Chẳng hạn, ta thấy có những người hay tự kết án họ và tự chửi rủa chỉ trích họ một cách tồi tệ; họ thích tự đả kích họ một cách tàn nhẫn đến nỗi kẻ thù họ cũng khó lòng tưởng tượng được.
Trong một vài trạng thái thần kinh suy nhược, ta thấy có một hạng người thích được bệnh hoạn đau yếu; và một cách ý thức hay vô ý thức, họ thấp thỏm chờ đợi cơn bệnh như là đón chờ quà tặng của người thân yêu (nói mạnh hơn như Fromm: “như là quà tặng của những thần linh”).
Thường thường họ tưởng tượng những tai nạn cho họ và nhiều khi những tai nạn tưởng tượng ấy có thể trở thành sự thực, mà nguyên nhân cũng là do khuynh hướng tiềm thức hoạt động trong người họ khiến cho sự tưởng tượng ấy trở thành sự thực.
Fromm đưa ra những trường hợp để làm thí dụ, chẳng hạn như có những người không thể trả lời những câu hỏi trong lúc đi thi cử; mặc dù lúc đi thi ấy, họ có thể hiểu biết hết những câu trả lời. Có những kẻ khác thích (trong tiềm thức hay ý thức) gây tai nạn hoặc thất bại hoặc sự hiềm khích cho mình bằng cách chỉ trích, khiêu khích sự hờn giận của những người mà họ yêu mến hay những người họ phải nương tựa vào để sống; xét cho cùng, trong tận đáy lòng, họ vãn cảm thấy thân thiết mến yêu những người ấy và họ cũng thường ít khi có ý định nói lên những lời lẽ phiền rầy như vậy.
8.
Ngoài những hình thức của khuynh hướng tự gây khổ cho mình như trên, chúng ta thấy có những hình thức khác của một khuynh hường đi ngược lại, đó là khuynh hướng thống trị hay gây khổ cho người khác (sadistic tendencies).
Khuynh hướng này thường gồm ba loại; loại thứ nhất là làm cho kẻ khác nương tựa vào mình và lấy quyền lực tuyệt đối vô hạn của mình để chế ngự kẻ khác, làm kẻ khác trở nên những dụng cụ của mình. Loại thứ hai chẳng những thích thống trị kẻ khác một cách tuyệt đối, mà lại còn thích khai thác, lợi dụng, đánh cắp, rút tỉa về mình những gì có thể rút tỉa được ở người khác. Tham vọng này chẳng những hướng về vật chất mà còn cả những tính chất trí thức hay tình cảm của kẻ khác. Loại thứ ba là thích thú làm cho người khác đau khổ và nhìn người khác đau khổ. Hạng người này thích phỉ báng, sỉ nhục, gây khổ làm phiền muộn cho kẻ khác.
Đứng về phương diện xã hội, khuynh hướng tự gây khổ cho mình không nguy hại bằng khuynh hướng gây khổ cho người khác. Hạng người theo khuynh hướng gây khổ cho người khác thường ít có ý thức việc làm của họ hơn là hạng người tự gây khổ cho mình và họ thường hay viện lý do bào chữa nhiều hơn.
Họ thường nuôi ảo tưởng tốt đẹp về họ; họ làm khổ kẻ khác, nhưng họ cho rằng hành động ấy hợp lý vì họ viện lý rằng sở dĩ họ làm như thế vì họ chăm sóc lo nghĩ nhiều đến kẻ khác, chẳng hạn họ lý luận đại loại như vậy: “Tôi đã tàn nhẫn với anh, tôi đã đè nén, cai trị anh, vì tôi muốn làm điều tốt cho anh và làm lợi cho anh, vậy anh phải tuyệt đối theo tôi, không được chống cự lại, tôi hiểu anh, vân vân”. Hoặc họ cũng lý luận: “Tôi là thiên tài độc đáo, tôi có quyền đối xử với anh như thế này, tôi có quyền đối xử với anh như thế kia, v.v...” Họ cũng viện lý để bào chữa khuynh hướng lợi dụng khai thác của họ như vầy: “tôi đã giúp đỡ anh quá nhiều, bây giờ tôi được quyền lợi dụng anh những điều gì mà tôi cần thiết.” Hạng người này cũng có kẻ hiếu chiến gây sự và thích biện lý đại khái như: “tôi đã bị người khác làm khổ nhiều; bây giờ tôi phải được làm khổ lại để trả thù”, “Tôi đánh anh trước là vì tôi muốn tự bảo vệ và bảo vệ gia đình hay bị bạn bè tôi khỏi bị anh đánh, vân vân”.
9.
Trước khi nói rõ hơn về nguồn gốc của khuynh hướng này, chúng ta hãy xác định lại hai chữ “Masochistic” và “sadistic”. Chữ Masochistic là tĩnh từ của danh từ Masochism; thông thường trong tâm lý học, Masochism có nghĩa là khuynh hướng tình dục ưa thích bị thống trị hoặc bị đối xử tồi tệ; khuynh hướng này thích bị người khác hành hạ mình, thích gây đau khổ cho mình. Chữ Masochism xuất xứ từ tên của một tiểu thuyết gia người Áo, Von Sacher Masoch (1836 -1895); tác phẩm ông thường mô tả ám ảnh bệnh hoạn về khuynh hướng này.
Chữ Sadistic là tĩnh từ của danh từ Sadism bởi chữ Pháp Sadisme do tên của văn sĩ Pháp là Marquis de Sade (1740 – 1814); người ta dịch Sadism là “khuynh hướng bạo dâm”, Marquis de Sade là tác giả những quyển tiểu thuyết mà những nhân vật đều tàn bạo thích thú gây đau khổ cho người khác.
Chúng ta thấy rằng khuynh hướng đầu hàng hay khuynh hướng tự gây khổ (masochism) và khuynh hướng thống trị hay khuynh hướng gây khổ cho người khác (Sadism) đều dùng để chỉ những xung động tình dục (xin đọc Satre trong L’Être et le Néant, trang 431-484).
Nhưng đến Fromm thì hai khuynh hướng này không giới hạn lại trong phạm vi tình dục mà lại bao quát cả một phạm vi; vì, đối với Fromm, nguồn gốc của hai khuynh hướng này là sự chạy trốn của con người trước cảm giác cô đơn và bơ vơ bất lực của mình. Hắn cô đơn quá đến nỗi không còn chịu đựng được nữa và hắn liền chạy trốn trong hai khuynh hướng trên hoặc khi thì chạy trốn vào khuynh hướng đầu hàng, khi thì chạy trốn vào khuynh hướng thống trị. Hắn không thể chịu đựng được nữa; hắn liền chạy tìm người khác hay một vật gì khác để cột buộc bản ngã hắn vào đó; làm như thế, hắn muốn quên mất đi bản ngã của mình và được cảm thấy an ninh bằng cách đánh mất cá tính của mình.
10.
Fromm dùng danh từ “Symbiosis” (tình trạng cộng sinh) để cọi mục đích căn bản của khuynh hướng Sadism (gây khổ cho người) và khuynh hướng Masochism (tự gây khổ cho mình).
Trong nghĩa tâm lý học, “Symbiosis” (Hy lạp Sym là “với”, và bios là “sống”, “sinh”) có nghĩa là kết hợp một bản ngã với một bản ngã khác (hay sức lực nào khác ở bên ngoài). Sự kết hợp này trở thành duy nhất đến nỗi mỗi bên đều mất tính cách nguyên vẹn của mình và hai bên đều mất nương tựa vào nhau hoàn toàn.
Khuynh hướng Sadism mặc dù thoạt nhìn thấy khác khuynh hướng Masochism; nhưng đứng về mặt tâm lý học mà xét thì cả hai đều có khuynh hướng đều có chung một nguồn gốc, một nhu cầu, cùng chung xuất phát từ sự bất lực của con người trước nỗi cô đơn của thân phận mình.
Người thích gây khổ cho kẻ khác cần kẻ khác để giải quyết sự chạy trốn của mình; cũng như người thích tự gây khổ cho mình cũng cần kẻ khác để hành hạ mình. Một bên tìm cách muốn chạy trốn bằng cách “nuốt” người khác, một bên tìm cách chạy trốn bằng cách để bị “nuốt”. Đó là tình trạng cộng sinh (Symbiosis). Trong cả hai trường hợp, tính cách nguyên vẹn của cá tính đều bị đánh mất. Một bên thì chìm vào người khác, một bên thì để người khác chìm vào mình. Tình trạng cộng sinh chỉ đưa con người đến chỗ chết, trên phương diện vật chất hoặc tinh thần.
Tương quan cộng sinh xuất phát từ sự bất lực của con người trong việc chịu đựng sự cô độc của bản ngã, cá tính mình. Vì thế, ta không lấy làm ngạc nhiên khi thấy khuynh hướng Sadism và Masochism đều hoà trộn lẫn nhau. Bên ngoài, hai khuynh hướng có vẻ như mâu thuẫn với nhau, nhưng thực sự thì cả hai đều bám rễ nơi một nhu cầu khẩn thiết của thân phận con người. Không ai là hoàn toàn có khuynh hướng Sadism, cũng không ai hoàn toàn chr có khuynh hướng Masochism; hai khuynh hướng này luân phiên thay đổi nhau trong một người, khi một bên nhiều, khi một bên ít hoặc ngược lại; nhưng dù sao, trong cả hai trường hợp, sự tự do của con người đã bị đánh mất. Mất theo cả bản ngã và cả nhân phẩm hay giá trị con người.
Bất cứ một triết lý hay một ý thức hệ nào được xây dựng trên một trong hai khuynh hướng trên đều không đáng gọi là nhân bản, vì cả hai khuynh huớng trên đều là những khuynh hướng chạy trốn sự tự do của con người. “Escape from Freedom” (Fromm).
D. H. Lawrence có viết như vầy: “Sự chạy trốn không phải là một sự giải quyết. Khi người ta chạy đi thực xa, người ta thấy rằng trái đất thì tròn và nếu người ta tiếp tục chạy nữa thì sau cùng người ta thấy mình vẫn còn đứng lại trước cửa nhà mình, đứng trước ngôi nhà mà mình đã chạy trốn. Đó là số phận con người”. (D.H. Lawrence, Etudes sur la littérature classique américaine, trang 178).
D. H. Lawrence đã nói một câu thấm thía và phải chăng chính D. H. Lawrence đã tự nói về mình? Và cũng nói luôn về mỗi một người trong chúng ta?
Chương bảy
Ý thức thoát ly - Ngày trở về của đứa con hoang hay là A. F. Schmidt, Thomas Wolfe và André Gide

1.
Augusto Frederico Schmidt là một thi sĩ xứ Ba Tây (Brésil) ở Mỹ châu La tinh.
Thomas Wolfe là thiên tài dị thường của văn học Mỹ. Ai cũng biết André Gide là nhà văn Pháp, giải Nobel năm 1947. “Ngày trở về của đứa con hoang” là một câu chuyện ngụ ngôn trong Thánh Kinh Thiên Chúa (Luc XV, II, 32).
Trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa (Saddharma Pundarika Sutra) của Phật giáo, chúng ta cũng thấy câu chuyện ngày trở về của đứa con hoang (Phẩm thứ 4, truyện “cùng tử” ) nhưng truyện đứa con hoang trong kinh Pháp Hoa mang một ý nghĩa thâm sâu, khác hẳn với truyện đứa con hoang trong Thánh kinh Thiên Chúa. Đứa con hoang trong kinh Pháp Hoa trở về nhà cha mà không biết rằng mình đã về nhà cha; như thế sự trở về ấy không thể gọi là sự trở về và sự kiện này đã nói lên sự giải thoát của con người bằng chính nỗ lực riêng tư của mình, còn đứa con trong Thánh kinh thì trở về nhà cha và biết rằng mình trở về nhà cha, hơn nữa sự trở về này là do sự yếu đuối của đứa con.
Sự khác nhau căn bản ở trên đã dẫn đến những chỗ dị đồng khác, mà chương này chỉ giới hạn trong “ý thức thoát ly”.
2.
Dở lại Phúc Âm Thánh Luc (Chương XV), ta đọc:
Người nọ có hai đứa con trai. Đứa ít tuổi hơn thưa cùng cha: “Xin cha cho con phần gia tài của con”. Người cha liền chia gia tài. Mấy ngày sau đứa con thứ nhặt nhạnh tất cả của cải của mình và đi tới một phương xa đem tiền ra phung phí trong những cuộc chơi bời tửu sắc. Khi y đã tiêu hết tiền thì ở phương ấy bỗng xảy ra nạn đói kém trầm trọng. Y khởi sự thấy thiếu thốn nên phải xin đến giúp việc cho một thế gia trong vùng, người này sai y về ruộng chăn heo. Chàng thanh niên thực muốn nhét đầy bụng thứ đậu dành cho heo ăn mà chẳng ai cho.
Hồi tưởng lại mình, y tự nhủ: Có biết bao nhiêu người làm công trong nhà cha ta có bánh ăn dư thừa mà ta đành chết đói ở đây!... Ta phải chỗi dậy đi tìm cha ta. Ta sẽ thưa cùng người: “Lạy cha, con thực đáng tội với Trời, với cha; con không còn đáng gọi là con của cha nữa; con chỉ xin cha đãi con như người làm công trong nhà”. Chàng bèn chỗi dậy và đi về tìm cha. Từ xa, người cha đã trông thấy chàng. Bối rối vì cảm động, ông chạy ra đón con, ôm chầm lấy cổ con và hôn con luôn mãi. Người con mở đầu: “Thưa cha, con thực đắc tội với Trời, với cha, con không đáng gọi là con của cha nữa.” Song người cha đã kêu bảo tôi tớ: Hãy mau mau đem áo của con ta ra bận cho nó; hãy lấy nhẫn đeo vào tay nó, lấy dép xỏ vào chân nó. Hãy đem một con dê béo ra làm thịt đi! Phải làm một bữa tiệc thật linh đình! Vì con ta đây đã chết, nay lại sống lại, đã lạc nay lại tìm thấy…” Bữa tiệc khoản đãi liền nay lúc ấy…
Bây giờ người con lớn đang ở ngoài đồng. Khi trở về gần tới nhà, người ấy nghe thấy tiếng đàn hát liền gọi một tên đầy tớ lại hỏi cho biết có việc gì. “Em cậu đã trở về rồi! Ông sai mổ bê béo (ăn mừng) vì thấy cậu vẫn được mạnh giỏi!” Người con lớn tức, giận, không chịu vào nhà. Bấy giờ người cha vội ra năn nỉ con. Đứa con ấy nói: “Con vất vả làm việc với cha từ bao nhiêu năm! Không bao giờ con không vâng giữ lời cha. Thế mà chẳng bao giờ cha cho con một con dê nhỏ để đãi bạn bè. Còn đối với đứa con đã xài phí hết cơ nghiệp cho điếm, thì cha đã vội giết bê béo để ăn mừng, khi nó vừa thoạt trở về!”; người cha liền đáp; “Con ơi! Con ở với cha luôn luôn từ trước đến nay. Những gì của cha đều thuộc của con. Nhưng phải làm tiệc ăn mừng vì em con đã chết nay lại sống lại, đã lạc nay lại tìm thấy!” (bản dịch của H.M.T)
Đứa con trai hoang đàng ấy tượng trưng những gì? Người cha? Đứa con trai lớn? Tôi yêu đứa con hoang đàng ấy lắm và tôi cũng cảm động đau đớn hối hận trước tấm lòng vô hạn của người cha; đứa con trai lớn kia chỉ đáng cho ta thương hại và không đáng cho ta ghét. Đứa con hoang đàng trôi thân lạc chợ ấy cao hơn đứa con trai lớn kia gấp trăm vạn lần.
Đứa con hoang đàn ấy là mỗi người trong chúng ta, là những kẻ phạm tội, những kẻ bê tha rượu chè, những nghịch tử, những kẻ du côn, những kẻ phá trời phá đất, những người ruồng bỏ xã hội hay bị xã hội ruồng bỏ, những kẻ sống ngoài vòng, những kẻ étrangers, những outsiders, những exilés, những kẻ désaxés, déséquilibrés, những putains, những kẻ khùng điên, những tử tù, những hiện tượng thuần tuý, những quái vật, những Raskolnikov hay Sonia hay Kirilov hay Gregor Samsa hay Joseph K. hay Caligula hay Meursault hay Martha hay Sisyphe.
Đứa con hoang đàng bẩn thỉu dơ dáy ấy là Strindberg hay Nietzsche hay Dostoievsky hay Henry Miller hay Van Gogh hay D.H. Lawrence hay Rimbaud hay Lautréamont hay Kafka hay Henry Miller hay Thomas Wolfe hay James Joyce hay Blaise Cendrars hay Lenau hay Leopardi hay Charles Henay Ford hay Caragiale hay Antonin Artaud hay Jean Genet hay Lucrèce hay Eschyle hay Sophocle hay Hàn Mặc Tử hay Przybyszewski hay Knut Hamsun hay Céline…
Người cha ấy là Thượng đế, là Chúa, là Phật, là Xã hội loài người, là Luật Lệ, Thứ Tự, Hạnh phúc…
Tôi tự hỏi: đứa con hoang đàng trác táng ấy đã trở về nhà cha, nhưng liệu hắn có được hạnh phúc hoàn toàn hay không? hay là hết cực khổ rồi và bây giờ cứ sống mãi trong hạnh phúc thì hắn đâm ra chán và lại thèm nhớ những miền xa xôi bát ngát? Vâng, cha thương con vô hạn, cha lo lắng săn sóc cho con được hạnh phúc đủ mọi bề, nhưng không hiểu sao, chiều nay, lòng con buồn triền miên, con cảm thấy có gì thiếu thốn đâu đây, trông về sa mạc mênh mông kia, lòng con tê dại, vâng, con đã được ấm cúng dưới mái nhà sang trọng này, nhưng… dường như con thở không nhịp nhàng, sáng, trưa, tối, ăn, uống, ngủ rồi ngày mai sáng, trưa, tối ăn uống ngủ, rồi sáng trưa tối ăn uống ngủ, sáng trưa tối ăn uống ngủ, sáng trưa tối ăn uống ngủ, SÁNG TRƯA TỐI ĂN UỐNG NGỦ SÁNG TRƯA TỐI ĂN UỐNG NGỦ, SÁNG TRƯA TỐI ĂN UỐNG NGỦ, con muốn điên lên, con đã mất mát nhiều, con tưởng con là cái máy chạy đều đều ngày nào cũng như ngày nào, con chóng mặt; một làn gió từ vườn thoảng đưa vào phòng con, mang theo hương thơm ngào ngạt của những đoá hoa, hoa hồng, hoa huệ, hoa lan, hoa… vàng, vàng, những đoá hoa ấy muốn nhắc nhở con phải lìa xa nơi đây, lần nầy con sẽ không trở lại, không trở về như lần trước nữa; vâng, ở xa cha ngàn vạn dặm, nhưng tình yêu của đứa con đối với cha còn nồng nàn thấm thía hơn là ở đây, những rừng hoa man dại ngào ngạt đang chờ đợi con ở cuối trời, ở đây đầy đủ thừa thãi cơm gạo tiền bạc heo bò đầy tớ, thừa thãi bánh ngon chăn ấm, thừa thãi, thừa thãi… nhưng ở đây thiếu sương mù ban mai, thiếu tiếng chim, thiếu những dòng suối ngầu bọt, thiếu ánh trời lung linh bên triền núi, thiếu cây, thiếu lá, thiếu hơi lạnh triền miên, thiếu mùi thơm thảo dã, thiếu mây trắng vắt ngang đồi, thiếu cỏ xanh tơ non, thiếu vạn cánh bướm ngập ngừng, thiếu những chiều vàng thung lũng, thiếu hết, thiếu hết… vâng, con biết lần này con đi, con sẽ khổ sở chết đói như lần trước, nhưng con không muốn chết trong khi con nghẹt thở, con chỉ muốn chết sau khi hơi thở con đã nhẹ nhàng tha thướt với đất trời, con chỉ muốn chết giữa bụi giữa rừng rú, con chỉ muốn chết sau khi đã sống trọn vẹn với lòng con; vì quá thương yêu cha, nên con mới bỏ cha mà đi…
Tôi tưởng tượng như trên, nhưng tôi nghĩ cũng có kẻ khác không nghĩ thế; mỗi người có một đời sống, tôi không phê bình phán đoán lối sống của anh và xin anh cũng đừng phê bình phán đoán lối sống của tôi. Cám ơn anh.
3.
Paul Claudel, Julien Green, Gabriel Marcel, Graham Greene, Charles Dus Bos, Francis Jammes, Thomas Merton đã trở về mái nhà cha và đã sống hạnh phúc với cha. Họ không bao giờ muốn bỏ nhà ra đi nữa, bởi vì họ đã hạnh phúc. Mặc dù họ cũng có những xao xuyến khắc khoải ray rứt siêu hình diệu vợi, nhưng họ vẫn nghĩ rằng họ chỉ có thể sống được trong mái nhà của cha mà thôi, họ nghĩ rằng chỉ có con đường duy nhất để dẫn đến Tình yêu; con đường ấy là mái nhà của cha, ở bên cạnh cha, là phụng sự cha, Augusto Frederich Schmidt cũng nghĩ như thế.
Từ lúc thi sĩ Jorge de Lima từ trần, những thi sĩ dẫn đầu ở Ba Tây là Manuel Bandeia, Carlos Drummond de Andrade và Agusto Frederico Schmidt (cf. New Wold Writing, 7th. Mentor Selection, 1955, trang 195).
Augusto Frederico SchmidErnest sinh năm 1906 tại Rio de Janeiro và ngày nay rất nổi tiếng ở Ba Tây. Một trong những bài thơ hay nhất của Augusto Frederico Schmidt là bài “Ngày trở về của đứa con hoang”. Đọc bài thơ ấy, tôi khó lòng không nhớ đến bài “Con tôi trở về nhà” của thi sĩ Đức Stefan George. Hai bài đều cảm động xót xa, khiến ta bàng hoàng hối hận khôn cùng, lòng người cha thật mênh mông lai láng.
Sắc hồng vẫn còn nhuộm và đốt cháy trên đôi má con:
Trái cây chín mau
(…..)
Tay cha ôm chặt
Một kẻ thờ ơ lạnh lùng, đã lớn lên và trổ hoa
Ở những miền xa xôi miên viễn
Đứa con ruột của cha, nhưng hỡi ơi sao quá xa lạ tình cha con!
(Stefan George)
Bài thơ của Augusto Frederico Schmidt khá dài và cũng khiến ta xúc động miên man:
Những thèm muốn trốn thoát đang giữ kín trong đôi mắt hắn.
Đứa con hoang mơ mộng những niềm vui và những nẻo đường trần gian.
Vào giờ gia đình đoàn tụ lại quanh bàn mờ để dùng cơm tối.
Công việc cực nhọc trên đồng áng vừa xong,
Đứa con hoang nuôi những mộng hải hồ và những kế hoạch,
Hắn không hiểu sao thế, hắn cảm thấy khác mọi người, khác những kẻ sinh đẻ trong ngôi nhà to lớn của cha hắn. Khác những kẻ làm việc với cha ở cánh đồng.
Hắn cảm thấy mình tách rời ra xa cây cổ thụ
Những gốc rễ của cây cổ thụ ấy đã dính chặt từ thuở hồng hoang
Cùng trong lòng đất, cùng trong những giải đất này
Mà mồ hôi của cha, của anh cả, của bà con thân thuộc và những đầy tớ
Đã làm đơm hoa nở trái luôn luôn
Đứa con hoang đau khổ và vào đêm xưa đôi mắt hắn đã tìm
Con đường mới lạ huyền bí để trốn thoát.
Và giấc ngủ hắn trĩu đầy hình ảnh như một kẻ điên mường tượng
Đang lúc trong mái nhà tĩnh mịch mọi người đều say ngủ và tìm trong giấc ngủ những đền bù cho nỗi nhọc nhằn của ngày dài đăng đẳng
Đứa con hoang bị những hình tượng, những cám dỗ ám ảnh đè trĩu tâm tư
Những vốc dáng ấm áp và những đôi môi mát rượu đã hấp dẫn hắn đến lối sống trụy lạc và hố thẳm.
Thế rồi buồn chán tất cả mọi sự, đứa con hoang ấy lên đường đi tìm những “thực phẩm trần gian”; ngày đứa con hoang đàng lên đường, đôi mắt của cha già rưng rưng…
Không còn gì buồn hơn cái nhìn của người cha lúc con mình từ giã
Không còn gì buồn hơn cái nhìn của người cha
Cảm thấy rằng đứa con mình là một cái gì khác lạ mình
Con đường đi con mình khác con đường đi của mình
Bỗng nhiên người cha nhận ra đứa con mình.
Là một kẻ khác với những tư tưởng xa lạ với mình.
Với xa vọng bí ẩn, với những thèm khát lạnh lùng mãnh liệt
Giấu ẩn trong trái tim đã tách rời xa tim cha
Đứa con hoang ấy đã bỏ nhà cha và đi mất biệt; hắn sống bê tha, tiêu hoang hết tiền bạc và trở nên khốn khổ cùng cực:
Từ những giây phút ban đầu điên loạn của khoái lạc
Đến những giây phút bẽ bàng khi thực tế ngước đầu lên.
Lúc bấy giờ, đứa con ấy mới đau đớn hiểu được tấm lòng chua xót mênh mông của cha già; sống cực khổ quá đỗi, chịu không kham nữa, đứa con ấy lại trở về mái nhà xưa và cha già sung sướng mừng rỡ đón tiếp đứa con thân yêu ngu dại của mình:
Hãy vui chơi đi bây.
Đứa con ta đã mất và ta đã tìm lại được.
Đứa con ta đã đi hoang và đã trở về nhà.
Đứa con ta đã mù và bây giờ đây được thấy lại.
Bài thơ của Augusto Frederico Schmidt khá dài, nhưng tôi chỉ trích vài đoạn như trên thôi; tôi không thể nào dịch lại cho đàng hoàng; tôi đã làm mất hết cả hồn thơ dồn dập của A. F. Schmidt.
Đứa con hoang của A.F. Schmidt đã trở về đoàn tụ với gia đình và qua dòng thơ, người ta hiểu rằng từ đây trở đi, đứa con ấy đã an phận và sống vui sướng thanh bình trong mái nhà êm ấm: đứa con hoang đã hối hận vì đã bỏ nhà đi và hắn đã không hạnh phúc và bây giờ hắn đã tìm lại hạnh phúc; hắn đã mù và bây giờ hắn đã mở mắt ra trông thấy mọi sự, hắn đã tỉnh thức và đã hiểu rõ đâu là mộng tưởng viễn vông đâu là thực tế gần gũi. Phải thế không, hỡi đứa con tên là Augusto Frederico Schmidt, tên là Paul Claudel, tên là Thomas Merton?
Nhưng không phải tất cả đứa con hoang đều giống nhau. Còn những đứa con hoang khác nghĩ ngược lại Thomas Merton. Chẳng hạn như Nietzche, như Henry Miller như André Berton, như André Malraux, như André Gide, như Thomas Wolfe.
4.
Thomas Wolfe là một trong vài ba hiện tượng lạ lùng nhất của văn học Mỹ; Thomas Wolfe chết lúc 38 tuổi (sinh năm 1900 và chết 1938); Wolfe viết văn ào ào như suối chảy, hàng ngàn trang, hàng triệu chữ, hằng đống bản thảo, ban ngày đi dạy học, tối thức suốt đêm viết, viết, viết… đến lúc mệt Wolfe bước ra ngoài trời khuya lạnh lẽo đi lang thang tê dại khắp đường phố rộng lớn như một thằng điên. Cà phê, rượu, thức đêm, làm việc đêm, đi đêm, bấy nhiêu cũng đủ giết Wolfe và chàng chết lúc 38 tuổi là cũng phải. Nếu ta gọi Faulkner, Hemingway, John Dos Passos, Eugene O’ Neill, John Steinback, Erskine Caldwell là thiên tài, nếu ta gọi những nhà văn trên là thiên tài thì ta phải gọi Thomas Wolfe là siêu thiên tài. Tôi sẽ trở lại Thomas Wolfe, tôi sẽ viết riêng một bài dài (hoặc một quyển sách dày) để gợi lại hình ảnh phi thường phi phi thường của Thomas Wolfe (đối với những con người như Thomas Wolfe, Henry Miller, hay Blaise Cendrars, suốt đời tôi đều phải trở lại thăm viếng luôn; đó là giòng suối ngọt thơm giúp tôi đỡ chết khát giữa cuộc đời nóng bức khô hạn này).
Tôi buồn vì hôm nay tôi chỉ nói rất sơ sài về Thomas Wolfe, nói đến một khía cạnh rất nhỏ là “Ngày trở về của đứa con hoang”.
Thay vì bàn đến những quyển tiểu thuyết vĩ đại của Thomas Wolfe như Look Homeward, Angel hay Of Time and the River hay The Web and the Rock hay You Can’t Go Home again, tôi đành phải nhượng bộ với đều tài hôm nay và chỉ viết về truyện ngắn “The Return of The Prodigal” (Ngày trở về của đứa con hoang) trong quyển The Hills Beyond của Thomas Wolfe.
Truyện “The Return of The Prodigal” rất giản dị đơn sơ; câu chuyện rất tĩnh mịch và rất ồn ào. Truyện gồm hai phần: phần đầu rất lặng lẽ, rất tịch mịch; phần sau rất huyên náo ồn ào; tác giả đưa ta đi vào hai thế giới trái ngược hẳn nhau.
Câu chuyện đơn sơ như vầy: Eugene Gant là một nhà văn rất nổi danh; tiếng tăm vang lừng khắp nơi, đi đâu ai cũng nể vì trọng vọng duy chỉ có quê hương chàng là khước từ chàng, bởi vì chàng đã xây dựng những nhân vật tiểu thuyết theo những người ở quê hương mà chàng đã sống hồi còn bé thơ. Gần như tất cả những người ở quê hương chàng đều phản đối chàng và có kẻ còn hăm doạ chàng; bởi thế trong vòng bảy năm trời chàng không trở về quê hương nữa, chàng trở thành một kẻ bị lưu đày và một kẻ lang thang giang hồ lãng tử, And for seven years thereafter he did not go home again, he became an exile and a wanderer (“The Return of The Prodigal”, The Hills Beyond, Pyramid books, tr. 93). Trong bảy năm trời lang bạt kỳ hồ, chàng vẫn lưu luyến nhớ quê hương, chàng nhớ quê hương đến nỗi chàng tưởng tượng hình dung ngày trở về quê hương như sau: ngày ấy là một đêm gió loạn vào mùa thu, trong một thành phố bé nhỏ ở một vùng đồi núi quê hương, chàng bước đi lặng lẽ trên một con đường hoang vắng và mưa rơi lạnh lẽo, gió lướt lê thê buồn thảm, cũng những nhà cửa ấy như độ nào nhưng bây giờ trông thê lương biết bao, khi bước đi đến một ngôi nhà cũ kỹ nọ, chàng dừng bước, buồn bã nhấn chuông, một bà cụ già yếu chậm chạp bước ra mở cửa, chàng hỏi thuê phòng để ngủ một đêm rồi sáng lên đường; bà cụ lếch thếch dẫn chàng đến một phòng trống lạnh, chàng bơ phờ bước vào; lúc bà cụ đi khỏi rồi, chàng lấy hai tay vò lên mái tóc rối, lắc đầu tắt đèn và đau đớn lắng nghe tiếng giông bão ào ào đập vào nhà, chàng ngủ nhưng rồi đột nhiên bỗng sực thức dậy vì chàng nghe một tiếng nói mơ hồ xa xôi, chàng tự nhủ: phải chăng đó là giông bão với một triệu tiếng nói? Phải chăng đó là mưa? Phải chăng đó là bóng tối đã vây phủ ngôi nhà cũ của cuộc đời và đem tiếng nói về cho im lặng? Hay đó là sự ghê rợn của im lặng lạnh lẽo đã làm ngày trở về của tôi chẳng thành ngày trở về, đã làm tôi trở thành một kẻ xa lạ trong nhà này, mà chính mẹ của tôi đã quên tôi?
Is it the storm that has million voices? Is it the rain? Is it the darkness that fills an old house of life and give a tongue to silence? Or is it the terror of cold silence that makes of my returning no return and of me an alien in this house where my very mother has forgotten me? (trang 102) Bà cụ già yếu cho thuê phòng ấy chính là mẹ chàng và ngôi nhà cũ xưa ấy là ngôi nhà chàng đã sống thuở bé thơ, nhưng hỡi ơi, mẹ chàng không còn nhận ra chàng nữa.
Đó là những gì chàng đã tưởng tượng, nhưng tưởng tượng vẫn luôn cách xa thực tại. Chàng đã tưởng tượng chàng sẽ trở về quê hương lặng lẽ âm thầm như trên, nhưng sự thực lại khác, vì lúc chàng trở về nhà, mọi sự đều xảy ra khác hẳn trí tưởng tượng chàng, cả quê hương nhộn nhịp đón rước chàng, bạn bè, người thân quyến thuộc đầu kéo đến vây bủa chàng, hỏi chàng, điện thoại réo ầm cả nhà, mẹ chàng phải trả lời liên miên, hết điện thoại của người này mời chàng, đến điện thoại của người khác, chuông điện thoại kéo suốt ngày, rồi những lời nhì nhằng của mẹ; “con hãy nên đi dự…họ có địa vị cao trong xã hội… con nên… ông X giàu có lắm”. Truyện chấm dứt với câu sau đây: “Lại điện thoại nữa kìa con! Con hãy chờ một phút - Mẹ sẽ trả lời cho họ”. There goes that phone again! Just a minute, son, - I’ll anwer it (trang 119).
Truyện gồm có hai phần: phần thứ nhất là phần Eugene Gant tưởng tượng ngày trở về quê hương; phần thứ hai là Eugene Gant thực sự trở về, chứ không phải tưởng tượng. Trong phần đầu, ta đi vào một thế giới lặng lẽ trầm buồn, ta chỉ bước nhè nhẹ khe khẽ. Trong phần sau, ta lọt vào một thế giới huyên náo ầm ĩ, làm mệt cả thần kinh.
Truyện “The Return of The Prodigal” chỉ đơn sơ như trên và dù Thomas Wolfe chẳng nói gì rõ ràng nhưng ta có thể thấy được, cảm được nỗi bực mình của Eugene Gant khi trở về quê hương; bảy năm trước, cả quê hương từ bỏ chàng, bảy năm sau lúc trở về, cả quê hương ào đến đón rước chàng, quấy rầy chàng với tiếng chuông điện thoại, với những lời mời mọc ầm ĩ, phá mất sự cô đơn, đánh mất đời sống nội tâm của chàng. Mặc dù Thomas Wolfe không nói gì rõ ràng, nhưng ta có thể đoán rằng đứa con hoang ấy (Eugene Gant) sẽ bỏ nhà đi nữa vì không chịu nổi không khí ngột ngạt đó.
Trong tác phẩm cũng như trong cuộc đời, Thomas Wolfe vẫn là một đứa con hoang không bao giờ trở về, dù có trở về nhà đi nữa, rồi sớm muộn gì cũng lại bỏ đi luôn.
Quyển tiểu thuyết cuối cùng của Thomas Wolfe mang nhan đề là You Can’t Go Home again (Anh không trở về quê hương nữa).
Năm 1937, sau một thời gian luân lạc, Thomas Wolfe lại trở về viếng thăm quê hương, cả quê hương ân cần đón rước Thomas Wolfe nhưng Thomas Wolfe lại cảm thấy rằng “anh không trở về quê hương nữa” và Thomas Wolfe lên đường bỏ đi biệt luôn, đứa con hoang ấy cảm thấy xa lạ nơi quê hương mình.
Mất mát, mất mãi mãi… Trần truồng và cô đơn, ta bị đi đày. Trong lòng đen tối của mẹ, ta không biết nét mặt của mẹ ta; từ ngục tù của xác thịt mẹ, ta đi vào ngục tù của trần gian này, một ngục tù bưng bít hết ngõ giao thông hết lời để nói. Lost, lost, forever… Naked and alone we came into exile. In her dark womb we did not know our mother’s face; from the prison of her flesh have we come into the unspeakable and incommunicable prison of this earth (Thomas Wolfe)
Đối với gia đình và quê hương, Thomas Wolfe là một đứa con hoang. Đối với xã hội, Thomas Wolfe cũng là một đứa con hoang.
Ta quá mất mát, quá trần truồng và quá cô đơn ở Mỹ châu. Bầu trời mênh mông và tàn nhẫn chĩu nặng hạ xuống trên đầu ta và tất cả chúng ta cứ bị đuổi đi mãi mãi và ta không có quê hương. We are so lost, so naked and so lonely in America… Immense and cruel skies bend over us, and all of us are driven on forever and we have no home (Thomas Wolfe).
Trước Thượng đế, Thomas Wolfe cũng là đứa con hoang. Trong bài tiểu luận “God’s Lonedy Man”, Thomas Wolfe viết: “Bây giờ mặc dù tôi nhận thấy rằng con đường và ý nghĩa của đời sống Chúa Ky tô rất cao quí, cao quí hơn con đường và ý nghĩa của đời sống tôi, nhưng tôi không thể nào theo lối sống ấy được”
(And now I know that though the way and meaning of Christ’s life is a far, far better way and meaning than my own, yet I can never make it mine).
Thomas Wolfe cũng là đứa con hoang như Augusto Frederico Schmidt, nhưng hai người khác nhau, vì Augusto Frederico Schmidt trở về mái nhà cha và đã tìm được an bình hạnh phúc; còn Thomas Wolfe cũng trở về, nhưng không thể nào tìm được an bình hạnh phúc; chàng cảm thấy khắc khoải xa lạ ngay nơi quê hương và chẳng bao lâu, Thomas Wolfe lên đường bỏ nhà đi biệt luôn, làm lãng tử lang thang đến khi thở hơi cuối cùng. André Gide cũng thế.
5.
Trong những tác phẩm của André Gide, tôi thấy biết bao tác phẩm quan trọng như L’immoraliste, như Nourritures terrestres như Porte étroite và Faux monnayeurs, nhưng tôi nghĩ rằng chính những tác phẩm của Gide như “Le Retour de l’Enfan Prodigue”, như “Thésé”, chính những tác phẩm ngắn này đã thâu gọn lại tất cả mọi xao xuyến đau thương, mọi chân thành chua xót của Gide.
Gide mượn truyện đứa con hoang trong Thánh kinh và viết lại thành một truyện ngắn khác hẳn. Thay vì có hai người con trai như trong Thánh kinh, truyện “Le Retour de l’Enfan Prodigue” của Gide gồm có đến ba người con trai; Gide xoay đổi ý nghĩa khác hẳn.
Gide viết truyện ngày với tấm lòng đau đớn không cùng:
“Lạy Chúa, như một đứa con nít, hôm nay con xin quỳ trước Chúa, mặt đẫm đầy lệ” (Mon Dieu, comme un enfant, je m’agenouille devant vous aujourd’hui, le visage trempé de larmes).
Sau một thời gian sống bê tha hoang phí hết tiền bạc, đến lúc quá đói khổ, không thể chịu đựng được nữa, đứa con hoang mới trở về nhà cha, đứng từ đồi cao xa xa, hắn nhìn thấy mái nhà đun khói chiều, nhưng hắn vẫn chưa về nhà, hắn chờ cho tối hẳn mới dám về để màn đêm che giấu sự bần cùng của hắn… Nhưng hắn không thể chịu đựng được nữa, hắn chạy xuống đồi và bước vào sân nhà, chó không nhìn ra hắn và sủa, hắn muốn nói với mấy người đầy tớ nhưng chúng ngờ vực tránh ra chạy đến báo tin cho chủ. Người cha chạy ra dang hai tay đón con và sau đó mở tiệc ăn mừng ngày trở về của đứa con hoang:
“Hỡi con ơi, tại sao con lại lìa cha?”
“Con đã lìa cha thực sao? Thưa Cha. Không phải cha ở khắp nơi sao? Không bao giờ mà con đã không yêu thương cha, không bao giờ…”
“Mon fils, pourquoi m’as – tu quitté?”
“Vous ai–je vraiment quitté? Père! N’êtes-vous pas partout? Jamais je n’ai cessé de vous aimer.”
“Cha có một ngôi nhà để giữ con. Ngôi nhà được xây cất cho con. Những thế hệ đã làm việc khó nhọc để tâm hồn con có thể tìm nương náu đó, tìm sự xa hoa xứng đáng, sự tiện nghi và việc làm, con là kẻ thừa tự, vậy tại sao con đã trốn thoát bỏ nhà mà đi?”
“Bởi vì Ngôi nhà đã nhốt giam con. Cái Nhà không phải là Cha, Cha ạ.”
“J’avais une maison qui t’enfermait. Elle était élevée pour toi. Pour que ton âme y puisse trouver un abri, un luxe digne d’elle, du confort, un emploi, des générations travaillèrent. Toi, l’héritier les fils, pourquoi t’être évadé de la Maison?”
“Parce que la Maison m’enfermait. La Maison ce n’est pas Vous, mon Père.”
“Sau một thời gian ngắn, hỡi đứa con hoang con còn lại những gì?”
“Con còn lại sự hồi nhớ những vui thú khoái lạc ấy.”
“Và sau đó là sự nghèo nàn xơ xác.”
“Trong sự nghèo nàn đó, con cảm thấy gần cha, Cha ạ.”
“Au bout de peu de temps, que t’est il resté, fils prodigue?”
“Le souvenir de ces plaisirs,”
“Et le dénuement qui les suit.”
“Dans ce dénuement, je me suit senti près de vous, Père.
“Thế thì xa cha, con có hạnh phúc hay không?
“Con không cảm thấy xa cha.”
“Vậy thì những gì đã khiến con trở về đây. Hãy kể cho cha nghe.”
“Con không biết. Có lẽ là sự làm biếng.”
“Étais - tu donc heureux loin de moi?”
“Je ne me sentais pas loin de vous.”
“Alors qu‘est-ce qui t‘a fait revenir? Parle.”
“Je ne sais. Peut-être la paresse.”
Sau khi đã nói chuyện với cha, đứa con hoang phải đối đáp với người anh cả:
“Hãy kể cho tôi nghe, những gì đã thúc đẩy chú bỏ nhà đi như thế?”
“Em cảm thấy quá rõ ràng rằng Ngôi Nhà không phải là trọn vũ trụ. Em không thể nào mà không mường tượng đến những nền văn hoá khác, những giải đất khác và con đường để chạy đến nơi đó, những con đường chưa ai vạch ra.”
“Dis–moi, maintenant: qu‘est - ce qui te poussait à partir?”
“Je sentais trop que la Maison n’est pas tout l’univers. J’imaginais malgré moi d’autres cultures, d‘autres terres, et des routes pour y courir, des routes non tracées…”
Hết đối đáp với anh cả, đứa con hoang lại nức nở bên cạnh mẹ, người mẹ âu yếm hỏi con:
“Con có nghĩ rằng con sẽ hạnh phúc khi con xa gia đình.”
“Thưa mẹ, con không đi tìm hạnh phúc.”
“Vậy con đã tìm gì?”
“Con đã đi tìm coi… con là ai.”
“Pensais - tu donc être heureux loin de nous?”
“Je ne cherchais pas le bonheur.”
“Que cherechais-tu?”
“Je cherchais… qui j‘étais.”
Sau đó, người mẹ tỏ vẻ lo âu về đứa con út; người mẹ nhờ hắn săn sóc trông nom đứa em út, bởi vì đứa em út cũng có những cử chỉ hành động như anh nó, cũng muốn hoang đàng bỏ nhà đi như anh nó. Tối đêm đó, hắn bước vào phòng ngủ của em út, hai anh em nói chuyện đối đáp với nhau khá lâu, sau cùng đứa em út ấy lại lên đường bỏ nhà cha mẹ mà đi, cũng như hắn ngày xưa. Truyện chấm dứt với lời ân cần nhắn gởi của hắn trước khi đứa em út lên đường:
“Anh ơi… hãy đi chung với em đi.”
“Thôi hãy để anh ở lại! Hãy để anh ở lại! Anh ở lại để an ủi mẹ. Không có anh, em sẽ can đảm hơn. Đến giờ rồi. Trời bắt đầu xanh nhạt rồi. Em hãy đi đừng làm tiếng động. Hãy đi đi em! Hãy hôn anh, đứa em nhỏ của anh, em đang mang theo em tất cả hy vọng của anh. Hãy mạnh em nhé! Hãy quên gia đình. Hãy quên anh. Ước gì em đừng trở về… Hãy bước im lặng. Anh xách đèn cho…”
“Mon frère… Pars avec moi.”
“Laisse - moi! laisse-moi! je reste à consoler notre mère. Sans moi tu seras plus vaillant. Il est temps à present. Le ciel pâlit… Pars sans bruit. Allons! embrasse-moi, mon jeune frère: tu emportes tous mes espoir. Sois fort; oublie-nous; oublie-moi. Puisses tu ne pas revenir… Descends doucement, Je tiens la lampe…”
Chính đoạn kết luận này đã làm truyện “Le Retour de L’enfan prodigue” của Gide trở nên đặc biệt lạ thường. Đoạn kết luận này đã làm buồn lòng Francis Jammes và Paul Claudel, vì Jammes và Claudel vẫn mong chờ ngày Gide trở lại đạo công giáo (cf. Pierre de Boisdeffre, Métamorphose de la littérature, I, trang 118-119).
Thế là Gide vẫn là đứa con hoang và không bao giờ chịu trở về mái nhà cha. Những người bạn thân của Gide như Claudel, Julien Green, Charles du Bos, Jammes đều mong chờ ngày trở về của Gide (tức là theo đạo công giáo) nhưng họ đã thất vọng.
Trong một truyện ngắn cuối cùng, truyện “Thésée”, Gide đã viết, “Tôi vẫn là đứa con của trần gian này… Tôi đã sống trọn vẹn”. Je reste enfant de cette terre… J’ai vécu.
André Gide đã nói tiếng nói cuối cùng trong “Thésée” (cf. R. M. Albérès, L’Odyssée d’André Gide, trang 263-279).
Năm 1951, André Gide từ trần, miệng thì thào: “C’est bien”; tôi nhớ đến Kant, lúc lìa đời, Kant cũng thì thào: “Es ist gut” (C‘est bien).
6.
Viết đến đây thì đã quá nửa đêm, tôi phải tắt đèn và đi ngủ ngay, vì ngày mai tôi phải thức dậy sớm để lên đường. Vâng, cũng như Wolfe và Gide, tôi sẽ không bao giờ trở về…
Kết luận:
Ý thức tự quyết - Thư gửi Nietzsche

Chúng ta phải là những kẻ phá hoại
(Nietzsche,Votonté de Puissance, cuốn II, tr. 375)
1.
Nha Trang, tháng 6, 1964
Nietzsche,
Buổi trưa hôm nay, gió thổi quá mạnh. Ngoài cửa sổ, cây rung chuyển ầm lên như những tiếng sóng biển dưới kia. Đôi lúc đứng trên đồi cao này trông xuống biển, tôi chợt thấy quang cảnh dưới kia giống như vùng Portofino mà người đã từng sống trong những ngày cô đơn nhất của đời người.
Nietzsche thân quý, tôi tin rằng người vẫn còn sống, sống hơn bao giờ cả. Tôi tin rằng người đã trở lại trần gian này, trở lại như tất cả sự vật của vũ trụ này. Tất cả mọi sự đều trở lại, một sự trở về vĩnh cửu, như ngày xưa người vẫn từng khám phá vào những lúc tâm thức người bừng sáng lên như một vì tinh tú rực ngời trên kia. Tôi tin rằng hiện nay người đang bước lang thang trên một bến bờ xa lạ nào đó, mà mọi người xung quanh không nhận ra nét mặt bi tráng của người, một vẻ mặt đầy phẫn nộ đau đớn, với đôi mắt sâu thẳm hơn cả những đại dương sâu nhất; người đang buồn khổ bước đi trong những vỉa hè bơ vơ nhất của cuộc đời chỉ đưa mắt ngó nhìn sự vật xung quanh mà không còn muốn mở miệng nói lên một lời nào nữa; người không còn muốn nói nữa, người chỉ muốn im lặng trong nỗi lòng quằn quại của thiên tài, bởi vì tất cả mọi ngôn ngữ của loài người đã bị lở loét; mỗi một lời nói, dù là một lời nói cao đẹp nhất, chỉ là một viên đạn bắn thêm vào thân thể ngất ngư của nhân loại.
Ngày xưa, người ta từng kêu la đầy chua xót:
“Nhưng tại sao tôi phải nói khi mà không còn ai nghe tôi nữa? Thôi thì hãy để cho tôi la hét vào tất cả những phương trời gió loạn: Các người đang trở nên nhỏ bé, càng lúc càng trở nên nhỏ bé hơn lên, hỡi các ngài nhỏ bé kia! Các người đang sụp đổ tàn phế, hỡi các người tự tại an nhàn kia! Rồi đây thì các người sẽ bị tiêu diệt do quá nhiều đức tính nhỏ bé của các người, do quá nhiều sự kiêng dè bé nhỏ của các người, do quá nhiều sự an mệnh nhỏ bé của các người. Đất của các người quá dễ dãi, quá nhân nhượng. Nhưng muốn cho một cây có thể trở thành cao lớn VĨ ĐẠI thì cây ấy phải đâm rễ mạnh sâu vào những tảng đá cứng rắn” (Also sprach Zarathustra, phần thứ 3).
Trên nửa thế kỷ trước, người đã hét lên những lời nói đầy đau đớn trên; thế kỷ XX này càng già đi thì lời hét trên càng trở nên tru tréo vang ầm lên như tiếng rống của sư tử ở giữa sa mạc thiêu đốt này.
Hỡi Nietzsche, những dòng chữ này được viết ra đang lúc ngoài kia gió đang rú lên từng trận kinh hồn, và lắng hồn sâu trong tiếng gió, tôi vụt nghe tiếng người thét lên lanh lảnh: “Các người đang trở nên nhỏ bé… Càng lúc càng trở nên nhỏ bé, hỡi các người nhỏ bé kia!...”
Thế giới đang muốn bốc lửa, nước Việt Nam đã bốc lửa cháy từ bao nhiêu năm nay, hỡi ngọn lửa kia, hãy bốc cháy mạnh thêm lên nữa, hãy cháy bùng lên và thiêu đốt hết tất cả những con người nhỏ bé ở mặt đất này. Những cây nào mọc trong đất mềm thì phải trốc gốc. Cuồng phong ơi, hãy thổi tơi bời lên đi, hỡi cuồng phong, hãy thổi tung gốc tất cả những cây nhỏ bé bám trong đất bùn tanh hôi; những cây nào không chịu đựng sức gió thì những cây ấy đáng chết, đáng tiêu ma đi cho rồi đời. Chỉ những cây nào sống được thì mới đáng sống, chỉ những cây nào đâm rễ vào đá cứng không hề bị lay chuyển thì mới đáng sống!
“Hỡi anh em của tôi, hãy trở nên cứng rắn”.
(Zarathustra, phần III, tr. 326)
Chiến tranh đang bùng nổ khắp thế giới. Chúng tôi đang ca hát chờ đợi chiến tranh và tàn nhẫn nhất là chúng tôi đang CA TỤNG CHIẾN TRANH.
Hãy lạnh lùng
Hãy tàn nhẫn
Hãy vô nhân đạo
Hãy cứng rắn
Hãy ca tụng chiến tranh
Hãy hung dữ
Hỡi nhân loại, hãy giết nhau đi, hãy bắn nhau đi; hỡi chiến tranh, hãy tiêu diệt cả nhân loại nhỏ bé này đi, hãy giết cho đến người tận cùng, để tạo lại một nhân loại mới cho trái đất, một Ý THỨC MỚI cho trần gian này.
Chiến tranh thiêng liêng.
Chiến tranh là cần thiết.
Bởi vì chiến tranh đã góp sức vào VIỆC SÁNG TẠO LẠI THẾ GIỚI NÀYVIỆC THAI SINH MỘT CHỦNG LOẠI MỚI Ở TRẦN GIAN NÀY.
Chiến tranh góp sức vào VIỆC PHÁ HỦY TẬN GỐC RỄ TẤT CẢ NHỮNG GIÁ TRỊ Ở MẶT ĐẤT NÀY.
Loài người phải bị tiêu diệt! Nhân loại phải bị tiêu diệt cho đến NGƯỜI cuối cùng.
Chữ NGƯỜI là một chữ dơ bẩn, hôi thúi.
Chữ NGƯỜI gợi lên những gì lở lói đê tiện nhất ở mặt đất này; mỗi khi các anh nghe nói lên tiếng NGƯỜI, các anh hãy móc súng ra và bắn tung vào tiếng NGƯỜI ấy cho bắn tung ra từng mảnh! Phải nói như thế, phải không Nietzsche?
Hỡi Nietzsche, lắng hồn vào sâu trong tiếng gào thét của cuồng phong, tôi đã nghe Nietzsche kêu gọi những gì? Nietzsche đã nói gì với tôi?
“Ta chúc ngươi đau khổ dằn vặt, ta chúc người bị bỏ rơi, ta chúc ngươi đau bệnh, ta chúc ngươi bị đối đãi tồi tệ, ta chúc ngươi bị nhục nhã và ta chúc ngươi không còn xa lạ với việc tự khinh bỉ mình cho đến tận cùng, và hành hạ ngờ vực chính bản thân ngươi: ta không thương xót ngươi bởi vì ta chỉ muốn được một việc duy nhất, việc ấy là thử xem ngươi hôm nay có chứng tỏ rằng ngươi có xứng đáng hay không – có đủ sức đứng vững hay không”. (Der Wille zur Macht, 1887, 910)
Cảm ơn Nietzsche, tôi đã nghe rồi.
Nghe thôi, cũng chưa đủ.
Tôi đã thấy rồi.
Cũng chưa đủ.
Tôi đã nghe, thấy và cảm.
Hãy còn chưa đủ.
Tôi phải nghe, thấy, ngửi, cảm, hiểu, và quăng trọn thể xác và tâm hồn vào trong sự đau khổ dằn vặt, trong cơn đau bệnh trong khi bị người đời đối đãi tồi tệ, bị nhục nhã và sự khinh bỉ cho đến tận cùng và tự hành hạ ngờ vực chính bản thân.
Tôi phải chịu trải qua những nỗi đau đớn lớn lao nhất ở đời này trong từng giây phút.
Tôi phải chịu đau khổ với tất cả thể xác và tinh thần của mình. Nếu tôi chịu tất cả những nỗi khổ trên mà vẫn còn đủ sức đứng vững thì tôi mới xứng đáng sống. Còn chịu không nổi thì hãy chết đi cho rồi.
Không thương hại
Không thương người
Không đạo đức luân lý
Không than thở
Không vị tha
Không bác ái
Không công bình
Không bình đẳng
Không dân chủ
Không bi quan
Không lạc quan
Không triết lý
Không hệ thống
Không ý thức hệ
Không cải thiện xã hội hay cải thiện nhân loại.
Tất cả những thứ trên là những đức tính bé nhỏ của tất cả những con người bé nhỏ, tất cả những đức tính bé nhỏ trên được thoát ra từ sự YẾU ĐUỐI HÈN NHÁT CỦA CON NGƯỜI.
Con người càng yếu đuối, càng tồi tệ, càng hèn nhát, càng nhu nhược, càng suy đồi thì con người lại càng ca tụng lòng thương hại, lòng thương người, đạo đức, luân lý, than thở, vị tha, bác ái, công bình, bình đẳng, dân chủ, bi quan, lạc quan, triết lý, hệ thống, ý thức hệ, cải thiện xã hội hay cải thiện nhân loại.
Không.
Tôi không muốn để các người bé nhỏ lường gạt.
Tôi không muốn để con người nhỏ bé của chính tôi lường gạt tôi.
Và nhất là tôi không bao giờ quên một điều kiện tối thượng của sự đạt đạo:
KHÔNG TRUNG THÀNH
Nghĩa là phải PHẢN BỘI.
Nghĩa là trò phải phản thầy. Đó là điều kiện duy nhất của sự đạt đạo.
“Mỗi một bậc thầy chỉ có một người đồ đệ và người đồ đệ ấy phải trở thành phản bội thầy, không trung thành với thầy, bởi vì chính người đồ đệ ấy cũng có sứ mạng là làm thầy”. (Vermischte Meinungen und Sprüche, 357)
2.
Bây giờ, trời đã tối đen, trời càng về đêm thì gió càng lặng xuống.
Bây giờ thì mọi sự đã trở về im lặng.
Tiếng gió đã ngừng. Sư tử đã hết gầm. Sư tử đã biến thành trẻ thơ.
Hỡi Nietzsche, người đã biến thành trẻ thơ và TRẺ THƠ ĐANG NỞ NỤ CƯỜI HỒN NHIÊN.
Người ta chỉ nhớ Nietzsche là một con sư tử tàn bạo, người ta quên rằng, sau khi làm sư tử, Nietzsche lại trở thành một đứa trẻ thơ.
“Tại sao một con sư tử phải trở thành trẻ thơ? Vì trẻ thơ là sự hồn nhiên và sự quên lãng, là một sự bắt đầu mới, là một trò chơi, là một bánh xe tự xoay chuyển, là một hành động đầu tiên, là một tiếng chấp nhận thiêng liêng” (Also sprach Zarathustra, phần nhứt).
Đêm đã đến rồi.
Và Nietzsche ơi, người đã thầm thì với tôi những gì?
“Đêm đã đến rồi, bây giờ tất cả những suối nước đang nói rì rào ầm ĩ hơn và tâm hồn tôi cũng là một suối nước”.
Tôi đã nghe rõ những lời thầm thì huyền diệu của Nietzsche.
Người hãy nói tiếp đi.
“Đêm đã đến rồi, bây giờ chỉ có tất cả bài ca của những người yêu thương là tỉnh thức thôi. Và tâm hồn tôi cũng là một bài ca của kẻ yêu thương”.
Tôi đã nghe rồi.
Thì thầm nữa đi, Nietzsche ơi!
“Có một cái gì chao động rung rẩy trong lòng tôi, nó muốn lên tiếng. Sự thèm khát tình thương tràn đầy lòng tôi; lòng tôi nói lên ngôn ngữ của tình thương” (Also sprach Zarathustra, phần hai).
À, tôi đã hiểu ra rồi.
Tôi đã để ý đến sự khác thường từ trưa đến bây giờ.
Lúc trưa thì gió thổi loạn ầm lên và tôi đã nghe tiếng sư tử thét lên vào buổi trưa nóng cháy ấy; bây giờ đã đến đêm tối thì tôi không còn nghe tiếng gió rú nữa; khi đêm đã đến rồi, tôi không còn nghe tiếng sư tử gầm thét nữa, mà tôi chỉ nghe tiếng suối reo vui tươi và tôi chỉ nghe những bài ca du dương của những kẻ yêu thương.
“Tâm hồn tôi cũng là một suối nước” (Also sprach Zarathustra, phần hai).
“Tâm hồn tôi cũng là một bài ca của một kẻ yêu thương” (Also sprach Zarathustra, phần hai).
“Lòng tôi nói lên ngôn ngữ của tình thương” (Also sprach Zarathustra, phần hai).
Đó là ba câu nói cao siêu nhất của Nietzsch.
Hỡi Nietzsche, tư tưởng của người đã đi một vòng tròn, quay theo một vòng tròn của trái đất.
Tư tưởng của người đã đi từ Bình Minh (Die Morgenröte) đến tuyệt đỉnh là Buổi Trưa bốc lửa rồi đến Hoàng hôn của những thần tượng (“Die Götzen Dämmerung”) rồi đến Đêm Tối rồi đến Khuya, rồi lại bình minh, rồi đến trưa, tối, cứ như thế quay tròn ngày đêm theo trái đất.
Ngôn ngữ của bình minh là ngôn ngữ của sự tỉnh thức.
Ngôn ngữ của buổi trưa là của sự chổi dậy sôi sục.
Ngôn ngữ của buổi hoàng hôn là ngôn ngữ của sự đưa ma những thần tượng.
Ngôn ngữ của đêm tối là ngôn ngữ của tình thương, của ruối reo, của những bài hát tình yêu.
Hỡi Nietzsche, tư tưởng của người đã quay tròn theo tiết điệu trời đất, sáng, trưa, đêm, ngày, rồi sáng, trưa, đêm, ngày, từ xuân, hạ, thu, đông, cứ quay tròn triền miên, SỰ TRỞ VỀ VĨNH CỬU, Le Retour Eternel,
Chính sự Trở Về Vĩnh Cửu ấy đã giết Thượng đế.
THƯỢNG ĐẾ ĐÃ CHẾT.
Dass Gott tot ist!
“Ta dạy đạo siêu nhân cho các người. Con người là một sinh vật phải được thắng, được vượt qua” (Ich lehre euch den Übermenschen. Der Mensch ist etwas, das überwunden werden soll).
Và Siêu nhân là gì?
Siêu nhân là vượt lên trên cả Thiện và Ác “Jenseits von Gut und Böse”
Siêu nhân là kẻ Giác Ngộ
Siêu nhân là Hành Động Thuần Tuý
Siêu nhân là Siêu Thoát
Siêu nhân là Tự Do
Siêu nhân là Trẻ Thơ
Siêu nhân là hiện thân của Bất nhị, Không hai
Siêu nhân là Tình thương không đối tượng.
Siêu nhân là vượt lên trên Người; vượt lên trên người là vượt lên trên sự phân chia đối đãi giữa Thiện và Ác của con người, là vượt lên trên Hành động có mục đích của con người, là siêu thoát ra ngoài Ngã và Vô ngã để bay đến chân trời không (Sunyata), là Tự do để chấm dứt hoàn toàn tất cả những vọng tưởng, những “biến kế sở chấp” (Vikalpa; sarva-kalpanàksayo hi nirvanam), là Trẻ thơ, nghĩa là Bất nhị (Advaya), tức là Tình Thương không có đối tượng (Karuna); và sự Trở Về Vĩnh Cửu (Retour Eternel) của Nietzsche có khác gì vòng nhân quả của đức Phật? Phải chăng Nietzsche cũng đã nhận như thế trong quyển Der Wille zur Macht (Volonté de Puissance, cuốn II, tr. 14)?
Và Nietzsche, Siêu nhân của Nietzsche hoàn toàn giống Bodhisattva trong Phật giáo (mà Coomaraswamy cũng nhận ra như thế khi nói về Nietzsche; cf. Coomaraswamy, Comsmopolitan View of Nietzsche, trong the Dance of Shiva, tr. 140- 148).
Và không ai lấy làm lạ khi thấy Nietzsche hết sức ca tụng Phật giáo (Volonté de Puissance, traduction de G. Bianquis, tập I, trang 157, 159-161, 179; tập II, trang 14-28, 30, 39, 98, 169), đang khi Nietzsche quyết liệt hạ bệ tất cả những thần tượng khác.
Và nếu ngày xưa Nietzsche thường ca ngợi chiến tranh, ca tụng sự tàn nhẫn cứng rắn hay hô hào lòng thù ghét, hay chửi rủa lòng trắc ẩn, mắng chửi lòng vị tha, vân vân, đó chẳng qua chỉ là những phương tiện tối hậu mà Nietzsche dùng để làm “thuốc độc để trừ thuốc độc” “dùng gai để nhổ gai” mà đưa con người đến bờ giác ngộ như những vị Thiền sư thường đánh đập những đồ đệ một cách tàn nhẫn, vì đó chỉ là một hành động cần thiết để đưa dẫn môn đệ đến Ngộ (Satori).
Tất nhiên, không phải tất cả sự đánh đập đều là cần thiết, cũng như không phải tất cả những thuốc độc đều có thể trị lại thuốc độc hay tất cả gai đều có thể nhổ gai.
Nietzsche thừa hiểu điều trên, cũng như những vị Thiền sư cũng thừa hiểu như vậy.
Rốt ráo rồi thì Nietzsche cũng phải nói:
“Lòng tôi nói lên ngôn ngữ của Tình Thương”
Và không phải Nietzsche chỉ biết có hét, gầm la hay mắng chửi thôi, ngoài những cử chỉ thịnh nộ ấy, Nietzsche còn biết nhảy múa vui tươi và biết ca hát véo von như chim non đầu xuân, như suối reo về đêm. Nietzsche ơi, phải chăng Nietzsche cũng đã từng tha thiết van nài một lần cuối trong đời
“Hãy hát cho tôi nghe một bài ca mới” (Thư Nietzsche gửi cho Gast, từ Turin, ngày 4 tháng 1 năm 1889).
Bài ca mới ấy là Ý THỨC MỚI, là tiếng hát trong vút của Siêu nhân vượt lên trên những khuôn mòn nhỏ bé của loài người.
3.
Đêm đã về khuya.
Tất cả đều lặng lẽ.
Tôi nghe tiếng chân ai bước xa xa dưới thung lũng kia, cùng với tiếng gió nhẹ vèo theo. Phải chăng Nietzsche đang âm thầm bước đi dưới kia. Tôi tin rằng Nietzsche đã trở về trần gian này, Nietzsche trở về mãi mãi trên mặt đất này, trở về để nhìn thấy những con người bé nhỏ đang đi vào hố tiêu diệt.
Hỡi Nietzsche. Nietzsche đã nghĩ gì khi trông thấy rằng những con người nhỏ bé tàn nhẫn, vô nhân đạo, cứng rắn, ca tụng chiến tranh, hung dữ, không thương hại, không thương người, không đạo đức luân lý, không vị tha, bác ái, vân vân…
Họ làm tất cả những thứ trên và họ hãnh diện cho rằng làm như vậy mới là theo Nietzsche.
Họ có biết đâu rằng có hai bảng giá trị:
Bảng giá trị của hạng người nhỏ bé;
Bảng giá trị của hạng Siêu nhân.
Giá trị của Siêu nhân là giá trị vượt lên trên mọi giá trị, một thứ giá trị không giá trị, nghĩa là Vô giá, tức là vượt ngoài ý thức con người.
Siêu nhân tàn nhẫn mà không tàn nhẫn, cứng rắn mà không cứng rắn, vô nhân đạo mà không vô nhân đạo, ca tụng chiến tranh mà không ca tụng chiến tranh, bởi vì Siêu nhân đã vượt lên trên Thiện và Ác; và mỗi hành động của Siêu nhân là Hành động Thuần Tuý không mục đích, không đối tượng, thoát ra từ Ý Thức Mới, hay Ý Thức Vũ Trụ, hoà nhịp với Tiết Điệu Thiên Nhiên.
Còn hạng người bé nhỏ mà tàn nhẫn thì đúng là tàn nhẫn, cứng rắn là cứng rắn, vô nhân đạo là vô nhân đạo, ca tụng chiến tranh là ca tụng chiến tranh. Hạng người bé nhỏ làm bất cứ điều gì đi nữa thì điều đó vẫn bé nhỏ. Ông Trời của hạng người bé nhỏ cũng vẫn là ông Trời của hạng người nhỏ bé.
Lòng ái quốc bé nhỏ
Sự hạnh phúc bé nhỏ
Tình thương bé nhỏ
Đạo đức, luân lý bé nhỏ
Lòng vị tha bé nhỏ
Lòng bác ái bé nhỏ
Dân chủ bé nhỏ
Công bình bé nhỏ
Bình đẳng bé nhỏ
vân vân…
Loài Siêu nhân chưa ngự trị trần gian này và con người càng lúc càng trở nên bé nhỏ.
4.
Tôi không tin rằng Nietzsche đã điên. Tôi tin rằng Nietzsche đã giác ngộ và là một Bodhisattva đã sinh ra tại Tây phương. Nietzsche đã đi vào im lặng tuyệt đối. Và con người nhỏ bé đã tưởng rằng sự im lặng tuyệt đối ấy là sự điên loạn.
Nietzsche là một Siêu nhân cô đơn giữa những con người bé nhỏ.
Đầu năm 1889 tại Turin, Nietzsche thấy một người phu xe đánh đập con ngựa một cách tàn nhẫn, Nietzsche đã vụt chạy đến quàng tay ôm vào ngựa mà hôn, rồi té quị ngất đi; người ta chở Nietzsche về phòng, lúc Nietzsche tỉnh lại, Nietzsche viết những hàng chữ khó hiểu gửi cho những người bạn thân (Walter Kaufmann, The Portable Nietzsche, trang 684).
Đọc những dòng chữ khó hiểu trong những bức thư ấy, người ta cho rằng Nietzsche điên.
Hỡi Nietzsche, suốt đời người vẫn cô đơn và bị ngộ nhận.
Hỡi Nietzsche, người ta cho rằng người trở nên điên, nhưng đâu biết rằng chính lúc người chạy lại ôm ngựa và té quỵ là lúc người đã đạt đến Đại Ngộ, té quỵ bất tỉnh là vì ánh sáng chân lý ào ào tràn ngập vào tâm thức bừng sáng của người.
Người đã giác ngộ hoàn toàn vào giây phút thiêng liêng ấy, và chính lúc ấy Siêu nhân hoàn toàn là đứa con nít ngây thơ mở mắt nhìn đời trong màu ánh sáng mới lạ của buổi khai thiên lập địa.
“Hãy ca cho tôi nghe một bài hát mới”.
Đó là câu cuối cùng và huyền diệu nhất mà người đã thốt ra khi bước vào cõi im lặng huyền bí, đó là tiếng chấp nhận thiêng liêng của một tâm hồn siêu thoát.
Hỡi Nietzsche, thế giới này đang chuyển động vì người đang trở về lại trên mặt đất này.
Có ai hát lên cho Nietzsche nghe bài hát mới chưa?
5.
Phải phá hoại tất cả mọi sự! Nietzsche đã nói thế, phải không Nietzsche? Đó là sức mạnh duy nhất của kẻ sáng tạo, của những con người siêu đẳng.
Không hối tiếc, không thương hại, không động lòng.
Phải lạnh lùng, sáng suốt, lầm lì, trơ trơ, cô đơn.
Làm chủ, làm thầy, chứ không làm nô lệ. Nhất định không tham gia để phục tùng. Lãnh đạo hoặc là bỏ đi trong cô đơn độc đạo.
Biết vâng lời, nhưng chỉ vâng lời Ý Chí Mãnh liệt của mình. Không nhập vào đám đông mà chỉ im lặng, chối từ quyết liệt những bầy, lũ, nhóm, đảng phái. Không nhập vào một đảng nào cả hay một hệ thống ý thức nào cả. Mỉm cười khinh miệt tất cả mọi sự. Luôn luôn ngạo mạn.
Cuồng bạo say sưa. Chết trong đam mê phẫn nộ hơn là sống lờ mờ trong mực thước. Lao cả thể xác và tâm hồn vào đam mê cuồng dại nhưng vẫn làm chủ ý chí bốc lửa. Ồn ào nhất khi im lặng, và im lặng nhất khi ồn ào.
Đôi mắt luôn luôn hừng hực lửa thiêng. Đi tìm nguy hiểm.
Sống cực đoan, sống hết mình, sống tận cùng.
Cười ngất ngây trong đau khổ. Không biết tình cảm.
Khạc nhổ vào những lời khen, những lời tâng bốc đề cao. Lòng luôn luôn tràn đầy nước biển. Không tìm
thanh bình.
Phải tàn nhẫn với tất cả những con người bé nhỏ.
Không làm hòa, không khiêm nhường, không lễ phép. Gây xáo trộn khắp nơi, gây thù ghét oán hờn khắp nơi.
Khoái lạc cuồng nộ của kẻ sáng tạo. Không lãng mạn.
Nhảy xuống tận hố sâu để tự thử thách, luôn luôn ngây ngất!
Khinh thường tất cả mọi quyển sách của nhân loại.
Bỏ đọc sách, xa lánh tất cả những thi sĩ, văn sĩ, học giả.
Độc tài tàn bạo với chính bản thân, với chính cuộc đời mình. Chống lại tất cả mọi chủ nghĩa.
Siêu nhân là tiêu chuẩn, là mục đích, là vấn đề sống hay chết. Chịu khó. Chịu khó. Kiên nhẫn như Hy mã lạp sơn. Đi tìm chướng ngại để vượt lên. Ca tụng bản năng huyền bí. Đạp đổ luân lý. Đi ngược lại thiên hạ. Người ta làm Đông thì mình làm Tây, người ta nói phải mình nói sai. Người ta nói “ừ” ta nói “không”!
Từ bỏ bản ngã. Tiêu diệt bản ngã để giải thoát. Nếu cần có thành kiến, cứ đeo dính vào thành kiến, không lung lay, không đầu hàng. Chống trí thức. Chảy tràn ngập khắp nơi như sông vỡ bờ. Phải hơi điên điên gàn gàn và hoàn toàn lập dị.
Muốn sống làm sao thì sống, miễn đạt đến Siêu Nhân, bỏ rơi hết mọi lý luận chặt chẽ. Chống lý trí. Rất ít nói.
Không cần suy tư có hợp lý hay không. Bất chấp.
Không có chân lý, chính mình là chân lý, chỉ có mình mới là chân lý, tất cả những chân lý khác đều là ảo tưởng. Cầu mong bị sét đánh. Mong chịu thêm nhiều đau khổ nữa.
Suốt đời, phải thường xuyên khinh bỉ chính bản thân và tư tưởng mình. Không sợ hãi. Luôn luôn kiêu ngạo. Phải chiến thắng đau khổ. Vươn lên, vượt lên, bay lên.
Sau khi đã phá hoại đến cùng cực, đã la hét đập đánh mắng chửi điên cuồng, sau khi đã làm ầm lên khắp hang cùng ngõ hẻm, đã bới tung lên đầy hỗn loạn ngổn ngang, đã làm náo động khắp nơi thì bắt đầu rút lui về sa mạc và đi múc nước để tưới cỏ. Hoặc vào nhà thương điên. Đi vào im lặng.
Chào Dyonysos Philosophos
PHẠM CÔNG THIỆN
Sài Gòn 25/4/1970
Phạm Công Thiện
Nguồn: http://www.talawas.org/
Theo http://www.vietnamvanhien.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Món quà tinh thần vô giá dành cho gia đình cố nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm 5 Tháng Một, 2023 Vào sáng nay 04/01/2023, tại Tòa nhà Liên hiệp ...