Thứ Hai, 28 tháng 6, 2021

Đi qua thời gian

Đi qua thời gian

Sáu râu cười, hiếm lắm! Chùm râu theo vẻ cười rung rung lạt bạc màu sương khói.
Hàng so đũa thẳng tắp dọc con đường dẫn vào cù lao của ông mùa này đã thoảng mùi hương hoa trắng.
Tiếng chuông gió sau vườn nghe lốc cốc lời của tre già chạm vào đong đưa. Ông lại vuốt râu cười, thằng Phủ lấp ló mừng thầm nhớ lời ông nói:
– Để râu lúc vui buồn vuốt một cái cho nó êm tay đấy mà!
Vườn chồi xanh xanh, những quả su su lẫn hoa mướp vàng ươm rủ rê ong bướm, Phủ mạnh dạn lên tiếng: “Ông ơi cháu mang cho ông palmal đây” - dù đã mười sáu nhưng lúc nào ông cũng đáp lại nó bằng một viên kẹo bạc hà với cái nghéo tay thời xa cũ rất “ăng lê”.
Nó ngồi bệch lên phiến đá chờ đợi…
Ông ngậm một ngụm nước rồi phun nhẹ lên giò lan vũ nữ, ánh mắt ông xa vắng. Ông rít một hơi thuốc thả nhẹ vòng khói theo làn gió thoảng bay lên cao.
Con đường Nguyễn Du hồi đó đẹp lắm, quán cà phê mọc liên dây, dưới tán lá mát rượi ta có thể ngồi hàng giờ để nghe những bản nhạc Pháp du dương “Lamour C’estPour-Rien, Man, Aline, Bang bang…”
Phủ nhũ thầm đêm qua ông đã kể tới đoạn đó,nó hồi hộp nhưng đôi mắt thì vẫn… chờ đợi. Nhà nó bán tạp hoá ở đầu con lộ, nó kết ngay ông già hỏi mua gói palman có mái tóc dài cột cao và một chòm râu đẹp tựa Lãng tiên sinh. Quán hết thuốc, ông chỉ con đường vào cù lao nơi ông mới đến - nơi đã bắt đầu có sự sống từ những chồi xanh và một ngày nó “đủ tuổi” để dám tò mò hỏi han ông vài câu:
– Tấm hình treo trên liếp gỗ là ai vậy ông sáu?
– …?
Hùng cười “nửa miệng”, thường đi trên chiếc lampata màu vỏ trứng lịch lãm, mái tóc kiểu Lý tiểu Long hút hồn con gái. Đôi sambo bằng thứ da thuộc loại nhất chỉ có con nhà giàu mới sở hữu. Hùng có vẻ lạnh lùng, ít nói chỉ đắm mình theo những lời hát phát ra từ chiếc akai to đùng đặt trên đầu tủ gỗ, mấy cô bồi bàn chân dài mini rip vẫn không làm anh “lung lay”… với cái kiểu khô như ngói đấy nên bạn bè gán cho anh cái tên “Hùng rô bô” đóng đinh đã từ lâu.
Ông hớp một ngụm trà được ướp từ những cánh sen hái từ hồ, Phủ được dịp lên tiếng:
– Đẹp trai như ông chắc nhiều bà cô mê lắm?
Sáu râu cười nhếch đôi môi cằn cỗi.
Người con gái ấy thật đáng thương. Nàng như một con thiên nga trắng giãy giụa giữa sự thô bạo của một gã thợ săn thô thiển. Hùng băng nhanh qua đường, bằng một song cước đẹp anh đã hạ gục tên chủ nhà to béo kia, người hắn đổ xuống lăn kềnh ra đất như một tấm thịt treo cao bị đứt dây.
– Hoan hô ông sáu!
Một con sấu gần bờ cựa mình khoe hàng gai già trên lưng, mấy con sáo nhảy lách cách trong chiếc lồng xinh nói lên lời quen thuộc: “thích quá… thích”.
Ông vuốt nhẹ chòm râu mắt hướng về giò lan vũ nữ - cánh hoa mỏng manh vàng rung rinh. Ông cười mơ hồ nét nhìn xa vắng.
Hùng cởi vội chiếc áo fean đang mặc khoát lên người cô gái, anh chạm vào tay cô, chiếc lampata lao nhanh trên đường, hàng cây xanh lùi lại cùng những đôi mắt thán phục! Mấy ngày liền góc phố Nguyễn Du xôn xao câu chuyện anh hùng cứu mỹ nhân đẹp tựa như một cảnh phim chiếu trong hí viện.
… Chiếc xe dừng lại ở một con hẻm - vẫn là những căn nhà lụp xụp bên triền nước Khánh hội, tiếp anh là một cô gái trông xanh xao nét nhìn mệt mỏi, đôi mắt mở to vì ngạc nhiên.
Đó là Lê em gái của nàng.
Trên tường nhà dán những tờ báo cũ, chiếc máy đĩa kim đã mòn…
Căn nhà trống tuếch tạm bợ đến xót lòng.
Hùng chào tạm biệt rồi quay đi.
– Anh gì ấy ơi… tôi trả lại anh chiếc áo…
Hùng xoay lại và thực sự gần để bắt gặp một khuôn mặt đẹp, hàng mi dài êm nhung, một nụ cười héo hắt ở đó.
… Em gái nàng bị bệnh tim, mẹ nàng đã mòn mỏi vì khốn khó. Hùng trăn trở nhận ra bấy lâu anh không hề hay biết ngoài kia còn nhiều mảnh đời nguy khốn… Anh với tay mở ngăn kéo trên đầu giường, số tiền anh cứ xếp vào khi bố anh sau khi xong một công trình thầu xây dựng thường cho anh để tiêu xài - sẽ đủ cho một cuộc hẹn và việc anh làm đơn giản là không vô nghĩa.
Dưới chân cầu Sài gòn trong quán cà phê Thiên lý đông người Hùng ngồi đối mặt với một tay anh chị được Lưu - tên chủ nhà bị Hùng đánh gục thuê đến. một chai walker được bật nắp, một cuộc trao đổi gọn nhẹ diễn ra nhanh chóng. Hùng phóng xe trên đường về đêm Sài Gòn thật kiêu sa người xe tấp nập đi tìm vui và đâu đó còn đang loanh quanh những mảnh đời không lối. Vài con bướm đêm vởn vơ tha thẩn trên dốc cầu. Anh nhớ ánh mắt nàng-sự biết ơn-nhớ lời nàng nói thật thà trong dấu lệ ngập ngừng:
– “Mẹ em đã ứng trước một năm tiền giúp việc của em để lo thuốc cho cha và em gái. Ông chủ… em không còn cách nào khác là chạy xuống đường…”
Phủ nghĩ thầm hẳn ông sáu đã phải lòng bà ấy!.?
Hai ngày rồi Phủ không qua cù lao, câu chuyện của ông sẽ còn rất dài .Đã nhiều lần nó nhìn vào vết sẹo dày trên cánh tay của ông- chắc hẳn “điều bí mật” này đã làm nên tên tuổi một thời của Hùng rô bô chăng?
-… Rồi ông thành “đại ca” hồi nào vậy ông?
– Có gì đâu con trai! chẳng qua là hai từ mà thiên hạ dùng để gọi một ai đó khi họ ngưỡng mộ, nếu đúng nghĩa thì hai từ này rất đẹp như trong kiếm hiệp của Kim Dung.”
Một đêm mưa xám xịt qua lằn sáng của ánh đèn phố xá lặng im không người qua. Từ Nguyễn Du, Hùng chạy xe về nhà ướt sũng, một tiếng sét đánh lớn và trong ánh chớp lóe của trời một vết sáng ngang tầm vai anh bổ xuống… Chiều hôm ấy cuộn băng maze trong quán quen bị đứt, lúc đó anh nhếch môi cười và linh cảm một điều không vui.
Sáng ra cảnh sát đã đứng trước cửa. Lệnh bắt anh khi có liên quan đến một vụ án, anh bước ra ngoài từ bàn ăn sáng cùng mẹ và một đốc tờ quen của gia đình. Cánh tay không đăng bột còn lại đặt lên vai mẹ và nhìn bà rất thật thà:
– Điều đó đã xảy ra và là bản năng phải tự vệ khi con chỉ một mình!
Sau này anh gặp lại nàng trong một hộp đêm khi tình cờ nhìn thấy cái dáng quen. Anh chọn một góc tối và nhìn nàng cánh váy xoè ra lắc lư theo tiếng nhạc. Đôi mắt to vẫn đượm buồn nhưng không còn thiết tha cần đời như hôm đầu anh gặp. Lam đã bị cơn lốc cuộc đời cuốn trôi?
Như thế nào thì chút kỷ niệm với nàng vẫn nguyên vẹn ngọt ngào dù thời gian qua đi, dù chỉ một lần đêm ở bãi Sau có ánh trăng bàng bạc soi trên cát, lời tâm tình của biển rì rào để anh và cô yên lặng. Ở đó không có sự ủy mị, không có ánh hào quang của hư danh, sự phàm tục đã bị dập tắt bởi cảm xúc thánh thiện.
Nhưng cuộc đời không đẹp như là mơ, một khoảng cách thời gian khá dài trong trại tù khi điều không muốn đã xảy ra làm anh hối tiếc, cứu một cô nàng trong nghịch cảnh nhưng không cứu hết cuộc đời của họ…?!
Ông vuốt chòm râu lặng lẽ, bàn tay ông đặt lên đó bóp chặt - ngậm ngùi làm khóe mắt cũng rưng rưng.
Phủ ngồi bật dậy đánh lãng một câu:
– Sen già nhiều rồi con bứt giùm gương cho ông sáu nhan?
Chuyện dài lắm không phải dừng lại ở đó khi mà không ai có thể biết được điều gì sẽ xảy ra? Khi mà gia đình anh phải đối mặt với nhiều biến cố. Ba anh mất vì một tai nạn, mẹ anh lâm bệnh nặng. Căn nhà ở Bùi Viện cũng bán để dời về Thanh Đa.
Anh trở lại tìm Lam nhưng bạn cùng phòng bảo rằng cô đã dọn đi từ mấy đêm trước, mãi sau này cũng là lần sau cùng anh gặp lại cô trong nỗi niềm khó tả-nơi gặp nhau là trại giam khi mà những cuộn khói hoang đã vây kín cuộc đời cô.
Chuyện của hai người mang sắc thái buồn thương, như màu áo dài cô mặt đi lễ ngày chúa nhật - màu tím than làm anh nhớ mãi - như những buổi chiều hàng giờ trong nghĩa trang anh đến để đặt lên mộ cô bó hoa tim tím, đăm chiêu anh bước về phía con đường tím thẫm hoàng hôn.
Phủ ngồi lặng lẽ, nó hiểu ra rằng khi nhắc đến bà ấy ánh mắt ông cứ xa xôi, giò lan vũ nữ là hình ảnh người thương trong quá khứ - cánh hoa mỏng manh xoè đôi váy ngắn đang múa may khi một làn gió thoảng vô tình.
Từ một chàng trai con nhà giàu anh lần lượt bán đi những vật dụng trong nhà rồi đến con “ngựa chiến”, mỗi ngày cọc cạch trên chiếc xe đạp cũ hai bên sườn xe là những can nhựa. Hồi đó nạn mua bán xăng dầu lậu tràn lan và anh cũng không ngoại lệ.
Trong hỗn loạn để mưu sinh anh vẫn nhìn nhận lẽ phải là con đường anh đi nhưng trong thiên hạ không được nhiều người tốt và những cuộc đụng độ bằng máu đã xảy ra. Hùng đứng lên bảo vệ những người cô thế, tìm cho họ những việc làm lương thiện, tuy không còn nhiều tiền bạc như lúc trước nhưng anh vẫn đi lo chuyện thiên hạ, bận tâm vì những đứa trẻ lang thang bụi đời hay cô ba cô tư ngày nào phấn son rã rượi giờ cũng hồn nhiên với xe bánh mì, hoặc gánh chè thơm lắng phận người!
Hùng râu nhập viện hai lần đều đúng ca trực của cô y tá với nụ cười hiền lành, chỉ là một nụ cười mà có thể làm những vết thương dịu lại? Thật vậy. Cô đến nhẹ nhàng như cơn gió thoảng, như chăm nom chân tình khi loay hoay kéo chiếc rèm che cửa sổ bệnh viện trong những ngày nắng trong buổi chiều mưa. Anh đã dừng lại trong ánh nhìn bâng quơ của mình để nhận thấy trên khuôn mặt nàng nét đẹp dịu dàng. Khi vết thương đã liền, cảm giác đau đớn phần xác thân không còn cũng là lúc trong anh nhận ra sức mạnh tâm hồn đang hồi sinh sau đôi mắt buồn mênh mông của người con gái cũ.
– Sao ông về chốn này một mình?
Ông vuốt nhẹ một cánh hồng nhung ngâm nga lời một bài hát quen. Phủ hiểu lòng ông đang hồi tưởng về kỷ niệm - vẫn là kỷ niệm buồn thương?
Ông tìm về chốn này vì rằng sự yên ắng sẽ làm ông bình an. Ông tìm về chốn này vì ông muốn được sống trong dĩ vãng khi mà sự gói ghém che chắn hạnh phúc của một tổ ấm bị bão tố giật tung… Ông thích được ngắm hoàng hôn, được nghe tiếng dế gáy giữa đêm tỉnh mịch chỉ một mình khi mà ông không còn ai - những người thân yêu nhất đã đi sang một thế giới khác - một cõi vô hình vĩnh viễn không trở lại.
Ông lao vào công việc không ngừng và nỗi buồn cứ song hành với thời gian. Ông không muốn nhớ buổi chiều tang tóc đấy khi người ta hớt hải báo tin rằng “bà và cậu đã mất vì tai nạn”.
Rồi sau đó những đêm dài mộng mị ông cố chạy theo người đàn bà trong chiếc blu trắng tay dắt một đứa bé trai kháu khỉnh mặc một bộ pijama màu trắng như đang bay lên… bay xa khỏi tầm tay víu với tuyệt vọng của ông.
Phủ nằm vật ra phiến đá, nó khóc ngon lành - “đời ông buồn quá Sáu râu ơi…”
Phủ hiểu rồi vì sao ông hay nâng niu những cánh hồng như thế - Hồng Nhung là tên bà sáu mà! Nó thấy thương cảm cho ông, nó ngồi bật dậy giục giã như để xóa tan nỗi phiền muộn mênh mang đang bao trùm cái cù lao lẻ loi này:
– Tới giờ cho sấu ăn rồi ông sáu ơi…
Cù lao của ông ngày một thêm xanh. Hàng cây lá kiếm vươn cao nhưng dáng lá dịu dàng khi có ngọn gió lay, hình ảnh của nó cho Phủ hiểu một điều về câu nói của ông: “Nhu và cương là hai tính cách khác nhau nhưng cần được dung hòa”.
Ông thường ngồi trên sạp tre ngắm mấy con nhồng đang kỳ học nói mà vui, nhìn bầy sấu phơi mình trên cạn với áo giáp oai phong mà nhớ thời oanh liệt, cánh hồng đỏ thắm trước hiên gợi buồn gợi tiếc, nhìn lan vũ nữ thân gầy mà lòng xót xa… “Ông đa đoan quá sáu râu ơi!”
Phủ sẽ mang lại gì cho ông mỗi lần chạy u từ đầu lộ đến cù lao trong hân hoan để chờ xem ông vuốt râu, chờ xem ông cười, chờ ông thê thảm trong đôi mắt khi kể đoạn thê lương và Phủ cũng hứng lấy nỗi niềm sâu thẳm của người mà lặng lờ rơi nước mắt?
Cuộc đời của Sáu râu như thế đấy. Ông đã từng yêu từng đau từng sống đẹp bằng lẽ phải và sự nổ lực để vượt qua muôn vàn sóng gió, ông nói:
– Mọi thứ có thể thay đổi duy chỉ có tình yêu là vĩnh hằng!
Cù lao chìm trong màn đêm quyện hương thoang thoảng…
Tiếng chuông gió sau vườn nghe vắng xa…
28/2/2020
Lê Mỹ Thạnh
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly 30 Tháng Mười Hai, 2022 Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vầ...