Thứ Hai, 28 tháng 6, 2021

Nhịp điệu của sự im lặng

Nhịp điệu của sự im lặng

“Anh ta bày ra cho ta một căn nhà ổ chuột, có thế thôi; ta thấy ra những gì ở đấy là tùy ta”. J.P. Sartre nói về công việc của người họa sĩ như vậy trong một cuốn tiểu luận về văn học
Cái căn nhà ổ chuột hay ngôi biệt thự khang trang, màu ráng chiều huy hoàng trên bầu trời lúc hoàng hôn hay những cánh chim chấp chới bay trên biển khi bình minh hé rạng…, tất cả đều có thể hiển hiện trên nền vải với những sắc màu khác nhau, song đó không phải là một biểu tượng hay những ký hiệu mang ý đồ người họa sĩ.
Trước bức tranh, cả khi nó còn là tấm toan trắng hay khi đã được quệt màu và đặt nét vẽ cuối cùng, người họa sĩ hoàn toàn im lặng. Như Sartre nói, “họa sĩ thì câm”.
Tác phẩm “Cất cánh” của họa sĩ Tạ Tỵ
Anh ta không nói gì về bức tranh, không thông qua bức tranh để nói gì. Tác phẩm dù chỉ là sự đáp trả những thôi thúc nội tại hay là một công việc được tính toán, ý thức và đòi hỏi sự tham dự nhẫn nại và cầu kỳ của kỹ thuật, thì rốt cục nó vẫn phải trọn vẹn là một thực thể thay vì là một ký hiệu.
Giống như một bartender, người họa sĩ nếm các hương vị màu sắc và cố giữ cảm xúc về nó ở trạng thái thuần khiết nhất trước khi pha trộn để trở thành một thứ hỗn hợp. Anh ta câm lặng trước câu hỏi “Tạo ra cái này để làm gì?”, và với cảm giác cô đơn mê hoặc, người họa sĩ cũng nín lặng như vậy mà trả lời cho câu hỏi “Tạo ra cái này như thế nào?” bằng chính cái công việc đầy bản năng khi đặt màu xuống bức tranh.
Nếu muốn truyền tải một thông điệp nào đó, biểu trưng cho một giá trị nào đó, thì chắc hẳn ngôn ngữ sẽ hữu dụng hơn rất nhiều so với màu sắc, và nói như Breton de Saint - Pol Roux, “nếu anh ta muốn nói điều ấy, thì anh ta đã nói nó ra rồi”. Bức tranh không phải là một thông điệp, và hội họa không phải là nơi truyền tải những thông điệp.
Bức tranh không chuyên chở một ý nghĩa nào đó mà người nghệ sĩ hăm hở hay thầm kín gửi gắm; nếu nó gợi cho ta một điều gì thì ắt hẳn đấy phải là một giá trị mang tính tự chủ mà nó có được sau khi thoát thai khỏi quá trình sáng tạo của người họa sĩ.
Tác phẩm “Sớm lạnh” của họa sĩ Phạm An Hải
Và bởi vậy mà bức tranh mãi mãi là một điều bí ẩn, cho dù ngôi nhà ổ chuột được vẽ rõ nét hay mờ ảo hay đã bị lược bỏ thậm chí triệt tiêu mọi hình dạng. Georges Braque nói, nếu như khoa học làm cho con người an tâm thì nghệ thuật là để làm cho lo âu, vì lẽ đó. Ông cũng nói, “trong nghệ thuật chỉ có một điều đáng giá: cái mà người ta không giải thích được”.
Như vậy, bức tranh có thể gợi ý cho người thưởng lãm nhưng không bao giờ là câu trả lời đầy đủ cho câu hỏi “Nó nói lên điều gì?” hay “Họa sĩ muốn thể hiện điều gì?”. Khác với sự nín lặng của người họa sĩ, bức tranh lại nói quá nhiều nhưng người ta sẽ không tìm thấy ở nó câu trả lời rốt ráo cuối cùng.
Nhà phê bình Walter Pater cho rằng nghệ thuật nào cũng luôn luôn khao khát được là âm nhạc. Quả thật âm nhạc là thứ ngôn ngữ trừu tượng nhất cũng như siêu việt nhất. Chẳng phải một thứ không hình không màu sắc không mùi vị, cứ lênh loang rồi tắt ngấm trong không gian, trở thành nghệ thuật trừu tượng và huyền hoặc nhất đó sao? Và khi hội họa trừu tượng xuất hiện, nó đã vin vào âm nhạc để làm luận lý tồn tại cho sự phi biểu hình của mình.
Tranh trừu tượng là một thực thể gần gũi nhất với sự im lặng của người họa sĩ. Nó chính là một lát cắt của cái thế giới đầy xao động và phức tạp trong tâm hồn họa sĩ, cái thế giới hỗn mang mà chỉ khi bản năng và vô thức tham gia vào quá trình sáng tạo thì bức tranh thốt nhiên mới trở nên hoàn hảo.
Và nếu David Piper cho rằng sự hiểu biết một bức tranh đi đôi với lạc thú thưởng ngoạn nó, thì nhất định “sự hiểu biết” ở đây không phải đối với thông điệp mà nó truyền tải, bởi lẽ sẽ chẳng có một thông điệp nào hết, mà là sự hiểu biết về nhịp điệu của bức tranh. Giống như âm nhạc, hội họa cũng có nhịp điệu, đó là nhịp điệu của sắc màu, của những tín hiệu từ cảm xúc, từ những mạch sóng tương tác đối thoại với người thưởng lãm… Đó còn là nhịp điệu của người họa sĩ đang im lặng, bởi vô thanh cũng là một nốt nhạc nếu không muốn nói rằng đó chính là thứ âm nhạc tuyệt mỹ nhất.
14/8/2019
Đăng Tiêu
Theo https://vannghenghean.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chùm thơ của Lưu Lãng Khách

Chùm thơ của Lưu Lãng Khách Ngoài kia xuân đang qua rồi sao!/ Thềm hoa hanh hao - trên trời cao/ Chim non ca vang như ngày nào/ Bên em anh...