Thứ Năm, 28 tháng 10, 2021

Nhìn ánh sao khuya 2

Nhìn ánh sao khuya 2

 IV. Ông Hội đồng mừng rỡ nắm tay Phong:
- Biết lắm mà. Bất cứ chuyện khó khăn đến đâu mà có ông nhúng tay cũng đều xong hết.
Đoạn lừ mắt nhìn Trâm đang lầm lỳ đứng bên cạnh:
- Con hư lắm. Lớn rồi còn làm ba lo lắng và chú Phong vất vả. Hãy vô tắm rửa thay quần áo nghỉ khỏe rồi ba sẽ hỏi tội sau.
Phong trỏ Nhung đang còn ngoài hành lang:
- Cũng nhờ có bà Phủ giải tiếp, bằng không tôi cũng bó tay.
Ông Tổng ngạc nhiên:
- Ủa, có cả dì Út nữa? Coi kìa, sao không vô nhà mà đứng đó làm khách? Ông Phủ đâu không đi cùng cho vui?
Nhung cười nhẹ:
- Lâu ngày gặp lại, anh vẫn như xưa không chút thay đổi.
Ông Tổng cười hềnh hệch:
- Không thay đổi? Dì muốn nói phương diện nào, tinh thần hay vật chất?
- Sản nghiệp anh dĩ nhiên ngày một bành trướng khỏi cần đề cập, chỉ có tánh tình vẫn y như hồi chị Hai tôi còn sống.
- Sợ dì luôn. Chẳng còn chuyện gì hay hơn để nói sao mà hễ gặp mặt là cay với đắng vậy?
Đoạn ông cười giả lả:
- Lần này có chú Phong, dì phải ở lại ăn Tết với chúng tôi tới ra giêng, không được viện cớ đòi về sớm đó.
- Còn tùy tình hình. Nhưng dù gì cũng phải chờ anh giải quyết xong chuyện con Trâm.
Ông Tổng vồn vã:
- Mời ngồi, mời ngồi. Nãy giờ mải mê trò chuyện mà quên phép xã giao, thiệt là tệ.
Đoạn gọi lớn:
- Bây đâu, còn đợi gì chưa mang trà?
Nhung sốt ruột:
- Anh định giải quyết chuyện con Trâm thế nào?
- Dĩ nhiên là nó phải lấy chồng.
- Là ai? Phải ông già chủ ruộng muối ở Giá Rai không?
Ông Tổng tặc lưỡi:
- Già đâu mà già? Dì nói vậy con Trâm được nước làm tới mệt tôi lắm. Làm ơn đừng chế thêm dầu vào lửa, được không?
- Xấp xỉ tuổi anh còn bảo chưa già. Phải chờ đầu bạc răng long gậy chống lưng còng mới đúng, phải không? Thiệt tôi không hiểu nổi.
- Nhìn bề ngoài có hơi "khằn" một chút chớ kỳ thiệt mới có 43 hà. Cách nhau 25 tuổi, nhằm nhò gì? Vậy chớ má nó với tôi, dì với ông Phủ thì sao? Lúc đầu bà nào cũng làm bộ dở chứng lèn èn, nhưng rốt cuộc thì đâu vào đó, ăn đời ở kiếp đâu còn than trách kêu ca.
- Đàn ông các anh trăm người như một, chẳng ai am hiểu tâm lý phụ nữ. Nhưng thôi, chuyên cũ bỏ đi đừng nhắc nữa, hãy bàn về cháu Trâm.
- Có gì mà bàn? Tôi đã quyết định rồi.
- Hãy tội nghiệp nó.
- Ô hay, tôi lựa chỗ giàu sang môn đăng hộ đối cho nó nhờ tấm thân, chớ có bắt lấy thằng chăn trâu giữ ngựa đâu mà tội với vạ? Dì làm như tôi đem bán con cho lò thịt không bằng? Thiệt tức cười.
- Nhưng không xứng?
- Không xứng? Thế nào mới gọi là xứng? Vừa vừa phải phải thôi chớ, chỉ biết gom lợi về mình thì đâu có công bằng? Được cái này mất cái khác là luật bù trừ của tạo hóa mà.
- Nhưng ông rể quí của anh chẳng được cái gì cả. Vừa già, vừa ngốc... lấy chồng như vậy thật uổng đời con gái.
Ông Tổng chận lời:
- Nè... nè chưa gặp sao biết già, chưa trò chuyện sao biết ngốc? Nhưng cho dù đúng như dì nghĩ mà có tiền bạc rủng rỉnh trong túi thì xấu cũng hóa đẹp, ngốc cũng thành khôn. Không nghe người ta nói "vai mang túi bạc kè kè, nói quấy nói quá người nghe rầm rầm" sao? Vả lại, nếu nó ngu đần thì bấy lâu nay đâu thể quán xuyến nổi sự nghiệp đồ sộ của tía nó để lại?
- Anh thiệt hết thuốc chữa! Trước mắt chỉ thấy có đồng tiền, ngoài ra chẳng cần biết đến sự sống chết của kẻ khác.
Ông Tổng quay sang Phong đang ngồi trầm ngâm:
- Ông Phong là người có ăn học, từng sống ở ngoại quốc, vậy xin cho biết có ý kiến.
Phong cười nhẹ:
- Xã hội Pháp rất cởi mở, không bảo thủ câu nệ như chúng ta. Căn bản hôn nhân là tình yêu, không phải tiền bạc, hoàn toàn do con cái chọn lựa, cha mẹ chỉ góp ý và hổ trợ thôi.
Ông Tổng ngạc nhiên:
- Con gái cũng vậy?
- Phải.
- Sao tôi nghe nói cũng có bọn đào mỏ?
- Hạng đàn ông đó thời nào cũng có, xứ này cũng có nhưng chỉ là cá nhân chứ không phải cưỡng ép.
Ông Tổng suy nghĩ một lúc rồi đề nghị:
- Hay là thế này... Sáng mồng một, thằng chồng tương lai con Trâm sẽ tới chúc tết tôi. Mời ông và dì Út nán lại tới bữa đó coi thử rồi góp ý. Tôi đoán sau khi tiếp xúc, hai người sẽ thích liền. Nó ăn nói khôn khéo lắm.
Phong phì cười:
- Quan trọng là ý kiến người trong cuộc chứ đâu phải của ngoại nhân? Cho dù chúng tôi có cảm tình với ông ấy, chấm điểm cao, nhưng cháu Trâm không ưng thì cũng đành phải chịu.
- Cháu nó rất kính nể ông. Một lời ông nói có hiệu quả vạn lần hơn ý kiến tôi. Nếu ông cố gắng giúp cho cuộc hôn nhân này thành tựu thì ông sẽ đứng công đầu.
- Ông quá đề cao rồi.
- Nếu không sao nó chịu ngoan ngoãn theo về?
- Hơn nữa, tôi chẳng muốn mai mối để được đầu heo?
- Đâu chỉ có mỗi cái đầu heo? Phải nhiều hơn vạn bội... Muốn gì cũng được mà.
Phong cười nhẹ:
- Ông lầm rồi. Tôi giúp ông đâu phải để cầu ơn nghĩa mà chỉ vì tương lai của cháu Trâm. Tôi chỉ sợ cháu làm chuyện rồ dại sẽ hối không kịp.
- Thành thật xin lỗi, tôi đâu dám coi thường, chẳng qua vui miệng nói suông thôi. Đã giúp thì cho trót, xin ông nể tình ở lại gặp đàng trai để góp ý, chắc không nỡ nào từ chối phải không ông?
Phong đưa mắt nhìn Nhung, nàng khẽ gật đầu.
° ° °
Mồng một Tết
Ông Tổng tổ chức tiệc rượu linh đình, mời rất nhiều tai mắt địa phương cùng người trong họ đến tham dự để giới thiệu chàng rể quí.
Tư Hiển, tức chàng rể tương lai, tuổi sồn sồn, phốp pháp, da bánh mật, mặc áo gấm xanh, chân đi giày tàu, trông rất bệ vệ đúng phong cách một điền chủ giàu có.
Ông Tổng tiếp khách tại sảnh đường, cố tình xếp Phong và Nhung ngồi cạnh Tư Hiển để tiện quan sát chuyện trò. Sau vài câu nói xã giao, Phong đã biết được thực chất của chú rể, bèn kề tai Nhung nói nhỏ:
- Bộ vó không tệ lắm, duy chỉ hơi lớn tuổi và học hành chữ nghĩa chẳng đến đâu.
Nhung lừ mắt:
- Như vậy mà còn bảo không tệ? Tôi cương quyết giữ lập trường, cực lực chống đối.
- Tôi chỉ nói hắn không tệ lắm chớ đâu có tán đồng? Chuyện đâu còn đó, làm gì nóng dữ vậy, mọi người đang nhìn kìa.
Nhung giật mình, cảm thấy vô lý nên ngượng ngùng lỏn lẻn làm lành:
- Xin lỗi.
Phong cười:
- Chỉ xin lỗi một tiếng là đủ sao? Đâu phải bà Phủ rồi muốn mắng ai thì mắng, chửi ai thì chửi? Cho dù muốn xỉ vả cũng phải có lý do chớ.
Nhung lặng thinh bẻn lẽn cúi đầu.
Tiệc rượu bắt đầu. Thực khách nâng ly chúc tụng, tâng bốc. Nhiều người còn trân tráo nịnh bợ nào là duyên tiền định, chồng già vợ trẻ là tiên, hai gia đình phú quý giàu sang nhập làm một khác gì hổ thêm vây rồng thêm cánh.
Tiếng vỗ tay dòn hơn pháo tết. Ông Tổng phồng mũi, hãnh diện đảo mắt nhìn mọi người, rồi chăm chú ngó Phong chờ câu phát biểu. Phong vờ không lưu ý, đưa mắt nhìn nơi khác.
Rượu ngà ngà, một thực khách nhà trai lên tiếng:
- Cô dâu tương lai đâu sao chưa mời ra chào quan khách? Cậu Hai tui có vẻ băn khoăn chắc đang nóng lòng gặp mặt nhưng không tiện nói ra thôi.
Một người tiếp:
- Ông Tổng chỉ có một ái nữ vừa đẹp vừa học cao trân quí hơn bảo ngọc, thảo nào chọn rể khó hơn lên trời.
Ông Tổng cười hà hà:
- Ai cũng vậy, có con gái phải tìm nơi xứng đáng mà gả, vừa sướng thân nó vừa đẹp mặt tổ tông. Sở dĩ tôi chưa gọi nó ra trình diện là vì chưa đúng lúc đó thôi.
Ông bảo chú Cổn, người làm thân tín đang đứng sau lưng:
- Thằng Cổn, mày vô nói với bà vú Thảo đưa cô Hai ra chào khách.
Nhung vọt miệng:
- Khoan đã, hồi sáng nó bị cảm, chắc còn đang trùm mền, chưa ngồi dậy nổi đâu.
Ông Tổng ngạc nhiên:
- Làm gì có chuyện đó? Trước khi khách tới nó còn chạy nhảy ngoài sân, đâu thấy triệu chứng bệnh hoạn? Chắc dì trông lộn rồi.
Đoạn xoay qua chú Cổn:
- Sao chưa đi, còn đứng đó?
Phong biết Nhung có chủ tâm nên đưa mắt dò ý. Nhung cau mày lộ vẻ không vui.
Chập sau, bà vú Thảo dẫn Trâm ra chào khách. Nàng trang sức thật giản dị, không hào nhoáng se sua càng tăng phần duyên dáng mỹ miều, khiến ai nấy đều trầm trồ.
Thấy con gái ăn mặc quá tầm thường, chẳng chải chuốt, không nữ trang, ông Tổng lộ vẻ không bằng lòng, vì sợ nhà trai chê mình keo kiệt, nên trừng mắt ngó bà vú và nói lớn cốt cho mọi người nghe:
- Sao bà để cháu ăn mặc lôi thôi vậy? Áo nhung quần lụa đầy tủ, giày cườm dép thêu cả rương, kiềng vàng, bông hột xoàn, cà rá ngọc cả chục hộp mà không lựa được bộ nào coi cho được sao?
Bà vú sợ hãi ấp úng chưa kịp đáp thì Trâm đã lạnh lùng nói:
- Không phải lỗi vú, là ý kiến con.
Thấy tình thế có vẻ khẩn trương, sợ xảy ra chuyện lớn, Nhung vội can thiệp:
- Là đàn ông nên anh không biết chớ thời trang của các tiểu thơ khuê các Sàigòn bây giờ là vậy đó. Càng giản dị càng xinh đẹp, đâu cần vàng lụa phủ đầy người mới gọi là sang?
Mỗi người khen một câu, nịnh một tiếng, khiến ông Tổng hài lòng đổi giận làm vui:
- Được rồi, tết nhứt ba không chấp. Con hãy đi từng bàn chào khách rồi trở lại đây rót rượu mời... anh Tư.
Trâm sầm mặt đứng yên tại chỗ, không phản ứng. Ông Tổng sốt ruột dục thêm lần nữa:
- Sao còn đứng đó?
Nhung nói đỡ:
- Đúng là gà trống nuôi con, chẳng hiểu tâm lý chút nào cả. Con gái đứng trước đám đông dĩ nhiên là mắc cở, có gì lạ đâu? Thôi được, để tôi đi cùng với nó.
Trâm lừ mắt nhìn Nhung và Phong rồi hầm hầm nói:
- Không phải cháu thẹn, nhưng vì khách khứa hôm nay toàn những bậc phú quý giàu sang, phước lộc đầy nhà, tiền rừng bạc biển, thì đâu cần phải chúc thêm? Chẳng lẽ lại chúc tiền vô như nước chả hóa ra gom hết của thiên hạ sao? Riêng ông Hiển đã gần xấp xỉ tuổi ba, nếu con đến õng ẹo làm duyên e rằng sẽ bị người đời cho là con nít mất nết, cám dỗ ông già, chẳng những khó coi mà còn làm ba mang tiếng.
Nhung chạy đến kéo Trâm vào phòng:
- Cháu điên rồi!
Trâm giằn tay:
- Cháu tự biết đi.
Nhung hấp tấp chạy theo:
- Có gì phải bình tĩnh ngồi lại bàn thảo, sao hành động nông nổi vậy? Làm ba cháu mất mặt với khách, sự việc càng thêm rắc rối. Dì với chú Phong lúc nào cũng ủng hộ và đang tìm cách giúp cháu...
Trâm vào buồng nằm vật xuống giường khóc nức nở:
- Đừng nói nữa, cháu không nghe, cháu không tin. Hai người đã toa rập lừa dối cháu, cố tình gạt cháu để ba cháu gả bán cho lão già mất nết...
- Cháu lầm rồi, dì và chú Phong không có ý đó. Chỉ cần cháu kiên nhẫn một chút sẽ có kết quả tốt.
Trâm bịt tai:
- Đừng nói nữa, cháu không nghe, không nghe, không nghe.
Nhung thở dài quay ra vừa gặp Phong đến. Nàng sầm mặt:
- Ông hứa chắc như đinh đóng, tôi tin lời nên mới bằng lòng dẫn nó về. Nhưng đã mấy ngày, ông vẫn bình chân như vại, không hề hở môi bàn thảo với tôi một giải pháp ổn thỏa nào. Bây giờ sự việc như vầy ông còn gì để nói?
Phong vẫn thản nhiên:
- Tôi có nuốt lời đâu?
Nhung trừng mắt:
- Vậy thì ở lại đây giải quyết với nó, tôi không biết tới.
- Bây giờ chưa phải lúc. Cháu đang giận, có nói cũng bằng thừa. Hãy trở lại bàn tiệc, đừng để bị tình nghi.
Phản ứng bất ngờ của Trâm khiến mọi người ngỡ ngàng, chẳng
còn hứng thú ngồi lại nên buổi tiệc cũng tan liền sau đó. Tiễn khách xong, ông Tổng quay vào quát mắng ầm ĩ rồi ra lệnh gia nhân đóng cổng, cấm Trâm ra khỏi cửa, ông còn chỉ định bà vú Thảo canh chừng, sợ nàng lẻn trốn.
Mặc dù Phong và Nhung hết lời khuyên ngăn, nhưng ông vẫn cương quyết giữ lập trường.
Chiều đến, Trâm không ra ăn cơm, Nhung lo lắng định vào thăm, nhưng ông Tổng hầm hầm chận lại:
- Mặc kệ nó, thiếu một bữa ăn chẳng mất miếng thịt nào. Từ nhỏ, chỉ tại dì quá cưng nên nó mới hư đốn như vậy.
Nhung nhìn Phong dò ý. Chàng nói:
- Hãy để yên qua đêm nay, sáng ngày sẽ có biện pháp.
Phong thả bộ ra sân, Nhung vờ đi tản bộ. Đến chỗ vắng, nàng đến gần khẽ hỏi:
- Ông có kế hoạch gì, có thể bàn với tôi không?
- Dĩ nhiên bà phải có phần. Việc này rất trọng hệ, không có bà tiếp tay là không xong.
- Ông định làm gì?
- Tánh cháu quá nóng nảy và cương quyết, e để lâu sẽ bất lợi. Bằng mọi cách mình phải đưa đi, càng sớm càng tốt.
Nhung trố mắt:
- Đi đâu?
- Câu đáp này xin nhường cho bà.
Nhung suy nghĩ một lúc rồi đáp:
- Giải pháp bỏ đi tôi cũng đã nghĩ đến. Nếu biết trước ông cũng tán đồng thì tôi đã giữ nó lại rồi.
- Bà nghĩ là ông Tổng sẽ để yên sao?
- Bí mật gởi cho người bà con ở Sàigòn, chờ thời gian lắng dịu sẽ tính tiếp.
- Bà vẫn còn giữ ý định đó?
- Dĩ nhiên là còn.
- Tốt lắm. Nhưng vấn đề trước mắt là làm sao đưa cháu rời khỏi đây mà không bị phát hiện.
- Thông lệ, sáng mồng hai tết, anh Tổng phải đi cúng đình. Tôi sẽ lợi dụng thời điểm này tìm cách giúp cháu vượt thoát rồi nhờ người thân tín đưa đi. Chỉ cần ra khỏi Bạc Liêu là mọi sự êm xuôi, trời cũng chẳng biết.
- Liệu bà có thể bảo vệ cháu bao lâu?
- Đến khi nào tôi còn hơi thở.
- Tốt, tôi sẽ hổ trợ.
 V. Có tiếng bà vú Thảo kêu thất thanh:
- Ông Tổng ơi, ông Tổng ơi...
Phong giật mình thức giấc, nhỏm dậy. Ngoài sân nắng vàng le lói. Bình minh nhuộm hồng chân mây. Chạy ra sân, vừa gặp ông Tổng và Nhung tới.
Ông Tổng chau mày hỏi:
- Có chuyện gì mà mới sáng sớm đã kêu réo inh ỏi? Tết nhứt chẳng biết kiêng cử gì hết, bộ bà điên rồi hả?
Bà vú mếu máo:
- Dạ... cô Hai...
Ông Tổng tròn mắt:
- Sao? Cô Hai sao rồi? Nói rõ một chút, mắc chứng gì như ma vật ông vải vậy?
- Dạ... cô Hai... đã...
Ngỡ Trâm đã làm chuyện thiếu suy nghĩ, Nhung gần ngất xỉu há hốc nhìn bà vú:
- Sao?...Sao... con Trâm nó... nó sao rồi?
Ông Tổng bình tĩnh hơn, trừng mắt hỏi:
- Nó đâu?
- Dạ, đi mất rồi!
- Đi đâu?
- Dạ... tui hổng biết!
- Hồi nào?
- Dạ... tui hỏng biết!
Ông Tổng gầm lên:
- Vô tích sự! Trách nhiệm trông chừng mà để nó trốn mất, hỏi gì cũng hổng biết, hổng biết. Có bấy nhiêu làm cũng không xong thì nuôi bà làm gì? Thiệt tức chết!
Bà vú mếu máo:
- Dạ... sáng nay tui đem nước rửa mặt vô phòng thì không thấy cô Hai, tìm khắp nơi chẳng gặp. Giường gối lạnh tanh, có lẽ đã đi từ khuya.
- Chắc chắn nó còn quanh quẩn đâu đây chớ chưa đi xa.
Ông Tổng gom tất cả gia nhân lại và ra lệnh:
- Phải tìm cô Hai cho bằng được. Đứa nào gặp trước tao thưởng lớn.
Phong hỏi:
- Ông nghĩ là cháu đi đâu?
- Nó chỉ lánh mặt đâu đó để làm nư với tôi thôi. Vùng này sông rạch chằng chịt, ngoài đường nước không còn phương tiện nào khác, ngoại trừ chắp cánh bay.
Phong vờ đi một vòng rồi tìm đến Nhung, hỏi nhỏ:
- Là bà làm...?
Nhung lắc đầu:
- Nếu là tôi thì đâu cần phải lo lắng?
Phong chép miệng:
- Cháu đã đi trước mình một bước!
Nhung rơm rớm nước mắt:
- Phải tìm cho bằng được. Tôi không thể mất nó.
- Bà biết cháu đi hướng nào không?

- Tôi thì không, nhưng có người khác biết.
- Là ai?
- Bà vú Thảo!
Nhung hối hả chạy đi, chập sau quay lại, nét mặt khẩn trương nhưng ánh mắt rực niềm tin:
- Tôi đoán không sai, vú Thảo thú nhận chính bà ấy giúp nó trốn thoát.
Phong trố mắt:
- Sao bà dám to gan làm chuyện tày trời? Chẳng lẽ bả uống mật gấu?
- Bà vú nuôi nó từ bé nên thương như con ruột? Bả không nở nhìn thấy nó bị gả ép nên phải làm liều.
- Bà vú tin tưởng bà, không sợ tới tai ông Tổng?
- Biết tôi cũng chống đối cuộc hôn nhân gượng ép này và... không ai hiểu rõ quan hệ giữa tôi với cháu Trâm hơn bà ấy.
- Hiện giờ Trâm ở đâu?
- Bà vú đã nhờ đứa cháu gái đưa nó qua Trà Vinh.
Phong cau mày:
- Vùng nào?
- Trà Cú.
Phong hoảng hốt:
- Định hại chết nó sao? Vùng đó bất an, cướp Thổ đang lộng hành, đàn bà con gái phải tản cư ra chợ mà về là nạp mạng. Thiệt hết chỗ nói, chẳng cái dại nào hơn.
Nhung nhợt nhạt:
- Trời ơi, làm sao đây? Ông Phong, bằng mọi cách xin ông cứu giúp... Mất nó tôi không thể sống.
- Có biết rõ hướng đi, phương tiện và giờ khởi hành không?
- Bà vú nói tụi nó rời nhà hồi canh ba, đi xuồng nhỏ tới chành lúa ông Bang Há rồi quá giang ghe chài tới Trà Ôn.
Phong nhìn đồng hồ rồi gật gù:
-Còn kịp. Nhưng phải hết sức thận trọng giữ bí mật, Ông Tổng biết được là hỏng kế hoạch của tôi.
- Nhứt định rồi, dẫu cậy răng cũng chẳng nói. Việc làm ưu tiên bây giờ là bất cứ giá nào cũng phải đuổi theo bắt tụi nó lại cho được.
- Đúng vậy, trách nhiệm này để cho tôi.
- Tôi cũng đi.
- Không được, vì khi tới chành lúa ông Bang Há mà vuột nó là tôi phải cấp tốc qua Trà Ôn.
- Tôi cũng đi.
- Đường xa lại trắc trở phương tiện. Có lúc thuyền, khi thì xe ngựa, nhiều đoạn phải đi bộ qua sóc Miên, gian nan nguy hiểm lắm, bà không kham nổi.
- Tôi không sợ.
- Nhưng tôi sợ.
- Nếu sợ thì ông đã không tự nguyện.
- Tôi thừa cam đảm đối diện với gian nguy, nhưng lại yếu lòng khi thấy bà vất vả.
Nhung sững sờ nhìn Phong. Qua cơn xúc động, đôi mắt đẹp từ từ khép lại ý chừng dấu kín tâm tư. Giây phút tuyệt vời quá ngắn ngủi mong manh... Nhung nắm chặt tay Phong, giọng nàng tha thiết.
- Ông Phong, có ông đi bên cạnh cuộc đời, cho dù phải xuống địa ngục, tôi cũng không hối!
Trái tim từ lâu tưởng chừng chai đá, chợt bồi hồi xao xuyến bâng khuâng. Phong chép miệng:
- Được sao?
Nhung tung nhiều giả thuyết cố tình đánh lạc hướng hầu ông Tổng chỉ chú trọng các khu vực gần nhà mà không để ý hành động của Phong và nàng.
Trên đường đến chành lúa Bang Há, Nhung hỏi Phong:
- Khi tìm được cháu Trâm, mình sẽ làm gì?
- Đưa nó về nhà bà!
- Ba nó sẽ tìm ra ngay.
- Chỉ ở tạm vài hôm.
- Rồi sau đó?...
- Tôi sẽ có cách.
Tới chành lúa hỏi thăm người trên bến cho biết có trông thấy có hai cô gái xuống ghe chài đi từ hừng sáng. Tin tức tuy mơ hồ, nhưng Nhung biết chắc là Trâm. Nàng mếu máo:
-Ông Phong ơi... nó đã đi mất rồi! Làm sao bây giờ?
Phong bình tĩnh:
- Lập tức đuổi theo.
Chàng thuê một chiếc thuyền buồm, chịu trả giá cao nên chủ ghe đồng ý chạy suốt đêm.
Ra đến sông cái, bóng ngả về chiều. Ông lái đò dọn cơm, kính cẩn mời:
- Mời ông bà dùng cơm.
Nhung chớp mắt, lòng rạt rào cảm giác lâng lâng.
Hai người ngồi trước mũi, cùng ăn. Thức ăn thật đơn giản, chỉ có tép bạc rang sả ớt và canh chua cá ngát, nhưng Nhung chưa từng có bữa ăn nào ngon hơn.
Nàng gắp con tép bạc đặt vào chén cơm Phong, rồi âu yếm nói:
- Ăn đi anh!
Phong nhìn Nhung, ánh mắt đa tình:
- Nhung, tại sao...?
Giọng nàng đáp mơ hồ như hơi gió thoảng bốc lên từ lòng sông lạnh:
- Anh, đừng hỏi em chẳng tìm ra câu giải đáp...
Đêm xuống dần, bóng tối mênh mông, ngàn sao dát ngọc trên trời. Ánh sáng lấp lánh phản chiếu xuống mặt nước như muôn trùng ngọn hoa thiên đình mở hội.
Ông lão mồi ngọn đèn dầu treo trên vách, trải chiếu hoa cho khách ngủ rồi lặng lẽ lui ra, khép cửa, âm thầm như một bóng ma.
Đêm bắt đầu trở lạnh, gió hiu hiu, không lớn lắm, nhưng đủ làm sóng nước rập rềnh. Nhung ngồi sát bên Phong, tựa đầu vào vai chàng, nhìn qua khung cửa nhỏ. Một con vạc ăn đêm soải đôi cánh dài uể oải bay qua vùng trời lấp lánh vì sao.
Nhung chợt rùng mình, áp má vào ngực Phong:
- Anh... em lạnh.
Phong choàng tay kéo nàng vào lòng. Mái tóc huyền buông lơi thoang thoảng mùi hương đài các bồng bềnh ve vuốt bờ môi. Chàng từ từ cúi xuống...
- Em... chúng mình đang ở trần gian hay địa ngục?
- Không phải trần gian cũng không là địa ngục, mà đang phiêu lưu trong thế giới của riêng mình.
Phong bế Nhung vào lòng, bốn làn môi nóng sốt tìm nhau. Chiếc áo lụa Tân Châu bật nút, bàn tay nóng bỏng luồn vào thám hiểm bên trong. Nhung ưỡn ngực, rùng mình, rên rỉ:
- Anh... giây phút tuyệt vời này em đã chờ suốt hai mươi năm. Sao ngày ấy anh không tiến tới, chỉ cần một bước nhỏ là em đã thuộc về anh rồi. Anh coi thường em, hay muốn hành hạ em?
Phong ve vuốt thân thể ngọc ngà và làn da nhuyễn mịn như tơ trên bộ ngực tròn căng tràn nhựa sống. Chàng thiết tha nói:
- Đừng trách anh, chỉ tại ngày xưa em còn bé... Giờ... anh biết rằng số kiếp này anh vĩnh viễn phải nợ em.
- Được không anh?
- Anh chỉ là kẻ đi vay, được hay không còn tùy chủ nợ.
- Thượng đế ban cho ta tình yêu, nhưng loài người lại xây bức tường cấm kỵ, hạn chế đủ điều, bắt ta phải tuân hành những qui luật khắt khe. Em đã bị những giáo điều khe khắt ấy chèn ép sắp nghẹt thở rồi. Nếu lần này không được sống bên anh, chắc chắn em sẽ chết.
- Em học của ai, hồi nào, những tư tưởng phóng túng lạ lùng nghe dễ sợ đó?
- Người tân học như anh cũng lên án em sao?
- Mình không nên quá câu nệ, nhưng đạo đức và lễ giáo là cây roi kỷ luật là sợi dây cương kềm chế con ngựa chứng và cũng là bức trường thành giữ cho thế giới này đỡ loạn.
- Em không cần biết. Em đã chán ngấy những luận thuyết giáo điều. Giờ đây em chỉ sống cho bản thân, chỉ biết có anh thôi... Mười tám năm hy sinh chưa đủ sao anh?
Hai cánh tay mềm như đôi rắn bạc quấn lấy cổ Phong kéo xuống. Nhung hỗn hển:
- Anh... hãy yêu em đi... cho dù ngày mai phải xuống địa ngục em cũng không hối.
Phong với tay cài chốt cửa, vặn lu ngọn đèn, bế xốc Nhung vào lòng xiết chặt vòng tay, rồi chuyển mình... Nhung rướn người rên rỉ, âm thanh sảng khoái vô cùng. Những cảm giác tuyệt vời dồn dập kéo đến, nàng điếng người ngất lịm.
- Anh... chưa bao giờ em được hạnh phúc như đêm nay... Anh phải vĩnh viễn bên em, đừng bao giờ chia cách nghen anh!
Gió chợt trở mạnh. Sóng vỗ bập bùng. Con thuyền rập rềnh, lúc lắc, chao nghiêng hòa nhịp cùng đôi tim nóng bỏng.
Đằng sau lái, ông lão nghêu ngao cất tiếng hò:
"Ai về Phú Lộc gởi lời
"Thơ này một bức nhắn người tri âm
"Mối tơ chín khúc ruột tầm
"Khi tháng, tháng đợi, khi năm, năm chờ
"Vì tình ai lẽ làm ngơ.
Quá mệt mỏi, Phong và Nhung cùng ngủ quên đến đứng bóng hôm sau mới thức thì ghe đã đến Trà Ôn. Hai người lên bờ ghé vào quán ăn lót dạ đồng thời dò hỏi tin tức. Chủ quán cho biết, cách mấy tiếng trước có hai cô gái thuê xe ngựa đi Trà Cú nhưng chẳng ai dám nhận vì vùng đó bất an.
Nhung lo lắng hỏi:
- Rồi... hai đứa nó quay trở lại phải không ông?
- Nếu dễ dàng như vậy thì đâu còn chuyện nói. Họ đi bộ.
Nhung dậm chân:
- Trời ơi... sao không ai chặn nó lại giùm?
- Có chớ! Nhưng một cô có lẽ tiểu thơ quen nhõng nhẽo nên cứng đầu quá chẳng nghe ai.
Nhung nhìn Phong:
- Làm sao đây anh?
- Em biết đường đến nhà cháu bà vú Thảo không?
- Biết rất rõ, trước đây em có tới đó.
Phong mua một cây tầm vông vừa tay làm vũ khí phòng thân, rồi hỏi Nhung:
- Em không hối hận đã mạo hiểm theo anh?
Nhung cương quyết:
- Không bao giờ! Anh quên là em đã thề "được sống bên anh dù xuống địa ngục cũng không hối" sao?
- Anh không muốn xuống địa ngục hay lên thiên đàng mà chỉ muốn ở trần gian để chúng mình được gần nhau mãi mãi.
Ánh mắt xa xôi, Nhung hỏi nhẹ qua hơi thở:
- Được không anh?
Hai người men theo bờ kinh. Càng vào sâu càng hoang vắng, không thấy bóng một người. Bất giác Nhung rùng mình. Nắng đổ lửa mặt đất khô cằn, nhưng tay chân lạnh và mồ hôi lấm tấm trên trán. Phong ghé vào xóm định mua dừa xiêm cho nàng giải khát, nhưng không có hàng quán nên đành phải uống nhờ bát nước mưa.
Phong âu yếm nhìn Nhung:
- Em!
- Dạ.
- Em có bằng lòng theo anh không?
- Cho dù góc biển chân trời em cũng chịu.
- Không phải góc biển chân trời mà đưa em và Trâm sang Pháp.
Nhung há hốc:
- Sang Pháp?
- Phải! Bên ấy anh có vườn nho, có nhà nghỉ mát, cuộc sống không hẳn phú quí nhưng sung túc, đủ cho chúng mình trọn đời hạnh phúc bên nhau.
Nhung nghẹn ngào.
- Anh... hãy tát em một cái thật đau.
Phong kinh ngạc:
- Tại sao?
- Để em biết chắc là mình đang tỉnh.
Nàng sung sướng nắm tay Phong, nói tiếp:
- Anh không cần phải hỏi vì từ đêm qua em đã theo anh rồi.
Trời xế chiều,Phong định tìm xóm người Việt hay đình chùa ngủ tạm qua đêm. Chợt trông thấy vài chiếc xuồng con từ trong ngọn hớt hải bơi ra, Phong chận lại hỏi:
- Có chuyện gì vậy bác?
- Trở lại mau, cướp Thổ ở phía trước.
- Chỗ nào?
- Miễu ông Tà, lùm cây trước mặt đó. Bọn nó mới bắt hai cô gái dẫn đi. Thiệt tội nghiệp! Hổng biết con cái nhà ai xinh đẹp quá mà lang thang vùng này để lọt vào tay chúng, nếu không bị giết thì cũng tan nát cuộc đời.
Nhung gần ngất xỉu:
- Đúng rồi... đúng nó đó... anh, bằng mọi cách phải cứu nó?
- Em tạm núp vô bụi cây này, để anh một mình tới đó.
- Em cũng đi.
- Nguy hiểm lắm. Sống chết chớ không phải chuyện chơi, đừng có cãi.
- Dù sao có thêm người vẫn hơn.
- Em đủ sức đánh ngã một tên côn đồ lực lưỡng không?
- Nhưng... ít ra bọn chúng tưởng mình đông.
- Không có thì giờ cãi lý với em nữa. Được rồi, đi theo sát bên anh, cấm chạy bậy.
Phong trao cho Nhung con dao bầm và dặn:
- Cầm lấy, ít ra cũng... dọa được đứa nhát gan.
- Anh cần nó hơn em.
- Đừng có cãi.
Hai người men theo bờ tre đi tới. Chốc Phong dừng lại nghe ngóng. Gần đến miễu ông Tà chợt thấy bóng người, Phong bảo Nhung nép vô bụi ngồi chờ còn mình lách tới trước dò động tĩnh.
Trời bắt đầu sẫm tối, từng đàn cò trắng, diệc mốc và chim cồng cộc bay về đậu rợp trên các lum cây quanh miễu kêu "cò cư" inh tai. Lợi dụng bóng đêm, Phong bò tới lén nhìn qua khe vách. Bên trong dưới ánh đèn chài leo lét, Trâm bị đè ngửa trần truồng nằm dưới đất dãy dụa khóc la. Bốn tên cướp lực lưỡng mặt mày hung ác đứng vây quanh. Một tên có lẽ đầu đảng, nốc cạn xị đế rồi cười nham nhở:
- Mèn ơi... sao cái gì của con nhỏ này cũng đẹp và thơm vậy hà? Chắc kiếp trước tao có căn tu nên kiếp này được hưởng phước đó?
Trâm rít lên:
- Bọn khốn khiếp, đồ tồi, hãy thả tao ra...
- Đừng có khóc, sắp được nếm mùi đời còn oan ức kêu ca nỗi gì?
Đoạn nhìn đàn em ra lệnh:
- Hãy chờ tao ở đây, tao xong là tới tụi bây.
Ba tên đàn em mừng cuống quít nhảy choi choi:
- Hoan hô đại ca... Con nhỏ này đẹp quá, được ngủ với nó một lần có chết cũng mát dạ.
Tên đầu xỏ tuột quần chồm lên mình Trâm. Máu nóng sôi sục, phong gầm lên tông cửa vào, cây tầm vông vun vút như vũ bão. Bất ngờ không kịp trở tay, cả bọn bốn tên đều bị đập đầu ngã bất tỉnh.
Phong bế xốc Trâm lên. Nàng chết điếng không còn phản ứng, quên hẳn mình đang trần truồng, ngoan ngoãn nằm trong tay Phong hiền lành như búp bê.
Phong rút chiếc "xà rông" treo gần đó quấn cho Trâm. Nhung cũng vừa đến, nhìn thấy bốn tên cướp nằm sóng xoài dưới đất, nàng run rẩy hỏi:
- Anh có sao không... Trâm có bị gì không?
Phong vẫn còn bế Trâm trên tay:
- Đừng làm kinh động, cháu đã mất hết hồn vía. Hãy lập tức rời khỏi đây, đồng bọn sẽ kéo đến.
Nhung tìm quần áo thay cho Trâm:
- Anh đặt cháu xuống, em mặc đồ cho nó.
Trâm vừa hoàn hồn, nàng trân trối ngó Phong và ngẹn ngào:
- Chú Phong... chú đã cứu cháu?
Nhung lên tiếng:
- Không có chú Phong thì cháu chẳng những bị làm nhục mà cũng chẳng còn mạng trở về.
Trâm ngượng ngùng đứng nép vô bóng tối. Nhung ngó quanh rồi hỏi:
- Con Tỏ đâu?
Trâm đáp:
- Cháu và chị Tỏ cùng bị bắt, nhưng thừa lúc bọn chúng không để ý chị ấy đã tẩu thóat, có lẽ giờ đã tới Trà Ôn.
Phong tới:
- Tốt. Ông Tổng sẽ chẳng biết mình đi hướng nào.
Bất ngờ một tên cướp tỉnh lại, chụp lấy chỉa sắt dựng gần đó phóng tới. Phong nhanh mắt trông thấy vộithét lớn:
- Trâm, nằm xuống...
Trâm điếng vía đứng chết trân. Nhanh như cắt, Phong lao đến ôm nàng vật xuống và nằm chồng lên. Mũi chỉa nhọn cắm phập vào đùi. Phong bật dậy, nghiến răng rút ra rồi phóng mình theo tên cướp đang bỏ chạy.
Nhìn vũng máu tươi trên mặt đất, Trâm run rẩy:
- Dì Nhung ơi... chú Phong bị thương rồi.
Nhung hãy còn chưa lại vía, lập cập nói:
- Đã vậy còn đuổi theo. Nếu nó liều mạng kháng cự làm sao chống nổi?
Chập sau Phong quay lại, mình mẩy bê bết máu. Nhung hoảng hốt kêu lên:
- Trời ơi... anh sao rồi? Bị đâm trúng phải không?
Trâm cuống quít:
- Chú... chú bị thương máu ra nhiều quá. Có nặng lắm không, đưa cháu xem...
Phong bình tĩnh đáp:
Tôi không sao. Mình phải lập tức đi ngay trước khi đồng bọn kéo đến.
Trâm xé áo rịt vết thương cho Phong:
- Trầm trọng như vầy mà còn bảo không sao?
Rồi mếu máo:
- Xin lỗi chú, tại cháu quá hư nên đã làm liên lụy đến chú.
Bên ngoài, trời tối như mực, Nhung lo lắng hỏi:
- Tên cướp đâu?
- Chết rồi!
Trâm trố mắt vô cùng thán phục. Băng tạm vết thương xong, ba người bắt đầu quay trở lại. Phong đề nghị đi đường đồng để tránh bị phát hiện.
Đi được một đỗi thì vết thương bắt đầu sưng lớn và đau nhức. Máu ra nhiều, Phong đuối sức bước không vững phải dùng cây tầm vông làm gậy chống. Trâm kề vai xốc nách đỡ và nói:
- Chú hãy tựa vào cháu, ráng chịu đau tới xóm người Việt ghé vào xin thuốc cầm máu và nghỉ tạm qua đêm, chờ đến sáng mai sẽ tìm cách mướn xe ngựa về quận cho y tá băng bó.
Phong cảm thấy đầu nóng như hơ, miệng đắng, khô và khát. Biết mình sắp kiệt sức, bèn gọi Nhung đến căn dặn:
- Nếu bọn cướp đuổi kịp hai dì cháu hãy chạy thoát thân, đừng bận bịu vì tôi mà bị chết chùm.
Trâm cương quyết:
- Cháu không chạy. Có chết cũng phải chết chung với chú.
- Tại sao phải hy sinh vô lý như vậy?
- Chú tưởng ở lại một mình là khôn ngoan hữu lý lắm sao? Bọn chúng chẳng để chú chết dễ dàng đâu mà sẽ thay nhau hành hạ cho hả giận, chừng ấy có hối cũng không kịp.
- Nhưng mà...
Trâm ngắt lời:
- Đừng tranh cãi nữa, chừa hơi để thở. Không cần nói cháu cũng biết là chú đang nghĩ gì!
Phong chép miệng:
- Tôi sợ cô rồi!
Trong bóng đêm, Nhung quay mặt ngậm ngùi lau nước mắt.
Phong đành phải tựa vào Trâm đi lần từng bước. Quá nửa khuya thì tới xóm người Việt. Nhung thấy có ngôi nhà ngói khang trang còn để đèn bèn gõ cửa xin tá túc. Chủ nhân là đôi vợ chồng già trông rất phúc hậu. Nghe tình cảnh, ông bà xót xa bèn mời vào tiếp đãi ân cần. Cụ ông vội vã lấy thuốc cầm máu, đun nước rửa vết thương và dọn phòng cho ba người nghỉ. Cụ bà thì xuống bếp nấu cháo cá cho khách ăn lấy sức.
Phong xin một tô nước lạnh. Uống xong, chàng ngã vật ra giường và thiếp đi...
Suốt đêm, Trâm chong đèn ngồi bên giường canh chừng không chợp mắt. Thỉnh thoảng nàng lấy khăn ướt đắp lên trán và lau mồ hôi cho Phong, rồi nghẹn ngào:
- Xin lỗi chú... chỉ tại cháu ngoan cố cứng đầu nên đã làm liên lụy đến chú.
Nhung mang tô cháo cá từ sau bếp lên trao cho Trâm và ngọt ngào nói:
- Cháu đã mệt lắm rồi, hãy ăn cháo cho ấm bụng rồi nằm nghỉ lấy sức, để dì săn sóc chú ấy cho.
Trâm lắc đầu:
- Chú Phong đã liều mạng cứu cháu, hiện còn thiêm thiếp chưa biết sống chết, cháu đâu bụng dạ nào nuốt cho vô? Nếu chú có bề gì, cháu cũng không muốn sống.

- Khờ quá! Muốn lo cho chú ấy thì trước tiên phải có sức khỏe. Nếu cháu gã xuống, một mình dì biết tính sao đây?
Trâm cúi mặt lặng thinh. Nhung đặt tô cháo lên bàn rồi ngồi xuống bê cạnh âu yếm khuyên giải:

- Trâm... đừng làm vậy. Hãy nghe dì... cam đảm lên, ngẩng mặt nhìn tới trước. Hy vọng và niềm tin sẽ giúp cháu chiến thắng và có một tương lai rực rỡ huy hoàng.
Tram thở dài:
- Tương lai rực rỡ huy hoàng? Thật khéo mỉa mai. Đàng nào cháu cũng phải mượn cái chết để giải thoát.
Nhung sửng sốt:
- Tầm bậy! Đột nhiên lại nói những câu gàn dở ấy? Cháu đã có tư tưởng bi quan tuyệt vọng đó từ bao giờ?
- Không phải đột nhiên mà có dự tính. Cháu biết lần này cũng sẽ bị dì trả về Bạc Liêu. Đàng nào cũng chết, thà giải thoát sớm được nhẹ nhàng hơn.
- Cháu không nghĩ hành động dại khờ như vậy chẳng hoài công hy sinh của chú Phong sao?
- Đằng nào cháu cũng mất chú ấy?
Nhung suy nghĩ một lúc rồi ngập ngừng:
- Nếu... dì không trả cháu về.
Trâm cười nhẹ:
- Được sao?
- Được!
- Đâu cần phải quanh co để an lòng cháu? Dì đừng sợ, cháu sẽ ngoan ngoãn vâng lời, sẽ không làm dì khó xử.
- Không phải lừa dối cháu, mà sự thật. Chú Phong đã có giải pháp êm đẹp cho chúng mình.
Trâm trố mắt nhìn Nhung:
- Giải pháp êm đẹp?
- Phải, chú Phong sẽ đưa mình sang Pháp.
Trâm há hốc:
- Chú Phong đưa cháu sang Pháp?
Trâm mừng quýnh chìa má cho Nhung:
- Dì hãy tát cháu một cái thật đau.
- Không cần, vì tất cả là sự thật.
Trâm chợt khựng lại, nhìn Nhung:
- Dì vừa nói... chúng mình, có nghĩa là... dì sẽ cùng đi với cháu?
- Phải.
- Dượng đã đồng ý?
- Ông ấy hoàn toàn không biết.
Trâm sững sờ:
- Vậy là dì... tự ý bỏ nhà?
- Phải, và sẽ chẳng bao giờ trở lại.
- Trời... Sao dì dám liều mình vậy? Dì chịu hy sinh tất cả, từ danh vọng bạc tiền đến tự ái danh dự để đánh đổi gì đây? Trong khoảnh khắc dì đã giật sập thần tượng đẹp trong lòng cháu. Tại sao? Chẳng lẽ...?
Nhung đau khổ nhìn Trâm:
- Người có tư tưởng mới như cháu cũng kết án dì sao?
- Mới không có nghĩa là bất chấp mọi thứ. Tuổi trẻ như cháu còn viện cớ nông nổi, hành động thiếu suy nghĩ. còn dì thì... không thể được.
- Cháu trách cũng đúng, nhưng dì đã lún sâu, không còn rút lên được.
Trâm nhợt nhạt:
- Là thật? Dì và chú Phong đã...?
- Không phải mới hôm nay mà hai mươi năm trước dì đã âm thầm tự trói mình bằng sợi dây oan nghiệt ấy.
Trâm gục xuống ôm đầu rên rỉ:
- Không thể nào! Không thể nào! Trời ơi, sao đột nhiên câu chuyện lại trở nên rắc rối như vầy?
- Dì sẽ giải thích sau. Chuyện này cháu phải tuyệt đối giữ bí mật, không được hở môi bất cứ ai, nhứt là... dượng. Nếu bị vở lở, chẳng những kế hoạch sẽ tan thành mây khói mà còn nguy hại đến bản thân. Giờ cháu hãy ăn hết tô cháo nóng rồi ngủ một giấc cho khỏe để sáng mai còn lên đường. Phần chăm sóc chú Phong để cho dì.
Trâm ngẩng nhìn Nhung, ánh mắt tuyệt vọng:
- Đằng nào chú Phong cũng thuộc về dì. Hãy cho cháu được một lần săn sóc.
Rồi bất kể sự hiện diện của Nhung, nàng úp mặt vào ngực Phong nức nở:
- Chú Phong... Nếu tất cả đàn ông trên đời đều như chú thì thế gian này đâu có người con gái nào đau khổ.
Nhung đau xót thở dài:
- Oan nghiệt!
 VI. Trời đã ngả về chiều.
Tàu đã "xúp lê", mà Nhung còn chưa tới. Đứng trên boong, Phong sốt ruột nhìn xuống bến. Quang cảnh thật nhộn nhịp, kẻ đưa người tiễn xôn xao. Những giọt nước mắt ngậm ngùi, những câu nói ân tình, những vòng tay lưu luyến, những chiếc khăn hồng ve vẩy.
Hành khách bắt đầu lên tàu. Hầu hết là người Pháp, chỉ một ít Việt, có lẽ con nhà giàu được cha mẹ gởi đi du học.
Trâm đứng cạnh Phong, tựa vào lan can, đầu óc trống rỗng, mơ màng nhìn theo cánh chim trời lạc loài không định hướng mà tự ví với đời mình. Chuyến đi mà nàng mơ ước từ lâu đã thành vô vị. Sở dĩ nàng phải chấp nhận phiêu lưu chỉ vì không còn đường chọn lựa.
Chợt Phong hỏi:
- Dì Nhung có cho cháu biết là dì đi đâu không?
Trâm giật mình quay lại, ấp úng:
- Dạ... dì chỉ dặn cháu mang hành lý lên tàu trước rồi sẽ theo sau.
Phong tặc lưỡi:
- Thiệt tình!... Đã biết sắp đến giờ mà còn thơ thẩn.
Bỗng chàng cau mày, lẩm bẩm:
- Hay đã xảy ra chuyện gì?
Rồi quay sang Trâm:
- Cháu ở đây, chú chạy gấp xuống bến.
Chàng vừa quay gót thì Trâm gọi giật lại:
- Chú Phong!
Phong ngoái nhìn. Trâm rớm nước mắt:
- Chú định bỏ cháu một mình?
- Thiệt là khờ! Từ đâu cháu đã nảy ra ý nghĩ lạ lùng đó? Sao chú lại tàn nhẫn đoạn tình như vậy? Chú chỉ xuống bến dục dì ấy nhanh chân, bằng không sẽ trễ chuyến.
- Tàu đã sắp nhổ neo, nhỡ chú không gặp dì Nhung và cũng chẳng quay lại kịp thì cháu biết làm sao? Liệu cháu có thể một mình sống bơ vơ nơi đất khách?
- Lại bi thảm vấn đề rồi! Nhưng, nếu thiếu dì Nhung thì...
Trâm rớm nước mắt:
- Giờ cháu đã hiểu. Dì Nhung mới thật sự quan trọng đối với chú. Cháu chỉ là trợ diễn trong vở tuồng này.
Phong sửng sốt nhìn Trâm:
- Trâm, cháu đã hiểu lầm chú.
Trâm nghẹn ngào:
- Dì Nhung còn giữ vé, rồi cũng sẽ đi được.
- Nhưng phải chờ ít nhứt một năm sau.
Rồi chép miệng:
- Mười hai tháng, có biết bao là thay đổi!
Tàu "xúp lê" hai!
Phong thấy lòng như lửa đốt, vừa lo vừa hận. Nhưng bản tánh trầm tĩnh, chàng không hề cảm xúc bộc lộ, dù đã đoán được phần nào lý do trễ chuyến của Nhung.
Tàu "xúp lê" ba!
Neo sắt kéo lên, con tàu viễn dương khổng lồ bắt đầu chuyển mình tách bến.
Người tiễn đưa sụt sùi vẫy gọi. Hành khách trên boong phe phẩy khăn tay. Những nói với, những lời chúc lành nghe nhỏ dần, rồi mất hẳn. Phong từ từ nhắm mắt. Chàng biết trong lúc này, ở một nơi kín đáo nào đó, Nhung đang đau xót nhìn theo.
Sàigòn lùi lại sau lưng.
Trâm đứng bên Phong, hai người cùng lặng thinh không nói một lời. Chợt có tiếng người hỏi:
- Ông là Trần xuân Phong, phòng B28?
Phong giật mình quay lại:
- Phải, chính tôi.
- Có người nhờ tôi trao thư này cho ông.
Phong nhận thư, chưa kịp hỏi thêm gì thì anh ta đã quay gót. Nhìn nét chữ, nhận ngay là của Nhung, chàng vội vã bóc ra xem.
Sàigòn 27 juillet 1929.
Anh Phong thương
Câu nói đầu tiên của em là thành thật xin lỗi, dù biết là anh sẽ khó tha thứ.
Khi anh đọc thư em đang trên đường trở lại Sóc Trăng. Biết tánh anh cương quyết, không dễ gì bỏ cuộc, nên em đã căn dặn người đưa thư phải chờ khi tàu rời bến mới trao ra, vì chẳng muốn tại em mà cháu Trâm lỡ chuyến.
Không phải em cố ý cợt đùa lừa dối mà thật lòng rất muốn theo anh, muốn chung sống cùng anh đến hết kiếp này. Nhưng, đời vẫn có nhiều điều không toại ý.
Anh thương,
Bức thư này em viết bằng nước mắt. Xin anh bình tĩnh đọc rồi sẽ hiểu tại sao em làm như vậy. Đó là tất cả bí mật đời em.
Mười chín năm trước em vừa 17 tuổi, còn đang học thì ba bắt về gả cho người đàn ông em chưa hề quen biết. Mặc dù em cực lực phản đối và thú thật đã có người yêu, một sinh viên ở Sàigòn, nhưng gia đình vẫn cương quyết gả ép. Sau cùng, quá tuyệt vọng, em đánh liều bỏ nhà trốn theo tiếng gọi của tình yêu.
Chúng em sống lén lút với nhau được hơn một năm thì anh ấy bất ngờ bị bạo bệnh và từ trần. Quá tuyệt vọng, em định tự tử chết theo nhưng vì bào thai hai tháng mang trong bụng nên phải chùn lòng. Em không đành bắt đứa bé vô tội chết theo mẹ một cách oan uổng.
Bà vú già nay đã mất, rất thương em và hiểu rõ hoàn cảnh nên đã khuyên má thuyết phục em về. Má hứa không nhắc chuyện xưa, em thì xin giữ đứa bé.
Má đồng ý. Nhưng vì sợ tai tiếng nên phải gởi em xuống Lịch Hội Thượng ở tạm nhà bà dì chờ sanh đẻ. Chị Hai em, tức vợ anh Hội đồng Hoài cũng có thai trùng hợp.
Em sanh được đứa con gái kháu khỉnh còn chị thì không may sẩy thai. Trước đó một tháng anh Hội đồng xuống Cà Mau khẩn đất hoang nên lúc chị lâm bồn, anh không hề có mặt. Thế là má liền nẩy ý tráo con em cho chị. Em phản đối, nhưng má khuyên em hãy nghĩ đến tương lai, đừng nên thiển cận mà làm hỏng dịp may ngàn năm có một. Chị Hai cũng khóc lóc xin em cứu hạnh phúc gia đình và hứa sẽ thương yêu con em như con ruột. Sau cùng, em bằng lòng cho chị nhận cháu làm con.
Đứa bé ấy là Trâm!
Giờ anh đã biết vì sao em phải sống chết lo cho nó, dù phải hy sinh hạnh phúc đời mình.
Không ngờ lịch sử lại tái diễn, con gái của em lại dẫm vào vết chân mẹ, cũng bỏ nhà ra đi để phản đối hôn nhân, và oái oăm thay cũng lại cùng yêu một đối tượng: là anh!
Hôm anh bị thương, nó thức trắng đêm không chợp mắt, để canh chừng và săn sóc. Nó đã gục vào lòng anh nức nở là nếu anh có mệnh hệ nào nó sẽ chết theo. Còn ai hiểu con mình hơn mẹ ruột?
Em thấy rõ tình cảm đã xoay chiều, không còn đơn thuần chú cháu. Nó đã yêu anh!
Em không nhẫn tâm phá vỡ giấc mộng đầu đời của nó. Vì con, em phải hy sinh hạnh phúc mình dù là rất đau khổ.
Anh thương,
Em thật sự có lỗi với nó. Mười mấy năm qua em đã không làm tròn bổn phận người mẹ. Hôm nay có cơ hội để chuộc lỗi lầm, bù đắp lại cho con, sao em vẫn hẹp hòi, ích kỷ. Một người đàn bà như thế có đáng cho anh yêu hay không?
Anh Tấn tuy chẳng phải người chồng lý tưởng, nhưng rất mực thương yêu chiều chuộng vợ. Đã biết rõ quá khứ, nhưng vẫn bằng lòng hỏi cưới em. Suốt bao năm tình nghĩa vợ chồng cũng chẳng hề hở môi hạch hỏi. Em đã thiếu anh ấy món nợ tình cảm quá lớn, sao còn nỡ tạo thêm nghiệp chướng? Một ngày cũng là nghĩa, huống chi đã mười mấy năm chung gối... Thật tình em không nỡ!
Giờ anh đã rõ cội nguồn, chắc sẽ không còn hờn em nữa. Hãy hứa với em, đừng bao giờ tiết lộ thân thế cho Trâm biết. Bất ngờ bị đả kích, nó sẽ chịu không nổi. Con bé vốn bướng bỉnh và tự ái, chỉ sợ làm hư chuyện. Chờ khi sự việc an bài, vào một thời điểm thuận tiện nào đó, em sẽ xin lỗi nó. Chừng ấy, chúng mình đối diện nhau trong hoàn cảnh khác, cương vị khác, tình cảm khác, không bẽ bàng bỡ ngỡ phải không anh?
Chắc hiện giờ Trâm đang khóc, anh hãy mau an ủi nó... Chiếc phao cứu mạng cuối cùng đang cần ở tay anh.
Chúc anh nhiều may mắn.
Nhung.
Phong từ từ nhắm mắt nghe lòng trĩu nặng ưu tư. Trâm chăm chú nhìn Phong rồi ngập ngừng khẽ hỏi:
- Thưa chú... phải thư của dì Nhung?
Phong gật đầu:
- Dì ấy có nói lý do và khi nào sẽ theo mình?
Phong chép miệng:
- Không bao giờ!
Trâm sững sờ:
- Dì có giải thích?
Phong thở dài không đáp. Chàng từ từ xé vụn tờ thư rồi thả bay theo gió.
Tàu ra đến cửa Cần Giờ, biển xanh mênh mông. Đất liền lùi lại sau lưng... Quê hương ơi, giã biệt!
Trời sập tối.
Gió lạnh từ lòng đại dương bốc lên lồng lộng. Trâm rùng mình, đứng nép vào Phong. Chàng cởi chiếc áo choàng khoác lên vai người con gái nhỏ.
- Trâm, đêm nay trời lạnh lắm!
Ngàn sao dát ngọc trên trời. 
Lê Bảo Trân
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi… Nói đến làng quê Việt Nam là chúng ta nhắc đến những dòng sông, bến nước, con đò đã gắn bó từ xa xưa...