Thứ Ba, 26 tháng 10, 2021

Sau cơn mưa 1

Sau cơn mưa 1

Chương 1

Vừa qua khỏi hồ bơi thị xã, Cúc đạp xe chầm chậm dọc theo hàng bàng xanh rợp bóng mát.

Đưa tay hất nhẹ những lọn tóc ra sau gáy Cúc nói với bạn:

- Đoạn đường này mát dịu làm sao ấy Ngọc Điệp há!

Ngọc Điệp ngồi sau lưng bạn tay áp sát chiếc cặp vào ngực, cô đáp như đồng tình:

- Ờ! Ngang qua con đường này mình thấy tâm hồn thư thả hơn nhiều đó Cúc.

Rồi chồm người đến gần mặt bạn hơn, Ngọc Điệp hỏi:

- Chắc Cúc hay chạy đường này lắm phải không?

- Sao Điệp hỏi thế?

Đưa tay chỉ khoảng sân rộng bên phải, Ngọc Điệp trả lời:

- Thì bạn Thuận của Cẩm chẳng hay đánh bánh ở đó còn gì!

Đáp xong Điệp nhanh nhẩu cười trêu bạn:

- Phải không? Bị ta nói trúng tim đen rồi đó.

Cúc đưa tay ra sau đánh nhẹ vào vai bạn:

- Đồ quỉ chỉ khéo ghẹo.

- Mà có đúng vậy không nào?

Cúc không trả lời, cả hai cô bạn thân thiết cùng cười lên rộn rã cho xe dừng sát lề đường, Cúc đề nghị:

- Mình ghé vào đây kiếm gì ăn đi Ngọc Điệp.

Không đợi bạn đồng ý, Cúc đã kéo tay Ngọc Điệp ngồi vào chiếc bàn nhỏ đặt trên bãi cỏ non bên đường.

Nhìn vào mặt bạn, Cúc chúm chím cười bảo:

- Hôm nay mình sẽ đãi nhỏ chầu này nghe.

Rồi quay hẳn người Cúc gọi:

- Cho hai chén chè bưởi đi chị.

Cặp mắt buồn ánh lên. Ngọc Điệp hỏi bạn:

- Có hối lộ gì thì nói?

Cúc liếc bạn thật dài:

- Làm gì mà phải hối lộ nhỏ chứ? Đã tốn tiền mà còn bị hỏi lôi thôi, phải hồi nãy ta cho nhà mi lội bộ về nhà cho bỏ tật.

- Tật gì chứ?

- Thì tật hay ghẹo, không biết tới phiên mình ai ghẹo đây à nghen!

- Chừng đó hẳn hay. Bây giờ có dịp nào bỏ lỡ thì uổng lắm.

Bị thua Cúc hâm he bạn:

- Ta mà biết được anh bạn của mi, ta quyết lòng sẽ trả đũa đến cùng đó.

Ngọc Điệp nghiêng đầu trêu bạn thêm:

- Vậy thì ta chẳng sợ điều đó. Mà nè nhỏ Cúc ơi! Bao giờ có thiệp hồng nhớ đừng quên ta nghe.

Cúc hóm hỉnh trước mặt bạn:

- Dĩ nhiên là không bỏ quên mi rồi.

Ngọc Điệp hứa:

- Chừng đó mình sẽ tặng Cúc một món quà đặc biệt.

Cúc tròn mắt hỏi:

- Món quà gì mà nghe hấp dẫn quá vậy?

Ngọc Điệp làm ra vẻ trịnh trọng:

- Một bộ đồ em bé thật đẹp.

Nghe câu nói của bạn Cúc giẫy nảy:

- Oái! Sao mi trù cho ta xui xẻo dữ vậy?

Ngọc Điệp vội lên giọng:

- Chuyện đó là chuyện bình thường chứ có gì gọi là xui xẻo. Nhỏ này ngộ ghê!

Cúc khoát tay:

- Thôi! Bỏ qua chuyện đó đi, vì nó thuộc về chuyện tương lai xa vời lắm. Bây giờ ăn xong tụi mình về hay là dạo thêm một vòng cho mát nè?

Không trả lời thẳng câu hỏi của bạn. Ngọc Điệp than thở:

- Chiếc xe đạp của mình hư cả tuần nay chưa sửa kịp. Bắt Cúc chở đi học hoài, bộ không mệt sao mà còn rủ đi dạo nữa?

Nghe bạn nói Cúc cười tươi:

- Mười bảy bẻ gãy sừng trâu mà lị! Bộ quên câu nói này sao mà còn hỏi vậy cô bé mộng mơ?

Chị bán hàng nghe nói cũng cười, khi vừa bưng hai chén chè đặt trước mặt hai cô học sinh trẻ.

Cúc bảo bạn:

- Này ăn đi!

Ngọc Điệp vừa cầm chiếc muỗng quậy nhẹ, vừa buồn buồn ao ước:

- Phải chi mình được bản tính vui vẻ hồn nhiên như Cúc thì sướng biết bao!

Cúc trách bạn:

- Ai biểu Ngọc Điệp cứ ủ rũ, buồn bã hoài làm chi. Cặp mắt lúc nào cũng chứa mợt trời sầu.

Ngọc Điệp an phận:

- Gần như số mình là một ngôi sao xấu ấy. Mình muốn vượt qua mà không khỏi.

Cúc nói giọng thật tự tin:

- Cái gì rồi cũng qua thôi, cuối năm nay tốt nghiệp xong, tụi mình sẽ lao vào Đại học, chỉ ráng cần mẫn chịu khó thêm vài năm nữa là hy vọng một tương lai trăn đầy rồi.

Giọng Ngọc Điệp càng đượm thêm nét u buồn đầy mặc cảm:

- Cúc thì có quyền hy vọng như thế. Với mình hết năm mười hai này không biết có vượt qua nổi không nữa?

Cúc an ủi bạn:

- Gì mà không nổi! Qua tết là thi học kỳ II kề bên rồi. Với tài học của Điệp mình bảo đảm đậu vào Đại học một cách dễ dàng thôi.

Ngọc Điệp đưa mắt nhìn ra khoảng trời xa xăm, mặc cho những lời nói khuyến khích tinh thần của bạn.

Tiếng Cúc kéo Ngọc Điệp trở về thực tại:

- Ngọc Điệp nè! Ý bồ thích vào Đại học nào?

Ngọc Điệp lắc đầu không trả lời.

Cúc hỏi tiếp:

- Giờ này rồi mà còn chưa chọn hay sao?

Ngọc Điệp vẫn lặng thinh.

Cúc nhắc khéo bạn thêm:

- Ê! Con gái cỡ tụi mình mà nghỉ học lơ mơ dễ bị ''lượm'' lắm đó cô bạn nhỏ ơi!

Ngọc Điệp thắc mắc:

- Bị "lượm'' là sao?

Vừa đưa muỗng chè cho vào miệng, Cúc vừa cười như nắc nẻ cô giải thích:

- Bị ''lượm'' là bị anh chàng nào phải lòng, mang trầu cau sang rước nàng đem về nhà làm "nội trợ không lương" cho chàng ta ấy mà.

Nói dứt lời, Cúc nhanh nhẩu chồm người tới đưa tay "cốc" nhẹ vào đầu bạn trách đùa:

- Nhỏ này sao tối dạ quá chừng.

Ngọc Điệp khẽ cười:

- Thân phận con gái xấu xí như mình ai thèm cưới mà sợ.

- Xời ơi! Bộ Điệp xấu lắm sao mà không ai cưới?

- Mình thừa biết xấu đẹp tuỳ vào cái nhìn của mỗi người.

Cúc kết luận:

- Vậy còn gì mà đáng nói nữa đâu? Chỉ sợ nặng ký lô như mình mới bị chê nè!

Bây giờ Ngọc Điệp mới tròn xoe mắt hỏi lại bạn:

- Có noi giỡn không vậy bạn?

- Thật mà.

- Đừng hòng giấu được ta đâu nghe, cuối tuần nào mà ta ngồi trong nhà chả thấy anh chàng Thuần chạy chiếc Atila đỏ ngang qua để vào nhà mi.

Cúc cười như chống chế rồi than thở cùng bạn:

- Thì lần nào gập ta ảnh cũng cảnh giác và đòi đưa ta ra nước ngoài.

Ngọc Điệp ngạc nhiên:

- Ra nước ngoài à!

Cúc phì cười trước vẻ ngạc nhiên tột độ của bạn mình, cô nói:

- Anh Thuận bảo cho ta đi nước ngoài để dự thi "Người đẹp hạt nút" ấy mà!

Vỡ lẽ ra hai cô bạn đồng cười xoà.

Ăn xong Cúc còn đang trả tiền thì Ngọc Điệp đã bước vội ra dắt xe cô bảo với Cúc:

- Tới phiên mình chở Cúc nhé.

- Thân mi ốm yếu, nhắm chở ta nổi không mà đòi chở?

Ngọc Điệp hất mặt về phía bạn:

- Dư sức qua cầu. Đừng khi để ta chứ!

- Vậy há!

- Nào hãy lên mau!

Ngọc Điệp đèo Cúc ngồi sau, cô hạ thấp giọng hỏi bạn:

- Lúc này không giỡn nữa nghe. Mình hỏi thiệt bao giờ nhỏ và anh Thuận sẽ làm đám cưới?

Khẽ cười Cúc đáp:

- Chuyện của mình thì dễ thôi. Hai gia đình đã chấp thuận cả rồi, chỉ còn chờ mình gật đầu. Ba mẹ mình có bảo là mình còn đang học và hãy còn nhỏ, để một vài năm nữa cũng chưa muộn.

Ngọc Điệp góp ý:

- Mình cũng thường nghe nói lập gia đình sớm quá cũng khổ lắm.

Bỗng Cúc đập vào lưng bạn kêu lớn:

- Ấy chết! Sắp tới đèn bốn ngọn rồi, đạp nhanh lên Ngọc Điệp ơi để về nhà cho kịp.

Trời chuyển mưa mịt mù hết rồi kìa thấy không nào?

Ngọc Điệp ngước nhìn lên nền trời mù mịt, mây đen, cô than:

- Mẹ mình bảo tháng này đáng lẽ đã hết mưa rồi, mà sao hổm rày vẫn còn mấy đám mưa quá lớn.

Chân đạp vội vã. Ngọc Điệp thấp giọng nói thêm:

- Chắc là mưa cuối mùa hè Cúc?

- Ừ! Chắc là vậy. Mình ít khi nào quan tâm đến chuyện nắng mưa. Thôi đạp nhanh nào, coi chừng lại bị đèn đỏ nữa thì khốn.

Bỗng ...

Một tiếng "bịt'' khô khan.

- Úi chà! Đèn đỏ dừng lại mà sao đụng dữ vậy?

Người thanh niên trạc ngoài hai mươi. Anh quay người lại sau câu nói bất ngờ của chính mình.

Trước mắt anh là một cô gái mặt xanh mét đang luống cuống xuống xe. Miệng lắp bắp:

- Thắng xe bị đứt rồi Cúc ơi!

Cúc cững đã bước xuống đường cô hốt hoảng kêu lên:

- Bể cái dè sau xe người ta rồi Ngọc Điệp ơi!

Cúc vừa vội vã bước tới phía trước định xin lỗi và điều đình thì chợt cô mừng rỡ.

- Trời ơi! Anh Thuận, anh đi đâu vậy?

Thuận cười xoà vỗ vào vai bạn nói:

- Anh định chở bạn anh vào nhà Cúc nè.

Cúc còn đang ngơ ngác nhìn anh bạn của người yêu thì Thuận đã cười nhẹ tiếp:

- Anh xin giới thiệu đây là Hùng Mạnh, bạn thân của anh hồi học ở cấp III. Lầu lắm rồi tụi anh mới gặp lại nhau, vì vậy nên Cúc chưa có dịp biết đó thôi.

Rồi quay sang bạn, Thuận đưa tay về phía người yêu giới thiệu:

- Còn đây là Cúc vợ tương lai của mình. Và đó là ...

Thuận chưa kịp giới thiệu, thì Cúc đã nhanh nhẩu:

- Ngọc Điệp bạn thân của Cúc.

Ngọc Điệp còn đang lúng túng, cô chào Thuận như một cái máy rồi quay nơi khác không dám nhìn thẳng Hùng Mạnh. Nét lo âu hiện rõ trên gương mặt cô bé. Ngọc Điệp cứ nhìn chăm chăm vào cái dè xe bị bể. Cô bối rối thật sự, thái độ lúng túng vì chưa biết liệu tính sao thì Cúc đã lên tiếng hỏi:

- Xe anh đâu mà bữa nay anh chạy chiếc Nouvo này vậy Thuận?

- Em của anh đã lấy đi, nên anh đi chung với Hùng Mạnh.

Cúc cũng thấy bối rối, cô nhìn Ngọc Điệp rồi bảo:

- Phải chi xe của anh Thuận thì dễ dàng đàng này lại của anh Hùng Mạnh thì ...

Hùng Mạnh nhìn hai cô gái trước mặt anh cười thật tươi, anh nói:

- Của tôi thì đã sao?

Ngọc Điệp ấp úng:

- Điệp đã thắng lại không ngờ ...

Cúc chữa lời tiếp bạn:

- Hôm qua xe mình đã bị hư hết một thắng chưa kịp sửa lại.

Ngọc Điệp nghe bạn nói mới hiểu ra. Hèn chi khi thấy trời chuyển mưa cô vừa vội vã đạp nhanh vừa lo trò chuyện với bạn. Đến khi chợt thấy đèn đỏ, cô mới lính quýnh bóp thắng, thì thấy bên tay phải không ăn, cô đã mất bình tĩnh khi thấy chiếc xe Nouvo xề trước mặt. Hoảng quá cô vội bóp mạnh thắng bên trái. Ai dè nó lại bị đứt bất ngờ nên mới ủi thật mạnh vào chiếc xe Nouvo. Bây giờ biết nói sao để điều đình khi lại là xe của người lạ mặt.

Thấy rõ vẻ bối rối của Ngọc Điệp. Hùng Mạnh lên tiếng:

- Không sao đâu! Tôi về sửa lại.

Ngọc Điệp còn e ngại nói:

- Nhưng mà ... nó bị hư nhiều lắm.

Thuận bật cười trấn an:

- Không có gì đâu cô Điệp, Hùng Mạnh về thay cái mới là xong ngay thôi.

Cúc đặt vấn đề:

- Vậy rồi tụi này làm cách nào để trả tiền lại cho anh Hùng Mạnh?

Thuận vỗ vào vai bạn một cái thật mạnh, anh nhìn Cúc và Ngọc Điệp nói lớn:

- Nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ này. Hùng Mạnh thừa sức mua một lần cả mấy chiếc xe thế này. Con của Đại Gia mà, phải không Hùng Mạnh?

Nở nụ cười thật nhẹ. Đưa ánh mắt nhìn Ngọc Điệp - Hùng Mạnh nói:

- Dạ không dám, nhưng xin hai cô đừng bận tâm đến chuyện chiếc xe của tôi nữa.

Thuận hối thúc:

- Thôi mình đi nhanh lên nào! Mải lo nói đèn xanh đã mấy lượt rồi, coi chừng bị mắc mưa cả đám đấy.

Cúc cũng giục Ngọc Điệp:

- Thôi bạn hãy mau lên xe để mình chở về nhà cho kịp trận mưa sắp đến rồi kìa.

Nhìn Thuận đang nổ máy xe, Cúc nói lớn:

- Anh Thuận chạy trước đi, em đưa Ngọc Điệp về nhà xong rồi em sẽ về theo sau.

Ngọc Điệp đưa tay vuốt những giọt mồ hôi rịn lấm tấm trên trán. Vừa ngước lên cô chợt thấy Hùng Mạnh ngoáy lại đưa ánh mắt thật đầm ấm nhìn cô, môi anh điểm nụ cười ...

Buổi trưa tan trường nắng thật gay gắt. Hơi nóng từ mặt nhựa hắt lên như muốn làm cháy bỏng da kẻ đi đường.

Ngọc Điệp cũng nhanh chân đạp vùn vụt trên chiếc xe của cô, cố tranh thủ về đến nhà. nhớ lại năm rồi, mỗi chiều tan trường cô và Cúc thường cho xe chạy thật chậm, cười nói huyên thuyên, mặc tình cho tóc tung bay theo từng cơn gió chiều mát dịu.

Sắp quẹp ở ngã tư, bỗng cô nghe tiếng gọi thật gần:

- Cô Ngọc Điệp!

Ngọc Điệp chưa kịp quay lại đã nghe tiếng hỏi càng gần hơn:

- Cúc đâu mà Điệp về có một mình vậy?

Ngọc Điệp còn ngờ ngợ thì cô chợt nhớ ra khi anh thanh niên nở nụ cười thật đầm ấm nhìn cô.

- Dạ, hôm nay nhà Cúc có đám nên nhỏ ấy nghỉ học.

Vẫn giữ nguyên nụ cười thật tươi trên môi anh hỏi:

- Ngọc Điệp còn nhớ tôi không?

Cô sượng sùng khi nhớ lại chuyện mình đã đụng xe của anh ta hôm nọ nên đáp thật khẽ:

- Dạ nhớ. Anh có phải là ... Hùng Mạnh bạn của anh Thuận?

- Đúng rồi!

Hùng Mạnh cố tình không nhắc lại chuyện "tai nạn" hôm nọ. Riêng Ngọc Điệp mang tâm trạng như một kẻ tội phạm. Cô cứ lom khom như cố nhìn xem chiếc xe phía sau của Hùng Mạnh sửa chữa.

Hùng Mạnh cho xe chạy thật chậm để kèm song song với xe Điệp. Anh nhìn thẳng phía trước, thỉnh thoảng lại liếc nhìn sang Ngọc Điệp bằng cặp mắt sáng đầy vẻ tự tin.

Anh hỏi chuyện Ngọc Điệp:

- Năm nay là năm thi tốt nghiệp, Ngọc Điệp có đi học thêm không?

Ngọc Điệp đưa tay nắm nhẹ tà áo dài bị phất theo chiều gió cô trả lời:

- Dạ có chứ anh. Điệp học tệ lắm không biết có tốt nghiệp nổi không nữa.

- Ngọc Điệp nói khiêm nhường đó thôi, chứ tôi cũng đã biết rồi.

Nhướng cặp mắt tròn xoe, Điệp nhìn Hùng Mạnh hỏi với vẻ thật ngạc nhiên:

- Anh đã biết cái gì?

Hùng Mạnh cười:

- Thì biết Ngọc Điệp là một học sinh loại giỏi của lớp, chứ không tệ như Điệp nói đâu.

- Ai bảo với anh như vậy?

Ngọc Điệp trố mắt hỏi cùng lúc Hùng Mạnh đưa ánh mắt nồng ấm nhìn sang đáp:

- Qua Cúc tôi đã biết được nhiều về Ngọc Điệp rồi.

Ánh mắt của Hùng Mạnh làm Ngọc Điệp nghe bối rối. Mồ hôi cô toát ra gây cảm giác như lạnh cả người giữa buổi trưa nắng oi bức, một cảm nghĩ len lén của bản nhạc ''Ngày xưa Hoàng Thị'' thoáng qua tâm tư "Em tan trường về ... anh theo ... Ngọ về ...".

Đó là câu thông dụng mà bạn bè cùng lớp cô hay trêu ghẹo nhau mỗi khi phát hiện được một trường hợp đưa đón nào của bạn. Chẳng lẽ bây giờ lại đến lượt cô rồi sao? Cô ái ngại đưa mắt nhìn quanh xem có nhỏ nào "lén phén'' ở đoạn đường này mà bắt gặp cô không. Nhưng may mắn làm sao! Tuyệt nhiên cô không thấy một bóng quen nào, vì hầu như ai cũng đã cố tranh thủ lẩn trốn cái nắng.

- Có phải như vậy không Điệp?

Tiếng Hùng Mạnh hỏi lại làm cô lúng túng gượng trả lời:

- Cái con nhỏ ấy nói không đúng đâu, anh đừng có nghe nó.

Hùng Mạnh cãi nhẹ:

- Nhưng chắc chắn Cúc nói không sai đâu.

- Sao mà anh biết?

- Vì nhìn Điệp là tôi đã đoán được như thế rồi.

Ngọc Điệp sửng sốt:

- Bộ anh Mạnh biết xem bói hay sao?

Hùng Mạnh bật cười khi nghe câu hỏi của Ngọc Điệp.

- Tôi đâu có biết gì về bói.

- Vậy mà hồi nãy anh nói ... nhìn mặt Điệp là anh đã đoán được ...

Hùng Mạnh cười trước vẻ ngô nghê của Điệp và không khí thân mật giữa hai người như có tự lúc nào. Mạnh cố tình cho xe mình chạy thật gần xe Ngọc Điệp, anh nói khéo:

- Khỏi phải làm thầy bói. Ai nhìn Ngọc Điệp mà không biết là thông minh chứ.

Ngọc Điệp với vẻ thẹn thùng, cô giương tròn mắt nai nhìn kỹ Mạnh hơn.

- Anh nói quá đáng.

Giọng Hùng Mạnh trìu mến:

- Không quá đáng đâu cô bé ơi!

Ngọc Điệp mỉm cười nhẹ, cô cho xe chạy thật chậm, để lùi lại phía sau xe của Mạnh.

Mắt cô cứ dán vào phía sau chiếc xe của Mạnh mà cô đã đụng bị hư hôm nọ.

- Hiểu ý Hùng Mạnh vừa cười vừa lên tiếng:

- Tôi đã về thành phố thay cái mới rồi.

Ngọc Điệp lặng thinh một chút rồi khẽ hỏi:

- Tốn hết bao nhiêu tiền, để có dịp Điệp gởi trả lại cho anh.

Sau câu hỏi là vẻ ngượng ngùng, bẽn lẽn làm cho đôi má trắng hồng của cô càng ửng hồng hơn. Cô vừa đạp xe vừa hơi cúi thấp đầu xuống không dám nhìn sang Hùng Mạnh.

Biết rõ tâm trạng khổ sở của cô bé đang chạy song đôi với mình Hùng Mạnh thấy tội và buồn cười làm sao ấy ...

Anh liền quay sang cười ngất:

- Có xứng đáng là bao mà Ngọc Điệp đòi trả lại.

- Phải nhiều tiền lắm chứ đâu phải là ít.

Bằng giọng trầm ấm ẩn chứa một tình cảm đã nhuốm trong lòng từ ngày mới gặp.

Hùng Mạnh vừa đưa ánh mắt đầy thiện cảm vừa mỉm cười cùng Ngọc Điệp.

- Thôi đi cô bé ơi! hãy để tư tưởng tập trung vào việc học, đừng bận tâm gì chuyện cỏn con không đâu này.

Hùng Mạnh nghĩ thầm, chưa có dịp để anh nói rõ cho cô biết anh còn có thể muốn đánh đổi tất cả để được gần bên cô, để được trò chuyện và ngắm nhìn một cô bé ngây thơ trong sáng như một đoá hoa hồng vừa chớm nụ.

Vẻ luống cuống, lo âu của ngày đầu anh gặp cô còn hiện trên gương mặt trái xoan lúm hai đồng tiền trên má, với đôi mắt đen láy, long lanh như sắp khóc đã cuốn hút hồn anh khi cô nhìn anh như thú nhận phạm lỗi.

Sau đó anh mới dò dẫm hỏi thăm về Ngọc Điệp qua Cúc. Cũng may mắn cho anh, khi anh được hai bạn Thuận và Cúc nói thật nhiều về Ngọc Điệp cho anh biết. Họ lại còn đôn đốc anh tìm cách thân thiện với Ngọc Điệp để tiến xa hơn nữa. Đến bây giờ anh thầm mãn nguyện là đã được làm quen và kết thân với cô bé ấy.

Tiếng Ngọc Điệp cắt đứt dòng tư tưởng của anh:

- Anh định để cho Điệp mắc nợ anh à?

- Ơ! Tôi có nói Điệp nợ tôi hồi nào đâu mà sợ mắc nợ?

Ngọc Điệp vội nói nhanh:

- Vậy là Điệp xin lỗi về chuyện hôm trước, và bây giờ thành thật cảm ơn anh, vì anh đá tự nguyện xoá nợ cho Điệp.

Hùng Mạnh hóm hỉnh trách nhẹ:

- Ngọc Điệp đừng khách sáo, Muốn xoá món nợ này tôi xin được hỏi Điệp một điều.

Lấy làm lạ cô hỏi:

- Anh muốn hỏi điều gì?

- Ngọc Điệp có xem tôi như một người anh không?

Nhìn thẳng con đường trước mặt, Ngọc Điệp dịu dàng đáp:

- Thì Điệp đã chẳng gọi bằng anh là gì, nếu không thì Điệp đã chẳng dám tiếp chuyện nhiều như thế này đâu.

Mừng rỡ ra mặt, Hùng Mạnh nhìn Điệp hỏi:

- Hân hạnh cho anh quá! Chiều nay là thứ bảy, cô bé có rảnh không?

Không hiểu hết ý Hùng Mạnh, cô trả lời thật tự nhiên:

- Năm học này bài vở tràn đầy, tụi em đứa nào cũng tranh thủ học muốn ngộp thở luôn.

Nhìn thẳng Điệp lấy một tay che lên đầu làm bóng mát. Anh hỏi:

- Nắng quá sao Ngọc Điệp không đội nón?

- Dạ, tại tụi em đã quen như thế này rồi.

- Mấy cô không sợ bị nắng ăn hay sao? Nhất là Điệp mà đi nắng thế này hoài sẽ mất đi làn da trắng mịn trời ban thì uổng lắm.

Đang tự nhiên nên khi nghe Hùng Mạnh nói thế, cô nữ sinh trẻ e thẹn quay mặt sang hướng khác.

Lần đầu tiên tiếp chuyện với "đàn ông con trai" nên nãy giờ cô nghe hai bàn tay mình lạnh ngắt và run làm sao ấy! Cô đã cố ra vẻ tự nhiên để che giấu sự hồi hộp làm con tim đập thật mạnh trong lồng ngực từ khi cô thấy Hùng Mạnh tới giờ.

Ngày đầu tiên gặp và được biết Hùng Mạnh, dù trong tâm trạng lo âu vì lỡ đụng làm hưxe "người tá'. Nhưng sao cô vẫn không quên được nét hoà nhã, vui vẻ. Nhất là cái ánh mắt ngày ấy của anh đã thu hút cô tự lúc nào.

- Ngọc Điệp này!

Tìếng kêu của Hùng Mạnh làm cô giật mình. Cô quay lại đã thấy ánh mắt sâu thẳm của anh nhìn cô. Ánh mắt ấy làm cô bối rối quá!

Hùng Mạnh hỏi:

- Gần đến nhà Điệp rồi phải không?

Ngọc Điệp lí nhí:

- Dạ, sắp đến rồi.

Bất giác Hùng Mạnh lại hỏì:

- Điệp không mời anh vào nhà sao?

Cô le lưỡi rồi ấp úng:

- Dạ, không dám.

Ngẩng qua nhìn cô, anh lại hỏi:

- Tại sao không dám?

Điệp thật thà trả lời:

- Vì từ trước đến giờ chưa có bạn trai nào đặt chân đến nhà Ngọc Điệp cả.

- Chắc tại Điệp không mời người ta như anh bây giờ chứ gì?

Ngọc Điệp đáp lại câu hỏi của Hùng Mạnh bằng một nụ cười.

- Thôi đến nhà rồi Điệp xin phép anh nhé!

- Anh hy vọng hôm nào được gặp lại Ngọc Điệp nghe.

Cô trả lời anh bằng cái gật đầu.

Hùng Mạnh từ giã Ngọc Điệp bằng sự nuối tiếc ngẩn ngơ. Anh ngoái lại để nhìn dáng yêu kiều của cô bé vào đến tận cổng nhà, Mạnh mới cho xe chạy thẳng về hướng nhà Cúc.

Tâm hồn anh sao cứ vu vơ tự hỏi:

"Người đâu gặp gỡ làm chi, Trăm năm biết có duyên gì hay không?

- Mình ghé vào chợ kiếm gì ăn đi anh Thuận.

Cúc cho xe chạy đến thật gần người yêu rồi lên tiếng đề nghị.

Thuận ngồi sau lưng Hùng Mạnh nhìn sang cười hỏi:

- Bộ mấy cô bé bị kiến cắn bụng rồi hả?

Cúc cười híp mắt trả lời:

- Chưa cắn nhưng chỉ mới bò nhột nhột thôi.

Đập nhẹ vào hông bạn Thuận bảo:

- Thôi mình ghé vào chợ trước mặt cho mấy cô ăn, kẻo không mấy cô nằm vạ thì nguy cho mình lắm.

Tiếng Cúc cười vang:

- Biết điều như thế thì tốt lắm đó bạn.

Hùng Mạnh cũng vui lây nói đùa:

- Mình chả biết gì hết, chuyến đi này Thuận chịu trách nhiệm hoàn toàn đó nhé.

- Sao lại là mình chịu trách nhiệm?

Thấy bạn thắc mắc Hùng Mạnh giải thích:

- Chứ mình chẳng phải là khách từ xa được các bạn hướng dẫn đi du ngoạn là gì.

Từ nãy giờ ai cung lên tiếng chỉ có Điệp ngồi sau lưng Cúc không nói lời nào. Cô chỉ nhẹ cười theo các bạn, trong lúc ánh mắt mãi ngó mông ra những hàng cây xa tít.

Hùng Mạnh gợi chuyện:

- Phải vậy không Ngọc Điệp?

Cô quay lại chưa biết nói sao thì Thuận đã vỗ mạnh lên vai Hùng Mạnh:

- Bộ kiếm đồng minh để bênh vực tiếp hả?

Cúc cũng tiếp lời Thuận:

- Anh Hùng Mạnh này khôn ghê đấy nhé!

Hùng Mạnh bào chữa trong lúc cho xe chạy chậm lại, anh nhìn Điệp:

- Thấy anh ở xa đến, hai "ông bà'' cứ ăn hiếp phải không Điệp?

Sau câu nói của Hùng Mạnh cả bốn người cùng cười ồ thật vui vẻ.

Chuyến đi này là do Thuận và Cúc sắp xếp để tạo cơ hội thuận tiện cho Hùng Mạnh thân thiện và gần gũi Ngọc Điệp hơn.

Vì thấy Ngọc Điệp có tính rụt rè e lệ, đã bao lần cô từ chối không dám mời Hùng Mạnh đến nhà, cả những lần anh cố tình mời cô đi uống nước riêng. Thuận và Cúc thấy tội cho Mạnh khi thứ bảy tuần nào anh cũng tranh thủ từ thành phố xuống. Để rồi ngày hôm sau đành phải thiểu não quay trở về lo việc học hành.

Hùng Mạnh và Thuận đã quen nhau từ những năm cuối cấp ba. Đến khi là sinh viên lại học chung một trường ở tại thành phố.

Gia đình Thuận đã dời về Tỉnh gần hai năm nay. Theo lời tâm sự của Thuận với Hùng Mạnh, vì gia đình sa sút nên ba mẹ Thuận đã phải nhượng lại ngôi nhà ở trên thành phố, về đây mua căn phố gọn hơn đủ cho gia đình ở. Số tiền còn lại đầu tư vào công việc làm ăn và hy vọng nuôi Thuận học hết Đại học.

Hai người từng là Đôi bạn rất thân thiết và cách xa nhau đã lâu. Mấy lúc gần đây Thuận nhớ bạn và điện lên rủ Mạnh xuống nhà chơi. Hùng Mạnh cũng muốn tìm không khí yên tĩnh ở quê nên nhận lời bạn ngay.

Hùng Mạnh là người sống tại thành phố từ nhỏ, anh ít khi đi xa gia đình, nên cứ mỗi lần xuống tỉnh chơi là anh chỉ biết nhà của Thuận và chỉ nhờ Thuận hướng dẫn anh đi đó đây.

Chính ngày Thuận rủ anh lại nhà Cúc chơi anh mới có dịp gặp Ngọc Điệp. Bóng hình cô nữ sinh mảnh mai, nhu mì ấy đã làm cháy bỏng tim anh. Những cuộc vui, những cô gái trang đài ăn mặc hợp thời trang ở thành phố không lôi cuốn được anh.

Suốt một tuần miệt mài học tập, anh chỉ mong cho mau đến cuối tuần để anh "vèo".

một cái xuống tận An Giang mong gặp lại cô bạn có đôi mắt đen láy, long lanh nhìn anh mỉm cười. Lòng anh cảm thấy ấm áp, bao nhiêu mệt mỏi khi phải vượt đoạn đường xa hầu như tan biến mất trong anh.

Cúc nói với vẻ hăng hái:

- Mình đi thăng Lăng Viên núi Cấm trước.Lúc về sẽ viếng núi Sam.

Ngọc Điệp lo ngại:

- Chiều nay mình có về kịp không?

- Chắc chắn là kịp thôi. Năm ngoái mình và anh Thuận đã đi chơi thoả thích, đến lúc về nhà mới khoảng bảy giờ tối.

Ngọc Điệp càng lo ngại hơn:

- Như vậy là tối lắm Cúc à!

Thấy vẻ lo ngại của Điệp, Thuận liền trấn an:

- Không sao đâu, chiều qua anh và Cúc đã xin phép bác gái đàng hoàng rồi.

Cúc trêu bạn:

- Chắc Điệp sợ về bị mẹ đánh đòn phải không?

Ngọc Điệp còn vẻ rối rắm thì Cúc đã tiếp tục tấn công:

- Để mình bảo anh Hùng Mạnh chịu đòn thế nghen.

Điệp đập nhẹ vào mông bạn:

- Quỉ nè! Nói gì kỳ quá!

Thuận cũng lắt léo như Cúc:

- Thì anh cũng định bảo Hùng Mạnh chịu đòn thay cho Điệp đó. Anh chưa kịp nói thì ...

Hùng Mạnh ngắt lời Thuận:

- Bây giờ hai "ông bà" lại quay mũi dùi ăn hiếp đến Điệp nữa rồi phải không?

Thuận cười dòn nói một cách ý nhị:

- Cúc ơi! Thấy không em. Chưa chi người ta đã bênh nhau dữ dội, chắc hai đứa mình nói không lại đâu.

Cúc bồi thêm:

- Thì ông bà xưa mình đã từng nói:

"Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu" là gì? Ý chưa dứt. Cúc còn nhớ câu:

''Thương em mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội, mấy đèo anh cũng quá' phải không anh Mạnh.

Nói xong Cúc cười thật lớn như đắc ý. Thuận cũng cười ngất theo câu nói của người yêu mình.

Ngọc Điệp thẹn thùng vì biết mình bị ghẹo, cô phát vào vai Cúc một cái thật mạnh.

Cúc lạ lên:

- Úi da! Thôi em trả xe lại cho anh Thuận nè. Em mà chở nhỏ Điệp này đi chơi về ngày mai chắc xuống ký mất.

Nói xong, Cúc cố tình dừng xe lại Ngọc Điệp xuống xe, cô còn đứng xớ rớ ra đó thì Thuận đã cầm lái chiếc xe của mình, Cúc thừa thế leo lên hai tay ôm ngang hông Thuận, miệng cười bảo:

- Thôi thì phe nào đi theo phe nấy đi cho tiện.

Thuận cũng ăn ý vọt xe mất hút.

Ngọc Điệp, vai mang chiếc túi du lịch nhỏ, cô luống cuống nhìn theo xe bạn thì Hùng Mạnh đã nói thật lịch sự:

- Ngọc Điệp lên xe để anh chở theo Thuận và Cúc.

Ở tâm trạng thật sự lúng túng, Điệp còn dùng dằn chưa muốn lên thì Hùng Mạnh đưa một cái nhìn thật tha thiết:

- Hay là xe anh không xứng đáng để chở Ngọc Điệp?

Ánh mắt ấy làm Ngọc Điệp nghe tâm tư mình xao động mạnh, cô nhìn xuống tay mân mê chiếc nút áo.

- Dạ không đâu. Điệp không dám nghĩ thế.

Hùng Mạnh lại hỏi.

- Hay là người chủ xe không xứng đáng?

Ngọc Điệp ngẩng lên sửng sốt:

- Anh đừng nói thế.

Hùng Mạnh đứng đối diện Ngọc Điệp anh nhìn sâu vào đáy mắt long lanh sáng ngời của cô gái xinh xắn.

Giọng anh thật ngọt ngào:

- Đừng buồn thái độ của Thuận và Cúc, chắc họ muốn để mình tìm hiểu nhau. Ý anh cũng mong được vậy.

Ngọc Điệp càng e thẹn hơn, đầu óc cô rối bời, cô cắn nhẹ môi mắt không dám nhìn vào Hùng Mạnh. Ánh mắt như gởi tận khoảng trời mênh mông trước mặt.

Nụ cười của ngày đầu gặp gỡ đã in một nét sâu đậm trong tim cô từ lúc nào mà cô chưa xác định được. Cứ đến ngày thứ bảy mỗi tuần là cô như trông ngóng một bóng người, cô muốn thấy, muốn gặp lại miệng cười đã đi vào từng giấc ngủ chập chờn trong cô từ mấy lúc gần đây.

Nhưng sao nay đứng đối diện với người ấy cô nghe lòng quá hồi hộp. Đầu óc cô rỗng tuếch, cô không dám và cũng chẳng biết nói gì trong hoàn cảnh này. Rồi một mãnh lực từ đâu như thôi thúc, cô bước lên ngồi sau lưng Hùng Mạnh như một cái máy!

Hùng Mạnh trong tâm trạng thật vui, anh mỉm cười:

- Bấy lâu nay anh chỉ chờ mong được diễm phúc này đó Ngọc Điệp ạ!

Ngọc Điệp vẫn im lặng.

Có phải chăng một sự ấm cúng đang ngự trị trong tâm hồn hai người?

Chạy được một khoảng đường ngắn vẫn chưa thấy bóng Thuận và Cúc đâu cả. Mạnh bảo:

- Hai "ông bà" ấy bỏ mình quá xa rồi.

- !!!

- Sao Điệp không nói gì hết vậy?

Điệp ấp úng:

- Điệp biết nói gì đây?

Hùng Mạnh phá tan không khí nặng nề:

- Anh là người ở xa đến, còn đây là quê nhà của Điệp. Điệp hãy giới thiệu cho anh biết những đặc điểm quê hương của mình đi chứ.

- Điệp dốt lắm! Điệp ít có dịp đi đâu cả, chỉ có nhỏ Cúc là rành nhiều.

Không khí giữa hai người như đã được cởi mở. Hùng Mạnh bắt chuyện thêm:

- Chắc ba mẹ của Điệp khó lắm hả?

- Bây giờ ba Điệp đã mất rồi, chứ lúc còn sống, người cũng như mẹ em không khó với con cái lắm đâu. Có điều là đâu phải ra đấy, bừa bãi lộn xộn là coi chừng ...

Mạnh cắt lời Điệp, anh góp ý vui:

- Coi chừng bị ăn đòn phải vậy không?

- Cái anh này ...

Câu nói của Điệp chưa trọn, bỗng Mạnh tránh xe thình lình bị vấp một ổ gà lớn.

Bằng phản xạ tự nhiên, Điệp với tay nắm vào áo Mạnh để giữ thăng bằng. Và hai tay cô đã vô tình ôm ngang hông Mạnh. Cô sượng sùng rút tay vội vàng khi vừa qua khỏi cái ổ gà "quái ác'' kia.

Lòng còn nghe ngượng ngùng và bồi hồi. Ngọc Điệp đưa tầm mắt thật xa nhìn dãy núi xanh biếc đã sừng sững hiện ra trước mắt.

Riêng Hùng Mạnh nghe luyến tiếc giây phút bất ngờ nhưng đầy thú vị ấy. Màu sắc trước mắt anh rực rỡ hơn, anh thấy vạn vật thật tươi vui, tất cả những âm thanh xung quanh anh đều như tiếng nhạc thánh thót của một bản tình ca tràn đầy hạnh phúc.

Cảm giác đầm ấm lan toả giữa hai tâm hồn trẻ đã xoá được bao nỗi nhớ nhung còn lẩn khuất trong thinh lặng từ bấy lâu nay.

Ngọc Điệp vẫn nín lặng.

Qua khoảnh khắc êm đềm ấy Hùng Mạnh lấy lại bình tĩnh:

- Anh xin lỗi vì đã không thể nào tránh được ổ gà đó.

Giọng nói ngọt ngào khẽ thốt nhẹ bên tai Hùng Mạnh:

- Dạ đâu có gì mà anh phải xin lỗi Điệp.

Hùng Mạnh lại khiêm tốn:

- Anh lái xe quá tệ phải không Điệp?

- Anh nói quá lời, gặp tình huống đó thì ai cũng phải vậy thôi.

Ánh nắng mai buổi sớm hoà lẫn cái mát dịu của những làn gió thoảng hắt nhẹ vào tâm hồn hai người bạn trẻ.

Một ý nghĩ trỗi dậy, anh bất ngờ hỏi Ngọc Điệp:

- Ngọc Điệp này! Như anh bắt gặp một cô bé dễ thương như Điệp thì anh phải làm sao?

Câu hỏi quá đột ngột, làm Điệp thấy tâm tư mình bị xao động mạnh, cô im lặng nghe tim mình đập nhanh hơn, cô mơ hồ đoán biết Hùng Mạnh muốn bày tỏ nỗi lòng cùng mình.

Hùng Mạnh lên tiếng hỏi thêm:

- Sao Điệp không trả lời anh?

Cô đáp khi thoáng một ý nghĩ nghịch ngợm:

- Vì Điệp thấy mình đâu có dễ thương như anh bảo đâu.

Mạnh kêu lên:

- Trời ơi! nếu Điệp mà tự thấy được mình dễ thương, thì con trai trên đời này chắc sẽ chết mất hết quá.

Ngọc Điệp hơi nũng nịu:

- Anh nói quá lời nữa rồi.

Hùng Mạnh đưa tay trái áp sát ngực, chỗ quả tim đang nhịp liên hồi, lòng anh chất chứa một niềm vui không tên, cùng những xao xuyến rộn ràng nhất đời. Anh nhìn những dãy núi xanh thẫm trước mặt, một cảm giác thật sảng khoái và sức sống yêu đời dâng tràn ngập lòng anh.

Tiếng nói trẻ trung của Hùng Mạnh bày tỏ lòng mình:

- Ý là Điệp thấy mình không dễ thương mà tim anh còn đập 1iên hồi như thế này. Nếu bằng ngược lại chắc quả tim anh phải nhảy ra khỏi lòng ngực mà ...

Ngọc Điệp hơi kinh ngạc, nhưng cô mỉm cười hỏi:

- Trời đất ơi! Anh nói gì nghe ghê quá vậy. Quả tim anh nhảy ra khỏi lòng ngực để làm gì?

Hùng Mạnh bật cười nói ý nhị:

- Để mà tiếp tay với anh cản ngăn những chàng trai vây lấy quanh Ngọc Điệp.

Sau câu nói của Hùng Mạnh hai tiếng cười cùng hoà nhau thật nồng ấm, thật nhịp nhàng.

Phải chăng đó là tiếng cười hoà điệu để báo hiệu một tình yêu đang bắt đầu nẩy nở?!

Chương 2

Sau chuyến đi chơi Lâm Viên núi Cấm do mình tổ chức, Thuận và Cúc rất hài lòng vì hai bạn của họ Hùng Mạnh và Ngọc Điệp đã ''Phải lòng nhau".

Kể từ ngày đó họ đã không còn cách ngăn bởi những e lệ rụt rè. Cứ đều đặn mỗi tuần Hùng Mạnh cố tranh thủ để xuống thăm người yêu thật sớm, dù đường xa nhưng anh không biết mệt mỏi là gì.

Nhìn tình yêu say đắm của họ vô tư và trẻ trung - Không thua gì cuộc tình còn trong chờ đợi của mình, có lúc Thuận bảo với Cúc:

- Cúc nè! Không khéo Hùng Mạnh và Ngọc Điệp qua mặt tụi mình đó em.

Nhìn vẻ Thuận cứ bồn chồn hối thúc ngày cưới, Cúc tuy thấy anh là người rất chững chạc, tốt bụng nhưng cô vẫn muốn làm giá:

- Qua thì cứ cho qua luôn.

Thuận ngồi xích lại gần Cúc hơn trên chiếc ghế dài nhà Cúc, anh phân bua:

- Em không thấy Hùng Mạnh và Ngọc Điệp bạn em, nhờ hai đứa mình hợp sức nhau ''se duyên" mà mới mấy tháng bây giờ đã thấy họ yêu thương nhau tha thiết. Còn tụi mình đã yêu nhau hơn một năm rồi mà em cứ hành hạ anh mãi.

Cúc làm bộ kinh ngạc hỏi:

- Cái anh Thuận này thiệt là. Em hành hạ anh gì nào?

Đưa tay choàng qua vai người yêu Thuận than thở:

- Em không hành hạ anh là gì. Hai bên gia đình đều chấp thuận từ lâu mà em bắt anh cứ mãi hy vọng trong đợi chờ.

Cúc giả bộ lơ là hơn nữa cô muốn thử lòng Thuận:

- Nếu cảm thấy không thể chờ đợi em đượcnữa thì anh có quyền đi tìm kiếm người khác, em không cản trở gì đâu, anh đừng có ngại:

Nhìn sát vào mặt người yêu, Thuận trợn trừng mắt:

- Bộ em tưởng đi tìm một người mình yêu để cưới làm vợ trong sự đứng đắn chân tình là dễ lắm hay sao?

Cúc chống cằm không nhìn mặt Thuận, cô làm cao hỏi:

- Như vậy là người như em khó tìm lắm hả?

Thuận cười xoà nói:

- Anh cũng may mắn tìm được em ở cùng Thị xã. Thấy mà tội cho thằng bạn của anh, ở mãi tận thành phố, mãi lặn lội đường xa mới mong gặp được mặt người yêu.

- Hứ! Ai mà bắt ép mấy ông.

Thuận bóp mạnh vai người yêu anh kề mặt thật gần nói:

- Mấy cô không ép, nhưng sự cuốn hút của mấy cô ép. Tiếng gọi của trái tim ép bọn đàn ông con trai chúng tôi thật mãnh liệt.

Cúc cố nín cười vì thấy ông bạn đời tương lai của mình hôm nay không thua một triết gia.

Cô tiếp tục giả bộ dửng dưng:

- Vậy là tại mấy ông tự hành hạ mấy ông chứ sao đổ tội cho bọn con gái này?

- Đó thuộc về vấn đề tình cảm mà, không ai giải thích nổi đâu em cưng!

- Vậy à?

Thấy người yêu như chịu nghe Thuận say sưa nói tiếp:

- Như trường hợp Hùng Mạnh, em thừa biết hắn ta là con trai út của một gia đình thương gia giàu có - kinh doanh vàng bạc đá quý ở thành phố. Năm nay hắn cũng sắp ra trường như anh. còn anh ruột của Mạnh là Giám đốc một công ty lớn. Trông vào con người Mạnh là thấy ngay vẻ quí phái, lại đẹp trai, không thua gì mấy anh tài tử đóng phim.

Anh thân thích và mến Hùng Mạnh ở điểm, tuy giàu nhưng bản tính rất vui vẻ, không tự cao, hống hách như những cậu công tử khác.

Thật tình mà nói có hàng khối cô gái đẹp con nhà giàu mong được hắn để mắt đến.

Không chừng nhiều tay thương gia giàu có ở trên ấy đã ký hợp đồng làm sui với mẹ Mạnh nữa rồi là khác.

Mà em có thấy tình yêu chân chính nó kỳ lạ vô cùng không?

- Kỳ lạ ở chỗ nào?

Thuận nhấn mạnh:

- Điều kỳ lạ không lý giải nổi. Bây giờ Hùng Mạnh đang đánh đổi và đã gởi hết cuộc đời đầy danh vọng của mình vào cả trong ánh mắt của người hắn đang yêu là Ngọc Điệp.

Nhìn sang Thuận, Cúc thắc mắc:

- Mà anh Thuận này, sao em không nghe Hùng Mạnh nhắc đến ba của anh ấy?

Thuận đăm chiêu nói với Cúc:

- Lúc anh còn ở thành phố, nhiều khi rảnh rỗi, anh và Hùng Mạnh hay chuyện trò tâm sự cho nhau nghe, có lần anh hỏi Mạnh câu hỏi như em thì Hùng Mạnh buồn bã kể lại rằng:

Mẹ Hùng Mạnh mồ côi cả cha lẫn mẹ, lúc đó ở cùng làng quê với ba Mạnh. Ba Mạnh là con trai một điền chủ giàu có nhất vùng. Thấy mẹ Mạnh có nhan sắc mặn mà, nên ông đã phải lòng. Sau đó ông đã tìm mọi cách để cưới cho bằng được cô gái côi cút, hiền thục ấy. Mẹ Mạnh phải cam chịu bao nhiêu khổ ải khi một thân đơn lẻ bé nhỏ về làm dâu nhà giàu sang. Đã vậy mà đến lúc sanh đứa con thứ hai là Hùng Mạnh, chưa tròn thôi nôi. Ba Hùng Mạnh lại sanh lòng say mê người con gái khác và hất hủi mẹ Mạnh một cách tàn nhẫn.

Từ đó mẹ Mạnh đã uất hận ôm hai đứa con trai âm thầm bỏ quê nhậ ra đi.

Đến đây Thuận buông tiếng thở dài rồi mới nói tiếp:

- Sau thời gian dài lăn lóc gian truân bà đã làm nên một sự nghiệp to lớn như bây giờ đó.

Cúc chau mày hỏi:

- Rồi ba Hùng Mạnh có tìm kiếm vợ con gì không?

- Lúc hai anh em Hùng Mạnh khoảng năm, bảy tuổi gì đó ông có đi tìm gặp mẹ Mạnh. Nhưng bà không chịu nối lại tình xưa. Bà chủ quyết một lòng lo tương lai sự nghiệp cho hai đứa con trai thân yêu nhất của đời bà là Hùng Minh và Hùng Mạnh mà thôi.

Sau này gia đình bên nội Hùng Mạnh sa sút, mấy bà vợ sau của ba Mạnh cũng bỏ ông mà đi. Ông buồn khổ ân hận vì đã đánh mất vợ cùng hai đứa con trai kháu khỉnh nên dần dần chết theo ông bà nội của Hùng Mạnh.

Cúc nghe đến đây liền lên án:

- Cho hết một đời kẻ bội bạc.

Thuận còn kể tiếp:

- Bởi vậy thấy tội cho tình cảnh mẹ Hùng Mạnh lắm. Kể từ ngày ấy, phần tự ái, phần mắc cỡ với bà con họ hàng, nên đã lâu lắm bà chưa dám về quê.

Nghe tới đó, Cúc thở dài kết luận:

Cuộc đời của bà ấy nghe cảm động và hấp dẫn quá anh nhỉ?

- Ờ! Bây giờ thì mẹ con của Hùng Mạnh đã được đền bù bằng sự giàu sang sung sướng hơn người rồi ...

Thuận định nói thêm nữa, bỗng nghe tiếng kèn xe bóp inh ỏi ngoài cổng.

Cúc nhìn ra chỉ tay nói:

- Chà mới nhắc mà anh ấy đã tới rồi kìa.

Hôm nay lại lái xe du lịch xuống dưới này nữa. Hách nhỉ?

Chị giúp việc ra mở cổng. Hùng Mạnh bước vào phòng khách thấy Thuận và Cúc còn đang ngồi bên nhau, anh cười toe toét nhìn Thuận nói:

- Hèn chi lúc nãy ta đã ghé sang nhà bác, bác nói mi đã sang đây rồi.

Thuận cười nói với bạn:

- Chớ đâu dám đi lạng quạng "Bả" mà biết được làm dữ lên thì khổ lắm.

Cúc chu miệng:

- Không có đâu em hiền lắm.

Hùng Mạnh tưởng thật.

Bộ Cúc để cho Thuận tự do dù biết được Thuận có lã lướt bay bướm cũng không làm gì hết à?

Nhìn vào mặt Thuận, Cúc nói:

- Em hiền lắm! Em mà biết ảnh lôi thôi với cô nào em chả làm gì hết chỉ ...

Nói tới đây Cúc đưa hai tay ra trước mặt Thuận, giả bộ nghiến răng kèn kẹt:

- Chỉ xé ảnh ra từng miếng đem phơi khô thôi.

Thuận kêu lớn:

- Úi trời đất ơi! Vậy mà nói hiền lắm. Kiểu hiền của em chắc là cỡ ''bà la sát' vậy.

Nghe Thuận nói dứt câu, Cúc đã chồm tới đấm phình phịch vào lưng người yêu:

- Này, dám bảo em là ''Bà la sát" hả? Chết với tui bây giờ nè.

Cả ba người cùng vui vẻ cười rộn rã vang nhà.

Hùng Mạnh lên tiếng can gián:

- Thôi! Cho anh xin đi Cúc. Chỉ mới nói chơi mà.

Cúc quay lại cười với Hùng Mạnh:

- Thì mình phải 1ên tiếng lần lấn là vừa đó anh.

Thuận câu cổ người yêu, anh đưa một ngón tay chỉ gần mặt Cúc rồi nói:

- Hùng Mạnh có phước hơn mình nhiều nên gặp được Ngọc Điệp ''hiền thứ thiệt''.

Còn mình lựa trúng nhằm "Bà chằn'' rồi bạn ơi. chắc phải tiêu đời quá!

Cúc cự lại liền:

- Coi đó, anh Mạnh coi ổng cứ hết đặt biệt danh này đến biệt danh khác cho em, thật là đáng ghét.

Hùng Mạnh cười cười; xoa hai bàn tay vào nhau:

- Thôi tuần này tôi xuống đây để mời hai ông bà cùng đi chơi.

Cúc ghẹo Hùng Mạnh:

- Thật không đó, chỉ mời có hai chúng tôi thôi sao?

Hùng Mạnh cầu cứu với bạn:

- Thuận coi đó. "Bà xã tương lai" của ông cứ hỏi khó tôi hoài.

Thuận xoay người qua Cúc nói:

- Thôi đi em, coi chừng hắn ta giận không chịu làm rể phụ ngày đám cưới của tụi mình thì nguy lắm đó.

Cúc nghe người yêu nói xong. Vừa chạy lên lầu vừa quay lại bảo:

- Lần này ta tạm tha đó. Hai người chờ ta sửa soạn một chút để sang nhà Ngọc Điệp, rủ nhỏ ấy đi cùng:

Bằng một tâm hồn thật khoan khoái yêu đời, Cúc hát vang ...

"Tình là tình, nhiều khi không mà có. Tình là tình, nhiều lúc có như không ..." Ngọc Điệp nằm duỗi chân trên chiếc ghế dài cạnh cửa sổ, cô đưa mắt mơ màng nhìn lên bầu trời xanh thẳm. Những cụm mây trắng kết thành muôn hình tượng kỳ quái đang lững lờ trôi.

Không gian thật yên lặng trong nhịp đời hối hả, cô thả hồn suy tư u hoài.

Quay nhìn lên bức ảnh cha trên bàn thờ, tâm tư cô như càng bị đè nặng hơn vì sự khổ tâm, cô đang bó tay nhìn gia đình càng ngày càng suy sụp và quẩn bách. Biết liệu cách nào để cứu vãn? Đó là câu hỏi làm cô thấy đau lòng.

Nhớ lại mới ngày nào cô còn là một cô bé vô tư, cuộc sống đầy diễm phúc trong một gia đình khá giá với cha mẹ cùng ba người chị gái.

Rồi những chị cô lần lượt có chồng xa xứ. Chỉ mỗi một người chị thứ hai là Ngọc Hạnh, vì goá chồng sớm nên đã cất nhà gần bên cha mẹ ruột để sống với các con nhỏ.

"Đùng" một cái. Tai hoạ to lớn giáng xuống mái nhà êm ấm của cô. Trong một chuyến đi lấy hàng, ba cô đã bị tai nạn chết bất ngờ. Cô không sao quên được kỷ niệm đau buồn ấy. Khi cô chỉ mới vào những tuần lễ đầu của năm học lớp mười hai. Lúc cô đang chăm chú nhìn lên bục giảng để nghe thầy giảng bài thì gia đình đến báo hung tin.

Mọi vật chung quanh như tối sầm, cô vội vã ôm cặp sách về nhà để nhìn mặt người cha thân yêu đã vĩnh viễn ra đi ...

Sau ngày ấy, Ngọc Điệp đã xin mẹ nghỉ học để phụ trông nom việc mua bán. Nhưng bà Ngọc Lan - Mẹ cô đã khuyến khích cô nên tiếp tục việc học.

Riêng cô ngày càng thấy tội cho mẹ vô cùng, khi một mình bà phải gánh lấy mọi việc để lo cho cô ăn học, và còn lo tiếp với chị Ngọc Hạnh để nuôi bầy cháu nhỏ.

Đang nằm nghĩ ngợi, bỗng tiếng chị Ngọc Hạnh kêu một cách hất hoảng:

- Ngọc Điệp ơi! Mau vào tiếp chị một tay, mẹ lại mệt nữa rồi đây này.

Biết bệnh của mẹ phát sinh gần một năm nay, Ngọc Điệp vội vã ngồi bật dậy chạy nhanh vào.

Nắm tay mẹ lắc thật nhẹ, Ngọc Điệp hỏi:

- Mẹ ơi! Mẹ thấy trong người thế nào?

Quay sang chị, cô tiếp:

- Hay là mình đưa mẹ đi bệnh viện cho chắc ăn đi chị Hai.

Ngọc Hạnh cũng đồng ý:

- Ờ! Phải rồi, chị em Mình phải đưa mẹ đi bệnh viện gấp mới được.

Bà Ngọc Lan nghe hai con gái bà tính liền đưa tay lên khoát nhẹ, bà nói trong hơi thở đứt quãng:

- Mẹ thấy trong người không đến nỗi gì đâu.

Ngọc Điệp cúi mặt xuống gần mẹ hơn, cô nắm lấy bàn tay mẹ, bằng giọng thật lo âu cô bảo:

- Mẹ à! Mẹ hay mệt như thế này, con thấy nên đi bệnh viện là tốt hơn.

- Mẹ biết một chút nữa là khoẻ thôi. Đừng lo lắng quá.

Ngọc Hạnh cũng lên tiếng:

- Con thấy mẹ nên để tụi con đưa đi bệnh viện, vào đó bác sĩ theo dõi điều tra bệnh là yên tâm hơn đó mẹ.

- Mẹ biết không sao đâu con.

Rồi nhìn Ngọc Điệp bà bảo:

- Ngọc Điệp lấy mẹ một viên thuốc trợ tim mà mẹ vẫn thường hay uống. Uống thuốc vào một chút mẹ sẽ khoẻ lại bình thường thôi hai con ạ.

Ngọc Điệp cuống cuồng chạy lại mở ngăn tủ tìm thuốc cho mẹ. Khi bà Ngọc Lan vừa uống xong viên thuốc trợ tim, Ngọc Điệp vẫn chưa hết lo âu. Cô nhìn chăm chăm để theo dõi gương mặt mẹ thật kỹ.

Vừa đỡ mẹ nằm xuống chiếc gối trắng muốt, cô nhỏ giọng nói với chị:

- Nếu một chút thấy mẹ không bớt thì chắc chắn mình phải đưa mẹ vào bệnh viện nghe chị Hai.

- Ừ, ý chị cũng giống như em thôi. Nhưng chắc có lẽ mẹ sẽ khoẻ, vì mẹ thường bị như vầy hoài.

- Nhưng em thấy lo quá.

Ngọc Điệp không dám nói hết lời. Thật sự nhà cô quá đơn chiếc, ngoài bầy cháu còn nhỏ chưa ý thức được gì, gia đình chỉ có hai chị em cô ở gần chăm sóc cho mẹ. Vì bà Lan chỉ sinh toàn gái, nên cô không có anh em trai nào để tiếp tay hầu đỡ đần những khi bà đau yếu như thế này.

Cô không dám nghĩ đến sự bất hạnh nếu một mai mẹ cô lại từ bỏ chị em cô để đi vào cõi vĩnh hằng, chắc chắn cô sẽ bơ vơ lạc lõng hơn nhiều.

Ngọc Hạnh thấy em gái cứ ngồi trầm ngâm, im lặng như pho tượng.

Cô hỏi em gái:

- Ngọc Điệp này, đến nay em có tin tức gì để đi làm chưa vậy?

Ngọc Điệp ngẩng nhìn chị đáp:

- Dạ chưa, nhưng chắc không lâu lắm đâu vì chỗ này là bạn thân thiết của anh Thuận.

Nhỏ Cúc và anh Thuận cũng hết lòng giúp em đó chị. Hồi trước anh Thuận cũng đã có chở em đến tận nơi để giới thiệu rồi.

- Được vậy thì tốt quá rồi. Em có được những bạn tốt vậy chị rất mừng.

Như cố gượng cười. Ngọc Điệp nhìn chị rồi bằng giọng thật buồn:

- Anh Thuận và Cúc đất xử tốt với em từ trước đến giờ. Sau ngày ba mất, hai người ấy an ủi em rất nhiều vì sợ em buồn và bỏ dở việc học nửa chừng.

Bà Ngọc Lan từ nãy giờ đã thấy khoẻ nhiều, nghe hai con gái nói đến đây bà vội lên tiếng:

- Ngọc Điệp đừng buồn vì mẹ đã không lo nổi cho con tiếp tục vào Đại học như bạn bè.

Nghe nói, Điệp quay hẳn người nhìn mẹ:

- Con không dám buồn phiền gì đâu. Trái lại con còn muốn sớm có việc làm để phụ giúp gia đình.

Rồi cô hỏi dồn dập:

- Mẹ, mẹ đã nghe khoẻ nhiều chưa mẹ?

Bà Lan gượng dậy:

Hai chị em đỡ mẹ ngồi dựa vào chiếc gối kê sau lưng.

Bà trả lời:

- Mẹ đã thấy đỡ nhiều lắm rồi các bạn ạ.

Ngọc Điệp vẫn chưa an tâm:

- Nhưng mẹ nghe trong người khoẻ hẳn chưa?

Bà gật đầu rồi cố nở nụ cười thật tươi nhìn hai đứa con gái.

- Mẹ biết sức khoẻ của mẹ mà. Hai đứa con hãy yên tâm đừng lo lắng nhiều cho mẹ.

Cầm ly cam vắt. Ngọc Điệp vừa đưa đến gần miệng mẹ vừa bảo:

- Mẹ hãy uống thêm miếng nước cam này cho khoẻ. Nếu nghe trong người có gì lạ thì bảo cho tụi con biết liền nghe mẹ.

Bà Lan thật hài lòng, bà đưa ánh mắt nhìn trìu mến đứa con út bé bỏng của mình:

- Mẹ chỉ ước mong được sống đến ngày gả Ngọc Điệp cho yên nơi yên phận mà thôi.

Điệp thẹn thùng ôm vai mẹ nũng nịu:

- Mẹ nói gì kỳ quá!

Ngọc Hạnh ghẹo em gái:

- Thôi đi cô ơi, đừng có làm bộ. Chỉ sợ mai mốt lấy chồng xa rồi bỏ mẹ lại nhà một mình nữa là khác. Chừng ấy chắc tôi phải dọn sang ở chung để chăm sóc mẹ khi ốm đau Điệp đỏ mặt cãi lại:

- Không đâu, em không bỏ mẹ một mình đâu.

Ngọc Hạnh nói cảnh cáo em:

- Tôi đã thấy và biết rồi, chắc chắn cô phải có chồng xa xứ như hai chị kế của cô thôi cô út à.

- Em khác, còn hai chị ấy thì khác.

Ngọc Hạnh cười tủm tỉm:

- Chắc vậy không nào? Còn anh chàng Hùng Mạnh ở thành phố tuần nào cũng lái xe xuống đây làm gì?

- Ơ ...

Thôi đi cô út ơi, không qua được cặp mắt của chị Hai đâu.

Rồi nhìn mẹ. Ngọc Hạnh hỏi:

- Mẹ thấy cái mòi của cậu ấy có phải muốn làm rể nhà này không nào?

Điệp chưa kịp nghe mẹ trả lời đã vội chạy đến vỗ nhẹ vào vai chị gái:

- Cái chị này, cứ chọc quê em hoài.

Ngọc Hạnh bước ra phía cửa, cô ngoáy lại nhìn em cười ý nhị:

- Con nói vậy đúng rồi phải không mẹ.

Tuy hỏi nhưng không đợi mẹ trả lời Hạnh bỏ đi thẳng một mạch về nhà mình.

Còn lại hai mẹ con, bà Ngọc Lan kéo cô con gái út đến gần bảo:

- Từ trước đến giờ mẹ mãi lo việc buôn bán nên không chú tâm săn sóc và dạy dỗ các con. Đến bây giờ nhớ lại mẹ mới thấy mình thiếu sót bổn phận.

Thấy thương mẹ vô cùng. Ngọc Điệp giương tròn mắt nhìn mẹ, cô với tay lấy chiếc khăn lông mềm mại lau những giọt mồ hôi trên gương mặt người mẹ thân yêu nhân từ.

Cô an ủi:

- Mẹ đã hy sinh gần hết cuộc đời để lo cho bốn chị em con trưởng thành thế này rồi, thì còn gì mà mẹ lại bảo là thiếu sót bổn phận nữa.

Vuốt mái tóc mềm mại của Điệp bà Lan trìu mến:

- Ba chị lớn của con đều có gia đình, chỉ còn lại mình con. Mẹ lo âu nhiều, không biết con có gặp được ''bến trong'' để trao thân gởi phận không nữa?

Ngọc Điệp đỏ mặt thẹn thùng, cô bẽn lẽn sà vào lòng mẹ như ngày nào còn học mẫu giáo. Lời nói của mẹ làm cô nhớ đến Hùng Mạnh.

Tuy chưa đến gia đình anh ngày nào, nhưng qua lời kể lại của anh thì mẹ anh là mẫu người đàn bà cũng kham khổ, chịu đựng nhiều gian nan như mẹ của cô. Bản tính của bà và anh trai Hùng Mạnh là Hùng Minh rất nhân hậu, thương người.

Còn tình yêu anh dành cho cô thì quá chân thành dạt dào. Cô tự cảm thấy mình đã gặp được người trong mộng.

Điệp nói với mẹ:

- Mẹ đừng lo cho con, việc trước mắt là ráng dưỡng sức cho được khoẻ mạnh như xưa là con mừng rồi.

Ôm đầu đứa con út bà nói:

- Cả đời mẹ là dành trọn cho các con gái của mẹ.

Rồi đưa ngón tay chỉ vào trán cô bà trìu mến:

- Nhưng nhứt là con gái út của mẹ nè:

Cô dụi trong lòng mẹ sung sướng:

- Con cám ơn mẹ nhiều lắm!

Nói tới đây, bà Ngọc Lan không sao thốt ra lời được nữa. bà tự trách mình khi thấv gia đình lâm vào cảnh túng quẫn ngày hôm nay.

Ngước nhìn lên, Điệp đưa tay vuốt dòng lệ đang lăn dài trên đôi má gầy gò của người mẹ già, chính cô cũng nén lòng không để nước mắt tuôn trào vì sợ càng làm mẹ xúc động thêm.

Cô ôm mẹ thật chặt trong vòng tay bé nhỏ của mình, cô an ủi mẹ:

- Mẹ ơi! Mẹ đừng buồn mà sinh thêm bệnh. Đâu phải tại mẹ làm cho gia đình mình nghèo khó, chính lỗi tại con quá vô tư và ham chơi không biết lo lắng đỡ đần cùng mẹ.

Rồi nhìn vào mặt mẹ, cô đưa tay bóp nhẹ cánh tay gầy:

- Mới ngày nào mẹ con hồng hào khoẻ mạnh mà giờ đây trông mẹ xanh xao tiều tuỵ như thế này.

Không còn dằn nén được sự xúc động trong lòng, cô úp mặt vào lòng bàn tay mẹ, hai vai cô run run:

- Mẹ ơi! Chính con mới là đứa con vô dụng, vì con đã không chăm sóc và nuôi dưỡng được cho mẹ lúc tuổi già bóng xế.

Lời con nói làm bà Ngọc Lan nghẹn ngào - Bà ôm chặt đứa con gái út. Đôi môi bà mấp máy như không thể cử động được.

Bà sinh được bốn đứa con gái. Ngọc Điệp là đứa sau cùng. Từ nhỏ Điệp đã tỏ ra là một đứa bé dễ thương, ngoan ngoãn nhất nhà. Ông bà đã dồn hết tình thương vào đứa con gái út có khuôn mặt dịu dàng, đôi mắt sắng long lanh với hàng mi dài cong vút. Càng lớn cô càng có dáng dấp thướt tha, duyên dáng. Tính tình lại tỏ ra một cô gái hiểu biết dễ mến, khác hẳn ba đứa con gái lớn của ông bà.

Lúc còn sinh tiền, ông bà hay ngồi nhìn cô con gái út hồn nhiên, trong sáng bằng nỗi sung sướng, hài lòng.

Mấy cô chị của cô lúc chưa lấy chồng thì đua đòi đủ thứ, đôi lúc còn ương ngạnh bướng bỉnh làm ông bà phải buồn lòng. Bù vào đó ông bà được nguồn an ủi ở cô con gái út đoan trang thuỳ mị và rất dễ dạy.

Bây giờ Ngọc Điệp đã lớn, thấy gần như tuần nào Hùng Mạnh cũng đến nhà và tỏ ra rất thương mến, quyến luyến gia đình bà. Bà cũng rất hài lòng ở tư cách cậu con trai nhà giàu này, Mạnh không ỷ lại ở sự giàu có của mình, trái lại cậu luôn khiêm tốn, tấm lòng thật hiền lương nhân hậu vô cùng.

Tuy vậy bà cũng luôn luôn lo sợ cho tương lai con gái mình không biết rồi đây có được an vui hạnh phúc bên Hùng Mạnh không?

Đợi Ngọc Điệp qua cơn xúc động, bà vỗ về bằng giọng đôn hậu:

- Không đâu. Mẹ nuôi con từ lúc mới lọt lòng đến giờ. Mẹ biết con là một đứa con hiếu thảo. Lúc con sinh tiền ba con cũng bảo thế. Ông đặt hết tin tưởng và thương yêu con. Mẹ chỉ buồn là mình đã 8 Mạnh nó rất tốt. Nếu con làm vợ nó mẹ thấy cũng an tâm nhiều. Duy có một điều gia đình của nó trên ấy quá giàu sang, còn gia đình mình đang hồi suy sụp. Mẹ ngại người ta chê gia đình mình nghèo.

Điệp trấn an mẹ:

- Tuy rằng con chưa gặp mẹ và anh trai Hùng Mạnh, nhưng ảnh bảo với con là gia đình ảnh rất bình dị, không phân biệt sang hèn, giàu nghèo đâu.

Bà Ngọc Lan còn nghi ngờ:

- Nhưng chưa gặp làm sao mình tin điều ấy được con?

Cô tươi cười nhìn mẹ:

- Anh ấy có cho con biết là ảnh đã thưa qua chuyện của con và ảnh cho mẹ ảnh biết rồi. Hiện thời vì người anh trai đang bận với công việc giao dịch cùng nước ngoài. Mẹ ảnh có hứa sẽ thu xếp việc mua bán để xuống nhà ta một lần cho biết.

- Họ tốt thì tốt nhưng mẹ cũng ngại lắm con à.

Cô nói rất thản nhiên:

- Nếu có gì không ổn thì con kêu ảnh cưới người khác chứ khó gì.

Bà nhìn con trách nhẹ:

- Tình yêu chân thật bộ tưởng dễ thay đổi lắm sao con gái? Mẹ chỉ sợ lúc đó con khóc ngày khóc đêm thôi.

Điệp thẹn thùng đỏ mặt:

- Mẹ ghẹo con không hà. Con bắt đền mẹ đó.

Bà Lan mắng yêu con gái:

- Thằng cha mày, con chó con! Lớn rồi mà chưa hay, cứ mỗi chút là bắt đền mẹ hoài.

Nỗi buồn phiền tan biến, hai tâm hồn một già một trẻ cảm thấy có một niềm tin yêu hy vọng ngập lòng Vừa mở cửa xe cho Ngọc Điệp bước vào, Hùng Mạnh đề nghị:

- Tiệc tan sớm, mình đi dạo một vòng rồi anh sẽ đưa em về nghe ''nàng tiên bé bỏng của anh''?

Điệp nguýt dài:

- Cái anh này ...

Đường đêm mát dịu, bầu trời thật trong, từng ánh sao nhỏ li ti cũng lấp lánh rõ mồn một.

Thỉnh thoảng từng cơn gió đêm thổi nhè nhẹ qua cửa xe gây cảm giác sảng khoái dễ chịu hơn khi còn trong tiệc cưới náo nhiệt, ồn ào của Thuận và Cúc.

Hùng Mạnh cho xe chạy thật chậm để hít thở không khí thật thoáng mát dịu dàng về đêm, bên cạnh người yêu.

Buông một tay lái, anh choàng qua vai Ngọc Điệp rồi nở nụ cười thật nhẹ nhàng anh hỏi:

- Hồi nãy em nói cái anh này ... làm sao hở Điệp?

Cô cười chúm chím, nhìn sang người yêu nói:

- Thì anh cũng hay ghẹo em như mẹ ở nhà vậy.

Vẫn nụ cười trên môi, Hùng Mạnh hỏi cắc cớ:

- Mẹ ghẹo hay mẹ đánh đòn hở cô bé?

Cô nũng nịu trách yêu:

- Nữa, lại ghẹo em. Đáng lẽ anh phải là con cháu gì của mẹ mới phải, giống ơi là giống!

Bóp nhẹ vai người yêu anh bảo:

- Thì anh chẳng xin đăng ký để làm rể của mẹ, mà đã là rể thì cũng như con rồi còn gì nữa.

Tát nhẹ vào má người yêu. Điệp nhìn vào mắt anh:

- Em chịu thua thôi, nói không lại cái miệng của anh.

- Miệng của anh cũng có răng như người bình thường thôi, chứ có khác gì đâu mà em nói không lại?

- Thì miệng ai mà chả có răng. Nhưng em muốn nói miệng của anh có cái đặc biệt ...

Hùng Mạnh hốt hoảng đưa một tay sờ lên miệng rồi tự hỏi thật lớn, ngụ ý cho Ngọc Điệp nghe:

- Ủa, sao miệng tôi có gì đặc biệt mà tôi không hay vậy cà?

Ngọc Điệp cười toe toét, cô đưa một ngón tay chỉ nhẹ vào môi Mạnh.

- Em muốn nói cái miệng của anh khôn đáo để.

Nghe người yêu nói, anh thở phào như vừa trút được một gánh nặng:

- Vậy là anh thua lại em rồi đấy nhé!

Ngọc Điệp mỉm cười, cô đưa mắt nhìn con đường đêm êm ả. Từng cơn gió mơn man vuốt ve đôi má mịn căng tròn đầy sức sống của lứa tuổi mộng mơ. Âm thanh buổi tiệc cưới tưng bừng như còn văng vẳng bên tai cô. Hùng Mạnh cũng nghe lòng nôn nao háo hức.

Nét mặt rạng rỡ, hạnh phúc của đôi bạn thân trong ngày cưới như để lại trong anh một dư âm nồng nàn thật thắm thiết của tình yêu.

Không ai bảo ai. Hai người cùng trầm ngâm im lặng, có lẽ đang hồi tưởng cái ngày hạnh phúc tràn đầy mà Thuận và Cúc đã nắm bắt được trong tay. Hai tâm hồn cùng cảm nhận niềm hân hoan và hy vọng ngày cưới không xa, để họ cùng hướng được cái hạnh phúc tràn trề nồng thắm như đôi bạn trẻ của mình.

Hùng Mạnh lên tiếng phá tan không khí im lặng:

- Điệp này! Đám cưới của Thuận và Cúc vui quá em nhỉ?

- Vâng! Em không ngờ hai ông bà ấy tổ chức đám cưới lớn đến như thế.

- Chưa đâu, đến chừng đám cưới tụi mình anh sẽ xin phép mẹ tổ chức linh đình hơn nữa kìa.

Ngọc Điệp nhìn sang hỏi dò:

- Thật thế không anh?

Hùng Mạnh cho xe dừng lại dưới gốc bàng lớn sát lề đường. Anh ôm nhẹ đầu người yêu ngả vào vai mình, giọng nói anh thật nồng nàn đầy tin tưởng:

- Thật chứ! Em không thấy ngày hôm nay ai cũng nhìn mình mà bảo:

"Chú rể phụ và cô dâu phụ xứng đôi vừa lứa quá" hay sao? Nghe họ nói anh cũng nôn nóng, ước gì lúc đó mình được biến thành cô dâu thật, chú rể thật thì sung sướng biết bao!

Thẹn thùng sau câu nói của người yêu Ngọc Điệp phát mạnh một cái vào đùi anh. Cô cười thật hồn nhiên nói:

- Cái anh này!

Hùng Mạnh giả bộ hỏi một cách thản nhiên:

- Chứ bộ làm cô dâu thật mà không cho anh làm chú rể thật sao? Vậy mà hôm qua anh nghe em bảo với mẹ và chị Hạnh là em đồng ý rồi. Làm hại đêm qua anh mừng không ngủ được.

Ngọc Điệp ngẩng mặt ra cô thắc mắc:

- Ủa. Em nhớ ngày hôm qua lúc anh đến chở em, chỉ xin phép mẹ đi dự đám cưới nhỏ Cúc thôi Ngoài ra đâu có nói gì chuyện của tụi mình.

Thấy vẻ ngơ ngác của người yêu Mạnh nực cười nhắc lại:

- Lúc anh mua quà cưới từ thành phố xuống. Anh mong đến nhà cho em xem có vừa ý không - và bảo em gói lại để mình cùng tặng chung cho Thuận và Cúc. Em vừa bước vào trong thì ...

Điệp cướp lời:

- Em nhớ lúc đó mẹ và chị Hai đã rầy em, sao không mua tặng bạn lại để anh phải tốn kém mua từ trên ấy mang xuống luôn cả phần của em.

Hùng Mạnh cười thật tươi ôm người yêu vào lòng:

- Bởi vậy anh mới nghe được câu em nói với mẹ và chị Hạnh là:

"Không lấy ảnh thì kỳ".

Điệp chăm chú lắng nghe, nhưng khi nghe người yêu nói dứt câu thì Điệp đấm thình thịch vào người Mạnh. Cô nũng nịu nói gằn từng tiếng:

- Này anh đừng có ăn gian em nghe, ý em muốn nói cho gia đình biết nếu em lại đi mua món quà khác, không tặng chung món quà mà anh đã mua từ thành phố mang xuống để đi đám cưới thì kỳ quá đó thôi.

Hùng Mạnh lại hóm hỉnh:

- Thì nhờ vậy anh mới được nghe câu nói làm anh cảm thấy khoan khoái vô cùng.

Rồi nâng nhẹ cằm người yêu anh căn dặn:

- Mà nè! ''Nàng tiên bé bỏng'' của anh, nhớ đừng nói với anh chàng nào như thế đó thì "chết anh nhé"!

Nói xong cả hai như hiểu ý nhau, không ai bảo ai mà cùng mỉm cười trong niềm hạnh phúc vô biên.

Bây giờ đường phố vắng lặng hơn. Hai người còn muốn ngồi bên nhau thật lâu để mãi mãi là của nhau.

Ánh đèn đường đang mờ, bỗng lóe sáng hơn rọi vào cửa xe Hùag Mạnh trông thấy rõ khuôn mặt khả ái của Ngọc Điệp thật hồn nhiên, thanh thoát, trông giống như một nàng tiên bé nhỏ kiều diễm, mà ngày còn bé anh hay đọc qua những chuyện thần thoại.

Trong ký ức anh còn nhớ rõ, nhừng nàng tiên ấy thường hiện xuống để giúp đỡ những tấm lòng hiền lương, chân thật được tròn nguyện ước của mình.

Còn bây giờ, Ngọc Điệp cũng không khác những cô tiên thần thoại ấy. Đôi mắt sáng như hai vì sao, chiếc đũa thần của cô đã giúp anh được tròn mơ ước.

Anh nghe lòng hân hoan phơi phới vì cô đã vun chiếc đũa thần ban cho anh một tình yêu kỳ diệu nồng nàn. Anh cảm thấy tự tin và sáng suốt hơn mỗi khi ở bên cô, tình yêu này đã tạo cho anh một sự vui sống và trước mắt anh là một khung trời đầy hoa hồng rực rỡ.

Anh khẽ kề đôi má tươi lắm, ấm áp của người yêu sát vào mặt mình và đặt lên đôi môi mộng của nàng một nụ hôn thật đậm đà tha thiết.

Nỗi sung sướng thầm lặng hiện rõ trên đôi gò má ửng hồng. Cô toại nguyện vì đã gặp được người trong mộng. Cô không thể che giấu được niềm vui thâm trầm mà cô tự cảm thấy mỗi khi có người yêu ở kề bên.

Hai con tim cùng hòa chung nhịp đập rộn ràng, xao xuyến của một tình yêu chân thành.

Hùng Mạnh nhìn sâu vào đáy mắt huyền ảo của người yêu nói một cách vụng về:

- Ngọc Điệp nè! Em có biết những ngày xa em là anh như bị mất đi một nửa linh hồn không?

Điệp đưa ngón tay chỉ vào trán người yêu, cô dịu dàng nói:

- Thôi đi ông bạn ơi! Đừng có xạo quá!

Giọng anh âu yếm:

- Thật mà! Em muốn anh làm cách nào để có thể chứng minh cho em biết rõ lòng anh đây hở Điệp?

Cô thấy hài lòng, vì biết rõ anh đã dành cho riêng nàng một tình yêu thật trọn vẹn.

Cô ôm nhẹ cánh tay người yêu, ngước nhìn anh bằng ánh mắt tình tứ:

- Em hoàn toàn tin tưởng và đặt hết tình yêu cho anh, cho người mà em yêu thương nhất trong đời.

Hùng Mạnh mừng rỡ hỏi:

- Có thật thế không em?

Điệp nhẹ gật đầu:

- Dù không hỏi, anh cũng thừa biết tình yêu Ngọc Điệp dành cho anh là tình yêu của một người con gái quá ngây thơ và hồn nhiên.

Rồi ngập ngừng cô băn khoăn hỏi:

- Ở nơi chốn phồn hoa muôn màu với biết bao thiếu nữ giàu sang xinh đẹp, có khi nào anh bị lôi cuốn mà quên mất em không?

Anh cười ngất, nhìn người yêu thật say đắm:

- Em chưa hoàn toàn tin ở tình yêu anh dành cho em sao?

Rồi anh tiếp:

- Đã bao lần anh rủ lên nhà anh mà em cứ ngại, chắc em cũng sẽ buồn cười như mẹ của anh vậy.

Điệp ngạc nhiên hỏi:

- Buồn cười chuyện gì?

Bật đèn trong xe cho sáng rõ. Hùng Mạnh chỉ chỗ tay lái:

- Đây này, em thấy không em đã chiếm trọn tâm hồn anh nơi nào là của anh, cái gì là của anh đều có hai chữ N.Đ.

Rồi nắm nhẹ tay người yêu đặt lên ngực mình anh tiếp:

- Cả trái tim anh đây này, em sờ thử xem nó cũng nổi bật lên hai chữ ấy.

Chỉ nhẹ vào môi Mạnh, cô cười khúc khít:

- Thôi đi ông bạn ơi đừng có lắm lời.

Mỉm cười, anh kể lại cho người yêu nghe:

- Hôm đó khi tình cờ bước vào phòng anh, mẹ anh đã hoảng hồn chạy xuống phòng khách nói với anh Hùng Minh là anh bị bệnh.

Nụ cười tắt trên môi. Điệp mở to đôi mắt:

- Anh bệnh gì vậy?

Mạnh choàng tay ôm ngang hông người yêu, anh cười kể tiếp:

- Anh có bệnh gì đâu! Mẹ anh nhìn thấy khắp phòng anh chỗ nào cũng có hai chữ N.Đ, nên mẹ mới hết hồn bảo anh Hùng Minh tìm hiểu xem anh có bệnh không để tìm cách chữa trị. Mà buồn cười lắm! Em có biết mẹ và anh Hai tưởng anh bệnh gì không?

Điệp chau mày lắc đầu:

- Em chưa hiểu nổi.

- Mẹ và anh Hai nghĩ anh mắc bệnh ''Đồng tính luyến ái" không dám nói ra nên viết bậy bạ tùm lum. Đến khi anh lấy tấm hình em chụp trên suối, lúc mình đi chơi Lâm Viên Núi Cấm. Anh đã giới thiệu tên em cùng trình bày ý định xin cưới em. Đến chừng đó gia đình mới hiểu rõ là vì anh quá thương em nên mới viết tên em như thế.

Má anh rất thương anh, anh tin chắc rằng khi gặp mặt em, mẹ anh sẽ đồng ý ngay thôi.

- Úi chà! Hay là khi gặp mặt em, mẹ sẽ thất vọng vì không được như nhưng lời anh "lăng xê" quá đáng đó ông bạn?

Hừng Mạnh quả quyết:

- Chắc chắn người anh đã chọn thì mẹ sẽ không thể nào chê vào đâu được.

- Em chỉ mong được như thế. Nhưng anh thấy đó ...

Nụ cười tắt hẳn trên môi. Điệp buồn ủ dột, giọng cô thật thương tâm:

- Sau ngày ba mất, mẹ em làm ăn sa sút, vì lo cho con, lại còn gánh thêm đàn cháu.

Mẹ hay mệt bất thường vì bệnh tim. Em không dám bỏ đi đâu, sợ mẹ bệnh thình lình, sẽ không có ai bên cạnh chăm sóc chu đáo.

Hùng Mạnh nói ngay:

- Còn chị Ngọc Hạnh ở gần bên nhà nữa chi. Em chỉ đi ít ngày thôi mà.

- Chị ấy thì bận với đàn con nhỏ nên không trực tiếp túc trực bên mẹ được. Rồi lại thêm chuyện anh làm em như là một thần tượng không bằng, ca ngợi khen em đủ thứ v.v ... Gia đình anh đã biết tùm lum ra đó, em vác ''bản mặt mốc'' của mình lên trên ấy mắc cỡ lắm. Thôi đi ...

Rồi cô thấp giọng bi quan:

- Gia đình em đang hồi suy sụp, biết mẹ anh có chịu cưới em, một cô gái nghèo nàn về làm dâu hay không?

Nắm tay người yêu bóp nhẹ, Hùng Mạnh tươi cười bảo:

- Anh đã nói với em nhiều lắm rồi. Em không tin ở những lời anh nói hay sao Ngọc Điệp?

Anh thừa biết tính của mẹ anh, chắc chắn khi gặp bà rồi em sẽ quý mến và khâm phục, vì tính tình mẹ rất nhân hậu, bình dị. Mẹ không phân biệt sang hèn mà chỉ yêu quý sự chân thật, hiền lương mà thôi em ạ.

- Nghe anh nói, em cảm thấy tạm yên tâm.

Em hy vọng tình yêu của hai đứa mình cũng được suông sẻ vả trọn vẹn như hai bạn Thuận và Cúc.

- Vậy thì em phải hứa với anh từ rày về sau không nói đến chuyện mặc cảm giàu nghèo gì nữa nhé!

- Vâng!

Nâng mặt cô anh bảo:

- Bây giờ ''cô tiên hiền dịu" của anh hãy cười lên cho anh vững niềm tin coi nào!

Sau nụ cười rạng rỡ Điệp giục:

- Mình về thôi anh, khuya lắm rồi:

- Vâng, để anh đưa em về.

Nhẹ kéo người yêu ngả vào vai mình, Hùng Mạnh cho xe lăn bánh chầm chậm dọc theo con đường vắng. Lòng anh cảm thấy thật thoải mái. Gió đêm như lùa hơi mát dịu vào tâm hồn hai mái đầu trẻ đang yêu nhau nồng nàn.

Chia tay Ngọc Điệp trước cổng nhà Hùng Mạnh còn ngẩn ngơ nhìn theo dáng dấp dịu dàng thanh nhã của người mình yêu.

Ngọn gió nào vô tình thổi nhẹ làm tung bay tà áo nàng trong đêm. Ôi! Đáng yêu làm sao chiếc áo dài màu xanh ngọc ôm gọn vóc dáng thanh xuân ...

Chương 3

Hùng Mạnh cho xe dừng lại trước căn phố lô A thuộc dãy nhà mặt tiền chợ.

Anh cười nhẹ nói với Ngọc Điệp:

- Chắc ''túp lều lý tưởng'' của họ đây rồi.

Ngọc Điệp ngồi trong xe đưa mắt nhìn ra cô cười:

- Thôi đi nhà thơ thẩn ơi! Phố lầu như vầy mà dám bảo là ''túp lềú'.

- Thì anh phải nói cho đúng sách vở chứ. Nói sai chỉ sợ cô bé cười anh.

Ngọc Điệp thật tình nói:

- Em thì "dốt'' hơn anh nhiều làm sao dám cười anh chứ.

- Đừng khiêm tốn nữa. Nhiều lúc anh cũng phải chịu thua em thôi.

Lè lưỡi thật dài, Điệp giương tròn mắt:

- Chà! Hiền dữ ta.

Lòng đầy hân hoan yêu đời, cả hai cười lên rộn rã.

Mở cửa xe cho người yêu bước xuống. Hùng Mạnh bảo:

- Em bấm chuông đi.

Ngọc Điệp e dè:

- Coi chừng không phải thì "quê" lắm.

- Hồi nãy ở bên nhà, em của Thuận đã chỉ rõ số này, lại còn nói ở sát bên cửa hiệu bán sách. Đúng rồi không thể lộn vào đâu được. Mình là dân chợ chứ phải ở quê lên đâu mà em rụt rè dữ vậy.

Nói xong không đợi Điệp, Mạnh nhanh nhẹn đưa tay bấm vào nút chuông điện.

Cánh cửa sắt vừa hé mở, Thuận thò đầu ra giọng vui mừng:

- Mạnh và Điệp đấy à?

Rồi tíu tít anh mở rộng cửa ra mời:

- Vào nhà, vào nhà đi hai bạn.

Cúc cũng bước ra mừng rỡ:

- Ủa! Sao hai người biết ở đây mà tìm đến vậy?

Ngọc Điệp vỗ nhẹ lên vai bạn trách:

- Hai người kín miệng ghê, ta và anh Hùng Mạnh phải qua nhà tìm mới được chỉ sang đây đó. Cúc cười, kéo tay bạn:

- Vào Salon ngồi đàng hoàng đã, rồi ta sẽ giãi bày sau. Đi Ngọc Điệp, đi anh Mạnh.

Nói xong, Cúc hăm hở chạy vào nhà trong bưng nước ra.

Miệng cười toe toét Cúc mời:

- Nào! Bây giờ hãy uống nước đi. Ta thành thật xin lỗi hai bạn.

Thuận tiếp lời vợ:

- Chuyện dọn sang ở đây cũng đột ngột ngoài dự tính của vợ chồng mình.

Điệp nhìn quanh nhà nói:

- Ở đây là quá êm rồi còn gì.

Xoa hai bàn tay vào nhau. Thuận nhìn hai bạn rồi nói.

- Bà chị họ của mình sang căn phố này định cho thằng con trai mới ra trường mở phòng mạch. Nhưng thằng cháu mình không đồng ý chỗ này, thấy mình mới lập gia đình, chị ấy để lại cho vợ chồng mình ở.

Cúc cười híp mắt:

- Cũng nhờ ông bác sĩ nhà ta chê nên tụi này mới có nhà riêng sớm như thế này.

Ngọc Điệp cũng cười:

- Vậy thì ông bà có phước lớn còn ai bằng nữa.

Tuy đã lập gia đình, nhưng Điệp thấy cô bạn gái thân thiện của mình, vẫn còn vẻ liến thoắng như ngày còn là cô nữ sinh, trong tà áo dài trắng thướt tha, hằng ngày hồn nhiên cắp sách đến trường.

Ngọc Điệp nhìn cặp vợ chồng mới cưới ngồi sát vai nhau, nụ cười trên môi họ như biểu lộ một niềm hạnh phúc vô biên không một trở lực nào dập tắt được.

Một thoáng ước ao Điệp mong mỗi và hi vọng ngập lòng - Ngày hạnh phúc của cô và Hùng Mạnh sẽ không thua gì đôi bạn thân thiết đang đối diện. Nhưng rồi một xáo trộn tâm tư vô tình ... Cô cố xua đuổi ngay ... Cô vững tin sẽ có một tương lai sáng rực, vì hiện tại Hùng Mạnh đang ngồi bên cô.

Cô cảm thấy trái tim mình choáng ngợp với tình yêu chân thành đầy dạt dào mà Hùng Mạnh dành cho cô, hơn cả ước mơ cô hằng ấp ủ.

Tiếng Cúc quay sang hăm he chồng làm Ngọc Điệp trở về thực tế:

- Vậy là kể từ nay bạn phải cố gắng làm để dành dụm trả tiền nhà cho chị và còn phải sắm sửa thêm nhiều món cần thiết trong nhà nữa đó nghe.

Đưa tay chỉ quanh nhà, Cúc nhìn Ngọc Điệp rồi tiếp:

- Bồ coi đấy! Nhà cửa còn trống trơn nên chưa dám ăn Tân Gia.

Theo tay Cúc chỉ, Điệp thấy nhiều đồ đạc còn ngổn ngang, chưa kịp sắp xếp. Cô vội hỏi bạn:

- Hai ông bà dọn sang đây được mấy hôm rồi?

Cúc trả lời bạn:

- Đi Đà Lạt một tuần, vừa về đến, thì bà chị sang cho hay nên mới dọn qua chỉ ba, bốn bữa nay. Anh Thuận thì đi làm, chỉ có một mình ở nhà, dọn dẹp sắp xếp mình mệt đờ cả người.

Điệp nhìn cô bạn nói xong cười bảo:

- Chà! Vậy ra hai ông bà đi hưởng tuần trăng mật ở trên Đà Lạt?

Như chợt nhớ ra, Cúc đứng lên lôi tay Điệp:

- Đi Điệp mi lên lầu với ta. Mi nói ta mới nhớ hôm ở Đà Lạt ta có mua cho mi món quà kỷ niệm đây nè.

- Quà gì thế?

Không trả lời bạn, Cúc hí hửng kéo tay Điệp đi thẳng lên phòng.

Thuận nhìn theo lắc đầu nói:

- Bà xã mình vẫn mang tính như trẻ con, không như Điệp điềm đạm, trầm tĩnh:

Hùng Mạnh cười nhẹ:

- Những người bản tính như Cúc ít khi mang sầu khổ lắm.

Thuận đồng tình:

- Đúng đấy. Hình như chỉ sau một giấc ngủ là bà xã mình quên mất mọi chuyện buồn phiền, có gì lo toan bà ta chỉ ra lệnh cho mình phải thi hành thôi.

- Miễn sao đừng bắt mình thi hành những chuyện có hại là được rồi phải không Thuận?

- Ờ! Bà xã mình bên ngoài cái miệng "bi bố', nhưng trong lòng rất tốt, lại dễ mủi lòng về thương người gặp cảnh khốn khó lắm.

- Vậy thì, Thuận yên ổn tấm thân rồi đấy nhé! Ráng lo kiếm một cậu hoàng tử để nựng nịu cho vui nhà vui cửa với người ta.

Thấy ý bạn cũng rất phù hợp với mình, Thuận tán đồng ngay:

- Bồ nói đúng đấy Hùng Mạnh. Tuổi của mình bây giờ mà có được một đứa con - Dù trai hay gái cũng được. Để chiều chiều rảnh rỗi, chở vợ con đi dạo mát thì cũng là niềm hạnh phúc lớn trong đời.

Vỗ mạnh vai bạn Mạnh kết luận:

- Vậy là nhất rồi, còn gì bằng nữa bạn ơi.

Hai người cùng cười thật vui vẻ như đang mong muốn được hưởng cái diễm phúc như bao cặp vợ chồng trên đời này.

Mạnh bưng ly nước uống xong hỏi bạn:

- Thuận đi làm lại từ hồi nào vậy?

Nhìn bạn Thuận đáp:

- Đi Đà Lạt! Về hôm thứ bảy đến sáng thứ hai là mình đi làm trở lại.

- Còn Cúc, có định đi làm chung với Thuận không?

- Chờ ổn định nhà cửa xong xuôi, chắc phải lo một số vốn vì bà xã mình muốn mở cửa hàng tại nhà để buôn bán dụng cụ học sinh.

- Ở đây là trung tâm phố chợ Cúc tính thế cũng tiện đó Thuận.

Chợt Thuận hỏi bạn:

- Còn bồ và Điệp đã định ngày cưới chưa?

Nghe bạn hỏi, nét rạng rỡ trên gương mặt Hùng Mạnh lộ hẳn ra, anh thân mật nói:

- Mình thì trong tư thể sẵn sàng thôi.

Thuận hỏi tiếp:

- Bác gái và anh Hùng Minh đã xuống coi mắt nàng dâu tương lai chưa?

Mạnh cười, giọng anh vững tin:

- Tuy rằng chưa có dịp xuống xem mắt, nhưng mình tin tưởng với tư cách dịu dàng, Ngọc Điệp chắc hẳn sẽ gây được thiện cảm với gia đình mình thôi. Hơn nữa mẹ mình rất dễ thông cảm, nhất là trong vấn đề hôn nhân.

Thuận ghẹo bạn:

- Như vậy có nghĩa là "cậu út" chịu đâu là bà già sẽ cưới đó phải vậy không?

Hùng Mạnh chỉnh lời bạn liền:

- Nhưng với điều kiện là nàng dâu phải đàng hoàng tử tế. Lạng quạng là coi chừng cả hai bị đuổi ra khỏi nhà không kịp đó.

Giọng tấn công Thuận tiếp:

- Vậy còn chờ gì mà không chịu tiến hành cho sớm để vợ chồng tụi này đi ăn trả lễ chứ!

Ngọc Điệp và Cúc từ trên lầu vừa đi xuống - Nghe chồng nói thế Cúc cũng tán đồng - Cô vỗ mạnh vai bạn nói to:

- Ờ phải đó Ngọc Điệp, bồ và anh Mạnh tính gấp gấp đi đặng cho tụi này đi ăn đám cưới với chứ. Đừng có ăn gian là không được đâu nhé.

Hùng Mạnh đưa mắt nhìn Ngọc Điệp, anh trả lời vợ chồng bạn bằng vẻ buồn buồn:

- Kẹt một điều là phải chờ Ngọc Điệp mãn tang.

Nghe Hùng Mạnh nói Cúc và Thuận mới chợt nhớ lại ngày ba Ngọc Điệp mất. Hai đứa đã đến chia buồn cùng gia đình cô. Ngày ấy Điệp đau khổ vô cùng vì mất người cha thân yêu. Thuận và Cúc phải luôn bên cạnh Điệp, vì cô quá xúc động ngất đi mấy lần.

Gia đình Điệp chỉ toàn là chị em gái, nên Thuận cũng phờ người vì phụ tiếp mọi việc trong ngoài.

Thuận mỉm cười một mình với ý nghĩ, phải chi anh giới thiệu Hùng Mạnh cùng Ngọc Điệp cho họ quen nhau trước thì anh đỡ phải vất vả.

Và thật là hi hữu, chính anh cũng không ngờ chỉ nhờ một tai nạn xảy ra ngoài ý muốn mà họ đã quen và yêu nhau thắm thiết đến dường này.

Cúc liếc nhìn Mạnh và Điệp ngồi bên nhau, cô thân mật nói:

- Nhưng không còn bao lâu nữa trai tài gái sắc sẽ đẹp đôi thôi.

Thuận lên tiếng mời:

- Hôm nay hai bạn ở lại ở dùng cơm với hai vợ chồng tôi nghe.

Cúc tán thành ngay ý kiến của chồng:

- Ờ! Đúng rồi đó. Hôm nay nhất định hai người phải ở lại dùng bữa cơm thân mật với tụi này.

Ngọc Điệp áy náy:

- Hai ông bà còn lu bu quá để hôm nào rảnh rỗi hơn sẽ tính.

Cúc phản đối:

- Không được từ chối, nhất định là hôm nay thôi. Từ lâu rồi bốn đứa tụi mình chưa có dịp hàn huyên tâm sự với nhau, hôm nay là nhà riêng mình tâm tình thoải mái hơn.

Hùng Mạnh hỏi:

- Vậy thì ''bà chủ nhà'' có cần tôi đưa đi chợ không nào?

Cúc nhanh nhẹn đứng lên vừa đi vào nhà bếp vừa trả lời Mạnh:

- Khỏi cần tài xế vì chợ kế bên đây thôi. Anh và anh Thuận ở nhà nói chuyện chơi tôi và Điệp đi chợ làm bếp đãi hai ông được rồi.

Thoáng một cái, Cúc đã trở ra trên tay cầm chiếc giỏ đi chợ còn mới tinh cô giục bạn:

- Đi Điệp, hôm nay hai đứa mình sẽ trổ tài nội trợ cho hai ông ấy phục mình sát ván uôn.

Thuận nhìn vợ ghẹo:

- Chà, hay là lại cho khách ăn nồi cơm ba tầng như ngày hôm qua em cho anh ăn đó nghe.

Đã ra đến cửa, nghe nói thế Cúc quay lại nguýt yêu chồng:

- Ê! Ông bạn đừng có nói xui xẻo nghe.

Hôm nay không còn cúp điện, em sẽ nấu cơm điện thì khỏi phải lo chuyện đó nữa.

Còn lại hai người thanh niên miệng mỉm cười sung sướng nhìn theo bóng người mình yêu thương với vẻ đầy trìu mến.

- Mẹ định đi ngoại đám giỗ mấy hôm mới về?

Ngọc Điệp vừa cho quần áo của bà Ngọc Lan vào chiếc túi xách vừa nhìn mẹ mà hỏi:

Bà Ngọc Lan với tay lấy thêm chiếc khăn choàng cổ máng trên móc trao cho con gái bảo:

- Con xếp thêm chiếc khăn choàng này bỏ vào xách cho mẹ, để lên xe mẹ choàng cho ấm. Mẹ chỉ đi khoảng bốn năm hôm là về thôi.

Ngọc Điệp nhìn mẹ nũng nịu:

- Mẹ đi gì lâu thế? Bỏ con ở nhà một mình buồn lắm.

Bà bước đến gần xoa nhẹ đầu con gái. Giọng thật trìu mến mắng yêu:

- Đồ chó con, sắp sửa có chồng đến nơi, còn nhõng nhẽo với mẹ nữa hả? Không sợ người ta cười cho.

- Chứ mẹ đi gì mà lâu quá!

- Con coi, năm rồi mẹ bận không về được. Năm nay đám giỗ bà Hai con - là dì của mẹ. Mẹ về thăm ngoại luôn. Lâu lâu mới về một lần, bà con nào gặp mình cũng mừng rỡ, níu kéo ở lại không cho về sớm. Không chừng cả tuần mẹ mới về tới, ở nhà đừng có không nghe.

Giọng cô đầy vẻ lo âu:

- Mẹ hay bệnh bất ngờ, mà đường sá đầy về tới ngoại cũng xa xôi con thấy không yên lòng.

- Không sao đâu con, mẹ nghe trong người khỏe hơn trước nhiều lắm.

Điệp nắm tay mẹ đề nghị:

- Hay là để con sửa soạn cùng đi với mẹ nghe.

Bà Lan nhìn sững con gái bảo:

- Rồi bỏ nhà sao con? Không được đâu.

- Mẹ yên tâm đi có chị Hạnh và mấy cháu ở gần. Cùng lắm mình nhờ hai cháu lớn qua ngủ vào đêm trông chừng nhà dùm.

- Ờ! Ơ! .... nhưng còn chuyện đi làm của con nữa. Hôm qua con không nhớ vợ chồng Cúc bảo con hãy chuẩn bị để bao giờ Thuận đến báo là đi nhận việc liền hay sao?

- Thì chừng con về sẽ nhận việc sau cũng được mà.

- Ý! Nói như con đâu có được. Mình đang cần việc làm chứ người ta đâu có cần mình. Thuận nó nghĩ tình bạn bè nên mới cố sức lo lắng để giới thiệu con vào công ty.

Đừng để vì mình mà nó mất uy tín với người ta sẽ khó coi lăm đó.

Điệp trầm ngâm suy nghĩ lời mẹ nói không sai. Từ lúc mới nghỉ học cô đã cố tìm một chỗ làm đàng hoàng để phụ tiếp nuôi mẹ lúc già yếu ốm đau. Đi tới đâu người ta cũng hứa hẹn, nhưng cô đã chờ đợi một cách vô vọng.

May mà Cúc biết được nên bảo Thuận xin cho Điệp làm chung công ty của anh. Vậy mà hơn sáu tháng nay cô mới được vợ chồng Cúc qua báo tin là Ban Giám đốc vừa chấp thuận hồ sơ của cô.

Chính cô cũng thấp thỏm chờ đợi ngày nhận việc đầu tiên trong đời. Nhưng vì lo ngại sức khỏe của mẹ khi phải đi đường xa, nên cô quên bẳng điều này.

Vẻ lo lắng hiện rõ trên nét mặt, Ngọc Điệp nằn nì:

- Mẹ à, cứ mặc kệ, hãy để con cùng đi chứ mẹ đi một mình con thấy không yên lòng chút nào.

Nhận thấy lòng hiếu thảo của con, bà Lan nghe nghẹn ngào. Trong số bốn đứa con gái chỉ một mình Ngọc Điệp là thùy mị, dễ dạy nhất. Từ nhỏ, lòng hiếu thảo của cô đã bộc lộ rõ qua những câu nói thật ngây thơ, hồn nhiên. Không như ba cô gái lớn chỉ biết vòi vĩnh cho cá nhân, ít khi quan tâm đến người khác.Bà thầm thương cho Điệp phải sớm lăn lóc ra đời vì cuộc sống của gia đình.

Bà cố gượng làm vui:

- Thôi đi cô ơi! Làm bộ lo cho mẹ. Mai mốt có chồng rồi quên bà già này tuốt luốt.

Ngọc Điệp nghe nói thế liền giẫy nảy, cô giậm nhẹ hai chân xuống nền nhà.

Giọng cô thật ngọt mềm:

- Mẹ lại ghẹo con nữa rồi, con chưa thèm có chồng bây giờ mà bỏ mẹ đâu.

- Chao ôi! Cái ''sách'' của mấy cô tôi quá rành.

Rồi đưa chiếc khăn lau nhẹ những giọt mồ lấm tấm trên trán, bà cười nhẹ nói tiếp:

- Không thấy Cúc đó sao? Mới ngày nào qua đây còn nói ríu ra ríu rít "Con còn nhỏ chưa lấy chồng đâu bác ơi, anh Thuận còn phải chờ thêm vài năm nữa con mới chịu ưng".

Thế mà mới tốt nghiệp cấp ba không bao lâu là đã gởi thiệp hồng báo tin rồi.

Nghe mẹ dẫn chứng quá đúng, Điệp sượng sùng hai má ửng hồng, cô ôm mẹ cười ngặt nghẽo.

- Mẹ hay quá! Con không thể hiểu biết bằng mẹ rồi.

Ôm đầu Điệp vào lòng, bà vỗ nhè nhẹ vào má đứa con thân yêu:

- Mẹ nuôi con lớn tồng ngồng cái đầu ra như thế này rồi, bảo sao không hiểu biết hơn con được. Hở con gái cưng?

Ngọc Điệp cảm động trước tình mẹ. Cô ôm bà như không muốn rời xa.

- Nhưng mẹ ơi, con chỉ muốn được ở gần bên mẹ thôi.

Đưa mắt nhìn ra khoảng trời xa như nhớ lại chính bản thân mình. Giọng bà trầm ấm dạy con:

- Nhưng không phải mình muốn là được toại nguyện đâu con.

- Sao kỳ vậy hở mẹ?

- Sống tới từng tuổi này. Mẹ mới biết:

"Ngườí nào được toại ước nguyện là người đó có diễm phúc nhất trên đời".

Ngọc Điệp ngước nhìn lên thấy ánh mắt mẹ đượm nét u buồn xa vắng. Sợ tâm tư mẹ xúc động mạnh, sẽ ảnh hưởng đến bệnh tình. Điệp đứng lên cố nói cho mẹ vui.

- Đây này, để con lấy hộp thuốc mà con đã chuẩn bị từ ngày hôm qua cho mẹ đem theo. Nào là thuốc cảm, thuốc đi xe tàu bị chóng mặt nôn ói, thuốc tiêu và nhứt là thuốc khỏe để mẹ uống khi bị mệt bất ngờ như ở nhà. Mẹ thấy con gái của mẹ có giỏi không nè? Mẹ hãy khen một tiếng cho con gái út lên tinh thần coi nào.

Nghe con say sưa nói một tràng dài. Lòng tràn ngầp niềm vui, bà Ngọc Lan thấy thật hài lòng và mãn nguyện trước cử chỉ của con. Một thứ tình thương thiêng liêng, cao cả đang dạt dào dâng cao. Bà nghe lòng ấm cúng lạ thường bên đứa con gái mảnh mai, nhưng không kém phần thông minh và đầy ắp sự hiếu thảo.

Bà vừa khen vừa cảnh giác con:

- Chó con! Giỏi lắm đấy! Nhưng mai mốt có chồng rồi đừng có biểu mẹ chồng khen như vậy nghe ''cô nương". Người ta sẽ cười cho thúi đầu.

- Ơ, con cũng biết lựa thời thế chứ bộ ngu lắm sao mà mẹ lo lắng cho thêm nhọc lòng.

Nói xong cô chạy đến ôm mẹ, hôn thật mạnh vào đôi má gầy gò của mẹ, cô tiếp:

- Con chỉ dám nhõng nhẽo với mẹ của con thôi, chính là người mẹ thân yêu này nè.

Niềm vui chợt tắt trong lòng khi bà nghĩ đến ngày phải gả con gái út lấy chồng xa xứ.

Một hạnh phúc bé nhỏ mà ấm cúng cuối cùng trong đời bà cũng sắp xa rời. Con trẻ nào biết được lòng mẹ già đang rối bời bời trước vẻ vô tư của một cô gái trẻ sắp về làm vợ, làm dâu người xa lạ.

Bà nén lòng hỏi con:

- Ngọc Điệp à! Tuần này thằng Hùng Mạnh có xuống không con?

- Dạ, anh Mạnh điện cho con hồi sáng, bảo không xuống được vì anh Hai của ảnh bận đi liên hệ chuyện công ty ở nước ngoài. Còn mẹ ảnh cũng định về quê đám giỗ.

- Anh ấy bảo con đừng trông vì anh phải coi cửa hàng bán vàng bạc thay cho mẹ. Bao giờ bà về ảnh sẽ xuống ngay.

Rồi Ngọc Điệp thẹn thùng hạ giọng:

- Anh ấy còn gởi lời kính thăm mẹ và chị Hạnh nữa đó.

Nghe con nói bà Lan chép miệng:

- Thằng Mạnh nó được quá! Mẹ bằng lòng gả con cho nó, không phải vì biết nó là con nhà giàu. Vả lại mẹ cũng chưa hề biết mặt mũi mẹ nó lần nào. Mẹ thương là thương chỗ tính tình nó, tuy giàu nhưng rất khiêm nhường, không ỷ lại, tự cao như nhiều cậu con nhà giàu khác. Không biết mai sau nó có thay đổi hay không, chứ bây giờ con có được tấm chồng như nó là có phước lắm đó.

Mẹ vừa nói dứt lời. Ngọc Điệp e lệ tay mân mê chiếc cúc áo. Chính cô cũng mến Mạnh qua những bản tính ấy. Lần đầu gặp anh, cô thấy cảm mến ngay cái con người chững chạc với nụ cười thật trầm ấm hiền hòa.

Chợt nhớ lời Hùng Mạnh cô thảng thốt nói thêm:

- Mà mẹ ơi! Anh ấy còn nhờ con thưa qua với mẹ là gia đình anh đã thu xếp xong cả rồi. Chỉ còn đợi anh Hai của ảnh về chuyến này là ...

Nói đến đây Điệp e thẹn cúi đầu vân vê tà áo.

Thấy con gái nói ấp úng không thành câu, bà Lan đỡ lời con:

- Là họ xuống nhà mình để xem mắt nàng dâu bằng xương bằng thịt phải không nào?

Bẽn lẽn, Ngọc Điệp nhẹ gật đầu:

- Dạ!

Thấy mẹ bỗng thở dài, Điệp ngạc nhiên hỏi:

- Có chuyện gì thế mẹ?

Giọng thật não nuột, bà Lan đáp:

- Mẹ lo quá con à.

- Mẹ lo gì?

Bà Ngọc Lan lại chép miệng thở dài:

- Chưa tới chuyện thì trông, chừng sắp tới chuyện thì lòng mẹ lại thấy áy náy lo ngại quá con à.

Tuy không biết được cặn kẽ ý của mẹ, Điệp cũng tâm sự:

- Con cũng vậy đó, hồi sáng này lúc nghe ảnh nói gia đình sắp xuống nhà mình con cũng run làm sao ấy.

Nói xong cô ngước lên nhìn mẹ, ánh mắt biểu lộ niềm hân hoan cùng nỗi bồn chồn.

Cô hằng coi mẹ như một người bạn thân thiết chia xẻ vui buồn cùng cô.

Cô thủ thỉ thêm:

- Mẹ ơi! Con sợ mình nghe nhầm nên hỏi lại ảnh đến hai lần mà tay em run run, chút xíu nữa là buông rơi điện thoại rồi.

Mẹ xí vào trán cô mắng yêu:

- Con hư quá, không sợ người ta cười cho.

Cô nhìn mẹ cười:

- Đâu ai mà biết tâm trạng của con lúc đó. Con chỉ dám nói cho một mình mẹ nghe thôi.

- Không chừng đến lúc bưng nước cho mẹ chồng uống, cô dám buông rơi để cả ly tách bể tan tành lắm.

Ngọc Điệp ngây thơ hỏi lại mẹ:

- Mình khỏi bưng nước ra được không mẹ?

- Chao ôi! Sao con gái mẹ hỏi lạ. Tục lệ của ông bà xưa để lại là vậy đó, mình không làm thế thì coi sao được con.

Điệp lè lưỡi thật dài, cô lắc đầu nói:

- Khó quá chừng, con sợ giờ phút đó lắm.

Bằng kinh nghiệm của mình bà bảo với con:

- Đó chỉ là cái khó rất nhỏ trong quãng đời làm dâu của người con gái thôi con à.

Tròn mắt ngây thơ nhìn người mẹ già đã dày dạn phong trần, Điệp nhíu mày như thắc mắc - Trong tương lai cô sẽ còn phải đối đầu với muôn vàn cái khó khăn lớn lao hơn nữa ư?

Cô tự ví lời mẹ nói sao giống như một áng mây mù chực chờ bao phủ khung trời đầy màu hồng, hạnh phúc của tình yêu, mà cô và người yêu đang dang rộng đôi tay ôm vào lòng bằng một niềm tin mãnh liệt. Với tình yêu của Mạnh, cô tin rằng, những khó khăn cỏn con ấy cô sẽ khắc phục được thật dễ dàng.

Bằng lòng với ý nghĩ này, cô mỉm cười một mình và thì thầm ''có phải thế không hở ,anh Mạnh yêu dấú'?

Chợt tiếng đứa cháu gái - Con chị Hạnh, kéo cô trở về thực tại.

- Dì út ơi! Mẹ con kêu dì bước qua nhà, để mẹ con gởi chút ít đồ cho ngoại về cúng đám giỗ.

- Ừ, ừ dì sẽ qua liền.

Sáng hôm sau Điệp đưa mẹ ra bến xe, đợi xe chuyển bánh rời bến cô mới yên lòng quay trở về nhà. Mới vắng mẹ chưa đầy một tiếng đồng hồ mà cô cảm thấy căn nhà vắng lặng, buồn bã quá! Làm gì bây giờ? Cô tự hỏi mình rồi thờ thẫn gieo mình xuống chiếc ghế cạnh cửa sổ.

Buổi sáng khí trời se lạnh. Một chú chim non đơn lẻ đậu trên cành mận hồng đào trước sân nhà hát ríu rít. Không biết chú chim kia hót chào buổi sáng hay đang chơ vơ lạnh lẽo trên cành gào thét tiếng kêu 1ạc đàn?

Một làn gió nhẹ đưa hơi lạnh qua khung cửa sổ tạt vào người - Ngọc Điệp rùn mình thấy lạnh - Cô co rút người lại đưa hai tay ôm lấy vai.

Lạnh ngoài trời nhưng tâm hồn cô cảm thấy ấm cúng lạ thường.

Cuộc đời của cô bây giờ có hai chỗ dựa thật vững chắc. Một là tình thương bao la của mẹ hiền. Hai là tình yêu nồng thắm của Mạnh không biết giờ này anh đã dậy chưa nhỉ?

Buổi sáng bừng mở mắt, ý tưởng đầu tiên trong ngày anh có dành cho em không anh nhỉ?

Riêng em, thời gian trống rỗng này làm em càng tưởng nhớ đến anh thật mãnh liệt.

Giờ này nếu anh xuất hiện như mọi khi, anh đi trên con đường lót đá xuyên khoảng sân rộng để đến bên cô, thì còn niềm vui nào hơn?

Cô thầm mong mỏi thời gian trôi qua thật nhanh để cô và Hùng Mạnh thực sự được ở bên nhau, để không còn sự cách ngăn bởi thời gian oái oăm như muốn kéo dài ra thêm.

Sức sống của một ngày mới và tương lai hạnh phúc đang dang rộng đôi tay đón chờ làm Điệp cảm thấy hân hoan, yêu đời hơn bao giờ hết, cô bước đến chiếc máy thâu băng, đưa tay ấn nhẹ nút. Giọng của người ca sĩ cất lên bản nhạc thật trữ tình.

Ngày tôi về em là dâu ngày cưới.

Yêu đương gió mây em ở với tôi.

Một căn nhà lá, một ánh trăng vơi.

Một giàn thiên lý em ơi! Chúng mình đắm trong hương đời ...

Đúng đó anh Mạnh! Dù anh có xe hơi nhà lầu, nhưng em không màng, em chỉ muốn mình là trọn vẹn của nhau.

Đôi lúc cô tự xét lòng mình có phải chăng mình yêu anh ấy vì sự giàu sang phú quí?

Không, nhất định đây là tình yêu chân thật đầu đời người con gái. Chính đáy mắt của anh đã làm cô lúng túng trong ngày đầu mới gặp. Miệng anh nhoẻn cười làm tâm hồn cô bối rối. Để rồi hình bóng ấy đã chiếm trọn quả tim cô tự lúc nào cô cũng không hay.

Bây giờ chỉ còn một bước ngắn nữa là cô thấy thỏa nguyện với người tình lý tưởng.

Cô chỉ ước ao bình dị - Dù sống trong mái nhà tranh. Miễn sao hai quả tim non tràn đầy hạnh phúc là đủ thỏa ước mơ.

Miên man trong ý nghĩ màu hồng, Ngọc Điệp tự đặt mình sẽ là một người vợ ngoan hiền, đảm đang, chắc chắn rồi đây Hùng Mạnh sẽ vui sướng, mãn nguyện như lời anh thường bảo với cô nếu được mãi mãi có cô bên đời anh.

Điệp ngả hẳn người ra chiếc ghế dựa. Cô nhìn bầu trời đầy mây xanh lơ lửng. Bây giờ đã có một vài tia nắng nhạt chiếu xuống khu vườn nhà cô. Một tình yêu hừng hực cho cô càng thấy buổi sáng hôm nay đẹp làm sao!

Từ nhỏ đến giờ cô chưa lần nào dậy sớm như ngày hôm nay. Cô thấy tiếc rẻ những buổi sáng tươi đẹp mà cô chưa khám phá ra được.

Ngọc Điệp bước từng bước thật thoải mái ra sân. Cô vừa đưa tay làm được vài động tác thể dục, thì nghe tiếng chị Hạnh cất lên hỏi:

- Mẹ đi rồi hả Điệp?

Cô vẫn tiếp tục những động tác, miệng trả lời chị:

- Dạ.

Chị Hạnh bước lại gần hơn hỏi gắt gỏng:

- Mẹ yếu lắm, cô có đưa mẹ đi không?

Ngọc Điệp vẫn thản nhiên trả lời chị:

- Dạ, em đã đưa mẹ ra tận bến xe từ sáng sớm rồi chị à.

Nghe tiếng bước chân chị có vẻ nặng nề. Điệp liền dừng tay, cô quay lại nói thêm cho cho chị an tâm:

- Em có dặn mẹ thật kỹ, nếu có gì thì điện về em sẽ xuống ngay.

Điệp cười thật tươi bảo tiếp:

- Được dịp về quê ngoại, mẹ vui mừng lắm. Sáng nay em thấy mẹ ngồi trên xe gương mặt thật tươi tỉnh, còn ở nhà thấy mẹ lúc nào cũng ủ dột. Xe chạy rồi em mới yên tâm trở về nhà đó.

Rồi chợt nhớ ra, Điệp nhìn sững vào mặt chị hỏi:

- Ủa hôm nay chị không đi bán à?

- Đêm hôm thằng út nó cứ nóng hầm hầm, tôi phải thức canh chừng tới khuya. Đến chừng mòn mỏi ngủ quên đến sáng bét thì còn làm bánh trái gì kịp nữa mà đi bán.

Điệp nôn nóng:

- Sao chị không kêu em hay để em đưa thuốc cho cháu uống?

Ngọc Hạnh lạnh lùng đáp:

- Sợ làm phiền cô, nên tôi còn mấy viên thuốc cảm đã cho nó uống đỡ.

Càng lo lắng hơn Điệp hỏi chị:

- Bây giờ cháu đã hết sốt chưa? Để em sang xem thế nào. Nếu không bớt thì mình nên chở cháu đi bác sĩ khám.

Hạnh ném ánh mắt không hài lòng sang cô em út:

- Hở một chút là đi bác sĩ, bộ cô tưởng tôi giàu có lắm hả?

Điệp cố giải thích:

- Thì mình đưa cháu vào bệnh viện để bác sĩ khám, rồi mua thuốc theo toa cho cháu uống cũng vững bụng hơn, mà không tốn kém bao nhiêu đâu chị Hai à.

Hạnh không thèm chú ý đến lời nói của Ngọc Điệp, cô tiếp tục gắt gỏng em gái:

- Làm ra đồng tiền đâu phải là chuyện dễ. Cô cứ quen cái "kiểu sẵn tiền của cha mẹ mà xài cho sướng tay", chứ nào chịu làm kiếm tiền mà sống đâu.

Nghe chị nói, Điệp thật ngỡ ngàng. Lòng cô nghe quặn thắt. Không phải đến ngày hôm nay, mà mấy lúc sau này, càng ngày chị Hạnh càng nhìn cô bằng ánh mắt không chút thiện cảm.

Đôi lúc những lời hằn hộc bóng gió của chị làm cô thoáng buồn. Nhưng cô hoàn toàn không hề than vãn cho mẹ biết. Đến hôm nay cô mới biết rõ thâm ý của chị mình.

Ngọc Điệp nén lòng bảo:

- Chị Hai à, em đâu phải biếng nhác không lo làm kiếm tiền phụ giúp cùng mẹ. Chính ngày hôm nay, mẹ bảo em ở nhà, để mẹ đi một mình về ngoại. Vì sợ vợ chồng Cúc qua tìm em để báo tin nhận việc.

Ngọc Hạnh liếc xéo:

- Đợi với chờ. Thực tế là hơn. Cô đợi nhận việc làm đã bao lâu rồi? Ở đó mà tin bạn bè. Như tôi này! Gánh một gánh xôi, bánh tầm chỉ trong một buổi sáng là dư tiền cơm gạo trong ngày rồi.

Điệp khổ sở nhìn chị:

- Nhưng em yếu đuối, lại không quen việc mua bán.

Hạnh liếc nhìn Điệp nói:

- Tôi biết từ nhỏ cô đã được ba mẹ cưng chiều cho ăn học sung sướng, nên bây giờ cô chỉ mộng làm bà chủ thôi.

Ngọc Điệp cố giãi bày cho chị hiểu:

- Chị à! Không phải em mộng cao sang gì đâu.

Hạnh càng mỉa mai:

- Không mộng cao mà sợ gánh xôi, bánh tầm đi bán như tôi thì xấu hổ. Tôi nói thật.

Nếu cô chịu đi buôn gánh bán bưng thì cô thừa sức nuôi mẹ.

Ngọc Điệp nhăn nhó:

- Thì em cũng đang chờ nhận việc. Bao giờ có việc làm ổn định thì em sẽ dành dụm bằng tiền lương hằng tháng để nuôi mẹ.

- Xời ơi! Ở đó mà đợi dài cả cổ ra. Tôi đã đi bán rong đây đó, nghe rất nhiều người than phiền con họ đậu Đại học còn tìm việc làm không ra. Học như cô thì bằng lai nào của người ta mà hy vọng.

Hạ thấp giọng Điệp cố giải thích, để xua tan ý nghĩ nông cạn của chị:

- Nhưng anh Thuận là chỗ quen thân như người nhà. Anh ấy nói chắc chắn là công ty sẽ nhận em vào làm một ngày gần đây thôi.

- Ừ, nhắc đến Thuận, tôi mới nhớ đến thằng Hùng Mạnh trên thành phố, vì sợ mẹ buồn nên có mặt mẹ ở nhà tôi không dám nói. Bây giờ tôi hỏi thật. Cô có dám chắc thằng Mạnh có thật lòng với cô không?

Đan những ngón tay vào nhau. Điệp nhìn xuống trả lời chị:

- Thì ảnh đến nhà mình thường xuyên chắc chị cũng nhận xét được.

Ném ánh mắt trừng nhìn vào mặt đứa em gái. Hạnh nói:

- Tuổi của cô mới lớn thì đầy mộng với mơ. Nó cứ hứa hẹn hoài nhưng nào thấy gia đình nó vác mặt xuống đây. Cô thì tin tưởng lắm, cứ đi chơi với nó. Hết đám cưới này đến đám tiệc kia khuya lơ khuya lắc mới về.

Ngọc Điệp nghe chị nói chỉ biết gục mặt mà hai hàng nước mắt lăn dài.

Ngọc Hạnh càng lạnh lùng nói như tát gáo nước lạnh vào mặt Ngọc Điệp:

- Coi chừng có ngày biết cô mang bầu rồi người ta bỏ luôn. Tôi sợ cô không được gả chồng đàng hoàng như ba cô chị của cô đâu.

Nước mắt cứ chảy dài, Điệp ngồi bệt xuống đất tự bao giờ và chị Hạnh cũng đã bỏ đi lúc nào cô không hề hay biết.

Chương 4

Tiếng huýt sáo bản nhạc vui từ trên lầu vọng xuống phòng ăn làm bà Hùng Dũng phải nhìn con trai cả nói:

- Coi đó Hùng Minh! Con trai đòi vợ mà được gia đình chấp thuận thì yêu đời hẳn ra.

Vừa lắc đầu, Hùng Minh vừa nhìn mẹ cười đồng tình:

- Chú út nhà mình cứ hối mãi, nó bảo con thu xếp cho thật sớm để đưa mẹ con mình đi xem mắt nàng dâu tương lai.

- Trai tơ mà đòi vợ thì như thế đấy. Bởi vậy ông bà xưa mình có đặt mấy câu ...

Hùng Mạnh vừa bước xuống tới bậc thang cuối cùng đã lớn tiếng:

- Mẹ và anh Hùng Minh nói xấu con đấy à?

Hùng Minh ngước mắt nhìn em cười ý nhị:

- Không có nói xấu chú đâu. Hãy ngồi đúng vị trí ở bàn ăn rồi nghe mẹ nói:

Hùng Mạnh trố mắt ngạc nhiên:

- Có chuyện hở mẹ?

Bà cười vui theo cái vui của hai đứa con trai thân yêu. Bà định trả lời Hùng Mạnh thì Hùng Minh đã cướp lời mẹ:

- Mẹ và anh đợi chú ở bàn ăn tối này lâu lắm rồi chú có biết không?

Nhìn anh trai, Hùng Mạnh trả lời tự nhiên:

- Thì lúc chị bếp lên gọi xuống ăn cơm, em có nhờ chỉ nói lại với mẹ và anh cứ ăn trước, em lỡ tay sửa soạn đồ đạc, một chút sẽ xuống ngay mà.

Lúc này bà Hùng Dũng mới nhìn con trách yêu:

- Ý là mới chuẩn bị thôi mà đã như thế. Mai mốt đây cưới vợ về rồi chắc Hùng Mạnh sẽ bỏ rơi mẹ và anh Hai mất.

Hùng Mạnh vội vã cầm đũa nhìn mẹ phân bua:

- Không có đâu! Con xin lỗi mẹ và anh. Xin mời mẹ dùng cơm mời anh hai dùng cơm.

Hùng Minh chưa buông tha em nên tiếp tục tấn công:

- Mẹ xem chú út nhà mình khôn khéo ghê chưa? Thảo nào mà chả qua mặt con.

Hùng Mạnh để nhẹ chén cơm xuống bàn nhìn anh thắc mắc:

- Em có qua mặt anh cái gì nào?

Ngừng đũa, Hùng Minh trả lời:

- Không khéo đám cưới của chú mà người ta tưởng lầm là đám cưới của anh. Vì anh chưa tìm người hợp ý để cưới thì em đã qua mặt cái vèo rồi.

- Ai biểu anh khó tính làm chi. Anh đã đi khắp cùng trong nước cả nước ngoài mà không được ý trung nhân, cho đáng đời.

- Ơ! Anh nào có khó tính gì đâu? Chẳng qua anh muốn lựa chọn cho mẹ có được một nàng dâu thảo và em anh có được một người chị dâu xứng đáng thôi.

Hùng Mạnh gật đầu:

- Vậy ra là thế! Con đã hiểu lầm, xin anh đừng phiền em nghe.

Hạ thấp giọng Hùng Minh, như tâm sự cùng em trai:

- Dòng họ bà con mình đã thất lạc nhiều, mẹ chỉ còn hai anh em mình là nguồn sống của mẹ thôi. Anh đã quyết lòng tạo nên sự nghiệp tiếp mẹ cũng vì muốn lo cho tương lai của em thôi.

Hùng Mạnh quên cả ăn, anh sửng mắt nhìn anh trai bằng ánh mắt kính mến thương yêu vô cùng.

Bà Hùng Dũng lên tiếng:

- Hai con hãy ăn nhanh lên rồi ra phòng khách, tối nay mẹ có chuyện cần bàn với hai con đó.

Hùng Minh hỏi mẹ:

- Chắc không ngoài chuyện cưới vợ cho chú út. Coi kìa! Cái mặt của em con nhìn vào là biết ngay đang đòi vợ.

Hùng Mạnh không vừa, anh dọa lại anh trai:

- Tới phiên anh em quyết trả đũa đến cùng đó.

Nói xong hai anh em phá lên cười, rồi cùng nhìn mẹ cũng đang vui lây với cái vui của mình.

Buổi cơm tối cũng xong rồi, trong bầu không khí thật ấm cúng, vui vẻ của gia đình bà Hùng Dũng. Nhìn đứa con nào cũng lớn, cũng thành đạt ngoài xã hội, bà Dũng hài lòng lắm, và thấy rõ nhất là chúng rất mến thương nhau.

Từ nhỏ Hùng Minh luôn dắt dìu chỉ bảo em trai một cách ôn hòa vui vẻ. Đó là ước muốn của bà vì cuộc đời bà đã gặp nhiều bất hạnh nên bây giờ bà cảm thấy vui nhiều vì được đền bù bằng hai đứa con rất thông minh và hiền từ, lòng nhân hậu luôn mở rộng, bà chỉ sợ được sống trong cảnh giàu sang, địa vị hơn người, các con mình sẽ kiêu căng khinh người. Nhưng không, hai đứa con bà luôn đáp lời bằng sự an lòng khi bà mở lời nhắc nhở, khuyên dạy con.

Bà Hùng Dũng xô chiếc ghế để đứng lên ra phòng khách thì Hùng Mạnh cũng nhanh nhẹn đứng lên theo mẹ.

Anh vừa đưa tay ôm vai mẹ vừa bước theo vòi vĩnh:

- Hồi nãy con nghe nói mấy câu gì đó, sao đến bây giờ mẹ chưa đọc cho con nghe?

Nghe con hỏi, bà trìu mến cốc nhẹ lên đầu đứa con trai út. Bà phải với lên, vì bây giờ đứa nào cũng cao hơn bà cả một cái đầu.

- Đồ chó con! Nghe đây nè:

Chuối non vú ép chát ngầm Trai tơ đòi vợ khóc thầm nửa đêm.

Khóc rồi mẹ lại đánh thêm.

Vợ đâu mà cưới nửa đêm cho vừa.

Mẹ vừa dứt tiếng Hùng Minh vỗ tay thật to khen:

- Hay quá! Mẹ ... mẹ sưu tầm ở đâu ra thế hở mẹ?

Quay lại nhìn con, bà trả lời:

- Ở thôn quê, ngày xưa phần lớn ai cũng biết mấy câu dân gian này. Nhiều người còn hát để ru em nữa đó.

Hùng Minh tiếp lời mẹ:

- Nhiều bài thơ ca dân gian của mình ý nghĩa vô cùng thâm thúy và cảm động. Mẹ biết không, những ngày đi giao dịch nước ngoài dù ngắn hạn, nhưng mỗi lần được nghe khúc ca quê hương nào là con như chết lịm bởi tình cảm quê hương quá dạt dào.

Hùng Minh còn hăng say hỏi mẹ:

- Mẹ, chắc mẹ còn biết nhiều bài lắm hả?

Ngồi xuống Salon bà đưa mắt u buồn trả lời con:

- Nhiều lắm con ạ! Nhưng qua bao năm dài lăn lộn với cuộc đời, mẹ gần như quên bẵng đi mất. Nhưng không, có 1ẽ nó chìm sâu trong tìm thức của mẹ và chỉ chực chờ có dịp là sống lại trong mẹ thôi con à.

Biết mình đã vô tình khơi dậy trong mẹ niềm đau tưởng chừng như đã được xóa nhòa.

Hùng Minh lại ngồi gần mẹ, anh nắm tay mẹ rồi nói:

- Mẹ, con xin lỗi đã nhắc lại ngày trước làm mẹ phải buồn:

Bà Hùng Dũng còn đưa mắt nhìn xa xăm vào cõi hư không thì Hùng Mạnh cũng xích lại ngồi gần mẹ.

Hùng Mạnh trách anh:

- Ai biểu anh chỉ thích trê ghẹo em, đến phiên mình không biết ai trêu cho biết.

Nhìn sang em, Hùng Minh bảo:

- Đến chừng đó anh sẽ ký hợp đồng với em thôi.

Vẻ ngạc nhiên, Hùng Mạnh hỏi:

- Ờ! Nhưng mà em có làm ăn gì với anh đâu mà bảo là ký hợp đồng?

Hùng Minh hăm hở cười toét nói:

- Phải ký hợp đồng thỏa thuận với em đàng hoàng, chứ không thôi đến chừng đó không đợi đến vợ chồng em ra tay, mà chỉ cần mấy đứa nhóc con của em tụi nó mở miệng là bác Hai nó đủ ''độn thổ'' rồi.

- Ghê nhỉ!

Lại nhớ lại chuyện mình Mạnh hỏi anh:

- Anh Hai nè, anh đã thu xếp việc công ty để đi cùng em và mẹ xuống tỉnh chưa nào?

Hùng Minh cười mỉm:

- Dạ, xong cả rồi chú út ạ! Mới ở nước ngoài về anh cũng lu bu việc công ty nhiều lắm. Nhưng một lời đã hứa với chú, nên bây giờ dù giá nào anh cũng phải giữ lời.

Vẻ nôn nóng Hùng Mạnh hỏi:

- Như vậy thì đến hôm nào mình mới có thể đi được?

Tình thương em hiện rõ trên ánh mắt, Hùng Minh bảo:

- Anh dành trọn tuần này cho chú đó, chịu không nào?

Thấy mặt em rạng rỡ hẳn ra, Hùng Minh khều tay mẹ nói:

- Mẹ coi kìa, đòi vợ thấy phát sợ luôn.

Hùng Mạnh bào chữa:

- Thì nhà mình cũng vắng vẻ, tại anh không chịu cưới vợ, nên em cưới trước cho anh và mẹ có cháu, mà nựng nịu với người ta vậy mà.

Bà Hùng Dũng cười đôn hậu nhìn đứa con trai út đang hí hửng ra mặt, bà nói:

- May mà chỉ có một mình con đòi vợ, chứ hai anh em con đòi cùng một lúc chắc mẹ phát điên vì tụi con quá.

Hùng Minh cười tiếp lời mẹ:

- Bởi vậy con là anh cả nên chịu thiệt thòi nhường cho chú út nó đi trước đó.

Hùng Mạnh quắt mắt nhìn anh:

- Chà, tốt dữ ta!

Vừa nói xong Hùng Mạnh đứng lên hỏi mẹ:

- Để con mở tiếp bộ phim tình cảm, mẹ đang coi dở dang ngày hôm qua nghe.

Bà Hùng Dũng vội khoát tay bảo:

- Thôi khoan đã con. Mẹ muốn yên tĩnh để bàn chút việc với hai con.

Hùng Mạnh vội bước trở lại ghế miệng đáp:

- Dạ.

Thấy sắc mặt mẹ nghiêm nghị hơn những ngày trước, Hùng Minh lo âu hỏi mẹ:

- Có chuyện gì thế mẹ?

Chưa kịp trả lời Hùng Minh thì Hùng Mạnh đã hỏi dồn dập:

- Bộ mẹ về quê có chuyện gì buồn hả mẹ? Hay là anh em con làm điều gì mẹ không vừa ý?

Cảm động trước vẻ lo lắng của hai con, bà Hùng Dũng thấy cuộc đời mình còn hạnh phúc hơn rất nhiều người.

Ngày trở về thăm quê bà đã tự đi xe đò, mà không cho con lái xe đưa về. Ý bà muốn mình trở về thật bình dị để tìm người thân. Bà muốn một mình để cảm nhận được những kỷ niệm xa xưa. Dù rằng những kỷ niệm ấy chỉ hằn lên đời bà những vệt đau thương khốn khổ.

Bà đã tìm đến đốt ba nén hương cho cha mẹ hai bên và người chồng bội bạc.

Những người thân đã không nhận ra bà, nếu bà không nhắc lại. Ai cũng mừng rỡ hỏi han về hai đứa con thơ mà bà phải tay bế tay bồng ra đi ngày nào. Bà hãnh diện với cả họ hàng bên chồng, lẫn bên bà khi nói rằng bà đã nuôi con ăn học đến thành đạt. Bà hứa với họ ngày nào bà sẽ dẫn các con về cho chúng biết quê hương nội, ngoại.

Hùng Minh bưng tách trà nóng đến trước mặt mẹ mời:

- Mẹ uống miếng nước cho ấm đi mẹ.

Hùng Mạnh thì cầm tay bà lay nhẹ:

- Có chuyện gì quan trọng không sao mẹ không chịu nói cho anh em con nghe vậy mẹ?

Bà Hùng Dũng choàng tỉnh dòng suy tưởng. Bà nhìn hai đứa con thân yêu bằng ánh mắt hiền từ đầy trìu mến.

Giọng bà trầm trầm:

- Hai con nay đã trưởng thành. Mẹ muốn nói ra một điều mà mẹ đã suy nghĩ và sắp xếp từ lâu. Hôm nay sẵn dịp bàn tính việc cưới vợ cho Hùng Mạnh, mẹ nghĩ rằng đây cũng là khúc quanh của gia đình mình nên sẵn đây mẹ hỏi ý hai con luôn một thể. Nếu hai con không đồng ý cùng mẹ thì ba mẹ con mình sẽ sắp xếp lại nghe hai con?

Hùng Minh nhìn mẹ nói giọng quả quyết:

- Con nghĩ là sự sắp xếp của mẹ là hợp tình hợp lý rồi.

Quay sang em trai Minh hỏi:

- Từ lúc anh em mình biết nhận thức đến giờ, thì có việc gì mẹ đề xuất ra mà không ổn đâu, phải không Hùng Mạnh?

- Dạ, đúng vậy thôi.

Nói xong, không ai bảo ai cả hai đều nhìn mẹ như chờ đợi.

Tựa người vào thành ghế bà Hùng Dũng nhìn lên chiếc quạt quay nhẹ trên trần nhà.

Bà nói chầm chậm:

- Nhà mình cũng quá dư ăn dư để nên mẹ muốn xuất ra một số tiền lớn xây lại nhà mồ cho ông bà ngoại con.

Riêng phần bên nội, vì nghịch cảnh này nên ngày ông bà nội và ba con mất mẹ con mình đã không được đội tang. Nhưng mẹ cũng muốn tu sửa lại mồ mả và căn nhà thờ phượng của dòng họ đã gần đổ nát.

Nghe đến đây, Mạnh cười nhẹ nói với mẹ:

- Tưởng gì chứ việc làm đó thì anh em con còn hoan nghênh tinh thần hiếu thảo của mẹ nữa là. Mẹ khỏi lo chi cho hao mòn sức khỏe, phải vậy không anh Hai?

Hùng Minh cũng tán đồng như em:

- Việc này mà mẹ không làm, thì một ngày nào anh em còn tìm về quê thấy cảnh ấy cũng phải làm như mẹ thôi.

Bà Hùng Dũng mỉm cười sung sướng bà nhìn hai con rồi tiếp:

- Đó là việc ở quê nhà, còn đây là một việc cũng không kém phần hệ trọng tại nhà ta.

Ngưng một chốc, bà tiếp lời:

- Hai con đã khôn lớn hết rồi, nay mai sẽ lần lượt có gia đình. Mẹ sẽ vô cùng hài lòng nếu lấy vợ rồi mà anh em con vẫn thương yêu dìu dắt nhau như từ trước đến giờ.

Nói xong bà chống tay lên cằm và hơi cau mày nhìn hai con.

Hùng Minh lên tiếng bày tỏ lòng mình:

- Không biết em con sẽ như thế nào, chứ con là anh thì con cũng có thừa ý thức về vấn đề này.

Anh vừa nói dứt lời thì Hùng Mạnh nhìn mẹ nói:

- Dưới ánh mắt mẹ thì anh em con vẫn còn trẻ thơ trong sự chăm sóc dạy bảo của mẹ.

Nhưng ngoài xã hội chúng con đã quá tuổi trưởng thành. Con đã tìm hiểu nhiều về tư cách người vợ tương lai của con. Con tin chắc sẽ không làm anh và mẹ buồn phiền trong vấn đề này đâu.

Xoa hai tay vào nhau bằng cử chỉ thật hài lòng bà Hùng Dũng hỏi hai con thêm:

- Mẹ định như thế này, sau khi cưới vợ cho Hùng Mạnh xong, mẹ sẽ giao hẳn cửa hàng kinh doanh cho vợ chồng Hùng Mạnh. Còn Hùng Minh thì phần công ty mà con đã quản lý bấy lâu nay. Ý mẹ muốn cậu nào cũng có phần riêng biệt của cậu ấy cho mẹ an tâm, các con nghĩ sao?

Hùng Mạnh vội nói:

- Mẹ lo chi chuyện xa vời quá. Anh em con không có tệ như những người tầm thường khác đâu.

Bà đáp ngay:

- Không lo sao được con. Các con đã trưởng thành tức là mẹ đã già yếu rồi. Mẹ cũng đã quá mệt mỏi trên trường đời. Mẹ muốn có thời gian để đi đây đó thăm người thân và tìm chút thư thái cho tinh thần.

Hùng Minh tán đồng:

- Ý con cũng muốn mẹ được nghỉ ngơi. Xin mẹ đừng âu lo, anh em con đã được mẹ dạy dỗ sống cho ra một con người xứng đáng, thì không vì những chuyện danh lợi mà tranh giành, chia rẽ nhau để làm mẹ buồn lòng.

Như vậy mẹ có cảm thấy yên tâm chưa?

Đưa tay vỗ vào vai em, Hùng Minh chỉ vào mẹ rồi tiếp lời:

- Hùng Mạnh thấy không. Mấy ngày nay ở quê về, anh thấy sắc diện mẹ tươi tỉnh, vui vẻ hơn nhiều.

- Anh nói đúng đấy! Em cũng nhận thấy như thế.

Ba mẹ con cười vui vẻ bên nhau. Bà Hùng Dũng bộc lộ niềm vui của mình cho các con nghe.

Bà kể:

- Các con biết không, lúc vừa bước xuống xe đò, để đặt chân trở lại mảnh đất quê nhà, lòng mẹ hồi hộp lắm. Đến chừng tìm gặp được những người thân mẹ nghe thật vui. Ở quê bây giờ cũng thay đổi nhiều ... Nhà cửa, đường sá gì cũng khác hơn xưa. Mẹ phải hỏi thăm mới biết đường mà đi.

Còn những chị em thời để chỏm bây giờ đều có cháu nội cháu ngoại đầy đàn. Gặp nhau ngày đám giỗ vui thật là vui vậy đó. Ai cũng trách mẹ sao lâu quá không về thăm quê nhà.

Niềm vui như hiện rõ trong ánh mắt người thiếu phụ. Bà say sưa kể cho hai con nghe về quê hương sau bao nhiêu năm dài xa cách.

Bà đăm đăm nhìn lên trần nhà, như hồi tưởng lại những ngày tuổi thơ đã đi qua trong đời mình.

Chợt bà Hùng Dũng ngồi hẳn lên nhìn Hùng Mạnh hỏi:

- Có phải con nói Ngọc Điệp quê ở Long Xuyên không?

Hùng Mạnh đáp ngay:

- Dạ phải.

Bà Hùng Dũng hăm hở nói:

- Vậy thì tiện quá! Hôm đám giỗ mẹ có gặp một người chị em bạn dì có chồng về Long Xuyên. Chị ấy có mời mẹ xuống nhà chơi và cho địa chỉ. Ngày đi xuống nhà Ngọc Điệp mẹ con mình sẽ ghé nhà dì Hai của tụi con luôn cho biết.

Nghe mẹ nói, Hùng Minh đưa thêm ý kiến:

- Mình ở xa xôi, nếu có dì Hai ở Long Xuyên thì ngày tổ chức đám cưới cho Hùng Mạnh sẽ tiện vô cùng.

Hùng Mạnh mỉm cười sung sướng. Anh nhìn mẹ và anh trai hỏi:

- Mẹ và anh định ngày nào mình sẽ đi?

Bà Hùng Dũng nhìn con đáp:

- Ngày mai cũng được vì mọi việc đã sắp xếp xong. Nhưng mẹ thấy anh con đi nước ngoài mới về chắc còn mệt lắm.

Thấy vẻ bồn chồn thấp thỏm của đứa con trai út, bà Dũng tiếp lời:

Giọng bà trấn an:

- Mẹ cũng già, sợ e rằng đến nhà sui gia tương lai ăn nói lẩm cẩm người ta cười cho.

Vậy mình để một ngày cho anh nghỉ ngơi thư thả. Có cần gì anh con ăn nói tiếp với mẹ - Được không nào?

Nét hí hửng lộ rõ trên gương mặt Hùng Mạnh xác định:

- Vậy là sáng ngày mốt mình khởi hành sớm nghe.

Hùng Minh cười to đáp:

- Xin tuân lệnh chú út a!

Bà Dũng bảo con:

- Hùng Mạnh, conb bảo tài xế chuẩn bị xe thật kỹ nhé.

Hùng Mạnh cười toe toét:

- Mẹ khỏi lo. Ngày đó không cần đến anh tài xế, chính con sẽ lái xe đưa mẹ và anh đi.

Hùng Minh nhìn em hỏi:

- Chà, bộ chú rể không sợ đường xa mệt mỏi sao mà tình nguyện lái xe?

Và đêm nay chắc hẳn em của anh sẽ ngủ thật ngon giấc chứ?

Hùng Mạnh mỉm cười ra vẻ bí mật.

- Bao giờ đến lượt anh thì tự anh sẽ biết rõ thôi anh Hai ạ!

􀃌 􀃌 􀃌 Chiếc xe Toyota Corena trắng nhẹ nhàng lăn bánh trên mặt đường nhựa êm ả.

Người cầm lái trong tâm trạng thật vui vẻ, yêu đời. Con đường này đã quá quen thuộc với anh, nhưng hôm nay anh cảm thấy nó đáng yêu làm sao!

Lòng anh nôn nao một cách lạ lùng. Anh mong đoạn đường còn lại được rút ngắn hơn để anh đạt đến mộng ước hạnh phúc của đời anh.

Nhìn thấy mẹ đang đưa mắt ra khoảng ruộng xanh mượt mà, vừa ngậm sữa, bà huyên thuyên nói chuyện cùng anh Minh.

Bây giờ Hùng Mạnh mới có dịp quan sát mẹ kỹ hơn. Hôm nay trông mẹ càng đôn hậu hơn trong chiếc áo bà ba bằng gấm trắng. Mẹ thật đơn giản không đeo nữ trang cầu kỳ, lòe loẹt như những người đàn bà mà anh thường thấy.

Một ý nghĩ làm anh tự mỉm cưới:

- Chà! Mẹ lại choàng chiếc khăn voan mỏng trông ra vẻ làm sao!

Bỗng Mạnh nghe tiếng mẹ hỏi:

- Gì mà con cười một mình thế? Vẫn giữ cho tay lái cho xe chạy đều đều.

Hùng Mạnh trả lời mẹ:

- Tại hôm nay con trông mẹ giống "chị sui" quá.

Hùng Minh cười vang lên:

- Chứ mẹ chẳng đi làm sui là gì? Chú mày lẩm cẩm ghê.

Bà Dũng lên tiếng mắng yêu:

- Thằng chó con, mày cười mẹ đó hả? Sắp tơi nơi chưa nào?

Hùng Mạnh nhanh miệng trả lời:

- Dạ, qua khúc này là mình xuống bắc An Hòa. Khi qua bắc là mình sẽ nhìn thấy đỉnh cao hình hai bàn tay áp sát vào nhau. Đó là nhà thờ lớn nhất ở Long Xuyên đó mẹ.

Minh khều nhẹ vai mẹ bảo:

- Chà chú út nó rành ghê!

Mạnh gãi đầu nhăn nhó:

- Hôm nay anh tạm tha em một ngày đi. Về đến thành phố rồi muốn hối lộ cái gì em cũng bằng lòng cả.

Minh cười lên ha ha hỏi em:

- Chắc không nào?

Buông một tay lái, Mạnh đưa về phía anh làm dấu khẳng định.

- Bảo đảm.

Bà Dũng cũng cười theo cái vui của hai đứa con trai.

Quay nhìn mẹ Mạnh hỏi:

- Mình đến nhà Ngọc Điệp trước, rồi sẽ tìm đến nhà dì Hai và nghỉ ngơi luôn hở mẹ?

Hùng Minh bàn:

- Theo anh thấy, ba đã mất sẵn có dì Hai, mình nên đến nhờ dì cùng đi cho dễ coi, được không mẹ?

Gương mặt sáng hẳn ra, bà Dũng tán thành ngay:

- Ý kiến của Minh hay lắm đó.

Quả tình nhờ con trai giúp ý kiến hay nên bà bớt lo âu. Thực ra hai con bà nào biết tâm trạng ngượng ngùng vì đây là lần đầu tiên bà bắt đầu tập làm "sui gia" với người ta.

Lúc nãy nghe Mạnh nói đã sắp đến bà nghe càng bối rối.

Đêm rồi bà đã trằn trọc không sao ngủ được, vì cứ lo mãi sẽ ăn nói thế nào để xin hỏi cưới con gái người ta cho con trai mình đây? Bà đau buồn âm thầm, vì tủi thân, bà đã một mình gồng gánh nuôi con đến lớn khôn, rồi bây giờ lại một mình đi hỏi vợ cho con.

Lúc này bà nghe nhẹ nhỏm và an tâm hơn, khi được có một người chị cùng lứa tuổi để ăn nói phụ với bà trong vấn đề hệ trọng này.

Bà Dũng vừa mở ví ra lấy tấm giấy ghi địa chỉ người chị họ; bà vừa nhìn sang Hùng Mạnh bà hỏi:

- Con có gọi điện thoại để cho gia đình Ngọc Điệp hay hôm nay mình xuống không?

Mạnh chưa kịp trả lời thì Minh đã nhanh miệng:

- Ngày hôm qua con có gọi điện thoại thay mặt mẹ báo tin cùng gia đình Ngọc Điệp rồi mẹ à!

Mạnh tiếp lời anh:

- Anh em con cũng đã ra chợ Bến Thành mua chút quà để biếu gia đình Ngọc Điệp với dì Hai nữa đó mẹ.

- Các con của mẹ chu đáo lắm.

Rồi bà tự trách:

- Sao lúc này mẹ lẩm cẩm đi nhiều.

Hùng Mạnh an ủi mẹ:

- Con đã bảo anh em con đã trưởng thành rồi mà. Mẹ đừng suy nghĩ lo lắng gì cả, anh em con có thể thay mẹ những việc gì mà chúng con có thể làm được.

Bà Dũng nhìn hai con bằng ánh mắt yêu thương trìu mến:

- Mẹ cảm thấy cuộc đời còn lại của mẹ hạnh phúc nhiều lắm. Vì đã có được hai con trai xứng đáng cho mẹ hãnh diện với mọi người.

Mạnh nhìn anh mỉm cười:

- Mẹ đừng quá khen nghe. Anh em con chỉ mong sao mẹ được đền bù khoảng thời gian khổ cực, gian nan.

Chợt Mạnh chỉ qua cửa xe bảo mẹ và anh:

- Nóc nhà thờ cao ngất ấy nằm tại Thị xã Long Xuyên đó.

- Vậy thì con dò tìm đường đến địa chỉ của dì Hai trước đi.

- Dạ.

Mạnh hồ hởi như đứa trẻ sắp được món quà hằng mơ ước. Anh lái xe chầm chậm để dò hỏi người địa phương. Mạnh căng thẳng vui hơn vì nhà dì cũng nằm chung một khu với nhà của người yêu.

Một ý nghĩ dí dỏm lóe lên, có khi nào dì ở cạnh nhà Điệp không nhỉ? Nếu quả như vậy thì vui biết mấy.

Chiếc xe nhà sang trọng tiếp tục lăn bánh chầm chậm để tìm ra số nhà ghi trên mảnh giấy.

Càng dò tìm, Mạnh càng thấy trùng hợp con đường quen thuộc dẫn đến nhà người yêu. Anh thầm trách mình quá hớ hênh, vì quen Điệp từ trước đến giờ mà anh không hề biết số nhà của người yêu.

Tự trách rồi lại tự tha thứ, với ý nghĩ, vì từ trước đến giờ anh và Điệp chưa gởi cho nhau một lá thư- Gần như tuần nào anh cũng tranh thủ xuống gặp Ngọc Điệp.

Lúc nào muốn nói chuyện với người yêu anh chỉ cần gọi điện thoại là được toại ý.

Xe càng lăn bánh, anh càng thấy tiến gần đến nhà Điệp hơn:

Hùng Mạnh hớn hở:

- Như vậy là nhà dì Hai ở cùng đường với nhà Ngọc Điệp rồi đó mẹ.

Bà Dũng và Hùng Minh cũng thấy đầy ngạc nhiên và thích thú nên cùng lên tiếng:

- Vậy à!

Cả ba mẹ cũn đang dõi mắt để nhìn số nhà dọc hai bên đường và đây rồi ...

Xe dừng lại đúng ngay cổng nhà đã quá quen thuộc với Hùng Mạnh.

Thế này là thế nào? - Hùng Mạnh tự nghĩ _ chẳng lẽ đì của anh ở đậu trong nhà Ngọc Điệp hay cất nhà ở phía sau?

Bao ý nghĩ rối tung trong đầu làm anh bấn loạn chưa kịp nói cho mẹ và anh trai biết.

Một đứa bé tò mò chạy đến gần xe. Bà Dũng vừa bước xuống xe vừa nhìn đứa bé hỏi:

- Cháu ơi! Có phải nhà này của dì Hai không?

Đứa bé vừa gật đầu vừa được cặp mắt tròn xoe nhìn ba người khách sang trọng và trả lời:

- Dạ phải.

Đến lúc này Mạnh mới lên tiếng cùng mẹ và anh Minh:

- Chẳng lẽ nào dì Hai cho nhằm địa chỉ?

Vì ...

Bà Dũng cắt lời con ngay:

- Không nhầm được đâu con à.

Hùng Minh cười nhẹ bảo:

- Địa chỉ nhà của mình thì ai cũng thuộc nằm lòng cả. Nhất là người lớn mà!

Tay xách tiếp anh trai những gói quà để tặng gì, mà từng bước chân của Mạnh như một kẻ chơi vơi giữa biển cả mênh mông.

Dù tin ở lời của mẹ và anh. Nhưng Mạnh vẫn nghe đầu óc rối bời bời như thuở còn học sinh gặp bài toán khó chưa giải được mà giờ nộp bài đã kề bên.

Biết được chuyện tình của Hùng Mạnh và Ngọc Điệp như nước ngược dòng, thật trắc trở này có một không hai trên đời, Cúc lật đật lấy xe chạy như bay sang nhà Ngọc Điệp, không kịp đợi Thuận về để cùng đi.

Tay run run lái xe, suýt tuột mấy lần vì đầu óc Cúc miên man nghĩ đến chuyện tình thơ mộng của Mạnh và Điệp. Thật không ngờ họ sắp kết thúc những ngày mong nhớ bằng một đám cưới rỡ ràng thì ...

Đùng một cái ...

Chắc giờ này hai bạn ấy đau khổ tột cùng?

Định mệnh sao quá nghiệt ngã giáng xuống hai mái đầu trẻ?

Thật sự Cúc lo âu nhiều cho bạn mình, vì biết ngoài mẹ ra thì Điệp không có người ở gần an ủi, cả chị Hạnh mấy lúc sau này cũng nhìn nhỏ ấy bằng ánh mắt không chút thiện cảm.

Cúc đã bảo Thuận hối thúc công ty sớm nhận Điệp, để bạn ấy kiếm được tiền để sinh sống. Việc này chưa xong thì khó khăn cay nghiệt khác đã phủ lên đầu Điệp thật tội nghiệp cho bạn ấy vô cùng.

Dừng lại trước chiếc cổng sơn màu xanh nhà bạn gái, Cúc như muốn bay vào ngay để gặp Điệp.

Cánh cửa chỉ khép hờ, Cúc vừa đẩy cửa bước vào thật tự nhiên như người nhà, mắt cô ngó dáo dác quanh phòng khách.

Vắng lặng như tờ Cúc nhanh chân bước vào bên trong. Nhìn thấy mẹ Điệp đang nằm trên chiếc giường bằng dáng vẻ thật bệnh hoạn.

Cúc tiến lại gần, cô nắm tay bà Ngọc Lan hỏi vội vã:

- Bác Hai, con mới qua. Còn Điệp đâu rồi bác?

Bà Ngọc Lan lắc nhẹ đầu bảo:

- Từ sáng đến giờ nó nằm trong phòng, chẳng cơm nước gì cả. Bác thì nghe trong người mệt nhiều nên nằm liệt ở đây.

Không đợi nghe hết câu trả lời của bà Lan. Cúc chạy nhanh vào phòng Điệp - Cô nghĩ rằng chắc bạn ấy lo khóc vùi, bỏ ăn uống và cả vịệc chăm sóc cho mẹ già.

Ngọc Điệp vừa nhìn lên thấy bạn xô cửa phòng bước vào. Ngọc Điệp đã nấc lên nghẹn ngào.

Cúc chạy tới ôm mạnh vai bạn cô an ủi:

- Thôi đừng buồn nữa Điệp ạ! Thời gian rồi sẽ chóng phôi pha.

Đôi vai nhỏ bé càng run mạnh trong tay người bạn thân thiết. Điệp vẫn tiếp tục nấc nghẹn không nói được lời nào cùng Cúc.

Cúc tiếp lời:

- Mình chỉ mới vừa nghe, chưa biết thực hư ra sao vội chạy sang ngay để gặp Điệp.

Bỗng Điệp ôm chầm lấy bạn, nước mắt cô tuôn trào ướt cả vai áo Cúc.

Điệp nói qua tiếng nấc:

- Mình không còn thiết sống nữa Cúc ơi!

Nghe thế Cúc khuyên:

- Bậy nè, đừng có nghĩ quẩn. Chuyện gì rồi cũng sẽ qua, câu chuyện xảy ra như thế nào? Hôm ấy Mạnh không có ghé nên mình chẳng biết gì cả, khi nãy mới được chị Hạnh nói lại mình nghe như bị sét đánh ngang tai.

Điệp càng nấc lên to hơn:

- Mình không còn mặt mũi nào nhìn ai nữa hết. Chỉ có cái chết mới giải quyết được thôi.

Chợt lo ngại đến Hùng Mạnh Cúc hỏi:

- Từ hôm đó đến nay anh Mạnh có gọi điện nói gì với Điệp không?

Điệp trả lời yếu ớt:

- Anh ấy cô gọi nhưng mình không dám nghe Cúc ơi.

Cúc lo âu:

- Không biết anh Mạnh như thế nào rồi? Chốc nữa về nhà mình bảo Thuận liên lạc gấp lên nhà ảnh mới được.

Ngừng một chút, Cúc tiếp lời khuyên bạn:

- Phần Điệp thì ráng nguôi ngoai, khóc hoài chẳng giải quyết được gì cả, lại thêm có hại cho sức khỏe. Mình nhắc cho Điệp phải nghĩ đến bản thân và nhất là cho bác gái _ Mẹ của Điệp đấy. Bạn mà có mệnh hệ nào thì bác gái sẽ buồn phiền nhiều trong lúc sức khỏe của bác đang cần có bàn tay Điệp chăm sóc.

Nghe nhắc đến mẹ, Điệp như choàng tỉnh dậy, cô càng nghe xót xa hơn. Nhưng cô quyết định rồi. Những viên thuốc lúc nãy sẽ giúp cô thoát khỏi sự nhục nhã.

Không kềm được lòng, cô gào lên trền vai Cúc:

- Trời ơi! còn cái nhục nhã nào hơn khi mang tiếng ...

Giọng cô tắt nghẽn không nói được hết câu.

Cúc dằn cơn xúc động của bạn bằng lời nói chân tình:

- Hãy bình tĩnh để mà giải quyết mọi chuyện. Cúc hứa sẽ luôn quan tâm giúp đỡ những gì Điệp cần.

Điệp chỉ biết khóc. Cô đã khóc và đau khổ tận cùng kể từ ngày đón gia đình Hùng Mạnh tại căn nhà của cô.

Tất cả đều chết lặng khi nhìn ra sự thật. Cô không còn biết thái độ Hùng Mạnh lúc ấy ra sao? Và gia đình bà Hùng Dũng về từ lúc nào? Cô chỉ nhớ, cô chạy vù vào phòng riêng úp mặt trên chiếc gối mà chết lịm đi ...

Như chưa tin hẳn lời chị Hạnh Cúc hỏi Điệp:

- Sự thật có đúng vậy không Điệp? Coi chừng có sự sai lầm lẫn.

Buông bạn ra, Điệp nói một cách quả quyết. Giọng cô ẩn chứa một nỗi tuyệt vọng khôn cùng:

- Chắc chắn là như thế! Vì hai người lớn đã nhìn được nhau trong ngày đám giỗ.

Cúc lắc đầu than:

- Thật là éo le!

Để bạn sớm quên buồn đâu, Cúc nói:

- Nhưng trong chuyện này không ai trách hai bạn được, vì hai bạn đâu cố tình gây nên lỗi này.

Hai dòng lệ ngắn dài, Điệp nhìn bạn một cách tuyệt vọng:

- Từ bữa đó tới nay mình không dám bước ra khỏi nhà, nói chỉ mới đối đầu với cái nhìn khinh bỉ, và những lời lên án của chị Hạnh cũng đủ làm mình xấu hổ và nhục nhã vô cùng.

Điệp thấp giọng bi quan:

- Những ngày tới trong đời mình sẽ còn phải đón nhận bao sự cay đắng, khinh bỉ của chị em dòng họ và cả người quen biết nữa. Thử hỏi làm sao sống nổi?

Nói xong Điệp đưa một tay ôm trán, hình như nội tâm cô đã trải qua nhiều giờ phút căng thẳng khốc liệt.

Cúc thấy môi Điệp nhợt nhạt ra không còn đỏ thắm xinh xắn như ngày nào. Cô chồm đến chiếc bàn nhỏ định lấy nước cho Điệp uống, hầu tìm lại nét tỉnh táo cho cô bạn nhỏ.

Bất chợt Cúc bắt gặp vĩ thuốc đã uống dở dang. Sự tò mò và linh tính chuyện không lành làm cô cảm thấy không yên tâm, chụp vội vĩ thuốc, mắt cô đang cố tìm đọc xem là tên thuốc gì?

Miệng Cúc lên tiếng hỏi dò Điệp.

- Điệp đừng có uống thuốc tầm bậy nghe. Ở đời cái gì rồi thời gian cũng sẽ phôi pha.

Điệp nấc lên người cô mềm nhũn và xuống chiếc giường.

Cúc hoảng hốt:

- Có phải Điệp đã bị bệnh nan y không?

Rồi cô la toáng lên:

- Bác Hai ơi! Chị Hạnh ơi! Mau lên tiếp một tay đưa Điệp đi bệnh viện gấp.

Chương 5

Ánh hoàng hôn tắt dần sau khung cửa sổ. Bầu không khí trong phòng thật ảm đạm.

Mọi người đều im lặng, không ai bảo ai nhưng tất cả đều dán mắt nhìn vào gương mặt xanh xao của Điệp đang thiêm thiếp trên chiếc giường bệnh.

Vị bác sĩ trẻ đẩy nhẹ cánh cửa bước vào phòng và tiến thẳng đến trước mặt vợ chồng Thuận.

- Cậu mợ bước ra ngoài, con có một chuyện muốn bàn riêng với cậu mợ.

Vợ chồng Thuận lặng lẽ đứng lên bước theo sau chân vị bác sĩ trẻ trước ánh mắt ngơ ngác lẫn lo âu của người nhà Ngọc Điệp.

Dừng lại trước hành lang, Cúc nôn nóng hỏi trước:

- Xem bệnh tình của Điệp có nguy kịch lắm không vậy Minh Tâm?

Nhìn mợ, bác sĩ trả lời:

- Kể như sinh mạng cô ấy được an toàn.

Rồi nhìn sâu hơn vào mặt người mợ trẻ, bác sĩ Tâm giọng nghiêm trọng:

- Duy có một điều cái thai trong bụng cô ấy không biết giữ được không?

Cúc sửng sốt:

- Điệp có thai à?

Bác sĩ Tâm gật đầu khẳng định:

- Dạ gần ba tháng mợ ạ!

Cúc kêu lên:

- Trời ơi!

Thấy thái độ của người mợ bác sĩ Tâm hỏi:

- Bộ cô ấy có mang mà không hay biết sao?

Cúc lắc đầu giọng cô thảm não:

- Chắc cả chính nó cũng chưa hay biết chuyện này.

Bác sĩ Tâm nhìn Thuận giãi bày:

- Lúc nãy con sợ nói trước mặt thân nhân bất tiện, nên con mới mời cậu mợ ra ngoài bàn riêng rồi sẽ liệu bề cho gia đình bệnh nhân biết sau.

Cúc nhìn chồng cầu cứu:

- Biết tính sao bây giờ đây hở anh?

Nhận biết sự lo âu của vợ dành cho người bạn gái thân thiết.

Thuận trả lời:

- Trước sau gì cũng cho gia đình Điệp biết điều này. Mà cậu thấy càng biết sớm thì càng tốt phải không Minh Tâm?

- Dạ vâng!

Nói xong ba người bước trở vào phòng bệnh.

Cúc là người báo tin chẳng lành này cho hai người thân của Điệp là mẹ cô và người chị cả.

Bà Ngọc Lan như từ trên trời cao rơi xuống vực thẳm thêm một lần nữa.

Thật tội nghiệp, bà choáng váng tựa thân hình gầy gò vào bức tường của bệnh viện - mà hai mắt như đứng tròng, chẳng nói được lời nào.

Chị Hạnh thì hằn học:

- Cứu làm gì, để cho nó chết phức đi cho dòng họ bớt nhục nhã.

Cúc xoa dịu:

- Chị Hai ơi! Trong chuyện tình éo le này đâu phải Điệp cố tình gây nên.

Hạnh vẫn đay nghiến:

- Tại nó được cha mẹ cưng chìu và được ăn học cao hơn tụi tôi hồi trước. Đã sung sướng như thế mà cọn tự do chọn chồng.

Rồi chỉ vào ngực mình Hạnh tiếp:

- Như ba đứa chị lớn của nó đây này, có quá quắt như nó đâu. Tới bây giờ tôi còn chưa dám cho hai đứa kia hay, sợ hai chị của nó nhục lây theo nó.

Đến bây giờ Thuận mới cất giọng:

- Chị Hạnh à! Chuyện cũng đã dĩ lỡ rồi. Em khuyên chị đừng nên nóng giận. Miễn sao mình khéo léo đừng để người ngoài biết thì có sao đâu.

Điều quan trọng bây giờ là mình nên tập trung mọi sự lo lắng để lo cho Điệp cùng cái bào thai.

Vẫn chưa thông cảm cho cô em gái út, Hạnh nói lớn:

- Mẹ tính sao? Chứ theo ý con thì cách tốt nhất là nên hủy bỏ đứa con tội lỗi này đi.

Nếu để gia đình mình càng mang nhục nhiều hơn nữa.

Bà Ngọc Lan thều thào:

- Chẳng thà cái bào thai bị hư, chớ lòng mẹ không nỡ nào hủy nó được.

Cúc lên tiếng đồng tình:

- Ý con cũng nghĩ như bác. Nếu sau ngại nuôi cháu, thì vợ chồng con sẽ đón về nhà làm con của mình.

Thuận vô cùng kinh ngạc khi thấy vợ mình thương bạn quá đỗi. Anh cũng hài lòng với giải pháp này.

Anh hỏi thử vợ:

- Chà, liệu có nuôi nổi không mà hứa thế? Em không nhớ là mình cũng sắp có con sao?

Cúc đáp ngay không chút ngần ngại:

- Thiếu gì người sinh đôi, sinh ba mà họ vẫn nuôi được đến trưởng thành. Em khỏe như thế này thì anh khỏi phải lo sợ chuyện đó.

Bà Ngọc Lan mở to mắt nhìn vợ chồng Cúc đối đáp. Nét mặt bà vô cùng khổ sở, bà như người đã chết mà chưa được mai táng.

Thuận nhìn hai người thân của Ngọc Điệp, anh bảo:

- Vợ chồng con chỉ có ý kiến thế thôi. Còn quyền quyết định thì tùy vào bác và chị Hạnh.

Cau mắt nhìn mẹ, Hạnh nói:

- Chỉ có giải pháp của con là ổn nhất thôi. Có thêm một mần sống tội lỗi là làm khổ thêm nhiều người nữa chứ ích lợi gì?

Những lời kết luận của chị Hạnh làm Thuận sực nhớ đến thằng bạn bất hạnh của mình.

Chắc giờ này nó cũng đang đau khổ nhiều lắm. Nếu biết được giọt máu tội lỗi đã kết tinh, chẳn biết tinh thần nó có ổn định không? Có nên báo cho Hùng Mạnh cùng gia đình hắn biết không?

Đầu óc anh rối bời - Anh tự trách mình đã tạo cơ hội cho chúng yêu nhau, để bây giờ xảy ra cớ sự. Anh không biết cách nào để cứu vãn cho hai mái đầu trẻ đã không may gặp khổ này.

Mải nghĩ ngợi, đến lúc Thuận nhìn lại đứa cháu trai là bác sĩ Minh Tâm đã rời phòng tự lúc nào ...

Cơn khủng hoảng mấy ngày qua chưa kịp lắng dịu thì gia đình bà Hùng Dũng lại được Thuận đích thân đến báo thêm một tin đau buồn ngoài ý muốn.

Bà Hùng Dũng càng điên đầu thêm. Hùng Mạnh khổ sở, còn Hùng Minh thì lo lắng.

Thật là trớ trêu! Gia đình bà có thừa vàng bạc để cưới dâu, nhưng trong trường hợp này, bà không thể dùng tiền của ấy để cưới được nàng dâu như ý con bà mơ ước.

Định mệnh đã oái oăm! Bà không thể kết nghĩa sui gia với người chị họ cùng huyết thống.

Hai tiếng "loạn luân" mọi người sẽ dành sẵn trên đầu môi để lên án dòng họ bà. Bây giờ một giọt máu đang hình thành như để chờ đón, để hành phạt bà thêm nữa. bà như bất lực, không biết giải thoát bằng cách nào, khi áng mây mù phủ giăng mịt mù.

Bà lặng lẽ nhìn con sầu khổ. Tinh thần của Hùng Mạnh chỉ qua có mấy ngày mà xuống thấp thấy rõ rệt.

Hùng Minh vừa ở công ty về đến, gương mặt anh cũng không được vui vẻ như trước.

Thấy mẹ anh cố gượng cười:

- Chào mẹ! Con mới về.

Bà Hùng Dũng uể oải:

- Ờ! Con mới về.

Minh đến gần bên mẹ hỏi:

- Em con đâu rồi hở mẹ?

Bà thở dài nhìn con đáp:

- Lúc nãy lên phòng thấy nó ngủ yên, nên mẹ trở xuống đây để đón con.

Nỗi lo sợ còn ám ảnh nên Minh hỏi liền:

- Có gì không hở mẹ?

Bà hỏi lại con một cách tuyệt vọng:

- Con có nghĩ được cách nào để cứu vãn hai gia đình không?

Minh bóp trán nói như cầu may:

- Suốt ngày nay, tuy bận rộn giải quyết nhiều việc ở công ty nhưng đầu óc con luôn nghĩ đến việc nhà. Con cũng định về bàn trước với mẹ, nếu phương cách này ổn thỏa, mình sẽ tìm cách khuyên em con sau.

Hùng Mạnh mà chịu nghe theo thì hy vọng sẽ cứu vãn được tình thế khó khăn này.

Bà Hùng Dũng nôn nóng:

- Thế nào con nói nhanh cho mẹ nghe xem, nhìn Hùng Mạnh sống như kẻ mất hồn, mẹ lo ngại nó sẽ có ý nghĩ dại dột mà hủy hoại đời mình như Điệp thì càng khổ hơn.

Gương mặt đăm chiêu, Minh nói:

- Nếu Hùng Mạnh đồng ý, con sẽ gấp rút lo thủ tục cho em con đi du học một thời gian ở nước ngoài. Con tin chắc rằng, sau một thời gian dài Mạnh sẽ nguôi ngoai mà quên được mối tình tội lỗi này.

Bà Dũng lo ngại:

- Mẹ e rằng thời gian này Hùng Mạnh còn đang khủng hoảng tinh thần trầm trọng, nó sẽ từ chối mọi biện pháp để xoa dịu sầu đau.

- Con và mẹ sẽ cố gắng để giải thích cho em con biết vươn lên cho qua nỗi đau khổ này mẹ ạ.

Nắm hai bàn tay thật chặt vào nhau, Minh nói tiếp vẻ tự tin:

- Con vừa chú ý cô em gái của thằng bạn hợp tác làm ăn với con. Cô này vừa xong bậc Đại học và đang chuẩn bị đi du học. Sẵn dịp này con sẽ tạo cho em con đi cùng với cô ấy.

Nếu qua bên ấy hai người có thiện cảm với nhau thì con sẽ rút lui luôn để nhường lại cho Hùng Mạnh.

Bà Dũng ngần ngại:

- Liệu con nhường lại một cách dễ dàng như thế không? Hay lại sinh ra rắc rối mới?

Mẹ vừa dứt lời, Minh đã cười nhẹ bảo:

- Không có gì đâu mẹ, mẹ đừng lo ngại chuyện đó. Vì thấy cô ta xinh xắn lại lch thiệp nên con chỉ mới ghé nhẹ mắt thôi.

Hùng Mạnh và cô gái ấy đi rồi, con sẽ tìm cô khác chứ gì.

Bà Dũng hỏi con:

- Nhưng mà con nhà ai, mà sao từ lâu mẹ không nghe con nói đến?

Minh tự nhiên trả lời mẹ:

- Con cũng mới biết mặt cô ta vào dịp ăn sinh nhật con của bạn con mà thôi. Con chưa hề ngỏ lời cho ai biết, kể cả cô ấy.

Tên cô ta là Tú Anh. Biết đâu trời cao đã sắp đặt cho con lựa vợ dùm em con?

Bà Dũng khẽ mỉm cười vì câu nói của đứa con trai biết thương em vô hạn.

Bà vô cùng hài lòng ngước lên định nói thêm với Hùng Minh thì bắt gặp Hùng Mạnnh thiểu não lê từng bước chân chường xuống những bậc thang lầu.

Mới có mấy ngày mà trông Hùng Mạnh xanh xao tiều tụy. Đôi mắt anh sâu hút thâm quầng. Bộ pyjama bà đã may cho con mặc thật vừa vặn thế mà bây giờ trông thùng thình hẳn ra. Nếu không biết nỗi khổ của Hùng Mạnh chắc chắc người ta sẽ nghĩ cho anh là người bệnh cả năm trời rồi.

Bà Dũng nhìn con một cách xót xa. Bà hỏi:

- Sao con không ngủ cho khỏe. Con có nghe đói không? Để mẹ nhờ chị bếp nấu cho con miếng cháo.

Mạnh trả lời mẹ với gương mặt đượm vẻ u buồn:

- Dạ không mẹ ạ! Chừng nào đói tự con đi pha sữa uống cũng được.

Hùng Minh khuyên em:

- Em không cố gắng ăn uống thì cơ thể sẽ suy nhược rồi sinh bệnh hoạn, càng làm mẹ khổ tâm hơn nữa.

Ngồi xuống ghế Salon, Hùng Mạnh gục mặt, anh đưa tay ôm lấy đầu khổ sở:

- Em quá bất hiếu gây nên lỗi, làm cho mẹ và anh phải lo buồn, kể cả ...

Không nói được hết câu, Mạnh ôm lấy mặt nghẹn lời:

- Những lỗi này đâu phải em cố tình gây nên. Không ai oán trách em đâu Hùng Mạnh à.

Bà Dũng cũng lên tiếng:

- Mẹ đã nói với con nhiều lần rồi, lỗi này là do mẹ một phần, vì mẹ đã vô tình không tạo cơ hội cho anh em con biết được họ hàng.

Bà nhìn hai con rồi nói qua hàng nước mắt:

- Con và cháu Ngọc Điệp phải cố gắng vượt qua tình cảnh éo le này. Nếu hai đứa cứ mãi như mấy ngày qua, thì gia đình cứ lo lắng chẳng yên vì hai con.

Hùng Mạnh nói một cách áy náy:

- Chứ một khi biết được con và Điệp là chị em họ với nhau, thì thử hỏi làm sao chúng con không mang mặc cảm tội lỗi cho được?

Thật vậy, khi đã hỏi ra biết rõ Ngọc Điệp là con gái út của dì Hai mình,thì Mạnh đã ngồi thừ ra như trời trồng. Anh nghe đầu óc chao đảo quay cuồng.

Sự thật là vậy sao? Anh có nằm mơ không? Một giấc mơ quá hãi hùng khủng khiếp!

Mẹ anh và mẹ Điệp là hai chị em bạn dì ruột, và chỉ mới gặp lại nhau vào dịp về thăm quê.

Lúc mẹ anh bồng hai con thơ bỏ làng ra đi, thì dì chưa lấy chồng. Đến lần đầu tiên gặp lại nhau - Sau hơn hai mươi năm xa cách, thì tóc ai cũng đã điềm sương. Ngày hai người hứa hẹn thăm nhau, cũng chính là ngày đau khổ nhất của hai người.

Tình cảnh dở sống dở chết của hai đứa trẻ cùng một dòng họ cũng chính là niềm đau khổ vô biên của hai người đàn bà góa.

Hùng Mạnh cũng không còn nhớ mình rời nhà dì - cũng chính là nhà Điệp tự lúc nào?

Có lẽ anh Minh đã lái xe đem cái xác không hồn của đứa em trai cùng người mẹ trở về thành phố ngay ngày hôm ấy!

Từ ngày đó đến nay, anh đã lo lắng điện xuống tỉnh để gặp Điệp rất nhiều lần, như tuyệt nhiên cô không nghe. Anh nghĩ có lẽ Điệp cũng không khác gì anh, mang nỗi khổ khôn cùng, nên cô không đủ nghị lực để gặp anh.

Cả hai phải tự chấp nhận xa nhau vì chuyện tình này trái với luân thường đạo lý. Nỗi đau sẽ càng xâu xé hơn khi đứa con vô tội chào đời trong nay mai.

Biết làm sao? Biết làm sao bây giờ?

Nghĩ đến đây Hùng Mạnh thấy khủng khiếp quá! Anh lại đưa hai tay bưng lấy đầu thật chặt.

Thấy cử chỉ đau khổ của em trai, Minh rất thông cảm và thương em vô hạn.

Anh xoa dịu:

- Em là trai phải đem hết nghị lực ra để chống chọi với mọi trở ngại của cuộc sống.

Em không nên có hành động nông nổi sẽ càng làm khổ nhiều người.

Đưa cặp mắt thờ thẫn, yếu ớt nhìn anh, Hùng Mạnh tuyệt vọng:

- Nhưng mọi người sẽ lên án em và chị .... Ngọc Điệp.

Hùng Minh cãi lại:

- Nhưng em và chị ấy không phải cố tình.

Mạnh càng chán chường:

- Biết vậy nhưng dư luận vẫn kết tội. Làm sao em có đủ can đảm để sống mà nhìn mặt dòng họ bên ngoại.

Hùng Minh xua tay nói với em:

- Em hãy tạm quên đi cái dư luậnkhawsc nghiệt ấy. Anh và mẹ sẽ tiếp tay đưa em ra khỏi vùng bóng tối này.

Vẻ thắc mắc, chưa hiểu ý anh muốn nói gì. Hùng Mạnh hỏi:

- Như vậy là sao?

- Là anh sẽ lo gấp thủ tục cho em đi du học, sống ở xa một thời gian em sẽ quên được mặc cảm tội lỗi, đòng thời gây dựng cho tương lai tươi sáng hơn. Em thấy thế nào?

Vẻ thiếu tự tin, Mạnh đáp hững hờ:

- Em chưa biết định liệu thế nào. Vì trước mặt em bây giờ là cả một vùng trời hầu như sụp đổ. Em cảm thấy mình không còn sức sống nữa đâu anh ạ.

Bà Hùng Dũng dịu dàng:

- Không nên bi quan mà chôn vùi cuộc đời một cách nông cạn như thế. Nếu mỗi lần vấp phải trở ngại con người ở đời đều buông xuôi, thì mẹ nghĩ rằng cả quả địa cầu này sẽ không còn sống sót được bao nhiêu.

Rồi bà thuyết phục con:

- Thời gian là liều thuốc tiêu con ạ. Con hãy bình tâm suy nghĩ thật kỹ giải pháp mẹ và anh còn đưa ra. Mẹ tin chắc chắn rồi con sẽ tìm lại được niềm tin yêu cho chính bản thân mình.

Vẻ còn lo lắng Mạnh hỏi:

- Con có con đường sống an thân rồi, chỉ tội cho " chị ấy" ... Thân gái mảnh mai yếu ớt, liệu có vượt qua nổi những sóng gió phủ giang trên đầu không?

Minh cười nhẹ, trấn an em:

- Hôm Thuận bạn em lên đây anh có nghe nó nói về việc xin cho chị Điệp đi làm đã từ lâu, nhưng công ty chưa sắp xếp được công việc cho chị ấy. Không ngờ Giám đốc công ty đó lại là bạn thân của anh. Anh sẽ điện xuống gởi gấm chị Điệp cho nó, chắc chắn chị Điệp sẽ nhận việc làm trong nay mai.

Anh tin rằng, chị ấy cũng sẽ tìm được lãng quên trong công việc hằng ngày thôi.

- Còn giọt máu oan nghiệt của con và chị ấy nữa. Con khổ lắm mẹ ơi!

Hùng Mạnh cố nói nhanh câu này khi nhìn sang mẹ. Vừa dứt câu anh không ngăn được xúc động nên nấc lên thật nghẹn ngào:

Bà Dũng rất khổ tâm vì thừa biết vấn đề ngày cũng thật là nan giải. Nhưng vì muốn trấn an tinh thần con nên bà phải tạm tìm cách an ủi.

Bà xích 1ại gần Mạnh, bà đưa tay vuốt đầu tóc rối bù của con bà vỗ về:

- Hãy can đảm lên con trai của mẹ. Con đi rồi mọi việc bên này sẽ có mẹ và anh con giải quyết êm đẹp.

Hùng Mạnh ngước nhìn mẹ hiền kính yêu anh tha thiết hỏi mẹ:

- Trước khi đi con có thể xuống tỉnh gặp lại "chị ấy" một lần chót không mẹ?

Hùng Minh vội ngăn:

- Đừng nên làm thế. Lúc này là lúc em phải đối đầu với sự dằn co mãnh liệt của lý trí và tình cảm. Anh chỉ ngại em và chị Điệp mềm lòng sẽ sinh ra thêm những chuyện khốc hại hơn nữa mà thôi.

Bà Dũng cũng một ý:

- Anh con nói đúng đấy! Mẹ khuyên con hãy ráng tịnh dưỡng tinh thần, để chào đón những ngày làm lại cuộc đời ở xứ lạ.

Mạnh tuyệt vọng đứng lên không thốt được một lời chào mẹ và anh trai của mình.

Anh tự hỏi:

- "Phải đi không trở lại đó là một giải pháp tốt đẹp hay là một hình phạt đây?".

Mấy lời ca não nuột vẳng lên, càng làm lòng anh nghe da diết nỗi đau của lứa tuổi thanh xuân.

Thế là hết ...

Đã chìm sâu trong tháng ngày êm ấm.

Anh giờ đây Như là chim, rã rời cánh.

Biết bay, phương trời nào?

Em giờ đây.

Như cánh hoa, trót tả tơi.

Đón đưa ngọn gió nào?

Mình nào ngờ ... tình rơi như lá rơi.

Ngày tình đầu ...

Vòng tay ôm quá lơi.

Để giờ này một người ...

Ngọc Điệp ơi! Cay nghiệt đến thế sao? Sự thật đã ngoài sức tưởng tượng của chúng mình ...

Để rồi một người phải chấp nhận ra đi, còn một người ở lại gục đầu buông xuôi theo định mệnh?

Dựa người ra thành ghế, Ngọc Điệp đưa tay vỗ liên tục vào trán mình mấy cái.

Qua một đêm thức trắng, giờ này cô cảm thấy đầu nặng như búa bổ. Cô chán nản nhìn những con số chi chít đang nhảy múa trước mặt.

Ngọc Điệp cố tiếp tục hí hoáy từng con số, thì một người đàn ông đã đứng sau lưng cô tự lúc nào không hay.

Ông ta cất tiếng hỏi:

- Ngọc Điệp bệnh à? Trông mặt cô thật xanh xao.

Quay lại sau lưng khi thấy người đàn ông quen thuộc Điệp hỏi:

- Ủa! Anh Thuận. Anh không có việc gì làm hay sao mà rảnh rang thế?

Thuận cười đáp:

- Cũng mới vừa xong. Anh định về sớm, lúc ngang qua đây thấy Điệp vỗ trán nên ghé vào để hỏi thăm.

- Anh hỏi thăm gì?

Tiếng Hiền - Bạn cùng phòng làm việc của Ngọc Điệp cất lên:

- Cái con khỉ! Anh Thuận thấy mi vỗ trán thì lo cho mi bệnh chứ gì. Vậy mà cũng ngu ngơ quá chừng.

Nhìn sang Thuận Hiền trách thêm:

- Nhỏ Điệp, tối một ngày làm sao ấy! Khó mà thấy nó nở một nụ cười.

Thuận đưa lời bênh vực Điệp:

- Chứ cười hoài như cô, gió lọt vào nhiều rồi than đau bụng.

Hiền cự lại Thuận ngay:

- Ơ, em có bệnh hồi nào đâu.

- Tuần trước tôi thấy cô Hiền đi khám bệnh có đúng không?

Hiền xếp lại hồ sơ, cô ngoe nguẩy:

- Nói không lại cái miệng đàn ông như anh. Hèn gì chị Cúc không bỏ anh mà đi sao được.

Thuận cũng nói đùa:

- Vợ tôi bất trắc mà đi chứ không phải bệnh như cô.

Hiền nhảy tới đánh vào lưng Thuận mấy cái:

- Hiền la lên:

- Ơ, anh lại trù tôi nữa à?

Thuận cười lên sặc sụa, anh ghẹo tiếp:

- Ai biểu cô Hiền nhắc đến vợ tôi làm chi.

Chỉ vào Hiền, Thuận cười bảo:

- Điệp coi đó! Ý là cha mẹ cô ấy đặt cái tên Hiền để nhắc chừng, thế mà cô ấy vẫn giữ ghê. Nếu hồi đó hai bác mà đặt tên là ''Cọp'' có lẽ nãy giờ cổ đã ăn tươi nuốt sống anh rồi.

Hiền lại nắm vai Điệp lắc thật mạnh ra chiều tức tối lắm:

- Điệp coi đó! Bây giờ ổng lại muốn ám chỉ mình là cọp cái nữa đó.

Điệp nhăn nhó:

- Chao ơi! Bên này bảo coi bên kia cũng bảo coi. Mình biết phải làm sao đây?

Thuận mỉm cười nói:

- Anh nói vậy là đúng nhứt rồi. Điệp đừng nghe lời cô Hiền.

Giậm hai chân xuống nền gạch, Hiền cầu cứu Ngọc Điệp:

- Mình cũng đúng mà đúng hơn anh Thuận nữa. Điệp đừng có nghe theo lời ảnh.

Vui lây với sự trẻ trung của bạn. Điệp cố cười theo:

- Cô bảo:

- Ai cũng dành phần nói đúng hết thì cứ đúng đi, để một mình tôi nói sai cho.

Nguýt Thuận một cái thật dài Hiền kéo tay Ngọc Điệp.

- Thôi dẹp đi mai làm tiếp. Đã hết giờ rồi kìa, mình đi về thôi. Không thèm nói chuyện với anh Thuận nữa đâu.

Ngọc Điệp ngẩng lên nói với bạn:

- Mình còn phải ghé đại lý để mua thuốc về cho con uống nữa. Hiền về trước đi.

- Con Điệp lại bệnh nữa à?

Đã quay xe ra định về nhà, lại nghe được đối thoại của hai cô bạn gái làm cùng công ty, Thuận liền quay lại hỏi Ngọc Điệp.

- Bộ bé Hùng Phúc lại bệnh nữa hả?

Điệp đáp nhẹ:

- Dạ.

Thuận lo lắng hỏi:

- Cháu bệnh gì? Có nhiều lắm không?

- Chỉ sốt nhẹ ba ngày nay, nhưng đêm rồi thì sốt cao đến sáng.

Thuận hỏi dồn dập:

- Sao hôm nay Điệp không ở nhà để đưa cháu đi bác sĩ? Rồi ai trông bé Phúc.

Đưa ánh mắt thật buồn, Điệp trả lời:

- Mẹ em trông chừng để chờ em đi làm về mua thuốc cho cháu uống thêm.

Thuận trách:

- Sao Ngọc Điệp liều lĩnh quá. Cháu bệnh như vậy mà không nghỉ để đi khám bệnh cho cháu.

Ngọc Điệp khó khăn lắm mới nói:

- Đi làm mà nghỉ hoài cũng ngại khó coi lắm.

- Có gì đâu. Nếu ngại thì Điệp cứ điện cho anh hay.

Hiền vội chêm vào:

- Điệp sướng nhỉ! Có phó Giám đốc Thuận yểm trợ tối đa.

Điệp lắc đầu:

- Nhưng mình không ỷ lại vào anh Thuận được.

Đưn mắt nhìn Thuận, Điệp tiếp:

- Hơn nữa anh Thuận đã giúp gia đình mình quá nhiều.

Thuận xua tay:

- Đừng nói tới chuyện đó. Bây giờ Điệp phải tranh thủ về gấp để xem cháu như thế nào?

Điệp vội chạy đến dắt chếc xe đạp. Đó là phương tiện di chuyển hằng ngày của cô, Thuận lên tiếng cản:

- Cứ để đó đi Ngọc Điệp, hãy mau lên! Anh sẽ chở cho về nhanh hơn.

Thấy vẻ ngần ngại của Điệp, Hiền cũng thúc giục:

- Nhanh lên nào! Con bệnh mà cứ ở đó e dè. Nếu cháu có gì cho mình hay. Ngày mai cứ ở nhà chăm sóc cho cháu, mình sẽ làm thay cho.

Bị hai động lực chân tình quá mạnh Ngọc Điệp đành phải lên ngồi sau yên xe Thuận.

Cứ mỗi lần nhìn Thuận là Ngọc Điệp nhớ đến cô bạn thân thiết của mình.

Thật tội cho Cúc, trong lần sinh đứa con đầu lòng gặp trắc trở, dù bác sĩ Tâm là cháu chồng rất tận tình, nhưng đã không cứu được mẹ con Cúc.

Lúc hay tin vợ con đều mất Thuận đứng yên như một pho tượng. Chính Điệp cũng từ giã cô bạn vui tính một cách quá bất ngờ - Tưởng như là chiêm bao.

Cúc ra đi quá đột ngột mà không để lại một lời trăn trối.

Điệp đã gào thầm:

- Cúc ơi! Mày hứa nuôi đứa con oan nghiệt cho tao, thế mà bây giờ mày lại ra đi mãi mãi không một lời từ giã ...

Kể từ ngày ấy, Thuận sống đơn độc trong căn nhà đã chứa đựng đầy ắp tiếng cười của người vợ vô tư và tốt bụng. Thỉnh thoảng Điệp có ghé sang đốt cho bạn nén hương ngậm ngùi thương tiếc.

Cứ mỗi lần nhìn bức ảnh Cúc đang nở nụ cười toe toét, đặt trên bàn thờ là Điệp nghe cõi lòng tan nát.

Cô kêu thầm với người bạn quá cố.

- Cúc ơi! Nhớ ngày xưa căn nhà này vui vẻ bao nhiêu thì bây giờ ảm đạm bấy nhiêu.

Phải chi để tao chết thay mày thì tốt hơn. Mày ngồi đó có nghe tao nói không vậy Cúc?

Cững từ ngày ấy. Điệp sống lầm lũi, tủi nhục không biết tâm sự cùng ai. Thuận thỉnh thoảng ghé qua nhà thăm nom và hay giúp đỡ cho gia đình cô.

Nghĩ lại thật buồn cười, ngày cô hạ sinh bé Phúc. Hôm đó Thuận vừa ghé lại đến cửa thì Điệp chuyển bụng. Mẹ cô định tìm xe để đưa cô vào bệnh viện, thì Thuận đã tình nguyện chở Ngọc Điệp đi sinh.

Sau khi khám thật kỹ, bác sĩ đã cho gia đình sản phụ được biết, cô ở vào trường hợp sinh khó, rất có khả năng phải vào ca mổ.

Tội nghiệp Thuận chạy nhanh về nhà riêng của cháu là bác sĩ Tâm để nhờ đứng ca mổ cho Ngọc Điệp.

Mẹ cô kể lại rằng, Thuận đã lo liệu đủ mọi thứ, kể từ lúc đưa cô vào nhà bảo sanh đến lúc rước cô về nhà.

Lúc Điệp vừa được mổ xong thì cô phụ tá, đi cùng bác sĩ Tâm bước ra khỏi phòng mổ, đã hiểu lầm và lên tiếng báo tin trước:

- Xin chúc mừng ông. Bà nhà vừa hạ sinh một cháu trai kháu khỉnh.

Bác sĩ Tâm nói lại:

- Sản phụ đó là bạn của mợ tôi, cô lầm rồi.

Thuận nhìn cháu trai miệng nở nụ cười cảm ơn.

Đối với mẹ con cô Thuận là một ân nhân quá to lớn, nên cô rất áy náy khi phải nhờ vả Thuận bất cứ chuyện gì.

Nhưng thực tế nếu không có sự hiện diện của Thuận, thì chắc Điệp phải khốn đốn hơn nhiều.

Trong lúc chị Hạnh luôn nhìn cô bằng ánh mắt cay cú, thì Thuận lại xoa dịu cô bằng tia nhìn thật cảm thông.

Ngọc Điệp vào làm tại công ty không bao lâu thì Thuận được đề cử lên chức vụ Phó Giám đốc công ty. Dù vậy Thuận vẫn giữ một thái độ thân thiện, vui vẻ với cô như thuở nào.

Để cô khỏi vất vả, Thuận đã có lần đề nghị giúp tiền mướn người nuôi giữ bé Phúc.

Nhưng Điệp đã một mực từ chối.

Dì Hùng Dũng và Hùng Minh cũng xin đem bé Phúc về thành phố để nuôi dưỡng.

Ngọc Điệp không đành lòng xa con nên dì khéo léo gởi tiền hàng tháng phụ giúp Điệp lo cho bà Ngọc Lan và bé Phúc được tương đối đầy đủ hơn.

Sự thiếu thốn vật chất không làm cô đau xót bằng nỗi đau của tâm hồn. Nhìn đứa con thơ vô tội, có cha mà không ai dám cho nhìn.

Còn cô có chồng nhưng mặc nhiên phải lãng quên bằng sự tủi nhục, ê chề.

Mãi nghĩ vẩn vơ nên Thuận dừng xe trước cổng nhà Điệp mới sực tỉnh khi chị Hạnh vọng ra:

- Nhanh lên nào!

Rồi không cần biết sự có mặt của Thuận, chị nói một cách cộc lốc:

- Mày muốn cho mẹ chết sớm, nên mới bắt bà già bệnh hoạn giữ con cho mày thế này.

Điệp lầm lũi đi thẳng đến bế con. Thuận cũng bước nhanh đến gần đưa tay sờ trán đứa bé.

Thuận kêu lên:

- Bé Phúc sốt cao lắm. Mau bế bé ra xe để anh đưa vào bệnh viện gấp mới được.

Thấy cử chỉ luống cuống của Điệp, Hạnh hằn hộc thêm:

- Tao đã bảo phá đi mà không chịu nghe. Để chi của nợ ấy cho thêm nhục lại làm khổ lây cả mẹ và tao nữa, khóc cả ngày không ai chịu nổi.

Ngọc Điệp nhìn chị bằng cặp mắt van vĩ thật khổ sở và như ngầm bảo sự có mặt của Thuận. Nhưng chị Hạnh nào cần biết đến điều đó.

Chị Hạnh tiếp tục đay nghiến:

- Biểu đưa cho dì đem lên thành phố mướn vú nuôi cho khuất mắt cũng không chịu.

Lớp không tiền lo nuôi nó, lớp thiên hạ dòm ngó dèm pha đủ điều.

Dòng lệ đã dâng đầy khóe mắt Điệp cố kìm hãm không để tuôn trào trước mặt Thuận.
Thật sự cô đã nghe rất nhiều lời cay đắng của chị cô, kể từ ngày nhìn ra có bà con ruột rà Hùng Mạnh.
Dù niềm đau tủi như chất ngất nhưng mẹ cô không mở một lời rầy mắng đứa con gái trót vô tình lỗi lầm. Bà Lan cũng thẫn thờ ra vào như một kẻ mất hồn. Bà cảm thông nỗi bất hạnh to lớn của Điệp và luôn mở rộng vòng tay che chở đỡ nâng cuộc đời con mình.
Bà từ nhà sau bước ra, giọng hiền từ:
- Điệp con đã về rồi à? Anh mắt vừa nhìn thấy Thuận, bà mừng rỡ hỏi:
- Ủa! Có cả cháu Thuận nữa hả?
Thấy Thuận còn đứng xớ rớ, bà bảo:
- Ngồi ghế nghỉ đi cháu. Để bác lấy nước ra cho cháu uống.
Thuận vội khoát tay ngay:
- Dạ thôi khỏi phiền bác. Con đang hối thúc Điệp chở cháu Phúc đi bác sĩ khám bệnh.
Chợt nhớ ra bà nói:
- Ờ, phải rồi từ lúc con đi làm đến giờ thằng bé cứ quấy khóc mẹ thấy mình mẩy nó cứ nóng hầm hầm hoài. Nên đưa đi khám bệnh thì tốt hơn đó Điệp à.
Hạnh lên tiếng cằn nhằn:
- Mẹ bệnh hoạn mà không lo cho thân, lại quần quật giặt quần áo cho thằng nhỏ. Nó đã can đảm sinh thằng nhỏ được, thì phải can đảm chịu cực khổ mà nuôi nó chứ.
Rồi đưa tia mắt giận dữ nhìn Điệp, Hạnh lạnh lùng:
- Mày không được trút gánh nặng lên đầu cho mẹ được. Cách tốt nhất là ẵm con đi nơi khác mà sống cho mẹ và tao bớt nhục nhã với tiếng thị phi của thiên hạ.
Bà Lan vội rầy:
- Con ăn nói gì kỳ vậy? Dù sao Điệp cũng là em ruột của con.
Không thèm nhìn khuôn mặt tàn héo của em gái đang nhòa lệ vì phải đón lấy những lời tàn nhẫn của mình vừa buông ra - Hạnh bỏ đi một nước về nhà mình.
Nhận biết lời lẽ của chị Hạnh làm tan nát lòng Điệp không ít. Thuận thấy thật tội nghiệp cho Điệp. Một đóa hoa vừa chớm nhụy thì bao nhiêu mộng đẹp đã tan thành mây khói.
Anh lên tiếng hỏi:
- Điệp chuẩn hị xong chưa để anh chở đi khám bệnh cho cháu?
Bà Lan vội lên tiếng:
- Làm phiền cậu Thuận quá! Để Điệp tự đưa cháu đi được rồi.
Thuận cười nhẹ rồi lên tiếng:
- Dạ, không có gì đâu bác.
- Sao lại bảo là không! Gia đình bác mang ơn cháu quá nhiều.
Điệp cũng vừa bế con ra đến cửa Thuận vội đứng lên bảo:
- Dạ, con chào bác. Mình đi nhanh lên Điệp.
Nhìn theo bóng con gái tay bế con ngồi sau lưng Thuận, bà Lan chép miệng thở dài:
- Phải chi Điệp gặp được Thuận thì cuộc đời nó đâu phải khổ đau như thế này.
Không khóc, nhưng sao những giọt nước mắt cứ đọng lại trên khuôn mặt gầy gò của người đàn bà luống tuổi. Bà không biết mình phải làm sao để gánh dùm con tất cả những nỗi lầm than như vô tình trút xuống đôi vai nhỏ bé của đứa con gái mà bà cưng yêu nhứt.
Khánh Ngọc
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệt

Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệt Theo chính sử Trung Hoa thì Lưu Tử Nghiệp, tự Pháp Sư, là con trưởng của Hiếu Vũ đế...