Thứ Tư, 27 tháng 10, 2021

Tìm em trong mộng ảo

Tìm em trong mộng ảo

Kỳ 1

Tiêu Vân là một gã thư sinh gàn dở, tính tình bạo dạn, ưa thích những chuyện phiêu lưu mạo hiểm, thường ngày không biết sợ trời cao đất rộng là gì, lại càng không tin yêu quái, ma quỷ. Thuở nhỏ đã học sách thánh hiền nên càng giữ gìn thân thể cẩn thận, ngoài ra Tiêu Vân lại thêm đam mê thú làm thơ, đánh đàn, và có năng khiếu về hội họa. Từ nhỏ tới lớn suốt ngày nếu có giờ rảnh rỗi thì thường ngao du đây đó, một mình lang thang tìm thú vui với gió mát trăng thanh. Chàng không thích cuộc sống gò bó nên chần chờ mãi cũng không chịu lập gia đình dù bố mẹ cứ luôn nhắc nhở. Thú vui của Tiêu Vân là đi đây đó ngắm phong cảnh, làm thơ uống rượu một mình. Tuy có tiếng là hay chữ nhưng chàng không chịu cố gắng học hành để thi cử ra làm quan, suốt ngày thơ thẩn, túi thơ bầu rượu cùng cây đàn dạo chơi mọi nơi, khi thì ra bờ biển ngồi ngắm hoàng hôn vẽ cảnh trời cao mây nước, lúc lại lên đỉnh núi thưởng thức cảnh mặt trời lên, có khi lại vô tận rừng sâu ngồi uống trà ngâm thơ đợi trăng lên. Nhiều người chê trách nói Tiêu Vân là mồt gã đồ gàn nhưng chàng vẫn không mảy may để ý, bỏ mặc ngoài tai những lời đồn đại và cứ làm theo ý mình. 
Một hôm trời vào thu, tiết trời lành lạnh, Tiêu Vân cảm thấy trong người thư thái, nghe đồn ở phía Tây Bắc đảo Phú Quốc có một khu rừng lạ, trong đó phong cảnh cực kỳ xinh đẹp lại có nhiều loại lan rừng hiếm có, chàng bèn thu xếp hành lý, túi thơ bầu rượu cùng cây đàn, giá vẽ rồi khăn gói lên đường. 
Về phía Tây đảo Phú Quốc, cách thị trấn Dương Ðông khoảng 20 cây số đường rừng, có một thung lũng nhỏ chung quanh bao bọc bởi ba ngọn núi hiểm trở đỉnh cao ngất như muốn đâm thủng đám mây trắng ngày đêm dày đặc bao quanh. Phía trước mặt của thung lũng trông ra biển, ngày đêm gió biển phần phật thổi vào xuyên qua những khe núi hiểm trở tạo nên những âm thanh quái lạ nghe đến rợn tóc gáy.  "Thung Lũng Chết" là danh từ người quanh vùng dùng để gọi địa danh hiểm ác này. Tục truyền rằng, ngày xưa đây là chốn náu thân của những tay cướp biển lừng danh, sau khi đánh cướp một chuyến hàng, chúng thường trở về tụ tập để cất dấu vàng bạc châu báu. Nhiều lần quan binh theo dõi để tận diệt đám cướp biển này, nhưng vì địa thế hiểm trở, đường núi vận chuyển khó khăn nên sau nhiều lần tấn công không đạt được kết quả như ý muốn, quan binh đều bỏ mặc cho cướp biển hoành hành. Từ đó, bọn cướp càng lộng hành hơn, chúng đóng đô cả một dãy dài của vịnh Thái Lan, ngăn chận thương buôn, tàu bè qua lại, thậm chí thỉnh thoảng bọn cướp còn tìm vào những ngôi làng hẻo lánh cướp bóc, giết người và bắt bớ đàn bà trẻ con về làm nô lệ, hễ ai nghe lời thì chúng tha cho mạng sống, ai chống trả thì bị chúng hành hạ tới chết chẳng tha. Nhiều người bị bắt đã toan tính trốn đi nhưng vì không quen thuộc địa thế và đường rừng hiểm trở, nên đa số đều bị bọn cướp bắt lại đem xử tử, số còn lại thì bị lạc trong rừng sâu núi thẳm, phải đối diện với bầy thú rừng hung ác cùng đám rắn độc dữ tợn, cuối cùng họ đành ôm hận chết trong rừng sâu. Ngày này qua tháng nọ, kẻ bị chôn xác nơi rừng sâu nước độc càng ngày càng nhiều, thân xác bị vùi dập cho thú dữ ăn thịt hoặc bị côn trùng rỉa ráy.  Những người chết oan này không tìm được đường đi đầu thai nên đêm đêm thường hiện hình lang thang than khóc cho kiếp sống cơ cực. Sau nhiều năm tháng trôi qua, bọn cướp biển không còn nữa nhưng dân làng quanh đây mỗi lần đi qua Thung Lũng Chết đều rùng mình sởn gáy vì những di tích ghê rợn cổ xưa theo truyền thuyết vẫn còn in hằn trong trí nhớ mỗi người. 
Gần bên Thung Lũng Chết, cách một khu rừng sim có một ngôi làng nhỏ nằm ven bờ biển, dân số trong làng khoảng vài mươi gia đình, tất cả hầu như sống bằng nghề đánh cá. Ngoài ra mỗi gia đình còn có một khu vườn rộng rãi trồng toàn cây ăn trái. Lợi tức của những ngày đánh cá cộng lẫn những hoa lợi thu vào mỗi mùa cũng đủ cho họ sống một cuộc sống sung túc, vì thế cha truyền con nối bao nhiêu đời họ vẫn cố gắng ở lại đây cho dù cuộc sống thiếu ánh sáng văn minh và vật chất.  Nhờ người quen giới thiệu, Tiêu Vân tìm tới nhà người trưởng làng xin tá túc. Tất cả dân làng ai nấy rất ngạc nhiên, lâu lắm rồi họ không có khách viếng thăm, nơi đây chỉ có người đi nhưng không thấy ai trở lại.  Ở đây đời sống mộc mạc, gần gũi với thiên nhiên nên dân làng tiếp đón Tiêu Vân rất nồng hậu, người trưởng làng dành cho chàng một thư phòng riêng rẽ nằm sâu trong một ngôi vườn rộng lớn của ông ta để Tiêu Vân được yên tịnh một mình.
Mấy ngày trôi qua, Tiêu Vân cảm thấy rất thích thú, chàng không bị ai quấy nhiễu, phong cảnh chung quanh lại tuyệt đẹp và thơ mộng nên chàng rất hứng khởi. Suốt ngày Tiêu Vân lang thang kiếm đề tài để vẽ tranh hoặc mượn ý thơ để ca tụng thiên nhiên, có khi lại ngồi đánh đàn một mình giữa tiếng ru êm đềm của biển cả trong những lúc hoàng hôn; Ngoài ra chàng còn tìm được rất nhiều loại lan rừng lạ mang về trưng đầy trong phòng đọc sách. Tóm lại, cuộc phiêu lưu đầy mới lạ khiến chàng vui thú quên hết cả mọi phiền toái bực nhọc trong đời sống.
Một hôm vào khoảng xế chiều, Tiêu Vân lững thững đi vào ven rừng, chàng kiếm một chỗ ngồi yên tĩnh trên một mõm đá dưới tàn cây bàng to lớn cạnh bờ biển, không khí trong lành kiến chàng cảm thấy đầu óc thoải mái. Tiêu Vân mở bầu rượu mang theo rồi một mình độc ẩm với thiên nhiên. Tiếng chim hót vang vọng trộn lẫn tiếng xào xạc của cành lá đong đưa cùng hương vị đậm đà của gió biển làm thi hứng chàng nổi dậy. Tiêu Vân lấy giấy bút ra và trong chốc lát chàng đã làm xong một bài thơ tả cảnh thiên nhiên. Ðọc bài thơ mới, Tiêu Vân càng cảm thấy hài lòng nên cất to giọng ngâm nga vang dội, thêm có hơi rượu vào làm đầu óc hoạt bát hứng thú, nên chàng vội vàng phổ thơ thành nhạc. Xong xuôi, Tiêu Vân lấy cây đàn mang theo và vừa đàn vừa ngêu ngao hát bài nhạc mới một cách vui vẻ sảng khoái. 
Ðang lúc say sưa với cung đàn tiếng hát, bất chợt Tiêu Vân nghe thấy có tiếng cười khúc khích đâu đó vọng lại, ngẩng mặt lên chàng chợt giật mình vì không biết từ lúc nào, dưới một lùm cây cách chàng không xa có một cô gái đang che miệng nhìn chàng cười khúc khích. Tiêu Vân thẹn đỏ mặt, không ngờ lại có người lén xem trộm chàng như vậy. Tuy mất hứng nhưng vốn tính tình nho nhả nên chàng không nói năng gì, chỉ vội vàng thu xếp hành trang sửa soạn ra về. Lúc nhìn lên, Tiêu Vân đã không thấy hình bóng của thiếu nữ lúc nãy đâu nữa. Tò mò, chàng đi lại chỗ nàng đứng lúc nãy thì thấy xa xa trên con đường mòn nhỏ dẫn vào vườn sim thấp thoáng tà áo thiếu nữ khi ẩn khi hiện. Tiêu Vân cảm thấy ngạc nhiên trong lòng, lúc này trời đã vào xế chiều không hiểu thiếu nữ đi vào vườn sim làm gì. Tính hiếu kỳ nổi lên, chàng xách vội  bọc hành trang rồi quay mình đuổi theo thiếu nữ.  Tiêu Vân chạy sâu vào rừng sim theo hướng cô gái vừa rồi, chàng băng qua một con dốc nhỏ và đi vào một thung lũng xanh tươi; nhưng nhìn quanh, hình bóng người đẹp đã mất hút tự bao giờ, chỉ còn thoang thoảng mùi hương trong gió vương đọng trong không gian. Tiêu Vân chán nản, chàng quay trở lại đi dọc theo bờ biển nhìn từng đợt sóng tung tăng cùng những chú dã tràng rượt đuổi nhau trên bãi cát trắng.
Ðang đi lang thang, bất chợt Tiêu Vân nghe có tiếng người nói lao xao theo gió vọng về, chàng lần theo tiếng gió tìm xem sự thể, qua một đồi cát chập chùng, bất chợt chàng thấy xa xa xuất hiện mấy bóng người.  Dụi mắt nhìn kỹ hơn chàng nhận ra trong số có bóng dáng thiếu nữ lúc nãy, kỳ lạ hơn nữa là bên cạnh nàng có mấy người khác, cả ông lẫn bà, đang lôi kéo đưa nàng đi. Tiêu Vân ngạc nhiên vô cùng, không hiểu sự thể ra sao nên vội chạy nhanh lại về phía đám đông. Khi chàng gần tới thì một bóng người trong đám tách rời ra đi ngược xuống và chận Tiêu Vân lại. Ðó là một gã đàn ông vạm vỡ, khuôn mặt hung dữ khó ưa với hàm râu tua tủa. Gã lên tiếng hỏi:
- Các hạ làm gì ở đây?
Tiêu Vân bực mình, chàng không thèm trả lời, lách người đuổi theo thiếu nữ, nhưng gã đàn ông đã vươn tay giữ chàng lại:
- Tại hạ muốn biết các hạ là ai?
Tiêu Vân giựt tay ra, nhưng cãnh tay gã lạ mặt như chiếc vòng sắt siết cứng.  Bực mình lẫn khó chịu, chàng trả lời cộc lốc:
- Ta là ai mặc xác ta, các ngươi là ai, tại sao lại hà hiếp một cô gái yếu đuối như vậy.
Gã đàn ông im lặng không đáp, Tiêu Vân lại nói thêm:
- Các người hiếp đáp người một cách quá đáng như vậy mà không sợ vương pháp hay sao? Dù sao cũng phải nói lý lẽ chớ.
Gã đàn ông nhìn Tiêu Vân một cách chăm chú, ánh mắt thoáng vẻ ngạc nhiên.  Gã thả tay ra rồi nói giọng có vẻ hòa hoãn hơn:
- Ta xem công tử không phải là người vùng này, chuyện chúng tôi làm công tử đừng nhúng tay vào, chúng tôi chỉ làm tròn bổn phận được giao phó mà thôi, tốt hơn hết là công tử cứ xem như chưa thấy gì hết, như vậy sẽ có lợi cho công tử hơn.
Tiêu Vân im lặng không nói, một chút nghi hoặc nổi lên trong đầu óc.  Lúc này thiếu nữ cùng đám đông đã mất hút vào khu rừng trước mặt, nhìn theo hướng nàng Tiêu Vân lên tiếng:
- Ta sẽ không bỏ qua chuyện này, các ngươi đừng tưởng ở chốn thâm sơn cùng cốc này thì muốn làm gì thì làm. Tốt nhất là các ngươi nên đối đãi tử tế với cô gái.
Gã lạ mặt không nói năng gì, lạnh lùng quay mình bỏ đi. Còn lại một mình trên bãi biển vắng tanh, Tiêu Vân ngồi thừ người suy nghĩ. Nhiều nghi vấn nổi lên trong đầu óc phong phú của chàng, thắc mắc không biết thiếu nữ vừa rồi là ai, và những người đi chung với nàng có quan hệ gì. Ngồi mãi không nghĩ ra đươc truyện gì mới lạ, chàng đứng lên rảo bước về nhà định bụng sẽ hỏi ông trưởng làng cho ra lẽ.
Ngày hôm sau, Tiêu Vân đem chuyện cũ dò hỏi người trong làng, ai ai cũng lắc đầu kỳ lạ, không người nào biết thiếu nữ là ai, thậm chí có người còn cho là chàng đã gặp yêu quái. Ông trưởng làng lại còn căn dặn chàng:
- Công tử có đi dạo cảnh thì cũng chỉ nên đi gần đâu đây, chớ đừng đi quá xa kẻo gặp nguy hiểm, nhất là đừng đi về hướng Thung Lũng Chết một mình, ở đó có nhiều cái kỳ lạ lắm.  Biết bao nhiêu người đã chôn xác trong đấy; còn nữa, gần chập tối thì nên về nhà ngay, chung quanh đây rất nhiều ma quái thường hiện lên quấy phá, nếu có chuyện phải đi thì rủ hai ba người cùng đi cho có bạn thì tốt hơn.
Tiêu Vân gật đầu cám ơn mọi người nhưng bụng ấm ức. Trong thâm tâm chàng không hề tin có ma quỷ, có thể thiếu nữ là con gái của một gia đình nào đó ở cạnh đâu đây, có điều chưa nhìn rõ được mặt nên không biết là ai. Chàng quyết chí sẽ tìm cơ hội làm sáng tỏ chuyện này để mọi người được sáng mắt ...
Kỳ 2
Mấy ngày sau đó, Tiêu Vân cứ lặng lẽ ra chốn cũ ngồi chờ hy vọng sẽ gặp lại thiếu nữ lạ lùng. Chờ đợi cả hơn tuần lễ nhưng hình bóng nàng vẫn biền biệt, chàng đâm ra chán nản và nhiều lúc tự nghĩ có lẽ mình đã gặp ma chăng. Bẵng đi hơn tuần lễ nữa, Tiêu Vân đã không còn suy nghĩ nhiều về thiếu nữ lạ nữa, có chăng là thỉnh thoảng trong tâm trí chợt thoáng hiện lên chuyện cũ mỗi khi đi qua chốn cũ. 
Một buổi chiều nọ, Tiêu Vân đang lang thang trên bãi biển vắng, tâm trí đang mơ màng cố dệt những vần thơ mới lạ. Bất chợt thoảng đâu đây vang vọng lại những âm thanh mơ hồ, nửa như tiếng trống, nửa như tiếng kèn, chen lẫn cả tiếng người nói lao xao. Tính hiếu kỳ lại nổi lên, chàng lần theo hơi gió tìm về phía bên kia đồi cát chập chùng. Qua khỏi một con dốc, trước mắt là một bãi cát rộng lớn bằng phẳng, chỉ lưa thưa vài bụi cây dại cùng những đám cỏ may đang uốn éo, thỉnh thoảng vài cơn gió thổi qua tạo thành những âm thanh nghe heo hút đến rợn người. Chen lẫn trong màu xám nâu của những bông cỏ may, trước mắt chàng hiện ra một quang cảnh lạ lùng. Một dàn cờ xí đủ màu sắc sặc sỡ do những cụ già luống tuổi đi trước, kế đến là ban nhạc bát âm với đầy đủ kèn trống, tiếp theo là một đoàn thiếu nữ vận cung trang tay cầm giỏ hoa, theo sau đó là tám gã đàn ông khỏe mạnh đang khiêng một chiếc kiệu hoa, cuối cùng là những mụ đàn bà luống tuổi trong y phục lòe loẹt. Tiêu Vân như không tin ở mắt mình, rõ ràng đây là một đám rước long trọng theo những thể thức cổ truyền, chàng không rõ là đám đông đang mở hội gì vì chiếc kiệu hoa được buông rèm kín mít, nhưng theo vẻ bề ngoài nó giống như một cuộc rước Thần Hoàng.
Tiêu Vân chợt mỉm cười một mình, chàng cảm thấy buồn cười vì không ngờ tới giờ này mà nhiều dân làng còn đầu óc mê tín dị đoan, tuy vậy Tiêu Vân vẫn nép mình bên một rặng phi lau gần đó để tiếp tục theo dõi đám rước. Khi đoàn người đi tới gần, Tiêu Vân nhìn rõ hơn thì nhận ra trong đám người khiêng kiệu có mặt gã đàn ông đã chận chàng lại hôm trước. Tiêu Vân càng ngạc nhiên hơn, một chút manh mối đã xuất hiện, chàng hy vọng sẽ tìm lại được cô gái hôm trước.  Lúc đám rước đi qua nơi chỗ Tiêu Vân ẩn núp, chàng cẩn thận ép sát người xuống nên cỏ dại, chỉ để lộ ra căp mắt theo dõi từng người trong bọn, nhưng cho tới người cuối cùng, Tiêu Vân vẫn không nhìn thấy thiếu nữ ở đâu, trong đám chỉ toàn là những đàn bà lớn tuổi. Cảm thấy thất vọng, Tiêu Vân toan đứng lên ra về, thì bất chợt từ trong chiếc kiệu hoa, một bàn tay nhỏ nhắn đưa ra vén tấm rèm kiệu, rồi một khuôn mặt thanh tú nhô ra, Tiêu Vân nhận ra đó là thiếu nữ đã gặp lúc trước, chỉ khác một chút là nàng ăn vận như một công nương, mình vận áo hoa còn đầu đội mão. Thiếu nữ đảo mắt nhìn tứ phía rồi chợt ngừng lại nơi Tiêu Vân đang ẩn núp và khẽ nhoẻn miệng cười như đã biết trước chàng đang ở đó. Lúc này trời đã về chiều nhưng ánh sáng vẫn còn đủ để cho chàng nhìn rõ được mặt cô gái, thiếu nữ khoảng độ mưới tám tuổi, gương mặt trái xoan, mày thanh mắt sáng, cả gương mặt toát ra một vẻ đẹp mơ ảo làm Tiêu Vân ngây ngất, chàng không ngờ nơi thâm sơn cùng cốc này lại gặp được người đẹp như vậy. Lần trước gặp nàng vào lúc trời chập tối và khoảng cách khá xa nên Tiêu Vân chưa được nhìn kỹ, lần này không biết vì trời giúp hay vì nàng cho chàng có cơ hội nên mới lộ mặt lâu như vậy. Tiêu Vân như bị thôi miên trước cặp mắt của nàng, trong lúc chàng đang sững sờ thì nàng đã kéo tấm rèm che lại và biến mất trong chiếc kiệu hoa. Mãi cho tới lúc đoàn người đi khuất sau đồi cát Tiêu Vân mới chợt tỉnh hồn lại, chàng mơ màng như đánh mất một cái gì quí giá và thẩn thờ đi về nhà nhưng trong lòng ngập tràn hình bòng thiếu nữ lạ lùng.
Những ngày sau đó Tiêu Vân như người mất hồn, suốt ngày mơ tưởng tới hình bóng người thiếu nữ kỳ lạ.  Niềm tương tư ngày càng gia tăng, Tiêu Vân đem nỗi nhớ thương của mình lên giá vẽ cố họa lại hình dáng người đẹp trong mơ, chàng cặm cụi đêm ngày để hoàn thành bức tranh, khi được như ý chàng luôn đem theo bên mình để thỉnh thoảng mở ra coi cho đỡ nhớ. Tiêu Vân mất hẳn hứng thú đi tìm phong lan hoặc ngắm phong cảnh, ngày ngày thẫn thờ ra bờ biển chờ đợi hy vọng có dịp gặp lại người đẹp. Chàng mang bao nỗi tương tư tích trữ trong lòng viết thành những vần thơ trữ tình, vừa để ca ngợi vẻ đẹp của thiếu nữ, vừa để diễn tả tâm tình si mê của mình. Nhưng đáng buồn thay cho Tiêu Vân, những vần thơ dạt dào tình cảm và cõi lòng thổn thức của chàng chỉ được đáp lại bằng tiếng sóng biển vô tư cùng những cơn gió lạnh lùng giữa trời đất hoang vắng. Dù vậy, Tiêu Vân vẫn không nản chí, trong đầu óc chàng tự nghĩ thế nào cũng có lúc người đẹp sẽ hiểu được nỗi lòng của chàng.
Một hôm trong lúc Tiêu Vân đang ngồi bên bờ đá ngẩn ngơ ngắm nhìn bức họa người đẹp mang theo bên mình, bất chợt chàng nghe có tiếng cười khúc khích quen thuộc. Ngẩn mặt lên nhìn thì thấy thiếu nữ mà chàng ngày đêm mong nhớ đang đứng dưới gốc cây bàng gần đó nhìn chàng như chế riễu. Tiêu Vân mừng rỡ, chàng vội đứng lên và không ngần ngại bước lại phía thiếu nữ. Khi tới gần, Tiêu Vân vòng tay chào hỏi:
- Cô nương có khỏe không? lâu qúa tiểu sinh không được gặp cô nương, xin cô nương cho tiểu sinh biết quý danh để tiện bề xưng hô.
Thiếu nữ như không để ý gì đến câu nói của chàng, nàng giật lấy bức tranh trên tay Tiêu Vân mở ra coi đoạn hỏi ngược lại.
- Cái anh chàng đồ gàn này thật là kỳ, tai sao lại dám vẽ hình người ta và cầm đi lang thang như vậy, có được sự đồng ý của tôi chưa mà cả gan làm vậy, không sợ tôi thưa tới cửa quan hay sao?
Gương mặt của nàng tuy làm ra vẻ trang nghiêm nhưng giọng nói như nửa đùa nửa thật khiến Tiêu Vân cảm thấy can đảm hơn, chàng thành thật nói:
- Thú thật với cô nương, ngay từ lúc được diện kiến dung nhan tiểu sinh đây đã cảm thấy lòng mình ái mộ cô nương rất nhiều, tuy chưa một lần được tiếp chuyện nhưng hình bóng của cô nương đã in sâu vào đầu óc của tiểu sinh. Cô nương giống như một tiên nữ giáng trần, tiểu sinh đây được may mắn nhìn thấy, thế nên tiểu sinh mới đem họa lại dung nhan đem theo bên mình để ngày đêm tôn thờ, nếu cô nương muốn trách phạt thì tiểu sinh đây cam lòng gánh chịu.
- Cứ tưởng là người đọc sách thánh hiền thì phải chân thật, không ngờ anh học trò gàn ngoài việc tính tình liều lĩnh ẩu tả, mồm miệng lại còn lẻo mép như vậy.
Tiêu Vân nghe nàng trách cứ liền nghiêm mặt lại, chàng đưa tay lên trời rồi thề:
- Trên có trời cao chứng dám, nếu tiểu sinh đây có lòng khinh bạc cô nương thì xin chịu tội với trời đất.
Thấy Tiêu Vân thề như vậy, thiếu nữ chỉ khẽ mỉm cười rồi nói thêm:
- Trời đất nào mà dám làm chứng cho anh như vậy, nhưng mà anh có thể tặng tôi bức vẽ này được không? tôi thích nó lắm.
- Nếu cô nương thích thì tiểu sinh đây xin hai tay dâng tặng.  Nhưng xin hỏi cô nương quý danh là gì để tôi còn đề tặng.
- Tôi tên là Phương Loan, họ Trần, nhưng anh cứ đề Phương Loan là đủ rồi.
Tiêu Vân lấy bút ra viết lên bức họa rồi trao cho Phương Loan, chàng hỏi tiếp:
- Chẳng hay cô nương có ở gần đây khỏng, tại hạ có thể làm bạn với cô nương được không?
Phương Loan khẽ mỉm cười, nàng nói:
Anh tặng tôi bức tranh tức đã là bạn bè rồi, anh còn hỏi nhà tôi làm chi.
Tiêu Vân cảm thấy vui vui, không ngờ Phương Loan lại lém lỉnh và tự nhiên như vậy; thông thường các tiểu thư khuê các lúc nào cử chỉ cũng e dè, nói năng rụt rè. Nhưng Phương Loan thì lại khác , nàng bạo dạn và cởi mở, không câu nệ tiểu tiết. Chàng cảm thấy ở Phương Loan một thiếu nữ vui tính và thông minh, không gò bó với những lễ nghi rườm rà. Tiêu Vân trả lời:
- Ðã là bạn bè thì còn dấu diếm làm gì, bộ cô nương sợ tôi tới nhà làm phiền hà gì chăng? chúng ta tuy là mới gặp gỡ nhưng tôi quyết không bao giờ làm điều gì có hại tới thanh danh của cô nương
Phương Loan đưa tay chỉ về phía trước rồi nói:
- Nhà tôi ở trong vườn sim phía sau khu rừng trước mặt. Tôi không sợ anh làm phiền gì, chỉ sợ nếu anh tới nhà thì sẽ bị người nhà tôi làm phiền. Nói cho anh biết trước, người nhà của tôi rất hung dữ, anh làm quen với tôi thì sẽ bị họ quấy nhiễu mãi.
Tiêu Vân nhớ lại đám người lạ mặt chàng gặp lúc trước, nhưng vốn tính tình bạo dạn phóng khoáng, lại thêm trước mặt có người đẹp nên liền trả lời:
- Tại hạ đây trước nay không làm chuyện gì mờ ám nên không sợ gì hết. Hơn nữa được làm bạn với cô nương là chuyện đứng đắn đàng hoàng, có gì đâu lại phải sợ hãi.
Phương Loan không nói gì, gương mặt nàng thoáng vẽ đăm chiêu rồi nói:
- Chuyện đời nhiều khi không như ý mình muốn, có nhiều việc xẩy ra không thể ngờ trước được. Nhưng thôi, nói chuyện đó làm gì, chúng ta hãy bàn về thơ văn đi. Thỉnh  thoảng tôi có nghe được một vài bài thơ của công tử, thật là tình ý sâu sắc, văn tài như công tử đáng lẽ phải thi thố ở chốn quan trường, cớ sao lại vô chốn rừng xanh này ngâm nga với cây cỏ.
- Chả dấu gì cô nương, tại hạ đây chỉ thích nhàn du tiêu khiển. Những ràng buộc nơi chốn đông người quả tình tại hạ không muốn nghĩ tới.  Lo lắng trăm chuyện sao bằng sống vui vẻ với thiên nhiên cây cỏ.
Tiêu Vân và Phương Loan cùng ngồi nói chuyện với nhau. Chàng rất ngạc nhiên về kiến thức phong phú của nàng, không ngờ một người con gái yếu đuối như vậy kiến thức lại không thua gì nam tử hảo hán.  Từ ngạc nhiên đến kính phục, Tiêu Vân lại càng cảm thấy tôn trọng và gần gũi nàng hơn. Hai người nói chuyện rất tương đắc, từ văn chương thi phú đến những chuyện xảy ra hàng ngày, thoáng chốc thì trời đã chập tối. Phương Loan vội vàng lên tiếng từ giã:
-  Tôi phải về kẻo người nhà trông đợi, hẹn gặp lại anh vào dịp tới.
Tiêu Vân bịn rịn, chàng hỏi:
- Bao giờ tôi có thể gặp lại Phương Loan lần nữa?
- Nếu có dịp thì tôi sẽ ra đây, nhưng bây giờ không dám hẹn trước.
- Tôi sẽ chờ Phương Loan ở đây vào mỗi ngày, cho dù cô có tới hay không.
Phương Loan chỉ mỉm cười, nàng lặng lặng quay lưng đi mất hút vào con đường mòn trước mặt mặc cho Tiêu Vân ngơ ngác trông theo. 
Tối hôm đó Tiêu Vân cảm thấy lòng rộn ràng hẳn lên, chàng mong cho trời mau sáng để gặp lại Phương Loan. Nằm trằn trọc trên giường đầu óc Tiêu Vân dệt lên thật nhiều mộng đẹp, và chàng thiếp đi vào giấc ngủ với hình bóng khả ái của Phương Loan trong tâm trí.

Kỳ 3

Ngày hôm sau, mặt trời vừa đứng bóng Tiêu Vân đã hớn hở túi thơ túi rượu cùng với cây đàn đi ra chỗ hẹn. Tới chốn cũ, chàng ngồi xuống rồi ngắm nhìn cảnh vật chung quanh. Chưa bao giờ chàng thấy khung cảnh thiên nhiên đẹp và thơ mộng như hôm nay, có lẽ vì cuộc hội ngộ với Phương Loan ngày hôm qua khiến tâm hồn như say đắm và thi vị hẳn lên. Nhắm mắt lại, khứu giác Tiêu Vân còn cảm thấy thoang thoảng đâu đây mùi hương nhẹ nhàng của Phương Loan, bên tai chàng cũng đang văng vẳng tiếng nói êm đềm của nàng lẫn trong tiếng gió rì rào. Tiêu Vân so dây đàn, mấy ngón tay chạy nhẹ nhàng trên cung tơ chùng, giòng nhạc tuôn ra từ trong tim hòa lẫn với khung cảnh thiên nhiên của trời đát. Chàng như quên hẳn hiện tại, tâm trí chỉ còn nhìn thấy một Phương Loan đang yêu kiều lả lướt theo tiếng đàn đê mê.
Mãi đến khi có tiếng chim rừng kêu lên quang quác gọi nhau về tổ Tiêu Vân mới giật mình trở về với thực tại. Ngước nhìn lên, mặt trời đã xế bóng, chung quanh chỉ có một mình chàng với rừng núi hoang vu, hình bóng Phương Loan vẫn biệt tăm. Tiêu Vân tư dưng cảm thấy tiếc nuối, chàng suy nghĩ một chút rồi quả quyết đứng lên theo lối mòn đi về phía vườn sim dưới chân núi, nơi Phương Loan đã chỉ hôm qua để tìm nhà của nàng. Trong thâm tâm, Tiêu Vân nghi ngờ gia đình của Phương Loan đã cố tình ngăn chận không cho nàng ra gặp chàng. Nghĩ tới khuôn mặt thùy mị đáng yêu của Phương Loan, Tiêu Vân cảm thấy lòng ấm lại, chàng cất bước một cách hăng hái hơn, lần này Tiêu Vân quyết tâm sẽ can đảm lên tiếng trước người nhà của Phương Loan để bênh vực cho cuộc tình của hai người.
Khoảng nửa canh giờ sau, Tiêu Vân đã đi xuyên qua hết vườn sim, chàng ngó trước sau vẫn không thấy bóng dáng của một ngôi nhà nào. Tiêu Vân cảm thấy ngạc nhiên, rõ ràng ngày hôm qua chính mắt chàng đã nhìn thấy Phương Loan đi vào đây. Tiêu Vân trèo lên một mô đá cao gần đó dáo dác nhìn chung quanh, giữa những dãy núi chập chùng, chàng chỉ thấy một màu xanh bát ngát của rừng già trộn lẫn trong nền trời xanh bao la. Không nản chí, Tiêu Vân vẹt đám lá cây lần theo con đường mòn nhỏ tiếp tục đi về phía trước. Một lúc sau, Tiêu Vân đã đi sâu vào khu rừng già trước mặt, lúc này trời đã chập tối, chung quanh chàng vang lên những tiếng côn trùng rên rỉ, đâu đây những con đom đóm bắt đầu nhấp nháy như những ánh sao rơi.  Thỉnh thoảng tiếng chân sột soạt của những con thú sống về đêm vang lại làm Tiêu Vân rợn người, chàng nhìn về phía trước, quang cảnh chung quanh bắt đầu mờ dần theo làn sương mỏng, Tiêu Vân biết rõ, nếu không trở ra kịp thời thì chàng sẽ bị giam trong rừng già dầy đặc tối nay. Tiêu Vân vội quay gót lại lần theo lối cũ trở ra, nhưng màn đêm trong rừng tới thật mau lẹ, mới đi được một quãng, chàng đã không nhận được lối ra. Hoảng hốt, chàng cắm đầu chạy bừa về phía trước, nhưng càng chạy Tiêu Vân càng bị lạc lối, những cành lá nhọn quất vào người làm chàng đau điếng, thoáng chốc cả khu rừng đã bị màn đêm bao phủ. Loanh quanh một lát nữa thì hoàn toàn không nhận ra phương hướng, Tiêu Vân mệt mỏi ngừng lại, chàng ngồi xuống một tảng đá gần đó cho đỡ mệt, một lúc sau đầu óc đã hơi tỉnh táo lại, Tiêu Vân bẻ lấy một cành cây làm gậy chống rồi từ từ cất buớc lần mò tiến về phía trước. Tuy bị vây khổn trong rừng hoang nhưng vì tính tình lạc quan nên Tiêu Vân đã lấy lại bình tỉnh, chàng định bụng sẽ kiếm một hốc đá nào đó tạm trú cho qua đêm đợi ngày mai sẽ kiếm đường trở về.
Ðang lần mò trong bóng tối bất chợt Tiêu Vân thấy xa xa có ánh lửa lập lòe khi mờ khi tỏ chiếu tới, chàng mừng rỡ vội vàng cất bước hướng về phía đó. Ðường đi thật khó khăn vất vả nhưng một lúc sau Tiêu Vân thấy cây cối thưa thớt dần và trước mặt chàng hiện ra bóng dáng một ngôi nhà cổ kính với hàng rào chung quanh kín mít, ngay trên cánh cổng là một bó đuốc nhỏ đang chập chờn theo chiều gió, chính bó đuốc này đã dẫn đường chàng đến đây. Tiêu Vân vội vã lần tới cổng, tay chàng sửa soạn đụng tới thì cánh cổng bật mở, một gã đàn ông vạm vỡ bước ra cúi đầu chào:
- Xin chào công tử, mời công tử theo tôi vào trong.
Tiêu Vân ngạc nhiên, chàng nhìn kỹ, thấy đó là một người đứng tuổi, gương mặt lầm lì đáng sợ. Tuy vậy chàng vẫn cúi đầu đáp lại rồi nói:
- Tiểu sinh tên Tiêu Vân, vì không quen đường nên lỡ lạc bước tới đây, kính xin các hạ cho tá túc tạm một đêm. Ðược như vậy thì tiểu sinh muôn vàn cảm tạ.
Gã đàn ông hình như không để ý tới lời nói của Tiêu Vân, gương mặt vẫn trơ trơ, gã nói tiếp:
- Tại hạ vâng lệnh chủ nhân chờ đây đã lâu rồi. Bây giờ mời công tử  vào trong.
- Các hạ lầm rồi, tại hạ không phải là người ngươi đang đợi, ta chỉ tình cờ đi ngang qua đây thôi.
Gã đàn ông không thay đổi sắc mặt, gã cất giọng lạnh lùng nói:
- Chủ nhân có kêu tại hạ hễ lúc nào công tử tới thì mời vào, chủ nhân không có lầm lẫn đâu.
Nói xong, chưa kịp cho Tiêu Vân lên tiếng, gã đưa tay kéo chàng vào trong và đóng sầm cánh cổng lại. Tiêu Vân ngơ ngác ngó quanh, khung cảnh thật âm u đen tối, một vài ánh đuốc bập bùng đâu đây càng làm tăng thêm phần ảm đạm. Gã đàn ông ra hiệu cho chàng đi theo rồi xoay mình cất bước đi vào một lối nhỏ đầy đá cuội trắng. Tiêu Vân lầm lũi đi theo, sư việc xảy ra tuy có hơi lạ lùng với chàng, nhưng vốn là ngươi khoáng đạt nên Tiêu Vân không để tâm lắm, chàng thầm nhủ cứ để xem sẽ xẩy ra thêm việc gì rồi nói cũng chưa muộn.
Ði quanh co một hồi, gã đàn ông đưa Tiêu Vân vào một ngôi nhà gỗ trống vách, dùng để đón khách. Tại đây đã có một cô gái ăn mặc theo lối a hoàn chờ sẵn, thấy chàng cô gái lên tiếng:
- Chào công tử, xin mời công tử theo ta.
Tiêu Vân cảm thấy ngạc nhiên, chàng chưa kịp lên tiếng thì cô gái đã quay mình bước đi. Tiêu Vân chỉ kịp nói cám ơn gã đàn ông rồi chạy vội theo cô gái. Lòng vòng thêm chút nữa, cô gái đưa chàng vào một căn phòng có vẻ như nhà khách, Tiêu Vân chưa kịp lên tiếng thì cô gái đã nói ngay:
- Công tử vào trong tắm rửa thay đồ rồi tôi sẽ trở lại đưa công tử đi gặp chủ nhân.
Nói xong cô gái quay lưng bỏ đi. Tiêu Vân ngày càng thấy ngạc nhiên, không hiểu đây là đâu, nhất là thái độ lạnh lùng thiếu thân thiện của những người chàng đã gặp, Tiêu Vân tự hỏi nếu họ không thích người lạ tại sao lại mở cửa gọi chàng vào, và nếu đã xem chàng là khách tại sao cách đối xử lại lạnh nhạt như vậy. Dù vậy, Tiêu Vân vẫn vội vàng đi tắm rửa, chàng tò mò muốn xem mặt chủ nhân ở đây là ai, tại sao lại biết chàng sẽ tới chốn này.
Khi Tiêu Vân xong xuôi bước ra thì đã thấy cô gái lúc nãy trở lại từ bao giờ, không để cho chàng lên tiếng, cô gái lạnh lùng ra hiệu cho chàng đi theo rồi nói:
- Chủ nhân đang đợi, mời công tử theo tôi.
Không kịp cho chàng trả lời, nàng bước nhanh ra cửa, Tiêu Vân phải vội vàng đi theo. Vừa đi chàng vừa thấy quái lạ cho thái độ thiếu thiện cảm của cô gái. Tiêu Vân thầm cầu mong cho chủ nhân nơi đây sẽ không khó chịu như vậy.
Cô gái dẫn Tiêu Vân đi qua những dãy hành lang u tối, ngoằn ngoèo hồi lâu rồi bước  vào một căn phòng rộng rãi sáng sủa hơn với những cây đèn cầy to lớn được treo trên các kệ ở bốn góc tường. Ngay chính giữa phòng, Tiêu Vân nhìn thấy một bàn tiệc đã sẵn sàng với các thức ăn đang bốc khói. Cuối phòng có một chiếc bàn nhỏ, có hai người, một nam, một nữ, đang ngồi đọc sách. Cô gái hướng về phía hai người này cúi chào rồi lên tiếng:
- Thưa chủ nhân, khách đã tới.
Cả hai người ngẩng mặt lên, Tiêu Vân nhận thấy người đàn ông khoảng độ 60 tuổi, tướng mạo nghiêm trang quắc thước, râu chùng tới bụng, còn người đàn bà khoảng 50 tuổi, dáng điệu quý phái đoan trang. Cả hai nhìn Tiêu Vân mỉm cười, người đàn ông hỏi chàng:
- Công tử đã khỏe lại chưa, cho ta xin lỗi vì đã tiếp đón thiếu sót.
Tiêu Vân lật đật cúi đầu chào rồi trả lời:
- Tiểu sinh hân hạnh kính chào hai vị, hôm nay lỡ bước lạc đường được hai vị cho tá túc thật muôn vàn cảm tạ. Tiểu sinh họ Tiêu tên Vân, chẳng hay hai vị xưng hô thế nào.
Kỳ 4
Người đàn ông trả lời:
- Ta họ Trần, tên Minh, đây là phu nhân ta, chẳng hay công tử từ đâu tới cớ sao lại đi vào chốn rừng hoang như vậy.
Tiêu Vân không dám nói láo, chàng trả lời thành thật:
- Tiểu sinh vì tìm kiếm nhà người bạn nên bị lạc quên cả lối về, nếu không nhờ Trần lão tiên sinh cho tá túc, thật chẳng biết làm sao giữa chốn rừng núi hoang vu đêm nay.
Người đàn ông nhíu mày ngắt lời Tiêu Vân:
- Ta xem ra công tử không phải là người trong vùng, chung quanh đây mấy chục dặm đường chỉ có mỗi một Trần gia trang này thôi, chẳng hay người bạn công tử tên là gì.
Tiêu Vân đỏ mặt không dám nói thật vì đi tìm Phương Loan nên bị lạc đường, chàng bèn nói cho qua chuyện:
- Tiểu sinh cũng chỉ mới quen sơ giao mà thôi, cũng chưa từng ghé thăm nhà lần nào. Chỉ nghe nói là nhà ở đâu đây trong dãy núi này.
Trần Minh không nói thêm,  lão đưa tay mời Tiêu Vân:
- Chắc công tử cũng đói bụng rồi, ta bắt đầu ăn đi thôi. Ở đây rừng núi hoang vu chỉ có vài món ăn đạm bạc, cỏng tử đừng chê trách.
- Tiểu sinh không dám, được lão bá cho tá túc là một hạnh ngộ rồi, huống chi lại còn làm phiền lão bá phải cho ăn uống, tiểu sinh thật áy náy vô cùng.
Trần Minh và phu nhân cùng ngồi vào bàn ăn, Tiêu Vân đợi cho cả hai yên vị rồi mới rón rén ngồi xuống. Một đứa tớ gái bới cơm và đồ ăn cho cả ba người, Trần phu nhân từ nãy giờ im lặng bây giờ mới lên tiếng:
- Công tử cứ tự nhiên ăn uống đừng e ngại gì hết, nếu thấy cần gì thêm thì cứ hỏi Tiểu Thúy.
Vừa nói bà vừa chỉ vào cô gái hầu bàn, Tiêu Vân nhìn thấy cô gái có dáng quen quen nhưng không nhớ là đã gặp ở đâu.  Lúc này vợ chồng Trần Minh đã bắt đầu ăn cơm, Tiêu Vân cũng không khách sáo, chàng khoan thai ăn uống một cách tự nhiên. Thức ăn tuy không phải là cao lương mỹ vị nhưng nấu rất vừa miệng, hơn nữa đang sẵn đói bụng nên Tiêu Vân ăn rất ngon miệng. Chàng nếm thử ly rượu Tiểu Thúy vừa rót, cảm thấy mùi vị thơm ngon, men rượu nồng nàn một cách dịu ngọt đúng với sở thích của chàng. Cả ba người vừa ăn vừa nói chuyện một cách vui vẻ, Tiêu Vân nhận thấy tuy Trần lão lớn tuổi nhưng tính tình phóng khoáng, nói chuyện rất cởi mở và tế nhị. Kiến thức lão rất uyên bác, từ thời thế đến địa lý phong thủy, ngoài ra còn hiểu biết rất nhiều về văn chương. Tiêu Vân càng nói chuyện càng cảm thấy khâm phục con người của Trần lão, chàng ít có khi nào gặp được người cùng sở thích như vậy. 
Cơm nước xong xuôi, Trần lão mời chàng ra thư phòng gần đó để tiếp tục uống ruợu đàm đạo.  Tiêu Vân vâng lời, lúc này chàng đã cảm thấy rất thân thiện với vợ chồng gia chủ, hơn nữa men rượu trong bữa ăn làm Tiêu Vân cảm thấy ăn nói dễ chịu hơn. Ngồi nói chuyện thêm một lúc, bất chợt Tiêu Vân lên tiếng hỏi Trần lão:
- Thưa Trần lão gia, tiểu sinh đây có một chuyện thắc mắc mà nãy giờ chưa dám mở miệng, làm sao lão gia lại biết tiểu sinh bị lạc đường mà sai người đứng đợi sẵn.
Trần lão mỉm cười rồi nói:
- Không dám dấu công tử, lão đây có biết sơ qua về thuật độn số, sáng nay gieo một quẻ thấy nội ngày nay nhà sẽ có khách lạ ghé thăm nên sai gia nhân đợi sẵn thì tình cờ gặp được công tử.
Tiêu Vân nghe nói thì trong lòng nghi hoặc nhưng không dám hỏi thêm, chàng quay qua hỏi lang thang về những phong cảnh quanh vùng cùng những nơi danh lam thắng cảnh mà chàng chưa biết. Ngồi nói chuyện thêm một lúc nữa, bất chợt Trần lão lên tiếng:
- Tiêu công tử, công tử có thể cho lão đây biết về gia thế của công tử được không?
Tiêu Vân ngạc nhiên nhưng chàng vẫn đem gia cảnh thưa lại cùng Trần lão, luôn cả việc chàng đi lên đây ngao du sơn thủy để kiếm phong lan và tìm thi hứng. Cả hai vợ chồng Trần lão ngồi nghe chăm chú, đợi chàng nói xong Trần lão mới nói tiếp:
- Lão đây có một chuyện muốn nhờ công tử nhưng không biết có nên nói ra không, chỉ sợ rằng công tử nghe xong lại cảm thấy khó chịu.
Tiêu Vân thấy Trần lão đắn đo nên trấn an:
- Trần lão gia nếu muốn tiểu sinh đây làm việc gì thì cứ lên tiếng, nếu trong khả năng làm được, nhất định tiểu sinh sẽ cố gắng .
Trần Minh nhìn Tiêu Vân chần chừ giây lát rồi mới tiếp:
- Chẳng dấu gì công tử, sỡ dĩ lão đây hỏi về gia thế công tử là có mục đích riêng. Số là vợ chồng lão đây có một đứa con gái vừa đến tuổi cặp kê, tuy không nói là sắc nước hương trời nhưng nhan sắc cũng dễ coi lại là con nhà nha giáo. Vợ chồng lão đã đến tuổi gần đất xa trời nên rất lo lắng cho tiểu nữ, hơn nữa gia đình ở trong nơi thâm sơn cùng cốc, không biết mai đây lúc vợ chồng lão nằm xuống thì tiểu nữ không biết nương tựa ở đâu. Hôm nay gặp gỡ công tử âu cũng là thiên duyên, vợ chồng lão muốn đem tiểu nữ gởi thác cho công tử, không biết công tử nghĩ sao?
Tiêu Vân giật mình, câu nói của Trần lão nghe như sét đánh ngang tai, chàng không ngờ vợ chồng Trần Minh lại đem chuyện chung thân của con gái nói với chàng một cách thẳng thắng như vậy. Tiêu Vân cảm thấy bối rối khó xử, không biết trả lời sao cho êm xuôi. Ngước mặt nhìn lên, chàng thấy cả hai vợ chồng Trần lão đang nhìn chàng chăm chú chờ đợi câu trả lời, Tiêu Vân ngần ngừ giây lát đoạn từ tốn nói: 

Kỳ 5
- Chẳng dấu gì lão bá, tiểu sinh được hai vị rủ lòng thương thiệt cảm kích vô cùng.  Hiềm vì công danh chưa toại, tương lai còn mịt mù chưa biết ra sao, chỉ e làm lỡ duyên phận của tiểu thư. Hơn nữa, chuyện trăm năm là trọng đại, chưa được ý kiến của cha mẹ tiểu sinh không dám tự do định đoạt. Hay là để tiểu sinh về thỉnh ý của song thân rồi sẽ nhờ người lên thưa chuyện cùng lão bá.
Thật sự trong lòng Tiêu Vân đã có hình bóng của Phương Loan nên chàng kiếm cách từ chối khéo léo để khỏi làm mất mặt chủ nhân.  Hai vợ chồng Trần lão đưa mắt nhìn nhau, một lúc sau Trần phu nhân đưa ý kiến:
- Công tử nói cũng có lý, chuyện chung thân phải có sự đồng ý của cha mẹ. Hay là chúng ta tạm gác qua một bên, đợi khi công tử thưa chuyện cùng song thân phụ mẫu rồi mới bàn tiếp. Bây giờ hãy nói qua chuyện khác đi.
Tuy nói vậy, nhưng Tiêu Vân vẫn cảm thấy ngượng ngập trong lòng, cả vợ chồng Trần lão cũng vậy, cả ba không thể bàn chuyện một cách cởi mở như lúc trước. Thấy không khí có vẻ không được tự nhiên, Trần phu nhân lên tiếng:
- Ta nghĩ công tử đi đường cả ngày cũng mệt mỏi rồi, hay là công tử đi nghỉ sớm, có chuyện gì thì ngày mai chúng ta nói tiếp.
Nói xong bà quay lai ra hiệu cho Tiểu Thúy đưa Tiêu Vân về phòng.  Tiêu Vân đứng lên chào vợ chồng Trần lão rồi theo chân Tiểu Thúy ra ngoài.
Tiểu Thúy đưa Tiêu Vân vòng trở lại lối cũ, dọc đường chàng để ý thấy Tiểu Thúy vẻ mặt lầm lì không nói câu nào.  Tiêu Vân cũng không dám bắt chuyện, chỉ im lặng đi theo. Ðược một lúc tự dưng Tiểu Thúy lên tiếng:
- Tôi chưa thấy ai dại dột ngớ ngẩn như công tử, tiểu thư nhà tôi tài sắc vẹn toàn, vạn người chưa được một. Lão gia đã đem tiểu thư hứa gã cho công tử mà công tử lại từ chối. Chỉ sợ sau này công tử hối hận thì đã muộn.
Tiêu Vân biết Tiểu Thúy bực mình thay cho chủ nhân, chàng không dám cãi chỉ lần lựa nói cho qua chuyện:
- Tại hạ biết tiểu thư là người cao quý, chỉ hiềm Tiêu Vân này mọn phận không dám với cao chỉ e làm thương tổn đến tiểu thư. 
- Tôi chỉ tiếc cho tiểu thư đã chọn lầm người, cứ tưởng công tử là bậc tài hoa ai ngờ cũng chỉ là kẻ có mắt không tròng.
Tiêu Vân bực mình, nhưng chàng không muốn cãi lý với Tiểu Thúy nên chỉ đáp qua loa:
- Ðúng, đúng, tiểu thư nhà cô là người cao quí sang trọng, tại hạ chỉ là một gã thư sinh mù quáng nên không thấy được điều đó. Hy vọng tiểu thư sẽ sớm ngày kiếm được người xứng đáng hơn tại hạ để trao thân.
Tiểu Thúy nghe nói bèn đứng lại nhìn chăm chăm vào Tiêu Vân, thấy chàng vẫn không tỏ vẻ gì hối hận nên tức mình lớn tiếng:
- Ðây, để tôi đưa công tử đi xem một vật, xem rồi công tử sẽ sáng mắt ra để khỏi nói những lời ngớ ngẩn nữa.
Vừa nói Tiểu Thúy vừa lôi chàng vào một căn phòng gần đó. Tiêu Vân nhìn quanh, chàng nhận thấy đây có vẻ là một thư phòng được trang trí nhã nhặn với nhiều cửa sổ mở rộng đón gió, mỗi cửa được treo những màn voan mỏng đang đong đua cạnh những cành hoa dại được đặt trên những bàn nhỏ. Ở bốn góc tường là những ngọn bạch lạp đang bập bùng cháy tạo cho khung cảnh thêm phần ấm cúng, giữa phòng có để một bức tranh với những giây hoa kết chung quanh. Tiêu Vân bước tới gần hơn để nhìn cho kỹ bức tranh, dưới ánh sáng mập mờ mắt chàng chợt hoa lên, rõ ràng Phương Loan ở trong tranh đang yểu điệu nhìn chàng nửa như hờn giận, nửa như oán trách. Tiêu Vân đưa tay dụi mắt, đây đúng là bức tranh chàng đã tặng Phương Loan, phía dưới góc còn hiện rõ hàng chữ đề tặng của chàng. Thoáng chốc Tiêu Vân đã nhìn rõ mọi chuyện, chàng đã hiểu tại sao Tiểu Thúy lại trách cứ như vậy. Tiêu Vân như người mất hồn, chàng đứng thừ người say sưa ngắm nhìn Phương Loan, đầu óc tự nhiên cảm thấy trống rỗng chỉ còn hình bóng Phương Loan chiếm ngự tâm hồn. Ngơ ngẩn một lúc, Tiêu Vân quay mình chạy ngược lại con đường lúc nãy, chàng đã biết mình phải làm gì.
Khi Tiêu Vân trở lại thì vợ chồng Trần lão vẫn còn đang ngồi trò chuyện trong phòng ăn. Thấy chàng bước vào cả hai lộ vẻ ngạc nhiên. Không để cho họ kịp hỏi, Tiêu Vân lên tiếng:
- Thưa Trần lão gia và phu nhân, tiểu sinh có lời thỉnh cầu không biết hai vị có vui lòng đáp ứng cho được không?
Trần lão nghe nói thì nhướng mắt lên hỏi lại:
- Công tử cứ nói, không hiểu công tử muốn vợ chồng lão làm chuyện gì.
- Nếu hai vị cho phép, tiểu sinh xin được cầu hôn cùng Trần tiểu thư.
Vợ chồng Trần lão chưng hửng nhìn nhau, cả hai không ngờ Tiêu Vân lại yêu cầu như vậy, mới đây chàng đã từ chối lời mời, bây giờ lại thay đổi ý định. Trần phu nhân lên tiếng:
- Công tử đã suy nghĩ kỹ chưa, lại còn song thân phụ mẫu ở nhà thế nào, họ có bằng lòng không?
Không biết vì men rượu hay vì Phương Loan đã khiến đầu óc Tiêu Vân trở thành mơ hồ, chàng trả lời một cách chắc chắn:
- Tiểu sinh đã nghĩ kỹ rồi, được kết tóc xe duyên với tiểu thư là một điều vinh hạnh, tiểu sinh quyết không bỏ qua cơ hội ngày hôm nay.  Còn về phần gia phụ và gia mẫu thì sau này tiểu sinh sẽ bẩm báo lại.  Gia phụ và gia mẫu rất thương yêu tiểu sinh, thế nào cũng sẽ bằng lòng.
Trần lão nghe Tiêu Vân nói thì thủng thẳng đáp lời:
- Vợ chồng lão đây không dám ép công tử, thế nhưng nếu công tử đã quyết định thì quả là một chuyện thật vui vẻ cho chúng tôi. Làm cha mẹ thì luôn lo lắng cho tương lai con cái, hôm nay kiếm được người xứng đáng để giao phó thì vợ chồng ta rất lấy làm mãn nguyện.
Tiêu Vân nghe Trần Minh nói thì sung sướng trong lòng, chàng lấy trong mình ra một miếng ngọc hai tay đua lên cho Trần phu nhan rồi nói:
- Tiểu sinh trong người không có vật gì quí, chỉ có miếng ngọc nhỏ này do thân phụ ban cho từ nhỏ, hôm nay tiểu sinh xin dùng nó để làm tin, mong hai vị chấp nhận cho.
Trần phu nhân đón lấy miếng ngọc, tiện tay bà với lây cây sáo ngọc treo trên vách đưa cho chàng:
- Cây sáo này con Phương Loan rất ưa thích, hôm nay ta dùng nó để làm tín vật định tình với công tử, mong rằng hai người mãi mãi yêu thương nhau.
Tiêu Vân cung kính đón lấy cây sáo, chàng thấy từ cây sáo toát ra một luồng khí ấm áp, thân sáo màu trắng điểm vài vân đỏ trông rất đẹp thì biết đó là một vật quí giá. Tiêu Vân nghĩ tới miếng ngọc của mình thì trong lòng hổ thẹn chưa biết nói sao. Trần lão như cũng đoán biết tâm trạng của chàng nên khỏa lấp:
- Công tử tính khi nào thì sẽ làm đám cưới, có cần chọn lựa gì không?
Tiêu Vân ngập ngừng giây lát đoạn trả lời:
- Tiểu sinh tính để cùng thương lượng với Phương Loan chọn ngày lành tháng tốt rồi mới quyết định.
Tiểu Thúy tự nãy giờ đứng im bỗng xen vô:
- Tại sao phải đợi chờ làm gì, theo tôi ngày hôm nay là một ngày rất tốt, công tử và tiểu thư có duyên hội ngộ, hay là chúng ta làm lễ hợp cẩn cho cả hai thì có phải càng tốt hơn không.
Vợ chồng Trần lão đưa mắt nhìn nhau rồi cả hai quay qua Tiêu Vân.  Từ lúc nhìn thấy Phương Loan trong tranh chàng như người mất hồn, đầu óc chỉ mong gặp lại được nàng nên không ngần ngại lên tiếng:
- Tiểu sinh được hai vị thương mến thật là cám ơn vô cùng, những gì hai vị dậy bảo tiểu sinh sẵn sàng nghe theo.
Vợ chồng Trần lão mỉm cười, Trần phu nhân nói với chồng:
- Công tử cùng con Phương Loan đã có duyên nợ với nhau, kết hợp lại sớm hay muộn chỉ là vấn đề thời gian mà thôi. Hôm nay trời xui đất khiến cho công tử vào gia trang chúng ta, đó cũng là ý trời muốn cho hai đứa sớm ngày kết hợp. Vậy thì ta thuận theo ý trời cho hai người bái đường thành thân hôm nay, âu cũng là một chuyện tốt mà thôi.
Bà nói xong rồi quay lại bảo Tiểu Thúy:
- Ngươi đưa công tử về phòng kêu người sửa soạn cho chu đáo, ngoài ra còn đi thông báo cho mọi người trong trang bảo họ hôm nay là ngày vui của tiểu thư, tất cả phải gấp rút lo sửa soạn lễ cưới, nhớ phải làm cho mau chóng và cẩn thận.
Tiểu Thúy vâng dạ rồi cùng Tiêu Vân cúi chào bước ra. Không biết từ lúc nào ở ngoài đã có sẵn mấy đứa tớ gái đứng chờ, Tiểu Thúy giao Tiêu Vân cho họ rồi đi làm công việc khác. Mấy cô gái đưa Tiêu Vân về phòng, tắm rửa và thay quần áo cho chàng. Tiêu Vân cứ như người mê ngủ, để mặc họ muốn làm gì thì làm.
Khi Tiêu Vân quần áo đã chỉnh tề, tất cả cùng đưa chàng vào một căn phòng lớn. Tiêu Vân đưa mắt nhìn quanh, căn phòng được bài trí thật lộng lẫy với đầy đủ những thứ cần thiết cho buổi tiệc cưới. Có đến mấy chục bàn tiệc đã đầy người, ai nấy đều trang phục chỉnh tề, trên mỗi bàn thức ăn đã dọn sẵn bay mùi thơm phức, trong một góc phòng có  ban nhạc bát âm đang sẵn sàng, giữa phòng là bàn thờ tổ tiên khói hương nghi ngút, hai vợ chồng Trần Minh đang ngồi trên ghế trước bàn thờ. Khung cảnh thật trang nghiêm không một tiếng động, ai nấy đều đưa mắt nhìn khi Tiêu Vân bước vào. Mấy cô gái đưa chàng tới trước bàn thờ, một người đàn bà luống tuổi kéo Tiêu Vân đứng nép qua một bên rồi lớn tiếng:
- Xin mời cô dâu ra sảnh đường làm lễ.
Tiếng nhạc lập tức vang lên, từ ngoài cửa một đám rước từ từ tiến vào. Trước hết là những bé gái với giỏ hoa tươi trên tay, các em vừa ca hát vừa tung những đóa hoa lên để trải đường. Kế đến là những thiếu nữ vận cung trang tay cầm những giải lụa dài đang múa ẻo lả theo điệu nhạc. Cuối cùng là chiếc kiệu của cô dâu do tám cô gái từ từ khiêng vào đặt giữa phòng. Ngươi đàn bà đang đứng với Tiêu Vân nhẹ nhàng đi ra khẽ vén màn kiệu, tất cả mọi người đều trố mắt nhìn, cô dâu trong y phục áo cưới cổ truyền, đầu đội mão dát ngọc với vuông lụa đỏ che mặt từ trong kiệu bước ra. Người đàn bà dắt cô dâu tới trước bàn thờ rồi kéo Tiêu Vân đứng song song với cô dâu. Khi mọi người đã tề chỉnh, bà lớn giọng nói:
- Cô dâu và chú rể bái tạ song thân.
Tiêu Vân như người máy quỳ xuống làm theo mệnh lệnh. Người đàn bà tiếp tục nói thêm:
- Cô dâu, chú rể bái thiên địa kết làm vợ chồng.
Xong xuôi, người đàn bà dẫn cả hai ngồi vào cái bàn cạnh đó rồi ra hiệu cho mọi người bắt đầu nhập tiệc. Từng người một tới chúc mừng cho cô dâu và chú rể, Tiêu Vân ngồi cạnh cô dâu mà lòng nóng như lửa đốt, chờ mong cho mau chóng xong tiệc để đưa nàng vào phòng.
Mãi tới hơn nửa đêm buổi tiệc cưới mới tàn, Tiểu Thúy đem cô dâu về phòng trước rồi mới ra mời Tiêu Vân. Chàng theo chân bước vào phòng để làm lễ hợp cẩn, cô dâu đã ngồi sẵn trên giường, Tiêu Vân nhẹ nhàng bước lại giở vuông lụa che mặt. Trước mặt chàng một Phương Loan bằng xương bằng thịt hiện ra đang nhìn chàng mỉm cười e thẹn. Tiêu Vân thấy lòng lâng lâng sung sướng, niềm ước mơ lâu nay đã thành sự thật, nàng đã là vợ của chàng. Tiêu Vân nắm tay Phương Loan, mùi hương man mác từ người nàng tỏa ra làm chàng ngây ngất, Tiêu Vân rót ly rượu đua Phương Loan rồi nói:
- Nương tử, chúng mình hãy cùng uống ly rượu hợp cẩn để cùng chúc cho hai đứa mãi mãi không rời nhau, sống với nhau cho tới răng long tóc bạc.
Men rượu làm gương mặt Phương Loan thêm phần kiều diễm, Tiêu Vân cũng đã chuếnh choáng say, chàng tắt đèn phòng rồi ân cần nắm tay dìu nàng lên giường, cả hai như bước vào một thế giới mới, không còn biết đến ngoại cảnh, tất cả chỉ còn hai trái tim nồng thắm đê mê với hương vị ngọt ngào của tình yêu....
Kỳ 6
Mấy ngày sau đó thật là tuyệt vời đối với Tiêu Vân, chàng và Phương Loan như chim liền cánh lúc nào cũng khắn khít bên nhau. Hai người hết xướng họa ngâm thơ chờ hoa nở, lại cùng đánh đàn thổi sáo đợi trăng lên, có khi lại ra bờ suối vắng tựa vai nhau ngắm nhìn phong cảnh thơ mộng của thiên nhiên. Thi hứng của Tiêu Vân tràn đầy, chàng làm rất nhiều vần thơ ca tụng tình yêu và phổ nhạc cho Phương Loan hát. Trong đời Tiêu Vân, chưa lúc nào chàng thấy mãn nguyện như vậy, chàng ước mong cho thời gian cứ dừng lại để hai người mãi mãi sống bên nhau.
Hơn một tuần chìm đắm trong hạnh phúc, một hôm Tiêu Vân chợt nhớ tới cha mẹ ở nhà, chàng cảm thấy có đôi chút hối hận, có lẽ cha mẹ đang lo lắng đi tìm chàng khắp nơi. Tiêu Vân muốn đem Phương Loan về ra mắt cùng gia đình, chàng đem việc này bàn với nàng, Phương Loan có vẻ suy nghĩ khi nghe Tiêu Vân nói. Nàng băn khoăn nói với Tiêu Vân:
- Tướng công nhớ nhà thì cũng là chuyện thường tình, thiếp đã là vợ chàng thì cha mẹ chàng cũng là cha mẹ của thiếp. Thế nhưng chúng ta kết thành phu thê trước khi được sự ưng thuận của cha mẹ chàng thì cũng đã làm cho cha mẹ chàng không mấy thích, nếu bây giờ chàng đưa thiếp về nhà thì chỉ làm cả nhà thêm khó xử, hay là tướng công về nhà trước thưa chuyên cùng gia đình và dò hỏi xem ý kiến song thân ở nhà thế nào rồi hẵng đưa thiếp về ra mắt.
Tiêu Vân nghe nàng nói cũng có lý, nên không tiện dồn ép. Chàng thưa chuyện cùng vợ chồng Trần Minh rồi nhờ Phương Loan sửa soạn hành lý cho chàng trở về. Phương Loan có vẻ bịn rịn, nàng như có tâm sự gì muốn nói nhưng không thốt ra lời. Phương Loan yêu cầu Tiêu Vân ở lại thêm mấy ngày nữa, chàng chiều lòng nên ở thêm một tuần nữa với nàng. 
Tuần sau đó Tiêu Vân từ gĩa Phương Loan để về nhà, Phương Loan tiễn chàng ra khỏi gia trang, đợi chàng đi khuất rồi mới quay trở vào.  Tiêu Vân một mình lững thững trở lại con đường mòn nhỏ quen thuộc để về nhà trọ. Vừa khi bước vào sân, chàng thấy không khí có vẻ khác lạ, căn nhà trước kia trống vắng thì nay đông nghẹt người. Tất cả tụ thành từng nhóm như đang bàn thảo chuyện gì. Thấy Tiêu Vân đột nhiên đi vào mọi người ngưng bặt câu chuyện giương mắt nhìn chàng một cách ngạc nhiên lẫn quái lạ. Trong lúc Tiêu Vân đang hoang mang thì một giọng nói quen thuộc vang lên bên tai:
- Con đi đâu mà mãi tới giờ mới trở về, báo hại cả gia đình đang tìm kiếm.
Tiêu Vân nhìn lại thì đó là mẹ chàng, bà không để cho Tiêu Vân kịp trả lời vội vã kéo chàng vào cái bàn gần đó nơi cha chàng đang ngồi nói chuyện với ông trưởng làng. Tiêu Vân vừa chào hỏi mọi người thì mới biết vì chàng mất tích trong thời gian qua nên ông trưởng làng phải báo tin cho cha mẹ chàng, ông bà vội vã lên đây và nhờ người đi tìm con. Hơn cả tuần qua dù cả nhà vất vả ra công tìm kiếm nhưng không có một chút tin tức gì, cha mẹ chàng rất lo lắng nên hôm nay ông trưởng làng cho họp mọi người trong làng lại để cùng bàn tính phương cách đi tìm. Tiêu Vân vội vã lên tiếng cám ơn và xin lỗi mọi người. Sau đó, chàng thuật lại tất cả câu chuyện giữa Phương Loan và chàng từ đầu đến cuối cho mọi người cùng nghe, chỉ riêng có chuyện hôn nhân là chàng không nói tới. Luôn tiện Tiêu Vân thưa với cha mẹ về mối tình giữa chàng với Phương Loan, Tiêu Vân cũng cho cha mẹ xem cây sáo ngọc là vật đính hôn mà Trần lão gia đã trao tặng chàng.
Khi Tiêu Vân kể xong, ai nấy đều ngạc nhiên khác thường, nhất là ông trưởng làng, sinh trưởng và lớn lên ở đây, ông đã biết hết tất cả mọi người trong thôn xóm cùng những vùng lân cận, ngoài ra ông cũng quen thuộc từng gốc cây ngọn cỏ của vùng rừng núi chung quanh nhưng chưa bao giờ nghe nói hoặc nhìn thấy Trần gia trang.  Không nói ra nhưng mọi người đều nghĩ Tiêu Vân đã gặp ma, tất cả đều cảm thấy nghi hoặc, thắc mắc về những gì chàng vừa nói. Cha mẹ Tiêu Vân không phải là người hủ lậu cố chấp, thế nhưng ông bà không thể tin tưởng hoàn toàn trước câu chuyện của chàng khi mọi người khác đều tỏ vẻ nghi ngờ. Cuối cùng tất cả đưa đề nghị cùng Tiêu Vân trở lại chốn cũ, nơi chàng đã ở với Phương Loan trong thời gian vừa qua.
Tiêu Vân đưa mọi người trở lại chốn cũ nơi chàng tình cờ đi lạc vào Trần gia trang, mọi người cùng tản mác lần mò từng gốc cây ngọn cỏ tìm kiếm, nhưng thật là kỳ, tất cả mọi dấu tích như biến mất, mặc cho họ cố gắng đào xới, chung quanh chỉ toàn rừng cây dày đặc chen lẫn trong những tảng đá khổng lồ đầy rong rêu. Hơn nửa ngày trời cố công tìm kiếm, cuối cùng đoàn người đều chán nản bỏ cuộc ra về.  Người thất vọng nhất là Tiêu Vân, chàng không còn lý do nào để bào chữa cho câu truyện của mình.
Ngày hôm sau Tiêu Vân vâng lời cha mẹ trở về nhà, nhưng trong lòng chàng vẫn khắc khoải với hình bóng của Phương Loan. Tất cả những lời nói, cử chỉ của nàng đã in sâu vào tâm trí chàng, thời gian ở bên nhau, đã cùng kết nghĩa vợ chồng, đã cùng chung hưởng những giây phút êm đềm thì làm sao Tiêu Vân có thể quên được. Suốt ngày chàng thơ thẩn như người mất trí, đầu óc hoang mang khiến mẹ chàng cảm thấy lo lắng, bà gọi thầy thuốc để chẩn bệnh cho chàng hy vọng có thể khá hơn nhưng Tiêu Vân gạt đi, chàng thú thật với mẹ về cuộc hôn nhân giữa mình với Phương Loan khiến bà càng lo lắng hơn. Tiêu Vân như người câm, chàng cảm thấy khổ sở vì không ai chịu hiểu và thông cảm cho chàng, những phiền muộn trong lòng không biết tỏ cùng ai, Tiêu Vân biết nói ra cũng cầm bằng vô dụng, không ai biết Phương Loan ở đâu, chính chàng cũng không thể nào kiếm được nàng. Tuy vậy, trong thâm tâm Tiêu Vân vẫn tin tưởng sẽ có ngày gặp lại Phương Loan, chàng bỏ ngoài tai những lời đồn xoi mói và nhảm nhí, suốt ngày vùi đầu vào những trang sách, cây đàn để xoa dịu nỗi nhớ nhung ray rức.
Một đêm nọ trong lúc cả nhà đang yên giấc, riêng Tiêu Vân vẫn đang trằn trọc thao thức với hình bóng của Phương Loan, bỗng nhiên chàng nghe đâu đây trong đêm khuya có tiếng sáo từ xa vang vọng lại. Ðiệu sáo nghe như nức nở ai oán, nửa như thúc giục khiến Tiêu Vân không cầm lòng được, chàng bước xuống giường mặc áo rồi mở cửa phòng bước ra ngoài lần theo tiếng sáo. Nhờ ánh trăng trên bầu trời Tiêu Vân lần mò đi trong đêm tối qua những con đường mòn nhỏ hướng về phía khu rừng sau nhà. Khi đến ven rừng, tiếng sáo nghe ngày càng rõ từ trong rừng vọng ra, Tiêu Vân dừng lại một lúc ngó quanh quất rồi qủa quyết nhắm hướng và tiến sâu vô bên trong. Khu rừng này Tiêu Vân đã quen thuộc từ nhỏ, chàng nhớ nằm lòng từng gốc cây ngọn cỏ nên dù trong đêm tối chàng cũng lần mò đi được không mấy khó khăn.  Len qua một đoạn đường đầy gai góc, tiếng sáo kỳ lạ dẫn chàng tới khu vườn sim quen thuộc. Lúc này mặt trăng đã lên cao, bầu trời trong suốt với hàng ngàn ánh sao đang lấp lánh, Tiêu Vân thấy một người đang ngồi thổi sáo trên phiến đá xa xa. Tuy chưa nhìn rõ nhưng tự nhiên chàng có cảm tưởng đó là Phương Loan.  Không do dự, Tiêu Vân hấp tấp chạy lại gần, người lạ cũng ngưng tiếng sáo quay lại, dưới ánh trăng vằng vặc Tiêu Vân nhìn thấy Phương Loan hai mắt đẫm lệ đang nhìn chàng. Hai người ôm chặt lấy nhau, tất cả những lời nói đều thừa thãi, không đủ để diễn tả nỗi lòng mong nhớ.
Không biết đến bao lâu Tiêu Vân mới chợt nhớ ra, chàng vội hỏi:
-  Phương Loan, nàng tới đây từ lúc nào, tại sao lại ngồi đây một mình?
Phương Loan ngước mặt lên nhìn Tiêu Vân, nàng trả lời:
-  Thiếp nhớ tướng công nên băng rừng vượt suối xuống đây một mình, thiếp tới đây từ sáng nhưng không dám vào nhà chàng, đành đợi đêm khuya mới dùng tiếng sáo để gọi chàng ra.
- Nhà của ta cũng là của nàng, có gì mà ngại. Hay là đợi tới sáng mai ta sẽ đưa nàng về ra mắt cha mẹ.
Phương Loan lắc đầu, nàng cúi mặt nói:
- Thiếp có nỗi khổ tâm riêng không thể gặp cha mẹ chàng được dù trong lòng rất muốn làm tròn bổn phận của người con dâu, tới một ngày nào đó chàng sẽ hiểu tại sao. Bây giờ thiếp không mong gì hơn là thỉnh thoảng được gặp chàng, chỉ như vậy là thiếp mãn nguyện lắm rồi.
Tiêu Vân thấy xót xa trong lòng, chàng ôm Phương Loan vào lòng rồi nói:
-  Ta cũng chỉ mong muốn được gặp nàng mỗi ngày, dù ai đó có nói sao đi nữa, chúng ta vẫn là vợ chồng. Nhưng tại sao chúng ta lại không ở chung được với nhau, nàng có điều gì khó khăn sao không nói ra cho ta được biết?
Phương Loan ngẫm nghĩ giây lát đoạn trả lời:
-  Thiếp biết là người nhà của chàng cho thiếp là giống hồ ly tinh ma quái đang mê hoặc chàng. Thiếp không muốn so đo với họ làm chi, thiếp chỉ cần biết chàng nghĩ về thiếp như thế nào thôi?
Trong lòng Tiêu Vân cũng tò mò muốn biết rõ về xuất xứ của Phương Loan nhưng thấy nàng có vẻ giận dỗi, chàng bèn nghiêm nét mặt nói:
-  Nàng coi ta là loại người nào, chúng ta đã cùng nhau bái đường thành thân thì dù nàng có là người hay hồ ly tinh hoặc yêu ma chốn nào đi nữa, mãi mãi chúng ta vẫn là vợ chồng với nhau.
Nói xong Tiêu Vân đưa tay lên thề:
- Trên có Hoàng Thiên chứng dám, nếu Tiêu Vân tôi có ngày nào thay lòng đổi dạ quên lời thề ước với Phương Loan thì xin chịu trời tru đất diệt.
Phương Loan kéo tay chàng lại rồi bảo:
-  Không phải thiếp không tin chàng, chỉ sợ gia đình làm khó dễ đến chàng mà thôi. Nhưng thôi chúng ta hãy nói chuyện khác, cứ để tới đâu hay tới đó, bây giờ suy nghĩ cũng chỉ làm lo lắng thêm.
Hai người nằm ôm nhau trên thảm cỏ dưới chân phiến đá lớn, trời đêm gió mát trăng thanh, mùi thơm của vài loại lan rừng thoang thoảng trong không gian trộn lẫn mùi hương từ người Phương Loan làm Tiêu Vân ngây ngất. Chàng không cầm được ham muốn ôm chặt nàng vào lòng rồi đắm đuối hôn lên đôi môi xinh xắn. Hai người quấn quít với nhau quên hết cả không gian lẫn thời gian, họ cùng dắt nhau lên tột đỉnh của yêu thương, cả vạn vật dường như cùng phụ họa chúc lành cho tình yêu của hai người.
Tiếng gà gáy hừng đông làm Tiêu Vân giật mình thức giấc, Phương Loan đã đi mất từ lúc nào chỉ còn lại thảm cỏ ướt đẫm sương đêm.  Chàng thở dài tiếc nuối, đâu đây trong không gian vẫn còn vương đọng mùi hương của nàng. Tiêu Vân đứng lên uể oải tìm đường trở về nhà, chàng không muốn ai biết việc chàng đi gặp Phương Loan, nhất là không muốn cha mẹ phải lo lắng.
Thời gian sau đó, mỗi đêm đến Tiêu Vân đều lén đi gặp Phương Loan. Lúc đầu mẹ chàng không để ý, nhưng càng ngày bà càng thấy Tiêu Vân xanh xao gầy ốm, bà để tâm cho người theo dõi thì biết được hằng đêm chàng lẻn trốn ra ngoài. Bà đem chuyện bàn thảo với gia đình, mọi người cùng đồng ý đi rước thầy phù thủy về chữa trị cho Tiêu Vân. Mặc cho sư chống đối của chàng, hai ông bà đi lên tận Dương Ðông rước bằng được một ông thầy nổi tiếng cao tay ấn để giải cứu đứa con mà ông bà nghĩ đang bị hồ ly làm mê mẫn tâm thần. 
Ðợi đúng ngày tốt, lão phù thủy lập bàn làm phép, ông bắt Tiêu Vân ngồi trước bàn thờ rồi cầm gươm xỏa tóc đi quanh người chàng, vừa đi lão vừa bắt ấn đọc thần chú bằng những câu kỳ lạ khó hiểu. Thỉnh thoảng lão còn rảy cả nước phép lên người làm Tiêu Vân khó chịu.  Ðược một lúc đột nhiên lão phù thủy xoay mình nắm lấy con gà đang bị cột chặt trên bàn thờ rồi đưa gươm chặt đứt cổ gà. Máu tươi văng ra tung tóe nhưng lão phù thủy đã lẹ làng há miệng hứng lấy, lão xoay người phun máu gà lên người Tiêu Vân, tự nhiên chàng thấy đầu óc choáng váng, mắt mờ dần đi không còn nhìn rõ cảnh vật. Thầy phù thủy tiếp tục phun đám máu tươi còn lại lên bàn thờ, lão đưa gươm chỉ vào bàn thờ rồi thét lên lanh lảnh:
- Nghiệt súc, còn chần chờ gì mà chưa chịu hiện thân.
Khói hương trên bàn thờ chợt bùng lên, lẫn trong đám khói bất chợt lộ ra một nhân ảnh lờ mờ ngày càng rõ. Mọi người cùng ồ lên kinh ngạc, giữa làn khói hương nghi ngút bóng dáng một thiếu nữ xinh đẹp uy nghi hiện ra ngồi trên chiếc ngai chạm trổ sặc sỡ. Thiếu nữ bận võ phục đen, đầu đội nón phượng hoàng, tay cầm thanh kiếm màu đỏ gác ngang đùi. Trong lúc mọi người đang ngạc nhiên thì thầy phù thủy đã lẹ làng xông tới đưa kiếm chém vào thiếu nữ. Mọi người chỉ thấy nàng hừ lên một tiếng, thanh kiếm trên tay khẽ di động, một luồng sáng đỏ lóe ra điểm vào kiếm của lão phù thủy.
Lão phù thủy hét lên một tiếng đau đớn, cả người như bị một sức mạnh vô hình xô bắn vào gốc cây gần đó. Thanh kiếm trên tay bị tiện đứt chỉ còn trơ lại cán, mái tóc xỏa dài bị hớt cụt gần một nữa, người lão nằm bẹp dưới đất trông thật thê thảm. Thiếu nữ chỉ kiếm vào lão phù thủy gằn giọng:
-  Nể mặt Tiêu lang ta tha cho ngươi phen này, liệu hồn mà giữ lấy mạng.
Nói xong nàng xoay mình ngó lại Tiêu Vân, lúc này chàng đang mơ màng như người mê ngủ, thiếu nữ ngập ngừng nửa như có điều muốn nói nhưng lại ngưng lại, sau cùng nàng quay mặt đi ngồi lại xuống chiếc ngai. Bóng dáng nàng từ từ mờ dần, thoáng chốc đã không còn thấy đâu nữa.
Từ lúc thiếu nữ xuất hiện cho đến lúc biến đi chỉ trong khoảnh khắc, lúc mọi người định thần trở lại thì mọi việc đã xong xuôi. Lão phù thủy không nói năng gì, ngồi dậy thu dọn đồ đạc rồi đi thẳng ra cổng. Cả nhà lắc đầu chán nản, họ không ngờ thầy phù thủy cao tay như vậy mà cũng không giúp ích gì được.
Lúc Tiêu Vân hoàn hồn tỉnh táo thì mọi việc đã xong xuôi. Nghe mọi người kể lại dung mạo thiếu nữ lạ, chàng biết đó là Phương Loan, chỉ hận là lúc đó không đủ tỉnh táo để giới thiệu nàng với gia đình. Cả nhà ai nấy đều nhìn Tiêu Vân với cặp mắt ái ngại, họ biết chàng đang bị yêu ma hớp hồn nhưng không làm cách nào giúp đỡ. Ðối với Tiêu Vân, chàng không nghĩ như vậy, trong lòng lúc nào cũng si mê và yêu mến Phương Loan dù nàng là người hay ma, không có nàng thì cuộc đời cảm thấy vô nghĩa, nàng đã chiếm trọn hết trái tim của chàng. Tiêu Vân không suy nghĩ gì xa xôi, chàng chỉ mong ước ngày ngày có thể gặp Phương Loan, được như vậy là chàng đã mãn nguyện lắm rồi.

Kết
Kể từ hôm đó mọi người chung quanh đều đồn đãi về chuyện của Tiêu Vân, một đồn mười, mười đồn trăm. Chả mấy chốc cả làng ai ai cũng đều biết Tiêu Vân bị ma quấy phá, đi đâu cũng nghe thiên hạ thêu dệt về cuộc tình của chàng. Người thì nói Phương Loan là hồn ma bất diệt chết nhằm giờ linh nên âm hồn không tiêu tán cứ lang thang vật vờ tìm người thế mạng; kẻ khác lại cho rằng nàng là hồ ly tinh tu luyện lâu năm nên biến thành thiếu nữ đi dụ dỗ những chàng trai trẻ tuổi; thậm chí có người còn cho Phương Loan là một thứ yêu tinh hung dữ chuyên đi ăn thịt những kẻ lạc đường... Thôi thì đủ mọi chuyện lạ lùng đều được dựng lên để giải thích cho cuộc tình giữa Tiêu Vân và Phương Loan.
Bố mẹ Tiêu Vân lấy làm buồn bực và khó chịu trước những lời đồn nhảm về gia đình họ. Ông bà tránh né không đi ra ngoài, cả ngày ngồi nhìn nhau thở dài ngao ngán. Phần Tiêu Vân, chàng vẫn cứ như bình thường, bỏ ngoài tai tất cả mọi chuyện không đếm xỉa gì đến những lời mà chàng cho là lời đồn nhảm nhí. Hằng đêm lúc mọi người ngủ say, tiếng sáo lạ lùng của Phương Loan lại hướng dẫn chàng tìm đến nàng. Nhiều lúc người trong gia đình cố gắng tìm mọi cách để ngăn cản Tiêu Vân, nhưng thật lạ lùng, tiếng sáo như có ma lực quyến rũ làm ai nấy đều cảm thấy đầu óc mơ màng và quay ra ngủ mê mệt. 
Chịu không nổi trước những lời nói bóng gió của người chung quanh, cha mẹ Tiêu Vân một lần nữa đi tìm lại ông thầy phù thủy để hỏi thăm phương cách đối phó. Lão phù thủy suy nghĩ giây lát rồi trả lời:
- Oan hồn bám theo cậu ở nhà rất hung dữ, pháp thuật của tôi không thể làm gì nó được. Chỉ còn cách thử cầu cứu tới sư phụ tôi đang tu luyện trên núi Tà-Lơn. Tôi sẽ viết một lá thơ giới thiệu, ông bà đi tìm sư phụ của tôi cầu xin, may ra sư phụ tôi có thể giúp được ông bà.
Vì thương con, cha mẹ Tiêu Vân không quản ngại đường xá xa xôi đi tìm đạo sĩ ở tận trên núi Tà-Lơn. Sau nhiều ngày tìm kiếm, cuối cùng hai người đã gặp được ông đạo sĩ đang tu luyện trong một hang núi.  Sau khi nghe cha mẹ Tiêu Vân kể lại nội tình và đọc lá thư giới thiệu của lão phù thủy, ông đạo sĩ hỏi ngày giờ sinh của Tiêu Vân rồi bấm đốt ngón tay tính toán. Một chập sau ông lắc đầu lên tiếng nói:
- Chuyện này là oan nghiệt từ tiền kiếp. Công tử ở nhà vốn có tiền duyên với nữ nhân đó từ kiếp trước, vì duyên nợ chưa thành nên tơ duyên cứ vương vấn đeo đuổi nhau mãi mãi. Nữ nhân này kiếp trước bị chết một cách không minh bạch lại nhằm giờ linh nên oan hồn không sao siêu thoát cứ theo quấy phá công tử ở nhà.
-  Xin thầy ra tay trừ ma giải thoát nghiệp chướng để gia đình chúng tôi được sống yên ổn.
Ông đạo sĩ ngồi suy nghĩ giây lát rồi thở dài đáp:
- Chẳng dấu gì ông bà, oan hồn đang theo công tử ở nhà ma thuật rất cao siêu, chính tôi đây cũng không có cách gì trừ được nó. Nhưng tôi đã tính kỹ rồi, nay mai oan hồn này sẽ được đi đầu thai trong thời gian ngắn, lúc đó tự nhiên công tử sẽ thoát khỏi cảnh mơ hồ như hiện tại.  Hơn nữa theo như tôi biết, oan hồn này vì tiền duyên mà dan díu với công tử mà thôi, nó sẽ không gia hại công tử hoặc người nhà của ông bà. Cứ cố gắng chờ đợi thêm thời gian nữa sẽ có sự thay đổi.
Cha mẹ của Tiêu Vân đành thất vọng ra về. Cả hai chỉ còn cách cầu trời khấn phật sao cho những lời ông đạo sĩ nói mau mau thành sự thật.
Thời gian cứ lạnh lùng trôi qua, càng ngày Tiêu Vân càng xanh xao gầy ốm. Cả gia đình đều nhìn chàng với con mắt tội nghiệp. Nhất là mẹ chàng, mỗi lần tới thăm con bà đều bật khóc khi nhìn thấy chàng thân thể tiều tụy. Thế nhưng Tiêu Vân vẫn ung dung tự tại, chàng không để những lời lẽ bên ngoài làm ảnh hưởng tới tình cảm giữa chàng và Phương Loan. Trong thâm tâm, Tiêu Vân vẫn cảm thấy rất may mắn và sung sướng đã gặp được nàng, giữa chàng và Phương Loan hình như có một mối giây liên hệ chặt chẽ, ngày nào không gặp nàng là Tiêu Vân cảm thấy khó chịu đứng ngồi không yên.
Một đêm nọ như thường lệ vào khoảng nửa đêm Tiêu Vân lần theo tiếng sáo đi tìm Phương Loan. Trái với mọi những lần trước, hôm nay chàng thấy Phương Loan mặt mày buồn bã như có tâm sự gì. Tiêu Vân lên tiếng hỏi thì nàng không trả lời, chỉ kéo tay Tiêu Vân ngồi xuống rồi nghiêm nét mặt nhìn chàng nói:
- Thiếp có một chuyện muốn kể cho chàng từ lâu nhưng chưa có dịp.  Thiếp biết trong thâm tâm chàng vẫn thắc mắc tự hỏi xem Phương Loan của chàng là ai, hôm nay thiếp sẽ nói hết mọi sự để chàng hiểu.
Phương Loan nói xong, nàng quay người tựa vào chàng đoạn đưa mắt nhìn vào khoảng không gian trước mặt một lúc như cố nhớ lại mọi chuyện trong đầu rồi từ từ kể:
- Vào khoảng hơn hai trăm năm trước, lúc Chúa Nguyễn Ánh đang đánh nhau với quân Tây Sơn, sau một lần thua trận bị quân Tây Sơn rượt đuổi, cả triều đình nhà Nguyễn phải chạy ra đảo Phú Quốc lánh nạn. Trên đường chạy nạn, Nguyễn Ánh mang theo cả gia đình, họ hàng cùng rất nhiều vàng bạc châu báu góp nhặt được từ bao nhiêu đời để lại. Khi tới đảo Phú Quốc, Nguyễn Ánh được dân trên đảo đón tiếp tử tế. Ở lại đây một thời gian, Nguyễn Ánh tìm đường đi xin quân cứu viện. Vì lo sợ trên đường đi bị nhiều bất trắc và nguy hiểm, Nguyễn Ánh bàn với đám tùy tùng thân tín và quyết định chọn một nơi kín đáo trên đảo để cất dấu tất cả vàng bạc châu báu hầu sau này dễ dàng tìm lại được. Trong đám cận thần của Nguyễn Ánh có một gã phù thủy người Tàu rất được tin dùng và giao cho trọng trách kiếm nơi chôn giấu kho tàng. Lão phù thủy này ngoài bùa phép tài giỏi còn có sở trường về thuật phong thủy địa lý. Y đi lang thang trong vùng đồi núi bao la của đảo Phú Quốc để tìm cho ra một nơi kín đáo để chôn dấu kho tàng. Khi đi tới dãy núi chập chùng ở phía Bắc Ðảo, lão phù thủy đã tìm ra một chỗ vừa ý để chôn dấu kho tàng, y vội vả trở về bẩm báo và cùng Nguyễn Ánh bàn tính kế hoạch xây dựng kho tàng bí mật.
Trước tiên, gã phù thủy tuyển chọn khoảng một trăm thanh niên khỏe mạnh trên đảo đưa tới địa điểm chọn sẵn. Gã bắt mọi người đào một đường hầm đi sâu vào trong lòng núi, đường hầm này rất kiên cố và được trang bị bằng những cơ quan giết người bí mật có thể phun hơi độc, bắn tên, lăn đá... Ngoài ra đường hầm còn được bảo vệ bằng ba khung cửa sắt chắc chắn, ở cuối cùng đường hầm mở ra một khoảng trống lớn đủ để chứa đựng những vàng bạc châu báu. Nơi đây nằm sâu trong lòng núi chỉ được thông với bên ngoài bằng một ống thông hơi dẫn lên trên đỉnh núi. Mỗi ngày đúng Ngọ mặt trời sẽ chiếu ánh sáng vào kho tàng qua ống thông hơi hầu giải tỏa bớt âm khí để khỏi làm hư hại những đồ vật quí giá. Phải mất cả năm trời mới làm xong căn hầm này, mọi công việc đều phải được giữ gìn bí mật, tất cả công nhân đều bị giám sát cẩn thận, ăn uống nghỉ ngơi tại nơi riêng biệt, không ai được quyền ra khỏi khu vực làm việc để liên lạc với thân nhân. Khi căn hầm đã xong xuôi, gã phù thủy cho mang tất cả vàng bạc châu báu được đựng trong những rương kín đáo vào trong hầm.  Lúc này gã mới mở tiệc ăn uống khoản đãi và trả công cho mọi người.  Không ai ngờ được gã đã ngầm bỏ thuốc độc vào thức ăn, hơn một trăm người đã bị ngộ độc chết, xác của họ được vùi chôn cạnh kho tàng của Nguyễn Ánh. Sau khi làm xong công việc ác độc này, gã phù thủy tính đến việc tạo dựng một vị thần linh để canh giữ kho tàng. Ðể vị thần có nhiều quyền hạn, gã phù thủy chọn lựa trong đảo Phú Quốc một trinh nữ thật xinh đẹp đúng mười sáu tuổi để phong làm thần canh giữ kho tàng...
Kể tới đây Phương Loan khẽ thở dài, nàng ngữa mặt nhìn bầu trời đầy sao mông lung suy nghĩ. Một lúc sau nàng mới tiếp tục:
Em còn nhớ rất rõ buổi chiều hôm đó, gã phù thủy cho người tới nhà đón em về. Hôm đó em vừa tròn 16 tuổi, tuổi mới lớn với thật thơ ngây và nhiều mơ mộng. Lúc đó ở trong làng, gia đình em cũng thuộc hàng khá giả, và em là con độc nhất nên cha mẹ rất thương yêu chiều chuộng. Em được gởi đến trường học từ nhỏ nên kiến thức và văn chương cũng biết được chút ít. Gã phù thủy đã đánh tiếng từ lâu muốn tuyển em vào để hầu hạ cho Chúa Nguyễn Ánh. Tất nhiên cha mẹ em không nỡ mất đi đứa con gái độc nhất nên cương quyết từ chối. Thấy không dụ được cha mẹ em, gã phù thủy mượn tay quan binh làm áp lực với dân làng chung quanh, cuối cùng vì không muốn thấy người khác bị khổ cực cha mẹ em đành gạt lệ đưa em vào làm hầu thiếp cho Nguyễn Ánh. Không ai biết được đây là cái kế của gã phù thủy. Ngay đúng buổi chiều hôm đó, y cho người tắm rửa em sạch sẽ, mặt quần áo thật sang trọng rồi đợi tới gần nửa đêm đưa em lên kiệu khiêng vào trong kho tàng. Trước đó, em đã bị gã ép uống một chén thuốc kỳ lạ làm cho thần trí mê man không biết gì nữa, cứ để nhóm người hầu muốn làm gì thì làm.
Khi vào trong kho tàng thì trời vừa đúng nửa đêm, gã phù thủy đặt em ngồi lên một cái ngai sơn son thếp vàng ở giữa kho tàng, chung quanh em gã đặt mấy dãy đèn theo hình thất tinh. Gã còn đội lên đầu em một vương miện bằng vàng và bỏ vào miệng em một cây nhân sâm quý giá. Kế đến, gã phù thủy lấy một thanh kiếm gỗ màu đỏ nhúng vào máu, làm phép rồi để vào tay em. Gã không quên viết câu thần chú bí mật để mở cửa kho tàng vào lá bùa rồi đốt trước mặt em. Sau đó gã làm phép, tay bắt ấn miệng đọc thần chú giam hồn em vào trong kho tàng với lời nguyền truyền kiếp làm nữ thần canh giữ kho tàng. Khi làm phép xong xuôi, gã phù thủy lấy máu rải chung quanh chỗ em ngồi rồi lui ra đóng cửa lại. Tất cả ba lần cửa đá đều được đóng chặt lại, gã phù thủy còn sai người lấy vôi quét lên những chỗ hở cho thật kín.  Cuối cùng con đường hầm ra vào cũng được lấp lại thật kỹ càng không để lại một dấu vết nào, gã phù thủy còn che miệng hầm bằng một khối đá lớn để chắc chắn không ai có thể nhận ra được nữa. Tất cả những người liên quan đến kho tàng này đều bị giết để giữ gìn bí mật, và tấm bản đồ chỉ dẫn đường vào kho tàng được chính tay Nguyễn Ánh cất dấu cẩn thận.
Nhờ cây nhân sâm trong miệng, em sống lây lất được đúng 100 ngày.  Trong thời gian này em như người mơ ngủ, tâm thần lúc nào cũng trong trạng thái mơ hồ, chân tay không thể cử động, đầu óc hoang mang không còn nhớ được chuyện gì. Sau 100 ngày, sức cùng lực kiệt, em chết đi trong cô đơn lạnh lẽo. Vì phép thuật và lời nguyền của gã phù thủy, hồn em không thể siêu thoát và biến thành nữ thần giữ kho tàng. Tất cả những người đã chết vì liên hệ tới kho tàng cũng không siêu thoát linh hồn, phép thuật của gã phù thủy đã bắt họ phải phục tùng em và ở lại chung quanh kho tàng.
Bí mật kho tàng giờ đây chỉ có Nguyễn Ánh và gã phù thủy biết rõ.  Nguyễn Ánh đã nhiều lần muốn ra tay giết chết gã phù thủy, nhưng không thể nào làm được vì lời nguyền huyền bí. Hơn ai hết Nguyễn Ánh đã hiểu để mở cửa kho tàng ngoài tấm bản đồ còn cần phải có câu thần chú bí mật để giải tỏa lời nguyền, nếu không người vào sẽ bị thần nữ giết chết. Biết được tính tình đa nghi của Nguyễn Ánh, gã phù thủy nhất định không nói ra câu thần chú. Nguyễn Ánh chỉ còn cách lúc nào cũng giữ gã phù thủy bên cạnh mình để bảo vệ sự bí mật của kho tàng.
Thời gian sau đó, Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy lùng ngày càng nhiều nên đành phải lên đường đi Xiêm La để cầu viện. Giữa đường quân Nguyễn Ánh bị Tây Sơn chận đánh, nhờ những tướng dưới quyền liều chết cứu giá, Nguyễn Ánh thoát hiểm chạy dạt sang Xiêm La. Phần gã phù thủy có lẽ vì làm nhiều điều  ác nên trong lúc quân hai bên giao tranh, thuyền của gã đã bị đánh chìm. Gã cùng gia đình bị vùi thân dưới lòng biển cả. Sau này lúc lấy lên ngôi, Nguyễn Ánh đã nhiều lần sai người ra Phú Quốc có ý lấy lại kho tàng, thế nhưng tất cả những người bước vào đường hầm đều bị giết chết vì không đọc đúng câu thần chú để giải tỏa lời nguyền. Pháp thuật của gã phù thủy đã biến em thành một âm hồn với quyền lực vô biên để ngăn ngừa những kẻ muốn chiếm giữ kho tàng. Cho tới bây giờ kho tàng của Nguyễn Ánh vẫn còn nằm sâu trong lòng núi và mãi mãi vẫn còn là một bí mật.
Kể tới đây Phương Loan day mặt ngó lại Tiêu Vân, dưới ánh trăng đêm lờ mờ, chàng thấy hai mắt nàng đẫm lệ. Phương Loan ngó chàng đăm đăm mồt lúc rồi nói tiếp:
- Em bị lời nguyền làm thần nữ canh kho tàng mấy trăm năm qua, linh hồn không sao siêu thoát, lúc nào cũng cảm thấy cô đơn và lạnh lẽo.  Cho tới lúc gặp được anh, dù biết rằng chúng ta âm dương cách biệt, thế nhưng em vẫn không dằn được lòng mình, vẫn yêu anh và mong muốn được ở bên anh mãi mãi. Những chuyện xảy ra sau này thì anh cũng đã rõ, em không cần giải thích làm chi. Trước sau em không bao giờ có lòng hại anh hoặc bất cứ người nào trong gia đình anh, tin hay không tùy anh.
Tiêu Vân cảm động, chàng ôm chặt Phương Loan vào lòng rồi âu yếm nói:
- Phương Loan, lúc nào anh cũng tin ở em, dù bất cứ trong hoàn cảnh nào đi nữa thì mãi mãi em vẫn là người vợ yêu quý của anh.
Nghe Tiêu Vân nói như vậy, Phương Loan tươi ngay nét mặt, nàng nhoẻn miệng cười thật tươi. Nhưng bất chợt Phương Loan như sực nhớ ra điều gì, nàng xô Tiêu Vân ra rồi cầm tay chàng khẽ nói:
- Em còn chuyện này muốn nói cho anh biết, em bị gã phù thủy bắt làm oan hồn canh giữ kho tàng hai trăm năm nay. Tới ngày hôm nay, lời nguyền huyền bí đó cũng đã hết hạn kỳ, em không còn phải lang thang làm hồn ma vất vưởng nữa, ngày mai em sẽ được đi đầu thai, em sẽ được trở lại kiếp sống con người. Ðúng ra em có thể cho anh biết con đường vào kho tàng, nhưng số anh sanh ra vốn thanh nhàn đạm bạc, không phải là người có phước hưởng giàu sang. Nếu em chỉ đường cho anh đi lấy kho tàng chỉ e sau này anh sẽ bị tai họa, đành để kho tàng ở đó chờ người nào có nhiều phúc đức hơn.
Tiêu Vân đang sửng sốt vì câu nói của Phương Loan, chàng ôm chặt lấy nàng và vội vàng hỏi:
-  Ngày mai em sẽ đi về đâu, anh làm sao kiếm được em bây giờ. Anh không cần đến kho tàng giết người đó, anh chỉ cần có em mãi mãi bên cạnh anh mà thôi.
- Em biết là anh không muốn xa em, nhưng chúng ta ở mãi với nhau như vậy cũng không được. Âm dương hai đường cách biệt nhau, em không có lòng hại anh nhưng anh ở bên em lâu ngày sẽ bị thâm liễm âm khí đưa đến bệnh tật và đau yếu. Chi bằng để em đi đầu thai rồi chúng ta sẽ mãi mãi chung sống với nhau không còn lo sợ chuyện gì.
Tiêu Vân thừ người khi nghe Phương Loan nói, chàng phân vân không biết tính sao, một đàng muốn giữ nàng bên mình, đàng khác cũng muốn nàng đi đầu thai để sau này có thể ở bên nhau suốt đời. Thấy Tiêu Vân ngồi lặng im suy nghĩ, Phương Loan nói tiếp:
- Chúng ta tình nghĩa mặn nồng, dù bất cứ hoàn cảnh nào cũng không chia rẽ chúng mình được. Anh cứ coi như chúng mình chỉ tạm xa nhau trong thời gian ngắn, mai này gặp lại thì càng thương yêu nhau hơn.
- Làm sao anh biết em ở đâu, em đi đầu thai về chốn nào anh có biết.  Hơn nữa anh phải đợi tới bao giờ mới gặp lại em.
Phương Loan vén tay áo rồi chỉ vào cái bớt son nhỏ trên cánh tay nói:
- Ðúng vào ngày này năm sau em sẽ đầu thai vào một gia đình dưới chân núi. Anh cứ tìm gặp bé gái nào có cái bớt như vậy thì đúng là em. Hy vọng chúng mình sẽ không gặp ngăn trở nào nữa.
Phương Loan nói tới đây thì có tiếng gà gáy báo hiệu hừng đông, nàng thở dài đứng lên rồi nói:
- Ðã tới giờ chúng ta phải chia tay nhau, anh nhớ giữ gìn sức khỏe đợi tới ngày chúng ta trùng phùng, lúc nào em cũng cầu Trời Phật cho anh được bình yên.
Tiêu Vân ôm chặt lấy nàng, nhưng hai tay chàng nắm vào khoảng không, hình bóng Phương Loan từ từ xa dần rồi tan thành làn khói mỏng, Tai chàng còn nghe văng vẳng tiếng nàng từ xa vọng lại:
- Nhớ ngày này năm sau hãy đến tìm em...
Tiêu Vân thất thểu ra về, tâm tư đầy dẫy luyến tiếc và nhớ nhung. Chàng đếm từng bước chán nản trên con đường quanh co mà đầu óc hoang mang ngớ ngẩn. Tiêu Vân biết rồi đây chàng sẽ phải sống trong chờ đợi và cô đơn cho tới lúc tìm lại được Phương Loan.
Năm sau theo như lời dặn của Phương Loan, Tiêu Vân tìm đến ngôi nhà dưới chân núi. Ðó là một trang trại xinh xắn thơ mộng nằm giữa vườn trái cây tươi tốt. Ngôi nhà có một bé gái mới sinh vừa đúng tuổi thôi nôi, Tiêu Vân gõ cửa xin phép vào nhà, chàng nói rõ nguyên nhân thúc đẩy chàng tới đây rồi kể lại chuyện tình của mình và Phương Loan với chủ nhà. Người chủ nhà lắc đầu thở dài nhìn Tiêu Vân với ánh mắt thông cảm, ông đưa Tiêu Vân đi thăm đứa trẻ. Ðó là một bé gái xinh đẹp, trên cánh tay nhỏ nhắn Tiêu Vân còn tìm lại được cái bớt son nhỏ xíu mà Phương Loan đã chỉ cho chàng. Bế bé gái đang say ngủ một cách hồn nhiên trên tay, Tiêu Vân bâng khuâng nhớ lại những kỷ niệm giữa chàng và Phương Loan, trong lòng chàng tràn dâng nỗi ray rức dạt dào đầy thương nhớ. 
Ngoài kia trời lại chớm vào thu, vài cánh chim đơn độc đang lang thang theo từng đám mây lơ lửng bên triền núi, xa xa vọng vang tiếng chim đỗ quyên cuối mùa buồn thảm trong hoang vắng. Cả không gian thời gian như cùng ngưng lại chia xẻ nỗi buồn với người tình si. Tiêu Vân ở lại với bé gái cho tới xế chiều rồi bùi ngùi từ giã ra về...

Lãng Tử
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tác phẩm mới, cái nhìn riêng của Huỳnh Như Phương 14 Tháng Bảy, 2022 Có một “gia tài” gồm nhiều tác phẩm (giáo trình, chuyên khảo, bài...