Chủ Nhật, 27 tháng 2, 2022

Khoảng trời thơ dại 2

Khoảng trời thơ dại 2

Chương 9
Thật may mắn cho thằng Sung là em nó đã thoát chết. Nhưng số tiền viện phí để cứu nó lại không đơn giản một chút nào. Bà Năm Trầu đã phải bán căn nhà đang ở mà vẫn còn thiếu nợ một món tiền khá lớn không biết chừng nào mới trả được. Bà trách mắng thằng Sung hằng ngày:
- Chỉ tại mày quá ngỗ nghịch nên nhà mình mới ra nông nỗi này.
Thằng Sung biết lỗi nhưng vẫn lạu bạu với má nó:
- Ai biểu má sinh tui ra làm chi. Giá mà tui được đi học như thằng Hoàng, con Vy thì tui đâu có thời gian nghịch ngợm, đâu có bị tụi nó lên lớp thầy đời.
Nghe thấy vậy bà Năm Trầu chỉ biết khóc oán trời. Bởi từ trong thâm tâm bà đâu có mong cái nghèo khổ đeo đẳng mãi để cho con bà thất học, đi chăn trâu rồi có cái đầu suy nghĩ hạn hẹp đến ngu xuẩn.
Qua việc thằng Sung đi ăn cắp vịt và trứng của nhà thằng Hoàng, việc bắt trói thằng Hoàng cho ong chích, rồi lại đến việc lỗ cắm chông để phục kích thằng Lượm đã nói lên tất cả sự thất học mà ra. Nhưng bà Năm Trầu có muốn thế đâu. Bà cũng mơ ước những đứa con bà sinh ra chúng đều ngoan ngoãn, dễ thương học hành đến nơi đến chốn.  Song đâu phải nỗi ước mong nào cũng trở thành hiện thực. Chồng bà chết sớm để lại cho bà gánh nặng gia đình với tài sản là những đứa con còn quá nhỏ chưa hiểu gì đến hai chữ "nhọc nhằn". Vì cuộc sống khó khăn bà đã phải bươn chải bằng đủ mọi thứ nghề, nhưng cũng chỉ kiếm được miếng ăn cho các con lót dạ chứ không lo nổi cho chúng manh áo sạch và vài quyển vở đến trường. Thế là anh em thằng Sung mặc sức rong chơi, gây gổ và đánh lộn mà không ai kèm cặp. Đầu năm vừa rồi bà phải nhận cho nó đi chăn trâu mướn để bớt thời gian lêu lỏng. Vậy mà, không ngờ biết bao cớ sự đã xảy ra.
Thằng Sung không ngồi nhà cho má nó nặng nhẹ lâu. Nó phủi quần đứng dậy rồi lững thững ra khỏi nhà với ý định tìm một chỗ nào đó yên tĩnh nằm ngủ, bất chợt nó trông thấy con Tý và con Mỹ Vy đang sánh nhau ở đằng xa liền dợm chân bước tới:
- Ê... đứng lại cho tao hỏi.
Tuy chưa nhìn thấy thằng Sung mà chỉ nghe tiếng, con Tý đã lôi con Mỹ Vy chạy trối chết, vì sợ nó trả thù mình.
Vậy là từ đó thằng Sung không còn ai làm bạn nên mặc cảm cô đơn của nó cứ lớn dần. Cứ hễ nó đi tới đâu là bọn trẻ cứ tránh xa nó tới đó cho đến một hôm, nó chộp cổ được con Mỹ Vy:
- Mày đang định đi đâu?
Mỹ Vy nhìn trân trân vào mặt nó:
- Tao đi từ giã bạn bè.
Thằng Sung khẽ nghênh đầu:
- Có tao trong số đó không?
Con Mỹ Vy không nỡ chối, nói đôi đường:
- Nếu như mày còn nghĩ tao là bạn thì mày sẽ có tên.
Thằng Sung hậm hực lừ mắt ngó:
- Tao không thèm xin xỏ.
- Mày vẫn cao giọng như thế sao?
- Tất nhiên. Bởi tao từng là Thủ Lĩnh của tụi mày.
Tuy rất e ngại sẽ lãnh một cái bạt tai vô mặt, con Mỹ Vy vẫn can đảm dài giọng:
- Mày quả là đứa không hề biết hổ thẹn. Sao mày không nhìn lại mày coi có giống cái con giáp nào không? Ờ... mà giống... con trâu và... con lợn...
Bị con Mỹ Vy châm biếm, thằng Sung giơ tay toan động thủ nhưng con nhỏ đã nhanh hơn co cẳng chạy để thoát thân. Không thèm rượt đuổi như mọi khi, thằng Sung ngồi xuống bờ ruộng dùng hai chân đạp mạnh làm lầy đất quanh chỗ nó. Một con rắn nước vô phước bò ngang qua hứng chịu cơn tức tối của thằng Sung bị nó chộp cổ kéo đứt đôi.  Cả bọn cua đồng vừa ló đầu ra khỏi hang cũng nát người dưới bàn chân to bè của nó. Thằng Sung trông giống như một gã Lỗ Đạt nổi cơn điên không sai một chút nào. Nó bắt đầu gào thét làm lũ chim đồng hoảng sợ bay vụt mất bỏ lại sự tĩnh lặng của khoảng trống mênh mông chỉ có gió và nắng cùng màu sắc hài hòa, thiên nhiên trên cánh đồng.
Giữa lúc cơn khùng của thằng Sung đang sắp sửa dâng cao tột độ thì một cơn mưa bóng mây trút xuống làm nó ướt sạch cả người. Những giọt nước man mác của ông trời đã xoa dịu sự nổi loạn nơi thằng Sung nên sau đó nó quay trở về nhà lấy xe đạp lên bệnh viện. Nhưng khi chứng kiến thấy thương tật của đứa em, thằng Sung mới hối tiếc cho sự ngông cuồng, ngu xuẩn. Nó ôm mặt khóc hù hụ, mặc cho những ánh mắt chung quanh ngó nhìn, lầm tưởng.
Chương 10
Ngày con Mỹ Vy đi, thằng Hoàng đã cố trốn bệnh viện về.  Nó đưa qua cho con bé rất nhiều thứ đồ dùng của nó và cả chục trứng vịt luộc còn nóng.  Giọng thằng Hoàng không kém chi người lớn:
- Mày đem trứng theo để ăn đường.  Còn mấy thứ này thì đem lên đó mà xài để đừng có quên tao.  Chừng nào rảnh xin ba má mày về đây chơi với tao nghe?
Câu nói đó làm con Mỹ Vy muốn khóc.
- Ừ, tao sẽ về đây thăm mày mà.
Thằng Hoàng còn dặn thêm:
- Nếu không có tiền đi xe thì cứ viết thư cho tao, tao sẽ gởi lên.
Con Mỹ Vy tự ái:
- Mày khỏi lo chuyện đó!  Tao dành dụm được rồi.
Mặc dù con Mỹ Vy nói thế thằng Hoàng vẫn chìa ra con heo đất.  Nó dúi vào tay bạn:
- Mày hãy giữ lấy, khi kẹt lắm hãy xài.  Tao bỏ ống từ tết tới giờ chắc cũng kha khá đó!
Món này thì con Mỹ Vy không chịu nhận, nó giãy nảy từ chối:
- Thôi mày hãy đem về đi Hoàng.  Tao không muốn lạm dụng lòng tốt của mày nhiều như vậy.
Nhưng thằng Hoàng vẫn cố tình nhét vào giỏ quần áo của con Mỹ Vy. 
Nó nhiệt tình hơn lúc nào hết:
- Tao cho mày chứ có phải mày xin đâu.  Cứ cầm lấy rồi có lúc phải dùng.
Mỹ Vy khăng khăng trả lại con heo đất cho thằng Hoàng, nó dứt khoát:
- Tao không lấy.  Mày đừng có bắt buộc, tao sẽ giận không thèm về thăm nữa đâu.
Thằng hoàng xìu nét mặt, song nghĩ gì đó nó không ép con Mỹ Vy nữa.  Cuộc dọn nhà bắt đầu, kẻ vào, người ra rối rít lên cả tiếng đồng hồ.  Thằng Hoàng cũng không ngồi yên, nó phụ dọn dẹp những gì trong khả năng của nó.  Người trong xóm túa đến tiễn gia đình con Mỹ Vy khá đông.  Người cho thứ này, kẻ tặng thứ khác ồn ào cả lên, cảm động không kể xiết.  Bà ngoại con Mỹ Vy thì ngồi khóc, hôn từng đứa cháu với lời dặn mấy đứa phải ngoan.
Giây phút chia tay đến quá nhanh vì tài sản gia đình con Mỹ Vy đem đi cũng chẳng có gì nhiều lắm.  Chiếc xe hơi loại nhỏ bắt đầu nổ máy để hối thúc.  Ba con Mỹ Vy vội lớn tiếng bảo các con:
- Lên xe đi mấy đứa.
Những giọt nước mắt của vài người ứa ra cùng với lời chúc đi mạnh giỏi.  Thằng Hoàng cũng không nén được xúc động, nó giữ chặt tay con Mỹ Vy:
- Mày nhớ về thăm tao nghe.
Con Mỹ Vy sụt sịt:
- Ừ, tao nhớ...
- Mày lên thành phố ráng học cho giỏi đặng sau này làm bác sĩ.
Đang buồn bã nhưng con Mỹ Vy cũng phải bật miệng cười:
- Mày mong tao làm bác sĩ về đây để chích mày hả?
Thằng Hoàng khẽ nhếch môi:
- Chứ sao.  Tao biết mày chữa bệnh lành tay lắm.
Con Mỹ Vy nói đùa:
- Được rồi, tao sẽ làm bác sĩ.  người đầu tiên tao sẽ chích là mày.
- Rất sẵn sàng.  Miễn mày đừng quên tao là được.
Đó là những câu từ giã cuối cùng của con Mỹ Vy và thằng Hoàng vì chiếc xe đã chuyển bánh.  Hai đứa không nói gì với nhau nữa bởi sự xúc động đã dâng nghẹn cả lời.  Chỉ có đôi cánh tay là giơ lên vẫy vẫy đồng loạt với cánh tay trong giờ phút chia xa. Thằng Hoàng đứng chôn chân tại đất rất lâu dù ba má nó đã thúc giục cần phải trở lại nằm bệnh viện.
Chiếc xe đã đưa con Mỹ Vy đi mất, biết đến bao giờ nó mới có dịp về thăm. Thằng Hoàng nghe buồn, hụt hẫng, một nỗi buồn lấn át mọi nỗi buồn mà nó gặp trong đời. Xa con Mỹ Vy nó đâu còn đứa bạn nào thân thiết để mà chơi, mặc dù quanh nó bọn trẻ trong xóm cũng nhiều vô kể. Hôm qua thằng Lượm đã đích thân tìm đến bệnh viện xin lỗi nó và mong nó mau xuất viện để về nhà.  Lúc ấy, thằng Hoàng đâu còn lòng dạ nào để giận mãi nên đã đồng ý tha cho nó.
Thằng Hoàng hướng mắt nhìn con đường làng vương đầy bụi vì chiếc xe vừa đi qua.  Nó muốn tìm hình ảnh con Mỹ Vy song tất cả chỉ là khoảng không in dáng lũy tre làng và đàn trâu đen đủi.  Giữa lúc đó thì thằng Lượm và con Tý đen mò đến, trên tay chúng đứa nào cũng có một món đồ được gói gém cẩn thận bằng tờ giấy đỏ hoa.
Thằng hoàng âu sầu hỏi:
- Tụi mày đi đâu vậy?
Con Tý ngó dáo dác:
- Tao với thằng Lượm tới tiễn chân con Mỹ Vy.
Thằng Hoàng lơ đãng hỏi:
- Tụi mày chậm quá trời.  Nó đã đi xa rồi còn đâu.
Nghe nói vậy, thằng Lượm hích con Tý:
- Chỉ tại mày lâu lắc, ra vô chải chuốc mãi không thôi.
Con Tý cong môi cãi lại:
- Ai biểu mày tới muộn.  Hôm qua tao đã hẹn mày bảy giờ sáng phải có mặt thế mà chờ mãi tới tám giờ mới thấy mày lò dò sang:
Thằng Lượm gãi đầu chỉ tay vào gói quà:
- Tại tao mắc đi mua đồ tặng con Mỹ Vy chứ bộ.
- Sao mày không mua hồi tối?
- Hôm qua tao chưa có đủ tiền.  Mãi tới sáng hôm nay tao mới xin má tao cho đủ số để mua chiếc cặp da này đây.  Vậy mà uổng quá, nó đi mất tiêu rồi.
Con Tý tiếp lời thằng Lượm, nó cũng ngó xuống gói quà trên tay mình:
- Còn tao thì mua tặng nó cái nón để đội đi học đây nè.  Không biết làm sao mình gởi lên cho nó được.
Rồi quay qua thằng Hoàng, con Tý tò mò hỏi:
- Mày nhanh chân nhất, mày cho nó cái gì?
Thằng Hoàng đáp trong trạng thái đăm chiêu:
- Tao cho nó con heo đất của tao, song nó không chịu nhận.
Con Tý kêu toáng lên:
- Trời.  Vậy là nó không mang theo được chút quà của đứa nào.
Thằng Hoàng nhìn con Tý:
- Mày đừng lo.  Nó không nhận nhưng tao thừa lúc nó không để ý bỏ con heo đất vô giỏ quần áo của nó rồi.  Chắc lên thành phố mở ra nó sẽ thấy.
Ba đứa nhỏ cùng một lúc nhìn nhau.  Dưng như tâm tư chúng có cùng một ý nghĩ.  Thằng Lượm ngồi xuống gốc bần trước tiên:
- Vậy là quà của con Tý với tao bị ế.
Thằng Hoàng an ủi:
- Không ế đâu.  Tụi mày cứ cất, chừng nào có dịp sẽ gởi lên cho nó.
Con Tý đen có ý kiến:
- Tao đề nghị thế này nhé!  bắt đầu từ ngày mai tụi mình sẽ bỏ ống đến cuối năm đập ra góp vào rồi đi lên thành phố thăm con Mỹ Vy.
- Tao nhất trí.
- Tao cũng đồng ý.
Thấy không đứa nào phản đối, con Tý đen toét miệng cười.  Nó thò tay vào túi lấy ra n¡m đậu phụng rang chia đều cho mỗi đứa một ít rồi cùng ăn.  Cả ba như tạm quên đi sự vắng mặt của con Mỹ Vy.  Chúng nói chuyện với nhau và đùa giỡn cho đến khi trông thấy bà ngoại Mỹ Vy từ trong nhà đi ra.  Thế là những nụ cười tạm thời vụt mất để thay vào đó là nỗi thiếu thốn một cái gì.
Thằng Lượm khẽ chép miệng:
- Con Mỹ Vy nó tốt lắm.  Chính nhờ nó mà tao mới có dịp làm hoà lại với mày đó Hoàng à.
Con Tý đen cũng không chịu ngồi yên, nó hình dung lại chuyện con Mỹ Vy đã giúp đỡ nó:
- Hôm bữa tao vô ý làm mất của má tao tờ giấy bạc năm ngàn.  Con Mỹ Vy đã phụ với tao đi bắt cua bán để đền vô số tiền đó!  Chứ nếu không chắc tao phải bị đòn mười roi.
Thằng Hoàng ngồi trầm ngâm rồI vụt bỏ đứng lên, nó như muốn tạm quên chuyện con Mỹ Vy vắng mặt:
- Thôi giải tán đi tụi bây.  Tao còn phải trở vô bệnh viện ít ngày nữa lận.  Chừng nào về tao xin ba tao con vịt nướng đãi tụi mày.
Tý đen nghe thèm chảy nước miếng:
- Tao nhớ hôm trước mày đã hứa một lần rồi phải không Hoàng?
Thằng Hoàng nghe nhắc ngây mặt rồi gật gù:
- Ừ, phải. Nhưng lần này thì chắc chắn không có hụt nữa đâu.
Vốn ham ăn, con Tý đen bàn trước:
- Tao sẽ rang muối tiêu để dành.
Thằng Lượm xía miệng vào:
- Thịt vịt ai mà chấm muối tiêu. Ðể tao nhổ gừng làm nước mắm.
Con Tý đen hít hà:
- Ái chà, mới nói là tao đã ngửi thấy mùi thịt vịt nướng thơm lừng rồi tụi bay.
Đang dợm chân định bỏ về, thằng Hoàng quay lại cốc nhẹ lên đầu nó:
- Con gái gì mà ham ăn quá trời.
Không vừa, con Tý vặn cổ lại:
- Xí, con gái ham ăn khó kiếm lắm nghe mày.
Cả bọn cùng cười giòn.  Sự hồn nhiên trở về trong tâm hồn chúng, những đứa trẻ đang nhìn cuộc đời toàn màu xanh.
Chương 11
Thế mà đã sáu bảy năm, Mỹ Vy không có dịp về quê vì cuộc sống gia đình như cỗ máy hoạt động không lúc nào ngừng nghỉ. Mỹ Vy đi học một buổi, một buổi phải phụ bán hàng với má đâu còn thì giờ để nhớ tới các bạn ở quê nhà. Cũng có đôi lúc ngồi buồn, cô bé nghĩ đến thằng Hoàng và con Tý, nhưng chỉ ít phút thôi vì hình như tất cả đã bị lùi vào ký ức.  Ở trường học, Mỹ Vy có bạn mới.  Cuộc sống thay đổi và cô bé cũng lớn dần theo mỗi tết hàng năm.  Con heo đất mà thằng Hoàng nhét vào giỏ của nó năm xưa, vẫn còn giữ làm kỷ niệm, dù tiền nó đã tiêu hết vào những lúc kẹt trong việc học hành.
Giờ đây Mỹ Vy đã trở thành một cô bé gái đang chớm tuổi dậy thì.  Cái vóc dáng nhỏ bé đen đủi đã thay vào đó nét xinh tươi của một bông hoa thành thị.  Mỹ Vy với dáng người cân đối, đầy đặn và gương mặt thật duyên dáng đã làm thu hút nhiều bạn trai.  Song từ khi gặp lại được Hoàng, cô bé đã thấy tuổi thơ của mình trở về trong cuộc sống.  Tuy cả hai không còn vẫy vùng, bơi lội dưới sông.  Ngồi trên lưng trâu thả diều trong những buổi chiều tuyệt đẹp có ánh hoàng hôn đang từ từ lịm tắt.  Không còn được ăn món vịt nướng bao đất sét, và không còn tự nhiên như cái thuở thiếu thời gọi mày xưng tao.
Gặp lại Hoàng, Mỹ Vy mừng tưởng chừng như không có gì sánh được.
Song đôi khi chợt nghĩ đến một cái gì đó xa vời, cô bé lại thấy lòng dấy lên niềm suy nghĩ vu vơ:
- Xời ơi!  Bộ hai người đang quay lại video dĩ vãng sao mà ngồi ngây người ra lâu quá vậy?  Quán chè thập cẩm chắc là người ta đã bán hết từ lâu rồi.
Tiếng của Ngọc Như toang toác lên làm tất cả ký ức trong Hoàng và Mỹ Vy bị dừng lại.  Ngọc Như chỉ ngón tay vào hai người còn đang ngơ ngác nét mặt vì hồi tưởng:
- Buồn cười ghê.  Khi không làm người ta hụt ăn chè một cách có tính toán vậy đó.
Bây giờ thì Hoàng đã bừng tỉnh với nụ cười thật tươi:
- Không có hụt đâu Ngọc Như ơi!  Nếu hết chè thì mình sẽ ăn thứ khác.
Lần này Ngọc Như hí hửng:
- Thứ khác hả?  Nhưng liệu Hoàng có đủ tiền để bao không?
Cậu con trai vỗ vào chiếc túi nơi ngực áo:
Miễn là Ngọc Như đừng đòi vô nhà hàng.  Còn bình dân thì Hoàng dư sức:
Ngọc Như lôi Mỹ Vy ra đứng giữa:
- Mày làm chứng nghe Vy.
Mỹ Vy cười:
- Mày làm to chuyện để chi, Hoàng không dám xù đâu.
Tuy nghe Mỹ Vy nói vậy, Ngọc Như vẫn tươm tướp:
- Biết đâu được mày.  Tao không có tin ai.
Thấy Ngọc Như phát ngôn như thế, Hòang vội đứng lên mời lần nữa:
- Ngọc Như không tin thì ta đi bây giờ nghe.  Hai người cứ việc chọn nơi mà mình muốn đến.
Mỹ Vy bảo với bạn:
- Mày có tâm hồn ăn uống hơn thì cứ việc chọn thực đơn đi.
Ngọc Như không khách sáo:
- Đi ăn mì hoành thánh.
- Thôi.  Bây giờ chiều tao khoái ăn gỏi cuốn hơn.
- Trời.  Thứ tương ấy cay xé lưỡi tao không ham đâu nhỏ.
- Thế thứ hoành thánh của mày béo ngậy tao chẳng hợp khẩu đâu.
Ngôì nghe ý kiến của hai nhỏ bạn gái, Hoàng chỉ cảm thấy buồn cười.
Con gái thật là phức tạp không giống bọn con trai chút nào.  Hoàng nhớ tới thằng Lượm ở quê nhà và những bữa ăn Dã Chiến  của hai thằng mỗi khi cậu nghỉ học về thăm.  Chỉ vài con ốc bươu bắt vội ngoài đồng hoặc con cá nướng trui, hai thằng cũng có thể ngồi tán gẫu.  Riêng con Tý bây giờ đã lớn, nó không vòi vĩnh Hoàng như hồi lúc nhỏ con Mỹ Vy đã đi xa.  Mỗi lần về, Hoàng mang quà đến cho nó, nó lần lựa mãi không chịu nhận.  Thế nhưng nếu chẳng có gì thì nó lại trách hờn.  Con gái chắc đứa nào cũng như đứa nấy thôi, bọn con trai không khéo chiều thì mấy nhỏ cứ tha hồ giận dỗi.
Tỏ ra hiểu tâm lý, Hoàng đề nghị:
- Thôi thế này nhé!  Đã lâu rồi Hoàng không ăn món bột chiên.  Nếu Mỹ Vy và Ngọc Như không chê thì ta đi ăn rồi ghé thưởng thức món kem su su, được chứ?
Không ngờ cả hai nhỏ con gái đồng ý gấp:
- Tuyệt quá trời rồi, Mỹ Vy ơi!  Mày mau đi thay đồ kẻo muộn.
Mỹ Vy cười với Hoàng:
- Thôi, đi ba người xui lắm!
Thấy bạn nói thế, Ngọc Như xụ mặt xuống:
- Phải rồi, mày muốn nói tao là người thừa chứ gì.
Hoàng phải một phen đính chính:
- Mỹ Vy giỡn mà Ngọc Như.
Song cô bé giãy giụa lên như đỉa phải vôi:
- Không dám giỡn đâu, cái mặt nó nghiêm nghiêm là nó nói thiệt đó!
Dù cố nhịn, Mỹ Vy cũng phải cười. Cô bé đấm vào lưng bạn thùm thụp:
- Con khỉ. Chỉ chọc có chút xíu mà đã giống tề thiên rồi.
Ngọc Như đỏng đảnh nói:
- Xí, tao đẹp như vậy mà giống đại thánh ở chỗ nào.
- Hi... hi... mày giống ở chỗ ngứa gãi lung tung đó.
Bị chọc quê, Ngọc Như càng giống khỉ.  Con bé nhăn nhó trông tức cười.
- Mày nhớ nghe Mỹ Vy.  Thứ sáu này có môn toán tao không cho mày copy đâu nhé!
- Hứ!  Làm như mày học giỏi lắm không bằng, copy mày tao lãnh trúng con ngỗng thì thiệt là oan.
- Xí, còn lâu. Tao là đứa chuyên dẫn đầu lớp chứ đâu phải loại tồi.
Mỹ Vy cười khúc khích:
- Thế hả? Vậy mà không biết đứa nào hôm thứ hai tuần rồi chỉ được có 3 điểm môn văn.
Thấy bạn khui ra cái dốt của mình trước mặt con trai, Ngọc Như xấu hổ dậm chân như kiến cắn:
- Trời đất!  Tao chỉ có giỏi môn toán chứ đâu có giỏi môn văn.
- Thế mà cũng bày đặt làm tàng.  Tao chỉ yếu môn toán chút đỉnh, còn tất cả thì qua mặt mày vèo vèo đó nhỏ.
Câu nói của Mỹ Vy càng khiến cho Ngọc Như biến thành hề, cô bé làm nhiều động tác gây cười thêm:
- Mày qua mặt tao mà sao cứ năn nỉ xin học chung vậy nhỏ?
Mỹ Vy trả lời tỉnh queo:
- Có gì đâu.  Bởi tao muốn chúng ta cùng tiến bộ chung ấy mà.
Ngọc Như trề môi:
- Ê hê... thì ra bây giờ mới biết mày bày trò để moi kinh nghiệm toán của tao.
- Thì mày cũng có thiệt thòi gì đâu trong khi tao đem hết vốn liếng văn chương truyền lại cho mày.
- Vậy là huề hả nhỏ?  Nhưng dẫu sao tao cũng thấy không công bằng.
Lần này thì Mỹ Vy nhướng mắt:
- Chà, còn đòi công bằng hả?  Vậy hãy nằm dài ra đây tao đánh cái tội học ngu làm hổ mặt thầy Thời, kiểm tra văn mà chỉ được điểm ba.
Vớ cây chổi lông gà gần đó, Mỹ Vy đưa lên hạ nhịp như thể đang chuẩn bị đánh đòn khiến Ngọc Như la oai oái:
- Ui da.  Mày tính cho tao ăn bánh tét thịt gà thiệt xao nhỏ?
Mỹ Vy làm điệu bộ hống hách:
- Thiệt chứ đâu phải giỡn.
Thế là bỗng nhiên Ngọc Như dịu giọng ngay, cô bé vuốt mũi bạn:
- Thôi cho tao xin can đi mà.  Mình làm bạn bè làm thẳng tay sao nỡ.
Thời gian bị hai nhỏ kéo chùn ra từ lúc nào cho đến khi đèn trong nhà phải bật sáng mới trông rõ mặt người.  Kẻ nóng ruột bây giờ lại là Hoàng, cậu con trai cứ nhấp nhỏm trên ghế:
- Trời tối rồi Mỹ Vy với Ngọc Như ơi!  Nếu hai công nương cứ đấu khẩu với nhau mãi thì Hoàng e rằng món gì rồi cũng bị người ta bán hết.
Vừa nghe như thế, hai nhỏ con gái im lặng ngay.  Và họ hăng hái rời nhà, chứ không lộn xộn nữa.  Ba chiếc xe đạp chạy song song trên đường phố, Hoàng đi giữa Mỹ Vy và Ngọc Như với tâm trạng thật vui.  Từ khi được lên thành phố theo học tới nay, có lẽ đây là lần thứ hai Hoàng vui như vậy.  Còn lần đầu là bữa Hoàng đoạt giải cuộc thời võ thuật hôm nào.  Gió mát của bầu trời làm thoải mái tâm hồn của cả ba người. Quán bán bột chiên đón tiếp họ hòa nhập với nhiều thiếu niên nữa.
Ngọc Như vừa ăn, vừa sút sít nước mắm cay:
- Ngon quá hả Mỹ Vy.
Mỹ Vy gật gù đáp:
- Hoàng chọn món này là hợp gu với tụi mình.
Tỏ ra ga-lăng hơn, Hoàng vừa ăn vừa tiếp thêm đu đủ nạo vào đĩa cho hai nhỏ bạn gái.  Cậu con trai cũng rất là hồn nhiên:
- Món này là món học sinh thường hay dùng, lúc mới lên thành phố Hoàng ăn một lần hai ba dĩa.
Ngọc Như ngừng ăn trừng mắt ngạo:
- Gì dữ vậy.  Bộ Hoàng không sợ bị bể bụng sao?
Hoàng ngẩng lên cười hiền:
- Mình là dân quê mà, bao tử đựng nhiều quen rồi nên đâu sợ bể.
Gặm một miếng bột chiên cho vào miệng, Mỹ Vy vụt rủ bạn:
- Ê, Ngọc Như nè, sắp tới nghỉ hè mày về quê chơi với tụi tao ít ngày nha?
Vì chưa đi xa bao giờ nên Ngọc Như ngần ngại:
- Liệu có vui lắm không?  Tao chỉ sợ...
- Bảo đảm.  Nếu không gây ấn tượng cho mày thì tao sẽ chịu phạt kêu mày bằng chị hai.
Hoàng cũng nói vô:
- Quê mình đẹp lắm đó Ngọc Như ơi!  Có sông, có đồng ruộng bao la bát ngát và rất nhiều món ăn đặc sản mà trên thành phố Ngọc Như không được thưởng thức đâu.  Ví dụ như món thịt vịt nướng bao đất sét.
Vốn rất khoái ăn nên nhỏ Ngọc Như hỉnh mũi lên:
- Úi dào, đừng đem mấy thứ đó ra dụ dỗ tui nghen.
Mỹ Vy liền dí dỏm:
- Không dám dụ mày đâu.  Tao chỉ kể một loạt thứ ăn ra đây là mày sẽ phải đăng ký theo đuôi ngay ấy mà.
Nói rồi không chần chừ, con bé hắng giọng tiếp:
- Này nhé!  Mày đã có bao giờ nếm ốc bươu luộc chấm nước mắm gừng chưa?  trời... đã lắm!  Chưa hết đâu... còn hột vịt lộn ăn thoải mái và bún riêu cua má thằng Hoàng nấu ăn khỏi chê.
Ngó thấy Ngọc Như nuốt nước miếng, Mỹ Vy liền nói nữa:
- Quê tao trái cây thì có nhãn, ổi, xoài.  Ôi xoài tượng mà chấm nước mắm đường ngồi nhâm nhi thì hết biết.
Tới đây cô bé Ngọc Như không còn nhịn nổi nữa nên phải phát tướng lên:
- Thôi đừng có kích thích khẩu vị của tao thêm nữa mà.  Tao bằng lòng về quê mày một chuyến đó.
Mỹ Vy đưa mắt nhìn Hoàng rồi chúm chím miệng cười:
- Phải vậy chứ.  Tao biết mày rất dễ chịu dụ khị mà.
Tiếng cười lại thoát ra thật giòn.  Cả ba rời quán bột chiên rồi chạy theo sự hướng dẫn của Hoàng để thưởng thức tiếp tục món kem lý tưởng. Tuổi mười lăm là lứa tuổi chưa đánh mất sự hồn nhiên nên Mỹ Vy và Ngọc Như đã đùa giỡn ầm cả đoạn đường tạo nên sự vui nhộn trong lòng tên con trai vừa tìm được bạn. 
Chương 12
Không thể sai lời hứa với Mỹ Vy, Ngọc Như đã xin phép gia đình để về quê bạn chơi một chuyến. Sự háo hức đã khiến cô bé thức dậy lúc năm giờ sáng và quơ đại chiếc túi du lịch của mình nhét vội vàng ít đồ dùng rồi phóng thẳng tới nhà Mỹ Vy.
Thấy cửa nhà bạn còn đóng, con bé dùng cả hai tay vừa đấm vừa kêu:
- Dậy đi đồ lười biếng.  Sáng trắng rồi mà còn nằm nướng hay sao?
Mỹ Vy trong bộ đồ lửng bước ra, cô bé vừa hé cửa vừa buông tiếng:
- Mày làm ơn tắt cái loa phóng thanh đi dùm tao.  Mới sáng sớm mà tới đây gây ồn ào cả khu phố!  Coi chừng người ta chửi cho là sui lắm đó biết không?
Nghe thấy vậy, Ngọc Như mới vội vàng bịt miệng.  Giọng cô bé nhỏ lại:
- Biết rồi... khổ lắm... nói mãi...
Mỹ Vy vẫn chưa tha:
- Nói mãi mày cũng chưa chịu tiếp thu.  Con gái gì mà đi tới đâu giống cái chợ đến đó!
Ngọc Như nói xìu:
- Lên mặt "thầy đơi: hoài, tại cái tính tao trời ban chứ tao đâu có muốn.
- Không muốn thì phải sửa.  Hồi đó tao cũng giống hệt như mày, nhưng chỉ bị kẻ khác chỉnh một lần là tao bỏ tật ấy ngay.
Bỗng nhiên, Ngọc Như nghe thắc mắc:
- Ai vậy mày?
Vẻ mặt Mỹ Vy thoáng chút ngượng:
- Hoàng.
- A, thì ra cái tên này.
Nụ cười bỡ ngỡ của Ngọc Như làm Mỹ Vy xấu hổ, cô bé cố gượng chống chế:
- Hoàng là con trai nhưng trầm tĩnh và điềm đạm hơn tụi mình nhiều.
Ngọc Như tra gạn bạn:
- Có khi nào mày và tên Hoàng nghĩ gì khác ngoài tình bạn không?
Mỹ Vy lườm bạn bằng đuôi mắt:
- Đặt câu hỏi bậy bạ.
- Bậy cũng phải trả lời.
- Hoàng là nhân chứng kỷ niệm tuổi thơ của tao.
Ngọc Như tỏ ra mình là người lớn:
- Mày dùng từ nghe dội quá.  Kỷ niệm tuổi thơ thì ai mà chẳng có. 
Tao đang muốn hỏi hiện thời nè.
Thốt nhiên Mỹ Vy đấm thùm thụp vào lưng bạn:
- Hiện thời nè... đồ con nít ranh mà cứ thích làm người lớn.
Hai nhỏ con gái giỡn tới đây thì Hoàng xuất hiện.  Cậu con trai gọn gàng trong bộ đồ jean và chiếc túi khoác vai.  Nụ cười trên môi Hoàng lúc nào cũng dịu dàng như con gái:
- Thế nào hai công chúa, mình lên đường cho sớm chứ.
Vì là người tới trước nên Ngọc Như không bỏ lỡ cơ hội trêu:
- Nè, tới sau rồi tính đánh trốn lãng phải không?  Tụi này chờ Hoàng cả tiếng đồng hồ rồi chứ đâu phải giỡn.
Hoàng gãi đầu trông thật dễ mến:
- Thông cảm dùm cho đi nhị vị cô nương.  Tại vì ở trọ cho nên phải đợi người ta thức dậy mở cửa chứ.
Ngay lúc ấy chẳng biết từ đâu có một mùi thơm bay tới mũi Ngọc Như, cô bé ra sức hít rồi thừa cơ bắt tội:
- Thông cảm thì được.  Nhưng ít ra phải có gì đền bù với cái bụng mới vui.
Biết ý Ngọc Như, Mỹ Vy nói ra:
- Nó muốn đòi ăn đó, Hoàng à.
- Con quỷ này, sao mày biết tao đòi ăn chứ?
- Sao lại chẳng biết.  Tao chỉ cần nhìn cái mũi mày hỉnh hỉnh là tao đoán được rồi.
Nghe bạn nói, Ngọc Như thẹn đỏ mặt, quát khẽ:
- Biết rồi thì im miệng đi, lát nữa tao sẽ chia cho chút đỉnh mà ăn.
Mỹ Vy hứ lên thật lớn:
- Tao không thèm lòng tốt của mày.
Ðể hai nhỏ bạn gái ngồi cãi cọ ở trong nhà, Hoàng lẻn ra ngoài chốc lát rồi trở vào với một bọc bánh bao đang bốc khói.  Đặt xuống trước mặt Ngọc Như, Hoàng tỏ ra ân cần:
- Mình ăn cái này đầy bụng rồi lên đường được chứ?
Ngọc Như tíu tít cười:
- Được!  Hoàng quả là ý nhị ghê.
Không để ý đến lời bạn khen, Hoàng cầm một cái bánh trao cho Mỹ Vy rồi nhắc chuyện ngày xưa:
- Hồi đó trước khi rời quê, Mỹ Vy đã mua cho Hoàng một cái bánh bao giống như thế này.
Mỹ Vy bồi hồi nhớ:
- Và hai đứa mình đã ăn chung cái bánh bao ấy ở bệnh viện phải không?
- Vậy là Mỹ Vy đâu có quên, nhưng thôi để chừng nào đặt chân về đến quê mình sẽ ôn lại kỷ niệm nhé!
Ngọc Như tiếp lời bằng cách cầm lấy bánh đưa lên môi c¡n một cái rồi nhìn cả hai nói:
- Còn bây giờ thì các bạn hãy ăn đi kẻo tui chịu hết nổi rồi.
- Xí... cái thứ ham ăn nói hoài không bỏ tật.
Mỹ Vy nháy mắt về phía bạn rồi cũng thưởng thức món bánh bao của Hoàng mua.  Công việc điểm tâm của cả ba mất vài phút, sau đó họ lên đường với cả bao nhiêu điều háo hức.
Ngồi trên chiếc xe đò dài đông nghẹt, Ngọc Như đã hỏi ướm chừng Mỹ Vy:
- Liệu bà ngoại mày có nuôi nổi tao nửa tháng không?
Mỹ Vy xếch đôi mắt:
- Chưa nói chắc.  Còn chờ xem sự co giãn của bao tử của mày.
Cô bé khẽ lườm lườm:
- Hứ.  Mày làm như tao ăn nhiều lắm không bằng.
- Ai biết đâu được.  Tao vẫn nghe má mày nói con Ngọc Như nó ăn bằng thúng, uống bằng thùng mà.
- Trời!  Mày nói xạo vừa thôi, má tao đời nào lại đi bêu xấu con gái chứ.
- Đó đâu phải là bêu xấu, chỉ tại má mày thiệt thà thôi.
Ngó thấy khách trên xe có người để mắt nhìn mình, Ngọc Như không dám ra mồm nữa.  Cô bé hích nhẹ vào hông bạn nhắc chừng:
- Tạm ngưng chuyện của tao đi.
Hoàng nghe thấy cười xòa:
- Thôi để Hoàng kể chuyện ở quê cho Ngọc Như nghe nhé.
Mỹ Vy làm bộ không tán thành:
- Đừng Hoàng.  Cứ để cho nó háo hức về tới dưới đó sẽ hay.
Không chịu thua, Ngọc Như vung cú đấm lên dứ dứ:
- Mày đừng có mà lẻo mép xúi, nhắm có chịu nổi mấy cú nốc ao của tao không?
Mỹ Vy cũng chẳng phải vừa gì, cô bé bèn hăm doạ tới tấp:
- Tao không biết đánh võ, nhưng sẽ có món trị mày.
- Trên đời này tao chưa hề sợ gì.
- Được rồi, đừng làm bộ nói cứng.  Tao chỉ cần bắt con vật nhỏ xíu đưa tới cho nó cắn mày là mày sẽ chắp tay mà lạy ngay.
Ngọc Như trừng mắt lên:
- Nè, đừng có ăn hiếp tao nghe.  Mai mốt tao trở lại thành phố tao sẽ cho mày biết mặt.
Hoàng vui lây trước sự cãi cọ của hai nhỏ bạn gái.  Trông họ trẻ con chứ không giống như những đứa bạn còn ở lại quê, sắp đến tuổi lập gia đình để rồi phải già đi vì trách nhiệm và bổn phận. Như con Tý đen bạn của Hoàng và Mỹ Vy ngày đó. Tuy cùng trạc tuổi với nhau song nó đang đánh mất sự ngây thơ qua lá thư mà nó gởi cho Hoàng vài tháng trước báo tin nó đã có người dạm hỏi. Ôi!  mười lăm tuổi mà sắp lấy chồng ngộ thiệt. Cứ nghĩ đến chuyện con Tý trong chiếc áo cô dâu mà Hoàng cảm thấy buồn cười, tiếc thầm cho đời nó.  Đúng là con nít ranh vắt mũi chưa sạch. Chuyến này có Mỹ Vy cùng về, Hoàng nhất định xúi nhỏ cùng ngăn cản để cứu con Tý thoát khỏi sự tảo hôn vốn đã thành lệ ở miền quê.
Chiếc xe lao đi vun vút như xé gió làm khoảng cách trong lòng mỗi người hành khách như bị rút ngắn dần.  Họ cũng bồn chồn mong đợi mau chóng đến đích như ba người bạn trẻ.  Xa xa hai bên đường, đã thấy xuất hiện cánh đồng lúa và gió lùa vào xe đã mang hơi hướm của làng quê.
Hoàng chợt kéo tay Mỹ Vy chỉ vào vườn nhãn bên đường rồi thấp giọng:
- Hồi đó Mỹ Vy đi vườn nhãn này mới trồng mà nay nó đã già rồi.
Mỹ Vy cười tươi chỉ vào ngực mình:
- Thì lúc đó Mỹ Vy cũng còn nhỏ, mà nay trở về đã lớn như thế này.
Cả hai cùng im lặng, song tâm tư thì náo nức.  Nỗi hồi hộp sắp được nhìn thấy quê hương cứ trổi lên làm Mỹ Vy nhấp nhỏm không yên.  Cô bé không buồn chọc bạn nữa mà cứ nhóng mắt ngó cảnh vật bên đường. Cảm giác là lạ, quen quen nhớ dần trong tâm trí dù thời gian trôi qua đã sáu bảy năm dài.  Đến quá trưa, giữa lúc mọi người đang mệt mỏi vì phải giam mình hằng mấy tiếng đồng hồ trên chiếc xe chật chội thì Hoàng vụt reo lên:
- Tới rồi bác tài ơi!  Cho tụi cháu xuống đây.
Hai nhỏ con gái vội nhốn nháo:
- Xuống hả Hoàng?
Hoàng rời chỗ xốc chiếc túi du lịch trên vai, cậu quay lại bảo hai nhỏ bạn:
- Ngọc Như và Mỹ Vy chuẩn bị xuống xe kẻo nó đưa hai cô nương về bến cuối tận Mỹ Thuận bây giờ.
Nghe nói, Ngọc Như hoảng hốt thót xuống trước:
- Ý... ý... Hoàng phải đưa Như đi đàng hoàng kẻo lạc đường Như kiện đó à nghen.
Mỹ Vy nhảy xuống sau, trêu bạn thêm lần nữa:
- Mày chết nhát vừa vừa chứ kẻo lũ bạn tao ở đây nó sẽ được dịp phá phách mày suốt ngày thôi.  Thí dụ như nó bắt đỉa cho bám vào chân mày, hay đem rắn lại quấn quanh cổ giả làm vòng cẩm thạch.
Không để Mỹ Vy nói hết câu, Ngọc Như nhảy đông đổng ở giữa đường.
- Tao không có giỡn kiểu đó đâu nghe mày.  Mày mà xúi mấy đứa bạn mày đưa thứ đó nhát tao là có án mạng xảy ra thì đừng có trách.  Tao vốn đau tim bẩm sinh mà.
- Hì... hì...!  Mày đau tim thì mặc kệ mày, tao chỉ có thể giúp mày báo trước là ở đây đỉa nhiều lắm!  Con nào con nấy...
- Oái...
Ngọc Như thoảng thốt vứt đại chiếc giỏ của mình nằm lăn lóc trên đường rồi tưng tưng chạy tới núp sau lưng Hoàng như thể đỉa đang bám vào cô bé.  Ai nấy bật cười, riêng Mỹ Vy thì rũ rượi:
- Chao ơi!  Mày làm tao vỡ bụng ra bây giờ đó Ngọc Như.  Đỉa ở dưới ruộng chứ đâu đây mà mới vừa nghe nói mày đã làm như nó đang bám vào chân vậy. 
Ngọc Như thở không ra hơi:
- Tao lạy mày Mỹ Vy ơi!  Biết tình trạng thế này tao cóc thèm về quê mày nghỉ hè nữa.
Hoàng thấy Ngọc Như sợ thật, vội trấn an:
- Mỹ Vy chỉ giỡn thôi chứ đỉa nó không dám cắn Ngọc Như đâu.
Dẫu sao nó cũng phải biết hiếu khách chứ.
Liền lúc ấy từ đằng quán nước phía trước có mấy bóng người ào ra, họ bước nhanh về phía cả ba đang đi tới với tiếng gọi thật to:
- Hoàng... Hoàng ơi...!  Mày về đó có phải không?
Hoàng phóng mắt lên nhìn rồi mừng rỡ:
- Thằng Lượm và cả Tý đen nữa.
Vừa nghe thấy vậy, Mỹ Vy đã reo lên:
- Ôi... con Tý đen à, sao nó biết mà ra đón mình vậy?
Hoàng vừa lao nhanh vưà giải thích:
- Mình đã viết thư báo trước mà.
Những người bạn cách xa nhau lâu ngày nay mới gặp nên ngỡ ngàng. 
Thằng Lượm không nhận ra được Mỹ Vy vì cô bé lúc này lớn và xinh đẹp ra nhiều quá khiến cậu ta cứ trố mắt lên mà nhìn.  Riêng Tý đen thì không quên được những đường nét trên khuôn mặt bạn nên chẳng hề nhận lầm dù có thêm kẻ thứ ba.
- Mỹ Vy, tao không ngờ mày về quê thăm tụi tao đó.
Mỹ Vy cũng ôm chầm lấy nhỏ bạn gái khi xưa, tíu tít kêu lên:
- Mày chẳng thay đổi gì cả Tý đen.  Vừa trông thấy mày từ đằng xa là tao đã nhận được. 
Chờ mọi người nhận định rõ ràng anh chàng Lượm mới dám mấp máy môi.  Đôi mắt hướng về phía Mỹ Vy đầy ngượng ngập:
- Mỹ Vy đó hả?  người ta là dân thành phố rồi nên tui đâu có nhận ra.
Mỹ Vy vẫn như ngày xưa, thân ái:
- Lượm nói kiểu cách quá.  Mỹ Vy chính gốc sống ở đây chứ thành phố hồi nào?
Cô bé Tý đen giành xách giỏ cho bạn rồi hối thúc:
- Mình về nhà nói chuyện, tội gì mà đứng phơi nắng ở ngoài đường.
Song Mỹ Vy đã giữ lại, cô bé đã chỉ Ngọc Như đang đứng lạc lõng ở chốn lạ, người xa:
- Khoan, để tao giới thiệu bạn của tao. Đây là Ngọc Như, con gái chính hiệu thành phố về đây nghỉ hè thăm quê hương mình đó.
Bây giờ mọi người mới vồn vã với Ngọc Như, tuy có hơi muộn nhưng trông cô bé cũng vui ra phết.
- Ngọc Như rất hân hạnh được làm quen với các bạn.
Tý đen cũng xôn xao:
- Ôi, mình vô cùng mong muốn Ngọc Như sẽ ở lại đây thật là lâu.
Lượm không giữ kẽ như lúc nãy xen vào rủ:
- Ngọc Như có thích câu cá không?  Mình sẽ hướng dẫn về môn này.
Tý đen nói gạt đi:
- Người ta là con gái mà rủ đi câu, vô duyên quá...
Lượm vẫn đầy vẻ nhiệt tình:
- Không đi câu thì bơi sông hoặc đua ghe.  Ở đây đồng quê chỉ có mấy thứ đó là để giải trí.
Thấy Ngọc Như lúng túng, Hoàng tế nhị điều đình với các bạn của mình:
- Ðể Ngọc Như về nghỉ mệt đã Lựơm à.  Rồi ngày mai tất cả cùng tham gia tất cả các trò chơi của mấy bạn.
Lượm đồng ý, nét mặt cậu con trai làng phơi phới một niềm vui.  Tất cả kéo nhau đi, tiếng cười và tiếng nói không ngớt vang lên từ bờ môi những người bạn trẻ.  người vui nhất hôm nay là Mỹ Vy rồi kế tiếp là Hoàng.  Bởi với họ, kỷ niệm không chỉ trở về trong tiềm thức mà hiện tại nó đang chấp chới đằng trước mặt khi trông thấy lũy tre làng và những mái ngói đỏ nhấp nhô.
Ôi thân thương biết bao khi những gì đã qua đang có dịp trở lại với tuổi trẻ hồn nhiên.
Chương 13
Ngọc Như ơi!  Mày có muốn ăn ốc bươu chấm mắm gừng thì hãy mau ra đồng với tụi tao. Đang ngái ngủ, Ngọc Như lười biếng đáp:
- Tụi mày phải đi bắt về đãi tao mới phải đạo chứ Mỹ Vy.
Mỹ Vy ào vô phòng lôi thốc bạn gái dậy:
- Còn khuya à nhỏ, mày làm biếng tao bắt nhịn thèm ráng chịu đó nha.
Ngọc Như uể oải theo chân bạn:
- Hành xác tao vừa vừa chứ, mày thừa biết từ nhỏ đến lớn tao chưa từng lội xuống ruộng bao giờ.
Mặc cho bạn nói, Mỹ Vy vẫn không chịu để Ngọc Như yên:
- Mày phải đi bắt ốc với tụi tao thì mới biết có giá trị thế nào.
Ngọc Như cười hăng hắc:
- Xời ơi là xời.  Tao đâu có phải là nhà động vật học mà mày bày vẽ lắm trò.  Tao chỉ cần biết đại khái nó ở dưới ruộng là đủ.
Tới đây Ngọc Như định quay trở lại cái nơi mình vừa mới bước ra, song Mỹ Vy đã chắn ngang làm cô bé kêu oai oái:
- Mày làm gì vậy con khỉ nhỏ?  Đang trưa nắng thế này mà bắt tao phải ra đồng bắt ốc sao?
Mỹ Vy gật đầu rồi chỉ tay ra lệnh:
- Tất nhiên, về đây mày phải răm rắp tuân theo mọi ý kiến của tao.  Nếu không, tao sẽ xúi tụi nó bắt đỉa nhát mày thì đừng trách.
Ngọc Như cong môi lên:
- Đồ đại gian ác.  Mai về thành phố mày sẽ biết tay tao.
- Ê!  Tới chừng đó rồi tính, còn bây giờ thì hãy xắn ống quần lên kẻo tụi nó đang đợi nãy giờ.
Biết không thể trì hoãn lại được, Ngọc Như đành phải làm theo lời bạn
nhưng cô bé cứ lẩm bẩm chửi thầm hoài.  Ra đầu ngõ, hai cậu con trai và Tý đen đã đợi ở đó rồi, trông họ có vẻ sốt ruột lắm.
- Làm gì mà lâu quá vậy các cô nương?
Mỹ Vy khẽ hất mặt về phía bạn:
- Nó còn đòi nằm ngủ.  Dân thành phố thứ thiệt lười lắm các bạn à.
Ngọc Như tự ái:
- Nè, đừng bơi móc vậy nghe chưa.  người ta đã dậy rồi mà còn không tha.
Tý đen cười:
- Thôi để mình về phe với Ngọc Như, con Mỹ Vy dạo này đanh đá quá chứ không có hiền như ngày trước.
Thấy bạn bỏ rơi mình, Mỹ Vy nguýt dài:
- Hứ.  Có mới, nới cũ nha.
Bị trách, Tý đen phải vội vàng nháy mắt:
- Mày thông cảm cho tao đi Mỹ Vy, dẫu sao Ngọc Như cũng là khách của mình mà.
Được đà, Ngọc Như liếc xéo bạn:
- Đó, mày đã nghe thấy chưa.  Tao là khách ít ra cũng phải được ưu tiên nhiều nhiều chứ.
- Vậy thì mày hãy về nhà nằm ngủ một mình đi.  Phòng của tao có ma đó, tại tao quen nên nó không dám hiện lên nhát chứ mày thì không có chắc đâu.
Vì biết tính nhát gan của Ngọc Như nên Mỹ Vy chỉ cần bày cách để hù doạ nhỏ bạn gái.  Quả nhiên, Ngọc Như nhảy cẫng lên:
- Ối... Mỹ Vy ơi!  Sao tới bây giờ mày mới nói.
Mỹ Vy thản nhiên:
- Nói trước để mày sợ không dám ở thì sao?
Ngọc Như buộc miệng trách:
- Con này thiệt là hiểm ác.
- Thôi đừng có chửi rủa nữa.  Muốn ngủ thì cứ việc về, không có ai bắt buộc ra đồng đâu.
Nhưng Ngọc Như đã vội rụt đôi vai:
- Bây giờ mày cho tao tìên cũng không dám ở nhà một mình nữa.
- Thế thì đi, nãy giờ chỉ vì mày mà mất bao nhiêu thời gian rồi.
Hai cậu con trai không tham gia câu chuyện mà chỉ cười.  Còn mấy nhỏ con gái thì liếng thoắng liên tục trên đường ra cánh đồng đang cày xới.  Vì đây là lần đầu tiên tham gia một cuộc vui đồng nội nên Ngọc Như còn e dè không hăng hái như mọi người.
Mỹ Vy lội xuống ruộng trước tiên không ngại gì bùn đất.  Cô bé tinh mắt cuối lượm những con ốc nằm trong lớp nước đục rồi bỏ vào chiếc giỏ đeo nơi hông.  Mỹ Vy mặc cả trước:
- Tiêu chuẩn mỗi người là phải đầy cái giỏ của mình.  Ai không đủ số là sẽ bị bớt phần ăn đó nhé.
Mọi người đều nhất trí, chỉ riêng có Ngọc Như là than van:
- Con Mỹ Vy, mày chơi tao.
Mỹ Vy cười từ dưới ruộng vọng lên:
- Mày để tiếng xấu cho tao coi chừng bị đỉa bám vào chân.
Tuy chưa xuống ruộng nhưng nghe bạn bảo thế Ngọc Như đã thấy bay hồn vía.  Cô bé la lối ầm cả cánh đồng:
- Úi trời ơi!  Úi đất ơi!
- Gì mà mày làm loạn lên vậy hả?
- Mỹ Vy ơi!  Tao lạy mày, mày đừng có nhát tao.
- Con này khùng tới nơi rồi.  Tao là người chứ có phải ma đâu.
- Vâng.  Mày chưa phải là ma mà tao đã hú cả hồn vía lên đây nè.
Lượm thấy tội nghiệp nhỏ Ngọc Như nên đứng ra bảo lãnh:
- Hãy đi gần bên tui, không có con đỉa nào dám cắn Ngọc Như đâu.
Tý đen nói thêm vào:
- Phải đó!  Đỉa mà thấy Lượm nó sẽ chạy ra xa hằng mấy cây số lận.
Tưởng thiệt, cô bé chấp nhận liền.  Thế là Ngọc Như không thèm theo đuôi Mỹ Vy nữa mà lọt tọt xách giỏ đi phía sau lưng Lượm, tách rời một quãng xa.  Còn lại bộ ba, họ cũng hăng hái trong việc này.  Nhất là Mỹ Vy và Hoàng, đôi bạn vừa bắt ốc vừa chuyện trò vui vẻ lắm.  Họ luôn miệng khơi lại chuyện ngày xưa dù bây giờ tất cả đã sắp sửa là những cô cậu đang đứng trước ngưỡng cửa của sự trưởng thành.
Buổi trưa nắng phả xuống cánh đồng làm đôi má của những nhỏ con gái ửng hồng lên. Vài giọt mồ hôi khẽ rịn ra trên trán, song không ai kêu ca cả. Có lẽ với họ giờ phút này đang là niềm vui thú, việc bắt ốc đơn giản nhưng tâm hồn được sống lại với tuổi thơ thì quý hiếm vô cùng. Mỹ Vy và Hoàng đã tranh nhau rồi ngã lăn xuống bùn.  Chợt một con đỉa bám vào bắp chân Mỹ Vy khiến cô bé giãy nảy lên giữa ruộng:
- Oái... Hoàng ơi!  bắt giùm Vy con đỉa đi.
Vẫn như xưa, Hoàng nhấc chân Mỹ Vy lên để bắt con đỉa quăng ra nơi khác rồi cười:
- Xong rồi.  Nó đã cắn Mỹ Vy chưa?
Gương mặt cô bé vụt bẽn lẽn:
- Chưa cắn. Nhưng Mỹ Vy vẫn cảm thấy đau đau thế nào ấy.
Thốt nhiên cậu con trai vừa mới lớn nghe tâm tư mình có sự biến đổi lạ kỳ, một sự biến đổi mà Hoàng không thể nào nhận định được? Ôi, tại sao vậy nhỉ? Cậu con trai tự hỏi rồi bâng khuâng chợt hiểu rằng mình với Mỹ Vy đã qua rồi cái thời trẻ con thuở xa xưa. Vâng, cả hai đã lớn khôn không còn dùng tiếng mày, tao để gọi nhau, không còn nghịch ngợm rồi đánh lộn nhau như ngày trước.  Không còn tự nhiên ăn chung một cái bánh vì thời gian đã vô tình đánh cắp của họ chuỗi ngày xanh.
Hôm nay Mỹ Vy đã là một thiếu nữ má đỏ hây hây, còn Hoàng đang lột xác để trở thành chàng trai tuấn tú. Tình bạn thuở xưa đang âm thầm chuyển biến khiến cả hai đã biết ngượng ngùng khi lỡ va chạm vào nhau.
Hoàng muốn coi kỹ lại chỗ con đỉa bám trên chân Mỹ Vy, nhưng chẳng hiểu nghĩ sao đó lại ngần ngại đưa mắt bảo:
- Xem coi có chảy máu hay không để Hoàng nhai lá cỏ đắp vô cho?
Mỹ Vy khẽ lắc đầu làm nũng:
- Không sao cả.  Nhưng Hoàng phải đỡ vì Vy cảm thấy mỏi chân rồi.
Một đề nghị rất dễ thương của con gái mà lần đầu tiên trong đời Hoàng có trách nhiệm phải chiều.  Cậu đưa tay cho Mỹ Vy nắm lấy vì bùn chỗ này lún sâu đến tận đùi nhấc chân rất khó khăn.
- Đi được không?
Mỹ Vy cố gắng di động đôi chân trong lớp bùn lấm lem:
- Được chứ. Vy đâu phải là cô tiểu thư chính hiệu như nhỏ Ngọc Như.
- Nhưng đã từ lâu Vy tuyệt giao với đồng ruộng rồi mà.
- Thế không có nghĩa là Vy đã quên hết những gì mà suốt khoảng thời gian thơ dại mình đã sống.  Như việc bắt ốc bỏ vào giỏ đây nè, Vy làm vẫn thành thục đấy chứ.
Hoàng xóc xóc giỏ ốc đã lưng lưng của mình bảo Mỹ Vy:
- Thôi, hay là Vy cứ ngồi nghỉ đi để Hoàng bắt dùm cho.
Mỹ Vy mím môi cười:
- Làm vậy tụi nó biết được cười thì sao?
Hoàng vẫn dành cho Mỹ Vy sự ưu tiên tột bực:
- Biết sao được khi Hoàng không tự nhận. 
Mỹ Vy khăng khăng không để Hoàng đổi giỏ ốc cho mình hoặc bắt giùm. Đôi bạn lại tiếp tục đùa giỡn trên cánh đồng mặc cho thời gian trôi đi lúc nào không hay biết. Một lúc sau, cô bé Tý đen và Lượm lẫn Ngọc Như lệ khệ mang những giỏ ốc đầy ắp của mình tới nộp thì cả hai mới vội vàng giương mắt nhìn.
- Ủa, sao bắt nhanh quá vậy?
Ngọc Như kênh với bạn:
- Ê, Mỹ Vy.  Mày coi tao đủ tiêu chuẩn để được ăn thoải mái chưa?
Tý đen cướp lời:
- Ôi đủ rồi, thừa nữa là đằng khác.
Ngọc Như nhón gót ngó vào giỏ ốc của Mỹ Vy, thấy chỉ có chừng vài chục con nằm lăn lóc thì trợn mắt:
- Sao kỳ vậy? Bộ nãy giờ mày với Hoàng ngồi đây luộc ăn hết trước rồi hả?
Mỹ Vy bật cười đáp:
- Tao đâu có hỗn hào đến thế! Chỉ tại mấy con đỉa không thèm theo mày nó đã bám riết theo tao.
Nghe thấy vậy Ngọc Như bèn tỏ vẻ hả hê:
- Đáng kiếp. Gậy ông đập lưng ông. Hoàng vội đứng ra phân bua:
- Đừng nói vậy tội nghiệp cho Mỹ Vy. Lỗi này là ở Hoàng nên hai đứa mới không bắt được đủ số ốc.
Ngọc Như không chịu tha:
- Phải kiếm thứ gì đền bù đi.
Cậu con trai không phản đối:
- Được.  Hoàng xin chịu nhận hết, tối nay mời các bạn ra thăm trại vịt của nhà Hoàng.
Cô bé Ngọc Như vội dò dẫm:
- Xin cho biết trước là có thứ gì chiêu đãi hay không?
Mỹ Vy toan mắng bạn ham ăn, nhưng kịp thời kiềm mồm được vì e Ngọc Như phản công lại. Trời đã về chiều nên cánh đồng hiu hiu gió mát, nhóm bạn trẻ hăm hở kéo nhau về với những chiếc giỏ nặng chĩu bên hông. Khi sắp sửa bước lên bờ, bất giác Ngọc Như trông thấy một cái gì bám chặt ở nơi chân.  Không cần ai buông lời hù dọa, cô bé nhảy văng cả giỏ ốc.
- Ối... đỉa... bắt giùm... tui... Lượm, song cô bé cứ choi choi khiến cậu ta không sao nhặt con đỉa ở chân Ngọc Như ra được.  Tý đen phải túm lấy bạn mới, không cho nhảy rồi nhổ một bài nước miếng vào chỗ con vật nhỏ xíu kia nó mới chịu nhả ra.
Nét mặt Ngọc Như xanh tái mét, cô bé lấm lét nhìn:
- Thấy mà ghê, từ nay có ăn vàng tui cũng không dám lội ruộng nữa.
Bây giờ Mỹ Vy mới cười nhạo:
- Thì ra là con đỉa kia nó cũng biết công bằng ghê.
Ngọc Như quay lại thụi Mỹ Vy ba bốn cái:
- Con khỉ. Chắc là mày đắc ý lắm. Mỹ Vy chối bay biến:
- Tao đâu phải là kẻ xấu bụng dữ vậy mày.
Ngọc Như xúm xít cùng Tý đen nhặt lại giỏ ốc của mình, lần này thì cô bé nhanh chân đi trước vì sợ đỉa lại bám. Chiều tắt nắng trên cánh đồng đang mùa cấy. Từng cơn gió mát ngập mùi hương đồng nội thoảng đưa. Bầy cò trắng lượn bay như có ý điểm tô cho quê hương của họ buổi chiều hôm đó khiến Ngọc Như phải ngây người ra ngắm rồi chắc lưỡi:
- Thì ra quê của mày cũng đẹp quá chừng Mỹ Vy à.
Mỹ Vy hãnh diện ưỡn ngực nói:
- Không cần mày khen ngợi quê tao cũng tuyệt vời rồi. 
Chương 14
Không hẹn nhưng chẳng hiểu sao mọi người lại đến trại vịt nhà Hoàng cùng một lúc. Vừa vô tới cổng rào, Ngọc Như đã đánh hơi:
- Mùi gì thơm quá trời nghe các bạn.
Mỹ Vy đã biết mình sắp được đãi món gì nhưng vẫn giả vờ:
- Đố mày đoán được cái món hấp dẫn ấy!
Ngọc Như hỉnh mũi mấy cái liền, nói mà không cần suy nghĩ:
- Mùi thịt vịt. Chắc là mình sắp được đãi món vịt quay.
Mỹ Vy khẽ trề môi:
- Sai bét.
- Vậy chứ mày biểu đó là thứ gì?
Tý đen đi sau lấn lên lanh chanh bật mí:
- Vịt nướng bao đất sét đó.  Món này con Mỹ Vy khoái khẩu lắm.
- Như vừa phát ra điều gì, Ngọc Như dừng lại nhìn vào mặt bạn đăm đăm:
- À, thì ra người ta đã biết trước mà còn làm bộ ngây thơ.
Sợ bạn hiểu lầm, Mỹ Vy phải vội vàng đính chính:
- Ê, đừng có nghĩ bậy cho tao nghe.  Tao chỉ muốn mày bất ngờ trước món đặc sản này.
- Thế à?
Giọng châm biếm của Ngọc Như làm Mỹ Vy hơi tưng tức, nhỏ không nói năng gì thêm nữa cho đến khi Hoàng bước ra đón mọi người:
- Đông đủ cả chứ.  Hoàng chỉ sợ công lao của mình không có người biết đến thôi.
Lượm ào vô với ý định giúp bạn:
- Mày lo xa chi vậy, nếu dư dả món nào cứ tồn hết vào bao tử tao đây nè.
Tất cả đặt chân vào căn chòi vịt khá rộng của nhà Hoàng.  Bữa tiệc mà Hoàng định khao mọi người đã được bày biện sẵn trên chiếc sạp kê bằng gỗ.  Mùi thức ăn thơm lừng kích thích cái đói của mấy nhỏ con gái trước tiên.  Ngọc Như vẫn là kẻ láu táu:
- Thế này mới không uổng công tui nhịn ăn bữa cơm chiều.
Tý đen cũng bước tới bàn tiệc để nhìn cho thật rõ, dưới ánh sáng của ngọn đèn dầu nào là vịt nướng những hai con và một số trứng luộc có đủ cả rau răm. Thế là chẳng cần phải khách sáo lôi thôi, Tý đen thò tay bốc liền ngay một cái trứng đập đầu đưa lên miệng húp nước ngọt.  Nhỏ tấm tắc khen:
- Ngon quá, trứng lộn luộc còn nóng hổi ăn với muối tiêu kèm lẫn rau răm nhớ chết luôn.
Mỹ Vy gõ tay lên đâù bạn:
- Mày liệu xơi được mấy cái mà không thèm đợi ai vậy bà chúa tham ăn?
Ngọc Như cũng không chịu đựng nổi, tiếp theo luôn.  Nhỏ trả lời thay cho Tý:
- Không biết mày sao chứ tao thì chắc chắn nửa chục.
Mỹ Vy kêu trời lên:
- Vừa vừa thôi mấy nhỏ ơi!  Coi chừng cái tin này lan ra là tụi bây ế cả lũ.
- Ối, sợ gì!  Ế ở nhà với mẹ cho sướng thân.  Sống trên đời mà phải nhịn những thứ thèm ăn thì chẳng còn gì là thú vị cả.
Thấy hai nhỏ con gái tự tiện nhập tiệc rồi Lượm với Hoàng cũng ngồi co chân lên sạp.  Họ quay mặt bảo với Mỹ Vy rằng:
- Vào ngồi đi, không thôi hết phần bây giờ đấy.
Mỹ Vy vẫn lịch sự theo thói quen:
- Tự nhiên đi, cái bụng Vy không quá tải như hai nhỏ kia đâu.
Tuy nói thế, nhưng Mỹ Vy cũng tìm chỗ để ngồi.  Nhóm bạn trẻ năm người ăn uống thật vui vẻ trong chòi vịt giữa cánh đồng lộng gió.
Thỉnh thoảng, từng chuỗi cười rộn rã vang lên như phá tan sự yên ả ở nơi đây.  Tiếng côn trùng cũng hòa tấu góp vui song bóng đêm bên ngoài không đồng điệu bởi những tia chớp ngoằn ngoèo đang bắt đầu xuất hiện.
Mỹ Vy chợt lo xa:
- Trời sắp có mưa rồi đó các bạn.
Hoàng đặt vào tay nhỏ bạn gái một cái đùi vịt thơm béo ngậy:
- Đừng lo. Cứ việc ăn đi nào. Nếu có mưa Hoàng sẽ tình nguyện đưa tất cả mọi người về tận nhà.
Cô bé thầm cảm ơn người bạn trai tốt bụng, nhưng ngoài miệng thì làm bộ hỏi rằng
- Nếu giả sử có kẻ nào chặn đường ăn hiếp Vy thì Hoàng sẽ làm sao?
Lượm ngừng ăn để cướp lời:
- Một câu hỏi dễ ợt.  Thằng Hoàng nó sẽ "binh" ngay cái tên láu cá ấy bởi bây giờ nó là một võ sĩ thứ thiệt rồi, chứ không còn yếu ớt như ngày xưa.
Nghe qua Hoàng chỉ cười bởi bản tánh xưa nay vẫn luôn điềm đạm, nhất là cậu chẳng bao giờ khoe khoang những gì mình vừa đoạt giải ở tầm tay. Nhưng Tý đen lại khơi dậy sau khi ăn song một cái trứng vịt nữa.
- Mình còn nhớ hồi đó Hoàng đi học võ với lời nguyền là sẽ trả thù thằng Sung một trận nên thân.  Thế sao bây giờ có Nghề rồi lại im hơi, lặng tiếng không tìm nó rửa hận.
Hoàng nhấm nháp chiếc đầu vịt rồi bỏ xuống đáp khẽ khàng:
- Lúc còn nhỏ mình có nghĩ như thế, nhưng khi đặt chân vào chỗn võ đường mình mới hiểu ra rằng những gì mình sắp đạt được không nhằm cho mục đích cá nhân.  người ta đi học võ không phải để trả thù mà là để phòng thân và giúp người.  Chính vì vậy mà mình đã bỏ qua cho thằng Sung đó các bạn.
Người hiểu chuyện và khâm phục Hoàng nhất là Mỹ Vy, bởi vì cô bé là nhân chứng của chặng đời thơ ấu.  Nhưng nghe nhắc đến thằng Sung, Mỹ Vy chợt hỏi thăm:
- Hiện giờ tên Sung và gia đình đang sống ở đâu?
Tý đen ngừng ăn nói thì thào:
- Bỏ xứ đi lâu rồi.
Lượm chận lại:
- Bậy.
Tý cong môi lên cãi:
- Còn không.  Từ khi nhà bà Năm Trầu bán cho người ta tới giờ bả chỉ ở nhờ quanh quẩn trong làng một thời gian rồi bỏ đi đâu mất.  Tui nghe nói có người gặp ở dưới Cần Thơ.
- Xa dữ vậy sao?  Nghĩ cũng tội cho gia đình của bã quá.
- Thì cũng tại thằng Sung mà ra.
- Không biết bây giờ nó có suy nghĩ lại để giúp đỡ gì cho má nó không?
Tý đen nói:
- Những người như nó chắc gì có thể trở thành người tốt được.
Như không chịu với cách nghĩ của bạn, Mỹ Vy tranh luận liền:
- Cái nhìn của mày độc đoán quá Tý đen.  Theo tao thì thằng Sung không phải là người xấu, chỉ tại nó chẳng được học hành nên khó bảo đấy thôi.
Tý đen chỉ ngón tay vào mặt mình và lia mắt về phía Lượm:
- Tụi tao đây cũng có học gì đâu, sao không xấu giống như nó.
- Thì mỗi người có một nhân cách và chịu sự giáo dục khác nhau, nên mày làm sao có thể giống nó được.
Lượm cũng lên tiếng bênh vực cho thằng bạn thuở xa xưa:
- Nói chung thì thằng Sung chỉ phạm tội quá bướng bỉnh, ngang tàng.  Còn con người thiệt của nó cũng có nhiều điều tốt.
Tý đen nói tươm tướp:
- Muốn bênh nó thì phải có gì để minh chứng.
Lượm liếm nhẹ vành môi dính đầy mỡ của thức ăn:
- Chứng minh ư?  Ðể mình nhớ lại coi... à, có một lần mình thấy nó nhường nhịn thằng em nó củ khoai lang trong khi bụng nó đang đói.
- Xí, có thế mà cũng nói.  Chuyện nhỏ như con ruồi.
Không để Tý đen chê Lượm thêm, Mỹ Vy nhét vào miệng bạn gái miếng phao câu vịt to tướng:
- Chuyện nhỏ nhưng miếng thịt này thì lớn.  Mày xơi đi cho trơn mỏ nói được nhiều.
Bị bạn chơi khăm, song Tý đen không cảm thấy ngán trước phần thịt béo ngậy mỡ màng này.  Nhỏ còn mạnh miệng nhai ràu rạu rồi còn nuốt chửng:
- Còn không?  Lựa cho tao miếng nữa.
Mỹ Vy rùng mình:
- Tao chịu thua mày rồi Tý ạ.  Họa chăng con nhỏ Ngọc Như nó chịu được mày thôi.
Nhưng nhỏ Ngọc Như đã nguây nguẩy lắc đầu:
- Tao cũng đầu hàng vô điều kiện rồi Vy ơi.  Nếu nhá thêm miếng nữa chắc phải vội ra ngoài quá.  Bây giờ thì tao đã sợ ăn, chỉ thích đi chơi ở những nơi có thắng cảnh đẹp mà thôi.
Trước ý kiến của Ngọc Như, Lượm giới thiệu liền tay:
- Muốn đi chơi thì có khối chỗ đang chờ.  Ngày mai tập họp ở bờ sông tui bảo đảm sẽ có nhiều điều thú vị xảy đến.
Ngọc Như chớp khẽ rèm mi mắt:
- Lội xuống sông tắm hả?
Mỹ Vy hất mạnh cằm:
- Mày có khùng không.  Mùa này nước lớn lội xuống đó để làm bạn với Long Vương hả?
Nghe nói Ngọc Như rụt cổ lại, tỏ thái độ trách Lượm:
- Tính đánh lừa người ta hả, không có nổi đâu nghe.
Lượm gãi đầu lia mắt nhìn Hoàng cầu cứu.  Hiểu ý, Hoàng liền giải bày giùm cho bạn:
- Thằng Lượm nó muốn rủ chúng ta xuôi ghe vô miệt vườn ăn trái cây trong đó, chứ không hề có ý xấu.
Đôi mắt Ngọc Như lại vụt sáng:
- Ồ, ăn hả?  Tui đồng ý cả hai tay.
Tiếng cười nhạo của Mỹ Vy lại trổi lên âm vang cả chòi vịt:
- Đúng là người có tâm hồn ăn uống ngập tràn.
Bữa tiệc đồng quê dần dần tan trong tiếng mưa rơi lắc tắc.  Cả bọn lục đục kéo nhau về khi ba của Hoàng và chú Tư ra coi chòi.  Tý đen và Ngọc Như vì sợ ma nên bám theo Lượm đi trước với cây đèn bỏ mặc cho Hoàng với Mỹ Vy lững thững ở phía sau. Trời tối đen có khi giẫm bước cả lên nhau, song đôi mắt các người bạn trẻ lại rực sáng tựa ánh sao với ý nghĩ ngày hôm nay mình không còn nhỏ nữa. Vâng... tất cả đã qua rồi cái thời thơ bé. 
Chương 15
Và còn một chuyện không ngờ nữa là họ đã gặp lại Sung, trong một bối cảnh hết sức ngỡ ngàng.  Đó là do Ngọc Như tự tạo nên vận rủi cho mình khi ngồi trên chiếc ghe cùng mọi người vào vườn cây ăn trái.
Những cành nhãn xum xuê trĩu nặng cành xuống gần mặt nước.  Những chùm chôm chôm đỏ ối tạo cảnh rực rỡ pha lẫn nét quyến rũ cho thiên nhiên trước con người.  Rồi ổi... rồi xoài... phải nói là mấy nhỏ con gái không thể nào kềm lòng được, nên Ngọc Như đã với tay định hái một chùm nhãn xà ngang mặt. Tiếc thay đà với của nhỏ quá mạnh gây tròng trành chiếc ghe ba lá mỏng nên toàn thân cô bé đã rơi tỏm xuống sông.  Đúng là sự kiện bất ngờ làm kinh hoàng tất cả mọi người. Hoàng, Mỹ Vy, Lượm và cả Tý đen không ai bảo ai đồng loạt thoái giày, bỏ dép rồi lao vội xuống sông bơi theo bóng trôi của Ngọc Như. Vì là mùa mưa nên nước sông cũng hơi lớn, và việc cứu Ngọc Như cũng không phải là đơn giản vì cô bé này chẳng hề biết bơi một chút nào.  Bỏ mặc chiếc xuồng ba lá không có người điều khiển cho nước chảy thật xa.  Bốn tay bơi cừ khôi cố khép kín vòng vây lại để đưa Ngọc Như lên bờ nhưng cô bé cứ bị nước cuốn phăng đi trông thật tội nghiệp.  Và có lẽ đã uống vào người nhiều nước nên Ngọc Như cứ há hốc mồm, đôi tay chới với không biết bám víu vào đâu.
Tiếng nhỏ sặc sụa trong làn nước đục ngầu:
- Cứu... tui... cứu... tui...
Rất nhiều lần Hoàng và Lượm đã nắm được Ngọc Như nhưng rồi lại phải bỏ ra, vì tâm trạng hoảng sợ nên cô bé cứ giữ chặt lấy người cứu khiến cả hai không bơi được.  Đến phiên Mỹ Vy nóng lòng khi thấy bạn đã quá đuối nhào tới vòng tay ôm ngang hông Ngọc Như, liền tức thời bị cô bé khóa người luôn:
- Mày đừng bỏ tao chết đuối Mỹ Vy ơi!
Mỹ Vy không bơi được uống liền mấy ngụm nước, cô lấy hơi gỡ tay bạn:
- Buông tao ra mau kẻo chết luôn cả hai đứa bây giờ.
Nhưng Ngọc Như không chịu cứ lúc lắc cái đầu:
- Buông mày ra để tao chìm xuống sông ư?  Mày phải cứu tao sống...
Thêm một loạt nước nữa vào bụng, Mỹ Vy xanh mặt mắng ầm lên:
- Có mà chết cả hai, nếu như mày cứ ôm tao thế này.
Rồi cố làm những động tác vùng vẫy để không bị nước nhận chìm, Mỹ Vy cầu cứu những người bạn song họ ở xa do nước cuộn quá nhanh.  Chợt một chiếc ghe lớn chở trái cây xuất hiện ở trước mặt, Mỹ Vy cố nâng Ngọc Như lên mặt nước để thở và phát tín hiệu cấp cứu.
Một phút... hai phút... ba phút... một bóng người nhảy xuống dòng nước đang chảy xiết... và rồi Mỹ Vy thấy người mình nhẹ hẫng vì Ngọc Như đã được cứu mang lên ghe.  Tuy bỏ sông nước đã lâu song việc bơi trở lại với Mỹ Vy vẫn chẳng khó khăn gì.  Cô bé tự mình trèo lên chiếc ghe vừa cứu nạn cho Ngọc Như, mắt đảo quanh tìm ba người bạn còn đang ở dưới nước.  Phải mất mấy phút sau mới tụ họp được tất cả và ai nấy đều kinh ngạc nhìn ân nhân của Ngọc Như:
- Trời... thằng Sung.
Tiếp theo lời của Lượm là giọng nhỏ Tý:
- Quả đất tròn, không hẹn mà cũng gặp lại.
Mỹ Vy cũng tròn mắt lên nhìn:
- Sao lại xuất hiện bất thình lình như thế này?  Chắc không phải ngẫu nhiên chứ?
Tên Sung có dáng người khá lực lưỡng hơn so với Hoàng và Lượm nhưng bộ mặt thì không còn bậm trợn, ngang ngược như lúc xưa mà dưng như đã có phần nào chính chắn.
- Phải, thằng Sung đây, không ngờ gặp lại tất cả các người bạn thuở nhỏ.
Hoàng tiến tới với nét mặt và cử chỉ đầy thân ái:
- Mày còn nhớ tao không?
Sung lộ vẻ ngường ngượng:
- Làm sao tao quên được, mày là thằng Hoàng bị tao bắt ong chích thừa sống, thiếu chết đây mà.
Mặc dù nghe nhắc lại chuyện cũ, Hoàng không có thái độ gì giận dữ mà còn buộc miệng cười:
- Mày nhớ dai quá trời.  Còn tao thì dưng như đã quên béng.
Rồi quay qua Mỹ Vy, Hoàng dọ dẫm trí nhớ của tên Sung:
- Nhỏ nào đây?
Sung khẽ nhướng cặp mày rậm:
- Mỹ Vy chứ còn ai.
Không chần chừ, Sung kê ra hàng loạt:
- Thằng Lượm... Tý đen... và... nhỏ này... lạ hoắc...
Đang moi họng cho nước ói ra bớt, Ngọc Như phờ phạc cãi:
- Lạ hoắc hồi nào.  Tui cũng quen chứ bộ.
Sung nhìn nhỏ chăm chăm:
- Đừng có nhận vội nghen.  Trong đám bạn ngày xưa, tui tường mặt từng đứa.
Mỹ Vy với Tý đen giúp Ngọc Như nôn nước rồi mới bắt đầu giới thiệu:
- Lạ cũng phải, vì đây là Ngọc Như bạn của Mỹ Vy ở thành phố về quê nghỉ hè.
Đã khỏe lại, Ngọc Như tiếp tục lanh chanh như trước.
- Chỉ một lần là tao tởn tới già luôn, nhóc con ạ.  Cứ như lúc nãy là tao chắc chắn mình đã "du lịch: tới tận Long Cung rồi.
Mỹ Vy vuốt mái tóc ướt nhẹp:
- Chỉ tại mày mà tao bị uống nước lây.  Cả Hoàng, Lượm và con Tý nưã. 
Biết lỗi, song Ngọc Như vẫn đổ thừa:
- Tại cái chùm nhãn chết tiệt kia chứ đâu phải tại tao.
- Ai biểu mày ham ăn.
- Không ham ăn thì có gì lý thú.
- Nhưng cái ham ăn của mày thiệt quá đáng.  Một chút nữa làm chết tới năm người.
Hổ thẹn, Ngọc Như đưa hai tay che mặt:
- Thôi, đừng mắng.
Mỹ Vy cứ to mồm:
- Đã sáng mắt ra chưa?
Ngọc Như gật đầu lia lịa:
- Sáng rồi.  Nhất định không mù nữa.
Mỹ Vy hướng mắt về phía Sung rồi bảo bạn:
- Mày hãy cám ơn người đã cứu sống mày đi.
Giọng Ngọc Như máy móc pha lẫn chút khôi hài:
- Đội ơn ân nhân ạ.
Những người bạn trẻ đang có mặt cười xoà.  Mọi buồn vui, ân oán của xưa kia tan biến không còn tồn tại.  Hoàng vỗ vai Sung hỏi thăm về cuộc sống hiện thời:
- Bây giờ mày và gia đình đang ở đâu?
Sung nén buồn lên đôi mắt:
- Má tao đã mất.  Hiện giờ tao và thằng em tao ngày ngày lênh đênh trên chiếc ghe này chở hàng mướn cho người ta để sống tạm qua ngày.
- Tao muốn biết nhà mày để có dịp sẽ đến chơi.
- Nhà tao là chiếc ghe.  Tao không có đất ở trên cạn.
Im lặng một chút để cảm thông cho hoàn cảnh thằng bạn đã một thời không ngó mặt.  Hoàng tỏ ra nhiệt tình:
- Mặc dù mày sống ở dưới nước, tao vẫn có thể lui tới được mà, phải không Sung?
Thái độ của Sung đầy mặc cảm:
- Mày không giận tao chuyện ngày xưa chứ?
Hoàng lắc đầu:
- Tao quên mất tiêu rồi.  Hơn nữa mình là bạn bè mà, chấp chi những chuyện cỏn con ấy.
Lượm cũng xen vô nói:
- Còn việc mày đặt hầm chông bẫy cho tao lòi ruột tao cũng đâu có nhớ.  Vấn đề hiện thời là bạn bè lâu ngày mới gặp nhau cần phải quây quần lại làm bữa tiệc mừng liên hoan.
Ba nhỏ con gái cùng reo lên một lượt, không chờ Sung phản ứng:
- Ý kiến hay tuyệt vời.
Tý dành phần chiêu đãi:
- Bây giờ tới lượt tui khao các bạn đó à nha.
Nhỏ Ngọc Như vừa uống no bụng nước nghe nói đến chuyện ăn vẫn có thể chớp mắt:
- Sắp được thưởng thức món gì vậy?
Tý đen đùa:
- Trùn đất chưng nước dừa.
Đôi mắt vốn tròn xoe của Ngọc Như càng tròn hơn:
- Cái gì.  Trùn đất mà cũng có thể ăn được ư?
Mỹ Vy xoa tay đệm vô:
- Sao lại không.  Đặc sản ngon nhất vùng này đó!  Chỉ cần ra bờ sông cuốc xới một lúc là tha hồ cho mày ăn.
- Ối... trời...
Ngọc Như gập người nôn oẹ khi tưởng tượng tới cái món ăn khiếp đảm kia làm bao nhiêu nước sông còn tồn đọng trong bụng ộc ra hết.  Mỹ Vy vừa săn sóc bạn vừa cười tếu:
- Món ăn của con Tý đúng là liều thuốc quý.  Nhờ nó mà tụi tao không phải vác mày chạy dọc bờ sông để cho ói nước ra.
Ngừng một chút, Mỹ Vy tiếp tục kêu:
- Mà mày nặng thấy mồ đi, ai mà xốc nổi để chạy chứ.  Ngoài bọn tao là con gái, Hoàng và Lượm cũng phải đầu hàng thôi.
Tý đen đẩy mắt qua phía Sung:
- Họa chăng có tên Lỗ Đạt này mới kham nổi công việc.
Chưa kịp ổn định lại sức khỏe sau sự kiện, Ngọc Như đã nhảy đổng trên chiếc ghe chở nặng trái cây, miệng la bai bải:
- Tui không mượn, tui không mượn.
Mỹ Vy phải nhắc nhở Ngọc Như:
- Coi bộ mày muốn tắm sông lần nữa sao?
Một loạt gió thổi tới làm thân hình ướt nhẹp của Ngọc Như run bần bật cùng với cơn sợ hãi:
- Hừ... hừ... có mà điên mới nghĩ đến chuyện ấy lần thứ hai.
Mỹ Vy và cả nhỏ Tý cũng cảm thấy lạnh sau những giây phút lặn hụp dưới sông.  Họ khều nhau:
- Về nhà thôi.  Thân hình thế này mà đi chơi nỗi gì.
Ngọc Như nghe được cảm thấy tiếc:
- Chỉ vì tao mà tất cả lỡ cuộc vui.
Tý an ủi:
- Không sao, thời gian lưu lại còn dài mà.
- Nhưng chiếc xuồng ba lá đã trôi mất lấy chi làm phương tiện đi chơi trên sông nữa.
- Yên tâm.  Đã có ghe của thằng Sung. Chiếc này lớn và an toàn hơn chiếc trước.
Lời Lượm vừa cất lên làm Sung hưởng ứng liền:
- Chỉ sợ các bạn không thèm, chứ nếu thích tui sẽ nghỉ liền vài bữa đem ghe chở các bạn tham quan dọc hết trên sông nước Tiền Giang.
Thật là một vấn đề hấp dẫn đây. Không riêng bọn con gái mà cả cánh con trai cũng xôn xao. Bởi lẽ họ chưa có cơ hội ngắm nhìn hết cảnh đẹp của sông nước quê hương. Những cảnh đẹp đã tiềm ẩn ăn sâu vào lòng họ suốt khoảng trời thơ dại và cho tới tận bây giờ cũng chẳng thể nào quên được. Ôi, dòng sông thân thương. Ôi, vườn cây trái ngọt. Ôi, tình bạn thắm nồng.  Hoàng, Mỹ Vy, Lượm, Tý, Sung và cả Ngọc Như đều cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Họ cám ơn cuộc sống đã ban cho họ những điều kỳ diệu nhất. 
Chương 16
Rồi những ngày hè tuyệt diệu cũng trôi nhanh. Hoàng, Mỹ Vy và Ngọc Như dù luyến tiếc đến mấy cũng phải chuẩn bị để trở lại thành phố. Ai nấy đều cảm thấy thật buồn trước sự chia tay bắt buộc phải diễn ra.
Trưa nay, Sung đem đến cho Mỹ Vy và Ngọc Như vô số trái cây, nhiều đến nỗi hai nhỏ con gái phải la làng:
- Bộ tính cho tụi này bỏ mạng sao mà bắt ăn nhiều như vậy? Lại toàn những thứ trái hợp khẩu.
Sung không giống như xưa với cá tính nóng nảy mà đã trở nên điềm đạm từ bao giờ, cười nhẹ nhàng:
- Nếu thích cứ việc ăn cho thỏa thuê kẻo mai về thành phố rồi lại thèm. Ngọc Như nói vòi:
- Ăn tại chỗ thì được rồi. Nhưng mình để dành để đem về làm quà cho đám bạn ở trên đó.
Sung bèn vui miệng hứa:
- Chuyện ấy khỏi lo, chừng nào về khắc sẽ có một ghe.
Lượm nghe thấy vội vàng can:
- Đừng hứa sàm. Mày chỉ đi chở mướn chứ có vườn đâu mà đòi hái trái cho Ngọc Như làm quà.
Tý cũng không chịu đứng vòng ngoài, góp lời vào:
- Ðể tụi mình xúm vô mua tận vườn các loại trái cây mà Mỹ Vy với Ngọc Như thích gởi lên cho các bạn trên thành phố. Chứ một mình Sung, không kham nổi vì còn phải nuôi em.
Nhưng Sung có chí khí hơn các bạn đang lầm tưởng sau một thời gian bị quẳng ra ngoài đi tự lập nghiệp nuôi thân:
- Nhằm nhò gì chuyện nhỏ nhặt. Tui đâu có vì kẻ khác mà bỏ đói mấy đứa em của mình.
Lượm liền nói:
- Vậy mày tính hái trái ở đâu ra?
- Mày điều tra để làm chi? Miễn tao không đi ăn cắp là được rồi...
- Nhưng nếu mua thì cũng phải tốn tiền. Sung khẽ nghiêm nét mặt:
- Ít thôi. Bởi tao lấy tận gốc.
Tý thắc mắc:
- Sung có tiền hay không?
- Có đây. Sao các bạn khinh thường tui quá vậy? Dẫu đi chở trái cây mướn tui cũng dành dụm được tiền mà.
Những lời đối đáp lọt vào tai Ngọc Như khiến cho nhỏ áy náy bởi cái tật luôn ham muốn về ăn uống. Nhất là khi hiểu được cuộc sống quá khó khăn, chật vật của Sung.
- Lúc nãy mình chỉ đùa chứ không phải vậy đâu. Cứ coi đống trái cây này đây, có mà cả họ hàng nhà khỉ ở trên lãnh thổ nước ta cũng khó mà nhá hết trong một lúc. Hơn nữa, mình vác thân còn chưa nổi.
Song Sung đã chỉ qua Hoàng và Mỹ Vy:
- Có bạn đồng hành đây.
Vì không muốn cho tên con trai đang chú ý đến mình phải bận lòng, Ngọc Như bèn giãy nảy:
- Không dám họ sẽ phụ dùm cho Như đâu. Có mà như bị bỏ rơi dọc đường nếu phạm vào tội tham lam.
Sung xung phong:
- Hay để tui chở ghe trái cây lên thành phố cho Ngọc Như bằng đường sông?
- Càng không được. Bởi vì năm nay Như kỵ nước, bất kể những gì có dính dáng tới sông, rạch, ao, hồ mình đều phải lánh cả. Như tai nạn té xuống sông bữa hôm đó! Nhờ cái số còn cao nên mới được Sung cứu sống.
Mỹ Vy ăn một trái nhãn ngọt lịm liếc mắt cười:
- Theo tao thì mày nên ở lại đây cho rồi.  Mày mà về thành phố đất trời nơi đây sẽ buồn hiu hắt đó!
Tý cũng vội vào hùa nói một câu đầy ý nghĩa:
- Phải rồi đó Ngọc Như. Quê tụi tui rất luyến ái con người, dẫu ai có đi xa bao lâu cũng phải quay trở lại.
Mỹ Vy chỉ ngón tay lên trán mình:
- Như tao đây nè.
Hoàng làm theo nhỏ bạn gái:
- Mình cũng vậy.
Sung không nói song ánh mắt mênh mang chứa đựng một điều gì đó khó diễn tả bằng lời. Bởi chính bản thân đã bỏ đi xa rồi cũng lại trở về sau những năm tháng lênh đênh tìm cuộc sống và thấy nơi người ta gọi "chôn nhau cắt rốn" là chỗ mà tuổi thơ của Sung với các bạn đã để lại bao kỷ niệm, vui có, buồn có, hạnh phúc có và điều đáng tiếc xảy ra cũng đã có. Nhưng Sung không cần thiết mọi chuyện ấy! Cái Sung cần và hài lòng nhất trong cuộc đời là tình bạn thuở nhỏ tưởng đã mất nay chợt quay về ngay trên chính dòng sông của ngày xưa.
27/12/2003
Dạ Hương
Nguồn: Thời áo trắng
Theo https://vnthuquan.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chùm thơ của Lưu Lãng Khách

Chùm thơ của Lưu Lãng Khách Ngoài kia xuân đang qua rồi sao!/ Thềm hoa hanh hao - trên trời cao/ Chim non ca vang như ngày nào/ Bên em anh...