Thứ Hai, 28 tháng 2, 2022

Thập kỷ mất mát

Thập kỷ mất mát

1- Thế giới học được gì từ mười năm thừa mứa?
Bài đăng trên tạp chí SPIEGEL: “The Lost Decade” 28/12/2009 - Tác giả: Dirk Kurbjuweit, Gabor Steingart và Merlind Theile gồm 7 bài. VCV sẽ giới thiệu mỗi ngày mỗi bài. Đây là những nhận định bạn không thể bỏ qua... 
Thập niên đầu của thế kỷ 21 được đánh dấu bằng những khủng hoảng. Chiến binh Hồi giáo tấn công New York, hệ thống tài chính sụp đổ, khí hậu bị thảm họa đe dọa và nền dân chủ mất đi một vài vị thế của mình. Tất cả những cái ấy gộp lại đã báo hiệu sự thất bại của phương Tây, mặc dầu Internet là một tia hy vọng. 
Philipp Blom là người biết một cái gì đó về sự khởi đầu của các thế kỷ. Ông ta ngồi trong quán cà phê Korb ở Vienna, nơi mà thời gian trôi chậm như thể đông cứng tại chỗ. Ông ngồi đó để so sánh sự khởi đầu của thế kỷ 21 với sự khởi đầu của thế kỷ 20. 
Blom đã viết một cuốn sách tuyệt vời: “Những năm choáng váng” về Châu Âu những năm giữa 1900 và 1914, một thời kỳ mà ông miêu tả như là lên cơn thần kinh. Bước chân gấp gáp hơn, những phát minh mới, đặc biệt là ô tô và điện thoại, đã cô đặc và làm tăng tốc cuộc sống. Đối với nhiều người nó là sức áp đảo; và chứng suy nhược hay là suy kiệt thần kinh trở thành căn bệnh rối loạn của thời đại. Hôm nay chúng ta nói về sự “cháy rụi”
Mặt khác, Blom nói, nó là thời kỳ của những hy vọng và không tưởng. Người ta nhìn về tương lai phía trước, và nhìn về một thế giới sung túc hơn, công bằng hợp lý hơn. Thế rồi Đại Chiến nổ ra.
Blom nhìn thấy cả cái tương đồng và khác biệt giữa thời ấy và ngày nay. Vào đầu thế kỷ 21 cũng có những đợt sóng phát minh làm cô đặc và tăng tốc cuộc sống, ông nói, nhưng lần này công nghệ mới - Internet, và ở một mức độ lớn hơn, sự kết hợp Internet và điện thoại di động - cũng là động lực đằng sau những thay đổi. 
Cái khác biệt theo Blom là đầu thế kỷ này không mang lại bất cứ hy vọng nào về tương lai. Blom thốt ra một câu chán nản “Chúng ta không muốn một tương lai, chúng ta chỉ muốn một hiện tại không kết thúc” Không phải vì cái hiện tại này quá hấp dẫn, ông nói, mà chỉ vì người ta sợ rằng mọi việc có thể sẽ còn tồi tệ hơn. 
Vài ngày nữa là cái thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 và thiên niên kỷ thứ ba sẽ kết thúc. Đó là một thập kỷ đã bắt đầu không phải bằng một sự chuyển tiếp êm đềm sang thời đại mới, mà bằng một tiếng sầm. Đó là một thập kỷ đầy những năm khủng hoảng: khủng hoảng 11/9, khủng hoảng khí hậu, khủng hoảng tài chính và khủng hoảng của nền dân chủ. Gộp chung lại, chúng biểu hiện cuộc khủng hoảng chung của Phương Tây. Mọi sự khó mà có thể tồi tệ hơn trong vòng một thập kỷ. 
Những hy vọng lớn 
Thật trớ trêu, thập kỷ này lại bắt đầu với những hy vọng lớn. Giao thừa năm 1999 là một trong những bữa tiệc lớn nhất của mọi thời đại. Tiền bạc thừa thãi, vì “nền Kinh tế Mới” được đẩy bằng Internet hứa hẹn một thịnh vượng mới. Người Đức, cho đến lúc đó vẫn được coi là những nhà đầu tư thận trọng bỗng nhiên cũng ném tiền vào chứng khoán, điều này chứng tỏ họ là những người lạc quan. 
Cuối năm 1999, Viện nghiên cứu Dư luận xã hội Allensbach thấy có 55 phần trăm người Đức có “hy vọng” về tương lai, trong khi chỉ có 14 phần trăm là “sợ hãi”.
Phương Tây mơ mộng, không chỉ về sự giầu có, mà còn về nền hòa bình vĩnh cửu. Người ta vẫn còn tin vào những lời của Francis Fukuyama, lúc đó là Phó Giám đốc ban tham mưu hoạch định chính sách Bộ Ngoại giao, người mà vào năm 1992 đã viết một câu nổi tiếng: “Điều mà có lẽ chúng ta đang chứng kiến không phải là sự chấm dứt Chiến tranh Lạnh, hay sự chuyển qua thời kỳ hậu chiến đặc biệt của lịch sử, mà là sự kết thúc của lịch  sử hiểu theo nghĩa đen, đó là: điểm kết thúc của tiến trình tư tưởng của loài người, và sự phổ cập nền dân chủ tự do của Phương Tây như hình thức chính quyền cuối cùng của con người” 
Nhưng thập kỷ mới chỉ vừa mới bắt đầu thì nền Kinh tế Mới đã sụp đổ và nhiều thị trường chứng khoán bỗng trở nên vô giá trị. Rồi ngày 11 tháng Chín năm 2001, hai chiếc máy bay bị bọn Hồi giáo cực đoan cướp lao vào Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York. Đó là cái kết của điểm kết thúc lịch sử. 
Thập kỷ mới bây giờ trên đường trở thành thập kỷ mất mát: mất mát về hòa bình, về sự tạo ra của cải giàu có và dân chủ hóa. Cuối năm 2002, 31 phần trăm người Đức “hy vọng” về tương lai. Cuối  năm 2008, con số này tăng lên, nhưng cũng chỉ đến 34 phần trăm. 
Rút lui về một thế giới trẻ thơ 
Bộ phim thành công nhất trên thế giới của thập kỷ là “Chúa tể của những chiếc nhẫn: Nhà vua trở về”. Harry Potter là nhân vật văn học thành công nhất. Cả hai là những câu chuyện trẻ em được cả người lớn thích thú. Chúng ta đang rút về một thế giới trẻ thơ, trong đó những vị anh hùng có sức lôi cuốn chiến thắng cái ác. Những câu chuyện thần tiên hiện đại là câu trả lời của chúng ta với cái thế giới khắc nghiệt này.
Trong thập kỷ đầu tiên cái ác không đến từ bọn yêu quái mà đến từ những anh bạn láng giềng của chúng ta, những kẻ không có ý định xấu. Những sự đầu tư vào thị trường chứng khoán của anh bạn láng giềng của chúng ta đã khơi lên cuộc khủng hoảng tài chính, những chiếc xe hơi SUV của họ góp phần vào cuộc khủng hoảng khí hậu, sự trốn tránh bầu cử của họ góp phần vào cuộc khủng hoảng của nền dân chủ. Và nay những virus của họ đang lan truyền cúm lợn. Trừ bọn khủng bố, những kẻ tội phạm của thập kỷ là những người vô hại. 
Thật ra, có điều rõ ràng là mọi người đều là hàng xóm của những người khác. Không phải mãi đến đầu thế kỷ 21 người ta mới nhận ra toàn cầu hóa có nghĩa là gì. Ô nhiễm không khí ở Trung quốc là vấn đề của người Đức. Sự sụp đổ thị trường bất động sản ở Hoa kỳ có thể làm cho một công nhân trong ngành hóa chất ở Pháp mất việc làm. Trong hệ thống khí hậu và kinh tế, mọi sự ràng buộc lẫn nhau.
Tính ràng buộc lẫn nhau này nhất quán với cái cách mà truyền thông đã gắn kết con người lại với nhau. Điện thoại di động có mặt ở khắp nơi, internet cũng vậy. Đặc biệt là giới trẻ, bằng cách dùng Twitter và Skype, đã duy trì những mạng lưới bạn bè dày đặc khắp hoàn cầu. Google làm cho bất kỳ ai ở bất kỳ đâu đến được với hầu như toàn bộ kiến thức của loài người. Ngày nay con người có thể được thông tin về các sự kiện trên thế giới gần như tức thời. Và những kiến thức địa phương không còn là đặc quyền duy nhất của cư dân một nơi nào. Với sự giúp đỡ của GPS, Google Earth, và hệ thống định vị toàn cầu, bây giờ đi đến bất cứ nơi nào trên trái đất người ta cũng có thể cảm thấy như ở nhà. 
Thế giới đã trở thành nhỏ bé trong thập kỷ đầu tiên của thiên niên kỷ mới. Mọi người giờ đây là công dân toàn cầu, cho dù họ sống ở vùng nông thôn nước Đức hay tại thành phố New York. Mọi người có thể với đến mọi nơi bằng hầu như mọi thứ, bằng tin tức hoặc những bức thư tình, bằng hậu quả của những sản phẩm tài chính độc hại, bằng hậu quả của biến đổi khí hậu, hay bằng những quả bom giết người có nguồn gốc từ một góc xa xôi hẻo lánh của miền Waziristan . 
Đây là thế giới vào cuối thập niên đầu của thế kỷ 21, một thập niên được đánh dấu bằng bốn cuộc khủng hoảng nghiêm trọng và một sự phát triển công nghệ nuôi dưỡng niềm hy vọng.
2- Cuộc khủng hoảng 11/9
Tháng 11 năm 2001, Virginia DiChiara ngồi trong nhà của cô ở Bloomfield, New Jersey, gãi liên tục da cánh tay, gãi điên cuồng bằng đôi bàn tay đeo găng đen, nhưng gãi như thế chẳng làm đỡ đi chút nào cái ngứa kinh khủng từ vết bỏng đang lên da non. 
Trước đó chín tuần, vào ngày 11/9/2001, cô đang ở trong thang máy lao lên tầng 101 của tòa tháp phía Bắc Trung Tâm Thương mại Thế giới, nơi cô làm việc cho hãng dịch vụ tài chính Cantor Fitzgerald. Khi cô lên đến tầng 78 để đổi thang máy, cô bỗng nhiên đối mặt với một bức tường lửa dầu đang cháy. Không còn cách nào khác cô cố hết sức mình chạy băng qua đám lửa. 
Ba mươi phần trăm diện tích da, ở bàn tay, cánh tay, mặt và lưng cô bị lửa đốt cháy.
Thật may mắn làm sao là sáng hôm đó DiChiara đến muộn, có nghĩa là cô không có mặt trong văn phòng khi chiếc máy bay lao thẳng vào tòa nhà. Không còn ai trên tầng 101 sống sót, và 677 nhân viên hãng Cantor Fitzgerald thiệt mạng ngày hôm đó. “Tôi đã mất nhiều bạn” DiChiara nói vào tháng 11, 2001, đôi mắt cô đẫm lệ. 
Sau những cuộc công kích vào tòa Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York và Lầu Năm góc ở Washington, siêu cường số một thế giới không còn phởn phơ nữa, mà bị chấn thương. Từ đó trở đi, nỗi sợ của Mỹ lấn át mọi chuyện trên thế giới. Một giáo sư luật và thượng nghị sĩ ở Chicago tên là Barack Obama sau này nói về  thứ “chính trị của nỗi sợ hãi” nảy ra do hậu quả của sự kiện 11/9. 
Đâu phải chỉ thái độ của công dân đối với chính phủ của mình đã thay đổi sau ngày 11/9. Quan trọng hơn, mọi chính phủ Phương Tây đã thay đổi  cách nhìn và cách đối xử với công dân của họ, với lo âu và e ngại nhiều hơn, cũng như với nhiều nghi ngờ và nhiều độc đoán hơn. 
Ở Hoa Kỳ, giọng điệu mới này có nghĩa là tất cả những ai không đồng ý với chính quyền có thể trở thành mục tiêu để nghi ngờ. Từ trước đến nay chưa bao giờ có nhiều người bị theo dõi điện thoại như trong thập kỷ này.
Ở Đức, chính phủ liên hiệp của thủ tướng lúc đó là Gerhard Schröder, một chính phủ kết hợp giữa Đảng Xã hội Dân chủ trung tả (SPD) và Đảng Xanh, cảm thấy hết sức lo ngại và bực bội khi nhìn qua bờ bên kia Đại Tây Dương. Nhưng điều đó cũng không ngăn nó khỏi ban hành những đạo luật an ninh mới.
Otto Schily, một chưởng lý và bộ trưởng Nội vụ Đức vào thời gian đó, nói về “quyền cơ bản về an ninh”. Bất kỳ ai dám cãi rằng các công dân cũng có một “quyền dấu tên” giống như Helmut Bäumler, vốn là một viên chức bảo vệ dữ liệu cho bang miền Bắc Helmut Bäumler, dễ có nguy cơ bị chụp mũ là kẻ “bất trị” 
Công nghiệp quốc phòng vớ bẫm 
Đối với các cơ quan an ninh của chính phủ và ngành an ninh tư nhân, thập kỷ đầu của thế kỷ là một mối lợi lớn. Ảnh hưởng của họ tăng lên với mỗi cuộc đánh bom mới và mỗi băng video mới mà bọn khủng bố nhận trách nhiệm về những cuộc tấn công. Lãnh tụ Osama bin Laden của Al-Qaida thật sự trở thành kẻ lôpbi thành công nhất của họ. 
Trong một thế giới không an toàn, các chuyên gia an ninh của chính phủ và tư nhân là những vị chúa tể mới. Họ bán những thuốc giải nỗi sợ hãi, hay ít nhất họ hứa hẹn sẽ làm thế. Sự kiện là họ cũng làm tăng thêm nỗi sợ hãi mà họ đang chiến đấu chống lại, là một tác dụng phụ có lẽ không phải hoàn toàn là trùng hợp ngẫu nhiên. 
Ngày nay trên khắp Phương Tây, cuộc sống hàng ngày được đặc trưng bằng những biện pháp an tinh phức tạp và đắt tiền đôi khi dường như không có ý nghĩa gì lắm. Hàng ngày các quan chức an ninh ở các sân bay Đức khám xét hơn 200.000 hành khách. Tinh thần “phòng thủ” biến mọi công dân thành tình nghi, nói như cựu bộ trưởng Nội vụ Gerhart Baum. Ông lên án những người kế nhiệm là đã bị ám ảnh về an ninh. Ông cũng lên án các công dân bình thường về sự thờ ơ của họ, chỉ càng khích lệ chính phủ đưa ra ngày càng nhiều những biện pháp an ninh mới. 
Cảnh quan đô thị ở nhiều thủ đô Phương Tây đã thay đổi. Tòa đại sứ mới của Hoa Kỳ gần cổng Brandenburg trình ra một bộ mặt giống như một pháo đài trước các du khách. Những cửa sổ hẹp và cao, những hàng rào an ninh gớm guốc mang dấu hiệu một tư thế vừa đề phòng, vừa lo âu vừa gây hấn. “Có lẽ điểm điển hình của thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 là không gian công cộng, trước đây trông có vẻ hứa hẹn thì nay trông như dọa dẫm”, nhà phê bình kiến trúc của tờ báo đáng kínhFrankfurter Allgemeine Zeitung viết trong một bài nhân dịp khánh thành tòa nhà. “Người lạ, trước đây từng là khuôn mặt nổi lên cho trí tưởng tượng tập thể và cá nhân đẹp nhất, thì bây giờ có thể là kẻ khủng bố, người có AIDS hoặc chuyên chở những bệnh dịch của toàn cầu hóa, như đóng cửa nhà máy, dòng người nhập cư hay bệnh cúm gia cầm” 
“An ninh trên hết” 
Mỗi thập kỷ có khẩu hiệu riêng của mình. Nếu những năm 1970 có thể tóm gọn trong một câu “Tình yêu, Hòa bình và Hạnh phúc” và lời kêu gọi xung trận của những năm 1980 là “Hãy tiệc tùng đi” thì khẩu hiệu của những năm 2000 là “An ninh trên hết” 
Một hậu quả khác của sự kiện 11/9 là tôn giáo trở lại với ý thức cộng đồng , tuy nhiên nó không phải là sự trở lại vui vẻ gì. Ngược lại, nó là sự xung đột cuồng dại giữa Đạo Hồi và một thế giới chịu ảnh hưởng của Đạo Cơ đốc, nhưng về thực chất là thế tục.
Kể từ khi những kẻ cuồng tín Đạo Hồi đốn gục tòa tháp đôi ở New York, ở Phương Tây nhiều người đã quá sợ hãi việc xúc phạm những tình cảm tôn giáo của Đạo Hồi. Và nhiều người Hồi giáo về phần mình đã vội vã kết tội người khác xúc phạm các tình cảm tôn giáo của họ. 
Danh sách dài những trường hợp như thế bao gồm cuộc tranh cãi về những biếm họa trên báo Đan mạch, cuộc trình diễn vở opera "Idomeneo" ở Berlin, một bình luận của Giáo hoàng về đấng tiên tri Mohammed, và cuộc tranh cãi đang còn tiếp diễn ở Đức về việc đội khăn trùm đầu, và gần đây nhất, một cuộc trưng cầu dân ý ở Thuỵ Sĩ đã thông qua một lệnh chính thức cấm xây cất những thánh đường Hồi giáo. 
Thế giới này đã chất đầy tôn giáo, thế nhưng nó vẫn chưa thâm trầm sâu lắng hơn. Ngược lại, một tâm thức hung hăng đã chiếm ưu thế. 
Chiến tranh liên miên 
Một thập kỷ khởi đầu đầy hứa hẹn hòa bình, khi các cuộc xung đột vùng Balcan chấm dứt, đã hóa thành một thập kỷ chiến tranh liên miên. Sau 11/9, Mỹ và các đồng minh của nó đầu tiên đánh Afghanistan rồi đến Irac. Cuộc xâm chiếm Irac mau chóng kết thúc, nhưng theo sau nó là một thời kỳ tấn công khủng bố tiếp diễn đến tận hôm nay. Và ở Afghanistan, nơi cuộc chiến ác liệt hơn bao giờ hết, Taliban và al-Qaida vẫn còn đó chưa hề bị phá vỡ.
Phương Tây đã tỏ ra vô vọng trong những cuộc chiến không cân sức này, trong đó binh lính NATO được huấn luyện kỹ càng và trang bị tốt đã không áp đảo nổi những chiến binh chân đi dép và vũ khí khủng khiếp nhất của họ chỉ là những quả bom tự chế.
Những cuộc chiến tranh này cũng bắt đầu với những cố gắng đưa nền dân chủ đến cho những xã hội mà cuộc chiến đang diễn ra. Nhưng sau tám năm, xã hội của một số nước NATO cũng đã thay đổi, và đó không phải chỉ là kết quả của những biện pháp an ninh.
Thiệt hại 
Nước Mỹ đã đánh mất uy danh là người lãnh đạo tinh thần giữa những cường quốc tham chiến ở Iraq. Từ trước đến nay chưa bao giờ sắc diện của nên dân chủ lại trở nên xấu xí như dưới thời Tổng thống George W. Bush. Chính quyền của ông ta đã tơi tả vì những vụ bê bối như vụ ngược đãi tù nhân ở Abu Ghraib, tra tấn được chính quyền cho phép tại trại cải tạo Vịnh Guantanamo, và lý lẽ biện hộ cho việc đánh Iraq té ra là nói dối. Ngay cả Tổng thống đương nhiệm Barack Obama, người được cả thế giới gửi gắm hy vọng, vẫn chưa rũ bỏ được hoàn toàn Guantanamo như đã hứa. 
Cuộc xung đột ở Afghanistan cũng gây thiệt hại ở Đức, nơi mà chiến tranh đang len lén tuồn vào một xã hội hầu như hoàn toàn phi chiến sự trong gần sáu thập niên. Trong mấy tuần gần đây không có sự kiện nào gây ồn ào hơn việc viên Đại tá người Đức Georg Klein lệnh cho ném bom hai chiếc xe bồn bị bắt cóc ở Afghanistan. 
Nước Đức hậu chiến, vừa mới bắt đầu quyết định trở thành một dân tộc phẩm hạnh sáng tỏ, thì đã mất đi sự trong trắng của mình qua vụ này. Vụ bê bối Klein dẫn đến việc từ chức của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Franz Josef Jung, và gây ra khủng hoảng trong quan hệ công chúng của Bộ trưởng Quốc phòng đương nhiệm Karl-Theodor zu Guttenberg. 
Nước Đức lại một lần nữa có cựu chiến binh, một đài tưởng niệm quân đội mới ở Berlin và một huân chương quân công mới về lòng dũng cảm, và truyền thông đưa tin chiến sự hầu như từng ngày. Điều này, kết hợp với sự phục sinh tôn giáo và những biện pháp an ninh sau 11/9, làm nổi bật cuộc chiến chống khủng bố đã làm thay đổi bộ mặt nước Đức bằng nhiều cách khôn lường.
3- Cuộc khủng hoảng tài chính
Vào đầu thiên niên kỷ thứ ba này, một người từ thế kỷ 19 bỗng nhiên lại trở thành mốt thời thượng một lần nữa. Karl Marx sinh năm 1818 ở thành phố miền tây nước Đức Trier. Trong tác phẩm để đời của mình, “Tư bản”, ông trích lời một thủ lĩnh công đoàn nói rằng: “Tư bản khiếp sợ sự không có lợi nhuận hay ít lời lãi như giới tự nhiên sợ khoảng chân không. Với một lợi nhuận thích hợp, nó tỉnh táo, với 10 phần trăm, nó có thể được dùng ở bất cứ đâu, với 20 phần trăm, nó trở nên linh hoạt, với 50 phần trăm nó táo bạo lạ thường, với 100 phần trăm, nó sẽ dẫm đạp mọi luật lệ của loài người dưới chân mình, còn với 300 phần trăm, nó không từ một tội ác nào mà không dám phạm, cho dù có phải lên giá treo cổ. 
Lời của Marx hóa ra là đúng. Sợ hãi tình trạng đình đốn sau 11/9, các ngân hàng trung ương làm ngập lụt hệ thống tài chính bằng thanh tiêu tiền mặt, việc này đến lượt nó lại thúc đẩy các nhà quản lý tài chính nghĩ trăm mưu ngàn kế để đẩy lượng tiền mặt đó vào lưu thông. 
Một tâm trạng hồ hởi tràn ngập nước Mỹ, nơi mà bất cứ cái gì mới cũng đều tuyên bố sinh lợi. Chris Matthews người dẫn chương trình thảo luận trên truyền hình trước đây từng là người viết diễn văn cho Tổng thống Jimmy Carter, nói Mỹ là nước “ăn chơi” nhất thế giới. Đối với nhiều người, vấn đề lớn nhất của thập niên 2000, là tiền: làm sao tôi có được nhiều nhất, nhanh nhất? 
Nỗi sợ về một hành tinh tư bản 
Quỹ Tiền tệ Quốc tế(IMF)cố thuyết phục những người Đức hoài nghi rằng nỗi sợ của họ về chủ nghĩa tư bản “turbine”[1] là không căn cứ. Theo báo cáo năm 2006 của IMF hệ thống mới này chia rủi ro thành những mảng nhỏ và chia cho nhiều người, là an toàn hơn hệ thống cũ. 
Đó là một sai lầm tai họa. Giữa năm 2008 quả bong bóng khổng lồ sinh ra đầu tiên trong thị trường bất động sản ở Mỹ, đã nổ tung. Các ngân hàng sập xuống như những quân bài đô mi nô và nền kinh tế thật sụp đổ. Cuối năm ấy Tổng Sản lượng Nội địa của Đức sụt xuống 4,5 phần trăm, đó là sự sụt giảm tồi tệ nhất trong lịch sử đất nước sau chiến tranh.
Bọn khủng bố ngày 11/9 đã phá hủy không phải chỉ hai tòa Tháp Đôi New York, một phần Lầu Năm góc và hàng ngàn mạng người, mà còn hơn thế nhiều. Một hậu quả đến trễ của những hành động của bọn chúng là chủ nghĩa tư bản sụp đổ.
Thế giới thường quy đã tạm thời bị lật ngược. Các chính khách, trước đây bị các nhà tài chính khinh thường, thì giờ đây kêu gọi cứu vãn hệ thống tài chính. Thậm chí người ta đã nói về sự trở lại của chính trị. Cả chủ nghĩa tư bản lẫn các chủ nhà băng đều bị mất thể diện, và tín nhiệm bay hơi. Nhưng hóa ra hệ thống tài chính chỉ trải qua một bước thụt lùi ngắn, và mau chóng lấy lại phong độ cũ của nó. Lòng khát khao lợi nhuận đã quay trở lại, trong khi, thật ngược đời, các chính khách vẫn loay hoay giải các bài toán.
Ngày nay nghị lực chính trị đang được hướng vào những cố gắng ổn định các thị trường tài chính. Nếu không có nhà nước, có thể có nguy cơ một đợt suy thoái khủng khiếp kiểu những năm 1930, với viễn cảnh thất nghiệp tràn lan và thậm chí có cả chết đói. 
Tư bản ngày nay có thể cần phải khởi động bằng cách “đẩy xe - gài số” việc cung cấp tiền tệ trong những nền kinh tế quốc gia đã ngừng chạy. Năm 2008 thị trường chứng khoán thế giới cứ mỗi 24 phút lại mất đi $1 tỷ đô la giá trị (€ 694 triệu). Từ đó các chính phủ đã làm hết sức mình để chống đỡ và ổn định các ngân hàng, công nghiệp ô tô và thị trường bất động sản.
Khoản tiền vay của chính phủ đã  lên đến mức chưa từng thấy từ trước đến nay, ít nhất là trong những thời gian hòa bình. Thập kỷ mất mát cũng là thập kỷ tốn kém đắt đỏ nhất.
Các nước G-20 hiện đang tiêu khoảng 1,5 nghìn tỷ đô la để cứu nền kinh tế của họ. Người đóng thuế sẽ còn phải trả lãi cho những chương trình chính phủ cứu trợ tài chính và kích cầu nền kinh tế trong vòng một trăm năm nữa, để cho tổng lượng thanh toán sẽ lên gấp nhiều lần vốn ban đầu. Điều này sẽ làm xao lãng chú ý khỏi những vấn đề quan trọng khác và cũng có nghĩa là có ít tiền để bàn thảo những vấn đề này. Chẳng hạn tình trạng phúc lợi xã hội ở Đức không được trang bị để xử lý với tình trạng già đi của xã hội. Những vấn đề không được bàn đến hôm nay, vì các chính trị gia đang phải tập trung vào các tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế, sẽ đẩy ngân sách của chính phủ và quỹ an sinh xã hội vào một cuộc hỗn loạn mới trong tương lai. Khi chuyện đó xảy ra, chắc chắn các chủ nhà băng sẽ phê phán các chính trị gia là đã làm chưa đủ. 
Tiến lên phía trước 
Những vấn đề ấy chủ yếu là những vấn đề của Phương Tây. Trung Quốc thì lại khác, nó đã xoay sở để tăng tốc cuộc tiến công của nó vào vị trí cường quốc thế giới trong thời kỳ khủng hoảng. Nước này có dự trữ ngoại tệ hơn hai nghìn tỷ đô la, so với Đức chỉ có 180 tỷ. Trung Quốc có tỷ lệ tiết kiệm tư nhân 40%, trong khi Mỹ chỉ tiết kiệm có 4% thu nhập của họ. Kết quả là, Trung Quốc đã có thể chống lại khủng hoảng bằng cách rút dự trữ tiền mặt của họ. 
Đối với lãnh đạo đảng và chính phủ Trung Quốc, sự sụp đổ các thị trường xuất khẩu trên toàn thế giới là một cơ hội được chào đón để thỏa mãn nhu cầu dồn nén về đầu tư quốc nội của đất nước mênh mông này. Kinh tế trung Quốc đã tăng trưởng trở lại, và được dự đoán là sẽ tăng đến 8% trong năm 2010.
Người Trung Quốc cũng đang ra sức biến sức mạnh kinh tế này thành sức mạnh chính trị. Phương Tây còn chưa đủ khả năng đối phó với chỉ riêng những hậu quả của khủng hoảng tài chính, cần đến những nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ. 
Những quy tắc chi phối thị trường tài chính thế giới đã không còn được độc quyền soạn ra từ những nơi như London, Berlin và Washington nữa. Và Trung Quốc, về phần nó, không nhất thiết phải quan tâm đến những quy tắc sẽ chỉ giúp giải quyết những vấn đề của Phương Tây. 
Địch thủ mới này của Asian, kẻ đang mưu toan bành trướng các thị trường của nó ở Thượng Hải và Hồng công thành những trung tâm tài chính toàn cầu mới, rất khoái đầu cơ. Khu tài chính Pudong của Thượng Hải muốn trở thành một Wall Street mới, và các thị trường chứng khoán của nó là hoang dại nhất, tự do nhất và cũng nhiều rủi ro nhất. 
Các chính khách Phương Tây lo ngại. Nhưng tư bản Phương Tây đang cảm thấy bị cuốn hút một cách ma quái về Châu Á. Nhiều năm gần đây, nhiều công ty niêm yết trên các thị trường chứng khoán Trung Quốc hơn là các thị trường Mỹ. Hoàn toàn có khả năng là cuộc khủng hoảng tài chính kế tiếp sẽ bắt đầu ở Trung Quốc. 
Paul Volcker, cựu chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ và hiện nay là cố vấn kinh tế cho Obama, lắc đầu không tin khi đối diện với những hoạt động điên cuồng của các chính phủ, các ngân hàng trung ương và các nhà đầu tư tài chính. Ông khuyên tổng thống đóng cửa các ngân hàng lớn nhất trong nước, và ông có ý kiến ủng hộ việc tạo ra một sự phân cách giữa hoạt động kinh doanh và cho vay. Xem ra Volcker muốn nghề ngân hàng trở lại buồn chán như xưa. 
Nhưng Nhà Trắng đã bác bỏ các đề nghị của ông. Volcker tin rằng cuộc khủng hoảng vẫn chưa kết thúc, bởi vì người ta chưa học được những bài học của nó, hay thậm chí chưa hiểu. Thế giới vẫn có ý định tiếp tục hành xử một cách vô trách nhiệm. Thập kỷ mất mát vẫn chưa đến hồi kết.
4- Cuộc khủng hoảng khí hậu 
Bầu trời vẫn xanh trong và sóng vẫn êm ả vỗ bờ những bãi biển Baltic, khi rõ ràng đã có điều gì không ổn trong trật tự thế giới hiện tại. Thủ tướng Đức Angela Merkel đang trò chuyện với các đối tác G-8 của bà trên bãi biển ở Heiligendamm, nơi lãnh đạo các nước công nghiệp hàng đầu gặp nhau trong cuộc họp cấp cao của G-8 năm 2007. Bà đang cố nhẹ nhàng thuyết phục Tổng thống Mỹ - lúc đó - là George W. Bush làm vài nhân nhượng trong cuộc chiến chống thay đổi khí hậu. Bà cũng bỏ thời gian để gặp lãnh đạo các nền kinh tế mới nổi và các nước châu Phi, họ đã bay đến đây cho những cuộc gặp chớp nhoáng, nhưng rồi chỉ để thấy họ bị đối xử hờ hững thế nào ấy.
Nhưng, sau cuộc gặp Heiligendamm, một điều cũng đã trở nên rõ ràng là cung cách đối xử ấy không thể nào chấp nhận được nữa. Bầu trời trong xanh trên biển Baltic không che dấu nổi sự kiện là có điều gì đó tồi tệ đang xảy ra trong bầu khí quyển, và trong tương lai cần đến sự hợp tác của những nước nghèo để kiểm soát sự thay đổi khí hậu.  
Cuộc họp cấp cao ở Heiligendamm toát ra cái phong vị cai quản thế giới, thế nhưng điểm nhấn đã sai hoàn toàn. Cuộc họp bị chi phối bởi câu lạc bộ nhà giàu, Phương Tây. Đó là vào tháng 6 năm 2007. Bây giờ, vào cuối thập kỷ, cái tâm trạng 2007 ấy chẳng còn lại bao nhiêu. Khủng hoảng tín dụng, cùng với khủng hoảng tài chính, đã đột ngột làm thay đổi trật tự thế giới. 
Đầu năm 2007, Hội đồng Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) một nhóm các nhà khí hậu học hàng đầu, đã công bố những con số mới dự báo rằng nhiệt độ  khí quyển trái đất có thể tăng đến 6.4 độ Celsius (11.5 độ Fahrenheit) tiềm tàng những hậu quả thảm họa. Trở về 2001, IPCC đã dự báo một độ tăng nhiệt độ 5,8 độ Celsius, một con số không phải kém kinh hoàng, nhưng đã ít được chú ý.
Không phải đến lúc các con số năm 2007 được công bố các nhà chính trị mới nhận ra cái nguy cơ của một thảm họa trước mắt, vì họ đã bắt đầu nhận thức được rằng Trái đất có thể phải đối mặt với lụt bão và hạn hán khủng khiếp nếu con người cứ tiếp tục thải khí cacbonic vào khí quyển nhiều như hiện nay. Trong bộ phim "The Day After Tomorrow," nhà làm phim gốc Đức Roland Emmerich đã hình dung những vấn đề này sẽ ra thế nào. Trong hình ảnh tưởng tượng của Emmerich về thảm họa khí hậu, những hiện tượng thời tiết cực kỳ nghiệt ngã sẽ biến New York thành chốn không người.
Về mặt nào đó, Emmerich và những kẻ khủng bố đằng sau cuộc tấn công ngày 11/9 đã suy nghĩ theo cùng một hướng. Để chơi một đòn hủy diệt đối với Phương Tây, phải có một cái gì khủng khiếp xảy ra ở New York, thủ đô của tiêu dùng và một thành phố hiện thân của lối sống Phương Tây.
Vậy là lối sống này đã bị tấn công lần thứ hai trong vòng một thập kỷ. Thông điệp của ICPP thật rõ ràng: bạn đang trả giá và đang trên đường lao đến thảm họa. Từ đó, cái rường cột của xã hội Phương Tây - cố gắng để có mức sống tốt hơn, biểu hiện dưới dạng những xe hơi ngày càng nhanh hơn, những ngôi nhà to hơn, những chuyến du ngoạn dài hơn, và tiêu dùng liên tục tăng lên - đã thành vấn đề nghiêm trọng. Đây có còn là lối sống đúng đắn không? Đây là câu hỏi quan trọng nhất mà chúng ta phải đối mặt, vào cuối thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21.  
Thay đổi các thói quen 
Ngành công nghiệp ô tô đã bị đánh mạnh đặc biệt bởi tác động của việc thay đổi thái độ đối với tiêu dùng. SUV, chiếc xe địa hình ngốn xăng chạy chủ yếu ở trong đô thị và vùng ngoại ô, ngày nay ít có người mua. Ban đầu lượng bán loại xe này giảm chủ yếu vì giá xăng cao 2008, nhưng đến bây giờ nhiều người nhận ra rằng SUV không phải là biểu tượng để thể hiện đúng đắn sự giàu sang trong một thời đại báo động toàn cầu.
Sự thay đổi trong thói quen mua xe của người tiêu dùng là một bước nhỏ theo hướng một lối sống mới. Cuộc khủng hoảng khí hậu đã thay đổi chính trị nhiều hơn nó đã làm trong quá khứ. Mùa xuân 2007, Thủ tướng Đức Merkel thuyết phục các đồng nghiệp của mình ở Liên hiệp Châu Âu tại Brussels rằng các mục tiêu nghiêm ngặt bảo vệ khí hậu là cần thiết.
Nhưng châu Âu đang nhận ra việc nêu gương của họ nhỏ bé làm sao. Ngay cả một người như Barack Obama, dường như là hiện thân của niềm hy vọng về một thế giới tốt đẹp hơn, cũng trở nên e dè thận trọng khi đụng đến vấn đề bảo vệ khí hậu. Đặc biệt ở Mỹ nhiều người vẫn còn tin rằng việc bảo vệ khí hậu làm cho cuộc sống xấu đi chứ không tốt lên. Người Mỹ lo lắng về cái viễn cảnh phải giảm mức tiêu thụ của họ. Điều này làm cho đất nước này do dự, một nước dẫn đầu thế giới mà không sẵn lòng đi đầu, đúng như trong cuộc chiến chống khủng hoảng tài chính.
Sự chú ý của Obama dồn vào Trung Quốc. Vì coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của mình, Mỹ rất ngại phải chi những khoản chi có thể làm lợi cho Trung Quốc. Bắc kinh cũng đang nghĩ đúng như thế.
Nhìn bên ngoài, Trung Quốc được lợi từ khủng hoảng khí hậu. Nó đã tránh cho Trung Quốc khỏi một Heiligendamm khác. Bây giờ, khi các vấn đề toàn cầu được thảo luận, Trung Quốc có một ghế ngồi bên bàn, cũng như Ấn Độ và Brazil. Bởi vì biến đổi khí hậu không cần biết đến các biên giới quốc gia, và bởi vì giao thông ở Mexico City và một nhà máy điện chạy than cổ lỗ ở Ấn Độ cũng đặt ra vấn đề cho các thành phố như Hamburg hay Miami, sự hợp tác của các chính phủ của những nước đông dân nhất này là yêu cầu khẩn thiết để đạt được một hiệp ước bảo vệ khí hậu có hiệu lực. 
Sự tương thuộc toàn cầu 
Đây là một tình hình hoàn toàn mới, khi các nước Phương Tây nhận ra rằng họ cũng phụ thuộc những địa phương nghèo hơn trên thế giới. Vào cuối những năm 2000, một sự xáo trộn đã xảy ra trong chính trị toàn cầu. Các nước đang phát triển và các nước mới nổi bỗng nhiên có được quyền lực mà họ có thể dùng để gây áp lực lên các nước phát triển. Họ nhất thiết đòi bằng được cái mã ngoài của lối sống Phương Tây, những xe hơi đắt tiền, những chuyến du lịch đến những miền xa xăm và sự tăng vọt trong tiêu dùng. Nếu họ đạt được mục đích đó, bầu khí quyển sẽ bị đầu độc không phương cứu chữa. 
Người Phương Tây, nhất là người Mỹ, bây giờ nói rằng: các vị là những người chịu thiệt hại nhiều nhất khi bão tàn phá mùa màng, và đất đai của các vị sẽ ngập lụt khi mực nước biển dâng cao, vậy hãy làm một cái gì đi.
Những người khác nói: Ông nói đúng, nhưng khi dân chúng tôi chạy trốn thảm họa và kéo đến nước các ông, thì các ông cũng sẽ khốn đốn như thế thôi, vậy chính các ông hãy làm một cái gì đi. 
Những cái đầu tỉnh táo hơn ở cả hai phía sẽ nói: Ai áp đặt những quy tắc nghiêm ngặt để bảo vệ khí hậu sớm sẽ khuyến khích kiểu đầu tư bảo đảm thịnh vượng lâu dài, sự thịnh vượng trong đó có cả xe hơi, du lịch và tiêu dùng, có điều những thứ đó sẽ đặt một cái gánh nhẹ hơn lên khí hậu. Đó là kiểu tư duy những năm 2000 có thể cống hiến cho tương lai. Nhưng sẽ còn một chặng đường rất dài trước khi nó được chấp nhận rộng rãi.
5- Cuộc khủng hoảng dân chủ 
Mặc dầu không phải ai cũng mê say như nhau đối với sự kiện thể thao lớn nhất thập kỷ, nhưng với tay bơi người Mỹ Michael Phelps chắc chắn đó là một trải nghiệm thú vị: anh đoạt tám huy chương vàng tại Thế Vận Hội 2008 ở Bắc Kinh. Nó cũng là chiến thắng đối với 51 người Trung Quốc đoạt huy chương vàng, họ đã đưa đất nước họ lần đầu tiên lên đầu bảng tổng sắp huy chương. Tại Bắc Kinh, Trung Quốc đã tự giới thiệu mình như một cường quốc thế giới. 
Nhưng trải nghiệm này còn xa mới là thú vị đối với Teng Biao và Hu Jia. Năm 1997 họ công bố một bức thư kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy theo dõi tình trạng nhân quyền ở Trung Quốc trong thời gian chuẩn bị tiến tới Thế Vận Hội. Hu Jia bị tuyên án ba năm rưỡi tù, còn Teng Biao bị mất giấy phép hành nghề luật sư. 
Teng Biao ngày nay buộc phải thừa nhận rằng trường hợp của ông không đóng một vai trò gì trong chính trị thế giới, một trải nghiệm mà ông chia sẻ với những người Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ bị đàn áp. Các nhà hoạt động nhân quyền phản đối cách Trung Quốc đối xử với những người trong tay họ, một nhúm chính trị gia cũng phản đối, nhưng không đủ mạnh mẽ dứt khoát. Trung Quốc quá to và quá quan trọng nên những sự chỉ trích gay gắt như thế có thấm tháp gì. 
Các nhà bất đồng chính kiến Liên xô là những anh hùng đối với Phương Tây vì họ chống đối một chế độ mà Phương Tây coi là kẻ thù. Các nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc chịu phiền phức hơn, bởi vì mặc dù những đau khổ của họ được coi là bất công về tinh thần ở Phương Tây, mọi cố gắng giúp đỡ họ có thể có tác động bất lợi đến kinh doanh. Tình trạng khó xử này không phải là mới, nhưng gần đây nó càng nổi rõ hơn. Nó cũng trở thành một biểu hiện của cuộc khủng hoảng dân chủ. Trong thập kỷ qua, hệ thống chính trị Phương Tây đã mất đi ưu thế toàn cầu của nó, không còn chắc chắn liệu dân chủ cuối cùng có thắng thế ở khắp nơi không. Thật ra, thậm chí cũng không còn chắc chắn liệu dân chủ có kéo dài vĩnh viễn ở các nước Phương Tây không nữa. 
Không có gì phá hủy uy tín của dân chủ tàn tệ hơn Abu Ghraib và Guantanamo. “Cái thời dạy bảo nhau đã qua rồi”, nhà trí thức Singapore Kishore Mahbubani nói trong một cuộc phỏng vấn của Spiegel năm 2008. “Tôi biết nhiều trí thức Trung Quốc đã thường xuyên tranh cãi các vấn đề nhân quyền với Phương Tây. Họ bảo, mọi sự đã trở nên dễ dàng hơn từ khi có Guantanamo. Họ hỏi: Khác nhau ở chỗ nào? Các ông ngược đãi nhân dân, chúng tôi cũng ngược đãi nhân dân. Chúng ta giống nhau hoàn toàn” 
Trung Quốc trỗi dậy 
Trong khi Phương Tây ăn năn, thì một tinh thần tự tin mới đang phát triển ở châu Á. Từ 2000 đến 2009, kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng, năm này qua năm khác, ở mức 8,3 đến 13 phần trăm. Nó đã vượt Đức và một ngày kia nó sẽ vượt Hoa Kỳ, hiện vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới. Sự tăng tiến chớp nhoáng này đã có thể đạt được mà không có dân chủ. Trong Chiến tranh Lạnh, châu Âu, Nhật Bản và Mỹ đã tin rằng chỉ có các nước dân chủ mới đảm bảo được sự thịnh vượng cho dân chúng. 
Ngày nay, những người Trung Quốc giàu có dường như không đòi hỏi mãnh liệt có tiếng nói chính trị như những công dân châu Âu vào thế kỷ 18 và 19. Thay vì thế, họ chọn con đường riêng của họ. 
Hơn nữa, nền dân chủ đang không được khỏe lắm, và không phải chỉ vì Guantanamo. Ở Đức chẳng hạn, người dân bình thường ngày càng vỡ mộng về dân chủ. Các đảng chiếm đa số đang mất dần đảng viên của mình, và số cử tri ủng hộ họ đang giảm xuống.
Trong thập kỷ đầu thế kỷ 21, không có một phong trào chính trị nào có thể tạo ra một nhiệt tình thật sự, không gì gây được niềm say mê sôi nổi. Chỉ có 47 phần trăm người Đông Đức cũ tin rằng dân chủ nói chung là một sự phát triển tích cực.
6- Niềm lạc quan Internet
Thông điệp của chiến dịch quảng cáo là cái đã thay đổi trong cuộc sống của chúng ta. Quảng cáo xuất hiện trong mấy tuần gần đây trong những trạm chờ xe buýt và trên những bảng lớn trên khắp nước Đức, trưng những bức ảnh tưởng như bấm chụp tình cờ kèm theo những dòng chữ như “Chúng tôi Google thấy giờ mở cửa tiệm bánh bên kia đường” hay “Chúng mình vừa nói chuyện điện thoại với má vừa check mail cùng một lúc” 
Christian Schwarm là người khởi xướng chiến dịch này, anh thiết kế ra nó để quảng cáo cho một tờ báo Đức hàng ngày. Schwarm, 37 tuổi, đứng đầu hãng quảng cáo Dorten ở Stuttgart, và là hiện thân sinh động của cái thông điệp trên những áp phích lớn của anh. 
Khi không phải họp hành, Schwarm ngồi trước máy tính của anh và lên mạng. Cứ vài phút anh lại nhận được e-mail, và thường trả lời ngay. Anh không bao giờ rời khỏi văn phòng mà không mang theo iPhone. Anh đọc tin tức trên Internet, xem video trên YouTube và định kỳ kiểm tra xem có gì xảy ra trên các mạng xã hội của anh không. Schwarm có 320 bạn trên mạng xã hội Xing có cơ sở ở Đức, và trên Facebooks thì ít hơn, “chỉ có 120”, anh nói, nhưng con số này sẽ mau chóng tăng lên. Cuộc sống của Schwarm quấn chặt với Internet đến mức anh không còn có thể hình dung nổi một cuộc sống hoàn toàn offline nó như thế nào. 
1,7 tỷ người dùng Internet toàn cầu. 
“Toàn bộ Internet trên điện thoại di động chỉ thuần túy là tuyên truyền” Tờ báo Đức có uy tín Süddeutsche Zeitung viết năm 1999, khi gọi ý tưởng này là “một mong ước không thể đạt được”. Ngày nay số lượng bán ra của điện thoại di động có thể vào mạng đang tăng vọt. 
Số lượng người dùng Internet trên toàn thế giới đã lên đến khoảng 1,7 tỷ. Hai phần ba dân số Đức ngày nay có Internet, so với một phần tám cách đây mười năm. Việc chúng ta sử dụng Google, công cụ tìm kiếm lớn nhất trên Internet, đã hầu như trở thành bản chất thứ hai, đến mức mà chúng ta đã dùng nó như một động từ để mô tả hành động. Động từ “to Google” đã được dùng và có trong từ điển từ nhiều năm nay. 
Trong cuốn sách “Cuộc chuyển đổi vĩ đại” Nicholas Carr, một nhà phân tích công nghệ thông tin đã ví Internet với mạng lưới điện. Những gì xảy ra với việc phát điện cách đây một thế kỷ thì giờ đây đang xảy ra với việc xử lý thông tin, Carr lập luận, khi so sánh Google với một nhà máy thông tin khổng lồ. 
Internet đã kết nối chúng ta với những xứ sở xa xôi hẻo lánh nhất trên trái đất, cho phép chúng ta trò chuyện với những người ở Tokyo, Sydney hoặc Rio, hoặc ngắm một anh chàng đang rửa chiếc xe của anh ta ở Minneapolis. Có thể nhìn thấy tất cả những gì con người có thể tưởng tượng ra được trên mạng xã hội Web 2.0, và chúng ta trở thành người chứng kiến tận mắt mọi sự xảy ra trên toàn thế giới. Mặc dầu phần lớn những cái chúng ta xem là chuyện vụn vặt tầm thường, nhưng cũng có một số nội dung thật sự quan trọng. 
Ở Iran, phe đối lập không chỉ dùng công nghệ Web 2.0 để tổ chức sau cuộc bầu cử gây tranh cãi năm nay, nó còn tự xuất hiện cho toàn thế giới nhìn thấy. Trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ 2008, Barack Obama là ứng cử viên đầu tiên có được phần lớn tiền quyên góp từ những người ủng hộ và nhà tài trợ thông qua Internet. 
Nhưng điều này có ý nghĩa gì đối với chính trị và xã hội? Liệu một môi trường tương tác có thể truyền sức mạnh cho một cộng đồng không? Đầu thiên niên kỷ mới này, hy vọng được đặt vào Internet, với đặc tính trong sáng và mạng lưới của nó, có thể củng cố nền dân chủ. Iran và Obama là những trường hợp được Net cung cấp cho cơ hội. Nhưng trong những trường hợp này Inetrnet chỉ là một cái nền để biểu thị sự phẫn nộ của quần chúng đối với một chế độ toàn trị, như ở Iran, và biểu thị nhiệt tình đối với một nhà chính trị có sức lôi cuốn. Ở Đức, nơi không có chế độ toàn trị mà cũng chẳng có những nhà chính trị có sức lôi cuốn, Internet không làm được gì để thay đổi sự thờ ơ chính trị của các công dân. Ngược lại, Đức là một trường hợp nổi bật về những phiền toái tạo nên bởi sự ồn ào liên miên của Net. 
Sự thừa mứa thông tin 
Vấn đề lớn nhất của Internet là mặt trái của lợi ích lớn nhất của nó: sự thừa mứa thông tin. Khi kiến thước luôn luôn có sẵn, chúng ta lúc nào cũng mong có nó. Vì mỗi mẩu tin hay mỗi e-mail đều tiêu tốn sức chú ý của chúng ta, chúng ta mất đi sự quan sát nội tâm và ngày càng trở nên lo âu. 
Trong những năm 2000 chúng ta đã để cho Inetrnet đi vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta, nhưng chúng ta vẫn còn chưa biết làm gì với nó. Cơn lụt thông tin đã nhấn chìm chúng ta. Tính nặc danh mà nhiều forum mời mọc chúng ta đã cám dỗ chúng ta lao vào chửi bới những người sử dụng khác. Và không ai biết thật chính xác điều gì xảy ra với những dữ liệu chúng ta để lại trên Internet, với tất cả những e-mail của chúng ta và tất cả những thông tin về nhưng gì chúng ta mua. 
Trong trường hợp tốt nhất, Internet tạo ra một diễn đàn thế giới để thảo luận công khai, một cơ sở cho những quyết định chính trị trong một thế giới cần đến sự điều hành toàn cầu.
7- Lịch sử trở lại
Nhà trí thức gốc Singapore Kishore Mahbubani viết trên tờ The New York Times một mẩu ý kiến dưới tựa đề “Kết thúc của toàn bộ lịch sử ư?” Ông tranh luận với luận điểm nổi tiếng của Fukuyama với tính cách tự tin của mình. Ông viết: Lịch sử đã trở về - trong niềm vui của người châu Á. “Chỉ có vấn đề là, Phương Tây sẽ cùng chung vui chào đón nó, hay họ sẽ chờ đợi nó kết thúc?” 
Cách hiểu Fukuyama của người Phương Tây là mô hình Phương Tây sẽ thống trị thế giới trong tương lai. Mahbubani gọi đây là “thói ngạo mạn Phương Tây”. Nhưng ông nói thêm, sự vật không diễn biến theo chiều hướng Phương Tây mong đợi. “Một điều tôi có thể tiên đoán một cách tự tin là, vết chân Phương Tây trên thế giới, to quá cỡ ở những thế kỷ 19  và 20, rồi đây sẽ thu lại rất nhiều.” 
Phải chăng đây chính là bài học cần phải học ở đầu thế kỷ 21 này, khi mà Phương Tây đang mất đi một phần tầm quan trọng của mình? Những năm 2000 xác nhận điều này. Lối sống Phương Tây đang rơi vào áp lực từ hai phía cùng một lúc: Đạo Hồi và biến đổi khí hậu. Trong vụ Guantanamo, Hoa Kỳ đã phản bội lại những nguyên tắc cơ bản của chính nó. Nỗi sợ các cuộc tấn công khủng bố đã gậm dần các quyền tự do công dân, trong khi một thị trường tự do vô hạn độ đã làm hỏng nhiều tay chơi trong hệ thống tài chính. Và đối với nhiều công dân, dân chủ không còn đủ quan trọng để họ bỏ ra mỗi năm lấy một hai ngày đi bỏ phiếu. Đây quả là một thực trạng quá buồn.
Tình hình này phản ánh trong tầm quan trọng đang lớn lên của một nước độc tài toàn trị như Trung Quốc. Trong thời của mình G-8 đã thực hiện vai trò của nó như một diễn đàn thế giới. Bây giờ là G-20, với Trung Quốc là một thành viên chủ chốt, đang thay đổi. Tất cả những điều này củng cố cho luận điểm của Mahbubani. 
Nhưng có nhiều lý lẽ bác lại những điều mà ông đã nói. Bên cạnh nhiều điểm yếu của nó, Phương Tây đã biểu lộ một sức mạnh phi thường trong những năm 2000.
Những iPhone, Google và YouTube chỉ có thể được phát minh bởi những con người tin vào một nền truyền thông không bị trói buộc, và những người tin rằng đối với mọi người, sống có ý nghĩa là có thể tiếp cận các thông tin và có thể thông đạt ý kiến của riêng mình cho người khác. Nói cách khác, những phát minh quan trọng nhất trong những năm gần đây là dựa trên một tư tưởng Phương Tây sâu sắc, một tư tưởng mà chúng (những phát minh ấy) quảng bá ra cho toàn thế giới. 
Những nước đầu tiên xem xét nghiêm túc vấn đề bảo vệ khí hậu là những thành viên của Liên Hiệp Châu Âu. Ngay chính họ cũng chậm trễ một cách vô vọng trong việc nhận thức ra vấn đề, nhưng họ đã trở thành những nước tiên phong. Điều đó có ý nghĩa là một bộ phận quan trọng của thế giới Phương Tây có sức mạnh nhìn thấu được vấn đề và có khả năng sửa chữa các sai lầm của mình.
Quyết định đó cũng dựa trên nhận thức rằng cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, cho dù ban đầu có vẻ như là một trở ngại đối với phát triển kinh tế, trên thực tế là gìn giữ sự thịnh vượng cho các thập kỷ sau. Nếu Phương Tây có thể đưa tinh thần sáng tạo của mình vào sử dụng trong việc phát triển những nguồn năng lượng có thể tái chế và các công nghệ xanh khác, nó sẽ duy trì được sức mạnh kinh tế của mình. 
Không có cơ chế nào để gìn giữ hòa bình
Thập kỷ đầu của thế kỷ 21 đã cho thấy thế giới đang cùng nhau lớn mạnh và ngày càng trở nên tương thuộc lẫn nhau, nhưng nó vẫn còn thiếu những cấu trúc chính trị cần thiết. Không có một cơ chế nào có hiệu lực để gìn giữ hòa bình. Không có thẩm quyền nào giám sát nền tài chính toàn cầu. Không có tổ chức điều hành quốc tế nào để thường xuyên xem xét các vấn đề biến đổi khí hậu. G-20 mói chỉ là sự khởi đầu. 
Liên Hiệp Châu Âu dã thường xuyên bị cười nhạo vì chỉ đi tới được đồng thuận bằng những bước chân chậm chạp dềnh dàng, và được tổ chức một cách cực kỳ quan liêu. Nhưng ít nhất có một cộng đồng chính trị của các dân tộc đang dần dần hình thành ở châu Âu. Châu Âu có thể là kiểu mẫu cho phần còn lại của thế giới. Vì lý do đó, tình hình cuối những năm 2000 tuy ảm đạm nhưng không phải là vô vọng. Phương tây đã làm nhiều chuyện sai, nhưng nó cũng đã phát ra những tín hiệu của hy vọng. 
Bây giờ đã đến lúc rút ra những kết luận đúng. Phương tây có thể vẫn giữ được sức mạnh, nếu nó giữ được lòng tin vào chính nó, vào quan niệm nhân văn dựa trên những tư tưởng Cơ Đốc và dân chủ. Thập kỷ đầu tiên là thập kỷ mất mát, bởi vì nó là thập kỷ của những thừa mứa vô độ, của thổi phồng quá mức và phản ứng quá dữ dội.
Nếu Phương Tây tìm được một môi trường hạnh phúc, nó sẽ lại tìm thấy chỗ đứng để đóng vai trò chủ đạo trong sự quay lại của lịch sử và tìm kiếm một cấu trúc điều hành thế giới.
28/12/2009
Dirk Kurbjuweit, Gabor Steingart và Merlind Theile
Bản tiếng Anh: Christopher Sultan
Bản tiếng Việt:  Hiếu Tân
Nguồn: Bài đăng trên tạp chí Spiegel
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chùm thơ của Lưu Lãng Khách 15 Tháng Hai, 2023 Ngoài kia xuân đang qua rồi sao!/ Thềm hoa hanh hao – trên trời cao/ Chim non ca vang n...