Thứ Năm, 31 tháng 3, 2022

Chủ nghĩa hình thức hạ thấp giá trị tác phẩm

Chủ nghĩa hình thức 
hạ thấp giá trị tác phẩm!

(Cảm nghĩ nhân đọc Trắng trước đỏ sau)

Chủ nghĩa Hậu hiện đại (CNHHĐ) như một con dao hai lưỡi, hay nói như Đổ Minh Tuấn ,nó vừa là một tiên nữ nhưng cũng là một yêu nữ ,áp dụng những thủ pháp nghệ thuật đúng chỗ sẽ làm tăng sức hấp dẫn của hình tượng nghệ thuật, nhưng  nếu chỉ là một «thể nghiệm» chạy theo chủ nghĩa hình thức thì nó nhiều khi sẽ phản tác dụng, hạ thấp giá trị tác phẩm mà thôi!. Báo Văn Nghệ số 35 (30-08-2008) và Evan (19-11-2008) có đăng truyện ngắn Trắng trước đỏ sau của Hồ Anh Thái. Hồ Anh Thái là một tác giả không lạ với bạn đọc trong nước. Nhiều năm anh đã khẳng định được tên tuổi của mình nhờ một bút pháp hiện đại. Anh có nhiều thành công cả trên hai lĩnh vực truyện ngắn và tiểu thuyết và luôn tỏ rõ là một cây bút mạnh mẽ, tiên phong trong lĩnh vực văn xuôi đương đại. Tuy nhiên một số tác phẩm gần đây của anh, người đọc cảm thấy không thoả mãn vì trong sự biến hóa của bút pháp hình như anh quá chú trọng hình thức, nên nội dung thiếu tính thuyết phục cả trên phương diện đạo lý lẫn thẩm mỹ. Gần đây nhất là các truyện Chuột và Rác, Trắng trước đỏ sau…
Chuột và Rác, tác giả xử dụng một bút pháp xen lẫn thực và ảo, những nhân vật có tài nghe và đoán mọi việc hiện hữu trong cuộc sống như có phép thuật. Phải chăng họ là chân dung của con người hiện tại với cuộc sống đầy những kịch tính nhưng vô vị! Cái tài nghe và đoán của họ chỉ để thực hiện các vụ ngoại tình, trộm cắp, trốn tránh trách nhiệm và tội lỗi. Phải chăng trong cuộc sống vô vị hôm nay, tài năng chỉ dùng được vào bấy nhiêu việc! Một câu chuyện tào lao gây cười nhạt nhẽo chỉ đáng đưa đẩy nơi góc phố quanh chén trà, cạnh cốc cà phê hơn là trên trang báo văn chương!
Trắng trước đỏ sau, càng bộc lộ  một lối cảm nhận đời sống hời hợt nếu không nói là thiếu trách nhiệm. Thiên truyện với một kết cấu độc đáo chỉ để tô đậm sự nhạt nhẽo về tư tưởng và đạo lý.
Cô gái người Tamil xuất hiện với nhiệm vụ bí mật, một cô gái vui chơi hồn nhiên với trẻ con, một cô gái có hai người anh bị chết vì chiến tranh. Cô gái đó có một tâm sự không bình thường nhưng được tác giả miêu tả rất đáng mến. Chính cô gái đó là kẻ mù quáng nhấn bom giết chết vị thủ tướng trẻ Ấn Độ hôm sau. Một tội phạm, một kẻ khủng bố dưới ngòi bút tác giả hiện lên không có một nét gì của tội ác. Giết người cũng vô tâm như chơi cờ, cô gái tâm niệm thực hiện các nút bấm trắng trước đỏ sau bình thản và vô cảm.Tội ác tày đình khoác chiếc áo của một hành vi bình thường.
Người đọc cảm thấy đạo lý bị xúc phạm. Một cuộc sống méo mó tội lỗi được ngụy trang bằng các  sắc màu hồn nhiên và ngẫu nhiên:
“… Thuốc nổ được quấn quanh người, bên ngoài phủ tấm sa ri màu đỏ thắm che khuất tất cả. Kẻ đánh bom liều chết hai tay nâng một tràng hoa đến dâng cho Rạjiv Gandhi, choàng lên cổ ông. Khi ấy một tay cô ta lần bên sườn bấm nút khởi động pin, nút màu trắng. Cô ta cúi xuống kính cẩn chạm tay vào bàn chân ông đồng thời bấm nút thứ hai màu đỏ. Nút trắng trước nút đỏ sau…
… Một tiếng nổ dữ dội. Rạjiv Gandhi  gục xuống không toàn thây…”
Trước đó là một ván cờ định mệnh, cô gái Tamil  sau ván cờ đã hẹn hò thản nhiên với cô bé:
“ - Mai chị lại sang chơi nhé
- Mai chị không thể sang được.
Cô lắc đầu rồi lại lấy làm tiếc là mình đã nói ra như vậy.” Và vụ sát hại vị thủ tướng đã diễn ra như ta thấy, ông chết không toàn thây!
Đọc xong tác phẩm, dẫu muốn hay không, người đọc vẫn cảm thấy tác giả gián tiếp và kín đáo «bênh vực» cho nữ sát thủ - nhân vật mấp mé bên lằn ranh thiện ác. Cũng có thể qua thiên truyện tác giả muốn lên án những kẻ đằng sau đào tạo nên những sát thủ vô cảm giết người như máy, nhưng tác dụng ngược lại, độc giả chỉ thấy việc khủng bố - một tội ác thời nay, dưới bàn tay phù thủy quá nhẹ nhàng nếu không nói có một vẻ đẹp riêng...
Hai tác phẩm là một bước tiếp theo của sự sáng tạo cực đoan thiếu vốn sống và hờ hững với những gì mà đồng loại quan tâm, nó chỉ chạy theo cái đẹp của kết cấu, của sắp đặt. Ta thấy tác giả  chịu ảnh hưởng khá rõ của các thủ pháp nghệ thuật hậu hiện đại.Thế giới hiện lên nhập nhòa trắng đen, không phải như một sân khấu ba chiều phân biệt mà như trong một ống kính vạn hoa, đảo lộn tất cả, một thế giới phức điệu, và con người cũng vậy, đa tính cách, xét đoán thế nào cũng được. Cô gái sát thủ - một tội ác tày đình ngoài đời, trong tác phẩm lại có vẻ đáng mến (!?). Cô là một nhân vật «bịa», thuần «sáng tạo» của tác giả nhưng làm một công việc rất thật, có thật trong lịch sử, và người bị cô sát hại cũng là một vị thủ tướng rất thật, có thật trong lịch sử hiện đại. Sự trộn lẫn giả và thực này là một thao tác  ta thường gặp trong các tác phẩm văn chương viết về các đề tài có liên quan lịch sử, quen gọi là «hư cấu nghệ thuật», nó chỉ có ý nghĩa khi thể hiện đúng bản chất lịch sử và lương tri  nhân loại. Nhưng trong thiên truyện thì trái ngược. Các thủ pháp nghệ thuật mới đã bị lạm dụng,thể hiện một sự méo mó trong tư tưởng - thẩm mỹ người viết. Người đọc có cảm giác ở đây tác giả đã tái tạo lại câu chuyện sẵn có không phải để kết án mà «minh oan». Và cái chết «không toàn thây» của vị thủ tướng là một chi tiết «giải thiêng» phá bỏ sự đáng kính của các nhân vật lịch sử thường gặp trong các chủ đề của Chủ nghĩa hậu hiện đại.
Trước khi thể hiện một vẻ đẹp hình thức thiết nghĩ, dẫu có ý đồ «cao xa» gì chăng nữa cũng hãy bình tâm mà nghĩ đến cái tác dụng mà mình đem đến cho bạn đọc. Đó là điều mà Hồ Anh Thái cần lưu ý để chọn một điểm dừng cần thiết! Vì hình tượng văn chương luôn có tính đa nghĩa nhưng không nên tạo một phản nghĩa (dẫu ngoài ý muốn) và nghệ thuật không thể thuần túy là trò chơi. Xin dẫn lời một nhà văn thế kỷ trước khi ông nói về sứ mệnh văn hoc: «… các từ là những khẩu súng đã nạp đạn. Nếu nhà văn lên tiếng  nó sẽ nổ. Ông có thể nín lặng, song bởi vì ông đã quyết định bắn, cho nên đấy phải là một con người nhằm đích mà bắn chứ không phải là một đứa bé hú họa nhắm mắt mà bắn và chỉ để thích thú vì nghe tiếng nổ» (*).
Chú thích:
(*) Brice Parain - Dẫn theo J.P.Sartre - Văn học là gì - bản dịch của Nguyên Ngoc - NXB HNV Hà Nội 1999 - Tr.31). 
23/11/2008
Trần Nguyễn Hoàng Ninh
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ...