Thứ Bảy, 31 tháng 7, 2021

Hồ Xuân Hương - Bà chúa thơ Nôm

 Hồ Xuân Hương - Bà chúa thơ Nôm

Thơ Xuân Hương lớn tiếng đả kích tất cả những nhân vật tiêu biểu của xã hội phong kiến, từ đám sĩ tử, nhà sư đến bọn quan lại, những “hiền nhân quân tử” và trên tất cả là bọn vua chúa. Bà vạch trần lối sống đạo đức giả của chúng. Xuân Hương kế thừa truyền thống của truyện tiếu lâm dân gian, thường dùng cái tục làm phương tiện đả kích. Nghệ thuật đả kích của bà sắc bén, “đánh một đòn chết tươi”. Ngoài ra xuân Hương còn một số bài thơ viết về thiên nhiên rất độc đáo. Giống như con người Hồ Xuân Hương, thiên nhiên trong thơ bà cũng tràn đầy sức sống, âm thanh, màu sắc.
Thực ra, cho đến nay (2002) về tiểu sử bà vẫn là vấn đề chưa thể khẳng định vì trong vài chục năm lại đây xuất hiện nhiều tư liệu khác nhau về cuộc đời bà.
Nguyễn Hữu Tiến trong Giai nhân di mặc (in năm 1915), Song An trong bài Thời thế và văn chương cô Hồ Xuân Hương (in trên báo Đông Tây số 12 – 1929), Dương Quảng Hàm trong Việt văn giáo khoa thư (in năm 1940) thống nhất cho rằng nữ sĩ họ Hồ là con gái Hồ Phi Diễn, một thầy đồ Nghệ quê làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, ngồi dạy học ở Hải Dương rồi kết bạn với một cô gái ở xứ Đông, sinh ra Xuân Hương. Gia đình sau này lên Thăng Long, khi thì ở vùng Khán Xuân bên Hồ Tây, khi thì ở phường Tiên Thị bên bờ hồ Hoàn Kiếm, Xuân Hương từng lấy lẽ một cai tổng (Tổng Cóc) và một tri phủ (Vĩnh Tường). Bà còn là bạn thơ của Chiêu Hổ tức Phạm Đình Hổ (1768 – 1839). Như vậy, Hồ Xuân Hương sống khoảng cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX.
Đến năm 1957, trên Tạp chí văn học, Hồ Tuấn Niên, căn cứ vào sáu bộ gia phả của chi họ Hồ ở Nghệ An rút ra một thông tin cực kỳ hấp dẫn: Xuân Hương là cùng một họ và là bằng vai với Quang Trung. Với việc công bố tài liệu này, gốc gác Xuân Hương xem ra sáng tỏ hơn.(1)
Nhưng đến năm 1963, tình hình có khác. Trên Tạp chí văn học số 4 – 1963, Trần Thanh Mại phát hiện một tập thơ chữ Hán nhan đề Lưu Hương ký mà tên tác giả lại cũng là Hồ Xuân Hương. Tập thơ này cho biết Xuân Hương từng là bạn tình của tác giả Truyện Kiều. Nhưng cũng sách này cho hay rằng Xuân Hương là em ruột của Hoàng Giáp Hồ Sĩ Đống (1739 – 1785) tức con gái Hồ Sĩ Danh (chứ không phải Hồ Phi Diễn). Vấn đề thành ra rắc rối!
Càng rắc rối thêm là tới năm 1974, một tài liệu mới được công bố nêu thêm một nghi vấn về lai lịch bậc tài tử này: Trên Tạp chí văn học số 3 – 1974 có đăng bản dịch bài Xuân Đường đàm thoại của Tam nguyên Trần Bích San (1840 – 1878) một danh nhân của Nam Định. Bài này cho biết vào năm Tự Đức 22 (tức 1870) một nhóm văn nhân họp bạn cuối năm, một người đến chậm cáo lỗi vì phải đi dự một đám tang “tài nữ”, quê Nghệ An, hiệu là Cổ Nguyệt Đường, tự là Xuân Hương, nàng ở Từ Sơn, mộ nằm bên núi Nguyệt Hằng tức núi Chè, nay thuộc huyện Tiên Du, Bắc Ninh (Huyện Tiên Du xưa thuộc về phủ Từ Sơn). Bà cũng là người Nghệ An, cũng là tài nữ, có kiếp sống long đong.
Vẫn chưa hết! Trên báo Tổ quốc số 6/1978 công bố một bài ca trù cổ nói về một ca kỹ cũng tên là Hồ Xuân Hương:
Trong Đại An có nàng danh nữ
Hồ Xuân Hương là Nam quốc Thúy Kiều
So nghề chơi đủ biết mọi điều…
Như vậy Hồ Xuân Hương này lại có quê (hoặc cư ngụ) tại Đại An, một huyện nay ứng với huyện Nghĩa Hưng, Nam Định.
Lại cũng phải nhắc tới một bài thơ của ông hoàng Tùng Thiện Vương: bài Long Biên trúc chi từ gồm 14 khúc làm trong dịp ông theo vua anh là Thiệu Trị ra thăm xứ Bắc năm 1842. Trong khúc thứ 8 có hai câu:
Mạc hướng Xuân Hương phần thượng quá
Tuyền đài do hận thác khiên ti.
(Chớ dẫm lên Hồ Xuân Hương! Vì dưới suối vàng nàng đang ôm hận lỡ duyên tơ).
Theo bài thơ này thì lại có một Xuân Hương mà phần mộ ở ngay Hà Nội mà nàng phải mất trước năm 1842.
Vậy ai là Xuân Hương bà chúa thơ Nôm? Vấn đề đang treo ở đây thì năm 1985, Hoàng Xuân Hoãn trên Tạp chí Khoa học xã hội in ở Pháp, với nhiều thư tịch tư liệu mới tìm ra đã chứng minh rằng bà Hồ Xuân Hương bà chúa thơ Nôm quen thuộc với nhiều thế hệ và Hồ Xuân Hương tác giả Lưu Hương ký cùng với Hồ Xuân Hương có mộ phần ở Hà Nội chỉ là một người. Ông Hoàng cho biết rằng, khoảng năm 1818, Xuân Hương đang là vợ lẽ của viên quan Tham hiệp trấn Yên Quảng (nay là tỉnh Quảng Ninh) tên là Trần Phúc Hiển. Năm 1819, Phúc Hiển bị triều đình khép án tử hình.
Như vậy tiểu sử Xuân Hương vẫn còn phải nghiên cứu thêm.
Về tác phẩm của bà cũng không thuần nhất. Chỉ nói về khối lượng, theo các tập Xuân Hương thi tập còn lưu giữ ở các kho Hán Nôm thì thơ Nôm của bà hiện còn năm chục bài, song nhiều nhà nghiên cứu cho rằng chắc chắn có một số bài của người khác chép lẫn vào, không loại trừ tác giả đó là nam giới. Đành vậy song cũng cứ nên coi là trường phái Xuân Hương.
Thơ Nôm Xuân Hương có nhiều giá trị. Trước hết là đã nêu được những bất công và bất hạnh mà người phụ nữ thời đó phải chịu đựng. Đó là cái cảnh lẽ mọn:
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung
Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng.
Đó là cảnh “Không chồng mà chửa”:
Cả nể cho nên hoá nhỡ nhàng
Nỗi niềm chàng có biết chăng chàng
… Mảnh tình một khối thiếp xin mang
Đó là cảnh hắt hiu cô độc muộn mằn:
Chiếc cánh buồn về phận nổi nênh
Giữa dòng ngao ngán nỗi lênh đênh.
Trong khi đó, người phụ nữ thực ra rất đẹp, đẹp về hình hài, đẹp về phẩm chất, đẹp về tài năng. Họ là “Quả cau nho nhỏ”, là “Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm”, là “Thân em thì trắng phận em tròn”, từng “mát mặt anh hùng, che đầu quân tử”, cho nên họ khinh đám đàn ông vô tài, nhố nhăng, đạo đức giả. Qua đền thờ quan Thái thú Sầm Nghi Đống, bà viết:
Ví đây đổi phận làm trai được
Sự nghiệp anh hùng há bấy nhiêu.
Thấy các cậu dốt nát lại khoe tài, bà dạy bảo;
Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ
Lại đây cho chị dạy làm thơ.
Với gã đàn ông sàm sỡ, bà răn đe:
Anh đồ tỉnh anh đồ say
Sao anh ghẹo nguyệt giữa ban ngày
Này này chị bảo cho mà biết
Chốn ấy hang hùm chớ mó tay.
Cứ thế, thơ Xuân Hương lớn tiếng đả kích tất cả những nhân vật tiêu biểu của xã hội phong kiến, từ đám sĩ tử, nhà sư đến bọn quan lại, những “hiền nhân quân tử” và trên tất cả là bọn vua chúa. Bà vạch trần lối sống đạo đức giả của chúng. Xuân Hương kế thừa truyền thống của truyện tiếu lâm dân gian, thường dùng cái tục làm phương tiện đả kích. Nghệ thuật đả kích của bà sắc bén, “đánh một đòn chết tươi”. Ngoài ra xuân Hương còn một số bài thơ viết về thiên nhiên rất độc đáo. Giống như con người Hồ Xuân Hương, thiên nhiên trong thơ bà cũng tràn đầy sức sống, âm thanh, màu sắc. Cảnh nào cũng động, như đèo Tam Điệp:
Một đèo một đèo lại một đèo
Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo
Cửa sơn đỏ loét tùm hum nóc
Hòn đá xanh rì lún phún rêu…
Quán khách bên đường thì:
Đứng chéo trông theo cảnh hắt heo
Đường đi thiên thẹo quán cheo leo.
Hình ảnh Kẽm Trống trên sông Đáy:
Gió giật sườn non khua lắc cắc
Sóng dồn mặt nước vỗ long bong.
Chùa Hương siêu thoát là vậy mà cũng ngọ nguậy dưới ngòi bút của bà:
Bày đặt khen ai khéo khéo phòm
Nứt ra một lỗ hõm hòm hom.
Một điều đặc biệt là thơ Xuân Hương lấy đề tài trong cuộc sống bình thường hàng ngày nhưng là những đề tài có tính chất úp mở hai nghĩa, một nghĩa đen phô ra, nói trực tiếp về vấn đề nhà thơ miêu tả, và một nghĩa ngầm nói về chuyện buồng the, “phồn thực”. Chính điều này mà có một số người cho thơ bà là chớt nhả. Nhưng thực ra thơ Hồ Xuân Hương không bao giờ khêu gợi tình dục mà chỉ tả và thuật như chính nó là như thế. Quán khách bên đường tranh tre nứa lá thì:
Lợp lều mái cỏ tranh xơ xác
Xỏ kẽ kèo tre đốt chẳng kheo
Ba chạc cây xanh hình uốn éo
Một dòng nước biếc chảy leo heo.
Nguyễn Vĩnh Phúc
Theo https://doanthuan.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Thơ có cần thiết cho đời sống? 10 Tháng Ba, 2023 Trong kỷ nguyên nghe nhìn, thơ đang có khoảng cách với đời sống. Độc giả thèm khát nh...