Thứ Bảy, 23 tháng 12, 2023

Tiểu thuyết Gương mặt loài Homo Sapiens của Trần Như Luận

Tiểu thuyết Gương mặt loài
Homo Sapiens của Trần Như Luận

Chương 44
Tình hình Hà Lan trong những năm bị Đức chiếm đóng thật thê thảm. Mùa đông năm 1944, trời rét căm căm. Chính phủ Hà Lan lưu vong ngỡ rằng Đức Quốc Xã sẽ sụp đổ cuối năm ấy nên đã kêu gọi toàn ngành đường sắt đình công, gây thiệt hại nặng cho Đức. Ngay lập tức, Đức trả đũa bằng cách cắt lương thực, thực phẩm và nhiên liệu đến các tỉnh phía tây. Hậu quả là 18 nghìn người Hà Lan chết đói; những người sống sót suy kiệt trầm trọng. Mãi tới tháng Năm 1945, Đức mới bắt đầu cho phép Hội Hồng Thập Tự Thụy Điển gửi hàng cứu trợ sang.
Thời khắc ấy cũng là cột mốc quan trọng trong đời tôi. Tôi có tên trong đoàn sinh viên ưu tú được chọn đi thực tế tại các nước phe Trục. Theo kế hoạch, linh mục Van Wijk sẽ là người đưa chúng tôi đến các nước ở Khối thịnh vượng chung Đại Đông Á. Chúng tôi sẽ ở đó ba tuần, rồi trở về trường làm luận văn mãn khóa.
Nhóm tôi gồm ba người là Daar, “Mignonne” và tôi. Chẳng biết hên xui thế nào, tôi và hai bạn ấy được đưa đến Việt Nam. Nghe nói đó là một nước nhỏ, thuộc địa của Nhật.
Linh mục Van Wijk giảng giải rằng Việt Nam trước đó là thuộc địa của Pháp. Có tới 35 người Pháp đã thay nhau làm Toàn quyền Đông Dương từ tháng Mười Một 1887 cho đến đầu tháng Ba 1945. Đêm 9 tháng Ba 1945, Nhật tước khí giới của Pháp. Ngay sau đó, Phát xít Nhật muốn tìm nguồn cung ứng tại chỗ cho gần một trăm nghìn binh lính, đồng thời chuẩn bị cho việc phòng thủ lâu dài của Nhật trước đà tiến công của quân Đồng Minh; vì vậy, họ đã dựng ra một chính phủ làm tay sai cho Nhật tại Việt Nam.
Nhóm tôi được linh mục Van Wijk đưa về trú chân lần lượt tại một số đại chủng viện cạnh các Toà Giám mục. Hầu hết các thánh đường được xây theo lối kiến trúc gothique. Cảm kích hơn cả là hình ảnh các chủng sinh lặng lẽ đứng ở sân nhà thờ, mắt hướng lên tượng Đức Mẹ Maria hoặc tượng Đức Chúa Giê-su chắp tay cầu nguyện quốc thái dân an. Những thời khắc ấy, chúng tôi tạm quên đi những giây phút hãi hùng trước những đợt oanh kích của không quân Mỹ tại Đông Dương. Chúng tôi cũng tạm quên đi thực trạng thế giới đang đứng bên bờ vực thẳm: chiến tranh nối tiếp chiến tranh, lòng người ly tán, con người xử sự với nhau còn thua xa loài cầm thú.
Điều khiến tôi đau lòng nhất là đi đâu cũng tận mắt chứng kiến cảnh người dân Việt Nam kéo nhau từng đoàn đi ăn xin. Họ gầy đét da bọc xương, mắt lờ đờ, đi không vững. Họ lặng lẽ đi như ma trơi. Một số người còn sức mở miệng nói được thì chỉ biết thều thào rằng họ quá đói. Nhiều người không cất bước nổi, đành ngồi bệt xuống cho đến lúc ngất lịm.
Chúng tôi thấy người ta nhóm lửa luộc những con chuột cống trong ống bơ sắt hoặc lúi húi thui chín những chú cóc, ếch, nhái bắt được trên đường đi. Những người còn lại giương ánh mắt đói khát ngồi chầu chực.
Chúng tôi cũng chứng kiến vô số người nằm chết dọc hai bên lối đi. Thi thể họ tím ngắt. Tay chân khô queo. Người chẳng ra người. Sáng ra người ta phải thuê xe chở đi chôn ở những hố tập thể.
Linh mục Martino Linh là một người Huế tận tụy với dân. Nhờ giao du rộng, ngài xin được tờ công lệnh của Nhật cho phép vận chuyển 500 tấn gạo ra Bắc Kỳ. Xin được giấy phép ấy quả là kỳ tích, vì Nhật ban bố lệnh cấm thông thương gạo giữa các vùng và kiểm soát chặt chẽ các kho thóc gạo.
Ngài giao tiền lạc quyên cho chúng tôi, bảo chúng tôi vô nam mua gạo. May là tôi quen một anh huynh trưởng Hướng đạo. Anh trực tiếp đưa tôi và Daar cùng đi.
Lúc đoàn mua được gạo chuyển về tới Huế, cha Martino Linh mừng lắm. Ngài chắp tay, ngước mắt lên trời: “May quá, nhờ ơn Chúa!”
Thực ra, trong đợt đầu tiên chúng tôi chỉ mua được 40 tạ gạo, chở về trên chiếc xe tải được ngụy trang để nhìn ngoài người ta tưởng gỗ. Chúng tôi đi cứu trợ ngay. Anh tài xế cùng tôi, Daar và cha Martino Linh vừa rời Huế chừng 9 km thì một tốp thanh niên chặn xe lại. Họ là người của Đội Thanh niên Tiền tuyến do chính phủ Trần Trọng Kim lập nên. May sao, sau khi tôi trình ra tờ công lệnh cho phép vận chuyển lương thực thì họ gật đầu đồng ý cho đi.
Đúng lúc ấy, khi tôi chưa kịp che chắn xong mấy bao gạo, một anh nọ khoảng trên ba mươi tuổi đến chìa ra một tờ đơn. Anh giải thích bằng tiếng Pháp rằng đó là đơn xin cứu tế cho dân làng anh. Anh bảo làng anh chỉ cách đó chưa đến 1 km, bà con chết đói nhiều lắm. Anh năn nỉ tôi và cha Martino Linh đừng đi đâu xa, hãy đến nơi ấy ngay.
Vị linh mục lưỡng lự một hồi rồi gật đầu. Ngài bảo đó là ý Chúa, bởi vì nếu xe không dừng lại thì mọi chuyện đã khác rồi.
Làng Hương Cần – quê anh ấy – quả là nơi quá nghèo khổ. Khi chúng tôi tới đó thì dân địa phương chở xác chết chưa xong, nên ngửi cả mùi tử khí và tận mắt chứng kiến nhiều tử thi nằm chồng lên nhau.
Chỉ trong nháy mắt, hằng trăm người đã vây lấy xe chở gạo của chúng tôi. Tất cả đều gầy đét, xanh xao, nhợt nhạt. Trong khi tôi cùng Daar và anh trung niên người Hương Cần khiêng những bao gạo đầu tiên ra, thì quá đông bà con tự ý xông lên lôi gạo xuống. Họ hì hục khiêng gạo, mắt sáng rỡ. Một số người ỷ mạnh bắt đầu chen lấn, xô đẩy. Cha Martino Linh đứng ra nhắc nhở, nhưng bản năng sinh tồn như một phản xạ sinh vật quá mạnh mẽ, họ tranh nhau giành giật.
Monsieur Trần, anh trung niên đầy thiện chí thấy vậy lễ phép thưa:
– Thưa cha, xin cha tha lỗi cho họ. Sự đói khát đã hành hạ họ gần hai năm nay. Con chỉ mong cha hết lòng thông cảm.
Khi ngồi ghi lại những dòng hồi ức này, tôi còn nhớ rõ linh mục Martino Linh lúc ấy đã không sao cầm được nước mắt. Ngài đặt tay lên vai Monsieur Trần và nghẹn ngào thốt lên:
– Con yên tâm. Chẳng ai trách cứ một người có lòng tốt như con. Giờ phút này, Thiên Chúa cũng đang mỉm cười với chúng ta mà.
Tôi nhớ sau đó chúng tôi còn tiếp tục đi cứu tế thêm hai chuyến nữa. Và lần nào cũng vậy, khi vừa tới các tỉnh bắc Trung Kỳ, cha Martino Linh quyết định cho xe dừng lại. Ngài ứa lệ khi thấy đồng bào ngài chết đói nằm bỏ xác bên vệ đường. Ngài tổ chức ngay các điểm cứu đói và sai chúng tôi ưu tiên dành gạo cho những người kiệt sức.
Về tới Amsterdam, tôi ngạc nhiên vì thời cuộc đã thay đổi. Quân Đức bại trận rút hết về nước. Với sự chi viện của lực lượng Đồng Minh, Hà Lan đã hoàn toàn được giải phóng. Hằng nghìn người Hà Lan bị quy vào tội phản quốc đang bị lên án gay gắt. Ngay cả những cô gái đã từng kết thân và bán dâm cho đám binh sĩ Đức cũng bị làm nhục bằng cách cạo đầu phết sơn màu da cam. Linh mục Casimir quay về trường trong sự reo mừng hớn hở của đám sinh viên chúng tôi.
Lúc nhóm tôi vào lớp, rất nhiều bạn cứ chăm chăm nhìn. Một lát, lớp trưởng làm ra vẻ ngạc nhiên hỏi:
– Ối trời! Đi tận Đông Nam Á, vậy mà khi về tới đây, chẳng có quà cáp gì sao? Quà đâu, anh Po?
Cả bọn hùa nhau cười cợt. Tôi và hai bạn cùng nhóm đâm ra cứ tự trách mình. Ừ nhỉ, lẽ ra phải có chút quà mang về từ Việt Nam chứ? Chúng tôi quên bẵng mất. Trong những ngày ở đất nước buồn thảm đó, nỗi chết chóc và niềm đau thương dành cho những người đói khổ đã chiếm trọn tâm tư chúng tôi mất rồi.
Tôi bắt tay ngay vào việc viết luận văn mãn khóa. Tôi cực lực lên án cả thực dân Pháp lẫn Phát xít Nhật, những kẻ phải chịu trách nhiệm về nạn đói tại Việt Nam kéo dài từ tháng Mười 1944 tới hết tháng Năm 1945. Căn cứ số liệu do người Việt Nam cung cấp, tôi viết:
“Tính ra, trong suốt 8 tháng, có khoảng 2 triệu người Việt Nam chết đói. Nếu không có phong trào phá kho thóc cứu đói của Việt Minh và sự cứu tế của tổ chức Hướng đạo cùng các nhà hảo tâm thì số người chết hẳn sẽ đông hơn gấp bội.
Nguyên nhân trực tiếp của nạn đói là do thực dân Pháp tích trữ thóc gạo phòng khi Đồng Minh tới đặng sử dụng để tái chiếm Việt Nam; còn Phát xít Nhật thì ra sức thu gom gạo chở cả về nước. Nguyên nhân gián tiếp là sau khi Nhật đảo chánh Pháp, chúng buộc nông dân Việt Nam phải nhổ lúa trồng đay phục vụ cho cuộc chiến phi nghĩa của chúng. Cũng thời gian ấy, chúng nghiêm cấm vận chuyển thóc gạo từ Nam Kỳ ra Bắc Kỳ, trong khi chúng thừa biết ở Bắc Kỳ và bắc Trung Kỳ, dân Việt Nam đang chết đói. Dân trong nam kể rằng, trong lúc ở ngoài bắc bà con nằm chết la liệt, thì nhiều giới chức và sĩ quan Nhật ở Nam Kỳ đun thóc vào lò để sưởi ấm. Bọn ác ôn, thâm hiểm ấy quả thật không còn nhân tính nữa.”
Tháng Bảy 1947, tôi dự lễ mãn khóa do nhà trường tổ chức ngay tại sân trường. Mấy chục sinh viên ngồi bệt giữa nền xi-măng, dưới bóng râm của mấy hàng cây cao ngút mắt. Tôi may mắn giành được thành tích cao, xếp hạng nhì của cả khóa, được ngài hiệu trưởng khen ngợi.
Phần thưởng ngài trao cho tôi được gói trong lớp giấy bóng kính màu đỏ chói lọi. Lúc quay về chỗ ngồi với các bạn cùng khóa, tôi tò mò mở ra coi, biết rằng trong đó có cặp vợt cầu lông, 2 cuốn sách và 1 cuốn sổ tay. Tôi nổi da gà khi trông thấy cuốn sách nằm trên cùng in tên tác giả là Anne Frank – người thiếu nữ tôi thầm yêu trộm nhớ suốt mấy năm qua.
Tim tôi đập thình thịch. Tôi lập tức xé giấy bọc, lôi sách ra. Ồ, thì ra đó là tác phẩm dày tới 352 trang. Bìa nâu sậm. Nhan đề cuốn sách in rất to, nổi bật ngay chính giữa:
HET ACHTERHUIS
Tôi ngắm đi ngắm lại hàng chữ ấy. Trong chớp mắt, cái tiêu đề kia vô tình gợi cho tôi bao ký ức xa xôi về những tháng ngày cùng hai chị em nàng gặp nhau mỗi cuối tuần. Tôi cũng nhớ rõ nàng từng tâm sự rằng sống ở khu nhà sau ngột ngạt, khổ sở lắm. Tôi cũng bồi hồi nhớ tới những phút giây lắng nghe tiếng nước bên nhà nàng chảy róc rách và tim tôi đập rộn ràng.
Điều đáng lưu ý là ngoài tên tác giả và nhan đề, ở trang bìa còn có dòng chữ in nho nhỏ:
DAGBOEKBRIEVEN
van 12 Juni 1942 – 1 Augustus 1944.
Tim tôi đập liên hồi. Tôi tò mò lật xem vài trang đầu thì mới hay cuốn sách do nhà xuất bản Contact ở Amsterdam ấn hành ngày 25 tháng Sáu 1947.
Tôi thật sự xúc động. Người ta nói tới số phận của Anne ngay trong lời giới thiệu sách. Họ in cả chân dung nàng ở bìa sau, mà đó là bức ảnh do tôi chụp.
Trong lời giới thiệu, nhà xuất bản xưng tụng nàng  là cô gái quả cảm đã khéo sử dụng lối văn chương nhẹ nhàng, trong sáng đặng mang lại cho cả thế giới một ngọn đuốc sáng ngời nhằm soi rõ bản chất tội ác diệt chủng của Đức Quốc Xã. Người ta kể rằng nàng cùng gia đình bị bắt vào ngày 4 tháng Tám 1944 do sự chỉ điểm của một tay thợ trong nhà máy của cha nàng để nhận khoản tiền thưởng tương đương 1,5 đô la Mỹ. Bà Miep Gies và cô Bep Voskuiji cũng bị bắt nhưng hôm sau liền được thả ra. Hai người này trở về nhà, tình cờ tìm thấy tập nhật ký của Anne bị bung ra, rơi vãi tứ tung giữa sàn nhà. Quý mến Anne, họ nhặt lên từng tờ. Họ xếp thứ tự theo số trang một cách cẩn thận rồi chờ đợi ngày trả nó lại cho Anne.
Nhưng số phận đã không rộng mở với nàng. Bọn Đức Quốc Xã đã giải gia đình nàng và những người khác đến trụ sở Gestapo. Chúng lấy khẩu cung và tra khảo họ suốt đêm. Do bị bắt lúc đang lẩn trốn, cả tám người hôm đó đều bị khép vào tội cố tình chống đối Đức Quốc Xã. Ngày 3 tháng Chín, họ bị đưa đến trại tập trung Auschwitz. Tại đó, họ bị tách làm hai, nam riêng, nữ riêng. Anne, Margot và cô Edith kể từ hôm ấy không còn gặp mặt chú Otto nữa. Người ta kể rằng trong số 1.050 người Do Thái bị đưa tới đó, tất cả 550 trẻ em dưới 15 tuổi đều bị nhốt vào những căn phòng riêng. Ngày hôm sau, các em bị sát hại bằng hơi ngạt.
Anne thoát chết vì nàng 15 tuổi thừa 3 tháng. Nhưng y hệt các phụ nữ và các cô gái khác, nàng bị lột trần để tẩy trùng, cạo trọc đầu và xăm số tù trên cánh tay. Ban ngày nàng phải quần quật lao dịch như nô lệ. Đêm đến, nàng vùi đầu trong những lán trại lạnh lẽo. Chẳng bao lâu, da nàng nổi toàn mụn ghẻ.
Ngày 28 tháng Mười 1944, 8 nghìn phụ nữ ở trại ấy bị chuyển sang trại Bergen-Belsen, trong đó có Anne, Margot nhưng không có cô Edith. Họ gào khóc khan hơi khản tiếng khi phải lìa xa nhau trong hoàn cảnh khốn cùng. Tại nơi ở mới, Anne tình cờ gặp Goslar và Blitz, hai bạn học cũ.
Blitz thuật lại rằng Anne bị rụng hết tóc, gầy giơ xương và run lẩy bẩy. Còn Goslar kể, mặc dù đang mắc bệnh, Anne rất lo cho chị Margot vì chị ấy bệnh nặng hơn.
Trong nhật ký của mình, Anne viết, kể từ khi biết tới Đức Chúa Giê-su theo lời kể của tôi, nàng ngày đêm hay nghĩ tới Chúa. Trong những lúc gian nan, chính nhờ có Chúa trong lòng mà Anne cảm thấy tâm hồn mình thanh thản hơn. Anne bảo nàng rất quý những kỷ niệm từng có với gia đình tại khu nhà sau. Nàng cũng rất quý những tấm ảnh do tôi chụp, nhất là những tấm ảnh chụp chung cả gia đình.
Ở một trang khác, nàng viết nàng có linh cảm dường như có ai đó hay nhìn lén nàng, nhưng đó chỉ là cảm giác mơ hồ thôi. Rồi nàng bảo nàng mến Peter, cậu con trai của gia đình Van Pels cùng sống lén lút tại khu nhà sau; nhưng nàng sớm nhận ra đó chỉ là sự cảm thông đối với người cùng cảnh ngộ.
Bằng những lời chân thật, với văn phong uyển chuyển pha lẫn sự hồn nhiên và đôi chút đỏng đảnh của tuổi dậy thì, Anne đã khiến tôi xúc động mãnh liệt khi đọc nhật ký của nàng.
Đọc qua lời bạt ở cuối sách, tôi kinh ngạc phát hiện ra bà Miep Gies là một tay văn chương tầm cỡ. Theo lời thuật lại của một số người trong cuộc, bà kể rằng trong thời gian dài, Anne đã rất lo cho sức khỏe của Margot. Đầu tháng Ba 1945, dịch sốt thương hàn lây lan khắp trại. Sau một thời gian ngắn, lên tới 17 nghìn người thiệt mạng. Margot đang nằm nơi mé giường bỗng nấc lên rồi té xuống đất. Cái chết thê thảm của Margot làm cho cả Blitz lẫn Goslar phát hoảng. Nhưng họ cố giấu không cho Anne biết.
Sang ngày 12 tháng Ba, Anne kiệt sức. Nàng không thể nhấc người lên khỏi giường. Toàn thân nóng như lửa. Khi chiều về, nàng mê sảng. Đến tối, nàng trút hơi thở cuối cùng.
“Người ta nghĩ sai khi bảo rằng Anne là biểu tượng của 6 triệu người Do Thái bị bức hại cho tới chết. Thật ra, cuộc đời và cái chết của Anne chỉ là số phận của một cá nhân riêng lẻ; nhưng số phận thảm khốc ấy đã diễn ra tới 6 triệu lần.”
Khi đọc tới dòng chữ kinh hoàng do bà Miep Gies viết, tôi bật khóc. Tôi đã cố kìm nén, nhưng bao dòng lệ đắng trong người cứ xối xả tuôn ra. Tôi muốn gào to lên khi biết rằng thật sự cô nàng đáng yêu ấy đã không còn trên cõi đời này nữa.
– Po! Kỳ vậy! Sao lại khóc? Nín đi! – Daar lay mạnh cánh tay tôi.
Dường như trên loa có tiếng ai đó cũng nhắc tôi loáng thoáng như thế. Nhưng bao muộn phiền, bao nhớ nhung ray rứt, bao khát khao nồng nhiệt của tuổi thanh xuân từ lâu dồn nén trong đáy sâu linh hồn tôi, tới giờ ấy đã biến thành một dòng suối lệ tuôn trào bất tận.
Chương 45
Không những anh Lumumba, mà ngay cả chị Pauline cũng có cảm giác như đang ngồi trên đống lửa. Suốt thời gian qua, kể từ khi đưa các con về chung sống ở phủ thủ tướng, chưa ngày nào chị cảm thấy bình yên.
Chị đi vào đi ra trong ánh nhìn dò xét của những người có chức quyền đi qua đi lại. Bước lui bước tới với cái bụng bầu trong tòa nhà rộng, chị có cảm tưởng như hằng chục kẻ tai mắt đang dòm ngó chị. Thêm vào đó, tình hình chính trị – xã hội đang rối, anh Lumumba phải đương đầu với bao thử thách, thử hỏi làm sao chị an tâm được.
Một ngày đầy mây mù tháng Bảy 1960, chị chuyển dạ đúng lúc anh Lumumba đang hết sức bận bịu. Các bà mụ vườn đã đến bên chị. Họ chăm sóc tận tình, và cuối cùng một bé gái kháu khỉnh cất tiếng khóc chào đời ngay trong phòng chị. Ngọn lửa thiêng được đốt bên ngoài, sát căn phòng ấy.
Chị nằm đó mà cứ mơ tưởng tới những ngày trước kia khi các con là Patrice, Julienne rồi Roland ra đời. Những ngày ấy thật đạm bạc mà đầm ấm và vui vẻ vô cùng; anh Lumumba luôn có mặt ngay bên cạnh. Anh lo cho chị cả chuyện giặt giũ, quét dọn và bếp núc. Hồi tưởng tới những điều đó, chị Pauline cảm thấy tủi thân; đôi dòng lệ tuôn rơi ướt cả mặt gối.
Anh Lumumba về với chị khi trời đã tối mịt. Vẻ mặt và ánh mắt anh vẫn chưa thoát ra khỏi nỗi lo toan. Hình như anh cố cười cho chị vui.
– Ối trời! – anh vỗ về. Vợ anh thật tuyệt! Coi nào! Một cô công chúa! Anh rất hạnh phúc, Pauline!
Anh cúi xuống hôn lên trán vợ. Anh âu yếm sờ lên những sợi tóc non tơ của “cô công chúa” rồi hôn chùn chụt lên má con.
Sau vài lời hỏi thăm, Lumumba quay về ngay với một lô công việc. Anh đi như chạy sang phòng làm việc để gọi điện cho Victor Lundula.
Vị thiếu tướng tổng tư lệnh Quân đội Quốc gia Công Gô cho biết có ba mẩu tin quan trọng. Bấy giờ đã gần 10 giờ đêm, nhưng anh mong muốn đến ngay để diện kiến thủ tướng.
Cửa phòng chờ sẵn. Vị tổng tư lệnh bước vào. Anh vội thưa hiện nay rất đông binh sĩ xì xầm rằng ông đại tá Joseph Mobutu, người vừa mới được thủ tướng bổ nhiệm làm tham mưu trưởng quân đội Công Gô rất có thể là người do CIA cài vào. Nghe nói trong những ngày ông ấy dự hội nghị bàn tròn tại Bruxelles, tòa đại sứ Mỹ tại đó đã bí mật gặp riêng ông ấy tới ba lần.
Tin thứ hai là ông E.J. trở mặt. Y tuyên bố từ chức, nhưng bí mật kêu gọi chính phủ Bỉ cung cấp thêm binh lính. Có mật báo cho biết trong vài ngày nữa, quân đội Bỉ sẽ trở lại tái chiếm Công Gô.
Mẩu tin thứ ba cho hay một số sĩ quan Bỉ đã ngấm ngầm thông đồng với ông Moïse Tshombé. Họ hứa rằng nếu ông ấy đòi tự trị cho tỉnh Katanga thì họ sẽ đưa quân sang ủng hộ hết mình.
Cả ba mẩu tin ấy đều khiến thủ tướng vô cùng lo lắng. Anh nhíu mày. Mồ hôi trán toát ra. Để khỏa lấp vẻ bối rối trước mặt thuộc hạ, Lumumba hạ giọng:
– Mọi chuyện thật phức tạp. Nhưng Victor nè! Từ sáng đến giờ tình hình các nơi thế nào?
– Dạ, thưa thủ tướng – vị tổng tư lệnh nói, hơi lớn giọng. Điều đáng tiếc là người dân khắp nơi vẫn ùn ùn kéo tới các khu nhà của người châu Âu. Họ dốt nát tới mức không phân biệt được ai là Bỉ, ai là Pháp, ai là sĩ quan Bỉ, ai là các nhà khoa học đáng kính. Chúng tôi đã hết sức cố gắng nhưng không tài nào ngăn nổi làn sóng nổi dậy hung hăng, điên cuồng của họ. Tình hình ở Élisabethville và Luluabourg rất tệ.
–  Cậu cứ trình bày đi!
– Thưa thủ tướng, một toán quân bạo loạn đã dùng cả súng máy phục kích ở Élisabethville. Họ hạ sát năm người da trắng, trong đó có cả phó tổng lãnh sự Ý. Khi chúng tôi đến nơi thì họ đã rút đi, không để lại dấu vết chi cả.
– Ối chà! Thật đáng tiếc!
– Còn ở Luluabourg, người da trắng gần như bị giam lỏng trong nhà. Vậy là tính ra, trong suốt mấy ngày qua, có tới 20 người châu Âu đã bị sát hại.
– Tình hình gay go quá. Ngay bây giờ tôi sẽ đến những nơi ấy. Cậu sắp xếp đi với tôi. Tôi cũng sẽ mời ngài tổng thống ngay sáng mai đến trấn an dân chúng ở các thành phố đó. Cậu lưu ý cho hệ thống loa tiếp tục phát đi lời kêu gọi của phủ thủ tướng.
– Dạ, xin tuân lệnh.
Victor Lundula vừa bước ra khỏi phòng, chuông điện thoại inh ỏi reng lên. Phía đầu dây bên kia là giọng nói chát chúa, lanh lảnh, xen lẫn nhiều phương ngữ của ông Tshombé. Với giọng lưỡi hết sức trịch thượng, ông tỉnh trưởng tỉnh Katanga yêu cầu thủ tướng công nhận tỉnh ông tự trị.
Anh Patrice Lumumba thẳng thắn trả lời rằng yêu sách ấy không chính đáng, Công Gô phải là một quốc gia thống nhất về lãnh thổ, mọi sự dựa dẫm vào người Bỉ đều phương hại đến nền độc lập của Công Gô. Anh kiên trì giải thích thấu đáo, nhưng ông Tshombé tỏ ra bất mãn.
Mười phút sau, vị thủ tướng cùng anh tổng tư lệnh và một tiểu đội binh lính có mặt trên hai chiếc xe nhà binh.
Thủ tướng đến nhiều nơi để hầu chuyện người dân. Anh kêu gọi mọi người giúp chính phủ bằng cách giữ gìn trật tự, trị an. Anh nhấn mạnh, Công Gô đã có độc lập tự do, vậy thì mọi cuộc tấn công vào người Bỉ lúc này chẳng đem lại lợi ích gì, trái lại chỉ khiến tình hình xấu đi.
Trong một toán xe khác, tổng thống Kasavubu tìm tới các thị trấn. Ông nhắc nhở mọi người ra sức gìn giữ hòa bình. Ông bảo, người Công Gô xưa nay vốn có truyền thống hiếu hòa và tương thân tương ái. Vì vậy, ông mong muốn mọi người chấm dứt ngay các hành vi bạo loạn.
Nhưng bất chấp mọi nỗ lực của nhà chức trách Công Gô, trưa ngày 10 tháng Bảy 1960, quân đội Bỉ bắt đầu tràn vào các vị trí xung yếu. Tàu chiến đã có mặt tại các cửa sông Công Gô. Không quân, bộ binh ùn ùn kéo đến. Viện cớ bảo vệ các gia đình người da trắng còn làm ăn sinh sống tại Công Gô, Bỉ công khai tuyên bố trong vòng mười ngày sẽ đưa 11 nghìn quân vào Công Gô.
Ông Kasavubu và anh Lumumba tỏ ra vô cùng bực tức. Nhưng trước sự thể đã rồi, họ buộc phải chấp nhận. Họ đưa ra thỏa thuận: quân đội Bỉ chỉ được phép đồn trú và hoạt động tại những vị trí do quân đội Công Gô chỉ định. Ngoài ra, bất cứ lúc nào, nếu lệnh này được thu hồi, quân Bỉ phải rút ngay về nước.
Bất ngờ đến cuối ngày, Hải quân Bỉ tấn công thị trấn Matadi, bắn chết 19 người dân Công Gô vô tội.
Sự khai hỏa phi lý này làm bùng lên ngọn lửa căm phẫn trong lòng người dân Công Gô. Họ lập tức trả đũa bằng cách kéo nhau đi đốt phá các tòa nhà và chặn đánh các đoàn xe dân sự của người ngoại quốc.
Cuộc chiến Bỉ – Công Gô thật sự bùng nổ.
Chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ, quân đội Bỉ đã chiếm các thành phố lớn của Công Gô kể cả thủ đô Léopoldville. Kế đó, đúng như tiên đoán của chính phủ Công Gô, sau khi giữ lại một phần tư quân số ở Léopoldville, hết thảy binh lính Bỉ còn lại đều dồn về Katanga, nơi họ đã thỏa thuận ngầm với ông Tshombé.
Ngày 11 tháng Bảy 1960, ông Tshombé tuyên bố Katanga là một bang tự trị, ly khai khỏi chính phủ Công Gô. Ngày hôm sau, tổng thống Kasavubu và thủ tướng Lumumba có ý định đến Élisabethville bằng phi cơ nhưng bị từ chối thẳng thừng. Cả hai còn bị người Bỉ chế nhạo là những kẻ muốn trốn chạy khỏi sự kiểm soát của Bỉ.
Giữa tình thế khó xử, hai vị đứng đầu nhà nước Công Gô liền đệ đơn kêu cứu Liên Hợp Quốc. Họ kể rõ tình hình mất an ninh nghiêm trọng tại Công Gô, yêu cầu Liên Hợp Quốc cử lực lượng gìn giữ hòa bình đến đất nước họ. Họ cũng yêu cầu Bỉ rút hết binh lính ra khỏi Công Gô vì sự có mặt của quân đội Bỉ chính là lý do khiến gần hai chục triệu người Công Gô phản kháng.
Ngay lập tức, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết 143 yêu cầu Bỉ rút hết quân ra khỏi Công Gô. Họ cũng mở ngay một chiến dịch mang tên “Chiến dịch Liên Hợp Quốc tại Công Gô” nhằm vãn hồi hòa bình tại đất nước này. Song tình hình không mấy sáng sủa. Lực lượng kháng chiến tự phát nổi lên khắp nơi tại tỉnh Katanga trong khi Bỉ vẫn ngoan cố không chịu rút quân. Tình hình an ninh tại đó vô cùng tồi tệ. Cả thủ tướng lẫn tổng thống đưa ra lời đề nghị quân đội Liên Hợp Quốc can thiệp tận Katanga, nhưng tướng Alexander, người đứng đầu lực lượng ấy phúc đáp rằng họ không được giao nhiệm vụ đó.
Quá thất vọng trước sự can thiệp kém hiệu quả của Liên Hợp Quốc, đồng thời nhận ra âm mưu đen tối của Bỉ nhằm chiếm lấy Katanga giàu khoáng sản, tổng thống Kasavubu và thủ tướng Lumumba cùng có chung ý tưởng sẽ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Bỉ.
Ông Kasavubu gọi điện cho Lumumba lúc nửa đêm.
– Tình hình đến nước này, rõ ràng chúng ta đang gặp khó khăn rất lớn – ông nói, giọng hăng lên rồi chùng xuống. Ban đầu tôi đặt hy vọng ở lực lượng gìn giữ hòa bình. Nhưng càng kỳ vọng, càng thất vọng. Họ gần như chẳng làm được trò trống chi cả.
– Dạ, thưa tổng thống. Tôi cũng nhận định như vậy. Có lẽ chúng ta nên nghĩ tới một số giải pháp khác.
– Theo cậu, có nên đặt quan hệ ngoại giao với Mỹ hoặc Liên Xô không? – vị tổng thống tỏ ra rất lập lờ; anh Lumumba có cảm nghĩ ông ta chẳng có chút lập trường hay toan tính dài hơi nào cả.
– Dạ, điều rất khó cho chúng ta là Công Gô đã tuyên bố trung lập. Vả lại, như hai con hổ đang gầm gừ, Liên Xô và Mỹ đang đối đầu với nhau trong chiến tranh lạnh. Nếu chúng ta nghiêng hẳn về một bên, thì điều đó có nghĩa là chúng ta phải đương đầu với phía bên kia.
– Vậy, ý cậu thế nào?
– Dạ, tôi sẽ tiếp tục cân nhắc về vấn đề quan trọng này.
– Vâng, tôi chờ ý cậu.
Chương 46
Một hôm, tôi đang sắp xếp lại kệ sách thì chú Otto, cha của Anne gõ cửa. Tôi mừng phát run khi gặp lại chú. Nhiều tuần trước, được bà Miep báo tin, tôi đã hai lần sang tìm thăm chú nhưng chưa gặp.
Tôi hân hoan thật sự vì chú thoát chết trong tay bọn khốn. Ôm nhau trong vòng tay, tôi thấy người chú gầy rạc đi. Sau khi nắm tay thân mật, chú cười cười bảo, có hai món quà dành cho tôi, nhưng nặng quá, không ôm sang được.
Tôi vơ đại khăn quàng quấn thêm cho đỡ rét, rồi bước sang, lòng đầy hồi hộp. Đây là lần đầu tiên tôi bước lên cầu thang, đặt chân tới KHU NHÀ SAU ở tầng ba nhà bà Miep – chỗ trú ngụ của Anne trước kia. Tôi xúc động nổi da gà khi trông thấy dọc hành lang nhiều bức ảnh chụp gia đình thật đẹp, mà tôi là “tác giả”.
Thật sự tôi không dám nhìn lâu vì sợ chúng gợi lên nỗi mất mát lớn lao. Gương mặt và ánh mắt của Anne thật ra cứ thấp thoáng trong tâm trí tôi bấy lâu nay.
– Po! Hai món quà dành cho con đây! – chú Otto cao giọng.
Tôi bắt gặp hai người rất thân thiết. Chàng thanh niên lịch thiệp quàng tay ôm chặt lấy tôi là Saharat; còn cô gái ngồi nhìn tôi mắt long lanh là Emila. Tôi không ngờ hôm nay mình được gặp lại họ trong không gian đáng yêu như thế này.
– Cậu thế nào? Nghe nói mãn khóa rồi hả? – Saharat buông tay ra, cất tiếng hỏi.
Tôi đáp, tôi rất khỏe. Tôi nói rõ đã hoàn tất chương trình học, giờ định tìm cách về quê.
Tôi muốn kéo cả hai anh em sang nhà tôi, nhưng chú Otto không đồng ý. Chú nói, đến trưa sẽ tổ chức tại đấy một bữa tiệc. Chú còn cho tôi biết vợ chồng bà Miep sẽ cùng dự.
Emila nhìn tôi, bẽn lẽn cười. Cô hỏi tôi điểm mãn khóa thế nào. Tôi thật thà đáp, lẽ ra đỗ thủ khoa, nhưng vì môn thần học thấp điểm nên tôi chỉ đứng nhì.
– Thần học? Thần học là sao, anh Po? – Emila tròn mắt hỏi.
Tôi không trả lời thẳng, nhưng thong thả đáp:
– Các vị linh mục đưa ra câu hỏi về kinh nghiệm gặp Chúa. Và họ hỏi tôi thực hành những gì để tỏ lòng thờ phượng Chúa.
– Thế, cậu làm bài thế nào? – Saharat xen vào.
– Tôi thật thà viết rằng dường như có một nguyên lý tuyệt đối, một guồng máy vô hình vận hành trong vũ trụ và chi phối cuộc sống muôn loài. Tôi không khẳng định có Thiên Chúa toàn năng sáng tạo nên vạn vật và ban phát hoặc gieo rắc phúc họa cho chúng ta.
– Ôi! Bài làm vớ vẩn thế thì lẽ ra cậu bị đánh hỏng mới phải! – nhà văn Miep Gies đứng đâu sau lưng tôi bỗng nói vọng vào.
Rồi bà thân mật ngồi xuống cạnh tôi. Bà bảo Thiên Chúa có thật. Chúa là đấng tạo ra muôn loài. Vì yêu thương thế gian, ngài đã sai con một của ngài là Đức Giê-su Ki-tô xuống trần gian này để chuộc tội cho loài người. Bà cũng khẳng định, sở dĩ tôi chưa cảm nhận được sự hiện diện của Chúa vì lòng thành của tôi chưa đủ độ chín mà thôi.
Câu chuyện rôm rả hẳn khi có thêm chú Jan Gies, chồng bà. Điều khiến tôi ngạc nhiên là chú Otto mời kiến trúc sư Saharat đứng ra cải tạo nhà bà Miep thành một KHU BẢO TỒN đặng trưng bày thường xuyên các hiện vật liên quan tới gia đình chú và tố cáo tội ác của Phát xít Đức. Chú mong muốn từ đó về sau thế giới ghi nhớ tên tuổi và số phận của Anne qua cuốn nhật ký của nàng. Chú kỳ vọng khách du lịch khắp nơi khi đến Amsterdam sẽ viếng thăm khu bảo tồn ấy. Nhân đó, chú đề nghị tôi vui lòng cắt bớt hơn một phần tư diện tích căn nhà tôi cho chú.
Điều thứ hai khá thú vị là không ngờ cả Saharat lẫn Emila đều biết rõ nơi sinh trưởng của tôi. Khi tôi nhắc tới bộ tộc Blasensenla với biệt danh “Bộ tộc cười và nhảy”, cả hai trố mắt lên. Họ không ngờ tôi sinh ra ở nơi rừng thiêng nước độc và hoang sơ đến vậy. Họ bảo, gia đình họ ở bộ tộc Sahanana, chỉ cách đó chừng vài chục ki-lô-mét. Điều lạ là người tỏ ra mừng rỡ đến nghẹn lời khi biết tới “tình láng giềng” giữa hai bộ tộc ấy chính là Emila. Mắt cô sáng bừng lên. Mấy ngón tay thuôn thuôn xinh xắn của cô run run như sắp nhận được món quà gì to tát lắm.
Liền sau khi nhận được thư hồi đáp của chú Antoine, tôi làm thủ tục tặng một phần ngôi nhà cho chú Otto, đồng thời bán đứt phần còn lại cho bà Miep. Kế đó, tôi gửi bà một khoản tiền để hằng tháng đi thăm mộ chú Klaus-Peter Müller. Rồi tôi gửi hết phần tiền còn lại để chú Antoine lo thuốc thang cho bà Müller bây giờ đã liệt giường. Xong đâu đấy, tôi gọi điện rủ hai anh em Saharat và Emila về quê.
Họ rất tán thành. Ngặt một điều, chú Otto cố giữ chân Saharat để lo chuyện sửa nhà. Vậy là tôi và Emila lên đường về châu Phi mà không có Saharat.
Phải mất tới mười hai ngày đường chúng tôi mới về tới thành phố Fort-Lamy, một thành phố của Châu Phi Xích Đạo thuộc Pháp nằm ở vùng trung-bắc châu Phi. Từ độ cao nghìn mét, tôi đã trông thấy mặt hồ Tchad xanh biếc, rộng mênh mông; thành phố hiện ra kỳ ảo trong màn sương mỏng.
Emila có trí nhớ tuyệt vời. Đã ở Pháp và Hà Lan quá lâu, vậy mà cô có thể kể vanh vách cho tôi nghe về những kỷ niệm êm đềm gắn liền với từng góc phố rợp bóng cây ở Fort-Lamy lúc cô còn theo học tại đó.
Chúng tôi về tới mảnh đất quê nhà của cô ở vùng rừng núi phía nam vào trưa hôm sau. Đúng như cô nói, ở đó có nhiều bộ tộc khác nhau, ngôn ngữ và văn hóa rất đa dạng. Có mấy bộ tộc người không hề mặc quần áo chi cả mà chỉ phết lên mình đủ thứ phẩm màu. Lại có vài bộ tộc, phụ nữ phải xẻ môi ra để đeo những chiếc đĩa trang sức làm bằng đất sét phết phẩm màu; trông họ ngộ nghĩnh và thật đáng thương.
Lật đật buông ba lô xuống, Emila tần ngần đứng trước một túp lều cỏ; nó na ná như các túp lều tôi vừa trông thấy dọc hai bên con đường đất lưa thưa cỏ. Chúng có cửa ra vào khá nhỏ và rất thấp, nhưng mái lại quá cao.
– Xhoikhakha! Xhoikhakha mohe! – dường như cô gọi ai đó trong túp lều.
Cánh cửa bật mở. Một đoàn ba đứa trẻ hớn hở ùa ra. Lát sau, một phụ nữ da nhăn nheo chầm chậm lại gần. Emila ôm chầm lấy bà, nước mắt tuôn trào. Tôi khựng lại một hồi lâu; rồi cô giới thiệu đó là mẹ cô – bà Xhoi.
Bà tròn mắt nhìn tôi. Đoạn bà cười cởi mở, để lộ đôi hàm răng trắng sáng rất tương phản với màu da. Bà nói với Emila câu gì đó nhưng tôi không hiểu.
Emila phá ra cười. Rồi cô bất ngờ ôm chầm lấy tôi, thốt lên hai câu rành rọt bằng tiếng Pháp:
– Mẹ ra lệnh em lấy anh! Mẹ cam đoan anh sẽ là người chồng tốt!
Tôi bối rối và ngượng ngùng muốn trườn người ra khỏi vòng tay cô đồng thời cảm thấy rất ngạt thở, nhưng không thể…
2/12/2022
Trần Như Luận
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dấu chấm thang - Chùm thơ của Trần Hương Giang

Dấu chấm thang - Chùm thơ của Trần Hương Giang Biết thương cuộc sống ta bà/ Đổi thay, tôi lại thiết tha yêu đời/ Dù chỉ là phút giây thôi/...