Thứ Ba, 14 tháng 1, 2025

Câu chuyện dịch thuật: Bao giờ có những: "Dịch trường"

Câu chuyện dịch thuật: Bao giờ
có những: "Dịch trường"?

Là người yêu danh thắng, đại ca Nguyễn Chấn Hùng lặn lội đi thăm khắp chốn Đông Tây. Riêng về Trung Quốc, đại ca tổng kết lại: “Tôi được thăm đất Trường An, Tây An xưa và nay. Quá khứ Trung Quốc chồng chất tại đây: đế đô Phong, Hạo của nhà Chu, kinh đô Hàm dương của vua Tần, đế đô Trường An của Hán Cao Tổ nằm hai bên bờ sông Vị Thủy. Tôi được thăm bảo tàng Binh Mã Dũng trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng, được cùng nhà thơ Bạch Cư Dị ngậm ngùi cho mối tình của Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi tại Thanh Hoa Trì nơi mỹ nhân thường tắm gội. Và tháp Đại Nhạn với tượng Đường Tam Tạng lại đậm nét nhất trong tôi” (DNSGCT, số 23 tháng 2.2009).
Chữ “Và” nhẹ như không mở đầu câu cuối, song tôi muốn đọc thành chữ “Nhưng”! Lạ nhĩ mà cũng hay thật: tên tuổi bao anh hùng, mỹ nhân lừng lẫy một thời khiến ta kinh hãi và xót thương, mà rồi cũng phôi pha. Đọng lại “đậm nét nhất” trong tâm khảm lại là hình ảnh một lão thư sinh áo vải, cặm cụi một mình sang phía Tây, dãi gió dầm sương cầu học, lầm lũi trở về cố quốc, lại cặm cụi với quyển sách và cây bút cho đến phút cuối đời, với lời trăn trối: “Các ngươi hãy bình tĩnh và hoan hỉ từ giả cái thân giả tạm này sau khi nó đã làm xong nhiệm vụ”. Tức là xem tấm thân mình cũng như tờ giấy, cây bút! Chỉ để “làm xong nhiệm vụ”. Nhiệm vụ gì vậy? Đường Thái Tông nói hộ Ngài:
“Chân giáo khó tin, được mấy kẻ nhất tâm quy ngưỡng
Tạp học dễ tập, nào ai hay phân biệt chính tà
… Nghĩ muốn chia điều chẻ lý, mở rộng chỗ học xưa
Bỏ ngụy thêm chân, khai thông kẻ hậu tấn”
(Lời đề từ cho “Tân phiên kinh luận”)
Thế thôi. Bao nhiêu vinh quang dành cho Ngài khi còn sống (đón rước linh đình, xây chùa dựng tháp cho Ngài làm “dịch trường”) và sau khi nhắm mắt (vua bãi triều ba ngày, than thở: “Trẫm nay mất một quốc bảo!”; một triệu người tham dự đám tang, ba vạn người làm lều ở cạnh mộ…) đều chỉ là những chuyện phù vân. Người học trò ấy ra đi năm 33 tuổi (năm 628), lặn lội 17 năm, mang về nước 657 bộ kinh, dành 19 năm để dịch được 75 bộ, gồm 1335 quyển. Bước vào tuổi 69 (cuối tháng 1, 664), còn bắt tay dịch bộ Đại Bảo Tích, dịch được ít giòng, bỏ bút, than thở: “Bộ này dài bằng bộ Đại Bát Nhã, Huyền Trang này tự lượng sức không còn dịch nỗi nữa”. Đệ tử khóc, đề nghị dịch tóm tắt, Ngài không đồng ý. Mấy đêm sau, Ngài gát bút nghìn thu (5.2.664).
Hãy nghe đệ tử của Ngài là Huệ Lập kể lại: “Ngài ở chùa Từ Ân, chuyên lo phiên dịch, ngày nào gặp việc, dịch chưa xong, thì đêm đến, dịch thế lại, dịch cho đến chỗ làm dấu trước trong nguyên bản mới dừng lại, cho tới canh ba. Sang canh năm, Ngài đã trở dậy, đọc to bản Kinh chữ Phạn, lấy điểm son làm dấu thứ tự, dịch trước những đoạn sẽ dịch trong ngày… Đau thì Ngài dùng thuốc chứ không bao giờ nghỉ việc phiên dịch và dạy học”. (Võ Đình Cường, Đường Tam Tạng thỉnh kinh).
Vua Đường Cao Tông quý Ngài, muốn đến thăm, nhưng thỉnh thoảng thôi vì cũng không dám quấy rầy! Đó là sức làm việc. Còn đây là cách làm việc: “Ngài lấy ba bộ Đại Bát Nhã không cùng một mẫu đem từ Ấn Độ về, hễ đến đoạn nào ngờ, thì đem ra so sánh, hiệu duyệt cẩn thận đến hai, ba lần mới dám hạ bút”.
Ngài không làm việc một mình, mà tổ chức cả một dịch trường gồm hàng trăm người, phân công thành một hệ thống hoàn bị: - dịch chủ, là người chỉ huy, tinh thông Hán-Phạn, nghĩa lý phán đoán xác thực, do Ngài đảm nhận; - bút thụ: dịch nghĩa Phạn → Hán; - độ ngữ: thạo tiếng Phạn, phiên âm ra tiếng Hán (vd: “Ba la mật”…) đọc lên nghe âm vận, thấy không ổn thì phiên âm lại; - chứng Phạn: so lại với Phạn văn xem có đúng không; - nhuận văn: chuốt lại cho hợp với văn pháp Hán; - chứng nghĩa: đem bản dịch so lại với nghĩa lý nguyên bản, nếu sai thì sửa lại; - tổng khám: xét chung lại một lần cuối cùng trước khi hoàn thành bản dịch.
Là một dịch giả tinh thông, nghiêm cẩn, Ngài đặc biệt quan tâm đến vấn đề phương pháp luận dịch thuật để tạo cơ sở vững chắc cho việc phiên dịch sách kinh điển. Huyền Trang là người khai sáng thời đại tân dịch (phương pháp mới về phiên dịch kinh điển), kế thừa và phát triển hai truyền thống trước đó là trực dịch (dịch sát, thời Hán) và ý dịch (dịch thoát, thời Lục Triều). Sở dĩ gọi là tân dịch, theo Lương Khải Siêu, là vì: “Dịch sát và dịch thoát, phối hợp hài hòa, đó chính là phương pháp phiên dịch tốt nhất” (Trực dịch ý dịch, viên mãn điều hòa, tư đạo chi cực quý dã).
Tiền bối của Ngài là Đạo An, ngay từ năm 382, đã đi rất xa trong lý thuyết phiên dịch, đúc kết lại trong nguyên tắc ngũ thất bản (năm điều mất mát) và tam bất dị (ba điều khó), còn có giá trị tham khảo quý báu cho ngày nay. Năm điều mất mát:
- cú pháp ngược nhau (vd: Hán, Việt, Anh, Pháp có cú pháp thuận; Phạn, Đức có cú pháp ngược), dịch không khéo sẽ sai với nguyên bản.
- kinh điển Phạn chú trọng nội dung cần truyền đạt (thượng chất), còn văn phong Trung Quốc (và cả Việt Nam?) thích nói văn vẻ (hiếu văn): dịch hoa mỹ thì không đúng nguyên tác; dịch trung thực thì không được ưa chuộng.
- kinh điển dài dòng, bản dịch muốn ngắn gọn, là không đúng nguyên tác.
- kinh điển có phần bổ túc, chú thích rất dài, bản dịch cắt bỏ đi mất.
- kinh điển bàn sâu tán rộng, bản dịch lại cho là trùng lắp, tùy tiện lược bỏ.
Còn ba điều khó là:
- văn hóa, phong tục khác nhau, rất khó làm cho hai bên hiểu nhau.
- kinh điển uyên thâm, người thường không dễ lĩnh hội.
- không dễ nắm bắt ý nghĩa đích thực của nguyên bản.
Đi vào kỹ thuật dịch, Ngài Huyền Trang có đóng góp độc đáo và sáng tạo với nguyên tắc Ngũ bất phiên (năm điều không thể/ không nên dịch): - những danh từ riêng không thể dịch; - những danh từ mật giáo có uy lực gia trì, không nên dịch; - những từ đa nghĩa, dịch một thì mất mấy nghĩa kia; - những chữ đã quen thuộc, không nên dịch lại, làm rối thêm; - những gì nhảm nhí thì không nên dịch. Như thế, nguyên tắc “ngũ thất bản” của Đạo An và “ngũ bất phiên” của Huyền Trang đã bao quát hầu hết những nội dung chính của một lý luận phiên dịch hoàn chỉnh, và là cơ sở cho một môn thông diễn học về thánh điển (hermeneutica sacra) ở phương Đông, song hành với những Philo, Origenes, Augustin, M. Luther ở phương Tây, đóng góp vào môn thông diễn học phổ quát hiện đại (hermeneutica generalis), bàn về mối quan hệ giữa văn bản, sự lý giải và dịch giả/ người lý giải.
Từ ngày mất của Ngài Huyền Trang đến chúng ta ngày nay là 1345 năm, tức hơn… mười ba thế kỷ. Kinh điển, sách vở trong thiên hạ không biết phải chất thành bao nhiêu bồ. Công việc “chia điều chẻ lý”, “bỏ ngụy thêm chân” nặng nề và khó khăn gấp vạn bội. Xin lấy Châu Âu làm ví dụ. Châu lục ấy gồm rất nhiều quốc gia, với rất nhiều ngôn ngữ khác nhau. Và không phải cứ ở gần nhau là có thể đọc được sách của nhau! Vì thế, công việc dịch thuật, chú giải buộc phải diễn ra ở đó một cách quy mô, dồn dập và liên tục. Không dịch nhanh, dịch đúng, dịch đầy đủ, dịch kịp thời thì các đại học, nhất là các bộ môn khoa học xã hội, nhân văn, chắc phải đóng cửa hết. Không thể chờ đợi sinh viên phải thạo ngoại ngữ (làm sao có thể tinh thông nhiều ngoại ngữ ở lứa tuổi đôi mươi!); và cho dù có biết, thì cả nền học thuật đầy tự hào của một quốc gia độc lập cũng không được phép… nói bằng tiếng nước ngoài!
Nói gần, nói xa, chẳng qua nói thật: bao giờ ở ta mới có được những dịch trường đúng nghĩa? Mười ba thế kỷ sau Huyền Trang!
Gió bụi biệt trung nguyên
Đường xa như đạo thiền
Cực tấm lòng bồ tát
Râu tóc cứ dài thêm
Bùi Văn Nam Sơn kính đề.
6/4/2009
Bùi Văn Nam Sơn
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Căn Nhà Trong Hồn Thế là thu đã tàn. Những chiếc lá cuối cùng cũng đã bị mưa gió cuốn đi đêm qua. Trận gió bất chợt đưa mưa về thật mạ...