Thứ Hai, 13 tháng 1, 2025

Thư gửi người làng từ giữa "Mép xanh"

Thư gửi người làng
từ giữa "Mép xanh"*

Người làng ạ!
Người làng đã bao giờ nghe tiếng gà trưa? Người làng đã khi nào nghe tiếng gà cục tác, tiếng lích chích dỗ dành của gà mẹ ủ con trong ổ? Người làng đã khi nào nhìn những đàn bò nhẩn nha gặm cỏ? Người làng đã khi nào thấy những đôi cánh chim câu thảnh thơi chao liệng giữa nắng vàng? Và giờ, ngay tại nơi tôi đang đứng đây, thì đó chỉ là một vài trong số nhiều, rất nhiều những hình ảnh, âm thanh vốn dĩ được coi là biểu tượng cho cuộc sống đầm ấm, sung túc, thanh bình của những làng quê Việt thôi người làng ạ. Tôi tin, tất cả những hình ảnh, âm thanh ấy, người làng đều đã từng gặp, bởi trên đất nước này, nơi nào chẳng có bóng tre xanh, chẳng có dáng hình của những làng quê thanh bình, êm ả. Nhưng hình ảnh ấy, thanh âm ấy lại dặt dìu bên tiếng sóng gào, bên tiếng mưa xối, bên ánh nắng dữ dằn giữa những cơn gió biển Trường Sa sẽ gây xúc động vô cùng khi nó dội vào các giác quan của người làng…Và ở giữa Trường Sa này, chúng tôi gọi đó là “Tiếng làng”! Tiếng làng không phải giữa đất liền mà dặt dìu từ “mép xanh”. Đó là phần tiếp nối giữa thềm san hô chân các đảo và vùng biển nước sâu phía ngoài giữa biển Đông hùng vĩ.
Nhưng, gọi “tiếng làng” dường như vẫn chưa thể nói hết cung bậc cảm xúc… Gọi “tiếng làng” dường như cũng chưa thể lột tả hết cái bình dị mà vĩ đại của những hình ảnh ấy… trong cái nắng, cái gió, cái mưa đầy bất ngờ và trắc trở trên quần đảo Trường Sa.
Trưa! Giờ là chính Ngọ trên đảo Song Tử Tây! Gió cuộn từ biển, đổ ập vào đảo khiến những ngọn phi lao trên cao ngả nghiêng đùa trên những tán phong ba, mù u khiến những chòm lá non rũ xuống như bị luộc chín. Vốn dĩ có hình lòng chảo, được che chắn bởi những vạt đất nổi cao xung quanh và trũng xuống nơi trung tâm nên Song Tử Tây như chiếc chảo khổng lồ giữa biển. Dưới gốc phong ba cụm chiến đấu số 1, một đàn gà mẹ con chuẩn bị xuống ổ đang ấp nhau lích chích. Cái ổ gà nho nhỏ, bình dị nhòa trong tấm chăn hoa bởi ánh nắng xiên qua tán lá rọi xuống mặt đất, nằm khép nép bên gốc cây xù xì. Vẫn tiếng lạo xạo của những đôi chân nhỏ quấn quýt bên chân gà mẹ. Vẫn cái dáng loay hoay tìm cách mong che hết cho đàn con dưới bụng của con mái xù… Chỉ có điều, chiếc ổ xinh xinh dưới gốc phong ba đảo Song Tử Tây không được lót rơm thơm như chiếc ổ của mẹ con mái mơ giữa đất liền. Ở đây, giữa Trường Sa thông thốc gió, ngùn ngụt nắng, trong chiếc thau nhựa nhỏ đã cũ, dưới lớp lá mù u, lá phong ba hay những loài lá nào khác nữa có trên đảo là những chiếc quần đùi có sọc xanh hai bên đùi (loại quần nhỏ rất đặc trưng của lính hải quân) lót thành ổ cho mẹ con nhà gà ấp ủ. Nếu cùng ngắm cái ổ gà của mẹ con mái xù dưới gốc phong ba Song Tử Tây với chúng tôi lúc này, không biết người làng sẽ nghĩ gì và sẽ nói gì nhỉ? Câu trả lời sẽ là rất khó đoán trước, bởi người làng vốn rất thông mình, vốn hay có những lời “bình loạn” khác người từ thuở chúng mình còn cưỡi trâu đánh trận “lục quân thủy chiến” ở bãi sông Lựng quê mình! Cảm xúc mỗi người một khác nhau, người làng ạ, nhưng có một điều sẽ rất chung với những kẻ đã từng chân đất, đầu trần đuổi theo từng cánh chuồn chuồn lấp lóa nắng nơi bờ ao, đã từng ngụp lặn cùng đàn trâu bên những bãi soi ngập nước, đã từng chăm chú ngắm nghía bộ lông xù lên che chở đàn con của những con gà mẹ thì hình ảnh bầy gà mẹ con trên đảo Song Tử Tây giữa trưa nắng này sẽ khiến người làng không thể cầm lòng. Và người làng biết không, trong chiếc ổ độc đáo ấy, một bầy chín chú gà con đang thanh thản núp trong đôi cánh gà mẹ. Con mái xơ xác xoè đôi cách hết cỡ ấp ủ đàn con dưới bụng mình, mắt lim dim, họng không ngớt phát ra những tiếng “lúc túc, lúc túc” rất nhẹ nhàng như vỗ về, như nựng nịu đàn con bên dưới. Nắng, gió, sóng, và có thể cả giông tố ngoài xa kia dường như không nghĩa lý gì với mẹ con nhà gà. Bên cạnh ổ gà mẹ con, hai con gà trống đang thảnh thơi xoãi chân, xoè cánh phơi nắng dưới bóng cây. Nắng lọt qua tán lá, chiếu xuyên xuống bộ lông mã mật của chúng tạo nên một tấm áo choàng thật độc đáo! Làng quê ở đây chứ đâu xa? Quê mình đấy đúng không người làng?
Chiều! Mưa! Những hạt mưa như vàng rơi trên đảo. Bước chân bộ đội chạy rầm rập. Không phải họ chạy trú, tránh mưa đâu người làng ạ. Ở đây, trên Trường Sa này, khi trời đổ mưa là trời đem vàng đổ xuống đảo. Và dường như còn hơn cả vàng nữa. Vàng không có giá trị gì trên đảo nếu đem so sánh với nước ngọt. Và những người lính đảo, reo hò, gọi nhau nhanh nhanh bắc ống, trải dây dẫn hứng nước mưa vào bể chứa! Khác với trong đất liền, người và vật vội chạy vào nhà khi mưa đến, thì ở đây, bộ đội và cả những vật nuôi ngoài đảo Trường Sa chạy cả ra sân khi những hạt nước đầu tiên của trời rót xuống. Điều này, giống như chúng mình ngày trước chỉ chờ trời đổ những cơn mưa rào đầu mùa là lao ra sân đình tắm ấy, người làng nhỉ. Và dưới màn mưa, những con bồ câu chen chân đậu trên xành bàng vuông, mắt lim dim nghe mưa ve vuốt trên lông! Chúng “gru, gru” đầy thích thú. Những con lợn “ụt ụt, ịt ịt” thong thả dẫn nhau đi dạo trong mưa, những con bò thảnh thơi nằm giữa sân vận động, áp bụng lên những vũng nước, “ò ò” lên đầy khoái chí. Mưa! Vẫn mưa! Trời như chiều lòng lính đảo! Và người làng tin không, hình như tuổi trẻ nơi nào trên đất Việt mình cũng có thú vui tắm mưa như thế. Những chàng lính trẻ bắt đầu chạy ra sân đảo. Họ thích thú trêu đùa nhau dưới làn mưa. Theo chân họ, đàn chó trên đảo cũng lao ra đùa rỡn, chậy quẩng giữa những đôi chân trần chắc nịch của những chàng lính trẻ. Người làng nghe thấy không? Một bản giao hưởng với những thanh âm thật yên bình, trong trẻo mà cung chính là tiếng mưa xối đang hòa nhịp cùng tiếng gà cục tác, tiếng bồ câu gù, tiếng chó cắn nhau đùa rỡn, tiếng ò ò thảnh thơi của những con bò… đang hòa tấu. Tất cả những âm thanh ấy thêm một lần tạo nên “tiếng làng” bên bờ sóng…
Có được những giai điệu đáng yêu của bản giao hưởng tôi đang gửi cho người làng từ giữa mép xanh này, sao có thể không nhắc đến tấm lòng của những con người lần đầu tiên mang “hạt giống” của đất liền ra đảo. Họ ấp ủ tình yêu, sự gắn bó với đất liền vào những mầm cây, những con vật nhỏ bé theo họ vượt sóng trùng khơi cùng những chuyến tàu ra đảo. Điều này thì người làng muốn, sẽ rất  muốn biết bởi có điều gì khi nghe đến nửa chừng mà người làng chịu biết nửa vời đâu? Và người làng đã từng biết, đã từng nghiên cứu cái máy ấp trứng gia cầm phải không nhỉ? Ấy thế mà, trong cái nắng chói chang của Sơn Ca, binh nhì Nguyễn Giai Nhân rủ rỉ:”đảo có máy ấp trứng rồi chị ạ, nhưng gà vịt ấp bằng máy nở ra hình như nó không được khôn ngoan như gà vịt tự ấp nở, bọn ấp máy thường không tự lập, khó thích nghi với môi trường sống khắc nghiệt trên đảo nên dễ bị chết hơn…” Đúng quá đi, phải không người làng! Không cha, không mẹ thì dẫu có là loài gì cũng khó tồn tại, huống hồ là giữa nơi khắc nghiệt như Trường Sa.
Người làng ạ! Giờ tôi đã ở Nam Yết rồi. Nam Yết xanh nổi tiếng với dừa, với nhiều loài cây của đất liền như chuối, me, sung, ổi… Thế là tôi đã chia tay Nhân, chia tay Sơn Ca, chia tay Song Tử Tây, Đá Nam, Đá Thị… Và giờ trên Nam Yết này, tôi đang bước chung chiêng trên cầu cảng, mở thật to đôi mắt của mình để có thể ôm hết Nam Yết trong tầm nhìn. Nhưng dường như bất lực. Hòn đảo tiền tiêu gần “địch” nhất này trong cụm các đảo của Trường Sa vẫn bát ngát xanh, và con đường từ cầu cảng dẫn vào lòng đảo vẫn hun hút một chiều vô định. Rồi sẽ có thời gian khám phá hòn đảo xanh này để kể cho người làng nghe sau nhé. Ơ, bên mép sóng, một con vịt đực dẫn theo mấy chú gà con đang thong thả dạo chơi bên mép biển, dọc theo bãi cát trắng đẹp mê man hơn cả bãi biển Hawaii vốn được bao kẻ xuýt xoa khi đi du lịch qua màn ảnh nhỏ. Mẹ gà, con vịt chúng mình đã từng nghe, đã từng biết, đã từng đọc, và cả thuộc lòng qua những câu chuyện của cụ Trại về mẹ ghẻ, con chồng người làng nhỉ nhưng bố vịt, con gà thì lần này tôi mới gặp! Đấy là gì? Đấy là gà con được ấp nở từ máy, để “dạy dỗ” đám gà con thích nghi với cuộc sống giữa biển khơi, lính đảo đã “huấn luyện” cho chú vịt đực thay mẹ gà, nuôi đàn con dại. Thế là hàng ngày, bố vịt dẫn con gà dạo biển, tập bơi, tập kiểm mồi, đuổi sâu, bới đất. Và đàn gà con cứ thế lớn dần lên, dẫu tiếng gọi “khạp khạp” khàn khàn của “bố vịt” chẳng ăn nhập gì với tiếng lích chích của đám “con gà”. Người làng đừng rơm rớm nước mắt nhé. Cảnh “mồ côi” mẹ nhưng may sao, chúng vẫn còn có cha, dẫu có là cha vịt. Đấy, làng ở Trường Sa cũng lạ, cũng độc như thế đấy.
Tôi còn có thể kể cho người làng nghe, nhiều, rất nhiều những điều lạ mà cảm động từ mảnh đất đầy nắng gió này nữa đại dương. Nhưng thư thì có hạn, không thể nói hết một lần. Vả lại, cùng còn để người làng “thèm” mà mong thư từ Trường Sa về nữa chứ. Nhưng… Lại nhưng! Tôi biết, thế nào người làng cũng ngấm nguýt câu ấy. Nhưng… Cái Nhưng này sẽ khiến người làng vui. Sẽ là có lỗi, nếu trong thư này, tôi không kể qua cho người làng nghe về những đứa trẻ trong lớp học trên đảo bởi nếu chỉ có cảnh mà không có người sẽ buồn tẻ biết chừng nào. Và cũng là lớp học, nhưng ở đảo không giống như ngày xưa bọn mình đi học ở đình làng đâu người làng ạ. Bọn trẻ trên các đảo ở Trường Sa bây giờ đươck học trong những phòng học khang trang, đẹp không khác lớp học trên đất liền là mấy. Vậy thì có gì để kể? Nhưng, một phòng học mà học trò ngồi quay bốn hướng, người làng tin không? Lại không tin chứ gì? Nhưng nên nhớ nhé, tất cả mọi điều để thích nghi với cuộc sống gian nan trên đảo ở Trường Sa đều có thể xảy ra. Trên quần đảo này, một thầy sẽ dạy luôn từ mẫu giáo tới lớp 5. Các trò ngồi quây quần trong cùng một phòng học theo các hướng. Vừa dỗ cho một cháu nhỏ 5 tuổi cách xếp những ngôi nhà từ món đồ chơi xếp hình, thầy Lê Văn Mạnh lại quay qua cầm tay Minh “béo” dạy tập tô những nét mới trên trang vở, miệng trả lời cậu bé Thành đang học lớp 3 về đáp số của bài toán đố… Cứ như thế, thầy Mạnh quay tròn giữa các lớp học trò trong phòng học, để rồi hết một buổi sáng, các em đều hoàn thành phần kiến thức theo trình độ lớp của mình, chờ đến hết lớp 5, sang lớp 6 các em sẽ được gửi vào đất liền học tiếp. Người làng thấy sao? Nếu người làng làm thầy, khối công việc ấy có hoàn tất tròn trịa được không? Có thể có nhưng khá vất vả, phải không nào? Nhưng chưa hết, thầy giáo trên các đảo không chỉ dạy học trò kiến thức. Để hết mấy năm ở đảo, khi vào lại đất liền học lên cao, các em có thể hòa nhập với bạn học trong đất liền, các thầy phải dạy các em cả kỹ năng sống nữa người làng ạ. Nghe nói đến kỹ năng sống thì có vẻ cao siêu, nhưng đó là những thói quen mà đôi khi người sống trong đất liền chúng ta cứ ngỡ đó là quy định bất thành văn rồi, ai ai cũng biết mà không cần nói tới. Nhưng trẻ con ngoài đảo thì không. Cũng đúng thôi phải không người làng bởi chúng làm sao biết được, để có một món đồ chúng thích có thể xin hoặc sẽ phải mua khi chúng theo cha mẹ ra đảo từ lúc mới 1, 2 tuổi hoăc được sinh ra tại đảo? Và để chúng biết cả những thao tác đơn giản ấy, đó lại là việc của người lớn nhất là của những người thầy. Thầy Mạnh, thầy Hào, cô Nhung… và bao người giáo viên khác nữa trên cáo đảo của Trường Sa đã dạy đám trẻ trên các đảo điều ấy để chúng không lạc lõng khi từ đảo về lại đất liền.
Điều này thì bình dị hay vĩ đại hả người làng?
Câu trả lời sẽ gặp nhau khi tôi từ đảo về lại đất liền người làng nhé. Và giờ, tôi sẽ ra mép đảo, sẽ chìm chân vào đám cát trắng ven bờ, sẽ phóng tầm mắt để nhìn ngắm ra xa, thật xa tít những mép xanh ngoài kia, để nghe sóng dội về từ những ghềnh san hô đang ríu rít đổi màu giữa những hàng cọc chống đổ bộ ngoài mép nước và để nghe “tiếng làng” từ giữa mép xanh hơn một lần thấm sâu vào lồng ngực khi tôi đang xa làng mình cả hàng ngàn cây số và trong đầu đang âm âm khúc ca huyền diệu: “Tôi đứng đây giữa đất trời bao la/ Tiếng học bài ê a dưới nếp nhà ngói mới/ Chẳng còn xa đâu/ Chẳng còn đêm tối…”.
Sao có đêm tối phải không người làng khi “màu xanh quê hương” đã “chen giữa phong ba, bàng vuông”!.
Chú thích:
* “Mép xanh”: Phần nước biển bắt đầu chuyển màu tiếp giáp giữa thềm san hô chân đảo và biển sâu ngoài đại dương.
14/3/2021
Trương Thị Thương Huyền
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chúng ta đã tìm bình yên ở những đâu Khi đối mặt đại dịch Covid-19, càng hiểu thêm giá trị của cuộc giằng co giữa sự thật và giả dối tro...