Thứ Hai, 13 tháng 1, 2025

Vàng Tết - Tùy bút Phan Đức Nam

Vàng Tết - Tùy bút
Phan Đức Nam

Người Việt, người Hoa có khuynh hướng chuộng mầu Đỏ và Vàng. Mầu đỏ tượng trưng cho sức mạnh, lòng chung thuỷ, nhiệt huyết. Mầu vàng sang trọng rực rỡ sung túc. Hai mầu vàng đỏ phối hợp theo từng tỉ lệ uyển chuyển cương nhu, toả sắc lung linh thần bí, được sử dụng nhiều trong các đình chùa, trên các tấm trướng, câu đối sơn son thếp vàng rực rỡ. Chữ đen trên nền đỏ tạo sự ấm áp tôn nghiêm trong các văn tự cổ, còn chữ vàng trên nền đỏ sẽ bật sáng tươi vui, dùng trong các dịp lễ hội. Những thiệp chúc Tết, thiệp cưới, phong bao lì xì thường in chữ vàng trên nền đỏ để cầu mong sự sung túc may mắn.
Ba tôi lúc trẻ hoạt động thích mầu đỏ, nhưng khi về già ông ưa mầu vàng. Tuổi tác và thời gian mà! – Ông cắt nghĩa vậy – Ông bảo đời người có nhiều mầu, mầu trắng trong tuổi hoa niên thơ ngây, mầu xanh thanh niên hy vọng, mầu đỏ nhiệt huyết cách mạng, mầu vàng phát triển đằm thắm, khi chuyển mầu vàng sậm tuổi thêm chín chắn, về cuối ngả mầu vàng nâu, mầu đen là giai đoạn cuối của đời người. Theo ông thì những mầu sắc cuộc đời đó cuối cùng đều quay về kỷ niệm – đó là mầu vàng, mầu của quá khứ. Có quá khứ rực rỡ, có quá khứ u buồn, nhưng vẫn là kỷ niệm.
Mãi sau này, khi đời bước sang mầu vàng nâu, tôi mới thấm hiểu lời ba.
Ba tôi không thờ Thần Tài, ông bảo người ham tiền sẽ tham lam, không từ những thủ đoạn mánh khoé nào để kiếm tiền, dẫn đến cái ác. Nhờ ông mà tôi viết được một truyện ngắn, trong đó có câu khá dí dỏm: Ông Thần Tài “hên” thật! Chẳng bà con gì mà được nhiều người thờ. Thật vậy, giờ xã hội coi trọng kim tiền, Thần Tài càng được nhiều người thờ thì cái ác càng lộng hành.
Ba tôi thờ chữ Phúc, ông nói trong Phúc đã có Lộc, Thọ và Tài. Ăn ở có đức mặc sức mà ăn – các cụ đã dạy vậy. Ba bảo tôi chở đến nhà cụ lang Đạt, xin cụ thảo cho chữ Phúc bằng sơn kim nhũ trên vải điều, đóng khung gỗ mun lộng kính sáng choang, rồi trang trọng đem về trưng giữa bàn thờ.
Tôi theo ba thờ cúng gia tiên – như rất nhiều người Việt trải qua bao đời vẫn tiếp nối theo. Thờ cúng ông bà là việc hiếu nghĩa, là niềm tin sâu xa trong tiềm thức, tin rằng tổ tiên ông bà dù khuất núi đã lâu nhưng vẫn dõi theo phù hộ cho mình và con cháu, vẫn nhắc nhở mình sống sao cho tử tế.
Nhiều người không hiểu, hoặc hiểu lầm những người thờ tổ tiên ông bà là theo đạo Phật, hoặc gần như thế. Ông nội tôi là nhà nho khi còn sống bảo Trời – Phật vừa nhị thể vừa nhất thể – là đấng tối cao, ngỡ chốn xa xôi tít mù nào đó, nhưng thật ra ở rất gần ta, trong đầu ta, trong tâm ta.
Bà nội tôi hay đi chùa, nhưng ông nội và ba tôi thì ít đi, cũng không dày công cúng Phật những thức ngon vật lạ mà chỉ toàn hương hoa, các ông bảo dành tiền đó làm việc thiện tuỳ theo khả năng mình thì tốt hơn.
Dẫu xây muôn vạn đình chùa
Không bằng làm phúc giúp cho một người
(Ca dao)
Những người có niềm tin vào việc thiện thường bình dị, sống thầm lặng, ít lời, họ hành thiện và cố gắng thoát tham sân si, tránh xa cái ác.
Mẹ tôi theo đạo Thiên Chúa giáo, bà đọc kinh hằng ngày, thứ bảy chủ nhật siêng năng đi lễ Nhà thờ, nhưng mùng 1 ngày rằm bà vẫn mua hoa quả trưng lên bàn thờ gia tiên, những ngày giỗ kỵ lo lắng chu đáo tươm tất. Ba tôi gật gù: Đạo nào cũng tốt cả, cũng dạy con người ta ăn ở hiền lành, sống cho phải đạo. Chỉ có những kẻ lợi dụng đạo này đạo nọ làm điều xấu thôi – những kẻ đó sẽ trả giá. Nghĩ cho cùng thì không ai từ lùm tre hay bụi cỏ chui ra, tất cả đều khởi nguồn từ tổ tiên, ông, bà, cha mẹ mới sinh ra.
Khi anh em tôi lớn lên, ba tôi cắt nghĩa thêm: Tổ tiên nguồn cội là gốc của con người. Người ta đã thống kê có hơn 60 tôn giáo trên thế giới. Tôn giáo nào cũng muốn phát triển, có nhiều tín đồ. Cha mẹ theo tôn giáo nào. bảo mặc áo nào thì con nhỏ nghe theo. Lớn lên con cái không thích mặc áo đó nữa, thay áo khác thì tuỳ chúng, hình thể bên trong vẫn là con người.
Khi thời tiết ngoài Bắc chuyển dần cuối thu, khoảng cuối tháng 11, thì trong Nam nắng không còn gay gắt nữa mà chuyển sang hanh vàng – mầu vàng dịu dàng sắc xuân. Mùa xuân là mùa sinh sôi nảy nở, mùa hoan lạc. Thời gian này nhạc xuân, nhạc Noёl bắt đầu trỗi nhịp, nhắc mọi người Tết sắp đến rồi đấy. Gió phương Nam cũng hiu hiu lạnh, mùa vàng thả những lá vàng bay bay xuống phố. Còn trên những cánh đồng, lúa đông xuân đã chín ngà chờ gặt, chẳng mấy chốc lúa vàng chảy tràn sân phơi, đóng bao hoặc đổ đầy các bồ chứa trong nhà. Ngoài vườn, mai tứ quí nở sớm nhắc những người chơi mai lo tỉa cành lặt lá. Những luống hoa cúc, hoa vạn thọ, hoa mồng gà, hoa lan… trồng đón Tết đã vươn cành đâm nụ hứng gió xuân.
Mẹ tôi nhắc con gái con dâu ủ rượu nếp, rượu cẩm, chuẩn bị mua lá mua lạt để gói giò, gói bánh chưng… Phải làm dôi ra, dư dả ba ngày Tết cho sung túc, cho hên, nhất là quà biếu các thông gia thì phải tươm tất. Không gì bằng đặc sản quê hương.
Thời gian này tôi thường “trốn việc nhà” (thật ra đã có các bà các cô lo. Tôi giúp cũng chẳng được, mà họ cũng chẳng chịu cho tôi giúp, sợ lóng ngóng bận tay). Tôi sắp xếp đưa gia đình về quê vợ “ăn Tết trước”, ở đó tôi sẽ được ngắm không khí rộn ràng của tháng trước Tết vùng quê miền Tây, sẽ được thấy những hình ảnh và hoạt động bình dị như cắt lá chuối, rọc lá, lau lá, gói bánh tét, bánh ú chay mặn như thế nào. Tôi sẽ được nghe tiếng gà kêu ổ, tiếng heo eng éc, tiếng bò nhép nhép nhai cỏ, tiếng trẻ nô đùa trước sân phơi, tiếng chổi quét sân xào xạc lá vàng…
Về quê tôi được ngửi mùi quê, mùi của khói đốt đồng, khói bếp, mùi cỏ mục, hương hoa dại và mùi đất ẩm ngai ngái dậy lên.
Cha vợ tôi yêu mai, ông trồng hằng trăm gốc mai phía trước nhà và quanh sân phơi. Những cây mai có dáng và gốc đẹp ông giữ lại, ai mua cũng không bán. Trước Tết khoảng hai tuần, ông dẫn đầu đám con trai, con rể và cháu chắt ra vườn lặt lá mai. Ông như “chủ tướng” đi qua đi lại, ngắm nghía uốn tỉa cành. Gần chục người vừa lặt mai vừa nói chuyện trên trời dưới đất ba bốn ngày mới xong. Vườn mai lặt xong trơ cành xơ xác, nhưng chỉ tuần sau là trổ nụ đâm lá xanh non, chờ chúa xuân về là nở hoa vàng rực đến nao lòng.
Sáng tiết xuân lành lạnh, tôi cùng cha vợ ngồi trước hiên, khoác hờ áo ấm, uống trà nóng ăn bánh cốm ngắm mai đua nhau nở. Cha vợ tôi gật gù: “Năm nay thời tiết thuận, mai nở đúng mùa. Con thích cây mai nào thì bứng đem về Sài Gòn chơi Tết.” Trên sân thượng nhà tôi ở đã có hai chậu mai khá lớn: một chậu mai tứ quí nở hoa vàng đỏ lai rai quanh năm, và một chậu mai 9 cánh cha vợ cho đã lâu, Tết năm nào cũng nở hoa vàng rực. Giờ cha vợ cho thêm thì tôi cứ nhận, năm mới có chậu mai mới cũng vui, bạn nào tới chơi thích thì tặng.
Thêm việc chính của tôi khi về ăn Tết quê vợ là chùi bộ lư đại (việc này tôi nhận làm) Tháng cuối năm dù bận cách mấy tôi cũng tranh thủ chùi hai bộ lư: một bộ ở nhà ba mẹ tôi trên Sài Gòn, và một bộ ở nhà cha mẹ vợ ở dưới Tam Bình, Vĩnh Long. Mấy đứa em tôi, cả cậu út em vợ, thấy tôi bày  ra mấy tấm khăn nỉ, chai dầu hôi, vài quả chanh (để vắt nước tẩy thay acid nhẹ) một hộp xi chùi bóng… liền nói: “Anh để em chở ra chợ, chỗ người ta chùi lư, họ có mô-tơ chùi sạch rồi đánh bóng nhanh và đẹp lắm!” Cha vợ tôi nói: “Mang ra đó mấy ngày Tết, họ chặt đẹp đó nghe. Bóng đẹp thiệt! Nhưng tao sợ máy mài mau mòn đồ thờ.”
Tôi mỉm cười, nói chậm: “Không phải tiết kiệm… Chẳng qua con rảnh, thích chùi lư vậy thôi.” Rồi nghĩ: Tụi em đâu biết mình nhẩn nha chùi lư, lâu lâu nhìn lên bàn thờ, ngắm chân dung người xưa rồi nhớ lại những câu chuyện kể, biết đâu ra được tứ thơ, tứ truyện…
Chùi lư xong, chuẩn bị cúng đưa ông Táo về trời ngày 23 tháng Chạp, đồng thời cũng làm lễ thượng niêu trước cửa nhà (thường bằng cây tre) Giờ nhà ở phố, ngay cả dưới quê có đất rộng và nhiều tre người ta cũng không còn dựng nêu trong dịp Tết nữa, mà họ trang trí cành đào cành mai để trong nhà.
Nhà cha vợ tôi dưới quê cũng giữ được truyền thống dựng nêu ngày ông Táo về trời. Cha bảo tôi đào một hố rồng rộng sâu hơn nửa thước rồi trồng thân tre cao 5-6 mét mới chắt còn nguyên ngọn và cành lá xuống đó. Ông nhẩn nha treo vài chiếc khánh đất, khánh đồng, những tua vải nhiều màu, túm lá dứa, xương rồng, tỏi ớt… rồi chợt hỏi tôi: “Nè Sáu, con có biết, hay có hiểu về ý nghĩa của lễ thượng niêu hạ niêu thì nói cha nghe với?” Tôi lúng túng, lơ ngơ… Thật xấu hổ!… Cha vợ tôi lắc đầu, cười: “Thiệt tình cha cũng hổng biết nên mới hỏi con. Cha bắt chước người xưa thôi, nghe ông bà kể là để ngăn ma quỉ vô nhà trong thời gian ông Táo về trời. Hổng biết có đúng không?”
Mẹ vợ tôi bê mâm cơm cúng ra bày trên bàn tròn kê ngoài hiên – gần cây niêu mới trồng, nói: “Thôi mà! Đúng hay không gì cũng cúng. Có kiêng có lành ông à.” Bà quya qua tôi: “Con vô phụ vợ bê xôi chè ra giùm mẹ.”
Tôi “dạ” vậy là tạm thoát câu trả lời cha vợ về cây nêu – một trong những biểu trưng của ngày Tết Việt Nam.
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, trành pháo, bánh chưng xanh
Và:
Cu kêu ba tiếng cu kêu
Cho mau đến Tết dựng nêu ăn chè
Ăn chè rồi lại ăn xôi
Còn ba đòn bánh tét để lại hạ nêu.
Nhờ cha vợ hỏi, sau đó tôi mới lục tìm đọc lại Kho Tàng Cổ Tích Việt Nam của cụ Nguyễn Đổng Chi sưu tầm biên soạn. Ra có nhiều chuyện xưa tôi đã đọc rồi, hồi nhỏ đọc ngấu nghiếu không kỹ nên quên…
Ngày xưa, bọn quỷ chiếm lĩnh toàn bộ đất đai, con người làm thuê cho quỷ, bị quỷ bóc lột, người khổ quá cầu cứu Đức Phật, Phật bày cách lừa quỷ để lấy phần lớn thu hoạch về mình. Người xin quỷ khi thu hoạch chỉ lấy phần rể cho trâu bò ăn. Quỷ đồng ý vì tưởng người trồng lúa như mọi năm, ai ngờ người trồng khoai để lấy rể củ phía dưới. Năm sau quỷ đòi lấy phần dưới thì người lại trồng lúa để lấy bông gạo phía trên. Quỷ tức quá năm sau đòi lấy phần trên lẫn phần dưới thì người khôn ngoan trồng ngô để lấy bắp ở giữa. Biết không qua nổi người nên quỷ đòi đất lại, không cho người làm thuê nữa. Phật bảo người điều đình xin quỷ một mảnh đất chỉ bằng bóng chiếc áo cà sa treo trên cây tre. Quỷ thấy không thiệt hại gì nên đồng ý. Phật dùng phép thuật đổ bóng áo cà sa đó che phủ toàn bộ đất đai.
Mất đất sinh sống, quỷ động quân cướp lại. Người phản công bằng máu chó, lá dứa, tỏi, vôi bột… Quỷ thua chạy, bị Phật đày ra biển Đông, không được quay về quấy phá. Trước khi đi, quỷ quỳ lạy xin Phật một năm được vài ba ngày vào đất liền thăm phần mộ gia tiên. Phật thương hại đồng ý, lòng từ bi của Ngài dạy cho con người nên khoan dung độ lượng với kẻ thù của mình, mở cho quỷ con đường thoát, cho chúng được về đất cũ thăm phần mộ quê hương, cũng là nhắc con người không được quên nguồn cội.
Do đó, hàng năm vào dịp Tết Nguyên đán, khi quỷ vào thăm đất liền, người theo tục cũ trồng cây nêu để quỷ thấy mà không bén mảng đến chỗ người đang cư ngụ. Trên cây nêu treo khánh đất, khi gió rung, tiếng động phát ra để quỷ nghe mà tránh. Ngọn cây nêu buộc bó lá dứa hoặc cành đa cho quỷ sợ. Ngoài ra người còn vẽ hình cung tên – mũi tên hướng về hướng phía Đông và rắc vôi bột xuống đất (trước cửa) để cấm quỷ vào.
Như vậy, hình ảnh cây nêu trước nhà thành biểu tượng đấu tranh giữa Thiện và Ác, giữa Thần Phật và quỷ dữ. Thiện luôn thắng, nhằm bảo vệ cuộc sống bình yên cho Người.
Người Kinh thường chọn tre làm cây nêu (tre có nhiều ở thôn quê Việt Nam – tre cao, dẻo dai, nhiều gai, sức sống bền…) Có người cầu kỳ đào bứng cả gốc để trồng nêu cho cây không bị héo suốt nửa tháng ông Táo về trời.
Với các dân tộc thiểu số thì nêu được làm bằng những cây gỗ chắc chắn. Trang trí trên cây nêu khác nhau tuỳ từng địa phương, như túm lá dứa, xương rồng, cành đa (tượng trưng tuổi thọ, an lành) Cá chép (bằng giấy để Táo quân đi về) tiền vàng mã (cầu tài lộc) lông gà (tượng trưng cho chim thần) khánh đất, khánh đồng hay xâu đồng xu v.v… (đồng âm với “khánh” còn có nghĩa là “phúc”. Cây nêu còn là “cây vũ trụ” nối liền Đất – Trời, có tán tròn bằng giấy đỏ (tượng trưng Mặt trời) Ngọn nêu là nơi sứ giả Mặt trời hiện thân cho Chim Thần bay xuống đậu.
Cách đây ba năm, cũng dịp cuối năm, tôi về quê vợ thì cha vợ tôi bệnh nằm ở bệnh viện Vĩnh Long. Tôi vào thăm, ông nắm tay tôi, nói: “Cha đỡ rồi. Con về hô tụi nó lặt mai giùm cha.” Tôi “dạ”. Biết tôi thích ăn cháo, gặm chân gà… ông cười: “Về ăn cháo gà đi con…”.
Không ngờ cuối năm đó, khi vườn mai vừa lặt xong thì cha vợ tôi mất. Vườn mai trụi lá trơ cành vươn tay như than khóc.
Nhưng chỉ tuần sau lộc non lại nẩy, Tết ấy vườn mai nở rực rỡ, nhất là cây mai đại mà cha vợ tôi cưng nhất nở hoa kéo dài cho tới hết tháng giêng.
Mỗi nơi mỗi vẻ, mỗi nước mỗi phong tục, sắc mầu, nhưng nói chung dịp Xuân về Tết đến thế giới đâu đâu cũng ngập tràn niềm vui. May mắn cho ai được ăn Tết nhiều nơi, biết thêm những điều mới lạ, nhưng Tết ly hương dẫu vui cỡ nào vẫn vương vấn khắt khoải nỗi niềm nhung nhớ người thân, xa cách nơi sinh thành đã chôn sâu bao kỷ niệm.
Tôi nhiều lần ăn Tết hai nơi nên có những so sánh nhận xét, thấy bà con ăn Tết ở phố khác với dưới quê. Nói chung thì ở đâu cũng lo Tết, người lo ít người lo nhiều, cái gì cũng “để dành đến Tết”.
Đùng đùng Tết đến sau lưng
Trẻ con thì mừng, người lớn thì lo
(Ca dao)
Gần Tết rộn ràng mùa cưới, mùa của lứa đôi hạnh phúc. Xuân vàng sung túc thêm dâu thêm rể, thêm người thêm của. Để cuối năm sau lại có bé bồng, thêm con thêm cháu.
Uống ly rượu hồng ngày cưới, trong niềm vui lớn đôi khi có nỗi buồn se sắt:
Xuân này em lấy chồng xa
Tôi về bỗng thấy ngõ nhà vắng teo
(Tân Quảng)
Ngày xuân ngâm nga thơ Tết, nhẩn nha thưởng thức truyện xuân, lòng lâng lâng hứng khởi, tha hồ cho thi tứ tràn vào. Thơ xuân thường phong phú nhẹ nhàng. Mỗi tác giả như mỗi ly rượu xuân khác vị. Trong Thi Nhân Việt Nam, Hoài Thanh – Hoài Chân đã nhận xét: “Đoàn Văn Cừ trước sau in báo chỉ có sáu bảy bài thơ – bài nào cũng hay. Cũng có bài đăng báo Ngày Nay số thường, nhưng nghĩ đến Đoàn Văn Cừ, tôi lại nghĩ đến Tết.”
Hẳn rồi! Nhà thơ Đoàn Văn Cừ chỉ cần vài bài thơ Xuân đặc sắc đã vượt lên thành Thi sĩ của mùa xuân.
Với riêng tôi, và chắc nhiều người cầm bút cũng đồng tình: Vui nhất là khi báo xuân có đăng bài của mình. Không hẳn vì tiền nhuận bút báo xuân khá cao, mà thơ văn mình được góp mặt trên văn đàn, như hoa lá mùa xuân bừng nở rộ.
Tết ở phố bây giờ trở nên “bình thường”, vì bánh chưng, giò chả, kẹo bánh, hoa quả, thịt thà… muốn mua gì cũng có. Chiều 29, 30 có tiền ra siêu thị là chở Tết về. Còn ở quê, âm ỉ chuẩn bị Tết từ đầu tháng chạp, rộn ràng ngày cúng ông Táo, kéo dài cho đến giao thừa và sau Tết cả tháng. Đàn ông cất vó bắt cá, bắt gà, mổ lợn… Đàn bà chia nhau nấu nướng, gói bánh, làm đồ cúng… Tiếng cười nói vui vẻ ào ào như nhóm chợ. Chị Đào nhà bên cạnh cha mẹ vợ tôi – chỉ cách con xẻo nhỏ có hàng dừa nước. Chồng chị thôi đã lâu, chẳng con cái gì, nhà vắng teo. Chị buồn chạy qua phụ mẹ vợ tôi nấu nướng: “Năm nay cho con qua ăn tết chung với gia đình bác nghen?” Mẹ vợ tôi vui vẻ gật đầu: “Ừ thì mày qua đây cho vui. Đừng ngại gì hết.”
Ấy vậy mà quay qua quay lại chị Đào biến đâu mất? Vợ tôi thấy vắng lâu mới chạy qua nhà tìm, thấy chị mặc áo mới thắp nhang sì sụp lạy trước bàn thờ gia tiên rồi chậm nước mắt.
Tình cảnh chị Đào làm tôi nhớ, tuy không đến nỗi buồn như thế. Đã lâu lắm rồi, vợ chồng tôi bận việc gì đó không về quê ăn Tết được, điện về Vĩnh Long làm cha mẹ vợ tôi buồn, cả nhà cũng buồn – đó là nhà đông người, không như nhà chị Đào thui thủi một mình. Bà ngoại của vợ tôi lúc đó còn sống biểu cậu Út Tâm – tức em trai của mẹ vợ tôi, trước ngày cúng ông Táo chở hẳn hai bao năm mươi ra bến xe gửi quà quê về Sài Gòn cho gia đình tôi ăn Tết. Lủ khủ nào gạo mới, bánh tét, bánh ú, dừa tươi, gà đồng, cá ao, buồng chuối… Những quà quê mùa xuân đó khi về thành phố trở thành… “dư” trước những hộp quà đẹp bọc giấy kiếng lóng lánh, trước hàng đống bia lon nước ngọt, bánh mứt ngoại… Các con tôi nhìn quà quê của bà cố ngoại gửi lên với vẻ thờ ơ, chỉ nhấm nháp đôi chút. Vợ tôi giữ lại mỗi thứ một ít bỏ vào tủ lạnh đã chất đầy ứ, còn thì đem chia lộc xuân với hàng xóm, họ thích lắm!
Cuối năm nay, tôi ngồi trước hiên nhà ngắm vườn mai bao quanh sân phơi, nhấm nháp những món quà quê vợ, hương vị và hình thức chẳng khác xưa như hồi ngoại còn sống. Tôi uống trà nóng nhớ lại hình bóng cha vợ và cậu Út Tâm thấp thoáng lặt lá mai…
Mẹ vợ tôi kể cậu Út ưa ăn kẹo gừng. Cậu vô du kích, năm đó cận Tết cậu về, được mẹ và chị (là mẹ vợ tôi) nấu nhiều kẹo gừng đóng bánh để cậu mang vô bưng. Ai ngờ xuân Mậu Thân 1968 đó cậu hy sinh. Bà ngoại khóc ngất, cả nhà đau buồn. Từ đó mỗi độ xuân về, khi ngoại còn sống, bà hay ngồi buồn nhìn ra hướng sông Ông Đốc, nơi có đò thuyền xuôi ngược mà ngày xưa cậu Út mỗi khi về tới bến là bắt tay làm loa gọi “Má ơi con về nè…”
Đó là những câu chuyện và kỷ niệm gia đình bên vợ mà tôi nghe được khi ngồi canh nồi bánh tét cuối năm. Tôi vừa đun củi vừa nghĩ: Thời chiến, đàn ông thanh niên ra trận, phụ nữ vẫn là người ở nhà gìn giữ và chịu đựng.
Chuyện xuân lan man xa xưa không đầu không đuôi, quay qua quay lại thấm thoát sắp đến giao thừa. Bánh đã được vớt ra trưng lên bàn thờ còn nóng hổi. Hoa quả được kết thành hình tượng Rồng Phượng chầu hai bên, đèn nến lung linh, hương trầm thoang thoảng.
Đã giỗ ba năm cha vợ tôi, nhưng tôi vẫn tưởng tượng được hình bóng ông năm xưa: Ông mặc áo dài khăn đóng còn xếp gấp thẳng, mẹ vợ tôi mặc áo dài lục chắp tay đứng sau. Ông bà thành kính thắp nhang trước bàn thờ gia tiên, cầu cho gia đình dòng họ con cháu được an lành, khỏe mạnh.
Ông bà ra sân, thắp nhang trước Bàn Thiên, lạy bốn phương tám hướng, cầu xin Trời Đất cho quốc thái dân an. Ông bà cũng không quên thắp nhang trước Miễu thờ Ông Địa ở góc vườn cầu xin nơi ăn ở được bình yên, mưa thuận gió hòa, đất đai phát triển trù phú.
Chờ ông bà trở vào nhà, con cháu hí hởn mặc áo mới, nối đuôi nhau ra chúc tuổi ông bà, cô bác… để được nhận phong bao lì xì.
Nghe đì đùng tiếng pháo nổ từ ti vi, pháo hoa muôn sắc tung toé trên màn hình. Các ông không nhậu thì rủ nhau ngồi sòng. Các bà các cô cũng rủ nhau đánh tứ sắc, mỗi ván 5 ngàn thôi, đánh cho vui, thử vận may đó mà. Có “qui định” rõ ràng: Những ai thắng sẽ gom tiền thuê xe đi du lịch hay hành hương đâu đó (trước rằm tháng giêng) Còn những ai thua thì chung lo thức ăn nước uống mang theo, coi như giải quyết nốt lương thực còn lại sau Tết. Vậy là thắng thua gì cũng được đi chơi, Tết phải vui.
Cô Bảy dặn dò các cháu gái mùng một kiêng quét nhà, mùng hai có quét thì gom ngược vô nhà, cho của cải ùa vô. Một cô cháu vừa hỏi vừa như chọc cô Bảy: “Có quét sân không cô?”. Cô Bảy lúng túng. Tôi nhìn cô cháu xinh xinh lém lỉnh rồi lắc đầu. Nó le lưỡi cười. Ừ, muôn cánh mai rụng vàng sân như thế, đẹp quá! Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết*.  Cứ để hoa xuân phất phới bay…
Chú thích:
*: Thơ Mãn Giác Thiền Sư: Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết / Đêm qua sân trước nở nhành mai.
18/3/2021
Phan Đức Nam
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Căn Nhà Trong Hồn Thế là thu đã tàn. Những chiếc lá cuối cùng cũng đã bị mưa gió cuốn đi đêm qua. Trận gió bất chợt đưa mưa về thật mạ...