Thứ Sáu, 18 tháng 4, 2014

Hành trình từ phương Nam

HÀNH TRÌNH TỪ PHƯƠNG NAM
JOURNEY FROM THE SOUTH
Hồi ký: Triều Châu

 Tổ chức học tập, giao lưu với các đơn vị, tỉnh bạn trong hoạt động giáo dục là điều hết sức quan trọng và cần thiết, nó giúp cho chúng ta nâng cao nhận thức về tư tưởng và hành động, chắp thêm cho ta đôi cánh của ước mơ, nhằm hoàn thiện hơn nữa trong công tác GD-ĐT. Nhằm mục đích ấy Sở Giáo dục – Đào tạo Khánh Hòa có Quyết định số 1414/GD.ĐT ngày 4/10/1999 thành lập đoàn “Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ “Đi học tập, giao lưu các tỉnh phía Bắc gồm 12 người do chị Lê Thị Hòa – Phó giám đốc Sở GD-ĐT làm Trưởng đoàn, chị Nguyễn Thị Khanh Phó chủ tịch công đoàn Ngành giáo dục làm phó đoàn. Theo kế hoạch đoàn sẽ đến thăm và làm việc sở GD-ĐT Hà Nội, Quảng Ninh, Hòa Bình, Hà Nam, Hải Dương từ ngày 10/10/1999 đến hết ngày 22/10/1999.  
10/10/1999: Sáng nay – Chủ nhật 10/10/1999 ở Cam Ranh điện cúp toàn bộ, không nấu cơm được, cả nhà đành ăn cơm ở quán vội vàng. 
12h30: Anh Nguyễn Lý Xuyên - Chuyên viên Đoàn – Đội Phòng giáo dục Cam Ranh chở mình ra bến xe để lên đường đi Nha Trang trước 16 h.
Xe chạy chậm, gần hơn 2h30 mới đến Nha Trang, sốt cả ruột.
Họp đoàn tại Sở GD-ĐT, nghe tin thông báo chị Hòa – Phó giám đốc Sở không đi được vì bận học lớp đại học quản lý hành chánh. Anh em gặp nhau mừng vui. Đoàn chỉ còn lại 10/12 kể cả chị Nguyễn Thị Tâm văn thư Sở GD-ĐT. Chị Nguyễn Thúy Thoan – Chủ tịch CĐGD thành phố Nha Trang, nhanh chân hơn đã đi máy bay ra Hà Nội sáng nay. Giám đốc Sở cử chị Nguyễn Thị Khanh làm trưởng đoàn, anh Đặng Thám – Chủ tịch CĐGD huyện Diên Khánh làm phó đoàn. Tất cả anh em trong đoàn nghỉ giây lát chuẩn bị 20 h thì ra ga lên tàu.
Một buổi chiều ở nhà nghỉ Sở GD-ĐT Khánh Hòa êm ả và chờ đợi, ăn cơm chiều và lên ga.
Lên ga tiễn đoàn với tất cả tấm lòng có anh Nguyễn Hoàng Dũng - Chủ tịch Công đoàn Ngành giáo dục và chị Lê Thị Hòa Phó giám đốc Sở GD-ĐT khánh Hòa, mong sao anh em trong đoàn vui khỏe đi đến nơi về đến chốn, học tập được nhiều điều hay, bổ ích nơi tỉnh bạn hoạt động Ban vì sự tiến bộ của Phụ nữ.
Anh em trong đoàn đã tụ tập đông đủ gồm chị Nguyễn Thị Khanh, anh Đặng Thám (Diên Khánh), anh Vũ Tiến Cát, chị Vũ Thị Liễu, chị  Nguyễn Thị Tâm (Sở GD-ĐT), anh Nguyễn Xuân Vinh (Ninh Hòa), chị Trần Thị Xuân Cúc (Khánh Sơn), chị Hà Thị Phương Nga (Khánh Vĩnh) và anh Phan Châu Trưởng (Cam Ranh). Rất tiếc anh Nguyễn Viết Liệu – Chủ tịch CĐGD huyện Vạn Ninh không đi được.
Đúng  18h43  tàu rời sân ga Nha Trang.
Thế là chuyến đi từ phương Nam bắt đầu, tàu S6 từ từ chuyển bánh. Ổn định chổ ở anh em cùng phòng 6 người gồm: Tâm, Vinh, Thám, Cát, Cúc, Trưởng; không biết làm gì với thời gian đêm nay trên tàu, chỉ nhờ bộ bài “hộ mệnh“ để chơi bài tiến lên đến 10 h cũng đỡ buồn.
Đêm xuống dần và con tàu cứ xình xịch hết ga này đến ga kia lặng lẽ trong đêm tối, mọi người đánh một giấc ngon lành trong mệt mỏi đến sáng.
11/10 /1999: 
6h20: Tàu đến ga Tam Kỳ - Quảng Nam. Một buổi sáng tuyệt đẹp, hai bên đường những đồi cát trắng mịn, hàng dương xanh trong sương nắng mai. 8h10 tàu S6 đến ga Đà Nẵng, anh em nghỉ ngơi một chút, xuống tàu thăm nhà ga độ 20 phút, rồi tàu tiếp tục đi Huế.
Phía đông của ga là bán đảo Sơn Trà – dấu vết còn đó – một thời của Mỹ-Ngụy, một sự kiện khó quên trước khi đến ga Đà Nẵng.
Có một sự kiện như thế – có một người như thế – Anh Nguyễn Xuân Vinh bị “Le chef des gas“ khóa chặt cửa tollet, phải gọi mãi người ta mới  mở cửa.
Đến 10h05: Tàu S6 đến ga Lăng Cô – Huế, đoàn tàu như một  con rắn lượn ngoằn nghèo qua núi đèo Hải Vân, qua 6 cửa đường  hầm đèo.
Thật khó tưởng tượng cảnh thiên nhiên, núi non hùng vĩ, biển cả mênh mông tuyệt đẹp biết dường nào. Trời đất bao la, khéo khen thay tạo hóa và công người gây dựng đường tàu.
15h35: Tàu tới ga Đồng Hới – Quảng Bình. Dừng 20 phút để rồi tiếp tục qua ga Lệ Sơn, Lạc Sơn lúc 17h20, ở đây có những vách núi đá đứng rất đẹp hiếm có, rải rác một ngôi làng ven sông  vài em bé chăn trâu, đàn cò trắng bay trong chiều, cảnh tượng tuyệt đẹp. Một buổi chiều êm ả, màn đêm buông xuống.
18h: Tàu qua đèo Ngang, lúc 21h đến ga Vinh (Nghệ An). Chị Hà Thị Phương Nga gặp mẹ và em trai ra đón. Đúng là “gã con xa như cọp tha lên rừng“ khoảng cách xa quá, mỗi lần về thăm cha mẹ là cả vấn đề.
Màn đêm tiếp tục buông xuống, nhìn hai bên hông tàu, xa xa là những màn đen ban đêm cứ lùi dần xa phía sau. 
Các ga còn lại đi vào trong giấc ngủ.
12/10/1999: 
4h20: Tàu S6 đến ga Hà Nội. Chị Khanh – Trưởng đoàn gọi anh em thức dậy. Trời Hà Nội mưa như trút đổ bởi ảnh hưởng cơn bão số 8. “Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa“ anh em thường hát, nhưng xuống ga Hà Nội, rời ga cả đoàn ướt như chuột lột, thật vất vã khi lên xe tắcxi về nhà chị Khanh.
6h: Cả đoàn ăn sáng, sữa soạn hành trình một ngày mới.
Sáng nay trời nắng đẹp, một mùa thu Hà Nội.
7h: Mỗi người điểm tâm một tô phở Hà Nội không nước mắm, không rau, không có nước trà uống – ở đây là như thế.
8h30 xe tắcxi đến chở chúng tôi đi trung tâm phố Hà Nội, đầu tiên ghé nhà chị Trâm – Phó phòng tổ chức Sở GD-ĐT  tỉnh  Khánh Hòa, gặp cả gia đình vui mừng, ông bố kể lại “Tôi là người Hà Nội từ những ngày Cách mạng tháng 8, tôi yêu Hà Nội, tôi quý Hà Nội,tôi thèm đi thăm phố phường Hà Nội (nhưng bị liệt đôi chân)“. Sau đó anh em trong đoàn ghé đến thăm nhà anh Vũ Tiến Cát – Phó trưởng phòng trung học chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Khánh Hòa – nơi thời thơ ấu anh lớn lên cùng ông chú, bởi một điều bố mẹ anh mất sớm.
Rời hai căn nhà ra đi vào trung tâm thủ đô Hà Nội, ghé đền Ngọc Sơn trên Hồ Gươm (Hồ Hoàn Kiếm), tháp Rùa trước mắt chúng tôi. Thăm đền Ngọc Sơn “Rùa Hồ Gươm“ vớt tại Hồ Gươm năm 1968 nặng 250 kg, dài 2,1 m, ngang 1,2m, theo truyền thuyết có từ 400 đến 500 tuổi. Điều đặc biệt toàn các em “phó nhòm” mời chụp hình. Đoàn có máy chụp hình riêng vài ảnh làm kỷ niệm ở đây. Đối diện Hồ Gươm trên đường Đinh Tiên Hoàng là nhà hát múa rối nước Thăng Long. Quanh hồ rặng liễu hàng cây như “Hà Nội ơi xanh xanh liễu rũ mặt Hồ Gươm“ vẫn còn nghe đâu đây. Xe vòng quanh qua hồ Thiền Quang ghé khách sạn Thanh Niên (gần báo Tiền Phong) để đăng ký nơi ở khi đi Quảng Ninh về. Dọc đường nhiều bandrole “Hà Nội 45 năm trên đường phát triển 10/10/1954 – 10/10/1999“
Buổi cơm trưa ở nhà chị Khanh đầm ấm, tình cảm và hết sức vui vẻ (có chụp hình kỷ niệm). Nghỉ trưa một tí, đến 13h đoàn lên đường đi Quảng Ninh.
Xe chạy qua 46 Đại Cồ Việt cơ quan của Bộ GD và ĐT, lên cầu Chương Dương dài 3 km, bên trái là cầu Long Biên, qua phố Khâm Thiên trên đường Nguyễn Văn Cừ, qua đường 5 đi Quảng Ninh 170 km, đường 5 từ Hà Nội đi Hải Phòng 102 km.
Trời mưa như điếu đổ, trên đường số 5 dọc đường bán nhiều tương bần khoảng 3.000 đồng/lít. Đường 5 đẹp, hiện đại có lối đi dành riêng cho xe đạp, xe mô tô. Hai ven đường những cánh đồng lúa bát ngát đã đến mùa gặt hái, nhà cửa mọc lên như nấm.
Điều đặc biệt trên đường số 5 đi Hải Dương, Hải Phòng, hai bên đường là những hàng cây vải thiều, những cánh đồng lúa trồng nhiều thứ như hành rau, đậu… xen canh quanh năm, những ngôi nhà không mái (mái bằng) để tránh bão, những ngôi nhà không đổ bê tông trụ (tường 20) để chịu nóng, lạnh quanh năm. Rẽ quốc lộ 18A là đường đi Quảng Ninh, đi thẳng đường 5 là thành phố ”Hoa phượng đỏ“ Hải Phòng. Cả đoàn ghé lại quê bố mẹ chị Khanh (Thanh Lâm, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) nghỉ 10 phút rồi tiếp tục lên đường. Trên đường quốc lộ 18A Hải Dương là quê hương nhà thơ Trần Đăng Khoa, rồi  anh hùng Mạc Thị Bưởi, huyện Chí Linh thuộc tỉnh Hải Dương, thầy Nguyễn Viết Cảnh – Phó giám đốc Sở GD-ĐT Khánh Hòa đã từng dạy ở trường Chí Linh này. Tiếp tục là huyện Đông Triều – nơi học sinh miền Nam ra học ở đây trong những ngày tháng chống Mỹ cứu nước, bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, bà Nguyễn Thị Nỡ – Giám đốc Sở Tài chánh vật giá Khánh Hòa đã từng học nơi đây một thời. Xa xa nhà máy xi măng Hoàng Thạch thuộc tỉnh Hải Dương, nơi cung cấp xi măng cho cả nước. Trên quốc lộ 18A, trước khi đến thị xã Uông Bí, nhìn bên trái sẽ thấy núi Yên Tử, chùa Trúc Lâm Thiền Tự, bài trên đỉnh Phù vân của nhạc sĩ Phó Đức Phương, ca sĩ Trang Đài hát (đền Trần Nhân Tông ở trên núi Yên Tử). Cả đoàn ghé nhà em anh Thám ở thị xã Uông Bí, anh đại úy công an giao thông vui tính tên là Hùng cho đoàn “tiêu thụ“ hết hai thùng bia Halida. Đoàn tiếp tục lên đường đi Biểu Nghi (hết đường 18A), bên cạnh là trường CĐSP Quảng Ninh. Tiếp tục 20 km đường ngoằn nghèo khó đi, trên đường gặp đập Yên Hưng (Yên Hưng cách Biểu Nghi 29 km) khá đẹp, đi một quãng đường nữa là sông Bạch Đằng, nơi đây – một thời đã ghi vào lịch sử  nào  Ngô Quyền (938), Trần  Hưng  Đạo (1288) đã từng chiến đấu anh dũng chiến thắng giặc ngoại xâm Mông – Nguyên. Đoàn đến khách sạn trung tâm điều dưỡng “Người có công“ lúc 16h30. Cảnh Bãi cháy (Hạ Long) rất đẹp không thua gì bãi biển Nha Trang và có lẽ hơn Vũng Tàu nhiều.
19 h: Ăn cơm tối ở một quán cơm bình dân, ở đây dân Tây rất nhiều 30 phút sau xe đưa đoàn về khách sạn trung tâm điều dưỡng người có công để nghỉ. Khách sạn ở đây rất đẹp  tiện nghi đầy đủ, có máy lạnh và tivi trong phòng.            
Đêm hôm qua 11/10 ở trên tàu S6, đêm nay ở Bãi Cháy – Quảng Ninh.
Ở Hòn Gai có mấy địa danh cần lưu ý: Bãi Cháy, nghe nói ngày xưa có một  tên Tây đốt cháy cả rừng ở đây, việc nữa “Giếng đáy“ vì giếng trên cao gần biển mà vẫn có nước ngọt. Ăn uống ở Hạ Long cũng có nhiều điều lạ: không có càfê sữa, càfê đen là chính, sữa là sữa, phở không có nước mắm chỉ có bột canh, ăn xong không có nước uống. Dân Tây, dân Tàu ở Bãi Cháy này rất đông. Ban đêm nhìn qua dòng sông bên vịnh Hạ Long tuyệt đẹp, đèn điện sáng choang, tàu bè nhiều như Hồng Kông thứ hai. Mấy tay Hàn Quốc đổ cả 50 tỷ USD trong 20 năm, chiếm 1,6 km đường biển ở vịnh Hạ Long để mở công ty du lịch Hoàng Gia, ở công ty này thì đủ cả cơm Tàu, cơm Tây, các điệu múa dân tộc, điệu múa Tàu. Mấy anh em “xem ké” qua hàng rào những điệu múa Tàu cũng được. 
13/10/1999: Đêm đã qua, 3 anh em cùng phòng gài ti vi báo giờ tắt – ngủ ngon một giấc tới sáng. 
6h sáng đã dậy, ở trên cao nhìn xuống biển rộng bao la rất đẹp, lác đát vài hạt mưa, trời không lạnh. Ở đây không khác nào ở Đà Lạt, cũng có cây thông và cả rừng thông, không khí cũng lành lạnh, cũng trên đồi cao, dưới thấp.
8h: Cả đoàn đi tắcxi xuống bến tàu Hạ Long, mua vé tàu cả đoàn 50.000 đ/h x 4h  =  200.000 đồng. Vé tham quan người lớn 15.000 đ/người trẻ em: 5.000 đ/người.
Trên vịnh Hạ Long tàu, ghe đánh cá đủ cả, các tàu chở du khách rất đông, phong cảnh một sáng mai vịnh Hạ Long rất đẹp, tia nắng phản chiếu mặt biển lấp lánh như những hạt kim cương. Trên đường tàu chạy qua đảo Dều nổi giữa biển – ở đây có chim  khỉ, đà điểu rất nhiều. Đảo ghé qua lần 2 là “Hang đầu gỗ“ tục truyền khi xưa Trần Hưng Đạo dấu gỗ ở đây để chuẩn bị đóng cọc trên sông Bạch Đằng. Từ đảo này qua bến cảng khoảng 7km và tàu chạy 30 phút là đến. Một điều đáng lưu ý: Muốn mua các loại sản phẩm biển như cua, tôm ghẹ, mực cá ốc trên đường đến đảo đều có cả, và nếu mua xong thì đã có cả tàu đi làm dịch vụ nấu nướng này. Tất nhiên là tốn tiền nhiều. Rất may.
Trên tàu đi rất đẹp, đầy đủ tiện nghi: 4 bộ salong, có cả tollet trên tàu. Sau 30 phút toàn cảnh vịnh Hạ Long đây rồi, cảnh đẹp thiên nhiên đến hùng vĩ, nước non bao la, cây cảnh đẹp đến lạ không sao diễn tả được. Đoàn chúng tôi lên đầu tiên là “Động Thiên Cung“, rộng khoảng 5.000 m2, có lúc ở động này chứa 5.000 người tham quan, cửa động mở ra, một khoảng trời bao la trong động hiện ra trước mắt chúng tôi, một khoảng không gian bao la với những nham thạch đá vôi đủ hình tượng quá đẹp, lộng lẫy – không bút giấy nào tả xiết cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ đến chừng ấy. Ở động Thiên Cung người ta chỉ tái tạo đường đi và ánh sáng thế thôi, còn lại do trời đất tạo dựng. 
9h20 đoàn tiếp tục qua “Hang Đầu Gỗ“, hang này có vẽ bình dị, di tích hơn, đường đi làm toàn bằng gỗ.
Các thắng cảnh ở vịnh Hạ Long có thể kể: Động Thiên Cung, Động Mê cung, động Tam cung, hang Đầu gỗ, hang Sững sốt, hang Bồ Nâu, Bãi tắm Titốp, đảo Gà chọi… Đoàn chỉ đi một động và một hang mà anh em trong đoàn đã mệt lã cả người.
10h: Tàu tiếp tục đường vòng  xung quanh đảo. Thật là:
“Chưa đi chưa biết Quảng Ninh
Đi rồi mới biết nước mình đẹp sao“
Chị Nguyễn thị Khanh trong đoàn đọc. Một quần đảo tạo nên vịnh Hạ Long quá đẹp (có khoảng 3.000 đảo lớn nhỏ). Tàu về đất liền lúc 12h30 kết thúc chuyến đi thăm đảo vịnh Hạ Long đẹp tuyệt vời.
 Đảo Hạ Long còn để trong lòng mọi người những kỷ niệm khó quên. Những câu xưa còn đọng lại:
“Đi hòn Trinh mà chẳng còn trinh
Vách đá xuyên ngang đến bực mình “ 
Đoàn ăn cơm trưa muộn màng 12h30 và về khách sạn trung tâm điều dưỡng người có công để nghỉ trưa.
15h: Đoàn bắt đầu đi Sở GD-ĐT Quảng Ninh. Lần đầu tiên đi phà Bãi Cháy - Hòn Gai, thực ra cự ly khoảng 600m chưa đủ cây số mà phải qua phà là một điều vô lý?!. Nghe nói trong tương lai không xa, Nhà nước sẽ đầu tư làm cầu bắt qua sông thì đỡ mấy, không qua phà nữa tránh phiền phức và tốn kém thời gian. Đoàn đến Sở GD-ĐT Hòn Gai Quảng Ninh. Qua phà, thành phố Hạ Long rất đẹp, lộng lẫy sầm uất và giàu có. Thành phố Hạ Long đẹp nhờ những cụm đảo san hô. Chúng tôi đi trên đường Cao Thắng - Hạ Long rẽ qua cột 8  Nguyễn văn Cừ. Đường cột 8 khó đi vì đang tu sữa. 
15h30 cả đoàn đến Sở GD-ĐT Quảng Ninh làm việc với lãnh đạo Sở, nghe chị Sửu – Phó giám đốc Sở báo cáo tình hình hoạt động “Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ“ trong những năm qua có hai điều cần quan tâm. Một là về chế độ đi học của phụ nữ tăng 1,5 so với nam, hai là chế độ cho phụ nữ công tác miền núi, hải đảo,vùng khó khăn. Cùng tiếp đoàn có chị Minh - Thạc sĩ, Phó chủ tịch CĐGD Tỉnh, chị Nhạn - Trưởng ban nữ công CĐGD. Đoàn tặng quà lưu niệm, anh Phương Giám đốc Sở phát biểu “Không đáp ứng nhu cầu cho phụ nữ thì cũng chết mà đáp ứng nhu cầu cho phụ nữ rồi thì cũng chết, nhưng cách tốt nhất - dù thế nào đi nữa phải lựa chọn cái chết trong danh dự“. Sở GD-ĐT Quảng Ninh còn gặp nhiều khó khăn về CSVC.
17 h: Đoàn đến đồn biên phòng cửa khẩu, anh Sơn -Phó đồn biên phòng (em chị Liễu trong đoàn) đưa anh chị em trong đoàn đi ăn cơm chiều tại nhà hàng. Nhiều món ăn hơi lạ và ngon như: Tù hàu, cá bớp, bữa cơm thịnh soạn 10 người, tiêu 1,5 triệu đồng. 20h về khách sạn trung tâm điều dưỡng để nghỉ qua đêm.
Xe qua lại thành phố Hạ Long phải đi phà Bãi Cháy.
Lại qua một đêm nữa ở khách sạn đẹp vắng vẻ này.
14/10/1999: 
6h: Trưởng đoàn gọi anh em dậy chuẩn bị lên đường đi  Móng Cái (Bãi Cháy - Móng cái: 150 km). Lại đi qua phà Bãi Cháy để qua thành phố Hạ Long, đoàn ăn điểm tâm phở ở phố Long Tiên, vẫn là phở không có nước trà uống. 
7h45 thì đến địa phận thị xã Cẩm Phả. Cách đây vài năm – nghe nói ở Hạ Long có 1 tảng đá 25 tấn rơi từ núi xuống làm sập mấy căn nhà, trong đó có nhà 5 tầng cất sát vách núi, đá rơi làm chết mấy người. Điều đáng quan tâm ở Bãi Cháy các cửa hiệu ngoài chữ Việt đều kèm theo chữ Tàu và ở Hạ Long – Bãi Cháy thì người nước ngoài có thể nhiều hơn người Việt.
8 h: Đến Thị xã Cẩm Phả thì trời đổ cơn mưa. 
8h30 xe bắt đầu lên đèo sau khi đi qua huyện Cửa Ông – ở đây có công ty than rất lớn. “Những đồi hoa sim“ trên đường đèo của QL 18A đến Móng Cái. Trời vẫn mưa và cái lạnh của vùng rừng núi Quảng Ninh. Xe chạy trên cầu Ba Chẻ đáng lẽ trước đây phải qua phà. Từ huyện Tiên Yên đến Thị xã Móng Cái khoảng 89km đường QL 18A khó đi, cầu Tiên Yên rất đẹp dài khoảng 1km. Trên đường đi những người Dao đỏ, dao trắng (chưa có chồng), dao đen (đã có chồng) đi dọc hai bên đường, đây là địa phận thuộc huyện Quảng Hà. Đến 11h50 xe đến chợ Móng Cái. Ăn cơm trưa chỉ 80.000 đồng/10 người rất rẻ. Từ Móng Cái đến Trà Cổ chừng 17 km, anh em đi thăm mũi Sa Vĩ có tấm bia ghi mấy dòng chữ: 
”Mũi Sa Vĩ Trà Cổ, Móng Cái địa đầu tổ quốc .”
…. Từ Trà Cổ rừng dương
Đến Cà Mau rừng đước... (Thơ Tố Hữu)
Đây là đoạn đất ranh giới với Trung Quốc, đứng ở mũi này thì trông sang Trung Quốc được vì chỉ cách nhau một vài hải lý. Đoàn xuống khách sạn Sao Biển lúc 13h30 nhưng không ở đây vì giá thuê phòng rất đắc đỏ và bất tiện. Ngoài khách sạn là một rừng dương biển bát ngát cũng giống như ở bãi biển Nha Trang. 
14h đoàn lên Mũi Ngọc – một địa danh cũng khá đẹp, nơi đây có thể đi Hải Phòng bằng tàu cánh ngầm cao tốc với giá 100.000 đồng/người.
15h30 xe về lại Móng Cái, đoàn ở hotel Bình Minh gần đồn biên phòng cửa khẩu. Ăn cơm chiều, anh em đi dạo phố Móng Cái mua ít vật dụng. Ở Móng cái xe thồ Minkhơ rất nhiều. Ở đây có 3 chợ: chợ 1 dành cho người Trung Quốc buôn bán, chợ 2 và chợ 3 thì dành cho người Việt bán buôn.
10h: Xem tivi và ngủ qua đêm. Khách sạn này 5 tầng khá đẹp và đầy đủ tiện nghi.
15/10/1999:  
6h30: Anh em đồn biên phòng cửa khẩu đưa cả đoàn đi ăn sáng và chuẩn bị thủ tục hành trình sang Trung Quốc. Ban đêm từ khách sạn có thể nhìn thấy bên Trung quốc qua màn sương mờ mờ. Sang Trung quốc không qua cửa khẩu kiểm soát, không làm thủ tục xuất nhập cảnh 80.000 đ/người làm giấy tờ, mà do các anh đồn biên phòng cửa khẩu làm hoa tiêu.
Ở Móng Cái điều đáng lưu ý là vài km thì có vài người chạy xe đạp Nhật mua từ Trung Quốc sang, mỗi ngày người ta đạp xe thuê hai chiếc, nếu qua lọt thì được 100.000 đồng.
Sáng nay 15/10 được hai anh em đồn biên phòng cửa khẩu, trung tá Lập  đưa đoàn đi ăn sáng. Chưa bao giờ được điểm tâm một bữa thịnh soạn như thế.        
7h45: Hai tiếp viên công ty du lịch Hoàng Hải đưa đoàn đi đường biển qua Trung Quốc, công ty du lịch này liên doanh với tỉnh Bắc Hải Trung Quốc.
7h55: Ghe máy đưa đoàn đến cửa khẩu thành phố Đông Hưng thuộc tỉnh Quảng Tây Trung Quốc. Qua cửa khẩu mua vé nhập khẩu 10 nhân dân tệ tương đương 16.000 đồng Việt Nam. Ở Móng Cái có 2 cầu Cầu Bắc Luân đường bộ trên sông Kalong, một nửa là Trung Quốc, một nửa đường cầu là ranh giới Việt Nam. Qua đường bộ này phải có giấy thông hành. Một cầu bên chợ Móng Cái là cầu Kalong. Mỗi ngày cho người qua lại Trung Quốc từ 7h sáng đến 4 giờ chiều (không được lưu trú ban đêm). Người Việt ở thành phố Đông Hưng cũng khá đông. Qua cửa khẩu cả đoàn thuê hai chiếc xe lôi, mỗi xe có một hướng dẫn viên du lịch (cô Phương và Duyên – nhân viên công ty du lịch Hoàng Hải) cùng đi để hướng dẫn đoàn. Hai chiếc xe lôi – một ông già và một cô gái 34 tuổi kéo xe lôi – mỗi xe 6 người đi trên con đường đại lộ trung tâm dọc đường những hàng cây đủng đỉnh dùng để lấy sợi chằm nón, nhà cửa ở đại lộ này lớn, to nhưng không cao lắm, người Trung Quốc chuộng màu đỏ, nhà nào cũng có một dãi lụa đỏ trước nhà (tượng trưng cho an lành và may mắn). Thành phố Đông Hưng hoa quả nhiều, người Việt qua đây để chuyển hoa quả về bằng đường sông như táo le, nho, bôm. Sĩ quan Việt Nam không được qua Trung Quốc. Chúng tôi dừng lại ở chợ Đông Hưng, chợ này hàng quần áo, hoa quả nhiều, muốn mua một thứ gì phải nhờ thông dịch, chứ không thì cũng phải dùng tay. Người Hoa nói tiếng Việt lơ lớ, ở chợ này có thể trông thấy các đường phố TP. Đông Hưng.
Rời chợ Đông Hưng – trở về đất liền Việt Nam. Một điều chúng tôi cảm nhận được: Một cô gái 34 tuổi – 10 năm kéo xe lôi, hai đứa con nhỏ thật khổ, thật đáng thương, một ông già nhiều tuổi không được nghỉ ngơi dưỡng sức, vì miếng cơm manh áo phải đi kéo xe lôi hằng ngày. Người Hoa buôn bán nhỏ, buôn thúng bán bưng, nằm vĩa hè, người nghèo nhiều trước sự nguy nga của nhà cửa, phố xá ở Đông Hưng. Đoàn đi xe lôi suốt phố thương nghiệp của đường giải phóng để mua mỗi người một cái xanhxônai khá đẹp.
10h35: Đoàn xuống ghe xuôi dòng sông Kalong về Móng Cái. Trước khi qua cửa khẩu, bọn hải quan Trung Quốc kiểm soát kỹ lưỡng. Ăn cơm trưa, đoàn tiếp tục đi chợ Móng Cái 1 để mua một số đồ đạc. Chợ này toàn người Hoa bán hàng. Ở chợ Móng Cái thì “Trên trời dưới hàng“. Người Hoa ở chợ này nói tiếng Việt rất sỏi.
15h: Một số anh em trong đoàn đi thăm mấy anh đồn biên biên phòng, khách sạn Bình Minh đối diện hải quan cửa khẩu gần Vietcom bank. Ban đêm từ tầng 5 khách sạn này nhìn sang Trung Quốc qua màn sương mờ mờ ánh đèn điện lấp lánh rất đẹp. Rất tiếc, thời gian này ở thị xã Móng Cái cả ngày lẫn đêm không có điện, khách sạn phải sử dụng máy điện phụ. Tôi và anh Thám Diên Khánh lai rai vài ly bia hơi Hải Phòng với đĩa gà luột, ly kem mê ly và về khách sạn đánh một giấc tới sáng.
16/10/1999: Quên một điều chưa nói, chiều hôm qua, cả đoàn đi tắcxi lên cầu Kalong để chụp hình kỷ niệm, sau đó xe đến cửa khẩu. Xin vào mãi mới được vì đã 17h để chụp hình kỷ niệm ở cửa khẩu, ngang vạch ranh giới VN - TQ, chụp hình ở cửa khẩu xuất cảnh, nhập cảnh. Cửa khẩu này rất lớn có dòng chữ “Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam“ bên kia là hàng chữ TQ, bên cạnh cửa khẩu TQ có nhà tưởng niệm Bác Hồ.
8h35: Xe rời Móng Cái trên quốc lộ 18A qua cây số 15 xe dừng bánh để hải quan kiểm soát. Hải quan kiểm soát rất  kỹ. Một bà đi buôn bị mấy chú hải quan “tóm” vì buôn vải.
Kết thúc chuyến đến thị xã Móng Cái, mấy vấn đề cần quan tâm:
· Biết được mũi Sa Vĩ, Trà Cổ – địa đầu của tổ quốc.
· Biết Mũi Ngọc đẹp đẽ
· Qua cửa khẩu bằng đường thủy để sang TQ không tốn tiền làm thủ tục hải quan.
· Biết thành phố Đông Hưng tỉnh Quảng Tây – Trung Quốc
· Biết được cửa khẩu bằng đường biển.
· Biết được cảnh sinh hoạt bán buôn ở chợ Móng Cái mà người ta thường gọi là “Trên trời dưới hàng“.
Từ Hạ Long đến Móng cái:
“Chưa đi chưa biết Quảng Ninh
Đi rồi mới biết nước mình đẹp sao
Từ Móng Cái đến Cà Mau
Địa đầu tổ quốc sang Tàu tham quan“
Xe chạy đến Quảng Hà lúc 9h40. 
10h45: Đến cây số cách Cửa Ông 73km. Ở Móng Cái có hai loại bánh điểm tâm: bánh tu hú và bánh giò. Từ Móng Cái đến thị xã Uông Bí 230km. Ở Móng Cái người ta đi xe thồ bằng Dream và xe Minkhơ. Cả đoàn ăn cơm trưa ở thị trấn Tiên Yên đến 12h20 thì xe tiếp tục lên đường. 
14h: Đến thị xã Cẩm Phả.Tỉnh Quảng Ninh có 13 huyện, thị, thành phố, trong đó 1 thành phố Hạ Long, 3 thị xã là Cẩm Phả, Móng Cái và Uông Bí  Từ Cẩm Phả đi Uông Bí khoảng 70km. Từ Uông Bí về Hà Nội 150km qua QL 18A, rồi đường 5  Hải Dương đi Hà Nội. Xe đến Quảng Gỏi lúc 8h tối ăn cơm chiều ở đây là một nhà hàng lớn, ăn cơm được tráng miệng bánh đậu xanh Hương Nguyên. Từ Quảng Gỏi về Hà Nội khoảng 16km, tôi và bác Tài xế hát suốt những bài ca, cả xe cùng hát, cười vui vẻ. 
Một điều cảm nhận nơi bác Khanh – tài xế  đã 64 tuổi mà tinh thần vẫn lạc quan yêu đời, lối sống bình dị, tận tụy với công việc đáng cho chúng ta học tập, noi gương. Về khách sạn Thanh Niên ở Hà Nội đúng 21h30. 
Kết thúc chuyến đi Hà Nội – Móng Cái Quảng Ninh. Cuộc đời mình có khi nào được đi và được biết những điều chưa bao giờ biết được. Về Hà Nội trời xe lạnh, vài cơn gió lạnh, đôi khi phải cần mặc ấm.
Từ Móng Cái – Hà Nội phải qua 4, 5 trạm thu phí đường bộ. Xe qua cầu Chương Dương bên phải là cầu Long Biên rất đẹp, đèn điện sáng choang. Khách sạn Thanh Niên 6 tầng, phía trước là tòa nhà nguy nga 16 tầng, bên cạnh là những cơ quan báo Nhi Đồng, báo Thanh Niên. Khách sạn đẹp, thoáng mát, đầy đủ tiện nghi.
Hà Nội đi vào trong giấc ngủ và sáng mai cả đoàn sẽ dậy sớm.
 17/10/1999: Tôi dậy rất sớm lúc 4h30 để tập thể dục, uống 2 cốc nước lã và đánh răng súc miệng bằng nước nóng.
Có  điều ao ước: Sống làm việc và đi du lịch như thế này thì thích thú biết mấy.
Hôm qua còn một địa danh Côn Sơn -Kiếp Bạc (Nguyễn Trãi) mà đoàn không có thời gian để ghé thăm, rất tiếc ở Chí Linh.
Một ngày mới ở Hà Nội bắt đầu. Cái không khí lành lạnh, mát mát của mùa thu Hà Nội mà ở miền Nam không bao giờ có được. Những làn gió thu se lạnh quyện vào mùi thơm hoa sữa trên các đường phố Hà Nội tạo một cảm giác mới la.
Nhà khách Thanh Niên ở phố 15B Hồ Xuân Hương, bên trái là Chinfon Bank, bên phải báo Tiền Phong, đối diện tòa soạn báo Nhi Đồng, tạp chí thời trang Trẻ và quán càfê Thái xinh đẹp, lộng lẫy “chém đẹp” ly cafê 10.000 đ/ly x 5 ly không ra gì. Từ nhà khách ra hồ Thiền Quang mươi bước ở bên trái. Phố Lý Thái Tổ có trường đại học Dược, đại học khoa học tự nhiên, nhà hát lớn Hà Nội, phố Tràng Tiền – phố lớn nhất Hà Nội, qua phố Tràng Thi trung tâm Airline Việt Nam, bệnh viện Việt Đức, qua phố Tống Duy Tân đường Điện Biện Phủ, viện bảo tàng quân đội, cột cờ Hà Nội sắp tới lăng Bác Hồ, Bộ ngoại giao (Nguyễn Mạnh Cầm) qua đường có hội trường Ba Đình, bên cạnh hồ tắm đường Bành văn Thọ: Cơ quan TW Đảng, Quốc hội, Nhà nước, văn phòng BCH TW Đảng trên đường Hùng Vương.
Lăng Bác Hồ đối diện Bộ ngoại giao đường Thụy Khê có trường PTTH Chu Văn An số 10 Thuỵ khê thuộc quận Tây Ho, trên đường Thụy Khê có chợ Bưởi - chợ phiên họp ngày 4, ngày 9 hằng tháng, làng Hồ (làng giấy gió). Đoàn ghé qua 532 đường Bưởi thăm chị Tuyết Vân, công tác trường chuyên Lê Quý Đôn Nha Trang Khánh Hòa đang bị  bệnh ung thư.
Móng Cái - Hà Nội 385km. 
9h20: Xe đang ở phường Nghĩa Đô uống chè Thái Nguyên rất ngon Bác Khanh ở 217 Đội Cấn phường Cống Vị, quận Ba Đình Hà Nội – đó là địa chỉ tài xế. Nơi đây chè nóng 200đ/chén, hạt bí 500đ/gói thế thôi, cũng đủ ấm lòng chiến sĩ. Lên đường Hoàng Quốc Việt rất nhiều học viện Học viện hành chánh Quốc gia Hồ Chí Minh, học viện khoa học Quân sự, sang đường cao tốc Thăng Long, nội bài khu vực huyện Từ Liêm, làng Cỗ Nhuế may đồ (nhái lại) trồng lúa. Cầu Thăng Long 2 tầng dài 3.450m, sông Hồng nước đỏ, phía dưới cầu là đường tàu hỏa, bên kia cầu là huyện Đông Anh.
Sân bay Nội Bài thuộc huyện Sóc Sơn, đê sông Hồng, đường tàu hỏa dài 5,7km, dưới cầu Thăng Long có đường xe chạy, lên cầu Thăng Long chụp hình suýt nữa bị mấy tay công an thu máy (đòi rữa phim xem có chụp không). Ở Hà Nội mùa này thưởng thức được gió mùa đông bắc lạnh và khô môi, khó chịu, đứng trên cầu Thăng Long mới cảm nhận được, và đứng trên cầu này nhìn cả thành phố Hà Nội 6,7 tòa nhà cao tầng - cao nhất là khách sạn Dawoo 21 tầng. Ven đê Nhật Tân người ta trồng hoa đào rất nhiều (đào thế, đào càng, đào phai, đào kép, đào đơn), lên cầu Chương Dương hàng loạt nhà hàng thịt chó (xí nghiệp liên hiệp thịt chó) thuộc khu Nhật Tân quận Tây Hồ. Trên đường Đặng Thái Mai là dinh Phạm Văn Đồng ở khi xưa  đến khu biệt thự Hồ Tây, phủ Tây Hồ đây rồi. Nơi đây thờ cúng linh thiêng, người ta vào phủ thường mua ho, trái cây, bánh và hương để cúng  thắp hương. Ở phủ này có một cây si rất to, phía trước phủ là ao bèo, sát Hồ Tây dọc đường vào phủ Tây Hồ là những hecta quất, rau muống, mấy cụ già hì hục ngồi viết chữ nho, các hàng quán la liệt. Những ngày rằm, mùng một du khách thập phương đến phủ Tây Hồ rất đông để cầu tự, ăn uồng và vui chơi giải trí. Cả đoàn dùng cơm trưa ở quán Đầm Sen, ở đây có ốc hạt mít 20.000 đ/kg bánh phồng tôm (bánh tôm Hồ Tây), dọc đường có cây đa Ấn Độ cũng rất lạ vì lá non giống như búp hoa. Ban trưa ngồi ở quán trên mặt Hồ Tây rất mát, nếu về mùa sen nở ở mặt hồ thì rất tuyệt, mùi thơm tỏa lên từ mặt hồ của hoa sen ở phủ Hồ Tây là nơi ăn chơi của những kẻ lắm của, nhiều tiền. Rời Phủ Hồ Tây lúc 12h45 để đi qua đường Nghi Tàm sừng sững khách sạn Meritut trên 10 tầng dọc hồ Trúc Bạch đường thanh niên. Đường thanh niên ở giữa Hồ Tây và hồ Trúc Bạch. Ở Hồ Tây cũng là một  điều thú vị: câu cá (có nhiều loại cá như cá chép, cá rô phi...) tuyệt nhất có lẽ đêm trăng trên Hồ Tây những hàng liễu rũ trên mặt hồ rất đẹp- Hồ Tây đẹp hơn hồ Trúc Bạch. Qua đường Hùng Vương là đến Phủ Chủ tịch. Trước hội trường Ba Đình là lăng Bác Hồ, các Đ/c bảo vệ lăng đang bước đi từng bước đi vì hết ca trực, các Đ/c trực lăng mặc quân phục trắng đứng nghiêm như pho tượng. Bên phải lăng là dòng chữ “Nước CHXHCNVN muôn năm“, bên trái “Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta“.
“Con ở Khánh Hòa ra thăm lăng Bác
Không được vào lăng, con vẫn đến thăm“ 
(Anh em trong đoàn viết). Vì lúc này đang trùng tu lăng.
Mấy hàng tre vàng cao vút bên phải lăng, trước lăng là một khoảng không gian bao la, một lá cờ to sừng sững. Sau lăng là chùa Một Cột. Lăng Bác Hồ trùng tu từ 1/10 đến 1/12/1999 mới xong, bên trái lăng là nhà sàn Bác Hồ. Phía sau chùa Một Cột là Bảo tàng Hồ Chí Minh gồm: Gian mở đầu phòng trưng bày về cuộc đời hoạt động Cách mạng của bác, phòng trưng bày về đất nước Việt Nam, cuộc đấu tranh và thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, phòng trưng bày một số sự kiện lịch sử thế giới ảnh hưởng tới cuộc đời hoạt động Cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thắng lợi của nhân dân Việt Nam.
Dọc đường Hùng Vương trước lăng Bác Hồ, một cột cờ lá cờ đỏ sao vàng tung bay phất phới 77m2 (7m x 11 m), hai anh lính đứng trực trước cửa lăng Bác như pho tượng. Anh em chụp hình ở quảng trường Ba Đình trước lăng Bác Hồ. Lính gác 24/24, hai người gác một ca trong 60 phút, mỗi người trực hai lần trong ngày. Ban bảo vệ lăng có nhiệm vụ bảo vệ xung quanh lăng Bác, mỗi chỗ có hai lính gác. Vào cửa phủ Chủ tịch, những hàng cây đủ loại, có cây to đến 4 người ôm 1,6 x4 = 6,4m, những hàng cau xen kẻ cao 20m, những hàng xoài rợp bóng mát:
“Anh dẫn em vào cõi Bác xưa
Đường xoài hoa trắng nắng đu đưa“ Tố  Hữu
Những hàng tre xanh. Đây rồi ao cá Bác Hồ khá rộng, đẹp, đủ loại cá, những rặng liễu chòm cây lau lan tỏa mặt hồ. Vào khu nhà sàn Bác Hồ thật đơn sơ giản dị, trước nhà sàn là 2 cây dừa cao, đường lên nhà sàn có 3 lối chỉ được đi 2 lối sau. Nhà Bác ở là căn nhà sàn bằng gỗ đường đi vào nhà đơn sơ, sàn trên gồm 2 phòng, phòng bên phải là nhà ở gồm 1 giường gỗ, 1 cái gối, chiếu, 1 đồng hồ để bàn nhỏ màu trắng, 1 cái mũ cối, vài cuốn sách, 1 rađiô, 1 cái đèn đọc sách, phòng bên cạnh là phòng làm việc cũng đơn sơ giản dị, 1 cái bàn 3 ngăn tủ kéo, 1 cái ghế tựa, vài cuốn sách, 1 quạt tròn, 1 đèn đọc sách... thế thôi!!. Sàn dưới phòng tiếp khách  gồm một bàn gỗ dài, vài cái ghế tựa, một chiếc ghế tựa để Bác nằm nghỉ, 3 cái điện thoại, một số quyển sách. Từ nhà sàn ra phủ Chủ tịch chừng 200m.
15h: Xe rời khu lăng Bác chạy qua đường Điện Biên Phủ là cột cờ Hà Nội, trước cột cờ là tượng đài V. I. LêNin, vườn hoa cột cờ khá rộng. Xe về khách sạn Thanh Niên ở 15B Hồ Xuân Hương.
Kết thúc một ngày đầu tiên tham quan ở Hà Nội.
Trời Hà Nội vẫn se lạnh, cái lạnh có khó chịu vì đang ảnh hưởng gió mùa đông bắc.
18h: Đi dạo phố xuống chợ Hôm cho mấy “bà“ mua đồ đạc các thứ. Giá cả Móng cái so ở đây gấp đôi, ví dụ lọc cà phê 10.000đ/25.000đ, bộ bát 29/35.000 đ, mền mỏng 30/70.000đ, sấy tóc 30/70.000 đ… Mấy anh em dạo phố Hà Nội bằng xích lô hơn một giờ đồng hồ.  
Đêm Hà Nội trời se lạnh, phải mặc áo len để ngủ.
18/10/1999: 
7h sáng thức dậy, mặt trời đã lên cao, bên hồ Thiền Quang màn sương còn dày đặc cái hơi lành lạnh, giá buốt của Hà Nội mà trong miền Nam không có được.
8h30: Cả đoàn đến nhà chị Lê Thị Hòa ở số 12 Tăng Bạt Hổ, xéo góc nhà là cơ quan LĐLĐ thành phố Hà Nội để thăm ông bác Lê Quang Ngoạn – Thân sinh chị Hòa đã ngoài 80 tuổi nhưng ông vẫn còn khỏe mạnh, nhờ tập thể dục thường xuyên theo phương pháp Yoga.
9h: Đoàn tiếp tục đến thăm nhà mẹ vợ anh Cát, ông bố vợ đã mất.
9h30: Đi chợ Đồng Xuân. Người Hà Nội rất lịch sự trong giao tiếp, ăn mặc đẹp, sang trọng. Các loại hoa thì ở Hà Nội đầy đủ không thiếu một loại hoa nào. “Em ơi Hà Nội phố“ thì ra tôi mới hiểu, ở Hà Nội có rất nhiều phố. Trước khi  đến chợ Đồng Xuân qua phố Đội Cấn – khu nhà các vị TW – Trần Đức Lương, nhà khách Nông Đức Mạnh. Qua trường đua ngựa, qua nhà máy bia Hà Nội đường Hoàng Hoa Thám, công viên Bách Thảo đường Hoàng Hoa Thám, Nhà Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh ở đường Phan Đình Phùng, thành cửa bắc (Pháp bắn đạn đầu tiên vào thành này). Đoàn đi nhiều ở hai quận Hoàn Kiếm và Ba Đình. Qua phố hàng Cót, hàng lượt đến chợ Đồng Xuân. Ba mươi sáu phố phường Hà Nội đây rồi: Hàng Đồng, hàng Chai, hàng Mã, hàng Chiếu, đường rẽ qua phố Đồng Xuân là hàng Khoai, hàng Giấy, hàng Đào, hàng Cót, hàng Cân, hàng Bồ, hàng Quạt, hàng Gai hàng Hòm, hàng Bông, hàng Hành, hàng Mành, hàng Trống, hàng Vải, hàng Cá, hàng Chuối, hàng Giầy, hàng Thiếc, hàng Da… Xe dừng lại ở cổng số 4 để vào chợ Đồng Xuân. Chợ Đồng Xuân thì đủ thứ “Thượng vàng, hạ cám“, người ta đến đây để sỉ hàng hóa về bán, hàng ở đây nhập từ các nước như Thái Lan, Hồng Kông, Nhật, Thái... Hàng nội, hàng ngoại đủ thứ. Lên chợ tầng trên bằng cầu thang cuốn, chứ không đi bộ.
Có lẽ ở Việt Nam, ngoài Hội An (Quảng Nam) ra chỉ có Hà Nội còn giữ nguyên được một khu phố cổ, có thể coi đó là một hình tam giác cân có đỉnh là phố hàng Than, cạnh phía đông là đê sông Hồng, cạnh phía tây là các phố hàng Cót, hàng Điếu, còn đáy là trục hàng Bông, hàng Gai, khu  phố cổ Hà Nội với những ngôi nhà ống nhỏ nhắn, xinh xắn, những đền chùa mái cong mềm mại, và cả những không gian cây xanh mượt mà ngọt ngào hương thơm. Tất cả đã làm nên một vẻ đẹp cổ kính, đơn sơ nhưng cũng rất đậm đà, sâu lắng mà ở Việt Nam chỉ Hà Nội mới có, nét đẹp văn hóa của Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Đến 12h, anh em đi chợ xong. Qua các hàng, lên đường Lê Thái Tổ bên bờ Hồ Gươm, xuống đường Bà Triệu. Hồ Gươm – còn gọi là Hồ Hoàn kiếm – là trung tâm của Hà Nội. Đền Ngọc Sơn Hồ Hoàn kiếm chủ yếu thờ Văn Xương, thờ Trần Hưng Đạo, trong đền còn có tượng Quan Vũ, tượng Lã Tổ, phía xa phía tây nam hồ gò tháp Rùa có từ thế kỷ XIX, tháp Rùa trở nên thân thiết với mỗi người dân Hà Nội.
15h: Đến Sở GD-ĐT Hà Nội, số 23 đường Quang Trung. Chị Trần Thị Dung – Phó giám đốc Sở GD-ĐT, Phan Việt Huy – Chánh văn phòng Sở, cô Hiền – chuyên viên phòng Mầm Non, anh Vĩnh, cô Yến – chuyên viên TCCB niềm nỡ đón tiếp đoàn GD-ĐT Khánh Hòa. Sở GD-ĐT Hà Nội rất đẹp, phòng khách rất sang trọng, có máy điều hòa nhiệt độ. UNESCO công nhận Hà Nội là thành phố hòa bình. Lời đầu tiên là rất quý mến đoàn GD-ĐT Khánh Hòa đến thăm và làm việc với Sở GD-ĐT Hà Nội, chị Dung- Phó Giám đốc Sở đã phát biểu.
Sở GD-ĐT Hà Nội có 34 trường THPT, với 33.000 học sinh, 39 trường dân lập, bán công với hơn 30.000 học sinh, giáo dục thường xuyên 18.000 học viên. Hà Nội có 28.500 CB,GV,CNV, trong đó nữ 20.537 người, chiếm 72 %, thạc sĩ 87, trong đó nữ 44, 11 phó tiến sĩ, 1 tiến sĩ, 2.848 đảng viên Tổ chức dạy 2 môn tự chọn là Tin học và Anh văn ở tiểu học, học 2 buổi/ ngày cho Mầm non và Tiểu học. Thành phố Hà Nội được công nhận hoàn thành công tác phổ cập THCS vào năm 1999. Thành tích đạt được thời gian qua: Nhà nước tặng huy chương độc lập hạng 3 năm 1999, huy động nhân dân đóng góp theo hoạt động XHH giáo dục 37 tỷ đồng, quà cho học sinh nghèo từ 50 đến 200.000 đồng/ học sinh, 321 giáo viên nữ vào đảng, tổ chức cho GV nữ đi tham quan Mailaixia, Singapore, Trung Quốc, Thái Lan. Kinh phí đi tham quan nước ngoài được chiết tính theo thông lệ: 1/3 cá nhân đóng góp, 1/3 Sở cấp, 1/3 trường tự lo. Các hoạt động công đoàn lo nội dung, chính quyền (văn phòng Sở) lo kinh phí, chiều thứ 6/tuần chị em được nghỉ dạy, tổ chức khám sức khỏe định kỳ 1 lần/năm, chỉ có 2/20.537 nữ vi phạm DS – KHHGĐ, sinh viên nữ không đi công tác vùng sâu, vùng xa, sinh viên học giỏi ở trường sư phạm được ưu tiên chọn nhiệm sở, thành lập qũy hổ trợ cho phụ nữ gặp khó khăn, ngày thứ 7/tuần GV nữ tự học, tự trau dồi nghiệp vụ. Giáo viên vùng sâu, vùng xa đào tạo tại chỗ, quận nội thành kết nghĩa vùng ngoại thành đủ mọi mặt: quần áo, sách vở, ĐDDH, hoạt động VH,VN,TDTT...Tổ chức hội nghị tổng kết cuộc vận động KC-TT-TN chỉ có 300 đại biểu hết 20 triệu đồng, trong đó thuê hội trường 7 triệu… Đó là một số hoạt động của Ban vì sự tiến bộ của Phụ nữ Sở GD-ĐT Hà Nội báo cáo cho đoàn biết.
Thành phố Hà Nội gồm những quận nội thành như quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình. Các huyện còn lại như Sóc Sơn, Đông Anh, Từ Liêm, Thanh Trì , Gia Lâm .
16h35: Đến trụ sở Công đoàn giáo dục Việt Nam ở số 2 đường Trịnh Hoài Đức. Văn miếu Hà Nội thuộc phố Quốc Tử Giám Qua đường Cát Linh có trung tâm thương mại Cát Linh khá đồ sộ, rẽ phải là đường Trịnh Hoài Đức, bên phải Trịnh Hoài Đức là sân vận động Hà Nội. Anh Hồng Sơn - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, anh Phong, anh Huyên - Phó chủ tịch CĐGDVN và chị Thơm – trưởng ban nữ công đón đoàn, các anh các chị tiếp đón đoàn niềm nỡ, thân mật, vui vẻ và chiêu đãi cho đoàn nho (không có hột), cam và nước ngọt. 
Rời Công đoàn Giáo dục Việt Nam lúc 17h30, anh em đến siêu thị Cát Linh, giá cả ở siêu thị này rất đắc. Cái mền 2 mặt ở Móng Cái chỉ 118.000 đồng mà ở siêu thị này là 320.000 đồng.
Xe qua ngã tư Lê Duẫn – Nguyễn Đình Chiểu thì bị nghẽn xe. Xe cộ hai làn đường chạy bất chấp đèn xanh đèn đỏ, cứ ùn ùn đi…
Ăn cơm tối xong, cả đoàn về khách sạn Thanh Niên ở quận Hai Bà Trưng để nghỉ (Khách sạn này của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh). Tất cả đánh một giấc tới sáng.
Hà Nội gió mùa đông bắc mang theo cái lành lạnh khó chịu đang ở bên ngoài cửa sổ.     
19/10/1999: 
Mọi người phải thức dậy lúc 6h để đi lên Hòa Bình thăm thủy điện Sông Đà.
Trời Hà Nội sáng nay lạnh lắm. Xe rời khách sạn Thanh Niên qua đường Trần Xuân Soạn - chợ Hổm người ta đi chợ rất sớm, xe đến chở chị Hòa cùng đi.  
7h00: Ăn sáng xong, cả đoàn lên thủy điện Sông Đà - Hòa Bình, xe lên đường Lê Duẫn, rẽ phải là khu Khâm Thiên, bên trái số 53 là Đài tưởng niệm B52 (1972), cả một gia đình chôn xác ở đây, phố Khâm Thiên này mà nhà văn Vũ Trọng Phụng đã gọi trong “Số Đỏ” là phố K.T, phố này ngày xưa gọi là phố Cô Đầu. Lên đường Nguyễn Lương Bằng thì xe bị tắt đường một lúc, bên phải đường Tây Sơn là gò Đống Đa (ngày xưa quân Tàu bỏ xác ở đây rất nhiều), trường đào tạo Cán bộ Công đoàn thuộc phố Tây Sơn. Xe lên đường Nguyễn Trãi, Quận Thanh Xuân tiếp tục bị nghẽn đường, đường 4 làn xe chạy khá rộng. Đại học Khoa học tự nhiên ở số 334 Nguyễn Trãi. Không khí ở bên ngoài xe lành lạnh, người đi đường, xe cộ đông vô kể. Bên trái của đường Nguyễn Trãi là tổng Công ty xây dựng Sông Đà. Xe lên địa phận tỉnh Hà Tây lúc 7h15. Đường Trần Phú thuộc Hà Đông, Hà Tây. Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông Hà Tây. Từ ngã sáu của Thị xã Hà Đông lên Hòa Bình 62 km.
Trên đường Quang Trung thuộc Thị xã Hà Đông làm 5 km đường (4 làn xe chạy) trong 4 năm, ngày xưa khi làm đường Quang Trung này (trước cửa Bệnh viện) người ta đào được 4 chum vàng. Xe lên phố Ba La, ở đây bên phải đường có trạm hạ thế Ba La Bông đỏ, rẽ bên trái là đi chùa Hương 25km. Ba La Bông đỏ nơi đây ngày xưa Mỹ thả bom phá nhà máy này. Trên đường đi là viện Bảo tàng Hồ Chí Minh. Bên ngoài xe trời lạnh lắm vì gió mùa đông bắc, mặc dù mặt trời vẫn lên cao 7h35.
Chùa Thầy và hang Cắc Cớ thuộc huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây có câu rằng “Gái chưa chồng như hang Cắc Cớ. Trai chưa vợ nhớ Hội Chùa Thầy”. Trên đường đi lên Hoà Bình có bảng hiệu ghi “Bún thịt chó”. Thật rùng mình!. Trên đoạn đường này cũng có trạm thu phí. 
Đến 8h00 thì còn khoảng 4 km nữa là đến Hòa Bình. Đoàn lên Sông Đà gồm: chị Hòa, Khanh, Tâm, anh Cát (Sở GD-ĐT), Vinh, Cúc, Trưởng, Thám. Còn Chị Liễu, Thoan, Nga đã về.
Lên thị trấn Xuân Mai thuộc Hà Tây cách Hòa Bình 40km, ở đây có trường Đại học Lâm nghiệp, trường THSP 12+2, bên trái là xưởng chế biến thức ăn gia súc hợp tác với Thái Lan rất lớn, dọc đường vẫn là những dãy lũy tre xanh, những vườn cây trái ăn quả, những đồng lúa mới gặt xong. Ở  Hà Nội, nhiều món ăn cũng hơi lạ: món bánh quẩy, cháo quẩy (một món ăn của Trung Quốc thời xưa), mua một chén chè nóng Thái Nguyên. Đường lên Hòa bình dọc đường có những núi đá vôi tạo những hình thù rất đẹp giống ở Vịnh Hạ Long, đường Quốc lộ 6 khá tốt. Vùng Tây Bắc chỉ có 2 dân tộc Mường (Hòa Bình), dân tộc Thái (Mộc Châu). Lên đoạn quốc lộ 6 cách Hòa Bình 25km là những đường rừng rú, có khối mỏ kẽm nam châm trên đường QL.
Xa xa những đồi núi còn chìm trong sương mù.
Hà Nội – Hoà Bình 78km đường quốc lộ 6, dọc đường là những cột điện của mạng lưới quốc gia 500KV của thủy điện Sông Đà. 
Xe lên đến bưu điện huyện Kỳ Sơn lúc 9h00 cách Hòa Bình 10km. Xe qua vài km đường núi thì tới Thị xã Hòa Bình. Trên đường Cù Chính Lan thuộc thị xã Hòa Bình hai bên ven đường là những hàng cây cao rợp bóng mát rất đẹp, phố xá cũng đông đúc, bên phải bên đường đèo là nhà máy thủy điện Hòa Bình (đường hầm thủy điện 30km). Nhìn toàn cảnh nhà máy thủy điện rất nguy nga, đẹp đẽ. 9h15 xe vào đường hầm khoảng 100m, thác nước ở trên đường hầm, đường hầm đẹp quá!, có những đèn điện chiếu sáng trong đường hầm. Xe dừng lại lúc 9h20.
Vài nét về công trình thủy điện Sông Đà:
Điểm tham quan: Bức thư thế kỷ, đi tàu thăm lòng hồ, cửa nhận nước, tượng đài Bác Hồ, gian máy, đài tưởng niệm.
4 nhiệm vụ của công trình thủy điện Hòa Bình: chống lũ, tưới tiêu, phát điện và giao thông thủy.
Nhà máy thủy điện Hòa Bình khởi công ngày 06/01/1979, khánh thành 20/12/1994 gồm 8 tổ máy: Tổ máy 1 khánh thành ngày 30/12/1988, tổ máy số 8 khánh thành ngày 20/12/1994.
22 năm xây dựng, 15 năm hoàn thành nhà máy, dành ¼ Ngân sách Nhà nước để xây dựng thủy điện Sông Đà tốn 3,5 tỷ USD, gồm 22km đường hầm, từ lối vào 8 tua ở đoạn đường 500m được nối một ống thông gió lên cao 90m, dùng 100 quạt thông gió đường hầm. 36.000 cán bộ công nhân Việt Nam, tuổi đời bình quân 22 tuổi làm công trình Sông Đà. 1.000 chuyên gia Liên Xô giúp làm thủy điện sông Đà .
1988-1998: 50 tỷ KWh, công suất 1920 MW, mực nước thấp 79m, cao nhất 117m. Hiện đang có 4/8 tổ máy hoạt động, sử dụng 46.000 tấn thiết bị dưới tầng ngầm. Nếu làm đường từ Hà Nội – Thành phố Hồ CHí Minh rộng 1m dày 1m thì tải hết phần nguyên vật liệu đã sử dụng ở sông Đà. Từ đường hầm chính xuống chỗ sâu nhất 38m, dưới là 15 tầng nhà, bêtông dày 1,4m. Cánh tuabin đường kính 15m. Hiện nay nhà máy có 850 người làm việc, trong đó có 100 cán bộ kỹ thuật trực 24/24h, chia làm 4 kíp 3 ca (một ca 25 người), do trung tâm quốc gia Hà Nội điều động.
10h45: Em Hiền hướng dẫn viên du lịch đưa đoàn lên đài tưởng niệm. Đài tưởng niệm là một vòng cung tròn chia 167 ô + 1 ô. Đã có 168 người chết, trong đó Liên Xô là 11 người. Người chết đầu tiên là Lê Xuân Lý (8/1972). Người chết cuối cùng là Đậu Tiến Thọ, chỉ huy thi công công trình chết ngày 12/12/1994 do tai nạn xe máy, trước ngày nhà máy khánh thành 8 ngày. 168 người chết trong xây dựng 22 năm, người chết đầu và chết cuối đều ở Nghệ An. Trong 168 người có 14 người nữ. Bia tưởng niệm gồm: ly hương, tên, ngày sinh, ngày chết, tuổi trung bình 22 tuổi. Công trình của thanh niên Cộng sản gồm 136.000 người.
10h45: Lên tượng đài Bác nằm trên đồi Ông Tượng, tượng cao 18m, nặng 400 tấn, trong làm bằng bê tông cốt thép, ngoài lát đá Glalit, do ông Nguyễn Hữu An thiết kế, tượng xây từ 03/02/1996 - 03/02/1997 thì khánh thành tượng. Bệ tượng cao 4,5m, phía trước tượng là 79 bậc thang tam cấp, trước trên thân tượng có ghi dòng chữ:
“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên” Hồ Chí Minh 
Đứng trên tượng đài Bác cách mặt biển ở độ cao 187m trong biển chữ “Nhà máy thủy điện Hòa Bình” nhỏ xíu. Phía trên đập là một ống lấy gió cao 90m, đường kính 1,5m.
Bức thư thế kỷ do tập thể đại diện những người xây dựng ở Sông Đà, nhà văn Thép Mới thảo lại, thủ tướng Phạm Văn Đồng và Bộ Chính trị duyệt lại, Ông Vũ Mão - Bí thư TW Đoàn và nữ anh hùng lao động Têlecova cùng mang từ Hà Nội lên năm 1986, đặt trong một ống đồng nằm trong khối bê tông nặng 12tấn, tiêu biểu cho 3.500 khối đá thả xuống lòng hồ. Tấm biển ghi: 
“Nơi đây lưu trữ bức thư của những người xây dựng thủy điện Hòa Bình gởi thế kỷ mai sau. Thư này sẽ được mở vào ngày 01/01/2100”.
Sông Đà dài 1.070km từ Hòa Bình đến Sơn La. Diện tích mặt hồ 203km2, chiều dài 230km, dung tích 9,6 tỷ m3 nước. Về xả đập thì Hà Nội nơi cao nhất sẽ ngập trong nước 4m, nếu đi tàu lòng hồ thì chỉ đi được 17km/230km, đi và về 17km mất 4 tiếng đồng hồ. Đập lớn thứ 6 trên thế giới dài 744m, rộng 960m, cao 200m (kể cả 70m làm móng). Hồ Hòa Bình lớn thứ 3 trên thế giới. 2/3 điện nhà máy chuyển tải cho miền Nam theo đường dây 500KV. Cả nước có 3.300 cột điện 500KV.
12h00: Cả đoàn đến thị xã Hòa Bình ăn trưa rồi về Hà Nội. Trên đường ghé thăm chùa Thầy ở xã Sài Sơn, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây. Núi bên kia là chùa Hương (cách 22km). Mái chùa chính làm bằng 100 tấm gỗ lim, không có đính, 36 mộng gỗ, chùa xây năm 1.072 đời nhà Lý. Đến nay đã qua 7 lần trùng tu, các bức tượng bằng gỗ mứt thật to. Trụ trì chùa là Thiền Sư Từ Đạo Hạnh, tu theo phái Thần tông, tương truyền Ngài ngồi ở đây 100 ngày, xác khô từ trong ra và hài cốt được lưu trữ ở đây. Chùa Thầy còn gọi là Thiên Phúc Tự, ở đây có làng Thầy, chùa Thầy, núi Thầy, phía trên núi là hang Cắc Cớ. Vào ngày 7/3 âm lịch hàng năm, người ta đi hội chùa Thầy. Phía chùa dưới có nhiều vị Phật, A La Hán rất to, có Bát vị Kim Cương (sức khỏe như kim cương, trí tuệ như kim cương). Đồn rằng Thiền sư Từ Đạo Hạnh đã qua 3 kiếp: kiếp thứ nhất là kiếp tu tiên lên bậc Thánh, kiếp Phật Từ Đạo Hạnh và kiếp làm vua Lý Thần Tông. Ở đây có bán quạt lụa Hà Đông, hai bên tả, hữu chùa là thờ các vị La Hán, đức Thổ Địa, đức Giám Trai, mỗi gian mười vị gọi là Thập vị La Hán. Ngày xưa Trạng Bùng - Phùng Khắc Khoan đến đây. Phim “Đêm hội Long Trì” nổi tiếng được quay phim ở Chùa Thầy. Người ta đến đền thờ Tam Phủ để cầu lộc, cầu may. Ở chùa Thầy có câu rằng: “Quý khách ước mơ đến chùa Thầy, trần gian âm phủ cũng là đây, trăng soi đáy nước cầu ân ái, hữu tình thêm đẹp cảnh rồng mây”. Dân chúng ở chùa Thầy khổ cực lắm, nấu cơm bằng rơm, nhà cửa lụp xụp. Chùa này làm tiền trắng trợn, đổi tiền lẻ 10.000 đồng thì chỉ còn 9.000 để cúng chùa, vì trong chùa có rất nhiều thùng phước sương, cảnh mua bán ở chùa – tất cả làm cho giá trị tôn nghiêm, linh thiêng của ngôi chùa cổ này giảm đi rất nhiều.
Rời chùa Thầy lúc 14h45 về Hà Nội qua phố Hỏa Lò, nơi đây ngày xưa là ngục tù của những người Cộng Sản, nay ghi dòng chữ: ”Maison centrol”.
Một giấc ngủ đến sáng, bên ngoài trời Hà Nội đang mưa dầm.
20/10/1999: 
Tôi, anh Cát, anh Thám và Vinh dậy lúc 7h sáng. Trời Hà Nội mưa lạnh, mặc dù mặc áo len, đắp chăn bông. Anh Cát ngồi thiền 30 phút mỗi sáng sớm. Anh Thám sáng nào cũng tắm. Tôi và anh Vinh đi uống cà phê ở một quán nhỏ, ở Hà Nội uống cà phê không có nước trà, muốn phải mua thêm.
Vé đã mua xong tàu S5 chạy từ Hà Nội lúc 11h30 ngày 21/10 đến ga Nha Trang hồi 18h30 ngày 22/10/1999.
Lưu trú ở Hà Nội 5 ngày, Quảng Ninh 4 ngày. Tàu đi 2 đêm về 1 đêm. Hà Nội có 148 tuyến phố. Đài truyền hình Hà Nội phát 24/24h  có cả VTV1,VTV2,VTV3 cùng một lúc.
Suốt ngày 20/10, ngày Phụ nữ Việt Nam, trời Hà Nội vẫn mưa suốt, anh em đi bộ cả mấy phố Hà Nội, có đôi khi bị lạc đàng, cơm chiều là một tô phở Hà Nội rất dở, một bát ốc mít 6.000 đồng không ngon lắm. Các phố Hà Nội hàng hóa bán thật nhiều đủ thứ, hoa đủ loại, hoa giả thì rất đẹp, hoa hồng 5.500 đồng 1 nhánh, những chậu hoa giả trông như thật, các phố mỗi phố bán một thứ khác nhau, quần áo chén bát, đồ trang trí nội thất, có nhà thuốc tây chỉ bán thuốc về chuyên khoa mắt thôi.
Cơn bão số 9 đang hoành hành ở Thừa Thiên – Huế.
21/10/1999: Sáng nay, anh em trong đoàn phải từ giã Hà Nội để “Lên đường về nước“. Tối qua, anh em trong phòng thức dậy lúc 1h30 để xem bóng đá với anh Thám .
6h25: Trời vẫn mưa lay bay, lành lạnh, bên văn phòng khách sạn của tòa soạn báo Thiếu niên Tiền phong người ta đang đánh bóng bàn. Mua hàng hóa ở Hà Nội thì rất sợ không khéo thì mua nhầm, giá cả thì “thách đố“ ghê gớm – gấp đôi, gấp ba giá bán thật.
11h30: Tàu S5 sẽ rời ga, thế là đoàn chúng tôi lên tàu gồm anh Cát, chị Tâm, anh Vinh, chị Cúc, anh Thám và anh Trưởng từ giã Hà Nội mến yêu trong tâm trí vẫn còn nhớ mãi những ngày Hà Nội.
“Hà Nội ơi xanh xanh liễu rũ mặt hồ Gươm“. Ngày nào đã đứng ở nơi đây nghe giọng hát một bài ca về Hà Nội.
Những cảm giác còn đọng lại trong chúng tôi: Một Hà Nội nguy nga cổ kính, hiện đại, những làng ven vẫn còn khổ, khó khăn trong đời sống. Một Quảng Ninh – nơi du khách du lịch rất đông – Vịnh Hạ Long cảnh đẹp của thiên nhiên đến hùng vĩ – một  Móng Cái trên trời dưới hàng, một thành phố Đông Hưng – người dân còn lắm nỗi khổ. Một sông Đà, thủy điện Hòa Bình – công trình của thế kỷ, lăng Bác Hồ, viện bảo tàng Hồ Chí Minh, văn miếu Quốc tử giám, Quảng trường Ba Đình lịch sử, Hà Nội 36 phố phường... Tất cả như được ghi vào trong tâm trí mỗi người như những kỷ niệm đẹp đẽ, khó quên của chuyến “Hành trình từ phương Nam“ tháng 10/1999.
Thật là: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn“ “Đi cho biết đó biết đây, ở nhà với “vợ“ biết ngày nào khôn “.
Theo thông báo ở ga Hà Nội thì tàu S5 khởi hành lúc 11h30 sáng ngày 21/10 sẽ đến ga Nha Trang lúc 18h30 ngày 22/10/1999. Thế là thời gian hết hai ngày và một đêm rồi mỗi người sẽ chia tay nhau ở ga Nha Trang để tiếp tục những công việc của đời thường. 
Một chuyến đi bổ ích đã đến hồi kết thúc, nó chắp thêm cho chúng ta đôi cánh để vươn lên tầm cao tri thức của nhân loại góp phần làm cho cuộc đời, cuộc sống ngày càng tươi đẹp hơn,vui hơn và có ý nghĩa hơn.  
Tháng 10/1999 
Triều Châu
 Hồi ký
  Hành trình
  từ
  Phương  Nam
  Journey from the south

  Triều Châu
  Phan Châu Trưởng
      Chủ tịch CĐGD    
  Thị xã Cam Ranh, Khánh Hòa
  Tháng 10/1999

1 nhận xét:

Chùm thơ của Lưu Lãng Khách

Chùm thơ của Lưu Lãng Khách Ngoài kia xuân đang qua rồi sao!/ Thềm hoa hanh hao - trên trời cao/ Chim non ca vang như ngày nào/ Bên em anh...