Thứ Tư, 16 tháng 4, 2014

Vài lời của 600 ca khúc

       Vài lời của 600 ca khúc...

      Thơ là hồn của chữ, nhạc là hồn của thơ. Nếu không biết làm thơ, hãy đọc hoặc ngâm thơ. Nếu không biết ca, không biết đàn hãy nghe nhạc. Thơ và nhạc sẽ cứu lấy chúng ta ra khỏi sự tẻ nhạt và vô vị của đời sống thường ngày. Thơ chính là hồn của chữ  và nhạc chính là hồn của thơ vậy. Định nghĩa về âm nhạc có thể nôm na như sau Âm nhạc là những âm thanh được tổ chức theo thời gian”. Thật vậy, âm nhạc chính là một nghệ thuật mà môi trường và phương tiện của nó là âm thanh.
      Bây giờ và mai đây, cho dù thời gian có qua đi bao nhiêu thế nữa... Những vui buồn, còn mất, những nụ cười nát lệ, những hạnh phúc mong manh chợt đến rồi chợt đi cùng với thân phận của kiếp người. Thế nhưng tất cả, tất cả mọi sự vật, hiện tượng không gian, thời gian vẫn luôn theo cùng với những vần thơ diễm tuyệt và vầng trăng lung linh huyền ảo của những đêm rằm để sáng soi mênh mang trong cõi đời Mộng- Thực- Hư này...
       Làm một bài thơ hay đã khó, huống hồ chi làm một bản nhạc hay thì càng khó hơn cũng không kém. Nhưng phổ nhạc một bài thơ “ Cho hay ” lại còn khó hơn thế nữa. Có lẽ vì do “ Hơi nghèo” chữ nghĩa để làm lời ca cho bản nhạc và chủ đề mình muốn viết. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, thì phổ thơ cũng tiện nhất cho người viết ca khúc. Đó cũng là sự tự trả lời cho câu hỏi mà nhiều người đặt ra “ Tại sao người ta phổ nhạc một bài thơ “.
      Đến bây giờ là ngày Quốc tế Phụ Nữ 8/3/2014, tôi nhớ lại cách đây đúng 1 năm 8/3/2013, tình cờ do sự thách đố viết nhạc từ một bài thơ hay đã được chọn và đăng trên tập thơ  Thơ hay 3 miền dày 1.543 trang do nhà xuất bản văn hóa- thông tin năm 2013 in và phát hành, bài thơ “ Chút hương ngày ấy ” của nhà thơ Hạnh Dung trang 752.
       Nhớ lại những nhạc sĩ sáng tác ca khúc đầu tay  của mình như nhạc sĩ Phạm Duy lúc 21 tuổi – 1942 viết bài Cô hái mơ, phổ thơ của Nguyễn Bính, nhạc sĩ Văn Cao với ca khúc Buồn tàn thu lúc ông vừa 16 tuổi - 1939, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với bài Ướt mi lúc vừa tròn 19 tuổi vào năm 1958, còn nhạc sĩ Đoàn Chuẩn - Từ Linh thì bài Ánh trăng mùa thu viết năm 1947 lúc 23 tuổi, rồi nhạc sĩ Hoàng Giác thì sáng tác đầu tay là bài Mơ hoa viết năm 1945 lúc ông  21 tuổi... Còn tôi có lẽ ca khúc đầu tay ” Chút hương ngày ấy ” phổ thơ Hạnh Dung năm  2013, lúc tôi đã 59 tuổi.
   Thú thật thì tôi chẳng biết viết nhạc như thế nào nhất là trên chương trình Encore nữa, thậm chí mù mờ cả nhạc và không biết nỗi một nốt Rề mi sí mi la mi ré đồ mi sòl  nào. Thế rồi tôi hì hục cố gắng học nhạc và viết tay trên giấy tự kẻ dòng nhạc. Tôi kiên nhẫn trong việc phải viết đi viết lại nhiều lần đến cả tuần thì mới xong được một bản nhạc. Đọc đi, đọc lại tôi cảm thấy thích thú lắm và mới lạ vì lâu nay chưa bao giờ làm việc này. Bắt đầu từ đó, tôi tự học và viết nhạc trên máy tính theo chương trình Encore của anh Hùng Lân mà tôi sưu tầm được trên Internet. Từ sự thích thú đến sự ham mê rồi đam mê, nên tôi đã ngày đêm nghiên cứu, sưu tầm tư liệu về âm nhạc để viết nên những ca khúc. Thời gian và sự cố gắng nỗ lực trong đam mê giúp cho tôi trên con đường đi đến với âm nhạc và hoàn thành 600 ca khúc này trong vòng đúng một năm trời ròng rã. Như chúng ta đã biết nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác 1.000 ca khúc, còn nhạc sĩ  Trịnh Công Sơn có 600 ca khúc được công bố và rồi còn cả 200 bài  nữa của ông chưa được biết tới.
      Đôi khi nghĩ lại những ngày tháng qua mà cảm thấy giựt mình vì sự lao động cần mẫn, nhọc mệt. Thế rồi, trong khoảng thời gian ấy, tôi cũng hoàn thành được việc mà tôi muốn và thích thú. Tôi cố gắng miệt mài đến con số 30 của 600 ca khúc như dự định.
    Có thể điểm lại 20 ca khúc trong tập 30 này. Nhà thơ Bích Khê với bài Làng em “ Nơi đây Làng cũ buồn thu quạnh. Anh có khi nào trở lại chưa...”. Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh có các bài Vườn trong phố “ Vườn em là nơi đọng gió trời xa. Hoa tím chim kêu bàng thưa lá vắng. Con nhện đi về giăng tơ trắng...” và Tự hát “ Em trở về đúng nghĩa trái tim em. Là máu thịt đời thường ai chẳng có. Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa. Nhưng biết yêu anh cả khi khi đi rồi... ”. Nguyễn Trong Tạo với bài Sinh nhật mùa thu. “ Ai giấu trong thời gian. Tươi nguyên mùa thu cũ....Ai giấu em của tôi. Suốt bao mùa thu ấy...” Hai nhà thơ mà tôi thích nhất là Mặc Phương Tử và Thanh Trắc Nguyễn Văn cũng được trích viết nhiều bài như Gặp lại, “ Mỗi người mỗi ngả phương sinh kế....Hôm nay gặp lại bên thềm lạnh. Giữa lúc đời đang chớm nắng hồng.. ”  Mây nước muôn trùng, “ Bát ngát trời xanh. Bát ngát biển xanh. Trời biển mênh mông. Mây về không kín lối...Nên trời biển vẫn xanh mãi sắc màu xứ sở. Mây nước muôn trùng tình tự quê hương ”  Tương ngộ, “ Phong trần áo bạc màu sương. Đời lăn lóc bụi đường tương tư sầu. Thời gian vụt thoáng qua mau. Ngõ thăm thẵm mắt lệ nhòa tuyết sương ”  của Mặc Phương Tử, còn Thanh Trắc Nguyễn Văn có bài Nụ tầm xuân “ Trèo lên cây bưởi hái hoa. Bước xuống vườn ca hái nụ tầm xuân – Ca dao. Hỏi gì khi cá cắn câu. Khi chim xanh đã nhốt vào lồng son. Nước chưa chảy đá đã mòn ly tan... ” và Tình có hay không, “ Tình có hay không. Biết không là có...Tình không hay có. Biết có hay không...Tình có như không. Thà không hơn có. Thà là như gió. Thà là như mây...” 
Ngoài ra còn có các nhà thơ khác như Lê Thị Mây với bài Những mùa trăng mong chờ, An Bình bài Rong rêu phận người, Hoa Nắng thì bài Một nửa, Trương Nam Chi với bài thơ Còn gì cho em. Nhà thơ Đặng Hoài Anh thì tôi viết 2 bài Không có anh và Lãng đãng chiều nhạt nắng. Nguyễn Lê Tuyết cũng trích 2 bài Khép lại và Vì sao, Trần Thị Nhơn có bài Chia tay trong đêm mùa hạ, còn nhà thơ Phương Uy thì có bài thơ Ngày hôm qua rất mỏng. Riêng tôi thì chỉ viết được ca khúc “ Suy cho cùng ”, trong bài ấy có đoạn Ngoảng lưng lại thời gian không đứng đợi. Ngước mặt lên trời thêm cao chới với... Từng ngày, từng ngày, từng ngày qua rồi. Và ai cũng vĩnh biệt thế gian thôi. Trong ca khúc ấy có trích đoạn của nhạc sỹ Vũ Thành An trong bài không tên số 4 để nói lên thế thái nhân tình của cuộc đời “ Triệu người quen có mấy người thân. Khi lìa trần có  mấy người đưa ”.

     Và rồi ơn trên đã dắt dìu con đến đây cũng  mãn nguyện lắm rồi! Con có đòi hỏi gì đâu?!. Con xin tạm dừng nơi đây và trân trọng cám ơn Đất Trời, Đấng Tạo Hóa đã cổ vũ, động viên con lòng đam mê sáng tạo nên những ca khúc, chỉ vẽ cho con hành trình  đến với âm nhạc để hoàn thành được công việc này trong đời sống tinh thần của mình. Chẳng có gì để lại cho đời sau cả ngoài những ca khúc này vậy!    
       Mấy lời sau cuối để kết kết thúc của 30 tập ca khúc này. Tôi tiếp tục giới thiệu lần cuối cùng với các bạn, ai sẽ là người đồng hành cùng tôi trên con đường âm nhạc?.
                                                      TP. Cam Ranh 08/3/2014                                                                            Triều Châu 
    
Mục lục
( 20 ca khúc xếp theo A,B,C...)
1)    Chia tay trong đêm mùa hạ – Trần Thị Nhơn
2)    Còn gì cho em – Trương Nam Chi
3)    Gặp lại – Mặc Phương Tử
4)    Khép lại – Nguyễn Lê Tuyết
5)    Không có anh – Đặng Hoài Anh 
6)    Lãng đãng chiều nhạt nắng – Đặng Hoài Anh  
7)    Làng em – Bích Khê 
8)    Mây nước muôn trùng – Mặc Phương Tử  
9)    Một nửa – Hoa Nắng
10)    Ngày hôm qua rất mỏng – Phương Uy
11)    Những mùa trăng mong chờ – Lê Thị Mây 
12)    Nụ tầm xuân – Thanh Trắc Nguyễn Văn
13)    Rong rêu phận người – An Bình 
14)    Sinh nhật mùa thu – Nguyễn Trọng Tạo
15)    Suy cho cùng – Triều Châu  
16)    Tình có hay không – Thanh Trắc Nguyễn Văn
17)    Tự hát – Xuân Quỳnh
18)    Tương ngộ – Mặc Phương Tử
19)    Vì sao – Nguyễn Lê Tuyết  
20)    Vườn trong phố – Lưu Quang Vũ

Ca khúc
 
   Con đường
  Tìm
   Giai điệu
    Tập 30

    Triều Châu
    "Của tin, còn một chút này làm ghi!... Nguyễn Du 
                             TP. Cam Ranh  08/3/2014





1 nhận xét:

Chùm thơ của Lưu Lãng Khách

Chùm thơ của Lưu Lãng Khách Ngoài kia xuân đang qua rồi sao!/ Thềm hoa hanh hao - trên trời cao/ Chim non ca vang như ngày nào/ Bên em anh...