Thứ Bảy, 6 tháng 9, 2014

225 năm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa, hoàng đế Quang Trung lên ngôi

225 năm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa, 

Hoàng đế Quang Trung lên ngôi

Sáng nay 4-2, tức mùng 5 Tết Giáp Ngọ 2013, thành phố Hà Nội long trọng tổ chức Lễ hội Gò Đống Đa kỉ niệm 225 năm chiến thắng Ngọc Hồi- Đống Đa đánh tan 29 vạn quân Thanh, cũng là ngày người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế. Đây là một trong những chiến thắng ngoại xâm hào hùng nhất trong lịch dân tộc, luôn được tái hiện tưng bừng trong suốt 225 năm qua.
Cách đây vừa tròn 225 năm, vào mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789 trên mảnh đất lịch sử thiêng liêng này nghĩa quân Tây Sơn, dưới sự chỉ huy tài tình của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ (hoàng đế Quang Trung) đã tiến công thần tốc, bất ngờ vào Thành Thăng Long (mà đỉnh cao là chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa, đúng vào mùng 5 Tết).

Lễ hội Gò Đống Đa cũng là mở màn cho mùa lễ hội Thủ đô 2014
Đêm 4 rạng ngày 5 tháng giêng năm Kỷ Dậu (1789) trận đánh thần tốc của quân Tây Sơn diễn ra với sự tham gia của nhân dân vùng Khương Thượng, Đống Đa do Đô đốc Long (còn có tên là Đặng Tiến Đông) chỉ huy. Trận này diệt tan đồn Khương Thượng của quân nhà Thanh. Tướng giặc là Sầm Nghi Đống phải treo cổ tự tử ở núi Ốc (Loa Sơn) gần chùa Bộc bây giờ. Trận đánh đã mở đường cho đại quân Tây Sơn từ Ngọc Hồi thừa thắng tiến vào giải phóng hoàn toàn Thành Thăng Long.
Đây là đòn quyết định, đánh bại 29 vạn quân Thanh của Tôn Sĩ Nghị, giải phóng thành Thăng Long, đem lại yên bình cho đất nước… 

Bức tranh Quang Trung tiến vào Thăng Long tại Bảo tàng Quang Trung (Bình Định)
Kể từ sau chiến thắng mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789, cứ đến ngày mùng 5 Tết là người dân Thắng Long- Hà Nội lại từng bừng tổ chức Lễ hội Gò Đống Đa để kỉ niệm sự kiện trọng đại này và cũng là để tưởng nhớ công ơn của Hoàng đế Quang Trung.
Năm Giáp Ngọ vừa tròn 225 năm chiến thắng của người anh hùng áo vải cờ đào đất Tây Sơn (Bình Định) nên du khách dự Lễ hội cũng đông hơn. Đã trở thành thông lệ, Lễ hội mở đầu bằng nghi thức dâng hương dưới chân tượng đài Quang Trung, tiếp đó là màn múa rồng đặc sắc.
Ông Nguyễn Trọng Hải, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Đống Đa cho biết: Trong lễ hội gò Đống Đa xuân Giáp Ngọ 2014, các nghi lễ truyền thống do nhân dân trong vùng thực hiện hàng trăm năm nay vẫn được duy trì. Bắt đầu từ 6h sáng, các vị chức sắc, bô lão từ Bình Định ra, từ Thái Nguyên xuống, từ Quảng Ninh về tề tựu đông đủ và tiến hành tế lễ tại chùa Bộc và chùa Đồng Quang, trước bài vị vua Quang Trung và vong linh các binh sĩ tử trận trong trận chiến Ngọc Hồi - Đống Đa năm xưa. Sau đó là các đám rước tưng bừng mừng chiến thắng từ đình làng Khương Thượng đến gò Đống Đa, độc đáo nhất là đám rước "Rồng lửa".

Tái hiện trận Rồng lửa đặc sắc
Tương truyền, trước lời kêu gọi của vua Quang Trung, người dân vùng quanh đồn giặc đã bí mật dùng rơm và các chất liệu dễ cháy bện thành những con rồng, khi quân Tây Sơn tiến đánh, nhân dân nhất loạt đốt rồng rơm, tạo thành biển lửa thiêu cháy quân địch. Sau lễ rước là lễ dâng hương tưởng nhớ công lao của vua Quang Trung và chương trình văn hóa nghệ thuật, trò chơi dân gian hấp dẫn. 

Màn múa rồng đặc sắc
Điểm nhấn của Lễ hội này chính là tái hiện chiến thắng của Quang Trung trên sân khấu. Dù được sân khấu hoá nhưng người dân khắp nơi vẫn cảm nhận được sự thiêng liêng, xúc động cũng như ý nghĩa lớn lao của chiến thắng mùa xuân năm Kỷ Dậu.
Năm nay Sở VH-TT-DL Hà Nội giao cho Nhà hát Chèo Hà Nội dàn dựng tiết mục mang tên “Chiến thắng mùa hoa đào” để hồi tưởng lại chiến công lẫy lừng và mối tình đẹp giữa Hoàng đế Quang Trung và Ngọc Hân công chúa.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dâng hương Tây Sơn Tam kiệt
Trước đó, chiều 3/2 (tức mồng bốn Tết Giáp ngọ), tại quê hương người anh hùng áo vải, trước tượng đài Hoàng đế Quang Trung, ở Bảo tàng Quang Trung, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dâng hương lên vị hoàng đế anh hùng. Trên nền nhạc cổ truyền, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lần lượt các đoàn ở Trung ương và địa phương lên dâng hoa tại tượng đài Hoàng đế Quang Trung.
Tiếp theo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu Trung ương và địa phương tới Điện thờ “Tây Sơn Tam Kiệt” dâng hương tại bàn thờ lớn và các bàn thờ Quang Trung - Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và các văn thần, võ tướng trong Điện thờ.
Sau lễ dâng hương và dâng hoa tại Bảo tàng Quang Trung, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đoàn đại biểu của Trung ương, của tỉnh đã đến dự Lễ tế “Cảm tạ Trời đất đã giao nghiệp lớn cho Nhà Tây Sơn” ở “Đàn tế Trời đất”, tại xã Bình Tường, huyện Tây Sơn. Tại đây, nghi lễ được tiến hành trong khung cảnh trang nghiêm và rực rỡ với các đội múa rồng, lễ vật, cờ Ngũ hành, cờ Tứ Linh và cờ Ngũ sắc.
Đại diện lãnh đạo tỉnh đã đọc tuyên Văn kính cáo “Trời - Đất” với nội dung: Cảm tạ trời đất đã giao nghiệp lớn cho Nhà Tây Sơn; lời tri ân sâu sắc của thế hệ trẻ hôm nay tới các vị anh hùng áo vải Tây Sơn, cùng các nghĩa binh đã ngã xuống, hy sinh xương máu trong công cuộc chống giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ đất nước. Tiếp đến, đội múa rồng trình diễn "Múa Dâng xuân” trên Linh đàn. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các đoàn đại biểu và nhân dân lên dâng hương.
Ông Châu Kinh Tú, Giám đốc Bảo tàng Quang Trung, cho biết: Từ mồng 1 đến mồng 4 Tết Giáp Ngọ đã có trên 10 nghìn lượt người trong và ngoài tỉnh đến viếng thăm và dâng hương tại Bảo tàng Quang Trung, Đền thờ Đô đốc Bùi Thị Xuân và Đền tế Trời đất, tại huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.
Phong Dao


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nguồn gốc các loài 4

Nguồn gốc các loài 4 CHƯƠNG XI Phân bố địa lý Tình trạng phân bổ hiện tại không thể là do sự khác nhau về điều kiện vật lý - Tầm quan trọng ...