Thứ Bảy, 6 tháng 9, 2014

Hơi thở mùa xuân

Hơi thở mùa xuân

Vẫn biết rằng xuân sẽ đến nhưng sao ta vẫn cứ chờ, cứ đợi. Ta đợi hoa đào, hoa ban, ta đợi cánh én từ phương nam xa xôi trở về quê hương xây tổ ấm, ta đợi chuyến tàu đang từ ga Mùa Đông đi tới ga Mùa Xuân đón ta vào hành trình mùa xuân… Dù đang hoa niên hay đã trung niên ta vẫn không khỏi bồn chồn mong đợi thấp thỏm; để rồi sau một thoáng chợp mắt, ta giật mình trước làn mưa bụi nghiêng bay trong gió, rắc cườm trên chồi biếc non tơ, cơn gió còn thoảng hơi sương nhưng nồng nàn hơi ấm mơn man trên mái tóc khiến trái tim ta bồi hồi bối rối. Mùa xuân đấy ư?
Đất nước vào xuân nơi nào cũng đẹp, thơ mộng và đam mê đến nao lòng. Nhưng mùa xuân với sức sống mãnh liệt đậm chất hoang sơ của cảnh vật và con người đưa ta phiêu du về một vùng đất cội nguồn thấm đượm màu huyền thoại là Xuân Tây Bắc không rực rỡ ánh đèn màu và các gian hàng sang trọng đắt tiền như vùng đô thị mà đi vào chiều sâu của không gian và thời gian, của cảnh vật và lòng người, cứ lạ lẫm nguyên sơ háo hức. Đấy là những triền núi, những sườn đồi bung nở hoa ban. Hoa ban trắng trinh bạch dịu dàng, hoa ban đỏ nồng nàn đằm lắng, đẹp như một ý thơ Đường: “Hoa đồi như dải gấm thêu” (Lý Bạch). Vâng! bàn tay kỳ diệu của nàng xuân đã tỷ mỉ thêu lên đất trời Tây Bắc những nhành hoa ban độc đáo. Ơi loài hoa bình dị thân thương đã trở thành nguồn đề tài, nguồn cảm hứng vô tận cho thơ ca nhạc hoạ. Bởi vì khi hoa nở ta biết mùa xuân tới, xuân hiện hữu nghìn đoá hoa cười bên mắt lá hình tim.
Trên những ngôi nhà sàn ấm áp bếp lửa hồng, các thiếu nữ Thái nhẹ tay đưa sợi chỉ biếc thêu chiếc khăn piêu, đôi má thanh xuân thoáng ửng hồng nhớ lời hò hẹn ngày xuân trong ánh lửa hội xoè. Xuân rộn ràng trên khung cửi say mê, sợi chỉ ngang dệt nỗi nhớ thương, sợi chỉ dọc dệt niềm mong ước. “Úp đôi bàn tay đã thành hoa văn, ngửa bàn tay đã thành hoa lá” (Tình ca Thái). Tiếng thoi đưa vui từng bản nhỏ, hương xuân thơm trong thổ cẩm đượm tình.Gió xuân nâng quả còn bay cao chao liệng cùng cánh én xuân, trong lòng mỗi quả còn ngày xuân chứa những hạt giống lành của mùa sau bay bổng bao ước mơ hy vọng xanh thắm. ý xuân bay bổng cùng điệu xòe say mê, uyển chuyển trên mỗi ngón tay cong mời gọi và nồng nàn trong ánh mắt trao duyên thầm kín. Bên bếp lửa nhà sàn mờ tỏ, ta “lắng nghe” vị cơm lam lan trên đầu lưỡi, vị bùi thơm ngọt mát của các món ăn đầu xuân chế từ hoa ban, rêu đá, cá suối đậm chất dân dã và huyền thoại; vị thơm cay lâng lâng của rượu cần và thả hồn trong điệu “khắp” “Xống chụ xon xao” (hát: Tiễn dặn người yêu). Xuân tan hoà trong lòng mỗi chúng ta.
Rừng hoa “tớ dảy” đầu bản Mông qua mùa đông sương giá trơ cành vụt hồng cả triền núi biếc xanh. Sắc hồng dịu dàng thầm kín tinh khôi như má hồng thiếu nữ Mông e thẹn dưới bóng ô hồng chao nghiêng trước tiếng khèn gọi bạn hội chơi núi đầu xuân. Những dòng suối đổ từ vách núi cao reo vui tung bọt trắng xoá tạo nên muôn ánh cầu vồng trong nắng xuân hồng. Con hoạ mi cất tiếng hót thiết tha tìm bạn cặp đôi. Những ruộng bậc thang xanh dập dờn sóng nhạc gửi bốn phương trời giai điệu bất tận của tình yêu cuộc sống. Bản nhỏ đêm đêm lung linh ánh điện cùng những vì sao. Tiếng trẻ học bài âm vang đầu núi. Đôi trai gái nào đang gửi tâm tình qua tiếng khèn du dương, tiếng đàn môi ngọt lịm khúc “Khâu xìa plềnh” - (tình ca).
Hội mừng “mùa măng mọc”, em gái dân tộc Khơ Mú say mê lướt trong tiếng nhạc. Tiếng cồng trầm như tiếng vọng tự ngàn xưa nhắc lại quá khứ buồn đau của người Khơ Mú phải sống trong kiếp nô lệ ngựa trâu và chỉ còn có hơn ba trăm người sống chui lủi bên dòng NặmTộc tủi hờn. Cách mạng về hồi sinh cho cả dân tộc-diệu kỳ như mùa xuân hồi sinh cho vạn vật. Tiếng nhạc “tăng bu”, “tăng bẳng”… âm vang bản nhỏ. Những chàng trai cô gái gửi niềm tin và hy vọng vào lời dân ca“Phôn Xtốc” - (mưa rơi)
        “Mưa rơi cho cây tốt tươi
         Búp chen lá trên cành…”
Vâng, mưa xuân Tây Bắc đẹp vô ngần. Mưa rắc bạc trên lá cây ngọn cỏ. Mưa xuân đánh thức mặt đất bừng tỉnh sau giấc ngủ đông, mặt đất cũng phập phồng bâng khuâng chờ đợi. Mưa gieo những viên ngọc li ti trên khăn piêu em gái vừa hái rêu ngoài suối. Mưa xuân tươi tốt cả cây nêu mới trồng trước sân nhà để cầu mong những điều tốt lành cho gia đình làng bản. Tâm hồn ta cũng muốn hoá thành một nốt nhạc xanh cho bản hoà tấu chiều xuân Tây Bắc du dương, hiền hoà.
Mỗi gia đình xum họp ấm cúng trong tình cha mẹ, nghĩa bản làng họ tộc. Trên bàn thờ gia tiên thơm ngát hương trầm. Ta như được chạm vào lịch sử: Quá khứ - hiện tại - tương lai đều ở trong ta. Ta chợt nhận ra khoảnh khắc giao mùa, cái hữu hạn của đời người hoà vào dòng chảy vô hạn của cuộc sống, thiêng liêng và vĩnh hằng mà ý thức hơn trách nhiệm của chính mình với cuộc sống mến yêu. Ta nhận ra sức bật Phù Đổng ngời trong những đôi mắt trẻ. Ta tin, ta yêu và xúc động vô cùng khi cảm nhận được hơi thở của mùa xuân trên quê hương.
                                               
Xuân về kể chuyện cây nêu

Tết này cả nhà rời thành phố về quê ăn tết với ông bà ngoại. Xuân Tùng đã học lớp ba rồi mà chưa bao giờ ăn tết ở quê nên cậu háo hức lắm, mọi năm bố mẹ về chúc tết ông bà rồi lại lên thành phố ngay.
Về quê, lần đầu cậu được phụ giúp bà ngoại gói bánh chưng, gói giò thủ… Bà dậy cháu tước lá dong, đãi đỗ và tự tay Tùng gói một cái bánh chưng con, bánh chưa được vuông vắn lắm nhưng cậu rất vui. Tối ba mươi trời rét ngọt. Tùng ngồi bên bếp lửa hồng rực ấm áp cùng đun bánh chưng với bà. Bà vùi mấy củ khoai lang béo tròn vào tro nóng, khoai chín bở thơm nức, bùi và ngọt lạ. Bà là người Tùng thấy thân thiết chỉ sau mẹ. Bà hiền hậu lắm. Ngồi cạnh bà bên bếp lửa Tùng rất thích, hỏi chuyện gì bà cũng nhẹ nhàng trả lời. Ông ngoại từ ngoài sân vào, mưa xuân đậu ly ty trên lông mày, ông bảo bà:
-  Bố thằng Tùng tìm được cây nêu đẹp lắm bà ạ. Tôi đã vẽ cung trừ quỉ rồi.
Tùng thấy lạ vì ở Hà Nội không thấy ai trồng cây nêu, mà tết đến trồng cây  nêu làm gì nhỉ? Tùng hỏi bà:
- Bà ơi, ông trồng cây nêu làm gì thế? Sao lại phải vẽ cung trừ quỉ ạ?
Bà chế thêm gáo nước vào nồi bánh chưng đang sôi sùng sục tỏa hương thơm ngầy ngậy của gạo nếp và lá dong, bà bảo:
- Theo tục lệ của cha ông mình, mọi người cho rằng cứ đến tết Nguyên đán là bọn quỷ lại từ biển vào đất liền, trồng cây nêu để xua đuổi quỉ và cầu mong bình an và tốt lành cho mọi người cháu ạ.
- Chuyện hay thế mà sao bà không kể cho cháu nghe?
Bà kéo Tùng vào lòng
- Ừ lại đây bà kể cho cháu nghe, cháu buồn ngủ chưa?
- Cháu chưa buồn ngủ đâu.
Quần áo bà nóng sực hơi lửa, Tùng ngả vào lòng bà thấy vô cùng ấm áp và dễ chịu, cậu lim dim mắt chờ đợi…
- … “ Thuở ấy, đã lâu lắm rồi. lũ quỉ đến chiếm hết đất đai của người, người phải làm thuê cho lũ quỉ và bị chúng đặt ra luật lệ quái ác để cướp bóc. Năm ấy người trồng lúa thì quỉ đòi lấy phần ngọn, chỉ để lại gốc rạ cho người. Năm sau người trồng khoai thì quỷ đòi lấy phần gốc, để cho người ngọn và lá. Quỷ nghĩ vụ sau người sẽ trồng cả lúa và khoai, chúng giao kèo sẽ lấy cả phần gốc và ngọn, cho người phần giữa cây.
Thấy người đói khổ quá Phật thương tình đem cho người giống ngô. Ngô được mùa chất đầy bồ, đầy cót, quỷ chỉ được ngọn và gốc. Quỷ tức quá không cho người làm thuê nữa và đòi lại toàn bộ đất đai. Phật thấy thế bàn với người xin mua của quỷ một mảnh đất vừa bằng chiếc áo cà sa. Lúc đầu quỷ không đồng ý nhưng sau thấy chỉ một tý đất mà được món tiền lớn, quỷ nẩy lòng tham đồng ý bán. Quỷ giao kèo: “Ngoài bóng áo cà sa là đất của quỷ, trong bóng áo cà sa là đất của người ”.
Phật bảo người  trồng một cây tre có ngọn cao vút trên mảnh đất nhỏ ấy, Phật đứng trên ngọn tre tung áo cà sa, trời đất bỗng tối sầm, bóng áo cà sa che kín mặt đất. Hết đất, quỷ chạy dạt ra biển nhưng tiếc đất quỷ nhiều lần tấn công vào đất liền cướp bóc. Quỷ cho quân do thám xem Phật sợ gì nhất, ngài cho biết sợ nhất oản và hoa quả, còn Phật biết quỷ sợ nhất tỏi, vôi bột và lá dứa. Lần giáp chiến đó quỷ ném rất nhiều oản và hoa quả về phía người, Phật cho thu lại làm lương ăn. Phật bảo người ném vôi bột, tỏi và lá dứa về phía quỷ, chúng không chịu được phải xin hàng. Lũ quỷ bị dồn ra biển Đông, chúng xin Phật mỗi năm được vào đất liền vài ngày để thăm mộ tổ. Từ đó hàng năm, vào tết nguyên đán dân ta trồng cây nêu, vẽ cung trừ quỷ là để ngăn không cho quỷ đến chỗ người cháu ạ ”.
Nghe xong, Tùng chạy ra sân thấy ông đang ngắm cây nêu vẻ hỷ hả:
- Chà! Cây nêu đẹp lắm, năm tới chắc sẽ có nhiều tốt lành!
Ánh điện hắt ra sân, Tùng nhìn làn mưa xuân đan chéo óng ánh, mưa đọng lên những lá cây, ngọn cỏ như dát bạc. Tùng chạy lại gần, nhìn cây nêu cao vút, túm lá xanh trên ngọn đùa trong gió như bàn tay vẫy vẫy. Tùng ôm vào thân cây, đốt tre nhẵn thín mát lạnh tay. Tùng thầm thì:
- Cây nêu ơi! Đuổi hết bọn quỷ ác nhé, để mọi người luôn mạnh khỏe…
Có tiếng bà gọi:
- Cu Tùng đâu, vào nhà cho ấm nào, bà vớt cho cái bánh chưng cháu tự gói này.
Tùng sướng quá chạy vào bếp thấy mẹ và bà ngoại đang sắp bánh chưng, gà luộc, xôi để cúng giao thừa. Bà vớt từ trong nồi nghi ngút hơi lên cái bánh bé do Tùng gói, nó đã căng mọng lên nên trông cũng vuông vắn hơn lúc trước. Tùng xách chiếc bánh còn nóng hôi hổi lăng xăng chạy khắp nhà.
Giao thừa, cả nhà quây quần mở rượu vang và mứt chúc nhau một năm mới nhiều điều tốt lành. Ngồi gọn trong lòng bà, Tùng nghĩ: “ Có cây nêu rồi mình sẽ không sợ ma quỷ hiện hình nữa”. Nhiều lúc đi vào góc nhà tôi tối, Tùng hay sợ ma quỷ ở đó xồ ra cắn mình, có lúc cậu đã cuống lên bỏ chạy…
Chuông đồng hồ điểm mười hai tiếng, pháo hoa rực rỡ trên màn hình ti vi, cả nhà cười vui vẻ. Năm mới rồi: Chúc mừng năm mới
Dương Hiền Nga

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nguồn gốc các loài 4

Nguồn gốc các loài 4 CHƯƠNG XI Phân bố địa lý Tình trạng phân bổ hiện tại không thể là do sự khác nhau về điều kiện vật lý - Tầm quan trọng ...