Thứ Bảy, 6 tháng 9, 2014

Buông gió vào hồn người

Buông gió vào hồn người

Đọc tập thơ Buông gió vào chiều của Nguyễn Anh Thuấn
Đọc tập thơ Buông gió vào chiều (NXB Hội Nhà văn 2013) của nhà thơ Nguyễn Anh Thuấn, hẳn ai chưa từng quen biết nhà thơ cũng cảm nhận được đôi nét về chân dung người du ngoạn với cơn gió cuộc đời qua tập thơ của ông.
Tập thơ dày dặn 78 bài, trình bày trang nhã với đầy những trải nghiệm triết lý miên man của một người đã từng hiểu được mệnh trời và chỉ bằng ánh mắt nhìn đã đo được lòng nhân thế.
Tôi quen Nguyễn Anh Thuấn chưa lâu nhưng nhận thấy ông là người luôn nghiêm túc với nghệ thuật, mải miết đi tìm những hình ảnh sáng tạo để nâng đôi cánh thi ca. Cách ứng xử thân tình, nụ cười hiền để lại cho tôi ấn tượng tốt đẹp. Nhưng có lẽ thành công của ông là buông vào hồn người đọc thơ ông những cảm xúc suy ngẫm, lắng đọng lại thành những ám ảnh không dứt qua nghệ thuật ngôn từ.
Thơ Nguyễn Anh Thuấn là tiếng thở dài của một tâm hồn nhạy cảm buông vào buổi chiều của đời người khi nỗi đời đi qua trước mắt bộc lộ thành thân phận, thành quy luật sinh tử. Những bài thơ Thương Ngày, Phố Chờ ngày xa Kiểm… khiến người lạc quan nhất cũng phải nén tiếng thở dài khi chạm vào góc cạnh thơ ông. Nhạy cảm với những nốt thăng giáng treo trên bản nhạc cuộc đời, Nguyễn Anh Thuấn đã gieo vào lòng người đọc giọt sương trong veo để rồi tan ra tan ra trong nỗi Thương ngày. Dẫu là một người đã già dặn với trải nghiệm cuộc đời, người ta vẫn thấy ông ngơ ngác trước những đổi thay bất ngờ trong khoảnh khắc: Buổi chiều thương hoàng hôn/Đỏ cháy đầy khao khát/Đỏ cháy rồi vụt tắt…
Nhà thơ đã chọn cho mình một cách diễn đạt giàu hình ảnh - Thương ngày hay chính là thương cho đời người, kiếp người. Vừa ngắn ngủi vừa buồn đau, nước mắt nhiều hơn nụ cười…
- Bởi ngày ra đi rồi sẽ trở lại sau một đêm, còn đời người sau cái chớp mắt là bao nhiêu nuối tiếc:
Thương sáng lại thương chiều/Cũng chỉ là chớp mắt!...
Ngay từ tên tập thơ Buông gió vào chiều ta đã thấy bước đi của thời gian. Thời gian lúc thong dong, lúc vội vã khắc khoải tạo nên một nét vẽ vừa cổ điển vừa hiện đại, rất chung lại rất riêng trong thơ ông. Nhàn nhã thảnh thơi một Chiều mưa xem bể cá vàng, nỗi nhớ thấm vào một Đại Lải chiều mưa, trong trẻo một Chiều xanh sương giăng mờ lối. Chiều trong thơ ông có tâm trạng có nỗi buồn và có cả niềm vui, gần gũi tưởng nhà chạm tới được mà như xa xôi quá đỗi. Nhà thơ thường kí thác những nỗi niềm vào dòng thời gian đang trôi chảy vô hình để biến hóa thành hữu hình trong Đồng tháng mười, Chia tay mùa đông…
Không gian trong thơ Nguyễn Anh Thuấn cũng thật ấn tượng. Một không gian rộng lớn không cùng vượt ra khỏi cái hữu hạn của sự chiếm lĩnh ôm trọn. Không gian trong thơ ông mở ra chiều sâu, bề rộng của mênh mang sông bể. Những địa danh bao quát từ Hạ Long, Yên Tử, Ninh Bình, Tam Đảo… về đến sông Cầu, đồi Lim gần gũi thân thiết với người Kinh Bắc. Không gian rợn ngợp của con sông chỉ có một bờ, của Biển xa vời trôi hoài chẳng thấy; vấn vít giữa thiên nhiên, với thiên nhiên Hồ trên núi, giao hòa giữa thiên nhiên với con người từ Phố Cò hay đến Nhã Nam, không gian đưa con người trở về miền ký ức:
- Bỗng chợt nhớ rừng tre, đồi thông cũ/Đàn cò xưa bay mất tự bao giờ?
- Rừng nơi ấy cây đã thành đơn lẻ/Những nẻo đường hiu quạnh níu lòng nhau.
Không gian trong thơ Nguyễn Anh Thuấn không chỉ là không gian địa lý núi rừng sông biển mà còn là không gian được cảm nhận từ chiều sâu trong cuộc sống đời thường. Đọc thơ ông, mỗi người có thể tìm cho mình một chút bâng khuâng trong từng câu chữ từng cảm xúc riêng chung như thế.
Đọc tập thơ Buông gió vào chiều thấy một triết lý sống giản dị mà sâu sắc day dứt trong từng hình ảnh. Nhà thơ buộc người đọc phải trăn trở nguy ngẫm ngay cả khi những trang thơ đã khép lại.
Thơ không tự giãi bày ý nghĩa mà bản thân bạn đọc đồng cảm sâu sắc với tác giả để sáng tạo ra vẻ đẹp cho thơ. Sự sống quanh ta sinh sôi nảy nở từng ngày, Nguyễn Anh Thuấn nhận ra ẩn sâu bên trong mỗi lá cây xanh rời rợi cần có sự hy sinh thầm lặng, thậm chí tột cùng đau khổ. Tiếng thơ anh cất lên da diết đầy cảm thông.
Không thể giữ mãi những lá cũ trên cành
Những phôi lá còn nằm trong ruột gỗ
Dù phải xót xa… dù tột cùng đau khổ
Cây vặn mình thay lá để mà xanh…
                (Thay lá)
Để có sức sống cây phải vặn mình thay lá, dẫu xót xa, dẫu không nỡ dứt lìa. Nhưng không thể níu giữ mãi sự già nua cũ kĩ. Mầm sống phải được tiếp nối để vươn xa hơn, tươi tốt hơn - điều đó đã trở thành chân lí. Cái mới ra đời trong sự dứt bỏ, đoạn tuyệt với cái cũ khô cằn, dù có đớn đau nhưng đó là nỗi đau sinh nở, nỗi đau để trường tồn. Thay lá là bài thơ hay vì nó gợi mở rất nhiều tầng ngữ nghĩa.
Thơ Nguyễn Anh Thuấn là vậy, khó có thể bằng một vài trang giấy mà giãi bày hết cảm nhận về thơ ông. Đằng sau lớp vỏ ngôn từ là muôn tầng ý nghĩa và ngập tràn cảm xúc. Thơ Nguyễn Anh Thuấn vốn kén người đọc. Với cảm nhận riêng của mình về tập thơ Buông nắng vào chiều, người viết bài này không có nhiều tham vọng, chỉ mong trải lòng theo đôi dòng cảm xúc, suy ngẫm về tiếng lòng một nhà thơ đất Kinh Bắc tài hoa, theo cách hiểu của một người cách xa ông khá nhiều thế hệ.
Lương Thị Thìn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chùm thơ thiếu nhi của Châu Hoài Thanh ở Bà Rịa - Vũng Tàu

Chùm thơ thiếu nhi của Châu Hoài Thanh ở Bà Rịa - Vũng Tàu Khi con cất tiếng chào đời/ Ánh sáng là nụ cười mẹ/ Bầu trời là đôi tay cha/ Mặ...