Thứ Bảy, 6 tháng 9, 2014

Trịnh Công Sơn mười năm "Như Cánh Vạc Bay"

Trịnh Công Sơn mười năm "Như Cánh Vạc Bay"

Khi nghĩ đến Trịnh, chúng ta thường hình dung một người nhạc sĩ trung niên gầy gò khắc khổ với gương mặt suy tư chìm đắm trong những nghĩ suy về thân phận con người, mà... có lẽ rất ít ai hình dung một chàng trai Trịnh Công Sơn 25 tuổi tài hoa, cô đơn chốn đèo mây lạnh vắng, tha thiết yêu đời, yêu cuộc sống. Chàng trai ấy khát khao bộc lộ dòng cảm xúc chảy trào từ một trái tim cực kỳ đa cảm. Và người duy nhất lắng nghe nỗi niềm ấy là cô bé Dao Ánh, bắt đầu khi cô 16 tuổi.
Khi tình cờ đọc bức thư tình của Trịnh Công Sơn, không hiểu sao tôi lại không nghĩ như nhiều người, vốn xem đó đơn thuần là những lá thư riêng tư dành cho người yêu. Mỗi dòng chữ của Trịnh đều man mác nỗi niềm. Dường như Dao Ánh, ngoài vai trò người yêu, còn giữ "nhiệm vụ" là tri âm tri kỷ, là sự hiện diện trước mặt Trịnh một cách "sẵn sàng thấu hiểu", để Trịnh thoải mái bộc lộ tâm tư. Trịnh Công Sơn viết cho Ánh mà có lúc cứ như đang viết nhật ký, đang viết cho cuộc đời này...
Những bức thư của Trịnh như câu chuyện tình yêu hai bờ nỗi nhớ: "Em" lại nghĩ đến "Anh" và những bức thư từ bên ấy - Nam bán cầu xa xôi, gởi cho người bên này thường nhật. Nơi đó được gọi là "Một cõi đi về" của "Anh" hay cô đơn chiếc bóng. Hơn thế nếu Trịnh không viết những bức thư thâm tình, không chuyển những dòng văn chương thi phú thì "Anh" khó có thể nói một câu tiếng Việt với ai, với "Em" dù là qua điện thoại, chứ đừng nói chi đến chuyện trải lòng ra thế giới này.
Người ta nói tri âm hiểu nhau từ ánh mắt đến sự im lặng, (yêu bằng mắt, nhớ nhau trong sự lặng im) thì cho rằng viết nhiều là...thừa. "Em" muốn gửi chuyện lòng mình nhờ cái "chuyện lòng" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và nàng Dao Ánh:
(Người viết xin tạm gọi nhạc sĩ bằng anh trong phần tiếp theo cho truyền cảm)
Nếu thần Tình yêu ngự ở Blao vào những năm tháng ấy chắc người cũng hết sức ngạc nhiên và cảm động khi thấy đột ngột xuất hiện trong vương quốc sương mù của mình một nhạc sĩ 25 tuổi tài hoa và quá sức lãng mạn, đã viết hơn 300 bức thư tình trong ba năm, từ 1964 - 1967...
Trịnh Công Sơn ghép tên Ánh với “sương mù” bay là đà lãng đãng trước mặt, rất gần nhưng không bao giờ nắm giữ được, thành tên gọi người yêu: "Dao - Ánh - sương - mù. Ngày mặt trời lên, có nắng, ông ra đường thấy “mùa hoa hướng dương vẫn còn vàng tươi ở đoạn đường bọc bên lề chiếc cầu dài của thành phố, buổi chiều anh đã đi ngang qua đó và gọi một cách tự nhiên tên Dao Ánh (thư Blao 3.12.1964), hoặc nhắn nhủ: “hãy bình an và huy hoàng như loài hoa mà Ánh đã mang tên” (thư Đà Lạt 21.9.1965), hoặc buồn buồn: “anh qua những bờ bụi hoa mặt trời vàng chói, anh nhớ đến năm ngoái cũng mùa hoa này, hoa ấy nở và anh kể lể về vẻ đẹp đó cho Ánh nghe, bây giờ bỗng dưng nghĩ tất cả đã là dĩ vãng...” (thư Blao 8.11.1965).
Cứ như vậy, trong trăm năm của “Một cõi đi về”, Trịnh Công Sơn đã để lại Blao một “cõi tình” không nhỏ, với hàng trăm bức thư góp thành một “tác phẩm sống”. Dĩ nhiên, qua những bức thư ấy, ông còn viết đến những trăn trở và mơ ước của mình về thân phận, quê hương, gia đình, bạn bè và đồng loại. Về nhiều điều khác nữa như những kỷ niệm đã qua, hoặc những ám ảnh hư vô và cảm nhận siêu hình. Song, bao trùm lên tất cả là tình yêu và đam mê của ông tỏa ra khắp các trang viết. Hãy thử đọc trọn thư dưới đây để thấy phần nào điều đã nói trên:
"Blao, 23.9.1965
Ánh
Buổi trưa anh không ngủ được nên lang thang ra phố. Mưa nhỏ rồi lớn dần đuổi anh chạy về đây. Anh đang ngồi ở câu lạc bộ sát bờ hồ. Bờ hồ bây giờ cũng điêu tàn lắm. Người ta đã chặt bỏ những cây khô sống bao nhiêu năm nay trong hồ. Có một vài chỗ nước rút xuống chỉ còn bùn đen.
Buổi chiều gió thật lạnh. Anh đã mặc áo ấm suốt ngày ở đây.
Anh nhớ Ánh lắm mà ngôn ngữ thì quá chật hẹp, quá cũ kỹ không chuyên chở nổi sự nhớ nhung này. Nên anh đã nói, đã nhắc mãi mỗi ngày mà vẫn chưa đỡ nhớ tí nào.
Ngồi ở đây nhìn ra từng ô cửa kính rất lớn anh mơ hồ thấy mình như lại về một vùng đất nào mới sơ khai. Cả thành phố chỉ xanh rì những cây cối và từng khoảng đất đỏ.
Hiện giờ ở tỉnh đang có một buổi văn nghệ sẽ tổ chức vào cuối tháng. Anh phụ trách chương trình này nên bây giờ vẫn còn được rỗi rảnh không làm việc gì cho đến cuối tháng.
Anh nhớ Ánh lạ lùng đó Ánh. Mà Ánh thì chỉ mong anh chóng đi xa, anh nghĩ thế. Mùa thu hầu như không có trên miền này. Ở đó lá đã bắt đầu vàng chưa Ánh.
Nhưng bụi mờ dọc theo những con dốc đất đỏ ở đây anh vừa đi qua ban sáng và thấy lá của hoa mặt trời xanh um. Anh ngắt gửi về Ánh một ngọn. Hoa thì vẫn chưa nở. Có lẽ đợi hôm nào có mặt trời thì hoa mới bắt đầu hiện diện và cũng là mùa mà anh đã gọi là mùa sinh nhật của hướng dương. Anh đang nhớ thầm về những buổi chiều thứ năm ở đó. Chỉ mới có vài ngày mà tưởng chừng như ngàn đời qua đi trên anh. Anh chợt nghĩ rằng cuộc đời buồn bã như thế này sao chúng mình không tha thiết với nhau hơn.
Những ai chưa bao giờ đi, chưa bao giờ sống qua nhiều nơi, sống qua những ngày mưa ngày nắng trên bao nhiêu vùng đất khác nhau, chưa bao giờ nhìn sâu vào bên sau của con người thì hẳn mới còn đua đòi vào những hời hợt nhạt nhẽo của đời sống được.
Buổi trưa trời âm u và hơi lạnh.
Anh vẫn không thể nào không thấy sự lạc lõng của mình nơi đây.
Ở trường Đồng Khánh giờ này chắc Ánh đang mài miệt với những bài vở mới. Sân trường đã có những cây hoa vàng, tím mọc nhoi lên trên từng bãi cỏ xanh. Đúng không. EM cũng phải mất đến hằng mấy tháng anh mới tạm ổn mình được vào với thành phố này lại.
Bây giờ anh không còn làm người gác hải đăng. Ánh cũng thôi làm người mang lửa. Chúng mình làm sao níu cho được tay nhau trong suốt mùa đông này?
Cơn mưa như thác đổ ngoài trời. Đồi trà bây giờ mù mịt không còn thấy gì.
Anh đang có Ánh - tuổi - nhỏ trước mặt trong chiếc hộp nhỏ anh mang theo đó.
Mưa rất buồn. Như một điệp khúc dai dẳng trong mấy tháng mùa đông này.
Ánh ơi... Nhớ vô ngần.
Cũng ngày 23.9 đó, vào buổi tối, ông viết tiếp lá thư trên: “Ánh ơi, bây giờ là đêm rất đầy ở thung lũng này, anh đang ngồi nhìn, ở phía đồi xa có từng chấm đèn đỏ rất buồn và trái núi thì đã bị che khuất từ chiều bởi mây xám. Anh rất nhớ đêm bây giờ ở đó Ánh đang ngồi bình an trong căn phòng ngát mùi hoa dạ lan và căn nhà anh đầy bóng tối trong căn phòng với chiếc bàn bureau nằm yên cùng những di tích còn để lại đó của anh. Có thể bây giờ đang còn mưa trên lá long não. Và chiều thứ năm này sao anh bỗng nghĩ là Ánh cũng có thể trở lại căn phòng đó để nhìn sự vắng mặt của anh, để ngồi trên chiếc ghế mây đó đếm lại dấu vết vừa qua của mùa hạ, mùa thu. Để nhìn vẻ hư vô trên từng ngón tay rất dài bỏ hoang của Ánh. Hãy năng trở lại đó ngồi một lúc để cho anh hy vọng rằng Ánh cũng tha thiết với những - gì - đã - qua của anh. Đêm rất dày đen. Sâu đất của núi rừng cũng đã reo lên âm thanh rất nhọn.
Ánh ơi, nếu bây giờ anh ra ngoài trời gọi to tên Ánh thì tiếng gọi sẽ dội ra xa, cây cối sẽ thức dậy và loài sâu đất sẽ phải im đi. Anh bây giờ, nhất là trong giây phút này, chỉ mong làm sao có đủ phép mầu để làm cho những kẻ mình yêu thương được hạnh phúc. Mỗi ngày sống qua là mỗi ngày thấy sự bình an sa sút đi một chút. Tâm hồn cũng hư hao đi nhiều. Anh không còn mong gì hơn là được tìm gặp mình mãi giữa những người yêu thương. Sự dấn thân nên chỉ có một lần và kéo dài cho mãi mãi. Ánh có nghĩ thế không. Viết thư về cho anh như thế này: Trịnh Công Sơn. Hộp thư lưu trữ. Ty Bưu điện Bảo Lộc, Lâm Đồng.
Đêm rất buồn và anh thấy đơn độc hơn bao giờ cả. Ánh ơi Ánh ơi, đã xa quá rồi phải không, làm sao còn nghe lời gọi âm thầm này. Đêm anh ngồi khoanh tay đốt thuốc và nhìn khoảng tối đen bên ngoài. Sẽ còn rất nhiều đêm như thế này nữa không một kẻ quen thuộc thân yêu để dùng ngôn ngữ trìu mến của nhau.”.
Từ những ngày yêu một người tên Hoa hướng dương!
Năm 25 tuổi (1964), nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lên Blao dạy học, ở đó ông viết nhiều bức thư gửi về một người - người mà ông gọi bằng tên riêng là: dao - ánh - hướng - dương (viết thường như tên một loài hoa) đang nở…
Cũng từ Huế, dao - ánh - hướng - dương hồi âm, gửi đến ông những tờ thư “ướt từng giọt nến” đọng lại, vì thư viết về khuya, dưới ánh sáng của đèn sáp trắng, có bức ép vài chiếc lá long não nhặt được trước nhà ông ở đường Nguyễn Trường Tộ (Huế). Nhận được, ông trả lời: “Ngọn lá long não vẫn còn màu nâu đỏ” và hồi tưởng: “Anh phải bắt đầu nhớ lại một Ánh của lần đầu xa nhà, Ánh của hôm ở quán cà phê, Ánh ở bãi biển và Ánh của những ngày tháng sau này (…) Ánh ơi, anh đã ghi trên từng bao thư Ánh gởi lên đây cho anh: tournesol 1, tournesol 2, tournesol 3. Ôi những lời yêu dấu kia là đời sống (của anh) đó Ánh ạ (…). Bình hoa hồng trước mặt anh có những cánh hoa đều đặn thật đẹp. Anh vẫn thường nghĩ đến hình ảnh một người con gái cầm nhánh hoa hồng buổi chiều đi trên hè phố một mình. Hè phố thì vắng. Hè phố dẫn về một giáo đường. Buổi chiều người con gái tay cầm nhánh hoa hồng, đầu cúi gập trên những hàng ghế gỗ nhà thờ… mang khuôn mặt của Ánh. Của Ánh. Của Ánh”. Tiếp đó là: “tấm carte visite với hình vẽ cái hoa hướng dương và hàng chữ Ngô Vũ Hướng Dương đề ở dưới anh đã dựng ở kệ sách trên đầu giường (Thư Blao 21.10.1964).
Vài ngày sau, vào 26.10 năm ấy, ông viết: “Ánh ơi, bỗng nhiên anh thấy nhớ Ánh mênh mông… Sao con đường không ngắn hơn để anh có thể quay về đó thường xuyên nhìn thấy Ánh. Nhìn Ánh cười, Ánh buồn, Ánh nói, Ánh đi. Nhìn chiếc nơ màu nâu nhạt đã có lần cài sau tóc. Giờ này Huế có mưa không. Mùa đông đã về chưa cho bàn tay Ánh lạnh như một đêm mưa nào anh đã giữ bàn tay Ánh và bảo lạnh vô cùng. Ánh ơi anh còn gọi đến bao giờ như thế. Cầu mong Ánh bình an và thản nhiên như núi rừng, mặt trời và tournesol - hoa hướng dương” (thư Blao 26.10.1964).
Khi đi các vùng cao khác, như Dran (Đơn Dương), ông vẫn nhớ, vẫn gọi: “Dao Ánh, Dao Ánh, Dao Ánh. Anh từ Blao 2 giờ lên đến đây lúc hơn 5 giờ, suốt con đường đó bụi hoa tournesol mọc vàng hai bên. Rừng núi mùa này hoa vàng đó sáng rực. Sao không là sinh nhật Ánh. Anh có ý nghĩ muốn thay đổi ngày sinh của Ánh đó. Ánh có bằng lòng không. Đây rất gần Đà Lạt, chỉ đi có 30 phút thôi. Anh đến đây thì anh Cường (họa sĩ Đinh Cường) chưa về. Anh leo lên căn nhà gỗ sàn – chung quanh là núi cao, là mây mù, là suối reo, là giá rét, là quạnh quẽ. Anh ngồi trong căn phòng riêng của anh Cường, xung quanh là những bức tranh mang hình ảnh màu sắc của núi đồi này mới lên xong. Và cơn mưa xám mù chợt đến… Ánh ơi, Ánh ơi. Anh nhớ Ánh lắm, nhớ lắm. Làm sao cho Ánh có thể biết được điều đó… Mùa hoa vàng tournesol huy hoàng trên khắp vùng cao nguyên. Anh cười nói với chúng như cười nói với Ánh - hướng - dương đêm (Thư Dran 11.11.1964).
Nhiều lúc viết liên tục, trong nhiều ngày, mỗi ngày viết nhiều lần. Vào buổi trưa, buổi chiều, và cả trước khi đi ngủ nữa: “Ánh ơi, khuya đã khuya hơn… nhớ muôn trùng muôn trùng đó Ánh”. Thức dậy thấy “hoa mặt trời và hoa hồng cắm chung ở chiếc lọ nhỏ đã héo rũ cả. Mai anh sẽ hái một hoa mới cắm vào. Ánh vắng viết thư cho anh có đến gần một tháng. Anh ngỡ như một hình phạt dành cho kẻ tử tội không biết được lý do… Cơn mưa vừa ngưng. Mây đã trắng hơn từng cuộn và trăng nhỏ tuổi hơn Ánh. Thời kỳ trăng đẹp nhất là trăng bằng tuổi Ánh - 16 tuổi (thư Blao 14.12.1964).
Khi Dao Ánh bước sang tuổi 17 (1965), Trịnh Công Sơn viết: “Ánh ơi, tâm hồn anh có những lúc thanh thản xanh như chồi non, có lúc đen - điu - vực - thẳm. Anh cũng cố gắng viết nhạc đúng như thế. Mỗi lần viết xong một bản thấy như mình nhẹ nhàng, như vừa trút bớt những ưu tư nặng nề trên vai, trên đầu xuống. Anh vừa viết xong một bản nữa: Tuổi buồn của em, anh nghĩ đến Ánh ngày chủ nhật đi đến nhà thờ, tay cầm một nhánh hồng nhung, nhà thờ chủ nhật thì vắng bởi vì đó là nhà thờ của riêng anh tạo ra…” (Thư Blao 21.1.1965).
Năm Dao Ánh 18 tuổi (1966), Trịnh Công Sơn viết: “điều quan trọng nhất là Ánh đã yêu anh! Như thế là quá đủ. Khi yêu người ta ngẫu nhiên như đã chọn lựa. Và thái độ chọn lựa dù muốn dù không đã tiềm ẩn một ý chí tự do. Đó cũng là dấu hiệu một phát hiện của trưởng thành. Sống rồi sẽ chín muồi dần, sẽ đơn giản. Tất cả những điều đó sẽ nở ra trong chính mình một cách hồn nhiên như hoa cỏ. Điều đáng vui mừng là chúng mình đang có nhau, đang cần nhau, đang yêu nhau. Anh thì mỗi ngày mỗi nhớ nhiều hơn. Và như thế cũng đã an tâm để đủ sống, đủ vui, đủ tin yêu trong hiện tại. Buổi trưa thật yên tĩnh. Trời như giục bàn chân chạy rong suốt ngày ngoài đường… Anh vừa học được cách viết bằng chữ nho tên của Ánh. Và cũng nhờ thế anh biết được vì sao Ánh thích hoa mặt trời (hoa hướng dương) và bài Xin mặt trời ngủ yên lại tình cờ có câu: “Ôi nhân loại, mặt trời trong tôi”. Lúc viết bản này anh đã có câu trên, vì anh nghĩ là Ánh thích hoa mặt trời và mặt trời là nơi hoa hướng dương nhìn về đó. Nên anh đã đem mặt trời nhốt vào trong anh (để Ánh luôn hướng đến). Hãy nhớ anh mỗi ngày như anh đã nhớ em”.
(Dao Hưởng - Dạ Ly)
Dù mười năm có trôi như cánh vạc bay, tóc kia có bạc màu, vẫn gọi mãi tên nhau. Những bản nhạc của Trịnh cứ như những vần thơ bay vòng thế gian và đêm như cánh vạc bay âm thầm trong cõi nhớ. Mười năm "Như cánh vạc bay" vào miền nhớ và yêu, ôn lại cuộc tình của Trịnh Công Sơn hôm nay cho người người nhớ tiếp!
03-04-2011.
Theo nguonsang.com
Như cánh vạc bay - Guitar Phạm Ngọc Lân
Như cánh vạc bay - Khánh Ly

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXTrường đời 2

Trường đời 2 XVII- Buổi chiều hôm ấy, mãi quá ba giờ, Khánh Ngọc mới ra chỗ làm. Nàng đi thẳng ngay đến mỏm núi Sám Coọc mà nàng biết chắc...