Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2016

Khánh Ly và ca khúc Hoàng Thi Thơ

Khánh Ly và ca khúc Hoàng Thi Thơ
Hoàng Thi Thơ sinh ngày 1 tháng 7 năm 1929 tại làng Bích Khê, xã Triệu Long, tỉnh Quảng Trị. Ông hoạt động nghệ thuật từ năm 1945 khi đang còn học trung học. Tháng 10 năm 1950, ông vào học tại trường Dự bị đại học Liên khu 3 và 4 tại Thanh Hóa, theo khoa Văn - Triết. Năm 1951 Hoàng Thi Thơ vào Sài Gòn dạy tiếng Anh và theo nghề viết nhạc, hoạt động văn nghệ. 
Tháng 9 năm 1957 ông lập gia đình với ca sĩ Thúy Nga, có ba con trai và một người con gái. Người con trưởng của ông là Hoàng Thi Thi, vừa là nhạc sĩ vừa là một kỹ sư. Ngoài ra ông còn một dưỡng tử là Hoàng Thi Thao, người cháu gọi ông bằng chú và cũng là người theo sát chân ông trong nhiều năm hoạt động văn nghệ. Trong năm 1957 này ông bắt đầu tổ chức những kỳ Đại Nhạc Hội tại rạp Thống Nhất Sài Gòn; bốn năm sau ông thành lập Đoàn Văn nghệ Việt Nam và lưu diễn qua nhiều nước Á Châu. Từ năm 1967 ông là giám đốc tổ chức những chương trình ca vũ nhạc kịch, đặc biệt tại nhà hàng Maxim's, Sài Gòn.
Hoàng Thi Thơ sáng tác trên 500 ca khúc từ tình ca đến nhạc quê hương, dân ca đến nhạc thời trang, đoản khúc đến trường ca, nhạc cảnh đến nhạc kịch. Nhiều bài hát của ông đã trở nên quen thuộc với người dân Việt, nhất là những bản nhạc có tính chất dân gian, mộc mạc mang âm hưởng quê hương đã đi vào lòng dân mà lại lãng mạn như: Rước tình về với quê hương, Rong chơi cuối trời quên lãng, Đường xưa lối cũ, Tà áo cưới, Trăng rụng xuống cầu, Gạo trắng trăng thanh, Đám cưới trên đường quê, Duyên quê, Tình ta với mình... Ngoài ra ông cũng có nhiều bản nhạc kể lại những mối tình đau khổ của người con gái: Chuyện tình cô lái đò Bến Hạ, Chuyện tình La Lan, Chuyện tình người trinh nữ tên Thi... 
Khoảng năm 1972-1973, Hoàng Thi Thơ sử dụng thêm bút danh mới là Tôn Nữ Trà Mi và sáng tác một loạt ca khúc mà báo chí thời đó gọi là “đem lại cho làng tân nhạc Việt Nam luồng sinh khí mới và cảm hứng tân kỳ” như: Việt Nam ơi ngày vui đã tới, Ô kìa đời bỗng dưng vui, Xây nhà bên suối, Ngày vui lý tưởng... Ông cũng là người đã nâng đỡ cho Sơn Ca và Họa Mi, làm cho hai người này trở thành nữ ca sĩ được nhiều người mến mộ.
Hoàng Thi Thơ cũng nổi tiếng trong việc nghiên cứu các điệu múa. Ông được cho là người tiên phong xây dựng những điệu vũ vừa hiện đại vừa đậm chất dân tộc. Ông cùng với vũ sư Trinh Toàn và vũ sư Lưu Hồng đã có nhiều công trình hợp tác nghiên cứu và sáng tạo các điệu múa dân tộc: Vũ múa trống, Vũ lên đồng, Vũ múa nón,  Múa xòe, Múa Koho... Đồng thời ông còn đạo diễn sáng tác các vở nhạc kịch như: Từ Thức lạc lối bích đào (năm 1963), Dương Qúy Phi (1964), Cô gái điên (1966) và Ả Đào say (1968). 
Năm 1965, Hoàng Thi Thơ trở thành đạo diễn điện ảnh với cuốn phim đầu tiên là “Cô gái điên”, quay từ vở nhạc kịch cùng tên của ông, do Trung tâm Điện ảnh Quốc gia sản xuất. Năm 1969 bộ phim “Người cô đơn” được chính ông đạo diễn và sản xuất. Sau năm 1975 Hoàng Thi Thơ sang định cư tại Hoa Kỳ, và ở đây ông tiếp tục tham gia đạo diễn cho một số phim video như: Chuyện tình buồn, Tiếng hát trong trăng, Người đẹp Bạch Hoa thôn và Chiêu Quân cống Hồ…
Sáng chủ nhật ngày 23 tháng 9 năm 2001, Hoàng Thi Thơ đã qua đời một cách thanh bình tại nhà riêng ở Glendale. Mộ của ông hiện nằm ở nhà quàn Heritage Memorial Services, 17712 Beach Boulevard, Huntington Beach, Hoa Kỳ. 
MỘT VÀI CA KHÚC NỔI TIẾNG 
CỦA NS HOÀNG THI THƠ
Tạ tình
Một lần cuối  

Những ngày thơ mộng

Rong chơi cuối trời quên lãng
Niềm đau của cát
Góc trời của ta
Lệ buồn
 Kinh chiều
Sưu tầm & tổng hợp
Theo http://binanguyen.blogspot.com/ 
Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ
Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ sinh ngày 1-7 năm 1928 (Mậu Thìn) tại làng Bích Khê, Phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, miền Trung Việt Nam - bắt đầu hoạt động cho văn học nghệ thuật từ năm 1945, khi còn học bậc Trung Học tại Huế rồi Hà Tĩnh. 
Sau khi học xong cấp Tú Tài, tháng 10-1950, Hoàng Thi Thơ vào Đại học tại Hậu Hiền, Thanh Hóa. 
Năm 1951, Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ vào Sài Gòn dạy Anh ngữ và đi theo luôn con đường viết nhạc, hoạt động văn nghệ. Năm 1957 ông bắt đầu tổ chức những kỳ Đại nhạc hội lớn tại rạp Thống Nhất Sài Gòn; năm 1960 thành lập Đoàn Văn Nghệ Việt Nam và lưu diễn qua nhiều nước Á Châu. Từ 1967 ông là Giám đốc tổ chức những chương trình ca vũ nhạc kịch, đặc biệt tại nhà hàng Maxim's, Sài Gòn... Ông cũng từng lưu diễn tại nhiều thành phố trên thế giới: Vạn Tượng, Hồng Kông, Ðài Bắc, Tokyo, Bangkok, Singapore, Sénégal, Paris, London... và nhiều nơi ở Hoa Kỳ! 
Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ lập gia đình với nữ ca nhạc sĩ Thúy Nga vào tháng 9-1957 và có 4 người con - 3 trai, gái - mà người con trưởng là Hoàng Thi Thi, vừa là nhạc sĩ vừa là kỹ sư. Ngoài ra ông còn một dưỡng tử là Hoàng Thi Thao, người cháu gọi ông bằng chú và cũng là người theo sát chân ông trong nhiều năm hoạt động văn nghệ. 
Ông có trên 500 ca khúc từ tình cảm đến nhạc quê hương, dân ca đến nhạc thời trang, đoản khúc đến trường ca, nhạc cảnh đến nhạc kịch. Nhiều bài hát của Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã rất quen thuộc với người Việt Nam từ những năm 1950 cho đến sau năm 1975, nhất là những bản nhạc có tính chất dân gian, mộc mạc có âm hưởng quê hương đã đi vào lòng dân mà lại lãng mạn như "Rước tình về với quê hương", "Rong chơi cuối trời quên lãng", "Đường xưa lối cũ", "Tà áo cưới", "Trăng rung xuống cầu", Gạo trắng trăng thanh", "Đám cưới trên đường quê", "Duyên Quê", "Tình ta với mình" ... 
Ngoài ra Hoàng Thi Thơ cũng có những bản nhạc kể lại những mối tình thường là đau khổ của những người con gái "hồng nhạc bạc mệnh", "Chuyện tình cô lái đò Bến Hạ", "Chuyện tình La Lan", "Chuyện tình người trinh nữ tên Thi", "Nỗi buồn Châu Pha"... Sơn Ca và Thanh Lan ưa hát những bản nhạc này lắm, cô ca sĩ nào cũng đầm đìa nước mắt, làm khán giả cũng thương dùm phận gái trong thời loạn, những người con gái có trái tim lãng mạn, nhạy cảm (người trinh nữ tên Thi), "Ai buồn hơn ai"... 
Qua những hoạt cảnh quê hương, một thời miền Nam VN được sống lại những mối tình mộc mạc, những hình ảnh êm dịu của làng mạc, lũy tre, đêm trăng có tiếng chày giã gạo, có đám trai gái hò qua, đáp lại phá phách nhau, những hình ảnh bị lãng quên vì chiến tranh, với giọng hát của cặp song ca Sơn Ca, Bùi Thiện. Sơn Ca thật duyên dáng, giọng hát lanh lãnh và Bùi Thiện, một giọng miền Bắc, điêu luyện đã làm say mê nhiều tầng lớp khán giả khác nhau. 
Một trong những bài sáng tác đầu tiên của Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ là vào năm 1949, mang nhiều ý nghĩa của một sự dứt khoát, đó là "Xuân chết trong lòng tôi," kết thúc những năm ông đi theo kháng chiến và trở về thành (Huế). 
Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ là người duy nhất đã được Bộ Thông Tin VNCH và Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị nhiều lần cử thành lập và dẫn các đoàn văn nghệ Việt Nam đến Âu Châu trình diễn... nhất là trong thời gian có hòa đàm Paris. 
Nói đến vũ, tên tuổi của Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ cũng đã chói sáng cùng với vũ sư Trịnh Toàn và vũ sư Lưu Hồng trong công trình nghiên cứu và sáng tạo vũ dân tộc, dựng lên các điệu dân vũ hấp dẫn và sống động. Những điệu vũ như: Vũ múa trống, Vũ lên đồng, Vũ múa nón, Múa xòe, Múa Koho... 
Trong lãnh vực điện ảnh, Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ là đạo diễn sáng tác vỡ nhạc kịch đầu tiên năm 1963, mang tên "Từ Thức lạc lối bích đào," năm 1964, vỡ nhạc kịch thứ nhì "Dương Quí Phi", năm 1966 vỡ "Cô gái điên," năm 1968 vỡ "Ả Đào say"... 
Bị mổ tim mấy năm trước nên sức khoẻ từ dạo đó cũng không được khá, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã qua đời một cách thanh bình, trong khi chờ vợ ông ta đang làm một món cá mà ông thích. Ông mất sáng ngày chủ nhật ngày 23 tháng 9 năm 2001 tại nhà riêng ở Glendale (Nam California), hưởng thọ 74 tuổi. 
Theo thông báo của gia quyến thì lễ Phát tang cho cố nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, pháp danh Hồng Đức, được cử hành vào ngày 25-9. Đến thứ Bảy 29-9 và Chủ nhật 30-9, những người quí mến ông có thể thăm viếng tại Nhà quàn Heritage Memorial Services, tại số 17712 Beach Boulevard, Huntington Beach.  
Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ được đưa đến nơi an nghỉ cuối cùng vào thứ Ba sau đó, 2-10-2001. 
Xin thắp một nén hương cho một nhạc sĩ đã đóng góp nhiều cho âm nhạc Việt Nam. Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ có lời trăn trối là tất cả tiền phúng điếu xin quý vị đề tên cho Hội Hồng Thập Tư, vì biến cố 9/11 vừa rồi.
Nguồn: Đặc Trưng
 Theo http://www.art2all.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm nhận thơ Nguyễn Hồng Linh

Cảm nhận thơ Nguyễn Hồng Linh Kể từ thi hào Nguyễn Du thắp ngọn đuốc lục bát soi sáng linh hồn thi ca Việt đầy chất triết lý của đời sống ...