Thứ Hai, 27 tháng 6, 2016

Về hai bản nhạc "Etude cung Mi Truởng" và "Nocturne cung Mi-giáng Truởng" của Chopin

Về hai bản nhạc "Etude cung Mi Truởng" và 
"Nocturne cung Mi-giáng Truởng" của Chopin 
Vẫn trên tinh thần của bài "Torna a Surriento", hôm nay ta bàn về hai bản nhạc "Etude en Mi- Majeur" và "Nocturne en Mi-bemol Majeur" của Chopin. 
Đi ra một cửa hiệu bán các CD nhạc của Mỹ và ngọai quốc ngày nay ở xứ này thì ta có thể chọn các đĩa nhạc Chopin ở hai nhóm đĩa khác nhau: Một là ở các quầy có ghi "Nhạc Cổ Điển" và hai là ở các quầy cò ghi "Nhạc để nghe không mấy khó khăn phức tạp", tạm dịch cho thật sát nghĩa hai chữ "Easy listening" trong tiếng Anh! 
Thỉnh thoảng, chỉ khi nào nhắm tìm tòi một cái gì rất cụ thể thì tôi mới ghé qua cái quầy "Nhạc Cổ Điển", còn thường thì tôi chỉ ghé qua các quầy có ghi "Easy listening". Xưa nay tôi chỉ thích nhạc "Cổ Điển" theo cái kiểu như thế này: Trong cả cái mớ sáng tác khổng lồ của Beethoven, chẳng hạn, tôi chỉ thích một "mouvement" duy nhất là cái đọan "Adagio" trong tòan bộ cái "Symphonie Pathetique" của tác giả, hoặc như cái bài "Sonate cung Do-thăng Thứ" - vẫn thường đuợc gọi là "Moonlight Sonata" của ông. Hoặc trong mớ tác phẫm của Franz Schubert thì tôi cũng chỉ thích có mỗi một bản "Impromptu" ("Ngẫu hứng") của ông, hoặc như bài bài "Ave Maria", và bài - tất nhiên rồi- "Serenade của Schubert" (tên thật của nó không phải như vậy!) 
Còn Chopin thì xưa nay tôi cũng chỉ thích nghe có hai bài : "Etude en Mi Majeur" (Vẫn thường đuợc gọi là "Tristesse" kể từ khi Tino Rossi hát lời Pháp dễ chừng đã cả trăm năm nay! "L'ombre s'enfuit... Adieu beaux rêves..!" "Bóng tối lui đi .. Thôi rồi còn đâu những giấc mơ đep đẽ.."),bản "Nocturne en Mi-bemol Majeur". và một vài bài "Valses" của ông. V.v.. Ai vào các cửa hiệu bán CD nhạc Mỹ và ngoại quốc ở xứ này, đến các quầy "Easy listening", rồi thấy các đĩa hát có tựa đề đại loại như "Những giai điệu đẹp nhất trên thế gian này" ("The most beautiful melodies in the world") thì thể nào cũng bắt gặp những bản nhạc loại như thế của tất cả các tác giả "Cổ Diển" mà ta vẫn thường nghe tiếng. Muốn nghe những món phức tạp dài dòng hơn thì xin mời qua quầy "Classical Music" "chính quy"! 
Cái hay cái đẹp trên đời này thì nhiều quá, (những cái không hay không đẹp thì hơi đâu mà bận tâm thêm cho mệt trí), cho nên từ đã rất lâu, tôi tự chọn cho mình cái phương châm: "Thích ít ít, thích giản dị" cho nó nhẹ cái nợ đời! 
Mà đối với các tác phẩm Văn Học Nghệ Thuật nói chung thì một khi đã "thích" cái gì là tôi hay có tật tò mò tìm hiểu đễn những nguyên tố đẫn đến tác phẩm mà tôi cho là "hay" đó! 
Hôm nọ tôi đã cùng bạn đọc "dò la" về bản nhạc "Torna a Surriento" của De Curtis, ông người Ý. Sau đấy tôi tiếp tục cùng bạn đọc "dò la" về bài "Les feuilles mortes" của Jacques Prevert va Kosma là hai ông người Pháp. Kỳ này, vẫn trên tinh thần đó, ta đi tìm hiểu hai tác phẩm của một nhân vật thuộc lọai "nặng ký" hơn là ông người Balan có máu Pháp trong người : Frederic Chopin! 
Trước hết, bàn về khía cạnh “gốc và ngọn” trong tương quan giữa một tác giả và một (hay các) tác phẩm. Theo cách nhìn của người viết ở đây thì thân thế của tác giả, những chặng đuờng người ấy đi qua xuyên suốt cả cuộc đời, lồng trong bối cảnh lịch sử xã hội cụ thể vây quanh cuộc đời đó là cái “gốc”, còn tác phẩm thì tôi coi như cành lá cho đến ngọn . 
Frederic Chopin sinh năm 1810 tại Ba-lan, (1813: Đạo quân của Napoleon tiến vào Ba-lan), mất năm 1849 tại Paris, Pháp. Bố, Micolaj (tương đuơng với “Nicolas” trong tiếng Pháp) Chopin là người Pháp, sinh tại vùng Lorraine và qua Ba-lan từ năm 16 tuổi, lấy vợ sinh con ở đấy, vào quốc tịch Ba-lan và không bao giờ trở về cố quận. Ông Chopin-Bố sau khi qua Ba-lan làm phụ giáo tại nhà một gia đình qúy tộc tên là Sharbek. Tại đây ông quen với Tekla Justyna Kazyzanowska, người làm việc trong bộ phận quản gia cho gia đình Sharbek. Micolaj Chopin kết hôn với Justyna, sinh ra ba gái một trai. Frederic Chopin ra đời năm 1810, là con trai sau người con gái đầu lòng của hai vợ chồng trẻ! Vài tháng sau khi F. Chopin ra đời, bố mẹ của cậu đưa cả gia đình về Varsovie bởi người Bố đi nhận việc giảng dạy môn văn chương Pháp tại một trường Trung học ở đây. 
- 7 tuổi: F. Chopin sáng tác 2 bản “Polonaise” đầu tay! Từng ấy tuổi đã bắt đầu trình diễn piano ở các buổi hội diển gây qũy từ thiện hoặc ở các gia đình có máu mặt tại thủ đô. 
- 1826 (16 tuổi): Học nhạc lý và sáng tác (bực cao cấp dĩ nhiên) tại Nhạc Viện. Thầy nhạc là Josef Elsner, nhà sọan nhạc nổi tiếng của Ba-lan thời bấy giờ. Sau ba năm học (chưa hết chương trình), thầy phê trò:” Chopin, Frederick (trong chữ Pháp không có chữ “k”), học viên năm thứ Ba, một tài năng khác thường, một thiên tài về âm nhạc”! 
- 1829 (19 tuổi): Học nhạc xong, đi Vienna (thủ đô Áo) một thời gian ngắn và bắt đầu nổi tiềng ở đây qua các buổi trình diễn piano. Sau đấy trở lại Varsovie (Warsaw trong tiếng Anh), tập trung vào việc sáng tác, bắt đầu sọan các thể lọai “Etudes”, “Valses”, “Mazurkas”, và cả một số ca khúc với lời hát của người khác. 
- 1830 (20 tuổi): Quyết định đi Vienna lần thứ 2, lâu hơn. Biểu diễn trong chương trình giã từ Varsovie ở Hý Viện Quốc Gia vào ngày 11 tháng 10. 

- (Bạn đọc chú ý 2 cái năm 1829 và 1830 vừa nêu. Đấy là thời gian Chopin đem lòng yêu thương cô nàng cùng học ở Nhạc Viện, môn hát, tên là Konstancja Gladkowska. Cô nàng này có những lần hát những sáng tác của Chopin ở các buổi trình diễn trước công chúng) 
- Ngày 2 tháng 11 năm 1830 đi Vienna. Chỉ vài tuần lễ sau đó thì Chopin đuợc tin dữ từ quê nhà: Cuộc nổi dậy của các lựng lượng chống đối tại Varsovie bị trấn áp. Nga tiến quân chiếm đóng Ba-lan. Cuộc chiến tranh giữa Ba-lan với Nga kéo dài chỉ có vài tháng ngắn ngủi, nước Ba-lan bị Hòang Triều Nga chiếm đóng! Trong tình hình đó, vì hộ chiếu của Chopin là do Ba-lan cấp, và Chopin không muốn trở về Ba-lan lúc bấy giờ lọt về tay hòang triều Nga cho nên Chopin chạy qua Pháp! 
- 1831 (21 tuổi): Chopin qua đến Paris. Chẳng bao lâu tiếng tăm bắt đầu lừng lẫy cả về mặt sáng tác lẫn trình diễn. Nguồn lợi tức để sinh sống: Xuất bản tác phẩm, trình diễn và dạy đàn. Các danh thủ đương cầm đuơng thời bắt dầu gọi người nhạc sĩ trẻ tuổi này là “Vua piano” trong khi Franz Listz, người bạn gốc Đức mà Chopin kết thân ở Paris đã từng đuợc coi như một đại danh thủ về môn piano! Nhưng tình trạng sức khỏe của Chopin, sau những biến cố ở Ba-lan làm anh hết sức đau khổ buồn rầu, đã bắt đầu tác động đến sức khỏe của anh ! Có điều là tiếng tăm của Chopin cứ thế mỗi ngày một vang dội khắp Âu Châu . 
- 1835 (25 tuổi): Trong một chuyến đi Dresden (Đức) để dưỡng bệnh, Chopin gặp lại một gia đình Ba-lan “di tản” ở đấy mà xưa kia ở Varsovie anh quen biết. Người nhạc sĩ trẻ gặp lại cô Maria Wodjinski, 17 tuổi, mà khi xưa lúc anh quen thì mới chỉ là một cô bé tí ! Chopin đem lòng yêu cô nàng và xin hỏi cưới. Gia đình cô gái đồng ý với một điều kiên là nếu như trong một thời gian nhất định nào đấy mà anh ta không lo chăm sóc cho sức khỏe của bản thân mình thì coi như vụ đính hôn là bỏ ! Một năm qua đi, sức khỏe của Chopin không những đã không khả quan hơn mà lại còn xấu đi thêm ! Vụ cưới hỏi kể như xong! (Về sau, mớ thư từ Chopin nhận đuợc của gia đình Wodjinski thì anh góichung lại thành một bó với cái tựa bên ngòai là “Niềm đau của tôi” !) 
- 1837 ( 27 tuổi): Đi Luân Đôn để tham quan và biểu diễn. Trở về lại Paris. Bắt đầu kết thân với nữ văn sĩ George Sand (người yêu cũ của nhà Thơ Alfred De Musset) của Pháp. Các triệu chứng của bệnh lao bắt đầu bộc phát!
- Mùa Xuân năm 1839 (29 tuổi): Sau một cuộc lưu diễn ở Marseilles, Chopin trở về sống với George Sand ở Nohant thuộc miền Trung nước Pháp, và ở đấy cho đến năm 1846 mới trở về Paris một lần ngắn ngày. Đấy là giai đọan đuợc coi như “hạnh phúc” nhất trong suốt cuộc đời của Chopin; một giai đọan phong phú nhất về mặt sáng tác. Hầu hết các tác phẩm “lớn” và nổi tiếng nhất đều đuợc sáng tác trong giai đọan này. Thiên hạ hồi ấy coi Chopin và George Sand như hai vợ chồng tuy hai bên không chính thức lấy nhau. Nhưng tất nhiên là chuyện hạnh phúc thì trước sau gì cũng có đọan kết ! George Sand có đứa con trai riêng. Càng lớn nó càng tác động đến cuộc tình của mẹ mình và anh chàng nhạc sĩ người Ba-lan gốc Pháp kia! 
- Tháng 07 năm 1847 ( 37 tuổi): Chopin và George Sand chia tay! Người nhạc sĩ tài hoa của chúng ta buồn phiền không ít. Cạnh đó thì bệnh lao càng ngày càng trầm trọng. 
- 16 tháng 11 năm 1848 (38 tuổi): Tuy đang cơn sốt nặng, Chopin trình diễn để gây qũy trợ giúp giới di-tản Ba-lan ở Luân Đôn. Vài ngày sau trở về Paris. 
- 17 tháng 10 năm 1849 (39 tuổi): Mất về bệnh lao tại một căn gác ở Paris, khu “Quảng Trường Vendôme” (“Place Vendome”). Di hài đuợc chôn cất tại nghĩa trang “Père Lachaise” ở Paris. Theo di chúc, trái tim của Chopin đuợc người chị của ông đem về Ba-lan, để trong một đại thánh đường tại Vac-sa- va, thu đô Ba-lan.. 
Ta tiếp tục với lọat bài quanh hai bản "Etude" và "Nocturne" của Chopin. Kỳ này ta bàn riêng về bài "Etude" trước. 
Xung quanh bản "Etude Mi majeur của Chopin" 
L'OMBRE S'ENFUIT, 
(TRISTESSE) 
(Lời hát tiếng Pháp)
L'ombre s'enfuit, 
Adieu beau rêve 
Ou les baisers 
S'offraient comme des fleurs 
La nuit fut brève

Hélas, pourquoi si tôt fermer nos coeurs 
à l'appel du bonheur 
L'ombre s'enfuit 
Ma lèvre hésite 
à murmurer 
Après de doux aveux 
Des mots d'adieu 
Le soleil parant trop vite 
Faut-il donc que l'on se quitte 
Que m'importe ` moi 
Labeur du temps 
Je voudrais tant 
Retarder l'aurore 
Et t'aimer encore 
L'ombre s'enfuit 
Tout n'est que songe 
Et tu n'es plus 
Malgré tous nos désirs 
Qu'un souvenir 
Si l'amour n'est que mensonge 
Au parfum triste 
Qui le ronge 
Síl est vrai qu'à moi 
Ta lèvre ment 
Saches pourtant 
Que toujours quand même 
Cher amour, je t'aime 
Iperdument 
Iperdument 
Bóng tối qua mau 
(Dịch nghĩa: Thanh Trang)
Bóng tối qua mau 
Còn đâu mộng đẹp 
Khi những nụ hôn 
Trao nhau như những nụ hoa 
Ôi đêm chóng qua 
Trời hỡi, sao ta vội khép lòng mình 
trứơc tiếng gọi của hạnh phúc? 
Bóng tối qua nhanh 
Môi anh ngần ngại 
Chưa dám thủ thỉ 
Sau những lời hẹn ước 
Để nói câu tạ từ 
Ánh dương đang lên vội quá 
ta có vì thế phải chia tay nhau chăng? 
Anh nào kể gì 
Đến bước thời gian 
Anh chỉ ước sao 
Níu kéo đuợc bình minh 
Và tiếp tục yêu em 
Bóng tối qua mau 
Tất cả chỉ như cơn mộng 
Và em, cho dù ta có khao khát nhau bao nhiêu, 
Cuối cùng vẫn chì còn là một kỷ niệm. 
nếu tình yêu chỉ là một điều gian dối 
đối với hương vị u sầu 
cho nó chết dần chết mòn 
Nếu đúng là với anh 
môi em thốt nên lời gian dối 
thì em cũng nên biết 
là cho dù có như vậy thì mãi mãi 
em yêu dấu, anh vẫn yêu em 
không bờ không bến 
không bờ không bến 

Người nghe nhạc không thích những chuyện rắc rối thì nghe xong rất có thể lẩm bẩm: "Rõ là vẽ chuyện ! "Etude" với chẳng "Nocturne"! Âm thanh tạo nên cảm xúc, khi vui khi buồn, "tiếng khoan như gió thoảng ngòai, tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa"! (Mượn Cụ Nguyễn Du hai câu!) Phỏng có ai đấy làm ra bản nhạc ban đầu đặt tựa là "Đêm trăng trong vườn", rồi sau đó đổi ý đặt lại tựa là "Trong vườn đêm trăng" mà nhạc không thay đổi một nốt thì nào đã chết ai? Ông Chopin ông ấy có đổi tựa bài "Etude cung Mi trưởng" thành "Nocturne cung Mi giáng trường" hoặc ngược lại thì giá trị của hai bản đó cũng đâu có gì thay đổi? " 
Kể ra thì trong chừng mực nào đấy cách nhìn như vậy cũng có cái lẽ của nó, tuy cũng phải nói ngay tức thì là cái "lẽ" gì thì rồi ra cũng có .. chứng mực của nó ! Chẳng hạn: Có muốn "tự do thoải mái" lắm thì ta cũng không thể sọan những lời lẽ vui vẻ sinh động như trong bài "Hè về" của Hùng Lân mà đưa vào nét nhạc "Con thuyền không bến" của Đặng Thế Phong", hoặc ngược lại! Điểu đó thì rõ rồi! 
Ông Chopin ông ấy không viết chỉ một bản "Etude" mà ông ấy viết đến 24 bản, với cung bậc hầu hết là khác nhau! Như vậy tức cũng phải có lý do! 

Trong lọat bài vừa qua ta đã biết rằng xưa kia khi ở Vienna có mấy tháng trong đời và ở Paris cho đến khi chết vì bệnh lao vào năm 39 tuổi thì, với ngần ấy danh thủ dương cầm lẫy lừng của Âu Châu thời đó, Chopin vẫn đuợc coi như "Dương Cầm Vương" ! Tạm dùng mấy chữ như thế cho nghe ra có hơi hướng "vương giả"! Vậy thì: "Không có thầy, đố mày làm nên !", tục ngữ ta nói thế! Ở Paris, nghề chính của Chopin để kiếm ra tiền là đi dạy đàn! Vậy chứ còn trước khi đi làm thầy thiên hạ, trước khi đuợc tất cả các bậc anh kiệt Âu Châu thời đó coi Chopin như bậc Thầy với cái đàn đuơng cầm thì ông ấy đã từng thọ giáo ai? Người đọc sẽ tròn xoe mắt khi lật các trang sách kể về thân thế của Chopin và đọc những dòng mà ta cứ tưởng là mình đọc nhầm : Ông ấy tự học, tự "luyện công" lấy là chính ! Sáu tuổi bắt đầu được bố mẹ cho đi học đàn dương cầm . Sách vở nói rằng ngay ở cả xứ Ba-lan thời ấy còn chả có đuợc nhà danh thủ về đương cầm nào đuợc coi là sáng giá so với Đức, Áo, Ý, Pháp.. chứ đừng nói gì là ở nơi cậu bé Chopin đang lớn lên! Do đó mà ông thầy dạy piano cho cậu bé Chopin sáu tuổi, Wojciech Zywny, là một ông chuyên xử dụng .. vĩ cầm ! Dạy đâu đuợc một thời gian, ông thầy thấy cậu học trò bé tí càng ngày càng có trịệu chứng vượt lên trên tài năng của chính mình nên, sách nói rõ như thế: ông để cho "con chim non nó muốn bay nhảy kiểu nào là tùy thích" ! Tiếp thu đuợc những kỹ thuật sơ đẳng và căn bản nơi cây đàn piano rồi, Chopin tự tìm tòi học hỏi lấy ! Sau này khi vào trường nhạc để học với thầy Josef Elsner thì đấy là học về nhạc lý, về sáng tác chứ không phải là học piano! 
Từ đó mới có cái vụ "Etude"! Đấy là một danh từ trong tiếng Pháp. Cái nghĩa của nó rất rõ ràng: "nghiên cứu", "tìm tòi", "học hỏi"! Chàng trai Chopin muốn tìm hiểu coi xem với mười ngón tay, 88 phím đàn, và trăm ngàn vạn các kết hợp giai điệu mà người đời có thể nghĩ ra đuợc thì kỹ thuật xử dụng ngón đàn có thể biến thiên đến cỡ như thế nào trong quá trình sáng tạo nhằm triệt để khai thác, tận dụng các phím nơi cây đàn piano ! Năm 19 tuổi, Chopin tâm sự với một người bạn: "Tôi đã viết đuợc một bài tập có giá trị về mặt kỹ thuật theo cái kiểu đặc biệt của tôi " ! Chopin sáng tác một lọat 24 bản "Etude" như đã nêu ở trên (có sách ghi là 27) ! 
Chàng nhạc sĩ trẻ làm xong thì các "bô lão" trong ngành dương cầm bèn có lời phê phán ! Các vị ấy cho rằng đấy cũng lại là một trò "sáng tạo", chế biến tùy tiện, vô kỷ luật của tuổi thanh niên! 
Cụ thể thì có nhà phê bình người Đức như ông Ludwig Rellstab đã viết như sau, khi khuyên nhủ đám người thời ấy đang tập tành piano:" Những ai có ngón tay cong queo vặn vẹo thì khi đàn xong mấy bản "nghiên cứu" ("Etudes") ấy sẽ có thể chữa lành mớ ngón tay tật nguyền của mình; còn những ai có ngón tay lành lặn thì chớ có nên đàn mấy bản đó, hay ít ra nếu muốn đàn thì phải có sẵn bác sĩ chuyên về phẫu thuật đứng bên cạnh để kịp thời giúp đỡ, can thiệp" ! 
Riêng hậu thế thì phán xử ra sao? Chả cần phải đợi cho đến ngày Chopin chết đi thì giới dương cầm của Âu Châu, và ngày nay là cả thế giới, cũng đều đi đến kết luận: Học viên học đàn piano mà đàn cho nhuyễn 24 bản "Etudes" của Chopin thì cái gì trên đời này cũng đàn đuợc! 
Về mặt lý thuyết, về mặt phân tích, ta đã có thể hình dung những động cơ dẫn đến cái tuyệt tác như nơi bài "Etude cung Mi trưởng" (Cứ tạm gọi "Tristesse" cho nó tiện) của Chopin. Ấy là cái thời chàng nhạc sĩ của chúng ta vẫn còn quanh quẩn trên đất Ba-lan và sắp sửa trải qua biến cố lưu vong sau khi quân của Nga Hòang tiến vào Ba-lan. Người đời sau vẫn phong cho Chopin cái danh hiệu là "Nhà Thơ với cây đàn dương cầm". Trong lúc "nghiên cứu" ("étudier" trong tiếng Pháp) với cây đàn thì tất nhiên cái tài hoa, khả năng tạo giai điệu đẹp đẽ của người thiên tài lúc nào cũng chập chờn ẩn hiện đâu đó trên phím đàn. Cái buồn xa xôi, vời vợi, man mác nơi bản "Etude cung Mi trưởng" không chắc đã có bóng dáng của cô nàng Konsctanja (xin xem bài trước) trong đó! Người ta đang lo tập trung "nghiên cứu" kia mà ! Bởi thế vừa rút tỉa các kinh nghiệm về mặt kỹ thật nơi công trình nghiên cứu vừa xử dụng chúng để thi thố bao nhiêu cái tinh hoa về mặt giai điệu nơi các thể lọai khác của tác giả như "Valses", "Impromptus", "Concertos", "Mazurkas", "Polonaises", "Sonates", và tất nhiên là có những bản "Nocturnes" rất là.. Thơ! 
Nhưng tại sao bản "Etude cung Mi trưởng" lại khác hẳn những bản "Etudes" khác trong mớ 24 bài đó? Chỉ có đoạn giữa của toàn bài (không phải cái bài bấy nay có lời Tây hay lời Việt đâu) là mới có vẻ "nghiên cứu", còn bao nhiêu nét giai điệu ở đoạn đầu và đoạn cuối thì đều chỉ là một chuỗi giai điệu thuần túy, mượt mà, đẹp đẽ nhưng giản dị, chả có gì phức tạp, gút mắt? 

Nghe giai điệu của bài "Tristesse" thì từ xưa đến giờ tôi vẫn cứ có cái ấn tượng mạnh mẽ là Chopin nhà "nghiên cứu" các ngón đương cầm, khi đến bản "Nghiên Cứu cung Mi giáng trưởng" thì tạm sao lãng, nghỉ giải lao, để cho Nhà Thơ Chopin vào thay! 
Không phải ngẫu nhiên mà khi ra tiệm bán CD nhạc, nhìn ngang ngó ngửa ở quầy "Classic" có tên Chopin thì ta thường thấy phần lớn là các bài "Concertos", "Valses", "Mazurkas","Polonaises", "Impromptus",và tất nhiên là đám "Nocturnes" (chơi thường là trọn bộ hoặc ít nhất cũng cả chục bài). Riêng trong thể loại "Etude", bản cung Mi bemol trưởng không cần cái chữ mở ngoặc là "Tristesse" thì đám người sành điệu đều biết nó là bài.. "Tristesse" ! 
Bản "Nocturne cung Mi-giáng Trưởng" của Chopin 
Chopin viết trên 20 bản "Nocturne". Có sách ghi 21, có sách ghi thêm vài bài nữa, nhưng tôi ít để tâm đến, bởi gì thì gì riêng tôi cũng chỉ thích có mỗi 2 bản: một bản đang đề cập đến ở đây và bản "Nocturne cung Re-giáng Trưởng, tức là bài sồ 2 trong Tập 27 (opus) của ông. Bài cung Mi-giáng Trưởng thì tôi thích trọn vẹn, từ đầu đến đuôi; còn bài kia thì tôi rất thích cái câu mở đầu, nghe rất là "dạ khúc", rất là "Thơ", nhưng rồi sau đó tác giả biến tấu lòng vòng, tôi nghe không khoái! 
Tự cái tựa của bản nhạc cũng cho thấy là nó thuộc thể loại "Dạ Khúc". Tới thời của Chopin thì nó đã xuất hiện ở Âu Châu rồi. Mấy tay nhạc sĩ Ý thời trước đấy sinh sống ở Paris thì cũng đã triển khai cái thể loại ấy theo hướng "Tình Khúc", không xa gì với thể loại "Serenade" tức là cái kiểu nhạc êm ái, trữ tình được minh họa qua hình ảnh các chàng lãng tử chiều chiều trăng lên vác đàn đến dưới bao lơn các nàng thục nữ để mà hát hò lấy điểm ! Ở bên Đức, cùng thời, thì người ta soạn những nhạc khúc theo thể loại đó ba hồi thì dùng cái nhãn hiệu là "Notturno", ba hồi thì gọi là "Serenade", chẳng cứ ! Sách vở lịch sử âm nhạc ghi rằng bản "Nocturne" đầu tiên là do một nhạc sĩ người Ái Nhĩ Lan tên là John Field (1782-1837) soạn ra ! Nếu có ai tò mò lục lọi mấy bản "Nocturne" của mấy nhóm vừa kể (trừ bài "Notturno" của Borodine mà so với các bản của Chopin chi chưa biết mèo nào cắn miu nào!) rồi quay lại nghe mớ "Nocturnes" của Chopin thì sẽ thấy ngay là nét nhạc của Chopin khác hẳn! Lả lướt, trữ tình, sâu lắng và "Thơ" hơn nhiều ! Nhất là câu mở đầu của bài cung Re-giáng Trưởng nêu ở trên: nghe nên thơ không tả ! Mà cũng chỉ có mươi mười lăm nốt thôi chứ chả có phải là nhiều, ở cái đoạn đó! 
Nhưng tựu trung thì thể loại đó mang sắc thái lãng mạn, tự tình. Qua nét nhạc của Chopin thì nghe cứ như là một cái gì xao đông đấy (âm thanh thì tất nhiên là "động") nhưng lại có cãi "tĩnh" trong đó! Mâu thuẫn chăng? Không! Bằng chứng là ra ngoài cửa hiệu bán các CD nhạc ta vẫn thấy đầy rẫy các đĩa nhạc có nhãn hiệu là "Music for relaxation", "Nhạc để nghe mà tĩnh dưỡng" 
Ở phần nói về thể loại "Etude" thì ta đã thấy là Chopin lo điều nghiên về kỹ thuật "chạy ngón" trên ngần ấy phím dương cầm ! Qua đến dạng "Nocturne" thì người nhạc sĩ tài hoa của chúng ta kết hợp kỹ thuật với cảm hứng một cách thoải mái ! (Các danh thủ về Tây Ban Cầm như Tarrega rất khoái chuyển tải các giai điệu từ những bản "Nocturne" của Chopin qua cây đàn thùng của họ) ! Và điều đáng chú ý: Cho đến giờ phút này tôi chưa thấy bài "Nocturne" nào của Chopin có người đặt cho lời ca ! Đỡ quá ! Nhờ vậy mà khi nghe các bản nhạc này, ta tự do để cho trí tưởng tượng của mình làm việc. Muốn cảm nhận thế nào thì cứ việc thoải mái đến mức tối đa ! Nhưng có một điều chắc chắn, không có ngoại lệ: Không một bản "Nocturne" nào dẫn dắt ta đến cái ấn tượng tâm lý là "buồn" ! Hay ít ra thì đối với riêng tôi là như vậy ! Nghe chúng thì ấn tượng đến với tôi bao giờ cũng gói gọn trong mấy chữ: "lắng đọng", "thoải mái" !
Chopin qua Vienna, qua Pháp thì tuy ai nấy đều hết lời ca ngợi ngón đàn của ông, thế nhưng các bậc danh thủ thời ấy cũng đều nói rằng tiếng đàn của ông "mềm" quá, "Yếu quá", "không đủ công xuất" ! Là bởi thời đó thì không có cái màn "amplifier" ! Thính đường có to cách mấy thì việc khuyếch đại âm thanh cũng chỉ có hai nguồn: một là kiến trúc của thính đường và hai là chính cái đàn piano. Các nhà danh thủ thời đó ở Âu Châu bởi thế vẫn có khuynh hướng cứ thế mà lấy gân lấy cốt gõ lấy gõ để lên phím đàn để bá tánh còn nghe được! Và Chopin đã có lần than phiền như vầy: 
"Thiên hạ cứ rêu rao khắp nơi mọi chốn là tiếng đàn của tôi yếu ớt quá, hay nói đúng hơn là tinh tế quá nên không mấy hợp với lỗ tai của đám nghệ sĩ quen dộng ào ào lên piano của họ!" 
Trong ngần ấy bản "Nocturne" của Chopin, nghe bản nào ta cũng có thể hình dung những ngón tay dài, mỏng manh của Chopin với ngón đàn "dịu dàng", "tinh tế"!. 
Thanh Trang
Theo http://forum.phunuviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Phồn Sinh – Bản trường ca về bản thể sự sống 16 Tháng Mười, 2022 Theo tôi biết, tác giả trường ca Phồn Sinh đã được Tổ chức kỉ lục gia...