Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2016

Khúc ca mộ đá

Khúc ca mộ đá 
Đoàn voi đã về.
Dưới cái nắng chỏng lỏn đanh ác, những con voi rống từng tiếng, gồng mình kéo những phiến cẩm thạch nặng xé đường từ Thanh Hóa, vượt qua sạn đạo hiểm trở Đà Giang, rẽ về Vĩnh Đồng. Trời nồng, da thịt người đã chết không muốn chờ đợi ai, voi phải dằn bước thật nhanh. Voi gục giữa đường, quản tượng cầm lệnh bài Vua ban, yêu cầu thay thế. Xác vật cũ nằm lại, đoàn voi mới lại giẫm qua thân thể đồng loại, tiếp tục cuộc hành trình.
Đá kêu than khi đau đớn cày sâu xuống nền đất cằn sỏi, mở một con đường mới. Chân voi nặng nhọc làm rung chuyển mặt đất đầy doạ dẫm khi những người thợ bắt đầu gỡ các vật phẩm ra. Viên quan đảm nhận việc xây lăng mộ cúi đầu nhận chỉ từ nhà Vua, cùng với các hòm vàng bạc châu báu do triều đình ban tặng. Vị nội quan tuyên chiếu xong, bèn trở lên võng để người hầu đưa về chốn nghỉ chân. Đoàn voi thở phì phò, dường chỉ muốn đằm mình xuống hồ nước.
Nơi cũi sắt kia là hơn một trăm đồng nam, trinh nữ. Họ là những nô lệ được Vua nuôi dưỡng từ nhỏ, rải rác trên khắp đất nước và sẽ dùng tới mỗi khi nước có trọng tang. Tại cũi bên này, Sạ chỉ thấy mắt họ ngập tràn bóng tối, dường như sinh mệnh đã bị hút cạn rồi, nhưng cũng có thể nói rằng trong suốt cả cuộc đời phục vụ hoàng thất, quý tộc của mình, họ chưa từng sống.
Đêm, trời thủng, ngập tràn khắp nẻo là trăng. Những ngôi sao đang cười trên đầu Sạ, nơi góc cũi còn sáu người khác đương thu mình co ro. Sạ lặng im, liếm vết máu ở cánh tay nâu sạm. Vết thương do đao chém, rất sâu, dù có dịt lá thuốc hay quấn băng vải thì máu vẫn không cầm nổi.
Lang mất rồi. Khi nghe thấy tin này, mọi người trong mường đều hoảng loạn. Lang mất, đồng nghĩa với việc của cải, tính mạng của họ bị treo trên đầu sợi tóc. Dù rằng cái chết có thể đến với bất kỳ ai, bất kỳ lúc nào, lúc ra suối bị cọp vồ hoặc rơi xuống hố bẫy đầy chông – Mà ở đây, cọp và hố bẫy thì nhiều vô cùng, hễ sơ sẩy là anh tan xác - họ không muốn chịu cảnh chờ đợi cái chết trong mòn mỏi, trong khi biết nó sẽ tới một cách đau đớn.
Trăng vành vạnh như gương mặt thiếu nữ đương xuân, Sạ bất giác nhớ về Mai, gương mặt của cô cũng đẹp như vậy, bừng sáng… Bừng sáng liệu có lụi tàn? Anh chậm rãi đưa cánh tay chạm vào nước trăng, trước mắt như hiện ra khuôn ngọc đẹp như vẽ nơi Mai… Giờ này, có lẽ cô đang chờ anh trở về trong vô vọng. Thường nghe “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, giờ anh muốn thêm vào một câu, rằng chớ có tin tưởng vào niềm hạnh phúc do tạo hoá ban cho, bởi không bao lâu sau thảy sẽ bị tước đoạt mọi thứ. Anh trở người.
Bên ngoài, đám lính canh đã dấy cơn buồn ngủ, có kẻ gà gật, có kẻ ngáp ngắn than dài. Cái chết chưa động vào họ, họ ở bên rìa cái chết của các nô lệ. Hôm nay đã là ngày thứ mười kể từ khi Lang nhắm mắt, ngày mai thôi, tất cả đều phải lên đường theo ông ta về Mường ma. Cổ nhân bảo cuộc sống bên ấy phản chiếu tấm gương bên này.
“Nên bình thản, phải không?” – Sạ tự hỏi mình. Nhưng anh lại lắc đầu, cơn bồn chồn dào ra trong lồng ngực, màn đêm kia tựa như huyệt mộ hút chặt lấy anh…
Tiếng mo kể chuyện phát ra từ nhà Lang rung trong đêm, đều đều chảy vào từng ngõ ngách, xuyên qua những tán lá rừng ken dày, gợn tới khu lăng mộ. Bỗng một tên lính canh nhân lúc không có ai để ý, ngồi xuống cạnh cũi để chợp mắt. Sạ liếc nhìn y, hốt nhiên như bị nện cho một cú vào đầu, anh bừng tỉnh, đôi mắt trườn men theo lưng áo người nọ và lần xuống chiếc chìa khoá mà y treo lủng lẳng bên hông…
- Mau ra thôi. – Sau khi mở được cổng cũi và cố gắng đập ngất tay lính xấu số bằng một hòn đá mà không gây ra điều bất thường gì, Sạ ngoảnh đầu nói với những người còn lại.
Đám nô lệ theo dõi anh bằng con mắt rụt rè, pha lẫn nét kinh hoàng trong đó, ngay cả sáu cậu chàng ở chung cùng anh suốt mươi ngày qua cũng vậy. Ánh mắt của bọn họ ngày một tối tăm mù mịt, không còn chờ gì ở phía trước nữa. Bước chân của từng tốp lính canh vẫn nhịp vang đều đều. Sạ nghiến răng, thận trọng theo dõi đám gác, lại ra hiệu cho những kẻ đồng cảnh ngộ, song họ chỉ cúi đầu. Anh mím môi, thở dài, rồi quay lưng bỏ đi.
Trăng rỉ xuống đỏ quành quạch. Sạ thở hồng hộc, băng qua những bãi sỏi và cánh rừng đầy những cạm bẫy của bọn thợ săn giăng ra. Trong cơn hoảng loạn của cái chết cận kề, biết chạy về đâu mới tránh được ông xanh?
- Bắt lấy nó! - Giọng của bọn đầy tớ lơ lớ vang lên.     
Không gian tỏa mùi khen khét, ngòn ngọt, ngây ngấy của những ngọn đuốc tẩm dầu cháy rừng rực và mùi mồ hôi quện chặt, Sạ hoảng loạn nhìn quanh quất. Không còn thời gian để trù trừ nữa. Giữa đêm, rừng khuya rung lên tràng cười khanh khách, cọp gầm vang và thú vật xác xao. Các đốm lửa tản mát dần báo hiệu cho sự tìm lục từng nhành cây ngọn cỏ, Sạ thở dốc, núp vào phía sau của một thân cổ thụ chết già vắt ngang dòng suối. Nước mát luồn qua những kẽ ngón chân, con đỉa ngửi thấy hơi người hò hét đồng bọn bám chặt lên chân con mồi. Đám đầy tớ chạy qua, Sạ vụt bụm miệng nín thở. Cụm rêu quấn nơi tảng đá nhận ánh trăng mờ, trải dài trên lần nước nông, hòn đá gồ gề tựa đầu lâu với cụm tóc chưa kịp tan rã nhoẻn miệng cười với Sạ. Rồi, chiếc đầu lâu cứ tiến đến gần hơn, gần hơn nữa, đầu lâu trở nên lớn như chiếc sanh nấu cỗ của cả Mường, chợt như được bồi da bồi thịt, nó biến hóa thành gương mặt của vị quan Lang mới nhắm mắt xuôi tay. Sạ ú ớ, cơ hàm cứng lại, mí mắt nặng trĩu, toàn thân hoá đá, anh như chìm vào một khoảng không vô định.
Thời gian trôi đi, im ắng rồi, Sạ giật mình choàng tỉnh, mồ hôi thấm ướt tóc bám dính vào cổ. Là mơ sao? Nhưng vì lẽ gì mà mọi sự lại chân thực đến thế? Sạ nhìn vào cổ chân, con đỉa no mọng bám dính vào đó, máu ri rỉ chảy, đầu óc anh quay cuồng.
 “Phải sống!” - Anh bật dậy, vạch rừng mà chạy về nhà. Dòng suối phẫn nộ với kẻ đã đánh động tới giấc ngủ ngon của mình, lào xào cất giọng mắng chửi khiến chim muông đang náu giấc nồng cũng phải hoảng sợ.
Dưới chân cột nhà sàn, con trâu vẫn chưa ngủ. Ánh đèn chỉ còn lại là một đốm nhỏ leo lét hắt ra vàng vọt, Mai cũng chẳng buồn xắn thêm mỡ để tra vào, cứ vậy ngồi bần thần trông về mấy bụi tre phía trước. Sạ bị đưa đi, số vật cống cho quan Lang mới được giảm một nửa, sáng sớm ngày mai, cô sẽ phải kéo trâu đến tiến. Mai thở dài thườn thượt, một hạt nước ấm đọng trên khoé mắt vẫn không chịu rơi xuống cho chủ nhân bớt mệt mỏi. Đèn đột ngột tắt ngấm. Thừa dịp, ánh trăng dần tuôn vào ngự trị trong phòng, leo lên ban thờ và thăm thú tới cả chuồng gia súc.
Loạng choạng mấy bước, Sạ dừng chân nơi đầu ngõ, xung quanh đã chẳng còn ai, người ở bản đi nằm sau khi trời nhọ mặt để sáng mai còn kịp ra đồng, phát nương, một số thì tìm cách kiếm trâu và lợn để dâng cho nhà Lang theo tục lệ từ xưa.
Anh nhẹ nhàng bước lên cầu thang, gót chân hồ không chạm đất.
“Kẹt…” – Âm thanh gai người khẽ rít dài, cửa mở ra và Mai ngoảnh đầu nhìn lại. Thời gian đóng băng giữa hai người họ. Không rõ bao lâu sau đã trôi qua, có thể là một tích tắc, một khắc, một giờ, cuối cùng Mai cũng cất lời:
- Ăn chưa?
- Chưa - Sạ đáp, khoé môi nhợt nhạt lấm tấm các vệt máu đông khẽ phác thành một nụ cười.
- Ăn nhé. Nhà có rượu… Của nhà người ta mới ban cho - Mai thoáng lúng túng, nuốt hai chữ “quan Lang” vào bụng, tránh huý kỵ người chết.
Sạ chỉ gật đầu rồi bước vào trong, anh xếp bằng ngồi xuống. Mai tất tả xuống bếp chuẩn bị cơm nước, vào bữa, cô im lặng rót rượu. Sạ uống hết chén này đến chén khác, rượu cay dào ra chảy xuống thấm ướt cổ áo, song vẫn không thể say được. Anh trầm ngâm nhìn vợ, họ mới về với nhau được một tháng. Tay rượu của Mai run run. Sạ nói:
- Phải đi thôi.
- Đi đâu? – Mai hỏi.
- Chạy vào Phú Xuân – Sạ đáp.  Anh từng nghe các thương nhân kể về kinh đô, nơi tân hoàng đế Gia Long cai quản. “Phải đi thôi, ừ phải đi thôi”, Sạ tự gật đầu với chính mình.    
- Nhưng người nhà Lang ở khắp mọi nơi, sợ không kịp nữa – Mai bảo – Biết trước thì ban nãy đi sớm…
- Muốn uống rượu quê lần cuối – Sạ cười – Thiếu một nắm đất vàng.
Mai se sẽ gật đầu đồng ý. Như ngầm giao ước, hai vợ chồng chỉ mang theo một chút tiền, đốt ngọn đuốc con và nhanh chóng rời khỏi nhà. Ánh trăng tãi dài trên mặt đất, soi tỏ con đường lớn.  Để tránh bị bắt lại, họ buộc phải men theo đường rừng mà đi, buộc phải trở ngược lại dòng suối với thân cây cổ thụ mục ruỗng lúc tránh đám đầy tớ. Sạ nắm chặt tay Mai, tim đập mạnh đầy lo sợ. Tiếng nước vang bì bõm, Mai phải bám chắc vào chồng mình bởi đã mấy lần đạp trúng những hòn đá trứng ngỗng phủ đầy rêu trơn trượt.
Hoa dại toả ra một mùi hương nhẹ nhàng dễ chịu, sương buông nặng rủ trên từng hàng cây, rơi xuống tựa cơn mưa phùn đầu xuân. Với những người đã quen với miền núi thẳm thì rừng đêm vẫn ngập tràn cạm bẫy. Âm thanh của từng toán lính lục tìm kẻ đào thoát vẫn vang lên bốn bề. Sạ đưa tay che ngang môi, ra hiệu cho vợ mình phải chú ý, Mai khẽ gật đầu. Hai người cúi thấp mình, nép sát vào những thân cây cùng những ụ mối đùn cao quá đầu người, họ chậm rãi tiến về phía cửa rừng.
Và, khi cánh rừng bị bỏ lại phía sau lưng cũng là lúc một cây gậy từ đâu xé gió quật tới, dập mạnh vào ngực Sạ khiến anh nghẹt thở. Mai thét lên một tiếng kinh hoàng khi chồng mình sụp xuống. Kẻ nọ là Viên, tên hầu thân cận của quan Lang mới, tay hắn cầm cây đuốc cháy rực toả đỏ, miệng hô lớn gọi đồng bọn tụ tập tới đây. Mọi chuyện diễn ra quá nhanh chóng, không một ai có thể dự tính trước. Sạ đau tới gập người, anh thở dốc gắng gượng đẩy vợ về phía sau lưng và che chắn cho cô, mọi thứ trước mắt chao đảo giống như tinh cầu này đã tới hồi tận thế vậy.
- Tao đã bảo hổ đực thì sẽ luôn đi tìm hổ cái mà - Viên mỉa mai, dùng đầu gậy nâng gương mặt của Sạ lên.
Sạ nghiến răng hằn học nhìn chúng, anh vẫn nắm chặt tay Mai. Đám người ấy phá lên cười. Một kẻ kéo cuộn dây bện chặt, tiến lại gần anh. Bấy giờ, Sạ đẩy vợ ra xa, gầm vang với bọn đầy tớ như cọp dữ:
- Cút!
- Đã báo danh với Mường ma rồi thì mày chạy không thoát đâu - Viên cười vang man rợ.
“Đã báo danh với Mường ma…”, Sạ thoáng chần chừ, nét mặt dịu lại, anh ngơ ngác nhìn Mai, cô cả sợ lắc đầu quầy quậy. Viên cười nanh ác, không còn kịp nữa rồi.
Âm thanh nào trầm đục nảy bung trong không gian, gậy lại quật vào người Sạ khiến anh chao đảo, cổ họng tanh tưởi những máu. Mai như phát điên, cô nhặt hòn đá lớn dưới đất và nhảy vào nện mạnh nó xuống đầu của Viên. Song sức lực của một người phụ nữ thì làm sao mà chống lại được với chúng đây? Đã mấy lần Mai bị đẩy ngã dúi dụi. Nom sợi thừng cuốn chặt vào tay chồng, cô trừng mắt nhào ra nắm lấy mái tóc anh. Sạ bị kéo lê đi như một hình phạt, và cô cũng vậy. Tên cầm đầu quan sát việc đang diễn ra đây như một điều đáng cười nhất trên đời, hắn bèn nhắc đồng bọn tách Mai ra. Nhưng chúng càng thô bạo, cô lại càng kéo chặt lấy chồng không buông. Da đầu Sạ rát buốt, một mảng tóc của anh đã bị Mai giật đứt.
Trời sắp sáng, Viên cũng không còn sức lực để chơi đùa, hắn tặc lưỡi trông vòm không, rút con dao lớn mang theo bên mình ra, và vung tay chém xuống. Máu bắn vọt lên, hoạ ra trên nền đất một bức tranh tuyệt đẹp. Mai đột ngột thừ người, mắt cô lộn trắng lên. Sạ phát cuồng, anh giãy mình để thoát ra, hiềm nỗi thêm một quật tới từ cây gậy lim bồi thêm vào các vết thương tai ác, anh thấy trước mặt tối sầm và gục xuống, ý thức dường như rời bỏ khỏi thân xác.
Tiếng mo văng vẳng tự đâu dận những tiếng đều đều như nhịp chân của đoàn âm binh xiên nghiêng theo không khí, xoáy vào tai mọi người. Con ma cụt đầu ngồi trên cành cây, lặng lẽ lãm thị vật tế. Tất thảy đều rùng mình, lồng ngực như muốn vỡ tung, họ sợ nắng sớm tinh sương, họ không mong chờ trời sáng, họ mong có một sức mạnh kỳ diệu nào đó bắn vỡ mặt trời để ngày mai vĩnh viễn không bao giờ đến. Thế nhưng, tiếng gà trống kéo dài vẫn vang vọng khắp núi rừng, không chỉ riêng nó, mà tiếng của các loài thú vật khác cũng thay nhau xướng hoạ, vui mừng mà không hề biết tới cái ác đang phơi bày trước cái ngái ngủ có vẻ uể oải của ông xanh.
Ngày thứ mười hai, Sạ nằm thu mình, cô độc, mảng da đầu vẫn rát buốt mỗi khi chạm vào. 
Một người trong nhóm của anh chợt phá lên cười khanh khách, rồi có kẻ chợt quỳ xuống khóc rưng rức, kẻ giật tóc bứt tai, kẻ tự bóc những mảng da khô mới se lại làm cho vết thương cũ bật máu.
Sau một đêm nghỉ ngơi, hiệp thợ giỏi nhất nước lại tản ra, tiếp tục công việc của mình, cả khu mộ lại trở thành một công trường: ồn ào và hỗn độn như thời thái cổ. Bảy người đàn ông gườm gườm nhìn họ như cả một đám người vô ơn đang ăn thịt đồng loại của mình để sống. Hiệp thợ ấy cảm thấy sau gáy nhức buốt như bị ong châm. Tới nửa đêm, mọi thứ vẫn hoạt động giống như một guồng máy không biết mệt mỏi. Sạ thở dài, tựa đầu vào thanh sắt. Mọi người lại ngủ, đến sáng.
Ngày thứ mười ba, khi tiếng ồn đã lùi vào một khoảng thời không và để lại sự yên ắng đến lạ kỳ thì chợt một tiếng “két” dài vang lên, cổng các cũi sắt khai mở. Thời khắc của họ đã đến, thảy bị toán lính áp giải ra ngoài.
Các đồng nam, trinh nữ  bị trói tay, xâu lại thành một đoàn. Sạ và sáu người còn lại bị đẩy quỳ phục xuống đất. Anh đưa mắt nhìn chiếc quan tài đen bóng, cũng nhìn thấy nền đất xây huyệt đã đắp kín với kẻ thế thân ngẫu nhiên có cái vinh hạnh chôn trong vùng đất nhà Lang, các cây cột đá khổng lồ mới gọt đẽo đang được dòng dây kéo lên, găm sâu vào lòng đất, mở ra một cánh cổng vô hình sẵn sàng kéo kẻ xâm phạm sang thế giới bên kia. Khi chiếc búa trên tay người đồ tể nâng cao cũng đúng lúc ánh mặt trời chợt bầm đi như khuôn mặt người bị xuống màu vì rượu bữa.
Người đàn ông quỳ kế sát bên anh là một người lạ, có lẽ tới từ mường khác, kẻ ấy nom anh, chợt cười như mếu:
- Nếu tính đúng ra thì hôm nay vợ tao sinh mày ạ, thầy cúng nói là con trai đấy. Hôm đi tao đã bảo mẹ nó: nếu nó hư đốn thì có ra ma tao cũng về vật chết.
- Mừng anh - Sạ cũng cười, lại nhớ về Mai, cũng nghĩ tới những đứa con chưa có cơ hội chào đời. Cả đứa con trai mà anh từng bảo với Mai, rằng nó sẽ là thằng trai khoẻ mạnh, tài giỏi nhất bản…
Mọi người đột ngột im lặng, cả tên hành nghề chém đầu người cũng vậy.
Chiếc búa nện mạnh vào đầu của vật hiến tế, người cha nhoẻn miệng cười lần cuối cùng với đứa bé mới cất tiếng khóc chào đời ở nhà, cơ thể sừng sững chắc rắn như một ngọn núi đổ xuống đánh rầm. Máu nóng ào ạt tuôn chảy, máu thấm xuống lòng đất, máu tưới vào các mầm giống ẩn mình chờ ngày vươn ra với ánh sáng. Sạ dường như không biết bên cạnh mình đã xảy ra chuyện gì nữa. Cái chết. Chấp nhận cái chết. Những kẻ như anh đã câm lặng, chỉ có tiếng búa, tiếng óc sọ nhoen nhoét là thành thực. Lại thêm một lần tiếng rít gió gai người rên dài, Sạ đón nhận cơn đau như điều hiển nhiên.
Thầy mo mặc áo lễ, nhảy vòng quanh và liên tục thoi tay lên trời, miệng lẩm bẩm những gì không rõ rồi cất những tiếng:
“Hu…ô…”
“Đã báo danh với Mường ma thì chạy đâu cho thoát?”, Sạ co giật, người run bần bật, hai mắt trợn ngược trắng dã. Tay anh cào sâu xuống lòng đất tươm toét huyết đỏ, máu trên đầu tràn vào mảng da hói, chân anh giãy mạnh một cái. Sạ cảm thấy sự sống đang rời khỏi bản thân, linh hồn thoát ra nhẹ như một lớp sương mỏng.
Trên đầu, mặt trời chuyển sang tím bầm, thứ huyết đọng phá ra trong lòng thái dương rồi rỏ dầm dề nơi huyệt mộ, dường muốn dùng sức mạnh của thánh thần để làm tái sinh kẻ đã chết. Thầy mo quỳ xuống vái lia, vái lịa.
Máu của bảy người đàn ông hoà lẫn ngọt sắc, tanh tưởi, xác của họ được đưa vào trong các quan tài và bị đoàn nô lệ - gồm năm mươi trinh nữ để trần thân trên cúi đầu lặng lẽ dẫn đường rồi tới năm mươi đồng nam cũng câm lặng như vậy – kéo đi. Cả cuộc đời bị nhồi nhét những ý niệm về cái chết; cả cuộc đời phải nhớ mình là nô lệ, sinh ra để phục vụ chủ nhân, họ không có quyền phản kháng, không có quyền nghe hay nói chuyện. Họ đã gặp may, thậm chí rất may mắn.
Bên kia, nơi đầu bản, Mai bần thần ngước trông bầu trời tối sầm, bàn tay lành lặn nắm chặt nắm tóc của chồng mình, cô nhoẻn miệng cười, trừng mắt, lao đầu vào tảng đá lộ giới. Hoa tàn rồi…
Sạ chợt thấy lồng ngực như có kim châm.
Sau lưng, những bia đá đang được các người hầu dựng lên, ấy là hơn một trăm trai đinh khoẻ mạnh do Lang nuôi dưỡng, khuôn mặt cùng cả trái tim đều lạnh như sương muối mỗi khi cơn rét ác buốt tuồn về. Lũ voi và trâu lớn không ngừng rít gầm như bị thiêu sống, tôn lên bài cúng dâng cho thần linh cũng như linh hồn người chết.
Lang nằm trong quan tài lim, hai tay chắp trước ngực, quanh ông, lớp vải liệm tẩm hương liệu và muôn tía nghìn vàng toả hơi lạnh lẽo, hàng trăm chuỗi ngọc tròn trượt quanh cổ khi bước chân của kẻ khiêng quan trót chần chừ do gặp tảng đá lớn ngáng đường. Trên nắp quan tài có lẽ đã khắc muôn vàn chiến công trải mấy đời từ Lê tới Nguyễn, ấy là vinh quang của cả dòng họ, gia tộc. Ngoài ra, cuộc đời lớn từ khi sinh ra cho tới khi mất đi của quan đều lưu lại trên bia đá, nghìn năm sau vĩnh viễn chẳng mòn, đủ để chứng minh cho nhân thế thấy rằng lịch sử vốn công bằng, không bao giờ khoan nhượng với bất kỳ ai.
Các cột đá xoay vòng theo tiếng thầy mo, mở ra một thế giới khác, dẫn dắt bọn họ tiến vào. Tiếng gió rít quần quật như bão táp, cất cao khúc ca mộ đá. Thời gian bị xé toạc làm đôi, một nhóm binh mã kéo qua chỗ người đưa tang, trên lưng ngựa, vị tướng quân liếc nhìn ông lão nằm trong quan tài rồi lại ngạo nghễ nom đoàn nô lệ.
Lạnh quá. Sạ khe khẽ nấc khi ngón tay trỏ của vị tướng quân nọ ấn vào trán mình, anh thấy toàn thân lơ lửng vô định.
- “Trời đất vô đạo, coi vạn vật như chó rơm” - Vị tướng người kinh thành ấy cười hào sảng rồi cùng với đoàn âm binh mất hút nơi bìa rừng.
Đoàn nô lệ vẫn cứ đi. Hình bóng của họ lắc lư, lắc lư, không ai biết mình còn sống hay đã chết, thực ra lúc này thì việc ấy có quan trọng hay chăng? Thân thể Sạ bị kéo đi nghe sàn sạt, hẳn đã bị rách toác và rớm máu ở nhiều nơi. Anh không hay rõ. Linh hồn anh đang phỏng đoán. Phía trước Sạ, huyệt mộ được đắp thành quả đồi lớn mà bên trong xây đắp cẩn thận, linh cữu đương được đưa vào cùng đoàn voi, vật hiến tế. Người chết đã đánh lừa nhân thế bằng ma trận đá là cổng ranh giới giữa dương thế - cõi âm. Rồi, một quả cầu ánh sáng quật mạnh, khiến cho mắt của mọi người đau rát tới muốn vỡ tung, quả cầu ấy nổ vang và tràn ra, trùm lên vạn vật…
“Nơi bố nhà người,
Trăm số, đủ phần,
Không cho người chết suông, đi không” [1]
Chết suông, đi không.
Trải mấy trăm năm bãi bể nương dâu, những đoàn trộm mộ bắt đầu tìm tới nơi này, họ đã biến mất, chỉ để lại ngựa thồ, dao, cuốc. Trải mấy trăm năm bãi bể nương dâu, nơi đây có các cuộc khai quật lớn, một số cột đá bị quật ngã, cánh cổng âm dương cũng cứ vậy mà khép lại, khu lăng mộ chỉ còn lại là một cái xác câm lặng, vĩnh viễn không đồng ý đối thoại với hậu thế một lần nữa…
Chú thích: Trích bài “Mo dâng cúng dâng cơm” do Bùi Huy Vọng sưu tầm và dịch.
Phạm Thị Thúy Quỳnh
Theo http://vannghetre.net/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  NSND Lê Huy Quang: Phải biết thua người khác! 24 Tháng Tám, 2023 Thiết kế mỹ thuật sân khấu có vai trò quan trọng góp phần làm nên thà...