Thứ Hai, 17 tháng 10, 2016

Vị trí âm nhạc trong cuộc sống

Vị trí âm nhạc trong cuộc sống 
Âm nhạc là hiện tượng cổ xưa và phổ biến trong đời sống con người. Những vết tích của âm nhạc đã được khoa khảo cổ tìm thấy trong mọi thời đại, mọi dân tộc khác nhau trên thế giới. Mặc dù lịch sử không thể xác định một niên kỷ nào âm nhạc đã khai sinh, cũng không thể minh định được âm nhạc bắt nguồn từ đâu và quá trình hình thành như thế nào; nhưng chắc chắn âm nhạc đã có cùng với sự xuất hiện của con người, ít nhất là âm nhạc có lời ca. Theo V. Va-xi-na Grô-xman, âm nhạc có lời ca (thanh nhạc) là loại hình lâu đời nhất của nghệ thuật âm nhạc. Nó cùng tuổi với tiếng nói của loài người. Những hình thức đầu tiên, đơn giản nhất của thanh nhạc, đã ra đời giữa buổi bình minh của xã hội loài người, khi con người bắt đầu biết dùng ngôn ngữ làm phương diện giao tiếp. Âm nhạc gắn liền mọi giai đoạn, mọi sinh hoạt của đời người, của tập thể. Nhờ những dấu ấn của âm nhạc để lại, người ta có thể biết được từng thời kỳ lịch sử nhất định của xã hội, và người ta nhận ra âm nhạc có mặt trong mọi lãnh vực của cuộc sống. Do giới hạn của đề tài, chúng ta sẽ tìm hiểu vị trí âm nhạc trong cuộc sống nói chung và trong Kitô giáo nói riêng.
ÂM NHẠC TRONG CUỘC SỐNG
Như trên đã nói âm nhạc tồn tại ở mọi thời đại và trong đời sống của hết thảy các dân tộc. Nó ra đời từ thời cổ đại xa xưa, là một nhu cầu không thể thiếu được của mọi người trong sinh hoạt, và giao tiếp. Từ những thời kỳ tiền sử, âm nhạc đã gắn liền mật thiết với hoạt động thực tiễn và nhu cầu vật chất của con người, cũng như những nhu cầu khác. Săn bắn hiệu quả nhờ bắt chước tài tình tiếng chim hót, dùng tù và để gọi nai, dần dần con người đã biết dùng nhạc cụ và tiếng người để phản ánh những âm thanh sinh động của thiên nhiên.
Vũ Ngọc Phan cho rằng âm nhạc xuất hiện cùng thời với thần thoại và truyền thuyết. Ông đã trưng ra nhận định của Lỗ Tấn, khi đẩy một vật gì nặng, một người hò lên mấy tiếng "Dô ta" nhịp nhàng, thì đó cũng là sáng tác, và nếu tất cả mọi người khác cùng hò: "Dô ta" thì đó là một cách "xuất bản". Như vậy ca hát (loại hình âm nhạc) có rất sớm, nó xuất hiện từ thời cổ sơ và hình thức thô sơ của nó đã được sửa đổi qua các thế hệ của loài người.
Âm nhạc đã gắn liền mọi khoảnh khắc, mọi giai đoạn của đời người, từ lúc chào đời đến khi giã từ cuộc sống. Đó là những khúc hát ru thuở ban đầu; những bài đồng dao khi khôn lớn, những bài hát vui, dí dỏm trong các trò chơi trẻ thơ; những bài hát giao duyên, tỏ tình khi trưởng thành2; những bài ca sinh hoạt; những bài nhạc hiệu xuất trận; những bài hát trong lao động học tập và những khúc hát tiễn đưa con người trở về với cát bụi…
Âm nhạc là hiện tượng không thể thiếu trong đời sống cộng thể, từ xóm thôn đến làng xã. Từ xa xưa, khi biết lao động con người thường hợp sức nhau lại để cùng nhau xây dựng nhà cửa, bảo vệ bộ tộc và phát triển đời sống. Để giúp nhau đạt hiệu quả trong đời sống lao động vui chơi giải trí, những câu hò điệu hát phát sinh với ý nghĩa giáo dục tinh thần tập thể tương trợ, gắn bó với nhau, khích lệ nhau vượt qua những khó khăn. Để gây tình đoàn kết, tiếng đàn tiếng hát còn vang dội trong những ngày hội gia đình, những ngày lễ tết chung của dân tộc.
Âm nhạc là một trong những hình thái của con người và xã hội. Cũng như những loại hình nghệ thuật khác: hội họa sử dụng đường nét, hình khối, màu sắc; văn thơ bằng sức mạnh của ngôn từ; âm nhạc thông qua những âm thanh đặc trưng nói lên tất cả những gì mà trong cuộc sống con người đã trải qua. Đó là niềm vui sướng và nỗi khổ đau, những khát vọng, những ước mơ về hạnh phúc, những nỗi trăn trở, những tâm tư thầm kín… Âm nhạc có khả năng biểu hiện những khía cạnh khác nhau của cuộc sống, có thể tạo cho con người những cảm xúc mãnh liệt, những sắc thái tình cảm tinh tế nhiều màu sắc, xốn xang u hoài,… đưa con người từ một tâm trạng này sang một tâm trạng khác.
Âm nhạc đối với người xưa đã vậy, còn trong thời đại chúng ta đang sống, tâm hồn chúng ta phong phú gấp bội thì nhu cầu âm nhạc lại lớn lao biết bao nhiêu. "Âm nhạc mọi nơi mọi lúc": từ trong nhà ra ngoài ngõ, từ khu phố đến thành thị, đâu đâu cũng có thể nghe được những giai điệu vang lên. Âm nhạc là hơi thở của cuộc sống, cần thiết cho cuộc sống như không khí cần cho sự sống của mỗi người. Chính vì nhu cầu lớn lao này mà chỗ nào, lúc nào âm nhạc cũng có mặt.
Âm nhạc có mặt trên hầu hết các phương tiện truyền thông đại chúng:
Truyền hình, truyền thanh đã dành cho các chương trình âm nhạc một thời lượng phát sóng dồi dào; chưa kể đến nhạc hiệu, nhạc chuyển tiếp giữa các chuyên mục, hoặc nhạc giới thiệu cho một chuyên mục (nhiều người theo dõi thường xuyên có thể nhận biết chuyên mục gì nhờ âm nhạc được phát lúc đầu).
Báo chí phát hành mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng v..v… đều có những chuyên mục về âm nhạc nơi các trang thư: Lá thư nhạc trẻ, Ca khúc trong tuần, Hộp thư người yêu nhạc, "Top Ten Làn Sóng Xanh… (Báo Thanh Niên); Thế giới trẻ: Bộ sưu tập giọng hát hay, góc "cảm nhận âm nhạc" (Thế Giới Mới); Thông tin âm nhạc, Trò chuyện âm nhạc (Tuổi trẻ Chủ nhật); Món quà âm nhạc bất ngờ (Phụ nữ Chủ nhật) v.v…
Những cuộc thi âm nhạc nở rộ: Tiếng hát truyền hình, tiếng hát truyền thanh, Hội thi giọng hát hay, văn nghệ quần chúng v..v… Nhưng sôi nổi hơn cả là thị trường âm nhạc. Âm nhạc là món hàng, là quà tặng, là phương thế quảng cáo tiếp thị. Âm nhạc được phổ biến qua băng đĩa (cassette, tape compact disque) qua các tuyển tập; được trình bày trong các tụ điểm và sân khấu ca nhạc, trong quảng cáo… Âm nhạc mang tính kinh tế, giải trí và thưởng thức, và mang tính thể thao nữa. Nói chung trong bất cứ lĩnh vực nào âm nhạc luôn giữ một vị trí cần thiết và ảnh hưởng của nó trong cuộc sống thật là lớn lao.
Tính giáo dục của âm nhạc có ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của con người, nhất là mặt tâm tư tình cảm. Khi dỗ con ngủ, tiếng hát ru của mẹ (của chị) như ngọt ngào trò chuyện, tâm tình, dạy bảo, gieo vào lòng trẻ thơ những hình ảnh thần tiên kỳ diệu, những ước mơ trong sáng và cao đẹp, vun đắp tình người, tình mẹ con và tình gia đình.
Âm nhạc giúp con người, nhất là thời thơ ấu đang phát triển, lớn lên về mọi mặt: văn, thể, mỹ, đức, trí… Các nghiên cứu khoa học cho hay âm nhạc có tác dụng giúp trẻ em thông minh hơn. Đây là kết luận rút ra từ cuộc nghiên cứu do Bộ Giáo Dục Mỹ thực hiện trong 10 năm, với khoảng 25.000 trẻ em. Cuộc nghiên cứu cho thấy các môn nghệ thuật, nhất là âm nhạc, đã giúp các em có những tiến bộ rõ rệt trong các môn toán, lịch sử, địa lý… Âm nhạc làm phát sinh những tình cảm rất đặc biệt. Nó có thể làm cho ta uốn éo thân hình theo điệu nhạc hay lắc lư cái đầu theo mỗi dòng cảm xúc. Nghiên cứu mới nhất của Anne Blood và các đồng nghiệp ở Viện thần kinh trường Đại học Mc Gill (Montréal - Canada) khám phá ra rằng, những vùng trong não chịu sự tác động của âm nhạc rất khác so với quá trình cảm xúc và nhận thức đã biết. Họ xác nhận sở thích âm nhạc cũng có chỗ đứng trong não, bằng kỹ thuật chụp ảnh, người ta ghi nhận những vùng chịu sự tác động của âm nhạc nằm phần lớn ở bán cầu não phải, phần giầu cảm xúc nhất và chiếm một vị trí riêng biệt trong vùng dành cho sự thể hiện các cảm xúc.
Trước công nguyên hơn 500 năm, Khổng Tử đã nắm được tính chất và công dụng của âm nhạc. Theo ông "Âm chi sở do sanh dã kỳ bổn tại nhân tâm" (Âm nhạc từ lòng người mà ra. Khi lòng buồn, vui, giận, kính, thương, thì tiếng nhạc tùy nơi lòng mà thành tâm) "Tình động ư trung, cố hình ư thanh". Theo Khổng Tử, âm nhạc cốt đem đến cái HÒA "nhạc dĩ hòa ký thanh" cũng có tính chất Trung Dung nên ngài mới nói tiếng nhạc tốt phải "Ai nhi bất thương, lạc di bất dâm. (Buồn mà không làm cho quá bi lụy. Vui mà không đến sỗ sàng thất lễ). Bàn về nhạc, Khổng Tử thường nhắc đến chữ HÒA, "Nhạc giả thiên địa chi hòa dã" (Âm nhạc là sự hòa hợp giữa trời đất). "Lễ tiết nhân tâm, nhạc hòa dân tâm" (Lễ làm cho lòng dân có trật tự. Nhạc làm cho lòng dân có hòa khí). Theo ngài, âm nhạc có thể thay đổi phong tục, có ẩn nghĩa là từ cái xấu chuyển thành cái tốt: "Nhạc khả dĩ di phong dịch tục". Nhạc giả dã: Thánh nhân chi lạc dã, khả dĩ thiện dân (Nhạc là niềm vui của thánh nhân và có thể khiến cho dân hiền lành hơn). Nhạc phải là tinh hoa của đạo đức "Đức giả tánh chi đoan dã. Nhạc giả đức chi hoa dã". Một công dụng nữa của âm nhạc: âm nhạc phản ảnh xã hội và là một yếu tố quan trọng trong việc trị dân. Xã hội có trật tự, tiếng nhạc vui vẻ, ôn hòa. Xã hội vô trật tự tiếng nhạc phẫn nộ và oán hờn. (Sẽ bàn rõ hơn khi đề cập đến tác dụng chính trị của âm nhạc). Khổng Tử kết luận, ai biết được bí quyết của âm nhạc tức là biết cái bí quyết làm giao động lòng người tức là biết bí quyết dẫn dắt con người. Ai biết được bí quyết dẫn dắt con người là biết được bí quyết cai trị con người. (Nhạc là bí quyết tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ). Thấu đạt tính chất và công dụng của âm nhạc, nên Khổng Tử rất quan tâm đến việc giáo dục âm nhạc. Từ cấp tiểu học cho đến trường lớn Lễ, Nhạc là hai môn rất quan trọng.
Như vậy ngoài công dụng giáo dục, âm nhạc cũng còn là một lợi khí chính trị. Âm nhạc có khả năng rèn luyện tư tưởng và thức tỉnh nhanh chóng quần chúng hăng say chiến đấu cho một lý tưởng. Một chủ trương một chế độ, quyết sả thân để giành lấy toàn thắng. Âm nhạc tượng trưng cho chí khí, cho tinh thần một dân tộc. Bài quốc ca, quốc thiều của mỗi nước, biểu thị "hồn nước" hay ít ra nhắc nhở một giai đoạn, một biến cố lịch sử quan trọng của quốc gia. Như bài "Marseillaise" của Pháp ra đời cuối thể kỷ 18; bài "Tiến quân ca" của Việt Nam, ra đời trước năm 1945; bài "Quốc tế ca" mà tác giả của nó là Ơ-gien Pôchiê "một trong những người tuyên truyền bài hát vĩ đại nhất"
Những bài ca, điệu nhạc của một giai đoạn lịch sử, được nhiều người biết đến thường gắn liền với một giai đoạn với cảm xúc, xu hướng đặc thù. Như ở Việt Nam các bài ca trong hai cuộc kháng chiến cứu nước và bây giờ, xây dựng đất nước.
Lịch sử cho hay rằng trong quá trình phát triển âm nhạc, tôn giáo cũng góp phần đáng kể, nhưng trước âm nhạc đã được sử dụng trong tôn giáo, qua các ghi lễ của tôn giáo. Chính Đức Piô XII quả quyết: "Không ai ngạc nhiên khi thấy nghệ thuật âm nhạc nổi bật trong những tài liệu cổ xưa và hiện đại, luôn được sử dụng khắp nơi, để tăng thêm vẻ huy hoàng mỹ lệ cho các nghi lễ, kể cả lễ nghi tôn giáo. Ngay cả các dân tộc ngoài Công giáo… từ đầu người ta đã sử dụng nghệ thuật đó" . Vì vậy, không có tôn giáo nào không sử dụng âm nhạc trong các lễ nghi tế tự.
Theo giáo sư Trần Văn Khê, ngay tại Việt Nam âm nhạc cũng là yếu tố không thể thiếu trong nghi lễ Phật Giáo và Cao Đài giáo. Ngoài ngi lễ Phật giáo còn có những ca khúc vang lên dưới các mái chùa, với dòng nhạc từ bi, nhằm dần dần hình thành nền tảng âm nhạc Phật giáo đầy tính nhân bản, có ý nghĩa giáo dục và đạo đức nhân sinh. Martin Luther đã đưa vào Phụng vụ Tin Lành những bài Choral và coi là một thành phần cốt yếu.
Riêng với Thiên Chúa giáo việc dùng âm nhạc trong lễ nghi Phụng vụ - sẽ được trình bày ngay sau phần này - đã có từ rất xa xưa, ngay thời Cựu Ước, nó bắt nguồn từ chính ý muốn của Thiên Chúa và được hoàn thiện qua không gian và thời gian, dưới sự hướng dẫn của Giáo Hội.
Nguyễn Duy
 Theo http://www.catruong.com/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Thơ Trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm 31 Tháng Bảy, 2023 Đặt vấn đề thơ Trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tô...