Thứ Năm, 14 tháng 9, 2017

Nửa đêm trăng xuống, đứng chờ

“Nửa đêm trăng xuống, đứng chờ…”
Các nhà phê bình văn học thường cho rằng mãi đến đầu thế kỷ 20, khi thơ văn phương tây, nhất là văn học Pháp truyền bá sang nước ta thì văn học ta mới chịu ảnh hưởng và xuất hiện những thi nhân, văn nhân lãng mạn. Nói thế có đúng chăng?
Chẳng hạn những nhà thơ lãng mạn tiền chiến như Xuân Diệu khi viết “Là thi sĩ nghĩa là ru với gió, mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” hay Hàn Mặc Tử khi viết “Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu, đợi gió ru mình để lả lơi,” hay “Chơi Giữa Mùa Trăng” (1) hoặc “Ta nằm trong vũng đêm trăng ấy, Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra.” là chịu ảnh hưởng thi ca Pháp đó chăng?!
Cả Xuân Diệu và Hàn Mặc Tử, ai cũng đem trăng vào thơ, người trước thì đem cái định nghĩa “Mơ theo trăng” để xác nhận như thế mới là thi sĩ; người sau thì ví trăng như một cô gái lẳng lơ và viết cả một tập văn xuôi về trăng và xem trăng như một môi trường, một thế giới mà ông ta muốn nằm trong ấy, dù không nhảy xuống sông để ôm trăng mà chết như Lý Bạch thì cũng “mửa máu ra” vì đời vậy.
Như vậy, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử hoặc ai nữa có mê trăng, yêu trăng, mơ trăng… thì họ là người chịu ảnh hưởng thi ca lãng mạn Pháp hay sao?!
Không phải thế. Trong thơ Ðường – mà thi ca của ta chịu ảnh hưởng khá đậm - và cả thơ của ta nữa, có biết bao nhiêu là cảnh mơ trăng, yêu trăng, mê trăng như chuyện Lý Bạch nhảy xuống sông ôm trăng mà chết như nói ở trên.
Có người cho rằng những câu thơ sau đây, đặc biệt hay và đặc biệt triết lý về nhân thế một cách lãng mạn. Nói như thế có nghĩa là người xưa lãng mạn từ lâu lắm và cái lãng mạn đó không kém gì Tây Phương. Hãy thử đọc “Xuân Giang Hoa Nguyệt Dạ” của Trương Nhược Hư:
Giang bạn hà nhân sơ kiến nguyệt
Giang nguyệt hà niên sơ chiếu nhân
Nhân sinh đại đại vô cùng dĩ
Giang nguyệt niên niên vọng tương tự
Bất tri giang nguyệt chiếu hà nhân
Ðãn kiến trường giang tống lưu thủy
Dịch nghĩa:
Người trước tiên thấy trăng ở trên sông là ai?
Năm nào trăng soi người đầu tiên?
Người đời sinh hóa đến kiếp nào cùng tận,
trong khi mỗi năm trăng vẫn soi như thế hoài.
Nào biết trăng soi vào ai trong khi nước ở
dòng sông vẫn trôi chảy mãi.
Trần Trọng Kim dịch là:
Trăng sông thấy trước là ai,
Ðầu tiên trăng mới soi người năm nao
Người sinh hóa kiếp nào cùng tận
Năm lại năm trăng vẫn thế hoài
Trăng sông nào biết soi ai
Dưới sông chỉ thấy nước trôi giữa dòng
Đúng như tên nhà thơ là “Hư”. Toàn bài thơ như hư như thực.
Ngắm trăng, yêu trăng là một hành động lãng mạn. Vậy mà còn hỏi “Người thấy trăng trước nhất là ai?”, “Ai là người được trong soi đầu tiên?” Hỏi như thế thì khác chi hỏi con người đầu tiên của nhân loại xuất hiện trên địa cầu là ai? Đó là hỏi về nguyên thủy, rồi còn thắc mắc nghĩ tới mai sau: “Đời người sinh hóa đến kiếp nào cùng tận?” Trương Nhược Hư còn hỏi: “Mỗi năm trăng vẫn soi như thế hoài!” và “Sông vẫn trôi như thế hoài?” Tác giả thực hiện một sự so sánh: Trăng, sông mãi mãi vẫn còn đó, có nghĩa là vô hạn, vô thủy, vô chung; còn đời người, không phải chỉ một người, dù toàn thể nhân loại đi nữa, cũng hữu hạn, có thủy có chung, có người đầu tiên, có người sau cùng.
Biết thế mà còn hỏi chi nữa?!
Nói rộng ra một chút, quan điểm nầy của Trương Nhược Hư, có trái ngược với Trần Tử Ngang không nhỉ, khi chúng ta đọc bài thơ sau đây:
Đăng U Châu đài ca
Tiền bất kiến cổ nhân,
Hậu bất tri lai giả.
Niệm thiên địa chi du du,
Ðộc sảng nhiên nhi lệ hạ.
Dịch nghĩa
(Bài ca khi lên đài U-Châu)
Phía trước không thấy người xưa
Phía sau không biết ai đến
Ta nghĩ rằng trời đất rộng lớn mênh mông
Riêng ta đau lòng rơi lệ.
Ngọc Nhĩ dịch:
Nhìn phía trước không còn tiền bối
Ngó đàng sau chẳng thấy hậu sinh
Ngẫm tình trời đất u minh
Đau lòng rơi lệ một mình ta đây! (2)
So với văn chương Tây phương thì thơ Tàu và thơ ta có nhiều trăng hơn. Hầu như thi sĩ nào cũng có nói tới trăng. Thơ Hàn Mặc Tử toàn trăng và trăng. Vua Ðường Minh Hoàng lại còn bày đặt chuyện “du nguyệt điện” rồi soạn ra khúc hát “Nghê Thường”. Trăng vui tươi, trăng tròn trịa, trăng đẹp đẽ, “Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần”… (Xuân Diệu). Thậm chí, người ta còn dùng trăng để đặt tên: Nga, Hằng Nga, Nguyệt Nga, Kiều Nga, Kiều Nguyệt Nga, Tố Nga (“Ðầu lòng hai ả tố nga, Thúy Kiều là chị em là Thúy Vân” – Truyện Kiều)… và để tả sắc đẹp “Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang” (Truyện Kiều), “đẹp như Hằng Nga giáng thế” (tục ngữ) và để tính tuổi: “Tuổi chừng đôi tám = 8×2 =16 tuổi = tuổi trăng tròn. “Xuân xanh chừng độ trăng tròn lẻ” (Thị Lộ trả lời Nguyễn Trãi) tức là mười sáu tuổi còn lẻ, tức 17 tuổi chăng?… Hai câu thơ sau đây được xem là một những câu thơ hay nhất trong thi ca:
Em mười sáu tuổi, trăng mười sáu,
Mười sáu trăng tròn, em biết không?!
(Vũ Hoàng Chương)
Em mười sáu tuổi giống như trăng mười sáu. Trăng rằm (ngày 15) chưa tròn lắm, phải trăng mười sáu mới thật là tròn. Tuổi xuân con gái, sắc đẹp con gái, tuổi dậy thì phát triển cao nhất vào lúc 16 tuổi. Khi em mười sáu tuổi, em đẹp vô cùng! Em có biết là em đẹp lắm không hay vì em còn ngây thơ mà em không biết là em đẹp lắm? Người con gái đẹp ở chỗ là khi họ đẹp mà không biết mình đẹp. Khi họ biết họ đẹp thì họ thường làm bộ, làm dáng, làm điệu, làm cao… thành ra mất đẹp, bớt đẹp. Ðẹp mà còn thơ ngây là cái đẹp hoàn toàn. Thành ra câu thơ sau “Mười sáu trăng tròn em biết không?” là câu hỏi mà không hỏi. Đó là cái hay vô cùng của câu thơ!
Mỗi người thích trăng vào những thời điểm khác nhau. Trẻ em thích trăng rằm, đi dạo, múa đèn, múa lân và ăn bánh kẹo vào Tết Trung Thu.
Ở nhà quê, mùa hạ nóng thì thích nằm giữa sân mà ngắm trăng. “Ngày chưa tắt hẳn, trăng đã lên rồi. Mặt trăng tròn, to và đỏ, từ từ lên ở chân trời, sau rặng tre đen của làng xa. Mấy sợi mây còn vắt ngang qua, mỗi lúc mỗi mảnh dần rồi đứt hẳn”.
(Thạch Lam- Gió Ðầu Mùa)
Nhà thơ ít khi thích cái đẹp thực tế như thế. Trăng thì trăng, nhưng trăng phải có cái gì đó, đượm vẻ cô đơn, lạnh lẽo, huyền diệu… thì mới hay hơn.
Trăng lạnh càng thêm nguyệt tỏ ngời,
Ðàn ghê như nước lạnh trời ơi!
Long lanh tiếng sỏi vang vang hận,
Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người.
Nguyệt Cầm - Xuân Diệu
Dù là thơ mới, Xuân Diệu (XD) vẫn dùng điển tích như thường thấy trong thơ cổ. Ở câu đầu, ý Xuân Diệu nói trời càng lạnh thì trăng càng sáng. Cái sáng và cái lạnh đi với nhau. Theo kinh nghiệm ở nhà quê, càng về khuya trăng càng sáng mà càng khuya thì trời càng lạnh hơn vì hơi nóng tích tụ ban ngày đã loãng bớt và có sương bay lên. Ánh trăng phản chiếu vào hơi sương nên càng sáng thêm.
“Ðàn ghê như buớc lạnh…”
Tiếng đàn này ở đâu ra?
Ðó là khúc “Nghê Thường” mà Ðường Minh Hoàng đã nghe trên nguyệt điện hay là tiếng đàn người ta thường đánh vào những đêm trăng như “Hời đến ngồi bên gốc cây cau để được rộng chỗ kê đàn, không vướng ai. Chàng ngồi thẳng, đạt chớm một bàn chân lên mặt đàn và một vế đùi ngã xuôi theo thành đàn. Chàng dạo thử mấy tiếng: Tích tang tang tình tinh tàng…” (Quê Người - Tô Hoài).
Ðấy là thú chơi của người nhà quê vào những đêm trăng.
Cũng có thể đây là tiếng đàn trong thú ca Huế của các quan nhà Nguyễn thả trôi thuyền trên sông Hương khi Huế còn là kinh đô. Một chiếc thuyền, khách chơi, các kỹ nữ ca nam ai, nam bằng, vài nhạc sĩ đàn tranh, đàn bầu, v.v… trong tình cảnh nước mất nhà tan, vua bị đày, Tây đã đặt nền cai trị. Một thời bị người đời chê là:
Thương nữ bất tri vong quốc hận,
Cách giang do xướng Hậu Ðình Hoa.
(Ca nữ biết đâu hờn mất nước,
Bên sông còn hát khúc Hậu Ðình) (3)
Không hẳn thế!
Tiếng đàn trong đêm trăng lạnh chỉ có thể là tiếng đàn của người kỹ nữ trên bến Tầm Dương, một đêm nào đó, Bạch Cư Dị dừng lại đây, khi chia tay bạn mà thôi.
Tiếng đàn “ghê như nước lạnh”. Trăng lạnh, nước lạnh và đàn cũng lạnh. Lạnh vì đêm khuya, lạnh vì sương xuống. Ý của  Xuân Diệu muốn nói lạnh vì… cô đơn. Ông là nhà thơ của tuổi trẻ, của tình yêu nên rất sợ cô đơn.
Ðoán chừng ông làm bài thơ này vào cuối thời thi ca lãng mạn, tuổi trẻ của ông cũng sắp qua, ngọn lửa tình yêu nơi tim ông cũng đã nguội dần. Ông sợ cái lạnh của cô đơn. Chính ông nói: “Ta sợ lắm, giá băng tràn mọi nẻo.”
Tuy nhiên, khi nói tới nguyệt cầm hay tỳ bà, tới bến Tầm Dương thì tiếng đàn ở đây là tiếng đàn của người ca kỹ đã đàn cho Bạch nghe trong đêm Bạch tiễn bạn ở bến Tầm Dương như vừa nói ở trên:
“Mâm ngọc đâu lần nẩy hạt châu
Trong hoa oanh ríu rít nhau
Nước tuôn róc rách chảy mau xuống ghềnh”
(Tiếng đàn nghe như tiếng ngọc rơi trên mâm ngọc,
Như tiếng chim oanh gọi nhau ríu rít trong bụi hoa
Như tiếng suối róc rách chảy xuống ghềnh)
Theo Xuân Diệu, nếu “trăng nhớ (bến) Tầm Dương” thì “nhạc nhớ người” (kỹ nữ).
Bạch Cư Dị, hiệu Lạc Thiên, đậu tiến sĩ, làm quan đến chức thượng thư đời nhà Ðường. Vì lời nói thẳng, ông bị bọn nịnh thần dèm pha, bị trích ra làm chức Tư Mã ở đất Giang Châu, xa triều đình, coi như bị đày vậy. Ông viết “Tỳ Bà Hành” để bày tỏ tâm sự cô đơn của mình, giống như một kỹ nữ khi đã về già, khách làng chơi không còn lui tới.
“Tỳ Bà Hành” được Phan Huy Vịnh dịch ra tiếng nôm, mà nhiều nhà phê bình văn học cho là còn hay hơn cả bản Hán văn của Bạch Cư Dị. Tác phẩm này có ảnh hưởng lớn trong thi ca Việt Nam, cả kim lẫn cổ.
Khi bị trích ra Giang Châu, một đêm Bạch tiễn bạn ra…
“Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách,
Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu,
Người xuống ngựa khách dừng chèo,
Chén quỳnh mong cạn nhớ chiều trúc ti”
Ðang bâng khuâng, chưa rời tay thì hai người nghe tiếng đàn tỳ bà rất hay từ một chiếc thuyền trên sông vẳng lại, bèn tìm đến hỏi thăm người đàn là ai. Té ra đó là một người đàn bà đã lớn tuổi, vốn là một ca kỹ đẹp:
“Hay đàn từ thuở mười ba,
Giáo phường đệ nhất bộ đà chép tên”.
Thuở còn trẻ thì “Xôn xao ngoài cửa hiếm gì yến oanh.” (Kiều). Ðến khi:
Vành lược bạc gãy tan nhịp gõ,
Mãnh quần hồng hoan ố rượu rơi.
Năm năm lần lữa vui cười,
Mãi gió trăng chẳng đoái hoài xuân thu.
Buồn em trẩy lại lo dì thác,
Lần hôm mai đổi khác hình dung
Cửa ngoài xe ngựa vắng không
Về già phải kết duyên cùng khách thương.
Khách trọng lợi khinh đường ly cách,
Mãi buôn chè sớm tếch ngàn khơi,
Thuyền không đổ bến mặc ai,
Quanh thuyền trăng giải nước trôi lạnh lùng.
Người chồng ham buôn bán đường xa, đi mãi không về để người đàn bà cô đơn trên chiếc thuyền lạnh trên sông lạnh, bốn bề chỉ có nước lạnh và trăng lạnh.
Cái ý lạnh của Xuân Diệu trong các câu thơ trên (“trăng lạnh càng thêm… Ðàn ghê như nước lạnh…”) có phải từ đây ra? Ðiều đó đúng vì Xuân Diệu thấy cảnh tiễn đưa trên sông:
Thuyền mấy lá đông tây lạnh ngắt,
Một vầng trăng trong vắt lòng sông.
(Tỳ Bà Hành. PHV dịch)
Ðã có trăng thì phải nhớ… Tầm Dương, nhớ đêm Bạch Cư Dị tiễn bạn ra đi, đã là nhạc thì phải nhớ kỹ nữ trên bến Tầm Dương. Ðó là một biểu tượng của thi nhạc.
Ở đoạn thơ sau đây, XD càng đi sâu vào những ý tưởng đó, trong tiếng đàn của kỹ nữ:
Trăng nhập vào đây cung nguyệt lạnh,
Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần.
Ðàn buồn, đàn lặng, ôi đàn chậm
Mỗi giọt rơi tràn như lệ ngân
Mây trắng trời trong, đêm thủy tinh,
Lung linh bóng nguyệt bỗng rung mình.
Vì nghe nương tử trong câu hát,
Ðã chết đêm rằm thu nước xanh (4)
Trăng lạnh nhập vào đàn lạnh. Mà trăng đó là biểu tượng của thương, của nhớ. Mỗi tiếng đàn là một giọt lệ của thương, của nhớ, của nuối tiếc. Ý của Xuân Diệu ở đây là ghê gớm lắm: Tiếng hát của ca kỹ và bóng trăng! Chính là Bạch Cư Dị, cũng như kỹ nữ đã khóc cho thân phận mình sau khi họ đàn hát xong:
“Lệ ai chan chứa hơn người,
Giang châu Tư Mã đượm màu áo xanh.”
Cái hay của Xuân Diệu là từ trong ý nghĩa của tiếng đàn, tiếng hát trên bến Tầm Dương, ông diễn dịch ý tứ của ông qua một cách khác, nghe tha thiết, đậm đà và… huyền ảo, không những chỉ có nước mắt mà có cả… chết. Cái lạnh trong thơ ông, lạnh đến nỗi bóng trăng cũng rùng mình. Có tiếng hát, có hình ảnh của người kỹ nữ đã chết một đêm nào “thu nước xanh” - mùa thu nước rất xanh - từ trong câu hát hiện về. Ông còn nghe cả được tiếng sỏi dưới chân người đi như tiếng uất hận của một kiếp người bị lưu đày. “Tiếng sỏi vang vang hận”.
Trong Tỳ Bà Hành và cả trong bài thơ Nguyệt Cầm của Xuân Diệu, có ba yếu tố căn bản cho thơ của họ. Đó là “trăng”, “nước” và “lạnh”. Ba thứ đó quyện vào nhau, tạo thành những ý thơ huyền ảo, mênh mông và buồn vì đời. Trong Bạch Cư Dị chỉ buồn. Trong thơ Xuân Diệu có cả buồn với hận. Bạch Cư Dị chỉ yêu tiếng đàn, không yêu người. Trong thơ Xuân Diệu, không chỉ yêu đàn mà con yêu cả người. Không được người yêu nên hận đời chăng? “Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu?” như lời than của nhà thơ.
Với Hàn Mặc Tử (HMT), ngoài cái ý buồn, nhớ, yêu thương, cô đơn như Xuân Diệu, trăng với ông có cái gì ghê rợn hơn, cả bệnh tật, máu, và chết chóc:
Ta nằm trong vũng đêm trăng ấy,
Sáng dậy điên cuồng mữa máu ra.
Trăng trẻ trung, trăng thơ ngây và huyền diệu “Chơi giữa Mùa Trăng” của ông không còn nữa. Bây giờ là lúc ông bệnh hoạn và cái chết đã gần kề.
Theo lời thuật chuyện của Quách Tấn – một bạn thơ của Hàn Mặc Tử – khi Hàn Mặc Tử không thể sống chung với gia đình được nữa, gia đình dựng cho ông một căn chòi nhỏ bên bờ biển Qui Hòa. Không ai bầu bạn với ông. Mai Ðình, cũng là một bạn thơ nữ, thỉnh thoảng ghé lại thăm. Những đêm trăng trên bãi biển Qui Hòa làm cho ông thấy lẻ loi, thấy cô đơn, ghê rợn, và ngậm ngùi vì ngoài sự chết gần kề, ông không thấy con đường giải thoát nào khác. Trăng, đối với ông là một vũng sáng, giam hãm ông trông nỗi cô đơn tột cùng:
Ai đi lẳng lặng bên làn nước,
Với lại ai ngồi khít cạnh tôi?
Cớ sao ngậm cứng thơ đầy miệng,
Không nói không rằng nín cả hơi.
Chao ôi ghê quá trong tư tưởng,
Một vũng cô liêu cũ vạn đời.
(Cô Liêu- HMT)
Ở đoạn trên ông gọi là “vũng đêm trăng”. Ở đây ông gọi là “vũng cô liêu”. Hai cách gọi khác nhau nhưng cùng một ý: Trăng làm cho ông thấy cô liêu, nhớ nhung, uất hận, ngậm ngùi và hờn tủi cho số kiếp. Ông tưởng như ông ngồi ở đáy một cái vũng sâu, vây bũa chung quanh là ánh trăng đêm (vũng đêm trăng), hay cô liêu (vũng cô liêu). Khi ấy, ông chưa qua tuổi xuân, mới 28 tuổi.
Nỗi cô quạnh của đời ông trong căn chòi nhỏ bên bờ
biển hoang vắng làm cho ông luôn mơ tưởng, khao khát có ai đó đến với ông. Ðến trong im lặng, ngồi trong im lặng. Ai đó “đi lẳng lặng trong làn nước…  ngồi khít cạnh” ông mà chẳng nói nửa lời. Có phải vì “ngậm cứng thơ đầy miệng” nên không nói được? Không! Không phải thế. Điều không nói mới là điều nói rất nhiều.
Hàn Mặc Tử khen ai đó làm thơ hay, là Mai Ðình nữ sĩ hay Mộng Cầm (Mộng Cầm không biết làm thơ) hay bạn thân của ông như Quách Tấn. Ðó là người có tài “nhã ngọc phun châu” mà người xưa dùng để khen Lý Bạch hay ai có tài làm thơ, yêu thơ, đọc thơ. Nỗi cô liêu của cuộc sống cũng là nỗi cô liêu của tư tưởng bao trùm mọi cảnh vật, phủ kín tâm hồn ông. Tất cả đều phát xuất từ hai yếu tố thực tại: Cuộc sống lẻ loi và bệnh tật hiểm nghèo. Ông sẽ qua đời sớm vì bệnh cùi.
Có thể chữ “ai” mà ông dùng ở đây, ám chỉ Mộng Cầm, người yêu đầu (?) của ông, người ông yêu tha thiết, yêu vô cùng và người ấy đã phản bội ông.
Ở Phan Thiết có lầu ông Hoàng nổi tiếng đẹp. Một ông Hoàng người Pháp nào đó, vì một chuyện thất tình ở quê nhà mà đến Phan Thiết dựng một ngôi lầu, sau bỏ hoang. Mộng Cầm và Hàn Mặc Tử hẹn nhau đi chơi ở đó, yêu nhau ở đó và rồi Hàn Mặc Tử bị bệnh phung.
Theo Quách Tấn, lúc hai người đi chơi đêm đó thì bỗng gặp một cơn mưa giông lớn. Hàn Mặc Tử và Mộng Cầm vào trú mưa trong một ngôi nhà mồ cạnh đường đi. Hàn Mặc Tử khởi bịnh phung từ đêm đó.
Chuyến đi chơi định mệnh đó ban đầu là một đêm trăng:
Lầu ông Hoàng người thiên hạ đồn vang,
Là nơi ấy đã yêu thương tha thiết.
Ôi trời ơi là Phan Thiết, Phan Thiết.
Mà tang thương còn lại mảnh sao rơi.
Ta đến nơi nàng ấy vắng lâu rồi
Nghĩa là chết từ muôn trăng thế kỷ.
Trăng vàng ngọc, trăng ân tình chưa phỉ,
Ta nhìn trăng khôn xiết ngậm ngùi trăng
Ta vãi tung thơ lên tận sông Hằng
Thơ phép tắc bỗng kêu rên thống thiết:
Ôi trời ơi là Phan Thiết, Phan Thiết
Mi là nơi ta chôn hận ngàn thu,
Mi là nơi ta sầu hận ngất ngư
(“Phan Thiết, Phan Thiết” – HMT)
Có nghĩa là Mộng Cầm chết đã lâu trong tâm hồn ông, từ muôn thế kỷ trước nhưng ông vẫn nhớ, vẫn thương và… hận vì tình phụ.
Quách Tấn thuật lại ngoài việc hằng tháng ông có gởi tiền chu cấp cho Hàn Mặc Tử, ông có đến nơi Hàn Mặc Tử ở trong căn chòi bên bờ biển Qui Hòa. Lần đó Hàn Mặc Tử vừa làm xong bài thơ Phan Thiết nói trên và đọc cho Quách Tấn nghe. Ðọc tới chữ “Phan Thiết, Phan Thiết” ở hai câu cuối, lời Hàn Mặc Tử nghẹn đi vì đau khổ và uất hận, ông cố nuốt cùng với hai dòng nước mắt rơi trên má.
Cũng chính Quách Tấn thuật lại, căn chòi nhỏ bên bờ biển vì nắng gió mà có nhiều chỗ thủng. Hàn Mặc Tử phải lấy bìa cứng mà che lại. Nhưng đêm đêm, trăng vẫn chảy xuyên qua chỗ thủng mà chiếu xuống chỗ ông nằm. Ánh trăng đó chỉ làm cho ông nhớ những ngày vui “Chơi giữa Mùa Trăng”, làm cho ông thêm hận kẻ bạc tình. Ông nhìn trăng ngậm ngùi cho trăng và cả cho cuộc đời tàn phế của ông.
Trăng có khi tròn, khi khuyết nhưng với thi nhân, họ hay nói tới một nửa trăng:
Hôm nay có một nửa trăng thôi,
Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi.
(Hàn Mặc Tử)
Cái ý cắn vỡ trăng là một ý rất lạ, rất hay mà từ trước giờ, trong thi ca Việt-nam, chưa ai nói. Sao lại “cắn” vào trăng, cắn vì yêu như người ta cắn yêu một đứa bé hay cắn vì ghét, cắn cho bỏ ghét hay vừa ghét vừa thương như người ta cắn người yêu? Trong câu thơ này, hình như tác giả tỏ ý tiếc vì chỉ còn có một nửa trăng. Tác giả nói một nửa trăng THÔI. Chữ “thôi” là tỏ ý tiếc đấy!
Cũng như Xuân Diệu, và cả Tỳ Bà Hành, thơ Hàn Mặc Tử có nhiều trăng. Trăng trong thơ Hàn Mặc Tử có không phải lúc nào cũng lung linh, lạnh và buồn như trong hai tác giả trước. Trăng trong thơ ông, có khi nhẹ nhàng hơn, đẹp hơn, vui hơn. Người ta thường yêu bài “Đây thôn Vỹ” có lẽ vì cái đẹp ấy, trăng ấy:
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên,
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay…
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay?
Mơ khách đường xa, khách đường xa,
Áo em trắng quá nhìn không ra…
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
Hàn Mặc Tử tả cảnh ngày và mơ đến đêm: Cảnh vườn rộng – thường là vườn các quan, hoàng phái, hay phủ ông Hoàng Mười, Hoàng Chín - Có một câu hỏi thật ngớ ngẩn nhưng lại rất hay. “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó, Có chở trăng về kịp tối nay?”
Sông trăng là sông nào?
Có phải sông Hương, con sông thường có cảnh đêm trăng rất đẹp! Hàn Mặc Tử muốn sông đêm nay phải đẹp. Có trăng mới đẹp, nên ông sợ thuyền không chở trăng về cho sông kịp đêm nay! Đó là là một câu hỏi “vớ vẩn” vì thuyền nào chở hết trăng về. Thuyền thì nhỏ quá mà trăng thì mênh mông quá. Thi sĩ của mơ mộng là vậy, giống như Xuân Diệu: “Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây.”
Ánh trăng mà Hàn Mặc Tử mơ ước phải là sáng lắm, mênh mông lắm. Trăng đó sẽ làm cho áo em trắng hòa điệp trong cái sáng của ánh trăng: “Áo em trắng quá nhìn không ra”!
Trong thi ca, người ta thường nói tới một nửa trăng hơn là tròn trịa cả một trăng. Ví dụ như:
Vầng trăng ai xẻ làm đôi,
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường.
(Kiều, trích đoạn Kiều tiễn Thúc Sinh về thăm nhà)
Mới đọc, ta tưởng như đây là đoạn thơ trong Chinh Phụ Ngâm, có vẻ như đây là tấm lòng người vợ nhớ chồng đang ở ngoài biên ải.
Ngày nay, ta nghe chữ xẻ trăng làm đôi, thấy quen, thấy thường nhưng cách đây mấy trăm năm, nói như thế là lạ lắm. “Nửa soi gối chiếc” của người đàn bà có chồng đi chinh chiến xa, nửa soi bước chân người chồng ngoài biên ải, nơi người chồng đang đánh nhau với kẻ thù. Ðó chỉ là tưởng tượng, cách nói thậm xưng (Nói cho quá sự thực). Thực ra, hôm đó trăng chỉ có một nửa. Than ôi! Người đời nay mấy ai giữ được gối chiếc để chờ người ở xa về!?
Hay thì đoạn thơ này có hay, nhưng lồng vào đó tình yêu của Kiều và Thúc Sinh thì không hợp. Tình yêu của Kiều và Thúc Sinh, chắc không có cao thượng, đằm thắm, đậm đà, sâu lắng như tấm lòng của người chinh phụ đối với chồng đang ở xa. Ngược lại, trong Chinh Phụ Ngâm, Bà Đoàn Thị Điểm tả cảnh trăng không hay bằng Nguyễn Du trong truyện Kiều:
“Lòng thiếp tựa bóng trăng theo dõi,
Dạ chàng xa ngoài cõi Thiên san. (5)
Trong bài “Hòn Vọng Phu 1” của Lê Thương, ông có viết: “Qua Thiên San kìa hai chén rượu vừa tàn… ” có lẽ là nói tới Thiên San này. Nó cũng có nghĩa là nơi núi non trùng điệp, nơi ải quan, xa xôi, nguy hiểm.
Dù với truyện Kiều hay Chinh Phụ Ngâm, khoảng cách giữa hai nơi mà bóng trăng chiếu tới rất xa nhau: Ở quê nhà (hậu phương) và quan ải (Thiên San) hay nơi xa lắm (dặm trường). Trăng trở thành mối liên hệ, là nhịp cầu nối liền giữa hai nơi xa nhau, là sự thông cảm, gần gủi, ân cần của hai người đang xa nhau.
Cũng với ý đó, Thế Lữ viết:
Em có yêu ta thì gắng đợi,
Ðem lòng mà gởi lên cung trăng.
Ở chốn đường xa ta nhớ em,
Thì lòng ta sẽ hóa ra chim,
Bay lên lưu luyến bên cung nguyệt,
Ðể tỏ cho nhau những nỗi niềm. (6)
Ở đây, trong thơ Thế Lữ, trăng có ý nghĩa khác mất rồi. Trăng không còn là cái để người ta vui chơi, ca hát, nhớ nhung, mà để yêu đương; không phải một tình yêu bình thường, mà lại là việc lý tưởng hóa tình yêu. “Em có yêu ta…” là tình yêu bình thường nhưng tại sao phải “gởi lên cung trăng”? Bởi vì yêu nhau mà không được gần nhau, như Dũng và Loan trong “Đoạn Tuyệt”. Trong hòa cảnh ấy, “lý tưởng hóa” tình yêu là điều bắt buộc, bởi vì chỉ có cách đó mới được gần nhau. Xa hóa thành gần. Xa nhau về hình hài, gần nhau về tâm tưởng, về tấm lòng và có thể “tỏ cho nhau những nỗi niềm.” Đó cũng chính là nỗi “lòng của thiếp”. “Lòng thiếp tựa bóng trăng theo dõi, Dạ chàng xa ngoài cõi Thiên San.” Chàng và thiếp xa nhau, người khuê phòng, kẻ ngoài quan ải, vẫn thấy được nhau, vẫn tỏ bày tâm sự cùng nhau, cũng như chàng ở đầu sông, thiếp ở cuối sông, uống chung dòng nước vậy. Dòng nước lý tưởng, dòng nước thủy chung vậy.
Quân tại Tương giang đầu,
Thiếp tại Tương giang vĩ.
Tương cố bất tương kiến,
Đồng ẩm Tương giang thủy. (7)
Thế Lữ nói như thế là rõ lắm, rõ cái vai trò trung gian, hội tụ của trăng giữa hai người đang xa cách nhau.
Nói về “một nửa trăng” trong thi ca, ta thấy có nhiều câu rất hay. Cách làm thơ thường là vậy, một vài câu, một vài bài “xuất thần” thành thơ, không cần làm nhiều. Ðó là những trường hợp như Thâm Tâm, Hồ Dzếnh.
Ở Mỹ không thấy được nhiều trăng, nhưng tình cờ một đêm rất khuya, tôi lái xe trên Route 9 từ hướng Boston về thành phố tôi ở, Worcester. Xe chạy theo hướng Tây. Qua những đoạn không có đèn đường, tôi chợt thấy le lói ở cuối chân trời một vầng trăng khuyết, không quá sáng để chói chang, không quá tối để không soi đủ lối. Tôi bỗng đọc hai câu thơ của Trần Trung Ðạo mà tôi đã thuộc:
“Ôi đời Mẹ như một vầng trăng khuyết,
Vẫn ngàn năm le lói ở đầu sông”.
Trong Phật có chữ “viên mãn” nghĩa là tròn trịa, đầy đặn. Mẹ! Một đời gieo neo gian khổ, tất tả ngược xuôi giúp chồng, nuôi con, có bao giờ đời Mẹ được sung sướng tròn đầy như một vầng trăng tròn! Ðâu có riêng gì áo cơm Mẹ thiếu, đâu có riêng gì mồ hôi nước mắt Mẹ đổ xuống đường đời Mẹ đi, mà chính ngay cả lòng Mẹ chẳng có bao giờ yên ả, lòng Mẹ có bao giờ được vui. Ðời Mẹ là hoài mong, đời Mẹ là chờ đợi, Mẹ là hòn vọng phu sống động của thời đại chúng ta. Mẹ là:
“Ru con lệ đổ hai hàng,
Nuôi con càng lớn Mẹ càng lo thêm.”
Mẹ là:
“… bóng trăng theo dõi,
Dạ chàng xa ngoài cõi Thiên san”.
Vầng trăng khuyết chính là biểu tượng một đời gian truân của Mẹ. Nhìn vầng trăng khuyết con nhớ Mẹ vô cùng. Mẹ le lói ở đầu sông, không vằng vặc như trong đêm trăng vui vầy, mà chỉ đủ soi đường cho con đi, trong cảnh chiến chinh loạn lạc ở quê nhà hay lạ lùng nơi đất khách. Bao giờ Mẹ cũng ở đó, ở cuối chân trời lúc đêm đã gần tàn. Mẹ là một vệt sáng nhỏ nhoi, lặng lẽ, cô đơn, nhung nhớ, đủ cho con thương về cố hương xa vời với một vầng trăng le lói tận cuối phương Đoài… Ngàn năm trước, Mẹ đã ở đó, ngàn năm sau, Mẹ vẫn còn đó, mẹ “như nước trong nguồn chảy ra” có từ thiên thu, và ngàn năm sau Mẹ vẫn còn đó với thiên thu.
Mẹ ở đầu sông, le lói ở đầu sông thì Cha xông pha ở cuối sông. Mẹ Cha là Sâm Thương cách trở, là kẻ đi xa ngoài biên ải, là người dõi theo người đi mà không bao giờ gặp gỡ. Mẹ ngóng theo Cha, Cha hướng về Mẹ nhưng có bao giờ Mẹ Cha nhìn thấy được nhau. Vậy mà Mẹ Cha cùng uống chung một dòng sông, dòng sông Tương ngăn cách vĩnh biệt.
“Quân tại Tương giang đầu,
Thiếp tại Tương giang vĩ,
Tương cố bất tương kiến,
Ðồng ẫm Tương giang thủy.”
Mẹ là “ngàn dâu xanh” bởi khi cha:
“Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy,
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu,
Ngàn dâu xanh ngắt một màu.”
Nhớ Mẹ là nhớ quê hương, Quê hương đó, là bom đạn, là ngăn cách, là tử biệt sinh ly, là thương nhớ, khổ đau của mẹ, là chùm khế… chua cho Mẹ cũng như cho con lưu lạc xứ người.
Trong “Bông Hồng Cài Áo”, TT Nhất Hạnh có nhắc lại một câu ca dao:
“Mẹ gà như chuối ba hương,
Như xôi nếp một, như đường mía lau.”
Và ông tỏ vẻ như nhất trí với câu ca dao này. Tôi thì không. Người dân quê Việt Nam thường dùng thể ví, mà ví một cách cụ thể để nói lên một cái gì đó.
Ví dụ: 
“Trên trời có đám mây xanh,
Ở giữa mây tím, chung quanh mây vàng”
Có người cho rằng hai câu này chẳng nói chi tới mây cả nhưng mượn mây, màu mây để tả một đôi mắt đẹp. Tuy nhiên, khi ví, người ta có thể nào đem một cái tương đối để ví với một cái tuyệt đối. Chuối ba hương, xôi nếp một, đường mía lau là những cái tương đối, đem so sánh với tình yêu Mẹ là cái tuyệt đối thì không xứng hợp được. Tình yêu của Mẹ bao giờ cũng ngọt, nhưng lỡ khi chuối ủng thì sao, có khi không còn là xôi nếp một mà là gạo loại ba của hợp tác xã thì sao, và đường đã lên dấm thì sao? Có thể lấy một cái tuyệt đối ví với một cái tuyệt đối. Tình yêu của Mẹ là tuyệt đối. Nó là lẽ tự nhiên của Tạo hóa. Cho nên có người nói: “Loài vật cũng còn biết thương con của nó.” Huống gì người Mẹ không biết thương con. Tuyệt đối người Mẹ nào cũng thương con, có thể vì hoàn cảnh mà nó có khác đi ít nhiều thôi. Cho nên, tình yêu của Mẹ là tuyệt đối thì “nước trong nguồn chảy ra” cũng là tuyệt đối.
“Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra.”
Nước trong nguồn chảy ra từ khi có trời đất và chỉ chấm dứt khi không còn trời đất, là vô thủy vô chung vì ai biết trời đất có lúc nào và tới lúc nào tận diệt?
Tình yêu Mẹ là tình yêu trước nhất và căn bản nhất. Có yêu Mẹ mới có yêu bà con, yêu đồng bào, yêu tổ quốc, đồng loại. Không có tình yêu Mẹ thì không có tình yêu gì hết. Cho nên khi người Cọng Sản nói “Yêu nhân dân” mà không nói yêu Mẹ thì đó là một cái “xạo” nhất của những cái “xạo” trên đời này vậy.
Khi ta có tình yêu thì trước hết ta có tình yêu Mẹ. Trần Trung Ðạo, trong thơ ông, rất yêu Mẹ, yêu vô cùng là khác. Chỉ có như thế ông mới “xuất thần” làm hai câu thơ “để đời”
Ôi đời Mẹ như một vầng trăng khuyết,
Vẫn ngàn năm le lói ở đầu sông.
Trần Trung Ðạo yêu tiếng cười của Mẹ, ông đòi “Ðổi Cả Thiên Thu” để lấy lại “Tiếng Mẹ Cười” – như tên một tập thơ của ông, “Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười” được mọi người yêu mến và phổ biến đến nỗi trở thành một thành ngữ – nhưng có bao giờ ông còn nghe được tiếng cười của Mẹ. Nay ông chỉ còn thấy “Mẹ le lói ở đầu sông như một vầng trăng khuyết”. Thấy được hình ảnh Mẹ như thế cũng là cái hay nhứt trên đời này vậy rồi.
Người làm thơ thường tưởng tượng, mơ mộng. Yêu Mẹ, Trần Trung Ðạo thấy Mẹ là vầng trăng khuyết ở cuối chân mây khi đêm đã gần tàn. Ông vua ưa vui chơi như Ðường Minh Hoàng thì thấy trăng là “Cung” nguyệt, là cung điện nguy nga tráng lệ, có bà Tây Vương Mẫu, có các cung nữ múa hát vui chơi. Vũ Hoàng Chương thì coi trăng như là biểu tượng người đẹp ông yêu: Tên là Kiều Thu nhưng ông thường gọi là Tố (Tố Nga, Hằng Nga?):
Mười năm – trăng cũ ai nguyền ước?
Tố của Hoàng ơi! Tố của Anh.
“Tố của Anh” đó chắc là lấy chồng rồi, đi về một phương nào đó rồi, khiến cho ông phải than vãn “Trăng của nhà ai, trăng một phương” Từ ba mươi năm, “Ta đợi em từ ba mươi năm” - như tên tập thơ của ông -, ông vẫn đợi Tố của ông như đợi một vầng trăng, đợi khi nhìn vầng trăng.
Khi yêu nhau, người ta thường chỉ trăng mà thề lòng chung thủy, bày tỏ ước nguyện yêu nhau đến trọn đời. Theo Vũ Hoàng Chương trong câu thơ trên thì yêu nhau đã mười năm, chỉ vầng trăng cũ ấy mà nguyền ước và ai có quên đi chăng?!
Ta có thể thấy việc chỉ trăng mà thề rõ ràng nhất là trong Truyện Kiều:
Tiên thề cùng thảo một trương
Tóc mây một món dao vàng chia đôi
Vầng trăng vằng vặc giữa trời
Ðinh ninh hai miệng một lời song song
Và người Mỹ đã lên đến mặt trăng (20-7-1969). Họ không tìm ra “Cung Nguyệt Ðiện” như vua Ðường Minh Hoàng đã nằm mơ, không thấy người nói chi tới giai nhân tên Hằng Nga, Tố Nga, v.v… mà chỉ thấy đất đá sần sùi. Ðiều đó làm cho các nhà thơ thất vọng, vỡ mộng, và ngay như chính Vũ Hoàng Chương nói thì ông buông bút không làm thơ về Hằng Nga, Tố Nga nữa.
Trong cái vui mừng của Amstrong: “Bước đi ngắn ngủi của một người nhưng là một bước đi vĩ đại của nhân loại” thì lại có những nỗi buồn, tiếc nuối của thi nhân.
Chuyện xưa kể rằng khi Lý Bạch, dù được Cao Lực Sĩ cởi giày, Dương Chấp Trung mài mực, ông vẫn xin vua cho rời chốn quan trường để làm một kẻ lãng du với túi thơ bầu rượu, giang hồ phiêu bạt cho trọn kiếp thi nhân. Ông không muốn đem tài thơ của ông mà kiếm chút công danh. “Lập thân tối hạ thị văn chương.” Người xưa đã nói. Chỉ có một yêu cầu, uống rượu ở đâu chỉ xin để lại một mãnh giấy cho quan chức địa phương trả tiền. Rồi một đêm quá say, nhìn thấy trăng dưới lòng sông, ông tưởng trăng đã xuống với ông thật nên nhảy xuống nước mà ôm trăng. Rồi ông chết đuối.
Chuyện nghe như thật mà có người không tin thật. Dương Quí Phi là một ngưòi đẹp mà lãng mạn, yêu thơ Lý Bạch vì thơ hay, hay vì Lý Bạch tả nhan sắc Dương Quí Phi bằng những câu thơ tuyệt vời: “Phù dung như diện, liễu như mi”. Có ai không chắc rằng Ðường Minh Hoàng vừa ganh tài với Lý Bạch, theo tâm lý thông thường “Văn mình vợ người”, lại vừa ghen với Lý Bạch vì cái tính lãng mạn của Dương. Chính Dương Quí Phi đã ngoại tình với An Lộc Sơn mà đưa tới mối loạn An Lộc Sơn, khiến Ðường Minh Hoàng phải bỏ kinh đô Tràng An mà chạy.
Có ai chắc rằng cái chết của Lý Bạch không phải là một âm mưu của một ông vua tỵ hiềm. Chỉ cần sai một tên lính hầu đạp cho Lý Bạch một đạp rớt xuống sông là xong. Trong chế độ phong kiến đó, ai dám điều tra để tìm ra nguyên nhân cái chết của một kẻ say rượu, dù đó là một thiên tài.
(1)- “Chơi giữa Mùa Trăng”, một tác phẩm viết bằng văn xuôi của Hàn Mặc Tử.
(2)- Trần Tử Ngang,
Đăng U Châu đài ca
Tiền bất kiến cổ nhân,
Hậu bất kiến lai giả.
Niệm thiên địa chi du du,
Ðộc sảng nhiên nhi thế há.
Dịch nghĩa:
(Bài ca khi lên đài U-Châu)
Phía trước không thấy người xưa
Phía sau không thấy ai đến
Ta nghĩ rằng trời đất rộng lớn
mênh mông
Riêng ta đau lòng rơi lệ.
Ngọc Nhĩ dịch:
Nhìn phía trước không còn tiền bối
Ngó đàng sau chẳng thấy hậu sinh
Ngẫm tình trời đất u minh

Đau lòng rơi lệ một mình ta đây
Trần tử Ngang, làm quan dưới thời Võ Hậu (Võ Tắc Thiên), vì lời nói thẳng mà bị hạ ngục; sau được lệnh theo Võ Chính Nghi đi chinh thảo. Nghi không nghe lời ông, bị thua trận, không biết hối còn giáng chức Ngang. Buồn lòng ông lên Tô Bắc Lâu, tức đài U-Châu thấy cảnh non nước bao la, cám cảnh cho mình mà làm bài thơ nầy. U-Châu, bây giờ là Bắc Kinh. Trong “Tam Quốc, vùng đất nầy bị Tào Tháo chiếm năm 204.
(3)- Yên lung hàn thuỷ nguyệt lung sa
Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia
Thương nữ (1) bất tri vong quốc hận
Cách giang do xướng Hậu đình hoa
(Đỗ Mục – Bạc Tần Hoài)
Sương mù lan toả trên mặt sông,
ánh trăng phủ tràn lên bãi cát
Đêm đậu thuyền ở bến Tần Hoài cạnh quán rượu
Ca nữ không biết đến mối hận vong quốc
Cách sông còn hát khúc “Hậu Đình Hoa”
(Đỗ Mục – Đậu thuyền ở bến Tần Hoài)
(4)- Nguyệt cầm: Nguyệt cầm là đàn nguyệt (hình tròn). Trong Tỳ Bà Hành là đàn tỳ bà (hình trái lê). Đàn nào nghe cũng hay, tùy người đàn. Cung Tiến phổ nhạc. (Xem “Tỳ bà hay Nguyệt cầm” – cùng tác giả, trong Viết Về Huế 2 – Văn Mới xuất bản)
(5)- Thiên Sơn, tiếng Tầu, người Duy Ngô Nhĩ gọi là Tengri Tagh, là một dãy núi thuộc khu vực Trung Á, phía tây bắc sa mạc Taklamakan và nước Tầu, biên giới Tân Cương và Kazakhstan Kyrgyzstan, ở phía nam, nối liền với dãy núi Pamir.
Có câu hát “Tướng quân tam tiễn định Thiên Sơn, tráng sĩ trường ca nhập Hán quan” (với ba mũi tên của tướng quan lấy được núi Thiên Sơn, tráng sĩ hát khúc trường ca kéo quân vào cửa ải nhà Hán).
(6)- Tiếng gọi bên sông (Thế Lữ)
(Lời chinh phu)
Tặng Khái Hưng
Ta là một khách chinh phu,
Dấn bước truân chuyên khắp hải hồ.
Mũ lợt bốn bề sương nắng gội,
Phong trần quen biết mặt âu lo.
Vất vả bao từng, chi xá kể?
Gian lao như lửa rèn tâm chí,
Bấy lâu non nước mải xông pha,
Chưa chút dừng chân, chưa lúc nghỉ.
Trong thủa sinh bình, đôi mắt ta
Không hề cho đẫm lệ bao giờ;
Cười phen thất bại, khinh nguy hiểm,
Nện gót vang đường nhịp khúc ca.
Đang độ nam nhi vui trẻ hoài:
Sầu tư bi thiết, gác trên bên tai,
Trái tim chỉ rộn khi căm tức,
Ghét lũ vô thần, giận nỗi đời.
Trong khi lật đật rẻo sông Mê,
Trận gió heo may đuổi nhạn về.
Bụi cuốn đường xa, chinh khách mỏi.
Bỗng nghe tiếng hát vẳng bên kia.
Tiếng hát trong như nước ngọc tuyền,
Êm như hơi gió thoảng cung tiên,
Cao như thông vút, buồn như liễu:
Nước lặng, mây ngừng, ta đứng yên.
Chinh phu trong dạ nhường tê tái,
Quay gót ta buồn trông trở lại,
Đường vẫn còn xa, còn phải đi,
Song le tiếng hát bên sông gọi:
“Đi đâu vội bấy hỡi ai ơi!
Mà để cho nhau luống ngậm ngùi?
Em trẻ, em son, em lại đẹp.
Sang đây chung hát khúc ca vui!
Hỡi khách! Sang đây với bạn tình.
Vui đi! Đời người mấy xuân xanh?
Ưu tư chi để sầu mây nước,
Kìa cánh hoa đua rỡn trước cành.”
Tiếng ái ân kia réo rắt hoài,
Mà lời mây nước giục bên tai.
Đau lòng rứt mối tơ vương vấn,
Nước mắt đầu tiên lã chã rơi.
Vì chưng ta cũng biết yêu đương,
Mà cuộc tình duyên gặp giữa đường.
Trong lúc non sông mờ cát bụi
Phải đâu là hội kết uyên ương?
Âm thầm từ giã cô thôn nữ,
Cô đứng bên sông không hát nữa,
Lòng ta thổn thức còn đê mê
Nhịp với lòng ai nhường than thở?
Âm thầm ta lại bảo cô rằng:
“Mặt đất mênh mang biết mấy chừng,
Em có yêu ta thì gắng đợi,
Đem lòng mà gửi lên cung trăng.
Ở chốn đường khơi ta nhớ em.
Thì lòng ta sẽ hoá ra chim
Bay lên lưu luyến bên cung nguyệt
Sẽ ngỏ cho nhau thấu nỗi niềm.”
Ta đi theo đuổi bước tương lai.
Để lại bên sông kẻ ngậm ngùi.
Chí nặng bốn phương trời nước rộng,
Từ nay thêm bận nỗi thương ai.
(7)- Lương Ý Nương
Giai thoại bài thơ: Như đã nêu ở trên, sách Tình sử của Trung Quốc, có ghi sự tích như sau: Vào đời nhà Hậu Chu (907- 955), ở vùng sông Tiêu Tương tỉnh Hồ Nam, có người con gái tên là Lương Ý Nương (còn gọi là Lương Y) tài sắc vẹn toàn, nàng là con gái của Lương Tiêu Hồ. Nàng đã gặp một hàn sĩ phong lưu tuấn tú đến ở trọ tên là Lý Sinh. Hai người để ý yêu nhau. Người cha biết nên nổi giận đuổi Lý Sinh đi. Ý Nương nhớ nhung đau khổ nên mới viết bài “Trường tương tư” gửi cho Lý Sinh. Xem thơ, chàng cảm động, bỏ qua mọi sự sỉ nhục, trở lại nhà nàng và tìm mọi cách để thuyết phục cha nàng xin cho họ được làm bạn đời với nhau. Trước cảnh ốm đau tiều tụy và lời lẽ thống thiết của con trong bài thơ, người cha đã chấp nhận và cho họ được toại nguyện.
- Tương giang: Sông Tương. Tên một con sông ở bên Tầu. Sông phát nguyên từ núi Hải Dương, chảy ngang Hồ Nam rồi đổ vào hồ Động Đình. Có một nhánh của sông Tiêu đổ vào sông Tương ở thị trấn Linh Lăng (tỉnh Hồ Nam) nên dân gian thường nói gộp lại là sông Tiêu Tương. Do sự tích của nàng Lương Y và Lý Sinh mà từ sông Tương hoặc sông Tiêu Tương là lời nói ẩn dụ để chỉ về nỗi tương tư của những người yêu nhau bị ngăn cách mà người đời sau hay dùng cả ở Tàu cũng như Việt Nam.
Ví dụ:
- Giác lai lệ trích Tương giang thủy 
(Tỉnh dậy nước mắt nhỏ xuống dòng sông Tương)
Hữu sở tư - Lư Đồng
Sông Tương một dải nông sờ
Bên trông đầu nọ, bên chờ cuối kia.

Truyện Kiều - Nguyễn Du (Việt Nam)
- Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại.
Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang…

Chinh phụ ngâm -  Đoàn Thị Điểm
Người đời sau trích hai khổ thơ có 8 câu của bài “Trường tương tư” để tách thành một bài thơ riêng và lấy tên đầu đề là “Tương giang”. Đây là hai khổ thơ hay nhất của bài.
Trường Tương Tư
Lạc hoa lạc diệp lạc phân phân,
Tận nhật tư quân bất kiến quân.
Trường dục đoạn hề trường dục đoạn,
Lệ châu ngân thượng cánh thiêm ngân.
Ngã hữu nhất thốn tâm,
Vô nhân cộng ngã thuyết.
Nguyện phong xuy tán vân,
Tố dữ thiên biên nguyệt.
Huề cầm thượng cao lâu,
Lâu cao nguyệt hoa mãn.
Tương tư vị tất chung,
Lệ trích cầm huyền đoạn.

Nhân đạo Tương giang thâm,
Vị để tương tư bạn.
Giang thâm chung hữu để,
Tương tư vô biên ngạn.
Ngã tại Tương giang đầu,
Quân tại Tương giang vĩ.
Tương tư bất tương kiến,
Đồng ẩm Tương giang thuỷ.
Mộng hồn phi bất đáo,
Sở khiếm duy nhất tử.
Nhập ngã tương tư môn,
Tri ngã tương tư khổ.
Trường tương tư hề, trường tương tư,
Trương tương tư hề, vô tận cực.
Tảo tri như thử quải nhân tâm,
Hồi bất đương sơ mạc tương thức.
Bản dịch của Võ thị Xuân Đào
Lá hoa rơi rụng tơi bời
Nhớ người chẳng thấy dáng người đâu đâu
Lòng đau đoài đoạn lòng đau
Lệ rơi lã chã dạt dào lệ rơi
Biết tìm ai hỏi đôi lời
Tấm lòng riêng chỉ một đời ta thôi
Đuổi mây nhờ gió chuyển vời
Cùng trăng bày tỏ đầy vơi chút tình
Lầu cao trăng sáng lung linh
Ôm đàn lên gởi âm thinh ngút ngàn
Tương tư một khúc chưa tàn
Lệ rơi xuống đứt dây đàn nửa cung
Lời người ; Thăm thẳm sông Tương
Tương tư nổi ấy khó lường nông sâu
Lòng sông còn biết nơi đâu
Tương tư nào biết bao lâu bến bờ
Đầu sông chàng ở đợi chờ
Cuối sông thiếp ở bơ phờ lòng đau
Nhớ nhau chẳng thấy mặt nhau
Nước sông cùng uống dạ sầu cùng chung

Mộng lòng bay cõi mông lung
Tơ vương đến chết vẫn cùng vương tơ
Ai vào trong ngõ tương tư
Mới hay bể khổ không từ một ai
Tương tư mãi tương tư dài
Tương tư khôn xiết vẫn hoài tương tư
Biết rằng dạ khổ ngẩn ngơ
Khi xưa ta chớ dại khờ gặp nhau.
Hoàng Long Hải
Theo http://quanvan.net/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NSND Lê Huy Quang: Phải biết thua người khác

NSND Lê Huy Quang: Phải biết thua người khác! Thiết kế mỹ thuật sân khấu có vai trò quan trọng góp phần làm nên thành công của một vở diễn...