Thứ Sáu, 29 tháng 9, 2017

Chử Thu Hằng và hành trình tìm lại chính mình

Chử Thu Hằng và hành trình
tìm lại chính mình 
Chử Thu Hằng tự nhận mình là người khó tính trong văn chương, chữ nghĩa. Chị không ham viết nhiều. Ngoài tập tản văn: Hồn Phố, tập bút ký Nhớ một thuở Viêng Chăn, chị mới chỉ công bố 3 tập thơ, là: Khoảng trời hoa nắng, Cõi Riêng và Lạc mình trong Phố. Thơ Chử Thu Hằng đâu phải bài nào cũng hay, nhưng đọc chúng, độc giả dễ bị ám ảnh bởi sự giàu có của thiên tính nữ và sự tinh tế, độ sâu sắc của những thông điệp mà nhà thơ gửi gắm. Ba tập thơ của chị, tập nào cũng có bài hay, câu hay. Những câu thơ hay của chị thường hàm ngậm những triết lý nhân sinh nên luôn ánh lên một vẻ đẹp cổ điển và sang trọng. Bài đăng Tác Phẩm Mới Xuân Bính Thân.
CHỬ THU HẰNG VÀ HÀNH TRÌNH TÌM LẠI CHÍNH MÌNH
Chử Thu Hằng tự nhận mình là người khó tính trong văn chương, chữ nghĩa. Chị không ham viết nhiều. Ngoài tập tản văn: Hồn Phố, tập bút ký Nhớ một thuở Viêng Chăn, chị mới chỉ công bố 3 tập thơ, là: Khoảng trời hoa nắng, Cõi Riêng và Lạc mình trong Phố.
Thơ Chử Thu Hằng đâu phải bài nào cũng hay, nhưng đọc chúng, độc giả dễ bị ám ảnh bởi sự giàu có của thiên tính nữ và sự tinh tế, độ sâu sắc của những thông điệp mà nhà thơ gửi gắm. Ba tập thơ của chị, tập nào cũng có bài hay, câu hay. Những câu thơ hay của chị thường hàm ngậm những triết lý nhân sinh nên luôn ánh lên một vẻ đẹp cổ điển và sang trọng. Chúng không chỉ làm rung động trái tim mà còn có khả năng chạm tới những vùng khuất lấp trong thẳm sâu tâm hồn con người:
Vớt trăng chìm dưới đáy sông
Trăm năm… một thoáng hư không… Còn gì?
(Vô đề)
Tuy mỗi tập thơ của nữ thi sĩ có một vẻ độc đáo riêng, nhưng giữa chúng lại rất thống nhất trong một mạch cảm xúc. Đó là những rung động, suy ngẫm, xa xót, trăn trở của một người đàn bà Việt tóc đã pha sương có trái tim mẫn cảm, đam mê thơ và một ý thức rất rõ về nghiệp văn:
 … Người văn vắt kiệt lòng mình
 Đau nỗi đau của ngàn vạn sinh linh
 Yêu với tình yêu trăm muôn kiếp trước
 (Nghiệp văn)
Đọc chúng trong một hệ thống, ta nhận thấy thơ Chử Thu Hằng khá đa thanh và đa dạng, nhưng những bài găm được vào trí nhớ công chúng không phải là những bài hướng ngoại mà thường là những bài thơ hướng nội. Làm nên tên tuổi của chị là mảng thơ trữ tình thuộc hiện thực tâm hồn. Điều này cũng dễ hiểu, bởi sức mạnh của đàn bà thường nằm sâu trong mỗi trái tim. Càng đọc càng thấy, ẩn sau từng con chữ biết nói là một Chử Thu Hằng trong hành trình đi tìm lại chính mình, tìm lại vẻ đẹp của tâm hồn, của tình yêu, của cuộc sống... Điệp khúc tôi đi tìm tôi cứ vang hoài không ngớt trong những bài thơ hay nhất của chị:
- Tôi đi tìm lại chính tôi…
- Tôi tìm tuổi dại tuổi khờ
- Tìm bao cảm xúc đầu đời…
Có thể coi cuộc truy tìm ráo riết nơi bản thể là bản tự thuật rõ nhất về tâm hồn tác giả, và đó cũng là giá trị đặc sắc nhất của cây bút Chử Thu Hằng. Bởi lẽ đóng góp của một nghệ sĩ bao giờ cũng kết tinh ở các tác phẩm tiêu biểu mà hầu như mọi bài thơ hay của chị (Tìm, Tự ngẫm, Tự bạch, Tôi là, Nửa, Khúc đàn đêm, Xuân về, Lặng lẽ, Lạc ngoài quỹ đạo…) đều chính là những bức chân dung tự họa. Đó là những bức tranh ngôn từ của người thơ trong trạng thái: Ngập ngừng cầm bút vẽ mình (Tôi là).
Dường như có một nghịch lý, bởi nhìn bề ngoài, Chử Thu Hằng có vẻ thật viên mãn, cuộc sống nghe chừng bình lặng, êm đềm. Tất cả mọi tiêu chí định lượng được đều cho thấy chị là một người thành đạt. Qua tuổi U50 người đàn bà ấy vẫn khỏe mạnh, trẻ trung, duyên dáng; có con ngoan, chồng tốt và một tổ ấm hạnh phúc đủ đầy. Hai cậu con trai giỏi giang đã mang về cho mẹ hai nàng dâu hiền và đứa cháu đẹp như mộng... Nhưng, có lẽ, đối với những người phụ nữ thông minh, tài sắc, hạnh phúc đâu chỉ giản đơn là cơm ngon, áo đẹp… mà quan trọng hơn là một đời sống tinh thần phong phú, một cõi riêng để cái Tôi viết hoa được bung phá hết mình.
Cũng giống như nhiều chị em cùng trang lứa, suốt mấy chục năm đất nước khó khăn, để quên mình, quên thơ, Chử Thu Hằng đành chọn cách niêm phong nỗi đau của riêng mình để tập trung cho cuộc mưu sinh, để vẹn tròn bổn phận và trách nhiệm:
Lặng thầm qua một kiếp người
Mưu sinh cơm áo chôn vùi tuổi xuân
(Nhớ)
Giờ đây, khi cơ hội đã đến, những mạch ngầm khát vọng như khối nham thạch bị dồn nén, tích tụ, bị vùi lấp trong sâu thẳm cõi lòng, nhờ thơ đánh thức đã bừng dậy và lần lượt hồi sinh:
Đập ngày bình yên tẻ nhạt
Bay lên như cánh chim trời
Chỉ có một lần được sống
Hãy cho tôi là chính tôi!
(Bon II)
Thoát xác để tìm lại chính mình, bằng cách không ngừng tự vấn, mong tìm ra lời giải đáp cho câu hỏi mang tinh thần triết học: ta là ai? đã cho phép người thơ được sống nhiều cuộc đời. Chị bỗng phát hiện ra mình còn có một gương mặt khác, trong con người chị vốn có một cái tôi bí ẩn, mong manh, dễ vỡ: một- tôi- run- rẩy- mong manh (Muốn). Chính cái tôi đa diện, đa nhân cách đó là nguyên nhân làm cho người thơ ấy như cây sầu đông ngoài tươi trong héo! Khi giữa nội tâm và ngoại hiện có độ chênh càng lớn thì mảnh đất mỡ màu để gieo mầm thi ca càng có dịp rộng mở. Và cái khoảng trời nghệ thuật thiêng liêng ấy đã giúp người đàn bà đa đoan có thể bộc lộ được bao điều bí mật trong cõi riêng thầm kín, hóa giải bớt khối mâu thuẫn bấy lâu bị ủ kỹ trong tim. Còn nỗi buồn, sự cô đơn lại là phương thức hữu hiệu để người nghệ sĩ khai mở, soi sáng vỉa tầng mới của hiện thực, nhờ thế mà văn chương trở nên sâu sắc và nhân bản. Bởi theo quy luật, cái bi bao giờ cũng là đối tượng thẩm mĩ nổi bật trong thơ ca mọi thời đại. Giờ thì Chử Thu Hằng không còn phải gồng mình “Mượn thơ giấu nỗi đau đời vào thơ” mà có thể cùng con tim đa cảm thư giãn với niềm hy vọng “Cởi cho mộng mị qua cầu gió bay”.
Trong cuộc hành trình tôi đi tìm tôi đầy cam go, Chử Thu Hằng phố cổ đảm đang, tháo vát, tỉnh táo và bản lĩnh đã tìm thấy trong thẳm sâu tâm hồn mình một người đàn bà tài hoa, yếu mềm, đắm đuối trong bến mơ bảng lảng khói sương:
Đàn bà yếu lòng nhẹ dạ
Chỉ uống nước đường cũng say
Đàn bà mộng mơ lãng mạn
Tự mình quây lưới nhốt mình…
(Đàn bà)
Mang phẩm chất người phụ nữ Việt Nam truyền thống, trái tim ấm áp của thi nhân dường như luôn tỏa ra thứ ánh sáng mỹ học của sự dâng hiến, nên khi hướng ngoại, thơ chị thường được dệt bằng những tiếng hát yêu thương. Cũng vì thế mà không gian thơ của chị luôn ngập tràn giai điệu của những khúc hát ru, với những ca từ thấm đẫm yêu thương, những ánh mắt thiết tha trìu mến, những bàn tay biết nói và những cử chỉ quá đỗi dịu dàng. Trong khí quyển thuần khiết của lời ru ngọt ngào sâu lắng, cảm xúc thăng hoa trào lên ngọn bút, Chử Thu Hằng đã đắm đuối thổi hồn vào từng con chữ, thả thứ bùa mê đầy ma mị:
À ơi… ngủ ngoan anh nhé
Hóa thân em - ánh trăng vàng
Tóc trăng xòa trên gối mộng
Cho nhau… còn chút dịu dàng
(Ru Anh)
Khi trong vai người bà ra Thủ đô trông cháu, chị đã thấu hiểu những hy sinh, những mơ ước của người nông dân quê mùa, mong cho con cháu có cuộc sống tốt đẹp hơn nơi phố thị. “Bà ru cháu ngủ giữa trời”, tứ thơ khá lạ, lời thơ đằm thắm mà chẳng kém phần lãng mạn:
À ơi…thương cháu biết bao
Bà ra cửa sổ khều sao trên trời
Hái chùm hoa nắng cháu chơi…
(Bà ru cháu ngủ giữa trời)
Khi hướng tới những người bạn, thơ chị luôn trong trẻo, nồng ấm: Tiếng thơ đằm thắm ngọt lành/ Câu ca em hát tươi vành hoa môi (Xanh một ngày thu). Nhưng khi hướng nội, dường như trong tác giả chỉ còn lại nỗi cô đơn ngự trị: Giữa biển người riêng một góc cô đơn (Lặng lẽ). Nỗi cô đơn dằng dặc, vĩnh viễn của một hạt bụi – người nhỏ nhoi trong vũ trụ: Độc hành Trăng giữa mênh mông Thiên hà (Có không, tri kỷ tri âm?)
Nỗi sầu tưởng như vô cớ ấy dường như cũng là tâm trạng chung của kiếp thi nhân,“Không có mối dứt sao cho đứt/ Không có khối đập sao cho tan”? (Tản Đà). Khi đớn đau đến rã xác tan hồn, mọi thứ bỗng trở nên trống rỗng. Ngày rỗng… Đêm rỗng... Lòng rỗng… Khóc cười đều không thể/ Tự vùi vào lặng thinh (Rỗng).
“Tự xé lòng mình bởi chẳng thể sẻ chia” (Muốn) bởi “tìm đâu tri kỷ tri âm” nữ thi sĩ đành rút ruột tự ru mình. Nhưng đó cũng chỉ là những lời ru trong vô vọng (Tự ru mình). Càng ráng đi tìm gương mặt tinh thần, thì nhân vật trữ tình như càng lấn sâu vào ảo vọng, bởi cuộc đời vốn dĩ đa sự mà người làm thơ vốn dĩ rất đa đoan:
Tôi tìm…
Chẳng biết tìm chi
Tim hoài ảo vọng…
Còn gì cho tôi?
(Tìm)
“Như kẻ hành hương đi tìm hạnh phúc/ Tôi mỏi mòn lê gót, mỏi mòn mơ…” (Hạnh phúc). Chị muốn quên đi thực tại, nhưng không thoát nổi nỗi buồn như tơ giăng mắc khắp nơi:
Lỗi mùa
Trái vụ
Héo sương
Muộn hoa
Hiếm trái
Chỉ vương vương sầu…
(Vô đề)
Vì thế không có gì là bất ngờ khi chủ âm thơ Chử Thu Hằng thường buồn. Âu cũng là quy luật, bởi xưa nay thi nhân nào chẳng ôm trong trái tim một bi kịch! Nhưng sự trả giá lại thường là cơ hội cho họ có được những câu thơ trong trí nhớ bạn đọc vì mĩ học bao giờ chẳng là sự gặp gỡ giữa hai đối cực. Nỗi buồn, sự cô đơn nhanh chóng giúp Chử Thu Hằng thức ngộ ra gương mặt tinh thần xưa nay vẫn bị khuất lấp sau con người bổn phận của mình:
Tôi như chiếc bóng nhạt nhòa
Hồn tôi vật vã…
Mới là chính tôi!
(Tôi là)
Khát khao tìm lại những gì đã mất, người thơ dốc lòng làm một cuộc vượt gộp, những mong hữu hình được chiếc bóng nhạt nhòa nhưng tất cả chỉ là ảo ảnh và kết cục, người thơ vẫn bế tắc, vẫn không sao hiểu nổi chính mình: Trời ơi/ Mình chẳng hiểu mình (Nửa). Và cuộc hành hương trở về cái thời chết đuối sông Mê của nàng thơ như hoàn toàn vô vọng. Những ước mơ xanh thời thiếu nữ, những mối tình câm trong sáng, thánh thiện đã vĩnh viễn một đi không trở lại. Tuy biết, đời người có ai hoàn toàn toại nguyện, có kẻ nào từng hai lần tắm trên một dòng sông, nhưng vốn yêu hơn người, đau cũng hơn người, nữ sĩ vẫn không nguôi:
Thương mình… như chưa kịp sống
Thương mình… như chẳng được yêu
(Mùa cúc Họa Mi trên phố).
Trong cuộc rượt đuổi những gì không thể nắm bắt, chị: Vẫn còn đây những khát khao muôn thuở/ Những si mê không cũ bao giờ (Thư gửi Elise). Niềm đam mê không tắt đó đã khiến lời tự hát càng thêm thao thiết. Như những chất xúc tác, chúng đã biến những nỗi cô đơn trong hành trang người nghệ sĩ trở thành cội nguồn sáng tạo, làm cho nhiều câu thơ ra đời sau bao ấm lạnh của Chử Thu Hằng càng giàu thêm chất triết lý:
Tiến đã khó nhưng biết lùi càng khó
Sống sao đây cho trọn vẹn kiếp người
(Dã hương)
Bởi chúng đã tích hợp được hằng số về tình yêu, đức hy sinh như mặt trăng tỏa sáng vì người khác của rất nhiều thế hệ đàn bà Việt:
Chắt chiu yêu thương ta gom góp ngọt lành
Qua cuộc bon chen, thanh tao còn lại
(Viết ở phố Hàng Buồm)
Mượn thơ, giấu nỗi đau đời vào thơ (Tâm sự) để tạo ra sự cân bằng cuộc sống, đó là cách những người giữ lửa thông minh và tài hoa thế hệ 6X trở về trước lựa chọn. Bởi hơn ai hết, họ hiểu rằng, hạnh phúc bao gồm cả đớn đau, chua xót. Để giữ lấy gia đình thì một người đàn bà Việt dù ở thời nào đều cần phải đóng tròn vai người mẹ, người vợ của mình. Ánh sáng phát ra từ trữ lượng văn hóa trong tâm hồn đã dẫn lối để họ an nhiên trở về cuộc sống đời thường với bao bổn phận và trách nhiệm:
Hư danh
Này trả cho đời
An nhiên đối bóng, hát lời của đêm…
(Khúc đàn đêm)
Hà Nội, mùa Đông Ất Mùi
Trần Thị Trâm
Theo  http://tacphammoi.net/

1 nhận xét:

  Cảm nhận ngàn đêm – Tản văn Trần Thế Tuyển 12 Tháng Bảy, 2023 MỘT Dân gian nói, hoàng hôn là lúc người dương và người âm có thể gặp ...