Thứ Sáu, 22 tháng 9, 2017

Bãi vàng và những số phận

Bãi vàng và những số phận 
Trong chuỗi ngày sống ở nơi ô hợp đó, tôi hiểu ra không ít những điều về cuộc sống này. Mỗi bài học về nhân tình, thế thái đều có cái chốt thật là chua xót. Mỗi khi tỉnh dậy, tôi chứng kiến tất cả những gì đang diễn ra và ngày nào, tôi cũng thấy lòng mình tê tái…
... Một cô tiểu thư vốn quen được nuông chiều, bồng bột, ngơ ngác chưa một lần đi xa khỏi thành phố đã quyết định bỏ lại tất cả để..đi. Tôi cứ đi mà không hình dung được gì về nơi mình sắp đến. Trên suốt chặng đường heo hút, hiểm trở, không biết đã bao lần tôi định xuống xe, định trở về nhà. Nhưng cứ mỗi lúc lưỡng lự, tôi lại nghe vọng bên tai một câu, vài câu như nhắc nhở, như thúc giục tôi đừng quay đầu lại…
Và cuối cùng, tôi cũng đến nơi muốn đến, nơi những người con trai của cha mẹ tôi đang gắn bó, đang “ca tụng” nó: bãi vàng Tân An, Na Rì, Bắc Cạn!
Nếu ai đã từng đến đây một lần thôi, chắc chắn sẽ mất đi cái dũng khí xa quê lần nữa, nếu lần thứ hai không phải là vì không có lối thoát!
Sau một ngày dài mệt nhoài, người lúc nào cũng lâng lâng, chao đảo, tôi ngủ gà, ngủ gật suốt dọc đường. Thi thoảng những âm thanh vọng ra từ đâu đó bên bìa rừng lọt vào tai tôi. Đó là tiếng suối chảy róc rách, tiếng chim lích rích, tiếng gió rồi tiếng người...Tất cả trộn vào nhau như một bản hòa tấu bị lỗi khiến cho người nghe liên tục bị rơi vào cảm giác cụt hứng. Thi thoảng, trong cơn mệt mỏi, tôi vẫn thấy lòng mình chùng xuống, thảnh thơi khi nghe tiếng chim ca. Tôi có cảm giác giống như nơi đây là góc vườn nhà và tôi đã từng đứng đó nhìn ngắm những chú chim chuyền cành mỗi ban mai. Thi thoảng, tôi lại thấy bồn chồn, thấy hẫng hụt khi nghe tiếng suối chảy, giống như nơi đây, tôi từng chờ đợi một người hẹn rồi không đến...Thì ra, tôi lãng mạn ngay cả lúc người ta bận tâm nhất. Không, cũng chưa hẳn như vậy nhưng có lẽ lý do chính là nếu như tôi nghĩ ngợi, chắc chắn cũng chẳng nghĩ được gì lúc này.
Tôi đang miên man thì có tiếng ai đó reo lên, giọng mừng rỡ như người đi xa lâu ngày trở về nhìn thấy cổng làng mình: “Tới Tân An rồi, tới Tân An rồi bà con ơi!” Nghe tiếng reo của người đó, tôi mới bừng tỉnh nhìn trời đất và núi rừng qua ô cửa kính. Bầu trời mà tôi đang thấy cũng lạ lùng thay: xanh trong leo lẻo không gợn mây nào mà vẫn thấp tè, chật hẹp!
Một chặng đường gập ghềnh, khúc khuỷu cùng bao nhiêu bộn bề đã bỏ lại sau lưng. Trước mắt, những gì tôi nhìn thấy đều rất lạ. Trong  mắt tôi, rừng và núi trùng trùng, điệp điệp, màu xanh bạt ngàn của các loại cây cối ngút mắt, vô tận như đang thu nhỏ lại. Khung cảnh rừng núi vùng cao chỗ hoang vắng, chỗ mộng mơ cứ thế nối tiếp nhau, đan vào nhau giống như đang diễn lại các loại tâm trạng trong lòng tôi vậy….
Đây là vùng vàng sao? Cả một vùng đất trước mắt tôi hoang tàn, ao hố thấp cao, cây cối nghiêng ngả, nhà cửa sơ sài. Bản xóm lưa thưa nhà, lưa thưa người, im ắng như vùng tản cư. Một vài người rồi một đoàn người, họ đi đường, dáng vẻ lầm lũi, thấy xe ô tô, họ ngơ ngác nhìn. Từ động tác tránh xe cũng có vẻ vụng về. Họ nhắc nhau, họ kéo tay nhau dạt vào rìa đường. Những bộ trang phục mà họ mặc là những sản phẩm do chính tay họ làm. Chiếc gùi hay chiếc túi họ mang theo kia cũng vậy.  Dáng vẻ, hình thức bên ngoài của họ giản đơn, mộc mạc quá, có lẽ còn mộc hơn rất nhiều so với những người nông dân đồng chua, nước mặn, lam lũ ở quê tôi..
Sống trên vàng mà người dân ở đây không có gì thể hiện sự giàu có và sang trọng cả. Không biết từ bao đời, ông cha họ gắn bó với vùng đất này, sinh sống, săn bắn, trồng trọt…Nếu không có những người dân miền xuôi kéo nhau lên thì chốn này chắc còn hoang sơ, im ắng lắm. Nghe nói, họ chỉ biết vô tư trồng cấy trên tầng đất mặt mà không biết bên dưới là lớp sa khoáng có vàng. Gần chân núi, nhà ở của thổ dân là những ngôi nhà sàn mang dáng vẻ cổ kính, mái ngói đỏ sậm, gỗ ván xung quanh cũng bạc màu mưa nắng. Những nếp nhà trong bản người Tày na ná giống nhau, không có sự khác biệt. Nhìn những ngôi nhà được ghép bằng gỗ chắc chắn hơn một chút, kín đáo hơn một chút, người ta đoán rằng, đó là nhà của gia đình có cước sắc trong bản. Những lối ngõ đi vào nhà khác hẳn với ngõ đường miền xuôi, hầu như ngõ nhà nào cũng tuềnh toàng, chỉ như lối đi vào vườn. Đa số dưới sàn mỗi ngôi nhà là nơi dùng để nhốt lợn, gà và một số gia súc khác. Xa nơi họ ở vài trăm mét là những chuồng trâu được ghép ván quay xung quanh rất đơn sơ. Nhà nào cũng có một đàn trâu, con nào con nấy béo tròn, da đen bóng. Người Tày đeo mõ vào cổ trâu, phòng khi trâu lạc, họ theo tiếng mõ mà tìm. Lúc còn đi học, tôi cũng đọc ở đâu đó những đàn trâu rừng đeo mõ, mỗi khi cả đàn đi về, tiếng mõ khua lộc cộc, lộc cộc. Tôi hình dung, tôi tưởng tượng ra một đàn trâu trong cổ tích. Khi trâu lạc rừng, cũng theo tiếng mõ ấy, người ta tìm được trâu về. Không như ở miền xuôi, cỏ bờ trơ trụi, trâu bò cũng khó nhọc tìm ăn phải nhờ đến chủ cắt cỏ, phơi rơm, trâu ở đây từng đàn vào rừng, cỏ cây ngút ngàn. Còn hai bên đường là những lán bán hàng, tất cả đều đơn sơ, tạm bợ, xung quanh là tre, nứa, cót ép và lá cọ. Gần khu vực họp chợ, người dưới xuôi rủ nhau lên đây buôn bán, họ làm những chiếc lán nhỏ ghép ván hoặc tre luồng. Lán nọ, lán kia san sát không hề có khoảng cách, mùa đông khô hanh có lẽ chỉ đơn giản là một mồi lửa cũng có thể xóa sổ cả một vùng đất rộng lớn này.
Đến chợ Tân An, một chiếc xe U-oát chờ sẵn. Thinh mắm hất cằm về phía chiếc xe và nói với tôi:
- Xe của anh Hai đó. Tôi thoáng ngỡ ngàng. Anh về thăm cha mẹ thường đi chiếc xe 350, chưa thấy anh đi U- oát bao giờ. Có lẽ anh sợ cha mẹ tra hỏi nhiều bởi với họ, chiếc ô tô lúc đó là tài sản xa xỉ.
Từ ngày anh bỏ quân ngũ ra ngoài, sống giữa bãi vàng này, mẹ cha tôi hầu như không lúc nào ngon giấc. Khi anh còn học cấp hai, anh đã nổi tiếng thông minh, và..nghịch. Trong mắt tôi, anh trai tôi là một anh hùng, anh rất dũng cảm, chưa khi nào tôi thấy anh run rẩy, sợ hãi cả. Mỗi khi tôi ra đường, có đứa trẻ nào trêu chọc tôi, anh tôi đều bênh vực rồi nổi cơn thịnh nộ. Tôi nhớ có lần, một anh lớp trên thấy tôi có chiếc hộp bút rất xinh, hỏi mượn xem rồi cho ngay vào túi của anh ấy, vênh váo nói:
- Gọi anh mày tới đây, tao trả.
Anh tôi đến, lúc đó anh kia lớn hơn anh tôi cả cái đầu. Nhưng, anh Hai không nói, không rằng xông thẳng tới, đấm một quả trời giáng vào mắt hắn.
… Cậu lái xe của anh tôi bước xuống săn đón, cắt ngang dòng hồi ức của tôi:
- Say xe không em ơi? Mệt lắm hả, em đã ăn gì chưa, có cần nghỉ chút không?. Anh ta hỏi dồn dập khiến tôi không biết trả lời câu nào trước, câu nào sau nữa.  Tôi ra hiệu cho nghỉ chút rồi lững thững đi vòng sang một con đường nhỏ nhìn dòng suối róc rách chảy. Có một chút thư thái và một hơi thở dễ chịu vừa chợt đến. Tôi lặng nhìn cảnh vật xung quanh, có vài khóm ràng ràng, vài bụi cây nổ rang lẫn vào trong đám cây rừng um tùm kia. Mắt tôi dừng lại một hồi bên khóm cây nổ rang. Tôi nhớ bà nội vẫn tuốt lá nổ rang kho cá cờ, cá diếc bén nồi ăn rất thơm và rất bùi. Tôi bỗng thấy tất cả cảnh vật trước mắt đều như lạ nhưng lại có chút gì đó như đã từng quen.
Có tiếng ồn ào, xì xào, cáu bẳn rồi tiếng văng tục vọng ra từ một chiếc lán bên đường. Nhìn vào đó, tôi thấy rất đông thanh niên, râu ria lởm chởm, mặt mày bạc phếch, hình như cả đêm qua họ không ngủ. Tôi không biết họ đang làm gì nhưng nhìn họ, có vẻ là một nhóm tụ tập, đàn đúm tạp nham. Nhìn thấy tôi, họ không ồn ào nữa, nhóm thanh niên im bặt một thoáng rồi ngó ra lao nhao trêu chọc:
- Em ở đâu mới đến thế. Em xinh quá cơ. Nhưng sao em mỏng như trăng đầu tháng vậy. Vào đây các anh vỗ cho béo.. Rồi họ cười sằng sặc. Nhìn những bộ mặt những râu ria, xăm trổ đầy người thật ghê sợ (những năm đầu của thập kỷ chín mươi, hình ảnh đó còn hiếm thấy). Tôi không nói gì, chỉ nhìn họ. Bỗng một người ra dáng đàn anh nhất bước ra khỏi nơi tụ tập với một cốc rượu trên tay, ngả nghiêng bước lại đưa cốc rượu sát miệng tôi:
- Uống với anh mày một cốc đi.
Tôi lùi lại, không hiểu sao lúc đó tôi không thấy sợ, chỉ là cảm giác khó chịu và thật lòng, một ý nghĩ như thói quen chợt đến trong đầu tôi: “anh sắp sửa bị ăn đòn đến nơi mà không biết”. Mặt hắn vẫn câng câng, một cái nhếch mép đến là đáng ghét. Tôi vẫn chẳng nói gì. Hắn lừ đừ sáp lại gần rồi bất giác dốc hết chén rượu lên người tôi:
- Con này, sao mày dám nhìn bố kiểu đó hả?.
Ai cũng nói, tôi có nét mặt rầu rầu không lúc nào tươi. Có lẽ vì nét mặt u sầu đó nên trông tôi khá hiền lành. Thói đời ma dể tùy mặt, vì thế nên anh ta bắt nạt tôi chăng? Hay vì hắn đã quá quen với tất cả các gương mặt ở địa bàn này? Cũng có khi hắn tưởng tôi là con bò lạc ở đâu lạc đến và “bắt nạt” là nghề của hắn..
Nghe hắn to tiếng buông tục, chửi thề, lúc này lái xe của anh tôi mới để ý. Anh ta bước xuống xe và ngay lập tức, cậu kia run bần bật và đến trước mặt tôi, điệu bộ thảm hại. Anh ta khúm núm chắp tay và nói với tôi:
- Xin cô, xin lỗi cô, em không biết cô.
Hắn xưng hô làm tôi phát ngượng vì chí ít, hắn cũng lớn hơn tôi tới năm tuổi. Tôi nhìn hắn, hình như hắn giống ai đó ở làng tôi. Tôi chợt thấy cần bỏ qua cho hắn hay cần bảo vệ hắn, không biết nữa. Lúc trước, mới cách đó vài phút, tôi đã định giơ tay đấm vào mặt hắn để cảnh cáo thói càn rỡ nhưng lúc này, tôi không còn cơn giận mà thấy hắn rất tội nghiệp. Đám người nhốn nháo kia, người ngó nhìn, người lảng đi, không ai góp một câu nào. Một vài người đi qua đó cũng thản nhiên, thậm chỉ chẳng ai thèm ngoái lại. Có tiếng ai đó xậm xụi:
- Em gái ông Hai mặt ma đó. Tiểu thư ông ấy quý hơn Ru- bi, phen này có kịch hay xem rồi. Một cậu trạc tuổi em trai tôi đi vòng ra sau nói đổng giọng cụ non:
- Gặp đại hạn rồi đại ca ơi. Ra biển mới biết mặt nhau chứ trong đầm ai biết ai bơi giỏi. Trong khẩu khí của cậu ta, như chứa một chút giễu cợt, như pha một chút đắc chí vì được dịp ném trả điều gì cay cú trong lòng từ bấy lâu nay. Tôi ngỡ ngàng từng lúc và dần hiểu ra, anh tôi là người uy lực một vùng. Điều này cha mẹ tôi ở nhà không hề biết.
Tôi lên xe về chỗ anh, tưởng mọi chuyện như thế là xong nhưng sau này nghe chị bán hàng ở ngã ba kể lại tôi mới biết, ngay trong chiều hôm đó, cậu kia bị đưa ra giữa ngã ba nhận một trận đòn đậm đà. Cậu ấy không phải là người duy nhất nhưng là người đầu tiên ăn đòn vì dám trêu tôi. Trong những ngày tôi sống ở bãi vàng, không biết bao lần, bao người khác bị ăn đòn vì những lý do tương tự. Những người xa lạ, dân đến bãi vàng này, không ai biết được, với anh tôi, tôi như báu vật. Từ nhỏ, tôi như một con bệnh, sống ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Những ngày tháng bố công tác miền Nam biền biệt, mẹ và bà tần tảo vất vả mỗi ngày lo kiếm cho anh em tôi từng bữa cơm đạm bạc với thức ăn là cua, cá dưới sông. Các anh em tôi có thế vẫn phải ăn cơm độn sắn khoai như mọi đứa trẻ của các gia đình trong làng nhưng tôi thì khác, một mình, một chế độ mà không ai dám ganh. Họ thi thoảng chỉ lấm lét nhìn trộm bát cơm của tôi rồi quay đi..chấp nhận.
Trưa nắng chang, suốt chặng đường dài đầy hố voi, ổ gà. Những người trên xe bị xóc quăng lên, quật xuống, trông ai cũng rệu rã nhưng có lẽ không ai mệt mỏi như tôi  Bước xuống xe, tôi chao đảo không thể bước thêm được nữa. Mắt tôi hoa lên, đầu đau choáng váng. Vừa kịp nhìn thấy anh trai từ trong lán bước ra, chỉ một thoáng, chưa kịp chào, hình như mắt tôi cay và tôi xỉu đi. Trước khi bất tỉnh, tôi vẫn biết, anh tôi nhao về phía tôi…
Khi tỉnh dậy, tôi thấy các anh tôi, em tôi cùng anh bác sĩ và mấy người nữa đang xì xào bên cạnh. Họ nói những gì đó rất nhiều, những hiện tượng, những dự đoán về sức khỏe của tôi trong những ngày tiếp theo. Anh tôi lo lắng hỏi bác sĩ, hình như lúc đó anh muốn đưa tôi xuống bệnh viện Thái Nguyên. Ở đây, mặc dù anh có thể cho tôi nhiều thứ nhưng mọi phương tiện y tế không được chu đáo như ở thành phố, đường đi lại rất khó khăn. Thứ mà anh không an tâm, không đảm bảo được đó chính là tinh thần và sức khỏe của tôi. Như biết được điều anh tôi trăn trở, anh bác sĩ giảng giải:
- Lát nữa cô ấy sẽ ổn, không sao cả, chỉ vì cơ thể suy nhược thôi. Đường đi vất vả, tâm lý lo âu..tất cả là lý do. Chỉ sợ là mấy ngày nữa, cô ấy sẽ sốt rét, khó tránh khỏi lắm. Hình như anh ta rất có kinh nghiệm chuẩn đoán
- Hay anh ở lại đây đi, kiếm gì anh em mình nhâm nhi. Anh về lát nữa cô ấy lại xỉu thì nguy lắm. Anh tôi nói với bác sĩ.
Anh bác sĩ có một chiếc lán riêng, rộng rãi ở bên kia bờ suối, đó gần như là bác sĩ riêng của các đại ca ở đây. Trưa đó, tôi ăn cơm cùng họ. Anh tôi nói:
- Anh Bảo là bác sĩ giỏi ở Hà Nội lên đây đã mấy năm rồi, anh em thân tình cả, em cần gì cứ nói với anh ấy. Anh còn nói với bác sĩ:
- Sức khỏe của em tôi thuộc dạng sức khỏe ăn đong nên tôi rất lo lắng. Đưa cô ấy lên đây, tôi chỉ kinh sốt rét nó không chịu được.
Anh bác sĩ nói anh tôi an tâm vì chỉ cần bồi dưỡng và dùng thuốc an thần tôi sẽ khỏe. Có vài ông bưởng trưởng cũng được mời tới nhậu. Họ còn nói những gì nữa rồi lai rai sang đến buổi chiều. Tôi ngồi một lát rồi vùi vào giấc ngủ li bì. Lúc tôi tỉnh dậy cũng là lúc hoàng hôn xuống. Trời gần tối. Bước ra khỏi lán, tôi nhìn ra xung quanh. Phía sau lán của anh tôi là đồi đất cây cối um tùm. Nếu không có mặt trời, tôi không thể nhận ra phương hướng. Một vệt nắng chiều trùm lên khóm tre già vàng óng rồi rải xuống con suối trước mặt, hoàng hôn ở đây vô cùng tĩnh lặng. Tôi nhớ về nhà, lòng như trĩu xuống!
Lán của anh Hai nằm sát bên đường lớn, phía sau là đồi cây. Lán của anh có lẽ cao, rộng và đẹp nhất khu đó. Những chiếc lán của các bưởng nuôi quân chật hẹp, đơn sơ và thấp hơn. Qua con đường, phía bên kia là dòng suối rộng, nước chảy hiền hoà, trong veo. Trong lán, anh đặt máy sản xuất kem, đá và máy phát điện. Buổi tối đầu tiên, anh Hai giảng giải cho tôi những điều cần thiết. Anh giáo huấn tôi về cách ứng xử với xung quanh:
- Ở đây không nên giao tiếp nhiều, mình biết mình thôi, ai làm gì mặc họ. Muốn đi đâu bảo lái xe, em không được đi một mình đâu đấy.
- Anh có bốn cái lán. Còn ba cái nữa bên làng Tời mai chúng mày đưa cô ấy sang thăm.
Anh quay sang nói với mấy cậu thanh niên làm thuê … Anh còn nói gì nữa, nhiều lắm, nhưng mắt tôi díp lại, tai nghe tào phào. Hình như anh hỏi tôi có cần người phục vụ không? Có định ở lại lâu khổng?..Tôi cảm thấy rất muốn ngủ. Thế nhưng, khi những người làm chuẩn bị phòng ngủ cho tôi xong, tôi lại trằn trọc không thể nào chợp mắt. Tôi mở to đôi mắt để nhìn lên mái nhà, lòng buồn lạ lùng. Thi thoảng tiếng tắc kè trên núi cao vọng xuống nghe hoang vắng. Thời tiết ở đây thật lạ, ngày nóng nực nhưng đêm phải đắp chăn, có lẽ do ảnh hưởng của độ cao ở đây.
Sáng sớm hôm sau tỉnh dậy tôi đã thấy tiếng cười cười nói nói xôn xao. Họ gánh, họ gùi đủ thứ đi bán. Hòa cùng dòng người ấy tôi đi đến chợ. Người giúp việc của anh – một cậu thanh niên trạc tuổi tôi -  đưa tôi đi, chỉ dẫn cho tôi vài điều và giới thiệu tôi với mọi người. Qua ánh mắt họ nhìn và chào hỏi, tôi cảm nhận được sự quan trọng của anh tôi đối với họ. Họ có vẻ vừa sợ, vừa nể anh ấy. Ngay từ khi đến bến xe Thái Nguyên, theo chỉ dẫn của Thịnh Mắm, tôi lên một chiếc xe tải chở đủ loại hàng hóa, cả lợn, gà nữa. Những người dân buôn, họ ngồi cả trên thùng xe, đa số dân Kim Sơn, Hải Dương. Khi lên xe, tôi lặng lẽ ngồi im trong góc khuất. Chẳng nói, chẳng rằng. Những người trên thùng xe trò chuyện rôm rả, nói tục, chửi thề…Khẩu khí của dân buôn cứ nối dài, nối dài, có chuyện tôi hiểu, có chuyện thì không. Nhưng suốt chặng đường dài, chỉ có tiếng thở dài rất khẽ, chẳng ai để ý đến tôi cả. Đến cây số Sáu Hai, xe dừng lại nghỉ, mọi người cũng xuống theo. Quán bên đường đơn sơ với mì tôm, trứng vịt và bánh kẹo gia công. Chủ quán là hai ông bà già và hai cô con gái, nghe cánh lái xe kháo, các cô ấy đều đã có con mà không có chồng. Nhìn họ rất đẹp. Các cô ấy đều nói rất giỏi tiếng Tày, Nùng, ứng xử cũng rất khéo léo. Cánh lái xe và những tay đầu cánh có vẻ rất khệnh, rất nghênh ngang. Vào quán rồi, người gọi điếu cày, người kêu nước, thuốc. Các cụ lại gọi chuyền cho con gái mang ra. Các cô nhanh nhẹn, mắt cười, miệng dạ, tay mang. Đem đồ đến nơi, có anh kéo tay họ, có anh vuốt má, quờ tay sờ soạng họ. Một anh tài xế của đoàn xe khác đứng dậy lả lơi quàng tay qua ngực cô chị giọng lè nhè:
- Cả tuần qua không ngược, nhớ cưng quá đi thôi. Cô gái liếc xéo:
- Chỉ được cái giỏi xạo. Nhớ thì dừng xe luôn đi, khốn nhưng sợ sư tử.
Anh kia vẫn cười giả lả, bàn tay cử động công khai, tự nhiên như quanh đó không có ai.. Sống trong môi trường êm ả, trí thức, lần đầu tiên tôi nhìn thấy những cảnh này, cảm thấy rất ngượng ngùng, cũng cảm thấy như hai cô gái đang bị những “thượng đế” kia xúc phạm. Đó là cảm nhận của tôi. Còn họ, họ vẫn thế: nói cười hể hả, động tác mềm mại, thân mật, tuyệt vô không một chút cau mày hay xẵng giọng. Dường như họ còn vui về những gì đang diễn ra với họ. Tôi nhìn quanh quán, chẳng có gì tôi có thể ăn nhưng không thể không ăn, nghe đâu đường còn dài lắm, chặng tiếp theo sẽ chẳng có gì ngoài heo hút núi với cây rừng. Khi cô em qua chỗ tôi, tôi dè dặt gọi bát mì tôm. Một lát sau, cô gái quay ra, tay bưng bát mì tôm, tay dắt theo đứa nhỏ, áo quần thốc thếch. Khác với mẹ, mặt mũi đứa bé lem nhem, mũi dãi chảy dài, nước mắt nhòe nhoẹt. Chắc bé vừa ngủ dậy. Lúc này, cô không còn cười bằng mắt với tôi nữa… Lúc nhỏ, tôi vẫn nghe ông ngoại nói điều này: “Là con gái đã đẹp rồi thì không nên giỏi. Đã giỏi thì xấu chút không sao. Được cả hai thì trời đất không thương”. Nhìn các cô, tôi cũng không biết các cô đang là những người bất hạnh hay là những người viên nguyện. Không, có lẽ tôi nên nghĩ cho đúng: họ là những người sống theo bản năng và biết chấp nhận hoàn cảnh. Đúng, nên nghĩ vậy vì ít ra tôi cũng là đàn bà, tôi thông cảm, đồng cảm với họ trong giới hạn khung cảnh mà tôi thấy được.Trong lúc ăn uống, không biết Thịnh Mắm nói gì mà đội lái xe đến bên tôi vồn vã: “Em là em anh Hai hả? Lát nữa lên ca bin ngồi nhé cho đỡ xóc”. Mấy cậu bé người Tày đi rừng về qua đó, mỗi đứa đeo một chiếc giỏ thật to, ngấp nghến nhìn chúng tôi. Đôi mắt dò xét. Nhìn đứa nào cũng rất hiền lành, muốn bắt chuyện cùng chúng quá mà khó quá, có vẻ bon nhỏ rất nhát. Chúng nói với nhau bằng tiếng Tày, cùng nhau lảng đi cười rúc rích. Câu đầu tiên trong ngôn ngữ của người Tày mà bọn nhỏ nói, tôi nhớ được khi chúng qua hàng quà là “mí mì chèn”. Sau này tôi mới biết là chúng “không có tiền”. Nếu biết chúng muốn ăn, tôi đã mua tặng chúng vì nhìn thấy ánh mắt chúng, tôi cũng hiểu được chúng đi rừng về đang đói. Cho đến khi xe chuyển bánh, thực hiện tiếp hành trình, tôi mới nhận ra, những người trên xe đã thân thiện hơn với tôi. Họ ngồi thu lại cho tôi ngồi. Họ hỏi tôi đủ thứ chuyện, cả chuyện tôi không muốn trả lời, họ vẫn tò mò…
Cảnh chợ hôm nay thật nhộn nhịp khác hẳn với hôm qua. Tôi thấy choáng ngợp trước cảnh chợ vùng cao. Quần áo đủ sắc màu, người Mán, người Tày, người Kinh… cùng giao lưu, buôn bán. Tôi chợt nhớ đến cảnh chợ quê tôi. Ở đó cũng có người bán, người mua lao xao, bận rộn. Ở đó tôi gặp bạn bè, gặp những người thân và gặp không khí quen thuộc của chợ quê mình…Ôi, mới ở làng đi mà sao tôi đã nhớ thế, nhớ đến vô cùng!
Nghỉ trưa xong, tôi theo những người cửu vạn sang làng Tời. Họ sống ở đó, trong những lán trại tạm bợ đơn sơ, giữa những ao hố lổm nhổm đất đá. Những giếng nước là những hố đào sâu và gác những tấm ván ngang qua để bước ra múc nước. Nếu gặp những ngày mưa thì không thể kể hết sự vất vả của người lao động. Đất dẻo quánh dính bết vào người và dụng cụ, di chuyển một bước là một bước khó khăn. Cả thung lũng Tân An này trước kia là ruộng của người Tày, người Mán nay họ bán lại cho các bưởng với giá một cây vàng/ sào. Những người không muốn bán ruộng cũng không thể giữ lại vì qua quá trình khai thác những sào ruộng bên cạnh được đào sâu khoảng mười lăm, hai mươi mét. Đất xung quanh sẽ bị lở hàng loạt. Tự họ không có khả năng khai thác nên cũng buộc phải bán theo làng. Khắp làng Tời, làng Mán đều có điện thắp sáng thay bằng đèn dầu. Những người qua đây mỗi người một vẻ. Những kẻ làm thuê “cửu vạn” đi đứng khép lép kém tự tin. Còn bưởng và đầu cánh, họ nghênh ngang khác hẳn. Họ không sợ ai, chỉ sợ đầu gấu.
Đầu gấu, họ là ai? Đó là những kẻ không sợ chết, những kẻ vô tình để người khác chứng kiến cái oai khác người, những kẻ liều lĩnh, thậm chí cả những con nghiện chưa đến hồi giặt giẹo. Nói chung, nhiều loại đầu gấu. Điều đó đồng nghĩa với việc bãi vàng là hình ảnh một xã hội ô hợp nhất. Nhiều lúc phải đi qua cầu, cầu được ghép bằng hai, ba cây luồng nếu ai không quen sẽ không dám đi qua vì ở dưới rất sâu. Vàng khai thác lên còn lẫn với các hợp chất khác, người ta phải cho vào những ống bơ hơ lửa và thổi hợp chất khác bay đi còn vàng nặng hơn thì ở lại. Những vẩy vàng như những mày ngô, rất mỏng. Nghe nói chỉ có vàng trên hang núi mới có những hạt lớn vì trải qua những biến động của trái đất thì những vảy vàng nhỏ trôi xuống sông, suối. Nếu khai thác ở sông hoặc suối thì họ phải đóng bè để lấy sa từ độ sâu mươi, mười lăm mét hoặc sâu hơn nữa, công việc đó rất nguy hiểm, đất có thể vùi lấp họ bất kì lúc nào. Nói chung lấy được đất sa lên họ phải mất nhiều công và công ấy đổ lên đầu cửu vạn. Cuộc sống của họ thật cơ cực, một ngày họ phải làm việc đến mười hai tiếng, lương tháng được vài trăm  nếu chủ làm ăn được. Rất nhiều trường hợp vài năm làm cửu vạn chẳng được một xu. Họ lấy đủ cớ để trừ lương. ốm trừ lương, nghỉ lao trừ lương, cãi nhau trừ lương… Các chủ bưởng chỉ cần đón được người lên bãi vàng. Đến đây rồi, hợp đồng về ngày tháng và tiền lương không có giá trị gì hết, chưa kể trái ý họ là bị đánh đập dã man. Khi họ hiểu được bộ mặt thật của chủ thì trở đi mắc núi trở lại mắc sông. Họ làm việc quần quật, ngày gánh khoảng ba trăm gánh sa qua vai, chỉ biết ăn những bữa ăn đạm bạc (không có tuổi gì để rượu bia, trai gái - nói như giọng một đầu cánh).
Những người cửu vạn, họ đủ các thành phần; từ những cô cậu học sinh cấp hai đến những ông già đã ngoài sáu mươi tuổi. Hằng ngày tôi vẫn thấy những ông già gánh bao nhiêu gánh sa khoáng trên vai, mệt không dám nghỉ. Muốn hút điếu thuốc cũng phải xin chủ một cách lễ phép: “Anh cho em xin điếu thuốc”, mặc dù ông chủ chỉ bằng tuổi con cháu. Những cô cậu bé kia đến đây cũng với nhiều lí do khác nhau. Có đứa do hoàn cảnh khó khăn phải bươn bả làm thuê giúp cha mẹ lo cho em nhỏ. Có đứa do cha mẹ muốn cho ra ngoài xã hội lao động và tự lập… Họ không biết được thực ra con của họ phải chịu những gì. Nhìn những thúng đất quá nặng nề chúng đội trên đầu, ai cũng phải xót xa, ái ngại. Bàn chân lập cập mà chúng bước trên cầu như sắp khụy xuống những vẫn phải bước nhanh - nếu không sẽ cản trở người đi sau. Mà đã cản thì họ bước lên chứ ở đây không có chuyện nhường đường. Không biết bố mẹ ở quê có nhận ra chúng trong bộ dạng này không? Chắc là không! Nếu phải chứng kiến thì e rằng cả đời họ sẽ không tha thứ cho mình về việc để con mình tới bãi vàng. Tôi thấy thương họ nhưng không biết làm gì. Nói chung, lao động là nghĩa vụ, là niềm vui nếu đó là lao động chân chính. Còn ở đây lao động như một cực hình khiến cho người lao động cảm thấy bị bóc lột sức lao động. Ở nơi đây, gần như người lao động chẳng có một chút tự do và quyền lợi gì hết. Tên gọi chung của họ là: cửu vạn.
Việc đầu tiên mà tôi làm là mang đá từ máy sang làng Tời, nơi những người làm cho anh tôi đang khát,(thực ra, có cửu vạn, tôi không phải mang vác gì mà chỉ đi cùng họ). Tôi phải đi qua bãi sỏi, đá cuội và con suối nước trong suốt. Sỏi và đá cuội ở đây đẹp tuyệt vời nhưng chẳng ai để mắt tới. Thời gian đâu? Tâm hồn đâu? Chỉ có tôi ngốc nghếch, cứ bâng khuâng vừa lội vừa nhìn.
Khi mang thùng đá qua nơi những người làm vàng - nắng nóng làm cho đá và cây kem trở nên quý giá. Những người cửu vạn nhìn tôi, nhìn thùng đá nhưng không dám xin, mua thì không tiền. Tôi nhìn chợt thấy xót xa cho cơn khát của họ. Tôi cho một thằng bé chiếc kem vì thấy đôi mắt nó nhìn chăm chăm, miệng thì tóp tép, thế là tất cả họ lao nhao xin. Tôi đã ra lệnh cho cửu vạn đặt thùng kem xuống cho một que, hai, ba que và cho hết cả thùng. Họ ăn thật nhanh vưà ăn vừa giục nhau để ý canh chừng bưởng. Nhìn cả động tác họ ăn chiếc kem tôi cũng cảm thấy xót lòng. Khi tôi quay lại bảo lấy thêm thùng khác, mấy người làm cho anh Hai hỏi cửu vạn:
- Sao đi nhanh thế, đứa nào chấn phải không? Họ yêu cầu tôi dẫn họ ra nhưng tôi giải thích rằng họ khát và tôi cho. Cậu thợ máy nói:
- Nếu cứ cho những người khát ở đây thì có thêm vài máy nữa cũng không đủ. Rồi cậu quay sang gọi người khác:
- Mày đem đá sang làng Tời đi. Không biết buổi tối cậu nói gì mà tất cả mọi người góp ý nên cho tôi đi thu tiền điện hoặc mở quán bán gì đó cho vui, còn việc mang đồ sang làng Tời để người khác làm. Không sao, vì tôi cũng không muốn qua đó nữa - tôi sợ những vẻ mặt và ánh mắt của họ. Chiều nay, nhìn một thằng bé đáng tuổi học sinh cấp hai, nó nhìn tôi, đôi mắt lấm lét, tôi thấy nó nuốt nước bọt và tự nhiên trong tôi có một cơn khát đến cháy lòng!
Nửa đêm, tôi chợt thức giấc. Mưa! Từng giọt mưa tí tách rơi trên lớp lá cọ. Đêm càng lạnh hơn. Tôi miên man suy nghĩ, hình như thế nhưng cuối cùng, tôi không nghĩ được gì. Tuy vậy, sau mỗi lần miên man đó, tôi lại thấy lòng mình như có một cơn đau, âm ỷ và dai dẳng…
Bản lĩnh - cái đó không phải ai cũng có. Muốn tồn tại ở đất này: những ông chủ, bà chủ nhiều khi cũng phải chấp nhận nuôi không những ông đầu cánh ngang tàn, nghiện ngập. Đội quân ấy khi cần sẽ lao ra đỡ đòn cho chủ. Và mỗi khi như vậy tất cả bọn họ đều cay đắng như nhau. Ngày thứ ba, sáng vừa ngủ dậy, tôi đã nghe những tiếng la lối om sòm, tiếng lê, mác, cuốc xẻng cùng tiếng chân người dồn dập. Thì ra họ tranh đất của nhau. Một thằng đầu cánh cầm dao phay chém sạt một phần đầu và bay một tai của đầu cánh bưởng bên. Tôi nhìn thấy cảnh tượng ấy ngay trước mắt mình. Tiếng thét kinh hoàng, máu me tung tóe. Hãi hùng! Chỉ đến khi những người chịu trách nhiệm về an ninh tới bắn lên trời vài phát súng đanh chát thị im lặng mới trở lại. Trong những lúc đứng mũi, chịu sào như thế, đầu cánh là người phải chìa mặt ra thôi. Và mỗi lần như vậy, họ ước làm cửu còn hơn. Ước ao - điều đó là vô cùng với họ. Tại sao, cũng là dân lao động, cũng là cảnh làm thuê, người ta vì cái gì mà không thắng nổi chuyện “đưa chân”, không biết bảo vệ nhau thay vì nhằm vào nhau mà đánh chém? Tại sao? Tôi lo âu, tôi đau lòng cho họ. Những trụ cột gia đình kia, ở nhà, chắc hẳn cũng có người thân, cha mẹ họ, vợ con họ mỗi ngày đang chờ đợi họ về để rồi cùng nhau bao thứ chuyện lo toan với những đồng lương cửu vạn!
Đến đây tôi mới thấm thía được hết hậu quả tai hại của sự bồng bột. Tiếng tắc kè trên trên núi cao vẫn vọng xuống nghe buồn hoang vắng. Tôi chợt thấy nhớ nhung tất cả. Nhớ cha mẹ, nhớ bạn bè, nhớ trường làng, nhớ bọn học sinh. Mỗi khi qua trường của người Tày, nghe trẻ con ê a, tôi không thể đi thêm được nữa. Tôi thường đứng ngẩn ngơ trước cửa lớp học. Thi thoảng, có vài người nhìn tôi như dò xét, như thương cảm điều gì đó. Tôi nhớ nhiều lắm. Tôi nhớ cả những người đã toan tính với tôi. Mẹ chồng tôi rất tốt, nhưng chỉ tốt với riêng tôi, còn người ngoài, bà rất lạnh lùng.. Về nhà chồng, tôi không biết làm một việc gì hết.
Các cô, các chị lúc đầu hậm hực nhưng bố chồng, anh chồng thì nói: “Mọi người thích ăn ngon, đi mà nấu. Nó học xong, đã cưới ngay về nhà mình, thời gian đâu mà học nấu”.. Sau một thời gian họ huấn luyện tôi, nhưng vẫn thế, tôi làm không được.. Với tôi, họ bao giờ cũng là những người thân yêu. Nhớ về mọi chuyện, tôi thấy buồn. Tôi nhận ra mình cô độc quá! Tôi thấy mình thật đáng ghét, thật ủy mị. Biết thế nhưng không có dũng khí vượt lên. Tôi đứng bên dòng suối, nhìn trân trối vào đêm đen. Tôi nghĩ thật nhiều, thật nung nấu nhưng thật ra không nghĩ được gì. Bạn bè, người thân….tôi không chia sẻ cùng ai được. Chính vì thế mà khổ đau mới nhân lên!
Rồi theo giấc ngủ, tất cả cũng tạm thời nhạt nhòa. Sáng dậy, tôi thường lang thang ra lũng ngắm rừng chuối nở hoa đỏ tươi rực rỡ. Nghe tiếng chim lích rích hồn nhiên mà thấy lòng nhẹ nhàng, một sự nhẹ nhàng trống rỗng. Không buồn vui cũng chẳng giận hờn. Dòng suối dưới chân tôi vẫn đang mải miết chảy về đâu không rõ. Tôi nhìn bóng mình run rẩy, nhạt nhòa như muốn trôi theo dòng nước mà không thể nào trôi. Tôi đang là một cánh chim lạc loài, đúng thế!
Một khoảng trời xanh, một làn mây trắng, một cánh chim bay ngang… Tôi nhìn thấy những hình ảnh đó từ lòng suối mà chợt thấy lòng mình yên tĩnh đến lạ lùng. Bên cạnh lán của anh tôi, bà cụ Xuyến túc tắc bán hàng khô. Hàng của bà xếp đầy xung quanh nhà chỉ còn lại một chỗ trống đủ để kê một chiếc chõng cho bà nằm. Bà sống một mình không ai chăm sóc. Thi thoảng trái gió, trở trời bà lại kêu đau. Thật là tội nghiệp! Bà thật giống bà Bùn trong xóm chợ nhà tôi, đa thọ đa nhục. Cái khố mỗi người nguồn cơn không như một. Chắc chắn khi nền kinh tế, văn hóa phát triển, sẽ có những trung tâm chăm sóc các cụ già và đó sẽ là việc được cộng đồng quan tâm.
Mỗi buổi sáng trong làng Tời thật nhộn nhịp. Một sự nhộn nhịp lộn xộn, tiếng quát tháo, tiếng quân giật giọng giục giã nhau… động tác của họ thật tất bật. Thỉnh thoảng có tiếng rao hàng của những bà bán xôi, hoa quả và rau. Những người bán hàng ăn sáng nếu không có người đỡ thì rất hay gặp nạn. Họ có thể bán rất chạy và có lãi song cũng có thể bán rất chạy mà lỗ vốn. Người dưới xuôi lên đây bán hàng rong thường là có hoàn cảnh rất khó khăn. Họ theo người làng lên đây làm ăn. Đã đến đây họ đều chấp nhận dở khóc dở cười để mà tồn tại. Chị Hà cũng vậy, chị buôn bán đắt hàng, thu khá nhiều tiền nhưng ngày nào cũng phải nộp cho an ninh. Chị ở tận Thái Bình đến đây. Tôi nhớ một buổi sáng, rất sớm, tôi ra đường chờ chị để mua xôi nhưng chị nói chị đã hết. Nhìn những bước đi lập cập và đôi mắt đỏ hoe của chị, tôi hiểu. Tôi định hỏi chuyện nhưng chị ấy đi như ­trốn chạy và không muốn nói. Thì ra bọn cửu lán bên ăn hiếp chị. Xôi thì cứ đơm la liệt ra và đếm một, hai bát…vô số bát, nhưng đến khi thu tiền thì người này chỉ người kia và thế là chị trở thành người phục vụ không công. Bọn chúng hả hê khoe: sáng nay tụi mình được đại hội. Thế đấy, bị “cá lớn” chèn ép không sao được lại đi chèn ép “cá bé” hơn mình. “Luật rừng” ở đây tầng lớp nào cũng có thể đại diện được. Ở đây mô hình phân hoá giai cấp từ thời trung cổ lặp lại rât rõ nét. Có nhiều lúc không biết thương cho ai và ghét ai nữa. Thật ra những con người trong môi trường này đều đáng thương và đáng ghét như nhau. Những bà bán hàng làm “từ thiện” bất đắc dĩ như vậy không phải là ít. Ngày hôm sau họ chỉ còn cách là bán lối không đi qua đó nữa. Nhưng mà lối khác chắc gì đã an toàn hơn!
Một buổi chiều, trời có vẻ âm u, tôi uể oải buồn. Có một cô gái đi ngang qua, nhìn dáng điệu mệt mỏi và còn buồn bã hơn cả tôi nữa. Cô định ghé vào, định nói gì đó nhưng ngập ngừng một chút lại quay đi. Thấy thế, tôi bước xuống vẫy gọi cô quay lại. Thì ra, cô muốn xin tôi một cốc nước đường. Rồi chỉ một chút thời gian rất ngắn, cô kể cho tôi quê cô ở Hà Tĩnh, mười chín tuổi. Cô đến bãi vàng đã gần năm năm. Trời đất, vậy là đến đây, cô chưa tròn mười lăm tuổi! Rồi cô kể: “Lúc mới đến đây được mười ngày, cực quá vì làm không quen bị cánh đầu chửi mắng thậm tệ. Tối về những ông bưởng tụ tập lại bắt bọn em nấu cháo đêm phục vụ họ, họ còn giở trò sàm sỡ bắt bọn em phải tình cảm với họ. Các bạn em rủ em trốn đi, cũng may là bữa đó em đau bụng không đi cùng họ vì nghe đâu khi bỏ trốn ra quá ngoài chợ họ bị bọn nghiện bắt lại và đem lên hang bán. Anh Tôn xuống chuộc thì họ bị đem đi rồi - không biết giờ họ đang ở đâu nữa”.
Đúng là những kẻ coi thường pháp luật, nhưng ở đây thật trớ trêu, chúng lại là những kẻ đại diện cho ..LUẬT RỪNG, chẳng ai có thể làm gì được chúng cả. Tôi miên man suy nghĩ về chuyện của cô gái. Không biết khi lên hang những cô gái đó gặp những chuyện gì nếu chẳng may họ bị cưỡng hiếp ở tuổi 15-16, nếu chẳng may họ bị sốt rét thì sao đây, các cô gái quê lần đầu đối chọi với cả bầy lang sói, nghiện ngập hỏi sẽ thế nào?
… Bác sĩ Bảo nói tôi có hiện tượng sắp bị sốt rét. Mắt tôi díp lại, đầu nặng trĩu. Người ta đem đến mấy cô gái tầm  tuổi  tôi và kém tôi vài tuổi nhưng điệu bộ già dặn để tôi chọn. Họ nói các cô ấy biết việc, phục vụ tốt. Cô nào nhìn tôi cũng có ý thân thiện. Hình như họ ngầm nói với tôi rằng hãy chọn họ.
Những người cửu vạn hôm nay làm nhà tắm và nhà vệ sinh riêng cho tôi. Ỏ đây, tôi nhìn thấy người ta đi vệ sinh trên đồi, cả đàn ông, đàn bà, lán nào cũng vậy. Lộn xộn, bẩn thỉu. Còn khu anh tôi ở, tất cả đều đầy đủ, dân làm vàng gọi là lán cậu, khu tư lệnh rồi gì gì đó rất nhiều tên.. Nhưng vì toàn đàn ông nên anh phải làm riêng cho tôi.
Tôi cố ngồi dậy, lịch sự tiếp chuyện họ. Tôi hỏi han một số điều đủ để tạo một cuộc hội thoại theo mục đích của tôi. Rồi tôi lấy cớ mệt muốn ngủ và các cô ra ngoài cùng phục vụ nấu nướng. Bữa ấy, họ ăn cơm ở lán của anh cùng với chủ của họ. Tôi nhận thấy họ rất giống nhau: không biết truyện trò mộc mạc, giao tiếp ABC không đạt nhưng lại giỏi nịnh. Làm phục vụ nhưng ai cũng sơn móng tay đỏ loè, nham nhở.
Buổi chiều, những người quanh đó tới hỏi thăm, cũng là nhân dịp đó lấy lòng anh tôi. Mật ong khoái, cao và những gì đó nữa. Tôi không quan tâm. Nghe họ xuỵt xuỳ rằng nhà vệ sinh và nhà tắm anh làm đẹp nhất thung lũng Tân An. Anh tôi đủng đỉnh nói với họ chỉ cần tôi thích, tôi vui là được rồi. Đúng là những con người bợ đỡ này góc trời nào cũng có. Thật đáng ghét!
Sau bữa ăn, tôi cảm ơn họ và nói tôi tự phục vụ, khi nào cần họ tôi sẽ nói. Tôi thương họ nhưng không thế chọn những người đó ở bên cạnh mình.
Anh tôi không ý kiến!
Rồi tôi bị sốt rét thật sau đó mấy ngày. Mỗi buổi chiều về, mắt tôi hoa lên. Toàn thân tôi mỏi mệt, rã rời. Tôi đau đớn, không ăn, không ngủ. Cô gái Hà Tĩnh kia, tôi thấy thương nên bảo anh mua về. Hàng ngày, cô ấy phục vụ tôi, tận tình, chu đáo. Tôi cho cô quần áo của tôi. Tôi cho cô rang cơm, pha nước đường…nếu cô thích. Chẳng có gì, nhưng là điều cô ao ước. Nhưng chỉ buồn. Vẫn buồn. Tôi nói chuyện, cô không hiểu. Cô chẳng giúp tôi chia sẻ những gì tôi đang nghĩ..Thậm chí co lúc tôi buồn cô cũng nghĩ tôi vui. Cô là người đơn thuần. Tôi hiểu, mình đã nhiều ao ước.
Rồi tôi bị ngã nước. Mái tóc óng ả của tôi rụng dần đi. Người tôi lên đầy mụn. Tôi đau!
Rồi tôi bị đậu Lào. Sốt. Người ta đánh cảm cho tôi bằng lông gà đen, bằng trứng gà, bằng gạo nếp gì đó cho những chiếc lông bong ra để tôi nhẹ người, hạ sốt.
Mấy ông anh em trai của tôi, nhìn tôi xót xa, ái ngại. Họ muốn đưa tôi về, nhưng tôi không về. Họ không dám bắt tôi phải về. Họ giấu bố mẹ tôi. Ở quê, bố mẹ tôi không hình dung được gì! Đến đây, ngay trong bữa ăn đầu tiên, anh tôi đã soạn đủ những lời dặn dò cần thiết cho em gái. Anh Hai giảng giải cho tôi từ những việc nhỏ nhặt nhất. Tính anh như vậy. Anh rất cẩn thận và với em gái thì đặc biệt lúc nào cũng…chịu hy sinh. Tôi nhớ lại câu chuyện ngày còn nhỏ, nhớ bao nhiêu kỉ niệm ấu thơ. Anh tôi yêu quí và chiều chuộng tôi hơn tất cả những ông anh trên đời này. Anh dạy tôi bơi lội, trèo cây, bắn súng chun, chơi khăng, chơi đáo lỗ…Có lần các anh đi ăn trộm, vài quả me mun thôi, của nhà hàng xóm, anh cũng cho tôi theo. Khi chủ nhà phát hiện, họ đuổi, chó đuổi. Những anh khác chạy thoát thân, còn anh, anh cõng tôi lên rồi vừa chạy, vừa ngã. Khi mỏi qúa rồi, anh đặt tôi xuống đất cho tôi chạy. Nhưng vì sợ hãi, chân tôi ríu lại. Ông chủ cầm chiếc léo đập lúa, đuổi theo sát đến nơi cũng là lúc tôi ngã nhào xuống ruộng bùn. Chắc chắn ông không vụt tôi, vì tôi là con gái lại nhỏ bé nhất. Đối tượng mà ông nhằm vào là mấy anh to đầu kia. Nhưng lúc đó, bất ngờ anh quay lại, bất chấp nguy hiểm, kéo tay tôi lên và ôm tôi vào lòng. Bao nhiêu tay léo đập vào người anh tới tấp. Anh cố xoay người che cho tôi và còn luôn miệng nói: “Ông đừng vụt vào em cháu”. Đòn roi ông đập vào anh tôi nhưng tôi cảm thấy vô cùng đau đớn mặc dù khi ấy tôi chưa đến chục tuổi đầu. Có lẽ, chỉ có anh em ruột thịt mới làm được điều đó. Vì tôi, anh đã chịu không biết bao trận đòn. Không hiểu sao, lúc nhỏ, ai cũng khen anh thông minh mà chuyện gì tôi bày anh cũng nghe. Có lần, trưa quá, mẹ đi chợ không về, đói rồi, anh kêu không có gì ăn. Tôi lững thững đi một vòng ra đầu xóm rồi quay lại và bịa ra câu chuyện: mẹ còn làm cỏ, mẹ bảo giết con lợn trong chuồng ra ăn. Con lợn con lúc đó khoảng sáu kg. Anh tưởng thật. Mấy ông nấu nước làm thịt. Và trưa đó, mẹ về, tất cả nhịn cơm ăn... đòn.… Khi tôi còn nhỏ, mỗi lúc tôi sai, tôi nghịch, tôi ngã, tôi đốt thứ gì đó. Anh Hai thường giậm chân quát: “Con này, mày ngu hết phần chó”. Vậy mà tôi như không biết tự ái, nghe vậy mà chẳng buồn chút nào. Đôi khi lời nói ấy đi kèm roi nhưng tôi cũng chẳng khóc vì roi vọt thủ tục vậy thôi. Không đau. Không hề đau…Giờ nhìn anh, tôi thấy như anh vẫn thế và tôi luôn có cảm giác bình an, được anh mình che chở.
Buổi chiều khoảng bốn, năm giờ, ở miền núi là khoảnh khắc đẹp nhất. Cả thung lũng mờ ảo, mộng mơ như một bức tranh. Những ngọn núi cũng trở nên trầm mặc. Chẳng hiểu núi nghĩ gì và nếu có thể nói gì, chắc chắn sẽ là ngàn lời đau đớn trước sự tàn phá thiên nhiên của con người. Đêm đầu tiên khi xe qua ngầm Hảo Nghĩa, tài xế dừng xe cho mọi người nghỉ chặng. Anh ta châm điếu thuốc lào, ngửa mặt nhả khói rồi ê a:
Trăng bao nhiêu tuổi trăng già
Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non…
Mấy người nghe vậy, chẳng ai lên tiếng nhưng hình như anh ta đang cảm thấy thích thú, đắc ý lắm với cái giọng khè khè hàng độc giống như ngan đực của mình. Những dải mây trắng đục bò trên sườn non, nhìn từ bên này suối, nhìn qua bản người Tày, khói bếp của làng Ân tình như hoà quyện cùng mây trời. Mây sà xuống, khói bay lên…một sự giao thoa đến là yên ả!
Tất cả mọi việc ở đây đều có người phục vụ, anh tôi trả công cho họ. Còn tôi, tôi không phải đụng tay vào bất cứ việc gì. Thức ăn và mọi thứ đều có người mang đến tận nơi. Nhưng lên đây rồi, chính sự nhàn rỗi càng làm cho tôi buồn chán hơn. Tôi hay lang thang đây đó ngắm nhìn cảnh vật, thăm người ta vô cớ… Tất cả những người trong đội của anh tôi đều rất chiều chuộng tôi. Cậu Lưu, bằng tuổi tôi, kĩ sư máy, người Hà Nội làm cho anh tôi, có lẽ là do nhớ nhà nên rất muốn nói chuyện cùng tôi. Cậu ấy vẫn đùa tôi rằng về Hà Nội sống. Cậu ấy quan tâm đến tôi nhưng không thể làm tôi vui và quên đi cảm giác cô đơn. Ôi, cuộc đời thật rắc rối, thật lắm lí lẽ và chuyện đời luôn luôn là một tiếng thở dài..
Có lẽ vì sợ anh tôi, nên cậu ấy chỉ dám nói chuyện với tôi rất nhanh, lúc nào cũng lấm lét nhìn quanh, động tác tội nghiệp như một kẻ không đàng hoàng. Nhưng hoàn toàn không phải thế.
Lũ quét, nỗi kinh hoàng của tất cả những ai sống ở thung lũng Tân An này. Những ai đã từng chứng kiến mới thấy hết sự nguy hiểm của nó. Sự tàn phá thiên nhiên của con người thật là đáng sợ. Mới chiều hôm trước, bãi đất trước mặt tôi còn bằng phẳng, vậy mà hôm sau, nó đã biến thành những ao sâu, những đồi đất lớn nhỏ thấp cao lổm nhổm.. Nhưng tất cả sự đổi thay nhanh chóng vánh đó cũng không thấm tháp vào đâu trước cơn lũ quét mà tôi đã chứng kiến.
… Buổi sáng, trời mưa lâm thâm, bầu trời mấy ngày rồi xám xịt. Những cơn mưa không dứt trở thành quen thuộc. Núi rừng trùng điệp những mái nhà, bao nhiêu nước đổ xuống dồn cả vào thung lũng Tân An. Chỉ sau tiếng báo động mươi phút, nước lũ tràn về. Cả một khối nước lớn ầm ào và hung dữ nó cuốn phăng tất cả những gì trên đường nó đi qua. Đứng trên ngọn đồi cao, tôi nhìn xuống dòng nước tự nhiên thấy chóng mặt vô cùng. Xung quanh tôi, mọi người hò reo, thích thú khi nhìn thấy những ngôi nhà gỗ ngả nghiêng, chìm nổi, những con trâu, bò… lặn ngụp giữa dòng trôi. Họ vô tư như đang thưởng thức một bộ phim hay, nét mặt họ như giãn ra. Đến buổi chiều, dòng nước lũ dịu đi đôi chút nhưng vẫn còn chảy xiết. Dòng suối hẹp lại. Bao người lục tục trở về lán của họ.
Bạn của anh tôi, anh Lai Trố, chỉ vì nóng lòng vượt suối sang Lương Thượng mà đã bị dòng nước cuốn trôi. Khi anh bơi gần đến hết bờ thì kiệt sức. Mặc dù biết và tất cả những người trong lán anh Tám đã chạy ra ứng cứu nhưng họ đều bất lực mà đứng nhìn theo anh Lai trôi. Nhiều cây luồng dài được phóng xuóng cho anh bám, nhưng anh chấp chới rồi trượt đi. Anh cứ ngoi lên rồi chìm xuống theo dòng lũ, thật tội nghiệp! Mới sáng hôm nay, anh ấy còn quảng cáo rằng mình có khả năng bơi vượt sông Cầu. Quả thật anh ấy bơi rất giỏi. Song đúng, chữ tài nhiều khi liền với chữ tai một vần. Nếu là người không biết bơi, sao dám liều lĩnh qua sông vào lúc hiểm nghèo như vậy. Cái chết nhiều lúc chỉ giản đơn là thế!
Mấy ngày sau khi nước rút, cả không gian ở đây nhuốm màu hoang tàn. Công đào đất của họ trở về số không. Ở nơi núi rừng heo hút này, mọi phương tiện thông tin đều thiếu, mọi người đã quen tự bảo vệ mình. Chỉ một sơ suất nhỏ cũng dẫn tới mất mạng. Sự sống và cái chết ở đây tồn tại song song và hết sức bình thường, hết sức dửng dưng.
Mỗi buổi chiều về, tôi thẫn thở đi ra bờ moong, nhìn theo những người cửu vạn. Họ làm việc dưới lòng máng, nhìn bóng dáng họ thật tội nghiệp: nhỏ bé, rét mướt giữa cái lạnh tê tái của núi rừng Đông Bắc. Mùa hè thì chói chang nắng gắt. Vì cuộc sống, họ mặc nhiên chấp nhận đánh đổi cả tính mạng của mình, đất đá có thể đổ ập xuống đầu họ bất cứ lúc nào. Những ông chủ không bao giờ ân cần với họ, người ta để ý để bắt lỗi để trừ lương, người ta tra tấn và sỉ nhục họ. Hàng ngày, hàng giờ tôi chứng kiến cảnh đó, lòng cảm thấy buồn đau và bất lực vì không giúp họ được gì.
Tôi đi qua dòng sông nhìn sang làng Ân Tình. Bên đó có ngọn đồi xanh rì cây cối. Dưới chân đồi là mồ mả của người Tày, người Mán. Mỗi khi hoàng hôn buông, không khí ở đây thật là ảm đạm. Đi qua chân núi ấy là tới chợ Tân An. Gọi là chợ, nhưng thực ra chỉ là những lán trú mưa tạm thời. Mọi sinh hoạt ở đây đều khác với làng Tời, ồn ào và tấp nập. Mỗi khi qua đó tôi thường nói chuyện với anh Hưng, anh làm ông chủ nhưng là một ông chủ long đong, tính tình ngang bướng và thẳng thắn nên theo luật rừng phải bật bãi vì có nhiều kẻ thù.  Tôi nghe nói, trước khi chuyển đi, lán của anh bị đốt cháy, bị nổ súng. Chẳng hiểu tiếng súng nhằm vào ai nữa. Trước khi đi Khau Pi anh đã nói chuyện thật lâu với tôi. Anh khuyên tôi: “hãy về đi, cuộc sống này không thích hợp với em đâu, dù phải đối mặt với những điều tồi tệ nhất, em cứ về đi”. “Sao anh không quay về?”. Anh nói: “Anh là đàn ông”. Là đàn ông thì phải thử thách bản lĩnh của mình ở nơi này sao? Tôi nghĩ thế nhưng không nói và anh ấy nói rồi cũng nhìn ra xa như quên ngay mình vừa nói gì. Chưa thấy vàng thì còn huynh đệ, thấy vàng rồi bạn đổi thành thù. Hôm trước xòe tay trắng bắt tay nhau ấm áp biết bao. Hôm sau xòe tay ra có vòng, có nhẫn hãy coi chừng. Thế mới biết vàng và tiền là… bạo bẽo!
Trời lất phất mưa báo hiệu cho một đợt gió lạnh đầu mùa. Không gian trong mắt tôi thật là ảm đạm. Có những khoảnh khắc tôi như thừa ra giữa cuộc đời có bao nhiêu bận rộn. Có một người vừa mới ra đi. Anh ta bị sốt rét!
Tôi đứng bên bờ suối. Chiếc cáng khiêng người ấy qua tôi. Chuyện thường ngày…Tôi thậm chí không nhìn theo. Vì quá quen và cũng vì tôi đang nhìn cái bóng dáng gầy guộc của mình đang muốn trôi theo dòng nước mà không thể nào trôi. Không hiểu sao, tôi vẫn thích thường nhìn theo cái bóng dáng của mình trong tư thế ấy.
Một lát sau, vẫn bốn người ấy khiêng chiếc cáng ấy quay lại. Họ không đi trước mặt mà vòng sau lưng tôi.
Tôi hiểu rằng tôi đã vô tình. Sao nửa giờ trước tôi không nhìn anh ta một lần. Tôi rất đau lòng, rất áy náy dù anh ta với tôi là hai người xa lạ?
Đêm… tôi sốt lên đùng đùng. Anh tôi lại hạch những người làm thuê. Họ lại vì tôi mà mất ngủ…
Giữa lòng suối rộng là những lán thuốc phiện, những ổ chứa. Đi qua đó, nếu là con gái xin hãy liệu chừng: có đồ bán thì không lấy được tiền, được để cho đi đã là một vận may. Còn tôi, tôi ngang nhiên đi qua tất cả, hững hờ, chậm rãi nhưng không ai dám chọc ghẹo vì họ đều biết tiếng của anh tôi, vì ông thần nên cây đa thiêng . Có chăng gọi đến chỉ là mời tôi uống nước mà thôi. Những người hơn tuổi cũng chẳng dám gọi tôi là em nữa. Có nhiều lúc tôi khao khát những tiếng gọi em, gọi cháu, gọi chị thay bằng tiếng “cô chủ” cách xa kia. Thế nhưng trong mắt tôi, anh tôi là người bình thường nhất, tôi vẫn dỗi hờn, vẫn cãi lại, vẫn không nghe lời. Họ đều không chấp ngay cả lúc tôi vô lý, vô cớ khó chấp nhận nhất. Anh trai và các cậu em luôn tìm cách làm cho tôi quen nhưng quen bằng cách nào đây? Tôi vẫn thế, như cây gai, cây cỏ. Tôi thẫn thờ như tâm thần nhưng tôi vẫn ý thức được sự cố hữu trong con người mình (về tất cả). Chiều nào cũng vậy, tôi cứ lang thang như một kẻ vô hồn, ra bờ suối nhìn bụi tre già. Bụi tre ấy chẳng biết có tự bao giờ, nó mọc tự nhiên không phải của ai, ngày ngày soi bóng bên bờ suối, nó tồn tại giản đơn, hoang sơ và cô độc. Dưới gốc tre này, không biết đã bao lần, tôi để mặc cho bóng tre trùm lên cái bóng dáng gầy guộc và tội nghiệp. Tôi vẫn ngồi lặng đi cả tiếng đồng hồ và lâu hơn nữa. Từ đó tôi nhìn ra xa, ngắm thung lũng Tân An đầy nắng và gió. Chiều ở đây đến thật chậm và bình minh cũng thế. Mọi người đã quen với nhịp điệu nghiệt ngã, buồn tẻ mà trong lòng họ không hề buồn tẻ, họ bị cuốn đi trong sự ồn ào, bận rộn. Chỉ có tôi lạc lõng, bơ vơ, ưu tư lòng trống rỗng và vô nghĩa. Tôi nhìn theo đàn ngỗng của cậu bé người Tày vừa đi qua tự nhiên thấy mình vô dụng. Giờ khắc những con ngỗng trở về là giờ khắc tôi thấy tôi bơ vơ... Ở một góc rừng yên tĩnh, tôi thảng thốt nhận ra rằng: mình là người cô độc nhất trên thế gian này.
Còn những người, số đông người hàng ngày tôi gặp, tôi nghĩ họ còn khổ, trăm ngàn nỗi khổ họ phải đối mặt, phải trải qua. Tôi hiểu, tới đây là đi tới cùng đường. Tôi cùng đường một kiểu. Họ cùng đường chẳng giống như tôi. Tôi vào chân tường vẫn được nâng niu, chiều chuộng, không thiếu thứ gì. Họ khổ quá, Cùng cực quá mới phải tới đây. Trong lúc cùng đường, họ nhiều lúc mất luôn hy vọng. Thậm chí mất luôn quyền làm người. Những người cửu vạn muốn thoát ra nhưng họ không dám. Mà có nghĩ thì cũng chẳng có cửa  gì thoát ra được, cái mệt, cái cực nhọc khiến cho họ không chịu được và định bỏ trốn. Nếu tự ý giải lao vài phút cũng bị các đầu cánh đánh đập dã man. Có những lúc tôi đi qua họ. Bất bình vô cùng, có lúc lên tiếng, có lúc im lặng vì nhiều khi bất lực. Đó là những khi tôi lang thang xa khỏi địa phận của anh tôi. Những người tôi đã gặp, hầu hết họ đều biết tôi là ai.
Từ Tân An xuống Nà Diệc 2km có rất nhiều lán tập trung toàn con nghiện. Nếu quân bỏ trốn, chủ phát hiện chuộc ngay thì giá ba trăm ngàn đồng. Nếu để cho chúng bán cho chủ khác thì 5 trăm (khoảng 1,5 chỉ vàng) ngàn đồng. Khi những người cửu bị bắt lại dù có quay về hay tới chỗ mới đều bị đánh phủ đầu. Từ đó chỉ biết ăn và làm ngoài ra không có một chế độ nào nữa.
Cách Tân An 5km gặp con thác Nà Đăng ở đó có vài lán nghiện chuyên bắt quân trốn và đi tiếp đến cầu PLO  cũng có lán như vậy là có trốn cũng không thể nào thoát ra được. Chỉ trừ khi chủ đồng ý cho về là có tiền trả xe. Xe vào bãi chủ yếu là xe zin, họ có chỗ ngồi tử tế. Họ ngồi bình thường như lũ tệ nạn trông thật đáng thương.
Ở đây ô hợp các loại người. Cũng có không ít trí thức, kĩ sư thất thế, những kẻ trốn tránh pháp luật. Họ trôi dạt lên đây làm ăn và ẩn náu. Nếu công an có đến đây thì cũng khó lòng bắt được họ. Trong mỗi lán đều có súng được giấu sãn trong ruột những cây luồng (cột dựng lán) cả đạn cay và những gì đó nữa. Hầu hết bưởng nào cũng có nghiện bảo vệ. Rất nhiều lí do để dẫn tới nghiện ngập. Tôi đã nghe họ nói: Những ông chủ hoặc đầu cánh muốn thức đêm trông quân làm ca cũng dùng thuốc phiện để khỏi buồn ngủ, những ông chủ muốn kéo dài tình dục họ cũng dùng đến thuốc phiện để thưởng thức cảm giác lạ. Tôi đã gặp những cô gái làm nghề bán thân ở đây. Họ chỉ cần tiền mà chấp nhận cả những con bệnh hôi hám và nghiện ngập. Có những người do thích ăn chơi, không chịu lao động, quen thói đàng điếm. Có người do xô đẩy không có lối thoát. Nhưng đằng sau sự ăn ngon, mặc đẹp là tất cả sự ê chề, nhục nhã. Buồn chán họ cũng tìm tới thuốc phiện…Thật nhiều lí do nhưng đó là biện bạch, đâu có lí do cho việc tự hủy hoại mình.
Thuốc phiện dễ nghiện bao nhiêu khó bỏ bấy nhiêu. Nếu không có bản lĩnh thì khó lòng thoát khỏi sự mời mọc. Đầu tiên, ai cũng nói thử cho biết, nghiện hay không là ở mình. Thế rồi, những ngày sau, khi họ ra bãi trông quân, cứ đi, cứ đi cho tới khi dừng chân bên xới thuốc phiện họ mới lờ mờ hiểu mình đang cần thuốc. Vào lúc ấy, nếu giật mình tách hẳn sự cám dỗ, may còn kịp. Thêm một bước nhỏ thôi, người ta không thể quay lại nữa. Nếu có, tỉ lệ ấy sẽ là 1/1000. Khi các con nghiện hơ thuốc phiện ngọn đèn thắp bằng mỡ lợn hoặc dầu lạc, một mùi thơm vô cùng quyến rũ bay ra, con người hay thậm chí là loài vật cũng đều thích ngửi. Cứ đến giờ, gà, lợn hay chuột…, đều ở đâu mò về. Thế mới biết sự quyến rũ của ma túy kinh khủng đến thế nào.
Những con nghiện không biết đến thời gian. Một người nghiện hút xong phải cần tới bốn giờ. Nếu có ba, bốn người nằm hút với nhau là hết đêm vì thuốc phiện không hút ngay được mà phải nghiền nhỏ xái vào thuốc cảm APC và thuốc nguyên chất vào chén và hơ lên ngọn đèn mỡ cho chảy đều với nhau. Thuốc cảm có tác dụng làm dẻo thuốc tạo độ sôi khi luyện đều thuốc xái và thuốc cảm lấy ra khỏi chiếc chén hơ lên đèn làm dài ra như chiếc đũa lấy dao cắt thành bi rồi mới hút, (ngoài những ông chủ và đầu cánh ra thì cửu vạn không có tuổi để dùng thuốc). Sự oai hùng đôi khi là tai họa. Nhưng cũng lại là biện bạch. Những đầu cánh khi giặt giẹo hẳn, không còn giá trị lợi dụng nữa, cũng là lúc họ bị chủ đuổi với vô số lí do. Họ phải lang thang, có người đi đãi lại xái lấy tiền mua thuốc, cay đắng chuyện đời là thế mà. Nhưng, thật đáng trách những kẻ coi thường thân cha mẹ ban cho mà tùy tiện chôn mình ngay cả khi còn sống! Tôi vẫn phục anh trai tôi, không rượu, không thuốc mặc dù không ít những người xung quanh vừa biếu vừa tìm cách đầu độc. Anh ấy rất thông minh và cũng rất có bản lĩnh. Không ai dám hút hít ở lán của anh cả. Khi đến bãi vàng, tôi mới dần hiểu ra. Anh trai tôi là người uy phong. Từ cây số Sáu Hai, cách Na Rì, nơi anh tôi đang làm việc, khoảng hơn một trăm cây số, người ta đã nghe tiếng của anh tôi..
Mùa đông vùng cao, thật là buốt giá, nhất là những đêm về, lạnh thấu xương. Sáng sớm, khi tôi còn trong chăn ấm thì ngoài kia, tiếng quát mắng đã ầm ĩ. Chẳng cần ra ngoài, tôi cũng hình dung ra những đôi môi tím ngắt, những tấm thân gầy guộc run rẩy và những bước đi lập cập của cửu vạn. Lao động ở đây là một cực hình. Tội nghiệp nhất vẫn là người già và trẻ nhỏ; đôi mắt lúc nào cũng lấm lét trước cái nhìn soi mói và sắc lạnh của chủ. Ở đây có tận cùng cay đắng, song cũng có đỉnh cao của sự hưởng thụ. Những ông chủ cần gì, có nấy. Kể cả người tắm cho nữa, nếu thích. Tôi đang ở giữa mớ hỗn độn ấy, khổ đau nhiều song cũng hiểu ra không ít những bài học về nhân tình, thế thái. Cái lạnh ở núi rừng quả nhiên đáng sợ. Vậy mà những người cửu vạn chỉ đắp những tấm chăn chần mong manh. Tôi hiểu họ đang phải chấp nhận, cũng là da thịt ấy thôi mà. Chiều về, bầu trời xám xịt như có một chiếc vung khổng lồ úp chụp xuống thung lũng Tân An này làm cho cảnh vật trở nên hoang vắng hơn. Đàn ngỗng và cậu bé người Tày ngày nào cũng vậy cứ hững hờ đi qua mà không cần biết có tôi đang nhìn theo..
Có một buổi sáng sớm, đã rét cóng lại mưa dầm dề. Tôi nằm trong nhà nghe tiếng quát tháo, giận dữ từ đội anh Tám bên cạnh. Bước ra cửa, tôi không thể tin vào mắt mình: cậu cửu vạn người cùng huyện với tôi đang bị người ta buộc dây thừng kéo lê dưới đất. Họ đưa về lán, đóng cửa lại và tra tấn. Tôi chạy vội theo và kêu xin họ tha cho cậu ấy. Tôi cầu cứu cả người qua đường nhưng họ vẫn đi bình thường như những người điếc không tỏ thái độ gì. Có lẽ họ đã quá quen, không hẳn là vô cảm nhưng họ hiểu họ không giúp được gì. Tôi đẩy cửa nhìn vào, cậu ấy nhìn tôi, đôi mắt van lơn như một con chó sắp bị giết thịt. Một chiếc dép nhựa tiền phong trắng gập đôi, nhét gọn vào mồm cho cậu không thể kêu được (thật khó hình dung vì miệng người đâu có đủ lớn đế chứa chiếc dép gập đôi. Độc ác!). Một cây to đầy gai vụt rụng ra găm hết vào người. Họ còn treo ngược lên mà đấm, đá. Mãi sau này, tôi mới biết, chỉ vì mẹ ốm, cậu xin được lĩnh lương về nhưng họ không cho và cậu đã liều lĩnh lấy của họ môt phân tư vàng. (tương đương 0,1chỉ vàng cốm). Khi tôi bị đẩy ra, cánh cửa khép lại rồi, tự nhiên tôi thấy toàn thân mình vô cùng đau đớn như đang rỉ máu. Tôi quen được bênh vực, được che chở, nhìn cảnh này, tôi thấy cậu ấy cô độc, mong manh hơn cả tôi nữa. Chẳng ai bênh vực, can ngăn họ giúp cậu ấy. Tôi bất lực không thể làm gì. Bao ngày sau, ánh mắt van lơn của cậu ấy cứ bám lấy tôi. Anh tôi về Ninh Bình chưa lên, tôi không có cách nào giúp cậu ấy cả. Đúng là những con người vô nhân tính, độc ác hơn cầm thú. Sáng hôm sau, họ để ngỏ cửa cho cậu trốn (thế là hai năm làm cửu vạn, cậu ấy chỉ nhận được một trận tra tấn) nhưng không biết có về nổi không hay chết ở dọc đường?. Cậu cửu vạn mỏng manh, yếu thế nhìn tôi cầu cứu nhưng tôi bất lực. Biết bao ngày sau đó, từng cơn ác mộng cứ đeo bám tôi trong từng giấc ngủ. Mỗi lúc giật mình trở giấc, tôi rất ân hận vì đã tới nơi này để phải nhìn thấy bao điều tồi tệ. Tôi thấy rất đau lòng! Thật xót xa cho mấy từ “Miếng cơm manh áo”!
Rồi tôi cũng nguôi ngoai dần.  Mỗi khi trời chạng vạng tối, tôi thấy nhớ nhà vô cùng và mỗi lúc như vậy tôi lại ra bờ suối nhìn sang làng Ân Tình. Bản người Tày đó, những ngôi nhà có vẻ bình yên và cổ kính. Trên ngọn núi cao nhất, có hình người bồng con. Đó là sự tích “vọng phu” của người Tày. Từ trên đỉnh núi cao đó, mới mấy hôm trước một tảng đá bằng cả gian nhà lăn xuống làm bẹp nát cậu cửu vạn đáng tuổi học sinh cấp hai.
Đó là một cú sốc có thể nói là choáng váng nhất với tôi trong suốt thời gian ở bãi vàng. Đúng là tôi rất hận mình, thật trớ trêu “ta không giết người nhưng người đã vì ta mà chết”. Thằng bé quê Thái Bình, hiền lành, chịu khó. Ở quê, bố mẹ ốm liên miên, còn hai em nhỏ đi học, nhà nghèo. Mới học xong cấp hai nó đã nghỉ theo người ta đi làm cửu vạn ở bãi vàng. Mỗi khi được nghỉ nó lại lân la trò chuyện cùng tôi. Bao nhiêu kỷ niệm về ngày thơ của nó, nỗi nhớ nhung cha mẹ, ông bà, bạn bè …nó kể cho tôi, tôi kể cho nó. Tôi luôn dành cho nó những gì có thể. Khi thì que kem, khi thì cốc nước đường. Mấy ngày liền nó ho húng hắng, lại sốt nhẹ nhưng vẫn ra đứng phụt chớp. Tôi nói nó xin nghỉ nhưng nó nói cố được. Thôi, cũng được, tôi đành chỉ biết khuyên nó cố gắng.
Thế rồi, chẳng biết ma quỷ xui khiến thế nào, trưa đó, thấy ông chủ của nó qua chỗ anh tôi. Tôi năn nỉ bằng được cho nó vào phục vụ cơm nước. Lúc đầu anh ấy đã không đồng ý vì nói nó quen việc rồi. Thằng bé khác đang nấu bếp giờ đổi ra không chắc làm được. Nhưng, nể tôi, cuối cùng anh ấy vẫn đồng ý.
Và, ngày hôm trước đổi chỗ, ngày hôm sau núi sạt, đá đè!
Nó chết, tôi nhìn thấy và tôi khủng hoảng. Lần này, kèm theo bệnh đậu Lào, tôi liên tục phải cấp cứu. Tóc tôi rụng chỉ còn lơ thơ vài cọng, mặt xanh như lá. Chiều chiều, anh tôi phải cõng tôi đi qua những cây luồng sang bên kia suối để gặp bác sĩ.
Ông Xỏ Lường nói với anh tôi, đừng để tôi về quê, không cần phải thế, hãy để tôi ở lại nhà ông. Bằng cách của một người già chín mươi lăm tuổi, ông đã giúp tôi với những bí quyết gia truyền của người Tày. Tôi dần hồi phục nhưng lòng tôi không sao nhẹ nhàng được nữa. Nhưng cũng là duyên may, ông nhìn tướng mạo tôi thế nào đó nên rất tin tưởng và hứng thú khi truyện trò, dạy dỗ tôi những gì ông muốn dạy.
Đó là lý do, tôi gần gũi và hiểu tương đối nhiều chuyện của người Tày.
Do số phận, do ý trời nhưng cái chính là do hậu quả của việc khai thác bừa bãi. Họ dùng mìn để đánh ruỗng chân núi, mở đường cho cửu vạn chui vào tìm vàng. Có những ông chủ, bỏ bao công lao, tiền bạc vào khai thác. Đến khi kiệt quệ hoặc nhụt chí bỏ đi, hay bán lại cho chủ khác. Nhiều trường hợp chủ khác tiếp cận, số giàu, chỉ tiến thêm một, hai mét nữa là gặp vàng. Nghe nói, có cậu cửu vạn khi vào hang, quay ra, vàng dính đầy quần áo. Nhưng, chuyện này, không cẩn thận cũng là dấu hiệu báo: Sắp có cuộc đổ máu! Bọn đầu gấu mạnh hơn nghe tin, mò tới. Lịch sự thì gạ chung hang. Không lịch sự thì “tao đây, khôn hồn, mày phắn”. Đến đây, người ta mới thấy hết sự tàn phá thiên nhiên tai hại do chính con người gây ra. Dù cho tất cả là cái khó của chuyện miếng cơm, manh áo nhưng nếu ai cũng không có chút trách nhiệm nào thì thiên nhiên hỏi mấy chốc điêu tàn? Vì vàng mà họ bất chấp tất cả. Cũng không ít ông chủ làm vàng mà vỡ nợ, tan cửa, nát nhà vì họ không có duyên với vàng. Như có điều gì đó là số phận. Có khi hai người khai thác sát cạnh nhau mà người này cười người kia khóc dở. Cũng bởi thế mới sinh ra tranh chấp, lấn sân nhau. Mỗi lúc như vậy, quân của ai cũng phải đánh nhau, gánh đòn cho chủ, nếu sợ mà lẩn trốn ở một nơi an toàn thì làm gì có lương. Mỗi khi gặp tình huống đó, những người cửu vạn đâu có thể hiền lành. Ở đây không độc ác, khó tồn tại. Khó tin quá phải không?
Sau này, tôi nghe người ta ca ngợi tấm lòng từ thiện của một số người mà muốn hét to lên rằng; đó là sự ngợi ca đáng sỉ nhục nhất (nhưng không dám, đó là ngược ngạo, hành vi mà mọi người đang thấy thực sự đáng ca ngợi). Phán xét thế nào đây? Tại tiền. Có tiền mua tiên cũng được, mua vài câu ca tụng chỉ là chuyện nhỏ mà thôi!
Có hôm, nghe tiếng mìn nổ, người ta nói với tôi: “Nhìn kia, kiểu gì chẳng có thằng chết” Lúc đầu, tôi tưởng họ nói đùa. Nhưng không phải lúc nào cũng đùa. Có hôm, mấy cậu lên hang đặt mìn, chưa kịp lùi ra vùng an toàn thì mìn nổ, đá sập… thế là thôi. Kết thúc một số phận, những số phận! Nhạt phèo!
Vừa đi vừa suy nghĩ vu vơ, quả thật tôi không biết hết được từng giờ, từng phút ở nơi đây còn những bất hạnh gì. Nhưng một điều chắc chắn trong cảnh im ắng của núi rừng, thực ra không phải sự thanh bình. Khi đến bên bờ suối, tôi gặp một ông già chừng bảy mươi tuổi đang một mình ngồi lặng lẽ. Ông ngước đôi mắt mệt mỏi nhìn tôi như có ý dò xét. Tôi lại gần hỏi thăm, thì ra ông cũng làm “cửu vạn”, chủ của ông là bưởng Chung. Đó là một ông chủ lạnh lùng, không gặp may trong khai thác. Anh ta không đối xử tồi tệ với ông nhưng hai năm rồi không trả ông đồng lương nào. Ông ở Thanh Hóa, có tới sáu người con nhưng họ đều nghèo cả. Ông đi làm với hi vọng kiếm ít tiền ông bà phòng lúc ốm đau. Ai cũng mong lúc vãn chiều, xế bóng được nhờ con, thật là cám cảnh! Tôi đưa ông về và lấy cho ông chiếc áo khoác của anh tôi, nó không mới lắm nhưng tạm thời là quá tốt đối với ông. Đến đây, tôi đã gặp và chứng kiến bao con người với bao số phận và nỗi đau khác nhau. Giá như có một điều ước, tôi sẽ ước ao, mong cầu cho họ, cho mọi người đừng ai đau khổ cả. Bởi vì, nhìn thấy họ khổ sở như vậy, tôi không cầm lòng được, lúc nào tôi cũng thấy như tim mình đang đau.
Đêm lạnh, hầu như lán nào cũng đốt lửa, củi rừng, hết đã có cửu. Anh tôi thường mua của một người tên Hảo, ai cũng gọi anh ta là Hảo điên. Anh ta hơn ba mươi tuổi, lúc tỉnh, lúc say chứ không điên. Mỗi khi đi vác củi về bán được tiền lại mua cháo. Thi thoảng, anh xin cơm nguội thừa rồi mượn nồi nấu cháo. Có mời cơm sốt, anh ấy cũng không ăn. Có lẽ kiếp trước có tội đày đọa người khác bắt họ ăn uống tồi tệ nên kiếp này trời đày lại cho biết chăng? Hỏi quê quán, cha mẹ anh ta nói không còn ai, chỉ biết sinh ra phố Khâm Thiên. Cả nhà bom Mĩ san bằng. Giờ đây, anh ta không còn nhớ đường về Hà Nội nữa. Sau này, nghe kể lại, có người tìm anh đưa về Hà Nội rồi. Thôi, cũng thật mừng cho anh ấy.
Một buổi sáng, cậu Lưu hốt hoảng chạy về, nói trong hơi thở gấp gáp: “Em ơi, bọn cướp Đồng Bẩm đến”. Tôi chưa kịp hỏi gì thì một bọn người mặt mày dữ tợn đã xông vào. Chúng lục tung mọi thứ.. Một tên trông hiền lành nhưng lạnh lùng, dáng vẻ đại ca nhất, lại gần tôi hất hàm hỏi; “Mày sợ lắm hả, mày làm lái xe (tên gọi chung chỉ những người phục vụ riêng cho chủ) hả?”
Khi cậu Lưu nói tôi là em anh Hai, hắn lại lục vấn: “Mày làm được gì mà theo lên đây? Mày không sợ bỏ xác ở bãi vàng à?”. Tôi không biết nói sao, vẫn đứng im như lúc hắn đến. Bực mình, hắn quát lên: “Mày câm hả?”
Vẫn là cậu Lưu nói: “Cô ấy là em gái ông chủ lên chơi thôi, ở nhà dạy học”.
Hắn nhìn tôi chăm chăm từ đầu đến chân vài phút rồi đột nhiên ra lệnh cho đàn em: “Chúng mày ra xe, mấy thằng ở lại còn về Đồng Bẩm hết đi!”.
Cả bọn nhao nhác hỏi: “Sao vậy đại ca?”. Hắn không nói. Cũng có thể khi đó hắn nhớ tới một cô giáo thời đi học. Cũng có thể đúng lúc đó, hắn bất chợt nghĩ tới ở nhà hắn cũng có một cô em gái như tôi…
Hôm sau tôi hiểu, thì ra, lúc đầu hắn không biết đó là lán của anh tôi. Bọn cướp này hung dữ, coi trời bằng vung, chỉ cần nghe tên chúng, tất cả các lán đều phải phòng thủ. Hôm ấy, chúng không lấy gì, lán anh tôi toàn máy móc nặng vài tấn. Chúng đi đến vài tiếng sau tôi vẫn còn run, cũng may, chúng không làm gì tôi cả. (Mặc dù ở đây, tôi cũng ăn diện và xinh xắn - em ông chủ mà).
Hôm sau ra chợ, tôi gặp lại hắn. Hắn hỏi: “Muốn mua gì về xuôi làm kỉ niệm anh mua cho?” Hắn còn nói: “Anh ém lại đây chờ đại ca lên xin lỗi. Khi nào đại ca mới lên em biết không?”
Tôi nhìn hắn, lắc đầu, chẳng cần dò xét, dừng lại một thoáng trước hắn rồi tôi đi về phía ồn ào. Không ai có thể hình dung được tên cướp hôm qua và người đàn ông dịu dàng ngày hôm nay lại có chung một bộ mặt. Cũng dễ hiểu thôi, bãi vàng, nơi tranh giành khốc liệt, nơi mà kẻ cướp ung dung, nhởn nhơ, coi thường pháp luật, nơi sự chém giết diễn ra như cơm bữa, nơi mà mọi điều có thể sảy ra… thì việc sống với hai bộ mặt sẽ là phương châm tồn tại của những kẻ thức thời. Tôi không thấy căm hận gì hắn, có lẽ tôi là người không biết giận hờn. Cô giáo tôi đã từng nói: “Không biết hận thù, làm sao biết yêu thương.” Bài học nào cô dạy tôi cũng đều đúng cả, nhưng chuyện này với tôi là không hẳn đúng. Tôi biết yêu thương tất cả mọi người, thậm chí trong số đó, có cả những người đã làm tôi đau đớn!
Những ngày tháng ấy, tôi đã sống giữa vàng, giữa đỉnh cao của quyền lực, sự hưởng thụ... Song cũng những ngày đó, tôi đã gặp bao kiếp người, đã gồng mình lên chịu đựng, đã thấy họ đứng vào góc tận cùng của cay đắng, khổ đau và bất lực.
Phải chi, những ngày ấy, tôi đừng tới đó!.
Nguyễn Thị Toàn
Theo https://vanhaiphong.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chợt ta hóa thành gã lừa đảo – Chùm thơ Phan Duy 17 Tháng Bảy, 2023 Đ úng/ một căn cước công dân/ túng tiền chơi ngông. Chợt ta hóa th...