Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2017

Những tác phẩm văn học nổi tiếng - Kinh điển của thế giới

Những tác phẩm văn học nổi tiếng
Kinh điển của thế giới
Ta có thể sống trong tiểu thuyết, nơi mà mọi ước mơ đều trở thành hiện thực và cảm nhận những ý nghĩa sâu sắc về cuộc sống. Những câu chuyện đó dường như chạm đến nơi sâu nhất của trái tim mỗi người. Hãy dành chút thời gian của bạn để tận hưởng sự thú vị trong thế giới của những trang sách ấy. Và dưới đây là một số cuốn truyện tiểu thuyết hay thu hút được rất nhiều sự quan tâm của toàn bộ độc giả trên thế giới.
1. Đồi gió hú - Emily Bron
“Đồi gió hú” - câu chuyện cổ điển về tình yêu ngang trái và tham vọng chiếm hữu. Cuốn tiểu thuyết dữ dội và bí ẩn về Catherine Earnshaw,   cô con gái nổi loạn của gia đình Earnshaw với gã đàn ông thô ráp và điên rồ mà cha cô mang về nhà rồi đặt tên là Heathcliff, được kể trên cái nền đồng truông, quả đồi nước Anh cô quạnh và đơn sơ không kém gì chính tình yêu của họ. Từ nhỏ đến lớn, sự gắn bó của họ ngày càng trở nên ám ảnh. Gia đình, địa vị xã hội, và cả số phận rắp tâm chống lại họ, bản tính dữ dội và ghen tuông tột độ cũng hủy diệt họ, vậy nên toàn bộ thời gian hai con người yêu nhau đó đã sống trong thù hận và tuyệt vọng, mà cái chết chỉ có ý nghĩa khởi đầu. Một khởi đầu mới để hai linh hồn mãnh liệt đó được tự do tái ngộ, Khi những cơn gió hoang vắng và điên cuồng tràn về quanh các lâu đài trong “Đồi gió hú”... Thông qua mối tình giữa Cathy và Heathcliff, với bối cảnh là đồng quê Yorkshire hoang vu trống trải, “Đồi gió hú” đã tạo nên cả một thế giới riêng với xu hướng bỏ qua lề thói, vươn tới thi ca cũng như tới những chiều sâu tăm tối của lòng người, giúp tác phẩm trở thành một trong những tiểu thuyết vĩ đại nhất, bi thương nhất mà con người từng viết ra về nỗi đam mê cháy bỏng.
2. Cuốn theo chiều gió (Trọn bộ 2 tập) - Margaret Mitchell
Tiểu thuyết “Cuốn theo chiều gió” xuất bản lần đầu năm 1936 tại Mỹ là cuốn tiểu thuyết lãng mạn kinh điển của nữ nhà văn Margaret Mitchell, đã giành được giải Pulitzer năm 1937, một giải thưởng danh giá trong lĩnh vực văn học. “Cuốn theo chiều gió” xoay quanh nữ nhân vật Scarlett O'Hara, một cô gái miền Nam xinh đẹp, thông minh, mạnh mẽ với nhiều suy nghĩ hiện đại và cách sống phóng khoáng, cởi mở, dám nghĩ dám làm. Cô tượng trưng cho hình ảnh người phụ nữ hiện đại trong xã hội công nghiệp mới, khao khát làm giàu cho bản thân và khẳng định vị thế của mình trong xã hội. Scarlett đã tìm mọi cách để sống sót qua cuộc chiến tranh và vượt lên cuộc sống khó khăn trong thời hậu chiến để trở thành một phụ nữ thành đạt. “Cuốn theo chiều gió” còn là một câu chuyện tình lãng mạn và đầy say mê, kết tinh giữa Scarlett O'Hara và Rhett Butler. Tiểu thuyết đã được chuyển thể thành phim từ năm 1937 và cho đến nay, “Cuốn theo chiều gió” vẫn chứng tỏ sức sống lâu bền của mình.
3. Không gia đình - Hector Malot
Sau khi phát hiện ra sự thật rằng ông bà Bácbơranh không phải là cha mẹ ruột của mình, cậu bé Rêmi đã vô cùng đau khổ. Cậu bị ông Bácbơranh bán cho cụ Vitali - một nghệ sĩ lang thang. Từ đây, cuộc đời Rêmi chuyển sang một bước ngoặt mới, cậu cùng cụ Vitali và chú chó Capi khôn ngoan, con khỉ Giôlicơ liến láu đi khắp nơi biểu diễn kiếm sống. Cụ Vitali thương yêu Rêmi như con, dạy Rêmi học chữ, học nhạc, dạy cậu bé biết quý trọng những giá trị của cuộc đời, biết tự trọng, thương yêu và hy sinh vì mọi người. Nhưng rồi cái đói và bệnh tật đã cướp mất cụ Vitali, chỉ còn lại Rêmi và chú chó trung thành Capi. Rêmi tiếp tục chuỗi ngày phiêu bạt để kiếm sống và tìm cha mẹ ruột của mình. Trải qua không ít phen thăng trầm, cuối cùng Rêmi đã tìm được gia đình đích thực của mình và có cuộc sống hạnh phúc, nhưng cậu bé không bao giờ quên những ngày tháng gian khổ và những người bạn tốt của mình. “Không gia đình” (tiếng Pháp: Sans Famille) được xem là tác phẩm văn học nổi tiếng nhất của văn hào Pháp Hector Malot, xuất bản năm 1878. Tác phẩm đã nhận được giải thưởng của Viện Hàn lâm Văn học Pháp và được dịch ra nhiều thứ tiếng.
4. Tiếng chim hót trong bụi mận gai - Colleen McCulough
 Xuyên suốt tiểu thuyết “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” là câu chuyện tình giữa Meggie và vị cha xứ Ralph. Meggie cố quên đi tình cảm của mình bằng cách kết hôn với Luke O'Neill - một công nhân trong trang trại, nhưng chẳng bao lâu sau cô và cha Ralph lại đoàn tụ, cuộc tình của họ đã gây ra nhiều bi kịch... Chuyện tình của Meggie với cha Ralph chỉ có thể diễn tả trong bốn chữ "nỗi đau tuyệt vời" và để có được sự tuyệt vời đó, họ đã phải trả giá cả cuộc đời. Như trong lời đề tựa đã viết: “Có một truyền thuyết về con chim chỉ hót có một lần trong đời, nhưng hót hay nhất thế gian. Có lần nó rời tổ bay đi tìm bụi mận gai và tìm cho bằng được mới thôi. Giữa đám cành gai góc, nó cất tiếng hát bài ca của mình và lao ngực vào chiếc gai dài nhất, nhọn nhất. Vượt lên trên nỗi đau khổ khôn tả, nó vừa hốt vừa lịm dần đi, và tiếng ca hân hoan ấy đáng cho cả sơn ca và họa mi phải ghen tị. Bài ca duy nhất, có một không hai, bài ca phải đổi bằng tính mạng mới có được.Nhưng cả thế gian lặng đi lắng nghe, và chính Thượng đế trên thiên đình cũng mỉm cười. Bởi vì tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại... Ít ra thì truyền thuyết nói như vậy”. Cuốn tiểu thuyết xây dựng như truyện sử biên gia đình, tác giả tập trung vào những xung đột tâm lý - đạo đức nhiều hơn là những vấn đề giai cấp-xã hội. Các nhân vật tuy chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh nhưng chủ yếu là ứng xử theo tính cách riêng của mình nhiều hơn. Trong số nhiều nhân vật, nổi bật hơn cả là ba nhân vật: Fiôna, Meggie, con gái bà và cha đạo Ralph. Meggie có thể coi là nhân vật trung tâm của tác phẩm. Trong tiểu thuyết có nhiều đề tài, nhiều môtif, song  tất cả đều phục vụ câu chuyện chính, mối tình lớn lao, trong sáng của Meggie và cha Ralph. Tính hiện thực và tính lãng mạn trong tác phẩm này hòa lẫn vào nhau tới mức nhuần nhị.
5. Con Hủi - Helena Mniszek
Con Hủi là tác phẩm văn học nổi tiếng và tiêu biểu nhất của Helena Mniszek, một câu chuyện tình thơ mộng và đắm say, trong sáng và mãnh liệt, tươi đẹp nhưng thảm thê của đôi thanh niên tài sắc, cưỡng chống lại những ràng buộc của đẳng cấp quí tộc để bảo vệ hạnh phúc mà họ đã chọn. Chàng - đại công tước Valđemr Mikhôrôvxki - là một thanh niên quí tộc thuộc dòng họ quyền quí nhất nước, nhiều thế hệ từng đảm nhiệm những cương vị cao sang. Chàng có học thức, giàu có, quảng giao, nhiệt thành, can trường, mới mẻ trong tư duy, cả quyết trong hành động, say sưa và nồng nhiệt trong tình yêu. Nàng - Xtefchia Ruđexka - chỉ là con gái một điền chủ nhỏ, thất vọng vì mối tình đã rời gia đình đến làm gia sư cho cô ruột của chàng. Cảm vì sắc, mến vì tài, lại mang trong tâm thức niềm khao khát của cuộc tình truyền kiếp bất hạnh từ đời trước (ông nội của chàng và bà ngoại của nàng từng yêu tha thiết nhưng không lấy được nhau), đôi trẻ đã vượt qua những hiểu lầm đầu tiên, cảm nhận được giá trị đích thực của nhau và đến với nhau. Trải qua bao đấu tranh gay go, với gia đình, xã hội và với chính mình để bảo vệ tình yêu, tình yêu của họ đã thắng: họ được làm lễ đính ước và chuẩn bị cho ngày cưới.
Nhưng giới quí tộc không cam chịu thất bại, chúng đã hèn hạ dùng những thủ đoạn thâm hiểm để phá vỡ hạnh phúc đôi trẻ. Xtefchia gục ngã trước ngón đòn đê hèn ấy vào đúng ngày hôn lễ được ấn định, trong tấm áo cưới trắng tinh như tâm hồn trinh bạch và cao quí của nàng. Nàng đã chết để cho tình yêu thắng, như nhân ái vĩnh viễn chiến thắng cái ác trên cõi đời này. Nhiều người coi Con Hủi là một thiên Romeo và Juliet mới, là bi kịch đối kháng giữa tình cảm chân chính với những định kiến xã hội hẹp hòi. Nhưng trên hết, Con Hủi là tác phẩm ca ngợi tình yêu - một tình yêu khó khăn và hoàn mỹ, một tình yêu đích thực và lý tưởng, có sức cuốn hút đến kỳ lạ, niềm khát vọng vĩnh viễn của con người.
Có phải vì thế mà mặc dù đã 90 năm trôi qua với bao biến đổi biển dâu về nhân tình thế thái, quan niệm xã hội và ngay chính bản thân tình yêu cũng đã đổi thay, nhưng Con Hủi vẫn có chỗ đứng trong trái tim người đọc, nhất là bạn đọc trẻ. Có phải vì thế mà mặc dù người đọc thời nay dễ dàng nhận ra những nét ngây thơ và lý tưởng hóa trong câu chuyện tình của đôi thanh niên thời đầu thế kỷ, Con Hủi vẫn đánh thức bao hoài vọng, bao khao khát cao quí, muốn được sống hết mình, được yêu hết mình, và khi cần - được hy sinh cho tình yêu ấy. Người đọc - đặc biệt là các thiếu nữ nói chung - hâm mộ tác phẩm đến mức cuồng nhiệt, nhiều thế hệ "phái đẹp" coi nó là một tác phẩm hay nhất, là sách gối đầu giường, là đỉnh cao của những niềm hy vọng và mơ ước...
Theo https://sites.google.com/

1 nhận xét:

Cảm nhận ngàn đêm

Cảm nhận ngàn đêm MỘT Dân gian nói, hoàng hôn là lúc người dương và người âm có thể gặp nhau. Trong bộ phim nổi tiếng “Bao giờ cho đến Thá...