Thứ Sáu, 29 tháng 9, 2017

Cảm nhận "Mùa thu của tôi"

Cảm nhận "Mùa thu của tôi"

Cô bé học trò đáng yêu ơi! Tôi không biết phải cảm ơn em thế nào! Bài văn của em kì diệu quá! Đọc câu văn cuối bài của em: “Hãy yêu tôi như chính tôi yêu mùa thu vậy, có được không?”, tôi trào nước mắt. Tôi muốn ôm chặt em vào lòng như ôm cô con gái bé bỏng và nói: “Con gái ơi, mùa thu yêu con, cô cũng mãi yêu con!...”
MÙA THU CỦA TÔI
“Mùa thu ơi mùa thu…”
Tiếng hát vang lên qua tai nghe từ chiếc máy nghe nhạc. Trời đầu đông. Thời tiết se se lạnh nhưng nắng vàng vẫn len lỏi khắp nơi. Nhìn cảnh tượng này, sao tôi thấy giống mùa thu đến lạ!...
Mùa thu – hai từ đem đến cho tôi cảm giác thoải mái, dễ chịu. Bầu trời trong vắt, không một mảnh mây vắt ngang. Nó trong đến nỗi tưởng chừng mỗi khi tôi nhìn lên là thấy cả bên kia Trái Đất. Ôi sao tôi yêu bầu trời mùa thu đến thế! Và tôi yêu cả vạn vật mùa thu nữa! Tiếng chim thánh thót vút cao, ngân dài, ngân mãi kéo tôi đi tận nơi xa mơ hồ… đến khi thôi cất tiếng mới giật mình quay lại hiện tại. Lá cây cũng sang màu. Cái thứ màu đỏ đồng của lá bàng, màu vàng vàng của bằng lăng, màu nâu nâu héo lụi của cây cau… sao mà đẹp đến vậy! Nhưng chớ có nghĩ mọi vật đang tàn lụi. Bấy giờ, hoa hồng mới vươn mình kiêu hãnh khoe lớp áo khoác mịn màng với nắng. Bấy giờ, hoa sữa mới trổ bông, xòe ra những quả cầu hoa trắng xanh, thơm nồng nàn. Bấy giờ, hoa cải mới e lệ diện bộ váy vàng tươi sáng. Và bấy giờ,mùi hoa quế thơm thơm mới đậu trên tà áo dài con gái đi khắp phố phường để hòa mình vào gió…
Một thứ đặc trưng không lẫn vào đâu của mùa thu – gió heo may. Từng cơn gió không rít, không thét gào như gió mùa Đông Bắc, không ẩm ướt như gió mùa xuân, không nóng như gió mùa hạ, mà man mác, nhè nhẹ riêng biệt. Không hiểu sao tôi lại yêu gió heo may đến thế! Yêu nhiều lắm, nhưng cũng vừa đủ để người khác yêu thêm. Cơn gió ấy, nó thích chơi đùa cùng cành phượng tàn hoa đang ra quả. Nó thích lùa vào tóc người thiếu nữ thanh thanh, mang hương tóc ngọc lan vào lòng tôi. Nhưng nó thích nhất là uốn mình qua gánh hàng hoa của các chị mỗi buổi sáng tinh mơ nhịp bước chân vào phố.
Nhắc đến mùa thu là không ai quên được ngày tựu trường – cái ngày mà tuổi học trò luôn mong ước. Ấy là lúc nắng dịu dàng không đâu cho đủ. Tiếng chim hót báo hiệu đã hết mùa vui chơi, quay trở về với vòng tay bạn bè và thầy cô. Ra trường, đứa nào cũng tíu tít kể về mùa hè bất tận của mình. Và ở một góc nào đó, trái hẳn với sự ồn ã kia, các em lớp Một đang ngỡ ngàng, lo sợ. Đó là sự khởi đầu cho một nụ cười mới tại một ngôi trường mới. Nụ cười ấy mới dễ thương làm sao!
Đối với người Hà Nội, thì thứ tượng trưng cho mùa thu của họ là cốm làng Vòng. Từng hạt cốm dẻo, xanh mướt như sự thanh khiết của lá sen và sữa thơm bầu trời thu. Hạnh phúc biết bao khi cái thức quà thần tiên ấy thuộc về mùa thu của tôi!
Đến cuối thu, vạn vật phải cố gắng lắm mới không cảm thấy tiếc nuối một mùa bình dị yêu thương. Lá bàng kiềm chế không rụng rơi để khoe sắc thắm vào ngày trong trẻo cuối cùng. Nắng gồng mình không tắt để người ta biết được mùa thu sắp đi qua. Hoa cố tươi cười để tạm biệt một mùa thương mến. Chỉ có mùa thu là vẫn vô tư, sống hết mình như thể ở lại mãi với tôi vậy…
Hết thu. Vạn vật như mất đi sự vui tươi thường ngày. Nhưng đúng vào lúc buồn nhất thì mùa thu để lại một thứ kì diệu cho tôi: Nắng! Nắng vẫn thế, dịu dàng như đang sống trong mùa thu. Và tôi yêu nắng như yêu chính mùa thu của tôi. Có lẽ nắng cũng yêu tôi, như mùa thu yêu tôi…
Bài hát đã ngừng. Tôi trở về thực tại. Tiếc nuối. Tôi ngắm nắng như ngắm chính mùa thu của tôi. Tôi không chắc có phải tôi yêu mùa thu không? Không, có lẽ tôi nghiện mùa thu mất rồi! Bật lại bài hát, tôi nhắm mắt. Mùa thu ơi, hãy quay lại nhé! Tôi yêu mùa thu thật nhiều! Và hãy yêu tôi như chính tôi yêu mùa thu vậy, có được không?.
Cao Thị Hoàng Anh 
ĐỌC MÙA THU CỦA EM
Tôi ngỡ ngàng và bàng hoàng khi đọc bài thi của em.
Có lẽ nào đây là bài viết của một học trò lớp 7? Những cảm xúc quá tinh tế, quá sâu lắng của một tâm hồn quá nhạy cảm, khiến tôi cảm động muốn khóc! Câu tự luận trong đề thi của chúng tôi chỉ vẻn vẹn có 4 từ: “Mùa thu em yêu”. Và khi chấm bài, mùa thu của em học trò này đã kéo tôi vào thế giới của những cảm xúc thánh thiện, trong veo. Tôi như được nghe một bản đàn kì diệu, dạo bởi những ngôn từ giản dị mà âm vang, thánh thót và lấp lánh sắc màu. Tôi cảm nhận được một trái tim ăm ắp thương yêu, một tâm hồn như ngọc. 
Không thể không tin, bởi bài làm này của em được viết trong phòng thi rất nghiêm túc. Bài thi được rọc phách, không biết em tên gì, là cậu bé nghịch ngợm hay cô bé mộng mơ. Nhưng văn phong này khiến tôi tin chắc rằng đó là một cô bé dễ thương. Cách cảm nhận về mùa thu của cô bé mới tinh tế làm sao! Tôi thích quá cái cách cô bé nói về lá cây mùa thu: “Lá cây cũng sang màu. Cái thứ màu đỏ đồng của lá bàng, màu vàng vàng của bằng lăng, màu nâu nâu héo lụi của cây cau… sao mà đẹp đến vậy!”. Ừ nhỉ, sao cô bé phát hiện ra cái màu đỏ đồng của lá bàng, đẹp thế! Cả những từ láy rất bình dị “vàng vàng”, “nâu nâu” nữa, cũng tự nhiên mà làm nên cái mùa thu rất riêng của một con người! Điều làm tôi khâm phục hơn nữa là em đã phát hiện ra quy luật cuộc sống trong một cách nhìn rất trong sáng và tin tưởng: “Nhưng chớ có nghĩ mọi vật đang tàn lụi.”. Để rồi ngay sau đó là những câu văn em viết đẹp đẽ như những vần thơ: “Bấy giờ, hoa hồng mới vươn mình kiêu hãnh khoe lớp áo khoác mịn màng với nắng. Bấy giờ, hoa sữa mới trổ bông, xòe ra những quả cầu hoa trắng xanh, thơm nồng nàn. Bấy giờ, hoa cải mới e lệ diện bộ váy vàng tươi sáng. Và bấy giờ, mùi hoa quế thơm thơm mới đậu trên tà áo dài con gái đi khắp phố phường để hòa mình vào gió…”. Cái lối viết trùng điệp này khiến người ta muốn chìm đắm trong hoa, trong hương, trong mùa thu dịu ngọt!
Mà sao cô bé học trò 13 tuổi này lại có thể có những tư duy nên thơ và thiếu nữ đến thế! Bé đã làm cho trang văn của mình ướp thơm hương quế trên áo dài con gái, rồi lại khiến cho cái gió heo may thơ ngây gợi thương nhớ đến nao lòng: “Cơn gió ấy, nó thích chơi đùa cùng cành phượng tàn hoa đang ra quả. Nó thích lùa vào tóc người thiếu nữ thanh thanh, mang hương tóc ngọc lan vào lòng tôi. Nhưng nó thích nhất là uốn mình qua gánh hàng hoa của các chị mỗi buổi sáng tinh mơ nhịp bước chân vào phố”. Văn của em thật giàu chất tạo hình và tràn đầy xúc cảm. Nó vừa có cái hồn nhiên của tuổi thơ, lại vừa chớm có những rung động của tuối dậy thì, được thể hiện tinh tế, ý nhị và nồng nàn.

Tôi đặc biệt thích đoạn văn em viết về nắng thu. Đây là nắng thu trong ngày tựu trường: “Ấy là lúc nắng dịu dàng không đâu cho đủ”. Còn đây là nắng thu lúc cuối mùa: “Nắng gồng mình không tắt để người ta biết được mùa thu sắp đi qua. Hoa cố tươi cười để tạm biệt một mùa thương mến. Chỉ có mùa thu là vẫn vô tư, sống hết mình như thể ở lại mãi với tôi vậy…
Hết thu. Vạn vật như mất đi sự vui tươi thường ngày. Nhưng đúng vào lúc buồn nhất thì mùa thu để lại một thứ thường ngày kì diệu cho tôi: Nắng! Nắng vẫn thế, dịu dàng như đang sống trong mùa thu. Và tôi yêu nắng như yêu chính mùa thu của tôi. Có lẽ nắng cũng yêu tôi, như mùa thu yêu tôi…”
Viết về nắng như thế, nhân hậu quá, đáng yêu quá! Nâng niu, trân trọng, yêu thương hết mình! Cách nhìn của em về thiên nhiên, về cuộc đời là như vậy! Khi em viết “nắng gồng mình không tắt” thì tôi cũng thấy ở em một nghị lực sống bên trong một tâm hồn nhạy cảm. Khi em khẳng định: “Chỉ có mùa thu là vẫn vô tư, sống hết mình như thể ở lại mãi với tôi vậy…” thì tôi cũng hiểu rằng, đó chính là cách sống của em – sống với tình yêu thương vô tư và hết mình với cuộc đời! Và lúc em nói “Nhưng đúng vào lúc buồn nhất thì mùa thu để lại một thứ kì diệu cho tôi: Nắng!”, thì hình như tôi đã nghe em thầm thì: Cuộc đời dù có buồn đến đâu, cũng sẽ luôn có những tia nắng hy vọng cho mình! Và tôi chợt như bừng thức: Phải rồi! Hãy để những tia nắng của niềm tin, của tình người rực sáng, sưởi ấm cho trái tim mùa đông!
Cô bé học trò đáng yêu ơi! Tôi không biết phải cảm ơn em thế nào! Bài văn của em kì diệu quá! Đọc câu văn cuối bài của em: “Hãy yêu tôi như chính tôi yêu mùa thu vậy, có được không?”, tôi trào nước mắt. Tôi muốn ôm chặt em vào lòng như ôm cô con gái bé bỏng và nói: “Con gái ơi, mùa thu yêu con, cô cũng mãi yêu con!...” 
13/11/2013
Quỳnh Trâm
 Theo http://tacphammoi.net/


1 nhận xét:

  Xin làm gió thổi lại đôi – Chùm thơ Huỳnh Liễu Ngạn 21 Tháng Sáu, 2023 Về thăm nhánh cỏ bên đường/ thuở chân em dẫm vô thường m...