Thứ Năm, 14 tháng 9, 2017

Một nghi án văn chương dài hơn thế kỷ

Một nghi án văn chương dài hơn thế kỷ 

Đại văn hào Wiliam Shakespeare (Ảnh: Internet)
Có lẽ không có bất kỳ một ai yêu thích văn chương trên khắp hành tinh này lại không biết đến Đại văn hào nước Anh William Shakespeare với hàng trăm vở kịch, hàng trăm bài thơ sonne, các bài tạp bút, các ghi chép,... nổi tiếng trong suốt gần 5 thế kỷ nay, trong đó có các vở kịch nổi tiếng như Hăm-lét (Hamlet), Vua-lia (King Lear), Ô-ten-lô (Othello), Mác-bét (Macbeth), Cri-ô-lan (Coriolanus), Chàng thương gia thành Vơ-ni-dơ (The Merchant of Venice). Chuyện không có gì mà ầm ĩ (Much ado about nothing), Giấc mộng đêm hè (A midsummer night's dream),... và những bài thơ tình sonne của ông đã được dịch ra hàng chục thứ tiếng trên khắp thế giới. Vậy mà, một Nghi án văn chương dành cho ông vẫn còn đó   
1. Tính đến nay, hiện có tới khoảng trên 5.000 cuốn sách hoặc là đề xuất hoặc là đồng tình với ý kiến cho rằng tất cả những tác phẩm văn học kiệt xuất từ thế kỷ XVI đến nay mà cả thế giới cho là của William Shakespeare đều không phải là của ông. Khởi sự cho sự hoài nghi này là một người phụ nữ có tên Delia Bacon. Cô là một người thông minh, xinh đẹp, nhưng tính tình kỳ quặc, thần kinh không ổn định, không có chồng con và sống ẩn dật ở một vùng quê hẻo lánh thuộc vùng New Haven, Connecticut. (Hoa Kỳ). Sau khi chia tay với một người tình, bỗng nhiên cô bị ám ảnh bởi một người đàn ông có tên là Francis Bacon. Tuy nhiên hai người sống cách nhau chừng hơn 200 năm và một người ở Anh, một người ở Mỹ. Nhưng cô cứ một mực quả quyết rằng chính người đàn ông này mới là tác giả của các vở kịch mà từ trước tới giờ người ta vẫn coi đó là của William Shakespeare.   
2. Vào năm 1552, khi Delia Bacon bước vào tuổi 41, Sác-lơ Bút-lơ (Charles Butler), một thương nhân giàu có, đã đồng ý tài trợ chuyến đi của cô đến Anh kéo dài trong 4 năm để thực hiện điều tra vụ việc này. Đến Anh cô được nhà thơ nổi tiếng Ran-phơ Oăn-đô Ê-mơ-sơn (Ralph Waldo Emerson) giới thiệu với Thô-mát Ca-li-lơ (Thomas Carlyle), để giúp đỡ cô trong thời gian ở London. Trong suốt gần một năm ở Xanh An-ban (St Albans), quê hương của Francis Bacon, Delia không hề giao du, chuyện trò với bất kỳ ai. Ngay cả việc Carlyle có ý định giới thiệu cô với các học giả hàng đầu nước Anh thời bấy giờ cũng đã bị Delia Bacon từ chối.
Thế rồi đến năm 1857, Delia Bacon bỗng cho xuất bản công trình Triết học của những trò chơi khám phá Shakespeare (The Philosophy of the Plays of Shakespeare Unfolded). Cuốn sách khá dày dặn, nhưng khó đọc vì nó kỳ quặc ở tất cả mọi khía cạnh. Chỉ riêng việc Delia Bacon dành tới gần 700 trang viết về Francis Bacon là chuyện mà rất ít người có thể hiểu được. Vào năm 1859, sau khi trở lại quê hương điều trị bệnh tâm thần một thời gian, Delia Bacon đã qua đời, để lại một nghi án văn chương cho đến tận hôm nay.
Điều đáng nói là một ý nghĩ cá nhân, thiếu những chứng cứ khoa học thuyết phục, nhưng không ít người đã hùa theo và hơn thế họ còn đẩy nó đi xa hơn, biến thành một triết thuyết khá nổi tiếng có tên là Thuyết Bacon với các môn đệ trung thành như: Mark Twain và Henry James, William D. Rubinstein, một giáo sư đại học xứ Wales,...
3. Nhiều người viện lý rằng địa danh Stratford, quê hương của Shakespeare không hề xuất hiện, trong khi đóSt Albans, quê hương của Francis Bacon lại tìm thấy những 17 lần trong các vở kịch của Shakespeare, để khẳng định rằng chính công tước Francis Bacon mới là cha đẻ của những vở kịch đó. Tuy nhiên, những tài liệu ghi chép về cuộc đời của vị công tước Bacon này hiện vẫn còn khá đầy đủ cho thấy ông ta là người chẳng có liên hệ gì với giới sân khấu đương thời, thậm chí ông còn là người kỳ thị với sân khấu. Ông cho rằng sân khấu chỉ là một trò mua vui phù phiếm. Vấn đề sự có mặt của những cái tên chỉ địa danh trong tác phẩm của Shakespeare, coi như tạm thời đã được lắng xuống.
Đến năm 1918, trong một cuốn sách có cái tên là Nhận diện Shakespeare  (Shakespeare Identified) của J. Thô-mát Lu-ni (J Thomas Looney), người ta lại thấy xuất hiện một ý kiến cho rằng tác giả đích thực nấp sau đại văn hào Shakespeare chính là Ét-uốt-dơ Ve-rơ (Edward de Vere). Nhưng khi đối chiếu với các tài liệu liên quan, người ta thấy Vere chẳng có chút gì giống với những đặc tính của Shakespeare còn lưu giữ được trong các tài liệu cũng như tác phẩm của ông. Điều quan trọng hơn là Lu-ni (Looney) không bao giờ có thể chứng minh được rằng sự kiêu căng và rỗng tuếch của một người như Looney lại có thể giấu giếm một cách tài tình thân phận của mình.
Cuối cùng người ta tìm đến giả thuyết cho rằng Xrít-tốp-phơ Ma-lô-vơ (Christopher Marlowe), người đồng thời với Shakespeare mới chính là tác giả đích thực của những vở kịch được mang tên Shakespeare. Chính Can-vin Hốp-man (Calvin Hoffman), người chủ trương thuyết Christopher Marlowe đã từng khai quật mộ của Ma-lô-vơ vào năm 1956 với tham vọng tìm thấy những di cảo của ông này còn mang theo xuống dưới mộ. Thế nhưng việc làm trên của Hốp-man chỉ là công cốc. Cần nói thêm rằng, bảng danh sách những người thay thế Shakespeare với tư cách là cha đẻ những kiệt tác văn chương nổi tiếng khắp thế giới càng ngày càng được kéo dài ra, với khoảng 50 người.
4. Có lẽ Christopher Marlowe là ứng viên đáng tin cậy trong cuộc đua vào vị trí thay thế Shakespeare. Người ta đã ví ông như là một tia sáng nhỏ nhoi vụt qua bầu trời văn học nước Anh thời kỳ hưng thịnh nhất với trào lưu văn hóa Phục hưng ở châu Âu, từ khoảng thế kỷ XIV-XVI, cho dù Marlowe cũng đã để lại những dấu ấn nhất định, góp phần làm biến đổi bộ mặt sân khấu nước Anh thời bấy giờ. Những vở kịch của ông được người đương thời đánh giá là cổ xúy cho những tư tưởng nổi loạn tiềm ẩn trong con người bằng xương, bằng thịt Marlowe. Ông luôn chỉ trích một cay cay độc các chính sách xã hội, tôn giáo của chính quyền đương thời. Ông còn được mệnh danh là một nghệ sĩ tai tiếng nhất thời Phục hưng ở Anh, sánh ngang với họa sĩ người Italy có tựa đề Christopher Marlowe: Nhà thơ và tên gián điệp (Christopher Marlowe: Poet and Spy) của Pác Hô-man (Pard Hoffman), con trai của Marlowe thì con người nổi loạn bên trong của Marlowe cũng chỉ được thể hiện một cách mờ nhạt, vì ông không muốn thanh minh cho cha mình, mà nuốn trả lại tư cách nhà thơ cho ông. Tuy nhiên những tư liệu còn lại về Marlowe là quá ít ỏi để người ta có thể chứng minh được rằng chính ông mới là người sáng giá nhất trong chức ứng viên thay thế Shakespeare. Như vậy cho đến hôm nay, dù tư cách tác giả của những tác phẩm nổi tiếng thế giới của Shakespeare có bị nghi ngờ, nhưng chưa một ai có đủ chứng cứ chứng minh được rằng ông không phải là người cha đẻ ra chúng. Người ta cũng chưa thể tìm ra một ai đó xứng đáng nhất về mọi phương diện như đức độ, tài năng, sự giao du, tinh thông nhiều lĩnh vực, khiếu hài hước, sự uyên thâm,... để có thể thay thế được Shakespeare. 
5. Sự hoài nghi khoa học ở bất cứ đâu và bất kỳ thời đại nào cũng đều cần thiết cho sự phát triển. Với một người tầm cỡ như Shakespeare, nhiều khi những mối nghi ngại trên chỉ tôn thêm tầm vóc của một nghệ sĩ thiên tài. Cũng không thể nào trách những người bỏ ra nhiều công sức và tiền của để tìm kiếm sự thật, khi người ta thật sự khó tin một ai đấy lại có thể am hiểu một cách thấu đáo nhiều lĩnh vực như Shakespeare. Trong các tác phẩm của mình, nhà nghệ sĩ thiên tài này rất đỗi tinh thông về luật pháp, y học, quản lý nhà nước, hoạt động tòa án, quân sự, hàng hải, đồ cổ và cuộc sống ngoài nước Anh,… Điều này khiến không ít người nghi ngờ và cho rằng hoặc nó là tài sản của nhiều người, hoặc nó là tài sản của một người có chức, có quyền nào đấy chứ không thể là sản phẩm của một người xuất thân từ một tỉnh lẻ như Shakespeare. Người ta suy đoán rằng hậu duệ của dòng họ William ở Strát-phót cùng lắm cũng chỉ là một anh giúp việc cần mẫn, hoặc một anh chàng chuyên làm nhiệm vụ kéo phông ở các nhà hát cấp tỉnh thời ấy mà thôi. Có như vậy, bình sinh Sếch-xpia mới không dám xuất hiện trước công chúng với tư cách của một kịch tác gia. Chính vị giáo sư đáng kính ở đại học xứ Wales, William D. Rubinstein đã từng quả quyết rằng: Trong số 75 tư liệu đương thời đề cập đến Shakespeare, không tài liệu nào quan tâm tới ông với tư cách là một tác giả.
Thế nhưng, trong một tư liệu chính thống khác viết về Người thầy của những đại tiệc (Master of the Revels), đã cho hay chính Shakespeare được nhắc tới 7 lần với tư cách là tác giả của những vở kịch phục vụ vua Giêm I (James I). Ngoài ra còn có nhiều tài liệu khác xác nhận Shakespeare là nhà viết kịch xuất sắc nhất thời đại ông. Chẳng hạn như Giô-nát-than Bát-tơ (Jonathan Battle), một chuyên gia nghiên cứu về Shakespeare đã chỉ ra rằng: Không một ai, trong khi Shakespeare còn sống hoặc 200 năm sau khi ông qua đời, tỏ ý nghi ngờ về tư cách tác giả của nhà văn.
Có lẽ Nghi án văn chương của Shakespeare là một câu chuyện dài, không ai dễ tìm ra câu trả lời cuối cùng. Nhưng những sáng tác văn học mà ông đã để lại cho hậu thế  chắc chắn đã đạt đến đỉnh cao của những kiệt tác và vẫn là những bữa tiệc tinh thần tuyệt hảo đối với những ai yêu thích dòng văn học cổ điển của nước Anh. 
Đỗ Ngọc Yên
Theo http://vanvn.net/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Thơ Trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ Trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội n...