Thứ Ba, 19 tháng 9, 2017

Tản mạn chiều cuối năm

Tản mạn chiều cuối năm

Đi qua vùng cỏ non (Trần Long Ẩn) - Hồng Nhung

"Đi qua vùng cỏ non, ngỡ mùa xuân đang đến. Bâng khuâng chiều ba mươi, tóc em xanh màu trời…”, những ca từ tươi vui ấy trong ca khúc “Đi qua vùng cỏ non” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn vang lên trong sớm mai ngày cuối năm bỗng thấy yêu đời đến lạ. Không hiểu sao, trong những ngày cuối năm, bao giờ tôi cũng thấy yêu mảnh đất mình đang sống hơn ngày thường. Mọi thứ dường như đẹp hơn, con người cũng nhẹ nhàng với nhau hơn. Thật vậy, ngay cả chị bán hàng đầu ngõ thường ngày khó tính hôm nay cũng đon đả, nở nụ cười tươi rói chào khách khi tôi gọi ly cà phê buổi sớm.
Đã thành lệ, những ngày cuối năm tôi thường chạy xe lòng vòng ngoài phố xem thiên hạ mua sắm Tết. Nhìn cảnh người nườm nượp đi siêu thị mua đồ, nhìn hoa về trên phố với những sắc màu rực rỡ, những đèn lồng đỏ rực… bỗng nhớ về những cái Tết rét mướt, nghèo khó của một thời chưa xa. Hình như cái gì thuộc về quá khứ cũng đều trở nên đẹp hơn, lung linh hơn qua sự khúc xạ nỗi niềm mong nhớ. Ngày chớm xuân Ất Mùi, nhìn phố xá nô nức, ký ức về Tết quê từ ngày còn thơ lại chầm chậm theo về trong nỗi bâng khuâng. Ngày ấy, cứ độ 28-29 tháng Chạp, tiếng heo kêu eng éc khắp làng trên xóm dưới. Người khá giả thì cứ vài ba nhà chung nhau mổ thịt một con, người nghèo thì chờ để mua vài cân thịt... nhưng tất cả đều vui như hội. Lũ trẻ con chúng tôi vẫn thường ngồi quanh chiếc nong ngả giữa sân xem người lớn mổ heo, chờ xin chiếc bong bóng. Lấy được bong bóng rồi, cả nhóm hồ hởi đem đập cho bong bóng giãn ra, hun nó bằng tro bếp cho khô, bơm hơi vào rồi đem đi đá bóng... Cũng không quên sáng ba mươi Tết, cả nhà tập trung gói bánh, mấy anh em ai cũng nhờ ông nội gói những chiếc bánh bé xinh gửi kèm theo nồi bánh cúng. Mẹ đặt nồi bánh vào cái bếp than ở góc nhà bếp. Đêm xuống, mấy anh em tôi quây quần bên bếp lửa để sưởi ấm, vừa nghe mẹ kể chuyện vừa chờ bánh chín để được nếm thử chiếc bánh tí teo ông gói cho lúc chiều... Thế rồi, chúng tôi ngủ thiếp lúc nào không hay. 
Sống ở phố nhớ Tết quê, nhưng có về quê mới thấy Tết quê không còn như xưa, nhiều nếp cũ phai dần theo năm tháng. Về quê ngày Tết bây giờ hầu như không thấy ai trồng cây nêu, nhiều gia đình không còn tổ chức gói bánh chưng mà chỉ đến hàng quán đặt vài cặp bánh để cúng ông bà. Người dân quê cũng không còn mấy ai mổ heo ăn Tết. Cuộc sống đủ đầy, trẻ con không còn mơ được mặc áo mới, không còn háo hức đi chợ phiên... Vắng tiếng heo kêu eng éc chiều cuối năm, không khí Tết vắng vẻ lạ thường, mất đi cái phong vị Tết truyền thống vốn có. Tết quê đấy nhưng lại không phải Tết quê trong hoài niệm. Đôi khi tôi tự hỏi, đâu rồi cái Tết ngày xưa?!
Hỏi vậy thôi, nhưng cũng tự nhủ rằng không có gì bất biến. Thời gian không phải là cuốn băng cassette để có thể tua đi tua lại, phải biết quý trọng những gì mình đang có, biết bao người đang đón một cái Tết nghèo khó hơn mình. Cuộc sống luôn có những được - mất, vui - buồn như lời bài hát vừa nghe sáng nay: “Những được mất riêng của mình. Đời người ai cũng có… Hãy cho nhau tình yêu. Hãy thương nhau thật nhiều”. Vâng, “Hãy cho nhau tình yêu. Hãy thương nhau thật nhiều”, không chỉ trong những ngày xuân mà cả suốt một năm, suốt một đời người!.
Võ Doãn Mỹ
Theo http://www.vodoanmy.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...