Chủ Nhật, 25 tháng 2, 2018

“Người quê” và những nét sáng tạo từ cổ tích

“Người quê” và những nét sáng tạo từ cổ tích
Sau Giọt nắng trong cây, năm 2013 này Nhà giáo Nguyễn Tuyển (quê Ý Yên, Nam Định) lại đến với bạn đọc và tri âm tri kỷ gần xa với tập thơ Người quê. Trong bài viết này, xin phiêu du cùng những câu thơ thấp thoáng nét tài hoa của Người quê.
Thơ ông thấm đẫm hương vị của cổ tích, ấp ủ nhiều tìm tòi, sự ngộ năng cho ông những câu thơ độc đáo. Vừa mở tập thơ ra, ta gặp vầng trăng thiêng liêng đang khe khẽ dậy thì: Trăng khe khẽ tròn lên nhung nhớ/ Trời Nguyên Tiêu bầu sữa rưng rưng (Trời Nguyên Tiêu).
Nguyễn Tuyển hiện đại thơ mình bằng chính cái chất quê ủ thơm lời dân dã. Ngôn ngữ dân gian đi vào trong thơ ông nhẹ nhàng khéo léo, cứ ngỡ như chỉ cần ông cất bút lên là lời dân gian đã ùa về: Trống cơm ba nhịp bảy vòng/ Núng na núng nính cái bồng bột xuân/ Đêm hội Chen nóng rần rần/ Của trời cho chẳng dành phần riêng ai (Lục bát đi tìm). Từ ngôn ngữ ấy, hồn cốt ấy, “Người quê” Nguyễn Tuyển cứ “chân đất đầu trần” mang những buồn vui cũ mới thả vào mọi ngõ ngách dân gian: Bán nghèo mua mớ long đong/ Lều xiêu quán vắng gió thông thốc chiều (Ngẫu hứng chợ chiều).Quả thật khi thơ đầy đặc chi tiết thì có vẻ như nó đến gần hơn với cuộc sống. Những câu thơ Nguyễn Tuyển khi mơ màng cùng hương gió đồng quê, khi trần trụi tính thời sự, trầm mình cùng nỗi buồn của kiếp lúa khoai: “Ai ơi,tấc đất tấc vàng”/ Lòng ngao ngán nỗi mùa màng bội thu/ Bấm tay cộng cộng trừ trừ/ Vào ra quanh quẩn còn dư mẻ rờm.(Những điều trông thấy). Lạ thật, câu chữ không đánh bóng, không làm dáng, cứ áo nâu chân đất về với “phe nước mắt” bằng những chi tiết rất trung thực của đời thường… vậy mà ám ảnh thế.
Điểm nhấn của Người quê nằm ở những tứ thơ bay bổng cùng quê. Đây là mảng thơ có mật độ sáng tạo dày nhất. Sự sáng tạo ấy được hình thành từ những phút thăng hoa, nhập đồng của cảm xúc và ngôn ngữ: Tôi tìm về tuổi thơ tôi/ Thốt nhiên vướng bóng người chơi cỏ gà/ Em giờ đã mấy tầng bà/ Tôi đi mòn gót vẫn là một tôi/ Gió nồm là gió nồm ơi…(Gió nồm).
Những phút nhập đồng ấy luôn tạo ra những nét riêng, cái riêng ấy gần gũi, trong trẻo lắm: Lộc mở mắt run run bấy bớt/ Nhánh cỏ gừng tơ tưởng thắt lưng xanh (Ký ức mưa). Đây nữa, đọc đoạn thơ này mà ngỡ như đang được cập nhật một clip đặc trưng của xứ đồng chiêm: Nhớ nôn nao í ới tiếng ếch đồng/ Chú nhái bén đánh đu câu cò lả/ Xanh cọc cầu ao tự tình chim bói cá/ Giọt trăng non thánh thót giọt đàn bầu(Về quê). Còn nhớ ở tập thơ trước, Người quê Nguyễn Tuyển có bài Qua đình với những câu thơ thấm đẫm hơi thở dân gian: Đình dẫu trăm gian ngói bạt ngàn/ Vẫn là hữu hạn nhớ nghe em/ Yêu thương ai nỡ nào đong đếm/ Khát, uống khô sông vẫn cứ thèm. Khai thác, phát triển được cái hồn cốt dân gian như thế trong sáng tác của mình không phải dễ. Đó là tư tưởng hiện đại, là sự vận động của văn chương cùng thời đại. Nói cụ thể hơn: Thơ Nguyễn Tuyển gợi cho người đọc những cách tiếp cận khác khi tìm hiểu và cảm nhận văn hóa truyền thống. Này đây mối tình của Chí Phèo - Thị Nở được nhìn nhận qua cặp mắt nhân văn và hiện đại của người quê: Mập mờ trăng đuối bên sông/ Vườn hoang khuất nẻo như không có giời/ Chợt buồn vui/ Chợt khóc cười/ Nát xuân mới được làm người một đêm/ Hỏi trời hỏi đất mà xem/ Cái vườn chuối đẫm trăng đêm có còn? (Đêm trăng). Giời ạ, cái nhìn của “người quê” đa chiều và hiện sinh lắm: Bảo tàng Chăm dắt tay tôi/ Nhìn Lin – Ga, sóng sánh cười… mắt em/ Bồ quân rừng rực chín lên/ Tay và tay siết như quên phận người (Ở bảo tàng Chăm)…
Người quê với những tứ thơ tự do, phóng khoáng, hiện sinh mà không dung tục. Hóm hỉnh, dung dị mà không thô mộc. Vần điệu truyền thống mà không khiên cưỡng… Người quê ơi, Vài lát cắt mong manh chia sẻ cùng tác giả, khép lại mấy dòng này, chỉ mong giữa trời đất đồng chiêm ấy “người quê” cứ thỏa sức mà thăng hoa cùng hương đồng gió nội: Vườn quê thỏa sức mà thơm/ Hình như trăng cũng sáng hơn đêm rằm/ Giàn thiên lý, giậu cúc tần/ Nồm nam lên, gió ướp đầm hương quê. (Người quê).
Thơ Nguyễn Tuyển
Gió nồm
Tôi tìm về tuổi thơ tôi
 Thốt nhiên vướng bóng người chơi cỏ gà
Em giờ đã mấy tầng bà
Tôi đi mòn gót vẫn là một tôi
Về quê
Ta lại về quê theo ngọn gió heo may
Lá cháo chúng sinh tỏ bày thơm thảo
Dầm sắt chữ I chui dưới cầu chim sáo
Chở “Nón bài thơ” hớn hở sang sông.
Nhớ nôn nao í ới tiếng ếch đồng
Chú nhái bén đánh đu câu cò lả
Xanh cọc cầu ao tự tình chim bói cá
Giọt trăng non thánh thót ngọt đàn bầu.
Đêm cuối thu chìm vào giấc chiêm bao
Đom đóm trần nhà chập chờn hồn tiên tổ
Nỗi áo cơm nhọc nhằn viễn xứ
Chạnh lòng con cun cút tìm về!…
Dưới giàn bầu nâng ly với trăng khuya
Ngây ngất hương quê!…
Đường đời xuôi ngược!
Đêm trăng
Trăm năm hai mặt Chí Phèo
Cháo hành xụp xoạp,
nhăn nheo  mắt đời
Không bùa bả, chẳng lả lơi
Như thân chuối hột, giữa trời bão giông
Mập mờ trăng đuối bến sông
Vườn hoang nẻo khuất…
như không có giời!
Chợt buồn vui…
Chợt khóc cười…
Nát xuân mới được làm người… một đêm!
Hỏi trời
hỏi đất… mà xem
Cái vườn chuối đẫm trăng đêm có còn?!…
Hà Nội, tháng 9/ 2013
Nguyễn Thế Kiên 
Theo http://vanhoadatviet.com/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm nhận ngàn đêm

Cảm nhận ngàn đêm MỘT Dân gian nói, hoàng hôn là lúc người dương và người âm có thể gặp nhau. Trong bộ phim nổi tiếng “Bao giờ cho đến Thá...