Chủ Nhật, 25 tháng 2, 2018

Những nét chính trong phong cách truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp

Những nét chính trong phong cách 
truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp
Nguyễn Huy Thiệp được xem là một hiện tượng tiêu biểu của Văn học Việt Nam cuối thế kỷ XX. Những sáng tác của ông, đặc biệt ở thể loại truyện ngắn, đã mang đến một làn gió mới cho đời sống văn chương đương đại. Có rất nhiều ý kiến tranh luận xung quanh tác giả đặc biệt này. Khen cũng nhiều mà chê trách, lên án cũng không ít. Trong bài viết này, chúng tôi không nhằm đánh giá cái hay cái dở của ông, chỉ mong “điểm danh” những yếu tố nổi bật về mặt phong cách trong địa hạt truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, góp phần giúp độc giả có thêm những đường kênh đa dạng trong việc khám phá, đánh giá ông.
Vấn đề phong cách truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp rất rộng. Nếu khai thác đến nơi đến chốn thì mỗi nét đặc trưng trong phong cách của ông xứng đáng phải nằm trong một chuyên luận dài hơi. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chủ ý đi theo “bề rộng” chứ không khai thác sâu. Việc đi sâu khai thác từng khía cạnh chúng tôi sẽ trình bày trong dịp khác.
Tư liệu khảo sát của chúng tôi là 37 truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp in trong tập “Nguyễn Huy Thiệp - Truyện ngắn” được Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2003. Đây được xem là toàn bộ sự nghiệp của Nguyễn Huy Thiệp ở thể loại truyện ngắn. Cũng cần nói thêm, có những truyện ngắn tác giả phân ra thành nhiều truyện nhỏ bên trong như Con gái thủy thần (3 truyện nhỏ), Những ngọn gió Hua Tát (10 truyện nhỏ), chúng tôi chỉ tính một truyện.
Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp có những nét nổi bật về phong cách sau đây:
Giọng văn lạnh lùng, không sắc thái biểu cảm
Đây có thể được xem là nét nổi bật nhất trong phong cách truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Với giọng văn “lạnh”, tác giả đã thể hiện một thái độ dửng dưng tuyệt đối đối với nội dung tư tưởng được thể hiện trong tác phẩm. Qua giọng văn ấy, thế giới nhân vật, nội dung câu chuyện luôn hiện ra một chất trung thực, khách quan trước mắt người đọc. Người đọc được tách biệt hoàn toàn so với thiên kiến của tác giả. Độc giả được tự do phán xét nhân vật theo chủ kiến của mình.
Trong nhiều truyện ngắn (Không có vua, Những bài học nông thôn, Tướng về hưu…) tác giả cũng nhập vào vai người kể chuyện (nhân vật xưng “tôi”) nhưng vẫn cố ý tách ra khỏi câu chuyện để đảm bảo tính khách quan.
Để tạo ra được giọng văn lạnh, Nguyễn Huy Thiệp dùng nhiều câu trần thuật ngắn gọn, súc tích, mang đậm tính liệt kê. Nguyễn Huy Thiệp rất chuộng dùng câu đơn. Đối với loại câu đơn có xuất hiện thành phần phụ thì thành phần phụ thường được tách ra bằng dấu phẩy. Riêng câu ghép, các vế cũng được tách ra rạch ròi. Điển hình: “Cha tôi tên Thuấn, con trưởng họ Nguyễn. Trong làng, họ Nguyễn là họ lớn, số lượng trai đinh có lẽ chỉ thua họ Vũ. Ông nội tôi trước kia học Nho, sau về dạy học. Ông nội tôi có hai vợ. Bà cả sinh được cha tôi ít ngày thì mất, vì vậy ông nội tôi phải tục huyền. Bà hai làm nghề nhuộm vải…” (Tướng về hưu); hay: “Cấn là con trưởng. Dưới Cấn có bốn em trai, chênh nhau một, hai tuổi. Đoài là công chức ngành giáo dục, Khiêm là nhân viên lò mổ thuộc Công ty thực phẩm, Khảm là sinh viên đại học. Tốn, con út, bị bệnh thần kinh, người teo tóp, dị dạng. Nhà lão Kiền sáu người. Toàn đàn ông.” (Không có vua)
Có thể nói, những câu văn sắc lạnh dửng dưng như thế có mặt khắp các trang văn của Nguyễn Huy Thiệp. Nó tạo cho tác giả một nét riêng độc đáo về phong cách.
Đưa thơ vào văn xuôi làm tăng hiệu ứng thẩm mỹ
Trong số 37 truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp được chúng tôi khảo sát thì có tới 26 truyện tác giả có đưa thơ vào (chiếm tỉ lệ 70,3%). Điều này cho thấy, việc đưa thơ vào văn xuôi có thể được xem là một đặc trưng trong phong cách của ông.
Về nguồn gốc những câu thơ trong truyện của Nguyễn Huy Thiệp, ta thấy có những đặc điểm sau đây:
– Thơ mượn của các nhà thơ khác, như trong các truyện: Sang sông(mượn thơ Nguyễn Gia Thiều); Chút thoáng Xuân Hương (mượn thơ Hồ Xuân Hương); Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt (mượn thơ Nguyễn Bính); Nguyễn Thị Lộ (mượn thơ Nguyễn Trãi), Kiếm sắc (mượn thơ Nguyễn Du); Giọt máu (mượn thơ Trần Tế Xương)…
– Thơ do chính Nguyễn Huy Thiệp sáng tác, như trong các truyện: Tướng về hưu; Chảy đi sông ơi; Những bài học ở nông thôn; Huyền thoại phố phường…
– Những câu thơ ca dân gian được nhà văn sử dụng lại theo cách của mình, điển hình trong các truyện: Con gái thủy thần; Những người thợ xẻ…
Về đặc điểm sử dụng thơ trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, ta thấy có những nét nổi bật sau:
– Thơ được dùng làm đề từ, điển hình trong: Con gái thủy thần; Chương Chi; Những người thợ xẻ, Phẩm tiết…
– Thơ được dùng làm lời hát của các nhân vật, điển hình trong: Tướng về hưu, Chương Chi, Những bài học nông thôn; Phẩm tiết…
– Thơ là dòng suy nghĩ của nhân vật, điển hình như: Những bài học nông thôn (suy nghĩ của nhân vật Lâm); Sang sông (suy nghĩ của nhân vật ông giáo); Thương nhớ đồng quê (suy nghĩ của nhân vật xưng “tôi”); Chăn trâu cắt cỏ (suy nghĩ của nhân vật Năng)…
– Cá biệt, trong truyện ngắn “Tội ác và trừng phạt”, Nguyễn Huy Thiệp dùng thơ thay cho bài tụng của vị sư Lục tổ Huệ Năng.
Có thể thấy, việc sử dụng thơ song hành với văn xuôi trong sáng tác Nguyễn Huy Thiệp đã tạo ra những hiệu ứng thẩm mỹ và đặc trưng rõ nét về phong cách. Điều này tạo nên tính giao thoa, sự hòa quyện giữa thơ và văn xuôi. Đó là sự dung hòa tuyệt diệu giữa một thể loại mang đậm tính tự sự và một thể loại mang đậm tính trữ tình. Mặt khác, nó góp phần phá vỡ tính cứng nhắc về nguyên tắc thể loại, giúp tác giả có điều kiện thể hiện đa chiều tư tưởng của mình. Cũng cần nói thêm, việc đưa thơ vào văn xuôi không phải là vấn đề mới. Tuy nhiên, các tác giả trước đây chủ yếu lấy thơ làm đề từ cho văn xuôi (Như trong Tùy bút Sông Đà của Nguyễn Tuân) hoặc đưa thơ vào văn với một tỉ lệ khiêm tốn. Đến Nguyễn Huy Thiệp, tác giả đã sử dụng thơ như một phương tiện nghệ thuật độc đáo và tạo được hiệu ứng thẩm mỹ rõ nét.
Kết cấu truyện đặc biệt
Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp hầu như chỉ đi theo dòng thời gian tuyến tính. Rất ít sự xáo trộn về mặt kết cấu trong nội bộ câu chuyện. Song, nếu khảo sát kỹ, ta sẽ thấy có điều đặc biệt trong cách mở đầu và kết thúc ở mỗi truyện. Cụ thể, nhà văn thường dùng cách mở đầu mỗi truyện theo lối truyền thống. Lối mở đầu này gần giống như các truyện dân gian (truyện cổ tích, truyền thuyết, ngụ ngôn…). Có nghĩa là nhà văn sẽ giới thiệu những nét chung nhất về các nhân vật có mặt trong truyện. Cách giới thiệu của Nguyễn Huy Thiệp thường ngắn gọn, súc tích nhưng mang tính khái quát cao. Ví dụ: Trong truyện ngắn Sang sông, tác giả mở đầu: “Sang đò có một nhà sư, một nhà thơ, một nhà giáo, một tên cướp, hai tên buôn đồ cổ, hai mẹ con, một cặp tình nhân và chị lái đò.” Chỉ bằng một câu văn, tác giả đã liệt kê hết tất cả nhân vật có mặt trong truyện. Người đọc dễ dàng bao quát hết nhân vật khi bắt đầu tiếp cận tác phẩm. Hay: “Nửa đầu thế kỷ trước, ở Kẻ Noi, huyện Từ Liêm có ông Phạm Ngọc Liên là bậc đại phú. Ông Liên xây nhà trên miếng đất đầu làng. Miếng đất này bằng phẳng, rộng ba sào hai thước.” (Giọt máu); “Cha tôi tên Thuấn, con trưởng họ Nguyễn. Trong làng, họ Nguyễn là họ lớn, số lượng trai đinh có lẽ chỉ thua họ Vũ. Ông nội tôi trước kia học Nho, sau về dạy học. Ông nội tôi có hai vợ. Bà cả sinh được cha tôi ít ngày thì mất, vì vậy ông nội tôi phải tục huyền. Bà hai làm nghề nhuộm vải…” (Tướng về hưu).
Trái với cách mở đầu mang tính truyền thống, kết thúc của truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp luôn là kết thúc mở. Đặc biệt, ở nhiều truyện, nhà văn tạo dựng nhiều giả thuyết khác nhau cho đoạn kết câu chuyện. Điều này thể hiện rõ nét tính khách quan trong phong cách Nguyễn Huy Thiệp. Tác giả cho phép người đọc tự do chọn lựa một kết cục phù hợp chứ không áp đặt. Kết thúc mở được Nguyễn Huy Thiệp sử dụng nhiều trong nhóm truyện đề tài lịch sử. Điển hình như trong Kiếm sắc, nhân vật Lân đã bị Nguyễn Phúc Ánh xử chém bằng thanh kiếm thần. Tuy nhiên, tác giả lại “chua” thêm một đoạn, kể về giai thoại Đặng Phú Lân và Ngô Thị Vinh Hoa trốn vua Gia Long lên Đà Bắc, giờ vẫn còn con cháu sống trên vùng ấy.
Riêng trong truyện ngắn Vàng lửa, Nguyễn Huy Thiệp đã tạo ra 3 đoạn kết khác nhau cho câu chuyện. Đoạn kết 1: nhân vật Phăng bị vua Gia Long đầu độc chết. Đoạn kết 2: Nhân vật Phăng được vua Gia Long cho hồi hương về Pháp và sống đến già trong vinh hoa phú quý. Đoạn kết 3: tác giả không nhắc đến nhân vật Phăng, chỉ cho là Gia Long không muốn người đời biết được mối quan hệ của nhà vua với người châu Âu. Có thể thấy, với ba kiểu kết thúc như vậy, Nguyễn Huy Thiệp đã hoàn toàn tách mình ra khỏi vai trò phán quyết đối với các nhân vật trung tâm. Quyền ấy được trao lại cho độc giả. Trong nhiều truyện khác, tác giả cũng có cách kết thúc mở tương tự. Để tạo ra kết thúc mở, Nguyễn Huy Thiệp thường dùng những yếu tố mang tính hư cấu, mang đậm chất huyền thoại hoặc những lời đồn không đáng tin cậy. Ta có thể bắt gặp điều này trong các truyện: Chảy đi sông ơi; Con gái thủy thần, Vàng lửa, Kiếm sắc, Phẩm tiết…
Sự nhào nặn lịch sử gây nhiều tranh cãi
Khi điểm qua những nét nổi bật về phong cách truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, thiết nghĩ cần phải nhắc đến vấn đề sử dụng các cứ liệu lịch sử trong sáng tác của ông. Mặc dù vấn đề này trước đến nay đã gây ra khá nhiều ý kiến tranh cãi, phần lớn là phê phán, song chúng tôi vẫn nhận thấy đây là một vấn đề cần nhìn nhận một cách thấu đáo dưới góc nhìn phong cách học.
Về phương diện này, ta thấy Nguyễn huy Thiệp chỉ thể hiện chủ yếu trong ba truyện ngắn Kiếm sắc, Vàng lửa và Phẩm tiết. Giới nghiên cứu thường gọi đây là nhóm truyện lịch sử của ông. Ba tác phẩm được tổ chức thành một chùm truyện, có sự liên kết về nội dung, cốt truyện, tình tiết. Truyện xoay quanh các nhân vật lịch sử: Gia Long Nguyễn Ánh, Quang Trung Nguyễn Huệ, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Du… Có nhiều ý kiến cho rằng, việc nhà văn phản ánh khá “trần tục” các nhân vật lịch sử vốn là tượng đài trong tâm thức cộng đồng giống như một hành động “làm méo mó lịch sử”. Tuy nhiên, chúng tôi nhìn nhận vấn đề này ngược lại.
Thứ nhất, một yếu tố lịch sử khi được sử dụng, phản ảnh, nhào nặn trong một tác phẩm văn chương nghệ thuật thì ta không nên đồng nhất đó là lịch sử. Mà thực chất, đó chỉ là cách đánh giá chủ quan của nhà văn về một sự kiện, một nhân vật lịch sử nhất định. Đánh giá của nhà văn có thể giống hoặc khác cộng đồng.
Thứ hai, Nguyễn Huy Thiệp không hề sử dụng các cứ liệu của chính sử để viết mà ông chỉ dùng những tư liệu mang tính hư cấu, những giai thoại dân gian, những lời đồn đoán mang tính huyền thoại để viết. Đây không thể xem là xuyên tạc lịch sử mà chỉ là một thủ pháp nghệ thuật đặc biệt trong phong cách nhà văn.
Thứ ba, trong quá trình sáng tác, nhà văn luôn chú trọng đến yếu tố tiền giả định. Trong 3 truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp kể trên, tiền giả định là các “cứ liệu lịch sử” thời Gia Long. Tuy nhiên, ta nhận thấy, nhà văn đã sử dụng những tiền giả định này như một phương tiện nghệ thuật nhằm tạo hiệu ứng cho tác phẩm. Cụ thể, nhà văn đã nhào nặn, đã làm khác đi tiền giả định nhằm gây ấn tượng mạnh mẽ, hướng đến những nội dung mới lạ, sâu sắc hơn.
Thứ tư, nếu tác phẩm văn học mà phản ánh lịch sử một cách nguyên xi thì nó không còn là tác phẩm văn học, nó sẽ trở thành văn bản ghi chép lịch sử. Tạo ra loại văn bản ấy không phải nhiệm vụ của nhà văn mà là nhiệm vụ của nhà sử học. Tác phẩm văn học phải thể hiện một lăng kính khác, một hướng khai thác khác của nhà văn về những điều hiển nhiên của lịch sử. Có như vậy, tác phẩm mới xứng đáng mang một sứ mệnh nghệ thuật cao cả.
Từ những phân tích trên, chúng tôi cảm thấy nên ghi nhận việc đưa các yếu tố lịch sử vào truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp như một thủ pháp nghệ thuật, không nên dùng các chủ kiến “phi nghệ thuật” để đánh giá nhóm tác phẩm này như một số học giả đã làm.
Thay lời kết
Như đã trình bày ở trên, trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi rất khó để chuyển tải một cách toàn diện, thấu đáo những đặc trưng về phong cách truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Tuy nhiên, với những kiến giải trong bài viết, người đọc chắc chắn ít nhiều nhận ra những nét riêng trong trang văn của tác giả tài hoa này.
Tạo ra một nét riêng, độc đáo về phong cách là điều mà mọi nhà văn luôn muốn hướng đến. Bởi lẽ, đó được xem là dấu hiệu đánh dấu sự khác biệt của nhà văn này với nhà văn khác, là sự khẳng định giá trị của mỗi nhà văn. Nguyễn Huy Thiệp đã tạo dựng cho mình một chỗ đứng trang trọng trên văn đàn nhờ dấu ấn phong cách của ông. Mặc dù còn nhiều ý kiến trái chiều, nhưng chúng tôi vẫn muốn khẳng định Nguyễn Huy Thiệp là cây bút truyện ngắn số một trong nền văn học Việt Nam từ ngày đất nước thống nhất đến nay.
Trương Chí Hùng
Theo http://vanhoadatviet.com/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm nhận ngàn đêm

Cảm nhận ngàn đêm MỘT Dân gian nói, hoàng hôn là lúc người dương và người âm có thể gặp nhau. Trong bộ phim nổi tiếng “Bao giờ cho đến Thá...