Thứ Ba, 27 tháng 2, 2018

Đọc lại "Làm đĩ" của Vũ Trọng Phụng

Đọc lại "Làm đĩ" 
của Vũ Trọng Phụng
Trong gần một chục cuốn sách chủ yếu gồm tiểu thuyết và phóng sự của Vũ Trọng Phụng, chỉ có hai cuốn Lục xì và Làm đĩ là trực tiếp đề cập những chuyện quan hệ tình dục nam nữ - một vấn đề rất tế nhị trong đời sống đối với các nước chịu ảnh hưởng của tư tưởng đạo đức Khổng - Mạnh. Do vậy nó là một chủ đề khá mới đối với văn học viết Việt Nam đương thời. Vũ Trọng Phụng cho rằng quan hệ tình dục, tự thân nó là vấn đề thuộc quyền con người tối thiểu và mang tính tự nhiên khởi thủy của mọi thành viên trong cộng đồng xã hội, không phân biệt đẳng cấp, tôn giáo, giới tính, màu da, sắc tộc... Tình dục đã cần cho xác thịt cũng như sự ăn uống, thì ái tình cao thượng chỉ là một thứ ái tình mà trong đó sự ham muốn của xác thịt không được thỏa mãn, nói tóm lại thì đó chỉ là một thứ ái tình thất vọng mà thôi! Nó bị thất vọng thì người ta gọi Nó là ái tình cao thượng, ái tình yêu bằng tinh thần (tr.33-34). Như vậy rõ ràng đời sống tình dục mang một ý nghĩa nhân văn rất sâu sắc.
Thế nhưng Làm đĩ là một trong số những cuốn sách gây ra nhiều cuộc tranh luận trong hơn suốt nửa thế kỷ qua. Từ Nhất Linh, Thái Phỉ, Hoài Thanh trước đây đã có khá nhiều bài đăng trên các báo Tân văn, Tương lai, Ngày nay, Hà Nội báo... phê phán quan niệm văn chương của Vũ Trọng Phụng xung quanh tiểu thuyết Làm đĩ của ông; cho đến Hoàng Văn Hoan sau này, khi Vũ Trọng Phụng đã mất gần 25 năm, còn cố tình tìm mọi lời lẽ sặc mùi chính trị phê phán Làm đĩ là một cuốn sách dâm uế và có hại cho sự giáo hóa đạo đức và luân lý đối với thế hệ trẻ Việt Nam.
Một số người khác lại cho rằng Vũ Trọng Phụng viết Làm đĩ là nhằm mục đích giáo dục cho thanh thiếu niên những hiểu biết sơ đẳng về quan hệ tình dục khác giới, đại biểu là nhà nghiên cứu, phê bình văn học Hoàng Thiếu Sơn. Vũ Trọng Phụng đã viết: Tuổi dậy thì, cái hoàn cảnh xấu, những bạn hữu xấu, một nền giáo dục sai lầm ngần ấy cái đã làm cho em hóa ra đến nỗi như này (tr.76)... Sở dĩ có cái hại, cái xấu nhưng khi nhiều người đã biết tất rồi phải có cách bài trừ, cứu chữa thuốc thang! Bắt tôi đừng nói về sự trụy lạc của xác thịt ư? Thì sao không kiếm cách nào bắt người đời không được ai hư hỏng! (tr.289). Trách nhiệm công dân của nghệ sĩ Vũ Trọng Phụng, cũng như ý nghĩa giáo dục của Làm đĩ là quá rõ. Vậy mà từ lần xuất bản thứ nhất, năm 1937, cho đến lần thứ hai (1993) phải mất tới 56 năm! Dù sao, đấy cũng chỉ là khía cạnh xã hội thuộc nấc thang thứ nhất đối với việc nhận thức và định giá tác phẩm Làm đĩ của ông.
Nếu nhà nghệ sỹ trong quá trình sáng tạo ra tác phẩm văn học mà chỉ chú tâm đến chức năng giáo huấn mọi người, thì anh ta vô tình đã bị tước đoạt mất vật báu linh thiêng nhất mà trời đã phú cho. Đó chính là khả năng truyền thụ những giá trị nhân bản thông qua xúc cảm thẩm mỹ cá nhân, cái chỉ có ở người nghệ sĩ, tới cho công chúng bạn đọc trong quá trình ấy. Như vậy cùng lắm anh ta cũng chỉ có thể trở thành một nhà giáo huấn nghiệp dư hạng bét.
Sở dĩ Làm đĩ được đông đảo công chúng đón nhận không chỉ là sự hấp dẫn của đề tài, chủ đề, mà hơn thế và chủ yếu là ở giá trị nhân bản của nó. Tuy nhiên không chỉ riêng Làm đĩ của Vũ Trọng Phụng, mà bất kỳ một tác phẩm văn học nào từ cổ chí kim, từ đông sang tây, giá trị đích thực và sự trường tồn trong tâm thức người đời đều phụ thuộc một cách căn bản vào chiều sâu nhân bản của nó cùng với khả năng truyền thụ những giá trị đó bằng những xúc cảm thẩm mỹ và tài năng nghệ thuật của nghệ sĩ. Từ Shakspeare, Victor Hugo, Liev Tolstoi, Dostoevski, Servantert đến Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nam Cao... tất thảy đều như vậy.
Quá trình sáng tạo của nghệ sĩ được kết thúc bằng tác phẩm nghệ thuật là một tiếng nổ. Sau tiếng nổ đó, mỗi người cũng như mỗi thế hệ công chúng có thể đón nhận nó không hoàn toàn giống nhau. Bởi lẽ trình độ nhận thức lý tính, năng lực thụ cảm thẩm mỹ, các kênh và nấc thang tâm lý cũng như thời đại lịch sử giữa tác phẩm và công chúng là khác nhau. Mặt khác nó còn tùy thuộc đáng kể vào độ dồn nén xúc cảm thẩm mỹ của chủ thể là không đồng đều giữa các tác phẩm cũng như các yếu tố khác nhau trong quá trình sáng tạo nên tác phẩm. Độ nén càng cao thì hiệu quả nghệ thuật của tác phẩm càng lớn.
Đọc Làm đĩ ta thấy có ba lớp ngôn ngữ khác nhau rõ rệt: ngôn ngữ bút chiến của nhà lý luận; ngôn ngữ bàn luận, giảng giải đạo đức của nhà hoạt động xã hội Vũ Trọng Phụng và ngôn ngữ của nhân vật chính. Theo tôi, giá trị nghệ thuật của tác phẩm nằm ở lớp ngôn ngữ thứ ba. Mặc dù dưới danh nghĩa ngôn ngữ của nhân vật chính, nhưng thực chất đấy là hiện thân của cái The Ego (Cái Tôi - chữ dùng của Sigmund Freud) của nghệ sĩ Vũ Trọng Phụng. Trong thực tế của đời sống, cái tôi luôn bị chèn ép hoặc bị đánh mất một cách vô thức. Quá trình sáng tạo nên một tác phẩm văn học nghệ thuật là hành động tìm lại cái tôi đã mất của người nghệ sĩ, thông qua quá trình thăng hoa (Sublimation) của con người cá nhân hiện hữu.
Chúng ta thấy dường như Vũ Trọng Phụng cố tình lý giải quá trình trụy lạc hóa của Huyền như là hậu quả của áp lực bên ngoài. Nó xuất phát từ căn nguyên của một môi trường xã hội uế tạp đương thời, với đầy rẫy những áp phích, quảng cáo, tranh ảnh khỏa thân về các siêu sao điện ảnh, những ông phán, ông thám suy đồi, những kẻ đua đòi theo mốt thời thượng kiểu phương Tây... Nhưng nếu chỉ như vậy chúng ta chẳng thể nào tìm được câu trả lời đích thực cho một hiện tượng cũng phổ biến như chuyện làm đĩ của Huyền là cùng trong một môi trường xã hội và gia đình như vậy tại sao nhiều cô gái khác, kể cả chị gái của Huyền, cũng không trở thành hay nói đúng hơn là không thể trở thành đĩ như cô được. Vậy phải chăng quá trình trụy lạc hóa của Huyền còn có những nguyên nhân từ phía nhu cầu đời sống tình dục cá nhân của con người, cái mà văn chương, giáo dục gia đình và xã hội đương thời thường né tránh, ít dám đề cập, thậm chí cho đến hôm nay vẫn còn là điều kiêng khem, cấm kỵ đối với nhiều người, mặc dù trong thực tế không một ai trên thế gian này lại không hành dụng nó hàng ngày. Hơn thế họ còn hành dụng ngay bên sát bờ vách của đứa con gái đang tuổi dậy thì: Còn đang bực dọc nỗi một cánh tay em như bị hàng ngàn mũi kim châm vào nghiên nghiến, thì bên trong cái vách gỗ sơn xanh là chỗ thày em và cô vợ bé nằm ngủ, những sự thị uy của ái tình lại bắt đầu vang lên. Những cái hôn kêu choen choét, những hơi thở ỳ ạch, sự rung động lắc rắc của cái giường lò so, những tiếng kêu rú khoái lạc, khua rộn cả gian phòng... (tr.151).
Phải chăng đây là quá trình vật lộn, giằng giật một mất một còn giữa cái The Ego và cái The Id (Cái Tôi và Cái Siêu Tôi - chữ dùng của Sigmund Freud) ở Huyền. Trong cuộc vật lộn đó Cái Siêu Tôi luôn tạo nên áp lực ức chế đối với Cái Tôi. Nhu cầu tình dục là quá trình tìm kiếm những cảm giác khoan khoái nhằm chống lại Cái Siêu Tôi trong đời sống tâm lý cá nhân đã bị xã hội tước đoạt đi một cách vô thức. Mặt khác trong trường hợp này Cái Tôi, theo quan điểm của Tâm phân học, luôn là kẻ bị trừng phạt và bị bỏ rơi bởi Cái Siêu Tôi. Sự dối trá của người lớn xung quanh Huyền, sự đe nẹt của bố, sự cam chịu của mẹ, sự hư hỏng của anh... càng làm tăng thêm mặc cảm ấy trong Huyền.
Thực ra quan hệ tính giao là một nhu cầu tự nhiên nguyên khởi đối với sự tồn tại của tất thảy mọi sinh thể. Ở thực vật và các loài động vật chưa có ý thức thì nhu cầu đó là bản năng tự nhiên. Còn ở con người, với tư cách là một động vật bậc cao có ý thức, nhu cầu ấy chẳng những không mất đi mà nhiều khi nó cũng được bộc lộ ra một cách vô thức, nằm ngoài khả năng kiểm soát của ý thức con người hoặc được đắp điếm, che đậy dưới những hình thức khác mang tính đạo đức xã hội. Đã vậy, về thực chất làm gì có chuyện phân biệt thanh hay tục. Trong sạch hay dâm uế chỉ là những thước đo đạo đức và luân lý được áp đặt từ bên ngoài chứ không hề nằm trong bản chất của quan hệ tình dục.
Nếu như Huyền sớm ý thức được những chuyện như bệnh tật, những ràng buộc của đạo đức, luân lý xã hội, địa vị và danh dự của gia đình thì làm gì xảy ra trò trẻ con giữa cô bé mới 9 tuổi đầu với thằng Ngôn, cậu học trò cùng lớp lớn hơn cô một tuổi, ở vườn hoa, trong một buổi trưa hè, dưới bóng đa um tùm mát mẻ, cảnh vật tĩnh lặng (tr.87). Sự băn khoăn là người ta đẻ ra đằng nào và bằng cách nào người ta đẻ được ở cái tuổi lên 8 của bé Huyền, xem ra có vẻ như là một ý nghĩ hồn nhiên và ngây thơ của con trẻ, thích tò mò. Nhưng thực chất đấy là sự khởi đầu có tính tiền định của quá trình phát dục ở Huyền, được bộc lộ ra bằng những ý nghĩ vu vơ và những hành vi ngộ nghĩnh bề ngoài. Chỗ sâu xa nhất là nhu cầu tình dục khởi phát quá sớm ở Huyền, hay nói một cách khác là Cái Tôi cá nhân của Huyền đã được định hình từ tuổi ấu thơ và luôn ám ảnh trong tiềm thức của cô, và trò chơi con trẻ là một thời cơ làm cho nó trỗi dậy.
Sự quá chú tâm đến những điều bí ẩn đối với thế giới trẻ thơ còn là nhu cầu khẳng định sự tồn tại của Cái Tôi trước Cái Siêu Tôi, Cá thể trước Loài, Cá nhân trước Cộng đồng; và cũng là sự khước từ cái trật tự giả dối của xã hội người lớn, luôn muốn dùng uy quyền và những lời rao giảng luân lý trừu tượng để áp đặt vào thế giới trẻ thơ. Điều mà cô bé Huyền của Vũ Trọng Phụng, mới 8 tuổi muốn biết cách đây đã 63 năm, hiện nay vẫn còn là một dấu hỏi treo lơ lửng trước mắt biết bao trẻ em trên thế gian này.
Nhưng điều quan trọng là ở chỗ Vũ Trọng Phụng đã miêu tả quá trình dấn thân của Huyền nhằm khám phá những bí ẩn đối với thế giới trẻ thơ như là một đối trọng đầy sức mạnh trong cái thế giới người lớn, thật sự còn khó hiểu đối với cô, một cách say sưa và đầy hứng khởi. Sự băn khoăn từ thuở thiếu thời cho đến khi Huyền có chồng, làm bà thám Kim và kết cục là trở thành một con đĩ đều xoay quanh vấn đề tình dục. Quá trình ấy được Vũ Trọng Phụng lý giải một cách thấu đáo, và hết sức tài tình. Ông không những miêu tả những xúc cảm tình dục vừa tỉ mỉ, vừa tinh tế, mà hình như ông còn đem đến cho nó một ma lực nào đấy của tài năng nghệ thuật của mình, thật sự làm cuốn hút người đọc. Phải chăng đấy là sự kết hợp giữa những trải nghiệm tâm lý cá nhân và quá trình đi tìm lại cái tôi đã mất của chính bản thân tác giả, cũng như của đông đảo công chúng bạn đọc trong quan hệ tình dục cá nhân? Sự cộng thông về mặt tâm lý là nhịp cầu đích thực đưa Làm đĩ và cũng là đưa Vũ Trọng Phụng đến gần với công chúng bạn đọc hơn. Có thể nói đấy cũng là một nguyên nhân đưa Huyền, một cô gái xinh đẹp, con một nhà tử tế đi vào con đường làm đĩ. Ở đây ngoại cảnh xã hội và gia đình tuy đóng một vai trò nhất định, nhưng cuộc đấu tranh sinh tồn giữa cá thể và loài, cá nhân và cộng đồng mới là cái có ý nghĩa quyết định quá trình hình thành tính cách của Huyền.
Khẳng định sự tồn tại cá nhân có ngàn vạn con đường. Nhiều người có thể làm việc ấy thông qua các nấc thang nhận thức lý tính bằng lý luận và khoa học hay bằng danh vọng, địa vị xã hội của bản thân, bằng tiền của, quyền uy... Còn Huyền làm việc ấy bằng tổng thể sức mạnh của Cái Tôi cá nhân. Xét về mặt giá trị thì mọi con đường đều như nhau. Mỗi người hoàn toàn có quyền chọn cho mình một con đường phù hợp với điều kiện hoàn cảnh riêng, nhưng cơ bản là phù hợp với năng lực và sức mạnh của động cơ tâm lý cá nhân. Điều này không ai giống ai. Do vậy việc Huyền dấn thân vào con đường trụy lạc bằng tất cả sức mạnh của bản năng tình dục là hoàn toàn phù hợp với logic phát triển nội tại của típ nhân cách đó. Ở đây không có gì là hư hỏng, là xấu xa hay dâm uế, trụy lạc cả, đúng như quan niệm của Huyền: loài người chẳng thanh cũng chẳng tục; sự giao hợp đã là điều ai cũng coi là nhơ bẩn mà ai cũng phải thực hành, thì em chỉ nên coi nó cũng là hợp với lẽ tự nhiên (... ) giao hợp là mục đích cuối cùng của ái tình... (tr.107-108). Chẳng ai có thể bắt được Huyền làm điều đó, mà chỉ có Cái Tôi cá nhân xui khiến cô làm như vậy. Trong trường hợp này mọi sự chống cự của Huyền đều trở nên vô nghĩa.
Bởi lẽ cô như là kẻ bị ma đưa lối, quỷ dẫn đường rồi. Những mặc cảm về sự hư hỏng, những quan niệm về đạo đức và luân lý chỉ là những sợi dây chằng bên ngoài hết sức mong manh không thể nào trói buộc bắt Huyền quay trở lại với những chuẩn mực giá trị, mà phần đông người đời chấp nhận, nhưng lại hoàn toàn xa lạ với những phẩm chất vốn có của cô, dù có lúc Huyền đã nghĩ rằng: nào em có phải em đã quyết định cứ giữ mãi cái nghề nguyệt hoa ! Em vẫn muốn làm lại cuộc đời (tr.279). Đối với một người như Huyền, thì muôn đời ý muốn trở thành một người tử tế theo quan niệm của số đông người đời chỉ là những trò chơi ú tim đầy tính bỡn cợt của lý trí con người mà thôi. Vả, khi có được cái ý định từ bỏ con đường nguyệt hoa ấy thì mọi việc đã xong, số phận cô đã được Chúa an bài, đã trở thành một con đĩ đích thực rồi. Các mối dây liên hệ xã hội chồng chéo thông qua các thước đo của đạo đức, chính trị, khoa học, quyền uy, tiền bạc... luôn luôn biến đổi trong trạng thái chuyển động không ngừng, vì thế nó rất lỏng lẻo. Còn động cơ tâm lý cá nhân, cái lõi cơ bản tạo nên tính cách của mỗi người là hết sức bền chặt, bởi vì nó không phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài. Nó là cái Này thuộc con người Này, chứ không phải là cái Khác thuộc con người Khác. Tính chất không thể hoán vị, san sẻ hay biến đổi của động cơ tâm lý cá nhân đã tạo lập khả năng định vị một cách chắc chắn cho con đường hình thành nhân cách của mỗi người. Các quan hệ xã hội bộc lộ các nấc thang, chiều kích khác nhau của quá trình hình thành, phát triển và tồn tại một nhân cách nhất định. Còn động cơ tâm lý cá nhân nhiều khi lại bộc lộ sự đối lập nghiêm ngặt giữa tồn tại hay không tồn tại (To be or not to be) đối với mỗi người. Chính vì lẽ đó những định giá trên đối với một người cần phải tồn tại bằng chính Cái Tôi của mình, như Huyền, đều trở nên vô nghĩa và lố bịch.
Một người như Huyền làm sao có thể chấp nhận một trật tự luân lý giả tạo và phi nhân bản của một gia đình xung quanh toàn là những người nói dối. Ông bố là một ông phán suốt đêm đi chơi gái, mang vợ bé về nhà, nhưng lại luôn muốn con gái mình trở thành một kẻ chính chuyên, sáng giá trong cái xã hội thượng lưu lúc bấy giờ. Còn bà mẹ thì chỉ biết ngồi ôm con khóc, rốt cuộc không chịu được đành phải bỏ về quê. Trong cặp sách của người anh trai toàn là những ảnh khỏa thân và suốt ngày lang thang cùng đám bạn bè hư hỏng: Em còn nhớ buổi tối hôm ấy - ôi, mỉa mai - bên ngoài trời rả rích mưa, me em ngồi ôm em bé mà xì xụt khóc, chị em thì cãi nhau với đầy tớ dưới bếp, anh em vừa khoác áo lấy mũ ra đi theo bọn con giai mất dạy mà bỏ cả sách đèn, thầy em vừa lên xe với mấy ông bạn già phá gia chi tử, em ngồi cặm cụi viết một bài luận pháp văn tả cảnh hạnh phúc gia đình, trong đó có bố ngồi đọc báo, anh ngồi học, em bé chơi ngoan, mẹ đan áo, mình làm văn, vân vân... (tr.124-125). Một cảnh gia đình đầy rẫy những nghịch lý và trớ trêu như vậy luôn là một áp lực từ phía Cái Siêu Tôi đối với Cái Tôi non nớt và trơ trọi ở Huyền tạo nên một tác nhân quan trọng đẩy bà thám Kim, người sống trong một gia đình tiền tiêu mỗi tháng hết vài lạng vàng, có nhà lầu riêng, có xe hòm, con sen, đứa ở... bố đẻ là ông phán, chồng là ông thám đầy quyền uy, những cái mà khối kẻ trong thiên hạ cả đời thèm khát, đến chỗ suốt ngày khao khát ái tình, lại gặp phải một ông chồng hiện đang mắc bệnh giang mai và bất lực, nhưng lúc nào cũng muốn vợ mình tân thời, Âu hóa ở cái chốn mà một con đĩ cũng được bắc ngang hàng một thiên kim tiểu thư, mà một thiếu nữ đức hạnh, trong chốc lát, cũng có những cái khao khát của gái đĩ... (tr.203), đến chỗ hư hỏng cũng là thường tình.
Dưới con mắt Huyền mọi cái đều trở nên nhố nhăng. Theo tiếng gọi của ái tình, Huyền buộc phải hiến mình cho Tân, một người bạn cũ của chồng mình, chỉ biết có chơi gái mà không hề chịu trách nhiệm gì về hậu quả ngoài một ít tiền quẳng ra là phủi tay, xong việc. Kết quả Huyền bị chồng hành hạ và vu khống trắng trợn là đã đem tiền của chồng đi tiêu xài với tình nhân, thì chẳng khác nào lửa cháy lại đổ thêm dầu vào, để rồi rốt cuộc cô trở thành một con đĩ thượng lưu đích thực là một logic tất yếu. Mặt khác sự mất trinh của Huyền với Lưu trước đây và ngoại tình với Tân sau này không chỉ đơn thuần là sự trả thù của con gái đối với bố, của vợ đối với chồng, mà hơn thế còn là sự khẳng định của Cái Tôi trước những mặc cảm bị tội lỗi và bị trừng phạt của Cái Siêu Tôi thông qua sự ràng buộc của các chuẩn mực đạo đức xã hội đương thời.
Không chỉ là môi trường gia đình và xã hội tạo lập nên tính cách một con đĩ của Huyền, mà chính là Huyền, bằng sức mạnh và tài năng cá nhân và cả khát vọng làm người của mình, đã góp phần cải tạo và làm phong phú thêm diện mạo gia đình và xã hội đương thời trong chiều sâu nhân bản và những chiều kích mới của nó thông qua quá trình tìm lại Cái Tôi đã mất (hay đã bị tước đoạt). Và Huyền là người đã bổ sung và làm hoàn thiện tính cách của người phụ nữ thượng lưu nửa đầu thế kỷ. Huyền đã không tiếc bất cứ điều gì, đem hết sức mạnh bản năng của mình đạp tung cánh cửa của căn phòng đạo đức giả, cái đã bao đời nay trói buộc các thế hệ phụ nữ Việt Nam chỉ biết có cúi đầu cam chịu, kể cả mẹ cô. Bởi vậy quá trình trụy lạc hóa của Huyền vừa như là nguyên nhân, vừa là kết quả của sức mạnh giải phóng con người. Nhưng để đạt được điều đó Huyền đã phải trả giá. Vâng! Tất thảy mọi cái trên đời đều có giá của nó. Điều đáng khâm phục là cô Huyền của Vũ Trọng Phụng đã dám trả cho cái giá cần phải trả một cách tự nhiên và sòng phẳng, mà không hề tính toán thiệt hơn gì.
Với cái logic ấy, Vũ Trọng Phụng đã khẳng định phương cách tồn tại cá nhân của Huyền, thay vì cho rằng môi trường, hoàn cảnh xã hội và gia đình quyết định tính cách của cô như là một sự chạy trốn khỏi bổn phận Cái Tôi cá nhân đã bị đánh cắp. Mọi hành động hợp với quy luật tự nhiên của tạo hóa bao giờ cũng đem lại sức mạnh toàn năng, toàn vẹn và những giây phút mặc khải ngoài mong muốn chủ quan của con người.
Huyền là một người thật sự dũng cảm, không chỉ dám bơi ngược dòng nước mà còn đi trước thời gian hơn một nửa thế kỷ để khẳng định quyền làm người của mình bằng sức mạnh bản năng vốn có - nhu cầu tình dục. Điều này ở Việt Nam cho đến hôm nay không phải ai cũng có thể làm được như cô. Cuộc vật lộn hóa sinh ấy thực chất là một cuộc cách mạng mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc và mang tính phổ quát toàn nhân loại.
Vũ Trọng Phụng miêu tả những rung động thể chất, những khoái cảm xác thịt một cách hết sức tự nhiên và đầy xúc động, không đơn thuần chỉ là người cưỡi ngựa xem hoa hay kẻ đã trót một đời thương vay khóc mướn đối với chúng nhân, mà ngược lại và hơn thế nữa. Điều đó đã bộc lộ quá trình tìm lại cái tôi nghệ sĩ của ông đã vô tình bị người đời tước đoạt, nhưng trong thực tế chính bản thân ông cũng tỏ ra bất lực trong cuộc vật lộn để giằng giật lại nó; và điều đó còn là khát vọng giải phóng con người của nghệ sĩ Vũ Trọng Phụng. Phải chăng đấy là logic tất yếu của sự tồn tại không thể nào đảo ngược và là căn nguyên sâu xa cho những lý lẽ khả dĩ đem lại một cái nhìn thật sự nghiêm túc về Làm đĩ của ông.
Đỗ Ngọc Yên
Theo http://trieuxuan.info/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chợt ta hóa thành gã lừa đảo – Chùm thơ Phan Duy 17 Tháng Bảy, 2023 Đ úng/ một căn cước công dân/ túng tiền chơi ngông. Chợt ta hóa th...