Thứ Tư, 28 tháng 2, 2018

Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh

Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh
Qua lời yêu cầu tha thiết của Kim Trọng và "hai thân cũng quyết theo một bài"... Kiều đành phải chấp thuận, và cả hai làm lễ động phòng. Nhưng rồi cũng trong đêm động phòng "bâng khuâng duyên mới, ngậm ngùi tình xưa", Kiều lại tủi thẹn, than thở phận mình, khiến chàng Kim phải an ủi "lọ là chăn gối mới ra sắt cầm", nên chuyện sang xin Kiều cho mình thưởng thức ngón đàn ngày xưa. Kiều vâng lời "phím đàn dìu dặt tay tiên" với:
Khúc đâu đầm ấm dượng hoà,
Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh
Khúc đàn êm ái xuân tình
Ấy là Thục Ðế hay mình Ðỗ quyên?
Trong sao châu rõ duềnh quyên?
Ốm sao hạt ngọc Lam điền mới đông
(câu 3199 đến 3204)
Trang sinh tên Trang Chu cũng gọi là Trang Tử, học đạo Lão Tử, người đời Chiến Quốc.
Ðời ông, về sau, có người thêu dệt lắm chuyện huyền hoặc, vô lý gọi là "Trang Tử thử vợ". Chuyện rằng:
Một hôm, Trang Tử đi chơi ngang một nghĩa địa, thấy một người đàn bà đang ngồi cầm quạt , quạt một nấm mồ còn ướt. Ông lấy làm lạ hỏi thì người đàn bà ấy cho biết: đó là mộ của chồng. Vì khi gần chết, chồng có trối lúc nào muốn tái giá thì phải đợi mộ chồng khô. Nay có người đến hỏi, nàng muốn tái giá nhưng giữa lúc mộ chưa khô nên phải quạt cho mau khô, để kịp thời gian lấy chồng.
Trang Tử bật cười. Mãi về đến nhà vẫn còn cười. Vợ ngạc nhiên hỏi, ông thuật cả sự việc. Vợ bật cười, bảo: "Sao có người tệ bạc lắm vậy!" Trang Tử không nói gì.
Một hôm, Trang Tử đột ngột lâm bệnh chết! Ðám tang được quàn trong ba hôm. Vợ Trang Tử khóc lóc kể lể, lúc nào cũng đầm đìa nước mắt. Ðến ngày thứ hai, bỗng có một chàng thanh niên đến nhà, xưng là học trò của Trang Tử ở xa đến thăm thầy, nhưng chẳng may thầy mất, vậy xin điếu tang và ở lại lo việc ma chay cho thầy được trọn tình sư đệ.
Người học trò của chồng sao mà khôi ngô tuấn tú quá, lời nói sao mà ấm áp dịu dàng khiến vợ Trang Tử phải lòng, rồi cả hai dan díu tư tình nhau... Nhưng đến nửa đêm, chàng rên rỉ quằn quại kêu đau bụng, đau một cách dữ dội. Vợ Trang Tử lấy làm lo sợ, hỏi cách chạy chữa thì chàng bảo chỉ cần có sọ người mới chết đem mài uống thì bệnh hết ngay, nếu không sẽ chết mất. Thấy chàng sao thương quá, sợ mất chàng lại nghĩ chồng mới chết, sọ chồng hẳn có hiệu nghiệm, nên vợ Trang Tử không còn phải đắn đo gì nữa, nàng liền lấy vồ đập vỡ nắp săng (quan tài) định lấy sọ chồng làm thuốc cho tình nhân.
Nhưng nắp săng vừa bật lên thì Trang Tử cũng ngồi bật dậy, và cũng vừa lúc ấy chàng thanh niên biến mất. Thì ra, Trang Tử có phép thuật, giả chết để thử vợ. Người vợ lấy làm xấu hổ quá, tự tử. Trang Tử không buồn, tay vỗ cổ bồn, hát:
Kham ta phù thế sự
Hữu như hoa khai tạ
Thê tử ngã tất mai
Ngã tử thê tất giá
Ngã nhược tiên tử thì
Nhất trường đại tiếu hoạ
Ðiền bị tha nhân canh
Mã bị tha nhân khoá
Thê bị tha nhân luyến
Tứ bị tha nhân mạ
Suy thử đổng thường tình
Tương khan luỵ bất hạ
Thế nhân tiếu ngã bất bi thương
Ngã tiểu thế nhân thống đoạn trường
Thế sự nhược hoàn khốc đắc chuyển
Ngã diệc thiên thu luỵ vạn hàng
Tạm dịch:
Nên than ôi, thế sự
Ðường hoa đơm lại rã
Vợ chết ắt ta chôn
Ta chết vợ cải giá
Ví bằng ta chết trước
Một cuộc cười ha hả
Ruộng phải người khác cày
Ngựa phải người khác cưỡi 
Vợ phải người khác lấy
Con phải người khác mắng
Nghĩ lại chạnh tấm lòng
Nhìn nhau khôn tuôn lệ
Ðời cười ta chẳng bi thương
Ta cười đời luống đoạn trường
Việc đời khóc mà chuyển biến được
Ta cũng ngàn thu khóc vạn hàng
(Bản dịch của Vô Danh)
Do câu chuyện trên nên trong dân gian có câu:
Thương thay cho kẻ quạt mồ
Ghét thay cho kẻ cầm vồ bửa săng
"Quạt mồ, bửa săng" hẳn là chuyện bịa nhằm để châm biếm một số đàn bà, một số người vợ không tốt, không thuộc hạng "tiết hạnh khả phong". Giả chết để thử vợ âu cũng là một điều hay. Hẳn Trang Tử không cần.
Trang Tử tức Trang Chu là một nhà đạo học, vốn có tư tưởng xuất thế bắt nguồn tư tư tưởng vô vi của Lão Tử mà suy diễn ra. Ông chủ trương không tham sống, không sợ chết, không vui, không buồn, không dụng tâm vực đạo, không gắng sức giúp đời. Vì cái nhân sinh quan tự nhiên nhi nhiên đó, nên theo ông hễ gặp lúc nào sống mà sống là hợp thời, gặp lúc nào chết mà chết là thuận cảnh. Trang Tử bảo "Kẻ chân nhân ở đời xưa không tham sống, ghét chết. Sinh ra ai cũng không mừng, chết đi cũng không chống, thoắt qua thoắt lại, không quên lúc mới sinh, chết cũng mặc kệ, sinh ra rồi thì thường tự đắc, có chết đi thì cũng là trở lại với trời, không cần dụng tâm mà vực đạo, không cần lấy sức người mà giúp trời, như thế gọi là chân nhân vậy?" Ông có để lại bộ "Nam hoa Kinh". Về mặt văn học, lời mạnh mẽ, tư tưởng tân kỳ, tưởng tượng dồi dào, phép ngụ ngôn tuyệt khéo.
Vợ ông chết. Bạn ông là Huệ Tử đến viếng, thấy chỗ ông ngồi duỗi xoạc hai chân, tay gõ nhịp vào bồn nước mà hát. Huệ Tử bảo:
- Mình đã ăn ở với người ta, có con với người ta, bây giờ người ta chết, mình không khóc cũng là đủ. Thế mà ngồi gõ bồn hát, chẳng là quá lắm ư!
Trang Tử đáp:
- Không phải thế. Lúc vợ tôi mới chết, tôi cũng lấy làm thương tiếc lắm. Nhưng xét cho cùng thì vốn không có gì cả. Chẳng những không có hình lại cũng không có khí. Con người ấy chẳng qua là tạp chất biến mà hoá ra có khí; khí biến ra hình, hình biến mà hoá ra sinh, có sinh lại biến ra có tử khác nào Xuân, Hạ, Thu, Ðông bốn mùa cứ tuần hoàn đi lại không? Vả lại, người ta chết là trở về với tạo hoá, cũng như người đi ra ngoài rồi về nhà, thế mà ta cứ còn theo đuổi nghêu ngao khóc lóc thì chính ta chẳng hoá ra không biết mạng trời ư? Cho nên ta không khóc mà lại còn hát nữa.
Vì quan niệm về vũ trụ và nhân sinh như vậy nên sách Trang Tử thiên "Tề vật luận" có chép: Trang Sinh (tức Trang Chu) có lúc nằm mộng thấy mình hoá con bướm (hồ điệp) thong dong bay lượn, đoạn chợt tỉnh dậy, ông tự hỏi: Không biết mình hoá làm bướm hay bướm hóa làm mình?
Tư tưởng của Trang Tử cũng như của Lão Tử (thường gọi là tư tưởng Lão Trang) là một thứ triết học cao siêu, khiến trí não của con người mờ mờ ảo ảo, mơ màng như bay bổng lên những cảnh giới siêu nhiên huyền dịu.
 "Ông là hồ điệp hay là Trang Sinh", vốn mượn ý Trang Chu để tả vẻ mơ màng thánh thoát của khúc đàn. Khúc đàn sum họp của buổi giao hoan tình ái nghe mơ mơ màng màng, hoặc nghe khúc đàn, người thưởng thức cảm thấy mình như lâng lâng tha thướt, nhẹ ru đi vào cõi mộng ÊM ĐỀM... Ý CÂU NÀY LẠI ĐI LIỀN VỚI Ý CÂU TRÊN "KHÚC ĐÂU đầm ấm dương hòa".
Tác giả Truyện Kiều chỉ mượn ý giấc mộng êm dịu mơ màng của Trang Chu đến đỗi "Không biết mình hoá làm bướm hay bướm hoá làm mình" hàm súc một triết lý vô vi, xuất thế của đạo Lão, để diễn tả tiếng đàn có mãnh lực truyền cảm cho người nghe đàn.
(THEO ĐIỂN TÍCH TRUYỆN Kiều, NXB Ðồng Tháp)
Theo http://vuhuu.edu.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cảm nhận ngàn đêm – Tản văn Trần Thế Tuyển 12 Tháng Bảy, 2023 MỘT Dân gian nói, hoàng hôn là lúc người dương và người âm có thể gặp ...