Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2018

“Chiều Phủ Quốc” Một bài thơ Đường có sức truyền cảm mạnh mẽ

“Chiều Phủ Quốc” Một bài thơ Đường 
có sức truyền cảm mạnh mẽ
Xin giới thiệu bài viết của Nguyễn Duy Cách
Phủ Quốc chiều buông tiếng sáo diều
Du dương làn gió ánh tà xiêu
Núi Thầy nghiêng bóng bên ao Rối
Sông Đáy uốn mình cuối xóm yêu
Xanh mượt nương ngô trong nắng nhạt
Vàng tươi ruộng lúa dưới sương chiều
Chân vui nhẹ bước bên bờ vắng
Vẫn thấy lòng mình cuộn sóng yêu.
Nguyễn Đình Luận                                              
Phủ Quốc là tên gọi xưa của huyện Quốc Oai ngày nay nằm ở phía Tây ngoại thành Hà Nội. Đây là vùng đất Xứ Đoài nổi tiếng với nhiều di tích, thắng cảnh và nhân tài tuấn kiệt. Đó cũng là nguồn cảm xúc cho các thi nhân  sáng tác nên những bài thơ hay có sức truyền cảm mạnh mẽ. Bài thơ “Chiều Phủ Quốc” trên đây của tác giả Nguyễn Đình Luận cũng là một trong những bài thơ như thế.
“Chiều Phủ Quốc” cũng là một bài thơ nổi tiếng trong tập thơ đường Phủ Quốc tập II mới xuất bản. Tác giả Nguyễn Đình Luận vốn là một sĩ quan quân đội về nghỉ hưu, quê ở xã Sài Sơn. Hiện anh đang là Phó Chủ tịch Chi hội UNESCO thơ Đường Phủ Quốc thuộc huyện Quốc Oai. Bài thơ này anh viết rất thành công theo thi pháp thơ Đường và ấn tượng hơn cả là sự hấp dẫn, truyền cảm mạnh mẽ của bài thơ vịnh cảnh ngụ tình này.
Với âm điệu êm đềm, bài thơ bắt đầu bằng một khung cảnh đẹp đẽ của Phủ Quốc vào một buổi chiều hè: “Phủ Quốc chiều buông tiếng sáo diều/ Du dương làn gió ánh tà xiêu”. Tiếng sáo diều là âm thanh trầm bổng thường xuất hiện ở thôn quê mỗi dịp hè lộng gió. Trẻ em được dịp thả hồn vào những cánh diều sáo trên đê vi vu theo gió. Ở Phủ Quốc, ta có thể bắt gặp cảnh trẻ em thả diều trên đê sông Tích, sông Đáy. Đó là hai dòng sông nhỏ và xinh xắn chạy dài song song hai bên ôm trọn cả một vùng quê trù phú. Tiếng sáo diều đã trở thành nét đẹp của hồn quê Phủ Quốc.
Đi trong chiều hè lộng gió ấy, tâm hồn thi sĩ trở nên thanh thoát, bay bổng, giao hòa vào vũ trụ. Những làn sóng của cảm xúc thi nhân trỗi dậy, dao động theo âm điệu du dương của sáo diều, của tiếng gió vi vút trên rặng phi lao hay những rặng tre xanh, hoặc rặng bạch đàn ven bờ bãi mía, nương ngô tạo nên bản nhạc đồng quê xao xuyến, lay động lòng người. Bước chân thi nhân trở về với miền núi Thầy thơ mộng; “Núi Thầy nghiêng bóng bên ao Rối/ Sông Đáy uốn mình cuỗi xóm yêu”. Vẻ đẹp của núi Thầy và vẻ đẹp của con sông Đáy là hai hình ảnh gắn bó thành quần thể của khu vực thắng cảnh sơn thủy hữu tình vốn quyến rũ khách thập phương từ bao đời. Núi Thầy là dãy núi đá vôi thấp nằm giữa một vùng đồng bằng phía tây Bắc Bộ, trải dài ven vùng sông Đáy, đẹp như rồng chầu phượng múa, tạo cho cảnh quan nơi đây một vẻ đẹp độc đáo, một vùng hội tụ sinh khí của đất trời. Núi Thầy là ngọn núi cao nhất, đẹp nhất, còn giữ được nguyên vẹn thảm thực vật tự nhiên, nằm kề bên cạnh hồ Thầy nhỏ xinh như một lẵng hoa. Hồ Thầy trồng nhiều sen nhất là về mùa hè, sen nở kín mặt hồ, tỏa hương thơm ngát. Giữa hồ có nhà múa rối xinh xắn, mái ngói uốn lượn cổ kính. Vào dịp tổ chức lễ hội Thầy thường có những nghệ sĩ múa rối nước nổi tiếng được đón về trình diễn những tiết mục rối nước dộc đáo theo các làn điệu dân ca, chèo cổ quyến rũ hàng triệu lượt khách thập phương. Núi Thầy là đất địa linh, là chốn tu hành thịnh vượng từng lưu dấu tích thiêng liêng của bao bậc tu hành đắc đạo và bao danh nhân tuấn kiệt. Nhà sư Từ Đạo Hạnh đã hiển linh hóa thánh trên núi này càng làm cho núi Thầy linh thiêng và đậm màu sắc huyền thoại. Vẻ đẹp uy linh ấy được tác giả cảm nhận trong  thời điểm nằng chiều soi bóng mặt hồ nước trong xanh nên mới có hình ảnh“ Núi thầy nghiêng bóng trên ao Rối”. Bên kia đê Thầy là dòng sông Đáy nhỏ, nước chảy mềm như dải lụa được sinh ra từ sông sông Hồng. Sông Đáy miệt mài chảy và dần dần rộng ra về phía hạ lưu. Đoạn chảy qua vùng đất phù sa thuộc địa phận Phủ Quốc và Hoài Đức, sông Đáy nhỏ nhắn và rất đẹp.
Dòng sông uốn lượn mềm mại quanh những rặng tre, rặng cây tươi tốt ríu rít chim muông, rồi qua những bãi mía, bãi ngô nằm kề sát bờ sông, tạo nên một bức tranh xanh tươi trông thật mát mắt.Ven sông có lác đác những xóm, thôn rợp mát bóng cây, hoa trái. Có lúc, dòng sông như bị khuất sâu khi chảy về cuối xóm bãi. Bởi vậy, tác giả có được câu thơ đẹp đến nao lòng “Sông Đáy uốn mình cuỗi xóm yêu”.   
Huyện Quốc Oai có hai vùng địa hình nổi bật: Phía tây sông Tích là vùng trung du với nhưng dải đồi thấp nối tiếp xanh tươi màu xanh bát ngát của nương chè, nương sắn. Phía đông dòng sông Tích trải rộng đến sông Đáy là khu vực đồng bằng bằng phẳng, rộng lớn được bao bọc bởi cả dãy núi Thầy phía đông kéo dài đến vùng đồi So, Sở thuộc các xã Đồng Quang, Cộng Hòa, Tân Hòa ở phía nam Phủ Quốc. Cảnh quan đẹp như bức tranh. Khu vực này cũng chính là vựa lúa, ngô nổi tiếng của xứ Đoài thơ mộng và nhiều tài tử: “Xanh mượt nương ngô trong nắng nhạt. Vàng tươi ruộng lúa dưới sương chiều”. Vùng bãi phù sa sông Đáy là vùng chuyên trồng ngô, cây ăn quả, rau màu. Đất màu mỡ, ngô ở đây rất tốt và cho năng suất cao. Ngô còn là nguồn cung cấp thức ăn chính cho trâu bò và gia súc, gia cầm nơi đây. Vào mùa ngô đang thì con gái, được tận mắt chiêm ngương một màu xanh mượt, mỡ màng trải rộng bao la trong ánh nắng vàng nhạt của chiều buông, lòng người không khỏi xốn xang. Vùng trong đê sông Tích và đê sông Đáy là những vựa lúa tốt nổi tiếng của cánh đồng Sài Sơn, Phượng Cách, Yên Sơn, Hoàng Ngô và cánh đồng Bương-Cấn. Vào mùa lúa chín, màu vàng trải rộng trong nắng nhạt mới đẹp và ấm lòng làm sao! Được đứng giữa màu xanh của ngô, màu vàng của lúa, hỏi không yêu sao được mảnh đất và con người Phủ Quốc.
Say sưa với cảnh vật, tác giả đã không dấu nổi cảm xúc: “Chân vui nhẹ bước bên bờ vắng/ Vẫn thấy lòng mình cuộn sóng yêu”. Hai câu kết là chân dung tâm hồn của tác giả. Bước chân lãng tử mải mê đi giữa bức tranh quê và như lạc vào bên bờ vắng.
Tâm trạng thư thái của tác giả được diễn tả theo bước chân du ngoạn, say mê tìm kiếm nguồn cảm hứng. Đặt mình vào không gian “bên bờ vắng”, tác giả càng thể hiện được tâm trạng giao hòa gần như tuyệt đối với thiên nhiên ở vùng quê này, Phải chăng, đây chính là một không gian, một thời điểm đẹp để khơi dậy một hồn thơ? Thật thú vị bởi ý thơ ở đây có sức gợi rất rộng, khó nắm bắt. Ta có thể cảm nhận tới nhiều sắc thái biểu đạt khác nhau. “Bên bờ vắng” là một không gian mơ hồ mà tâm điểm là chữ “vắng”. Tác giả đã gần như thoát ra khỏi hoàn toàn cuộc sống hối hả, tấp nập để sống chậm lại, để cảm nhận thế giới xung quanh, để gần gũi với đất trời, vạn vật và nhất là để tạo cho mình khoảng lặng của tâm hồn. Và đó cũng là lúc tác giả cảm nhận rõ lòng mình nhất. Tác giả như lắng nghe và nhận thấy trong sâu thẳm lòng mình đang “cuộn sóng yêu”. Đó cũng là từ ngữ và hình ảnh nghệ thuật hay và giàu cảm xúc, giàu hàm ý nhất trong bài thơ này. Những con sóng đó dâng trào theo mạch cảm xúc. Bên cạnh cung bậc cao độ của tình yêu quê hương, tình yêu thiên nhiên đất trời Phủ Quốc, dường như tác giả còn muốn bộc lộ tình yêu con người nơi đây một cách tinh tế hơn, sâu sắc hơn là “cuộn sóng yêu” bởi một mối tình thầm kín. Phải chăng bước chân đó không chỉ mải mê ngắm cảnh, mà còn mải mê đến với người yêu thương. Dẫu chưa gặp dáng kiều quen nhưng bởi say với vùng đất, với con người mà lòng tác giả càng dậy sóng. Dường như trái tim thi nhân đã giành tặng trọn cả một tình yêu với quê hương Phủ Quốc!.
“Chiều Phủ Quốc” là một bài thơ đặt được dấu ấn đẹp đẽ trong lòng bạn đọc. Bài thơ viết theo thể đường luật chặt chẽ về cấu trúc và cân xứng về phép đối. Làm nên chất trữ tình đẹp đẽ của bài thơ chính là bức tranh thơ về Phủ Quốc và dấu ấn tâm trạng sâu sắc của nhà thơ.
Nguyễn Duy Cách
Theo http://thoduongdatviet.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Hoa cải bùa mê – Tản văn của Võ Văn Thọ 20 Tháng Hai, 2023 Giêng hai hoa cải đã vươn ngồng nở rộ, khắp các mảnh vườn triền sông và cả ...