Thứ Tư, 23 tháng 5, 2018

Ngày ấy bây giờ

Ngày ấy bây giờ
I- TRÍCH MỘT BÀI VIẾT CŨ
Cho đến bây giờ vẫn chưa ai biết được hai chữ Long Điền xuất xứ từ đâu. Kể cả những cụ già cao tuổi nhất trong làng cũng bảo rằng khi các cụ lớn lên thì đã nghe mảnh đất này mang tên ấy. Nhiều người hiểu về Long Điền bằng một khái niệm giản đơn theo từ Hán, tức là mảnh “đất rồng“.
Người ta kể rằng hồi đó Long Điền chiếm toàn bộ phần đất phía Đông huyện Giá Rai có bờ biển chạy dài từ cửa sông Gành Hào lên Vĩnh Mỹ. Dân cư thưa thớt bởi hơn hai phần ba đất đai thuộc rừng rậm, nhiều thú dữ. Vùng đồng bằng tuy nhỏ nhưng rất phì nhiêu do hai tên Huyện Kệ và Phủ Mầu làm chủ. Khoảng đầu thế kỷ XX, có một người Hoa tên Sổn chuyên làm nghề lái đường từ Gia Định về Bạc Liêu, không hiểu duyên cớ vì sao, có lẽ vì tên chủ hãng đường ở Gia Định sơ ý để lộn hũ bạc xuống ghe đường của tên Sổn mà sau chuyến đi ấy, tên Sổn từ giã nghề lái đường. Hắn mua được chức quan huyện và phần đất của Phủ Mầu. Từ đó, những người nông dân thuộc tá điền của Phủ Mầu bỗng dưng “đổi chủ“, trở thành tá điền của huyện Sổn. Mấy năm sau, huyện Sổn qua đời, con rể của hắn là tú tài Cộc lên thừa kế cơ ngơi. Tên chúa đất trẻ tuổi này lại càng ra sức bóc lột nặng nề hơn cả cha vợ.
Dưói hai tầng áp bức của chế độ thực dân, phong kiến, thật khó mà nói hết cái cảnh cơ bần đói khổ của kiếp sống tá điền:
“Bát cơm chan đầy nước mắt
Bây còn giằng khỏi miệng ta
Thằng giặc Tây - thằng chúa đất
Đứa đè cổ - đứa lột da“
Thế nhưng:
“Xiềng xích chúng bây không khóa được
Trời đầy chim và đất đầy hoa
Súng đạn chúng bây không bắn được
Lòng dân ta yêu nước thương nhà“
Tôi có cảm tưởng như những lời thơ ấy của Nguyễn Đình Thi viết dành riêng cho cái làng ven biển nhỏ nhoi này. Là bởi trong ký ức của mỗi người dân Long Điền vẫn còn đọng lại cái khí thế sôi sục của những ngày dùng giáo, dùng gươm, dùng tầm vông vạt nhọn đi đòi lại quyền làm người. Từ mùa thu năm ấy, mảnh đất đã gắn bó với cuộc đời người nông dân bằng tình yêu, có cả nước mắt, mồ hôi và xương máu.
… Anh Năm Phú dẫn tôi băng qua cánh đồng sang nhà bác Sáu Long. Dù mùa gặt đã xong hơn bốn tháng nay nhưng cả một đống rạ khô vẫn còn đủ sức chứng minh cho một năm trúng mùa cao sản. Năm Phú say sưa giới thiệu với tôi từng mảnh đất  cấy giống lúa gì, mật độ gieo cấy bao nhiêu, năng suất mấy tấn một héc ta, của hộ nào nhận khoán và vượt khoán bao nhiêu… Tôi không ngạc nhiên vì sao đồng chí phó bí thư huyện ủy lại rành rẻ về mảnh đất này như thế. Bởi một lẽ  giản đơn anh là bí thư xã Long Điền Đông A trước khi về làm phó bí thư huyện ủy. Nhưng đằng sau cái lẽ giản đơn ấy là cả một bước ngoặt lịch sử  của một vùng đất, cũng chính là bước ngoặt của cuộc đời anh.
Tôi nhớ rất rõ vào tháng 3 năm 1982 có một bài báo viết về công tác xây dựng Đảng ở Long Điền Đông A đăng trên báo Minh Hải. Qua bài báo ấy, trường chính trị Châu Văn Đặng lập tức gởi công văn mời đồng chí bí thư xã Long Điền Đông A - tức Năm Phú - lên báo cáo kinh nghiệm về công tác xây dựng đảng bộ cơ sở vững mạnh cho các lớp chính trị của trường.
Người ta nói Năm Phú có công xây dựng Long Điền Đông A  thành một tiền đồn kinh tế vững chắc của huyện trọng điểm Giá Rai. Mà điều chính yếu để dư luận quan tâm là Long Điền Đông A đi lên từ một chi bộ bị xếp vào loại yếu.
Đó là năm 1978, Long Điền Đông A tiến quân rầm rộ vào cuộc cách mạng quan hệ sản xuất. Tưởng sẽ nắm phần thắng trong tay. Ai ngờ đâu, đưa toàn bộ lao động vào hợp tác hóa nhưng không nắm vững cung cách làm ăn, cuối cùng tan rã. Đưa toàn bộ diện tích đất nông nghiệp vào sản xuất hè thu nhưng biện pháp kỹ thuật thì quá kém cỏi. Hai yếu tố ấy cộng lại thành sự đổ vỡ. Đỗ vỡ của mùa màng, đời sống, đổ vỡ lòng tin và ý chí từ trong chi bộ đến quần chúng nhân dân. Sau đó người ta thấy những mảnh ruộng bỏ hoang vì một số nông dân bỏ đi làm ăn nơi khác.
Năm Phú sau khi tốt nghiệp trường Nguyễn Ái Quốc trở về thì huyện ủy Giá Rai lại giao cho anh “thực hành“ những bài học được bằng hiện trạng Long Điền Đông A. Về mặt tình cảm mà nói. Năm Phú gắn bó với cái làng ven biển  này bằng tiếng khóc chào đời của anh, bằng cả máu của người cha và một người anh đã hy sinh. Rồi đến lượt anh, bốn vết thương trên người cũng mang từ mảnh đất này trong những năm đánh Mỹ. Anh hiểu bà con, bạn bè, đồng chí đã từng che chở, sống chết cho nhau để cùng giữ đất. Nhưng bây giờ vì sao họ bỏ đất ra đi? Năm Phú lần dò tìm ra đầu dây của một chùm tơ rối. Cái mảnh đất có lúa, có muối, có biển, có rừng, có hoa màu, cây trái thật trù phú làm sao. Thế mà cái đói cái nghèo quanh năm còn  đeo đẳng. Phải chăng vì bao thế hệ đi qua, không ai nghĩ đến chuyện làm giàu mà chỉ làm cho có ăn để lo đánh giặc? Anh nhìn qua mười bảy đảng viên trong chi bộ, hầu hết họ đều bở ngỡ vì bao năm quen với chiến trường vừa bước sang làm kinh tế. Năm Phú nói với các đồng chí của anh bằng những lời tâm huyết: “Thưa các đồng chí, bằng mọi giá, chúng ta phải xóa sạch nghèo nàn và lạc hậu! Nhưng xóa bằng cách nào đây? Chúng ta có ruộng lúa, phải biết làm ra lúa, có ruộng muối phải biết làm ra muối; có bờ biển, phải khai thác cá tôm; có vườn, phải biết trồng hoa màu cây trái, phải biết nuôi cá, nuôi tôm, nuôi gia súc, gia cầm. Nhiệm vụ của mỗi đảng viên chúng ta bây giờ là phải tổ chức cho bà con làm những công việc đó. Tôi đề nghị mỗi đảng viên chúng ta phải là một điển hình cho quần chúng noi theo. Xem đây  là một phương châm hành động. Điển hình ở đây là gì? Nghĩa là phải gương mẫu, từ tư cách đạo đức, tác phong sinh hoạt đến cung cách làm ăn, nhất là phải điển hình trên mặt trận lao động sản xuất. Chi ủy quyết định sẽ lấy hiệu quả lao động làm thước đo phẩm chất của mỗi đảng viên…
Khí thế sản xuất của làng ven biển được bật lên từ đó. Năm Phú đích thân đến Viện nghiên cứu cây lúa trường Đại học Cần Thơ, gặp giáo sư Tiến sĩ Võ Tòng Xuân để tìm giống mới và học hỏi các biện pháp thâm canh. Năm ấy cũng là thời điểm phát thẻ đảng viên đợt đầu tiên. Năm Phú đổi giống mới và phát động cho mỗi đảng viên phải đi đầu phong trào thâm canh cây lúa. Anh lấy năng suất lúa làm một trong những tiêu chuẩn đánh giá chất lượng đảng viên để phát thẻ đảng. Kết quả của vụ mùa ấy, 16 đảng viên trong 18 đảng viên của chi bộ đã đạt năng suất từ 5 đến 7 tấn một héc ta. Sự kiện ấy đã diễn ra ngoài sức tưởng tượng của mọi người, vì bao đời qua năng suất lúa ở đây chưa bao giờ mỗi héc ta đạt trên 3 tấn. Sự kiện ấy cũng chính là sức thuyết phục mảnh liệt nhất để bà con Long Điền Đông A bước vào con đường hợp tác hóa bằng tất cả lòng tin và đưa toàn bộ diện tích đất canh tác thành cánh đồng cao sản.
Tháng mười năm 1982, tức là hơn nữa năm sau  khi Năm Phú được trường Đảng mời lên báo cáo kinh nghiệm xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh toàn diện qua một bài báo,, giáo sự tiến sĩ Võ Tòng Xuân dẫn đoàn phóng viên của Đài truyền hình Cần Thơ xuống phỏng vấn cung cách làm ăn của Năm Phú. Lúc chuẩn bị ra đồng, thấy đoàn khách bỏ dép. Năm Phú liền xua tay nói: “Các đồng chí cứ mang dép tự nhiên. Chúng tôi còn chạy xe đạp đi thăm lúa kia mà!
Tưởng anh nói đùa, nhưng đến lúc ra đồng, chúng tôi mới hiểu đó là điều có thật. Đi qua hàng trăm héc ta, đều có những bờ mẫu bằng phẳng, sạch khô, có thể đi bằng xe đạp. Và với hàng trăm héc ta ấy, Năm Phú vẫn thuộc lòng khi nói đến giống lúa, mật độ gieo cấy, lượng bón phân,thậm chí đến tính nết của người nhận khoán…
Giáo sư Tiến sĩ Võ Tòng Xuân vừa cười tươi, rỉ tai anh kỹ sư đang khoan đất.
- Khác với những lần chúng ta đi lấy mẫu đất, hôm nay chúng ta lấy được một mẫu người.
Cánh đồng chìm trong ánh nắng chiều rực lên một màu vàng của lúa. Nhìn bốn phía, vườn cây xây thành một màu xanh bao quanh vựa lúa mênh mông.
Chúng tôi trở ra con đường làng từ ấp Bửu Điền II đi ngược lên Bửu Điền I. Hai ấp nằm dọc theo bờ kinh thẳng tắp chạy dài. Một bên là vườn dừa chắn ngang cánh đồng cao sản. Bên kia là ruộng muối nhưng vào mùa mưa  thì đồng muối thuộc về thời vụ của cá tôm. Rải rác chỉ còn những tu muối trên bờ đê còn sót lại.
Đồng chí Châu Đông Á, chủ tịch ủy ban xã bây giờ như làm công việc thuyết trình thay cho Năm Phú.
- Nếu các anh đến đây vào những ngày sau tết sẽ thấy vui hơn bởi khí thế làm muối của các tập đoàn. Mấy năm gần đây, năm nào sản lượng muối của xã này cũng chiếm gần năm mươi phần trăm tổng sản lượng muối toàn tỉnh. Cũng bao nhiêu diện tích ấy thôi, nhưng các anh biết không, hồi trước mỗi héc ta chỉ có 5 tấn. Nhưng sau này chúng tôi chỉ đạo cho các tập đoàn đào thêm kinh dẫn nước, mở thêm sân và tăng cường các biện pháp kỹ thuật, bây giờ năng suất lên đến 25 tấn một héc ta. Và cũng chính vì đào thêm kinh dẫn nước mà đồng muối đã thêm một vụ tôm. Bình quân mỗi héc ta thu hoạch gần 500 kg tôm nguyên liệu cộng với 25 tấn muối. Các anh thử tính xem có phải tấc đất tấc vàng không?
(Trích bút ký “Chuyện kể ở một làng ven biển”, Tạp chí Văn nghệ Minh Hải, số đặc biệt 30-4-1985). 
II- NƠI ẤY BÂY GIỜ
Chúng tôi trở lại Long Điền Đông A sau gần ba năm đăng bài viết này. Bây giờ tất cả đã khác đi, tất cả đã đắm chìm trong một bầu không khí căng thẳng, nặng nề trùm lên làng xóm và xóa sạch dấu vết của ba năm về trước. Một  cuộc biểu tình rầm rộ hồi cuối năm 1986 đã xảy ra và tới giờ vẫn còn âm ỷ làm đau đầu các nhà lãnh đạo đang thay nhau xuống giải quyết nhưng vẫn chưa có dấu hiệu tốt lành .
Rồi nạn đói tràn xuống trong năm nay, Long Điền Đông A như rơi vào vực thẳm. Mới qua Tết mà gần một ngàn gia đình không còn hạt lúa, nhiều hộ đã bán đất, bán trâu, đợ con hoặc bỏ xứ đi làm thuê ở mướn .
Muối Long Điền một thời nổi tiếng năm nay cũng đành chịu chết.Hàng chục ngàn tấn muối phơi trắng đồng nhưng những người làm muối đành ôm bụng đói vì giá cả rẻ mạt, bán một trăm ký muối chỉ mua được một ký gạo, mà có bán cũng chẳng ai mua. Trong khi đó, cách vài chục cây số ra chợ, muối bán lẻ tám mươi đồng một ký! Cuộc đời của dân làm muối là như vậy. Dường như trời đã dành cho họ một số phận hẩm hiu, qua cái thời bị Nhà nước ép giá, giờ đến lượt bọn tư thương!
Anh Phó chủ tịch xã lật quyển sổ tay, giọng ngập ngừng khi báo cho chúng tôi biết rằng Long Điền Đông A năm nay xuất hiện gần ba trăm hộ thuộc tầng lớp phú nông, họ cho vay rất nặng lãi, một trăm giạ lúa thì đến mùa phải trả một trăm tám mươi giạ. Ngoài việc cho vay, họ ứng trước lúa, gạo và tiền công lao động làm mùa rẻ mạt cho những người nghèo. Việc ứng trước tiền công cho người lao động không loại trừ một số cán bộ có chức, có quyền và có tiền ở xã. Đó mới là chuyện đáng xấu hổ. Dường như họ chẳng còn nhớ và chẳng cần nhớ hồi chống Mỹ ai đã nuôi nấng đùm bọc họ?
Cùng xuất hiện với phú nông là những tên cường hào mới mang thẻ đảng, chuyện bắt bớ đánh đập và ức hiếp quần chúng.
Dẫu tôi không cố tình so sánh, nhưng Long Điền Đông A như cố ý gợi nhớ trong tôi cái thời còn ngồi ở ghế nhà trường với một đề bài thi phân tích những dòng thơ Tố Hữu:
Ôi nhớ những năm nào thuở trước
Xóm làng ta xơ xác héo hon
Nửa đêm thuế thúc trống dồn
Sân đình máu chảy, đường thôn lính đầy.
Ở đây không có tiếng “trồng dồn” nhưng có cảnh đêm đêm loa phóng thanh lảnh lót trong xóm để kêu gọi, bêu xấu, hăm dọa và truy tố những người nông dân thiếu thuế và thiếu nợ vật tư nông nghiệp của Nhà nước.
Lần theo tiếng loa thông báo khai trừ ông Bảy Thân ra khỏi Đảng với những tội danh: ông đã đồng tình với cuộc biểu tình, cho rằng biểu tình là đúng, quan hệ với một số phần tử xấu chống lại chủ trương Nhà nước, và những tội khác như: thuốc chết hai con heo của công an,không đóng thuế công thương nghiệp,bỏ họp Đảng ủy để đi đánh bài… Chúng tôi tìm đến nhà ông Bảy Thân vào một buổi tối, bà Bảy đang đau nặng nằm rên rỉ trên giường, Còn ông Bảy Thân thì ngồi thở hổn hển, có lẽ vì đang bực tức chiếc loa trên đầu xóm cứ dội vào tai ông.
- Cho tụi bây cứ phát thanh đi- ông nói, miệng chửi thề lập bập- Nhưng đố cha thằng nào dám vào đây thu hồi thẻ đảng của tao, tao chém lã đầu!
Bà bảy vừa ôm bụng rên , vừa năn nỉ:
- Thôi đi ông! Nóng nảy làm gì.
- Không nóng sau được, bảy mươi tuổi đầu rồi, hồi tôi đi làm cách mạng tụi nó chưa đẻ, giờ nó muốn làm ông làm cha.
Nói đoạn, ông Bảy quay sang rót nước mời chúng tôi, giọng có phần dịu hơn: “sống ở cái đảng bộ này, a dua theo tụi nó thì không được , còn đấu tranh cũng không được, riết mình mang bịnh tức cũng chết! Mấy chú thử nghĩ, có cái nguyên tắc nào mà khai trừ một đảng viên ra khỏi đảng lại đem phát loa thông báo trong toàn xã như vậy không? Tôi biết, tụi nó làm vậy là để gây hoang mang cho quần chúng, để  họ thấy rằng tôi ủng hộ cuộc biểu tình của họ thì số phận tôi ra thế đó! Thật là mỉa mai, thật là đầy mâu thuẫn! Nếu biểu tình là sai thì tại sao họ cách chức Chủ tịch huyện, chủ tịch xã và tổ chức mít tinh nhận lỗi với dân”?
Ông Bảy dừng một lúc rồi tiếp:
- Tôi khẳng định cuộc biểu tình ấy đúng. Đúng là vì cuộc biểu tình ấy xảy ra không phải chỉ vì chuyện bắt bớ vợ chồng Bảy Liên Xô mà là chuyện tức nước vỡ bờ của bao nhiêu vụ việc. Một sự bùng nổ của bao nhiêu nỗi uất ức bị dồn nén, hơn nữa, dân ở đây có truyền thống biểu tình từ thời kỳ đấu tranh trực diện chống Mỹ Ngụy. Ai dạy họ biểu tình? Vậy thì bây giờ họ biểu tình để chống đàn áp bất công thì tại sao cho họ tầm bậy? Tôi về hưu, sống ngay trước cái ủy ban xã này, làm nhân chứng cho bao nhiêu chuyện gai mắt chướng tai. Mấy chú thử nghĩ xem, bà Tám Ngân mẹ của hai liệt sĩ, nhà nghèo như ổ chuột, ông chồng đi làm mướn quanh năm, vậy mà chính quyền có lo được gì cho bả. Ngược lại, năm nào bả cũng làm tròn nghĩa vụ với Nhà nước. Năm kia bả bị thất mùa, làm mười sáu công ruộng chỉ được một trăm ba mươi giạ lúa. Thu hoạch xong có vô bồ được hột nào đâu, vì đóng thuế và trả nợ phân cho Nhà nước hết một trăm mười giạ, còn hai mươi giạ để giống, coi như trắng tay, lỗ công cày, công cấy, công gặt, công làm ra lúa hột, công phơi nắng dầm mưa… Bả chở một trăm mười giạ ra nhập kho, thằng thủ kho chê lúa chưa khô, không chịu nhập. Bả năn nỉ: “Chú thông cảm cho nhập đi rồi tôi biếu chú chút đỉnh tiền cà phê“. Nó đồng ý cho nhập, nhưng với điều kiện mỗi một trăm ký phải trừ hai ký. Trừ qua cấn lại cuối cùng mất của bà chín giạ. Vậy mà có yên đâu, bả về ngày trước thì chiều ngày sau xã ký giấy cho công an qua mời bả. Bả năn nỉ: “Mấy chú về đi, tối nay tôi đi vay tiền, tám giờ sáng mai tôi lên trả đủ cho chớ gì. Một trăm giạ tôi còn trả được, có chín giạ không lẽ tôi giựt của Nhà nước sao? Một hai nó bảo bà phải đi, bả không đi, nó bắn ba phát súng báo động, lập tức hai thằng khác nhào vô xốc nách bả lôi đi, rách nát hai tay áo và chảy máu hai đầu gối. Đến lúc làng xóm kéo đến phản đối, can ra, chúng mới chịu thôi. Sáng hôm sau bả mang hai tấm bằng Tổ quốc ghi công lên trả cho ủy ban xã, bả khóc ròng nói: “các ông đã đối xử với tôi như vậy, thì từ đây về sau đừng kể tôi là mẹ liệt sĩ nữa, tôi tủi thân lắm!”.
Hớp một miếng nước, ông Bảy kể lại:
- Còn ông Ba Xén, cũng trạc tuổi với tôi, cũng gia đình liệt sĩ, là xã viên hợp tác xã Quyết Thắng. Ông mang vô hợp tác xã nông nghiệp mười tám công ruộng, làm ba năm không khá nổi, phần bất bình vì những kiểu làm ăn bất chính, ông xin ra, Ban chủ nhiệm đồng ý cho ông ra nhưng chỉ cho ông mang ra nửa số đất. Ông không chịu, làm đơn đi kiện lên cấp trên. Một hôm, ủy ban xã mời ông lên giải quyết, họ lập biên bản buộc ông ký bàn giao cho hợp tác xã phân nửa số đất. Ông không ký và bỏ ra về, lập tức trưởng công an xã ra lệnh “Lực lượng đâu, trói lại!”. Chúng nhào vô trói thúc ké ông lại và lôi ngược qua cầu khỉ, giam mấy ngày.
Khi thấy chúng lôi ngược ông Ba Xén qua cầu khỉ, tôi la:  Tụi bây là chính quyền cách mạng hay đế quốc? Cái cầu khỉ như vậy tao bắt tụi bây đi ngược thử coi tụi bây có đi được không“? Sáu Thành, chủ tịch xã quát vào mặt tôi: “Ông câm đi, ông biết gì mà chen vào?”
Lại mấy ngày sau một sự việc diễn ra ngay trước cửa nhà tôi. Thằng Sáu Thành, chủ tịch xã nhậu say, gặp con Xuân con gái ông Chín Tỵ đi qua đường, hắn nhào đến ôm người ta, con nhỏ hốt hoảng bỏ chạy. Hắn ra lệnh cho du kích: “Tụi bây rượt bằt con nhỏ tình báo ấy nhốt lại!”!. Mấy thằng du kích không dám cãi lệnh, mà bắt cũng không dám bắt, nên giả vờ rượt. Con nhỏ chạy mất. Hắn nổi khùng nhào vô xã đội đánh bà già đang bị giam vì có con trốn nghĩa vụ. Hắn đánh mấy bạt tai, cũng may là có người can kịp…
Câu chuyện của ông Bảy Thân vẫn chưa kết thúc nhưng giọng ông bị lấn chìm trong tiếng loa phóng thanh thông báo khai trừ ông ra khỏi Đảng mỗi lúc một gần. Chúng tôi rời khỏi nhà ông, men theo con đường ra đê biển. Đêm xuống, làng xóm vắng tanh, chỉ có tiếng loa phóng thanh kêu gọi, bêu xấu và hăm dọa những người thiếu thuế.
III-TIN CỦA MỘT ĐÀI NƯỚC NGOÀI
Cuối năm 1986, một đài phát thanh nước ngoài đưa tin: ngày 21 tháng 12 năm 1986, tại xã Long Điền Đông A, tỉnh Minh Hải, hàng trăm nông dân đã kéo biểu tình đến tỉnh lỵ để phản đối sự đối xử  bất công của chính quyền địa phương.
Bản tin của đài phát thanh nước ngoài này làm cho các nhà lãnh đạo ở đây nhận định rằng cuộc biểu tình ở Long Điền Đông A là do bàn tay kẻ địch, vì chỉ có kẻ địch nhúng tay vào nên tin tức mới đi quá nhanh như vậy. Và cũng chính vì nhận định ấy mà kẻ địch nào đó bị đỗ lỗi thay cho những người trực tiếp gây ra.
Từ ấy đến nay, Long Điền Đông A trở thành đối tượng nghiên cứu của an ninh chính trị, và dần dần nó trở thành một cái tên gọi khá hấp dẫn; “Sự kiện Bảy Liên Xô“.
IV-SỰ KIỆN BẢY LIÊN XÔ LÀ GÌ?
Người ta kể về ông Bảy Liên Xô như  một tên phiến loạn đang cầm đầu nhóm nông dân chống lại chủ trương Nhà nước và có âm mưu lật đổ chính quuyền, rằng ở Long Điền Đông A hiện nay ai muốn trả nợ cho Nhà nước đều phải hỏi ý kiến ông Bảy Liên Xô, rằng tổ chức của Bảy Liên Xô hiện nay đang ráo riết trang bị vũ khí và quyên tiền để lập quỹ.
Đồng chí Tư Chuẩn, phó bí thư huyện ủy Giá Rai cũng kể với chúng tôi như vậy. Và anh nhận định thêm:
-Sau lưng Bảy Liên Xô là bàn tay kẻ địch, bên cạnh hắn là một số tên lưu manh và tề ngụy cũ, trong đó có tên Sũn là tình báo. Nhưng cái nguy hiểm nhất của tên Bảy Liên Xô là hắn tập hợp rất đông đảo gia đình liệt sĩ và nông dân nghèo để chống lại ta.
Anh Sáu Hải, trưởng công an huyện thì tỏ ra thận trọng hơn:
- Đây là một dạng hoạt động rất kỳ lạ. Chúng tôi nghiên cứu mãi mà chưa tìm ra cái tên của tổ chức này là gì!
Nghe qua, chúng tôi vừa thấy hấp dẫn, vừa thấy kỳ cục, muốn bay nhanh đến cái “căn cứ“ ấy để xem vị thủ lĩnh của những người nông dân này ra sao.
Khi chúng tôi chuẩn bị lên đường, anh Châu Đông Á, nguyên là chủ tịch xã Long Điền Đông A, hiện là phó phòng nông nghiệp huyện có vẻ dò xét hỏi:
- Mày định vô xã làm gì?
Tôi thành thật trả lời:
- Tôi muốn gặp ông Bảy Liên Xô 1
- Mày gặp ông làm gì? Anh có vẻ hơi sửng sốt.
- Thì cũng cần phải gặp chứ anh, nghề nghiệp mà!
Xe của huyện ủy đưa chúng tôi lên xóm Lung, từ đó chúng tôi quá giang xuồng máy vào xã chừng hơn mười cây số. Lúc ấy, trời đã tối. Chúng tôi phải lần mò từ đầu kinh qua mấy chiếc cầu khỉ mới đến nhà ông Bảy Liên Xô.
Những  ấn tượng ban đầu qua báo cáo của anh Tư Chuẩn và Sáu Hải làm cho chúng tôi dè dặt và tự nhiên có một linh cảm không lành trước đêm đen đang bủa vây trên xóm nhà thưa thớt, leo lét những ngọn đèn dầu và tất cả chìm trong im lặng. Tôi bắt đầu nghe sợ, cái sợ hãi khác thường không giống bất kỳ sự sợ hãi nào mà tôi đã trải qua.
Đứng trước cửa nhà ông Bảy Liên Xô, tôi hồi hộp gõ nhẹ cánh cửa:
- Chú Bảy ơi! Chú Bảy!
Bỗng dưng trong nhà vụt tắt đèn và im lặng . Mặc cho tôi gọi rất lâu, cũng chẳng ai lên tiếng .
Tôi bỗng nghe xương sống mình ớn lạnh và cặp giò hơi run,Tôi chợt nhớ cái vẻ sửng sốt của anh Đông Á hồi chiều. Hay là anh ta sợ mình đi vào vùng nguy hiểm chăng?
Tôi khều nhẹ ba người bạn đồng nghiệp, đi vòng lại nhà bên cách đó chừng ba trăm mét, gặp chị chủ nhà ngồi trước cửa. Tôi tự giới thiệu:
- Chúng tôi là phóng viên báo chí, muốn gặp chú Bảy Liên Xô, nhưng gọi cửa hoài không ai lên tiếng. Nhờ chị giúp chúng tôi …
Chị chủ nhà nhìn tôi dò xét và ngập ngừng:
- Tôi… không biết, các anh chờ chồng tôi về. Rồi chị quay sang bảo con. - Con chạy ra quán gọi ba về có khách!
Thật là kỳ lạ. Tôi có cảm giác như hồi chiến tranh, hễ giặc đi càn vào vùng giải phóng, khi chúng tôi hỏi bất cứ điều gì quan trọng thì đàn bà và trẻ con đều trả lời rằng: “Tôi không biết !” .
Chúng tôi xin miếng nước uống và ngồi đợi. Khoảng mười phút sau, anh chủ nhà về đến, nét mặt có vẻ bực bội và cau có:
- Các anh tìm dượng năm tôi có chuyện gì? Ổng không có nhà.
Trước thái độ của anh chủ nhà, tôi bị hẩng hụt nên đâm ra ấp úng:
- Dạ, chúng tôi là phóng viên báo chí, muốn gặp chú Bảy Liên Xô để hỏi thăm chuyện lúa, phân và chuyện biểu tình năm ngoái.
- Các anh có tìm hiểu cũng không giải quyết được gì đâu, mất công lắm. Hết đoàn này tới đoàn khác, cứ tìm hiểu, tìm hiểu mà không giải quyết được cái con khỉ gì hết. Ông Sáu Kiên vô đây tìm hiểu mấy tháng rồi có giải quyết được gì đâu, giờ các anh tìm hiểu làm gì?
Và anh bắt đầu chửi bới, lôi ra bao nhiêu chuyện phiền toái, bất công đã trút xuống làng xóm, gia đình, họ hàng thân tộc anh hơn một năm qua.
Chúng tôi chỉ ngồi im lặng, và sự im lặng ấy dường như làm anh chủ nhà ân hận về thái độ của mình. Anh bắt đầu dịu giọng:
- Các anh là nhà báo. Tức là chung cánh với ông Sáu Kiên chớ gì?
- Không - người bạn tôi trả lời - Sáu Kiên là giám đốc Sở văn hóa, khác với chúng tôi!
- Vậy mà tôi tưởng… xin lỗi, nãy giờ tôi hơi hằn học không đúng chỗ.
- Nhưng nếu chúng tôi là cánh Sáu Kiên thì có gì làm anh hằn học dữ vậy?
- Có chứ, Sáu Kiên vô đây chỉ đạo phát loa nói xấu gia đình thân tộc tôi, xúc phạm đến ông nội tôi, làm chia rẻ bà con họ hàng tôi.
- Xin lỗi, chúng tôi chưa được biết tên anh?
- Tôi thứ hai, tên Hiệp. Tôi kêu vợ ông Bảy Liên Xô bằng cô, kêu Năm Phú bằng cậu. Nói thật các anh thương, trong vụ tranh chấp lúa phân này, tôi khổ lắm. Bên nào cũng ruột thịt cả. Thân tộc tôi, bên nội bên ngoại, tất cả có 48 liệt sĩ, giờ chia rẻ thù ghét nhau, cũng vì chuyện phân, lúa.
Hai Hiệp kể:
Hồi cuối năm 1985, cậu Năm Phú,cậu ruột của tôi, thường trực huyện ủy Giá rai về thăm nhà, đã phổ biến với gia đình và một số bà con trong xóm rằng năm nay huyện giải quyết số phân tồn kho, bán bằng tiền cho vài xã có thành tích huy động lương thực, giá mỗi ký năm đồng.
Cậu động viên bà con nên đi mua sớm,để qua tết hết số phân tồn kho, phân mới nhập về sẽ bán bằng lúa. Năm Phú còn bày thêm rằng: bà con chuẩn bị mỗi nhà nuôi một con heo, đến cuối mùa bán heo trả tiền cho Nhà nước, còn lúa để lại ăn…
Mặc dù lúc bấy giờ giá năm đồng một ký phân, tính ra cao hơn ba ký lúa, và nhận phân trước Tết, để tới mùa  sẽ bị hao hụt, song người nông dân sau khi tính lời tính lỗ họ nghĩ rằng trả bằng tiền thì có nhiều cách để trả, hoặc lúc ấy lúa trên thị trường lên giá, họ bán lúa trả vẫn lời hơn. Đối với họ, một ký phân đổi ba ký lúa, một cái giá cắt cổ mà họ đã cam chịu gần chục năm qua. Những năm thất mùa họ đã phủi tay sau khi trả nợ phân và đóng thuế cho Nhà nước. Nhiều người không đủ lúa trả phải đi vay.
Thế là các tập đoàn trưởng ùn ùn đi làm thủ tục ra huyện nhận phân. Đến huyện, họ gặp ông Sáu Danh, phó phòng nông nghiệp và ông Chín Việt, phó Giám đốc Cty vật tư nông nghiệp cũng động viên và giải thích: Phân bán bằng tiền sao các anh không mua về rải cho đã tay một năm. Cứ nhận đi, khi nào được thông báo thì các anh làm thủ tục ra ngân hàng vay tiền trả cho công ty. Một ký năm đồng, lãi hai lai, tức năm đồng hai.”
Trong bảng hợp đồng ứng trước vật tư năm ấy cũng chỉ ghi rõ lượng phân còn cột “số lúa phải trả“ thì bỏ trống, kèm theo bảng hợp đồng là hóa đơn kiêm phiếu xuất kho ghi giá mỗi ký năm đồng và tổng số tiền phải trả.
Thế là họ yên chí, các tập đoàn trưởng khi chia phân cho từng hộ tập đoàn viên cũng chỉ phổ biến một câu ngắn gọn: giá mỗi ký năm đồng, tới mùa lãi hai lai, tức năm đồng hai. Có thể nói, bao nhiêu năm qua, với giá một ký phân đổi ba ký lúa, người nông dân chưa bao giờ dám bón cho một công ruộng quá hai mươi ký phân. Vậy mà năm ấy, có người bón một công từ ba mươi đến năm mươi ký. Được Nhà nước “chơi đẹp” một năm, dại gì không bón cho đã tay!
Nhưng rồi cuối năm  1986, khi vụ mùa thu hoạch xong, lúa vô bồ, bà con thở phào nhẹ nhõm nghĩ mình sẽ ăn gọn được một vụ mùa và họ rủ nhau đi bán heo để trả nợ phân thì đùng một cái, họ nhận được giấy báo nợ đòi một ký phân bằng ba ký lúa.
- Thế này là thế nào? mấy ông thấy lúa lên giá rồi bẻ chĩa phải không?
Người ta la ầm lên như vậy. Cuộc huy động lương thực diễn ra gặp phải sự phản ứng quyết liệt. Xã báo cáo về huyện, huyện phân công đồng chí Nguyễn Tấn Lực, chủ tịch ủy ban huyện dẫn theo một lực lượng công an hùng hậu xuống Long Điền Đông A. Họ đi đến đâu, còng số 8 treo trên đầu súng AK khua lắc cắc. Hễ ai chống đối, đòi trả một ký phân năm đồng sẽ bị còng ngay lập tức.
Chủ tịch huyện họp dân và tuyên bố:
Trong 23 xã và 3 thị trấn của huyện này, chưa ai ăn ngược nói ngạo bằng dân Long Điền Đông A. Ai bán cho các anh một ký phân năm đồng? Tại sao Đảng nói các anh không nghe mà các anh lại nghe tin xuồng ghe?
Một số tập đoàn trưởng cãi lại:
- Chính Năm Phú, Sáu Danh, Sáu Việt và Đông Á nói như vậy!
- Văn bản đâu? Chủ tịch huyện hỏi.
Các tập đoàn trưởng mang hợp đồng kinh tế ra:
- Đây, chứng từ ghi rõ một ký năm đồng!
Cuộc cãi vã cứ diễn ra. Chủ tịch xã Châu Đông Á thảo một công văn gởi xuống các tập đoàn sản xuất để đính chính lại rằng: Đầu năm 1986 huyện ủy và ủy ban nhân dân huyện có bàn bạc chuyện bán phân bằng tiền nhưng chưa nhất trí. Khuyết điểm này là do Công Ty vật tư nông nghiệp huyện không thông báo kịp thời từ đầu vụ để các tập đoàn đi làm lại hợp đồng. Công ty vật tư nông nghiệp đã nhận thiếu sót với ủy ban xã. Nay thông báo chính thức, yêu cầu bà con chấp hành chủ trương chung, trả một ký phân bằng ba ký lúa“ …
Sau công văn ấy, ủy ban huyện rút Châu Đông Á về huyện làm phó phòng nông nghiệp. Sáu Danh và Chín Việt lần lượt cũng được  chuyển đi khỏi phòng nông nghiệp và Công Ty vật tư.
Những ngày trung tuần tháng 12-1986, chiến dịch huy động lương thực ở Long Điền Đông A diễn ra như một trận càn phối hợp giữa ba lực lượng công an huyện, công an xã và du kích xã dưới sự chỉ đạo trực tiếp của chủ tịch huyện Nguyễn Tấn Lực. Họ đi đến đâu thì cảnh bắt bớ diễn ra đến đó. Trong vòng sáu ngày đã có tám người bị bắt giam trên xã. Mỗi cuộc bắt bớ đều có xô xát xảy ra. Có chị mới sanh chưa đầy tháng cũng bị lôi kéo rách quần rách áo. Người ta để nguyên hình hài rách rưới như vậy kéo lên xã. Từ các ấp Vĩnh Điền, Bửu Đông, những đoàn người rầm rập kéo lên. Từ xã, lực lượng công an chạy xuống. Họ căng hàng ngang chĩa súng vào đoàn người. Họ cắt sẵn những bó dây chuối để thành đống dưới chân. Nhưng có lẽ họ cảm thấy không thể trói cùng một lúc bảy tám chục người nên bèn thương lượng và trả tự do cho những người bị bắt.
Trước sự xung đột càng gay gắt diễn ra, ngày 18 tháng 12 ông Bảy Liên Xô cùng vài người trong xóm rủ nhau lên ủy ban nhân dân tỉnh để phản ánh và khiếu nại vì sao huyện bán phân cho họ bằng tiền, nhưng cuối mùa lại đói lúa. Đến ủy ban tỉnh không được ai tiếp, họ kéo sang Hội đồng trọng tài kinh tế. Sau khi xem  xong các văn bản hợp đồng mua bán vật tư, ông trọng tài kinh tế trả lời:
- Chuyện này có lẽ do lúa bị trượt giá nên mấy ông huyện tính lại cho hợp lý. Các anh về đi, ngày 23 tới, tôi sẽ cho người xuống xác minh rồi giải quyết sau!
Ngày 19 họ trở về và thông báo với bà con rằng ngày 23 trọng tài kinh tế xuống giải quyết.
Khoảng 8 giờ sáng ngày 21, bất ngờ ông Bảy Liên Xô thấy một lực lượng công an và bộ đội từ ba bên bốn phía kéo đến bao vây nhà ông. Họ đọc lệnh bắt ông về tội vận động quần chúng chống lại chủ trưong Nhà nước. Bà Bảy Liên Xô bước ra ngăn cản. Cuộc bắt bớ trở thành xô xát, ẩu đã lẫn nhau. Súng nổ. Hàng trăm đồng bào kéo đến giành giựt với công an. Bên này lôi đi, bên kia kéo lại. Bà Hai Giáp, chị vợ ông Bảy Liên Xô bị đánh, bị xô chết giấc. Bà Bảy Vịnh, mẹ vợ ông Bảy Liên Xô gần tám mươi tuổi bị công an ném lên bụi bông giấy, rách áo, xước da, chảy máu. Bà Bảy Liên Xô bị lôi tuột hết quần áo và bị trói bứt một vòng da trên hai cánh tay.
Cuối cùng, công an cũng bắt được ông Bảy Liên Xô về huyện, bà con tổ chức ngay cuộc biểu tình trên tám mươi người. Họ dùng ghe chở bà Hai Giáp và bà Bảy Liên Xô lên Bạc Liêu. Đến Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, họ vừa đi vừa hô khẩu hiệu: “Đả đảo chính quyền áp bức bất công! Ủng hộ Đảng cộng sản Việt Nam! Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!”
Cũng lúc ấy ở Long Điền Đông A, trạm truyền thanh thông báo rằng: ”Vợ chồng tên Bảy Liên Xô can tội phản quốc, cấu kết với tình báo CIA chống lại chính quyền cách mạng”. Họ đến trường phổ thông cơ sở thông báo với học sinh và đề nghị các em phải về thông báo lại cho gia đình, vận  động gia đình phải trả lại nợ phân cho nhà nước theo chủ trương chung một ký phân bằng ba ký lúa, đừng có nghe theo yêu sách của Bảy Liên Xô.
Theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, bảy ngày sau ông Bảy Liên Xô được trả tự do với lệnh tha của công an huyện ghi tội danh: “Tàng trữ vũ khí trái phép”. Đồng chí Nguyễn Văn Để, Trưởng ban dân vận mặt trận của Tỉnh ủy cùng với Ban thường vụ huyện ủy Giá Rai xuống Long Điền Đông A tổ chức mít tinh cho cán bộ tự phê trước dân. Cách chức sáu Thành chủ tịch xã, Nguyễn Tấn Lực chủ tịch huyện và bồi thường hai mươi ngàn đồng tiền chữa bệnh cho bà Hai giáp và bà Bảy Liên Xô, còn việc trả nợ phân bằng lúa hay bằng tiền, tạm thời gác lại chờ chủ trương của Tỉnh ủy.
Sau sự kiện ấy, chính quyền địa phương cho rằng họ bị xử ép. Đành rằng họ bắt ông Bảy Liên Xô như vậy là hơi vội vàng, bắt chưa đúng lúc. Nhưng đồng chí Trưởng ban dân vận mặt trận tỉnh bắt họ phải tự phê và kiểm thảo họ trước dân là điều sỉ nhục đối với chính quyền. Từ đó, họ mang trong thâm tâm một niềm cay cú và ngấm ngầm chờ cơ hội để trả đũa cho thỏa lòng tự ái.
Người dân, suốt cuộc đời theo đảng, trung thành sống chết với Đảng, nay quá đau xót vì thấy rằng tình cảm thiêng liêng ấy dầu gì cũng bị tổn thương. Họ bàn bạc nhau: Cái Tết năm ấy sẽ mang rượu thịt, bánh mứt lên xã cùng với cán bộ tổ chức vui Xuân để xóa đi chuyện cũ, cho nghĩa đảng tình dân được khắng khít, cùng nhau xây dựng xóm  làng. Họ giao công việc ấy cho anh Hồ Duyên Hải, thương binh tập đoàn trưỏng tập đoàn tám đi quan hệ. Anh Hải nhờ anh Bí thư chi bộ ấp mang ý kiến lên bàn bạc với ủy ban xã, ủy ban xã nhất trí.
Nhưng đến ngày mồng tám tết, khi bà con kéo lên thì  xã  ủy không tiếp. Bà con vừa ngượng, vừa lỡ bộ vì đã gom góp tiền bạc mua rượu thịt bánh mứt, giờ biết mang đi đâu. Bàn đi tính lại, họ kéo qua nhà ông Bảy Thân. Ông Bảy Thân cũng không còn cách nào từ chối, đành phải tiếp. Họ uống hết bốn mươi lít rượu, rồi say sưa, lời qua tiếng lại, múa ca nhảy nhót, náo loạn một khúc xóm. Một bà mẹ liệt sĩ quá say, vừa leo qua cầu khỉ, vừa hát: “ta thắng như chẻ tre, ta tiến như nước tràn, cùng múa như lời ca”.
Sự việc ấy được xã báo cáo lên huyện rằng cánh ông Bảy Liên Xô có ý đồ chiếm ủy ban xã để ăn mừng chiến thắng, họ khiêu khích chính quyền nên mới hát  bài: “Ta thắng như chẻ tre”. Ông Bảy Thân bị quy kết là mất quan điểm lập trường, chứa chấp những phần tử xấu. Đó là một trong những lý do để khai trừ ông ra khỏi Đảng.
Ông Bảy liên Xô từ đó trở thành cái gai nhọn của chính quyền, và tất cả những người không chịu trả nợ phân bằng lúa, có thái độ kháng cự đều được xem là “nhóm của Bảy liên Xô”. Họ bị loại ra khỏi vị trí bình thường, trở thành đối tượng nghiên cứu của các nhà an ninh chính trị và trinh sát kỹ thuật...
Bước sang vụ mùa 87, huyện chủ trương không bán vật tư nông nghiệp cho họ.Nhiều tập đoàn nhận phân về phân phối xong, ủy ban xã ra lệnh cho tập đoàn trưởng đi thu hồi lại. Nhưng cuộc biểu tình nhỏ lại diễn ra. Từng đoàn người kéo nhau đi khiếu nại. Bí thư xã tuyên bố:
- Các bà cứ đi thử xem, nếu năm nay Nhà nước bán phân cho các bà thì tôi xin từ chức.
Họ kéo nhau ra huyện nằm vạ, huyện không giải quyết. Họ lại kéo lên tỉnh. Tỉnh điện về cho huyện. Huyện hứa, họ về huyện, huyện lại nói khi nào họ chịu trả nợ phân 86 theo giá một phân ba lúa thì huyện mới bán phân cho vụ mùa 87. Họ lại kéo nhau lên tỉnh, tỉnh điện về bảo huyện giải quyết. Họ lại về huyện. Lần này huyện giải quyết bán nhưng lại ghi kèm số nợ cũ vào bảng hợp đồng. Họ lại kéo nhau lên tỉnh lần nữa.
Cuối cùng khi nhận được phân về đến nhà thì lúa trổ, không còn bón kịp. Đành chịu thất mùa, có người thất trắng, lúa thuế còn không có để đóng, lúa đâu để trả nợ phân? Mà phân còn để nguyên trong bao đó, Nhà nước có đòi phân thì họ trả lại, chớ có bón xuống ruộng đâu mà trả lúa. Rốt cuộc, Long Điền Đông A, một xã dẫn đầu ở Minh Hải về năng suất lúa, mỗi năm gần mười ngàn tấn. Nhà nước huy động hai,ba ngàn tấn, năm 1987, sản lượng còn lại chỉ trên năm ngàn tấn, Nhà nước huy động trầy da tróc vẩy, dùng cả biện pháp hành chánh mà chỉ được hai trăm tấn.
Tất cả những hậu quả đó, người ta lại đổ lỗi cho ông Bảy Liên Xô!
Đêm ấy, trước khi chia tay, trong bầu không khí thân mật, anh Hai Hiệp nói:
Các anh muốn gặp ông Bảy Liên Xô thì chiều mai đến đây, tụi mình lai rai chơi!
Chiều hôm sau, chúng tôi trở lại nhà Hai Hiệp. Nhưng nhà đóng cửa. Chúng tôi, nằm dài ngoài đống rơm đợi anh hơn một tiếng đồng hồ. Lúc ấy, mặt trời sắp lặn. Hai Hiệp trở về với nét mặt lạnh lùng, dè dặt làm chúng tôi thất vọng. Anh Hỏi:
- Các anh có giấy tờ gì để chứng minh các anh là nhà báo không?
Tôi giật mình hỏi lại:
- Chi vậy anh?
Hai Hiệp nói nghiêm chỉnh:
- Các anh cảm phiền đưa giấy cho tôi và lập danh sách đoàn các anh gồm có mấy người, ở cơ quan nào và cần gặp ổng với nội dung gì. Tôi mang lên trình với ổng, nếu  ổng đồng ý thì các anh mới gặp được.
Tôi hơi choáng người trước cách đặt vấn đề của Hai Hiệp. Có lẽ không còn nghi ngờ gì nữa, ông Bảy Liên Xô là một thủ lĩnh, có liên lạc và có tổng hành dinh. Thú thật, một nhà báo địa phương loại vô danh tiểu tốt như tôi, cũng chưa bao giờ gặp ai với những thủ tục rắc rối thế này.
Ngẫm nghĩ một lát, tôi đành lấy thẻ nhà báo trao cho Hai Hiệp và ghi mảnh giấy nhỏ kèm theo:
Kính gửi Chú Bảy.
Tụi cháu là phóng viên báo chí và Đài tiếng nói nhân dân Minh Hải, gồm có bốn người, cần gặp chú để hiểu rõ hơn về hoàn cảnh của chú và những thắc mắc của bà con nông dân.
Rất mong được gặp chú.
Người đại diện
Hai Hiệp cầm giấy tờ, thót lên xe đạp rồi mất hút sau chòm cây. Chúng tôi nằm trên đống rơm đợi anh đến khi trời chập choạng tối. Anh trở về và gọi thằng con trai chừng bảy tuổi ra bảo nó:
- Con dẫn mấy chú này lên nhà bà Cô Hai. Đi tắt đường đồng cho nhanh! 
Theo chân thằng nhỏ, chúng tôi băng đồng và đột ngay vào “ tổng hành dinh” của Bảy Liên Xô. Đó là ngôi nhà lá nhỏ của bà Hai Giáp, chị vợ ông.
Trong bóng tối lờ mờ, “vị thủ lĩnh” bước ra đón chúng tôi, mình mặc chiếc quần cụt rộng thùng thình và chiếc áo Pygiama đóng phèn mang nhiều mảnh vá. Đầu ông hói cao, mắt xếch, mặt ngạnh, trán dò ra, cặp môi xệ xuống. Con người thoạt nhìn đã thấy đầy vẻ ngang tàng khí phách.
- Mấy chú mới tới hả?
Anh phóng viên đài phát thanh dường như không nín cười được nên phát ra một giọng khôi hài:
- Mèn ơi! Trông chú giản dị thế này mà sao muốn gặp phải làm thủ tục rắc rối quá vậy?
Ông Bảy liên Xô cười ngượng, trao giấy tờ lại cho chúng tôi và nói:
- Biết đâu mấy chú là công an giả danh nhà báo để bắt cóc tôi thì sao. Đời bây giờ, người thật việc thật thì ít, người giả việc giả thì nhiều quá, biết đâu mà lường được. Thú thật, từ hôm cô Nguyệt Anh bị bắt cóc đến nay, tụi tôi trốn luôn, không ai dám ngủ nhà hết. Mùa rẩy này coi như bỏ, có ai làm được gì đâu. Khổ sở lắm mấy chú ơi! Thôi vào nhà uống nước, nói chuyện chơi chớ đứng ngoài hoài sao. Đây là nhà của chị vợ tôi, bà bị đánh chết giấc kỳ bắt tôi đó. Ông chồng và hai thằng con bả đều là liệt sĩ mà bị đối xử như vậy đó 1
Như đã sắp xếp sẵn, chúng tôi vừa bước vào nhà chừng năm phút thì khách cũng kéo đến đầy nhà. Năm Bé, Chín Cửu, mấy người được xếp vào danh sách lưu manh cũng có mặt. Kế đến là những người đàn bà con mọn, những cụ già, những thanh niên… Nói chung, họ đều là những người nông dân thật thà chất phác, những người đầu tắt mặt tối quanh năm mài miệt với ruộng đồng và hơn thế nữa, cuộc đời họ đã từng sống kiếp tá điền, đã từng đi qua hai cuộc chiến tranh. Có người đã từng bị đày ra Côn Sơn, Phú Quốc, có người mang trên mình năm bảy vết thương. Họ sống trung thực, thật thà nhưng đầy bản lĩnh, thậm chí ngang tàng, sẵn sàng đập nát bất cứ cái gì mà họ cho là tráo trở, bất công.
Hơn mưòi năm qua, họ lại không được bình yên với bao nhiêu lần xáo trộn của những cung cách làm ăn phi lý, của sự đàn áp bất công. Nhưng họ vẫn âm thầm làm đội quân chủ lục, đổ giọt mồ hôi để nuôi dưỡng mọi người, trong đó có một lớp người sống bám. Họ không cần biết những kẻ ăn gạo của họ đã đối xử với họ thế nào.
Căn nhà bà Hai Giáp đêm ấy chật người, không đủ chỗ ngồi. Họ phải trải chiếu ngồi dưới đất. Chúng tôi chỉ ngồi im lặng lắng nghe những lời tâm tình của từng số phận, từng bi kịch khác nhau ở mỗi con người. Một niềm ân hận dày vò trong tôi bởi những mường tượng đầy lý thú vê họ qua lời đồn, qua báo cáo của đồng chí phó bí thư huyện ủy. Tôi chợt  giật mình khi nghĩ rằng: nếu như tôi chỉ ngồi thu thập tài liệu ở Viện kiểm sát, ở Sở Công an và ở đoàn chỉ đạo của anh Sáu Kiên thì tôi sẽ viết về những người nông dân ở đây như thế nào? chắc rằng tôi sẽ kết tội ông Bảy Liên Xô là tên phản động, chắc rằng ông sẽ xuất hiện trên bài viết của tôi hoàn toàn ngược lại với tất cả những gì mà tôi sẽ kể dưới đây.
Ông Bảy Liên Xô tham gia kháng chiến chống Pháp rồi tập kết ra Bắc. Năm 1962 vượt Trường Sơn vào Nam, chiến đấu ở miền Đông cho đến ngày giải phóng.
Năm 1976, ông trở về làng cũ ở Long Điền thì gia đình ông không còn ai sống sót. Cha ông làm liên lạc cho cách mạng bị giặc bắt và đánh chết. Người em ruột của ông nuôi chứa cán bộ cũng bị máy bay ném bom giết chết. Cả nhà cửa, vợ chồng con cái người em cùng với một cơ sở Đảng bị vùi dập dưới hố bom. Ông hồi hương như một người khách lạ, hơn nữa đời người vẫn chưa có vợ con.
Cái tên Bảy Liên Xô thật ra là tên của vợ ông bây giờ. Bà Bảy tên thật là Trần Thị Liên. Năm mươi chín tuổi, sắp làm đám cưới, bà đã từ hôn và trốn gia đình đi theo kháng chiến.
Năm 1965, bà làm huyện đội phó huyện Giá Rai và lập gia đình với đồng chí Thắm, trưởng ban tuyên huấn xã Long Điền. Năm 1969, đồng chí Thắm hy sinh trong lúc bà vừa có thai ba tháng. Đứa bé ra đời trong một trận càn ác liệt, bà phải tự sinh đẻ dưới bụi cây. Sau đó bà đau nặng, á khẩu một thời gian không cầm súng chiến đấu được, bà nhận sự phân công của tổ chức giả người mắc bệnh thần kinh ra hoạt động bán hợp pháp ở thị trấn Giá Rai để gây dựng cơ sở.
Năm 1971, do hai tên chiêu hồi chỉ điểm, bà bị bắt giam và đánh đập đến tàn phế. Gia đình phải bán trâu bán lúa để chạy lo cho bà được thả ra. Từ đó, bà trở về căn cứ chữa bệnh cho đến ngày giải phóng. Do hậu quả của những trận đòn tra tấn, bà trở thành người bệnh hoạn và nghỉ công tác, trở về địa phương sống với gia đình bên chồng ở xã Long Điền Tây, gần gia đình cũ của ông Bảy Liên Xô.
Nhờ bà con xóm làng mai mối, năm 1976 hai người cưới nhau. Lúc bấy giờ ông Bảy Liên Xô đã gần năm mươi tuổi. Năm 1977, ông từ quân khu 8 chuyển về quân khu 9 cũng là lúc họ sinh được đứa con trai. Bà Bảy lúc ấy bị đau  thần kinh thiệt, lúc điên lúc tỉnh, đầu rụng không còn sợi tóc. Họ không có nhà ở, phải ở đậu trong cái chuồng trâu hoặc bên nhà cha vợ. Đứng trước cảnh nghèo túng, không tiền chạy thuốc và để cứu lấy hạnh phúc muộn màng mới vừa tìm được ở cái tuổi năm mươi, ông Bảy Liên Xô đành bỏ ngủ với cấp hàm đại úy.
Hai cuộc đời ấy cuối cùng trở về địa phương với hai bàn tay trắng sống hẩm hiu như kẻ bị bỏ rơi, rũ sạch công lao của một thời kháng chiến. Dưới cặp mắt của chính quyền địa phương ông Bảy Liên Xô là một kẻ đào ngũ sống bất hợp pháp,vì vậy mà qua bao nhiêu lần điều chỉnh ruộng đất, họ không hề cấp cho vợ chồng một cục đất chọi chim. Vợ chồng ông phải tự mua đất làm ruộng sống.
Buồn chán cho số phận, bất mãn chính quyền địa phương cộng với tình hình ngang bướng, ông Bảy Liên Xô trở thành con người sống lầm lũi, bấtt cần, ôm lấy cuộc đời riêng với bao tâm sự ngổn ngang. Gần mười năm sống ở Long Điền Đông A, hầu như ông tách hẳn mối quan hệ  tình cảm với chính quyền. Mặc dù không có mâu thuẫn gì với nhau, nhưng bên trong, chính quyền vẫn cảm nhận rằng ông bất mãn và khinh thường họ. Ngược lại ông cũng cảm nhận được rằng họ chẳng ưa ông.
Xã phát động phong trào làm đất đỏ, ông không làm, chủ tịch xã đến vận động ông: “Chú là người có công lao trong kháng chiến, nay về địa phương cũng nên làm gương cho bà con”. Ông nói: “tao là thằng đánh giặc mướn ở miền Đông, chẳng có công lao gì ở đây cả, giờ về đây với hai bàn tay trắng, tụi bây có ngó ngàng gì tới tao đâu mà bảo tao làm gương”. Chính quyền xã đến thu thuế nông nghiệp, ông nói: ”tụi bây không cấp đất cho tao,đất này tao tự mua, tao không đóng thuế“.
Thật ra, việc bắt người thiếu thuế đối với Long Điền Đông A là chuyện bình thường, có người thiếu nữa ký lúa cũng phải mang đi đóng đủ. Nhưng với ông Bảy Liên Xô, hầu như cán bộ xã ở đây đều ngán ông ở cái tính ngang bướng và nhiều lý lẽ. Thậm chí lúc ông bỏ ngũ có mang về nhà một khẩu súng cạcbin, một khẩu 54 và một trái lựu đạn nhưng chính quyền xã cũng không dám thu hồi. Có lần bí thư chi bộ ập đến thương lượng với ông đổi khẩu K54 với khẩu Col 12 của bí thư xã, nếu ông chịu đổi, bí thư xã sẽ bù cho ông 20 giạ lúa. Ông từ chối và nói: “Súng này của quân khu!”. Một lần khác, bí thư chi bộ ấp uống rượu say, đến hỏi mượn khẩu súng của ông để đeo lấy le vài ngày, ông không cho mượn, rồi thôi.
Từ những định kiến lặt vặt ấy dẫn đến sự kiện ông bị bắt vô cớ, quần chúng kéo biểu tình, chính quyền nhận khuyết điểm, cách chức chủ tịch huyện, chủ tịch xã và cảnh cáo phó công an huyện làm cho nhiều cán bộ cay cú nghĩ rằng đối với ông Bảy Liên Xô, họ là người thua cuộc. “Cũng vì tên Bảy Liên Xô mà chúng ta mất đi một chủ tịch huyện”. Từ đó, vấn đề Long Điền Đông A trở thành “sự kiện Bảy Liên Xô”. Mọi sự phản ứng của quần chúng trong việc trả nợ phân bằng lúa, người ta đều đỗ tội cho ông Bảy Liên Xô, rằng ông là kẻ cầm đầu những người nông dân chống lại chủ trương Nhà nước. Ông Bảy Liên Xô phải sống trong sự rình rập, theo dõi và vu khống của chính quyền. Ấp báo cáo về xã, xã báo cáo về huyện, huyện báo cáo về tỉnh, tỉnh báo cáo về Trung ương, những bản báo cáo đi qua nhiều trung gian, mỗi cấp lên một ít, cuối cùng ông Bảy Liên Xô trở thành: “tên thủ lĩnh” của một nhóm người bạo loạn. Thay vì vận động, giáo dục để ngăn ngừa sai phạm, người ta âm thầm mở cửa khám và chờ đợi ông trở thành tội phạm để tống giam.
Trong bất cứ cuộc đấu tranh nào,chắc ai cũng cần đồng minh và phe cánh, cần có tổ chức và lựa chọn những biện pháp tối ưu. Ở đây, hằng trăm người nông dân đang yêu cầu Nhà nước phải giải quyết rõ ràng. Vì sao huyện bán phân tồn kho cho họ một ký năm đồng cuối mùa lại đòi ba ký lúa, rồi bắt bớ, mắng chửi và ức hiếp quần chúng. Vì sao Năm Phú, Đông Á, Sáu Danh, Chín Việt, những cán bộ đã phổ biến chủ trương ấy giờ lại bảo rằng họ không có nói? Vì sao hợp đồng kinh tế đã ghi rõ ràng như vậy giờ lại nói rằng đó là phân tạm ứng, chưa có giá chính thức, rằng hóa đơn kiểm phiếu xuất kho ghi giá năm đồng một ký phân chỉ có giá trị thanh toán giữa vật tư với ngân hàng?
Cứ thế, một bên đòi thu nợ phân bằng lúa, một bên kháng cự quyết liệt đòi trả bằng tiền. Cái nguyên nhân chủ yếu để tạo ra cuộc tranh chấp này thì bị bưng bít mất đi, các cấp lãnh đạo ngồi lại với nhau để tìm ra nguyên nhân khác, lúc thì đổ lỗi cho kẻ địch, lúc lại đổ lỗi cho ông Bảy Liên Xô. Rối thành lập Ban chuyên án hình sự và an ninh quốc gia.
Long Điền Đông A, xã vừa nhận tấm huân chương lao động của Hội đồng Nhà nước và đang làm thủ tục để được tuyên dương xã anh hùng, kế đó đã sa vào một hang cùng không lối thoát.
V- MÀN HAI CỦA TẤN THẢM KỊCH
Cuối năm 1987, tỉnh ủy cử anh sáu Kiên, Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin cùng với Đoàn cán bộ huyện Giá Rai xuống Long Điền Đông A để giải quyết vấn đề gọi là “Sự kiện Bảy Liên Xô”, hay nói cách khác, giải quyết những hậu quả của cuộc biểu tình năm 1986.
Dư luận thắc mắc rằng vì sao ông Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin lại được phân công đi giải quyết một vấn đề hoàn toàn không thuộc về chức năng của ngành văn hóa? Có người nhận định rằng sự kiện Long Điền Đông A cần một người tế nhị, có văn hóa như Sáu Kiên để tiếp xúc với quần chúng thì sẽ có sức thuyết phục hơn. Trong hàng ngũ các nhà lãnh đạo ở đây, Sáu Kiên từng nổi tiếng là người duy nhất đọc hết bộ Lê-Nin toàn tập.
Từ nhận định tốt đẹp ấy, người ta hy vọng rằng vấn đề Long Điền Đông A sẽ được kết thúc trong vòng ngắn gọn để trả lại vị trí xứng đáng của một xã điển hình, một con chim đầu đàn của Minh Hải, một tiền đồn vững chắc của huyện trọng điểm Giá Rai.
Theo chủ trương của tỉnh ủy, muốn giải quyết được vấn đề Long Điền Đông A, trước hết cần làm sáng tỏ xem huyện ủy có chủ trương bán phân tồn kho với giá năm đồng một ký hay không. Nếu huyện ủy có chủ trương thì huyện ủy chịu trách nhiệm. Còn nếu như huyện ủy không có chủ trương thì cá nhân nào phổ biến sai phải có biện pháp kỷ luật trước dân. Vấn đề cuối cùng là phải vận động, giải thích và thuyết phục quần chúng chấp nhận chủ trương chung của Nhà nước để họ chịu trả nợ theo giá mỗi ký phân bằng ba ký lúa. Sau khi họ ký nợ xong, nếu hộ nào không có lúa trả thì cho họ trả dài hạn trong thời gian ba năm. Sau ba năm, nếu họ thật sự không có khả năng trả thì nhà nước xóa nợ.
Người ta nhận định rằng nếu chủ trương ấy đến với Long Điền Đông A trước cuộc đấu tranh xảy ra hồi cuối năm 1986 thì chỉ cần thực hiện hai biện pháp đầu tiên là người nông dân sẵn sàng chở lúa đi trả nợ phân mà không một lời phản đối. Còn bây giờ, tuy đã muốn nhưng nếu chủ trương ấy được thực hiện bằng tất cả lòng kiên nhẫn với quan điểm lấy dân làm gốc, cùng bàn bạc với dân bằng sự nhiệt tâm để làm sáng tỏ thì chắc rằng, họ sẽ đem cái nghĩa tình phóng khoáng có sẵn của người nông dân ra mà đối đãi, như anh Hai Hiệp đã nói với chúng tôi: “Nói thật với các anh, năm đồng bạc bây giờ mua không được cục kẹo bòn bon, nhưng nếu mấy ông huyện chịu thật, đừng chơi kiểu lật lông, đừng ức hiếp, và nếu mấy ổng chịu chơi, xóa nợ đi, tôi, thằng hai Hiệp này sẽ đưa lại nhà nước mỗi ký phân bốn ký lúa chớ không phải ba. Hồi kháng chiến, người ta hiến năm bảy chục giạ lúa, hiến cả mạng người còn không tiếc. Còn chơi kiểu anh Sáu Kiên bây giờ, phát loa bêu xấu hả, xin lỗi, đừng hòng ai trả hột lúa nào!”
Vậy là trái ngược với người ta nhận định.
Nếu như chiến dịch huy động lương thực ở đây  hồi cuối năm 1986 do vị chủ tịch huyện chỉ huy được trang bị bằng còng số 8, súng AK và dây chuối thì bây giờ có khác. Đoàn cán bộ của anh Sáu Kiên được trang bị bằng các phương tiện thông tin đại chúng, nào máy quay phim camera, nào Video cassette, nào máy ảnh, máy phóng thanh và một tổ phóng viên báo chí để viết tin, bài phát loa tại chỗ. Sau khi rà soát lại các phương tiện, ông Giám đốc Sở văn hóa tuyên bố: ”Vậy là đầy đủ phương tiện hết rồi phải không, kỳ này mà trị không được đám dân này, tôi sẽ từ chức giám đốc và cạo đầu vô chùa tu luôn!”
Màn hai của tấn thảm kịch ở Long Điền Đông A được thay đổi như thế nên cách dàn dựng có bài bản hơn, bố cục chặt chẽ hơn và thể hiện chất văn hóa thông tin cao hơn.
Đầu tiên, các tập đoàn trưởng được mời đi đóng phim, bộ phim do Giám đốc Sở Văn hóa biên kịch và đạo diễn.
Mấy hôm sau, quần chúng được mời đến kho lúa xem Video cassette do đoàn chỉ đạo huy động lương thực chiếu phục vụ không phải mua vé. Bà con ùn ùn rủ nhau đi xem. Nhưng kỳ lạ thay, trước giờ chiếu phim chính, họ thấy trên màn ảnh xuất hiện các anh tập đoàn trưởng của họ, mặt mày ngơ ngáo, mất hết thần sắc, miệng thì ngập ngừng nói rằng việc bán phân bằng tiền họ chỉ nghe lập lờ qua những tin đồn thất thiệt rồi phổ biến lại với bà con, không có ai công bố chính thức. Nay họ nhận thiếu sót và yêu cầu bà con thực hiện chủ trương chung, trả nợ một ký phân bằng ba ký lúa.
Mặc cho khán giả chửi thề ỏm tỏi, nhổ toẹt nước miếng bỏ về, mặc cho những xung đột, những mâu thuẫn xảy ra giữa những người nông dân với tập đoàn trưởng, mặc cho các anh tập đoàn trưởng kia bị dày vò đau khổ, cắn rứt lương tâm… nhà đạo diễn cứ yên trí rằng những thước phim ấy đã chứng minh cho quần chúng thấy rằng họ không còn lý do gì để vịn vào một ký phân năm đồng nữa, họ không còn lý do gì để chống đối việc phải trả một ký phân bằng ba ký lúa.
Có lẽ anh Sáu Kiên rất hài lòng khi xử lý trường đoạn này chăng?
Đêm ấy nằm thao thức ở Long Điền Đông A, tôi chợt liên tưởng  đến vỡ cải lương Người ven đô phản ánh cuộc đấu tranh của nhân dân Mười Tám Thôn Vườn Trầu trong thời kỳ luật 10/59 với nhân vật Tám Khỏe, một người nông dân trung thành với cách mạng bị chính quyền Ngô Đình Diệm buộc ông phải ly khai với cộng sản, vì chúng nghĩ rằng nếu quật được ông thì cả Mười Tám Thôn Vườn Trầu không còn ai theo cộng sản. Ông nhất định không chịu. Chúng khống chế ông bằng cách thả chó bẹc- giê vào đám tù nhân, trong đó có con gái ông rồi chúng ra lệnh cho ông: ”Nói đi rồi tôi tha cho họ, chỉ cần nói nhỏ thôi, nói đủ tôi nghe thôi, nhưng tiếng nói của ông sẽ cứu những người ấy khỏi bị chó bẹc giê xé xác, trong đó có con ông”. Thế là ngày hôm sau, khắp Mười Tám Thôn Vườn Trầu người ta nghe tiếng ông Tám Khỏe vang đội trên loa phóng thanh:”Tôi, tôi là Tám Khỏe, tôi xin tuyên bố ly khai với cộng sản!” Chúng chỉ cần một lời nói như thế, mặc cho ông Tám Khỏe bị dày vò, điên loạn.
Giá như cái thời ấy có camera và Video Cassette thì chắc chắn rằng hình ảnh ông Tám Khỏe sẽ bị đem đi chiếu khắp Mười Tám Thôn Vườn Trầu cho dân chúng nhìn xem.
Song, ông Tám Khỏe chỉ là nhân vật trong vở cải lương. Còn những anh tập đoàn trưởng xuất hiện trên màn ảnh nhỏ ở đây để tuyên bố với dân chúng rằng không có ai phổ biến việc bán phân bằng tiền lại là những con người thật.
Chị Nguyễn Thị Cúc, vợ anh Mai Ngọc Có, tập đoàn trưởng tập đoàn 7 kể với chúng tôi:
- Chồng tôi hiền như cục đất, tháng năm nói một tiếng, tháng mười nói một tiếng, làm sao cãi lại mấy ổng. Chính ông Năm Phú, bà con cô cậu ruột với tôi chớ xa lạ gì. Năm đó ổng về đây nhậu, đôn đốc anh Có một hai phải đi mua phân cho gấp vì đây là phân tồn kho, bán bằng tiền, không mua kịp để qua tết phân mới nhập về sẽ bán bằng lúa. Năm Phú còn bảo tôi nuôi heo để tới mùa bán heo trả tiền phân, để lúa lại ăn. Chồng tôi  ra huyện nhận phân, mấy ông ngoài huyện cũng nói vậy nên ảnh mới về phổ biến lại cho bà con, mấy ổng nói rồi mấy ổng chối. Hôm rồi bắt anh Có đi mấy ngày để quay phim rồi đem lên chiếu, nói ngược trở lại cho bà con người ta oán ghét… Đối với gia đình tôi, anh Có đã nói như vậy mà ảnh lại là tập đoàn trưởng nên ảnh phải ký nợ để làm gương.  Tôi cũng tưởng đâu ký rồi để đó, trả dần trong ba năm vì năm nay thất mùa, gia đình tôi nuôi ba miệng ăn mà giờ này còn không được bốn mươi giạ lúa. Tôi ký nợ xong mấy ổng bắt phải vét bồ để trả.Năm ấy cũng vì tưởng mấy ổng bán phân bằng tiền nên gia đình tôi mua sáu bảy trăm ký, giờ quy ra lúa, tôi phải nợ trên hai tấn lúa, lấy gì trả. Tôi năn nỉ mấy ổng cho trả năm trăm ký lúa, còn lại ký nợ sang năm sau. Mấy ổng không chịu, kèn cựa qua lại cuối cùng mấy ổng bắt phải trả bảy trăm ký. Tôi chở năm trăm ký ra nhập kho, còn lại hai trăm ký tôi năn nỉ mấy ổng cho tôi nợ qua tết, đến ngày thu hoạch rẫy, tôi nhổ hành bán, mua lúa trả thêm vì hiện giờ nhà tôi chỉ còn đủ lúa ăn đến Tết, mấy ổng không chịu. Ông Hai Nhành, Chủ tịch Hội nông dân huyện đến hăm dọa tôi:
- Đúng bốn giờ chiều nay, chị không chở thêm hai trăm ký lúa ra nhập kho cho đủ bảy trăm ký thì chị đừng trách!
Tức quá không kềm được, tôi nói:
- Mấy ông làm quá chắc tôi tự vận chết chớ sống gì nổi.
Tưởng nói thế ổng động lòng, ai ngờ ổng thách:
- Chị chết đị, chết mười mạng như chị tôi cũng không tiếc, miễn sao chị trả đủ lúa cho nhà nước thì thôi.
Nói đến đây, dường như uất ức đến tột cùng, chị Cúc khóc nấc lên:
- Mấy chú nghĩ coi, vậy là mấy ổng cần lúa chớ đâu cần dân. Nói thật, tôi chỉ sợ mình chết rồi không ai nuôi con, nếu không nghĩ thế thì tôi đã uống thuốc rầy ngay trước mặt mấy ổng hôm ấy cho thấu trời thấu đất.
Anh Trần Ngọc Quang, tổ trưởng tổ đoàn kết số 1, rầu rĩ than với chúng tôi:
- Ông sáu Kiên bắt tôi đi quay phim tố cáo cánh ông Bảy Liên Xô. Ông hứa với tôi là ổng quay vậy chớ ổng không chiếu, cuối cùng ổng chiếu, làm cho dòng họ ông Bảy Liên Xô thù ghét, hăm dọa tôi. Bây giờ tôi không dám đi đâu hết!
Vợ anh Quang vừa khóc vừa nói:
- Khổ lắm mấy chú ơi! Hễ được lòng dân thì mất lòng Đảng. Còn làm cho vừa lòng Đảng thì mất lòng dân. Riết rồi không biết làm sao mà sống, chắc tôi phải dỡ nhà đi nơi khác!
Chiến dịch đôn thu được tiến hành bằng nhiều biện pháp và mỗi biện pháp được áp dụng cho từng đối tượng khác nhau sau khi đã điều tra, phân loại.
Nếu là cán bộ, Đảng viên, họ sẽ bị cách chức hoặc khai trừ Đảng nếu không chịu trả nợ phân bằng lúa. Một số Đảng viên lúc đầu chống lại quyết liệt, kêu gọi quần chúng đấu tranh đến cùng. Nay họ vẫn âm thầm chịu đựng, có người quay lưng lại với quần chúng để lập công, cũng có người muốn tiếp tục đấu tranh nhưng không dám ra mặt. Họ tâm sự với quần chúng:
- Tôi kẹt là Đảng viên nên không tranh đấu được, bà con cố gắng tranh đấu, trong đó cũng có quyền lợi của tôi!
Đối tượng thứ hai là những người có thân nhân là cán bộ, Đảng viên thì những cán bộ Đảng viên ấy phải có trách nhiệm vận động thân nhân mình trả nợ. Nếu họ không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị xử lý.
Chị Trần Thị Chính ở tập đoàn 4 kể:
- Lúc đầu tôi cũng đấu tranh quyết liệt như bao nhiêu người khác. Nhưng sau khi đoàn cán bộ của ông Sáu Kiên về đây, hai thằng em bà con của tôi công tác ngoài huyện cũng về. Cả hai đứa nó đều là thường vụ huyện ủy, một đứa làm trưởng ban kiểm tra Đảng, một đứa làm trưởng phòng Công an. Tụi nó năn nỉ tôi: ’’- Chị cứ phản đối hoài thì kẹt cho tụi em lắm. Bây giờ chị ký nợ đi rồi trả từ từ trong thời gian ba năm. Đâu phải bắt chị trả một lần mà chị sợ’’. Vì thương em út, sợ kên với mấy ổng thì ảnh hưởng đến công tác của tụi nó. Tôi ký nợ và chở đi trả  bảy trăm ký lúa. Còn lại hơn một tấn, hẹn lại năm sau. Ai dè hai thằng em tôi về huyện mấy ngày thì Bí thư và Chủ tịch xã mời tôi lên nạt hùm nạt tướng, bảo tôi phải trả dứt nợ cho nhà nước. Tôi nói lúa tôi hiện giờ chỉ còn đủ ăn tới tháng sáu, trả hết rồi vợ chồng con cái tôi nhịn đói hay sao. Bí thư xã quát:
- Chị không còn lúa nhưng chị có trâu, có ghe, có tài sản. Chị bán tài sản mua lúa trả!
Giận quá tôi nói:
- Bây giờ ghe tôi đó, trâu tôi đó, nếu bán được mấy ông kiếm mối bán dùm đi
Chủ tịch xã dọa tôi:
- Chị thiếu nợ nhà nước mà chị còn ăn nói kiểu đó phải không? Bây giờ tôi nói dứt khoát, nếu chị chịu trả thì ký tên vào biên bản, bằng không tôi nhốt chị ở đây!
Tôi không chịu trả, họ cho người dẫn tôi qua cơ quan công an và bảo tôi nhắn người nhà mang mùng mền, quần áo lên ở đó, khi nào đồng ý trả hết lúa mới được về. Tôi ngồi ở đó đến trưa thấy không có ai canh giữ, tôi lọi về nhà.
Mấy ngày sau, chủ tịch xã gửi giấy mời tôi nữa. Nhưng tôi không lên xã mà đi ra huyện tìm hai thằng em và kể lại sự việc cho nó nghe. Tụi nó suy nghĩ một hồi rồi nói; “- Chị cứ về đi, tụi em sẽ can thiệp, không sao đâu”. Từ đó đến nay, mấy ông xã không mời tôi nữa.
Đối tượng thứ ba là những người có ghe đánh cá. Anh Tám Bé, chủ tịch xã kể với chúng tôi:
- Ông Sáu Kiên ra lệnh cho tôi: những người có ghe đi biển mà không chịu trả nợ phân bằng lúa cho lực lượng du kích đến kéo ghe họ lên bờ .Tôi đề nghị ông phải ra lệnh bằng văn bản và ký tên chịu trách nhiệm tôi mới dám làm, để  sau này khỏi đổ tội cho nhau, phải ký đúng cái tên Nguyễn Trung Kiên của ông đang làm Giám đốc Sở văn hóa tôi mới chịu. Cuối cùng ổng chịu viết lệnh bằng văn bản. Thú thật, lúc ấy cầm tờ lệnh trên tay, tôi hơi bần thần vì thấy biện pháp này táo bạo quá, tôi dần dừ mãi không dám thi hành. Ổng quy kết tôi có hùn hạp làm ăn với mấy chủ ghe, sợ mất quyền lợi nên không dám ra tay. Cuối cùng để hoàn thành nhiệm vụ mà khỏi bị dân oán ghét, tôi nhờ ông trưởng đồn biên phòng lên can thiệp.
Ông Sáu Tố ở tập đoàn 6 tâm sự với chúng tôi:
- Tôi chở bảy chục giạ lúa đi trả mà tôi ray rức, khổ tâm đến rơi nước mắt. Không phải tôi tiếc của mà vì tôi trả trong lúc chưa được giải oan, trong lúc mọi vấn đề chưa được làm sáng tỏ. Hôm ấy tôi bị mời lên Ủy ban xã, chủ tịch xã và trưởng đồn biên phòng dẫn tôi ra căn chòi nhỏ phía sau vườn. Anh trưởng đồn biên phòng nói:
- Một trong những tiêu chuẩn để được hành nghề đánh cá là người ngư dân phải chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Nhà nước. Theo báo cáo của ủy ban xã thì ở đây còn nhiều ngư dân chưa thanh toán dứt điểm nợ phân năm 1986 với Nhà nước, trong đó có ông. Hôm nay chúng tôi mời ông lên đây để báo cho ông biết rằng, nếu ông không chịu chở lúa đi trả thì tôi, trưởng đồn công an biên phòng ở vùng này sẽ thu hồi sổ đề ba, không cho ông ra biển.
Tôi thanh minh:
- Việc tôi nợ phân năm 86 là vì huyện bán cho chúng tôi bằng tiền nhưng cuối mùa đòi lúa và xảy ra cuộc tranh chấp đến nay chưa giải quyết chớ phải tôi không chấp hành chủ trương của Nhà nước đâu. Chúng tôi đang khiếu nại và chờ cấp trên xuống đây phân xử.
Chủ tịch xã hằn học cướp lời tôi:
- Tôi bảo cho anh biết, bè lũ côn đồ của tên Bảy Liên Xô sắp bị tiêu diệt hết rồi, anh đừng dựa vào chúng mà đợi chờ, hy vọng gì nữa. Một ký phân ba ký lúa, anh trả đi! Trả để được ra biển làm ăn.
Gương mặt ông Sáu Tố toát lên một vẻ gì như vừa đắng cay, vừa mai mỉa:
- Thật lạ lùng và kỳ dị - ông nói - tôi không hiểu “bè lũ của tên Bảy Liên Xô” là gì và tại sao họ gọi như vậy. Chúng tôi, những người nông dân đồng hội đồng thuyền, đồng cam cộng khổ. Đảng đã từng dạy chúng tôi phải biết thương yêu, đoàn kết để đấu tranh, chống sự áp bức bất công. Thế mà bây giờ…
Bà Liễu Thị Mai, bảy mươi tuổi, đầu cạo trọc, mặc áo cà sa lặn lội đi tìm chúng tôi trên con đê biển dài hơn 5 cây số dưới cơn nắng cháy da để “kể cho bớt những điều oan ức trong lòng”. Bà nói như vậy và kể: Đảng nói lấy dân làm gốc tôi chưa thấy, chỉ thấy số phận mình như cái gốc mắm ngoài ven biển, mặc cho gió đẩy sóng xô. Mấy ông bán phân bằng tiền giờ lại đi đòi lúa, dân không chịu trả, mấy ổng đổ thừa tại ông Nguyễn Văn Linh nói lấy dân làm gốc nên giờ mới sinh ra rắc rối.
Hôm rồi ông Tư Tâm đến nhà bảo tôi ký nợ, tôi không chịu ký,tôi nói nếu đòi tiền thì tôi trả, còn đòi lúa thì tôi không trả, ổng mắng vào mặt tôi:
- Bà giựt của nhà nước phải không? Nếu bà không chịu trả, tôi mắc loa phóng thanh trước cửa nhà bà tôi bêu xấu,tôi nói bà ăn giựt.
Tôi nói với ông:
Chú đừng nói như vậy. Sở dĩ tôi chưa chịu trả là vì tôi thấy trong vụ này có nhiều chuyện bất công chớ ai lại đi ăn giựt cho xấu hổ. Hồi kháng chiến tôi hiến cho nhà nước mấy chục giạ lúa, tôi có câu nệ gì đâu.
Ổng lại quát vào mặt tôi:
- Cuộc kháng chiến thành công không phải có một mình bà đóng góp, bà đừng kể lể.
Rồi ổng bảo hai ngưòi kia lập biên bản, nhưng biên bản lại ghi tên con tôi. Tôi phản đối:
Các ông lập biên bản thì cứ lập, tôi sẵn sáng ký, nhưng phải ghi tên tôi vì tôi là chủ hộ, tôi mua phân nhà nước chớ không phải con tôi.
Ông Tư Tâm lại nói:
- Bà già cả rồi, bà có biết gì mà ghi tên bà.
Chắc mấy ổng nghĩ tôi già cả, tu hành, khó bắt bớ nên ghi tên con tôi để bắt nó cho dễ hơn.
Anh phóng viên đài phát thanh nót một câu như để thử lòng bà cụ:
- Nếu như trước đây huyện có chủ trương bán phân bằng tiền và chủ trương ấy sai lầm. Bây giờ họ nhận thiếu sót thì bà chịu trả bằng lúa không?
- Không!
- Sao vậy, người ta lỡ làm sai, bây giờ người ta sửa, chẳng lẽ bà không tha thứ sao?
- Không phải hẹp hòi gì mà không tha thứ. Nhưng trước không thảo, sau thảo, bà lão không cần!
Tôi giật mình trước câu trả lời của bà cụ. Và tôi đã nghiệm ra. Phải chăng mọi vấn đề của Long Điền Đông A nằm quẩn quanh trong câu nói ấy. Một câu tục ngữ đầy nghĩa nhân và đạo lý. Trước không thảo, sau thảo, bà lão không cần!
Ở đây, trước đã không thảo, sau lại càng không thảo nên Long Điền Đông A mới sa lầy vào hang cùng không lối thoát. Phải chăng vì cái tâm pháp bị thay bằng luật pháp và tinh thần cảnh giác cách mạng được áp dụng cao độ đến chi phối hết những điều thuộc về đạo lý, nghĩa nhân.
Biện pháp thứ tư là điều tra lý lịch, thổi phồng tội trạng của những người dính dáng với chế độ cũ trong chiến tranh, đem ra phóng thanh, bêu xấu họ khắp xóm làng để họ hoảng sợ mà không dám đấu tranh. Long Điền Đông A bị  chìm trong không khí nặng nề, căng thẳng bởi tiếng loa phóng thanh hằng đêm ngân dài trong thôn xóm, bêu xấu người này,hăm dọa truy tố người kia, bươi móc quá khứ người nọ. Những con người ấy dẫu có bịt tay cũng không chạy trốn được tiếng loa đau lòng nhức óc, khơi dậy những vết thương mà họ đã cố hàn gắn mười mấy năm qua, dồn họ vào tận chân tường không lối thoát. Họ là ai?
Anh Huỳnh Sũn tâm sự với chúng tôi,giọng nghẹn ngào như muốn khóc:
- Hồi trước tôi bị bắt đi phòng vệ dân sự hai mươi mốt ngày, sau đó chúng đưa tôi đi học khóa Liên toán trưởng ở Chi Lăng, tôi bán hai trăm giạ lúa lấy tiền lo lót để được ở lại và khỏi phải đi phòng vệ. Sau giải phóng, tôi làm ấp đội trưởng, bắt được mấy trận vượt biên, nộp cho nhà nước không biết bao nhiêu vàng bạc. Vậy mà bây giờ xã báo cáo về huyện nói tôi là tình báo CIA. Thú thật, hồi đó mặc dù tôi là phòng vệ, nhưng ban ngày đi cuốc rẫy, làm ruộng gặp cán bộ nằm vùng của mình, tôi vẫn tâm tình, thân mật như anh em. Còn bây giờ, kể từ ngày chị Nguyệt Anh bị bắt cóc đến nay, tôi phải trốn, ban đêm ra đồng ngủ bờ ngủ bụi.
Ông Hai Tế kể:
- Hồi đó tôi bị tình nghi là Việt Cộng, chúng bắt tôi ra quận, tôi phải bán hai trăm giạ lúa để lo lót. Nhưng có một người quen làm việc ngoài quận bảo tôi:  “Ông đút tiền cho thằng này thì mai mốt thằng khác cũng bắt ông, thay vì ông đưa số tiền ấy cho tôi, tôi lo cho ông cái giấy chứng nhận mật thám, có gì ông trình ra, bảo đảm hơn”. Tôi về bàn bạc với cơ sở trong này, mấy ổng đồng ý, tôi mang tiền đi lo, khi lấy được cái giấy, tôi cũng mang về trình cho mấy ổng. Vậy mà bây giờ mấy ổng quy kết tôi là mật thám ngụy, lại bươi móc cả chuyện ông già tôi hồi trước làm tay sai cho Pháp. Chỉ có cái chuyện tôi không chịu trả nợ phân bằng lúa mà sinh sự ra như vậy. Vợ tôi là hội trưởng phụ nữ ấp, cũng bị bắt lên xã nhốt một đêm, đến khi bà con kéo lên đấu tranh mấy ổng mới thả về.
Một thanh niên ngoài hai mươi tuổi, cầm chiếc loa tay đi đọc đài trong xóm để bêu xấu người già với những lời văn cẩu thả và thô thiển: “Mời đồng bào nghe chúng tôi thông báo về hành động của hai tên Nguyễn Thị Bảy (tức vợ Bảy Vớt) và Nguyễn Thị Tư (tức Sáu Nhành): hai tên này trước đây là gia đình ngụy quân, theo Mỹ, nay tiếp tục chống đối chủ trương Nhà nước, không chịu trả nợ phân bằng lúa, cương quyết đòi trả phân bằng tiền, lại lén lút vận động người khác chống đối. Nếu như hai bà không chịu thanh toán dứt điểm nơ vật tư năm 1986 và tiếp tục lén lút, vận động người khác chống đối chủ trương, sẽ bị đem ra xét xử theo pháp luật hiện hình của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam!”
Trong những cuốn băng ghi âm của anh Sáu Kiên mà chúng tôi còn giữ lại cũng có một bài phóng thanh tương tự như the, nghĩa là bà Sáu Nhành và bà Bảy Vót bị trấn áp bằng cả loa phóng thanh lẫn với loa tay.
Sự trấn áp bằng máy phóng thanh không chỉ dành riêng cho những gia đình “ngụy quân,theo Mỹ” mà cả những gia đình cách mạng chí  cốt tiêu biểu nhất trong cái làng này. Anh Hồ Duyên Hải, trung úy quân đội nhân dân, thương binh loại 2/4 được giải ngũ về làm tập đoàn trưởng tập đoàn tám ấp Bửu Đông, cha anh là Trung tá tỉnh đội phó tỉnh Minh hải đã từ trần sau giải phóng. Cũng như bao nhiêu người khác, anh đại diện cho tập đoàn đi mua mười một tấn phân, lúc ấy công ty vật tư nông nghiệp huyện cũng nói với anh phân này bán bằng tiền,anh về chia cho bà con và cũng phổ biến như vậy, nay huyện đòi trả bằng lúa, không ai chịu trả trong lúc anh đang khiếu nại chưa được giải quyết thì công ty vật tư nông nghiệp huyện lại phát đơn đề nghị khởi tố anh ra tòa. Suốt mấy đêm liền, loa phóng thanh phát vang trong xóm, đọc đơn đề nghị khởi tố và mời anh Hải ra huyện thanh toán nợ vật tư. Bài phóng thanh ấy chúng tôi vẫn còn giữ lại.
Kính gởi: Ủy Ban nhân dân tỉnh Minh Hải, Tòa án nhân dân tỉnh Minh Hải, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Minh Hải, Sở Tư pháp Minh Hải, Công an tỉnh Minh Hải, Hội đồng trọng tài kinh tế tỉnh Minh Hải, Ủy Ban nhân dân huyện Giá Rai, Tòa án nhân dân huyện Giá Rai, Viện kiểm sát nhân dân huyện Giá Rai, phòng Tư pháp huyện Giá Rai, Công an huyện Giá Rai và hội đồng trọng tài kinh tế huyện Giá Rai.
Nay công ty vật tư nông nghiệp huyện Giá Rai đề nghị khởi tố về việc như sau:
Tháng 1 năm 1986, ông Hồ Duyên Hải là tập đoàn trưởng tập đoàn 8 ấp Bửu Đông, xã Long Điền Đông A, đại diện cho tập đoàn làm hợp đồng với công ty vật tư nông nghiệp huyện, tạm ứng 11.500 kg phân urê, quy ra bằng 34.500 kg lúa. Đến nay ông Hải vẫn chưa trả lúa cho nhà nước mà đòi trả bằng tiền mỗi ký năm đồng.
Nay chúng tôi làm đơn này đề nghị các cơ quan pháp chế nhà nước đưa ông Hồ Duyên Hải ra xét xử trước Tòa án nhân dân.
Anh Hải buồn rầu than vãn với chúng tôi:
- Cũng cái chuyện lúa phân này mà gia đình tôi điêu đứng. Tôi thì nhức óc đau lòng với cái loa phóng thanh của ông Sáu Kiên, má tôi cũng bị ổng lôi ra bêu riếu  rằng bà bây giờ hư hỏng, tối ngày lo bán đất, đánh bài, không trả nợ phân. Thử hỏi má tôi già cả rồi, những lúc nhàn rỗi đi đánh bài tứ sắc với mấy bà già để giải trí thì tội tình gì. Còn ba tôi, chết rồi cũng không yên, cũng bị mấy ổng lôi ra nói xấu rằng hồi còn sống ông ngoại tình với bà này bà nọ.
Lúa, phân, tiền. Sự kiện ấy bây giờ chỉ còn là cái cớ để xô đẩy con người vào vòng xáo trộn với bao nhiêu sự phiền toái, trong lúc họ đang cần chén cơm, manh áo và những nhu cầu tối thiểu của đời sống tinh thần.
VỤ ÁN NGUYỄN THỊ NGUYỆT ANH VÀ GIA ĐÌNH BÀ BẢY VÓT- KHÚC BI ĐÁT TRONG TẤN THẢM KỊCH DÀI
Bà Bảy Vót nợ sáu trăm ký phân, giờ nếu quy ra lúa thì bà mắc nợ một ngàn tám trăm ký lúa. Cũng vì cuộc tranh chấp này mà bà đã bị loa phóng thanh bêu xấu khắp xóm làng, và người con gái  thứ hai của bà, chị Nguyễn Thị Nguyệt Anh, một người đi đầu trong cuộc đấu tranh này đã bị Công an huyện bắt cóc nữa  đêm.
Sự việc ấy được Trần Minh Mẫn, kế toán của trạm thu mua hải sản, thuộc Liên hiệp xí nghiệp thủy sản Gành Hào, là con rễ của chị Nguyệt Anh kể lại như sau:
- Đêm 12 tháng 2/88, tức đêm 23 tết, tôi đang ngủ tại nhà mẹ vợ tôi. Khoảng 12 giờ đêm, tôi giật mình nghe tiếng cạy cửa sột soạt, rồi tiếng cắt dây gài cửa. Tưởng kẻ trộm vào nhà, tôi la lớn:
- Ai?
- Một người công an bước vào, tôi nhận ra là anh Thành, trinh sát kỹ thuật của Công an huyện thường lui tới trạm thu mua và quen biết với tôi. Thành nói:
- Mẫn bình tĩnh, không có việc gì đâu em!
Mẹ tôi từ trong mùng bước ra hỏi:
- Chuyện gì vậy cậu?
Thành vừa trả lời vừa ra lệnh:
- Có lệnh bắt chị. Các đồng chí thi hành!
Ba người công an từ ngoài cửa nhào vô, hai người xốc nách, một người hốt chân mẹ tôi khiêng đi. Ra khỏi cửa, mẹ tôi nói:
- Các cậu cho tôi lấy quần áo theo.
Tôi nghe Thành ra lệnh:
- Bóp cổ lại!
Mẹ tôi không nói thêm được tiếng nào, họ khiêng xuống võ lãi rồi nổ máy chở đi.Thấy một tốp công an còn đứng quanh nhà, tôi nói:
- Các anh bắt người kiểu này, lở tôi tưởng ăn trộm,tôi đâm chết thì sao?
Vợ tôi nhào ra khóc lóc thì liền sau đó, tiếng loa phóng thanh phát lên vang dội:” Thi hành lệnh của Viện kiểm sát, Công an huyện Giá Rai đã bắt tên Nguyễn Thị Nguyệt Anh. Đề nghị đồng bào hãy bình tĩnh và trật tự, ai ở nhà nấy, không được đi lại, không được can gián vào vụ án Nguyễn Thị Nguyệt Anh. Nếu ai cố tình vi phạm sẽ bị trừng trị theo pháp luật Nhà nước “
Ba ngày sau, anh trưởng phòng tổ chức của Liên hiệp Xí nghiệp mời tôi về cho tôi biết là tôi bị đình chỉ công tác. Tôi hỏi lý do,ảnh nói rằng đây là lệnh của Ban Giám đốc, ảnh chỉ biết đại khái rằng tôi có liên can đến vụ án của mẹ vợ tôi. Đến ngày 31 tháng 3, Ban Giám đốc ra quyết định chính thức buộc tôi thôi việc,ghi rõ lý do: “Hành động chống đối địa phương, bao che cho Nguyễn Thị Nguyệt Anh vi phạm chính trị“.
Tôi nghĩ rằng đây là sự  đàn áp thô bạo, họ làm vậy là để tôi hoảng sợ mà không dám đấu tranh. Nếu thật sự tôi đã can dự vào vụ án chính trị như đã ghi trong quyết định thì tôi đã vào tù chớ đâu chỉ bị buộc thôi việc.
Chị Nguyệt Anh bị giam biệt tích, gia đình không được thăm nuôi. Bà bảy Vót cùng với một số bà con trong xóm kéo nhau ra huyện. Công an huyện trả lời rằng họ đã giải về công an tỉnh, họ lại kéo nhau lên tỉnh. Công an tỉnh không biết, họ lên Viện kiểm sát tỉnh, Viện kiểm sát cũng không biết, họ qua trụ sở tiếp dân của Hội đồng nhân dân tỉnh, Hội đồng nhân dân viết giấy giới thiệu cho họ về Công an huyện, đề nghị Công an huyện trả lời. Cuối cùng Công an huyện cho biết là họ đã “gửi” chị Nguyệt Anh về trại giam của tỉnh. Bà Bảy Vót lại lên Công an tỉnh nhờ ông phó Giám đốc giới thiệu cho gia đình đi thăm. Bà đến trại giam cũng không được vào thăm,người ta nói chị Nguyệt Anh còn trong thời gian điều tra, chưa hoàn thành hồ sơ vụ án.
Những ngày tháng ấy, gia đình bà Bảy Vót sầu thảm như một đám tang. Suốt ngày, bà cứ lẩn quẩn như một người loạn trí. Mỗi lần chiếc loa phóng thanh phát ra đọc đến tên bà thì bà lại lấy tờ giấy báo  công ra xem như muốn thanh minh rằng gia đình bà không phải là “ngụy quân, theo Mỹ”, nhưng bà thanh minh được với ai? Chính quyền xã cho rằng đó là tờ giấy giả.
Một hôm, có một người đàn bà lạ tìm gặp chúng tôi, chị nói:
- Ông Bảy Đại ở bên xã Long Điền Đông C muốn gặp cậu nhưng ông đau nặng không đi được. Ông nhờ tôi tìm gặp mấy cậu nói rằng nếu mấy cậu là  người có tấm lòng nhân ái thì chịu khó đến nhà ông làm nhân chứng cho ổng nói đôi điều trước máy ghi âm của mấy cậu rồi ông có chết ổng cũng vui.
Trưa hôm sau, trời nắng như lửa đốt, chúng tôi lội bộ hơn mười cây số qua xã C tìm đến nhà ông Bảy Đại thì con ông cho biết rằng ông đang hấp hối, Ủy ban xã vừa chở ông ra bệnh viện Giá Rai. Chúng tôi vội vã đón xe Honda ôm về huyện.
Ông Bảy đang nằm trên giường bệnh, người chỉ còn như một bộ xương được bọc lớp da, cặp mắt trắng dờ và trũng rất sâu trông đáng sợ. Ổng thở từng hơi nặng nhọc và thỉnh thoảng cất lên những tiếng ho khan.
Trong không khí ồn ào người bệnh lẫn người nuôi ,lớp nằm, lớp ngồi trên những chiếc giường ken nhau dày đặc. Nhưng không còn cách nào khác trước một con người đang hấp hối muốn để lại lời trăn trối sau cùng, chúng tôi phải mang máy móc ra làm việc trong một điều kiện hết sức oái oăm.
- Ở đời phải có nhân, có đức, có trước có sau các cháu ạ. Đừng bao giờ vắt chanh bỏ vỏ, nhất là đối với nông dân. Người nông dân, dù không tham gia kháng chiến, họ cũng có công làm ra hạt lúa nuôi ta. Khắt khe, ti tiện, toan tính thiệt hơn với họ là có tội. Bác thấy người nông dân bây giờ bị phản bội nhiều quá, có những sự phản bội tàn nhẫn đến đau lòng.
Hồi xưa bác làm xã đội trưởng Long Điền Đông, cái xã hồi ấy rộng mênh mông chớ không phải chia năm xẻ bảy như bay giờ. Gia đình bà Bảy Vót hồi đó nuôi chứa cán bộ không thể tính bằng lúa tạ lúa thiên. Bà nuôi còn chu đáo hơn cái bếp ăn tập thể bây giờ, bởi cái bếp ăn bây giờ còn có khẩu phần, có  giờ giấc, phải đóng gạo, đóng tiền ăn. Bà bảy Vót hồi đó nuôi mình đâu cần thứ đó. Thằng Phước, con trai bà hồi đó đi giữ trâu bị bắt lính. Hai vợ chồng bà bán lúa chạy lo, bác không cho, bác bàn với bà cứ để cho nó đi rồi mình móc nối, để nó gửi vũ khí về cho mình đánh giặc. Bà đồng ý cho nó đi, và cũng chính bà đứng ra móc nối và mang súng đạn về giao cho bác. Mỗi lần như vậy bác đều báo cáo với xã ủy chớ đâu phải không, vậy mà bây giờ họ nở đối xử với người ta như vậy.
Còn con Nguyệt Anh hồi đó nó luôn dẫn đầu các cuộc biểu tình đấu tranh trực diện. Mỗi lần  biểu tình mà không có nó là người ta không dám đi. Nó bị bắt bớ, đánh đập đến tàn phế, mang bệnh hậu cho đến bây giờ. Lẽ ra nó phải được hưởng chế độ thương binh, đằng này lại bị vu khống đủ thứ chuyện xấu xa, và cuối cùng bị bắt giam cũng chỉ vì cái máu đấu tranh của nó .
Mấy tháng qua, đứng trước cảnh khổ của gia đình bà Bảy Vót bị người ta đối xử tàn tệ như vậy, bác không can thiệp được, phần vì bệnh hoạn, phần vì bất lực khi mình đã về hưu, làm dân ở một xã khác, cái giấy xác nhận của bác họ còn cho là giấy giả thì qua đó nói ai nghe. Bác cắn rứt lương tâm mà không biết làm gì. Nghe nói có mấy cháu là nhà báo vô đó để tìm sự thật, bác cũng muốn gặp các cháu để nói lên một sự thật đang bị ruồng rẫy, đang bị bôi nhọ một cách nhẫn tâm.Các  cháu đã không phụ lòng bác mà lặn lội đến đây, bác cảm ơn các cháu. Bây giờ có nhắm mắt xuôi tay, bác cũng nhẹ nhàng…
Không biết từ lúc nào ,cả phòng bệnh im phăng phắc. Có những bệnh nhân đang nằm cũng gắng ngồi dậy lắng nghe. Tất nhiên, họ không thể hiểu hết những điều ông Bảy Đại vừa nói. Nhưng ít ra, họ cũng hiểu được rằng, công việc của chúng tôi bày ra ở đây không có gì lạ lùng, quái gở như họ ngạc nhiên ngay từ lúc ban đầu, và cũng không làm cho họ phải khó chịu như tôi đã nghĩ.
Khi ngồi chép lại những dòng này qua chiếc máy ghi âm với lời kể đứt quảng từng đoạn bởi tiếng ho của ông bảy Đại, tôi liên tưởng đến hình hài da bọc xương và đôi mắt đờ đục trũng sâu của ông, tôi không tin rằng ông còn sống nữa.
Tôi không có ý thanh minh cho bà Bảy Vót - điều đó chỉ là trò cười mai mỉa đối với những người trực tiếp hoặc gián làm chủ chiếc loa phóng thanh ở Long Điền Đông A - Tôi chỉ cố gắng làm thỏa mãn niềm khát khao được nói lên sự thật của ông Bảy Đại, để khi ông từ giả cõi đòi này khỏi mang theo những điều ngang trái.
CÒN LẠI GÌ Ở LONG ĐIỀN ĐÔNG A?
Sau vụ bắt cóc chị Nguyệt Anh cùng với sự trấn áp bằng các phương tiện thông tin đại chúng, những người chống đối mạnh trong việc trả nợ phân bằng lúa như bị đồn đến tận chân tường. Họ vừa cảnh giác sợ bị bắt cóc ban đêm, vừa ngấm ngầm tử thủ. Ban đêm, họ bỏ nhà kéo nhau đi ngủ bờ ngủ bụi và thủ sẵn dao găm, dao mác và thuốc độc trong người. Họ sẽ dùng dao chống lại và uống thuốc tự tử, chớ không để bị bắt.
Mặc dù công an chìm đang bủa vây ở Long Điền Đông A để truy tìm bàn tay kẻ địch nhưng hầu như họ không phát hiện ra điều đó. Công an thì đi theo dõi coi ai là kẻ địch, ngược lại, quần chúng thì theo dõi coi ai là công an. Họ sống trong cảnh phập phồng lo sợ không biết mình sẽ bị bắt cóc giờ nào. Cứ thế, sự  đối kháng giữa quần chúng với chính quyền càng ngày càng căng thẳng. Các nhà lãnh đạo ở đây nghĩ rằng chỉ có bắt giam ông Bảy Liên Xô thì Long Điền Đông A mới thu được nợ và mọi chuyện sẽ êm xuôi. Nhưng đã lỡ thua một lần, bây giờ không dám bắt khi chưa hoàn chỉnh hồ sơ để kết tội rõ ràng. Nhưng không bắt thì để đó như một cái gai nhọn. Cho nên một mặt họ rình rập đợi chờ ông bảy Liên Xô trở thành tội phạm, một mặt họ tố cáo ông về Bộ Nội Vụ . Bộ Nội Vụ giao về cho Công an tỉnh.
Một chồng hồ sơ về ông bảy Liên Xô dày cộm, nhưng tội trạng thì không biết tội gì: “Tên Trần Văn Hai, tức Bảy Liên Xô, nguyên là đại úy quân đội nhân dân Việt Nam. Sinh năm 1931, tại ấp Lập Điền, xã Long Điền Tây, huyện Giá Rai, tỉnh Minh Hải. Tham gia cách mạng ngày 19 tháng 1 năm 1950, vào Đảng ngày 31 tháng 6 năm 1956. Năm 1954, tập kết ra Bắc, năm 1962 vượt Trường Sơn vào Nam, công tác trong đoàn vận tải tại miền Đông Nam Bộ. Sau giải phóng, chuyển về quân khu 8. Năm 1976, hai quân khu Đồng Láng sát nhập, Trần Văn Hai về công tác tại Cục hậu cần Quân khu 9. Ngày 14 tháng 4 năm 1977, hắn chống lệnh điều động  sang biên giới Tây Nam của Quân khu 9 và đào ngũ về sống bất hợp pháp ở Long Điền Đông A, tàng trữ vũ khí trái phép, không chấp hành chủ trương chính sách của Nhà nước, cụ thể là không đóng thuế nông nghiệp và lợi dụng sơ hở của nhà nước trong thủ tục hợp đồng ứng trước vật tư nông nghiệp năm 86, hắn vận động quần chúng chống lại chính quyền địa phương trong việc thu nợ phân…”
Đối chiếu với luật hình sự, ông Bảy Liên Xô không vi phạm vào điều khoản nào để có đủ yếu tố bắt giam.
Thật ra, sau này khi làm việc với Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, tôi mới hiểu ra điều đó. Còn những ngày sống ở Long Điền Đông A, những nguồn tin về cuộc chuẩn bị vây bắt ông Bảy Liên Xô cứ đến dồn đập trong nội bộ  các nhà chức trách. Có người thì nói rằng Bộ Nội Vụ bắt, có người lại nói rằng quân khu 9 bắt. Người ta nhận định rằng quân khu 9 bắt sẽ hợp lý hơn vì ông Bảy Liên Xô nguyên là sĩ quan của Cục Hậu Cần quân khu 9. Vả lại, nếu quân khu 9 bắt ông Bảy Liên Xô thì quần chúng sẽ không có lý do nào để đỗ lỗi cho chính quyền địa phương .Đó là một hiểm kế để tránh được cuộc đấu tranh có thể  xảy ra như lần trước.
Không khí ở Long Điền Đông A vào những ngày ấy thật nặng nề khủng khiếp. Nỗi hoang mang, bất bình, cay đắng cứ ẩn hiện  trong ánh mắt của mỗi con người. Đoàn cán bộ huy động lương thực của anh Sáu Kiên thì rút về một điểm, giữ tư thế im lặng để đợi chờ một điều gì đó.
Tờ công lệnh của chúng tôi đã hết ngày đi nhưng không thể nào về được, cứ phập phồng linh cảm một cuộc đổ máu xảy ra trên mảnh đất này, nếu ông Bảy Liên Xô bị bắt.
Ngồi quanh chiếc bàn vuông trong căn chòi nhỏ sau vườn, anh Chủ tịch xã trầm ngâm như muốn giữ bí mật khi chúng tôi hỏi về thực trạng Long Điền Đông A.
- Vấn đề Long Điền Đông A hiện nay không loại trừ bàn tay kẻ địch núp sau lưng tên Bảy Liên Xô. Tỉnh đang tăng cường lực lượng trinh sát xuống đây hoạt động nhưng kết quả như thế nào thì chúng tôi không thể báo cho các anh biết được!
Anh phóng viên đài phát thanh nói:
- Dĩ nhiên đó là nguyên tắc. Nhưng ngoài những vấn đề thuộc về nghiệp vụ an ninh, anh có thể cho chúng tôi biết hướng giải quyết của các anh như thế nào trước  sự bế tắc của Long Điền Đông A, đặc biệt là vấn đề nợ phân năm 86 đang tranh chấp.
Anh Chủ tịch xã lại ngập ngừng;
- Muốn giải quyết được vấn đề này, theo đánh giá của Đoàn chỉ đạo huy động lương thực thì chỉ có bắt tên Bảy Liên Xô để quần chúng họ không còn chỗ dựa mà chống lại ta nữa. Và theo tôi được biết thì mình sẽ bắt, bắt trong nay mai, nhưng không phải mình bắt mà Quân khu bắt .
Chúng tôi bàn bạc với nhau và đi đến một quyết định: đến ở tại nhà ông Bảy Liên Xô để làm nhân chứng cho đến giờ phút cuối cùng. Nếu có lỡ bị trúng nhằm dao của thân tộc ông Bảy Liên Xô hoặc đạn lạc của quân khu thì trong bốn đứa tôi, ít ra cũng còn một đưa sống sót. Bằng mọi cách chúng tôi sẽ cố gắng để lại vài bức ảnh hay một đoạn băng ghi âm vể trận xung đột này.
Có lẽ những ngày sống ở Long Điền Đông A, đó là đêm hệ thần kinh của tôi căng thẳng nhất, đêm của sự chờ đợi cái tai họa trút xuống ngay căn nhà này - căn nhà ông Bảy Liên Xô - chắc là khiếp đảm hơn trận xô xát  hồi cuối năm 86. Liệu có nên báo cho ông biết rằng ông sắp bị bắt hay không? Tôi cứ dày vò,cắn rứt, cứ hồi hộp, xốn xang. Trái tim thì bảo nói đi, đừng che dấu. Nhưng cái đầu thì bảo không, anh đừng quên rằng anh là một nhà báo, là công cụ của Đảng, đừng để mất lập trường giai cấp. Tôi dừng lại và nghiền ngẫm hai chữ  giai cấp đến nát nhừ rồi nhìn vợ chồng ông Bảy Liên Xô mà nghe đầy mâu thuẫn. Chợt câu danh ngôn của một triết gia nào đó len đến nhắc nhở tôi: “Người ta thường ân hận khi đã nói hơn là khi chưa nói” . Vậy là tôi có cớ để lý giải cho sự im lặng của mình.
Khoảng hơn bảy giờ tối thì Chín Cửu, Bảy Nguyên, Hai Hiệp và Tư Sương - anh con trai duy nhứt còn sống sót của bà Hai Giáp - cũng đến. Bảy Nguyên - Tư Sương là cháu bà Bảy Liên Xô, Chín Cửu là em ruột, họ là những người  được chính quyền xem là cánh du côn do ông Bảy Liên Xô tập họp.
Ông Bảy Liên Xô dù không biết uống rượu nhưng cũng lật đật đốt đèn ra ao chài cá me lên nấu canh chua rau nhúc và mua chai rượu  đế về đãi chúng tôi, bà Bảy thì ngồi say sưa kể chuyện, bà kể như chưa bao giờ được kể với ai về cuộc đời riêng. Cuộc đời ấy bắt đầu từ năm mười chín tuổi, một người con gái  chỉ còn hai ngày nữa mặc áo cô dâu, đã trốn vô rừng mặc áo lục quân làm du kích. Cuộc đời ấy, cuộc đời của vị chỉ huy đội quân tóc dài một thời lừng lẩy. Cuộc đời ấy, cuộc đời của một người vợ để tang chồng trong lúc mới mang thai. Cuộc đời ấy, cuộc đời của một người mẹ tự đỡ đẻ sinh con trong bụi cây rồi lấp đi vết máu và ẵm con xuống hầm bí mật trong một trận càn. Cuộc đời ấy, cuộc đời của một người tù bị tra tấn dã man và trải qua những cơn điên loạn, và cuộc đời ấy …
Bà Bảy Liên Xô không cầm được nước mắt khi xăn tay áo lên cho chúng tôi xem vết thẹo bị trói bằng dây gân bứt hai  vòng da trên hai cánh tay hơn một năm qua vẫn còn nổi vồng lên dày cộm. Nhưng bà cô giấu đi không dám kể lại chuyện bị lôi kéo tuột hết áo quần.
Khoảng mười giờ đêm, khi những người khách ra về thì vợ chồng ông Bảy Liên Xô cũng bỏ nhà đi ngủ nơi khác. Ông dặn chúng tôi:
- Sáng mai, nhà ông già vợ tôi làm heo cúng miễu, khoảng chín giờ, mấy cậu lên chơi.
Sáng hôm sau, tôi còn đang mơ màng chợt tỉnh thì nghe có tiếng đối thoại  sau hè:
- Có ba cháu ở nhà không?
- Dạ không.
- Cháu đi tìm ba cháu về nói có chú ở Quân khu 9 xuống đây làm việc  với ba cháu.
Tôi giật mình tốc mùng dậy thì thấy một người mặc quân phục đội nón cối bước vào. Nhưng lạ quá, tưởng ai lại là anh Hoàng Thêm, hội viên Hội nghệ sĩ  nhiếp ảnh Việt Nam, phó Ban biên tập  tờ đặc san Đất Mũi của Sở Văn hóa Thông tin? Rồi cũng không cần suy nghĩ, tôi hiểu ngay ra đây là  diễn viên của nhà đạo diễn Sáu Kiên. Người thứ hai bước vào mang quân hàm Trung tá .
Có lẽ cả Sáu Kiên lẫn anh Hoàng Thêm đều không ngờ rằng chúng tôi“ kích “sẵn ở đây. Song , vì sự tôn trọng tối thiểu với nhau, vả lại việc ai nấy làm nên chúng tôi cố gắng không biểu lộ điều gì cho anh đỡ sượng và giữ gìn bí mật cho anh đóng trọn vai tuồng. Thấy chúng tôi quen với anh Hoàng Thêm, ông Trung tá có vẻ lo ngại, vừa tỏ ra khó chịu trước sự có mặt của chúng tôi.
Chừng năm phút sau, anh Hai Hiệp đến. Hai Hiệp vẫn sử dụng bài bản y như lần đầu anh tiếp chúng tôi:
- Chú tìm dượng Năm tôi có việc gì?
Va, trước thái độ của Hai Hiệp, ông trung tá cũng ngập ngừng như tôi lần trước:
- Dạ, tôi ở phòng cán bộ quân khu 9, muốn gặp anh Bảy Liên Xô để … ông lại ngập ngừng - để làm việc. Vì ảnh bỏ ngũ lâu quá rồi. Quân khu muốn mời ảnh về để hỏi thăm hoàn cảnh cuộc sống và giải quyết chính sách. Tiện đó quân khu cũng muốn biết thêm về những mâu thuẫn giữa ảnh với chính quyền địa phương.
Hai Hiệp nói như ra lệnh:
- Chú viết cho mấy chữ đi. Chú tên họ, địa chỉ và nội dung cần gặp, tôi mang đến ông, nếu đồng ý gặp thì ổng về.
Ông trung tá giật mình trố mắt nhìn Hai Hiệp. Nhưng rồi ông cũng mở cặp lấy giấy viết ra ghi.
Trong thời gian chờ đợi Hai Hiệp, tôi đứng ra làm chủ nhà đi nấu nước pha trà và làm quen với ông trung tá. Đó là ông Bảy Lương, trưởng phòng tổ chức cán bộ quân khu. Giữa ông và ông Bảy liên Xô chưa hề quen biết nhau, vì ông Bảy Liên Xô về quân khu 9  chưa được bao lâu thì bỏ ngũ, bấy giờ ông Bảy Lương cũng chưa phải là Trung tá trưởng phòng cán bộ như bây giờ.
Chúng tôi uống chưa hết bình trà thì Hai Hiệp trở về. Anh thông báo:
-Bữa nay nhà  nội tôi cúng miễu, dượng Năm tôi mời chú lên dùng cơm và làm việc luôn.
Hai Hiệp đạp xe đi trước, chúng tôi kéo theo sau.
Nhà ông Bảy Vịnh hôm ấy như ngày hội của thân tộc. Con cháu ông ở các nơi tụ tập về đông đủ và khi được tin Quân khu xuống bắt ông Bảy Liên Xô, làng xóm xôn xao kéo đến, họ phập phồng chờ đợi, và những người đàn ông trong thân tộc ấy đang chuẩn bị cái gì, ai biết được?
Sau khi cúng kiến, tiệc tùng ăn uống xong, cũng không ai chịu về.
Ông Bảy Lương mở đề công việc với mấy lời mào đầu ngắn gọn:
- Tôi được Quân khu phân công mang thư xuống đây mời anh về làm việc. Thật ra thì từ ngày anh về địa phương đến nay, Quân khu cũng không biết đời sống anh ra sao, chỉ có gần đây, chúng tôi được nghe địa phương và viện kiểm sát tối cao thông báo về những mâu thuẫn giữa anh với chính quyền địa phương. Cho nên Quân khu muốn mời anh về để nghe anh báo cáo. Trước là  để làm lại các thủ tục để giải quyết chế độ,chính sách quân đội cho anh, đồng thời Quân khu cũng muốn hiểu rõ hơn về những mâu thuẫn giữa anh với chính quyền để  cùng nhau tìm cách giải quyết cho êm đẹp.
Ông Bảy Lương trao thư mời cho ông Bảy Liên Xô.
Ngày 3 tháng 4 năm 1988
Kính gửi: Đ/c Trần Văn Hai (Bảy Liên Xô)
Cục Chính trị Quân khu 9 được chính quyền địa phương và Viện Kiểm sát tối cao thông báo về mối quan hệ giữa gia đình đồng chí với chính quyền địa phương có những sự việc chưa thống nhất.
Cục Chính trị chúng tôi được biết đồng chí đã về địa phương giải quyết công việc gia đình từ tháng 4 năm 1977.
Vì là cán bộ quân đội và để biết sự thật đầu đuôi mối quan hệ đó thế nào. Cục Chính trị xin mời đồng chí về Cục để tường trình, cùng đánh giá phân tích sự việc để góp phần giải quyết vấn đề có cơ sở vững chắc.
Mong đồng chí sắp xếp công việc gia đình, có mặt tại nhà khách Quân khu, (T80) đường Lộ Tẻ, phường An Thới, thành phố Cần Thơ vào ngày 9-4-88. Chúc đồng chí và gia đình mạnh khỏe.
Thân ái!
KT. Chủ nhiệm Cục Chính trị Quân khu 9
Phó Chủ nhiệm: Đại tá Trần Anh Đông
Đọc xong lá thư, ông Bảy Liên Xô vừa mỉa mai, vừa tức giận:
- Các anh định bắt khéo tôi chớ gì.Tôi biết quá mà, tỉnh này quy kết tôi cầm đầu nhân dân ở đây chống chủ trương nhà nước, muốn bắt tôi nhưng không dám bắt vì biết rằng tôi là người vô tội nên nhờ các anh bắt tôi về giam lỏng ở nhà khách quân khu cho mấy ổng dễ dàng hoành hành dân chúng. Nhưng Quân khu đâu còn trách nhiệm gì với tôi nữa mà mời. Tôi bỏ ngũ mười một năm nay rồi, tôi đã là công dân của xã này rồi, còn dính líu gì với Quân khu nữa đâu. Sau lần bị bắt năm 86, tôi có lên gặp Cục trưởng Cục hậu cần hỏi rằng nếu như bây giờ tôi sống ở địa phương không được thì Cục hậu cần có cho tôi trở lại không? Ông đã trả lời dứt khoát rằng Cục hậu cần  không còn trách nhiệm với tôi nữa. Không ai có thể chấp nhận sự trở lại của một sĩ quan đã đào ngũ mười năm. Vậy thì bây giờ anh nói mời tôi về để giải quyết chính sách là giải quyết cái gì? Tại sao mười một năm qua các anh bỏ rơi tôi rồi bây giờ lại mời về giải quyết chính sách ngay lúc này. Ngay lúc cuộc đấu tranh của chúng tôi với chính quyền địa phương chưa ngã ngũ. Lại càng phi lý hơn khi các anh mời tôi về  để giải quyết mâu thuẫn giữa tôi với chính quyền địa phương. Bởi tôi đâu còn là  người của Quân khu mà các anh tham gia giải quyết. Giã sử như trong cuộc tranh chấp lúa, phân tiền này tôi đúng thì quân khu có đứng ra bênh vực tôi được không?
Và nếu tôi sai thì quân khu sẽ xử lý tôi hay chính quyền địa phương xử lý tôi theo luật pháp nhà nước? Anh trả lời đi! Anh trả lời không được  thì anh mời tôi về trển có ý nghĩa gì?
- Tôi chỉ đến đây với tư cách là người liên lạc thôi anh Bảy ạ, còn đi hay không đó là quyền của anh. Nhưng theo tôi thì anh nên đi để sau này có chuyện gì khỏi phải ân hận .
- Tôi không đi và cũng không có gì phải ân hận. Anh về nói lại với Quân khu rằng tôi cảm ơn sự quan tâm của quân khu, không phải tôi không đi là vì tôi phụ lòng các anh đâu. Khi nào mọi chuyện ổn rồi tôi sẽ lên thăm các anh để nối lại tình xưa nghĩa cũ của những đời lính với nhau. Còn bây giờ thì tôi không thể đi được vì cuộc đấu tranh ở đây chưa ngả ngũ, dòng họ, thân tộc, bà con chòm xóm chúng tôi đang bị chính quyền ức hiếp, tôi đã khiếu nại lên tới Trung ương nhưng chưa được giải quyết và những ngày này chúng tôi đang chờ đợi sự công bằng. Nhưng nếu cuối cùng chúng tôi bị xử ép thì có lẽ xứ này sẽ xảy ra trận đổ máu như cánh đồng Nọc Nạn ngày xưa.
Ông Bảy Lương bắt tay vợ chồng Ông Bảy Liên Xô rồi từ giã ra về. Tôi thấy ông Bảy Liên Xô bước vào cánh cửa phía trong, vén vạt áo sau lưng rút ra con dao, dắt vào kẹt vách. Cả nhà thở phào nhẹ nhỏm.
Buổi trưa hôm ấy, chúng tôi đến nhà ông Sáu Xum, trụ sở dã chiến của đoàn chỉ đạo huy động lương thực. Vị Giám đốc Sở Văn hóa thông tin đang mặc quần cụt, ở trần, đeo kiếng mát ngồi trên chiếc võng bắc ngang bộ ván để nói chuyện với một số cán bộ về chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch và tình hình phân hóa giai cấp ở Long Điền Đông A hiện nay.
Chúng tôi vừa bước vào, ông cười hỏi:
- Sao, đêm qua tụi bây ngủ nhà Bảy Liên Xô, nghe vợ nó khóc, tụi bây cảm động lắm phải không? Cũng chưa đã lắm đâu, tụi bây cứ đi tìm hiểu tiếp tục đi rồi sẽ thấy, xung quanh cái chuyện phân, tiền, lúa này mà bao nhiêu gia đình chia rẻ, dòng họ phân tán, xung đột, thù ghét lẫn nhau, lý thú chưa từng thấy. Một thiên tiểu thuyết đó, tụi bây tha hồ viết.
Tôi giật mình và tự hỏi: Cái sự dao động bên ngực trái của anh là cái gì? Có còn là một trái tim?
Ông Bảy Lương quay sang nói với chúng tôi:
- Mấy cậu nhớ dùm nghe, hồi này thằng Bảy Liên Xô nó nói với tôi rằng nếu nó đi thì dân ở đây người ta sẽ trả nợ hết, cho nên nó không chịu đi .
Anh phóng viên Đài phát thanh nói:
- Không phải vậy đâu chú Bảy, hồi này cháu có ghi âm!
Sáu Kiến một tay vỗ lên đầu võng nói:
- Tôi đã mang chiếc võng này xuống đây bốn tháng rồi. Nói thật với tụi bây, đối với Bảy Liên Xô bây giờ tao không cần bàn nữa, Bộ Nội Vụ đã kết luận rồi, Tỉnh ủy và công an tỉnh cũng đã kết luận rồi, khỏi phải nói thêm điều gì nữa hết, giờ chỉ còn hành động mà thôi !
- Bây giờ thế này anh sáu ạ - Tôi nói - Anh, với tư cách là Trưởng đoàn chỉ đạo công tác ở đây, được thường vụ Tỉnh ủy phân công trực tiếp. Chúng tôi muốn anh phát biểu vài nhận định về vấn đề Long Điền Đông A trước khi chúng tôi rời khỏi nơi đây.
- Không. Tụi bây đừng mong cạy miệng tao một điều gì cả. Tao không thể bày tỏ quan điểm của tao trong lúc này được. Tụi bây cứ tự tìm hiểu lấy và đừng bao giờ ghi tên tao trong bài viết của mình.
- Nhưng tôi có quyền phỏng vấn anh.
- Tao cũng có quyền không trả lời.
Tôi nói nửa đùa, nửa thật .
Nếu vậy thì tôi sẽ viết rằng: “Khi chúng tôi đến phỏng vấn vị Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin về vấn đề Long Điền Đông A, chẳng những ông không trả lời mà còn bảo rằng tụi bây đừng mong cạy miệng tao một điều gì cả“.
Sáu Kiên có vẻ hốt hoảng:
- Không được, phải viết như thế này: “Sở dĩ Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin không trả lời là vì ông không muốn bày tỏ quan điểm của mình trên báo chí khi vấn đề chưa được kết luận “ .
Anh Sáu Kiên nói thêm:
- Tụi bây có biết rằng sự phân hóa giai cấp ở đây hiện nay đang diễn ra như thế nào và vì sao không? Điều đó không phải là chuyện đơn giản, và tụi bây có biết rằng ở đây hiện giờ kẻ địch đang hoạt động bằng những thủ đoạn tinh vi như thế nào không? Chúng đang sử dụng gia đình liệt sĩ và nông dân nghèo để chống lại ta. Nếu như họ đấu tranh để cuối cùng được trả một ký phân năm đồng sẽ lời gấp trăm lần trả ba ký lúa. Vì vậy mà chúng đánh ngay vào tâm lý của họ, chúng lợi dụng cái óc tư hữu của người nông dân để mà kích động. Chúng còn dùng một thủ đoạn khác tinh vi hơn nữa, tụi bây có biết đó là thủ đoạn gì không? Chúng sử dụng giai cấp phú nông để khống chế giai cấp bần nông không cho họ trả nợ phân nhà nước. Nếu như ai còn đang thiếu nợ lúa vay mà trả nợ phân nhà nước thì những tên chủ nợ sẽ lập tức đến đòi nợ hoặc sẽ không tiếp tục cho vay nếu lỡ họ thiếu ăn. Tao chỉ nói đại khái những vấn đề như vậy để tụi bây thận trọng trong viết lách, còn thực tế như thế nào thì tụi bây tự tìm hiểu lấy, đừng hòng cạy miệng tao. Long Điền Đông A là một cuộc thi, tụi bây nên hiểu như vậy, và bài ai nấy làm, không được “cọp bi“.
- Nhưng như vậy thì tôi đã “cạy miệng” được anh rồi còn gì nữa!
Sáu Kiên nhìn tôi cười và có vẻ giựt mình. Tôi nói tiếp:
- Thật ra thì tôi cũng chỉ cần anh phát biểu vài nhận định như thế thôi. Còn thực tế như thế nào thì dĩ nhiên chúng tôi tự tìm hiểu lấy, và chúng tôi đã tìm hiểu.
Chiều hôm ấy, buổi chiều cuối cùng ở Long Điền Đông A, chúng tôi thả dọc dài theo con đê biển về chỗ bến tàu. Chiều xuống ở đây buồn thê thảm. Dọc theo bờ đê, một bên là dãy nhà chòi xơ xác, nằm trơ trọi không một bóng cây. Bên kia là đồng muối, đang vào mùa thu hoạch, những đống muối vung đầy ngất nghểu dưới chân đê và chạy dài trông mút mắt, chúng bị ối đọng trong trận khủng hoảng thừa. Xa tít ngoài kia, bao quanh đồng lúa là cánh rừng chồi lúp xúp, giáp với màu trắng xóa mù khơi và mênh mông của biển.
Những đứa trẻ đen đúa, trần truồng vác cần câu đi giựt cá bóng kèo theo nững đòng kinh dọc ngang đang dâng đầy con nước lớn. Chúng vừa đi vừa nghêu ngao hát:
Bán phân thì bán bằng tiền
Cuối mùa lấy lúa làm phiền nhân dân
Dân ta tức giận đấu tranh
Bắt dân nhốt khám tanh banh xã nhà …
Nghe câu hát ấy, anh phóng viên đài phát thanh (vốn là người sưu tầm văn học dân gian) giật mình chựng lại:
- Này, mấu cháu, đến đọc lại cho mấy chú nghe lần nữa đi .
Lũ trẻ hốt hoảng gọi nhau :
- Ý chết, cán bộ tụi bây ơi, mấy ổng bắt bây giờ - Rồi chúng vừa chạy vừa quay lại nói với chúng tôi. Mấy câu này của ông Bỉnh Khùng đặt chớ không phải của tụi tui đâu nghen!
Vậy là chuyện lúa,phân, tiền đã trở thành văn học dân gian, đã hằn sâu trong ý thức của Long Điền. Tôi chợt nghĩ, chắc giờ này anh sáu Kiên đang nằm lắc lư trên võng. Nếu một ngày nào vô tình anh nghe được những câu ca dao ấy, anh sẽ khẳng định xuất xứ của nó như thế nào?. Từ trong ý thức của người nông dân hay “từ cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch?”
- Không thể được đâu anh Hai ạ, các anh đã dựng lên những nhân chứng giả để bưng bít sự thật, các anh đã tạo ra sự phân hóa, xung đột trong nội bộ nông dân, và chính các anh đã xô đẩy họ về phía đối kháng với chính quyền rồi các anh lại đỗ lỗi cho bàn tay kẻ dịch. Long Điền Đông A đang dự báo cho một trận đỗ máu xảy ra nếu các anh tiếp tục trấn áp, tiếp tục chà đạp cái sự thật đang là nỗi oan ức trong lòng của mỗi người dân.
Anh Rina, thường vụ tỉnh ủy đang làm bí thư huyện Giá Rai, một người vốn bình dân, thật thà và nhân hậu. Anh rầu rĩ đưa mắt nhìn về cánh đồng Nọc Nạn hiện ra trước cửa nhà anh, cách không  đầy hai trăm mét. Nơi ấy đang chuẩn bị làm lễ kỷ niệm sáu mươi năm cuộc manh động của gia đình Mười Chúc.
- Thật ra thì tôi đi tìm sự thật - Tôi nói tiếp - là để viết bài chớ không phải để nói với anh, vì tôi không phải là cán bộ thanh tra đi thu thập tài liệu về báo cáo. Nhưng vì lợi dụng, phải, tôi lợi dụng mối quan hệ giữa anh với gia đình tôi vừa là họ hàng thân tộc, vừa gắn bó với nhau trong chiến tranh để xóa đi cái khoảng cách nhau về địa vị, để có thể móc ruột ra mà nói với nhau về sự thật, vì tôi sợ sau khi tôi viết xong bài báo thì lúc ấy đã muộn màng…
Anh Rina ngập ngừng nói:
- Thật ra thì bấy lâu nay thường vụ tỉnh ủy chỉ được nghe báo cáo của anh Sáu kiên. Những điều chú vừa cung cấp cho tôi đều hoàn toàn ngược lại. Vậy thì chẳng lẽ vấn đề Long Điền Đông A lại có hai sự thật khác nhau sau? Tôi sẽ đề nghị tỉnh ủy tổ chức cuộc họp báo để cùng bàn bạc, thống nhất quan điểm với nhau.
Hai ngày sau, chúng tôi được mời đi họp báo. Nhưng cuối cùng, đó không phải là cuộc họp báo. Đồng chí trưởng ban tuyên huấn mời các cơ quan báo chí đến để thông báo chỉ thị của thường vụ tỉnh: Các cơ quan báo chí không được can thiệp vào vấn đề Long Điền Đông A khi chưa được thường vụ tỉnh ủy kết luận.
Tôi ân hận vì mình đã móc ruột với anh Rina. Phải, người ta thường ân hận khi đã nói hơn là khi chưa nói. Nhưng tôi nghĩ dẫu sao thì những điều tôi đã nói ra cũng không hoàn toàn vô tác dụng.
Những ngày sau đó, đoàn chỉ đạo của anh Sáu Kiên được lệnh rút về, huyện ủy Giá Rai cử đoàn cán bộ khác gồm hai mươi người xuống Long Điền Đông A để làm những công tác khác: củng cố các đoàn thể quần chúng, các phong trào văn nghệ, thể dục thể thao để làm giảm bớt không khí nặng nề, căng thẳng. Còn chuyện lúa, phân, tiền và “sự kiện Bảy Liên Xô” tạm dừng lại, để tính sau. Nghĩa là cơ thể của Long Điền Đông A trong cơn đau quằn quại được tạm thời tiêm một mũi thuốc an thần, còn liều thuốc lấy dân làm gốc, chưa ai dám sử dụng trong lúc này...
ĐIỀU RAY RỨC SAU CÙNG
Cách đây lâu lắm, có lần tôi đến nhà xuất bản Mũi Cà Mau, gặp nhà thơ Lê Chí. Tôi vừa bước vào cửa thì anh Chí nói ngay:
- Hổm rày mày đi đâu lâu qua, anh Sáu Kiên kiếm mày để rủ mày đi Long Điền Đông A với ảnh, dạo này ảnh đi chỉ đạo huy động lương thực ở dưới.
Tôi đâm ra tiếc rẻ vì Long Điền Đông A đối với tôi tuy không phải là nơi chôn nhau cắt rún nhưng lại là chỗ tôi yêu thương, có nhiều kỷ niệm. Tôi đã viết về nơi ấy năm bài báo thì còn gì là không gắn bó đến thâm sâu. Hơn nữa nếu được cùng đi với anh Sáu Kiên thì chắc sẽ có nhiều chuyện lý thú.
Mấy tháng sau, vào một buổi chiều, tôi đang ngồi uống trà với anh Lê Chí tại Nhà xuất bản Mũi Cà Mau thì bất ngờ anh Sáu Kiên đến. Được biết anh  từ Long Điền Đông A mới về, tôi hỏi ở dưới có gì vui không, anh nói mà như trách:
- Tụi bây cứ ru rú ở nhà mà biết gì. Thời buổi này mà cứ ngồi nhà nặn óc ra hư cấu. Tao về chữa bệnh cho bà già ít hôm rồi trở xuống Long Điền Đông A, mày sắp xếp đi dưới với tao. Ở dưới bao nhiêu chuyện lý thú đến lạ lùng . Mày chỉ cần chịu khó thu thập tài liệu rồi viết y sự thật cũng thành tiểu thuyết, khỏi tốn công tưởng tượng, hư cấu gì cả. Có khi nào mầy nghỉ con của một đồng chí thương binh mà phải đi ở đợ không? Rồi có khi nào mầy nghĩ một Chi ủy viên phụ trách công tác tổ chức mà mê tín dị đoan đến tán gia bại sản rồi bệnh hoạn luôn không? Cứ xuống dưới đi, cả thiên tiểu thuyết đang chờ mầy ở dưới!
Nghe anh nói, tôi cố gắng dẹp hết mọi chuyện để đi.
Và bây giờ tôi viết.
Biết nói thế nào để anh Sáu hiểu được tôi?  Mỗi lần ngồi viết của tôi chạm phải tên anh thì tay tôi run và tim tôi đau nhói. Có xa lạ gì đâu, giữa anh với tôi là chỗ họ hàng, gần lắm! Chính điều đó làm tôi đau, bởi cái thân tộc nó bắt người ta phải luôn luôn suy nghĩ.
Anh Sáu là người đọc nhiều, chắc anh nhớ trong đoạn cuối truyện ngắn ”Nợ nước mắt” của nhà văn Trang Thế Hy có câu: “Thật ra, tôi không muốn đem anh vào câu chuyện giữa tôi với chị Ba cho thêm phiền phức, nhưng  dẫu tôi có gạt anh ra khỏi trang giấy này đi nữa thì anh vẫn xuất hiện ở ngoài đời, tiếp tục vậy hả và tiếp tục dững dưng”
Ở đây, ngoài lý do ấy còn một lý do khác nữa. Tôi và anh, hai người cùng đứng trước sự đỗ vỡ của Long Điền Đông A với hai vị trí khác nhau. Nhưng ở vị trí của anh, anh có thể gạt bỏ cái nguyên nhân có thật để đổ thừa cho kẻ địch  hoặc ông Bảy Liên Xô. Còn ở vị trí của tôi- một người đi tìm và bảo vệ sự thật - nếu gạt anh ra khỏi trang viết này thì tôi biết tìm sự thật ở đâu?
Anh thông cảm mà đừng giận tôi nghe anh Sáu! Tôi biết từ ngày rời khỏi Long Điền Đông A đến nay, anh mang nhiều tâm trạng đắng cay, buồn giận của một người vừa bỏ cuộc thi. Tôi hy vọng rằng trong nỗi buồn giận ấy, theo thời gian, anh sẽ chừa một chỗ để tự buồn giận chính mình. 
Võ Ðắc Danh
Nguồn: Tạp chí Văn Tp HCM
Số 1&2 năm 1988
Theo http://www.vanchuongviet.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Những chuyến xe ngày Tết – Truyện ngắn của Nguyễn Thị Khánh Liên 28 Tháng Hai, 2023 “Không áo gấm con mãi còn lạc xứ” (Thơ Lê Sa) ...