Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2018

“Văn kỳ thanh” mà cảm phục tài tình nữ thi bút Quế Hằng

“Văn kỳ thanh” mà cảm phục tài tình 
nữ thi bút Quế Hằng
Xin giới thiệu bài viết của nhà giáo Phan Chúc
Tôi đã đọc và ngẫm ngợi hơn bốn mươi bài thơ luật Đường hiện đại của nữ thi bút Quế Hằng. Quả thật chưa gặp chị nhưng qua thơ, dù Văn kỳ thanh vẫn nhận ra cây bút Đường thi này thật giầu thi cảm, thi hứng càng hân hoan ngẫm ngợi những vần thơ niêm luật đã rất chặt chẽ, ngôn từ thật sắc sảo tinh vi mà cách diễn đạt ý tình hết sức tế nhị….     
Tôi là người được cha mẹ dạy cho làm thơ Đường luật từ thuở lên chín lên mười, nay đã ở ngoài tuổi xưa nay hiếm, dang dần tới “bát thập niên” mà thấy hiếm, rất hiếm thi  hữu khác giới có thi tài và đa tình, đa cảm, dễ rung động trước người, trước cảnh như Quế Hằng.
Thơ chị đấy nữ tính, có những bài tố chất Hồ Xuân Hương - Bà chúa nữ sĩ thơ nôm thật tài tình. Tôi chỉ xin dẫn dụ một trong số 42 bài mà mình đã được bạn thơ tâm đắc “tri âm thơ, tri kỷ lòng” Ngô Thái trao tay để đọc và cảm thụ tuần vừa rồi. Đó là bài “Làm Cua”.
LÀM CUA
Quế Hằng
Vật ngửa em ra vuốt vuốt càng
Tắm qua giội lại quý như vàng
Cầm chân, kéo yếm lôi toàng toạc
Túm cẳng, tóm mai bóc nhoáng nhoàng
Dưới bụng, hồng hồng rồi trắng  trắng
Trên lưng, phơn phớt  lại vàng vàng
Thùm thum, bồm bộp đều đều giã
Sống áo vứt đi quá phũ phàng.
Cái việc làm Cua, nói không quá lời là tôi đã chứng kiến cách làm của  hàng ngàn người không thể nói là tới bao nhiêu lần. Vậy mà đọc thơ Quế Hằng, chị không chỉ tả cái động tác của công việc một cách liên hoàn rất chân thực, rất tài tình và gộp vào ngôn từ những ý tứ hết sức tế nhị của chuyện tình lứa đôi ân ái, không ai có thể không thừa nhận (…)
Từ hai câu khai đề đã thể hiện rõ cái con mắt tinh đời và cái tình thấm đẫm nhân văn của chị qua việc làm cua, nhưng ý tại ngôn ngoại không phải là làm cua để vui thú ẩm thực mà cuồng say ái tình nam nữ: “Vật ngửa em ra vuốt vuốt càng/ Tắm qua dội lại quý như vàng”. Tới cặp thực mới thật là tài tình: “Cầm chân kéo yếm lôi toàng toạc/ Túm cẳng, tóm mai, bóc nhoáng nhoàng”.
Người đọc chỉ có thể liên tưởng mà khám phá ra cái sự tế nhị, vui hóm hỉnh của tác giả mà thôi. Không ai là nam giới và nữ giới đã sống trong lứa đôi ân ái thì cũng dễ cảm nhận cái tình, cái ý tế nhị sâu xa, không nhất thiết phải diễn tả thật cụ thể mà người đọc vẫn cảm, vẫn hiếu được. Khi viết những dòng này, tôi chợt nhớ đến bài thơ “Nợ đời” của nữ sĩ Hỗ Xuân Hương mà nhà thơ Xuân Diệu đã đọc và làm mê hồn thính giả Pháp trong những lần ông nói chuyện về thơ bà ở caí xứ nổi tiếng chuộng văn chương này. Bài thơ của Hồ Xuân Hương tả chân tới mức cụ thể cả động thái (nam nữ) vợ chồng ăn nằm với nhau:
“Bố cu lổm nhổm bò trên bụng
Thằng bé hu huơ khóc dưới hông
Tất tưởi những là thu với vén
Vội vàng nào cũng bống cùng bông”        
Còn trong “làm cua” thì Quế Hằng - Hậu duệ Hồ Xuân Hương cũng tả chân, tới mức trần trụi mà vẫn thanh tao: “Dưới bụng hồng hồng rồi trăng trắng/ Trên lưng, phơn phớt lại vàng vàng”. Cái gì “hồng hồng, trắng trắng, phơn phớt vàng vàng” thì mọi người sẽ nhận ra.
Hai câu kết trong “làm cua” mới thật tài tình: “Thùm thum bồm bộp đều đều giã/ Xống áo vứt đi quá phũ phàng”. Tôi không bình phẩm gì thêm, chỉ hơn một lần cảm phục Quế Hằng về tài thơ và tình đời của chị. Mong còn được đọc nhiều vần thơ ý vị, tế nhị, “thi tại ngôn ngoại” khác làm giầu thêm tâm hồn nhau qua đường thơ đương đại.
Phan Chúc 
Theo http://thoduongdatviet.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tội lỗi của lý thuyết và dấu hỏi văn chương trong nhà trường 27 Tháng Hai, 2023 Các nhà lý luận văn học Việt Nam rất hay trích dẫn một...