Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2018

Mưa nước lên

Mưa nước lên 
"Gió mưa là bệnh của trời...” đã đành là thế nhưng từ khi khai thiên lập địa đến nay, từ khi con người hiểu được sức mạnh của mưa, cảm nhận được nguồn sống do mưa mang lại, nhân loại đã thêu dệt nhiều câu chuyện huyền thoại về mưa. Mỗi mùa trong năm, cho chúng ta một cảm nhận: Mùa xuân hạt mưa như rắc bụi, thường phủ một màn sa mỏng trên cánh đồng, thấm vào từng kẽ lá, đọng trên từng ngọn cỏ làm xanh lại màu lá sau ba tháng khô úa hanh heo. Mùa hạ, ngày có cơn mưa đầu mùa thường là mưa rào, nổi sấm một cách khó khăn, người nông dân lắng nghe tiếng sấm đầu mùa để dự đoán trong năm sẽ no hay đói. Rồi khi mùa lũ, mưa đã có đủ loại: mưa nước lên, mưa bóng mây, mưa dong bão. Mùa thu giao mùa nóng lạnh, mây trời bảng lảng bay, dồn vón lại thành màu chì xám, mưa thu dai dẳng, nhỏ như sợi tơ kéo từ trên cao xuống thành giọt nhỏ thánh thót rơi làm cho cho người nghệ sĩ nào cũng cảm nhận mà viết nên thơ, nên nhạc. Mùa đông, cây cối trút lá, mỗi khi gió lạnh về thường đem theo mưa phùn hàng tuần liền, mưa phùn không có lượng lớn, nhưng mang theo cái lạnh trên cao hòa với cái lạnh của gió làm cho người ta e ngại. Bốn mùa, bốn tính cách khác nhau, nhưng đọng lại trong lòng người thường là những “ trận mưa nước lên “.
Vào quãng tháng hè hàng năm, khi buổi chiều trông về phương tây thấy ráng mây đỏ sậm, người già lại nhắc “ráng vàng thì gió, ráng đỏ thì mưa" bảo nhau đề phòng.
“Ráng Đỏ thì mưa” là khi ráng chiều có màu đỏ, ở nơi ấy sẽ sinh ra mưa lớn, “cơn đằng Tây, không mưa dây cũng bão giật”. Nước từ thượng lưu sẽ thành lũ, cuồn cuộn chảy về xuôi. Nước lũ ở vùng cao thường là lũ quét, lũ ống, khi về vùng đồng bằng thành những con lũ hung dữ. Cũng thành thường lệ, thiên nhiên đã báo trước trận lũ bằng những cơn mưa bất chợt, mưa ầm ào, xối sả từng lúc rồi đột nhiên giảm nhẹ thành nhiều lần trong ngày. Người dân gọi là “mưa nước lên”, vì đi kèm với những đợt mưa đó là nước các triền sông lên cao. Mưa nước lên lạ lắm, trời đang mưa nhỏ đột nhiên “lên cơn- lên trận” đổi thành mưa to cứ như trút giận, trút hờn vào ai đó. Ta có cảm tưởng như người yêu đang giận hờn tức tối, khóc như mưa để bắt đền, rồi khi được vỗ về an ủi lại ngưng, nàng nhoẻn nụ cười. Không có hiện tượng báo trước, chợt khóc, chợt nín, nàng Mưa tính tình bất thường, lúc ào ào rắc hạt, lúc nhè nhẹ rơi rơi, người đi đường thấy mưa to vội vã trú dưới tán cây, người quen với tính của mưa thì nhủ thầm “lại mưa nước lên!” bình tĩnh chờ dứt cơn.
Nhưng đã khóc vì điều gì đó thì mấy ai nín ngay, nỗi ấm ức cứ nghèn nghẹn, nấc nấc chờ lúc bùng phát. Bởi vậy, trong một ngày có khi đang mưa nhỏ dầm dề lại ào ào vội vã làm cho trần thế lắm phen vất vả. Biết mưa nước lên tính nết như thế mà đã mấy ai chê trách, bởi vì mưa lên thường đến sau những ngày nắng hạn. Cái nóng ngày hè, nỗi oi bức khô khát như vắt kiệt từng giọt mồ hôi trong cơ thể người, làm rũ héo những cành lá, nứt toác cánh đồng màu mỡ, cái nóng tham làm làm hút hết nước mọi nơi, khiến cho mọi sinh vật đều khao khát chờ mưa.
Nắng hạn gặp mưa rào, người ta khao khát nên người ta cũng đón đợi những giọt mưa rơi đang nổi giông, nổi gió, “lên cơn, lên trận” xóa đi những nứt nẻ trên bề mặt quả đất, làm tươi xanh, ướt mát lại những ngọn lá khô héo, làm nở nụ cười trên khuôn mặt của mỗi người. Mưa nước lên thường có người đồng hành đôi khi làm ta lầm lẫn. Đó là “mưa bóng mây”: đang nắng chang chang, có đám mây bay tới che sẫm một khoảng trời và mưa rơi rào rào. Tuy không xối xả nhưng cũng nhiều khi làm người ta bối rối, mưa bóng mây có đặc điểm: Hạt mưa rơi theo đường bay của mây. Chợt mưa đấy, rồi chợt nắng ngay. Bên này đường mưa rơi, bên kia đường vẫn chang chang nắng rọi. Cho nên có người đã ví “mưa bóng mây” như một cuộc tình ngắn ngủi, chợt có rồi lại không, để lại cho người trong cuộc bao niềm nhớ thương oán trách.
Anh đến cùng em như mưa bóng mây
Chưa ướt áo, nắng đã bừng trên tóc
Để cho em chợt vui rồi... chợt khóc
Bởi tình anh như thể đám mây qua.
Cũng có một kiểu mưa khác, lúc đầu nhè nhẹ sau rộ lên theo từng cơn gió thổi đó là mưa “dong bão”. Mưa dong bão chỉ xuất hiện khi có bão về, những đợt mưa như vậy thường báo trước vùng tâm bão sẽ đi qua. Cho nên, trong những ngày có bão nơi nào thấy có mưa là kèm theo nhiều nỗi lo chống bão cứu dân.
“Mưa nước lên” đối với chúng ta như một đặc điểm, bởi lẽ chỉ có khi mùa nước lũ. Gió bão ngày càng nhiều, vùng thượng nguồn dồn mây thành một vệt đen thẫm, ánh chớp nhoang nhoáng cắt. Đó là lúc “chớp bể mưa nguồn” báo hiệu những bất thường của thiên nhiên: Bão sẽ từ biển đổ bộ vào bờ, mưa lũ nhiều, nước sông dâng cao đe dọa mọi sự bình yên của xóm làng! Hoàn cảnh ấy có người phụ nữ nào trong nỗi cô đơn lại không xót xa thân phận:
Đêm qua chớp bể mưa nguồn
Hỏi người quân tử có buồn hay chăng?
Có buồn hay chăng hỡi người trai đang mải miết nơi đâu khi quê hương (nếp nhà nhỏ cô đơn) có người vợ, người yêu chờ mong! “Mưa nước lên” đã báo hiệu mùa lũ về, ai có nhớ chăng ai.
VŨ KIÊM NINH
Nguồn: Hà Nội mới số 895 ngày 19/10/2001
Theo http://newvietart.com/






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tội lỗi của lý thuyết và dấu hỏi văn chương trong nhà trường 27 Tháng Hai, 2023 Các nhà lý luận văn học Việt Nam rất hay trích dẫn một...