Thứ Tư, 23 tháng 5, 2018

Ngẫu hứng với Nhà thơ, nhà báo Như Mai

Ngẫu hứng với Nhà thơ, nhà báo Như Mai
Khi viết báo, nhà báo Như Mai sắc sảo, tỉnh táo bao nhiêu thì khi làm thơ cụ ngẫu hứng bấy nhiêu. Ngẫu hứng cũng là tên tập thơ duy nhất đến nay của cụ. Tưởng chừng có 2 con người đối lập trong Như Mai khi xuất hiện với 2 vai trò nhà thơ và nhà báo.
Nhà thơ - nhà báo Như Mai tên thật là Ngô Huy Bỉnh, quê gốc ở Hưng Yên. Cụ Như Mai sinh năm 1924 tại Hải Phòng, lớn lên và học tập ở Hà Nội. Như Mai hoạt động cách mạng từ sớm khi mới 20 tuổi, phụ trách Thanh niên cứu quốc Liên khu 2, làm báo Cứu quốc. Bút danh Như Mai là tên ghép hai người yêu: Như và Mai một người sau này là vợ của cụ. Như Mai làm báo thời đó thường viết tạp văn. Ông thừa hưởng lối tạp văn nhạy bén của cụ thân sinh. Cụ thân sinh của ông là Ngô Huy Văn (nguyên Cục phó Cục Bưu điện) thường ký bút danh là Chu Thượng trên báo “Trung Bắc tân văn” thời Pháp thuộc. Một dạo Như Mai lấy lại bút danh Chu Thượng trong mục “Truyện cổ tân trang” của báo Lao Động. 
Sau hòa bình lập lại, Như Mai công tác tại Sở Báo chí. Năm 1956, Trung ương tổ chức một trại sáng tác tại Hà Nội, viết về thành công của cải cách ruộng đất, ông đã tham dự và Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm... cũng có mặt ở trại viết này. Bỗng một hôm, đọc xã luận báo Nhân dân, thấy báo phê phán lối sáng tác máy móc, rập khuôn, ông viết luôn truyện “Thi sĩ máy”. Trên báo ‘Nhân văn” số 5- số cuối cùng, ông đã đăng truyện ngắn Thi sĩ máy lấy bút danh Châm Văn Biếm, đả kích lối văn chương rập khuôn, máy móc, nhạt nhẽo và vô bổ.
Từ năm 1958, Như Mai về công tác ở Báo Vùng Mỏ (sau này là Báo Quảng Ninh) làm Tổ trưởng Tổ Công nghiệp, rồi Thư kí toà soạn. Năm 1987, nhà báo Như Mai nghỉ hưu và sau đó làm cộng tác biên tập cho Báo Hạ Long. Tờ báo Văn nghệ Hạ Long do nhà thơ Như Mai làm thư ký tòa soạn đã ngày một được bạn đọc mến mộ.
Điều đó có được phần lớn nhờ tài nghệ lão luyện của nhà báo Như Mai, người làm báo mực thước, giỏi nghề, cẩn trọng và đấu tranh quyết liệt với tiêu cực bằng văn nghệ. Vẫn là lối phê bình kiểu văn nghệ với những bút danh như Máy Gạt hay Châm Văn Biếm, Như Mai đã làm cho Báo Hạ Long tăng cường tính phản biện phê phán cái xấu cái lạc hậu, đấu tranh chống tiêu cực. Thời Như Mai, Báo đã đăng những truyện ngắn như “Đầm ma” của Trần Quang Vinh; có những chuyên mục thường kỳ về châm biếm đả kích như “Lão Khựng”.
Nhờ vậy, Báo Hạ Long lúc đó được bạn đọc mến mộ chào đón mỗi khi xuất bản. Báo chưa ra người ta đã đón đợi để được mua đọc nốt bài đã đăng kỳ trước, đọc xem chuyên mục này số này ai viết viết bài gì; đọc vì có người rỉ tai trước rằng số này có bài đấy bài nọ. Nhiều bạn đọc thành fan hâm hộ của Báo Hạ Long. Báo bán chạy như tôm tươi, không riêng gì giới văn nghệ sĩ đọc báo mà công chúng xã hội cũng tìm đọc.
Nhìn chung với tôn chỉ của mình, là trực thuộc Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ninh, là diễn đàn văn học - nghệ thuật của tỉnh, thời gian qua Báo Hạ Long đã cũng không ngừng tự đổi mới để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của bạn đọc. Báo đã giới thiệu nhiều sáng tác, tác phẩm mới của văn nghệ sĩ trong tỉnh, thường xuyên trao đổi sáng tác mới với các tỉnh bạn. Qua đó cổ vũ nhân dân trong tỉnh phát huy truyền thống cách mạng, bản sắc, truyền thống văn hoá của quê hương, thi đua xây dựng Quảng Ninh ngày càng giầu đẹp.
Nhắc đến Như Mai và thời làm báo Hạ Long 1 kỳ/ tháng để liên hệ đến hôm nay khi đã nâng báo lên hai kỳ một tháng thật sự là mốc quan trọng của sự phát triển của Báo Hạ Long. Nhưng sự phát triển đó đòi hỏi tổ chức bộ máy phải đồng bộ, đội ngũ những người làm báo phải đáp ứng đủ về số lượng và chất lượng so với yêu cầu. Vì đặc điểm của Báo Hạ Long là một tờ báo chuyên về VHNT, trong đó, mảng văn học là chính, nên việc thẩm định tác phẩm, sửa chữa, nâng cao chất lượng. Báo Hạ Long bây giờ, ngoài Tổng Biên tập, Phó Tổng biên tập, các vị trí: Thư ký toàn soạn, biên tập viên, phóng viên chuyên trách của Báo cũng đang thiếu.
Ngoài vai trò nhà báo, Như Mai còn được bạn đọc biết đến với tư cách nhà thơ. Thơ Như Mai mang nặng tâm sự thời thế. Nhưng còn một mảng thơ khác là tình mới đúng cái chất Như Mai, một giọng điệu thơ thiết tha, xúc động, ngẫu hứng tuôn trào theo dòng cảm xúc: “Em ập đến phòng tôi cô quạnh/ Treo trả trên tường cây đàn bỏ quên/ Tôi hồ nghi không biết có là em? Người tình mộng thuở CHIÊM BAO MÀU ĐỎ/ Tóc trắng phớ trò dâu kia bể nọ/ Nay lại vỡ lòng/ Lọ mọ học YÊU - TIN”.
Khi tuổi đã xế chiều, nhà thơ Như Mai vẫn “lọ mọ học yêu tin”. Bởi thế sẽ không quá khi cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Tô Minh Bình đã gọi ông là “Anh lão đa tình”. Quả thật khó mà hình dung được Như Mai vẫn viết về tình yêu lãng mạn đến kiểu này khi đã ngoại bát tuần: “Và đến tôi như biểu tượng Mùa Xuân/ Tóc và sóng nôn nao trên tấm lưng trần/ Tôi lặp lại đời em/ lặp lại chính mình/ Đi suốt màu xanh của tóc và sóng”. Nhà thơ Trần Nhuận Minh đã nhận xét: “Dù phóng túng ở phần sau và mực thước ở phần đầu, dù nhìn hiện thực bằng con mắt mở với thái độ công dân cao quý trong những năm chống Mỹ cứu nước, hay cảm nhận cuộc sống bằng con mắt khép kín- sự chiết xuất cảm xúc để có thể thăng hoa ở thời Đổi mới, thì Như Mai vẫn cứ là Như Mai, một tình cảm ấy, thủy chung và đôn hậu, muốn vươn tới cái chân thiện, cái cao cả của lẽ đời và của cả nghệ thuật...”    
Khi tôi hỏi cụ, bây giờ còn yêu không; cụ cười bảo: Phải yêu chứ, nhưng mà là ma nên chỉ “giả vờ” yêu thôi. Yêu ma thật thì chết. Cái kiểu gọi Như Ma cũng là cách tự giễu nhại chính cái bút danh của mình: Như Mai là Như Ma, Ngu Như Ma. Như Ma thì cũng chỉ là một cách vơ vào thôi bởi chính nhà thơ cũng còn loay hoay đi tìm bản thể của mình: “Em hỏi tôi là ai/ tôi đâu tự biết/ Là Ma Vương? Quỷ Sứ? Thiên Thần/ Hay tất cả ở trong tôi, tất cả/ Chọn tim tôi làm mảnh đất tranh phần/ Trong căn hộ Người Đời/ Phật và Ma cùng ở/ Tôi đâu cần áo gấm với cà sa/ Khoác bộ cánh hề mồi, hề gậy/ Tặng em chuỗi cười thay những nhành hoa…”. “Ta là ai?” là câu hỏi triết học mà đến nay chưa ai giải đáp nổi chứ không riêng gì cụ.
Trong cuộc tình và trong cuộc đời cũng vậy. Như Mai mải miết săn tìm cái đẹp hư ảnh, cái lý tưởng, không có thực như đi tìm bản ngã của mình: “Tôi thắp lại cái nguyên xanh/ thời trai trẻ/ Chín nhớ mười mong một ngã ba tình/ Một chút hờ hôn/ Đôi thoáng hững nhìn/ Tôi đuổi bắt cái vô hình vô ảnh”. Nhưng cái đẹp ấy mãi chỉ là huyền thoại, người thợ săn cái đẹp chỉ gặp thực tế đầy trụi trần, thô ráp: “Trước tượng khoả thân em/ Tôi săn đuổi cái huyền thoại/ Sự Thật Trụi Trần/ Suốt nghìn lẻ một đêm/ Khát vọng”. Càng kiếm tìm càng không thấy, càng không thấy nên càng khát vọng, nhưng suốt đời ông vẫn giữ cho mình cái khát vọng ấy: “Treo một nhành Xuân trước cửa/ Chờ em trẩy hội tâm linh/ Tay vẫn bỏng cầm nỗi nhớ/ Giữ nguyên hư ảo cho mình”.
Với Như Mai, nàng thơ mãi mãi chỉ là người tình hờ hững, trói buộc đấy rồi lại trút bỏ ngay. Nhưng cũng chính cái nhìn ngẫu hứng, ban phát của nàng thơ sẽ là mưa bóng mây dịu bớt khát khao nung nấu: “Em buộc hồn tôi nơi cuối mắt/ Lại buông lơi ở phía đầu mày/ Tôi hành hương bao ngày Khô khát/ Ngậm thoáng nhìn em Mưa Bóng Mây”.
Trước sự đời, tình đời và cả tình yêu nữa, Như Mai là khách lữ hành cô độc: “Tôi đảo đá... trầm tư góc bể/ Đứng thương vay ai kẻ mất chân trời/ Đứng nghe nhìn sóng réo mây trôi/ Bạc mắt/ bạc đầu/ nỗi đau nhân thế”. Cô độc và trầm tư nhưng Như Mai vẫn thiết tha kiếm tìm tấm lòng đồng điệu.
Tuổi cao nhưng cụ vẫn có thói quen hàng ngày xuống phố thăm bạn. Tìm mà chẳng gặp nhưng cụ vẫn đi. Điện trước gặp cụ thật khó bởi cụ chẳng nhớ mình lên nhà thì cụ lại xuống phố. Có khi ngẫu hứng lại gặp cụ đạp xe trên đường. Có một dạo sáng nào cũng thấy cụ dắt xe đạp từ dốc Nhà thờ xuống phố. Cụ đi như người mộng du. Đi như thói quen đã được lập trình từ bao năm nay. Cụ lên trụ sở Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ninh, lên Báo Hạ Long mà vẫn ngỡ như mình đang ở cái thời làm biên tập Báo. Hay như có hôm, thấy cụ bảo đi thăm bạn bè. Có người mất đã lâu cụ cũng tưởng như họ vẫn còn sống, vẫn đang bên cụ tâm tình trò chuyện. Mời cụ vào quán cà phê cụ toàn nhắc tên những người đã khuất rồi bảo mới gặp họ ở Hà Nội. Hỏi người đương thời thì cụ chẳng nhớ. Những chuyện đương thời không rõ cụ chẳng nhớ hay chẳng bận tâm. Nhưng thơ thì cụ Mai nhớ lắm. Ngẫu hứng cụ kéo một hơi thuốc lào rồi đọc vanh vách những bài có khi được viết cách nay nửa thế kỷ.
Ngẫu nhiên đến với cuộc đời, ngẫu nhiên quen bóng hồng nào đó, ngẫu nhiên yêu, ngẫu hứng thì làm thơ. Và cuối đời thì buông bỏ quên tất cả; khi ngẫu hứng thì nhớ. Đó là trường hợp của nhà văn, nhà báo Như Mai.
HUỲNH ANH QUANG
Theo http://v1.quangninh.gov.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Lá bồ đề – Truyện ngắn của Lại Văn Long 2 Tháng Ba, 2023 Tháng 5 – 2012, sau 22 năm thụ án chung thân về tội giết người, hắn được đặc...