Thứ Năm, 31 tháng 5, 2018

Xuân Diệu - Người bạn lớn của nền văn học Bungari

Xuân Diệu - Người bạn lớn 
của nền văn học Bungari
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Xuân Diệu, nhà thơ lớn của nền thi ca hiện đại Việt Nam, được mệnh danh là “Ông hoàng thơ tình”, xin giới thiêu với các bạn bài viết của bà Blaga Dimitrova, nhà thơ Bulgaria rất thân thiết với Việt Nam viết về Xuân Diệu.
Xuân Diệu - Người bạn lớn của nền văn học Bungari.
Anh sinh ra ở Hà Tĩnh, miền Bắc Việt Nam. Trước Cách mạng tháng Tám 1945, anh là nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ mới. Trong bài nói đầu của hợp tuyển của nhóm này, Hoài Thanh đã viết: “Chưa bao giờ ở chúng ta xuất hiện những rung động mãnh liệt, những tìm tòi sáng tạo ghê gớm như ở Xuân Diệu”. Thơ tình yêu của anh được phổ biến rất rộng rãi và rất được hâm mộ. Thơ của anh phôi thai, nảy mầm từ sữa, mật của đất. Đánh giá tập Thơ thơ (1938) của Xuân Diệu, Thế Lữ viết: “Lầu thơ ông xây dựng trên đất của một tấm lòng trần gian, ông đã không trốn tránh mà lại còn quyến luyến cõi đời.
Nhà thơ khát khao thiên cảm về cuộc sống, và mỗi giây trôi đi cũng làm cho cuộc sống bị tổn thương:
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.
Đây là quá trình giải phóng con người khỏi thứ luân lý và đạo giáo trung cổ ở Việt Nam thuộc địa đã từng đẩy con người ra ngoài lề xã hội. Và con người luôn luôn thấy cô đơn, bơ vơ:
Bốn bề ánh nhạc: biển pha lê,
Chiếc đảo hồn tôi rợn bốn bề.
Sương bạc làm thinh, khuya nín thở
Nghe sầu âm nhạc đến sao Khuê.
Khi không tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống, nhà thơ đã chán chường trước sự vội vã của thiên nhiên:
Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già
Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.
Sau Cách mạng tháng Tám, với tất cả tấm lòng bốc lửa của con người có nhiệt huyết, Xuân Diệu đã nhanh chóng hòa mình vào cuộc sống mới. Chính anh đã trở thành một bộ phận của dòng thác quần chúng trong những ngày sôi động này. Anh là một trong những người sáng lập nên nền thơ ca Việt Nam hiện đại - một nền thơ ca có sức thuyết phục lớn. Nó có khả năng diễn tả, truyền đạt sự rung động về cuộc sống tinh thần của con người trong xã hội mới sau bước ngoặt lịch sử vĩ đại của Việt Nam. Nhưng rung cảm sâu sắc của cá nhân đã hòa lẫn và quyện chặt với cái chung của xã hội. Điều này đã được Xuân Diệu thể hiện qua tên một tập thơ của mình – tập Riêng chung (1960).
Xuân Diệu là nhà dịch giả kiệt xuất với các bản dịch thơ Exênhin, Puskin, Maiacôpxki… Anh là người bạn lớn thân thiết của nền văn học Bungari, từ Bôtep đến những nhà thơ trẻ nhất sau này. Anh đang chuẩn bị một hợp tuyển thơ Bungari ra tiếng Việt. Không biết các nhà thơ của chúng ta sẽ được thể hiện thế nào với sự gieo vần và nhịp điệu thơ phương Đông, với sự tái tạo dưới ngòi bút trữ tình tuyệt vời của anh.
Tôi không thể đưa ra một nhận xét gì khác trước một thiên tài độc đáo, duy nhất ngoài việc chỉ có thể thể hiện qua thơ:
TRÒ CHUYỆN VỚI MỘT NHÀ THƠ Ở TUYẾN LỬA MIỀN NAM
Tặng Xuân Diệu
Tôi gặp anh trên những lòng đường tan hoang và sầm uất
Anh mang trong ba lô một nắm gạo và một quyển sổ thơ
Chúng tôi ngồi dưới một bụi tre bóng chẳng còn nguyên.
Phía xa xa, là chòm sao Nam tào mới mọc.
Sao Nam Tào đóng vào trời biếc
Bằng năm cái đinh óng ánh xuyên suốt lòng tôi.
Anh bạn nhà thơ không có mái che trên những mộng mơ
Anh không có những tấm ảnh vớt vát được
của những người thân thiết
Đặng chứng tỏ rằng anh đã từng có họ.
Vật duy nhất anh đang còn sở hữu
Là chiếc xe đạp dãi dầu.
Cả hai đều rất giống nhau
Nhà thơ, có nụ cười như chiếc xe đạp
có những nan hoa tỏa vầng mặt nhật.
Và chiếc xe đạp bị xám bởi bụi dường như
là đã đứng tuổi rồi.
Tôi hỏi anh: – “Cái bí quyết của nụ cười anh là do đâu?”
Để bắt lấy nguồn gốc nụ cười của mình,
anh trở nên trầm mặc…
– Bí quyết thật là đơn giản.
Để dựng lại đống hỗn độn mà không bị nó dìm tôi đi mất,
Thì phải tựa mình vào một điểm duy nhất trên đời.
Là trái tim con người.
Đó là một điểm vững chắc không thể nhổ lay.
Mặc dầu tôi là hữu hạn,
bằng yêu thương tôi trở thành vô tận.
Nếu tôi yêu, tôi ôm choàng cả không gian rộng lớn.
Nếu tôi yêu, tôi không biết sợ hãi là gì
Nếu tôi yêu, thì cả bóng tối cũng đầy ánh sáng của tình tôi.
Tôi còn thiếu cái gì trên quả đất này,
Dầu tôi không cần sở hữu vật gì cả?
Vì lòng yêu thương tôi không hề thiếu, chẳng bao giờ.

Xuân Diệu còn là tác giả của nhiều tập tiểu luận và phê bình văn học. Sau chuyến đi thăm Bungari lần đầu, tháng 8-1971, anh đã viết một số bài thơ, bút ký tràn đầy rung động về cuộc sống của nhân dân Bungari, về cảnh đẹp thiên nhiên, về những công trình mới xây dựng và ca ngợi sự đóng góp chân thành của chúng ta vào sự nghiệp của nhân dân Việt Nam đang chiến đấu.
(Trong tuyển tập Thơ Việt Nam do B. Đimitơrôva tuyển dịch và giới thiệu. NXB Văn hóa nhân dân, Xôphia, 1972)
Nguyễn Thị Hường dịch 
Hồi ký của Xuân Diệu
BUNGARI THÂN THIẾT
NHỮNG LÀNG XANH
Dĩ nhiên cây cối ở Bungari không um tùm được đến mức như ở Việt Nam ta, nhưng tôi đi thăm nông thôn Bungari vào tháng tám năm 1971 này, cũng đã có một cảm giác xanh tươi thật là lý thú. Xe ô tô của chúng tôi lướt trên những con đường hai bên có những cánh đồng với những vòi nước quay tròn và phun tưới, có những đập thủy lợi và những hồ nhân tạo, những cánh đồng khi thì ho, khi thì hướng dương… Anh bạn của tôi kể lại rằng năm 1958, anh đến Bungari lần đầu; đến bây giờ thì đổi khác rất nhiều: bộ mặt thành thị và nông thôn khó mà phân biệt. Người ta ra khỏi thủ đô để về các tỉnh lúcnào không biết, người ta qua các huyện lỵ để về các làng lúc nào khô biết, bởi nông thôn cũng nhà cửa, phố xá như thành thị. Tôi rất yêu thích nông thôn Bungari; nông thôn lại có phần phong phú hơn thành thị: cứ 100 hộ thì 44 hộ có máy vô tuyến truyền hình, 47 hộ có máy giặt, 28 hộ có tủ ướp lạnh. Tất cả hơn bốn triệu nông dân, hầu hết đã có hợp tác xã. Bungari là nước đầu tiên trên thế giới đã thực hiện trả lương hưu trí cho nông dân.
Tôi ở nông thôn Bungari mà như vẫn nếm cái vị đậm đà của đất nước quê hương mình. Có những làng cũng giống như làng mạc bên nước ta: hàng rào, phố thấp, con chó trong nhà, gà thẩn thơ đi ăn, vịt lạch bạch trong những suối cạn. Trưa hôm ấy, trên đường từ Buyếcga đi Cáclôvô, xe chúng tôi tình cờ ghé lại Lôdơnét, một làng ở bên đường. Thật là tự nhiên, chẳng có ai bố trí. Trụ sở ủy ban có chiếc cổng nhỏ, trên có hình búa liềm và ngôi sao đỏ. Những hàng rào có hoa dâm bụt tím. Hai cây trắc bá diệp cao to. Những ngôi nhà bình thường nhất trông vẫn xinh, trên mái có dàn sắt của vô tuyến truyền hình. Chúng tôi đứng ở trước nhà văn hóa của làng: một nhà hai tầng khá đồ sộ; đây đó có những bồn hoa hồng đang nở. Tôi nhìn kỹ: hoa hồng lớn, đẹp, và nhiều, thật là “đất nước hoa hồng”, đến đâu cũng có. Loa phóng thanh đang hát.
Buổi trưa, các bà cụ ngồi ở những ghế dài đan len. Một thiếu nữ nông thôn xinh, đeo đôi hoa tai, hỏi thì cô nói đã học xong lớp 11 (cũng như tốt nghiệp cấp III), hiện làm công tác giữ hồ sơ văn kiện cho Hội đồng nhân dân xã. Chúng tôi vào thăm một gia đình. Mái nhà ngói đỏ; tầng trên có ba buồng, và một tầng dưới. Bà chủ nhà ít nói, có người láng giềng tiếp chuyện hộ; bà cụ 54 tuổi, ông cụ 56, đang làm vườn.
Con trai là thợ nề ở hợp tác xã, lương 120 lêva (anh bạn Bungari của tôi ở Xôphia, một nhà phê bình, công tác ở một tạp chí văn học, lương cũng chỉ 120 lêva như thế). Cô con dâu làm ở vườn cà chua của hợp tác xã, lương 80 lêva (một lêva bằng hai đồng rưỡi Việt Nam). Cô con gái có xe mô tô. Ngôi nhà làm tốn 6.000 lêva. Gia đình còn tiết kiệm được nhiều tiền, chưa biết mua gì.
Chủ nhà bưng ra một đĩa cà chua chín tươi vừa hái ở vườn thái ra, rắc một ít muối bột. Thức nhắm này thực là lý thú, vừa thanh đạm lại vừa đậm đà, cà chua ngon quá, nhớ mãi! nhắm với rượu của gia đình cất lấy từ bã nho, pha vào một ít hồi, thành rượu anít. Nước uống lấy từ giếng lên cứ thế uống, rất ngọt.

Ấn tượng sâu sắc nhất đối với tôi là buổi đến thăm làng Nôvô Sêlô, nghĩa là làng mới. Làng này xưa kia, năm 1886, đã có cuộc nổi lên chống sự đô hộ của bọn thực dân Thổ Nhĩ Kỳ, làng bị đốt, sau xây dựng lại, cho nên gọi là “làng mới” đã gần 90 năm nay. Ngày nay ở làng còn có đài kỷ niệm những người khởi nghĩa hy sinh.
Chị chủ tịch hợp tác xã hiền lành, về mặt thuần phác, trìu mến của người nông dân. Đây là một hợp tác xã tiên tiến đứng hàng đầu về trả lương cho xã viên. Chủ yếu là trồng hoa quả, thêm chăn nuôi, và có cả hoạt động công nghiệp. Trồng mận, lê, táo, và một loại quả giống như trái mâm xôi bên ta, đỏ ánh lên. Mỗi năm hợp tác xã thu hoạch 6.000 tấn hoa quả. Hợp tác xã có 500 con bò sữa, 1.500 con bò con, 7.000 con cừu mẹ, 1.500 cừu con; một con bò cái một năm cho 2.500 lít sữa.
Chúng tôi đến thăm xưởng làm nước hoa quả của hợp tác xã. Ong còn bay đến hút mật trên những đống trái. Nước hoa quả đóng vào chai, bán đi khắp nước. Chúng tôi đến thăm xưởng làm chất dẻo, sản xuất những chai nhựa, hộp nhựa nhiều màu. Hợp tác xã còn có xưởng làm dây thép gai, làm các thứ bao cói. Chúng tôi đến thăm nhà máy thủy điện của hợp tác xã. Nhà máy này lợi dụng sức nước chảy từ trên núi về. Mỗi năm hợp tác xã nộp lãi cho Nhà nước 1.300.000 lêva và chia lãi 2.500.000 lêva cho xã viên. Lương hàng tháng của chủ tịch hợp tác xã từ 270 đến 300 lêva. Cảm tưởng thật khó phai mờ! Buổi thăm hợp tác xã này quả là lý thú. Trưa hôm ấy hợp tác xã mời tôi ăn bữa trưa, chị chủ tịch lái xe vônga của riêng đến khách sạn trong làng; chị lái xe một cách giản dị cũng như trước kia chị đi chăn cừu vậy thôi.
Hôm nay tôi ngồi tại nhà của tôi mà viết, vẫn tưởng như còn nghe ngào ngạt hương hoa hồng của đất nước Bungari, thơm vang mãi đến đây, và đến bây giờ. Tôi đã đứng giữa Thung lũng hoa Hồng nổi tiếng. Từ lâu tôi đã ước mơ đến lấy hương thơm ở thung lũng ấy, mang về quê hương mình. Dĩ nhiên tôi không thể mang cả đồng hoa về, nhưng tôi mang hình ảnh biển hoa ở trong đôi mắt, và mang nước tinh hoa hồng về theo với tôi. Chỉ mới từ 500 năm lại đây thì Bungari mới có giống hồng lấy được nước hoa. Bây giờ thì tinh hoa hồng của Bungari tốt nhất thế giới; đó là một loại hoa hồng đặc biệt, gồm rất nhiều cánh nhỏ, và đựng hương thơm ngây ngất. Một hecta hái được 3.500 kilô hoa. Hoa trắng thì 5.000 kilô, hoa đỏ thì 3.000 kilô, lấy được một kilô tinh hồng. Cây hồng hái hoa được 15 năm, sau đó phải nhổ, trồng loại khác. Một kilô tinh hồng giá 8.000 lêva.
Ôi! Đã là một người làm thơ, mà được đến thăm Bungari, sao lại có thể không đi thăm Thung lũng Hoa hồng! Cho nên tôi đến giữa thung lũng hồng thơm này, như được một giấy chứng nhận. Bỗng nhiên cất tiếng hát lên trong tôi bài thơ “Những đóa hồng”:
… Nơi năm trăm năm đấu tranh giành độc lập
Máu bất diệt của những người yêu nước hy sinh
Lại ửng mặt những hoa hồng - mỗi buổi bình minh
Nơi hạnh phúc con người đã đặt thành luật nước
Cũng như núi Pirin soi xuống mặt hồ trong
Đi sóng đôi bánh mì với hoa hồng…
… Tôi lại trở về Việt Nam mang theo một đóa hoa hồng;
Cánh hòa trăm ánh, hồn nức muôn bông;
Gai nhọn sắc để quân thù được biết,
Với người thân hương tha thiết ấm nồng…
Nông nghiệp Bungari phát triển rất vững chắc, có thể nói rằng nông thôn Bungari giàu nứt của. Hiện nay, sau Đại hội Đảng lần thứ mười, Bungari sẽ đưa nền nông nghiệp lên một bước dài nữa, từ 3.410 hợp tác sẽ hợp nhất còn 810 hợp tác xã lớn, mỗi hợp tác xã có 4.000 hecta, thành lập các khu liên hiệp công nông nghiệp. Thí dụ ở Bungari đang nghiên cứu máy hái cà chua. Muốn như vậy, vừa thiết kế máy hái, nhưng lại vừa cải tạo giống để tạo ra một giống cà chua mới, cứ kết trái dồn lên trên đầu cây, và trái phải chín đều một loạt, lại phải chín mà vẫn cứng để có thể hái bằng máy.
Ở Bungari hoa quả rất nhiều, nhà của nữ thi sĩ lão thành Êlidavêta Bagriana ở ngoại ô Xôphia, vườn cũng nhiều quả mận xanh trong như ngọc thạch và ăn rất ngọt. Hai bên đường tham quan của tôi, ô tô lướt giữa những hàng cây ăn quả, những đồng ruộng trồng trái mâm xôi, trồng nho… Theo lệ ở Bungari, người đi đường có thể hái trái ăn, miễn là đừng hái đem đi bán. Huống chi tôi lại là một khách quốc tế, lại là một bạn Việt Nam; cô phiên dịch nhiều lúc đã cho xe chúng tôi xuống bên đường, hái quả, khi thì một mũ đầy đào chín, khi thì một mùi soa nặng quả mận đỏ với quả mận xanh, khi thì những chùm lê, chùm táo mọng. Xe lại tiếp tục lăn bánh. Tôi ăn quả mà ngẫm nghĩ: “Bungari ơi! Chúc cho người anh em ruột thịt của ta xây dựng thành công rực rỡ chủ nghĩa xã hội! Chúng ta giữ mãi tình yêu thương đằm thắm giữa hai dân tộc Việt Nam, Bungari!”.
11-1971
Ý NGHĨ TRÊN ĐẤT HOA HỒNG
Chúng tôi đứng trên một trong bảy ngọn đồi của thành phố Plôđip (Plodiv), nhìn ra và nhìn xuống chung quanh. Nhà cửa phố xá trải ra trong đồng bằng và bám móc trèo lên các ngọn đồi, ở bờ bên phải của sông Maritda lượn khúc. Đây là thành phố lớn thứ hai của nước Bungari, sau thủ đô Xôphia; nằm ở miền Nam, trong đồng bằng Tơraxơ (Thrace) có Thung lũng hoa Hồng nổi tiếng; chính trong Thung lũng hoa Hồng này, dưới thời kỳ đô hộ đằng đẵng của Thổ Nhĩ Kỳ, đã xuất hiện những nhà ái quốc, những nhà cách mạng lớn lao, những nhà thơ ưu việt của độc lập tự do như: Bôtép, Lépxki, Vadốp (Botev, Levski, Vasov); cho nên Plôđíp là trung tâm văn hóa lớn nhất của miền Nam Bungari. Đồng bằng rộng rãi đầy hoa quả, thơm phức hoa hồng, chĩu chịt nho, cây oằn bởi trái nhiều, và thành phố Plôđip thì là nơi công nghiệp rất quan trọng, sản xuất ra vải sợi, áo len, môtơ điện, phụ tùng máy kéo và ô tô, máy chữ, hàng triệu đôi giày 250 kiểu khác nhau, đồ da, thuốc lá, bia, đồ hộp hoa quả…
Chúng tôi đã đến thăm khu Hội chợ quốc tế Plôđíp (Lúc này chưa mở cửa). Chúng tôi đã thăm ngọn đồi cao chót vót có đài kỷ niệm Hồng quân Liên Xô đã giải phóng cho Bungari với bức tượng anh bộ đội xô viết nguy nga 10 mét; mát thay, gió lộng ở đây! Chúng tôi đã đi thăm khu sinh viên Việt Nam ta ở học, tại đây tôi đã bình thơ Bác Hồ. Chúng tôi đã dạo phố Plôđíp, tôi có một cảm giác đặc biệt như đi giữa phố xá các thành thị miền Nam nước ta trước đây… Và bây giờ trên một ngọn đồi cổ kính, chúng tôi đang thăm các nhà cửa kiến trúc theo lối dân tộc truyền lại đã lâu đời.
Chính phủ Bungari đã lập cả khu phố này thành một bảo tàng kiến trúc của Nhà nước. Một ngôi nhà lớn, ba tầng, tầng trên dô ra tràn rộng hơn tầng dưới, có gắn một phiến cẩm thạch khắc chữ vàng lưu niệm: đó là ngôi nhà mà nhà thơ Pháp Lamáctin (Lamartine) đi qua đây đã ở, tháng bảy năm 1833; Chính phủ nhân dân Bungari năm 1960 đã lập thành “Bảo tàng Lamáctin”: hiện nay đang được trùng tu lại rất là trân trọng. Tôi đi trong những phố hẻm thoai thoải dốc lên, với các mái nhà hai bên dô ra rộng hơn nền nhà, chỉ để thấy một rẻo hẹp trời xanh trong vắt; chúng tôi vừa đi vừa trò chuyện, mỗi bước chân cất lên như hưởng niềm chiến thắng của chủ nghĩa xã hội ở Bungari. Hai vợ chồng nữ thi sĩ Blaga Đimitrôva, những người bạn thân thiết của tôi, đã đãi tôi bữa trưa trong một quán ăn chuyên dọn các món cá nấu rất ngon, chiều hôm nay trên ngọn đồi này tâm sự với tôi về cái tên của một đại lộ của thành phố Plôđíp: đại lộ Liliana Đimitrôva. Ờ, vì sao, do đâu mà mới có chiến thắng, mới có phồn vinh của xứ sở hoa hồng ngày hôm nay…
Nữ chiến sĩ Liliana Đimitrôva hy sinh ở Plôđíp, năm 1944, tháng sáu, ngày 27. Chị vốn là một nữ sinh ham đọc sách, xinh đẹp, múa rất tài nghệ; khi phát xít Đức đến, chị đi làm quân du kích, rời Xôphia đến Plôđíp hoạt động. Ở thành phố này, chị được bà mẹ của nữ chiến sĩ Yoóckanđa Nicôlôva che chở; cô gái Nicôlôva là thư ký Trung ương Đoàn Thanh niên đã chết trong chiến đấu chống quân thù; bà mẹ biết con gái mình đã hy sinh, bèn giữ Liliana trong nhà mình. Liliana làm thơ tặng bà cụ: “Mẹ ơi! đêm, mẹ đi vòng quanh nhà để canh gác. Con ngủ, được ru bằng tiếng chân mẹ đi. Suốt đêm mẹ ôm con với khăn choàng đen của mẹ. Đêm phủ con bằng cái khăn quàng đen…”. Đêm 27 tháng sáu 1944, Liliana bị địch bao vây. Chúng nó bảo: Hàng đi! Liliana trả lời lại bằng cầm hai tay hai khẩu súng lục, bắn. Chúng nó tưởng là hai chiến sĩ đàn ông, dọi đèn pha, chỉ thấy một cô gái rất đẹp (24 tuổi). Chúng muốn bắt sống chị. Chị chống trả quyết liệt cho đến sáng. Đến viên đạn cuối cùng, chị đã tự vẫn để khỏi rơi vào tay địch. Chị là cộng sản, ở Trung ương đoàn Thanh niên. “Tôi đếm những viên đạn của tôi như một người hà tiện đếm vàng. Mỗi viên đạn: một lỗ nhỏ chọc thủng bóng tối đặng thấy bình minh, như một lỗ ống khóa để thấy bình minh” người thiếu nữ làm những câu thơ ấy bây giờ là vườn hoa ở Xôphia, là đại lộ ở Plôđíp.
Chúng tôi đứng trên đồi cao ôn lại cuộc đời cao của những liệt sĩ như Liliana chết ở Plôđíp. Nhờ có hàng vạn, hàng vạn hy sinh như thế, Bungari mới tồn tại đến bây giờ. Trong buổi chiêu đãi của đồng chí Djagarov, Chủ tịch Hội Nhà văn, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, đồng chí cho biết: một nhà khoa học đã tính ra rằng trong 500 năm đô hộ Thổ Nhĩ Kỳ đã có 80 triệu người chết vì ách áp bức.
– Bungari đã vượt qua hai cuộc đô hộ của nước ngoài, giữ gìn được tiếng nói của mình, phong tục và văn hóa của mình qua các thế kỷ, để hiện nay là một nước xã hội chủ nghĩa tự do và phồn vinh, buôn bán với hàng trăm nước trên thế giới, không những xuất cảng nông phẩm, mà số hàng công nghiệp xuất cảng càng ngày càng tăng, nhịp độ phát triển kinh tế trong nước ngày càng gia tốc. – Tôi đi giữa hạnh khúc của Bungari anh em mà phân tích bài học kinh nghiệm quý báu; những sinh viên Việt Nam học ở Bungari nói với tôi: trong những phim họ được xem, quay từ hồi đồng chí Đimitrốp còn sống, thì đoàn thanh niên cộng sản đi xây dựng hãy còn vác đường ray lên vai mình, thế mà bây giờ…
– Vâng, đọc trong các sách báo Bungari, tôi như sống lại cả quá trình chuyển biến, như sờ được thời gian… Rõ ràng là hiện tại làm bằng sức phấn đấu và chí lo toan trong quá khứ. Hai mươi năm trước (1948), nhà điện ảnh đại tài người Hà Lan Joris Ivens đã đến làng Rađilôvô, quay cuốn phim Những năm đầu; lúc ấy vùng này đang khổ đau vì hạn hán; đất nứt nẻ nuốt hết hạt giống lúa mì, giống hướng dương, giống thuốc lá, giống ngô… Cây cối quặt quẹo, hoa quả nghèo nàn. Cuốn phim quay cảnh những nông dân Bungari áp tai xuống mặt đất cằn, lắng nghe tìm tiếng mạch nước. Trong lúc mọi người chờ đợi mưa, thì trong một ruộng thuốc lá nở sinh ra một người dân tương lai của làng Rađilôvô; và cuốn phim cất tiếng nói lên: “Phải cần 20 năm cho một đứa bé trở thành một người. Nhưng con người này sẽ biết tương lai đưa đến cho mình cái gì. Người ấy sẽ chẳng bao giờ chờ đợi ơn mưa móc!”. Và 20 năm sau (1968), một cuốn phim mới lại quay chính làng Rađilôvô; hầu hết những người đã có trong cuốn phim trước lại hiện diện trong cuốn phim này; Joris Ivens đặt tên là Những người làm chủ mưa. Em bé đẻ trong ruộng thuốc lá bây giờ là một cô gái 20 tuổi khỏe đẹp, những người trước kia làm cha mẹ, nay đã lên chức ông, bà. Các nhà quay phim lại ra đám ruộng cũ cằn khô, thì bây giờ, giữa ngày tháng chín nắng nồng, các vòi nước tưới đang vừa quay vừa phun mưa giả. Bắp ngô lớn và hoa hướng dương nở nang, đầm đìa giọt nước, thấp thoáng che gương mặt khách đến thăm. Hết hạn rồi!
– Qua hai cuốn phim, thời gian như sờ thấy được… Hai mươi năm suy nghĩ căng đầu và làm việc cật lực ấy! Cũng như bây giờ ta đang tiếp tục công cuộc chống Mỹ, cứu nước, “quét sạch nó đi” như lời Bác Hồ dặn, thì một hình ảnh điển hình là anh bộ đội Lê Mã Lương, yêu cầu rứt bỏ một mắt bị thương của mình, cương quyết không rời chiến trường – thời kỳ nhen nhúm xây dựng xã hội chủ nghĩa cho đến thành công của Bungari có hình ảnh điển hình là anh thợ Pênio Pênép (Penio Penev), nhà thơ của những người xây dựng trẻ. Mười bảy tuổi, anh rời trường trung học, nhập vào đội thanh niên đầu tiên đi xây dựng con đường xe lửa giữa hai thành phố. Ở cái tuổi anh, phần lớn thanh niên khác đang còn phân vân chọn đường, thì Pênép đã giải quyết xong rồi; vì vậy mà thơ anh dứt khoát và nồng cháy. Pênio Pênép là nhà thơ của những thay đổi xã hội lớn lao ở Bungari, của công cuộc say mê xây dựng chủ nghĩa xã hội. Pênép lại xung vào một đội thanh niên đến sống và lao động ở thành phố xã hội chủ nghĩa đầu tiên của Bungari, thành phố Đimitrốp, lập nên do sự chung hợp của ba làng nhỏ trên bờ sông Marítda; anh làm thợ. Cuộc sống mới trỗi dậy, như một trẻ sơ sinh, với “mạch máu: đường ray xe lửa”, với “máu nóng: dòng điện chạy”, với “mắt nhìn: những hồ thủy lợi, xanh hơn trời xanh”. Khi lần đầu tiên tôi đến thủ đô Matscơva của Liên Xô, người ta đã chỉ cho tôi những tòa nhà đã được Maiacốpski làm thơ ca ngợi: đó là những nhà to đầu tiên xây dựng sau Cách mạng tháng Mười; bây giờ những nhà ấy không phải là nhà to nữa, nhưng nó đã vào trong lịch sử. Con mắt nhìn, góc độ của trái tim, rất là quan trọng! Pênio Pênép của Bungari đã trở lại quá trình tâm hồn của Maiakốpski. Pênép ghi trong nhật ký:
“Là những thiếu niên 17 tuổi, chúng tôi đã đến bên bờ sông Marítda xây dựng một thành phố.
“Và dường như tất cả mọi nỗi khó khăn chỉ chờ có chúng tôi! Lúc đầu, sức lực của chúng tôi chỉ đến được ngã ba buổi trưa của những ngày… Những ngày dường như đứng dừng lại chính ngay trước mắt chúng tôi. Chúng tôi có cảm tưởng như, muốn cho những ngày tiếp tục lên đường, thì chúng tôi phải vác chúng cùng với đá sỏi và cát, phải ôm chúng trên cánh tay chúng tôi cùng với ngói, phải kéo chúng lên bằng những cần cẩu tới một tầng cao hơn, phải trút đổ chúng cùng với bê tông vào trong các khuôn cốp pha”.
Anh thợ và nhà thơ Pênio Pênép chỉ sống có 29 tuổi, nhưng anh đại diện cho công cuộc lay trời chuyển đất xây dựng đời mới ở Tổ quốc anh: “Mặt trận xây dựng đã cho tôi có cánh. Với tôi, không gì đẹp hơn làm người chiến sĩ trên mặt trận đó”; “Mai sau những người đến sau chúng ta sẽ sung sướng hơn”, nhưng những thử thách của những ngày chiến đấu này, anh không muốn đánh đổi với một sung sướng nào sẽ đến.
Về chủ nghĩa xã hội, trước đây Các Mác có nói câu nổi tiếng: đó là “bánh mì và hoa hồng” cho tất cả mọi người. Vô hình trung, mà lời của Mác tưởng như là nói riêng cho trường hợp nước Bungari xã hội chủ nghĩa, bởi ở đây chủ nghĩa xã hội đã cung cấp bánh mì và hoa hồng thật sự, chứ không phải là các loài hoa nói chung cho mọi người. Tôi đến Bungari vào tháng tám 1971, đầu mùa thu; hoa hồng ở đất nước này sao nhiều thế! Thăm một cái chợ ở Xôphia với năm xu, tôi mua được một bông hồng vàng, tươi mơn mởn, cầm mãi rung rinh trong tay, như đánh nhịp cho buổi sớm mai xanh này. Tuyển tập thơ 25 năm của Bungari từ ngày Giải phóng, được gọi là tuyển tập “25 hoa hồng”. Hoa hồng ở đây tô điểm cho khắp nơi, và vào trong văn hóa.
Đi trên những đồi Plôđíp, tôi cũng có cầm một đóa hoa hồng; lúc ấy mấy câu thơ Pênép đã đánh nhịp bước đi của tôi:
Lên đường!. Con người chỉ thật xứng là một con người khi mà anh ta còn cất bước.
14-12-1971
Thanh Hằng
Theo https://doanbulgaria1976.wordpress.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Lá bồ đề – Truyện ngắn của Lại Văn Long 2 Tháng Ba, 2023 Tháng 5 – 2012, sau 22 năm thụ án chung thân về tội giết người, hắn được đặc...