Chủ Nhật, 20 tháng 5, 2018

Lý luận văn học hoàn toàn có thể xây dựng lại

Lý luận văn học hoàn toàn 
có thể xây dựng lại
Phóng viên Văn nghệ Trẻ: Thưa Phó giáo sư Trần Ngọc Vương, "xây dựng, phát triển lý luận văn học" là một câu chuyện được bàn đến nhiều và luôn được hâm nóng lại trong thời gian gần đây qua các hội nghị, hội thảo và trên các ấn phẩm báo chí văn nghệ. Với tư cách là một người nghiên cứu và giảng dạy lịch sử văn học, khó có thể nói rằng ở ngoài cuộc, ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Phó giáo sư Trần Ngọc Vương: Khủng hoảng của lý luận văn học dựa trên ý thức hệ, ở ta, là điều diễn ra độ vài chục năm, không nên giấu diếm. Mà cũng chả giấu được! Về mặt lịch sử mà nói, mấy chục năm vừa rồi, từ khi có khái niệm Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa từ những năm 30 của thế kỷ trước cho đến bây giờ, mô hình lý thuyết ấy đã khiến cách hình dung về sự vận động văn học sử cũng đơn tuyến hoá, lược quy vào những công thức kiểu "mọi nẻo đường đều dẫn đến Roma" - mọi chuyện phát triển của nghệ thuật đều dẫn đến chủ nghĩa hiện thực mà cao nhất là chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa… Đấy, cái lôgic của nó vốn là như thế! Đây là sự hình dung mang tính chất "tuyến tính", nhất dạng (uniforme), bởi cả một thời gian dài, trong “phe ta”, người ta không hình dung được mọi sự phát triển có thể mang tính chất đa diện, đa chiều khác nhau, không phải là mặt phẳng mà cũng không phải là đoạn thẳng. Thực tế là bản thân những người trong cuộc, những người xây dựng nền văn học theo cái mô hình đó, đến một ngưỡng nào đó, phải nói thẳng là họ cũng đã tự chán rồi.
Phóng viên Văn nghệ Trẻ: Những người trong cuộc? Những nhà lý luận văn học trên quê hương của Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, thưa ông?
Phó giáo sư Trần Ngọc Vương: Đúng. Ở Liên Xô, nhiều người cũng đã tự chán rồi. Và sự vùng vẫy của những nhà lý thuyết về văn học ở Liên Xô những năm 60, 70 thế kỷ trước là dấu hiệu của sự không thoả mãn. Tại sao ở Liên Xô, chứ không phải ở nơi khác, lại xuất hiện những người mà ta tạm gọi là "những người tiên phong" với những bước tiến lý thuyết rất là xa, ảnh hưởng rất lớn đến châu Âu, đến phương Tây nói chung, chứ không phải là ngược lại. Tôi chỉ đơn cử vài trường hợp tiêu biểu, chẳng hạn như M. Bakhtin, I. Lotman. Tại sao? Bởi vì chính họ không thể nào tự coi là đủ khi đóng khung trong khuôn khổ lý thuyết đã có. Họ là những người tư duy có tầm cỡ toàn thế giới. Họ là những người suy nghĩ đến vận mệnh mai hậu của nhân loại, chứ không phải chỉ của số phận cá nhân họ hay là của một tộc người, một xã hội cụ thể. Vậy thì động lực nào đã xui họ làm việc đó? Tôi có nghiên cứu để hiểu họ. Họ không có tham vọng chính trị hay là những đòi hỏi cá nhân gì ghê gớm cả. Họ tìm kiếm vì nhu cầu bức xúc từ bên trong của những bộ óc tầm nhân loại với khát vọng đi tìm chân lý nghệ thuật. Họ coi việc tìm kiếm là thiên chức, thì họ mới làm. Đôi khi những hành vi tạm gọi là "khủng bố nhà nước" đối với họ lại là động lực, kích thích họ suy nghĩ sâu hơn nữa, thúc bách họ tự khẳng định chân lý về phía mình.

Việc tìm kiếm và tự khẳng định, đối với họ, có ý nghĩa sống còn hơn là đối với những cái anh tháng tháng lĩnh vài chục nghìn đô la và giữ những chức danh Giáo sư ở một trường đại học nào đấy, hàng ngày đi làm bằng xe hơi cá nhân, cuối tuần thì đi nghỉ, đi du lịch ở chỗ này chỗ nọ, sống một cuộc sống phong lưu đài các và vô tâm, tư duy những vấn đề lý thuyết trên cơ sở no cơm ấm cật, chỉ quan tâm đến những vấn đề lý thuyết mang tính hàn lâm, nếu có đuối lý trong tranh luận học thuật một chút thì cũng cười trừ một cách nhã nhặn, lịch thiệp nhưng… không tâm huyết! Những bộ óc đổi mới lý luận văn học ở Liên Xô, họ sống chết với sự tìm tòi của mình: nếu họ không có lý, thì họ chấm dứt tồn tại! Họ rốt ráo, quyết liệt đến cùng.
Phóng viên Văn nghệ Trẻ: Áp lực nhiều bề của môi trường học thuật và rộng hơn là của xã hội đã đẩy họ mải miết hơn, gắng gỏi hơn, rốt ráo cùng kiệt trên con đường tìm tòi…
Phó giáo sư Trần Ngọc Vương: Ngay cá nhân tôi, nhiều lúc nghĩ về một điều gì đấy cũng còn xuất hiện trong đầu vô số những lý lẽ mang tính phản biện, tự phản biện lấy mình, tự đặt mình vào những tình huống này khác, và luôn luôn suy nghĩ về khả năng phản biện của những người khác để mình tìm sẵn những lý lẽ để tự vệ, để bảo vệ những ý tưởng mà mình sắp công bố. Đó là trạng thái "phòng vệ từ xa" hoặc là "tự kiểm duyệt". Nếu như anh có một ý tưởng nào đó mà anh chưa đủ lý lẽ để bảo vệ nó đến cùng, thì anh đừng vội nói ra. Còn "bên kia" có thể là họ tự do hơn, cho nên… Họ cứ viết thế thôi, đúng thì hay mà không đúng thì cũng chưa có việc gì. Chẳng sao cả! Đằng này khác! Nếu như ông không cảnh giác, không cẩn thận thì có thể vừa hé ra, ý tưởng có thể sẽ… đi đời. Mà bản thân “khổ chủ” của những ý tưởng đó thì cũng chuẩn bị tinh thần để mà “lên bờ xuống ruộng”. Tôi không cần nêu ví dụ chứ?
Phóng viên Văn nghệ Trẻ: Dạ không cần.
Phó giáo sư Trần Ngọc Vương: Vậy thì cái sự tìm tòi lý thuyết văn học của phương Tây, tôi không nói rằng họ vô trách nhiệm hay thế này thế khác đâu, nhưng hẳn không phải là cái gì quá quan thiết đối với vận mệnh của họ lắm. Vả lại, sự phát triển của các lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, đời sống nghệ thuật hiện thực đủ để làm chất liệu gợi ý lên thành các thứ chủ nghĩa lý thuyết không phải bao giờ cũng sẵn sàng. Trong khi thực tế bao giờ cũng tạo ra mầm mống của mọi khả năng lý thuyết hoá theo các chiều hướng có thể rất ngược nhau. Cho nên anh có thể hiện thực, tôi có thể siêu thực, có thể tượng trưng. Tôi có thể dẫn dắt nghệ thuật đến cửa A hiện tại hoặc dẫn dắt đến cửa Z tương lai. Những chất liệu, những dữ kiện để cho tôi khái quát hoá, trừu tượng hoá thì lúc nào cũng tiềm tàng trong đời sống thực tế. Một nguyên lý của phép biện chứng là phải nắm bắt tồn tại trong các mặt mâu thuẫn. Thế thì: mọi khả năng đều có thể.
Phóng viên Văn nghệ Trẻ: Ngoài sự "tự chán mình", ngoài sức ép "trong biên giới lãnh thổ quốc gia", còn sức ép học thuật chung tầm quốc tế, thưa ông?
Phó giáo sư Trần Ngọc Vương: Một thời kỳ, các nhà lý luận văn học gọi là chống Cộng cũng bị ám ảnh bởi sự tranh luận với các nhà lý luận bên phía xã hội chủ nghĩa. Và họ cũng có những phản ứng đôi khi là một chiều, thái quá mang tính chất chọc ghẹo, cự nự, đôi co… Và để tự vệ và tồn tại, bản thân các nhà lý luận bên phía xã hội chủ nghĩa người ta cũng nỗ lực tìm tòi và tìm ra được một số phương diện hấp dẫn, thú vị để phát triển tiếp những cái mà vốn bắt đầu có thể cũng chỉ là sơ lược, công thức mà thôi. Trong khoa học, đôi khi cả một định hướng sai lầm vẫn đưa lại hàng loạt những kết quả hiện thực hết sức hữu ích và đúng đắn với tư cách là những sản phẩm trên con đường đi tới, những sản phẩm mang tính quá độ. Cho nên, khi anh bảo vệ lý luận văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa một cách thông minh, thì… Tôi xin dùng câu của Lênin để diễn đạt điều định nói: "Chủ nghĩa duy tâm thông minh thì còn thú vị gấp nhiều lần chủ nghĩa duy vật ngốc nghếch". Các nhà lý luận hiện thực xã hội chủ nghĩa cũng đã phát hiện rất nhiều chân lý cục bộ của nghệ thuật, đề xuất nhiều ý tưởng rất có giá trị. Không phải mọi tìm tòi của các nhà lý luận theo hướng lý tưởng hoá là sai cả, mà có nhiều điều rất đáng suy ngẫm, cần đúc rút lại. Chỉ có điều: anh phải hết sức thành thực, hết sức cẩn trọng, hết sức nhạy bén… và đồng thời tư chất lý thuyết của anh phải cao.Trong khi tư chất lý thuyết của người Việt mình nhìn chung là rất thiếu, rất thiếu!
Phóng viên Văn nghệ Trẻ: Đó là một thực tế, một trở ngại mà chúng ta cần nhận thức cho thật sâu sắc và tìm cách để khắc phục dần dần. Đó là chuyện nhận thức "về mình". Còn nhận thức về "nền lý luận văn học Việt Nam", thưa ông?
Phó giáo sư Trần Ngọc Vương: Trên, tôi đã nói đến sự khủng hoảng chẳng nên giấu diếm. Giờ, xin được nói thêm: Nếu như nhìn một cách giản lược hoá lịch sử của nhân loại theo trục "chính - thường", mà hoàn toàn có quyền như vậy, thì… dù sao đi nữa mô hình hình thái kinh tế xã hội vẫn có giá trị quan trọng của nó để hình dung về lịch sử. Chúng ta thấy văn học nghệ thuật đi kèm theo các hình thái xã hội đã được đồ thức hoá đó vẫn có giá trị quy chiếu và bản thân nó là những hệ quy chiếu. Nhưng đồng thời cần luôn luôn nhớ rằng: nhân loại không chỉ là châu Âu và lịch sử điển hình châu Âu so với toàn bộ thế giới cũng chỉ là một bộ phận. Cho đến bây giờ người ta mới chỉ thấy hai giai đoạn của lịch sử châu Âu có thể coi là "cổ điển" của sự tồn tại nhân loại, một là giai đoạn chiếm hữu nô lệ, và hai là chủ nghĩa tư bản - hai giai đoạn có thể coi là phát triển thành công của nhân loại trong hai trạng thái lịch sử khác nhau. Những thành tựu của hai giai đoạn này xứng đáng trở thành hệ quy chiếu chứ! Nhưng không nên quên rằng vào thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ X Trung Quốc là nơi văn minh nhất thế giới.
Có những giai đoạn xã hội Trung Quốc phát triển nhất thế giới, nền văn học nghệ thuật của Trung Quốc phát triển nhất thế giới. Trong những giai đoạn đó, Trung Quốc mới đích thực là trung tâm khoa học và văn minh của thế giới. Vậy mà những nền văn minh, văn hoá, văn học phát triển liên tục gần 3 thiên niên kỷ, không bị đứt gãy, mặc dù có những thăng trầm như Trung Quốc và Ấn Độ với những đỉnh cao không thể chối cãi đã có mặt được bao nhiêu trong khung lý luận văn học của thế giới? Vậy thì hoàn toàn có thể từ những kinh nghiệm nghệ thuật, từ những tổng kết lý luận của các nhà tư tưởng, các nhà lý luận của Ấn Độ và Trung Quốc cổ đại, tôi chưa nói thế giới Trung Cận Đông, để hình dung ra một khung khổ mới của lý luận văn học, một hệ vấn đề lý thuyết phong phú hơn rất nhiều so với cái mà phương Tây nói chung đó cung cấp cho chúng ta, cái mà chúng ta vẫn hình dung.
Phóng viên Văn nghệ Trẻ: Thêm vào đó là kinh nghiệm nghệ thuật của cha ông ta, của Việt Nam mình cũng cần được nghiên cứu thấu đáo thêm để tổng kết, thưa ông?
Phó giáo sư Trần Ngọc Vương: Nói thế thôi, chứ số lượng các nền văn học có hàng nghìn năm tồn tại và phát triển như văn học Việt Nam, nếu điểm mặt trên thế giới thì không nhiều đâu. Văn học Việt Nam có thể có những giai đoạn… cũng mỏng manh thôi, cũng có những giai đoạn chưa điển hình rực rỡ gì lắm, tuy nhiên nó tồn tại. Mà đã tồn tại là nó có lý do! Nó phát triển được là nó có những động lực, có truyền thống với những giá trị của nó. Chúng ta đương nhiên cần nghiên cứu thấu đáo văn học của nước mình để tổng kết, rút kinh nghiệm. Không những chỉ để tự hào, phát huy truyền thống như xưa nay vẫn yêu cầu, mà cũng cần nhận ra cả những mặt dở, mặt yếu cộm của nó nữa. Bởi chỉ những thực thể nào không cần hướng tới tương lai nữa thì mới thôi tự phê phán.
Phóng viên Văn nghệ Trẻ: Vậy là, để có được một nền lý luận văn học như cần phải có, giới chuyên môn còn có không ít việc phải làm, thưa ông?
Phó giáo sư Trần Ngọc Vương: Còn nhiều việc phải làm. Từ thực tế của lịch sử văn học dân tộc, từ thực tế của lịch sử văn học vùng, từ thực tế của các nền văn học phương Đông và các nền văn học lớn trên thế giới hoàn toàn có thể xây dựng lại lý luận văn học của chúng ta. Xây dựng lại, nhưng mà trước khi nói chuyện đó cần phải cảnh tỉnh một điều: chúng ta không nên làm công việc trói voi bỏ rọ, nhìn trời qua miệng giếng. Ta vốn không quen tư duy độc lập, càng khó tự kiến tạo ra những hệ vấn đề lý thuyết, vậy nhưng bây giờ không thể dựa vào ai được nữa, thì phải tự tạo lấy cho mình những xác tín mới vậy. Nhưng nội cái việc ta lạc hậu và lạc điệu quá lâu với những vấn đề lý luận (đúng hay sai không thể cứ phán bừa theo cảm tính, theo lối nghe lỏm nhìn mồm, càng không thể theo lối hù dọa lập trường như trước được) cần có một sự đầu tư thời gian, trí tuệ, tiền bạc để bù đắp, thì hình như nhiều người “trong cuộc” lại coi là việc đơn giản. Không phải thế đâu. Tôi sợ rằng, ở ta, cái định hướng hiện nay của rất nhiều nơi trong việc triển khai cái gọi là xây dựng lý luận văn học mới thực chất chưa định làm quá được một công việc là phiên dịch một cách có hệ thống những công trình lý luận văn học cơ bản đã có của nhân loại.
Phóng viên Văn nghệ Trẻ: Ngay việc "dịch lý luận ở ta" cũng là một câu chuyện khá thời sự, cần được bàn cho rõ thêm, thưa ông. Xin cảm ơn ông! Rất mong được cùng ông tiếp tục câu chuyện về việc dịch các tác phẩm lý luận văn học ở ta. 

Trần Ngọc Vương
(Phỏng vấn của Văn nghệ Trẻ)

Hoàng Xuân Tuyền thực hiện
Nguồn: Văn nghệ Trẻ số 31 (505) ngày 30/7/2006
Theo http://khoavanhoc.edu.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lá bồ đề - Truyện ngắn của Lại Văn Long

Lá bồ đề - Truyện ngắn của Lại Văn Long Tháng 5/2012, sau 22 năm thụ án chung thân về tội giết người, hắn được đặc xá, trả tự do. Trước cơ...