Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2018

Đi thăm Thanh Hóa

Đi thăm Thanh Hóa
Không gian văn hóa xã Hoằng Ngọc
Trong chương trình đi thăm Thanh Hóa, điểm đầu tiên mà tôi đến là xã Hoằng Ngọc huyện Hoằng Hóa
Đây là một xã trong tám xã ven biển, ở vào thế ngày đêm đối mặt với biển, thu lợi từ biển và đôi khi chịu những trận bão biển dữ dội, người dân Hoằng Ngọc đã tìm mọi cách lấn biển để cuộc sống ngày một thay đổi.
Ông Bùi Minh Kính bí thư Đảng ủy xã cho biết Hoằng Ngọc gồm 5 thôn là Hồng Đô, Nhân Ngọc, Đức Tiến, Yên Tập và Đa Văn... Tổng số đất đai cả xã là 528, 23 ha đất, trong đó đất canh tác là 390 ha, Dân số toàn xã có 1120 hộ, 6812 người, trong 5 thôn, có một thôn được công nhận là Làng Văn Hóa
Người dân Hoằng Ngọc hiện nay đã có sự đổi mới về nhận thức kinh tế, 54% làm nông nghiệp, thương nghiệp dịch vụ có 30%,  ngoài ra là các ngành nghề khác.
Chúng tôi chưa đến các thôn Nhân Ngọc, Đa Văn, Đức Tiến và Yên Tập, nhưng tại thôn Hồng Đô cũng tìm được nhiều điều lý thú. Trong cái màu xanh ngút ngàn của dừa và tre, các mái nhà trong thôn đều lợp ngói, Đa số vẫn là kiến trúc truyền thống: ngôi nhà lớn hướng về phía Nam, cuối sân có ngôi nhà ngang bố trí vuông góc với nhà lớn. Những nhà này trang trí còn đơn giản, chưa có trang trí cầu kỳ.
Đôi chỗ tại các ngã tư giao thông đã có ngôi nhà kiến trúc đẹp.  Suy ra có thể biết người dân trong xã nắm được thời cơ. Mỗi thôn tuy sự phát triển kinh tế khác nhau, nhưng chung nét giữ gìn bản sắc văn hóa.
Ông Bùi Minh KÍnh kể với tôi câu hò dân gian của quê hương: Cách nay đã hơn mấy chục năm, máy bay Mỹ đánh phá Hoằng Hóa rất ác liệt, thế mà trai giái các thôn vẫn hát đối đáp với nhau. Đó là những tiếng hát giao duyên , hoặc bày tỏ nỗi lòng. chọn bạn trăm năm.
Dưới ánh trăng, trai gái không thấy mặt nhau, họ chỉ nghe câu hò, giọng hát để đoán định, không có mối mai mà ưng ý trọn đời. Đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết:
Đêm khuya một tiếng bầu, tiếng trúc.
Một câu hò cũng động trong tim 
Ban đêm, người trai nghe người con gái cất lên giọng hò, bâng khuâng tìm bạn, thế là dù anh ta đã nằm trong màn cũng  không sao ngủ yên được. Anh lắng tai nghe xem trong thôn xóm có ai trả lời câu hò đó, nếu lâu lâu không nghe tiếng hò trả lời, thế là anh ta vùng dậy ra khỏi mái nhà cao giọng hò đáp lại. Cứ như thế, anh - ả  hò thâu đêm, mặc cho trăng lên, trăng xế, trăng tà vẫn chưa thôi bởi chưa tỏ hết tình, hết nghĩa cùng nhau.
Kể đến đây ông Bùi Minh Kính cất giọng hò cho tôi nghe mấy câu đối đáp của trai gái miền quê Hoằng Hóa. Thật là vui, khi người đàn ông 47 tuổi, mà chất giọng vẫn trong trẻo, ngân dài:  
Bên nữ hò
Ơi hò… Ta về bẻ lá cắm đây
Ngày mai ta lại chốn này ta chơi
Bên nam hò
Ơi hò… Tây nâng chén rượu Kim bôi
Tay gạt nước mắt: “em ơi đừng về
Người về… ta chẳng cho về
Ta túm vạt  áo, ta đề bài thơ…
Người dân xã Hoằng Ngọc đều là dân sông nước, họ hát hò để tìm bạn trăm năm. Ở đây nhiều khi cha mẹ đã làm cố vấn, tham gia “vận vần” cho trai gái đối đáp. Các bậc cao tuổi khi đó, thủng thẳng ăn trầu, hút thuốc lắng nghe câu hò của đối phương để xác định người này tính tình hành trạng ra sao mà toan tính chọn dâu rể trong nhà.
Đi thăm Hồng Đô, tôi ngạc nhiên thấy việc dân làng nhiệt tình sửa chữa các di tích. Xưa thôn nào cũng có các di tích nhưng bom đạn phá hủy nhiều, nay hòa bình nên làng nhớ đến người xưa.
Làng Nhân Ngọc thờ ông Đỗ Hạnh, một tướng giỏi thời Trần từng lập chiến công bắt sống Ô Mã nhi, Phàn Tiếp trên sông Bạch Đằng. Làng Yên Tập thờ quốc mẫu Bảo Anh, vợ của vua Lê Hiến Tông (1497- 1504) theo chồng đi chinh chiến phương Nam đã chết, được thờ tại đây. Làng Đa Vân thờ cụ Bùi Nhân Minh, nguyên Tri phủ Hưng An có công đưa dân về khai hoang lập ấp.
Làng Hồng Đô có dòng họ Lê Trung, 3 thế hệ đều là công thần dưới triều Lê Trung hưng, góp công khôi phục nhà Lê, góp phàn an cư nhiều xứ sở.
Hồng Đô tên nôm là làng Đò, tên cũ là Đô Du tiếp giáp các làng Lương Hà (đông), Sông Cung (tây) Hoằng Đông (nam) và Nhân Ngọc. Trong làng có 7 họ cùng cư trú là các họ Lê Trung, Lê Văn, họ Chu, họ Nguyễn v.v... nhưng họ Lê Trung là đông dân hơn, chiếm tới 1000/2000 khẩu.
Với số dân đông như vậy, ta có thể ước định rằng từ xa xưa dòng họ Lê là người đã đến đây vừa làm ruộng, vừa đánh cá biển, rồi sau đó tách thành hai chi Lê Trung và Lê Văn.
Gia phả họ Lê cho biết cuối thời Lê sơ có người con trong họ Lê trung húy là Giang, thụy là Quảng Xuyên là một thanh niên khỏe mạnh, giỏi vật được tôn là Đô Thông. Khi ông đến tuổi trưởng thành gập lúc Triều Lê đổ nát xã hội rối ren, bọn du thủ du thực họp nhau đi cướp của dân lành. Thấy tình hình như vậy, ông liền triệu tập trai tráng trong làng rèn vũ khí, tập võ nghệ đánh đuổi bọn cướp bảo vệ dân lành.
Nghe tin các cận thần nhà Lê như An Thành hầu Nguyễn Kim Lý Quốc công Trịnh Duy Thuận… chiêu mộ quân sĩ nổi lên giúp vua Trang Tông đánh lại nhà Mạc ông liền đưa quân bản bộ đến xin gia nhập Năm đó là năm 1533. Từ đó, ông Lê Trung Giang chiến đấu trải 4 đời vua trung hưng nhà Lê (Lê Trang Tông, Lê Trung Tông, Lê Anh Tông và Lê Thế Tông) phục vụ trong quân ngũ 66 năm giúp triều đình nhà Lê. Từ thuở cầm quân chống lại Mạc Kính Điển ở cửa Hới Lạch Trường đến lúc cùng Trịnh Tùng giải phóng Thăng Long, phò vua Lê Thế Tông về kinh đô xưa, ông làm đến Phụ quốc Thượng tướng quân, đô đốc Tĩnh quận công.
Ngoài thời gian chiến trận, ông là người chú ý tới việc đắp đê ngăn mặn, khai phá ruộng đất, biến bãi hoang sơ thành vùng dân cư đông đúc, tiếng hát, tiếng hò lan tỏa quê hương từ thuở ấy.                    
Theo gương người anh, em ông là  Lê Trung Hải phù Lê làm đến Hộ bộ Tả thị lang, làm quan trải các đời vua Lê Trung Tông, Lê Anh Tông, và Lê Thế Tông.
Con trai cả của Lê Trung Giang là Lê Trọng Diễn cũng có công tôn phò, được phong Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân.
Cháu nội là Lê Trung Thiện cũng được phong võ tướng.
Một gia tộc trung thần, làm văn cũng giỏi, làm võ cũng giỏi xứng đáng được coi là “Khải Văn Võ Đường”
Một người đã dành cả đời rèn cập cho em, rèn cập con, cháu hết long trung nghĩa phù Lê diệt Mạc đáng là nơi huân nghiệp được nhà Hậu Lê coi là Khai quốc công thần. Với công tích ấy khi ông mất đã được vua Lê phong là Thành hoàng làng Đô Du (tên cũ của Hồng Đô) Ông được dân tôn phong lập đền thờ làm phúc thần, dân làng kính tặng ông bức hoành phi “Dân Thụ Kỳ Tứ”
Các triều vua Lê Trung hưng rất ân sủng đối với Lê Trung Giang, vua Lê Thế Tông đã ban tặng ông 4 chữ “Khải Văn Nõ Đường” và tặng 4 đôi đũa ngà làm đồ thờ.
Thông thường trong dân gian có di tích ắt có lễ hội, để giữ gìn và phát huy những nét đẹp của di tích.
Làng Đô Du xưa sống theo nếp làng, hang năm tổ chức lễ hội với nhiều nét đặc trưng của văn hóa vùng ven biển,    
Trải qua nhiều năm chiến tranh và hoàn cảnh xã hội, đình làng bị tàn phá, lễ hội không tổ chức được, nhiều nghi thức bị quên. Nay ông Lê Trung Tân - nhà giáo hưu trí- hiện nay tham gia nghiên cứu lịch sử huyện Hoằng Hóa kể cho biết:
Theo lệ cũ,  hằng năm vào ngày 20 tháng Giêng, làng Đô Du mở hội Kỳ Phúc. Trước ngày đó các phe giáp trong làng đã họp nhau củ soát mọi việc chuẩn bị cho ngày lễ.
Có một tục lệ còn lưu tới bây giờ là các hộ trong làng đều theo nếp nuôi quân ngày xưa, chuẩn bị gạo trắng nước trong đợi đến giờ Dần ngày 20 tháng Giêng nấu cơm. Mang ra đình dâng cúng Thánh. Nồi cơm chỉ nấu 2 kg nhưng phải chọn lựa củi, gạo, cẩn thận. Nếu không may cơm bị sém, bị khê, thì số “lương thực” đó không dâng cúng được mà gia đình nấu kém bị phạt, bị kém phát đạt trong năm.
Sau khi dâng cơm nuôi quân làng Đô Du bắt đầu tổ chức rước. Đám rước có  kiệu thờ ông Lê Phụng Hiểu, một võ quan đời Lý được vua phong ăn lộc vùng Hoằng Hóa, dân gọi là Thánh Bung. Thế là trong đám rước có kiệu của hai vị Thành hoàng :một vị là Thành hoàng huyện Hoằng Hóa, một vị là Thành hoàng làng Đô Du
Bởi cả hai vị Thành hoàng đều là công thần nên nghi lễ nghiêm túc lắm, Mọi việc đều theo quy định, không được thêm bớt chi tiết nào.
Riêng làng Đô Du quê ông Lê Trung Giang vốn là đất võ nổi tiếng nên có hội vật kéo dài, lôi kéo người ở Bung, ở Phù Khê về dự
Thường thì các võ sinh đóng khố, cởi trần vào sới vật.  Nhưng làng Đô Du lại có lệ: Mặc quần dài chấm gót trong lúc vật, để khi vật phô diễn nhũng miếng võ điêu luyện. Hạ được đối phương mà võ sinh thần thái vẫn ung dung, không bẩn quần áo mới là chiến thắng.
Đây là một thế vật bí truyền, chỉ được nghe kể lại mà không làm được, ngày nay các đô vật đang tìm cách ôn lại.
Cũng trong lễ hội này, có tục tế nữ quan do 12 người vùa làm lễ vừa múa “sanh ngô” trình diễn trước ban thờ. Theo mô tả của các cụ thì người múa “sanh ngô” mặc áo dài rộng tay, hai tay cầm hai cái quạt vải rông (hay là cái vả) khi vũ lộng, người và quạt quấn lấy nhau trông phiêu diêu như tiên giáng trần.
Một di chỉ dù trải qua nhiều biến cố, nhưng long dân đây, nếp sinh hoạt văn hóa của bao đời truyền lại đã thành tục lệ, sẽ tồn tại và sống mãi trong long dân...
CỔNG ĐỀN ĐỒNG CỔ
Cổng vào thăm đền Đồng Cổ ở Thanh Hóa có những phiến đá hình chữ nhật 50 x 60cm xếp liền nhau tạo thành chiều sâu 3 mét. Trên nóc cổng có nhà gác, Tại đây có câu đối:
Sơn trĩ tam thai vân tụ tán
Hồ loan bán nguyệt thủy thăng trầm.
Đi vào trong, gập mấy người dân, họ đọc cho biết câu vè:
Đan Nê tốt đất cao nền
Nào ai đi đến thì quên cửa nhà
Tư liệu nói rằng đền xây giữa tam thai, có dông Mã chảy qua núi. Lưng đền dựa vào cách núi, trong thời kỳ chống Pháp đã dùng khu này đặt công binh xưởng, đến phong trào bài phong người dân lại phá đền. Trước kia, lễ hội ở đền Đồng Cổ vào ngày 15 tháng Ba, nhưng chính quyền lại đưa về ngày 30/4 và ngày 1/5
Từ đền Đồng Cổ Đan Nê sang thành nhà Hồ cách 6km, ở Vĩnh Lộc có đền thờ tướng Trần Khát Chân. Đền Trần Khát Chân có kiến trúc chữ Nhị, có đôi câu đối:   
Thiết thạch nhất tâm triêu nhật nguyệt
Cương thường vạn cổ đặng càn khôn
Ban Quản lý Di tích Lịch sử - Danh thắng đền Đồng Cổ  đã trao cho tôi một tờ rơi , trên đó ghi rõ:
“Núi và đền Đồng Cổ làng Đan Nê xã Yên Thọ năm 1993 được Sở VH-TT Thanh Hóa ra quyết định công nhận là Di tích Lịch sử - Danh thắng. Cuối năm 2001 Bộ VH-TT ra Quyết định công nhận là Di tích Lịch sử Quốc gia.
Từ trung tâm thành phố Thanh Hóa đi theo đường quốc lộ 45 khoảng 38km là đến Phố Kiểu. Rẽ trái ngược đê sông Mã 3 km là đến Trung tâm Khu Di tích “Núi và Đền Đồng Cổ”
Hoặc có thể đi bằng đường thủy từ cầu Hàm Rồng ngược sông Mã  quãng 35 km qua cầu Kiểu về đến núi Đồng Cổ.
Núi Trống đông, Đền Trống Đồng phiên âm chữ Hán là “Đồng Cổ Sơn và Đồng Cổ từ” cùng với tên làng cổ phiên âm ra tiếng Hán là Khả Lao Thôn (Nay đổi gọi làng Đan Nê xã Tên Thọ) đã trải qua quãng đời mấy ngàn năm, cũng như đất nước Việt Nam đã trải qua mấy ngàn năm lịch sử
Thời Vua Hùng thứ nhất (năm 2569 trước Công nguyên) nhà vua đi dẹp loạn Chiêm Thành xâm lược ở phương Nam. Đại quân theo đường núi tiến đến chân núi Khả Lao nghỉ quân ở đó. Đêm đến nhà vua mộng gập thần núi này xin có trống đồng, dùi đồng giúp nhà vua đánh thắng giặc. Nhà vua tỉnh dậy làm theo lời. Khi đối trận với giặc nghe âm vang trên không tiếng trống đồng, tiếng kiếm, kích. Người Chiêm sợ hãi bỏ chạy. Quân ta thắng trận trở về. Nhà vua phong cho thần núi Khả Lao là“Đồng Cổ Đại Vương”  lập đền thờ
Sách Đại Nam Nhất Thống Chí phần nói về tỉnh Thanh Hóa viết về Núi và Đền này: “Núi Đồng Cổ có tên là núi Khả Lao, núi nổi thành ba ngọn cao thấp liền nhau như ba vì sao nên gọi là Tam Thai. phía Tả núi có Đền thần, trong đền có một cái trống đồng nặng 100 cân, đường kính khoảng 2 thước 1 tấc, chiều cao khoảng 1 thước 5 tấc
Tương truyền cái trống này chế từ thời Hùng Vương
Đầu thiên niên kỷ thứ II, Thái tử Lý Phật Mã con vua Thái Tổ Lý Công Uẩn vâng mệnh vua cha trên đường đi đánh giặc Chiêm ở phương Nam, qua núi này nghỉ đêm ở bến Trường Châu, bên chân núi Khả Lao. Canh ba đêm đó, Thái tử mộng gập thần núi khoác chiến bào, tay cầm kiếm nói “Tôi là thần núi Đồng Cổ biết Ngài đi dẹp loạn ở phương Nam xin cho giúp sức”. Thai tử vui vẻ y cho, khi giao chiến quả nhiên thắng trận . Trên đường thắng trận trở về Thái tử đến Đền Đồng Cổ để tạ ơn thần thì thần lại báo mộng “nhà Vua về ngay Thăng Long ở nhà có loạn” Thái tử vâng lời cùng tùy tùng cấp tốc về Kinh. Quả nhiên như thần đã báo mộng, ba vị vương em làm loạn tranh ngôi. Nhà vua kịp ngăn chặn được bạo loan.
Sau đó Nhà Vua cho rước Thần Đồng Cổ từ Đan Nê về lập đền thờ ở Bắc thành Thăng Long. Phong cho thần Đồng Cổ là Thiên hạ minh chủ (người chủ lời thề trong thiên hạ), cho lập đàn thề, đọc câu thề: “Làm con mà trái đạo Hiếu, làm bầy tôi mà trái đạo Trung thì thần giết chết”
Từ đó cứ đến ngày 4 tháng Tư âm lịch hằng năm ở đền Đồng Cổ
thuộc phường Bưởi quận Tây Hồ - Hà Nội có Hội thề Trung Hiếu.
Trong đền Đồng Cổ xã Yên Thọ  ngày nay còn lưu truyền câu đối:
Thiên vi anh, địa vi linh, tất mã giang tây thanh miếu cổ.
Thần đương trung, tử đương hiếu, Thăng Long thành Bắc thệ đàn cao              
Ngày nay, chủ tịch Hồ Chí Minh dựa theo ý xưa đã nói: “Quân đội ta, Trung với Đảng, Hiếu với Dân nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua”
(Nhân dân cho biết Hội làng thường mở vào ngày 15 tháng Ba âm lịch, sau 1975 chính quyền đổi là ngày 30/4 và 1/5 dương lịch)
Khu di tích Núi và Đền Đồng Cổ trước đây vốn nổi tiếng linh thiêng , Quanh Đèn cây cối sầm uất um tùm. Đứng trên ngọn núi cao nhất nơi có quán Triều Thiên thả tầm mắt về hướng Bắc ta bắt gập thành nhà Hồ. Chính diện hướng Đông là chùa Dáng, phía Nam là động Hồ Công, một phong cảnh đẹp của huyện Vĩnh Lộc
Dưới quán Triều Thiên là chùa Thanh Nguyên đã từng được ghi trong Thanh Hóa Kỳ thắng  “quán Triều Thiên sánh với Quần Thiên”
Đứng đây nhìn xuống chân núi có dòng song quấn quýt chảy quanh, bong người hái củi dọi xuống dòng sông có chiếc thuyền nhẹ buông câu khi ẩn, khi hiện. Dõi mắt nhìn bốn bề, như một bức tranh.
Có thơ rằng:
Ba ngọn non dăng, ngất giữa trời.
Trèo non tưởng tượng bước thang mây
Sườn mây thảm lục rêu xanh phủ
Núi Dáng phơi hồng ánh đỏ vây
Cây cỏ um tùm tràn bóng rọi
Gió thêm phảng phất nức hồ đầy.
Đất thiêng thu góp non sông đẹp
Phong cảnh đẹp sao khó tả lời.  
Trong lòng ba quả núi có các hang động kỳ thú, động Ích Minh xuyên núi ra sông Mã, Mùa hè, trong động nhiệt độ thấp hơn bên ngoài khiến ta dễ chịu. Phía hữu có hang Nội mát không kém. Phía Tây có cửa vòm bằng những phiến đá. Lại có hồ bán nguyệt nằm trong thung lũng núi Tam Thai quanh năm gợn sóng lăn tăn. Có câu đối khen rằng: 
Hồ bán nguyệt lung linh hổ phách
Ấn tam thai giữ mạch long bài        
Trên vach núi trước mặt hồ có hai tấm bia liền nhau: 1 bia khắc chữ Hán, 1 bia khắc chữ Pháp. Nội dung bia miêu tả cảnh đẹp của núi và đèn, vừa hiểm trở lại có nhiều hang động. Trước năm 1945 nơi đây là cơ sở cách mạng. Đây là điểm xuất phát đốt đuốc tiễn thanh niên lên đường giết giặc trong 2 cuộc kháng chiến.
Năm 1948 Ủy Ban Kháng chiến tỉnh Thanh Hóa chọn đây là điểm Hội chợ Trường Cao Đẳng Giao thông công chính về đây giảng dạy. Năm 1949 Binh Công Xưởng Nguyễn Công Cậy về đây sản xuất vũ khí phục vụ kháng chiến
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Nhà máy điện Tĩnh Gia Thanh Hóa đã sơ tán về đây sản xuất điện phục vụ chiến tranh. Bởi vậy khu di tích luôn là điểm đánh phá của kẻ thù.
Trải mấy ngàn năm, biết bao cảnh biển dâu biến đổi, nhưng huyền thoại Thần Núi Trống Đồng ứng mộng trong quân vẫn được lưu truyền, cùng với cảnh đẹp núi sông làng Khả Lao xưa, một dẫy núi cao thấp ba tầng mà tài tử văn nhân gọi là núi Tam Thai vẫn sừng sững hiên ngang. Dòng sông Mã uốn khúc quanh co. Ngai Khánh đá trên núi Triều Thiên của xóm bằng những phiến đá hồ tang nửa vách, bia đá cheo leo trên cao giữa sườn núi vẫn còn đó.
Cảnh đẹp thiên nhiên của núi Trống Đồng vẫn được lưu truyền trong các tác phẩm “Việt Điện U Linh“, “Lĩnh Nam Chích Quái”, “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Thanh Hoa chư thần lục”, trong bia đá do Tiến sĩ Nguyễn Văn Giai chấp bút, trong kiệt tác của Bảng nhãn Lê Quý Đôn, trong Dư Địa Chí của nhà bác học Phan Huy Chú, trong bài viết “Tam thai sơn Linh tích” của Lam Kiều Nguyễn Dật Sản… khiến ta nghĩ rằng Núi và Đền Đồng Cổ là một thắng cảnh nổi tiếng, đồng thời là một di tích lịch sử - văn hóa có giá trị về tinh thần, truyền thống dân tộc suốt mấy nghìn năm qua.
Nhờ có ánh sáng văn hóa của nhà nước mang lại trong công cuộc đổi mới. Thể theo nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân trong xã và bà con xa quê. Nhân dân đã tụ tâm công đức bước đầu mới trùng tu được 3 gian hậu cung và một số công trình khác làm nơi phụng thờ. Nhưng so với những gì mà Núi và Đền Đồng Cổ có trước đây mới chỉ là phần rất nhỏ. Công trình này có ý nghĩa rất lớn vì sâu 6 thập kỷ bị lãng quên, từ đây các thế hệ tiếp nối sẽ từng bước trùng tu khu di tích này xứng đáng với tầm cỡ của nó, trở thành một điểm du lịch hấp dẫn phía Bắc tỉnh Thanh Hóa.
Kính cáo các nhà hảo tâm công đức được biết để khu di tích  lịch sử Núi và Đền Đồng Cổ ngày càng đẹp hơn. BAN QUẢN LÝ DI TÍCH.
Ghi chú:
Trong tư liệu này, phần nói về lịch sử của Thái tử Lý Phật Mã và loạn Tam vương các tác giả Thanh Hóa đã viết không đúng ĐVSKTT. 
ĐI THĂM THÀNH NHÀ HỒ
Thành Tây đô còn gọi là thành Nhà Hồ tồn tại từ nhà Hồ đến nay, xây bằng đá xanh khối vuông, mỗi viên nặng 7 tấn đến 25 tấn. Tòa thành xây trong 3 tháng trên đất An Tôn
Trong lịch sử kiến trúc không có công trình nào hơn Tây Đô, đắp đất bên trong và ốp đá bên ngoài. Những viên đá ốp này thường dài 5m, 7m chiếm tới 20.000m3
Trong điều kiện thô sơ, chưa ai hình dung nổi người dân năm xưa vận chuyển đá, cắt đá như thế nào để trong 3 tháng có thể xây xong thành.
Thành có trục Nam Bắc dài 900 mét, Đông Tây dài 500 mét. Đây là tòa thành cực kỳ kiên cố, đẹp nhất Việt Nam.
Thành được ghép bằng các khối đá, đẽo gọt cẩn thận. Các viên đá xếp chồng lên nhau không có chất kết dính.
Thành có 4 cửa Đông, Tây, Nam, Bắc. Cửa nào cũng có vòm cuốn, tính ra các cửa Bắc, Đông, Tây mỗi cửa có 1 vòm cuốn, trong khi đó tại cửa Nam có 3 vòm cuốn, Các vòm cuốn ghép đá cắt gọt múi cam, không dùng chất kết dính, thế mà trải bao biến động địa chất không hề suy chuyển
Độ cao của thành từ 5 đến 6 mét. Ngoài thành phía Tây ngày xưa có trồng tre gai dầy đặc, lệnh cấm bẻ măng tre, ai phạm bị xử tử.
Trong khuôn viên thành Tây đô, năm xưa đào được đôi rồng đá (bị mất đầu)
Câu chuyện xây thành An Tôn vẫn là điều bí ẩn. Dấu tích đã tìm được là bia đá, đàn Nam Giao,
Hồ Quý Ly là người khởi xướng cải cách kinh tế.
Hồ Nguyên Trừng là người chế ra súng thần công
Cho đến nay, tính sơ thấy thời nào họ Hồ cũng có thiên tài:
- Hồ Thơm tức Nguyễn Huệ
- Nữ sĩ Hồ Xuân Hương
- Ngày nay họ Hồ có người là viện sĩ Viện Hàn lâm Hoa Kỳ.
- CCB Hồ Huy về lập Công ty xe Taxi Mai Linh.
Vĩnh Lộc và Tây Đô đã hình thành một nơi có nền văn hóa nổi tiếng
Thời nay có Lê Dũng Tráng là Viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Pháp
Tại thành nhà Hồ đã tìm thấy vết tích đàn Nam Giao, Thành nhà Hồ có 4 cửa Đông, Tây, Nam, Bắc. Riêng cửa Nam có 3 cổng
ĐỀN THỜ TƯỚNG QUÂN TRẦN KHÁT CHÂN
Tại gần thành nhà Hồ có đền thờ Trần Khát Chân, bên đền có cây quéo đã 600 tuổi.
Nhân dịp đến Vĩnh Lộc tôi đến thăm đền thờ Thượng tướng quân Trần Khát Chân lập tại Đốn Sơn xã Vĩnh Thành huyện Vĩnh Lộc.
Ban QLDT Đền đã sưu tầm tư liệu, viết nên Tài liệu “Đốn Sơn linh từ với Thượng tướng quân Trần Khát Chân 1366-1399” kính biếu khách thập phương. Toàn văn như sau:
- Thượng tướng Trần Khát Chân sinh năm Bính Tuất 1366. con bà Nguyễn Thị Điểm ở vùng Đông Sơn Thanh Hóa, Ông vốn là hậu duệ Lê Hoàn (tức vua Lê Đại Hành) nhà truyền ba đời là bậc khanh tướng. Năm 21 tuổi, Trần Khát Chân làm quan đến chức Tam công trật Nội hầu, giúp vua Trần Nhuệ Tông, Trần Thuận Tông trong việc trị nước an dân.
Khi còn nhỏ, ông mang họ Lê tới thời vua Trần Khải Tông ông được mang họ Trần và được phong Thái ấp ở làng Hà Lăng, huyện Vĩnh Ninh (tức huyện Vĩnh Lộc ngày nay)
Khi Trần Khát Chân thành niên thì Trần triều không còn lớn mạnh như những tháng năm kháng chiến chống quân Nguyên. Vua quan bắt đầu sống sa đọa, trong nước giặc nổi ở các nơi, phía Bắc thì giặc Minh nhòm ngó, phía Nam thì quân Chiêm Thành do Chế Bồng Nga đem quân vượt qua biên giới tiến đánh Đại Việt nhiều lần.
Năm Quang Thái thứ hai (1389) vua Chiêm Thành là Chế Bồng Nga lại đem quân đánh Đại Việt, Hồ Quý Ly đem quân đi cự chiến bị thua, phải rút chạy về Đông Đô.
Tức giận trước sự xâm lược của ngoại bang, Trần Khát Chân đã xin với vua Nghệ Tông đem quân ra chặn giặc, thề quyết đánh tan giặc. Vua Nghệ Tông ưng cho.
Với tinh thần dũng cẩm, dùng mưu cao, Trần Khát Chân cùng cận thần giả danh làm chài lưới, trinh sát biết rõ nơi đậu chiến thuyền của Chế Bồng Nga nên đã dùng hỏa công bắn trúng, vua Chiêm thành là Chế Bồng Nga chết tại chỗ, quân Chiêm tan tác rút về nước.
Thắng trận, Trần Khát Chân mang thủ cấp Chế Bồng Nga về dâng vua tại bến Bình Than. Do có công lớn nên Ngài được phong lên hàm Thượng tướng và cấp đất tại Hoàng Mai (Hà Nội) Năm đó, Trần Khát Chân mới 20 tuổi.
Trần triều tiếp tục suy thoái, lợi dụng địa vị là bố đẻ hoàng hậu nhà Trần, Hồ Quý Ly ngày càng lấn át vua, mọi công việc trong triều đều lọt vào tay họ Hồ,
Năm Quang Thái thứ 10, Hồ Quý Ly cho dời đô về Vĩnh Lộc Thanh Hóa, đồng thờ ép vua Thuận Tông nhường ngôi cho Thái tử Trần An và đi tu ở cung Bảo Thanh (Hà Trung Thanh Hóa) rồi sau ép vua phải chết. Con vua là Trần Thiếu đế lên ngôi lúc ba tuổi, mọi quyền lực đều do tay Hồ Quý Ly
Trước tình hình đó, con cháu dòng họ nhà Trần đều muốn lật đỏ Hồ Quý Ly .
Mùa hạ năm 1399, Hồ Quý Ly lập đàn tế tại phía Tây Nam Đốn Sơn. Đây là hội tế đầu tiên trong lịch sử nhà Hồ, Đại lễ có trống dong, cờ mở, gươm giáo rợp trời, Nhân cơ hội này các quan tướng trung thành với nhà Trần tổ chức tạo phản. Song công việc bại lộ, Hồ Quý Ly ra lệnh bắt các tướng Trần Khát Chân, Trần Nhật Đôn, Phạm Ông Thiện vv cùng với các quan thân thích Trần triều tất cả là 370 người đem hành quyết dưới chân núi Đốn Sơn. Đó cũng là ngày hội tế đẫm máu nhất trong lịch sử.
Tương truyền sau khi bị hành quyết, tướng quân Trần Khát Chân còn phi ngựa lên đỉnh núi Đốn Sơn dõng dạc thét to ba lần, khiến cho Trời Đất đang nắng bỗng tối sầm lại. Ngài chết rồi mà ba ngày sau sắc mặt vẫn không thay đổi.
Ngày các vị tôi trung nhà Trần bị hành quyết là ngày 24/ Tư/ Kỷ Mão 1399. năm ấy Ngài mới 33 tuổi.
Nhân dân trong vùng vô cùng thương tiếc và khâm phục tấm lòng của bề tôi trung, nên đã lập đền thờ ông trên núi Đốn Sơn vào đầu thế kỷ 16 và tôn ông là Thành Hoàng của ba Tổng là Tổng Bình, Tổng Cao, Tổng Hồ (tức Quang Hiểu, Cao Mật, Hồ Nam ngày nay) thuộc huyện Vĩnh Lộc Thanh Hóa,
Tương truyền ông là người có công chỉ đạo xây thành Tây Đô, ông còn có thuật dút đường, dút đất, Từ xưa nhân dân trong vùng Vĩnh Lộc có lệ khi hạn hán kéo dài thì làm lễ cầu đảo, Ngày làm lễ, nhân dân địa phương tổ chức rước bài vị của Ngài ra bờ sông Mã để cầu đảo. Ngay trong đêm tối hôm ấy, trời đã đổ mưa, cứu dân.
Đền Đốn Sơn được xây dựng ngay trên mảnh đất Ông đã ngã xuống, Mặt tiền của đền hướng về thành Tây giai, trong đền còn thờ các tướng sĩ nhà Trần như Trần Thái Bảo, Trần Nguyên Hãng, Trụ quốc Trần Nhật Đôn,
Đền Đốn Sơn có nhiều tên gọi: Đền thánh Lưỡng, hay Thánh Lãng, (vì quê Ngài ở làng Hà Lưỡng, Hà Lãng xưa)
Bẩy thế kỷ đã qua, các triều đại phong kiến như Hậu Lê, Nguyễn, đã tôn vinh ông là vị Thánh (Thánh Lưỡng bất diệt)
Nơi đây, người xưa đã tạo hình một khu đền thiêng chữ Môn dưới tán một quần thể các cây đại thụ.
Tháng 12 năm 2001 Bộ VHTT đã cấp bằng DTLS cấp quốc gia.
HỌ TRỊNH Ở LÀNG BỒNG - THANH HÓA
Đường đi tiếp tục qua nơi sinh ra dòng họ Trịnh. Tại Phố Bầu xã Vĩnh Hùng có một ngôi nhà 12 gian, là nơi thờ họ Trịnh, kiến trúc kiểu chữ Đinh, người làng gọi đây là Nghè Vẹt, Hai bên chia 8 gian, thờ 8 bài vị, ở gian giữa rộng hơn thờ 3 bài vị. Tất cả là 11 đời chúa Trịnh. Ngày hội là ngày 14 /11/âm.
Tại xã Vĩnh Hùng huyện Vĩnh Lộc Thanh Hóa có phủ Trịnh và lăng mộ các chúa Trịnh tồn tại đã 500 năm qua.
Đát Vĩnh Lộc sinh ra Trịnh Kiểm, dựng nên cơ nghiệp họ Trịnh hình thành chế độ Vua Lê - Chúa Trịnh 200 năm. Có Phủ Trịnh *còn gọi là Nghè Vẹt)
Xã Vính Hùng, tên cũ là làng Bồng. Tại làng Bồng chia ra Bồng Thượng, Bồng Trung, Bồng Hạ. Tục truyền xưa ở vùng này có câu sấm chỉ về họ Trịnh rằng: “Chẳng đế, chẳng bá, Quyền nghiêng thiên hạ, Truyền được 8 đời, Trong nhà dấy vạ”
Đát Bồng Thượng có làng Sóc Sơn là nơi Trịnh Kiểm sống và nuôi mẹ chí hiếu, được Nguyễn Kim nuôi và gả con gái cho. Từ đó, họ Trịnh theo nghĩa quân đánh nhà Mạc, khôi phục triều Lê. Cũng từ những năm đó, thời cuộc xoay vân hai họ Trịnh Nguyễn đánh nhau, suốt mấy trăm năm, rồi chia ra Nam, Bắc lấy sông Gianh làm phân giới.
Họ Trịnh ở làng Bồng xứ Thanh Hoa, tồn tại 200 năm cùng họ Lê, Có nhiều người cống hiến cho dân tộc như Trịnh Tùng, Trịnh Doanh, Trịnh Cương. Trong chế độ vua Lê chúa Trịnh thì ngôi vị chúa ngang với thủ tướng chính phủ lập hiến bây giờ.
Dòng dõi chúa Trịnh kéo dài từ 1545-1786 có các chúa sau đây:
1. Thế tổ Minh khang Thái vương Trịnh Kiểm. (1545-1570)
2. Thành tổ Triết vương Trịnh Tùng (1570-1623)
3. Văn tổ Nghị vương Trịnh Tráng (1623 – 1652)
4. Hoằng tổ Dương vương Trịnh Tạc (1653 – 1682)
5. Chiêu tổ Khang vương Trịnh Căn (1682 – 1709)
6. Hy tổ Nhân vương Trịnh Cương (1709 – 1729)
7. Dụ tổ Thuận vương Trịnh Giang (1729 – 1740
8. Nghị tổ Ân vương Trịnh Doanh (1740 – 1767)
9. Thánh tổ Thịnh vương Trịnh Sâm (1767 – 1782)
10- Đoan Nam Vương Trịnh Tông (1782 – 1786)
11- Án đô vương Trịnh Bồng (từ 9/1786 đến 9/1787)
Làng Vĩnh Thịnh có chùa Hoa Long mang nét văn hóa Chàm.
LAM KINH
Lam Kinh là nơi yên nghỉ của các vua nhà Lê, đã hơn măm nay không tiếp khách vì còn bận tu sửa, Ông chủ nhiệm dự án cho biết:
Khu DTLS Lam Kinh được chính phủ đầu tư yêu cầu hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2005, nhưng đến hôm nay vẫn chưa hoàn thành. Nhiều đề án còn chờ duyệt, Can bộ lãnh đạo có thể sẽ thay đổi, nên từ 2003 chúng tôi dừng tiếp khách đến tham quan.
Khu DTLS này lấy đèn thờ Lê Lai làm tâm, có 8 vệ tinh, Cách Lam Kinh 10km có đền thờ Lê Hoàn, Di tích Lam Kinh gồm 2 xã, 1 thị trấn, các lăng mộ phần lớn tập trung ở Ngọc Lặc
Hiện tại đang thi công khu Hồ Tây, xe vận chuyển đất đào đi lại suốt ngày nên khách chỉ có thể tham quan bia Vĩnh Lăng. Tại khu di tích có 20.000 hiện vật thu được sau 7 đợt khai quật.
Thanh Hóa là nơi có 1600 di tích, là nơi có 3 vua, 2 chúa.
Thanh Hóa cách khu di tích 56 km.
Ta đi qua cầu Bạch Ngọc đến sân điện Kính Thiên, Thái Miếu rồi vào nơi Lăng mộ 
HỒN THIÊNG XỨ LAM SƠN
Nhân ngày giỗ của tướng quân Lê Trung Giang, một đoàn cán bộ khoa học lịch sử và con cháu dòng họ Lê Trung đã về xã Hoằng Ngọc huyện Hoằng Hóa làm lễ, sau lễ kỵ ở Hoằng Ngọc, chúng tôi về đát Lam 1Sơn viếng mộ bà Thần phi Trịnh thị Ngọc Lữ, vợ cả của vua Lê Lợi.
Truyền thuyết dân gian kể rằng bà là người dân tộc Mường quê ở trang Bái Đô huyện Lôi dương tỉnh Thanh hóa. Truyện kể rằng có một lần bố Ngọc Lữ đi rừng bị một con hổ dữ bất thình lình nhảy ra vồ, mặc dù ông là người con của núi rừng, lại có võ nghệ, nhưng trong lúc bất ngờ, ông lâm vào thế bí, không sao phòng ngự được, mười phần chết chín. Trong lúc người và hổ đang vờn nhau thì chợt có tiếng thét: ”Súc sinh không được vô lễ”, con hổ giật mình quay đầu nhìn sang, phơi bộ ngực hứng trọn một mũi lao từ xa phóng đến mạnh như xé gió. Thú dữ trúng thương, hung dữ đánh nhau với võ sĩ, quần nát cả đám cỏ cây trước khi giãy chết, ông Mường đã thoát chết. Cảm phục vì tài nghệ và lòng quả cảm của võ sĩ ông thân thiết mời chàng về trang trại để nghỉ và... giới thiệu với gia đình.
Trại chủ có một người con gái đẹp nghiêng trời sắc nước còn treo giá ngọc, chưa gá nghĩa cùng ai, thấy cha giới thiệu chàng dũng sĩ cô trộm ngắm thấy chàng dung nhan tươi đẹp hùng vĩ, mắt sáng, mồm rộng bước đi oai vệ như rồng hổ khiến cô xao xuyến trong lòng, ngày đêm mơ ước. Trại chủ biết ý con gái, ông nói với nàng: ”Người đó là Lê Lợi, một tráng sĩ đất Lam Sơn, có chí phục quốc diệt Minh, nếu con gái ta mà để lọt mắt xanh, đó là điều vui đấy”
Rồi lễ ăn hỏi và đám cưới Lê Lợi- Ngọc Lữ theo đúng phong tục Mường Kinh. năm đó bà Trịnh Thị Ngọc Lữ 19 tuổi... Là người vợ từ thuở hàn vi, cùng chồng mưu đại sự, bà đã tỏ ra là một vị chủ mẫu có tài quán xuyến công việc hậu cần giúp cho nghĩa quân đánh giặc.
Tại vùng Lam Sơn, có người phường chài là Lê Thuận ba lần quăng chài đều thu về một lưỡi gươm báu, sáng ngời ánh thép, trên thân gươm có khắc chữ “thuận thiên”, ông đã dâng lên Lê Lợi, nhưng chuôi gươm lại do chính bà Trịnh thị Ngọc Lữ phát hiện tại một gốc cây đa già. Mang chuôi gươm đó, lắp vào lưỡi gươm thấy rất vừa vặn, không thể tháo ra được nữa. Đặc biệt tại chuôi gươm khắc hình mãnh hổ vờn long, có hai chữ: ”Thanh Thúy”. Cũng trong thời gian đó, khi cuốc đất làm nương bà Ngọc Lữ lại tìm thấy một quả ấn vàng, có khắc 4 chữ “Thuận thiên Lê Lợi. Theo ý trời đã định, Lê Lợi khởi nghĩa chông lại quân Minh, bà Ngọc Lữ lo việc hậu cần giúp sức cho chồng.
Rất đáng tiếc là trong lúc nghĩa quân đánh đâu thắng đấy, có một tên phản quốc đến bàn kế với tướng Minh là Mã Kỳ rằng: ”Thưa đại nhân, nhiều đêm dò theo chúa Lam Sơn, tôi đã tìm ra chỗ ở của gia quyến hắn, nếu ta tổ chức đánh úp thì có thể tiêu diệt được Lê Lợi”. Mã Kỳ đã nghe theo, đem quân đánh úp vào doanh trại, nhưng không hạ được Lê Lợi, giặc bắt được bà chủ mẫu Trịnh thị Ngọc Lữ, bọn giặc Minh còn đào huyệt thân phụ Lê Lợi lấy hài cốt mang về doanh trại, hòng tìm cách ép buộc Lê Lợi vì hiếu, vì tình mà đầu hàng quân Minh.
Chúa Lam Sơn lúc đó vừa thù cha, vừa thương vợ đã bí mật cử các nghĩa sĩ lọt vào khu đóng quân của Mã Kỳ để tìm kiếm hài cốt cha và giải cứu cho vợ. Các nghĩa sĩ đã mang được hài cốt thân phụ Lê Lợi về, nhưng còn bà Ngọc Lữ thì không cứu được. Vì trong cuộc chiến với quân Minh, bà đã bị thương nặng, nay dù các nghĩa sĩ năn nỉ, bà đã không muốn vì mình mà vướng bận việc quân, nên đã nhờ Trịnh Khả, Bùi Dị đưa hài cốt bố chồng về Lam Sơn, còn mình thì tự vẫn. Hôm đó là ngầy 9 tháng 5 ăm 1418.
Truyền thuyết còn nhắc lại lời trăng trối của bà:
Ta là lệnh nữ
khi ta về trời
không hòn tên mà chẳng mũi đạn
không bởi gươm đao của quỷ dữ ở đời
chỉ cần một chén rượu thôi
ta về một nơi trăng thanh gió mát.
Người vợ “tấm cám”, người vợ “tào khang chi thê” của Lê Lợi, người mẹ của Quốc vương Tư Tề, người chủ mẫu trong lúc nghĩa quân non trẻ đã hy sinh để lại tấm gương liệt nữ chói ngời. Nhưng rất tiếc khi chúng tôi vào thăm Thái Miếu họ Lê ở Thanh hóa không có ban thờ của Bà. Phải chăng sau này do “lỗi” của con trai bà là Tư Tề đã không đánh dẹp được giặc Đào Cát Hãn (1432) , rồi nhân đó do lời hứa của vua Lê Thái Tổ với hậu phi họ Phạm, nhà vua đã giáng Tư Tề làm Quận Vương,rồi sau đó giáng làm thứ dân. đưa Lê Nguyên Long con thứ lên ngôi Thái tử. Vì lỗi của con, nên bà Trịnh thị Ngọc Lữ không được thờ trong thái miếu, mồ mả của bà cũng không ai tìm đến.
Năm 2003, một đoàn con cháu họ Lê đã về bãi mía vùng Châm thuộc khu vực Nhà Máy đường Lam Sơn quản lý và tìm thấy ngôi mộ của bà. Các cụ trong họ Lê bảo với tôi: ”Hơn 570 năm đã qua, người đời ai nấy đều xot xa cho thân phận của bà, họ tôn trọng bà và cố công tìm về chiến trường xưa, giao cảm với tâm linh để mong được lời chỉ dẫn. Và đến nay các cụ họ Lê đã thành công ”Tại góc sân nhà ông Đỗ huy Phòng có một ngôi mộ xây 5 cấp. Mộ hình bát giác. Tục truyền rằng ngôi mộ được xây trên hình thể ngôi mộ thiên táng (mối đùn) nơi bà Trịnh Thị Ngọc Lữ ngã xuống. Không biết từ bao giờ, mà trên mộ đã có một tấm mộ chí đơn sơ bằng đá, viết rằng: ”Lê triều Thần phi Trịnh Thị Ngọc Lữ”. Trước bia, có một bát hương bằng đá chạm, chân hương ngời ngời. Con cháu dòng họ Lê từ khi tìm được mộ Thần phi, hàng năm về Lam Sơn đều tìm đến đây thắp hương tưởng niệm.
Giữa đồng mía bạt ngàn của vùng Lam Sơn. tôi như thấy hiện lên bóng dáng Thần phi, một phụ nữ có dung nhan hiền hậu đang xé mảnh thắt lưng cắn ngón tay lấy máu viết lời trăng trối, rồi buộc vào con gái, đưa cho các tướng, còn bản thân bà thanh thản nâng chén rượu độc nhẹ nhàng lìa trần, giữ vững khí tiết, chung thủy với chồng, với nghĩa quân Lam Sơn
Nay bà đã có mộ chí, có nơi gìn giữ khí tiết, có nơi để người đời hương khói, lạy Bà xin hãy phù hộ cho đất nước trường tồn mãi mãi.
ĐẾN VÙNG ĐẢO NGHI SƠN
Chúng tôi đi qua núi Nhồi về phía biển. Trên núi Nhồi có Hòn Vọng phu cao khoảng 25 mét, mang dáng hình người thiếu phụ bồng con. Bên cạnh có hòn đá cắm cờ.
Đặc điểm của đá núi Nhồi là có thể tách mảng đẻ tạc tượng, tạc bia. Có một câu chuyện dân gian ở đây kể rằng: Khi tạc tượng vua Lê Lơi để đặt tại quảng trường thành phố, không tìm được mảng đá nào đủ tạo nên đầu và thân. Các vị lãnh đạo đã đến Núi Nhồi làm lễ xin đá, Lễ xong, một tiếng nổ lớn xảy ra, núi Nhồi bật ra một tảng đá tạc đầu và cai Lê Lợi đủ khớp.
Chiều 11-12-2004 chúng tôi đến xã Nghi Sơn Con đường đến Nghi Sơn phải qua chui một cầu chuyển thành phẩm từ nhà máy xi măng ra cảng. có chiều dài khoảng 3000 mét. Đường lên đảo lại qua một quãng chênh vênh, chúng tôi phải xuống xe đi bộ cho được an toàn.
Khi vào đến Nghi Sơn, có con đường nhựa chạy sâu vào phía trong. Có nhà xây cao san sát, đừng tưởng là Nghi Sơn nghèo.
Từ đời vua Bảo Đại có đưa một viên thái giám ra trông coi, nhưng thật ra từ đời vua Quang Trung tại đây đã có đồn binh trấn giữ. Tại Nghi sơn phía sau các tòa nhà, chúng tôi tìm được một quãng thành cổ, bên cửa thành có một khẩu thần công bằng gang nằm bên tường.
Theo lời kể của dân thì từ thời Trịnh đã có một đạo quân đi qua đảo để xuống phía Nam, đến thời Quang Trung sau khi đánh quân Thanh, cũng xây dựng đồn biên phòng ở đây. Khi vua Quang Trung mất, dân trên đảo lập đền thờ. Vua Gia Long lên lại phá đền. phá tượng, Nay dân đảo khôi phục lại
Nghi Sơn có 15 xóm, lập thành 4 thôn. Chúng tôi đến thăm đền, tại đây có ban thờ Tứ vị Hồng nương, nhưng tên đền lại đề là Quang Trung điện.
Chúng tôi đến đền, các pho tượng đá đều đã bị chém cụt đầu, không biết đó là tượng của ai nhưng nhân dân đều mang về trân trọng thờ cúng.
Hàng năm, Nghi Sơn vào hội ngày 5 tháng Giêng.
Trong lễ hội có bơi thuyền, mỗi thuyền 16 tay bơi, Các thôn Bắc sơn, Nam sơn, Trung sơn và Thanh sơn thi với nhau
Ông Tôn Thất Cơ một người trong dòng tộc đã ra đây trấn thủ, ông đặt tên nơi này là Đất Biện
Ngày nay, Thanh Hóa đang có kế hoạch đưa vùng Nghi Sơn lên thành vùng công nghiệp, nâng cao dời sống nhân dân nên các công trường được mở khắp nơi.
Trước năm 1945, triều Nguyễn cử một viên quan trong tôn thất là ông Tôn Thất Cơ ra trấn thủ tại một vùng đảo nhô ra biển thuộc huyện Tĩnh Gia. Thuở đó, ở Thanh Hóa có câu ví “Nhất Xương nhì Gia” để chỉ hai huyện nghèo nhất tỉnh. Ta đến vùng đảo đó, ông Tôn Thất Cơ đặt tên là Cù Lao Biện (ý muốn ví với đất Biện trong sử Trung Quốc) và mộ dân ra đảo khai khẩn, đánh cá.
Trong chuyến đi Thanh Hóa, chúng tôi đã đến cù lao Biện và được đại diện chính quyền địa phương tiếp đón nồng nhiệt. Ông cho biết diện tích canh tác của đảo chỉ có 1km2 nên dân đảo tập trung ở ven biển tới 7000 hộ, sống chen chúc quanh khu vực trồng lúa và cửa biển. Cù lao Biện nay đổi tên là xã Nghi Sơn với 4 thôn là Bắc Sơn, Trung Sơn, Nam Sơn, và Thanh Sơn. Trên đường liên thôn có dãy phố, với nhiều nhà cao tầng như biệt thự nghỉ mát và con đường rộng trải nhựa nối với bến xe. Người dân trong đất liền theo xe ra đây mua cá biển đem về chợ trong đất liền để bấn... Phần bên kia đảo, là những dãy núi đá già, bao quanh một vụng nước sâu còn chưa được khai thác.
Ông kể chuyện ngày xưa, thời chúa Nguyễn mở mang đất đai về phía Nam thì cù lao này là nơi quân đội thường trú, mỗi khi gập sóng gió, các thuyền lương cũng tránh bão ở đây Đến thời Tây Sơn, vua Quang Trung đã chú ý tới vị trí hiểm yếu của cù lao, Ngài đã cho đặt đồn binh, và mộ dân ra khai khẩn. Nhưng công cuộc của ngài chưa được bao lâu thì nhà vua đã mất, dân trên đảo thương tiếc Ngài đã lập nên một ngôi đền tên là “Quang Trung từ”, có tượng đá, bia đá thờ Ngài.
Khi vua Gia Long lên ngôi, với chính sách trả thù nhà Tây Sơn, nhà vua đã cho phá đổ đền thờ vua Quang Trung, đập vỡ các bia đá và chém đầu các pho tượng thờ.
Bây giờ, đến Quang Trung từ chúng tôi đã tận mắt trông thấy các pho tượng thờ bị cụt đầu, các bia đá bị vỡ nhưng được dân trên đảo trang trọng dựng lại.
Ngôi đền mới do dân đảo dựng nên vẫn mang tên “Quang Trung từ” nhưng có kiến trúc to đẹp chắc chắn hơn xưa, mạt tiền hướng ra biển như một ngọn hải đăng để người ra khơi lấy hướng tìm về. Theo tín ngưỡng vùng biển, các cư dân trên đảo còn phối thờ Tứ Phủ gồm các vị Ngọc Hòang, Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thoải và Mẫu Thượng Ngàn.
Chúng tôi đến thăm thôn Thanh Sơn là thôn ở sát bờ biển, dân ở rất đông, các ngôi nhà xây sát nhau, tại đây còn lưu giữ một đoạn thành cổ, cổng thành xây cuốn bằng gạch, dưới chân cổng thành, có một khẩu thần công đúc bằng gang kiểu thế kỷ XVIII thường bố trí trong các nơi đồn trú. Thứ súng này khi bắn, người pháo thủ nạp chặt thuốc ở đuôi súng, rồi mới nhồi đạn gang hình tròn từ đầu nòng vào. Trên thân súng, có một lỗ để tra ngòi pháo, khi bắn, người pháo thủ đốt ngòi pháo, thuốc nổ cháy, bắn viên đạn về phía quân thù. Loại súng này, chúng ta thường gọi là “thần công đốt đít” So với vũ khí của châu Âu hồi đó thì vũ khí của ta sức sát thương kém hơn, nhưng cũng là một vũ khí phòng thủ lợi hại lúc bấy giờ
Sau Cách Mạng Tháng Tám năm 1945, cù lao Biện đổi tên là xã Nghi Sơn, đồng thời cũng đổi đời cho dân đảo. Người trên đảo tổ chức đánh cá, canh tác nông nghiệp, Sau ngày đổi mới, nhận ra vị trí kinh tế của Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia đã cho đắp một con đường nối từ đát liền tới đảo, xây dựng đảo thành khu kinh tế. Tại đây có nhà máy xi măng Nghi Sơn của liên doanh Viêt- Nhật. Đi trên con đường của đảo, ngắm nhìn các tầu cá ra vào trong vụng, hoặc neo đậu trước đền Quang Trung, phía đất liền có một đường băng chuyển sản phẩm xi măng từ nhà máy rót thẳng xuống các tàu vào cảng ăn hàng.
Bây giờ đã đổi đời, nhưng cư dân trên đảo không quên ơn vua Quang Trung, hàng năm họ tổ chức ngày hội làng là ngày 5 tháng Giêng - ngày vua Quang Trung đại phá quân Thanh.
Trong ngày hội làng, ngoài nghi thức tế lễ, xã còn tổ chức thi bơi thuyền giữa 4 thôn. Sự rèn luyện sóng nước đã làm cho đội thuyền Nghi Sơn nổi tiếng trong những ngày Thanh Hóa mở hội đua thuyền.
Chúng tôi rời đảo Nghi Sơn, thủy triều đã xuống, những chiếc tàu đánh cá đã về bến, đang bán cá cho các lái buôn, họ hối hả chia cá với nhau, rồi tất tả ra xe để về chợ huyện Tĩnh Gia Bãi biển trở nên rộng lớn, nhiều cụ già thanh thản ngồi ngắm biển, và thanh niên hò hét chạy dưới bãi chơi bóng đá. Đúng là Cù lao Biện đã khác xưa.
VŨ KIÊM NINH
Theo http://newvietart.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Lá bồ đề – Truyện ngắn của Lại Văn Long 2 Tháng Ba, 2023 Tháng 5 – 2012, sau 22 năm thụ án chung thân về tội giết người, hắn được đặc...