Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2018

Thấy mình... như sương 4

Thấy mình... như sương 4
Phụ bản 
Chân dung bạn tôi
Nhà thơ Lê Triều Phương tên thật là Lê Văn Tâm.
Lê Văn Tâm sinh ngày 1-10-1938 tại Thuận Hòa huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Con cụ Lê Dư và bà Trần Thị Thâm. Mất vào ngày 12-6-2008. Pháp danh: Nguyên Thái.
Tuổi trẻ học trường Nam Tiểu học Phan Rang. Trung học Kim Yến Nha Trang. Đậu bằng Tú tài toàn phần ban B Toán. Đại học Khoa học Sài Gòn khoa Toán Lý Hóa. Du học Tây Đức từ năm 1959. Tốt nghiệp Tiến sĩ Lâm Nghiệp năm 1964. Giảng dạy tại Đại học Gottingen khoa Bảo vệ Môi trường Sinh thái- Khoa Quy hoạch Tổng thể và được mời giảng tại các trường Đại học Nông Lâm Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ.
Ngoài công tác khoa học còn khảo cứu văn học và sáng tác thi ca
- Thi phẩm: Sương Cỏ Sông Thuông (xb 2001), Sân Mận (viết chung xb năm 2000), Gió Thơ Ngây (viết chung xb năm 2001), Vần Thơ Tứ Tuyệt (viết chung xb năm 2005), Tập Thơ Lê Triều Phương (xb năm 2007), Con Tim Một Tinh Cầu Nho Nhỏ (chưa in), Đóa Hoàng Cúc (chưa in), Cảm Ơn Đời (chưa in), Hoa Thơ Trên Giường Bệnh (chưa in)
- Văn phẩm: Hương Thơ Quách Tấn (viết chung xb năm 2002), Nụ Hôn Đầu (xb năm 2007).
Tư chất Lê Triều Phương có thể tóm tắc qua mấy từ: hiền hòa, trung hiếu, thông minh, nhẫn nhục, quả cảm và vị tha. Tất cả những ai đã sống với Lê, dều yêu quí nhà thơ, nhà khoa học nầy.
Thời niên thiếu cậu được mẹ chăm lo việc học hành và cậu chăm học luôn luôn đứng thứ hạng cao được thầy khen bạn mến.
Thời Trung học anh theo học trường tư thục Kim Yến ở Nha Trang. Là một trường có thầy giỏi, kỷ luật tốt. Thầy dạy rất tậm tâm muốn đem hết kiến thức mới của khoa học truyền cho thế hệ trẻ và học trò hầu hết chăm học và xã hôi lúc bấy giờ thật thanh bình, trong sạch: thiên nhiên thì tươi mát với một bãi biển xanh bao la trải dài cát trắng vi vút tiếng dương liễu. Phần đông các học sinh sau này đều thành tài, thành danh mà Lê Văn Tâm là một học sinh điển hình.
Thời trung học cùng tôi học nơi trường trung học tư thục Kim Yến. Tâm trú tại nhà cụ Thanh nơi tỉnh đường Khánh Hòa còn tôi thì ở trong "Xóm Mới" đường Nguyễn Hoàng. Tâm dáng ngưòi cao cao, đầu tóc hớt gọn cao trên khuông mặt vuông và dài. Bước đi bao giờ cũng hơi ưởng ngực và xăm xăm tới trước, miệng luôn luon mỉn cười như dành cho người gặp đầu tiên. Áo sơ mi ka ki ngắn hoặc dài tay. Quần luôn luôn là loại vải ka ki, không bao giờ được ủi thẳng như các bạn con nhà giàu khác. Riêng tôi thì tôi lại thích cách ăn mặc giản dị ấy vì tôi vẫn thường ăn bận như thế. Hai người được cha mẹ tặng cho hai chiếc xe đạp màu đỏ tróc sơn như nhau như một cặp thiếc mã chở hai "con bướm" tung tăng khắp mọi nẽo đường trong và ngoài thành phố Nha Trang. Tâm có tật là đi ngủ sớm và thức dậy rất sớm để học và làm bài. Do đó chàng thường bị chủ nhà cằn nhằn vì thắp đèn quá sớm.
Những năm học thi thì chúng tôi lại tổ chức học tổ dò bài cho nhau và ôn chung các bài khó thuộc. Thương thì xuống biển vừa ngồi ngắm trời mây vừa ôn lại những gì đã học. Tâm rất thông minh nên chỉ học một lần là nhớ rất nhiều. Tâm đậu Trung học phổ thông rồi tú tài bán phần rồi vào Sài Gòn học trường Chu Văn An. Còn tôi thi hỏng phải ở lại Nha Trang. Năm sau tôi đậu tú tài phần một vào Sài Gòn ở chung, đi học cùng Tâm. Chúng tôi cư trú tại khu Bàn Cờ. Mấy anh chị em góp tiền tự nấu ăn cùng nhau cho đở tốn kém. Tại đây nước máy chảy rất chậm nên chúng tôi phải thay phiên nhau đi gánh nước máy hứng ở ngoài đường vào lúc ít người (khoãng 2-3 giờ sáng). Tâm có được tánh tình của một người nông dân chân chất nên mỗi khi có cơn mưa thì Tâm đích thân đi hứng nước để dành dùng cho cả nhà. Những kỷ niệm này luôn luôn làm cho chúng tôi gần nhau và thương nhau mãi cho đến cuối cuộc đời.
Giáo sư Tiến sĩ Lê Văn Tâm chủ trương nghiên cứu ngành Khoa học Bảo vệ Môi trường, lấy đó làm phương tiện ưu việt, xây dựng bảo vệ sinh quyển và môi trường cho lãnh thổ Việt Nam cũng là cho thế giới.
Lấy tư tưởng Phật học và Từ bi của Phật giáo làm sức sống nung nấu trong công tác khoa học vì tình yêu thiên nhiên đất nước và con người mà phương tiện truyền thống hệ trọng là Văn chương Việt Nam.
Trong một bài tham luận tại Huế Giáo sư Tiến sĩ Lê Văn Tâm đã viết:
"Hòa bình là trạng thái an vui, bảo đảm an bình không có sự đe dọa từ bên ngoài. Quyền được sống hòa bình là một trong những quyền thiêng liêng của con người đã được Hiến chương Liên Hiệp Quốc ghi rõ.
Đối với đạo Phật, ý nghĩa tịch tịnh của Niết bàn cũng là Hòa bình, Hòa bình thật sự.
Có lẽ trước tiên, chúng ta nên thể hiện hòa bình trong ta và giữa những người Phật tử với nhau, nghĩa là cần vượt qua tất cả những khó khăn đa dạng và phức tạp sẳn có, những hiện tượng lạnh nhạt, ngăn cách, ngờ vực, những thái độ nhìn qua "đường phân thủy".
Cuối cùng Phật tử chúng ta cần hòa bình với thiên nhiên. Thiên nhiên không chỉ là nguồn tài nguyên dành riêng cho con người xữ dụng. Sự sát sinh các chủng loại hoang dã, sự tàn phá các hệ thống sinh thái quả đất dần dà đưa con người vào những hiểm họa khôn lường. Một ví dụ: Rừng mất..lụt lội tăng tăng lên tại những vùng trù phú dân đông ở hạ lưu thấp làm điêu đứng dân tình các loài hoang dã bị tiêu diệt theo và con người mất đi nguồn gen, nguồn dược liệu quí giá còn tiềm ẩn. Phật Giáo Việt Nam cần đưa môn bảo vệ thiên nhiên và môi trường vào chương trình giáo dục, đóng góp cụ thể vào những chương trình hành động của nhà nước nhằm giữ gìn và phát triễn những điều kiện vật chất trên quê hương".
Trúc Như Phan Hồng Châu
Giáo sư Tiến sĩ Lê Văn Tâm đã làm việc tại trường Đại Học Gớt tin gân (Goettingen), CHLB Đức từ năm 1972 và từ năm 1996 được thỉnh giảng tại 6 trường Đại học Việt Nam.
Ngoài chức năng dạy học, ông còn là một nhà thơ với bút hiệu Lê Triều Phương. Ngoài các thi phẩm Sương Cỏ Sông Thuông (nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2001), Đoá Hoàng Cúc, Cảm Ơn Đời (chưa in) nhà thơ còn xuất bản chung với hai bạn thân là Quách Tùng Phong và Phan Hồng Châu các tập thơ Sân Mận (NXB Hội Văn học Nghệ thuật Khánh Hoà), Gió Thơ Ngây (NXB Hội Nhà Văn), Vần Thơ Tứ Tuyệt (NXB Hội Nhà Văn), và hai tập văn Hương Thơ Quách Tấn (NXB Hội Nhà Văn) và Quách Tấn: Thiên Nhiên và Quê Hương (NXB Hội Nhà Văn).
Khi về hưu giáo sư Tiến sĩ Lê Văn Tâm về ở tại Việt Nam và vẫn tiếp tục giảng dạy tại Đại học Khoa học Tự nhiên, TP Hồ Chí Minh. Hiện nay được mời góp phần giảng dạy cho Trường Đại Học Thích Quảng Đức sắp thành lập.
GS Lê Văn Tâm đã viết lại Hồi Ký về cuộc đời của mình. Trong tập Hồi Ký có thiên "Nụ Hôn Đầu". Tôi được hân hạnh đọc bản thảo trước khi in ấn. Và sau đây là những cảm nghĩ về thiên Nụ Hôn Đầu này.
Trước tiên là nhan đề. Nụ hôn là một câu chuyện tình. Hai người đều là du học sinh trong thời gian đất nước còn chiến tranh. Nơi xứ người, cảnh thanh bình là cái nôi nuôi nấng họ học tập và là nguồn cội nảy sinh ra mối tình. Bối cảnh là thiên nhiên của nước Đức, là sinh hoạt của đời sống sinh viên.
Qua "Nụ hôn đầu" người đọc hiểu thấu được lập trường tư tưởng của tác giả trưởng thành từ một gia đình nông dân sống lao động trong một vùng quê xôi đậu chịu đựng biết bao cơ cực và với một ý chí đi du học để sau này phục vụ đất nước. Nhưng thời thế không giúp tác giả trở thành một giáo sư cho đất nước mà phải nghiên cứu và dạy học nơi đất khách quê người.
Câu chuyện tình đuợc lồng trong bối cảnh thiên nhiên của nước Đức. Những thành công về quy hoạch cảnh quang, môi trường được tác giả kể lại sẽ là những bài học rút ra để quy hoạch lại cảnh quang của đất nước sau bao nhiêu năm trì trệ vì chiến tranh. Những con đường xa lộ, công viên, hồ nước, lữ quán thanh niên v.v... trong câu chuyện cũng gợi lên những phương thức để áp dụng làm đẹp cho quê hương.
Trong từng mỗi đoạn văn, tác giả lồng vào những bài thơ tâm sự đã làm dịu mát tâm hồn người đọc. Đây phải chăng là một lối viết hồi ký đặc biệt của một nhà khoa học tràn đầy tâm hồn thi ca?
Những cảnh trong toàn tập đều giúp ích cho người đọc hiểu thấu suốt môn học quy hoạch tổng thể và bảo vệ thiên nhiên.
Các du học sinh sau này sẽ biết được sinh hoạt của các bậc đàn anh từng là sinh viên người nội trú đã gặp nhiều sự thiếu thốn, cần sự giúp đỡ và nhất là tình yêu thương đùm bọc lẫn nhau trên đất nước quê người.
"Nụ Hôn Đầu" không chỉ là một mối tình mà còn chan hòa với đời sống sinh viên du học trên một đất nước có thiên nhiên tươi đẹp, có tổ chức khoa học.
Với lời văn giản dị chân thành trong câu chuyện đơn sơ, tác giả đã dung hòa được khoa học môi trường cùng với tâm tình chơn chất và tâm hồn thơ nhẹ nhàng.
"Nụ Hôn Đầu" cho mối tình đầu. Trong cuộc đời ta có nhiều mối tình đến rồi đi, hạnh phúc và đau khổ. Nhiều nụ hôn đã đem đến những giây phút đắm say, cay đắng trong những cuộc tình dang dở. Tuy nhiên chỉ có mối tình đầu là còn mãi trong tim. Và hơn thế nữa nụ hôn đầu là nụ hôn tình ái dẫn đến cuộc đời gắng bó vĩnh viễn cùng nhau. Ngoài cuộc tình của nhà thơ chậm rãi như một bình lọc nước, từ bạn bè sơ ngộ đến thân thiết và nụ hôn chợt đến lúc nào không hay, không cố ý, không đợi chờ mà do cảnh trí thiên nhiên tạo khởi.
Cuộc tình của Thanh Trúc và nhà thơ được tượng trưng bằng hình ảnh dòng sông Weser được tạo nên bỡi hai con sông Werra và sông Fulda được ghi trên một tảng đá bên bờ sông Weser. Từ bài thơ và câu chuyện tôi bỏng nhiên hiểu ra rằng tác giã đã lấy ý nghĩa của hai dòng sông mà gọi tên tác phẩm là Nụ Hôn Đầu:
Yêu nhau đành chịu mất tên
Nụ hôn đằm thắm tạo nên dòng đời.
Bài thơ và câu chuyện của hai dòng sông hôn nhau để tạo nên con sông khác to lớn hơn, dài rộng hơn. Nụ hôn đầu của Thanh Trúc và Thiện cũng như vậy. Từ tình ban sơ rồi đến thân mật và cuối cùng nụ hôn đến bất chợt trong một thời khắc hợp thời gian. Không biết hai người có đánh mất tên mình không song chắc chắn là họ đã xây dựng cho mình bằng một cuộc đời gắn bó như dòng sông Weser chảy xuyên suốt đất nước để cùng nhập vào trùng dương bao la.
Trong suốt hàng trăm trang hồi ký tôi đã cảm nhận được tình yêu thiên nhiên và tình yêu quê hương của tác giả.
Những trang tả cảnh đẹp của xứ người tôi đã cảm nhận được sự dụng tâm của tác giả. Nhà thơ đã truyền lại những cảnh đẹp của quê người chỉ cốt gợi cho chúng ta yêu lấy thiên nhiên. Trước cảnh đẹp lòng ta không phân biệt của ta hay của người mà là của trời đất của thiên nhiên. Tôi cũng đã cảm nhận được những núi rừng hùng vĩ có rừng thông xanh mướt, con sông mặt hồ trong vắt nằm giữa cánh đồng cỏ mịn màn, cánh đồng thẳng tắp gợi cho tôi sự mong muốn quê hương ta có ngày cũng được như thế.
Song song với tình yêu thiên nhiên tôi cũng cảm nhận được tình yêu quê hương của tác giả nông cháy đến độ thiết tha. Nhà thơ biết được quê hương đang nghèo khó, xóm làng bị chiến tranh tàn phá cho nên khi được đi du học tác giả đã nguyện rằng học để trở về phục vụ quê hương. Cho nên nhà thơ đã chấp nhận mọi cơ cực thiếu thốn mong học cho thành tài. Qua tác phẩm tôi cũng đã thấy được cuộc đời của một du học sinh không mấy hạnh phúc về vật chất, cuộc sống phải dành từng giờ từng phút cho công tác học tập. Những hình ảnh ăn chơi, hội họp chỉ thoáng qua và chỉ có thể có đối với du học sinh giàu có.
Tác giả chỉ có một bài hát Thiên Thai (để được mang tên là ông Thiên Thai) khiến tôi phải suy nghĩ và ngậm ngùi. Câu chuyện hai chàng Lưu, Nguyễn nhập Thiên Thai và nhất định trở về trần thế là biểu hiện cho tình yêu quê hương vô cùng có ý nghĩa của người xưa. Mặc dù ở chốn Thiên Thai có trăm nghìn điều hạnh phúc sung sướng song tình yêu quê hương vẫn và yếu tố quyết định cho sự rời bỏ chốn Thiên Thai. Ngoài điệu nhạc, lời thơ quyến rủ, sự gợi nhớ tình yêu quê hương vẫn bàng bạc trong bài hát Thiên Thai.Khi lòng nhớ quê hương chợt đến thì miệng ta lại thốt ra điệu nhạc Thiên Thai. Cho nên tôi có thể hiểu được bài hát Thiên Thai đi đôi với cuộc đời nhà thơ triều mến như thế nào. Hát để lòng luôn nhớ về quê cha đất tổ và cũng để nhắc nhở bạn bè đồng nhớ đến quê hương.
Đọc những đoạn cây cối trồng bên đàng, tôi thấy thích thú vì những cảnh trí này có thể đem áp dụng cho đất nước ta. Những khoảng cách làm trống hai bên đường giúp cho du khách thưởng ngoạn khung cảnh hai bên đường: một cánh đồng trải rộng, một mặt hồ nước trong, một con suối lượn giữa đồng cỏ xanh tươi v.v...
Đọc đến doạn hai vị giáo sư tôi thấy tình tương trợ của các nhà khoa học đồi với du học sinh thật là rộng rải. Chỉ cần có tài năng là có đưộc sự gúp đở tận tình của ông thầy đáng kính.
Sự sinh hoạt của sinh viên nội trú cũng khiến cho các du học sinh tương lai rút được kinh nghiệm để hoà nhập vào sinh hoạt cộng đồng đủ các dân tộc.
Bạn bè của tác giả có những người mang những đặc điểm riêng tư và sắc thái riêng biệt.
Và cuối cùng, tất cả đều qui tụ làm sáng tỏ mối tình giữa Thiện và Thanh Trúc. Mối tình đi chậm rải từ tình bạn đơn sơ rồi khắng khít và tình yêu chợt thoảng đến trong chiếc hôn nhẹ nhàng để lòng của hai người chợt nhận ra là mình đã yêu. Ôi nụ hôn đầu tiên cho mối tình đẹp đẽ này quả là "Nụ Hôn Đầu" của mối tình Thanh Trúc và Thiện.
Thạnh Lộc, Tphố HCM, 7.7.2007 
Quách Tùng Phong
Hai Bài Thơ Có Chung Một Tâm Tưởng
Chúng tôi ba người, thân nhau từ năm học lớp đệ tứ, niên khóa 1955- 1956 tại trường Tư thục Kim Yến Nha Trang. Những ngày nghỉ hè chúng tôi thường tụ nhau về Thuận Hòa, quê hương của Triều Phương, sống giữa vườn cây đầy bóng mát và hoa quả. Ngan ngát mùi hoa cau và hương trầu. Ngoài vườn quê xanh đẹp, chúng tôi còn nhận được một tình thương đằm thắm của mẹ Triều Phương. Đó là người mẹ chung cho ba chúng tôi. Sau khi chúng tôi vào Đại học thì Triều Phương đi du học và chúng tôi dù cách xa song vẫn liên lạc thường xuyên với nhau.
Năm 2001 Triều Phương về Việt Nam, chúng tôi có nhiều ngày làm việc chung. Có những chuyến đi xa, có những buổi thảo luận thơ văn bên bờ biển Nha Trang, trên tầng lầu Thuận Hòa và ngay khi cùng nhau đi trên xe hỏa. Cũng trong một chuyến đi Bình Định, tràn đầy thú vị thì được tin mẹ ốm nặng. Và chỉ một mình Trúc Như về kịp còn tôi và Triều Phương về muộn một ngày. Mẹ mất vào ngày mồng 4 tháng tư năm Tân Tỵ. Ngày làm tuần đầu gần đúng vào ngày lễ Phật Đản năm 2001.
Khuya ngày 14 âm lịch, Trúc Như tụng kinh trên lầu, tôi và Triều Phương ngồi nơi mái hiên trước nhà lặng lẽ nghe kinh và lắng lòng vào cảnh vật yên tịnh. Trăng 14 đã xế tà. Bầu trời xanh cao rộng. Từ cuối thôn vẳng đến tiếng gà gáy sáng. Tâm tư đang buồn bỗng nhiên tiếng gà làm thức tĩnh tâm hồn. Ngẩng mặt nhìn vầng trăng nghiêng xế nơi chân trời, lòng tôi dâng tràn cảm xúc. Tâm hồn hoàn toàn tĩnh lặng. Tấm thân như bay bỗng lên cao. Xao xuyến vì tiếng gà, nồng ấm vì ánh trăng và bát ngát vì bầu trời xanh cao rộng. Rồi bầu trời kia hồng lên vì ánh trăng hay hồng lên vì mặt trời sắp mọc. Có lẽ cả hai và như vậy thì không còn có sự phân chia giữa ngày và đêm, giữa cái chết và sự sống nữa. Lòng hoàn toàn thư thái an nhiên. Mặt trăng kia chìm lặn nơi cuối trời không để mất mà để đem đến sự hồng tươi và niềm an lạc cho tâm tôi. Vì thế nên tuy gió ban mai không thổi mà trời tự nhiên thoảng mát, đưa hồn tôi lâng lâng bay cao vào khung trời xanh bao la đầy hương nhẹ của buổi mai nguyên thủy.
Trăng không còn thấy nữa nhưng tiếng gà gáy sáng vẫn âm vang. Lòng chợt ngộ ra là mẹ đã mất song tình vẫn còn mãi mãi trong cảnh trí, trong màu xanh bích của cỏ cây, của ngôi vườn thân yêu đã được mẹ chăm nom nhiều năm tháng.
Cảnh sáng ban mai này khiến lòng tôi yên thắm và tôi cảm nhận được lời kinh đầy tình thương và ấm áp của Trúc Như. Tôi hiểu được rằng khi lòng ta thanh thản thì lời kinh cầu như được sáng tỏ thêm lên và ân tình tràn ắp trong giọng đọc dễ truyền cảm xúc đến tận lòng người. Vì vậy nên tôi như được tan hòa vào vũ trụ cùng với lời kinh. Và sự mất còn không là vấn đề bận tâm nữa... Cảm ơn buổi bình minh ngày rằm tháng tư năm Tân Tỵ ấy và bài thơ Ban Mai An Lành tuy không xuất sắc song mỗi khi đọc lại, lòng tôi cảm nhận thấu suốt được cuộc đời có nhiều phút yên lành và trong những phút giây yên lành đó nếu tình cờ ta nhận được thì ta sẽ hạnh phúc biết là dường nào.
Bài thơ thứ nhất là bài thơ của tôi làm vào dịp vào Phan Rang để làm tuần cho thân mẫu của nhà thơ Lê Triều Phương.
Ban Mai An Lành. 
Tặng Tâm, Châu.
Có vầng trăng mười bốn
Vang tiếng gà bình minh
Một bầu trời ửng sáng
Rạng rỡ ánh thanh bình.
Một vầng trăng mười bốn
Chìm tận cuối chân trời
Hồng tươi niềm an lạc
Cho lòng thêm thảnh thơi
Gió không thổi mà mát
Hồn không nâng mà cao
Tình lắng trong rạt rào
Hương trời mai bát ngát .
Trăng mười bốn đã khuất
Thanh thản trong tiếng gà
Mẹ già đã đi xa
Vườn xưa xanh biếc ngọc
Lòng con dâng lên mẹ
Lời kinh sớm nguyện cầu
Khói hương lan nhè nhẹ
Ấm từng tiếng từng câu
Trời xanh hương cũng xanh
Ban mai đầy an lành
Trăng tan hòa vũ trụ
Lòng thấm nhập lời kinh.
Quách Tùng Phong
Sau đây là lời của Triều Phương:
Ngay sau khi sáng tác xong bài thơ, Tùng Phong đưa cho tôi xem.
Trong không gian ấm áp lời kinh do Trúc Như tụng, trong sự an lành ngự trị nơi nơi, bài thơ của Tùng Phong đã truyền vào tâm tôi bao cảm xúc mạnh mẽ. Những vần thơ về cuộc ra đi của mẹ lại thầm lặng tuôn trào. Tôi để cho những vần thơ lắng xuống, thả lòng vào ánh trăng đang giao hòa cùng ánh hồng của mặt trời đang lên và để nó bay theo tiếng gà tỏa rộng khắp không gian. Tôi quyết tâm lấy vần bài thơ của Quách Tùng Phong làm chuẩn, sắp xếp lại ý thơ của mình cho phù hợp theo đó và viết lên giấy. Sau khi nhận được bản in bài Ban Mai An Lành của Quách Tùng Phong, tôi lại ghi bài thơ của tôi vào bản in ấy.
Và bài thơ thứ hai:
Ban Mai An Lành
Tặng Châu, Giao.
Một vầng trăng mười bốn
Mát thôn xóm bình minh
Non xa trời ửng sáng
Lòng con nở an lành
Có vầng trăng mười bốn
Đưa mẹ về cõi trời
Hoa đưa hương an lạc
Mưa diệu pháp nơi nơi.
Mẹ về cõi tươi mát
Lòng thênh thang trời cao
Hương trầm tỏa ngạt ngào
Theo gió lành bát ngát.
Trăng mười bốn chìm khuất
Thôn xóm vang tiếng gà
Bóng mẹ già khuất xa
Vườn trầu cau biếc ngọc
Lời kinh Từ tiễn mẹ
Lay ánh sao nhiệm mầu
Ngân lá cành nhè nhẹ
Vang vang suối khe sâu.
Một bầu trời ngát xanh
Tiếng niệm Phật an lành
Thấm cỏ cây vũ trụ
Nhuộm cõi đời tử sinh.
- Năm 2007, nhân chuyến về Việt Nam dưỡng bệnh, tôi mang theo một xấp thơ viết trên giấy tạp với ý định chép lại cho dễ đọc. Tại bệnh viện Pháp Việt tọa lạc nơi khu Phú Mỹ Hưng, tôi phát hiện hai bài thơ của chúng tôi được xếp chung với những bài khác ngay sáng sớm ngày mà Quách Tùng Phong và Trúc Như đến thăm tôi. Bệnh viện rộng và thoáng. Ba chúng tôi lại ngồi bên nhau trong không gian tĩnh mịch của phòng bệnh.
Tôi đưa ra cho hai bạn xem trang giấy có ghi hai bài thơ cùng một nhan đề: Ban Mai An Lành. Hai bài thơ làm vào ngày 6 tháng 6 năm 2001 tức ngày rằm tháng 4 năm Tân Tỵ. Phật lịch 2545). Cả ba đều sửng sốt vì ngày hôm nay cũng là ngày rằm tháng tư năm Đinh Hợi, ngày Phật Đản năm 2551. Tùng Phong có định viết một bài bình cho hai bài thơ Ban mai an lành. Tôi rất hân hoan nhường cho Tùng Phong công việc này.
Lê Triều Phương
Lời Bình
"Hai bài thơ đều bỏ vần như nhau. Nội dung có nhiều khác biệt song lại bổ túc cho nhau, tinh ý mới nhận ra. Nhìn chung thì đây là hai bài thơ họa vận về một buổi ban mai an lành. Nếu đem so sánh từng khổ một chúng ta mới nhận thấy đây tuy là hai bài thơ họa vận cùng một đề tài song nội dung có phần khác biệt.
Trong khổ đầu, cả hai bài thơ cùng chung một vầng trăng mười bốn song bài thơ I "có vầng trăng" còn bài thơ II lại "một vầng trăng", "Có" là khẳng định còn "một" là duy nhất. Cả hai ý đều tách biệt nhau để rồi nơi khổ thứ hai lại hoán vị cho nhau. Khổ đầu bài I đi từ cảnh gần đến cảnh xa để nói lên tâm tình man mác rộng theo cùng không gian. Khổ đầu bài II lại đi từ xa đến gần để nói đến lòng của mình trước non xa và trời ửng sáng. Từ cảnh quan đến nội tâm.
Khổ thứ hai của bài thơ thứ II bổ túc thêm cho khổ hai bài thơ thứ I vì trăng tiễn mẹ cho "hồng tươi niềm an lạc". Hoa hương, diệu pháp góp thêm phần thảnh thơi cho khắp cả bầu trời.
Khổ thơ thứ III của bài thứ II đã giải thích vì sao:
"Gió không thổi mà mát"
"Hồn không nâng mà cao"
là vì đã có Mẹ, có sự hiện diện của tình thương.
Khổ thơ thứ IV của hai bài thơ hoàn toàn đi song song cùng nhau như đôi bạn nắm tay nhau đi trong vườn hạnh phúc.
Đến khổ thơ thứ V thì dường như hai người bạn này rời tay nhau ra để cùng cúi mình xuống hái những đóa hoa tư tưởng. Một bên thì để lời kinh thấm vào lòng. Một bên thì đưa câu kinh vang vọng ra xa:
Ngân lá cành nhè nhẹ
Vang vang suối khe sâu.

Và đến khổ thơ cuối cùng thì ta lại thấy họ lại tay trong tay cùng thấm hòa vào vũ trụ.
Một buổi chiều trong bệnh viện, một buổi chiều tràn đầy vui sống hạnh phúc đến bên ta như một buổi bình minh có vấng trăng mười bốn có tiếng gà rộn rã và an lạc thấm vào tim cùng hòa nhịp với lời kinh cầu nguyện.
An lạc, cầu xin đến cho khắp mọi người.
Từ hai bài thơ Ban Mai An Lành có một bài thơ thứ ba của Quách Tùng Phong ra đời:
Canh Gà Khuya Ấy
Mẹ có ba người con trai
Một ở phương trời xa
Lòng bao giờ cũng bùi ngùi thương nhớ
Một ở bên giường hôm sớm chăm lo
Một ở cách xa nhưng vẫn thường về thăm viếng
Ngày mẹ mất
Một người con có mặt
Còn cả hai về đủ trước khi chôn
Con là ba nhưng chung một tâm hồn
Yêu mến mẹ.
Buổi bình minh
Một người con tụng kinh
Còn hai người ngồi lặng thinh nơi hiên vắng
Ngắm nhìn vầng trăng lặng
Trăng hạ tuần
Lòng thoáng nhẹ bâng khuâng
Vẳng tiếng gà xa
Bàng bạc trăng tà
Chợt thấy tâm hồn xao xuyến
Cuộc đời này
Đã bao lần như nguyện?!
Mà chỉ canh gà khuya ấy
Vẫn còn đồng vọng mãi trong tim
Phật Đản ngày rằm tháng tư năm Đinh Hợi 
31 tháng 5 năm 2007 
Quách Tùng Phong
Ba Chúng Ta Tắm Sông Thuông
Ngâm mình nước ấm sông Thuông
Bốn mươi năm lẻ tình vương bến này
Hỏi chi ai tỉnh ai say
Ta lo kỳ cọ bụi dày tấm thân
Tóc huyền rồi tóc hoa râm
Gội dòng trong mát ngâm xanh biển trời
Hôm nay trời đã cuối hạ mà Nha Trang vẫn còn nóng bức. Nhớ đến bạn và quê hương của bạn. Nhớ quê bạn với nhiều kỷ niệm thuở còn là học sinh. Có biết bao là mảnh lòng. Nơi ấy có một dòng sông. Kỷ niệm về một dòng sông nơi quê hương nào cũng nao nao niềm thương nhớ. Nhưng quê hương bạn lại có một dòng sông gây nhung nhớ cho bạn và cho những người bạn của bạn. Đó là con sông Thuông. Chắc chắn là tên con sông Thuông không có trên bản đồ của tỉnh Ninh Thuận. Thôn Thuận Hòa duy nhất chỉ có bến Thuông là bến trầu nơi quê hương bạn. Những vườn trầu của thôn Thuận Hòa nằm sát mé sông, mỗi buổi sáng thuyền ghé lại chở trầu xuôi về Phan Rang bán cho bạn hàng. Bến trầu có tên gọi là bến Thuông.
Bạn bè của bạn thấy tên bến Thuông đẹp và thơ mộng nên gọi luôn con sông này là sông Thuông. Thật ra nó có tên trên sách vở là con sông Dinh. Thường ở tỉnh nào có dinh của phủ huyện đóng bên bờ sông thì gọi tên con sông đó là sông Dinh (con sông có dinh phủ huyện đóng trên bờ) Phan Rang có con sông Dinh, Khánh Hòa cũng có con sông Dinh ở Ninh Hòa vì xưa kia trên bờ sông có dinh Bình Khang đóng. Rất nhiều nơi có tên sông Dinh.
Cho nên chỉ có trong lòng chúng ta là có con sông Thuông, con sông của tình bạn bè thuở còn là học sinh.
Gọi con sông Thuông là con sông tình bạn vì con sông này có một bến Thuông mang nặng nghĩa tình, thơm vị trầu xanh mới hái và kỷ niệm xanh ngát mùa hè. Gọi mùa hè vì dòng sông này đã tắm mát chúng tôi vào các mùa hè nghĩ học cùng nhau từ Nha Trang về bến sông Thuông để được trần truồng cùng nhau tắm mát dưới dòng sồng không sâu song cũng đủ cho nước ngập lên đến nách. Từ Nha Trang chúng tôi đáp xe hỏa, mang theo xe đạp, xuống ga Tháp Chàm rồi đi tiếp xe đạp đến bến sông cùng nhau lôi qua bến Thuông rồi vào nhà bạn.
Tôi còn nhớ những buổi lội sông, nước không sâu và cũng không cạn nên để tránh sự ướt áo quần chúng tôi đều cởi hết quần áo rồi vác xe đạp lên vai lội tồng ngồng qua sông cười nói vui vẻ dù bên bờ sông có các cô thôn nữ đang ngồi rửa trầu hay giặt áo quần.
Một đôi khi có bạn gái cùng học đi theo chơi, chúng tôi vẫn cứ tự nhiên lội qua trước và để cho ban gái tùy tiện lội sang sau. Chúng tôi lại bày mưu cho các chị cách tránh ướt áo quần và tự nhiên về thẳng nhà bạn sau dãy tre rậm ven sông. Tuổi thơ hồn nhiên và hạnh phúc như thế đấy.
Năm vừa rồi chị Minh Châu từ Mỹ về thăm Việt Nam có nghe tôi nhắc lại câu chuyện lội sông của mấy chị, chị bèn cười nói:
- Xạo hoài, khi đó bọn mình cứ để nguyên quần áo mà lội rồi vào nhà mượn quần áo của chị Mỹ Linh, chị anh Tâm, mà thay. Bây giờ bọn mình là bà nội bà ngoại rồi, nhắc đến thời tuổi trẻ thật là vui, thật là hạnh phúc.
"Tóc huyền rồi tóc hoa râm" chắc chắn là Lê Văn Tâm nói đến các bạn gái rồi vì bạn trai đâu có ai có tóc huyền đâu?
Về chơi ở thôn Thuận Hòa ngoài cảnh trí thiên nhiên trên mảnh vườn trầu có đầy đủ trái cây như chuối, ổi, mãng cầu, sa bô chê, mít, xoài v,v... chúng tôi còn được thưởng thức mùi vị thơm dẽo và ngọt của bắp luộc Thuận Hòa. Bắp Ninh Thuận nổi tiếng khắp nơi vì có vị ngọt, hương thơm và rất dẻo. Nhiều khi vườn không còn bắp chúng tôi lại phải chở nhau đi xuống tận Phan Rang mua bắp tươi về nấu để thưởng thức vị bắp dẻo thơm của bến sông Thuông.
Ngoài việc ăn uống vui chơi khắp xóm khắp làng, chúng tôi còn được tắm trên dòng sông quê hương của bạn. Nước sông Thuông không bao giờ cạn dù mùa hè nắng hạn vì nguồn nước xuất phát từ cao nguyên Đà Lạt. Nước sông trong trẻo và dịu mát vô ngần. Chúng tôi thường nói đùa nước sông mát là vì ngọn nguồn từ xứ lạnh trôi về.
Buổi trưa, dưới ánh nắng rực rỡ và gay gắt của xứ Phan Rang (nơi có nhiệt độ nóng nhất và ít mưa nhất nước) việc tắm sông Thuông là một công việc quí báu nhất của con người sống trong nắng gió. Gió thổi cát bay trên bãi cát trên sông, gió cũng làm mát thêm khi ta dầm mình trong lòng sông mát.
Buổi chiều tuy gió thổi nhiều song nhờ nước ấm nên có thích thú riêng. Chỉ cần ngâm mình trong đòng nước, chúng tôi kỳ cọ lưng cho nhau để cùng nói những chuyện tâm tình, thầm kín khỏi sợ người chung quanh nghe lén. Dòng sông thân tình trôi êm và câu chuyện như được lắng chìm xuống lòng sông lặng lẽ. Chúng tôi giống như những người lớn tuổi tắm sông để cảm nhận để hưởng thụ những mật ngọt, hương thơm của quê hương dâng tặng. Chúng tôi không bao giờ tắm sông vào buổi sáng vì có nhiều cô gái ngồi nơi bến chờ ghe đến chở trầu xuống Phan Rang.
Tắm trên dòng sông Thuông tuy dầm thân trong nước ngọt mà lòng như ngâm trong hương tình của biển thắm Nha Trang. Nha Trang và Thuận Hòa đối với chúng tôi tuy hai mà một. Cùng một vòm trời và cùng một tâm tình.
Quê hương chúng ta trải rộng được nối kết nhờ những mảnh tình yêu và kỷ niệm của thuở thiếu thời. Cho nên bình bài thơ "Ba chúng ta cùng tắm sông Thuông" của Lê Triều Phương mà tôi chỉ nhắc đến các kỷ niêm lúc còn là học sinh của ba chúng mình.
Bài thơ đã đưa chúng mình về lại với quá khứ, như giúp chúng ta có lại những cảm giác tắm trên sông Thuông, vui đùa dưới vòm lá xanh tươi nơi vườn trầu vườn trái cây ngon ngọt. Những ngày xưa thân ái, những ngày xưa chúng ta có chung một mẹ luôn luôn chăm sóc miếng ăn giấc ngủ cho con và bạn của con. Tâm ơi! Châu ơi! và các bạn thuở cùng học chung ở trường Kim Yến, các bạn có cảm nhận được con sông Thuông vẫn chảy mãi trong lòng chúng ta trong cuộc đời đầy bận rộn riêng tư khiến chúng ta đã quên nhau vì xa cách.
Quách Tùng Phong
Nha Trang ngày 30/2/2008 
Quách Giao
Theo http://chimviet.free.fr/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tình yêu của biển

Tình yêu của biển Thì ra biển cũng bạc lòng say đắm/ nhuộm đen khuôn hình, trắng tấm sắt son/ một vũng gió buộc vào sâu mắt bão/ buồm căng...