Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2018

Họa mi ơi! mãi mãi là chú chim tự do giữa bầu trời

Họa mi ơi! mãi mãi là 
chú chim tự do giữa bầu trời
Chiều thu, nắng trải vàng con đường, ngồi trên xe khách về quê, Hằng thấy lòng bồi hồi khó tả. Ôi quê hương! Hằng yêu biết bao con đường ngoằn ngoèo, uốn lượn giữa màu xanh ngút ngàn của những rừng cây, thi thoảng điểm sắc vàng của nương ngô, nương lúa. 
Là sinh viên trường Sư phạm Hà Nội năm thứ ba, nhưng chưa bao giờ Hằng nguôi nhớ quê. Cô biết mình thuộc về nó, cái thị trấn Bằng Hà chạy dọc quốc lộ 3, lọt giữa những dãy núi trập trùng, quanh năm mây trắng bảng lảng. Ở đó, Hằng đã lớn lên cùng lũ bạn của mình.
- Có ai xuống Bằng Hà không? Tiếng lái xe vang lên. Hằng giật mình ngơ ngác. Đến nhà rồi ? Cô chợt nhận ra xe đang chạy chầm chậm trên đường vào thị trấn. - Chú cho cháu xuống chỗ hàng bánh cuốn cuối chợ nhé!
Trời đã xế chiều, vầng mặt trời đỏ ối, chỉ còn cách đỉnh núi Phja Chang một cây sào. Cô nhanh nhẹn rẽ vào con ngõ nhỏ.
- Úi, chị Hằng! Mẹ ơi chị Hằng về! Thằng Tuân chạy từ trong nhà ra, tíu tít gọi và đưa tay đỡ túi đồ cho chị. - Mẹ ở ngoài vườn phải không? Hằng chưa kịp uống nước, đã vội hỏi em, vừa hỏi cô vừa chạy ra phía sau nhà. Bà Ban đang hái rau, ngẩng lên, nhìn con trìu mến. Hằng sà vào vườn. Vườn rau xanh non khiến Hằng thích thú. Mới hôm nào, chị em Hằng cuốc xới cho mẹ gieo hạt, giờ cải đã xanh um, lá to bằng bàn tay. Giống cải chín tháng này có vị hơi đắng mà lại ngọt, mát. Sát bờ rào là mấy cây ớt sừng trâu, quả chín đỏ chen quả xanh lúc lỉu. Luống rau thơm mơn mởn với húng quế, húng chó, mùi tàu. Cải bắp đang khum lá chuẩn bị cuộn... Hai mẹ con hái đầy rổ rau, Hằng bưng vào nhà. Thằng Tuân bưng nước cho mẹ và chị rồi đong gạo thổi cơm. Hằng nhìn em, mừng thầm trong bụng. Em trai cô đã có vẻ chững chạc, một năm nữa thôi, cậu sẽ học xong phổ thông và thi đại học.

Cơm chín tới cũng là lúc ông San về. Làm nghề lái xe, chuyên chở vật liệu cho bà con trong thị trấn và các xóm lân cận, ông thỉnh thoảng về muộn vì nhu cầu của khách hàng. Hằng dọn cơm, bữa tối bà Ban “bồi dưỡng” con gái thật ngon.
Cơm tối xong, Tuân tót đi chơi. Hôm nay là ngày cuối tuần, cậu được phép đi chơi với bạn. Ông bà San ngồi nói chuyện với con gái về chuyến thực tế sắp tới của Hằng. Sau một tuần nữa, lớp sinh viên năm thứ ba của Hằng sẽ đi Huế. Với kinh nghiệm của một cựu quân nhân từng sống xa nhà nhiều năm, ông San dặn dò con gái tỉ mỉ cách giao tiếp với người xứ lạ, cách tự biết chăm sóc bản thân mình trên đường dài, rồi thuốc men, nước uống... Hằng chăm chú nghe dù cô biết bố mình lo xa quá, Hằng đi có bạn, có thầy chứ đâu có đi một mình!
Đêm khuya, Hằng thức giấc bởi tiếng gì phành phạch ngắt quãng, cứ lặp đi lặp lại ngoài hiên nhà. Hằng trở dậy, nhẹ nhàng mở cửa bước ra. Dưới ánh sáng của bóng đèn tuýp nhỏ, cô nhìn rõ chiếc lồng chim treo dưới hiên nhà chao đảo. Chú họa mi trong lồng đang nhao nhác bay từ góc nọ sang góc kia tìm chỗ ra ngoài. Đây là con chim mà người anh họ của Hằng ở trên Bản Kéo mang biếu. Nó hót rất hay. Và nó là con chim gọi bầy. Tiếng hót lảnh lót mỗi sớm mai của nó kéo theo tiếng hót của các con chim lồng trong thị trấn tạo nên âm thanh thật vui tai. Bố Hằng rất quý con họa mi. Sáng nào ông cũng tiếp thức ăn, nước uống, làm vệ sinh chuồng cho nó. Nhưng khổ nỗi, con chim nhỏ không quen được lối sống tù túng, Hằng đã nhiều lần chứng kiến sự vẫy vùng tội nghiệp của nó. Ban đầu cô nghĩ rồi nó sẽ quen, được nuôi nấng tử tế, chú chim thật may mắn và sẽ yên phận cất tiếng hót trong chiếc lồng rất đẹp này. Nhưng đêm nay, nhìn nó vẫy vùng tuyệt vọng, Hằng chợt hiểu loài chim yêu tự do này không thể thích nghi với lồng son. Chỗ của nó là bầu trời xanh, là mênh mông rừng núi, là gió nguồn, nước suối, khí trời... Trái tim nhân hậu của cô se lại trước sự hoảng loạn của con vật nhỏ bé. Mọi sinh vật đều có quyền sinh tồn mà tạo hóa đã ban tặng cho chúng. Hằng đứng lặng suy ngẫm, rồi bước lại phía lồng chim, bắc ghế trèo lên và nhẹ nhàng rút chốt cửa lồng... Họa mi bỗng đứng yên như dò xét. Hằng thủ thỉ: Tao thả mày đấy, hãy bay đi, về nơi mày muốn. Tao và mọi người sẽ rất nhớ mày, họa mi yêu ạ! Chú chim nhìn ra phía cửa lồng, đứng im một lúc lâu rồi vụt bay ra. Nhưng, nó không bay ra ngoài mà lại lao vào trong nhà. Nó bay từng quãng ngắn, rồi bước vài bước một, cứ vậy loanh quanh khắp phòng khách nhà Hằng. Nó cuồng chân chăng hay nó quyến luyến chủ không nỡ đi? Nó không đi cũng tốt, có nghĩa là nó chấp nhận cảnh chim lồng. Hằng cũng đỡ phải khó xử với cha và em. Cô khép cửa, leo lên giường, thiếp đi trong nỗi băn khoăn thắc thỏm về chú họa mi.

Tiếng chim ríu ran gọi Hằng thức giấc. Trời đã lờ mờ sáng. Chợt nhớ họa mi, Hằng vội mở cửa buồng bước ra. Ngoài phòng khách, con chim nhỏ đậu trên thành ghế. Thấy Hằng bước tới, nó xòe cánh bay là là vòng quanh phòng khách rồi vụt bay lên ô thông khí trên cửa nhà, nó đứng đó một lúc rồi vỗ cánh bay đi. Hằng vội mở cửa. Con chim lượn một vòng quanh sân như chào từ biệt, rồi lao thẳng lên không trung. Hằng đứng lặng, bâng khuâng nhìn theo cái bóng nhỏ nhoi xa dần. Cô cảm nhận những hành động của nó như một sự quyến luyến, báo ân. Họa mi ơi! Mày hãy sống bình yên nhé.
Tuân hốt hoảng khi thấy con họa mi biến mất. Nghe Hằng kể lại chuyện thả chim, nó rân rấn nước mắt. Ông San ngỡ ngàng nhìn con gái, không nói gì. Bà Ban nói với Tuân: Chị con làm thế cũng phải! Mẹ thấy không nên bắt nhốt chim, con nhìn đàn chích chòe kia xem, chúng sống vui vẻ thế cơ mà! Tuân đưa mắt theo tay mẹ chỉ. Trên cây nhãn ngoài sân, một đàn chích chòe đang chuyền cành,  ríu ríu gọi nhau. Lòng nó nhẹ dần.
Sau hai ngày nghỉ, Hằng trở lại trường. Hằng khoác chiếc túi du lịch, bên cạnh là Tuân khệ nệ ôm cái làn nhựa đựng đầy đồ ăn. Tuân học ca chiều nên được mẹ “ủy nhiệm” đưa chị Hằng ra bến xe. Cậu luôn tự hào về chị gái mình, một sinh viên khoa Văn duyên dáng luôn yêu quý và chiều chuộng em. Hai chị em vừa ra khỏi ngõ, một tốp ba người đàn ông tay xách lồng chim, vai vác lỉnh kỉnh những cái bẫy đi ngang qua trước mặt. Trong mỗi chiếc lồng, vài ba con chim đang nhảy loạn xạ. Tuân nói với chị: Họ đi bẫy chim đấy! Không biết con họa mi nhà mình có thoát được không? Hằng sững người, ngực cô nhói đau. Một nỗi sợ hãi bỗng dâng lên, choán lấy tâm trí cô. Con chim họa mi cô thả đêm trước liệu có thoát được những cái bẫy hiểm ác không, khi mà nó đã sống trong lồng gần hai năm trời. Cô chợt ân hận. Để nó trong lồng, dù mất tự do cũng còn được bảo toàn tính mạng. Những đĩa chim nướng, chim quay trong các mâm cỗ cưới, nhà hàng bỗng vụt hiện lên, ám ảnh tâm trí cô. Làm sao phá được những cái bẫy kia? Làm sao để những người chuyên bẫy chim tìm việc khác mà làm, để yên cho những con chim hiền lành được tự do bay nhảy, tự do dâng tiếng hót trao tặng niềm vui và cảm giác bình yên cho con người? Làm sao để mỗi con người đều có ý thức tôn trọng thiên nhiên, tôn trọng muôn loài, trước hết là vì lợi ích thiết thực của chính loài người?
Chị em Hằng lặng lẽ chia tay nhau. Lòng hai đứa trĩu nặng, cùng hướng về hình ảnh con họa mi. Xe chuyển bánh, Hằng nhìn qua cửa kính, về phía rừng xanh xa tắp. Họa mi ơi! Hãy bay về nơi ấy, tránh xa những cái bẫy hiểm độc, để mãi mãi là chú chim tự do giữa bầu trời.              
Thu Bình
Theo http://baocaobang.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tình yêu của biển

Tình yêu của biển Thì ra biển cũng bạc lòng say đắm/ nhuộm đen khuôn hình, trắng tấm sắt son/ một vũng gió buộc vào sâu mắt bão/ buồm căng...