Thứ Hai, 31 tháng 12, 2018

Chiều An Ninh nhớ nhà thơ Liên Nam

Chiều An Ninh nhớ nhà thơ Liên Nam
Liên Nam là nhà thơ trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Ông đã xuất bản nhiều tập thơ, trong đó có nhiều bài được bạn đọc yêu mến và thuộc lòng. Nhân 100 ngày mất của nhà thơ, bài viết này xin được xem như một nén tâm hương thành kính tưởng nhớ ông.

Cố nhà thơ 
Liên Nam - Ảnh: T.L

Đến An Ninh vào những ngày tháng 6, đất trời như đang cháy hết mình cho mùa hạ. Trời xanh, biển xanh và những ghềnh đá vẫn nhấp nhô giữa trùng trùng sóng vỗ. Hình ảnh quen thuộc này gợi nhớ đến nhà thơ Liên Nam. Vậy là ông đã đi vào cõi vĩnh hằng khi chưa kịp bước sang tuổi 80. Nhà thơ bỏ lại trần gian quê nhà Hòa Trị, gia đình thương yêu tại Nha Trang và biết bao buồn vui, hơn thua, được mất... Chỉ còn lại những bài thơ của ông đi tiếp với cuộc đời.
Liên Nam có nhiều bài thơ, trong đó Chiều An Ninh là bài thơ được nhắc đến nhiều nhất và cũng được đánh giá là một trong những bài thơ hay của giai đoạn kháng chiến chống Mỹ. Bài thơ là dòng cảm xúc trào dâng trong sự chiêm nghiệm, suy ngẫm sâu sắc và tỉnh táo. Tứ thơ phóng khoáng, mạch thơ trôi chảy nhưng không bị sa vào lối phô diễn cảm xúc lan man mà vẫn giữ được sự khái quát, súc tích cần thiết. An Ninh (nay bao gồm xã An Ninh Tây và xã An Ninh Đông) là một vùng ven biển, qua bài thơ đã trở thành một địa chỉ đỏ trên bản đồ văn chương Việt Nam.
Bài thơ mở đầu bằng hình ảnh những ghềnh đá và sóng vỗ; rồi theo nhịp sóng biển dập duềnh, bức tranh chiều cứ loang dần: bãi cát dài, rừng dương, mặt trời, biển rộng, con thuyền đang về bến... Một bức tranh quê hương đẹp với đầy đủ các chi tiết, có chiều rộng, chiều cao, chiều sâu; có thiên nhiên và con người, vừa âm vang lại vừa tĩnh lặng. Điều đặc biệt là chúng ta cảm nhận được sự vận động liên tục, ngấm ngầm diễn ra suốt bài thơ như những con sóng cuồn cuộn từ ngoài khơi xa, bất ngờ đổ ập vào và trào dâng thành bão tố. Hàng loạt động từ, tính từ được sử dụng rất khéo ở từng câu thơ mà vẫn giữ được sự liên kết chặt chẽ trong toàn bài.
Chiều An Ninh những ghềnh đá nhấp nhô
Cát sải tới chân trời sóng vỗ
Những rừng dương reo gió
Mặt trời treo trên núi xa
Nghe tiếng em hò trên biển mặn
Kéo ghe về đậu bến quê ta
Tiếng hát bay quanh cột buồm gió đánh
Cột buồm gầy như dáng ông cha
Có những người em phiêu bạt
Trôi cánh buồm trên biển bao la
Nhưng sóng biển đập vào bờ vật vã
Gọi tên từ mỗi ngôi nhà
Và gọi tên từng con thuyền kiêu hãnh
Thuyền quay về giương hết cánh buồm ra
Gió giận nổi lên
Dừa xù lông nhím
Mía sột soạt lau gươm
Chiều An Ninh
Mỹ đến!.
Bên sông Bình Bá (xã An Ninh Tây,
 huyện Tuy An) - Ảnh: D.T.XUÂN
Nhà thơ Liên Nam tên thật là Đoàn Nam Phong, sinh ngày 8/6/1934, quê ở xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa, mất ngày 6/3/2012. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên.
Buổi chiều An Ninh trong miêu tả của Liên Nam không tàn dần theo bóng đêm mà như đang được neo giữ lại. Khi mặt trời đi một vòng từ đông sang tây, thực hiện gần xong chu kỳ của một ngày, "mặt trời treo trên núi xa" là lúc thuyền bắt đầu về bến. Đầu tiên là âm thanh đi trước; tiếng hò, tiếng hát lan trên biển rộng; rồi con thuyền rõ dần cùng tiếng hát, cột buồm nhô cao (cột buồm gầy như dáng ông cha) rồi tới cánh buồm với con thuyền. Sóng vỗ vào thuyền, vỗ vào bờ "vật vã". Sự dồn nén năng lượng khiến những câu thơ cuối ngắt nhịp với câu ngắn, mạnh làm nổi bật chủ đề ở hai chữ kết: "Mỹ đến"! Giông bão chính từ đây! Cả phần trên gồm 18 câu thơ hóa ra chỉ là phần nền, có trọng lượng ngang bằng với hai chữ của câu kết này. Giặc Mỹ đến, tất cả những gì bình yên thơ mộng của một làng quê đẹp đẽ trù phú đang đứng trước nguy cơ bị hủy diệt. Và giặc Mỹ sẽ gặp ngay sự đối kháng đầy "kiêu hãnh" từ những con người An Ninh, từ biển cả, cỏ cây; từ đất trời và lòng người.
Chiều An Ninh là một bài thơ được viết theo thể thơ tự do, phong cách rất hiện đại nhưng sự cô đọng của nó sánh ngang với những thi phẩm cổ điển khác.
An Ninh thuộc huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Tuy An là quê hương của nhà thơ Nguyễn Mỹ, của nhà thơ Thanh Quế, của nhà văn Võ Hồng… Tuy An có biển, có núi A Man, có sông Cái, chùa Đá Trắng, nhà thờ Mằng Lăng, thành An Thổ, đầm Ô Loan… Đến đây, người phương xa cũng có thể thấy quen quen, vì dường như đã đọc đâu đó hoặc nghe ai nói đâu đó! Văn chương nhiều khi rất phù du, ảo mộng nhưng đôi khi cũng có khả năng biến những thứ tưởng như rất giản dị, bình thường trở nên lấp lánh, đáng yêu. Liên Nam đã làm nhiều người mến vùng đất An Ninh của Tuy An hơn nhờ thơ.
Ngoài Chiều An Ninh, Liên Nam còn nhiều bài thơ hay khác như Trên đỉnh Chóp Chài, Gió nam, Rừng An Lĩnh những ngày… Người đọc thích những câu như:
"Đến mùa thổi ngọn gió nam
Là khi tôi bước bụi vàng theo chân
Nhưng khi tôi đã xa dần
Gió còn ở lại một phần trong tôi..."
(Gió nam, sáng tác năm 1963)
"Núi Chóp Chài cao vút
Bóng núi ngả trên lưng
Người con gái Tường Quang cấy lúa giữa đồng...
… Đồng đội cùng anh trườn lên đỉnh núi
Âm thầm mây trắng phả qua vai..."
(Trên đỉnh Chóp Chài, sáng tác năm 1969)
Liên Nam không thể níu giữ cuộc đời ở lại mãi. Ông như ngọn Gió nam rất đặc trưng của quê hương Phú Yên vừa thổi qua và đã "xa dần" nhưng "một phần" gió vẫn còn ở lại trong tâm hồn mọi người nhờ thơ!.
NGUYỄN THỊ THU TRANG
Theo http://baophuyen.com.vn/

1 nhận xét:

Tình yêu của biển

Tình yêu của biển Thì ra biển cũng bạc lòng say đắm/ nhuộm đen khuôn hình, trắng tấm sắt son/ một vũng gió buộc vào sâu mắt bão/ buồm căng...