Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2018

Nồng nàn hương hoa sữa

Nồng nàn hương hoa sữa
Khi những cơn gió mùa thu kéo về xao xác, mang theo cả cái lạnh ngậm một mùi hương nồng nàn thả vào màn sương. Đó là thời điểm mà những cây hoa sữa cũng bắt đầu trổ những cụm hoa trăng trắng, làm thổn thức cả mùa thu. Còn dãy phố, nơi có rặng hoa sữa lại chìm vào trong hoài niệm. Những cơn gió quyện với hương hoa sữa luôn làm tâm hồn mỗi người trở nên khoan khoái.
Không gì bằng đi giữa tiết trời se lạnh, đất trời ướp một mùi hoa sữa đặc trưng của mùa thu và thưởng thức một bắp ngô nướng hay một củ khoai lang của một quán cóc ven đường. Thật thư thái, rồi chầm chậm thả lòng mình lắng nghe tiếng lá rụng xào xạc dưới chân. Chỉ tưởng tượng đến viễn cảnh ấy thôi, dù lòng người có cằn cỗi bởi thời gian cũng hoài niệm để trẻ lại.
Mỗi người sống ở thành phố sẽ có những hoài niệm khác nhau. Thành phố Cao Bằng giờ đã đổi thay rất nhiều, khoác lên tấm áo mới hiện đại, trẻ trung và năng động hơn. Nhưng chẳng hiểu sao, tôi vẫn cứ luôn nhớ mãi về khung cửa sổ màu gỗ mun nhà bà nội. Giữa trung tâm thành phố ồn ào, náo nhiệt, ngôi nhà của bà nép mình trong một con ngõ nhỏ, giản dị mà cũng lại yên tĩnh hiếm hoi, tránh xa tiếng ồn ào, tấp nập. Thu về, từ ô cửa sổ hình bán nguyệt, mỗi lần ghé thăm nhà nội, tôi thường thả ánh mắt chạy dọc những hàng cây hoa sữa trải dài tưởng chừng vô tận. Hoa sữa báo hiệu sự xuất hiện của mình bằng một mùi hương thoảng đưa, rồi dần dần ngạt ngào phả ra khắp lối dài, ngõ hẹp. Chẳng ai bảo ai, vào thời khắc ấy, người ta tự biết rằng mùa thu đã tàn phai một nửa.  

Màu hoa sữa cũng bảng lảng như bao cách diễn đạt đa chiều về ý nghĩa mùi hương của nó. Cái thứ màu trắng mờ mờ pha chút xanh lơ lơ ấy chẳng có một tên gọi thật chuẩn xác, giàu sức gợi nào bằng cái màu hoa sữa. Loài hoa mà từ khi sinh ra đã trở nên đặc biệt đến lạ kì, đặc biệt từ màu sắc đến hương thơm. Đặc biệt cả trong tên gọi lẫn cách trổ bông vào chỉ một mùa. Đặc biệt vì luôn làm lòng người xốn xang, thổn thức và hoa sữa cũng trở nên đặc biệt khi đi vào tâm hồn mỗi người qua những dòng hồi ức đã chẳng thể gợi lại như xưa. Hoa sữa nở thành từng chùm, nhiều chùm hoa sữa kết lại với nhau làm cả phố dài bừng rộ tựa mây, bồng bềnh đó, rồi ưu tư ngay. Khi hoàng hôn buông xuống, sắc hoa tan cùng những tia nắng nhợt nhạt cuối ngày.
Bóng tối lan dần cũng là lúc hoa sữa bắt đầu dâng hương nồng nàn. Cảm xúc khi giữa tiết trời se lạnh của buổi đêm, một mình đi chầm chậm dưới vòm cây, dưới ánh đèn đường vàng nhạt, ngước nhìn cái tán tròn của cây sữa và mê đắm ngắm những chùm hoa xanh trắng như quả tú cầu bằng mây bông phơn phớt, những nụ hoa nhỏ xíu e ấp kề sát bên nhau.

Thân cây thì cao lớn, vỏ khô nứt nẻ, mốc thếch, xám xịt, thế mà hoa lại bé nhỏ, dịu hiền, mong manh. Cả không gian cứ ngào ngạt một mùi hương như mơ, như thực, vừa hăng hắc, vừa ngọt lịm, vừa nhức nhối, vừa êm đềm. Một cơn gió heo may vô tình thổi qua thế là những chấm hoa nho nhỏ bay bay từ trên cao xuống như những bông tuyết. Những chấm hoa rơi xuống dệt thành một tấm voan mịn màng choàng lên bờ cỏ ươn ướt sương chiều. Dãy phố bỗng trở nên cổ kính, lãng mạn và trầm mặc, đượm một vẻ ưu tư.
Chẳng có loài hoa nào mà lại đem đến nhiều xúc cảm và hồi ức như hoa sữa. Một loại hoa dung dị, dịu dàng chỉ nở độ chớm đông cuối thu, khi mà hầu hết những loại hoa khác đã ngả mình vàng úa. Hoa sữa chọn cho mình một nỗi ưu tư riêng để gửi vào tâm hồn mỗi người những con sóng hoài niệm. Để rồi như đã hẹn từ trước, cứ độ thời tiết mưa bụi và ẩm ướt, những chùm hoa sữa lại nở rộ như làm bừng sáng lên không gian ảm đạm của mùa thu. Thu thì chếnh choáng và chênh chao bởi nhạt màu của nắng và cỏ cây nhưng hoa sữa thì lại chẳng vậy, vẫn cứ nồng nàn và tỏa sắc.
Một sớm thu trong lành, hơi se se lạnh, lắng nghe từng làn gió nhẹ, xôn xao trên mặt nước làm rung động cả những cây sữa già. Thoảng nơi góc phố đầu ngõ, hương hoa sữa được ướp hương từ đêm qua cứ vấn vương mang hơi thở nồng nàn như gọi mời đầy da diết. 
Thủy Tiên
Theo http://baocaobang.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Thơ có cần thiết cho đời sống? 10 Tháng Ba, 2023 Trong kỷ nguyên nghe nhìn, thơ đang có khoảng cách với đời sống. Độc giả thèm khát nh...