Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2018

Thấy mình... như sương 3

Thấy mình... như sương 3
Tập thơ cuối đời
Cuối năm 2007 tập thơ Lê Triều Phương đã hoàn tất. Tôi vào thăm bạn và được bạn chấp thuận cho tôi và chị Bác sĩ Đoàn thị Gái (vợ bạn) in tập thơ Lê Triều Phương, mà trước đây bạn chỉ muốn cho ra đời sau khi bạn ra đi. Nhưng bạn muốn không đề là toàn tập vì bạn cho biết rằng còn một số thơ nữa hiện đang còn lưu lại trong các trang giấy nằm rãi rác trong các bản thảo bên nước Đức.
Về Nha Trang tôi bắt đầu biên tập Lê Triều Phương Thơ và viết lời giới thiệu:
Lời giới thiệu
Lê Triều Phương bước vào vườn thơ văn rất sớm. Nhà thơ đã sống trong môi trường văn học, được gần các bậc thầy như thi sĩ Quách Tấn, nhà văn Cung Giũ Nguyên, nhà triết học Thạch Trung Giả, nhà thơ đã học tập được nhiều điều bổ ích. Tuy nhiên vừa kịp bén lửa văn chương thì nhà thơ lại phải rời xa tổ quốc. Trong những ngày tháng sống xa quê hương, tình thơ vẫn ôm ấp trong lòng.
Sau ngày tổ quốc thống nhất, nhà thơ trở về với quê hương và duyên thơ lại có dịp bừng nở hòa chung tình cùng với bạn bè.
Năm 1994 tập thơ Sương Cỏ Sông Thuông ra đời. Sông Thuông là tên con sông quê hương chảy qua thôn Thuận Hòa nơi chào đời của nhà thơ.
Tình thơ hòa nhập với tâm hồn, lời thơ nhẹ nhàng đi sâu vào lòng người đọc. Là tập thơ đầu tay nên thơ mang nặng tính chất trong sáng của thời niên tráng, sống với tình mẹ, vườn trầu và sương cỏ sông Thuông. Một thời sống trong tình yêu nhẹ nhàng cùng "với nhìn" "cài hoa lên áo" "trắng bay" để rồi "xuân một mình" với "nẻo dài trông đợi" "ngậm ngùi" cô đơn bên "thềm xưa" với tâm trạng "trái khổ qua chín". Nhưng nhờ cuộc viễn du mà cuộc đời chuyển hướng để "xuân mở cửa lòng" và sống trọn vẹn trong quê hương với "Sương Cỏ Sông Thuông"
Năm 2000 nhà thơ Lê Triều Phương đã cùng hai người bạn thân ấn hành tập thơ Sân Mận. Nhan đề tập thơ lấy hứng nơi bài thơ Sân Mận của vị thầy là nhà thơ Quách Tấn
Thay cho lời tựa là bài Nhập Vào Sân Mận của Châu Phong Phương (là tên chung của ba người).
Sân Mận được nhà phê bình Người Sông Thương chú ý đặc biệt về tình yêu, có nhiều lời nhận xét. Trong Sân Mận có nhiều bài thơ lấy từ Sương Cỏ Sông Thuông vì hương thơ mang nhiều sắc thái riêng biệt của Lê Triều Phương và hợp với nội dung tập thơ.
Trong Sân Mận, Lê Triều Phương đã gói trọn tình bạn trong bài Một Nhịp Tương Tư:
Cũng như bài Ba Chúng Ta Cùng Tắm Sông Thuông.
Trong Sân Mận thơ của Lê Triều Phương vẫn giữ nguyên chất trong sáng của Sương Cỏ Sông Thuông:
Năm 2005 lại cùng với hai bạn ấn hành tập thơ mang tên là Gió Thơ Ngây. Tập thơ được một nhà giáo nữ viết lời giới thiệu.
Với Gió Thơ Ngây thơ Lê Triều Phương đã có nhiều thay đổi. Lời thơ uyển chuyển cùng "Buông Bóng Vô Thường", "Mẹ Thương Đi Rồi" và "Lòng Chẳng Tươi Son", tình thơ sâu lắng theo bài "Tặng Hoa", "Đóa Hoàng Cúc" và ý thơ lại thâm trầm trong "Sò Trên Non" và "Như Sương".
Có một điều đặc biệt là hai tập thơ làm chung, thơ của Lê Triều Phương chú trọng đến thể cách của thơ. Với Sân Mận thì Lê Triều Phương luôn luôn giữ cho mình thể thơ lục bát. Còn trong tập thơ Gió Thơ Ngây thì thơ của Lê Triều Phương lại chú trọng đến thể thơ ngũ ngôn nhiều hơn các thể thơ khác.
Cũng trong năm 2005 nhân một dịp lên thăm Hòn Đỏ ở Nha Trang, trước bình minh bao la, nhà thơ đã có bài thơ Bình Minh Trên Hòn Đỏ và đã tham dự vào việc dự trù quy hoạch lại cảnh quan trên đảo Hòn Đỏ, thiết trí về việc trồng cây vừa để bảo vệ đảo vừa để làm cho khu đảo trở thành một thắng cảnh tương xứng với trời biển bao la ấp ủ ngôi chùa Từ Tôn, vừa cổ vừa thanh tịnh trong rừng cây nhân tạo, giữa sóng nước thương man.
Đến năm 2006, năm chuyển biến của cuộc đời, nhà thơ Lê Triều Phương mang trọng bệnh. Có đôi lần thi nhân đứng bên bờ vực tử sinh. Tuy nhiên dòng thơ vẫn luôn dào dạt trong lòng và nguồn thơ là một liều thuốc làm êm dịu nỗi đau vật chất. Vì vậy tập Vần Thơ Tứ Tuyệt cùng viết với Quách Tùng Phong được ấn hành. Người viết tựa lại là nhà giáo Trần Thị Phong Hương.
Thể thơ và phong cách thơ trong tập thơ đặc biệt này đã biểu tượng cho một giai đoạn đặc trưng thơ Lê Triều Phương. Trong những giờ phút trầm lắng, trong những giờ phút cô đơn trên giường bệnh, thơ như lắng đọng lại để tích chứa một nội dung cô lắng. Nhà thơ đã nhớ về mẹ (Tiếng Mẹ, Thuận Hòa, Lời Ru Con) về thầy (Giọt Trăng, Ơn Thầy) về vợ (Thư Em Gởi, Thong Dong, Cõi Tịnh Thanh) và nhất là được nguồn đạo thấm sâu vào trong những vần thơ tứ tuyệt (Vô Thường, Phật Thờ Trong Tâm, Hương Thiền, Hoa Dâng Cúng, Lửa Hồng). Thế giới thiên nhiên trầm tư cùng thế giới nội tâm trầm lắng trong bốn câu thơ. Nhờ có vậy mà thi vị của thơ Lê Triều Phương như một chung trà đậm, ngát hương trong một buổi bình minh yên thắm, đủ giúp cho người đọc thưởng thức trọn vẹn mùa xuân trong cả bốn mùa.
Ngoài 4 tập thơ trên, Lê Triều Phương còn có một tập thơ rất đặc biệt, chưa xuất bản, có tên gọi Con Tim, Một Tinh Cầu Nho Nhỏ. Tập thơ là một dòng chảy thông suốt từ nguồn ra đến tận biển khơi. Thơ được thốt ra sau một cuộc giải phẫu tim và mê man trên gường bệnh trong nhiều ngày.
Tác giả không kể lại câu chuyện mổ tim mà chỉ ghi lại tất cả những cảm xúc về cuộc đời tha hương của mình, tình cảm với gia đình, với bạn bè khi nhà thơ đã đặt chân lên bờ vực tử sinh.
Những dòng thơ trong Con Tim, Một Tinh Cầu Nho Nhỏ chảy theo nhịp tim, hòa vào nhịp đời và thay đổi dồn dập theo từng tình huống riêng biệt. Từ lối ngắt câu, bỏ vần và cấu tạo hình ảnh trong thơ khiến cho người đọc ngỡ ngàng như đang được sống trong tình yêu sôi động và dào dạt trong những ý thơ chân thật, đằm thắm tình người:
lửng lơ
treo với sao trời
bồng bềnh
nương cánh bèo trôi xuôi dòng
hợp tan
nhẹ gót mây hồng
lại qua
nhập gió thong dong giữa vời
con tim mạch nghẽn nhất thời
hóa Tinh Cầu nhỏ sáng ngời kiêu sa
cười vang
rung chuyển Ngân hà
anicca
anatta
dukkha
chân thô
thề nguyện vượt qua vực đời...
Hiện tại có rất nhiều nhà thơ cố gắng đi tìm một thể thức mới, một diễn tả mới như thể thơ và dòng thơ trong tập Con Tim, Quả Tinh Cầu Nho Nhỏ. Muốn thực hiện được như vậy tôi thiết tưởng cần phải có một thực nghiệm hòa chung với một nội tâm và một tư duy sâu đậm mới đạt đến được thành công này.
Gần đây Lê Triều Phương cũng đi vào thơ Đường luật với những bài thơ đúng niêm luật và phảng phất hồn thơ của Tống, Đường. Lê Triều Phương cũng họa thơ nhưng khi họa đã nắm vững thi pháp, cho nên bài thơ họa đã nối liền mạch thơ cùng bài xướng. Tuy không chuyên về thơ Đường luật song các bài thơ làm theo luật Đường đã giúp cho chúng ta nhận chân được là Lê Triều Phương đã học được nơi vị thầy đáng kính của mình trọn đủ phép tắc để trình làng một bài thơ đúng niêm, đúng luật. Quan niệm của Lê Triều Phương là cần phải hiểu rõ, thông suốt về luật của thơ Đường cũng như phải vận dụng được thể thơ này thì mới có thẩm quyền bàn luận, phê bình thơ Đường luật.
Đầu năm 2007 nhà thơ Lê Triều Phương lại chuyển sang viết văn. Cuốn hồi ký Nụ Hôn Đầu được ấn hành. Đây là một thiên hồi ký về mối tình của vợ chồng nhà thơ trên đất khách quê người. Toàn tập dày trên 280 trang, đầy thi vị và sóng gió của một du học sinh nơi đất khách. Một mối tình rất đông phương, một tâm hồn thuần Việt lồng trong khung cảnh hữu tình của nước Đức có cảnh trí thiên nhiên rất diễm tuyệt. Trong toàn tập, tác giả đã trang trải thơ của mình lẫn cùng với cảnh trí quê người. Thơ trong tập dịu dàng với lời thơ như một nhạc đệm êm ái trong một cuốn phim tình ái nhẹ nhàng.
Giữa năm 2007 những trang giấy được xếp rải rác trong các hộc tủ, trong những cuốn sổ ghi chép và trong những bức thư gởi bạn còn lưu, người bạn đời của nhà thơ (bác sĩ Đoàn Thị Gái) đã góp nhặt đem về cho chồng để đọc trong những giờ phút nằm trên giường bệnh. Từ những bài bút ký, những bài thơ riêng rẻ này mà Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo trong số 34 ngày 1 tháng 6 năm 2007 đã có một mảng văn thơ giới thiệu:
Tiến sĩ Lê văn Tâm Giáo sư Đại học Goettingen, Đức, là nhà khoa học, như một nhân duyên được sắp đặt từ trước, Nhập Bồ Tát Hạnh - tác phẩm kinh điển của Phật giáo Tây Tạng đến với ông và đi vào xương tủy, tim gan ông một cách tự nhiên. Phật giáo là thế, khi đạo thể nhập đời sống, chính là đời sống thì không có ranh giới giữa nhà khoa học - lý trí và nghệ sĩ - cảm xúc. VHPG trích giới thiệu một phần trong ghi chép hằng ngày của vị giáo sư Phật tử này: Mặt Hồ Trầm Tư.
Và tác giả tạm đặt tên cho tập thơ là Cảm Ơn Đời.
Qua tập thơ chúng ta nhận chân được tâm hồn thơ của Lê Triều Phương rất phong phú. Thơ làm trong những giây phút tình cờ nhất lại chứa đựng những tình ý thâm trầm nhất. Nhiều bài nói đến trăng, biển và núi. Trăng tượng trưng cho tình yêu trong sáng và vĩnh hằng:
Núi non lặng yên
Hít sâu hương biển
Vầng trăng uyên nguyên
Biển tượng trưng cho bao la và huyền diệu:
Trời sao nghiêng mình
Lắng nghe sóng vỗ
Cung đàn huyền linh.
Nhà thơ thường đến rừng đi dạo. Chim hót. Suối reo. Bao nhiêu sầu đau trong lòng được trút nhẹ vào cảnh vật thiên nhiên. Rừng do đó cũng không yên vì thi nhân. Phiến đá, nơi nhà thơ thường đến ngồi, đã "quen hơi" nên rất cảm thông để cùng trầm tư về sự đời:
Góc rừng sâu khuất nẻo
Phiến đá ngồi trầm tư
Mỗi lần ta tái ngộ
Duyên trần còn xôn xao.
Đọc Cảm Ơn Đời ta như gặp gỡ một tâm hồn khác lạ trong những dòng thơ ngắn gọn mà lại chan chứa tình người. Thiên nhiên tỉnh lặng đã in bóng vào thơ, tạo những hình bóng tuy đơn sơ nhưng lại tràn đầy ý thơ đặc biệt:
Cọng cỏ nghiêng mình
Hiến giọt sương trong
Má hồ ửng hồng

(Tôn Vinh)
Những hình ảnh và ý thơ có sẳn ở thiên nhiên trong một buổi bình minh, trên mặt hồ hồng ửng nắng mai. Mọi người đều có thể bắt gặp nhưng chỉ có nhà thơ mới cảm xúc và lời thơ mới thốt nên vần.
Mọi sự sống trên đời đều có nhân duyên tạo ra và được hình thành nuôi dưỡng, tồn tại trong mạng lưới "nhân duyên sinh" cho nên khi thi nhân bất chợt nhìn ngắm hạt sương trên ngọn cỏ jungcus rơi trên mặt hồ lòng chợt ngộ ra ơn nghĩa mà con người đã thọ lãnh nơi thiên nhiên và người thơ muốn như cọng cỏ kia hiến dâng lại giọt sương cho hồ nước:
Cỏ nghiêng mình xuống
Buông hiến ngọc sương
Cúng dường hồ nước
Cúng dường vầng dương
Lặng yên vòng sóng
Hồng dịu muôn phương

(Cúng Dường)
Cảm ơn đời vì đời đã trao tặng cho ta quá nhiều ơn huệ. Cảm ơn đời vì trong đời gói trọn tất cả ơn cha nghĩa mẹ, công thầy và tình nghĩa vợ chồng, chị em, con cháu, bạn bè. Cảm ơn đời là biết ơn đời. Tập thơ hàm chứa sự giác ngộ về nhân duyên sinh mà người thơ đã may mắn thọ lãnh trong cuộc đời này.
Khi Lê Triều Phương về dưỡng bệnh ở Thạnh Lộc thôn, chúng tôi thường ở bên nhau. Vào ngày 13 tháng 12 tôi phải về Nha Trang dưỡng bệnh. Trong dịp lễ Giáng sinh 2007 tôi nhận được nơi Lê Triều Phương một tập thơ có tên là Hoa Thơ Trên Giường Bệnh. Khi ở gần nhau tôi chưa nghe Lê Triều Phương nói đến thi phẩm này. Mới cách xa nhau không đầy nửa tháng mà bạn tôi đã có một tập thơ cho cuối cuộc đời mình. Tôi đọc tập thơ suốt trong đêm Noel năm 2007, lòng rất cảm xúc và viết bài tựa cho tập thơ này.
Thơ trong Hoa Thơ Trên Giường Bệnh gồm ba phần: Một kỷ niệm cho mình, hai kỷ niệm trên nước Đức và ba là viết trên quê hương. Tập thơ có nhiều bài lẫn lộn thời gian và không gian. Có thể xem như là một dòng ký ức chập chờn trên mặt sóng hồi tưởng của nhà thơ đang trong cơn bệnh nguy nan. Những hình ảnh của vợ, bạn, con cháu xen lẫn vào những cảnh thiên nhiên của quê hương của thời thơ ấu, của thời tạm trú nơi đất khách quê người. Tình cảm tràn ngập trong thơ của Lê Triều Phương dù người đang ở nơi quê hương hay đất khách.
Đối với người vợ thân yêu, tình yêu bao giờ cũng mặn nồng và tha thiết. Trong kỷ niệm cho mình, thơ yêu tặng vợ hiền như "Hương Bưởi" "Đóa Hồng Tặng Em" "Bài Thơ Tặng Vợ" v.v... còn vương tràn cảnh tượng thiên nhiên nơi quê người để "Tặng Em" khi "Đi Thăm Vùng Harz". Cho nên khi phân vùng trong tập thơ tác giả chỉ phân ranh theo tâm tưởng còn tất cả tình và cảnh trong thơ là một khu rừng bát ngát hoa cỏ chen lẫn vào nhau. Hoa đã ngát hương bên bờ suối cũng như rực rỡ ven bờ rừng hay âm thầm trong sương tuyết. Tình yêu đối với người bạn trăm năm dạt dào bên xứ người vì "Em Là Hoa Đào Đó" trong khi "Em Hái Dâu" "Choàng Khăn Âm" và "Tặng Em Hoa Tuyết" để "Xin Lỗi". Trong những ngày cuối đời, tình yêu vợ chồng hòa nhịp trong sự chăm sóc chu đáo và tận tình của Thanh Trúc khiến nhà thơ Lê Triều Phương trao trọn vẹn sự cảm ơn vào trong những lời thơ đầm ấm:
Dịu mát lòng đóa hồng
Tình em nở trăng trong
Ngọc vang đại hòa tấu
Tôn vinh tình vĩnh hằng.

(Đóa Hồng Em Tặng)
Bài thơ còn có dòng tâm sự "Mỗi lần em ở cạnh anh. Lòng anh cảm thấy an lành tịnh không". Lời thơ, tình thơ chứa chan tình cảm nồng thắm .
Khi vợ có mặt luôn luôn bên cạnh chồng:
Chiến đấu từng giây phút
Cứu anh thoát khổ đau
Mắt dịu dàng trìu mến
Thầm thì kinh nguyện cầu
Thì nhà thơ đã:
Nhìn em không dám khóc
Muốn nói chẳng nên lời
Bởi vì người vợ đã quỳ gối nguyện cầu Phật, từng mỗi khắc giây trong cơn đau của chồng:
Đợi chi giờ khắc ra đi
Dâng tâm cúng Phật lạy quỳ muôn phương.
Đây là nét đẹp của tình yêu chồng vợ
Và phải chăng là lời thầm nhủ cuối cùng:
Dạt dào sóng gió đại dương
Mỏng manh thân phận vô thường ai bi
Vứt bỏ đi, vứt bỏ đi!
Đời nay chấm dứt! bận gì đời sau!
Và người thơ đã nhớ lại những kỷ niệm thân thương trong bài Hoa Anh Đào, Dưới Tán Rừng,, Em Hái Dâu, Tặng Em Hoa Tuyết, Choàng Khăn Âm, Hội Nhập v.v... để rồi có bài Sang Sông, Mưa Vòm Tre, Nguyện Yêu Em. Cuối cùng là bài Tặng Vợ:
Tặng em giọt nước mắt này
Không còn vị đắng vị cay cuộc đời
Trong veo nước ngọc tinh khôi
Tình yêu nồng thắm đất trời khắc ghi.

Tình bạn trong Hoa Trên Giường Bệnh tuy đơn sơ nhưng sâu đậm, tuy thơ không nhiều song cũng đủ để gói trọn tâm tình... Họ đến với nhau từ thuở còn là học sinh, mãi cho đến bây giờ tuy đã có cháu con, họ vẫn còn liên hệ bên nhau. Triều Phương không hề làm thơ ca tụng bạn nhưng hầu hết trong các tác phẩm của mình đều có "hơi hướng" của bạn mình, có bút tích của bạn mình. Trong bài Ba Viên Ngọc lời thơ giản đơn nhưng đậm đà tình yêu, tình bạn:
Sóng Phan Rang - Nha Trang
Ru đưa vào tim tôi
Ba viên ngọc óng trăng
Ôm tình bạn nguyên khôi.
Con sóng Phan Rang và Nha Trang ngàn năm vẫn còn đồng vọng như tình bạn giữa ba người bạn (có thêm một người bạn gái Phong Hương)
Nhà thơ còn có một người bạn dân tộc Đức đã về Việt Nam thăm khi nghe tin bạn đau. Tôi đã chứng kiến cảnh tượng một người đàn ông người nước ngoài khóc sùi sụt khi bước vào phòng bệnh thăm bạn và khóc nức nở khi chào bạn ra về. Những dòng thơ diễn tả tình cảnh chia ly này:
Nước mắt trào rưng rức
Giờ tái ngộ ôm nhau
Rồi nước mắt ràn rụa
Chia ly vẫy tay chào.
Tình cảm chân thật giữa con người với con người, dù là phương Đông hay phương Tây vẫn như nhau vẫn tràn đầy cảm xúc chân tình.
Lê Triều Phương còn ghi đậm hình bóng của một người cháu gái. Đó là Mỹ Linh (con gái đầu của Trúc Như) Lời thơ viết cho cháu rất chân tình, rất yêu thương làm rung động tấm lòng người đọc:
Cháu cũng là con cậu
Nói chi chuyện nghĩa tình
Hương vườn cau của Ngoại
Khiến vì nhau hy sinh.
Có thấu hiểu được hoàn cảnh gia đình của nhà thơ chúng ta mới yêu mến thâm sâu những ý tình giản đơn như thế. Khung vườn trời quê hương bát ngát thoang thoảng hương trầu, hương cau và hương kỷ niệm. Tính cảm của thơ Lê Triều Phương là như thế đấy.
Những bài thơ Tiếng Rừng, Không bờ Bến, Tóc Em, Hoa Tuyết, Rừng tuyết, Đồi Tuyết, Đi Thăm Vùng Han v.v... đều được ghi lại với tình cảm đậm đà thân thương, tuy là đất khách quê người. Thật đúng với câu thường nói của nhà thơ là "Nơi đâu cũng là quê hương".
Cho nên khi về sống ở một ngôi biệt thự tại một phường xa vắng ngoại thành Sài Gòn, nhà thơ đã hạnh phúc vô cùng khi nhà có vườn nhỏ nở hoa, cây trái rung rinh:
Xin chào chị Mâm Xôi
Xin chào anh Hoa Sứ
Tôi không là ong bướm
Chỉ làn sương ảo mờ
Cùng ngắm nắng ban sơ
Cuối mùa đông tuyệt diệu.
Lòng bao giờ cũng vẫn nhớ nhung về bến sông Thuông, vườn trầu Có thấu hiểu được hoàn cảnh gia đình của nhà thơ chúng ta mới yêu mến thâm sâu những ý tình giản đơn như thế. Khung vườn trời quê hương bát ngát thoang thoảng hương trầu, hương cau và hương kỷ niệm. Tính cảm của thơ Lê Triều Phương là như thế đấy.
Những bài thơ Tiếng Rừng, Không bờ Bến, Tóc Em, Hoa Tuyết, Rừng tuyết, Đồi Tuyết, Đi Thăm Vùng Han v.v.. đều được ghi lại với tình cảm đậm đà thân thương, tuy là đất khách quê người. Thật đúng với câu thường nói của nhà thơ là "Nơi đâu cũng là quê hương".
Cho nên khi về sống ở một ngôi biệt thự tại một phường xa vắng ngoại thành Sài Gòn, nhà thơ đã hạnh phúc vô cùng khi nhà có vườn nhỏ nở hoa, cây trái rung rinh,
Lòng bao giờ cũng vẫn nhớ nhung về bến sông Thuông/ Thuận Hòa:
Tơ trăng buông rụng ánh tà
Lòng sông trở mộng canh gà vang sương
Thôi còn giã biệt quê hương
Muôn sau hoa mãi nở đường tử sinh
Hai câu thơ sau vô cùng da diết tuy mang nặng ấn tích của vô thường song tấm lòng vẫn còn thao thức, vẫn còn nặng nghiệp tử sinh. Nhà thơ Quách Tấn cũng có câu:
Một mai ba tấc đất vùi
Trần gian gởi lại nụ cười cho hoa.
Triều Phương còn có những bài thơ riêng cho mình. Những bài thơ tâm tình này đã rung cảm chúng ta để cảm thấy được sức sống, sự vươn lên của nhà thơ và nhà thơ đã "cảm ơn đời" và đã đi vào nguồn Đạo một cách siêu nhiên, vô thường như một vị thiền sư ngộ đạo, một thi nhân bên ngưỡng cửa trời vô ưu.
Tập Hoa Thơ Trên Giường Bệnh là những dòng thơ trôi từ ký ức trở về với tưởng nhớ hôm nay. Những lời cảm ơn người tình trăm năm, những người bạn thân mến và những kỷ niệm xinh đẹp của hai quê hương vẫn sống mãi trong lòng. Hoa Trên Giường Bệnh là tấm lòng của người gần đất xa trời cho nên tràn đầy thương mến chân thật đến não lòng. Tuy nhiên sự yên tịnh vẫn tràn đầy trong toàn tập bỡi vì chính người thơ đã đạt đến sự giác ngộ về vô thường, sự tịnh thanh của thế giới như không:
Sương ngọc đơm cành trúc
Kết con thuyền hư không
Thong dong bờ bến mộng
Chờ đưa ta sang sông.

(Chờ Giờ Ra Đi)
Tập Hoa Thơ Trên Giường Bệnh âm ỉ trong lòng nhiều tháng năm và được viết ra trong những phút giây thức tỉnh sau cơn bệnh ngặt nghèo. Tuy nhiên đây là một tập thơ được nhà thơ trân trọng và chú tâm sửa chữa nhiều nhất. Chúng tôi đã trao đổi với nhau qua những lá thư điện tử, qua nhiều cuộc điện đàm để dứt bỏ những bài thơ không cần thiết cho tập thơ, những lời thơ chưa gói trọn tâm sự v.v...
Hôm nay, ngày đầu xuân Mậu Tý, tuy không được chào xuân cùng bạn nhưng ngồi đọc tập thơ Lê Triều Phương này, tôi tưởng như bạn tôi vẫn luôn luôn ngồi sát bên tôi để cùng nhau đón mừng xuân mới.
Xuân ngoài trời đẹp thắm cùng xuân trong lòng; xuân trong thơ tươi hòa cùng xuân vạn vật, đều là nguồn hạnh phúc đem lại sự an lành trong tâm hồn chúng tôi.
Nha Trang, ngày đầu xuân Mậu Tý. 
(7 tháng 2 năm 2008)
Quách Giao
Cuối tháng 2-2008 tôi có dự định cùng với vợ tôi vào thăm Lê Triều Phương nhân dịp anh vừa mới ra bệnh viện. Mọi việc đã sắp đặt nhưng đến giờ chót tôi cảm thấy không được khỏe mạnh nên chỉ một mình Phong Hương vào Sài Gòn một mình. Nhớ bạn vô cùng nhưng cứ nghĩ rằng trong chuyến đi này lỡ có chuyện không hay xãy ra thì mình không vui mà lòng bạn mình lại càng thêm áy náy.
Nhân dịp này tôi có một bài thơ gởi thăm bạn:
Thuở trước, cách xa
Khi nhớ nhau,
Ttình Thơ thường chan chứa
Nghe tin bạn về
Nghìn dặm tìm thăm.
Một thoáng hương cau, một giọt trăng rằm
Xao xuyến ngỡ hồn quê hương chứa đọng
Nắng hanh vàng
Long lanh trên đầu sóng
Tiếng thầm thì vọng tri kỷ trăm năm...
Hôm nay vẫn còn xuân
Bạn hiện đang ở gần
Mà không vào thăm được
Lòng càng thêm bâng khuâng
Gỡi một cành xuân theo cánh biếc

Gởi chút hương xuân còn đọng giữa trời xanh
Đọc "lời thưa Nhập Hạnh Bồ Tát"
Lòng bình yên
Mừng bạn được an lành.
Nghĩ đến ngày bạn tôi ra đi lòng tôi buồn vô hạn, tôi cố gắng gom tất cả thơ của bạn và quyết tâm hoàn tất một tuyển tập thơ cho bạn để xuất bản trước khi bạn từ giã cuộc đời. Sau những ngày ngồi bên máy vi tính tôi lại có ý muốn không làm tuyển tập mà gom tất cả thơ lại làm thành một bộ toàn tập. Trong những ngày cuối cùng tôi lại nhận được những bài thơ mới làm của bạn khi nằm trên giường bệnh (thật ra có những bài bạn đã nhớ lại những vần thơ đã làm thuở xa xưa khi còn nằm ở bệnh viện nước Đức).
Tháng 5 năm 2008 tập thơ in xong, từ nhà xuất bản Hội Nhà Văn Hà Nội gởi vào Nha Trang cho tôi, hai vợ chồng tôi vội mang vào Sài Gòn cho bạn. Gặp nhau bạn vui mừng vì bệnh thuyên giảm mà cũng mừng vì thấy mắt đứa con tinh thần của mình. Lê Triều Phương ngồi ký tên và đề tặng trên những tập thơ để gởi tặng các bạn thân ở xa. Ngoài ra, bạn Lê Triều Phương cũng đã ký tên lên tất cả các tập thơ còn lại với lời dặn dò là chưa cần phổ biến gấp mà chỉ để tặng cho các thân hữu đến phúng điếu trong ngày bạn ra đi thay cho lời cảm tạ của bạn. Chúng tôi đã thực hiện chu toàn lời di chúc này.
Di cảo còn lại
Trong tập hồi ký Nụ Hôn Đầu nơi Chương 33 Tái Bút Lê Triều Phương đã viết:
Ngay sau khi chấm dức thiên hồi ký này, tôi nhận được một tin vui bất ngờ: Thanh Trúc quyết định bỏ tất cả sự nghiệp và danh vọng đã xây dựng từ hơn 30 năm qua tại CHLB Đức để về sống chung và săn sóc tôi tại Việt Nam. Tôi vô cùng xúc động và hạnh phúc. Chân thành biết ơn Thanh Trúc như đã biết ơn trong những ngày lận đận trên đoạn đường tha phương đầy chông gai và gian khổ trên xứ người.
Sự chăm sóc tận tụy và chân tình của Thanh Trúc khiến cho chúng tôi nhiều khi ngồi riêng cùng nhau Lê Triều Phương đã vui vẻ nguyện là sẽ có dịp viết một thiên ký sự có đề tài là: Cảm Ơn Vợ. Tuy nhiên bệnh tình càng ngày càng nặng nên Lê Triều Phương không thể thực hiện lời nguyện kia vậy. Khi biên tập Thơ Lê Triều Phương tôi chưa đọc được những bài thơ sau đây:
Những vần thơ thương tặng hiền nội
Bình minh. Gió thổi nhẹ ráng hồng bay rực rỡ chân mây. Cỏ mịn như nhung xanh mướt lòng vườn. Những cánh hoa sứ phủ một lớp phấn mịn màng. Hình ảnh những cánh sứ ngày xưa bên cạnh nhà khách quốc tế của Trường Đại học Nông nghiệp I tại Gia Lâm, Hà Nội bỗng hiện về ảo diệu trong lòng tôi. Cũng lá lục đong đưa theo tiếng sẻ hát reo. Cũng ánh vàng càng rực rỡ lộng sâu tươi thắm lòng hoa. Thời gian không còn nữa:
Đong đưa hồn lá lục
Đọng ngọc tiếng chim vang
Nắng nở xòe cánh sứ
Lòng sâu lộng ánh vàng.
Mắt chỉ gặp toàn ráng mây, lá hoa, màu sắc. Nhưng ô hay, đâu là màu đất, màu huyền diệu của Quả Đất nuôi dưỡng sự sống muôn loài mà tôi tôn vinh? Trái tim tôi bỗng cảm rung xao xuyến. Và kia... Đất vẫn còn đó: đôi tay chắc nịch bồng ẵm núi sông. Tình nghĩa bao la huyền nhiệm của Đất ẩn tàng trong muôn màu muôn vẻ của trăm hoa. Thực thể của Đất đã trở thành chiêm bao hay hoa bướm là chiêm bao của Đất?
Cha Đất
Phố phường, rừng ruộng, núi sông
Giăng tay Cha Đất ẵm bồng nhẹ ru
Bao la tình nghĩa thẩm sâu
Dưỡng nuôi sự sống nghìn thu vững bền.
Tình Đất
Trăm hoa khiêu vũ bướm ong 
Xiêm y rực rỡ xoay vòng diễm trang 
Ẩn trong màu sắc huy hoàng 
Ảo huyền Tình Đất mơ màng chiêm bao... 

Thạnh Lộc, 05.06.2007
Tình nắng sớm
Nắng hửng đầu non óng ả sương
Cỏ hoa rực rỡ ánh kim cương
Hương cau ngan ngát mơn làn tóc
Sắc sứ thanh thanh đượm má hường
Dìu dặt cung đàn ngân áng mộng
Êm đềm nhịp phách điểm lòng thương
Nhìn nhau lặng lẽ tình sâu nặng
Nắng hửng trời thơ bát ngát hương.
Chiều nhung nhớ
Nhớ em cách biệt muôn trùng
Tơ lòng câm nín trông chừng ráng mây
Chập chờn cánh nhạn lẻ bay
Hoàng hôn xuống núi bóng ngày pha sương.
Êm đềm đất mẹ
Thềm sương ngắm vông rụng
Cánh đỏ rực chu sa
Gối mình lên cỏ mượt
Nghe gót vô thường qua
Ngày mai ta dứt nghiệp
Hoa sứ nở trắng ngà
Bạo bệnh buông ảo ảnh
Gối đất mẹ hiền hòa
Bên cạnh Em
Mưa tạnh 
Lòng tịnh yên 
Đôi giày mòn rách. 
Bạo bệnh khóa kín 
nẻo về tương lai 
Chỉ còn em 
Má áp vào ngực 
Mà mượt ánh trăng. 
Tay em xoa lằn sẹo mổ 
Nhức đau 
Ôi dịu dàng, đầm ấm 
Ôi trầm tư, lo âu. 
Lời cầu nguyện Quan Âm 
Từ bi cứu nạn 
Vang vang ngọc lưu ly 
Xuân đó đây ... 

Nép sát nhau 
Mắt sao mai 
Tóc hương cau 
Không còn đến đi 
Bên em 
Ngào ngạt ngọc lan!
Đêm trăng nhớ em
Lung linh cành trúc
Màu trăng nhớ nhung
Hương lan lãng đãng
Man mác nghìn trùng
Lòng anh
Nhớ em trời thẳm
U hoài tháng năm
Em là trăng sáng
Yêu em vĩnh hằng
Tròn nỗi nhớ
Rồi trăng khyết
Rồi trăng tròn
Đêm nhớ em
Dế nỉ non!
Nhớ Em 
Tặng Gái
Võng đưa kẻo kịt tiếng lòng 
Thương em hiu quạnh cô phòng đêm sương 
Tình non nghĩa biển vấn vương 
Hương cau thoang thoảng đêm trường bâng khuâng 

Đêm 14/6/07 lúc 3.40 g tại Thạnh Lộc.

Bên cạnh những bài thơ tặng vợ, tôi còn đọc được những vần thơ viết trên những tờ giấy bằng bút chì hay bằng bút nguyên tử. Tôi định sẽ có dịp giới thiệu các bài thơ này khi tái bản tập thơ Lê Triều Phương. Tuy nhiên tôi vẫn đưa vào tập bút ký này để lưu niệm.
Những Bài Thơ Cuối Cuộc Đời
Hoa bôn sôi nở
Hồng ý mắt say
Trăm nhánh sen trắng
Sự sống trả vay
Có gì tồn tại
Chẳng còn mộng mơ
Gởi tặng cha mẹ
Nghiệp lực tràn đầy
Đất trời muôn thuở
Nghiệp vẫn vần xoay
(19/11/2007) 
(Tỉnh lại sau cơn mê man)
Tiết Điệu Mùa Sang
Mùa thu chưa sang
Tình lá ngát xanh
Ta chờ ảo ảnh
Thu vẫn dịu dàng
Đông chẳng buồn đến
Không còn nợ xuân
Trời vẫn mát xanh
Ta đi thong dong
Lòng thoảng vô cùng.
Nghĩ mình lưu lạc
Bê bết trong phân
Ướt át nước tiểu
Mê man biết gì
Xin lỗi hộ lý
Đau bệnh biết chi
Tôi mê biết gì.
(11giờ ngày 19/11/2007)
Thần Chết
Tôi cũng biết không lắm chứ
Nước mắt rơi bằng vạn ánh sao trời
Tôi muốn được ôm trong vòng tay nồng thắm.
Trời đất thây những bàn tay nhân ái
Xin nguyện cầu tâm hồn được an như.

Đò Chiều
Năm bận sang sông lại trở về
Hỏi sao lão trượng vẫn dừng ghe
Rằng đêm sương chẳng buồn lơ lững
Rằng nghiệp còn vương vấn mãi quê
Mai này nghiệp cũ trỡ thành thơ
Ta vẫn chưa qua đến bến bờ
Một dãi sông xanh bờ bến quạnh
Ta nằm lơ lững giữa hư vô.
Ông lão nhìn ta cười dưới trăng
Trên giòng sông nước vẫn tâm hằng
Thế gian đi đến không màng bận
Con đò trôi giữa bến trăm năm.
Hương Đêm
Trăng dòng suối trong
Hương thu ruộng đồng
Diễm ảo!
Mênh mông...
Đâu Là Nguồn Cuội?
Long tong vách đá
Từng giọt nước rơi
Khe trôi róc rách
Nguồn cội không lời!
Nguồn Cội Nơi Đâu?
Trăng gởi ánh vàng
Nhập vào biển khơi
Nào ai là Mẹ?
Sâu thẳm không lời!

Trơ Trọi
Hư không
Rộng mở đường bay
Mây nào có biết có hay bến bờ...
Vẫn Như Như
Vầng trăng bao độ luân hồi
Dõi soi gót lạc dòng đời khói sương
Thoảng nghe rỉ rích bên đường
Vời trăng thiên cổ miên trường dế ca.
Lạc quan
Treo cành chiếc dép rách
Làm sao vượt sườn non
Đá gai tua chơm chởm?
Vui với chiếc đang còn!
Giây Phút Thừa.
Mái tóc em xỏa ấm bờ cát cũ
Môi chợt nồng hương vị đắng xa xưa
Tay xiết chặt mà lòng buông thỏng
Tim sắt se lỗi nhịp đập già nua
Ôi hơi thở muôn trùng sóng vỗ
Đâu còn hương kỳ diệu thanh xuân
Bến tình này đã là hư ảo
Làm sao thành hiện thực say sưa?
Hút Thở Bình Minh
Đớn đau đày đọa châu thân
Thoảng tan lẫn ánh trong ngần giọt sương
Hít vào trời đất ngát hương
Thở ra lồng lộng vầng dương huy hoàng.
Thạnh Lộc 15/6/07
Bờ kia sao không đến
Chở người thương ngồi nhớ
Đó chỉ là ảo ảnh
Của sương trăng ngập bờ
Chỉ khi nào tròn nghiệp
Ngươi ắt sẽ biết ngay
Giờ đưa ngươi thong dong
Trên dòng sông trôi vô định
Sen treo trên ánh trăng
Hương ngạt ngào ngan ngát
Hít vào một ánh trăng thanh
Thở ra cuồn cuộn thân tâm nhẹ nhàng.
Bên bờ sen rạng rở
In bóng dịu vầng trăng
Trời xanh xanh chót vót
Nghiệp ác còn xa xăm.
21/11/2007.
Lê Triều Phương
Tưởng niệm
Ngày vĩnh biệt bạn, đưa tiễn gồm những người thân trong gia đình và các bạn bằng hữu thân mến. Trước khi quan tài của bạn được đưa vào lò thiêu, tôi đã đọc những lời cuối cùng lúc 10 giờ ngày 15 tháng 6 năm 2008:
Bạn Lê VănTâm thân mến,
Trong giờ phút thiêng liêng này bạn sẽ vĩnh viễn xa cách chúng tôi.
Với nỗi lòng ngậm ngùi và đau xót chúng tôi kính chào vĩnh biệt bạn.
Lúc còn sống bạn đã gây dựng cho gia đình rạng rỡ và tình bạn đầy thân thương sâu đậm.
Với xã hội bạn đã đóng góp những nghiên cứu khoa học về môi trường và quy hoạch quang cảnh thiên nhiên.
Bạn đã để lại cho đời các tác phẩm văn chương giá trị.
Những ngày tháng cuối đời, một chứng bệnh nan y đã dày vò thân xác bạn và bạn đã dũng cảm khắc phục để sống một khoảng đời còn lại thật đầy đủ ý nghĩa.
Cuối cùng bạn đã thanh thản ra đi như một nhà hiền triết.
Trong một vài giờ nữa thân xác bạn sẽ trở về cùng tro bụi. Tuy nhiên tâm hồn bạn lại vĩnh viễn tồn tại trong cõi lòng thương nhớ của chúng tôi.
Thay mặt cho các thân bằng quyến hữu, tôi thành kính chúc bạn chóng về miền cực lạc.

Xin vĩnh biệt bạn.
Thạnh Lộc ngày 15 tháng 6 năm 2008.
Hai vợ chồng chúng tôi ở lại Sài Gòn cho đến ngày cúng thất đầu tiên của bạn. Bình tro hài cốt của bạn để tại chùa An Linh. Đêm đêm bạn nằm nghe kinh. Ngày làm thất chúng tôi không qua chùa được vì phải ở nhà phụ trách phần cúng cơm cho bạn. Cúng bạn thì ở đâu cũng được. Nếu ở nhà thì được gần gủi bạn trong thân tình hơn. Trong cảnh nhà vắng vẻ, bạn và chúng tôi vẫn không cảm thấy cô đơn vì trước sao sau vậy chúng tôi vẫn luôn luôn như có ở bên nhau.
Thắp nhang trên bàn thờ rồi đứng nhìn di ảnh bạn lòng tôi thấy vô cùng yên tỉnh. Nhìn tập thơ của bạn tôi lại nhớ đến bài thơ "Điếu Dương Khuê" của thi nhân Nguyễn Khuyến. Đây là một bài thơ ngũ ngôn trường thiên viết bằng Hán văn và chính tác giả dịch ra một bài thơ thể song thất lục bát có tựa đề: Khóc Dương Khuê. Chính bài thơ dịch này đã được hai chúng tôi học thuộc khi cùng nhau nằm nơi bãi biển Nha Trang năm học đệ tứ (1955-1956)
Đoạn đầu bài thơ chữ Hán như sau:
Dĩ hỹ Dương đại niên
Vân thụ tâm huyền huyền
Hồi ức đăng khoa nhật
Dữ công thần tịch liên
Tương kính thả tương ái
Tao phùng như túc duyên.
Và được cụ dịch như sau:
Bác Dương thôi đã thôi rồi
Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta
Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước
Lúc sớm khuya tôi bác cùng nhau
Kính yêu từ trước đến sau
Trong cơn gặp gỡ biết đâu duyên trời.
Đoạn cuối bài thơ:
Hữu tửu vị thùy mãi
Bất mãi phi vô tiền
Hữu thi vị thùy tả
Bất tả phi vô tiên
Trần Phồn tháp bất hạ
Bá Nha cầm diệc nhiên
Công ký khí dư khứ
Dư diệc bất công liên
Lão nhân khốc vô lệ
Hà tất cưỡng nhi liên.
Và dịch là:
Rượu ngon không có bạn hiền
Không mua không phải không tiền không mua
Câu thơ nghĩ đắng đo chẳng viết
Viết đưa ai ai biết mà đưa
Giường kia treo những hững hờ
Đàn kia muốn gãy ngẩn ngơ tiếng đàn
Bác chẳng ở dẫu van chẳng ở
Tôi tuy thương lấy nhớ làm thương
Tuổi già hạt lệ như sương
Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan.
Thuở trước đọc thơ chỉ cảm thấy cái hay bàng bạc trong thơ còn hôm nay lại cảm nhận được cái hay của bài thơ thấm hòa cùng với tâm trạng của mình.
Hai câu:
Bác Dương thôi đã thôi rồi
Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta
Như vượt lên trên hai câu Hán văn, bởi vì "thôi đã thôi rồi" và "ngậm ngùi lòng ta" gây quá nhiều cảm xúc vào lòng độc giả.
Rồi đến 2 câu:
Lão nhân khốc vô lệ
Hà tất cưỡng nhi liên
Cũng không gây cảm xúc bằng 2 câu:
Tuổi già hạt lệ như sương
Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan.
Thật vậy, thơ không chỉ nói mà cần diễn tả và gây cảm. Người già quả không còn lệ để khóc song lại ví hạt lệ như sương là có lệ song rất ít oi, mong manh. Cho nên không thể nào có được hai hàng lệ chứa chan được.
Hai bài thơ của nhà thơ Nguyễn Khuyến thật là chân và đạt.
Sau hôm đó chúng tôi về lại Nha Trang.
Ngày cúng thất thứ ba (21 ngày mất) chúng tôi làm lể tại nhà có những bạn bè thuở còn học trường Kim Yến (Đạo, Diệu Ái) và các bạn cùng trong giới văn thơ. Đứng chung quanh bàn thờ có hương linh hình ảnh, hoa, quả và tờ báo đăng một bài liên quan đến Lê Triều Phương mới vừa phát hành tại Nha Trang chúng tôi đồng cúi đầu tưởng niệm người bạn đã đi trước chúng tôi về nơi cực lạc.
Đồng thời lúc ấy tại nước Đức xa xôi chị Đoàn Thị Gái (vợ Lê Văn Tâm) cũng hương án hoa quả cúng thất cho chồng. Trên mảnh đất Viêt Nam tai 3 ngôi chùa An Linh, Từ Tôn và Thiên Tứ cũng đồng làm lể cầu siêu cho nhà thơ Lê Triều Phương.
Ngày cúng bảy thất (49 ngáy mất) tại chùa An Linh quận 11 thành phố Hồ Chí Minh buổi cúng thất được tổ chức rất long trọng và đông đảo chư vị hòa thượng tăng ni cùng đa số thân bằng quyến thuộc các nơi tập trung về tham dự. Ngày cầu siêu sớm hơn dự trù một ngày. Tuy nhiên nhờ có thông tin kịp thời nên thân nhân tham dự đều đông đủ.
Tại Nha Trang ngày cầu siêu vẫn giữ như ấn định (31-7 2008), có người bạn gái của chúng tôi hồi học trường Kim Yến, chị Tuyết Hoa, tháp tùng qua Hòn Đỏ, trước thăm viếng cảnh đẹp Nha Trang sau thắp cho anh Lê Triều Phương một nén nhang cúng bạn.
Trong tập Bút Ký Người Gánh Nắng của tôi, Lê Triều Phương đã viết lời Tựa: (Link: http://thuvienhoasen.org/
Viết thay lời Tựa
Trong cuốn Xứ Trầm Hương, nhà thơ Quách Tấn khi viết về chùa chiền ở Khánh Hòa đã có những nhận xét là Khánh Hòa có lẽ là tỉnh nhiều chùa hơn tất cả các tỉnh Miền Nam Trung Việt và chùa có mặt hầu hết trên khắp xã phường trong tỉnh. Các tổ khai sơn đều là người Việt, phần nhiều có sự nghiệp để lại cho đời.
Như chùa Linh Sơn tại thôn Hiền Lương huyện Vạn Ninh có ngài Hòa thượng Đại Bửu, pháp hiệu là Kim Cang Đại lão Tổ sư, lập chùa năm Cảnh Hưng thứ 22 (1761) và để lại câu chuyện ngồi tu thiền dưới cây Kén bên cạnh có một con hổ đến tìm nơi sinh nở, tự nhiên.
Tại huyện Ninh Hòa có Hòa thượng Liễu Đức, pháp hiệu Huệ Giáo, tổ khai sơn chùa Thiên Đức. Người đương thời gọi ngài là Hòa thượng Đò vì ngài đã ra công làm một cây cầu để dân làng sử dụng tránh đi đò nhiều phiền phức. Đồng thời ngài cũng ra công đào một cái giếng nước trên đồi cho dân trong vùng Bình Tây vốn là vùng gần biển và ruộng muối nên thiếu nước ngọt để uống. Nước giếng rất ngọt và không bao giờ cạn. Để nhớ ơn, nhân dân gọi giếng là Giếng Thảo. Sống với ngài còn có đôi cọp mun rất hiền từ với muôn loài.
Cũng tại huyện Ninh Hòa có chùa Thiên Sơn, tổ khai sơn là ngài Trừng Nghệ, hiệu Nhơn Sơn. Hòa thượng thường đi vân du vài ba tháng mới về chùa một lần, có khi về mà không vào chùa chỉ ngồi thiền ở cổng tam quan rồi lại ra đi. Việc ăn uống rất đơn sơ: chỉ một vốc cơm khô, một nắm lá cây cũng đủ một bữa. Khi mẹ mất, nhà sư đến ngồi thiền định bên mộ, giữa đất trời, suốt một năm tròn. Sau đó lại vào núi Chí Tôn ngồi kiết già rồi tịch trên tảng đá cao, người khô cứng như một gốc cây khô.
Tại Nha Trang, chùa Hải Đức có vị Đại sư Bích Không, pháp danh Trừng Đàn đậu Tú tài năm 1918, trải qua nhiều năm khó khăn cực nhọc mới khởi công xây dựng chùa trên Hòn Trại Thủy. Khởi công năm 1943 và hoàn tất năm 1945. Trước đó Đại sư phải bôn ba đi tìm khắp tỉnh để chọn địa điểm cho cảnh thiền môn vừa hợp với cảnh tu tâm dưỡng tánh của các bậc xuất gia, vừa tiện cho việc độ tha của hành nguyện đại thừa.
Tại Diên Khánh cũng có những ngôi chùa có rất nhiều kỳ tích đáng ghi, như chùa Vạn Thiện với câu chuyện của ngài Thiện Khoáng, chùa Thiên Lộc với sự tích Bà Sáu, chùa Linh Quang với chuyện ngài Nhơn Nguyện, xuất gia lúc 9 tuổi, hơi tối dạ, trước tu ở chùa Kim Long (Ninh Hòa) sau vào trụ trì và trùng tu chùa Linh Quang. Ngài chỉ ăn rau muống sống và ớt đúng vào giờ ngọ nên có tên gọi là Hòa thượng Rau.
Còn rất nhiều ngôi chùa có nhiều sự việc đáng cho khách tham quan lưu tâm mỗi khi đến thăm viếng.
Riêng tại Nha Trang, cận kề một danh thắng là Hòn Chồng, có Hòn Đỏ là một hòn đảo hoang vu đầy cỏ gai và đá tảng, không có nước và bóng cây. Đây là một hòn đảo chết. Tuy nhiên vào năm 1960 lại có một nhà sư tìm lên khai thác đảo để lập chùa.
Trải qua nhiều năm tháng, cặm cụi lao động một mình nhà sư này đã gầy dựng thành một hòn đảo có màu xanh và một ngôi chùa nhỏ nhoi ẩn mình trong cây lá. Đó là chùa Từ Tôn và người xây dựng là nhà sư Thích Viên Mãn.
Khi in cuốn Xứ Trầm Hương (năm 1969) nhà thơ Quách Tấn chưa biết đến ngôi chùa này. Viết tiếp theo thân phụ, ông Quách Giao muốn ghi lại những công lao của một vị sư đã âm thầm tạo dựng một ngôi chùa trên một hoang đảo.
Những sự việc đã xảy ra, những tâm tư của người trong cuộc đều do nhà sư Thích Viên Mãn kể lại.
Hòn Đỏ hiện nay là một danh thắng của thành phố Nha Trang, trên đảo lại có thêm một ngôi chùa được một vị sư dày công xây dựng. Phải có những giờ phút đứng giữa nắng, giữa khí nóng hừng hực của đá, chúng ta mới cảm nhận được nổi kham khổ của những tháng ngày lao động trên đảo và những gì ông Quách Giao ghi lại chỉ là những đường nét mong manh trong bức tranh thiên nhiên khắc nghiệt giữa trời bể thẳm xanh.
Cái nhan đề Người Gánh Nắng cũng chỉ đủ để gợi nên một chút trần ai, một niềm ý chí, trong cõi đời bao la bát ngát này.
Nha Trang, ngày 10 tháng 10 năm 2006 
Lê Triều Phương
Nhìn cảnh nhớ người. Dù biết rằng đời không có gì là vĩnh viễn khi mọi thứ đều vô thường. Song trước biển mênh mông, giữa màu xanh thắm, những ngọn sóng nhấp nhô, tất cả như không thay đổi, hình bóng của bạn như vẫn còn đâu đây. Gió biển khơi vẫn rầm rì bên vách đá, Hòn Đỏ vẫn lao xao sóng nước và chúng tôi vẫn còn đứng bên mép đá, vẫn ngồi dưới tàn cây xanh như chờ đợi bạn.
Bạn vẫn còn hiện diện trong lòng chúng tôi.
Bạn vẫn còn hiện hữu với trời mây biển cả.
Bầu trời trong xanh vắng lặng, mênh mông.
Tâm chúng tôi vô cùng an nhiên thanh tịnh.

Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Hòn Đỏ ngày 31 tháng 7 năm 2008 
(Ngày cúng 7 thất cho Lê Triều Phương)
Nha Trang ngày 30/2/2008 
Quách Giao
Theo http://chimviet.free.fr/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tình yêu của biển

Tình yêu của biển Thì ra biển cũng bạc lòng say đắm/ nhuộm đen khuôn hình, trắng tấm sắt son/ một vũng gió buộc vào sâu mắt bão/ buồm căng...